VẤN ĐẠO 22
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Sư Tuệ Tĩnh và sư Phước Nhẫn
Thời lượng: [48:49]
Thời gian: 2002
Tên cũ: 12A-PhapHuongTamNhapThienDinh-DocCuTuonTrao
Sư Phước Nhẫn: Thưa Thầy, lúc mà con ngồi Thiền, con chú tâm Chánh Niệm Tỉnh Giác hơi thở thường hay bị thất niệm hoặc tạp niệm nó xen vào. Rồi lúc con ngồi thư giãn, con để ý, lúc con thư giãn, ngồi thong thả thì con cũng theo dõi hơi thở, tạp niệm nó ít vô. Cái đó như thế nào thưa Thầy?
Trưởng lão: Tạp niệm phần nhiều là do những kiết sử, nó còn nhiều trói buộc, nó hay hiện ra. Cho nên khi mình tập trung mà căng nó, tức là ức chế nó thì nó bật ra dữ lắm. Còn mình ngồi mình thư giãn, thư giãn để nhẹ nhàng thì nó không bật ra.
Cho nên do chỗ đó mình mới biết rằng tâm của mình nó cần phải sống độc cư nhiều hơn. Phải tránh duyên, cắt duyên, từ đó nó mới ly ra, nó lìa ra được thì bắt đầu mình ngồi mình tập trung, nó mới vô. Còn bây giờ nếu mà tập trung, bắt đầu nó bung ra. Mình tập trung, mình ráng đừng cho niệm nó khởi thì nó lại bật ra nhiều.
Còn mình ngồi thư giãn, chơi thì nó lặng. Tức là mình biết nó là Ái kiết sử, kiết sử của mình, nó nhiều quá.
Sư Phước Nhẫn: Chắc tại mình già nên nó thâu vô nhiều.
Trưởng lão: Đúng rồi, cái đó mình huân tập trong cuộc đời mình nhiều. Nói chung là nó không phải trong một đời nay đâu, cái đó đã nhiều đời.
Tuổi mình lớn rồi thì nó huân trong cuộc đời mình quá nhiều, cho nên nó bật ra chuyện này đến chuyện khác.
Tuổi trẻ, nó còn trong trắng như tờ giấy thì mình tu nó dễ. Nhưng tâm nó chỉ có hướng ham muốn, chứ không biết gì hết, nó dễ, nó mau.
Có cái là nó thấy đời đẹp quá, nó không thấy khổ, khó tu ở chỗ đó.
Sư Phước Nhẫn: Mỗi cái nó khác. Tuổi nó khác. Con đi kinh hành đó Thầy, thỉnh thoảng con nhắc, con nhắc mình nhớ, chẳng hạn như là: "Tham Sân Si ly ra", nhưng mà mình ly ra, mình nhắc làm sao thưa Thầy. Mình nhắc ly ra để cho mình được Sơ Thiền hay là cho mình được độc cư trọn vẹn thưa Thầy. Khi mình thấy, cũng như con bây giờ, con thấy con chưa độc cư trọn vẹn nên mình nói để được độc cư trọn vẹn về tu viện ạ, thầy?
Trưởng lão: Không đúng. Làm vậy không hiệu quả. Bây giờ mình chỉ nhắc nó: "Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền".
Sư Phước Nhẫn: Phải nói là "Nhập Sơ Thiền"
(02:44) Trưởng lão: "Nhập Sơ Thiền". Bởi vì mình lưu ý bốn Thiền của Phật. Phật nói: "Ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền", đó là câu để pháp hướng, chứ không phải nói để mà ly được, mà Như Lý Tác Ý. Cũng như đức Phật nói: "Diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền", cái câu đó không phải là diệt nó được mà mình hướng tâm để nó diệt. Chứ không phải, vậy là mục đích là mình muốn, mình muốn như thế nào. Cho nên Định Như Ý Túc mà, mình muốn cái Định đó, mình muốn Sơ Thiền thì mình nhắc: "Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền" thì nó nhập Sơ Thiền. Mặc dù mình ly, mình biết mình ly, không phải chỗ mình ngồi, nhưng mình muốn cái tâm mình nó nhập được Sơ Thiền.
Còn khi mình muốn nhập Nhị Thiền thì mình phải ngồi chứ mình đi thì không được.
Còn Sơ Thiền mình đi mình nhập được, bởi vì nó ly dục ly ác pháp. Tâm nó định chứ không phải thân định, cho nên nó vẫn đi mà nó nhập được. Chứ không phải nói là nhập Sơ Thiền, ngồi hết vọng tưởng là nhập Sơ Thiền. Không phải đâu, mà nó chỉ ly dục ly ác pháp, nó còn tầm tứ đàng hoàng mà. Mình phải hiểu được những câu nói như vậy là câu pháp hướng chứ không phải câu nói đó là mình ly được hoặc là mình diệt được. Mà mình hướng để tự động nó diệt, tự động nó ly. Phải hiểu được cái ý.
Ví dụ như Phật bảo: "Ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền", cái đó là câu pháp hướng để cho mình nhập Tam Thiền chứ không phải mình ly hỷ được. Bởi vì hỷ tưởng làm sao mình ly được, mình muốn làm sao mình ly được điều đó
Nhưng mà chỉ cái pháp hướng đó nó làm cho cái trạng thái tưởng đó, nó bị diệt, nó bị ly ra chứ không phải mình làm được.
Cũng như đức Phật dạy nhập Tứ Thiền: "Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền", thì mình cứ ra lệnh như thế này hoặc là: "Xả lạc xả khổ xả niệm thanh tịnh nhập Tứ Thiền" thì nó sẽ theo đó nó nhập. Hoặc là mình nói: "Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền" thì nó sẽ tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền. Câu đó là câu pháp hướng, không thể nào khác hơn được. Mình không thể nào nín thở mà nhập Tứ Thiền được, mà để tự nó tịnh chỉ hơi thở. Mình chỉ ra lệnh.
Những cái đó là quyền năng của tâm của mình, không phải con người mình làm được. Mình không đủ khả năng làm được.
(05:13) Còn Sơ Thiền mình chỉ sống đúng, chứ mình ly cũng không được đâu, mình chỉ nhờ Pháp Hướng trợ giúp cho mình ly. Mình phải hiểu như vậy. Cho nên vì vậy bây giờ mình chưa có nhập được Sơ Thiền đâu, mình còn đủ thứ mà, nào là ngũ triền cái, thất kiết sử, Hạ Phần Kiết Sử, Thượng Phần Kiết Sử. Năm thứ này nó còn lung tung trong người mình nhiều quá. Cho nên mình muốn ly cho được thì mình phải hết sức ám thị, hết sức mà hướng tâm.
Nhớ chưa, mình đi kinh hành, mình đi để cho mình tỉnh thức ở trong bước đi, để đừng có tạp niệm xen bậy bạ, để cho mình hướng tâm mình nhắc, mình nhớ mình nhắc thường xuyên thì nó hướng tâm có lực. Do đó sau khi mình nhắc, nó vô. Khi nào mình sống đúng đời sống giới luật thanh tịnh thì nó đã ly. Còn cái tâm của mình nó còn phạm.
Sư Phước Nhẫn: Nó còn tùm lum quá.
Trưởng lão: Bởi vì mình phải hiểu tâm giữ được khó lắm, không phải dễ. Thân, khẩu của mình thì nó giữ gìn được, đôi khi nó còn phạm lỗi nhỏ nhặt, huống hồ là tâm, cho nên nó khó.
Mà hễ khi nào tâm nó thanh tịnh hoàn toàn thì nó nhu nhuyễn dễ sử dụng. Đức Phật nói: "Tâm thuần tịnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng" mà. Khi nào nó thuần tịnh rồi thì nó nhu nhuyễn dễ sử dụng. Sai sao nó làm vậy. Đó là cái lý của Đạo rõ như vậy.
Mà bây giờ mình thấy mình chưa có nhu nhuyễn được, tâm chưa thanh tịnh, nó còn tùm lum ở trong này này, nó còn là đống rác, bẩn thỉu lắm, nó bất tịnh.
Cho nên hàng ngày mình đi kinh hành, mình ngồi mình thư giãn chơi, mình cũng hướng tâm mình nhắc tâm. Chỉ duy nhất có cái Pháp đó là đủ lực để chúng ta làm chủ được sự sống chết, chấm dứt tái sanh, luân hồi. Không có cái pháp nào khác.
Sư Phước Nhẫn: Sơ Thiền bước đầu thấy khó, thưa Thầy.
Trưởng lão: Khó, nó đòi hỏi đời sống của mình đúng giới luật.
(07:14) Sư Phước Nhẫn: Mà ở đây được bao nhiêu người nhập được Sơ Thiền thưa Thầy?
Trưởng lão: Ở đây nói chung là chỉ có chú Mật Hạnh, chú nhỏ đó, tâm nó quay vô được, nó không phóng dật là nó ly dục rồi. Nhưng mà rồi, nó bung ra.
Sư Phước Nhẫn: Còn bao nhiêu người khác nữa ạ?
Trưởng lão: Không có nhập đúng nữa, chứ đừng có nói, chưa biết được trạng thái mà tâm không phóng dật. Chỉ có chú này biết thôi, vậy mà còn rớt nữa.
Sư Phước Nhẫn: Con ráng con theo Thầy.
Trưởng lão: Thầy nói cứ sống, dùng Pháp Hướng, bền chí luyện Pháp Hướng. Bởi vì đức Phật nói phải tin, tin Pháp sẽ giúp cho mình.
Sư Phước Nhẫn: Dạ. Bởi con nghĩ, nếu mà mình chưa có Độc cư trọn vẹn thì mình nhập Sơ Thiền làm sao được, con nghĩ vậy. Con nghĩ chắc lẽ mình phải nói, mình phải cầu nguyện cho mình được độc cư trọn vẹn.
Trưởng lão: Không được, mình độc cư trọn vẹn, là khi các duyên mình cắt, không có tiếp duyên được rồi. Không có tiếp duyên rồi, thì bắt đầu bấy giờ mình mới hướng tâm, tu tập để mình xả. Bởi vì tâm mình nó tuôn trào. Độc cư là nó tuôn, nó phá độc cư của mình. Nó khó lắm, đó là mình cắt các duyên ở bên ngoài, đừng để nó phá. Thí dụ như bây giờ con muốn độc cư, con phải dặn mấy đứa cháu: "Bây giờ ba quyết định ba tu trong một năm, hai năm hay ba năm cho xong, mấy con thương ba đừng có thăm viếng gì hết, đừng có gặp gỡ gì hết, để ba cắt trọn vẹn, để ba thực hiện con đường giải thoát"
Sư Phước Nhẫn: Kỳ này con về, con phải nói cho nó biết thưa Thầy
Trưởng lão: Chỉ vậy thôi, thì mình nỗ lực mới được. Sau khi mình cắt các pháp bên ngoài, các pháp đối đãi bên ngoài đưa vô, cắt cho đứt. Rồi bắt đầu tụi nó không tiếp nữa, không vô gặp nữa. Do đó một mình mình trong này mình mới chiến đấu với tâm mình, tâm mình nó không phải dễ đâu, nó bị cắt, nó lại bung dữ lắm, gọi là tuôn trào.
Sư Phước Nhẫn: Nó nhớ, hồi mình không có được tin tức của nó, mình nhớ nó.
(09:21) Trưởng lão: Nó khởi cái này. Thầy nói hồi khi mà độc cư rồi, hồi nhỏ mình đi học, chuyện xảy ra hồi nhỏ xíu như vậy. Mực đổ như thế nào, Thầy giáo đánh như thế nào, sao nó cũng hiện ra hết, không có cái gì mà sót. Từ những câu thơ, văn, nào là Nguyễn Đình Chiểu hoặc Nguyễn Du, hồi nào học nó lòi ra hết. Câu thơ, câu kệ nào cũng vậy, mình học sao.
Sư Phước Nhẫn: Mà rồi Thầy cũng không có theo nó thưa Thầy
Trưởng lão: Không, nghĩa là nó luôn luôn khởi niệm là nó phá độc cư của mình rồi. Mình quán xét xả ly, xả hết
Sư Phước Nhẫn: Rồi mình xả bằng cách nào thưa Thầy?
Trưởng lão: Xả thì quán, mình tư duy, những cái đó là thế gian, phải bỏ hết, ly ra liền, khi mình quán xét rồi, mình hướng tâm liền, đuổi liền, ly ra, không cho nó ở. Mà nó tuôn hoài, tuôn hoài tới chừng nó hết tuôn là xong. Nó tuôn trào, nó tuôn hoài, nó cứ lặp đi lặp lại những điều đó, mười lần, cả trăm lần vậy mới hết đó. Mỗi lần là mình phải quán xét: "Tất cả những pháp này là thế gian, không phải Pháp Giải Thoát, lìa khỏi đây đi, ở đây tâm chỉ có thanh thản", rồi nó êm, nó không tới nữa. Nhưng mà rồi một bữa, hai bữa nó nhào vô nữa, nhào vô nữa lại xả nữa, cứ hướng tâm, Thầy nói ôm chặt pháp Như Lý Tác Ý thôi. Cứ hướng: "Tâm như cục đất, không được nhớ tưởng gì hết"
Nếu nó cứ khởi niệm về quá khứ thì nhất định là: "Không được nhớ tưởng gì hết, tâm như cục đất". Cứ như vậy.
Sư Phước Nhẫn: Như vậy là già chừng nào mình tu chậm từng nấy thưa Thầy?
Trưởng lão: Chậm, nhưng mà điều kiện là mình nỗ lực dữ tợn thì nó mau lắm. Cứ hướng tâm nhắc thường xuyên thì nó không xen vô được. Cho nên nhiều khi, gần như là mình niệm câu pháp hướng. Cứ để cho nó yên được chút xíu là mình nhắc. Cảnh giác dữ lắm, cảnh giác chứ không cảnh giác để kéo dài, nó phóng ra.
(11:25) Mình lượng sức của mình. Bởi vì hồi mình tu, nương vào hơi thở hay đi kinh hành mình biết nó khoảng độ năm phút, ba phút hay ba giây, hay là một giây hay hai giây gì đó. Định thời gian đó, nó dễ bị vô, thời gian mình tu, mình tập từng phút, từng phút đó, năm hơi thở, mười hơi thở. Mình rút tỉa kinh nghiệm, sức của mình ở mức độ nào thì mình lấy mức tiêu chuẩn nhất mình làm chủ.
Đừng có lấy thời gian dài, ví dụ như mười, hai chục hơi thở thì không được, khoảng độ năm hay là ba hơi thở theo trình độ, khả năng của mình có sức tỉnh thức nó khá thì mười hoặc là hai mươi hơi thở.
Còn nó yếu, nhất là tuổi già của mình yếu, do đó khoảng chừng năm hơi thở thì mình nhắc liền thì may ra nó còn kéo dài ra được chứ còn không khéo nó không có.Vậy mà cái tâm vô ký của mình nó dễ quên lắm, nó quên rồi nó không nhắc, nó lại nhào vô.
Sư Phước Nhẫn: Có khi con đi kinh hành con nhắc câu này, con đi chút xíu con muốn nhắc nữa, nó quên câu nãy mình nhắc.
Trưởng lão: Nó quên.
Sư Phước Nhẫn: Thành ra con suy nghĩ lâu, tìm nó lại, đặng mình tiếp tục nữa. Khổ ghê Thầy ơi.
Trưởng lão: Bởi vì đầu óc, nó lớn rồi nó khó lắm, nó hay quên, nó quên là nó bị vô ký. Bình thường nó nhớ, hồi mình tu sao nó lại quên, kỳ vậy?
Sư Phước Nhẫn: Khổ vậy đó.
Trưởng lão: Nó đi vô hướng vô ký, nó làm cho mình quên Pháp Hướng, Chánh Niệm nó quên đi. Rồi mình tưởng là mình đang biết mình đi, nó Tỉnh Giác không, không có nghĩa gì đâu, Tỉnh Giác, cho nên khoảng thời gian mình đừng có nghĩ mình để kéo dài trạng thái Tỉnh đó thì nó đi đến Tĩnh Lặng, nó không tốt. Bởi vì nó không có niệm mà nó cứ biết, biết, biết thì chuyện đó không hay gì hết đâu. Mà chỉ biết để rồi dùng Pháp Hướng, nó trở thành lực để cho nó sử dụng được, điều mình muốn làm chủ. Cái đó là cái quan trọng, mà hầu hết người ta không chịu nghe Thầy, khó lắm. Nhiều khi Thầy thấy tu thì nó không khó. Tại sao? Vì người ta bị ảnh hưởng lâu quá của Đại thừa.
(13:51) Bây giờ người ta trở về với Pháp của Phật người ta cũng tu theo kiểu của Đại thừa. Phần nhiều là các Sư cứ nhìn thấy đi, quý sư hiện giờ cũng tu, mặc dù nói là Nguyên Thủy, nhưng cái hiểu của mình nó trở thành Đại thừa, mình thực hiện không có đúng.
Đức Phật đã nói: "Chướng ngại pháp", tâm nó khởi lên niệm chướng ngại thì đẩy lui nó thôi. Ai bảo giữ vô cái Tỉnh Thức làm gì, cho nó kéo dài ra.
Nó đâu phải có Định ở chỗ không vọng tưởng này, mà Định của nó là tâm Thanh Tịnh, ly tham, sân, si, chính là chỗ đó, mà nhắc cũng không được. Các Sư tập luyện cứ ráng gom tâm cho dữ. Mình gom tâm trong giai đoạn đầu để biết được sức Tỉnh Thức của mình khoảng thời gian nào, để mình biết đó mình dùng cái Pháp Hướng. Còn nếu mình cứ niệm câu Pháp Hướng hoài, nó không có đúng, nó phải có một đoạn thời gian yên tĩnh tức là Tỉnh Thức, chừng năm hay là mười hơi thở thì mình hướng một lần nó mới đúng.
Pháp Hướng nó phải cách một thời gian, còn mình niệm câu. Mình niệm riết nó thành quen trong đầu thì Tưởng nó niệm. Nó bị tưởng nữa rồi, nó nguy hiểm.
Bởi vậy nó không trúng chỗ này thì nó đi trật đường hết
Sư Phước Nhẫn: Con hỏi bấy nhiêu thôi thưa Thầy.
Sư Tuệ Tĩnh: Mấy ông Nam Tông, mấy ông tu cái Tỉnh Giác nhiều, chắc có lẽ giống cái vụ quên đó thưa Thầy.
Trưởng lão: Ờ, giống cái vụ quên, vô ký đó.
Sư Tuệ Tĩnh: Bởi vì mình tập cái đó hoài đâu có quên được, nó cứ nhớ hoài.
Trưởng lão: Nó tỉnh, nhưng mà nó tỉnh làm sao nó xả, chứ không nó lại không quên cái Tỉnh, nó không quên cái Tỉnh mà lại nó quên Chánh Niệm. Nó chơi vậy mới độc.
Bởi vì vốn của mình, tỉnh để mà xả tâm, bây giờ nó cứ tỉnh không à, nó quên câu, không biết nhớ câu nào nữa, không biết câu nào để mà xả cái tâm. Nó lừng chừng ở chỗ đó.
(15:58) Thường thường mới vô đầu thì mình còn nhớ, nhưng mà hơi tỉnh cái nó quên, nó quên nó kéo dài cái sức tỉnh hoài, nó lạc vô trong trạng thái Tưởng. Ý Thức nó không hoạt động nữa, nó không có chịu. Còn mình dùng thường xuyên, tỉnh ở trong Ý Thức chứ không phải tỉnh ở trong Tưởng Thức. Còn mình tỉnh kéo dài luôn thì nó nằm ở trong tưởng thức, nó lạc vô cái Tưởng, Ý Thức nó ngưng. Thành ra mình nói quên chứ sự thật ra Ý Thức của mình nó không hoạt động. Nó không hoạt động, tức là nó không Tầm Tứ, nó không tác ý ra để hướng tâm.
Cho nên phần nhiều bên Nam Tông họ cứ tập tỉnh thôi, họ quên ở trong Chánh Niệm.
Phật có nói chữ Định: "Chánh Niệm Tỉnh Giác Định hay là Tỉnh Giác Chánh Niệm" bởi vì câu này, người Tàu họ dịch. Họ đặt chữ Chánh Niệm trước, bởi vì ngôn ngữ của người Tàu mà. Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, thay vì Việt Nam của mình thì Tỉnh Giác Chánh Niệm, Chánh Niệm ở sau, bởi vì Tỉnh Giác rồi mới Chánh Niệm. Người Tàu thì họ đọc ngược thôi.
Sư Tuệ Tĩnh: Bên Nam Tông họ định nghĩa Chánh Niệm không phải là Chánh Tà, Chánh Niệm là niệm ngay vào đề mục đó.
Trưởng lão: Thì đó. Bây giờ đề mục nó là cái hơi thở, phải không? Họ niệm ngay chỗ đó, tỉnh ở trong đó để có ích lợi gì? Mà đức Phật dạy chúng ta, chúng ta tu để "khắc phục tham ưu", phải không? Cho nên Chánh Niệm này là Chánh-Tà, chứ không phải Chánh Niệm ở trong cái Tỉnh Thức.
Mình phải hiểu được trên Tứ Niệm Xứ thì Phật nói: "Trên thân quán thân" tu về hành tướng nội tức là hơi thở để "khắc phục tham ưu". Bây giờ mình ở đây mình biết hơi thở không là sao, tham ưu ở chỗ nào đâu.
(17:56) Cho nên nó có Chánh Niệm. Chánh Niệm là Chánh-Tà của nó, tức là mình dùng Pháp Hướng. Cho nên đức Phật nói: "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra", ly tham đó là Chánh Niệm của người ta, còn Tỉnh Thức là Tỉnh Thức của hơi thở chứ.
Sư Tuệ Tĩnh: Mấy ông quan niệm sai.
Trưởng lão: Quan niệm sai.
Sư Tuệ Tĩnh: Khi mà mình theo dõi hơi thở hoặc là khi mình theo dõi bước đi, tức là luôn luôn để Chánh Niệm trước mặt, thì mình biết nó rồi mình quên tham, quên sân, quên si rồi.
Trưởng lão: Cái đó mình ức chế rồi.
Sư Tuệ Tĩnh: Dạ, mình theo cái này tức là mình không còn tham, sân, si nữa, vậy đó.
Trưởng lão: Không có khắc phục mà ức chế, ở trong "Trên thân quán thân" mà tu về hành tướng nội "để khắc phục tham ưu". Còn cái này để ức chế tham ưu thì đúng.
Sư Tuệ Tĩnh: Thành ra mấy ông nói…
Trưởng lão: Còn cái này khắc phục mà.
Sư Tuệ Tĩnh: Theo cái này thì tự nhiên quên cái kia à.
Trưởng lão: Còn cái này ức chế. Nó quên tham, sân, si mà nó ức chế. Nó ức chế, nó không tham, sân, si. Còn người ta khắc phục, khắc phục đưa nó ra. Cho nên trong bài kinh “Tiểu Không”, đức Phật nói mình nhập Không Vô Biên Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ để mà biết Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ làm gì. Nhập cái đó cũng như bây giờ mình Tỉnh Thức hơi thở để biết hơi thở để làm gì, ý đức Phật muốn nói.
Sư Phước Nhẫn: Ngoài cái đó thành ra cái tham, sân, si nó trở lại à.
Trưởng lão: Mình ức chế nó, khi mình xả ra nó trở lại. Còn cái này mình xả ra nó cũng đi luôn. Bởi vì vốn mình khắc phục nó, đẩy nó lui.
Sư Tuệ Tĩnh: Cũng như ngày hôm qua có ông Sư lên ông ấy nói ngồi Thiền lắng cặn. Ông nói được rồi nhưng khi đứng dậy nó bùng lên nữa rồi. Lát khi ngồi nó lắng nữa, khi đứng khi đi tiếp duyên nó động, nó đục lên nữa. Lúc đục, lúc trong hoài, cuộc đời làm sao được.
(19:54) Trưởng lão: Đó cũng là kiến giải của Đại thừa, kêu là lắng tâm, ngồi để mà lắng. Sự thật là ức chế.
Sư Phước Nhẫn: Thầy Thanh Từ nói là như nước. Nước quậy nó đục, để nó lắng.
Trưởng lão: Cái gì con… À con cứ lấy… Được rồi
Sư Phước Nhẫn: Cô Út đó thưa Thầy?
Trưởng lão: Ờ đúng.
Sư Tuệ Tĩnh: Thành ra, ý con muốn nói, khi mình lắng; lắng nó chẳng cứu mình, rút cái cặn ra mới phải. Chứ còn lắng cứ để cặn đó, lát nữa cũng vẫn nổi nên như thường à, phải bỏ cặn ra thì nước nó trong luôn.
Trưởng lão: Người ta cứ lắng nó xuống, rồi bắt đầu hễ quậy lu nước, nó đục trở lại như thường.
Còn cái này người ta lắng nó, tức là nó vừa tỉnh thì người ta rút, người ta bỏ, cái đục nó ra hết. Tức là Pháp Chánh Niệm của mình, tức là nó rút cặn đi đó. Nó vừa lắng, nó vừa rút.
Còn cái này mình lắng mà không chịu rút ra thành ra nó đóng dưới đáy lâu quá trời. Rốt cuộc rồi xả ra bắt đầu nó đục trở lại, nó đâu có bỏ cái bẩn, cái dơ của nó đâu.
Sư Tuệ Tĩnh: Vậy mà mấy ông cứ nói lắng, lắng hoài à.
Trưởng lão: Thành ra hiểu một chút sai là lạc con đường. Nhìn trước, nhìn sau từ Thầy Tổ của mình cho tới mình bây giờ cũng chưa có ra gì hết, tại vì cái hiểu đó. Còn cái mà Thầy dạy đúng rồi, bắt đầu bây giờ mình có đường đi.
(21:42) Sư Tuệ Tĩnh: Hôm qua con đọc cuốn VIII của Thầy, con khoái quá, mấy cái mà con thắc mắc đó con không có đủ sức mà lý luận chống nó. Con thấy Thầy chống, Thầy vặn nó hết chơn. Con khoái quá, mà cái này đồng cảm, ít có người mà nghĩ lắm. Con hồi đó có ý nghĩ như vậy không. Như Kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, mình thấy có chỗ này không được. Lật lại thì mình không đủ sức lật. Cũng như nói không niệm thiện, niệm ác thì thành gỗ đá sao, thì mình cũng biết tới đó không nói thêm nữa.
Còn như Phẩm “Hoá Thành Dụ” trong kinh Pháp Hoa, vậy đức Phật nói láo sao? Đức Phật nói láo coi là được hay không nữa, cũng nói vậy nữa, nhưng mà không đủ biện pháp mà lật. Nói lật mà lật không đủ trình độ, thành ra nhiều khi nghe mấy ông nói thấy chướng. Mấy ông nói trách nhiệm mình góp ý tổ Bồ Đề Đạt Ma qua đây làm cái gì. Hồi đó, con không biết nhưng mà con nói ông qua đây để chấn chỉnh nền Phật giáo của Trung Hoa. Trật rồi, ông chỉnh không được, ông mới vô ngồi nhìn tường chín năm, con chỉ biết nói vậy thôi. Chứ ông qua đây để làm cái gì? Qua đây rồi sửa sai, qua đây làm cái gì mà sửa không được cho nên mới ngồi nhìn vách tường chín năm. Con lý luận vậy thôi, bây giờ đọc cuốn này banh ra hết chơn chọi, nó sáng ra.
Trưởng lão: Vẽ ra hết, mà thật sự chỉ có Việt Nam, có ba người dám nói mà thôi. Người thứ nhất là Thiền sư Thường Chiếu, người thứ hai là Hòa thượng Minh Châu, tới người thứ ba là Thầy. Không có ai dám nói. Việt Nam mình có ba vị.
Sư Tuệ Tĩnh: Con thấy nguy cho Thầy quá, vì Thầy có một mình à. Bây giờ cái ác nhiều quá thưa Thầy.
Trưởng lão: Thầy nói bây giờ nếu mà họ xỉ vả Thầy bằng những ngôn ngữ, lời lẽ, tức là họ xỉ vả Phật Thích Ca. Những cái này là Phật Thích Ca dạy chứ đâu phải Pháp của Thầy.
Sư Phước Nhẫn: Bây giờ mình chỉ lặp lại lời dạy.
(23:50) Trưởng lão: Thầy chỉ lặp lại. Cuốn thứ V thầy lôi ra một số bài của đức Phật Thích Ca đập phá thế giới siêu hình, nghĩa là Tưởng Tri chứ không phải Liễu Tri đâu. Thế giới Tưởng rồi, nó không thật rồi.
Cho nên những cái gì mà Thầy viết ra đều có dẫn chứng rõ ràng, Thầy đã quan sát rõ, Thầy biết ở Việt Nam có bao nhiêu người dám ăn, dám nói, mà người thứ nhất là họ không có rõ kinh sách Nguyên Thủy. Đó là Hòa thượng Thường Chiếu, tức là Thiền sư Thường Chiếu, trong thời nhà Lý thì phải. Rồi kế đó là Hòa thượng Minh Châu là một học giả, ông dám nói, về nước dám nói mấy câu đó thì Thầy nói độc thiệt. Nhờ đó mà Thầy thấy bây giờ cũng có nội thuẫn của dân tộc Việt Nam.
Từ người xưa, rồi tới Hòa thượng trong thời nay của mình, giờ tới Thầy mà nói ra, mà vạch ra cho rõ. Còn Hòa thượng không vạch được.
Sư Phước Nhẫn: Dạ, Hòa thượng chỉ nói phớt qua.
Trưởng lão: Chỉ nói phớt qua, Hòa thượng không có thế mạnh. Còn Thầy nhờ có tu, thấy rõ được mới dám nói thẳng mặt các Tổ, còn Hòa thượng sợ không dám đụng các Tổ, bởi các Tổ tu hơn mình nhiều quá, mình chỉ lo học. Tuy biết nó là Bà La Môn nhưng mà không nói được. Nói ra một chút là bị Quý Hòa thượng lớn la: "Thầy này ngầu quá không chứng Quả được".
Thầy Chơn Quang ở ngoài núi Dinh, Thầy viết cuốn "Người Chiến Thắng", Thầy có nói về Tịnh Độ, Thầy cũng nói Tịnh Độ không phải do Phật thuyết mà Thầy bị Hòa thượng Thiền tông ở bên Úc, Hòa thượng xỉ vả Thầy dữ lắm, viết bức thư xỉ vả Thầy dữ lắm.
Sư Phước Nhẫn: Chắc là ông Phước Huệ.
Trưởng lão: Xỉ vả dữ lắm. Nhưng mà đối với Thầy Thông Huyễn, Thầy chỉ nghe Hòa thượng Thanh Từ nói, Thầy chỉ lặp lại thôi chứ Thầy không có.
(26:00) Còn Thầy thì không được, Thầy nói đâu có dẫn chứng của đức Phật Thích Ca hẳn hoi. Cho nên vì vậy mà không xỉ vả Thầy được đâu. Bởi vì đức Phật đã viết trong bài “Kinh Pháp Môn Căn Bản” cụ thể lắm. Đức Phật đã giảng về thế giới siêu hình, đức Phật đập sạch xuống. Không có cõi Trời nào là có thật hết, không có cõi nào là có thật.
Sư Tuệ Tĩnh: Con hiểu được hết rồi đó Thầy. Lúc mới vào đây con cũng hơi thắc mắc. Bệnh của con là hiểu rồi tin mới được, nghe rồi mình chiêm nghiệm mới được, chứ còn nghe không mà tin, không có được.
Trưởng lão: Bởi vậy những cái này là lời đức Phật dạy. Thầy nói, mình Thầy chưa đủ ai tin , mặc dù Thầy biết thực nghiệm Thiền Định của Phật rồi, thấy biết được rồi, nhưng mà không ai tin mình. Chỉ có lấy những lời của đức Phật ra, đập họ mới nổi. Chỉ có Ông Phật Thích Ca ngồi chình ình ra, nó mới được, chứ mà không ai mà dám hết. Thầy biết chỉ duy nhất Ông Phật Thích Ca mới đập được mấy ông Tổ này xuống chứ không ai làm nổi.
Sư Tuệ Tĩnh: Cũng như bệnh nhân chỉ nghe bác sĩ thôi chứ không có nghe y tá, y tá nói mình đâu có nghe đâu.
Trưởng lão: Cho nên cuốn VIII này cho tới cuốn thứ IX, thứ X nó còn đi sâu sắc hơn nữa. Kinh lắm, nhưng mà thôi Thầy nhuận lại từ cuốn I cho đến cuốn VIII này, rồi bắt đầu Thầy soạn thảo đạo đức Nhân Bản. Xã hội bây giờ cần đạo đức mà chờ Thầy soạn cái kia thì người ta lung tung quá.
Sư Phước Nhẫn: Dạ.
Trưởng lão: Mấy cuốn đạo đức.
Sư Phước Nhẫn: Có đường lối cho họ tu chút xíu.
Trưởng lão: Có điều kiện, Giáo Hội sẽ tìm cách nại Thầy là họ đưa Kinh Sách Thầy ra họ tố cáo Thầy không xin phép, tức là Thầy có tội đối với pháp luật, tức là tội không xin phép.
(27:56) Cho nên cuốn I Thầy đã xin phép rồi, vì vậy mà tất cả những sách vở của Thầy, tên sách, Thầy đều đăng ký ở trên Nhà Xuất bản Tôn giáo.
Sư Phước Nhẫn: Dạ, có đăng ký rồi.
Trưởng lão: Đăng ký trên đó hết, cho nên bây giờ mấy ông mà đem tố cáo nói là sách của Thầy không có xin phép, tố cáo Thầy đặng bắt lỗi của Thầy mà. Nhà nước làm tội Thầy thì Thầy đã nói rằng tôi đã đăng ký với Nhà Xuất bản Tôn giáo hết.
Sư Phước Nhẫn: Còn cuốn này thì chưa có.
Trưởng lão: Chưa có nhưng mà đều đăng ký trên đó hết, đăng ký trong năm này. Nếu mà bây giờ Thầy xong rồi Thầy đưa cho họ duyệt, họ duyệt rồi họ cho giấy phép.
Sư Tuệ Tĩnh: Ông đó vô đây chưa, thưa Thầy?
Trưởng lão: Vô rồi, vô gặp Thầy rồi.
Sư Tuệ Tĩnh: Thầy đưa cuốn VIII rồi ạ?
Trưởng lão: Chưa, cuốn VIII Thầy chưa đưa, nhưng mà Thầy sẽ gửi ra. Bữa ông ấy đến thì Thầy chưa xong, nếu mà xong Thầy đã gửi ra rồi. Ông ấy nói nếu mà có vi tính, băng, đĩa gì đó cứ gửi luôn ra ngoài đó.
Với điều kiện là ấn tống mình không kinh doanh để buôn bán đó thì đương nhiên là có thể xin phép. Ông có thể xin Nhà nước trên cái thế. Bởi vì thí dụ như mình xin in hai ngàn cuốn thì mình sẽ in ra hai ngàn cuốn rồi mình đóng thuế. Hai ngàn cuốn, mỗi cuốn bao nhiêu, bởi mình buôn bán, mình phát hành mà. Thành ra Nhà nước lấy thuế đó nữa.
Còn nếu mình ấn tống không buôn bán thì Nhà nước sẽ miễn thuế, không lấy.
Do ông nói với Thầy mà, cho nên cái này Thầy ấn tống, Thầy không có buôn bán. Vì vậy có nhiều người làm sai pháp luật của Nhà nước. Họ xin hai ngàn, họ in năm ngàn, họ ăn rơ với nhà in. Họ bán số kinh sách này ra.
(30:03)Thôi xá Thầy thôi… Sư ngồi dậy…
Rồi trong vấn đề về kinh sách, Thầy cũng biết được rằng trong mới đầu thì chưa có xin phép được. Tức là ba năm Thầy viết cuốn thứ nhất thì Thầy đã gửi đi xin phép, nhưng mà Giáo hội không có chấp nhận. Họ có quyền, giáo hội còn kiểm duyệt các sách tôn giáo, thì giáo hội không chấp nhận. Cho nên đưa ra Nhà xuất bản, họ đọc, duyệt lại, kéo dài từ đó, cho đến khi những kinh sách của tôn giáo đưa vào Tôn giáo ở Trung ương, thì ở trên Tôn giáo Trung ương mới thành lập Nhà Xuất bản gọi là Nhà Xuất Bản Tôn giáo. Do đó quyền ông giám đốc, và số người mà làm việc đó, họ sẽ kiểm duyệt những tác phẩm tôn giáo, nó không thuộc quyền bên tôn giáo nữa, Phật giáo nữa. Do đó, bây giờ tác phẩm của Thầy, nó được từ ở bên tôn giáo chuyển qua ở bên Nhà Xuất Bản Tôn giáo. Do bây giờ ở bên đó kiểm duyệt, họ duyệt lại rồi, họ chấp nhận, cho phép.
Năm 1999 này chuyển qua năm 2000. Năm 1999 mới thành lập Nhà Xuất bản Tôn giáo, thì chuyển qua họ đọc cái tác phẩm này coi như là tác phẩm mới nhất đầu tiên của Nhà Xuất bản này cho phép. Vì vậy tác phẩm Thầy được in, in ra rồi thì bắt đầu bây giờ coi như là nó được lưu hành trong nước bằng cách là mình ấn tống, không có bán.
(32:09) Do đó ông giám đốc nhà xuất bản, ông cúng dường cho Thầy một triệu rưỡi để in cuốn sách này. Ông đã không nhận quà biếu của Thầy mà còn cúng dường thêm cho Thầy một triệu rưỡi nữa. Đó cũng là người ta hiểu được cái tâm của mình đang bị vấp cái gì của Phật pháp, của dân tộc nên người ta cũng tự giúp mình nhiều: “Đồng thời từ bữa giờ tất cả các đầu sách của Thầy thì chúng tôi chấp nhận hết. Sau khi đọc thì chúng tôi có thay đổi những từ cho nó nhẹ nhàng chút, nhiều khi Thầy nói nặng quá, chúng tôi cũng ngán. Tại vì lực lượng của Thầy bây giờ nó không có ai. Còn bên kia thì người ta đông quá. chúng tôi mặc dù thì cũng hiểu, nhưng nhiều khi có điều gì thì chúng tôi không ủng hộ Thầy được. Chứ nếu mà Thầy có lực lượng tương đương hay hoặc là chừng bằng một phần ba của họ thôi, Nhà nước cũng sẽ ủng hộ Thầy, bởi vì Thầy không có lực lượng nhiều.
Do đó những điều mà Thầy nói trong sách đúng, không phải là sai, nhưng có điều mà chúng tôi rất ngại, ngại cho Thầy vì chúng tôi không có bảo vệ được Thầy trọn vẹn, mặc dù chúng tôi có nói cho tỉnh Tây Ninh.”
Ông vô đây ngồi nói chuyện tâm tình, lúc nào cũng phải cảnh giác và bảo vệ sự sống của Thầy, vô đây gặp công an tỉnh Tây Ninh, nói với ông tỉnh trưởng Tây Ninh, tỉnh phải bảo vệ sự sống của Thầy.
(33:54) Nghĩa là Thầy ở đây chứ họ luôn luôn họ để ý coi có sự kiện gì xảy ra để họ can thiệp cho kịp. Không họ cũng tiêu. Cách thức đó chứ không có gì.
Cho nên ông cũng đem hết tâm tình mà nói với Thầy, là “Bổn phận Nhà nước phải bảo vệ Thầy như thế, chúng tôi cũng đến để làm việc với tỉnh Tây Ninh với mục đích gợi ý cho tỉnh Tây Ninh, chỗ của Thầy ở phải luôn để ý, bảo vệ cho Thầy, như vậy thôi. Thầy yên tâm đi chứ không gì. Nhưng mà chúng tôi sửa lại, ví dụ như Thầy nói "Tất cả" chuyển thì chúng tôi nói "Phần đông", cho nhẹ chút, chứ còn nói “tất cả”, thật ra chúng tôi cũng nhìn “Tất cả” đều là vậy hết chứ đâu có phải là không.
Thầy nói đúng, nhưng mà nó nặng quá, coi như là không còn ai hết, cho nên chúng tôi nói "Phần đông", cũng còn một ít chứ chưa hết, ít cho nhẹ người ta chút, chứ Thầy nói quá mạnh, nghĩa là không có chỗ nào mà họ đỡ được hết.”
Bằng chứng như mấy Sư đọc cuốn VIII, Thầy đập thật sát ván. Đưa ra 3 cái mũi tên để mà bắn Phật tử của chúng ta một cách rất tàn nhẫn hết sức, không có chỗ nào mà chúng ta chui lọt. Kinh sách thì cấm đoán bằng cách chế ra Bồ Tát Giới cấm Phật tử không được đọc, không được nghe, không được học, thử hỏi có đau lòng không?
Sư Phước Nhẫn: Hồi con đọc kinh Nguyên Thủy thưa Thầy, họ cấm.
Trưởng lão: Họ không cho.
Sư Tuệ Tĩnh: Bên Đại thừa họ cấm, không có cho, không xem, không biết.
Trưởng lão: Chứ có phải không đâu. Họ cho là Nhị Thừa, ngoại Đạo. Bởi vậy những kinh sách như vậy, giá trị như vậy cho nên Hòa thượng Minh Châu cũng tức lắm, ông nói; "Mặt Trời là Mặt Trời, Chân Lý là Chân Lý, không thể nào mà diệt nó được".
(35:51) Thế mà mấy ông Đại thừa dám làm. Thế mà còn đưa ra chiêu bài đức Phật Di Lặc. Làm gì mà đạo Phật có hai ba ông Giáo chủ. Mấy ông đặt ra quá khứ có Phật này, Phật kia, rồi hiện tại đức Phật Thích Ca, rồi vị lai có đức Phật Di Lặc, rồi sau này còn mấy ông Di lặc nữa, ai làm Giáo chủ những chỗ này.
Mỗi Giáo chủ là thay đổi giáo pháp. Trong khi đức Phật chỉ lấy duy nhất là Thầy của mình, Thầy của các vị Tỳ kheo là Giới luật và các Pháp Thiện.
Giáo Pháp của Phật và giới luật cũng đâu phải tự đức Phật. Khi đức Phật tìm ra thì nó cũng có sẵn, chứ đâu phải đức Phật chế tạo ra nó. Cho nên khi chứng thì đức Phật đảnh lễ Giáo Pháp đó, coi như nó là Thầy của mình, là Thầy của đức Phật.
Bây giờ mình cũng lấy cái đó làm Thầy. Thật sự ra đức Phật và mình cũng thờ chung một ông Thầy. Đó là Giới luật và Giáo Pháp, chứ đâu phải cái gì khác hơn. Thế mà bây giờ mình lại bỏ ông Thầy đó đi, thờ tôn một vị khác làm Giáo chủ.
Mình nhớ ơn đức Phật khổ hạnh sáu năm mới tìm ra được Chân Lý đó, mình nhớ ơn đức Phật, mình tôn xưng ông là Giáo chủ. Ông khiêm tốn, ông nâng Giáo Pháp lên làm Giáo chủ.
Bây giờ mình nâng ông Phật Di Lặc lên làm Giáo chủ, đẻ ra pháp Đại thừa để dẫn dắt mình tu điên, tu khùng. Tu có giải thoát được không? Nếu giải thoát, Thầy Tổ mình đã giải thoát hết rồi.
Mình phải thấy được, điều kiện đó, thời gian đó đã xác định cho chúng ta biết được cái sai, cái đúng. Thế mà mỗi lần người ta thấy cái đúng, người ta quá sợ hãi. Mà người ta chấp nhận cái sai, nghiệp của chúng sanh sao nặng quá vậy, khổ vậy.
(37:49) Cho nên càng đọc sách của Thầy càng rõ được bộ mặt thật của Bà La Môn, của Đại thừa. Rồi mình đi tu mà mình còn đi kiếm ăn làm cái gì. Cho nên ở ngoài dân gian người ta mê tín cái này cái kia, mình lấy Giáo Pháp của Phật để mình làm nghề đó trao đổi với đồng bào của mình để sống bằng bát cơm như vậy sao? Bởi vì đó là "Hạ Khẩu Thực", chứ đâu phải là tốt lành gì. Có năm phương tiện ăn uống một cách rất hèn hạ, cho nên đức Phật nói; "Phương Khất Thực, Ngủ Khất Thực, Hạ Khất Thực…".
Bây giờ các Sư có nhân duyên về đây gặp Thầy, trong khi Thầy cũng già yếu rồi, những giờ phút mà Thầy thấy. Nhưng không nói thì tiếng chuông này làm sao ai nói.
Hòa Thượng Minh Châu nói thì họ đã diệt ngay từ trong trứng nước. Mấy tác phẩm đầu tiên Hòa thượng dịch bộ Kinh Nikaya thì Hòa thượng không có nói. Từ đó về sau ai nói gì thì nói, Hòa thượng chỉ giữ thuần mình ở trong cương vị của nhà giải dịch kinh sách, không có sửa sai những lời của Phật, ai nói gì cũng được. Đó là Hòa thượng Minh Châu chỉ dịch, tu hành chắc Hòa thượng tu không nổi rồi. Thầy thấy Hòa thượng không thế nào là hành giả, Hòa thượng chỉ là một học giả.
Còn Thầy nếu mà không nói thì muôn đời sau không ai nói, Thầy sợ không có người nói. Có ba người nói như hồi nãy Thầy nói. Thiền sư Thường Chiếu, Ngài nói, đến Hòa thượng Minh Châu là đến Thầy. Thầy biết rằng sau cũng sẽ có người, nhưng nó còn phải trải qua một thời gian dài, làm tiếng chuông cảnh tỉnh để giúp cho những người trong hiện tại, những tu sĩ trong hiện tại và mai sau người ta biết được con đường của đạo Phật đúng, là lối tu như thế nào đúng.
(39:50) Chúng ta thường tu Thiền Trung Hoa là Thiền của Đại thừa. Mặc dù chúng ta tu kinh sách Nguyên Thủy thực sự nhưng mà cái nghĩa mà chúng ta hiểu nó đều bị ảnh hưởng của Đại thừa. Như trong cuốn VIII Thầy có vạch ra một số điều để thấy được cái sai đó. Tiếc vì sức khỏe của Thầy, phải chi còn trai trẻ như Sư Nhẫn thì Thầy làm việc suốt ngày. Thời gian Thầy thu ngắn lại, để Thầy làm công việc khác. Nghĩa là bây giờ ví dụ Thầy buông ra Thầy không viết, Thầy đi ra Thầy xúc tiến, Thầy xây dựng cơ sở Trung Tâm An Dưỡng Từ Thiện Chân Lạc, thì coi như Thầy sẽ điều khiển cái này, cái khác, tức là Thầy đứng ra Thầy điều khiển, Thầy huy động thì ai mà ngồi đây viết.
Cho nên làm mặt kia được, thì bỏ mặt này. Cho nên Thầy chỉ kêu gọi người ta làm cái mặt kia, còn Thầy chỉ lo cái mặt này.
Sư Tuệ Tĩnh: Cái này khó hơn.
Trưởng lão: Cái này khó hơn, cái này đâu có ai làm được, còn cái kia thì có người làm được. Thành ra nếu mà người này không làm được thì người khác làm được. Còn cái này, nếu mà Thầy chết rồi thì không ai làm được. Chỉ có Thầy nói được, khó là khó vậy. Cho nên Thầy có gắng hồi phục lại sức khỏe của mình để làm cho xong, nhất là Giáo Trình đạo đức Nhân bản, tức là đạo đức không làm khổ mình, để triển khai hết đạo đức của đạo Phật.
Đạo đức "Ly dục ly ác pháp", Sơ Thiền của đạo Phật, từ đó Thầy sẽ giúp cho con người để họ đạt được. Mong ước của Thầy là hầu hết con người sống trên thế gian này sẽ hạnh phúc, đó là điều Thầy mong ước.
Còn bây giờ các Sư có muốn hỏi gì nữa không?
Sư Tuệ Tĩnh: Về vấn đề phục hồi sức khỏe, con nói luôn là hôm rồi con thấy Thầy yếu, chúng con muốn bồi dưỡng Thầy. Chúng con muốn cúng dường Thầy sữa trong bữa ăn, mỗi ngày một ly thôi, khoảng nửa tháng thưa Thầy.
(42:04) Trưởng lão: Có lòng được, cứ buổi trưa cho Thầy thêm.
Sư Tuệ Tĩnh: Chứ còn buổi sáng, buổi chiều nó phi thời.
Trưởng lão: Không được, khi nào mà kiệt quệ quá Thầy mới khai giới để mà dùng buổi sáng, còn không kiệt thì thôi, cứ bình thường. Cô Út làm gì thì làm, bảo gì Thầy cũng không uống hết.
Sư Tuệ Tĩnh: Cực quá, Thầy chỉ có viết thôi, còn phần vi tính với đóng đinh thì giao cho hai chú.
Trưởng lão: Bởi vì, nói chung là Thầy thấy mấy chú đó thì làm được, chứ không phải không. Thầy có thử rồi, thì kêu đến chấn sách này kia, làm cũng cẩn thận kỹ lưỡng lắm. Chấn sách cũng làm đàng hoàng lắm, thành ra Thầy thấy được rồi. Đồng thời vi tính Thầy cũng sẽ giao cho chú Luân thì phải, chú viết luôn, chú Nhơn Hòa chú không biết vi tính.
Thầy sẽ chỉ cách điều khiển sử dụng chữ, chú đã rành rồi chỉ cái, chú biết à, theo ý của Thầy trình bày. Theo ý của Thầy thôi, đó chú sẽ làm trọn vẹn và đồng thời Thầy giao xong rồi thì coi như Thầy chỉ còn viết.
Còn hiện giờ tại vì trước kia Thầy viết, chùa chưa có vi tính cho nên mới gửi cho mấy cháu, con của các cư sĩ để họ đánh. Từ cuốn I, cuốn II, cuốn III, rồi tới cuốn VII, rồi mấy cuốn Giới Đức, tụi nó đánh cho mà nó lu bù, nó đánh không chuẩn. Thầy bây giờ Thầy phải đem cái đĩa đó Thầy đưa vô trong máy vi tính rồi Thầy mở màn hình ra. Theo đó mà Thầy chỉnh nó lại. Thành ra bây giờ thì chú Luân làm sao biết đâu mà chỉnh. Thầy chỉ ngồi đó Thầy chỉnh, tức là Thầy sửa lại bản thảo của Thầy. Khi đưa họ đánh đó, đưa tụi nó đánh, đánh theo cái bản thảo. Còn bây giờ Thầy ngồi lại Thầy sửa bản thảo. Mà sửa bản thảo thì điều chỉnh luôn cái cuốn sách.
Sư Tuệ Tĩnh: Nó mệt Thầy.
Trưởng lão: Nó mệt lắm.
Sư Tuệ Tĩnh: Con đề nghị Thầy lấy cái đĩa in ra đi, in ra rồi Thầy chỉnh lại, rồi Thầy đưa ra cho chú Luân làm luôn. Chứ còn Thầy chỉnh trên máy tính, nó hại mắt.
Trưởng lão: Nó hại mắt mà cũng như hại sức khỏe, bởi vì Thầy thấy ngồi với cái máy vi tính có hại.
Sư Tuệ Tĩnh: Chỉ cần nửa gram giấy, bỏ cái dĩa vô in ra. Rồi Thầy ngồi Thầy chỉnh.
Trưởng lão: Nói chung Thầy cũng nghĩ, Thầy cũng tiết kiệm tiền của Phật tử.
Phật tử: Không có sao, chúng con xin cúng dường. Chỉ vài ba gram chứ đâu có bao nhiêu.
Trưởng lão: Các con cứ nghĩ như thế này, Thầy tiết kiệm từng chút, bởi Thầy nghĩ đời sống tu sĩ của mình là đời sống đi xin ăn. Ngày xưa đức Phật còn lượm vải Phấn tảo, vải bó thây ma kết lại, giặt sạch sẽ mà mặc. Còn mình bây giờ thừa quá, đủ thứ rồi. Mình cũng giữ cái hạnh "Thiểu Dục Tri Túc" như Phật, được chút nào hay chút ấy chứ mình không bằng Phật chút nào hết. Nghĩa là sánh với Ông Phật mình còn xa lắm.
Sư Tuệ Tĩnh: Dạ, Thầy có nói: "Tấc bóng thời gian khó kiếm" thầy.
(45:47) Trưởng lão: Thầy tiết kiệm lắm.
Sư Tuệ Tĩnh: Con đề nghị Thầy để vô máy in ra rồi Thầy ngồi Thầy chỉnh.
Trưởng lão: Cái đó là tiện nhất, thí dụ như in ra tờ giấy như vậy. Bắt đầu bây giờ Thầy thấy cần phải thêm, cái này cần phải gạch bỏ, cái này cần phải điều chỉnh sao, tức là Thầy sẽ ghi ra đây ngắn gọn, Thầy chỉnh thì nó tiện lắm. Còn cái kia ngồi trước máy, ở bên cái máy, thật sự ra Thầy thấy nó làm như hao sức khỏe mình nhiều lắm.
Sư Tuệ Tĩnh: Tia hồng ngoại nó làm hại sức khoẻ. Giấy để con mua, con cúng dường Thầy. Thầy in ra.
Trưởng lão: Thầy sợ phí.
Sư Tuệ Tĩnh: Không sao thưa Thầy. Có phước ạ.
Trưởng lão: Bởi vậy mấy Sư cứ nghĩ như thế này, Thầy biết rằng hiện bây giờ người ta phí của mồ hôi, nước mắt. Trong khi mồ hôi, nước mắt của Phật tử người ta làm ra vất vả lắm mấy Sư à. Mình có con có cái đi làm để mà sống, nuôi gia đình, Thầy thấy nó cực lắm.
Thầy nói thực sự, cho nên Thầy thấy Phật tử làm mà cúng dường Thầy một trăm hay năm chục, Thầy biết là mồ hôi của họ, cực lắm. Nhiều khi họ làm ra tiền rồi cái họ ở tù, chứ không phải. Bây giờ họ đâu có biết thiện ác là chỗ nào đâu. Làm sai một chút thì Nhà nước bắt tội họ, họ ở tù. Trong khi đó họ cúng dường mình, mình không biết. Tội nghiệp cho họ quá.
Cho nên Thầy, thậm chí, Thầy nói thật sự, từ cái xà bông, quần áo Thầy, Thầy ít có giặt xà bông lắm, ngày nào cũng giặt, nhưng mà giặt nước.
Sư Phước Nhẫn: Bởi vậy hôm qua, con thấy Thầy mặc áo, con không kìm được.
Trưởng lão: Không có sao đâu, bởi vì đời sống tu sĩ phải vậy. Thầy nghĩ rằng cuộc sống của mình phải làm gương, làm gương cho người sau. Đừng có phí của Đàn na thí chủ. Người ta làm khổ lắm, bởi vì kinh tế thị trường mà. Làm cực khổ lắm. Cho nên mình phải nghĩ từng chút, từng chút để mà thương người Phật tử, người ta muốn Phật pháp được trường tôn, các Sư có đọc bài của Thầy "Hồi Hướng - Ước Nguyện". Mồ hôi, nước mắt, khổ lắm, nhưng vì Phật pháp được trường tồn, họ mới cúng dường mình thế này. Thế mà mình phí sao được. Mình phải giữ gìn, tiết kiệm.
Cho nên thậm chí, như Thầy mặc cái bộ đồ vậy đó, Thầy không rảnh chứ Thầy rảnh Thầy vá lại Thầy mặc. Cho đến khi mà cái bộ đồ của Thầy mặc suốt mười năm ở trong thất, mẹ Thầy đắp vá. (48:49)
HẾT BĂNG