00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

PHÁP HÀNH 15 - NGŨ TRIỀN CÁI VÀ THẤT KIẾT SỬ

PHÁP HÀNH 15 - NGŨ TRIỀN CÁI VÀ THẤT KIẾT SỬ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1998

Thời lượng: [47:25]

1- THẤT KIẾT SỬ LÀ BẢY PHÁP TRÓI BUỘC CON NGƯỜI

(tiếp theo Pháp hành 14)

(0:00) Giải thích như vậy thì chắc chắn là quý thầy có lẽ cũng hiểu rất rõ chớ.

Cho nên ở đây, cái gì mà chúng ta có mà chúng ta bỏ ra không được, thì cái đó gọi là hữu tham kiết sử, tức là bị trói mình với cái vật đó, thì đó là hữu tham kiết sử.

“Vô minh kiết sử là điều mình không hiểu mà cứ nghĩ rằng mình hiểu.”

Cũng chẳng hạn là như các thiền sư đó, họ không hiểu mà họ cứ nghĩ rằng mình đã hiểu. Cũng như không hiểu Diệt Thọ Tưởng Định mà họ dám nói đùa như vậy đó, râu tóc mọc dài như vậy đó! Đó là cái họ không hiểu, mà cái đó là cái vô minh của họ, mà họ không biết.

“Ví như các thiền sư Đông Độ, không hiểu Tứ Thánh Định mà cứ cho mình là hiểu, nên xếp loại nó vào thiền Tiểu Thừa, Phàm Phu Thiền hay Ngoại Đạo Thiền.”

Nghĩa là mình không hiểu nó, mà bây giờ mình dám xếp loại nó vào những cái loại thiền như vậy, thì tức là mình chẳng biết gì hết.

Cho nên theo trong kinh sách, thì ngài Khuê Phong, ngài viết kinh sách đó, ngài thiền giáo, ngài dung hòa trở lại để cho nó đồng hành trên một đường tu hành, cho nên ngài xếp loại năm loại thiền. Do đó cái thiền mà chúng ta đang tu, Tứ Thiền đó, thì ngài xếp cho nó vào cái loại Thiền Phàm Phu, Thiền Tiểu Thừa.

Cho nên cái đó là cái gọi là vô minh kiết sử, cái không biết mà ngài cứ ngỡ rằng ngài biết, cho nên ngài xếp loại rồi bây giờ sau này ai cũng theo đó mà xếp làm năm cái loại thiền định, thì cái loại thiền Tiểu Thừa, thiền Phàm Phu này do từ ngài Khuê Phong đặt ra, chớ cũng không phải là ai đặt ra. Chúng ta biết được cái nhân vật làm ra cái điều này.

Rồi bây giờ chúng ta cứ ngỡ rằng ngài thiền sư Khuê Phong là một ngài Thánh cho nên biết tất cả. Sự thật ra ông chẳng có nhập được cái Tứ Thiền chút nào hết, ông cũng chẳng biết nó tịnh chỉ hơi thở như thế nào hết, mà ông dám bảo rằng nó là thiền phàm phu!

Mà không ngờ rằng trong cái loại thiền này thì Đức Phật đã xác định cho chúng ta biết rõ ràng là Thánh trú, cái bậc Thánh mới ở trong cái loại thiền này. Phạm trú, tất cả những Phạm trú là cái đức hạnh Phạm Thiên, nó ở trong cái này, Như Lai trú, tức là bậc Như Lai mới trú vào ở trong cái chỗ này.

Đức Phật xác định cho chúng ta biết là bốn cái loại thiền nó như vậy, thì nó là những bậc Thánh, mà bây giờ là Phàm Phu Thiền thì Thầy thấy, chỉ phàm phu nó mới nhập cái định đó, chớ còn Thánh đâu ở trong đó làm chi?

(2:27) Đó là cái sai của họ. Cho nên đây là tới cái bảy, vô minh là cuối cùng, nhưng mà cái không hiểu mà người ta xếp, người ta coi như mình hiểu.

Cũng như nhiều khi mình thương nhớ hoặc này kia nọ trong lòng của mình đó, mà mình không hiểu, thì tức là cái đó là cái vô minh kiết sử. Nó làm cho mình dính mắc ở trong cái chỗ mình không hiểu đó, nó trói buộc mình trong cái chỗ không hiểu đó, mà mình cứ cho mình hiểu.

2- NGŨ TRIỀN CÁI LÀ NĂM CÁI MÀN CHE

(2:54) “Ngũ Triền Cái là năm cái màn che.”

Hồi nãy có tham, sân, si, mạn, nghi, rồi nó có cái ái kiết sử và cái hữu tham kiết sử, còn ở đây thì nó tham, sân, si, mạn nghi thôi.

Cái tên thì coi như là, nó chỉ có cái tên đầu thì nó giống nhau: tham, sân, si, mạn, nghi, còn cái tên sau cùng, thì cái kia là “kiết sử”, là trói buộc, còn cái này là “triền cái”, là cái màn che. Cho nên Ngũ Triền Cái là năm cái màn che che đậy, nó che đậy, nó làm cho chúng ta không có thấy.

Cho nên ở đây, tham là lòng tham muốn của chúng ta, cái lòng tham muốn nó che đậy, nó làm chúng ta không thấy cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác. Do cái chỗ đó nó mới đem đến cho chúng ta khổ đau.

Nó che đậy đi chớ nó không trói buộc như cái kia, còn cái kia nó trói buộc.

Như cái hữu tham kiết sử đó, chúng ta thấy tham ở đây, nhưng mà lại có hữu tham kiết sử, cái vật có rồi mà chúng ta bỏ không được, chúng ta bị dính mắc trói buộc, thì cái đó là hữu tham kiết sử. Còn ở đây nó không có cái gì hết, mọi cái nó thấy, mọi cái nó che đậy.

Thí dụ như bây giờ, người ta nói uống rượu là sẽ ghiền, là sẽ nguy hiểm, sẽ bịnh tật, nhưng mà cái lòng tham uống rượu đó, thì nó che đậy đi, nó không có thấy nó là tai họa, nó không có thấy là cái sự khổ.

Thí dụ như bây giờ một cái người tham sắc dục đi, người ta nói tham sắc dục là khổ, nó sẽ sanh con đẻ cháu, nó sẽ đem tới cái khổ này đến cái khổ khác, rồi cơm ăn áo mặc nó khổ.

(04:39) Thế mà cái người tham ấy, nó che đậy cái lòng tham, nó che đậy đi, họ nghe nói khổ vậy chớ họ không có tin, cho nên họ lấy vợ, lấy chồng rồi họ mới sanh con đẻ cái ra. Chừng nào họ khổ thì họ mới biết khổ thôi, chớ còn họ, cái lòng tham muốn đó họ vẫn còn, cho nên nó che đậy họ, họ thấy khổ họ chịu khổ chớ còn họ không nghĩ gì đến để giải khổ hết.

Khổ là khổ à, chớ họ không chấp nhận khổ à. Đó là cái lòng tham nó che đậy, chớ không phải là trói buộc, mà nó che đậy làm cho họ không có sợ cái khổ, không có thấy cái đó là nguy hiểm, không có thấy cái chỗ đó là khổ đau.

Ví như thấy một chiếc xe Honda, hoặc là chiếc xe Dream, khởi tâm tham muốn, tìm mọi cách làm để có tiền mua sắm nó, đó là cái khổ thứ nhất. Đến khi mua sắm được chiếc xe rồi thì chạy xảy ra tai nạn, gãy chân gãy tay, đó là cái khổ thứ hai.

Cho nên hiện giờ chúng ta thấy cái xe chúng ta ham, chúng ta không thấy những cái tai nạn, cái khổ đó đâu. Bây giờ làm ra có tiền để sắm chiếc xe, thì chúng ta thấy nó phải vất vả cực khổ, chớ không lé đi ăn trộm cắp người ta được. Thì nó phải có một cái tích lũy một thời gian nó mới có được cái đồng tiền.

Rồi bắt đầu bây giờ có xe rồi, thì không lẽ mà để xe ở trong nhà chơi sao, cho nên phải chạy, chạy tới chạy lui. Hôm nào xe đụng, gãy tay gãy chân nằm nhà thương, bây giờ cưỡi không được, để xe đó ngó, mà lại là khổ đau. Cho nên bây giờ mới biết, mà biết được thì nó đã muộn rồi.

Mà khi mà cái lòng ham đó thì nó không thấy gãy chân gãy tay đâu, mà nó thấy cái xe là ngon, chớ nó đâu biết rằng cái tai nạn nó sẽ xảy đến cho cái lòng tham đó, cái lòng ham muốn đó, cho nên gọi là tham triền cái.

Cái tham đó là tham triền cái, nó che đậy, nó không thấy cái khổ đó, nó làm cho mình không thấy. Cho nên thế mà khi lòng tham muốn người ta không thấy cái khổ, nên gọi là tham triền cái, ngăn che không thấy cái khổ.

(06:37) “Sân triền cái tức là lòng tức giận, ngăn che không thấy khổ.”

Do không cái thấy cái nỗi sân của mình là khổ, vì vậy đó mình chửi mắng, mình đánh đập người ta, mình nổi giận lên, mình rút gậy hay hoặc là rút dao mình chém người ta đi.

Thì lúc bấy giờ đó, thì mình không thấy được cái nỗi sân khổ nơi thân của mình, mà mình chỉ hả cái cơn sân của mình bằng cách là mình đánh trả, chửi mắng người ta lại. Do đó nó càng lúc nó đi đến cái khổ càng khổ hơn nữa.

Thì cái sân triền cái nó che đậy, nó không thấy ngay từ cái bắt đầu mình nổi sân đó, đó là cái khổ rồi, nó không thấy, cho nên nó che đậy. Vì vậy nó tiến tới những cái mà mình chửi người ta, rồi mình lấy gậy, lấy dao mình chém người ta, đó là những cái nó đem đến những cái khổ, mà sau này đi nằm nhà thương, hoặc ở tù, nó còn khổ dài dài hơn nữa.

“Ví dụ khi nghe người khác mạ nhục, tức giận rút cây hoặc dao rựa đánh hoặc là chém người ta cho hả cơn giận. Khi hết cơn giận thì khổ phải ôm lấy, như nằm nhà thương, hoặc là ở tù.”

Đó thì, những cái đó, nó bởi vì cái cơn sân lúc bấy giờ, hầu hết là người ta không có thấy cái khổ, mà người ta thấy cái sân không à, chớ người ta không thấy cái khổ. Thì cái sân đó nó che đậy, thì nó gọi là sân triền cái.

“Lòng sân che đậy không thấy sự khổ sẽ đến với mình rẫy đầy trong cuộc sống hằng ngày, nên gọi là sân triền cái.

Si triền cái là cái màn che trí tuệ làm cho nó không hiểu biết Chánh Pháp, tà pháp, thiện, ác.”

Đó, cái si triền cái nó không phải như là cái vô minh kiết sử. Cái si triền cái đây là cái màn che, nó che cho mình không có rõ được cái Chánh Pháp, không rõ được cái tà pháp.

Cho nên thí dụ như bây giờ chúng ta không rõ được Thiền Đông Độ, không rõ được Tứ Thiền của Phật, chúng ta không rõ, Chánh Pháp cũng không rõ mà tà pháp cũng không rõ, rồi không rõ được cái thiện, cái ác nữa.

Như hồi nào tới giờ thì các thầy cứ nghe nói thiện ác, thì biết thiện ác như vậy. Nhưng mà khi mà nói đến thiện thì chưa ai biết được cái tâm của chúng ta trong khi nó ở trong cái trạng thái như thế nào đó mà gọi là tăng trưởng thiện?

Bây giờ nó không tham, thì lòng mình không tham, thì tức là nó là thiện! Mà từ hồi tới giờ thì mình cũng ở trong thiện đó mà mình không biết, tức là mình bị si triền cái che đậy.

Bây giờ Thầy mới triển khai cái si triền cái này, để mà nói ra, để phá vỡ cái màn này, thì bây giờ mới biết thiện là ở chỗ mức độ nào. Chớ hồi nào tới giờ thiện này thì nhiều người cũng chưa có hiểu được cái thiện của Tứ Chánh Cần đâu.

(09:23) Bởi vì không thập ác thì nó là thập thiện chớ có gì đâu. Đó thì cái chỗ này mà nếu không triển khai ra, thì người ta cứ ngỡ là cái thiện là ở đâu đem vào, cho nên nó phải tăng trưởng nó, phải làm nó nhiều hơn.

Vì vậy mà các nhà từ thiện, hay hoặc là các vị thầy nghe chữ Thiện này, thì họ mau mau là đi gọi người cứu trợ đầu này đầu kia, cuối cùng thì cái thiện này chỉ là Tứ Vô Lượng Tâm mà thôi, chớ không phải là cái thiện của thập thiện, thập ác.

“Ví dụ người ta nói thiền xuất hồn, Thiền Đông Độ, Mật Tông, Tịnh Độ Tông là của đạo Phật, chúng ta liền tin theo mà không cần suy tư, đó là si triền cái.”

Tức là chúng ta không cần suy nghĩ coi nó có đúng hay sai như thế nào, tin theo liền!

“Mạn triền cái là cái tánh tự kiêu, tự đại che ngăn làm cho mình không thấy cái chỗ dở của mình.”

Nhiều khi ở đời con người ta có cái giỏi, mà cũng có cái dở. Mà vì cái mạn triền cái nó che, cho nên nó không thấy cái dở của mình, mà nó thấy cái hay của mình không.

Người ta nói cái túi khôn của mình mình treo trước mặt, còn cái túi dại của mình thì treo sau lưng đó. Mình không thấy được nó, không thấy cái dại của mình, mà cứ thấy mình cái khôn không à.

Cho nên đời của mình, mình dở là dở chỗ đó. Mà cái dở đó tức là bị cái mạn triền cái, cái tánh ngã mạn, kiêu căng của mình, tự nghĩ rằng mình hơn người, giỏi hơn, cái gì mình cũng hiểu biết hết, cho nên do đó mà mình trở thành dại.

(11:03) “Ví dụ mình ăn uống phi thời, phá giới luật, có vợ con mà vẫn xem mình là một vị Tỳ Kheo, một vị thầy tu, hiu hiu tự đắc lên pháp đường giảng thuyết, mà không biết xấu hổ. Đó là bị mạn triền cái che ngăn.”

Nghĩa là một cái việc làm đó nó không phải là cái vị trí của một người phá giới mà đi làm, thế mà mình học, mình thuyết, mình nói hay được, là mình trèo lên đó mình ngồi mình nói. Mình ăn uống phi thời, mình không giữ gìn giới luật của Phật, mình trèo trên cái pháp tòa đó mình thuyết pháp mình nói.

Thì mình nói theo cái lý của Phật pháp, kinh điển của Phật pháp mà trong khi mình làm những cái điều mình nói không được đó, mà mình không biết xấu hổ, đó là mình bị cái mạn triền cái ngăn che, cho nên mình không biết xấu hổ. Nếu mà cái người này họ không có cái mạn triền cái này, thì ngay đó họ không làm cái điều này đâu.

Thầy đem những cái ví dụ như vậy để chúng ta hiểu được cái mạn triền cái với cái mạn của kiết sử nó không giống nhau đâu.

“Năm: nghi triền cái là lòng nghi ngờ ngăn che không thấy sự thật.

Ví dụ người ta nói pháp môn Tịnh Độ là mê tín, Thiền Tông là pháp môn chấp ngã, mình không tin, nghi ngờ lời nói đó là sai, vì những pháp môn này do các Tổ truyền lại, chỉ tin vào các Tổ mà không chịu tìm hiểu cho rõ ràng, đó là bị nghi triền cái ngăn che.”

Nghĩa là mình nghi cái lời người ta nói. Mình nghe người ta nói rồi, mình đừng có nghi ngờ, mà mình nói: “Đây có lẽ là một cái sự thật, để mình tìm hiểu coi những cái pháp môn này có đúng cái lời nói này hay không?”

Cũng như Thầy nói, đừng có tin Thầy, mà hãy suy ngẫm, phải tìm, suy nghĩ lại coi cái lời nói Thầy có đúng không, nếu đúng thì tin. Mà bây giờ không chịu suy nghĩ, mà cứ Thầy nói như vậy là bài bác pháp môn của người ta chứ không phải là đúng. Cho nên đó là cái nghi, cái nghi lời nói của Thầy nó không đúng.

Nhưng khi mà Thầy nói ra, mình muốn cho nó rõ thấu, đừng có nghi ngờ, thì mình phải suy nghĩ lời nói đó. (13:11) Rồi mình tìm hiểu những người tu hành theo các pháp môn đó, họ có đạt đúng như vậy không, hay hoặc là họ đang ở trong cái chỗ mà Thầy nói sự thật như vậy. Do đó, thì cái lòng nghi nó không bị che mờ.

Còn nếu mà mình nghi rồi mình không chịu tìm hiểu một cái gì hết, thì cái nghi đó nó che mờ mình, rồi mình cho rằng từ xưa đến giờ Tổ truyền lại như vậy, nhiều người truyền lại như vậy, chắc chắc là phải đúng, còn Thầy chỉ nói như vậy là nói sai, không đúng. Thì cái đó là cái không đúng, bởi vì Đức Phật nói: “Ta nói cũng đừng tin ta, mà hãy suy ngẫm những điều ta nói có đúng hay không, rồi hẵng tin.”

Ở đây là cái chỗ cuối cùng là hồi nãy phân chia ra để thấy cái nghi triền cái và cái Thất Kiết Sử nó có những cái khác nhau như vậy đó, cái thì che ngăn, còn cái thì trói buộc.

3- PHÒNG HỘ SÁU CĂN NHỜ ĐỊNH VÔ LẬU HOẶC SỐNG ĐỘC CƯ

(14:01) “Thánh phòng hộ sáu căn, nghĩa là giữ gìn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý tiếp xúc với sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp không cho dính mắc, chấp đắm bằng Định Vô Lậu đặt trên Thân Niệm Xứ của mình tu tập.”

Thì trong cái chỗ Thánh phòng hộ như thế nào? Thánh phòng hộ là lúc nào chúng ta cũng giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng tức là sáu căn của chúng ta, khi mà tiếp xúc với sáu trần thì giữ gìn đừng có cho nó dính mắc, hoặc giữ gìn không cho nó tiếp xúc.

Thí dụ như bây giờ mình sống độc cư, tức là cái lối giữ gìn mình không cho tiếp xúc, đó là phòng hộ sáu căn. Còn khi mà mình lỡ có tiếp xúc, thì mình tìm mọi cách để không cho nó dính mắc, thì đó gọi là phòng hộ sáu căn, hay gọi là Thánh phòng hộ sáu căn.

Nhưng mà muốn tu tập được cái chỗ không dính mắc này, thì lúc bấy giờ chúng ta đem cái Định Vô Lậu mới đặt ở trên cái thân niệm của chúng ta. Vì thân niệm của chúng ta mới có sáu căn, mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, cho nên chúng ta mới hóa giải được cái sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó tiếp xúc vào mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý chúng ta, nó trở thành những cái dục, cái ái dục của chúng ta, nó làm cho chúng ta khởi ham muốn.

Cho nên muốn giữ gìn nó Thánh phòng hộ, thì chúng ta lấy Định Vô Lậu đặt trên Thân Niệm Xứ, để mà chúng ta tu tập thì chúng ta mới xả bỏ được, chúng ta mới phòng hộ được sáu căn.

Còn không thì, chúng ta phải sống độc cư, giữ gìn nó đằng xa gọi là phòng hộ đằng xa, thì chúng ta sống độc cư không tiếp xúc, không cho mắt, tai, mũi, miệng của mình tiếp xúc với sáu trần, thì chúng ta khỏi cần tu Định Vô Lậu

4- SỰ PHÂN CHIA VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BẮC TÔNG VÀ NAM TÔNG

(15:39) *Hỏi:* “Kính bạch Thầy! Tại sao lại có sự phân chia Phật giáo thành hai trường phái, Bắc Tông và Nam Tông? Sự phân chia này mỗi trường phái mang một đặc tính gì và giúp ích gì cho sự trường tồn của đạo Phật?”

Đáp: “Sau khi Đức Phật tịch, giáo đoàn không ai điều khiển, nội số tu sĩ trẻ phát triển kiến giải của mình, soạn kinh, viết sách luận theo sự hiểu biết của mình. Các vị Trưởng lão lớn tuổi không ngăn được sự phát triển của tuổi trẻ, đã làm lệch lạc Phật pháp quá nhiều. Muốn bảo trì Chánh Pháp, các vị trưởng lão quyết tâm giữ chánh pháp của Phật, không cho vị nào thêm bớt một chữ vào tạng kinh đã được kết tập.

Các vị Tỳ Kheo trẻ tuổi không bằng lòng nên nhóm họp nhau, bàn bạc riêng tư với nhau, từ đó chia làm hai bộ phái:

Một: Thượng Tọa Bộ, bây giờ gọi là Nam Tông. Vì Thượng Tọa Bộ các vị tu sĩ giữ gìn tạng kinh Nguyên Thủy, đi về phương nam hoằng hoá độ sanh truyền đạo Phật sang các nước ở phương nam nên gọi là Nam Tông.

Hai: Đại Chúng Bộ, bây giờ gọi là Bắc Tông, kinh sách tự soạn ra theo kiến giải của mình, nên kinh sách được gọi là kinh sách phát triển Đại Thừa. Kinh sách này chỉ dựa vào một số pháp môn trong kinh sách Nguyên Thủy rồi thêm chân, thêm râu ria, đệm vào những pháp môn của ngoại đạo đủ loại mê tín, thiếu thực tế cụ thể, thiếu pháp hành và mang nhiều tính chất trừu tượng. Trường phái này đi truyền giáo về các nước phương bắc nên gọi là Bắc Tông.

Nam Tông giữ gìn đặc tính nguyên thủy của Phật pháp. Bắc Tông thì phát triển và hòa nhập vào phong tục tập quán và các tôn giáo khác của mỗi nước, nên Phật giáo Bắc Tông không còn mang tính chất nguyên thủy của lúc ban đầu, y áo, ăn, mặc, lối sống không còn giống như Phật giáo lúc Đức Phật còn tại thế.”

(17:52) Nghĩa là quý thầy thấy, bây giờ đó, y áo của phái Bắc Tông, ở Nhật Bổn thì nó cũng khác, ở Trung Hoa nó mặc cũng khác, đến Việt Nam rồi nó cũng khác. Nó không có một cái hình thức thống nhất như thời Đức Phật. Nhưng nguyên thủy Nam Tông thì nó vẫn giữ, đến nước nào thì nó cũng vẫn giữ y cái y áo của đức Phật, cái hình thức ở bên ngoài của Nam Tông nó vẫn giữ nguyên.

Còn Phật giáo Bắc Tông, nó qua Nhật Bổn thì cái áo cái y của nó khác rồi, nó không giống như ở Nam Tông, ở Bắc Tông của Việt Nam . Rồi Bắc Tông của Trung Hoa thì nó ảnh hưởng ở Việt Nam rất nhiều, cho nên Việt Nam mình mặc y áo thì nó giống Trung Hoa, từ cái áo tràng, cái áo này kia rồi cũng giống Trung Hoa. Còn Nhật Bổn, coi vậy chớ nó không có ảnh hưởng Trung Hoa nhiều, nên cái y áo của nó theo cái lối y áo của dân tộc nó.

Cho nên cái áo mà các con mặc đó, là áo của Trung Hoa, chớ không phải của Việt Nam mình. Nhưng nó khéo léo hơn nữa là người Việt Nam mình lấy cái màu của người dân cày ruộng của mình đó, tức là màu đà đó mà làm cái áo tu sĩ của mình. Đó, người Việt Nam mình nó cũng còn giữ được cái bản chất của Việt Nam mình.

Phật giáo thay đổi như vậy đó, nghĩa là tới cái y áo nó cũng không còn giữ cái nguyên chất cái nguyên thủy của nó nữa.

“Phật giáo Bắc Tông còn mang cái danh Phật giáo, còn pháp môn tu tập đầy ắp những ảnh hưởng pháp môn của ngoại đạo. Sự trường tồn và phát triển của Phật giáo Bắc tông là sự trường tồn phát triển của giáo pháp Ấn Độ, của các tôn giáo Ấn Độ mang tên Phật giáo mà thôi.

Phật giáo Nam Tông còn giữ được sắc thái Phật giáo, giáo lý còn những bài kinh chính gốc.”

Nghĩa là trong giáo lý của Phật giáo Nam Tông thì nó còn những cái bài kinh chính gốc.

“Tuy cũng có những sự thêm bớt nhưng không làm mất tính chất nguyên thủy. Phật giáo Nam Tông không bị ảnh hưởng của các tôn giáo khác, nhưng vẫn bị ảnh hưởng phong tục tập quán của con người.”

(19:56) Nghĩa là nó đến các xứ mà nó truyền đạo thì nó bị ảnh hưởng tập quán của cái xứ đó, cái tập quán cái phong tục của xứ đó, nhưng mà nó không có mất cái tính chất nguyên thủy của nó.

“Sự trường tồn và phát triển Phật giáo Nam Tông là sự trường tồn phát triển Phật giáo chính gốc, nhưng các sư tu hành bị ảnh hưởng Phật giáo Bắc Tông,”

Cái phần nhiều là hiện bây giờ thì các sư đều có chịu ảnh hưởng của Bắc Tông hết.

“Nên đã không sống không đúng giới luật.”

Phần nhiều là các sư bên Nam Tông bây giờ nó không sống đúng giới luật là vì ảnh hưởng của Bắc Tông.

“Tu thiền định không có người tu chứng hướng dẫn, tự kiến giải tu tập, nên đã lạc hướng như Thiền Minh Sát Tuệ tĩnh lặng của thiền sư Ajahn Chah không đúng Chánh Pháp của Phật đã lạc vào định tưởng.”

Đó là tất cả những cái mà con hỏi Thầy về Bắc Tông và Nam Tông, thì Thầy phân tích để cho thấy được cái sự lầm lạc của hai cái tông phái này.

5- NGŨ TRIỀN CÁI NGĂN CHE, THẤT KIẾT SỬ TRÓI BUỘC

(20:55) *Hỏi:* “Kính bạch Thầy! Trong Ngũ Triền Cái có tham, sân, si, mạn, nghi. Trong Thất Kiết Sử cũng có hữu tham kiết sử, mạn kiết sử, nghi kiết sử, sân kiết sử, tên giống nhau nhưng tính chất có khác nhau không?”

Đáp: “Ngũ Triền Cái và Thất Kiết Sử khác nhau, tính chất không giống nhau, một bên thì ngăn che, một bên thì trói buộc, Thầy đã giảng ở trên rồi.”

Nghĩa là hồi nãy Thầy giảng về Thất Kiết Sử và Ngũ Triền Cái.

6- ĐỦ DUYÊN NÊN THẦY MỚI CHỈ THẲNG CHÁNH PHÁP

(21:29) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Pháp hành mà Thầy dạy chúng con ngày hôm nay, theo con hiểu thì Thầy đã dạy cách đây 17 năm, vì chúng sanh chưa đủ duyên nên Thầy chưa chỉ thẳng. Có phải vậy không thưa Thầy?”

Đáp: “Đúng vậy! Lúc bấy giờ ít ai chịu nghe Thầy, nên Thầy tùy thuận họ, lái dần để đi vào Chánh Pháp của Phật.”

Tức là cái lối khéo léo của Thầy, không nói thẳng ra, vì nói thẳng ra thì chắc chắn người ta sẽ chống báng Thầy rất nhiều. Cho nên do đó thì Thầy cũng tùy thuận họ, rồi lần lượt mà lái dần, cho đến khi mà có cái Giáo án này ra đời.

Là vì thấy có một số người đã theo mình tu được đúng cách của Phật giáo, cho nên mới lái vào, chớ còn mới ngay đầu mà bắt họ ăn ngày một bữa và sống độc cư, nhẫn nhục, tùy thuận, thì chắc chắn là không ai còn theo Thầy lúc đầu đâu.

7- THIỆN ÁC TRONG TỨ VÔ LƯỢNG TÂM VÀ THIỆN ÁC TRONG TỨ CHÁNH CẦN

(22:24) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Người có tâm bất động là người giữ gìn các niệm thiện trong tâm của mình và ngăn chặn đoạn dứt ác pháp, các ác pháp không cho sanh khởi trong tâm. Có phải vậy không thưa Thầy?”

Đáp: “Đúng vậy! Nhưng ở đây con phải hiểu, phân biệt niệm thiện, niệm ác của Thiền Đông Độ không giống pháp ác, pháp thiện của Tứ Chánh Cần.”

Vì câu hỏi này, rồi hồi nãy cô Út hỏi Thầy hôm qua hôm kia Thầy có chưa trả lời, hôm nay thì Chân Thành hỏi Thầy, thì nhân cái chỗ này Thầy cũng trả lời luôn để mà thấy cho rõ.

“Đúng vậy! Nhưng ở đây con phải hiểu biết phân biệt niệm thiện, niệm ác của Thiền Đông Độ, nó không giống pháp ác, pháp thiện của Tứ Chánh Cần.”

Ở đây tại sao Thầy không có dùng cái niệm ác, niệm thiện như là Thiền Đông Độ mà Thầy dùng pháp ác, pháp thiện? Pháp ác, pháp thiện mới đúng, chớ còn mà dùng cái niệm thiện, niệm ác ở đây là tự niệm của mình nó khởi lên, còn cái này, pháp thiện, pháp ác là tự bên ngoài.

Bây giờ tâm tham có cái đối tượng mình mới tham, không có đối tượng làm sao tham? Có sân, có cái sự gì nó mới sân, nó có cái pháp nó làm cho mình sân, cho nên pháp thiện và pháp ác.

“Niệm thiện của Thiền Đông Độ là niệm thiện của Tứ Vô Lượng Tâm.”

Các con hiểu, chớ nó không phải là niệm thiện của thập thiện đâu.

“Niệm thiện của Thiền Đông Độ là niệm thiện của Tứ Vô Lượng Tâm.”

Nghĩa là khởi lên nghĩ một cái niệm đó, niệm thiện đó đó, là phải giúp người này, hay làm gì người này người nọ kia, chớ nó không có nghĩ là cái niệm thiện là cái chỗ mà không niệm của chúng ta đâu. Nghĩa là chúng ta không tham, không sân si thì nó là thiện. Bây giờ tâm mình nó không tham, không sân si thì nó là thiện, còn nó có tham, có sân si là ác.

(24:06) Bây giờ nó không tham không sân si, thì đối với cái Thiền Đông Độ nó không tham, không sân si, nó ngồi yên lặng như vậy, nó không niệm gì hết, thì nó cho là Phật Tánh, cái bản thể của nó, nó khác. Còn mình thì không phải, mình cho nó là thiện chớ không phải Phật Tánh.

Cho nên ở đây Tứ Chánh Cần cho cái trạng thái đó là trạng thái thiện, Thập Thiện, nó không có cái niệm ác ở trong đó, tức là nó thiện. Còn ở bên đó nó không phải cho cái đó đâu.

Cho nên ở đây chúng ta phải hiểu, cái thiện của Thiền Đông Độ là cái thiện của Tứ Vô Lượng Tâm. Bắt đầu bây giờ mình ngồi mình khởi nghĩ, ở bây giờ mình phải đem cái này mình giúp người kia, mình giúp người nọ đó là thiện, cho nên cái niệm đó phải dừng.

Chớ còn cái thiện của chúng ta, thì cái mà không niệm của chúng ta là cái thiện, còn cái của họ, là cái không có niệm đó, thì cái đó là cái bản thể của họ, cái Phật Tánh của họ. Nó khác rồi, hai cái nó đều khác nhau.

Vì vậy mà cái chỗ hiểu của họ đó là phải hiểu cái thiện của họ là Tứ Vô Lượng Tâm. Còn niệm ác của Thiền Đông Độ là phải nói là thập ác, cũng có tham, sân, si trong đó nó mới có ác, chớ còn nếu không có thì làm sao nó ác được?

“Còn chỗ không niệm thiện, niệm ác là Phật Tánh của họ.”

Tức là chỗ mà không niệm thiện niệm ác đó, tức là “chẳng niệm thiện niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền”đó, đó là cái câu nói của Lục Tổ Huệ Năng, thì đó là chỗ mà không niệm thiện, niệm ác, tức là không có niệm Tứ Vô Lượng Tâm đó. Và không có cái niệm ác, là thập ác của chúng ta đó, thì nó chỉ gồm có hai cái đó.

Cho nên hầu hết là người ta chỉ nghĩ cái niệm thiện như là Thiền Đông Độ chớ không phải là niệm thiện như Thầy đã giảng rồi.

Bởi vì cái niệm thiện của Thầy giảng trong Tứ Chánh Cần, thì bên đây ác, thì bên đây thiện. Mà cái ác không có thì cái thiện chớ không có cái gì khác hơn, nó thấy nó rõ hơn.

Còn cái kia chúng ta thêm nó vào, đem ở ngoài nó vào, nghĩ ngợi nó ngoài vào, cho nên Thiền Đông Độ, nó bắt buộc nó phải dừng cái đó, cái niệm đó.

(25:58) “Ngược lại pháp thiện của Tứ Chánh Cần là không pháp, còn pháp thì rơi vào Ngũ Triền Cái.”

Nghĩa là trong pháp Tứ Chánh Cần, nó là không pháp, nó không có cái pháp nào hết, “ngược lại thì pháp thiện của Tứ Chánh Cần là không pháp.”

Nó không có cái pháp, nghĩa là mình ngồi đây mà không có cái pháp nào hết, tức là nó không có cái pháp ác ở trong đó, thì nó là pháp thiện, phải không.

“Còn hễ mà còn có pháp thì nó rơi vào Ngũ Triền Cái và Thất Kiết Sử.” Khi mà nó khởi ra một cái niệm, thì tức là nó sẽ rớt vào cái Ngũ Triền Cái và Thất Kiết Sử, nó thuộc về lậu hoặc, nó ác pháp.

“Pháp thiện trong Tứ Chánh Cần là một trạng thái tâm ly dục, ly ác pháp.”

Đó các con nhớ nè. Bởi vì ở đây Thầy giải thích cái chỗ này thêm để thấy rõ nè. Pháp Thiện trong Tứ Chánh Cần, bắt đầu bây giờ Thầy nói lại để cho nghe nè:

“Ngược lại, pháp Thiện của Tứ Chánh Cần là không pháp,”

Nó không có cái pháp nào trong đó hết, còn hễ nó có là tức là pháp ác, mà nó không có là tức là pháp thiện. Hễ còn có cái pháp thì tức là ngay đó chúng ta rơi vào cái Ngũ Triền Cái và Thất Kiết Sử. Mà Ngũ Triền Cái, Thất Kiết Sử thì nó thuộc về lậu hoặc rồi, nó là thuộc về pháp ác.

“Pháp Thiện trong Tứ Chánh Cần là một trạng thái tâm,”

Nghĩa là lúc bấy giờ, cái tâm của chúng ta nó phải ở trong cái chỗ vô lậu hoặc mà, cho nên gọi là ly dục ly ác pháp, có Tầm có Tứ. Tức là nó còn có cái sự suy nghĩ mà, nó còn có sự suy nghĩ chớ nó đâu phải mất, nó còn sự tư duy mà, nó còn có sự tác ý ra được mà, cho nên nó có Tầm có Tứ.

“Còn Thiền Đông Độ, chỗ “chẳng niệm thiện, niệm ác” là chỗ ức chế tâm không vọng tưởng xen vào nên không Tầm Không Tứ.”

Nó hoàn toàn nó không Tầm không Tứ. Còn cái này nó có Tầm có Tứ mà.

“Để phân biệt rõ ràng con nên tư duy quán xét để không lầm lộn với Thiền Đông Độ.”

Ở đây thì chúng ta quán xét cho kỹ cái chỗ này thì chúng ta không có lầm lộn với Thiền Đông Độ.

Như hồi nãy Thầy đã nói rồi, đó là những điều mà cần phải hiểu. Khi dạy Tứ Chánh Cần, Thầy cũng không có lưu ý cái phần này, nhưng mà vì thứ nhứt là Cô Út vừa hỏi bữa đó thì Thầy chưa có kịp trả lời, bữa nay thì Chân Thành hỏi, thì nó cũng nhằm cái chỗ để mà trả lời để cho chúng ta thấy được cái thiện và cái ác của Tứ Chánh Cần, và cái thiện và cái ác của Thiền Đông Độ.

8- CÀNG ỨC CHẾ TÂM CÀNG LÀM DỤC VỌNG BÙNG PHÁT

(28:32) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Người ức chế tâm lại càng làm cho tâm bùng khởi lên dữ dội, ví như lò luyện gang khi gặp nước thì lại bùng cháy lên mãnh liệt. Cũng như mấy ông hoạn quan thời xưa diệt dục, thân dục, thì tâm dục lại khởi lên dữ tợn, có phải vậy không thưa Thầy?”

Đáp: “Đúng vậy. Người tu thiền định ức chế tâm nên thường rơi vào định tưởng, nên thường gặp trạng thái này, cảnh giới kia.”

Nghĩa là khi mà chúng ta dùng đẻ mà giữ cái tâm “chẳng niệm thiện, niệm ác” thì đó là lối ức chế tâm. Cho nên lúc bấy giờ khi mà ức chế cái tâm mà nó đạt được, nó không vọng tưởng nữa, nó không tác ý ra nữa, thì ngay đó nó có những cái trạng thái sai hoặc là trạng thái khinh an, hỷ lạc, hoặc là những cái trạng thái này kia, mà hầu hết là các con đã thấy. Đây là những cái trạng thái mới khởi sự.

(29:35) Nếu mà lâu nữa, như Thầy tu một cái thời gian lâu về cái pháp “tri vọng” đó, thì nó rơi vào những cái trạng thái rất là đặc biệt, như ngồi tại chỗ mà thấy người đi, tất cả những cái hiện tượng đó nó xảy ra cho chúng ta. Như thấy cái thân nó bay bổng lên, nó nhẹ nhàng nó bay lên, rồi thấy cái thân nó lúc lắc, nó bồng bềnh, nó đủ cách.

Đó là những cái tưởng mà chúng ta, nó đã ở trong cái trạng thái ức chế tâm mà nó sanh ra.

“Vì thế càng tu lại càng sai, tâm dục lại càng lớn, háo danh, đắm lợi, mê sắc dục, nhưng khéo che đậy mà thôi.

Bởi vậy theo đúng pháp Phật dạy thì tu tập rèn luyện thân tâm mình, ngày giảm đi một ít nhờ có quyết tâm và bền chí. Mỗi ngày đều kiểm tra lại tâm mình có kết quả hay chưa kết quả, có tu sai hay tu đúng.

Nếu tu đúng thì có kết quả, bằng tu sai thì chẳng kết quả, vì Đức Phật đã xác định: “Đạo của ta ai đã tu tập thì có kết quả ngay liền, không có thời gian chờ đợi!”

Đức Phật đã xác định như vậy. Khi mà chúng ta tu một cái pháp nào đó, thì chúng ta quán xét lại trong một cái thời gian qua, thì chúng ta thấy có kết quả. Mà ngay trong cái chỗ tu đó mà nó có sai, nó làm chúng ta tức lói, mệt nhọc, khó chịu, thì đó là chúng ta tu sai rồi, chúng ta phải sửa lại.

Cho nên ngay cái sự tu, chúng ta đã biết liền. Nó giúp cho thân tâm chúng ta an ổn, chúng ta tu đúng, mà nó không an ổn, tức là sai, cứ như vậy là chúng ta biết chúng ta tu sai. Mà khi biết tu sai rồi mà chúng ta không biết sửa, thì chúng ta hỏi, mau hỏi, “như vậy con gặp cái trạng thái đó như vậy, bây giờ nó gặp như vậy…​”

Thí dụ như Chân Thành gặp cái trạng thái là mình điểu khiển cái pháp hướng làm cho hơi thở chậm dần, và nhẹ dần xuống, rồi bắt đầu các cơ hoành và cơ bắp của mình bắt đầu nó co, nó làm cho căng tức lên, thì do đó hỏi Thầy liền, thì coi nó đúng hay sai, để cái người mà người ta có kinh nghiệm người ta giúp cho mình, để mình phá nó, thư giãn nó trở lại, nó làm cho mình trở về trạng thái bình thường, mà không bị rối loạn cơ thể.

Đó là những cái cách thức mà chúng ta tu tập để cho chúng ta được làm chủ cái sự sống chết của chúng ta.

9- CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC TRÊN HÀNH TƯỚNG CỦA NỘI, NGOẠI THÂN

(31:47) Bây giờ thì Thầy tiếp tục trong cái bài học về kinh Tứ Niệm Xứ. Ở đây thì Đức Phật đã dạy bài kinh này cho nên đi vào những cái chi tiết. Và từ lâu tới giờ thì dựa theo kinh này, mà các nhà học giả đã diễn đạt ra nhiều sách gọi là “bốn lãnh vực” hay là kinh Tứ Niệm Xứ, đều là theo những bài kinh này mà họ đã diễn ra, nhưng họ không ngờ rằng đó là những cái định mà họ không biết.

Cho nên chúng ta đọc lại những cái kinh gốc này để rồi chúng ta thấy cái sự xác định của Thầy có đúng hay không:

“Này các Tỳ Kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn đó là Bốn Niệm Xứ. Thế nào là bốn?

Này các Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”.

Nghĩa là bốn cái chỗ này đều là cái mục đích của nó là tu ở trên cái thân này để chế ngự cái tham ưu. Tham là cái lòng dục, lòng ham muốn của mình, ưu là sầu não, buồn phiền ở trong lòng gọi là tham ưu. Cho nên cái pháp này ở trên bốn cái chỗ này, để mà chúng ta khắc phục được cái sự khổ đau của chúng ta.

Đây là một cái bài viết nói ngắn như vậy thì chúng ta chưa biết chúng ta đã tu cái gì. Trên thân quán thân thì chúng ta chưa có biết gì hết, chưa có biết nó thuộc về cái định gì hết.

Đây bây giờ chúng ta lại nghe Đức Phật dạy tiếp. Đây là cái tóm lược, tóm tắt thế nào là bốn, cho nên Đức Phật chỉ nói bốn cái đơn sơ là trên thân quán thân như vậy thôi chứ chưa nói.

(33:49) Bây giờ đức Phật mới dạy chúng ta tiếp để chúng ta thấy rằng cái tu tập tiếp của nó như thế nào. Nó đi từ cái tổng quát, rồi tóm lược, rồi để đi đến cái chỗ chi tiết của nó:

“Và này các thầy Tỳ Kheo, thế nào Tỳ Kheo sống quán thân trên thân?”.

Hồi nãy ở trên thì Đức Phật đã nói tóm lược đó, Tỳ Kheo sống quán thân trên thân đó. Bây giờ sống quán thân trên thân như thế nào? Bây giờ Đức Phật mới giải thích cho chúng ta nghe:

“Này các thầy Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt.

Tỉnh giác vị ấy thở vô, tỉnh giác vị ấy thở ra. Thở vô dài vị ấy tuệ tri tôi thở vô dài, hơi thở ra dài vị ấy tuệ tri tôi thở ra dài. Hơi thở vô ngắn vị ấy tuệ tri hơi thở vô ngắn, hơi thở ra ngắn vị ấy tuệ tri tôi thở ra ngắn.

Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô vị ấy tập, cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra vị ấy tập. An tịnh toàn thân tôi sẽ thở vô, vị ấy tập, an tịnh toàn thân tôi sẽ thở ra vị ấy tập.

Này các thầy Tỳ Kheo, như người thợ quay hay là người học trò người thợ quay thiện xảo, khi quay dài tuệ tri tôi quay dài, hay khi quay ngắn tuệ tri tôi quay ngắn. Như vậy, này các thầy rỳ kheo, Tỳ Kheo thở vô dài tuệ tri tôi thở vô dài, hay thở ra dài tuệ tri tôi thở ra dài, hay thở vô ngắn tuệ tri tôi thở vô ngắn”.

(35:39) Chữ “tuệ tri” Thầy xin dịch ra cho nó dễ hiểu, tuệ tri tức là tôi biết đó.

“Hay thở ra ngắn tuệ tri tôi thở ra ngắn.

Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô, vị ấy tập. Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. An tịnh toàn thân tôi sẽ thở vô, vị ấy tập. An tịnh toàn thân tôi sẽ thở ra, vị ấy tập.

Như vậy vị ấy sống quán thân trên thân nội thân, hay sống quán trên thân ngoại thân, hay sống quán thân trên cả nội ngoại thân.

Vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân, hay sống quán tánh diệt tận trên thân, hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.

Có thân đây vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm, và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các thầy Tỳ Kheo, như vậy là Tỳ Kheo sống quán thân trên thân”.

Như vậy là một cái bài kinh như vậy đó, tức là bây giờ Đức Phật nói bài tóm lược của Đức Phật thì Tỳ Kheo sống quán thân trên thân.

Vậy thì sống quán thân trên thân như thế nào? Thì tức là Đức Phật dạy chúng ta nương vào hơi thở cái đã, rồi sau đó thì quán thân của chúng ta, nội ngoại thân, mọi cái, ở trên thân, nội ngoại thân, cái này cái kia, tất cả những cái này.

Như vậy là sau khi mà đọc bài này rồi, thì các con thấy cái định của Đức Phật dạy, chúng ta tu cái định nào ở trên cái thân này chưa? Như Thầy đã giảng thì các con biết rõ ràng là cái Định Niệm Hơi Thở, Đức Phật đã dạy cái Định Niệm Hơi Thở trước.

(37:23) Tức là bây giờ, Định Niệm Hơi Thở tức là quán thân trên nội thân tu về hành tướng rồi, ở trong cái bài kinh này có nói cái đó không? Có nói nó về hành tướng không? Nhưng khi mà chúng ta đọc, chúng ta biết cái hơi thở ra, hơi thở vô là động rồi, mà động là phải hành chớ, cho nên nó thuộc về hành tướng nội rồi, đó.

Mà hành tướng nội thì như vậy là Đức Phật đã chỉ cho chúng ta tu về cái nội trước, mà cái ngoại sau. Ở đây thay vì bài kinh này trên thân quán thân, thì phải tu về cái tỉnh giác trước để chúng ta phá được cái buồn ngủ, chớ còn nếu mà ngồi đây mà hít thở, hít thở như vậy thì nó sẽ bị hôn trầm.

Như vậy là chúng ta thấy cái bài kinh mà sắp xếp như thế này nó hơi thiếu kinh nghiệm tu tập. Cho nên có nhiều người mới vô mà lo tu hơi thở thì nó dễ bị hôn trầm, thùy miên, vô ký.

Đó thì bây giờ là cái bài thứ nhất là nói về Định Niệm Hơi Thở, còn cái phần tóm lược thêm ở trên thân quán ngoại thân, nội thân này kia, chỉ nói thêm đây là nói như vậy, chớ sự thật ra nó tới cái bài kế chúng ta mới thấy quán ngoại thân đây.

“Lại nữa này các thầy Tỳ Kheo.”

Cái bài đầu tiên này Đức Phật nói trên thân quán thân mà tu về hơi thở thì chúng ta thấy là Định Niệm Hơi Thở rồi.

Còn những phần mà Đức Phật nói thêm như thế này, thì cái phần này nó chưa phải là lúc chúng ta nói, như trên thân quán thân ngoại nội, quán thân, quán tánh ở trên thân của chúng ta, thì đây nó thuộc về những cái tâm tánh, nó thuộc về tâm nữa rồi. Ở trên thân mà quán cái tâm của chúng ta, thì đây là chưa phải cái chỗ mà chúng ta tu, mà ở đây chúng ta chỉ lấy có một cái đoạn về hơi thở mà chúng ta xác định nó là Định Niệm Hơi Thở.

Còn bây giờ nếu mà theo Đức Phật nói: “Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân, hay sống quán thân trên ngoại thân”.

(39:20) Nếu mà nội cái Định Niệm Hơi Thở này mà trên ngoại thân thì nó không đúng rồi. Ngoại thân thì cái hành tướng ngoại nó ở đâu? Mà nói về cái hơi thở mà nói về cái nhân tướng của nó, thì đâu có phải hơi thở là cái nhân tướng của cái thân đâu! Cho nên nếu mà đem cái khúc sau này ra, thì chúng ta thấy rất là khó hiểu.

Nhưng ở đây Đức Phật nói rằng chúng ta phải tu cái hơi thở này, thì đó là do cái quán trên ngoại thân rồi nội thân, rồi này kia. Ở đây theo Thầy thấy người ta không hiểu mà người ta sắp xếp như vậy. Đây các thầy sẽ nghe tới, đây ngoại thân nè:

“Lại nữa, này các thầy Tỳ Kheo, tuệ tri đi tôi đi, hay đứng tuệ tri tôi đứng, hay ngồi tuệ tri tôi ngồi, hay nằm tuệ tri tôi nằm.”

Nghĩa là, “tuệ tri” nghĩa là “tôi biết”. “Tôi nằm tôi biết tôi nằm, tôi ngồi tôi biết tôi ngồi”, thay vì chữ dịch “tôi biết” đó.

“Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy tuệ tri thân thể như thế ấy. Vị ấy sống quán thân trên nội thân, vị ấy sống quán thân trên ngoại thân, vị ấy sống quán thân trên nội ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân, hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân, hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân.

Có thân đây, vị ấy trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm, và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ Kheo, như vậy Tỳ Kheo sống quán thân trên thân”.

(41:03) Đây để xác định cho thấy rõ. Khi mà mình đi mình biết mình đi, khi mình ngồi mình biết mình ngồi, khi mình nằm mình biết mình nằm, mình sử dụng, cái thân mình được sử dụng như vậy, tức là mình tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

Mà thân mình hành động cái gì mình biết nó đang hành động cái nấy, thì đó là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, nương theo cái hành tướng ngoại. Đó là trên thân quán ngoại thân, tu theo hành tướng, thấy rõ.

Bây giờ hồi nãy, trên thân quán nội thân tu về hành tướng nội là Định Niệm Hơi Thở.

Bây giờ tu trên thân quán ngoại thân, trên thân quán thân tu về hành tướng ngoại, do đó thì chúng ta biết được đó là Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, do hành động của thân của chúng ta nó hoạt động như thế nào thì chúng ta biết cái hành động như thế nấy.

Cho nên ở đây mới đầu, thì chúng ta thấy rất rõ. Bây giờ thân Thầy ngồi Thầy biết thân Thầy ngồi, thân Thầy đứng Thầy biết thân Thầy đứng, thân Thầy đi Thầy biết thân Thầy đi, nghĩa là cái thân Thầy động dụng như thế nào Thầy biết theo cái nấy.

Cho nên cái chỗ này các con phải suy ngẫm cho kỹ nè, bởi vì đây nó thuộc về cái phần mà chi tiết để tu tập.

Bây giờ đii kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành, thì quý thầy tập trung cái bước đi của mình. Còn ở đây đi kinh hành tôi biết cái thân tôi đang đi kinh hành, tức là biết cái thân mình đang hoạt động chớ không phải biết chỗ đi kinh hành.

Lưu ý cái chỗ đó mới thấy được cái chỗ mà cái hành động ngoại nó có nhiều cái tướng trạng, cái tướng để suy ngẫm, để mà chúng ta thấu hiểu được cái pháp hành cho rõ ràng cụ thể.

(42:53) Cũng như bây giờ co tay nè, duỗi tay nè, thì theo cái hành động đó, mình biết cái hành động đó co tay, duỗi tay, làm tất cả mọi công việc biết đó, thì nó là một trong những cái pháp mà tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Nhưng mà thân Thầy ngồi Thầy biết thân Thầy ngồi nè, thân Thầy đi Thầy biết thân đang đi nè, biết cái thân đang đi chớ không phải là đang tập trung dưới bước chân đi.

Có hiểu vậy thì mới thấy được cái pháp của Phật nó phân tích từ những cái vi tế, nhưng mà nó cũng đều nằm trong cái Chánh Niệm Tỉnh Giác Định chớ không phải là rời khỏi cái Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

Nhưng mà đây là cái sơ khởi để chúng ta tu cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, nghĩa là mình đi mình biết mình đi, mình đứng mình biết mình đứng.

Đó thì như vậy là chúng ta gọi là trên thân quán thân tu về hành tướng ngoại, hồi nãy là hành tướng nội rồi. Bây giờ thêm một đoạn nữa:

“Lại nữa, này các thầy Tỳ Kheo:

Tỳ Kheo bước tới bước lui biết rõ mình đang làm, khi ngó tới ngó lui biết rõ mình đang làm, co tay, co duỗi biết rõ mình đang làm, mang áo, mang y, mang bát biết rõ mình đang làm. Khi ăn, khi uống, khi nếm, biết rõ mình đang làm, khi đại tiểu tiện biết rõ mình đang làm, khi đứng, khi ngồi, khi ngủ, khi thức, khi nói, im lặng, biết rõ mình đang làm.

Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân.”

(44:24) Ở đây là quán thân trên nội thân. Thì cái hành động mà mình biết mình đang làm cái này kia nọ, thì ở đây cái bài kinh nói rằng mình quán trên cái nội thân của mình.

Vậy thì cái hành động của nội thân này, theo cái chỗ bài kinh này, thí dụ như bây giờ mình ngồi ăn không có nghĩa mình tập trung trong cái hành động ăn, mà mình chỉ biết mình ăn.

Thì cái hành mà biết mình đang ngồi ăn thôi, chớ còn mình không có theo cái hành động nhai rồi gắp từng món ăn, hoặc cái này kia bỏ vào, thì cái đó là nương theo cái hành động ngoại, còn cái này là nó nương toàn diện.

Bây giờ biết tôi đang ăn cơm thì biết tôi đang ăn cơm, thì nó tổng quát biết cái hành động là cái thân tôi đang ngồi ăn cơm, chớ không biết, không để ý cái hành động đang gắp món ăn bỏ vào miệng, rồi nhai, rồi ngon, đắng cay ở trong miệng mình, thì những cái cảm giác đó, những cái lạc thọ đó, thì nó không phải là ở chỗ này.

Mà ở chỗ này cái mục đích của Phật là bắt đầu người khởi sự tu Chánh Niệm Tỉnh Giác, thì chúng ta biết cái tổng quát trước, ngồi tôi biết tôi ngồi, rồi thôi tôi không biết nữa. Nghĩa là ngồi tôi biết tôi đang ngồi vậy thôi.

Rồi bây giờ, thí dụ như đi tôi biết tôi đi, nhưng mà tôi không có chú ý với cái bước đi, nhưng mà tôi biết cái thân tôi đang đi, bây giờ mình đang đi thì mình biết cái thân mình đang đi.

Rồi tôi ngồi tôi biết cái thân tôi đang ngồi, và bây giờ tiếp tục ngồi, thì bây giờ nó ngồi yên đó, nhưng mà tôi biết cái thân tôi đang ngồi, có hiểu vậy không?

Chớ không phải là cứ mình đứng lên rồi ngồi xuống, đứng lên ngồi xuống vậy đó, gọi là mình biết mình đang đứng lên ngồi xuống, thì không phải.

Đức Phật muốn nói cái đó đó, để cho biết rằng cái hành động của mình, bắt đầu mình tu cái Chánh Niệm Tỉnh Giác đó, là mình phải tu từng cái tổng quát trước.

Nghĩa là bây giờ thân ngồi là biết tôi ngồi, mà bây giờ thân đi thì biết đi, chớ không có, biết cái thân nó đang đi đó chớ còn không có biết cái chân mà nó bước đi.

Từ đó rồi sau này chúng ta lần lượt chúng ta sẽ tới tất cả những cái hành động đi ma biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi đó.

“Lại nữa này các Tỳ Kheo, khi bước tới bước lui biết rõ mình đang làm.”

Đó là đọc rồi.

10- ĐỊNH VÔ LẬU TRÊN NHÂN TƯỚNG QUÁN THÂN ĐỂ PHÁ NGÃ CHẤP

(46:39) “Lại nữa, thầy Tỳ Kheo quan sát từ thân này, dưới bàn chân trở lên, cho đến đảnh tóc, bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, hoành cách mô”.

Đây là cái lối tu trên thân quán thân tu về nhân tướng rồi đó. Tức là mình quán xét cái thân của mình, da thịt này kia ở bên ngoài, và bây giờ nó gồm chung ngoại thân là da, móng, lông, tóc, đó là ngoại thân, mồ hôi, nước mắt, nước mũi, đó là những cái ngoại thân của mình.

(Xem tiếp ở Pháp hành 16)

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy