00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

PHÁP HÀNH 34 - CÓ DUYÊN VỚI PHÁP NÀO THÌ TU PHÁP ĐÓ

PHÁP HÀNH 34 - CÓ DUYÊN VỚI PHÁP NÀO TU PHÁP ĐÓ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1998

Thời lượng: [46:56]

1- ĐẠO PHẬT KHÔNG HỀ YẾM THẾ, TRỐN TRÁNH HAY CHỊU ĐỰNG

(Tiếp theo Pháp hành 33)

(0:00) …​ trước sự đau khổ của kẻ khác. Nhưng chúng ta phải thấy được cái sự làm của chúng ta nó phải đúng cách, đúng cái nhân quả.

Cũng như bây giờ, thí dụ như bây giờ mình làm ông thầy thuốc mình nghĩ rằng ai đau mình cũng cứu khổ họ hết, làm cho họ hết đau. Nhưng mà cái nhân quả họ thật sự mà! Nhưng mà khi họ đau, trong cảnh khổ họ rên la, chúng ta có thể giúp đỡ họ trong một phần nào đó thôi, chớ không phải là làm cho họ hết cơn đau được.

Chúng ta bây giờ cho họ uống thang thuốc này họ hết cái đau bệnh này, họ sẽ có cái bệnh khác đến với họ liền, làm gì mà cứu hết bệnh của họ nổi! Đó là cái nhân quả của họ mà làm sao chúng ta cứu hết được.

Cho nên càng mà ngăn chặn, làm cho họ giảm cái nỗi khổ của họ, thì chúng ta phải chịu lấy cái nổi khổ do chính cái nỗi khổ mà chúng ta đã ngăn chặn cái nhân quả của họ. Cho nên chúng ta thấy rằng mình làm phước mà coi chừng chúng ta lại thọ lãnh những cái quả báo của những sự gánh vác của nhân quả kẻ khác.

Cho nên nói tui làm phước sao mà tui lại khổ quá vậy? Đó thì, các nhà làm phước coi chừng, hãy coi chừng! Nhân quả của người ta mà mình gánh bớt cho người ta một phần nào thì mình phải chịu lấy đó.

(01:03) Cho nên nói về đạo Phật là phải nói cái đạo không phải yếm thế. Yếm thế là Thầy thấy bây giờ, trời ơi bây giờ, quý thầy tu chẳng được gì hết, thôi mình vô trong non, trong núi đó mình ngồi mình ẩn bóng đi, cho nó đời sướng mình, khỏe! Khỏi cần tiếp xúc ai, khỏi cần dạy ai, khỏe lắm!

Cho nên Thầy nói ẩn bóng là tránh danh, tránh lợi, có nghĩa là không phải là yếm thế. Mà tránh danh, tránh lợi tức là đừng để cho cái danh, khi mình tu tập rồi, ngày nào lần lượt rồi nó cũng sẽ lộ cái chỗ tu hành giải thoát của mình, người ta sẽ biết. Và người ta sẽ biết càng lúc càng kính trọng, càng tôn trọng mình nữa, thì tức là làm cho người ta phải hao tài tốn của rất nhiều.

Tại sao vậy? Từ xa xôi người ta phải bỏ tiền, dù là nghèo người ta cũng ráng, nghe đó là bậc chơn tu, người ta phải ráng đến, thì tức là người ta phải tốn hao tiền bạc. Trong khi người ta cơm chưa đủ ăn nữa, nhưng mà vì mến cái đức hạnh của một vị đó, cho nên dù xa xôi người ta đến nhìn mặt là người ta thấy thỏa mãn được cái lòng ao ước của người ta rồi. Nhưng mà cái cuộc khổ của họ phải chịu như thế nào?

Cho nên từ đó như Thầy, Thầy ẩn bóng, bây giờ thì người ta chưa biết gì hết, thì mình ẩn bóng, thì do đó, từ đó người ta cũng không biết Thầy ở đâu mà tìm. Thình lình, có duyên Thầy xuất hiện, gặp họ, quá mừng! Sao con lại có duyên gặp Thầy? Thì đó là cách thức đem đến một cái nỗi vui mừng.

(2:16) Và đồng thời cái nỗi vui mừng đó nó làm cho họ có một niềm tin rất sâu. Lời nói của Thầy, cái hoàn cảnh gia đình họ, Thầy khuyên họ: “Bây giờ vợ chồng phải sống như vậy, vậy thì mới đem lại hạnh phúc, do cái nhân quả như vậy!” Nói họ rồi cái bắt đầu họ nghe liền, như vậy họ sống lại, bây giờ gia đình họ rất hạnh phúc.

Cái chợt thình lình của Thầy đem đến cho họ một cái nguồn vui chân thật, hơn là họ đến đây mà nghe một cái bài thuyết pháp rồi về thì gia đình như thế nào thì họ cũng như thế nấy, chẳng có gì lợi ích cho họ.

Đó cho nên, và tránh được cái sự mà quá cung kính, quá tôn trọng của Phật tử.

Cho nên đạo Phật không yếm thế đâu. Nghe nói Thầy ẩn bóng là yếm thế, không phải đâu. Thầy đang đi lo những cái nơi, cái địa điểm nào cho phù hợp để cho các thầy nỗ lực tu, mà luôn luôn lúc nào cũng tới lui với các thầy.

Thí dụ như bây giờ, ở ngoài Hà Nội mà các thầy gặp khó khăn, thì ngay trong chớp mắt là Thầy sẽ đến, đến bằng gì các thầy biết không? Đi bằng phi cơ, nó sẽ chở Thầy đi đến chớ Thầy đâu có thực hiện thần thông làm gì đâu, Thầy có biết gì đâu mà thực hiện!

Nhưng mà Thầy, bây giờ ở ngoài đó gọi điện thoại vào: “Bây giờ con gặp những cái khó khăn cần Thầy giải quyết liền!”, thì ngay đó Thầy xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Thầy mua cái vé. Bây giờ nói ngày mai mới có máy bay, Thầy coi cái người nào họ chưa đi, Thầy đổi vé Thầy đi liền. Thầy ra đó cấp tốc thì trong vòng nửa tiếng, một tiếng đồng hồ Thầy tới Hà Nội rồi, Thầy xuống phi trường Thầy đến gặp liền có gì đâu khó khăn, giải quyết liền tức khắc.

Phải không? Các con thấy, bây giờ nó đã có những cái phương tiện như vậy mà cần gì đây mà phải bay nó đi cho mất công mệt mình? Ở đời mà, nó có phương tiện rồi mình cứ dùng phương tiện, đừng có làm cái chuyện mà ngoài phương tiện đó, người ta nói mình tả đạo, ngoại đạo nữa, thành ra mang tiếng luôn nữa, thì thành không tốt nữa.

Cho nên người ta bay được máy bay thì mình cũng bay được máy bay, chứ mình đừng có bay mà không có máy bay thì mình không được.

2- BÙA CHÚ CHỈ DỌA ĐƯỢC NGƯỜI YẾU TINH THẦN

(03:53) “Thưa Thầy, con người sống hay chết là do nhân quả, vậy có những đạo sĩ chuyên luyện bùa chú tà thuật để hại người, họ có giết người được không?”

Sự thật ra nhân quả mà, làm sao giết ai được? Tại vì mình sợ quá rồi mình sanh bệnh chứ còn sự thật ra, chẳng sợ ai hết. Thầy bây giờ nói ông thầy bùa, thầy chú nào giỏi đi, cứ yếm Thầy đi, Thầy cho yếm đã đi cho Thầy chết, Thầy mừng nữa à! Có ông thầy bùa chú nào yếm vô được cái thân Thầy đâu. Phải không, các con thấy.

Bởi vì Thầy nói thật sự đối với cái thân Thầy cũng như thân các con vậy, mà Thầy không sợ hãi cái gì hết, bùa chú nó vô nó rớt ra cả đống ở đây nữa, Thầy đốt cũng như cái đống ung vậy. Họ cứ yếm đi cho nó đụng đi, thử coi, Thầy nói Thầy không ngán!

Hồi còn nhỏ Thầy chưa có tu hành gì hết, ở đây nó có cái ngôi chùa, có ông thầy bùa cũng giỏi lắm. Mà Thầy còn nhỏ mới bằng mấy đứa nhỏ thôi à, chừng chín, mười tuổi chớ không có, lúc bấy giờ tám tuổi Thầy đi xuất gia rồi, thì lúc bấy giờ chín, mười tuổi cỡ đó à. Mà ông ta nói ổng yếm bùa, là bây giờ ở trên cái hòn sơn giả ở trước chùa, ngọn lửa ở trển đang cháy phừng phực trên đó.

Thầy nói: “Thiệt không?” mà hồi nhỏ mà ban đêm mà Thầy hỏi vậy: “Thầy nói thiệt không?” Ổng nói: “Thiệt, bây giờ cứ lên đó đi, có cái ngọn lửa ở trên đó đó!”. Thì Thầy đi ra liền, Thầy không sợ đâu, Thầy đi ra Thầy coi thử coi có không.

Thầy đi ra, thật ra thì Thầy đến cái chỗ cái hòn sơn giả ở trước chùa đó, thì hồi đó ở đây trước chùa mà có cái hòn sơn giả ở trước chùa. Thầy ra Thầy thấy có cái ánh sáng dưới cái, trong cái hòn sơn giả có ánh sáng nó trá ra. Thầy nói: “Bộ ông thầy này cũng linh chớ, để mình lại mình lại mình coi thử cái ánh sáng đó là như thế nào, coi thử coi, tại sao nó có vậy được?”

Đó thì Thầy lại gần, nhưng mà lại gần rồi thì nó là con dời các con! Ông thầy này chắc bộ ông đi dạo vòng vòng đó ông thấy có ánh sáng con dời, ổng biết rồi, cho nên ổng nói ổng làm bùa chú gì đó ổng dọa Thầy, để ra đó thấy ánh sáng là Thầy hoảng rồi chớ gì?

Nhưng mà Thầy lại là con người không biết sợ, cho nên Thầy xem coi, lại đó coi thử ánh sáng đó từ đâu mà nó xuất phát được cái chỗ này? Do đó Thầy tới đó thì con dời, Thầy lượm con dời Thầy xách vô: “Đây là bùa chú của ông đây!”. Làm cho ông thầy đó ông bễ nghễ ông mắc cỡ gần chết ổng.

Các con thấy, đối với Thầy không có cái gì mà Thầy ngán, mà lúc bây giờ mới là tám, chín tuổi thôi, chứ Thầy chưa có lớn đâu. Mẹ của Thầy thì quá hoảng sợ, sợ ông thầy bùa ổng giết Thầy đi, ổng mắc cỡ rồi đây ổng ếm bùa Thầy chết chứ gì?

Thầy nói: “Mẹ đừng có sợ ổng làm gì, ổng làm giả đó, làm sao mà có được! Nếu mà có lửa được chắc ổng có thể ổng đốt con được, nhưng mà đâu có lửa được, lửa con dời mà làm sao mà đốt con được! Con bắt đây mà!”

Thật sự ra, chỉ nó mạ cho cái người yếu tinh thần thôi, chứ còn cái người mà cái tinh thần không có yếu thì không làm được đâu.

(06:28) Cho nên ở đây con hỏi, con nói đó. Cho nên chúng ta thấy những cái tà thuật của bùa chú, chúng ta thấy cũng ghê thật. Trời họ yếm đọc thần chú, họ đọc bùa rồi, cái bụi tre gai gì đây họ trèo lên đó, họ chạy ù ù trên đó, không có dính gai, dính gì hết! Hay thiệt chứ! Thấy cũng lạ nữa.

Sự thật ra không biết là như thế nào nhưng mà Thầy thấy cũng có hay đó. Nhưng mà đối với Thầy, thứ đó Thầy không sợ đâu, cái thứ đó cũng như là mấy cái thằng hắc thuật ở ngoài chợ Sơn Đông vậy chớ không có gì hết.

Cho nên đối với Thầy những cái thần thông mà Thầy nói ra để chúng ta thấy rằng cái năng lực, chớ không phải là chỗ ham thích đâu, cái chỗ đó không phải, cái năng lực của tu hành của chúng ta nó đạt được.

Còn cái chuyện mà họ làm đó làm là cái chuyện mị rất nhiều, rất nhiều cái chuyện mị, mà Thầy nằm ở trong cái giới bùa chú, Thầy cũng biết rõ những vấn đề mà gạt người để mà làm tiền, rất nhiều cái chuyện mà mị mạ, coi như là người quá quá sợ!

3- CÁC ĐỊNH VÔ SẮC KHÔNG CÓ HẠI MÀ CŨNG KHÔNG CÓ LỢI

(7:18) “Một người tu nhập được bốn loại định như Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ có nguy hại và lợi ích gì không? Xin thầy chỉ dạy con được biết!”

Đây là hỏi trong bốn cái Định Vô Sắc này có lợi ích gì và có sự nguy hại gì?

Cái sự nguy hại ở trong bốn cái định này, cái Định Vô Sắc này, nó không có nguy hại gì hết, nó cũng tốt thôi chớ không có gì.

Nhưng mà nó cũng không lợi ích gì cho cái người mà nhập cái này hết, nó không có lợi ích gì, nó không có làm chủ sanh tử gì hết à. Coi như là chúng ta luyện bùa chú chơi vậy cho nó vui vậy chớ còn nó không có lợi ích. Cái đó, bốn cái Định Vô Sắc này nó không có lợi ích gì cho chúng ta hết.

Chỉ có bốn cái thiền định Hữu Sắc là có lợi ích rất lớn đó, còn những cái định này chỉ nhập chơi vậy thôi chớ không có lợi ích gì. Nó là định tưởng mà, nó đâu có lợi ích gì.

4- XẢ BỎ HẾT ĐỂ TU HÀNH, KHI DAO ĐỘNG THÌ LẠI HỐI TIẾC

(8:11) “Kính bạch Thầy! Có những nguyên nhân gì mà một người xả bỏ hết tài sản gia đình để theo tu hành, nhưng đến một ngày nào đó họ lại sanh tâm hối tiếc?”

À, trong cái người mới tu mà nghe những cái lời dạy về Phật pháp họ ham thích, cho nên họ nghĩ rằng mình xả bỏ.

Cái người này là cái người nông nổi, xả bỏ hết tài sản rồi đi tu. Rồi bây giờ đó, bây giờ mất hết tài sản mà tu thấy nó khó quá, nó nhọc nhằn quá, cho nên giờ hối tiếc, phải hồi đó đừng có bỏ để bây giờ sống! Thì như vậy rõ ràng là cái người đó trong cái giai đoạn đầu họ nông nổi.

Nhưng mà cái người mà người ta bỏ hết tài sản mà người ta đi tu, mà người ta gặp những cái khó khăn, thì người ta vượt qua từng những cái khó khăn đó, thì cái người này sẽ là chứng đạo trong một kiếp này. Người ta xả bỏ, xả bỏ được ngay từ lúc đầu là cái nhiệt tâm của họ rất mạnh đó, họ mới xả bỏ của cải chớ không phải dễ đâu.

Chứ nhiều người đi tu nói: “Thôi bây giờ mình có của cải, thôi mình gởi ngân hàng một mớ đi, còn nhiêu đó mình xả, còn mớ mình gửi ngân hàng nếu mà tu không được thì mình ra mình có chút ít tài sản mình dùng!” Thì cái người này họ còn làm cái đường rút lui, tức là đi tu mà còn sợ mình tu không được, rút lui đó! Thì cái người này còn yếu lắm, còn nhát gan.

Một cái người mà kêu là qua cầu mà rút cầu luôn, thì cái người này là người gan dạ lắm đó. Cho nên bây giờ nó kẹt rồi thôi gắng đi tới đi, đi tới riết cái thành đạo. Chớ còn người mà có cầu mà đi trở lại thì chắc chắn là họ lui lại.

Cho nên cái người tu hành mà bỏ hết tài sản rồi, mà cắt đứt luôn cầu họ không còn quay trở lại được, thì mấy người này có thể đi luôn được. Nhất là gần những cái bậc đạo sư, họ khéo léo lắm, khi mà cái người đó cùng cực, thì họ để cho cùng cực như vậy chớ mà họ khuyên lơn khéo léo lắm.

Một cái bức thơ, một cái lời nói của người thiện tri thức nó đánh mạnh cái người đó, sống trở lại những cái bước đường mà do cái công đức mà xả hết tài sản mà đi tu, mà họ đạt được đúng cái mức đó, chớ không khéo họ cũng lầm cái đường.

Bởi vì trong cái giai đoạn này có một người mà ham thích xả bỏ hết tài sản hết, để mà tu hành đạt được cái kết quả, thí dụ như bây giờ nghe cái giáo án, cái lời dạy của Thầy là phải chọn lấy cái lộ trình tu hành của đạo Phật là xả bỏ hết cái tài sản, sống không gia đình mà, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa mà, cho nên bỏ sạch trắng bạch như vỏ ốc!

Ai nghe cũng thích hết làm thử, nhào vô làm thử cái tới chừng đó rút cầu rồi, đâu có đi ra được! Thành ra tài sản hết rồi bây giờ đi ra lấy gì sống đây? Thôi chịu đựng ăn củ đi chớ bây giờ làm sao bây giờ!

Thì cái vị thầy đó người ta sáng suốt lắm, người ta không có để vị học trò người ta bỏ. Chính cái đối tượng đó mà người ta giải quyết cho người đệ tử của người ta vượt thoát ra. Đó là ly dục ly ác pháp đó, cái giai đoạn đó là giai đoạn chính của người đó.

Nghĩa là dao động trước cuộc sống khổ sở này, thì vị thầy đó người ta giúp cho cái người đệ tử của mình vượt qua cái chỗ giai đoạn này, thì họ không có còn sợ hãi. Thì bắt đầu họ đi xin ăn, họ mặc ba y một bát, họ sống thanh thản an lạc, họ vứt luôn đó. Bây giờ họ vứt luôn.

Hồi đó thì họ nông nổi họ vứt, họ tưởng là tu dễ. Nhưng mà vô đó gặp ăn ngày một bữa khó quá, khổ quá, rồi bắt đầu đó gặp khó khăn đó, thì cái ông thầy ổng biết được cái tâm người đệ tử của mình đang chới với rồi, mà bởi vì cái cầu rút rồi không có đi được ra! Chớ mà có cái cầu mà đi ra thì ông thầy không cứu được đâu. Còn không có cái cầu ra đó, thì còn cứu được.

Đó cho nên, Thầy nhìn chung đám đệ tử của Thầy, Thầy biết mà. Người nào mà có cầu rút ra thì Thầy thấy người đó Thầy khó cứu đó, còn có cầu nó rút lui.

Còn cái người nào mà không cầu, mà còn ráng chịu đựng đó, thì Thầy tìm cách Thầy chẻ lần, chẻ lần ra. Từ đó họ vượt ra cái họ vào đạo rất nhanh, họ xả rất nhanh. Bây giờ họ không nông nổi nữa mà họ cẩn thận.

Còn có người nào mà đi ra rồi, mà không có đủ duyên đó, tức là họ cũng bứt cái cầu họ rồi, nhưng mà họ đi ra có người giúp đỡ họ đó. Thì họ được cái người giúp đỡ, tức là đắp cho họ cái cầu họ sống (ở) thế gian rồi, thì lúc bấy giờ họ sống, cái đời sống họ vất vả lắm, nhưng mà họ có cái sống rồi thì họ thấy sống ở trong đạo rất khổ hơn, cứ sông. Mặc dù bây giờ mình làm ra tiền cực khổ chứ lại còn khỏe hơn hồi sống trong đạo, không tiền, tức trời ơi, nó nhiều cái nó bực lắm!.

Đó, thành ra nó có nhiều cái lắm, thí dụ như bây giờ một cái người mà đang tu, rồi bắt đầu họ đạt đến cái chỗ yên tịnh như thế nào đó, rồi cái tâm dục họ bắt đầu nó có những cái mà Phật gọi là ma đó.

Đức Phật mà trước khi thành đạo thì cũng gặp cái ma nó phá, tức là ma nội tâm của Đức Phật nhiều lắm chớ không phải ít đâu, mà chiến thắng ma đó không phải dễ đâu.

Cho nên khi đó nó làm tâm cái vị đó dao động rồi. Mà bây giờ đã rút cầu rồi thì vị đó không ra được nữa rồi, thì bắt đầu đó, vị thầy đó khéo léo để ngay đó mà cái vị đó xả tâm mà tiến bước. Bởi vì bây giờ nó không có được thối lui, không có được rút lui rồi thì mình phải tiến thôi! Phải tiến thôi buộc lòng phải theo ông thầy rồi, theo ông thầy thì theo đó ổng đưa, ổng giúp đỡ cái vị đó càng ngày càng thăng tiến, đi trong cái đường giải thoát tới lúc đạt được. Còn có đường rút lui rất khó đó, Thầy nói thật sự!

(13:00) Cho nên hầu hết là trong số đệ tử của Thầy biết rằng, cái người nào không có đường rút lui Thầy biết, mà người nào có đường rút lui Thầy biết.

Mà cái người nào mà đi tu mà nghĩ rằng mình còn để dành lại, để tu không được để rút lui đó, thì còn gởi ngân hàng hay cái gì đó thì chắc chắn là, mấy người đó thì Thầy khó cứu mấy người đó lắm. Mặc dù là họ cũng gieo duyên tốt nhưng mà cứu khó, không đi tới đích đâu.

Bởi vì tới cái đích của đạo Phật nó có những cái khó khăn, hết sức khó khăn! Nó thúc đẩy mình đến cái mức độ mà coi như là chết rồi sống lại đó, đó thì mới được.

5- TOÀN THIỆN MỚI LÀ TRUNG ĐẠO

(13:30) Ở đây thì Chánh Tâm hỏi Thầy:

“Thưa Thầy, trung đạo của đạo Phật là gì? Nó có khác gì so với đạo đức nhân quả hay không?”

Thật sự ra thì, hỏi về trung đạo thì hầu như là người ta hiểu một cách mơ hồ lắm. Cái trung đạo của đạo Phật mà so sánh với đạo đức nhân quả, thì cái đạo đức nhân quả là trung đạo của đạo Phật.

Nó từ cái nền tảng đó mà đi lên, thì nó trở về với cái đời sống mà thành tựu của đạo pháp rồi, thì cái đạo đức nhân quả nó là trung đạo của đạo Phật. Nó toàn thiện chớ nó không phải là nửa thiện nửa ác. Gọi là trung đạo, nó nửa bên đây nửa bên kia thì nó là trung đạo, không phải, nó toàn thiện mới là trung đạo.

Mà thiện của Phật nó không phải là cái thiện mà cái kiểu mà làm mình khổ mà người khác vui đó, không phải vậy. Cho nên nó là cái đạo đức trung đạo, là lấy cái nhân quả đó mà làm cái nền tảng của nó, vì vậy mà coi như là trung đạo là đạo đức nhân quả.

Cho nên đạo Phật, cái đạo đức nhân quả là cái đạo đức của đạo Phật mà, cái nền đạo đức của đạo Phật ở chỗ cái đạo đức nhân quả.

6- KHÔNG PHÓNG DẬT NHỜ THÁNH PHÒNG HỘ CÁC CĂN

(14:42) “Kính bạch Thầy! Do nguyên nhân gì mà cách khắc phục làm sao để các pháp trong thân không chạy theo các pháp bên ngoài?”

Ở đây các pháp ở trong thân của mình, tức là Chánh Tâm muốn hỏi là sáu căn mà tiếp xúc với sáu trần. Các con hiểu cái chỗ mà hiểu của nó, thì các pháp trong thân là mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình chớ gì? Mà không chạy theo các pháp với ở bên ngoài, thì tức là không có các trần chớ gì? Sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp chớ gì!

Do đó muốn các pháp trong thân mình không chạy theo các pháp trần, thì có pháp Thánh phòng hộ sáu căn! Phải tu tập Thánh phòng hộ sáu căn thì nó sẽ không theo.

Và tu tập cái từ tâm hay là bi tâm câu hữu với cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Đi kinh hành mà mình dòm dưới chân mình đừng có để đạp loài côn trùng đó, khởi cái tâm từ của mình đi mà mình dè dặt, cẩn thận, ý tứ từng chút cho tránh khỏi đó, thì câu hữu cái đó.

Đó là thực hiện ở trong cái pháp không có dính mắc. Bởi vì mình cứ mình đi mình ngó dưới, thì bên đây cái gì mình cũng không thấy, bên kia cái gì mình cũng không thấy, tức là phòng hộ sáu căn. Phải hiểu cách thức tu đó là phòng hộ sáu căn. Như vậy là làm cho mình không bị dính mắc.

Và từ đó nó, khi mà nó thuần rồi, nó quen rồi, thì nó không còn tham thích, cái tâm nó không phóng ra, thì nó không ham thích ngó hai bên nữa, thì lúc bây giờ mình cứ ngó dưới chớ mình không có còn bị ức chế tâm bằng cách mình tu tập cái pháp đó.

7- LY DỤC NHỜ KHỔ HẠNH HAY NHỜ HIỂU BIẾT?

(16:12) Kính bạch Thầy! Đạo Phật lấy sự hiểu biết để từ bỏ lòng ham muốn hay lấy khổ hạnh từ bỏ lòng ham muốn? Thiểu dục tri túc có phải là lối sống khổ hạnh hay không?

Đó những cái câu hỏi như vậy, nó rất là cụ thể để chúng ta biết được cái chỗ mà tu tập.

Đạo Phật lấy sự hiểu biết để từ bỏ lòng ham muốn hay lấy sự khổ hạnh mà từ bỏ lòng ham muốn?”

Đạo Phật dùng cả hai hết chớ không phải là một cái.

Nghĩa là đầu tiên chúng ta phải khép chặt mình ở trong cái khuôn khổ của giới luật, tức là gọi là khổ hạnh. Chớ không phải là giới luật là nó tầm thường đâu. Bởi vì giới luật nó làm cho chúng ta phải từ bỏ cái lòng ham muốn. Nghĩa là không khép chặt mình trước thì tức là mình bị ham muốn, tức là bắt buộc ức chế tâm mình trong khuôn khổ đó.

Nghĩa là đầu tiên là phải ức chế, sau đó thì chúng ta phải dùng sự hiểu biết, tức là Định Vô Lậu để mà xả, để mà làm cho cái tâm hết ham muốn. Cho nên nó phải hai cái hết chớ không phải một cái. Hiểu như vậy là mới hiểu đạo được Phật, chớ không phải.

“Còn thiểu dục tri túc có phải là lối sống khổ hạnh hay không?”

Thiểu dục tri túc không phải cái lối sống khổ hạnh, mà thiểu dục tri túc đây bằng một cái trí tuệ, từ bỏ lòng ham muốn, xa lìa tất cả những vật chất để giải thoát. Cái sự hiểu biết, cho nên vì vậy mình mới sống thiểu dục tri túc.

Còn bắt đầu mình sống thiểu dục tri túc mà ép buộc mình mà sống thiểu dục tri túc thì không thể được, nó không thể được đâu. Cho nên cái thiểu dục tri túc chỉ chẳng qua là cái thực hiện của một cái trí tuệ đã biết được cái vật chất nhiều làm cho mình khổ.

Cho nên mình giải quyết được cái khổ hạnh bằng cái giới luật và bằng cái trí tuệ của mình, để rồi từ đó cái lối sống đúng như vậy thì cái thiểu dục tri túc thì nó sẽ là cái lối tiếp theo, chớ không phải là lấy cái thiểu dục tri túc để, vì vậy mà các thầy cũng thấy rằng khi mình nhập Sơ Thiền, thì cái thiểu dục nó đi sau cái giới luật, mà nó đi sau cái Định Vô Lậu nữa.

Đó là những câu hỏi của Chánh Tâm.

8- CÓ LẬU TẬN MINH MỚI THẤY KHỔ NHƯ THẬT

(18:10) “8. Con thấy đời rất khổ. Vậy khổ như thật được so sánh với cái khổ mà chúng con thấy như thế nào?”

Cái khổ như thật, cái danh từ mà gọi là khổ như thật thì hiện bây giờ các thầy thấy khổ, biết khổ, nhưng mà như thật thì chưa thấy. Khi nào mà các thầy đã có cái tâm vô hạn thì các thầy mới thấy được cái khổ như thật. Cho nên cái người mà có cái tâm đó rồi thì họ thấy cuộc đời này họ ngao ngán, họ sợ lắm.

Cho nên, còn bây giờ thì các con biết khổ nhưng mà chưa đâu, thấy cái gì còn vui còn ham chứ chưa phải là như thật. Còn như thật thì cái vui là cái khổ nhất của cái khổ của cái thế gian này.

Cho nên đối với một người tu, cái mà đau khổ, cái mà xảy ra cho bệnh tật, tai nạn, đau khổ thì họ không sợ đâu, mà họ sợ những cái cám dỗ, họ sợ những cái lạc của thế gian: Từ cái ăn ngon nè, từ cái bánh, cái đường nè, từ những cái cám dỗ họ, họ sợ cái đó nó dễ làm họ sa ngã lắm, họ sợ lắm, họ rất sợ!

Vì họ thấy như thật, thì tức là họ sẽ thấy những cái lạc đó mà họ sợ. Còn chúng ta chưa thấy như thật cho nên những cái ăn ngon chúng ta còn thích. Biết khổ chớ đâu phải không biết, biết chớ, biết nhưng mà nó vẫn còn thích, tức là chưa như thật.

Mà muốn như thật như vậy thì có cái pháp hướng nhắc tới nhắc lui thì nó phải như thật, chớ còn thiếu pháp hướng thì không đạt được cái như thật. Và nhờ cái pháp hướng đó mà chúng ta đi tới cái chỗ mà Lậu Tận Minh, thì bây giờ mới thấy khổ như thật đó.

9- XẢ LY NHIỀU THÌ TU NHANH

(19:40) “Có lý do gì mà trong thời Đức Phật còn tại thế mà các vị Tỳ Kheo chứng quả rất dễ dàng và rất nhiều? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được biết?”

Thời Đức Phật, tại vì thời còn bộ lạc, vật chất nó quá ít. Do đó thì cái người mà theo thời Đức Phật đó, là cái người đã tu ở trong cái đạo Bà La Môn, họ đã xả ly rất nhiều vật chất rồi.

Cũng như mấy con ở đây mà tu tập cũng đã xả nhiều rồi, sống ba y một bát, cũng như bây giờ Thầy đi tìm cái bậc mà tu xả hết cái thế gian rồi, họ còn có ba y một bát, họ sống trong rừng, ăn củ, ăn trái, thì những cái người này Thầy dạy thiền định rất nhanh. Cho nên trong cái thời Đức Phật là độ những cái người này rất nhanh, là tại vì những người này đã xả ly nhiều rồi.

Còn bây giờ chúng ta chưa có xả ly, mà chúng ta nhảy vô làm tu sĩ, còn bao nhiêu, đi vô mà ôm cả rương vầy Thầy thấy thôi rồi rồi, đâu còn nữa! Phải không, cho nên đó là chưa xả ly mà.

Còn thời Đức Phật là tại sao người ta tu nhanh là người ta xả ly quá nhiều rồi. Mà coi như cái vật chất của thời Đức Phật nó cũng ít hơn chúng ta.

Chúng ta vì mà đủ hết mà, bây giờ từ cái Honda cho đến xe Dream này kia rồi tới cái chỗ mà tivi, rồi đầu máy cassette gì đủ thứ hết, đủ loại hết, trời ơi, làm sao người ta xa lìa được?

Còn cái ăn uống, đồ hộp đồ này kia người ta đóng hộp, còn hồi đó giết một con vật rồi cái trui nướng rồi xúm nhau ăn chớ chưa có nấu cơm được, chưa có nấu nữa! Lửa mà đi kiếm mà để nấu được, nướng cái miếng thịt cũng là khó khăn, cho nên người ta làm biếng nữa, người ta lượm trái cây người ta ăn hơn là để đi cắt thịt mà nướng.

Cho nên đó là những cái vật chất, đời xưa nó là rất vất vả.

10- PHÁ VÔ KÝ BẰNG PHÁP HƯỚNG

(21:12) “Kính bạch Thầy, một người tu tập đúng cách thức thì trong thời gian bao lâu sẽ phá được vô ký và tu thế nào là đúng cách để phá vô ký?”

Khi mà bị rơi vào vô ký là do cái sự ức chế tâm mà bị rơi vào vô ký.

Ngồi, thí dụ mình ngồi mình hít thở, mình nương vào hơi thở mình ức chế tâm mình không vọng tưởng, thì khi mà hết vọng tưởng rồi thì cái trạng thái nó mất tiêu, nó sẽ là hiện ra cho chúng ta, rồi chúng ta lần lượt chúng ta mất cái hơi thở rồi mất tiêu luôn.

Thì đương nhiên là trong khi đó chúng ta không có thùy miên tức là không buồn ngủ, mà lại mất tiêu, đang tỉnh mà nó mất tiêu, đó là bị vô ký.

Đó thì, muốn phá cái đó thì tức là chúng ta phải đi lại cái định, thứ nhất là chúng ta đi lại cái định ly dục, ly ác pháp để xa lìa những cái tâm dục. Vì cái trạng thái của mất tiêu này, nó là nhằm vào, một cái trạng thái vô ký này, nó cũng thuộc về cái trạng thái si, si của Ngũ Triền Cái nó ngăn che làm chúng ta mê mờ đi, không phát trí tuệ lên.

Do vì vậy đó, khi mà rơi vào những cái trạng thái này, thì chúng ta nếu mà ở trong cái chỗ mà ức chế tâm này, thì chúng ta nương vào cái hơi thở hoặc cái pháp môn nào đó thì chúng ta thường nhắc, thường dùng cái pháp hướng nhắc, nhắc thì nó sẽ không có lọt vô ký nữa, thì chúng ta sẽ phá vô ký mất, nó không còn có nữa.

11- CÓ DUYÊN VỚI PHÁP NÀO THÌ TU PHÁP ĐÓ

(22:21) Đây là, đến đây đã là chấm dứt cái bài hôm nay. Vậy thì hôm nay thì chúng ta sẽ là cái giờ, buổi học cuối cùng, và chấm dứt hôm nay để rồi Thầy làm những công việc khác. Thì các con đã nắm hết, Thầy xin tóm lược lại để thấy được cái pháp hành.

Nghĩa là ngày xưa, các thầy nên nhớ rằng không phải là tu tùm lum vậy đâu, không phải đụng pháp nào cũng tu hết đâu. Có người có duyên với pháp này, thích cái pháp này thì tu.

Thí dụ như các con nghe Thầy dạy pháp Tứ Chánh Cần, thì các con nỗ lực tu Tứ Chánh Cần, thì các con dẹp hết các pháp ác, xong thì các con sống ở trong trạng thái thiện pháp, tức là ly dục, ly ác pháp rồi. Thì ngay đó là các thầy các con nhập định rất dễ dàng thôi, không còn khó nữa.

Cho nên tự nội Tứ Chánh Cần không cũng đủ rồi, không cần phải tu Tứ Vô Lượng Tâm, mà cũng không cần tu Sơ Thiền, Nhị Thiền, hay hơi thở gì tất cả hết. Nghĩa là các con khỏi tu Tứ Niệm Xứ, cũng khỏi tu Tứ Như Ý Túc, khỏi cần tu gì hết.

Nghĩa là khi mà ly dục, ly ác pháp rồi thì các con chỉ cần ra lệnh là nó làm theo hết, không cần tu gì hết. Cho nên cái Thất Giác Chi các con cũng khỏi cần tu, miễn là khi mà các con ly dục, ly ác pháp thì Thất Giác Chi nó hiện ra liền tức khắc.

Cho nên bây giờ các con tu, thí dụ như bây giờ các con thấy, đi kinh hành để mà tu Tứ Vô Lượng Tâm, dùng tâm từ bi tránh tất cả những cái loài vật để không đạp dưới chân mình khi bước đi. Thì các con tu tập như vậy, tập trung rất tỉnh thức để cho mình đừng có giết hại chúng sanh, nó làm cho cái tâm mình tỉnh thức.

Thì do cái sức tỉnh thức này với cái tâm từ bi này kết hợp với nhau, và đồng thời các con nương vào cái hành mà đi này, thì các con nhắc để mà xả cái tâm tham, sân, si của mình, tức là kết tập với cái Định Vô Lậu, thì hai cái này thì các con tu về Tứ Vô Lượng Tâm để cho xả hết cái tham, sân, si của mình. Từ đó thì nội cái Tứ Vô Lượng Tâm vầy các con cũng thành tựu.

Vì vậy mà cái người đệ tử của Phật gọi là tâm từ đệ nhất, thì đó là em của ông Cấp Cô Độc, đã theo Phật tu mà chứng quả được A La Hán là do cái Tứ Vô Lượng Tâm mà vào.

Còn cái Tứ Chánh Cần này thì Thầy không thấy ở trong kinh nhắc, không có cái gương hạnh, nhưng mà điều kiện là Thầy xin nhắc lại là cái người nào mà tu Tứ Chánh Cần là ngăn ác, diệt ác để mà thực hiện cái trạng thái của thiện, thì cái người này ở trong cái trạng thái này, nội Tứ Chánh Cần này, thì các thầy cũng sẽ là đạt được cái sức tu tập rồi, thì chỉ trong cái pháp Tứ Chánh Cần là đủ rồi, không cần phải tu các pháp khác.

Đây là những cái bài pháp cuối cùng nhắc cho quý thầy nắm vững những cái pháp, mà mình có duyên với pháp nào lấy pháp đó tu một pháp thôi, chứ không phải tu lộn xộn nay thiền này, mai thiền kia, mốt thiền nọ, tùm lum ra, thì các thầy tu riết rồi các thầy điên đầu, rồi các thầy cũng không biết đâu mà vào đạo nữa.

Thì phải hiểu được cái chỗ này nè, nghĩa là mình nhận cái pháp nào phù hợp với cái đặc tướng của mình, mình lấy cái pháp đó mà tu tới cuối cùng để mà thành tựu giải thoát.

Đó, cho nên ở đây Thầy muốn nói, khi mà các thầy đã mà nằm ở trên Tứ Niệm Xứ mà tu cái giai đoạn một, thì trên thân quán thân này thì quý thầy quán rồi tu Định Vô Lậu, rồi hướng tâm mình tu cái các hành động của mình đi kinh hành này kia, thì trong cái giai đoạn thứ nhất của cái Tứ Niệm Xứ, thì quý thầy thực hiện trên này, thì nó có Định Vô Lậu nè, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Niệm Hơi Thở thì nội bao nhiêu đó quý thầy cứ thực hiện.

Hằng ngày quý thầy câu hữu để mà hướng tâm xả, đoạn dứt cái tâm tham, sân, si của quý thầy. Nội ở trên cái đoạn một của Tứ Niệm Xứ này thì quý thầy cũng tu trên cái giai đoạn một này thôi, chớ không được tu tới cái giai đoạn hai, ba nữa. Thì các thầy sẽ thực hiện được cái chỗ mà giải thoát của quý thầy.

Cho nên lấy một pháp mà tu hành chớ không được lấy nhiều pháp. Vì lấy nhiều pháp quý thầy tu cái pháp này rồi tu pháp kia, tu pháp nọ tùm lum đủ thứ ra hết, thì quý thầy rối mà quý thầy không đạt được cái chất lượng cao của sự giải thoát.

Cho nên tu cái pháp nào phải chắc chắn pháp nấy, mình chấp nhận cái pháp đó rồi thì nỗ lực tận cùng với pháp đó để đến khi mình giải thoát mà thôi.

Đó, các pháp nó có hành pháp rõ ràng, thì các thầy chấp một cái pháp nào rồi thì các thầy phải thực hiện. Mà đây là những cái giai đoạn ly dục, ly bất thiện pháp, là cái giai đoạn quan trọng mà Thầy nói nó loại thiền quan trọng.

Cho nên cái cần thiết cho quý thầy là phải nỗ lực cho thật sự cái chỗ này, làm sao mà cho đạt được cái chỗ ly dục, ly ác pháp. Còn tất cả các loại thiền khác quý thầy đừng có quan trọng với nó, đừng có ngồi thiền nhiều.

Ở đây có ngồi nhiếp tâm trong hơi thở năm ba mươi phút hoặc một giờ là cao, xả đi, đừng có ngồi hai ba tiếng đồng hồ cho mệt cái xác của mình mà không làm gì cả.

(26:22) Cho nên ở đây, cần thiết là cái chỗ mà tỉnh thức, cái chỗ vô lậu, cái chỗ mà hơi thở nó phải được cái sự tỉnh thức ở trong cái hơi thở, thì cái điều đó là điều tốt.

Chứ quý thầy đừng có lo mà phải là phá cái âm thanh, hoặc là phá cái hơi thở, phải là tịnh chỉ cái này, đừng có lo cái chuyện xa vời đó đi, đừng có nghĩ lo đi. Mà hãy nghĩ ngay cái chỗ mà các thầy phải lìa cho được các ác pháp nè: tham, sân, si phải lìa nè, lòng tham muốn của mình phải lìa nè.

Lần lượt quý thầy tu, rồi quý thầy sẽ bỏ xả hết, tự nhiên cái tâm của quý thầy nó chín muồi rồi, quý thầy không còn thích thêm một cái bộ đồ mà quý thầy, ngoài cái bộ đồ trong thân này các thầy sẽ bỏ xuống hết, ai xin gì quý thầy cho hết, không cần nữa. Đó là lúc bây giờ quý thầy tự nhiên mà quý thầy xả.

Còn bây giờ quý thầy xả chớ quý thầy tiếc. Có cái sự bắt buộc của quý thầy để mà xả thôi, chứ sự thật ra thì các thầy chưa phải là thật tâm mà để xả.

Cho nên các thầy cứ tu đi rồi các thầy sẽ thấy tự nó nó xả, nó xả cho đến khi các thầy thấy nó thanh thản, chừng nào nó có trạng thái an lạc của cái sự xả ly đó, thì nó giúp cho các thầy thấy xả nó rất là thảnh thơi, thảnh thơi cho cái cuộc sống tu hành của mình.

Cho nên các thầy phải nỗ lực thực hiện là chấp nhận một cái pháp, do cái pháp nào mà quý thầy thấy kết quả của cái tâm mà ly dục, ly bất thiện pháp, làm cho lậu hoặc nó không còn nữa, thì tức là quý thầy lấy cái pháp đó mà làm cái chuẩn để mà đi tới cuối cùng để giải thoát, không khéo uổng cuộc đời quý thầy mà lăng xăng pháp này đến pháp kia.

Cho nên đây là cái bài pháp cuối cùng trong cái ngày mà học cái giới hành cuối cùng, Thầy xin nhắc lại để cho quý thầy thấy được, rút tỉa được những cái kinh nghiệm của mình tu tập trong cái thời gian qua. Và đồng thời chấp nhận một cái pháp, quyết định chết với cái pháp đó, thì các thầy sẽ đạt được.

Chớ còn quý thầy nay tu Tứ Chánh Cần, mai tu Tứ Niệm Xứ, mốt thì tu Tứ Vô Lượng Tâm thì kiểu đó là quý thầy chết đó, tu không có rồi đâu! Rồi bữa kia thì lo tu Tứ Thiền, Nhị Thiền thì chết đó.

Còn cái người nào mà chấp nhận rằng cái giai đoạn hai của thiền định, thì bắt đầu cái tâm ly dục, ly ác pháp của mình mà chưa ly thì mình, quý thầy kết hợp với những trạng thái của tâm mình ở trong các định Tam Thiền hay Nhị Thiền, thì mình kết hợp mình hướng tâm mình xả ly nó ra. Thì cũng ở trong cái giai đoạn hai đó mà tu từ Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền mà xả nó ra, thì nó sẽ ở trong cái trạng thái nó sẽ xả.

Đó thì như vậy là nó sẽ không mất thì giờ. Bây giờ các thầy đang ở trong cái trạng thái mà nỗ lực, trong cái trạng thái phá ngủ nè, phá hôn trầm nè, phá những cái trạng thái âm thanh nè, thì trong cái trạng thái quý thầy biết rằng mình đang ở trong cái trạng thái yên lặng rồi, không có niệm vọng tưởng rồi, thì ngay đó quý thầy ở trong trạng thái từ cái Sơ Thiền đó đi đến Tam Thiền, thì quý thầy phải dùng chỗ cái trạng thái đó để mà xả ly các ác pháp và cái tâm ham muốn của quý thầy. Nếu nó còn thì quý thầy càng xả càng tốt, để giúp cho quý thầy đạt được cái Tứ Thiền nó sẽ dễ dàng.

(29:01) Đó là cách thức mình biết dụng và mình biết câu hữu với cái Định Vô Lậu ở trong cái trạng thái của Nhị Thiền đến Tam Thiền, thì mình cũng xả ly tất cả những cái đó đi. Chớ còn cần gì mà mình phải đi vào trong định cho sớm, mình đâu cần. Nhưng mà cái xả ly được rồi thì bắt đầu mình vô đó rất dễ rồi, không cần gì nữa.

Đó thì quý thầy nhớ, ở đây là cái quan trọng của đạo Phật là cái chỗ mà ly dục, ly ác pháp của cái Sơ Thiền.

Mà vì cái Sơ Thiền của mình nó đã không có chỉnh, nó không có chín chắn được, nó còn có sự sơ sót, nó có xả nhưng mà chưa sạch, thì bắt đầu bây giờ mình đang ở trong cái giai đoạn của cái trạng thái của Nhị Thiền mà đến Tam Thiền, bây giờ nó hết vọng tưởng thì tức là trạng thái Nhị Thiền đến Tam Thiền, do đó ở trạng thái đó phải bắt đầu mình xả, để cho nó, cái Sơ Thiền cho nó hoàn chỉnh được cái ly dục, ly ác pháp. Thì từ đó mình bước vào cái Tứ Thiền rất là dễ dàng không còn khó nữa.

Đó là cách thức tu.

Cho nên ở đây, hoàn toàn đạo Phật rất là dễ dàng, có một số pháp mà để chúng ta biết đặt trên Tứ Niệm Xứ mà chúng ta tu tập.

Nói thì cho nhiều, luận cho nhiều, nói cho nhiều, cứ nói thì các thầy thấy rằng nghe được Thầy thuyết giảng thì nó phấn khởi được có một hai ngày à, sau đó mấy ngày rồi thì bắt đầu mới xuống dốc hết.

Rồi nghe được thuyết giảng thì nó phấn khởi được tiếp tục tu thêm mấy ngày nữa. Và cứ như vậy Thầy làm cái, kêu là, coi như là cái máy mà sạc pin cho quý thầy, để cho quý thầy tăng lên, chứ còn sự thật ra không phải do chính quý thầy đã chấp nhận cái pháp để mà thực hiện nó.

Còn ở đây khi mà giảng rồi, thì quý thầy chấp nhận nó rồi bắt đầu quý thầy sống đúng cái hạnh của nó, giới hạnh. Quý thầy sẽ nỗ lực, quý thầy sẽ thực hiện được cái sự giải thoát. Chọn lấy một pháp, đừng có lấy nhiều.

À bây giờ các thầy nhớ hết rồi phải không? Nỗ lực đi! Đừng có nghĩ ngợi gì nhiều hết, lấy một pháp mà mình đã chọn, lấy cái pháp nào có thể mà tu đến giải thoát cuối cùng. Cũng như các con bây giờ phải như vậy, phải nỗ lực thực hiện để xả cái tâm.

Chứ không khéo để cái tâm của mình nó cứ nay vầy mai khác mà nó, Thầy hồi nãy có nói rồi, cái Bất Động Tâm mà, cái định Bất Động Tâm là cái định ly dục, ly ác pháp đó. Từ đây về sau các con phải lấy cái định đó mà làm cái định quan trọng nhất cho cuộc đời tu hành của mình, mình phải luôn luôn hoàn toàn là giữ tâm bất động.

Nếu giữ tâm bất động được thì các thầy, các con đã trở thành một bậc Thánh nhân rồi!

12- NHẮC TÂM CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC TRONG BỮA ĂN

(31:09) Hôm nay tiếp tục Thầy, sau cái giờ giảng Thầy sẽ kiểm tra lại cái thời tu của mấy con, để Thầy xem coi cách thức ngồi coi nó vững chưa. Và đầu tiên thì Thầy sẽ bắt đầu Thầy trả lời những cái câu hỏi. Đây là những cái sự tu tập, hỏi ra để cho nó biết cách thức mà tu tập thực hành cho nó đúng.

Cô Liễu Tâm này thì cô ở ngoài Hà Nội, cô gởi cho thầy một bứt thơ. Thì cô cũng đang ở trong, người cư sĩ ở trong gia đình, nhưng mà cô lập cái thời khóa cách thức tu, hỏi Thầy coi thử coi sự tu tập như vậy có đúng không, cho nên Thầy có trả lời.

Đầu tiên thì cô hỏi:

“Kính bạch Thầy! Con xin thưa hỏi Thầy về sự tu tập của con, xin Thầy từ bi chỉ giáo!

Theo như trong cuốn tập, Thầy đã dạy con tu tập định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Về nhà con thực hành, con chia ngày hai thời, mỗi thời năm phút. Và cách nhau một phút con lại nhắc chừng là “Ăn cơm, tôi biết tôi ăn cơm!” Như vậy con mới tập tỉnh thức được năm phút không có thất niệm. Thưa thầy, tu như vậy có được không?”

Nghĩa là cô này cổ tập trong cái bữa ăn của cô, cô tu tập tỉnh thức trong cái sự ăn uống. Mà cô chia làm một ngày cô ăn hai bữa cơm mỗi ngày, cho nên cô lấy cái thời gian đó mà cô tu tập năm phút. Thì như vậy là cái thời cô tu như vậy đó thì tốt hay là xấu, thì cô có trình cho thầy là năm phút cô không có thất niệm.

Nghĩa là suốt trong cái thời gian mà ăn, thì cô tu khoảng độ năm phút, còn những cái thời gian khác thì cô không có tu. Cho nên chỉ năm phút cô tập rất là tỉnh thức trong cái hành động của mình mà không bị thất niệm, tức là không có tạp niệm xen vào.

Đáp: “Nghe pháp, hiểu được pháp là một điều khó.”

Nghĩa là thầy giảng cho các con nghe, từ cái giáo án rồi đến các giới hành, coi vậy chớ nó không đơn giản đâu, nghe mà hiểu được nó không phải dễ.

“Nghe pháp, hiểu pháp và biết áp dụng tu tập đúng pháp, hợp với khả năng và cái thời gian của mình…​”

Tức là cái sức của mình, khả năng của mình có cái thời gian nó bao nhiêu đó, mình tu nhiều cũng không được, mà tu ít thì cũng không tốt.

“…​ thì nó còn khó hơn gấp bội lần”

Nghĩa là gấp đôi lần. Khi mình nghe pháp, rồi mình hiểu được pháp là một điều khó rồi. Thế mà khi biết áp dụng vào cho đúng khả năng, đúng thời gian với mình để mà tu cho đạt được cái kết quả đó, thì nó gấp bội lần, tức là nhân đôi lên.

“Sự trình bày tu tập của con đúng với ý thầy đã dạy. Hãy cố gắng tu tập sẽ có lợi ích và kết quả tốt cho con!”

Nghĩa là cái thời gian tuy rằng tu ở trong những cái bữa cơm như vậy, trong năm phút như vậy, nhưng mà cái kết quả nó không thất niệm. Do đó thì thấy ngay liền cái sự tu tập của mình đã có kết quả liền. Và từ đó mình tập luyện dần, mình tăng lên thì nó sẽ có cái thời gian dài hơn. Hơn là bây giờ mình tu nhiều, tu suốt cái bữa ăn của mình mà cái kết quả nó lại không có, nó có tạp niệm.

Do đó trong bữa ăn vậy, thì trong cái bữa ăn ít ra thì mình cũng từ ba mươi phút, người nào nhanh lắm thì cũng hai mươi phút một bữa ăn, có người ăn lâu thì cũng cả tiếng đồng hồ, nhưng mà người ta chỉ tu có năm phút.

Đó thì các con thấy, phân chia để cho hợp với khả năng của mình tu là một điều rất là khó chớ không phải dễ. Mà tu phải đạt được cái chất lượng, cái kết quả, chứ tu mà không có kết quả thì đừng có nên tu, bởi vì mình tu mà không có kết quả thì tức là dậm chân tại chỗ, tu hoài nó không tới đâu.

Đó là cái cách thức mà tu tập cho nó đạt được kết quả. Vì vậy mà hôm nay thì cô tuy ở miền Bắc xa xôi mình, nhưng cô cũng đạt được những kết quả tu, và cái bức thư mà Thầy sẽ gởi lại cho cô cũng là một cái niềm tin cho cô nỗ lực, cô tiến tu hơn.

13- TU TẬP KHI LÀM CÔNG VIỆC VÀ KHI NGHỈ NGƠI

(35:21) Hỏi: “Ngoài hai thời chính…​”

Hai thời chính tức là hai bữa cơm đó.

Ngoài hai thời chính của hai bữa cơm ra, con làm gì, đi, đứng hoặc nấu cơm, giặt đồ v.v., con đều chú ý vào hành động làm và nhắc tâm phải luôn định trên thân mình. Nếu con đi ra ngoài thì con nhắc tâm…​”

Nghĩa là trong lúc mà làm công việc ở trong nhà đi tới đi lui, thì cô thường nhắc tâm, thì cái này cô diễn tả nó không được rõ, cái chỗ hỏi câu hỏi này thì nó không được rõ. Rồi cô nói, khi mà cô đi ra ngoài khỏi nhà đó, thì cô nhắc tâm:

“…​ chú ý vào bước chân. Đồng thời thì con kết hợp với tâm từ để tránh dẫm lên chúng sanh ở bước chân. Nếu lúc nào con ngồi nghỉ, thân không hành động thì con nhắc tâm thanh thản, vô sự hoặc nhắc tâm như cục đất.

Kính bạch Thầy! Con tu như vậy có đúng không?”

Đáp: “Ngoài hai thời chính của hai bữa cơm ra con tu Thân Hành Niệm,…​”

Nghĩa là cái thân động lúc nào mình tu theo lúc nấy.

“…​ thân làm việc gì biết làm việc nấy, Định Sáng Suốt, tâm thanh thản vô sự và Định Vô Lậu, tâm như đất. Nếu thời gian thực hành tu như vậy con nên xét:”

Phải cẩn thận kỹ lưỡng xét.

“Một là cơ thể và tinh thần có thoải mái không?”

Nếu mình tu liên tục như vậy mà thấy cơ thể và tinh thần mình không thoải mái thì nó là sai rồi.

“Hai: chất lượng tu có đạt tốt không?”

Nghĩa là mình coi như là tu liên tục đó. Thì mình phải xét coi nó có kết quả không, nếu mà nó không có kết quả thì phải tu nó có thời gian nhất định, chớ không phải tu liên tục như vậy. Ý Thầy muốn nói, trả lời như vậy.

“Nếu cả hai đều tốt thì con nên gắng sức tu tập sẽ có lợi ích lớn và kết quả tốt.”

Nghĩa là nếu mà trong cái thời gian mà tu vậy đó, mà nó tốt, tức là nó có chất lượng cao, nó không tạp niệm, nó không vô ký, thì tức là nó tốt, thì mình sẽ tiếp tục mình tu thì nó mau lắm.

Nhưng mà sợ khi mình tu như vậy, nó không đạt được cái chất lượng, vì nó chiếm trọn hết cả cái thời gian của mình. Cái thân của mình ít có khi nào mà nó ngồi yên, mà ngồi yên thì mình lại tu Định Sáng Suốt nữa rồi, thanh thản vô sự rồi, cho nên lúc nào mình cũng tu hết, và như vậy chắc chắn là cái sức con người không thể làm được cái điều đó.

Cho nên nếu mà nó tốt thì tu, nếu mà không tốt thì phải sửa lại cái thời khóa, chớ không thể được để như vậy.

14- ĐỊNH VÔ LẬU TRONG VÀ NGOÀI THỜI KHÓA TU TẬP

(38:02) Hỏi: “Định Vô Lậu, con cũng đặt hai thời, mỗi thời mười lăm phút. Ngoài thời khóa đó ra, con gặp duyên cảnh gì đến, nếu là ác pháp con quán xét nhân quả, và con quán vô thường, duyên giả hợp, không có ngã v.v.”

Thì khi mà gặp các ác pháp, gặp đối tượng nó làm cho tâm mình nó có cái chướng ngại thì mình phải xét nó qua nhân quả, rồi quán nó vô thường, duyên hợp. Thì đây là một cái lối ở trong kinh sách chớ nó không phải là cái thực hành, đây là những cái danh từ. Nhưng cô thì cũng thuộc về những danh từ ở trong kinh sách nhiều.

Định Vô Lậu con đặt hai thời, mỗi thời mười lăm phút, ngoài thời khóa đó ra con gặp duyên cảnh gì…​”

Nghĩa là trong khi mà mình tu mười lăm phút đó, là Định Vô Lậu thì mình đặt, mình cũng quán nào là bất tịnh, nào là vô thường, nào là khổ, nào không, nào vô ngã, nào là duyên giả hợp…​ tất cả những cái hỏi đó đều là nằm ở trong cái lý của Phật pháp đã dạy cho mình quán xét như vậy. Thì trong cái thời mà tu mười lăm phút thì mình cũng quán như vậy.

Sau cái thời mười lăm phút đó thì mình gặp duyên cảnh, thí dụ như con cái nó rầy rà đánh lộn, hay hoặc là gia đình nó bất an, hay hoặc là chòm xóm nó có điều gì xảy ra xích mích, thì tất cả những cái đó đó, thì cô cũng tiếp tục cô quán xét nhân quả để mà vô thường, để mà xóa bỏ cái tâm giận hờn, phiền não hay bất toại nguyện.

Thì trong cái sự tu tập như vậy, thì nói ra thì phải nói rằng đây là cái tổng quát, quá tổng quát, cho nên chưa chắc gì mà đã làm chủ được trong khi mình mới tu. Cho nên ở đây thì Thầy trả lời.

Đáp: “Biết pháp tu, biết vạch ra phương hướng để áp dụng pháp vào tu là một điều rất khó, thế con đã vạch ra phương hướng áp dụng pháp tu rất rõ ràng và cụ thể. Áp dụng như vậy, đời sống của con không còn đau khổ nữa, nếu con đem hết nhiệt tâm và nghị lực ra thực hành.”

Ở cái chỗ này các con phải chú ý chỗ mà Thầy ghi “đem hết nhiệt tâm và nghị lực ra thực hành”. Tức là khi mình vạch ra cái thời khóa như vậy là cái nhiệt tâm của mình hết sức cao, và cái nghị lực của mình phải tu dữ lắm chớ còn lơ mơ thì nó không đạt đâu.

Nghĩa là ý của Thầy muốn nói vậy, nhưng mà Thầy không nói rằng, con vạch ra cái đường lối đó thì nó rõ ràng cụ thể rồi đó, nhưng mà cái sức con có chịu đựng nổi không đó?

Cho nên ở đây Thầy chỉ nhắc nhở, thay vì Thầy nói nên tu cho có giờ, có giấc hẳn hòi thì nó cụ thể, nó rõ ràng, nhưng mà Thầy thì không nói vậy, Thầy lại nói: Nếu mà biết áp dụng đúng như mình đã vạch ra cái phương hướng như vậy đó, mà cái sức của mình mà tu nổi đó, thì mình sẽ không còn đau khổ nữa.

Thì nếu mà muốn không còn đau khổ nữa, thì tức là con phải đem hết cái nhiệt tâm và cái nghị lực của mình ra mà thực hành, chớ không phải là lơ mơ được. Mà nó làm áp dụng theo cái thời khóa mà đặt ra như vậy là nó rõ ràng, nó cụ thể đó, nhưng mà có một cái là, cái nhiệt tâm, cái sức lực, cái nghị lực của mình có chịu nổi hay là không? Cái điều đó là một điều quan trọng nhất!

(41:21) Hôm nay Thầy giảng như vậy có nghĩa là để cho các con thấy rằng, tùy ở cái sức, cái khả năng của mình, nhiều khi mình đặt ra một cái vấn đề mà nó lại quá sức mình, cho nên mình làm không có xuể. Cũng như mình đặt ra một cái phương hướng, mà cái phương hướng đó mình ôm không có gọn, do đó mình sẽ làm không thành công.

Đó thì hầu hết là các con thấy, khi nghe cái giáo pháp Thầy dạy thì các con tự đặt mình vào ở trong cái vị trí áp dụng, thì phải biết được cái thời gian của cái sức của mình tu tập. Chứ không khéo mà đặt nó cụ thể rõ ràng đó, nhưng mà có thể nó quá sức mình rồi thì mình tu cũng không nổi nữa.

Mình biết cái nhiệt tâm mình đến mức độ nào, mình còn cái quyết liều tử để cho mình thực hiện con đường này, hay là mình còn đang sợ chết? Thì mình đặt ra như vậy thì coi chừng mình tu không tới đó. Rồi cái nghị lực của mình, nó có mạnh mẽ chịu đựng được những cái chỗ mà nó thử thách, mà nó mệt nhọc mà khi mình thực hành nó suốt cả thời gian dài như vậy, mình có chịu được không? Đó là những cái khó!

15- LÝ DUYÊN KHỞI KHÁC LÝ DUYÊN SANH

(42:27) Kế câu hỏi kế:

Thưa Thầy! Con hiểu lý duyên khởi có đồng nghĩa với duyên sanh không? Xin Thầy từ bi chỉ giáo để con khỏi lầm lạc!”

Bởi vì hầu như người ta hiểu cái lý duyên khởi đó, thì nó giống như cái lý duyên sanh. Nhưng mà ở trong kinh điển thì nó có hai cái nghĩa rất là rõ ràng.

Trong Kinh Hoa Nghiêm tức là kinh phát triển Đại Thừa, thì nó diễn tả cái sự trùng trùng duyên khởi. Cho nên ở đây hỏi chữ duyên khởi với duyên sanh, thì chữ trùng trùng duyên khởi này trong Hoa Nghiêm, tức là thế giới Hoa Nghiêm nó trùng trùng duyên khởi, từ cái pháp này nó sanh khởi các pháp khác.

Cũng như bây giờ trong khi mình đang nói chuyện, tức là cái pháp mà đang nói chuyện này, nó sẽ sanh khởi cái pháp, khi mà vừa thoát ra cái lời nói trái tai người khác thì ngay đó nó sanh cái pháp khác rồi, từ đó nó sân giận, rồi từ sân giận nó đi đến các pháp mà đánh đập nhau, từ đó nó sanh ra những cái ác pháp nó trùng trùng, nó khởi ra. Còn các pháp thiện thì cũng từ đó nó cũng trùng trùng nó khời ra, từ đó nó nối tiếp những cái pháp đó. Thì cái này nó không phải là cái đồng nghĩa với duyên sanh.

Duyên sanh thì Đức Phật chỉ có, ở trong Thập Nhị Nhân Duyên thì nó chỉ có mười hai duyên mà thôi. Còn cái kia nó trùng trùng, nó nhiều vô lượng, nó không có thể tính đếm được. Nó tùy theo các cái pháp đó mà nó sanh khởi liên tục, từ pháp này nó chuyển biến tới pháp khác, nó trùng trùng duyên khời, cho nên nó vô lượng.

Còn cái duyên sanh thì nó nằm gọn ở trong Thập Nhị Nhân Duyên mà thôi. Hễ cái này có thì cái kia có, mà cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt. Vì cái duyên sanh thì nó chỉ nằm gọn ở trong mười hai duyên, cho nên mười hai duyên này diệt sạch thì tức là thế giới giải thoát, mà mười hai duyên này sanh thì thế giới nó đau khổ.

Nghĩa là Đức Phật muốn thế giới tức là cái cuộc sống của con người gắn liền vào với thân, thọ, tâm, pháp của họ, cho nên cái cuộc sống nó gắn liền, mà cái thế giới, cái mười hai duyên nó hợp lại với cái thân, thọ, tâm, pháp của cái người đó, lồng ở trong cái cuộc sống.

Đó cho nên thí dụ như cái Thủ, cái Hữu thì nó đâu có nằm, cái đó là cái ngã sở, nó nằm ở ngoài rồi, nó không có nằm ở trong cái thân này. Còn cái Thức, cái Hành, cái Lục Nhập, cái Ái, cái Xúc thì nó nằm ở trong cái thân của chúng ta, cái Thọ cũng nằm trong thân của chúng ta. Còn cái môi trường xung quanh của chúng ta nó là từ cái Sanh, cái Thủ, cái Hữu, đó là cái môi trường ở xung quanh của chúng ta.

Cho nên vừa là mình mà vừa là các pháp ở xung quanh mình, cho nên Đức Phật nói đó gọi là Thập Nhị Nhân Duyên hay Mười Hai Nhân Duyên. Mà Đức Phật gọi Thập Nhị Nhân Duyên đó là một cái thế giới có mình, có mọi vật xung quanh, có ngã, có ngã sở, có mình, có pháp.

Cho nên nó toàn bộ là cái thế giới này, nó hợp lại thì nó thành ra một cái thế giới khổ. Mà nó rã ra, nó tan rã, nó hoại diệt thì cái thế giới đó nó hết đau khổ.

Cho nên cái nghĩa của duyên sanh, nó không phải là cái nghĩa của duyên khởi. Còn duyên khởi thì nó là trùng trùng duyên khởi, vô lượng lận.

Nó là về cái chữ nghĩa, mình phải hiểu rõ, không khéo thì mình gặp cái duyên khởi thì mình nghĩ rằng duyên khởi cũng như duyên sanh thì không đúng.

16- TẬP ỔN ĐỊNH HƠI THỞ

(45:46) Hỏi: “Con tu hơi thở bốn giây để ổn định hơi thở, con thấy rất an ổn và ngồi thở rất tỉnh, không có vọng tưởng như vậy có được không thưa Thầy?”

Đây là cô chỉ mới tập ổn định hơi thở trong bốn giây, cô thấy rất an ổn ở trong cái bốn giây, nó không có mệt nhọc.

Đáp: “Tập ổn định hơi thở bốn giây như vậy thì rất tốt, sau khi ổn định hơi thở xong con tiếp tục tu tập Định Niệm Hơi Thở và câu hữu các pháp khác để đạt mục đích mình tu.”

Đó là, bây giờ đầu tiên thì cô Liễu Tâm này cổ tu tập ổn định cái hơi thở, bốn giây, tức là cô thở hơi thở bình thường cô là bốn giây, cho nên cô tập cái hơi thở đó cho nó quen. Nhưng mà cô tập bốn giây thì cô thấy rất an ổn, hơi thở nó rất an ổn, nó không có làm cho cô mệt nhọc hay khó chịu. Vì vậy đó mà, bắt đầu cô khi mà ổn định được…​

(Xem tiếp ở Pháp hành 35)

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy