00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

(42:51)

(42:51) Một hôm có một người Phật tử giàu có đến xin Thầy dạy pháp môn tu thiền, Thầy khuyên bà ta hãy trở về tu thập thiện một thời gian rồi Thầy sẽ chỉ tiếp những phương pháp tọa thiền nhập định. Sau khi bà ta ra về, một thiền sinh trong Tu viện đến hỏi Thầy: “Bạch Thầy, vì sao bà ta đã giàu có đầy đủ tiện nghi xe hơi, nhà lầu mà Thầy còn dạy tu thập thiện”, Thầy đáp: “Sự giàu có của bà ta chỉ mới xuất phát từ tâm niệm hành vi bố thí, còn những việc làm thiện khác như không nói dối, không tà dâm, không sát sanh, không ác khẩu, không ly gián, không sân hận, v.v…​ Thì bà ta chưa tròn đủ, bà phải dọn mình sạch sẽ trong các pháp thiện rồi mới có thể bước những bước thăng xa hơn. Thập thiện chưa thuần thục thì tu thiền không tiến bộ mà còn rơi vào thiền tà.”

Thật vậy, đối với Thầy Ngũ Giới Thập Thiện là nền tảng vững chắc cho sự tu thiền sau này. Người ta không xét nét giữ mình trong Ngũ Giới Thập Thiện thì làm sao có đủ duyên lành, có hoàn cảnh thuận tiện để tiến tu, để nhiếp tâm.

(44:48) Thật vậy, một người cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bị mọi chướng duyên bức bách thì làm sao có thể tu thiền được. Tu thiền không khó, nhưng khó vì hoàn cảnh không thuận tiện và ngoại duyên chi phối, do đó phải lấy giới luật làm nền tảng.

Bởi vậy, trong kinh giới có dạy: “Đức hạnh là chiếc thuyền qua nước Phật”. Đức hạnh không có thì phước cũng không có, thì lòng người không yên như thuyền thủng bờ kia khó đến. Đức hạnh là thuốc hay thường chữa lành bệnh khổ của chúng sanh. Người không đức hạnh thì người ấy ắt hư thân mất nết, mọi người trong gia đình thiếu đức hạnh thì gia đình ấy ắt lộn xộn không yên như trong nhà tù; mọi người trong một nước mà không có đức hạnh thì nước ấy ắt người người hung tàn, không còn phong hóa kỷ cương gì nữa.

Đức hạnh là nền tảng vững chắc cho cá nhân con người, cho gia đình và cho xã hội. Thiếu nền tảng đạo đức con người trở nên hung ác, lúc nào cũng gặp khổ đau bất hạnh, gia đình thì không thuận, đất nước thì không yên, giặc giã, trộm cướp nổi lên khắp nơi.

(47:07) Còn những pháp môn tu thiền định nào không đặt trên nền tảng giới hạnh, coi thường giới luật và thiện nghiệp, dù mượn danh Phật tiếng Tổ, nó vẫn chỉ là lối thiền tà ngoại. Hãy đánh giá một người qua thập thiện, thập giới trước rồi sẽ đánh giá công phu thiền định của họ sau.

“Phật cao nhất xích Ma cao nhất trượng”, câu nói này cảnh giác cho tín đồ Phật giáo về sau. Thần thông của Ma rất giống thần thông của Phật, kiến giải của Ma rất giống trí tuệ của Phật, giống thì giống mà phải thì chẳng phải. Thế nên hạnh của Ma thì khác xa hạnh của Phật. Trí thức của thế gian không phải là trí tuệ chánh kiến của đạo Phật. Thế nên chúng ta vẫn thấy bao nhiêu kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, giáo sư mà vẫn say sưa tu thiền xuất hồn, thiền điển linh thiêng, tin ông giáo chủ này mê bà sư phụ nọ.

(49:09) Phật tử phải xem kinh điển của Phật dạy, để chiêm ngưỡng giới hạnh tuyệt vời của đạo Phật. Và thấy đức hạnh của Phật và các vị A La Hán thời nguyên thủy. Và để lấy đó làm mực thước để đánh giá những bậc tu hành hiện tại.

Dĩ nhiên chúng ta không thể đòi hỏi người đang tu hành có được tâm hạnh trọn vẹn như Phật, như Bồ Tát, A La Hán. Nhưng ít ra người này phải có tâm thiết tha hướng về giới hạnh, khất ngưỡng thiện pháp, cố gắng giữ gìn giới bổn, lấy đó làm mực thước nỗ lực tu hành. Họ không thể sống chung đụng quá nhiều với thế tục, không thể lộ rõ bản chất tham sân quá thô, không thể thiên về hình thức tế lễ quá đáng và cũng không nên mù quáng tu tập thiền tà.

(51:01) Sau khi đức Phật nhập diệt, một cư sĩ hỏi Tôn giả A Nan: “Bạch Tôn Giả, trước khi nhập diệt, đức Thế Tôn có giao quyền trưởng giáo lại cho một vị nào chăng?”.

Tôn giả A Nan đáp: “Này Cư sĩ, Thế Tôn không giao lại quyền trưởng giáo cho một ai hết, chỉ để lại giáo pháp và giới luật làm chỗ nương tựa cho người sau”. Nếu mọi người đều lấy giáo pháp và giới luật làm chỗ nương tựa, thì đạo Phật không đi lạc vào tà kiến và mê tín quá nhiều như hiện nay. Chính vì người ta đặt niềm tin cuồng nhiệt nơi một vị tổ sư nào đó mà quên đi giới luật và giáo pháp của Phật, nên đạo Phật bị phân hóa và biến thái dần dần, cho đến hôm nay thì dường như hình ảnh chơn chính, bình dị, thanh bần của đạo Phật thuở ban đầu khó thể tìm thấy nữa.

(52:58) Trên đường tu hành theo đạo Phật, chúng ta hãy dựng lại giới hạnh như là một nền tảng quan trọng trong Phật pháp. Những người cư sĩ tại gia có đủ phước duyên tu tập thiền định thì hãy lấy thập thiện, ngũ giới làm giới hạnh kiên cố cho sự tu hành và cuộc đời của mình, đừng tin một thứ thiền nào nếu nó không đề cao đức hạnh giới luật. Hơn nữa, xã hội loài người hôm nay đổ vỡ về đạo đức quá nhiều, chúng ta là những tu sĩ Phật giáo phải thấy bổn phận của mình, Bồ Tát hạnh, xây dựng lại nền đạo đức cho cuộc đời. Và nếu làm điều đó chúng ta phải hoàn chỉnh bản thân mình trong thập giới hạnh Sa di. Nơi bản thân mình đã đạt được những giới hạnh này, thì đó là một gương ảnh tốt cho mọi người thân của chúng ta xung quanh để soi tức là xã hội. Hành thập thiện là điều thiết yếu đem đến mọi tốt đẹp cho mọi cá nhân, cho xã hội và cho những ai muốn tiến xa trên đường giải thoát.

(55:12) Này các cư sĩ, bây giờ Thầy sẽ nói về thập thiện. Thập thiện, Mười Điều Lành được phân tích nơi hành vi thân, nơi lời nói miệng và nơi tâm tư ý như sau:

Hành vi nơi thân:

  1. Không sát sanh

  2. Không trộm cướp

  3. Không tà dâm

Lời nói nơi miệng:

  1. Không nói dối

  2. Không khoe khoang

  3. Không chia rẽ

  4. Không nói lời ác

Tác ý nơi ý nghĩ:

  1. Không tham lam

  2. Không sân hận

  3. Không tà trí kiến

Bấy giờ, chúng ta phân tích từng điều thiện trên đây để thấy giá trị lớn lao của nó.

Bấy giờ, Thầy nói về không sát sanh. Làm con người không ai không biết sợ đau khổ, bệnh tật và chết chóc. Đó là nỗi khắc khoải lo âu trong lòng người. Đó cũng là một sự trọng đại nhất của đời người, thường sống trong sự đau khổ bệnh tật và chết chóc nên con người đặt ra nhiều câu hỏi về con người.


Trích dẫn - Ghi chú - Copy