(42:57) Bây giờ từ cái Nhị Thiền này mà đi vào cái chỗ Tam Thiền, Tứ Thiền thì cũng phải nương vào cái hơi thở để mà khéo tác ý, để mà ly hỷ trú xả, để mà nhập Tam Thiền, để mà tịnh chỉ các hành, tịnh chỉ hơi thở để nhập Tứ Thiền. Thì đó là chúng ta có cái pháp để mà chúng ta dẫn cái tâm mình đi vào ở chỗ các cái định mà chúng ta muốn.
Bởi vì mình ước muốn cái đó mà, mình ước muốn cái hơi thở mình ngưng, thì mình phải dẫn cái tâm của mình đi vào cái chỗ nó ngưng chớ. Do đó mình phải có pháp hướng: ”Hơi thở phải tịnh chỉ!”. Do đó mình nhắc một lần chưa tịnh chỉ, hai lần ba lần, năm lần, mười lần nó tịnh chỉ.
Đó là cái pháp hướng của chúng ta. Nhưng mà mình phải ở trên cái Định Niệm Hơi Thở mà khéo tác ý. Ngoài cái hơi thở mà tác ý thì coi chừng tác ý sai đường, không có đúng. Cho nên nương vào hơi thở mà làm cái việc tu tập này thì nó không sai con đường.
Cho nên Thầy mới nói rằng Định Niệm Hơi Thở là một cái trợ pháp, là một cái trợ duyên cho tất cả các pháp để mà chúng ta tu. Chúng ta muốn nhập cái thiền nào thì nhờ cái hơi thở đó mà chúng ta nhập vào cái thiền đó.
“Do vậy này các thầy Tỳ Kheo, nếu các thầy ước muốn rằng vượt qua Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ một cách hoàn toàn, tôi sẽ chứng đạt và an trú Diệt Thọ Tưởng Định, thời Định Niệm Hơi Thở vô hơi thở ra cần phải khéo tác ý”
Do đó đến cái Diệt Thọ Tưởng Định mà chúng ta cũng cần phải dùng hơi thở.
Còn bên Thiền Tông, mới đầu thì nó không có pháp ức chế tâm được thì nó bắt đầu nó phải sổ tức: hít vô thở ra đếm một, hai, ba, bốn. Còn bên đây Phật dạy Định Niệm Hơi Thở đâu có sổ tức. Sổ tức là các pháp của Đại Thừa, các pháp của Tổ đặt ra chớ còn bên Nguyên Thủy thì Định Niệm Hơi Thở không có sổ tức, nghĩa là không có pháp sổ tức, mà không có pháp tùy tức nữa.
Mà cái Định Niệm Hơi Thở là nhắc cái hơi thở mà thôi, tác ý nhắc hơi thở tức là dùng pháp hướng mà nhắc hơi thở “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.”
Đó là cái nhắc như vậy, mà nếu mình kết hợp với cái tâm ước muốn gì, thì mình kết hợp thêm vào trong cái nhắc đó, thì mình sẽ đạt được cái ước muốn đó. Đó là mình tu theo cái pháp của Phật, là dạy mình có pháp hướng tâm để nhắc tâm mình đi vào.
(44:49) Đó thì đến cái Diệt Thọ Tưởng Định thì chúng ta cũng có cái đường lối chúng ta vào, còn bên Thiền Tông chúng ta thấy không có đường lối. Cho nên tới đây nhiều thiền sư không biết cách nào mà chúng ta nhập Diệt Thọ Tưởng Định để lại cái nhục thân cho đời sau, chưa biết cách, không biết cách tu.
Còn bây giờ đó, thì ở bên Nguyên Thủy chúng ta biết cách rất rõ ràng. Muốn nhập Diệt Thọ Tưởng Định chúng ta có đường đi, mà muốn nhập Tứ Thiền chúng ta cũng có biết cách tu nữa.
Còn hầu hết là một cái số người mà nói về thiền định này, thì hầu hết là họ triển khai không được cho nên họ không biết cách thức nào mà nhập Tứ Thiền, nhập Tam Thiền sao, họ chỉ nói những cái danh từ suông suông, thì họ chẳng biết cái gì hết. Tức là họ không có nắm được cái chỗ hành của các pháp này.
Diệt Thọ Tưởng Định cũng vậy, họ cũng chẳng biết cách hành cho nên họ không có làm sao được.
“Trong khi tu tập Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra như vậy, này các thầy Tỳ Kheo, trong khi làm cho sung mãn như vậy, vị ấy cảm giác lạc thọ. Vị ấy biết rõ thọ ấy là vô thường, vị ấy biết rõ, không có chấp trước thọ ấy, vị ấy biết rõ không có hoan duyệt thọ ấy.
Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy biết rõ thọ là vô thường, vị ấy biết rõ, không có chấp trước thọ ấy, vị ấy biết rõ, không có hoan duyệt thọ ấy.
Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy biết rõ thọ ấy là vô thường, vị ấy biết rõ, không có chấp trước thọ ấy, vị ấy biết rõ, không có hoan duyệt thọ ấy.”
Đó là cái câu Đức Phật nói. Khi mà chúng ta dùng cái Định Niệm Hơi Thở mà tu, để mà câu hữu, tức là kết hợp với các pháp khác, như bây giờ Định Niệm Hơi Thở kết hợp với Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, hay Định Niệm Hơi Thở kết hợp với Diệt Thọ Tưởng Định, thì chúng ta sẽ đạt được những cái đó.