00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

PHÁP HÀNH 07 - NGƯỜI MỚI TU PHẢI TẬP XẢ TÂM TRONG CẢNH ĐỘNG

__ Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh __

Thời gian: 1998

Thời lượng: [47:40]

1- HẬU QUẢ CỦA ĐỊNH TUỆ SONG TU, KHÔNG GIỮ GIỚI LUẬT

(0:00) Cho nên nó biến ra cái hành động tụng niệm, cúng bái, sám hối. Thường thường nó phải từ cái chỗ mà cúng bái tụng niệm, dù là một ngày một đêm họ chỉ cúng bái tụng niệm một lần hoặc hai lần, điều đó cũng còn cái hình ảnh của sự lạc hậu, không đúng với Chánh Pháp của Phật.

Bởi vì họ chỉ nương vào cái chỗ tụng niệm để làm cho họ, sách tấn cho họ con đường tu, họ thấy họ còn có cái hình ảnh tu, chớ nếu không thì họ thấy họ không có cái gì mà để tu hết.

Thì ở đây chúng ta thấy từ cái hình ảnh trừu tượng đó là "tâm phủ trùm vạn hữu" đến cái chỗ mê tín để gạt người thì coi như là "phản bổn hoàn nguyên", trở về với cái cội nguồn, cội gốc của nó. Đó là cái mê tín, cái sự thật nó không có cái chỗ mà, cái gốc mà để chúng ta trở về. Đó là một cái.

Cũng như nói không có cõi Cực Lạc mà người ta nói có cõi Cực Lạc, có Đức Phật Di Đà, đó là một cái hình ảnh mê tín, nó gạt người ta. Bởi vì Phật đã dạy là chúng ta không có cái linh hồn, mười hai nhân duyên diệt thì chúng ta không còn một cái gì mà còn lại hết, thì đâu còn cái vật gì mà gọi là trở về Cực Lạc được! Thế mà còn một vật trở về Cực Lạc thì tức là một cái linh hồn. Mà có linh hồn thì mới có cảnh giới siêu hình.

"Phản bổn hoàn nguyên" vốn mục đích cũng như vậy, nhưng mà cái tên nghe nó hay ho hơn, trở về với nguồn gốc của nó. Nguồn gốc của nó, nguồn gốc của con người mà sanh ra thì kinh điển của Phật cũng xác định từ nhân quả. Bây giờ chúng ta “phản bổn hoàn nguyên" tức là trở về nhân quả, thì trở về nhân quả thì ác với thiện, có gì đâu.

Đó cho nên chúng ta thấy nó sai cái ý của Phật, cho nên nó biến thành một cái tình trạng mê tín. Mà tới biến thành cái tình trạng mê tín thì nó trái lại, thì những cái nơi chùa đó, thì họ phải cúng bái, tụng niệm, rồi sám hối.

Sám hối, khi mà chúng ta biết cái lỗi của mình thì mình cố sửa, chớ sám hối ai mà làm cho mình tiêu tội được? Ai làm cho mình hết tội được? Vì cái hành động làm ác, hành động mà làm tội là do cái nhân quả của mình. Cho nên biến từ cái chỗ cúng bái tụng niệm sám hối thành nó lạc hậu, nó không có đúng cái tính cách của cái người tu sĩ của đạo Phật.

(02:21) Đạo Phật thì không có mê tín, không có lạc hậu thì nó mới đúng tính cách của nó. Còn cái này, nó mê tín, nó trừu tượng, nó mê tín nó lạc hậu thì nó không đúng tính cách.

“Vì tu học tuệ trước nên thích bài bác.”

Bởi vì mình học, mình có cái sự hiểu biết, mình chấp, mình chưa có giữ gìn nghiêm túc đức hạnh cho nên mình không có tập sống trầm lặng, ít nói. Cho nên khi mà mình có sự hiểu biết thì cái tâm của mình nó thích lắm, nó thích cái hay ho, nó thích mình hơn người, cho nên khi mà có sự hiểu biết thì nó thích nói, nó thích đem ra những cái hay của mình khoe khoang.

Cho nên có người họ cho đó là sai, cái mình tức, vì vậy cho nên mình phải cãi cọ rồi mình tranh luận, rồi do cái chỗ mà sai cái kiến chấp của mình đi, thì mình phải bài bác cái chỗ của người ta. Do đó thì nó phải có sự chống đối, rồi phê bình, rồi chỉ trích, rồi nói xấu với nhau, nói xấu kẻ khác. Đó là nhược điểm của tu sĩ của Phật giáo thời nay.

Nó là những cái mà chúng ta thấy dùng cái tuệ mà tu trước, nó đưa đi đến cái nhược điểm, mà cái nhược điểm rất là tệ hại cho những cái vị tu sĩ của Phật giáo thời bây giờ. Đó là những cái hình ảnh mà chúng ta thấy trước mặt.

Thường thường khi mà chúng ta học hiểu được rồi, nó ấm ức trong lòng lắm, nghe ai nói gì thì nó muốn tuôn ra để mà cãi, để mà tranh luận chớ nó không chịu nín cái miệng nó lại.

Còn cái người mà tu giữ gìn giới luật thì ngay trong cái giới luật, thì về cái khẩu nó có bốn cái giới của nó, nó bắt buộc chúng ta trầm lặng, không có nói phù phiếm, không có nói tranh luận, không có nói hơn thua, không có nói xấu người khác, không có nói những cái lời mà hung ác, nói người ta thế này thế kia.

(04:11) Cũng như bây giờ các thầy cũng như là các con mà nghe Thầy giảng đây, rồi mình thấy mình học đây là đúng Chánh Pháp, còn người ta tu theo Đại Thừa hay Thiền Đông Độ nó sai. Rồi các Thầy chổng khu về bài bác người ta, chính đó là cái mình sai, mình không hiểu cái đó là mình sai.

Người ta không có đủ duyên người ta chưa gặp được Chánh Pháp. Mình có duyên mình thì mình gặp được Chánh Pháp thì mình lo tu giải thoát, cớ sao mình lại chỉ trích người ta nói sai? Cái đó là sai. Sai chỗ mình, chớ không phải Thầy dạy để các con lấy cái hiểu biết này mà đi chỉ trích người khác là làm sai.

Bởi vì Thầy dạy các con đừng có làm khổ mình, đừng có làm khổ người. Mà không làm khổ mình khổ người thì lấy chỉ trích người ta làm gì, nói người ta sai làm gì? Người ta tu sao thì người ta hưởng được cái chỗ tu của họ. Mà người ta tu không sai thì người ta hưởng được cái quả ở chỗ tu của người ta, mắc mớ gì mình lại nói.

Cho nên khéo léo. Ở đây Thầy thường cấm ngặt, là vì mình tu mình phải sống trầm lặng, mình phải sống độc cư, mình tập ít nói, không nói, nghĩa là không tranh luận hơn thua ai hết.

Ai nói mình tu sai mình cũng làm thinh chớ cũng chẳng cãi là nói tui tu đúng. Đừng có cãi, tu đúng mình biết. Vì tu đúng mình có giải thoát, còn tu sai không giải thoát, mà cố kiến chấp thì đó là sai. Còn mình tu đúng mà mình cũng kiến, mình cũng chấp rằng mình tu đúng, đó là mình sai!

Mình tu đúng thì mình biết được tâm của mình thanh tịnh, không còn tham, sân, si, không còn ham muốn cái này cái kia thì mình biết được cái chỗ giải thoát của mình, thì họ có nói sai thì mặc họ, có ăn thua gì mình? Mình giải thoát thì mình giải thoát còn họ không giải thoát thì mặc họ, cớ đâu mà mình lại tranh luận rằng tui tu đúng, còn mấy ông tu sai!

Rồi không cho người ta đi chùa đi miễu, nói đi như vậy là mê tín là này kia nọ. Nghe Thầy nói ở đây để cho mình biết được cái pháp của mình, mình đem trọn niềm tin mình tu tập, chớ không phải nói mê tín rồi mình đem ra mình bài bác nói họ mê tín, họ lạc hậu, họ xách cây họ đập mình chớ ở đó họ nhịn cho mình.

Đó thì ở đây, các con cũng như các thầy phải nghe hiểu cái chỗ này, cho nên học để biết mà tu chớ không phải học để mà tranh luận hơn thua bài xích người ta. Cái đó là cái tội lỗi, nhớ những cái lời Thầy dạy là không nên làm khổ mình và khổ người, vì mình nói làm người ta khổ, tức là người ta cũng phải tìm cách người ta làm khổ mình lại.

2- KHÔNG XẢ LY THÌ TU TRIỆU NĂM KHÔNG GIẢI THOÁT

(06:33) *Hỏi*: “Kính bạch Thầy! Tại sao con từng đập phá tâm tham, sân, si của mọi người để họ thoát ra khỏi tam độc, được tâm giải thoát an vui và thanh thản thì họ lại oán thù con?”

Đáp: “Tại vì họ không muốn giải thoát, sợ bỏ tham, sân, si quá uổng, vì thế mà họ thù ghét con là phải.”

Bởi vì họ tiếc cái tham, sân, si, bỏ xuống đi thì nó không, hết tham, sân, si thì nó uổng quá! Cho nên vì vậy mà cô Diệu Quang đập phá để cho nó lộ cái tướng tham, sân, si, để biết cái tâm tham, sân, si của mình còn mà mình xả nó đi. Thế mà họ không chịu xả, mà khi mà họ đi ra rồi họ lại còn oán hận. Thì thật ra thì họ không muốn bỏ tham, sân, si, cho nên họ trở thành những oán hận.

Hỏi: “Tu là mục đích diệt trừ và đoạn dứt tam độc tham, sân, si. Cớ sao tu mà không chịu bỏ? Có người về đây tu hành suốt ba năm, năm năm, mười năm mà vẫn còn mang tâm đó!”

Đó thì cô Diệu Quang hỏi Thầy. Vì vậy:

“Họ còn mang tâm đó là vì họ tu sai.”

Nghĩa là họ tu cái pháp sai cho nên nó không có diệt được cái ác pháp, mà ác pháp đó là tham, sân, si. Cho nên các cái pháp mà họ đang tu đó, là họ tu sai, không đúng. Nếu mà tu đúng thì họ phải diệt cái đó được, mà họ tu sai cho nên họ diệt không được.

“Diệt ngã xả tâm, ly dục, ly ác pháp. Họ không chịu xả, ly bằng các pháp môn xả và ly. Ngược lại họ tu các pháp ức chế tâm để đạt được định, gọi là tu tắt. Do tu sai như vậy, dù có tu suốt cả triệu năm thì tâm tham, sân, si vẫn còn nguyên vẹn.”

3- CÁCH DẠY ĐỊNH VÔ LẬU CỦA CÔ ÚT

(8:22) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Con thường dạy mọi người đừng nên ngồi thiền nhiều mà hãy lo quán xét tu tập xả, ly, xả tâm tham, sân, si, họ lại bảo con dạy sai, không đúng như lời Thầy dạy.”

Đáp: “Thầy dạy Định Vô Lậu tức là diệt ngã xả tâm, ly dục, ly ác pháp, nghĩa là xả tâm tham, sân, si, chớ có gì sai khác ở con? Chỉ có danh từ Định Vô Lậu để xác định đó là pháp môn của Đức Phật.”

Đó thì các con và cũng như các thầy đã thấy, cô Út thì không có dùng cái Định Vô Lậu mà nói, mà chỉ bảo rằng mình phải suy nghĩ, tìm kiếm những cách nào để mình xả cái tâm mình khi mình bị tham, sân, si, ham muốn cái gì đó, mình tìm những cách đó mình xả nó ra, đừng có để trong tâm của mình. giận hờn, phiền não, đau khổ lâu dài, cách thức mình phải tìm hiểu suy nghĩ.

Thì cái Định Vô Lậu nó cũng là cái định quán xét để tư duy, để xả. Mà Thầy thì dùng những cái danh từ trong kinh sách để xác định đó là cái pháp môn của Phật chớ không phải là của Thầy đặt ra. Còn cô Út dạy thì nó không có dùng những cái danh từ ở trong kinh điển, chỉ bảo rằng mình tự tìm hiểu, suy nghĩ rồi mình xả.

“Con dạy mọi người quán xét tùy pháp, tùy người, tùy sự việc, tùy hoàn cảnh mà xả tâm tham, sân, si.”

Nghĩa là đứng trước mọi các cái pháp thì tùy mọi cái để mà xả ra.

“Thầy dạy người ly dục, ly ác pháp theo giáo lý của đạo Phật cũng vốn xả tâm tham, sân, si, có gì khác đâu, chỉ khác ở danh từ Phật điển mà thôi.”

Nghĩa là hai bên dạy, thì một người không có dạy danh từ của Phật điển, một người thì dạy danh từ Phật điển, cho nên nghe thì những cái danh từ, thì với cái lời nói bình dân mộc mạc, hai cái thì nó nghe nó không giống nhau, nhưng mà cái ý của nó là cũng là cái ý chỗ ly dục, ly ác pháp, diệt ngã xả tâm, xả cái tâm tham, sân, si của mình.

4- NGỒI NHIỀU GIỐNG NHƯ CÓC SẼ THÀNH CÓC

(10:28) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Con thường khuyên mọi người đừng ngồi thiền nhiều, vì ngồi thiền nhiều giống như con cóc và sẽ thành cóc, có đúng như vậy không?”

Đáp: “Đúng! Xưa Đức Phật cũng dạy: tu hạnh con bò sẽ thành con bò, mà tu hạnh con chó sẽ thành con chó, tu hạnh ngồi nhiều sẽ thành con cóc, con ếch, v.v…​”

Đó là lời Đức Phật ngày xưa cũng đã dạy cái vấn đề này rồi. Nghĩa là có một cái người tu sĩ ngoại đạo, họ tu về hạnh con bò, từ cái ăn họ ăn cũng làm giống y như con bò, rồi cái ngồi, cái nằm họ làm cũng y như con bò. Họ nói họ tu như vậy, cái khổ hạnh giống như con bò vậy thì họ sẽ sanh về cõi Phạm thiên.

Thì ông Phật nói: "Đừng có hỏi tôi, hỏi tôi tôi nói rồi ông sẽ khổ à!” Thì ông ta ba lần hỏi Đức Phật, ông mới nói: "Thiệt ra ông muốn hỏi thì tôi phải nói, nhưng ông đừng có buồn!

Cho nên Đức Phật xác định tu hạnh con bò thì sau này mình sẽ thành con bò. Bởi vì mình quen cái thói đó rồi, thì khi mình chuyển cái kiếp thì mình cũng sẽ thành giống y con bò, cũng ăn kiểu như con bò, rồi cũng nằm kiểu con bò, rồi cũng đi kiểu con bò, đó là tu hạnh con bò.

Rồi có một vị tu sĩ cũng ngoại đạo, họ tu theo hạnh con chó. Cách thức ăn thì cũng làm giống như con chó, rồi cách thức đi cũng giống như con chó, cách thức nằm cũng giống y con chó. Đến hỏi Phật, Phật cũng nói như vậy, tu hạnh con chó thì sẽ thành con chó.

Thì bây giờ chúng ta ngồi nhiều thì, trong các loài vật thì có con cóc, con ếch là ngồi nhiều thôi chớ có con gì mà ngồi nhiều? Cho nên chúng ta cũng sẽ thành con cóc và con ếch mất! Cho nên tu cái hạnh nào thì nó sẽ thành cái hạnh nấy. Bởi vì mình quen cái thói quen đó thì mình sẽ thành.

Cho nên ở đây Thầy chỉ dạy các con cố gắng ngồi từ một giờ ba mươi phút rồi tập luyện cái đạo lực, xả cái tâm của mình cho nó thanh tịnh. Từ đó cái đạo lực nó sẽ làm chủ được cái sự sống chết của mình và mình sử dụng Tứ Như Ý Túc, mình muốn cái gì thì nó làm theo cái nấy, chớ không phải ngồi nhiều mà làm được cái chuyện này.

Cho nên những cái hiện bây giờ người ta tu sai, người ta ngồi nhiều từ ba bốn tiếng đồng hồ, từ bảy tám tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng thì nó đi về đâu? Nó trở thành con cóc con ếch mà thôi.

Cho nên các thầy thấy bên khất sĩ như sư Giác Chánh, ngài ngồi nhiều, thậm chí như ngủ ngài cũng ngồi ngài ngủ luôn. Cho nên cuối cùng bây giờ cách thức của ngài ngồi nó thụng xuống nó giống như là con ếch mà ngồi chớ không khác gì hết. Cho nên nó rất khổ là vì người ta không hiểu, người ta tưởng ngồi đó là Phật, đó là cái sai.

5- NGƯỜI MỚI TU PHẢI TẬP XẢ TÂM TRONG CẢNH ĐỘNG

(13:03) Hỏi: “Kính bạch Thầy, con dạy mọi người tu phải lao động, làm việc. Thầy dạy mọi người tu không lao động, không làm việc. Như vậy thế nào xin Thầy dạy cho rõ!”

Đó là giữa cô Út dạy tu phải làm việc, còn Thầy dạy tu không làm việc, vậy thì hai bên này như thế nào?

Đáp: “Người mới tu tâm chưa xả, ly dục, ly ác pháp mà vội vào thất nhập thất tu tập tức là tránh duyên tránh cảnh. Đó là hình thức ức chế tâm, nén tâm. Khi tiếp duyên tiếp cảnh thì tâm nào tham, sân, si, tật nấy, lòng dục vẫn còn nguyên vẹn, cường độ còn mạnh hơn trước!

Người mới tu, theo như Đức Phật dạy: phải ngay trên Thân Hành Niệm mà tu tập, thân làm gì thì ý phải tập trung nơi việc làm ấy.”

Nghĩa là Đức Phật dạy chúng ta Thân Hành Niệm, lát nữa đây rồi Thầy sẽ đọc cái bài Thân Hành Niệm, rồi Thầy giải thích cho các con hiểu được cái cách thức của Đức Phật dạy, để chúng ta biết đó là chúng ta đang thực hiện cái định gì. Và đang, cái kết quả của nó sẽ ngăn chặn được những cái pháp gì, và kết quả sẽ đem đến cho chúng ta được lợi lạc cái gì.

“Người mới tu mà không lao động, thân sanh lười biếng, tâm ý bạc nhược, mất hết ý chí, không còn nghị lực tu tập.”

Đó thì, các con với các thầy xét, khi cô Út dạy tu phải lao động, tức là cái cơ bản của cái người mới vào tu, thì chúng ta lao động, để rồi lấy cái hành động đó mà chúng ta tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức, chứ không phải là vô trong thất rồi ngồi, rồi ngủ, rồi chơi.

Bởi vì ngồi không không làm gì hết thì nó sẽ buồn ngủ. Mà cái sức của mình nó chưa có định thì mình ở trong đó mình có làm gì khác hơn được? Cho nên từng đó nó sanh ra lười biếng. Mà nó sanh ra lười biếng thì chỉ có ngủ, ngủ đã rồi ngồi dậy tu cho có chừng, có giờ giấc như vậy thôi, rồi cuối cùng thì chẳng có ra gì.

Cho nên một số người rất đông là ai cũng muốn ham nhập thất, không có lao động, ngồi trong thất mà tu. Cuối cùng rồi thì chẳng ai ra gì hết, cứ nhìn chung là chúng ta thấy không có kết quả gì.

“Con đường tu có nhiều khó khăn, cần phải có đủ ý chí và nghị lực vượt qua.”

Con đường nó coi vậy chớ nó không phải là nó suôn sẻ để chúng ta vào ở trong thất rồi ngồi tu rồi thành Phật được liền đâu, không phải đâu. Chúng ta phải biết từng cái giai đoạn tu.

“Người mới tu phải tu tập trau dồi thân tâm trong các đối tượng, trong mọi hoàn cảnh, mọi sự việc để tâm ly dục, ly ác pháp.”

Nghĩa là mới tu thì mình phải tu ở trong mọi cách. Cho nên vì vậy đó, mình phải phòng hộ sáu căn nè, mình phải tu thiểu dục tri túc nè, rồi mình phải tu trong cái ăn nè, rồi tập luyện trong cái ngủ nè, rồi tập nhẫn nhục nè, rồi tập tùy thuận bằng lòng trong mọi cái, để cho cái tâm mình nó ly dục, ly ác pháp.

(16:02) “Người mới tu phải tự rèn luyện mình trong lửa đỏ để thấy được thân tâm mình có chiến thắng tâm mình được chưa. "Thắng ngàn quân địch chưa thể gọi là thắng, tự thắng được mình mới là chiến công oanh liệt”.”

Đó là câu kinh Pháp Cú đã nói. Cho nên người mới tu như là một người phải tự chiến thắng lại mình, phải rèn luyện mình trong lửa đỏ chớ không thể nào mà vô trong thất mà tránh duyên yếm thế, mà ngồi trong thất để không có cảnh động, thì cái người đó dù tu suốt đời thì tâm họ cũng chưa có xả ly được gì hết.

“Người mới tu phải thấy sự xả tâm là điều quan trọng, nếu không thấy được điều này mà cứ nhập thất tu tập ức chế tâm thì tu tập chẳng đi đến đâu, chỉ uổng cho một đời mang tiếng tu hành.

Người mới tu lấy lao động làm sự tu tỉnh giác, thì tỉnh giác ấy mới tu tập dễ dàng.”

Đó thì các con thấy cái người mà mới tu thì không thể ngồi không mà ngồi đó mà nhiếp tâm hơi thở mà nó tỉnh thức đâu, nó sẽ rơi vào ở trong thùy miên, hôn trầm và vô ký.

“Người mới tu mà không lao động thì dễ rơi vào vô ký, thùy miên, hôn trầm, sanh ra lười biếng mỏi mệt, bần thần, thích ngủ, thích ăn, thích chạy theo dục lạc.”

Nghĩa càng tu mà sai thì nó lại khiến cho chúng ta thích ngủ, thích ăn, rồi thích chạy theo dục lạc.

(17:28) “Người mới tu mà quá say mê trong lao động…​”

Người mới tu mà lấy cái cớ rằng mình lao động mà say mê trong lao động, làm việc nhiều, tìm việc làm này rồi tìm việc làm khác, thì đó là tu sai rồi. Cho nên cái việc làm để mà tu chớ không phải tìm cái việc này rồi sanh cái việc kia, làm cái này cái kia.

Thầy nhắc lại, như Chánh Trực ở đây cũng vậy. Nghĩa là sáng mình đi quét sân thì mình quét sân mà thôi, đường xá có dơ thì mình nhổ cỏ, thất mình có dơ thì mình làm chút ít, không! Tính ra cái việc làm đi chặt cây, làm nào là vườn thanh long, rồi bày ra rồi đào mương đào hầm hố, đem hết cái sức lực của mình làm, làm say mê ở trong công việc như vậy, thì thử hỏi còn tu cái gì được nữa không?

Đó không phải tu mà chỉ sợ cô đơn, làm cho nó quên đi cái sự cô đơn, làm cho nó quên đi cái sự ham ăn ham ngủ của mình. Chứ sự thật ra, một cái người mà làm say mê, người ta quên ăn quên ngủ, còn cái người mà ở không cứ ngồi nhớ ăn nhớ ngủ hoài! Đó cho nên nó có cái khó như vậy. Cho nên chúng ta không sanh ra các pháp làm, mà các pháp nó có sẵn thì chúng ta cứ làm.

(18:40) Cho nên Thầy nhắc, người nào mà thấy cái công chuyện hàng ngày mình làm chuyện đó, thì mình cứ tiếp tục mình làm công chuyện đó, đừng hỏi thêm, đừng hỏi bớt, cứ làm thì như đó đã giữ độc cư và đã tu đúng.

Bởi vì cái hành động mà mình làm công việc đó nó quen rồi thì mình cứ giữ cái hành động đó mà mình nhiếp tâm, vừa nương hơi thở mà vừa biết được hành động đó rất cụ thể. Do đó sức tỉnh của mình càng ngày càng cao lên.

(19:01) Còn mình sanh ra chuyện mới, thì bắt buộc cái đầu óc mình phải suy nghĩ cái này cái nọ cái kia, thì như vậy đó mình đã không có tỉnh thức rồi, tạp niệm nó xen vô lung tung đủ thứ ở trong đó hết.

Rồi khi mà làm ra thì phải lo thất bại, rồi phải lo nó không thành công, rồi lo người ta chê, người ta cười mình thế này thế khác. Mình không có một cái việc gì, mình là người vô sự, nhưng mà sự việc đó là sự việc chung, cho nên không ai khen mình giỏi mà cũng không ai chê mình dở. Mình cứ làm công việc cho nó đúng với cái chỗ tu tập của mình mà thôi.

“Người mới tu mà say mê trong việc làm thì tu sai. Làm vừa sức để mà tu chớ không phải ráng làm cho xong việc.

Người mới tu mà tâm cứ nảy sanh việc làm này đến việc làm khác là tu sai, mê việc làm.

Người mới tu biết lấy việc làm để tu tập xả tâm và phòng hộ sáu căn và tỉnh thức nên không làm quá sức mình.

(20:01) “Người mới tu, tập để ly dục ly ác pháp. Người đã tu tập ly dục ly ác pháp được, thì mới nhập thất ở nơi hoang vắng một mình.”

Nghĩa là cái người mà tu tập ly dục ly ác pháp rồi thì bắt đầu bây giờ mới có nhập thất ở nơi hoang vắng một mình. Chớ còn khi mà chưa ly dục, ly ác pháp mà nhập thất ở một mình thì chắc chắn là sẽ không có đạt kết quả, mà sẽ ngủ li bì trong đó chớ không có kết quả đâu, sẽ sanh ra lười biếng ở trong đó.

Cho nên khi mà tu tập ly dục, ly ác pháp được rồi thì mới có thể sống nơi hoang vắng mới được.

“Chừng đó mới là không có làm việc.”

(20:42) Nghĩa là ly dục, ly ác pháp rồi, thì chúng ta bây giờ mới nhập thất để tu thiền định, thì chắc chắn là không có làm việc nữa.

“Hằng ngày nỗ lực rèn luyện đạo lực để điều khiển sự sống chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.”

Nghĩa cái người mà tu ly dục ly ác pháp rồi, tâm mà không tham, không sân si rồi, thì cái người đó bắt đầu mới ở nơi hoang vắng, mới gọi là nhập thất sống một mình, mới không làm việc nữa.

Vì hàng ngày phải luyện tập rèn luyện cái đạo lực, cho nên sự rèn luyện đạo lực này nó đòi hỏi ở chúng ta phải có thì giờ rất nhiều để mà chúng ta rèn luyện nó. Thì do cái sự rèn luyện nó, thì nó mới có đủ cái sức lực nó tịnh chỉ hơi thở, nó làm chủ được cái sự chết sống của chúng ta, và cũng từ đó nó mới chấm dứt được cái sự tái sanh luân hồi của mình. Thì:

“Như ông Mục Kiền Liên tâm đã ly dục và ác pháp, ông mới xin Phật vào cư trú nơi khu rừng hoang vắng để tu tập rèn luyện đạo lực. Nhờ Phật trực tiếp chỉ dạy ông mới nhập được các định và dùng đạo lực thể hiện các thần thông. Vì thế, (trong) đệ tử của Phật, ông là người đệ tử đệ nhất thần thông.”

Đó thì, sau khi ly dục, ly ác pháp rồi thì ông Mục Kiền Liên mới xin Phật vào cư trú nơi một khu rừng hoang vắng. Nhưng mà trong khi đó ông tu tập cái gì? Ông tu tập Tứ Như Ý Túc đó. Nghĩa là khi mà cái tâm mình ly dục, ly ác pháp rồi thì mình mới bắt đầu mình tu tập Tứ Như Ý Túc.

Thì Định Như Ý Túc, thì trong đó nó sẽ từ cái gì? Từ cái Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Mà bây giờ muốn nhập Nhị Thiền thì chỉ cần ra lệnh nó, mà luyện cái đạo lực mà ra lệnh nó, thì Nhị Thiền, muốn nhập Nhị Thiền thì phải tịnh chỉ Tầm Tứ. Thì bây giờ chúng ta chỉ ra lệnh: “Tầm Tứ phải tịnh chỉ, hơi thở phải chậm và nhẹ nữa để nhập vào Nhị Thiền.

Thì chúng ta ra lệnh như vậy, thì bắt đầu chúng ta ngồi bám chặt trong cái tâm mình, bám chặt trong hơi thở, thì lúc bấy giờ tuần tự hơi thở sẽ chậm nhẹ dần dần, cho đến khi Tầm Tứ hoàn toàn không có khởi sanh ra nữa, thì lúc bấy giờ chúng ta đã nhập Nhị Thiền.

(22:46) Thì lúc bấy giờ chúng ta dùng pháp hướng chứ chúng ta không ức chế để cho nó hết vọng tưởng, như bây giờ mà chúng ta đang ngồi hít thở để ức chế vọng tưởng.

Còn trái lại, thì ông Mục Kiền Liên, khi mà ông hết, ông ly dục, ly ác pháp rồi, ổng mới xin Phật vào một khu rừng hoang vắng ổng luyện cái đạo lực, thì cái đạo lực ổng hằng ngày ổng nói gì? "Tầm Tứ phải tịnh chỉ, nhập Nhị Thiền!", thì do đó ông cứ ra lệnh như vậy.

Rồi ông ngồi ông bám chặt, giữ cái tâm ông trong cái hơi thở, cái tụ điểm, và như vậy cho đến khi cái ý ông tác ý ra, ông nghĩ bây giờ tâm mình nó không còn thất niệm nữa. Ông nghĩ rằng bây giờ nó hoàn toàn yên tịnh, không còn vọng tưởng nữa, thì ông Phật hiện, dùng thần thông hiện đến sát bên ông nói: "Ông phải im lặng như Thánh, không được khởi niệm đó", thì ngay đó ông tịch luôn cái niệm đó thì ông đã hoàn toàn đã nhập được Nhị Thiền.

Thì trong khi mà ông luyện tập cái đạo lực để mà nhập Nhị Thiền đó, thì ông bị hôn trầm rất nặng, do đó Đức Phật mới đến dạy ông năm cách để phá hôn trầm.

Đó thì, các con thấy tuần tự những cái gặp khó khăn ở trên cái bước đường mà tập Định Như Ý Túc, thì cái này, cái Định Như Ý Túc nó thuộc về, ba cái loại thiền này thì nó thuộc về cái Định Như Ý Túc rồi, nó nằm trong cái Định Như Ý Túc.

Bởi vì mình muốn nhập cái định nào thì nó phải như cái ý muốn của mình. Mà bây giờ mình muốn mình nhập Nhị Thiền, bảo Tầm Tứ tịnh chỉ mà nó không tịnh chỉ, tức là mình như ý túc được không? Đó mình bảo: “phải ly hết mười tám loại hỷ”, “nhập Tam Thiền”, “tâm tỉnh thức”, “không có được ngủ”, “phá mộng tưởng” nè, nhưng mà nó cứ, cuối cùng nó ngủ nó cứ mộng hoài, thì như vậy là mình nhập được Tam Thiền chưa?

Cho nên mình chưa được Định Như Ý Túc. Mà Định Như Ý Túc ra lệnh như vậy thì chúng ta đã nhập được. Thì như vậy là lúc bấy giờ chúng ta đang sống ở trong hoang vắng, thì chúng ta tu cái gì? Tu Tứ Như Ý Túc chớ không phải gì.

Mà khi định được Định Như Ý Túc rồi, thì bắt đầu chúng ta tu tới cái gì? Dục Như Ý Túc, muốn cái gì thì nó làm ra cái nấy, phải không? Rồi bây giờ Tuệ Như Ý Túc, muốn cái trí tuệ gì thì chúng ta thể hiện ngay được cái trí tuệ đó.

(24:48) Đó thì thấy như vậy là rõ ràng là, khi mà vào thiền định thì muốn nhập Bốn Thiền thì chúng ta phải tu Tứ Như Ý Túc chớ đâu phải gì, bởi vì trong Tứ Như Ý Túc thì có Định Như Ý Túc.

Cho nên ở đây, nếu mà muốn dạy Bốn Thiền thì tức là chúng ta phải dạy Tứ Như Ý Túc rồi. Chớ không phải là dạy: bây giờ phải hít thở hơi thở như vậy để ức chế nó vào vọng tưởng, thì cái người đó dạy sai, không đúng, không đúng cách của đạo Phật đâu.

Thì bây giờ chúng ta mới thấy được cái chỗ mà ông Mục Kiền Liên đã vào trong cái khu rừng hoang vắng, là khi ông đã ly dục, ly ác pháp. Còn bây giờ các thầy thấy tâm ly dục mình có ly chưa? Ác pháp có ly chưa, tham, sân, si còn hay hết chưa? Mà bây giờ vội vô thất không chịu làm việc, không này kia, cứ ngồi như con cóc thì cô Út cổ chẳng nói là như con cóc sao?

Đó thì rõ ràng là chúng ta chưa có phải ở chỗ cái mức, cái giai đoạn đó để mà tu Tứ Như Ý Túc, tức là Định Như Ý Túc, thì chúng ta không có thể nào mà vô trong thất mà ngồi. Mà hàng ngày chúng ta tiếp duyên, hàng ngày chúng ta lo xả tâm ly dục, ly ác pháp, thì đó là đúng cách của chúng ta tu tập.

Cho nên ông Phật, các thầy thấy là, đệ tử của ông Phật thường đi khất thực, chớ đâu có lúc nào mà sống trong độc cư, trong yên tịnh đâu, không có đi khất thực đâu. Nhưng mà khi mà ở trong rừng hoang vắng rồi như vậy thì có người khất thực giúp cho ông ta tu.

(26:11) Cho nên các thầy nhớ rằng trong sáu người, nghĩa là năm anh em Kiều Trần Như và Đức Phật, hai người đi khất thực cho bốn người kia ăn. Nghĩa là bốn người kia, sáu người mà hai người đi khất thực cho bốn người ăn. Nghĩa là bốn người không đi khất thực, mà hai người khất thực cho bốn người ăn và mình ăn nữa, là hai người khất thực cho cả sáu người ăn.

Vì vậy đó thì qua cái câu chuyện đó chúng ta nhớ, khi nào mà người mà sống trong hoang vắng để mà thực hiện Định Như Ý Túc, thì lúc bấy giờ đó có những vị tỳ kheo khác khất thực để giúp cho mình cái thực phẩm hàng ngày mình dùng để mình tu tập những cái phần đó, phần cuối cùng đó. Thì như vậy là chúng ta không còn lao động, chúng ta không còn đi tới đi lui, chúng ta nỗ lực thực hiện Tứ Như Ý Túc.

Đó thì ông Mục Kiền Liên là cái người tu như vậy đó.

“Chỉ khi tâm xả ly dục lạc thế gian, lúc bấy giờ mới nhập thất không lao tác, tập luyện Tứ Như Ý Túc.”

Đó, cái câu mà Thầy viết ở trong này để mà trả lời, thì sau này cái tập này thì nó sẽ photo hoặc in vào trong một cuốn sách thứ hai thuộc về vấn đạo, để chúng ta biết được cách thức chúng ta tu tập cái đúng cái sai.

“Chỉ khi nào tâm xả ly dục lạc thế gian, lúc bấy giờ mới nhập thất không lao tác…​”

Tức là không lao động nữa.

“…​ tập luyện Tứ Như Ý Túc.”

Nghĩa là bây giờ chúng ta tập luyện Tứ Như Ý Túc thì trong đó có Tam Thiền đó, Tam Thánh Định đó. Còn cái Sơ Thiền là cái định ly dục, ly ác pháp, đó là cái Sơ Thiền, do cái chỗ mà giới luật nó đạt được cái thiền thứ nhất rồi. Cho nên bây giờ chúng ta còn ba cái thiền nữa, thì tức là chúng ta phải tu tập Tứ Như Ý Túc thì chúng ta mới đạt được ba cái thiền này.

“Tâm chưa xả ly dục và ác pháp mà vội vào thất thì chẳng khác nào như một người yếm thế trốn đời, chẳng ích lợi cho mình, cho đời. Người tu hành như thế là chưa biết rõ cách thức tu.”

Nghĩa là chưa có rõ cái cách thức tu.

6- BỐN GIAI ĐOẠN NHẬP THẤT

(28:16) “Nhập thất có nhiều giai đoạn.”

Ở đây thì các con thấy cái nhập thất nó có nhiều cái giai đoạn tu, ở đây là những cái điều mà cần thiết để cho các thầy và các con ghi nhận để mà cho nhớ rõ.

“Nhập thất có nhiều giai đoạn:

1- Giai đoạn phòng hộ,

2- Giai đoạn xả ly.”

Tỉnh Giác Chánh Niệm đó.

“3- Giai đoạn Định.”

Tứ Thánh Định đó

“4- Giai đoạn Tuệ.”

Tứ Như Ý Túc đó.

“Hai giai đoạn đầu nhập thất trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng làm mọi sự việc.”

Nghĩa là hai cái giai đoạn đầu, giai đoạn phòng hộ, giai đoạn xả ly, thì hai giai đoạn đó đó, thì chúng ta nhập thất, chứ chúng ta đâu phải là người, nhập thất tức là nói cái sự tu tập của chúng ta. Mà:

“…​ nhập thất tu ở trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, làm mọi việc. Hai giai đoạn sau là nhập thất nơi hoang vắng.”

Tức là hai cái giai đoạn: giai đoạn định và giai đoạn tu tuệ đó, thì hai cái giai đoạn đó là cái giai đoạn mà chúng ta nơi hoang vắng, không làm việc.

Cho nên Thầy dạy thì các con hiểu ở trong hai cái giai đoạn sau cùng, mà hai giai đoạn đầu thì các con chưa hiểu, cho nên hầu như có người chưa hiểu rồi chấp, chấp chặt ở trong thất mà nỗ lực ngồi không mà tu, mà trong khi tâm mình tràn trề bao nhiêu ham muốn, bao nhiêu ác pháp chưa có xả ly. Thế mà cứ ngồi ở trong thất tu, thì như vậy thì làm sao mà tu cho tới đâu? Đó là những cái hiểu sai lạc làm cho sự nhập thất nó lệch lạc đi.

Rồi bây giờ thí dụ như các con cứ nghĩ có một số người bây giờ ở đây tu tập, họ cứ nghĩ rằng cái lời Thầy dạy là nhập thất là không có làm việc, cho nên do đó họ xả ly cái tâm họ chưa được, họ sanh ra những điều kiện nghĩ ngợi. Họ tưởng, bây giờ về nơi quê hương của họ, họ cất một cái thất, họ nhập thất ở đó, có người lo cơm nước họ ăn, họ nhập thất họ tu, họ không lao động không gì hết, thì chắc thời gian họ theo pháp Thầy dạy, chắc chắn là thời gian họ sẽ thành tựu.

Nhưng mà sự thật ra họ đã tu sai cái giai đoạn của họ rồi, thì họ không thành tựu được gì hết.

Cho nên các con thấy có một số chị em, có một số quý thầy, ở đây tưởng rằng họ sẽ về họ cất thất rồi họ nhập thất tu, có người hộ cơm nước cho họ, như vậy là họ sẽ thành tựu. Chắc không bao giờ thành tựu điều gì đâu. Họ chưa biết được cái giai đoạn, họ chưa biết được cái tâm của họ, họ chưa xả được cái gì đâu.

Cho nên Thầy đã hiểu biết được những cái điều này nhưng nói cho ai nghe đây, họ đâu có nghe lời Thầy!

7- ĐỘC CƯ LÀ CHUYÊN CẦN TU TẬP KHỒNG PHÚT GIÂY NÀO RẢNH RỖI

(30:52) *Hỏi*: “Kính bạch Thầy! Thầy dạy độc cư mà chúng không hiểu rõ, biến thành độc câm, con dạy gì họ cũng chẳng tin, xin Thầy giải thích cho rõ ràng!”

Đó thì, Thầy thường dạy độc cư, nhưng mà các con thì hiểu một cách rất là lệch lạc.

Cũng như ở đây có mùa hạ năm rồi thì thầy Thiện Thuận có về đây tu tập, hiểu qua cái chỗ độc cư thì thầy lại là độc câm, thầy không thèm nói nữa. Ôi thôi thầy làm cũng rối loạn dữ tợn, thầy hiểu sai một chút mà nó thành trật mất cái đường cách thức của Thầy dạy mất đi.

Bởi vì trong cái giáo lý và cái giáo pháp của Phật dạy, nó không có cái chỗ mà á khẩu, nghĩa là câm đó, không có câm, mà Phật chỉ dạy tịnh khẩu chớ không phải là dạy á khẩu. Thế mà người ta câm không nói chuyện, thì Thầy cũng không biết sao.

Tịnh khẩu nghĩa là không có nói chuyện phù phiếm, không có nói chuyện ác, không có nói chuyện vu khống, không nói chuyện hai chiều, không có nói lời hung dữ, không có nói vọng ngữ, thì như vậy là gọi là tịnh khẩu.

Còn mình làm thinh mà mình gọi tịnh khẩu, mà trong bụng mình ác pháp nó đầy ở trong đó, thì cái khẩu của mình nó chưa có lúc mà nó nói ra, chớ lúc mà nó nói ra chắc nó chửi người ta tan nát hết không còn!

Đáp: “Bốn mươi hai bài kệ của Phật dạy độc cư rõ ràng, cớ sao lại biến nó thành độc câm? Tịnh khẩu quý thầy hiểu sai biến thành á khẩu, câm.

(32:33) Tịnh khẩu nghĩa là không nói vọng ngữ, ác ngữ, lưỡng ngữ, phiếm ngữ, chớ không phải không nói. Còn á khẩu là câm không nói ra.”

Ở đây các con nên ghi những cái danh từ này:

“Tịnh khẩu nghĩa là không nói vọng ngữ, ác ngữ, lưỡng ngữ, phiếm ngữ.”

Đó, những cái danh từ ở trong kinh thì nó dạy rất rõ đó. Khi mà tịnh khẩu thì chúng ta không có nên dùng những cái vọng ngữ, rồi ác ngữ, lưỡng ngữ, phiếm ngữ. Đó, thì những cái danh từ đó thì ghi để nhớ chớ không kéo không nhớ thì không biết đâu mà nói.

Đó thì tịnh khẩu là không có dùng những cái loại ngữ đó, chớ còn nói cái điều tốt thì mình nói có sao đâu? Cho nên có nhiều người chẳng dám nói mà cứ lấy giấy mà viết, thiệt ra là không câm mà muốn câm!

Cho nên cái người câm họ muốn nói lắm chớ, mà họ nói không được, họ ư ư, họ ra dấu tùm lum ra hết, thì chúng ta tập theo cái người câm chớ không phải là tập tịnh khẩu. Đó, độc cư là nhắm, là chúng ta vào cái chỗ tịnh khẩu chớ không phải là gì khác.

“Độc cư là sống trầm lặng một mình, sống tâm quay vào trong, không phóng dật, sống không kết bè kết bạn, không nói chuyện phiếm, chỉ lo sống đúng pháp, đúng giới luật, ngày ngày chuyên cần tu tập trau dồi thân tâm bằng các pháp Phật đã dạy.”

Nghĩa là cái người sống độc cư là người lấy pháp làm cuộc sống của mình, cho nên Phật nói lấy pháp làm hòn đảo để mà tu tập nó. Vì vậy mà độc cư là vốn chúng ta sống cách sống để lấy các pháp làm cái cuộc sống của chúng ta, làm cái chỗ nương tựa vững chắc mà không hề lúc nào mà chúng ta buông cái pháp ra.

Còn cái này chúng ta cứ buông cái pháp ra khỏi, cũng như là cái người mà đã bị chết đuối ở biển mà nhờ có cái phao mới sống trên mặt biển đó, thế mà cứ thỉnh thoảng thả cái phao ra!

(34:35) Chúng ta biết cái pháp nào, như Tứ Chánh Cần phải tu tập như vậy, và cách thức phải dùng thiền định như vậy để tu tập Tứ Chánh Cần, thì luôn luôn chúng ta giờ phút nào chúng ta cũng bám vào cái pháp đó mà chúng ta sống. Thì như vậy là lấy pháp làm chỗ nương tựa, lấy pháp làm chỗ hòn đảo, phải không?

Còn cái này mình cứ mình buông ra cái phao của mình, mình buông cái hòn đảo ra, thì sóng gió nó dập dồn, nó nhận mình xuống đáy biển chết còn gì! Cho nên các thầy, các con không thấy rằng mình đang sống đây là mình đang sống ở trong cái biển đau khổ, mà nếu mình buông cái phao này ra, buông cái phao pháp của Phật ra, thì ngay đó là bị sóng nó dập mình xuống dưới đáy biển, mình đau khổ liền!

Cho nên Phật nói: hãy tự lấy mình làm hòn đảo, hãy lấy pháp của Phật mà làm hòn đảo, hãy lấy mình làm ngọn đèn soi cho mình đi, hãy lấy pháp của Phật mà soi đường cho mình đi, đừng có rời cái ngọn đèn đó ra, vì rời ngọn đèn đó ra là đêm tăm tối nó sẽ che ám mình đi!

Cho nên mình phải sống trong pháp, sống đúng pháp, luôn luôn lấy pháp mà bám. Cho nên Phật nói "tùy pháp" là theo pháp, nương pháp, bám chặt pháp, cách thức tu á. Chớ còn các con, cứ xét đi coi Thầy có đúng không, các con luôn luôn rời các pháp, không chịu bám chặt pháp, tội nhất là cứ để một ngày không biết nó rời ra khỏi cái phao đó bao nhiêu lần, tức là rời khỏi cái pháp bao nhiêu lần.

(36:03) Cho nên Phật nói: nương theo pháp tức là tùy theo pháp, bám chặt pháp, ôm chặt pháp, lấy pháp làm chỗ nương tựa vững chắc, đừng buông nó, thì chúng ta mới có sự giải thoát hoàn toàn.

Mà sống độc cư là phải sống như vậy mới có nghĩa của nó. Sống độc cư không có nghĩa là không nói chuyện, nhưng nói chuyện gì nói bây giờ? Bởi vì mình sống độc cư, mình sống luôn luôn ở trong pháp, lấy pháp làm chỗ nương tựa, thì biết cái gì bây giờ mình nói. Mà mình nói tức là mình buông pháp rồi còn gì!

“Nên âm thầm lặng lẽ, nỗ lực tu tập không có phút giây nào rảnh rỗi mới gọi là độc cư.”

Nghĩa là không có giờ nào mình rời các pháp của mình đang tu.

Thầy đã cho các con các pháp Tứ Chánh Cần, rồi cho các pháp để chúng ta tu tập ở trên Tứ Chánh Cần: đó là Chánh Niệm Tỉnh Giác, đó là Định Niệm Hơi Thở, đó là Định Vô Lậu, ba cái pháp Định này để chúng ta thực hiện cái Tứ Chánh Cần hoàn toàn sẽ được giải thoát. Mà lìa ra một phút một giây là các con, các thầy đã tự mình đã nhận chìm mình xuống dưới đáy biển rồi!

Cho nên phải hiểu biết cái lời của Phật dạy, là luôn luôn lúc nào chúng ta cũng đừng để thất niệm. Thất niệm tức là lìa khỏi pháp. Ôm chặt pháp, ôm chặt cái phao này, ôm chặt cái nơi nương tựa vững chắc này, thì chúng ta mới thoát ra khỏi cái cuộc đời đầy trầm luân đau khổ, đầy cám dỗ biết bao nhiêu sự ham thích.

(37:34) “Trước các pháp tâm không bị cám dỗ là độc cư.”

Đây các thầy và các con nghe Thầy giải thích cái chỗ độc cư, bởi vì cô Út hỏi để cho biết rõ, để không khéo các con chỉ hiểu một cách rất phiến diện, chỉ biết á khẩu làm thinh là độc cư, điều đó là điều sai.

“Trước các pháp, tâm không bị cám dỗ là độc cư.

Trước những người thân quyến thuộc, tâm không động lòng thương ghét là độc cư.

Trước những lời mạ nhục phỉ báng, tâm không giận hờn phiền não là độc cư.

Trước những cảnh thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ, tâm không dao động là độc cư.

Trước những cảnh éo le đau khổ của kẻ khác, tâm vẫn thanh thản an nhiên, bất động là độc cư.

Trước những cảnh chết chóc như chỉ mành treo chuông, tâm vẫn thản nhiên bất động là độc cư.

Trước những cảnh ác thú và giặc cướp, tâm vẫn an nhiên bất động là độc cư.

Chớ không phải độc cư là không nói chuyện!”

Đó, cuối cùng Thầy xác định cho các thầy thấy, trong cái vấn đề đó như vậy. Nhưng mà mình độc cư mình biết chuyện gì bây giờ nói? Nói khởi chuyện ra, có ý ra khỏi pháp thì ngay đó mình đã buông cái phao.

(38:43) Cái phao đã cứu mình thoát ra khỏi cuộc đời đầy đau khổ, thế mà mình vội vàng mình buông nó ra để mình nói chuyện gì? Mình có chuyện gì nữa mà nói? Chuyện sanh tử đang kề cận, ngày bây giờ mình đang sống, ngày mai chết biết làm sao mà tránh khỏi đây?

Chắc chắn là mọi người đang ngồi trước mắt Thầy, người nào cũng phải đi vào cái cảnh chết. Mà cái cảnh chết đó không biết ai đi trước mà ai đi sau? Con đường này chắc chắn ai cũng phải đi!

Thế sao chúng ta không nghĩ đến giờ phút đang sắp sửa lâm chung, đang sắp sửa chết đây? Vui sướng gì cuộc đời này mà cái chết đang đeo ở trên vai trên cổ của chúng ta đây? Ngày mà chúng ta bỏ thân này, chúng ta còn biết được thân nữa hay không? Ngày mà chúng ta bỏ thân này, biết chúng ta có được thân khác mà có gặp được Chánh Pháp như thế này nữa không?

Ngày nào Thầy ra đi, Pháp bảo còn thì đó là phước duyên của chúng sanh, mà Pháp bảo này được tiêu hủy và được đốt đi thì biết chúng sanh có còn đủ duyên gặp nữa không?

Không gặp được chánh pháp như thế này, không được nhắc lại những pháp mà Phật ngày xưa đã truyền lại! Kinh sách của Phật còn đó, nhưng Chánh Pháp của Phật đã lu mờ. Người ta tu sai lệch mà bây giờ Thầy đã làm sống lại, đó là cái duyên phước của một số người ngồi trước mắt Thầy, để nhìn thấy cái chết đang réo rắt, đang thúc hối chúng ta sắp tới con đường chết, chớ không phải ai khỏi chết đâu, mà vui, mà sướng, mà chạy theo dục lạc!

Đừng nghĩ rằng tôi còn trẻ tuổi là tôi chưa chết, biết đâu chừng cái chết sẽ đến với người trẻ tuổi chứ chưa phải là người già. Trong các con, có khi các con chết trước Thầy, mà cũng có khi các con chết sau Thầy, ai biết được cái sự tử sanh này?

8- CÓ DUYÊN TU NHỜ GIEO DUYÊN VỚI CHÁNH PHÁP

(40:37) Trong cái lời thưa hỏi của thầy Chân Thành thì có cái chỗ này Thầy xin trả lời chung để chúng ta thấy ở đây có người trẻ và cũng có người già.

*Hỏi: “*Bạch Thầy, con xin Thầy chỉ dạy! Người trẻ tuổi và người nhiều tuổi tu có gì khác và giống nhau?

Người trẻ tuổi ít huân tập ở đời nên dễ tu, người nhiều tuổi do huân tập các pháp thế gian nên khó tu chứng. Nay do luật nhân quả mà người tuổi trẻ và người nhiều tuổi nhiễm tập nhiều đời, tốt hay xấu mà dẫn đến tu lâu hay mau là do đặc tướng này?”

Đó là cái câu hỏi để Thầy trả lời giữa cái người tuổi trẻ và cái người tuổi già, tuổi lớn tuổi.

Ở đây chúng ta thấy trong một đời chớ chúng ta chưa thấy vô lượng đời của chúng ta, vô lượng kiếp của chúng ta. Trải qua nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta làm con người, chúng ta huân tập những cái pháp thế gian quá nhiều và huân tập cái pháp tu quá ít.

Trong đời nay, chúng ta có đủ nhân duyên vì đời trước chúng ta có gieo duyên với Chánh Pháp cho nên chúng ta gặp. Nhưng đời trước chúng ta chưa tu, cho nên đời nay gặp Phật pháp thì chúng ta tu có một thời gian nào đó mà thôi.

Người lớn tuổi mà gặp Phật pháp muộn, người tuổi trẻ mà gặp Phật pháp nhanh, nhưng rồi lại tu cũng chẳng được, thì do đó là cái nhân quả của đời trước đã chưa tu tập nhiều, đã huân Phật pháp chưa nhiều và gieo duyên được cái thời gian nào đó. Thì cái người tuổi trẻ cũng như người tuổi già, họ gieo duyên với chánh pháp trong cái thời gian nào đó rồi họ phải rời khỏi, nghĩa là họ phải bỏ cuộc.

Cho nên có nhiều vị tu sĩ họ tu hành một thời gian rồi họ ra đời, họ có vợ có con họ sống, thì đó là cái duyên của họ gieo Phật pháp có bấy nhiêu đó thôi, rồi họ đắm nhiễm trở lại.

(42:49) Còn có người thì tuổi già, họ tu tập cho đến khi chết mà họ không ra đời, thì họ gieo cái duyên họ ở kiếp sau để tiếp tục tu nữa. Còn người tuổi trẻ, còn trẻ gặp sớm được Phật pháp, được cái duyên tu tập, nhưng họ tu một thời gian rồi họ ra đời họ sống như người đời, thì cái người này đã tạo cái duyên đời trước tu tập, có cái duyên tu tập với Phật pháp cho nên sớm gặp Phật pháp.

Nhưng rồi họ không chịu khắc phục mình để tiến tới tu hành, họ buông trôi Phật pháp để rồi đời lôi cuốn họ, họ tạo những cái nhân, cái nhân đời. Vì thế họ sẽ mất đi cái duyên Phật pháp của kiếp sau, nghĩa là kiếp tới họ chẳng còn nữa, họ không gặp Phật pháp nữa.

Là vì cái kiếp đã qua rồi họ có vô duyên với Phật pháp, cho nên sớm tuổi trẻ của họ đã gặp được Phật pháp, họ tu một thời gian rồi tâm họ nhiều cái duyên họ thối động. Họ không có nhiễm thế gian nhiều cho nên tâm họ, họ thấy rằng cần phải hiểu biết chuyện thế gian, cần phải có sự vui chơi thế gian rồi mới biết khổ, biết này kia mới xả bỏ đi, thì tu mới được.

(44:06) Còn trái lại, thì họ nghĩ như vậy nhưng khi mà họ tu hành, họ đã ra đời thì cuộc đời không để cho họ trở lại với đường đạo một cách dễ dàng, chớ con đường đạo để cho họ trở lại đời rất dễ dàng.

Khi họ không muốn tu, họ ra đời rất dễ, nhưng đời không bao giờ cho họ vào đạo dễ dàng. Ai là những người đã có cuộc đời sống, những người lớn tuổi nhiều tuổi đã có cuộc đời mà muốn đi tu không phải đơn giản như một người tuổi trẻ.

Người tuổi trẻ khi đi tu thì được đồng ý của cha mẹ quá dễ dàng, còn người tuổi già mà dứt áo, dứt của cải tài sản, dứt vợ con mà đi tu, chuyện không đơn giản. Nhưng mọi người đều có nhân duyên, có người thì dứt áo đi tu, bỏ được, nhưng có người muốn tu mà dứt không được.

Thì người tuổi trẻ mà có duyên Phật pháp, sớm tu mà tiến tới được giải thoát thì đó là tốt, mà không tiến tới giải thoát mà trở ra đời thì người tuổi trẻ này sẽ mất duyên Phật pháp.

Vì cái duyên tu của mình từ đó tạo được những bao nhiêu phước đó, thì lúc bấy giờ ra đời họ sẽ hưởng cái phước đó. Và khi hưởng được cái phước đó thì cái phước tu của họ sẽ hết rồi, họ không còn bước trở lại cái con đường tu tập nữa, và cái kiếp tới họ cũng không còn cái duyên tu tập nữa.

Bởi vì khi bước ra đời thì cái nhân quả của cuộc đời cám dỗ họ, làm cho họ đắm đuối, họ phải trả những cái nhân quả thiện và ác ở trong cái cuộc sống đời, từng đó họ trôi lăn ở trong sáu nẻo luân hồi.

Còn người tuổi già mà nỗ lực tu, đời này chưa xong, kiếp này chưa xong, kiếp khác chưa xong, thì kiếp khác nữa và tiếp tục mãi mãi, thì có thể đến ngày giải thoát, do sự bền chí từ kiếp này đến kiếp khác đó, thì từ vô lượng kiếp chớ không phải trong một kiếp.

Chẳng hạn như Thầy, Thầy tu hành không phải trong một đời nay mà cả nhiều đời, nhiều đời chớ không phải trong một đời nay. Mà mỗi đời đều là từ tuổi trẻ đi lên mà tu tập chớ không bị nhiễm ô thế tục.

(46:26) Cho nên trong cái thời đại này mà Thầy đã tự mình đã vượt ra tu tập để làm chủ được sự sống chết, tu đúng giáo pháp của Phật Giới Định Tuệ, không phải là một việc làm của một người mới tu trong một đời nay được, mà phải nhiều đời huân tập, do huân tập liên tục không kẽ hở. Nghĩa là không có hưởng cái dục lạc của thế gian, đời nào cũng như đời nấy.

Cho nên khi sanh Thầy ra thì những người thân của Thầy đều là những nhà nho và những người biết coi tướng số, cho nên họ nhìn Thầy họ nói Thầy đã ba đời làm Hòa thượng.

Đúng vậy, trong đời nay, tâm nhiễm ô của Thầy không có, cho nên đối với sự cám dỗ của pháp thế gian không làm Thầy bị ô nhiễm. Từ đó Thầy hướng đến cái con đường tự trong thân tâm của mình, lấy giới luật mà làm đạo. Đi vào nơi nào, chùa nào mà thấy thiếu giới luật là tâm Thầy lại thấy ray rứt khó chịu, từ đó phải rời bỏ những nơi đó mà đi…​

(Xem tiếp ở Pháp hành 08)

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy