00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

(43:05)

(43:05) Phật tử (chú Tâm): Mô Phật. Dạ kính bạch Thầy, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con kinh thư, kinh điển bây giờ thì rất là nhiều, thì kính bạch Thầy, Thầy hoan hỷ cho chúng con biết là những cái kinh nào là những lời gốc của Phật dạy? Thầy từ bi chỉ dạy?

Trưởng lão: Ừ, các con nên, người Việt của chúng ta thì nên đọc cái tạng kinh mà do Hòa Thượng Minh Châu dịch. Do Hòa Thượng Minh Châu Dịch. Nhưng mà trước khi muốn hiểu được cái nghĩa lý của tạng kinh Pali này, mà Hòa Thượng Minh Châu dịch thì mấy con phải đọc qua kinh sách của Thầy. Thầy mới giảng từ chữ, từ nghĩa, từ cái ý của từng câu ở trong kinh sách này. Thì mấy con mới đọc sách kinh Nguyên Thủy của Hòa Thượng Minh Châu dịch, thì mấy con rất dễ hiểu.

Còn không khéo mấy con đọc nhiều câu, mấy con không hiểu. Như đọc vô cái câu, cái bài kinh Lậu Hoặc, đức Phật nói có tác ý : “Có Như Lý Tác Ý thì lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt”. Thì như vậy mà nếu không đọc kinh sách Thầy thì câu này mấy con không biết cách nào mà tu hết. Ở trong kinh Lậu Hoặc nghĩa là dạy cho mình không còn lậu hoặc thì đức Phật dạy: “Có Như Lý Tác Ý thì lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt”. Câu dạy nó ngắn gọn như vậy thôi, nhưng mà mình sẽ không, khó, rất khó hiểu. Mặc dù trong kinh đó có giải thích, nhưng chữ “lậu hoặc” mấy con cũng thấy nếu mà không có người giải thích thì mấy con biết lậu hoặc là cái gì đây? Có phải không? Mà Như Lý Tác Ý là như sao? Các con không có hiểu danh từ này.

(44:35) Nhưng mà Hòa Thượng thì dịch như vậy, nhưng cái kinh nghiệm tu thì người ta biết Như Lý Tác Ý là phải từ cái ý thức của mình, như cái lý đạo mà tác ý ra. Như Lý Tác Ý tức là dẫn tâm vào đạo, mấy con có hiểu không? Mà lậu hoặc thì người ta nói cái sự đau khổ. Bây giờ tâm chúng tôi đang giận nè, đang tức giận, cho nên vì vậy đó là lậu hoặc. Vậy thì muốn hết tức giận này, chúng tôi phải làm sao? Đó làm sao? Thì phải như cái lý mà của Phật đã dạy đó, mình tác ý ra thì cái lậu hoặc này nó sẽ hết. Phải không? Cho nên có lậu hoặc thì tác ý thì lậu hoặc nó sẽ hết. Đức Phật nói vậy mà.

Vậy thì bây giờ tôi đang sân nè, thì mà tác ý mà làm sao cho cái tâm sân tôi hết? Thì vậy, mình theo cái câu mà đức Phật đã trạch pháp sẵn cho mình, đã chọn lựa sẵn cho mình rồi, thì do đó mình sẽ tác ý, phải không? “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra”. Rồi bắt đầu bây giờ hít vô, thở ra 5 hơi thở, 10 hơi thở. Rồi tác ý: “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra”. Hít vô thở ra chừng khoảng 5 hơi thở, 10 hơi thở, nhìn lại coi thấy cái tâm sân mình mất rồi. Bây giờ nó không còn sân như hồi nãy nữa, thì biết rằng cái câu tác ý đó nó giúp cho cái tâm sân của mình, nó không còn sân. Các con hiểu không?

Cho nên nó có những cái câu mà đức Phật đã viết sẵn cho chúng ta rồi, để giúp chúng ta. Thí dụ như bây giờ cái tâm của chúng ta đang có những cái niệm này, niệm kia khởi trong đầu chúng ta. Thì đức Phật dạy “An tịnh tâm hành, tôi biết tôi hít vô; An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Rồi mình hít vô thở ra. Nương hơi thở hít vô thở ra. Rồi một chút xíu mình tác ý nữa, rồi một chút xíu tác ý nữa. Cứ tác ý thì cái tâm lăng xăng, lộn xộn nó sẽ an ổn trở lại.

Cái thân của mình đau nhức thì đức Phật quán: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, thì cái thân của chúng ta sẽ không còn đau nhức nữa. Bây giờ hôn trầm, thùy miên thì đức Phật cũng cho, cũng viết sẵn cho mình một cái câu, một cái câu để cho mình đuổi hôn trầm, thùy miên: “Với tâm định tĩnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tĩnh tôi biết tôi thở ra”. Rồi hít vô, thở ra rồi tác ý. Hít vô, thở ra một hơi thở thì tâm chúng ta hết hôn trầm, thùy miên.

Đó là cách thức đuổi chướng ngại pháp ở trên thân của chúng ta mà đức Phật đã vạch sẵn cho chúng ta từng câu như vậy. Mà từng cái câu sẵn như vậy, đó gọi là Như Lý Tác Ý. Đó, mấy con hiểu nghĩa như vậy, mới biết áp dụng vào cái đời sống tu tập của chúng ta.

Cho nên mấy con đọc kinh sách Đại Thừa thì chỉ biết cầu khẩn. Mấy con thấy kinh gì của Đại Thừa là dạy chúng ta cầu khẩn, chứ không có dạy cách chúng ta tu. Cũng như kinh Kim Cang mấy con thấy dạy chúng ta: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Trời đất ơi! Trụ cái chỗ mà không có trụ thì tâm kia nó sẽ sanh ra. Đó mấy con thấy bây giờ không có chỗ nào trụ. Ngồi im lặng như thế này thì mới thấy được cái biết của chúng ta nó lặng lẽ, thì cái tâm kia nó sanh ra. Nhưng mà cái phương pháp để giữ nó thì không có. Cho nên cuối cùng thì biết đó mà làm không được. Các con thấy chưa? Cho nên cái phương pháp của Đại Thừa nó không rõ ràng.

(47:48) Còn trái lại thì đạo Phật dạy chúng ta để giữ gìn cái tâm bất động thì có pháp như lý, phải không? Mình tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi im lặng một chút xíu. Rồi tác ý nữa, im lặng một chút xíu tác ý nữa. Nó có phương pháp dẫn nó từng bước, từng bước, từng phút từng giây. Cho nên đến cuối cùng nó thuần thục thì nó được kéo dài ra. Còn kia không có pháp, tự mình phải lo xả, tự mình. Nhưng mà thực sự ra nỗ lực tu mà ráng thì có cái đối tượng thì bị ức chế, mà không có đối tượng thì tu không được, không vô. Cho nên, nhiều khi cái pháp nói thì lý luận thì rất hay, nhưng mà thực hành thì khó thực hành quá. Còn cái phương pháp của Phật thì người nào cũng có thể thực hành được, người nào cũng có thể làm được vì nó có phương pháp.

Cho nên, mấy con vừa rồi, có phật tử yêu cầu Thầy: “Kinh nào nên đọc?”. Thầy nói: “Kinh mà lợi ích nhất thì đầu tiên mấy con đọc Giới Luật Của Phật”. Mà giới luật của Phật dạy đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người, quá tuyệt vời. Bởi vì cái bộ sách đạo đức từ ở trong giới luật của Phật mà viết ra thành cái bộ sách đạo đức. Do đó mà mọi người đều được đọc những cái đạo đức. Ví dụ như: Về giới cấm sát sanh, không nên giết hại chúng sanh thì nói cái Đức Hiếu Sinh. Do đó mình mới tìm hiểu cái lòng thương yêu của con người như thế nào? Thế nào mà để không làm khổ mình, không làm khổ người? Từ đó chúng ta thông suốt. Thông suốt thì chúng ta sẽ thương yêu mà không làm khổ người khác, thì đó qua thực tế rồi chứ gì?

Thì đó là cách thức tu của đạo Phật để dạy chúng ta thấm nhuần từng cái hành động mà cuối cùng chúng ta được giải thoát, cuối cùng chúng ta được giải thoát. Sự tu tập có lợi ích như vậy đó, rất lớn như vậy đó. Cho nên trong cái sự tu tập của chúng ta thì nên đọc kinh sách Nguyên Thủy. Vì kinh sách Nguyên Thủy có nhiều bộ kinh chứ không phải là một bộ kinh: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tăng Chi Kinh, Tương Ưng Kinh. Đó, Thì mấy con phải đọc những bộ kinh này nó sẽ giúp cho mấy con. Cái nào mà không hiểu thì mấy con sẽ tìm một vị thầy, người ta có kinh nghiệm tu chứng, người ta giải thích nghĩa lý ở trong đó. Đức Phật dạy rất rõ ràng, cụ thể.

(49:57) Chứ đừng tìm những người mà Đại Thừa thì họ không giải thích được. Thì họ sẽ giải thích qua góc độ Đại Thừa, nó làm cho mấy con sai lệch cái nghĩa, cái nghĩa lý của nó. Ví dụ như cái Tâm, đức Phật nói cái Tâm Bất Động. Thì ở bên kinh sách Đại Thừa, nó sẽ dạy là cái Tâm Không, cái Tâm Không. Trí tuệ Bát Nhã mà, cái Tâm Không. Nhưng mà sự thật đức Phật muốn nói cái tâm bất động là người ta, nghĩa là người ta chửi mắng mình mà mình không giận hờn, không phiền não. Đó là tâm bất động chứ không phải không ngơ. Nó không phải là “Sắc tức thị Không, mà Không tức thị Sắc” đâu, nó không phải vậy. Cho nên, nó không phải là trí tuệ Bát Nhã mà nó là cái kiến thức, ý thức của chúng ta. Kiến thức, ý thức của chúng ta nhìn mọi vật mà nó thông suốt được cái đạo đức, cho nên nó không bị chướng ngại trong tâm nó. Đó là cái kiến thức, chứ không phải là cái trí tuệ gì cả, mình phải hiểu như vậy.

Cho nên đức Phật nói tri kiến giải thoát tức là ý thức giải thoát. Mà ý thức giải thoát thì phải học, phải tu, chứ không thể không học, không tu mà được. Đó mấy con thấy, mình có học mình mới hiểu, cái ý thức mà, mình phải có học. Cũng như một người mà một người còn nhỏ mà không đi học, bây giờ lớn lên thì kể như là không biết chữ, không đọc chữ được. Các con thấy không? Không học làm sao mà biết chữ được. Có học mới có đọc chữ, mới có biết chữ được. Đó thì mấy con thấy cái kiến thức của con người, cái ý thức của con người, nó phải học tập, nó mới có cái kiến thức của nó. Thì cái sự tu tập này nó cũng vậy, cũng phải học tập. Bây giờ mấy con còn có hỏi thêm gì Thầy nữa không?


Trích dẫn - Ghi chú - Copy