00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 54-ĐƯỢC GẦN BÊN THẦY VÀ NỖ LỰC TU XONG GIÚP NGƯỜI

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 54

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng: 05/07/2008

Người nghe: Tu sinh

Thời lượng: [37:13]

Tên cũ: Cần Thông Suốt - Bảy Tháng Chứng Đạo

Số lượng: 65 pháp âm

1- TỨ CHÁNH CẦN- TĂNG TRƯỞNG THIỆN

(00:00) Tu sinh: Chúng con kính chào Thầy!

Trưởng lão: Mấy con ngồi xuống mấy con.

Ở đây là cái ghi lại những công phu tu tập của mấy con. Thầy sẽ về, Thầy xét qua những cái lời mấy con ghi ở trong này, để xét qua cái cách thức tu tập của mấy con ở cái mức độ nào? Cái pháp nào? Rồi Thầy sẽ viết bức thơ Thầy trả lời.

Người nào được thì Thầy sẽ đến thăm mấy con, rồi Thầy sẽ kiểm tra lại, rồi Thầy sẽ rút mấy con vào sống để tu Tứ Niệm Xứ, để được gần bên Thầy, bắt đầu mình tu tập Định mấy con. Còn người nào chưa được thì phải cố gắng, cố gắng xả tâm thêm! Bởi vì nó rất là quan trọng trong vấn đề xả tâm!

Bởi vì tu Tứ Chánh Cần cái mục đích của nó là nó “ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện”. Nhưng cái niệm thiện nào mà tăng trưởng? Như Thầy đã nói đó là cái niệm thiện “Tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự”. Đó là cái niệm thiện cần phải tăng nó ra, cần phải tăng trưởng nó lên. Tăng trưởng tức là kéo dài cái thời gian đó, đó là tăng trưởng cái niệm thiện mà tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.

Chứ còn tất cả những cái niệm thiện khác nó nằm ở trong cái nhân quả có thiện có ác, có thiện có ác ở trong đó hết. Cho nên tất cả những cái niệm đó dù là thiện, chúng ta cũng phải ngăn diệt! Chỉ có cái niệm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự là cái niệm đó phải bảo vệ giữ gìn, đừng để mất!

Mà nó không mất thì trong ý các con nó không bao giờ có một niệm nào xen được vào trong đó hết, thì đó là mấy con thành tựu được cái giai đoạn của Tứ Chánh Cần!

Mà thành tựu được cái giai đoạn Tứ Chánh Cần rồi thì mấy con bắt đầu qua giai đoạn Tứ Niệm Xứ. Giai đoạn Tứ Niệm Xứ là trong đầu của mấy con không có niệm, không có hôn trầm, thuỳ miên. Ngồi lại một tiếng, hai tiếng đồng hồ thân an tịnh, nó không có đau nhức, không có mỏi mệt, không có tê thì chúng ta mới vào Tứ Niệm Xứ. Còn đau nhức, tê tức là thân chúng ta chưa an! Đó thì mấy con phải lượng ý cho nó rõ ràng.

(02:01) Mà nhớ rõ đức Phật đã dạy chúng ta một cái Pháp rất là tuyệt vời: “Có như lý tác ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh,và đã sanh thì bị diệt.” Lậu hoặc nó có hai phần:

Một phần là cái tâm, tâm lo nghĩ điều này thế kia, đó là lậu hoặc. Tâm giận hờn, thương ghét là lậu hoặc.

Còn thân thì đau nhức chỗ này đau nhức chỗ kia, tê chỗ nọ là lậu hoặc của thân. Lậu hoặc là cái đau khổ, cái danh từ ở trong kinh nói lậu hoặc. Chứ sự thật ra những cái gì mà làm cho chúng ta đau khổ ở trên thân, tâm của chúng ta đó là lậu hoặc. Cho nên vô lậu là không còn đau khổ, chứ có gì đâu!

Mà chứng quả A La Hán là chứng quả không còn đau khổ. Chữ A La Hán thì nghe coi như là một bậc gì vĩ đại lắm. Nhưng mà sự thật ra cái trạng thái mà thân tâm chúng ta không có đau khổ, không có phiền não gì trong đó, đó là quả A La Hán. Quá là dễ dàng, đâu có khó khăn gì đâu!

Cho nên nghe nói quả A La Hán, cái bậc A La Hán ai cũng nghe nói ghê gớm lắm. Thần thông phép tắc, độn thổ, tàng hình, bay trên trời, chui xuống đất. Tất cả mọi cái gì cũng làm được hết là quả A La Hán. Quả A La Hán đó thì quả A La Hán của ngoại đạo.

Còn của đạo Phật thì A La Hán không có như vậy, mà chỉ có “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” , hoàn toàn vô lậu, không còn đau khổ!

Bởi vì mục đích của đạo Phật ra đời là nhắm vào bốn sự đau khổ của con người- sanh, già, bệnh, chết. Làm chủ được bốn cái sự đau khổ này thôi, chúng ta không luyện thần thông, phép tắc gì cả. Có chúng ta cũng không xài, chúng ta đâu phải là con người đi làm trò ảo thuật để gạt thiên hạ sao?! Cho nên bây giờ có Tứ Thần Túc, có Tam Minh, chúng ta cũng không thị hiện ba cái điều trò trống ảo thuật này với ai hết. Chúng ta chỉ biết làm sao mà làm chủ được sự sống chết của chúng ta, đó là cái mục đích nhất cho đời tu hành!

Nhưng Thầy nghĩ rằng mấy con nỗ lực, mấy con sẽ sắp tới nơi, không còn xa. Bị vì cái lậu hoặc mấy con đã thấy mà, cái gì mà làm cho tâm buồn phiền, đau khổ đó là lậu hoặc. Còn ham muốn cái này, còn ham muốn cái kia, ngồi đây mà thèm ăn cái gì, bữa nay sao không có đậu phộng, ăn cơm không ngon, đó là lậu hoặc chứ gì? Các con thấy từ cái nhỏ mọn thôi, từng cái nhỏ mọn mà vẫn là lậu hoặc.

Cho nên từ cái ăn, cái ngủ, ngồi đây giờ này đâu phải là giờ buồn ngủ mà gục lên, gục xuống, như vậy là lậu hoặc chứ sao. Tất cả những cái này đều là lậu hoặc! Cho nên những cái đó đều là nó không qua mắt được chúng ta.

(04:28) Vậy thì đức Phật dạy chúng ta: “Có như lý tác ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, và đã sanh thì bị diệt”, như vậy thì tác ý ngay liền chớ. Nếu mà hôn trầm, thuỳ miên cũng là lậu hoặc, cho nên tác ý ngay liền: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”, rồi hít vô, thở ra, rồi tác ý nữa. Thì một lúc thì cái hôn trầm, thùy miên sẽ đi mất chứ, đâu còn! Bởi vì đức Phật đã nói: “Đã sanh, thì nó bị diệt”. Tại sao chúng ta không tin pháp Phật? Mà hằng ngày chúng ta ngồi tu, tu bây nhiêu đó thôi thì lậu hoặc chỗ nào mà xen vô được? Mà nó không xen được, thì chúng ta giải thoát chứ sao?!

Tu hành đâu có khó đâu! Ngày ngày, chúng ta ngồi trong thất tu, không nói chuyện với một người nào hết, không chơi với ai hết. Bởi vì chơi thì phải bị phóng dật, mà phóng dật thì mắt mình, tai mình theo âm thanh, sắc tướng, mà tâm niệm ở trong đầu xảy ra thế này, thế khác thì như vậy làm sao cho chúng ta bất động?!

Cho nên chữ bất động trong câu: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, bất động là sáu căn tiếp xúc sáu trần mà không sanh sáu thức, thì đó là bất động.

Còn có sáu thức theo âm thanh mà khởi cái này, khởi cái kia thì đó là bị động. Còn tâm thanh thản thì nó đâu nghĩ, còn thân an lạc thì đâu đau. Mấy con thấy rõ ràng mà, câu đó xác định được cái chỗ vô lậu của của chúng. Cái danh từ đó nó xác định được cái tâm bất động, vô lậu của chúng ta rõ ràng!

Vậy thì từng cái niệm nào mà sai ở trong những cái danh từ này, nó không đúng là chúng ta tác ý liền, xả liền. Cái pháp Tác Ý rất tuyệt vời mấy con! Thân có đau tác ý sẽ không đau, thà chết bỏ, không sợ! Có phương pháp Tác Ý bệnh sẽ hết, không có sợ gì hết. Mấy con cứ lầm lì mà tác ý, chừng nào hết đau thì thôi. Mà còn đau là còn tác ý, cho bệnh đẩy lui. Mà Thầy dạy mấy con nhiếp tâm và an trú, cái người an trú được thì làm sao còn đau? Tại vì mình an trú chưa được nên đau. Hoặc là cái sức đau nó hơn cái sức an trú, nó làm cho an trú của chúng ta mất, cho nên chúng ta còn đau.

Cho nên hôm nay Thầy về đây …​ Hồi nãy Thầy đến thăm sư Giác Thường, thì Thầy bảo bây giờ con hãy kiểm nghiệm lại tất cả những hằng ngày xem coi trên Tứ Niệm Xứ con tu tập, tâm niệm con còn có một niệm gì không? Rồi sáu căn con còn phóng dật nữa không? Còn có cái dạng hôn trầm, thuỳ miên nữa không? Còn có thích ăn uống phi thời không? Ngồi đây: “Bữa nay mà cho rau này, phải bữa nay đừng có luộc, mà cho mình mớ rau tươi thì tuyệt vời!”, thì như vậy sanh dục mất rồi. Người ta cho mình ăn cái gì, ăn cái nấy, ăn sống thôi.

2- TỨ NIỆM XỨ- TỰ KHẮC PHỤC THAM ƯU

(07:03) Thì sau khi mấy con xả được trên Tứ Chánh Cần, thì vào Tứ Niệm Xứ. Thì tự cái tâm của chúng ta “trên thân quán thân”, nó sẽ “tự nhiếp phục tham ưu”. Chứ không phải là ngồi tu Tứ Niệm Xứ mà còn quán thân vô lậu, quán thân bất tịnh, quán này kia, đó là Tứ Chánh Cần, chứ không phải là Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là tự nó nhiếp phục tham ưu. Cho nên: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” là tu Tứ Niệm Xứ. Hít vô, thở ra, tôi thấy cảm giác toàn thân.

Có một người, người ta ngồi, người ta lúc đầu còn thấy hơi thở ra vô và người ta cảm nhận toàn thân. Cũng huynh đệ của mấy con, đó là thầy Kim Quang. Cho đến khi hơi thở không còn nữa mấy con, không thấy hơi thở nữa, vẫn thấy tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, từ giờ này đến giờ kia, người mà đang theo ở sát bên Thầy. Thầy mong rằng mấy con sẽ được Thầy nhận vào cái khu của Thầy, sẽ tu hơn Kim Quang. Kim Quang đang ở trên Tứ Niệm Xứ, tăng dần cái thời gian dài ra sáu tiếng đồng hồ. Bây giờ không cần có hơi thở nữa, nó vẫn quán trên thân nó, rất tỉnh táo! Nó cảm nhận được thân nó không niệm, nó khắc phục từng cái vi tế của tham ưu ở trong tâm của nó.

Mấy con làm được chưa? Những người nào được thì xách gói theo Thầy, ôm bình bát theo về, Thầy sẽ có một số nhà chờ đợi cho mấy con, được là theo sát bên Thầy, Thầy sẽ dạy mấy con tu Tứ Niệm Xứ, để luyện Tứ Thần Túc, bốn cái lực như thần để làm chủ sự sống chết mấy con.

(08:32) Thầy nghĩ rằng mấy con người nào cũng tha thiết sự giải thoát, không có ai mà muốn ngồi đây tu ngày tháng chần chờ như thế này. Cho nên mấy con trình bày những cái bức tâm thư gửi cho Thầy, trình bày sự tu tập của mấy con. Từ ba mươi phút, mười năm phút, hai mươi phút, năm phút nhiếp tâm, an trú tâm từng chút, từng chút. Thầy thấy đây là công lao bằng mồ hôi, nước mắt của mấy con tu tập, chứ không phải ít.

Ráng nổ lực hằng ngày tu tập. Bỏ hết, các con! Bỏ hết, cuộc đời bỏ hết! Chỉ còn có ba y một bát! Đến đây dù người cư sĩ mấy con cũng bỏ sạch, chỉ còn có cái hướng duy nhất là làm chủ sự sống chết của chúng ta, chấm dứt luân hồi! Đó là cái mục đích phải đạt được, không thể nào mà thiếu được, cho nên mấy con phải nỗ lực!

Dù là những người cư sĩ trẻ, cho đến những người cư sĩ già bảy tám mươi tuổi, sáu mươi mấy, bảy mươi tuổi mấy con phải nỗ lực, nhiếp chặt, quán chặt! Mấy con phải cố gắng mà tác ý xả hết, bỏ hết cho Thầy! “Có như lý tác ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt”, nhớ câu này cho Thầy! Tác ý là cái phương pháp tuyệt vời, nó sẽ giúp cho mấy con diệt những lậu hoặc để trở thành tâm vô lậu.

Như hồi nãy Thầy đã nói chứng quả A La Hán là chứng quả Vô Lậu, chớ có gì đâu? Tu để vô lậu, chứ có gì đâu? Chứ đâu mình phải luyện thần thông phép tắc gì đâu? Phải nỗ lực nhớ câu tác ý tùy theo mỗi tâm trạng, mỗi niệm của mấy con mà trạch cái câu ra, cho đúng cái niệm đó mà tác ý đuổi đi. Rồi cuối cùng, nhắc lại cái câu tác ý cuối cùng của nó:

“Tâm bất động, thanh thản! Tâm phải trở về trạng thái bất động thanh thản! Không được nghĩ cái này, nghĩ cái kia! Dừng lại hết! Chỉ có tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự mà thôi.”

Mấy con cứ nhớ tác ý, quán xét và tác ý câu nào để xả thân bệnh, tâm bệnh mình, cuối cùng thì vẫn nhắc cái câu bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Để nhớ nhắc cái tâm chúng ta luôn luôn trở về với cái trạng thái đó, thì Thầy tin rằng không lâu đâu mấy con sẽ là những người chứng đạo. Nỗ lực mấy con! Thầy tin rằng mấy con sẽ đạt được. Nhớ chưa? Mấy con nhớ chưa?

(10:40) Người nào đã được thì ôm gói theo Thầy, thầy Kim Quang đang tu tập theo pháp mấy con, cũng nhiều khó khăn lắm mấy con, chứ không phải dễ! Nhưng đã vượt qua được những cái khó khăn, Thầy đã trợ giúp cho vượt qua những khó khăn. Nó không phải dễ mấy con, nó lọt vô trong ngoan không. Ngồi đây nó không niệm mấy con, nó thanh thản mất hơi thở luôn, tự nó rớt trong không, mình ngỡ tưởng rằng mình đang ở trong cái trạng thái bất động tuyệt vời, nhưng nó không phải. Ghê gớm lắm! Nó không ở cái trạng thái đứng yên ổn của Tứ Niệm Xứ mà nó rớt trong ngoan không, nhưng ở gần bên Thầy không sợ mấy con. Còn ở xa Thầy, ai chỉ bảo cho mấy con biết cái đó là cái ngoan không? Mấy con thấy mấy con tỉnh, chứ mấy con có gì đâu mà không? Nhưng mà bây giờ nó không ngơ. Nó không nghe bên ngoài, nó không thấy bên ngoài mà nó lặng lẽ bên trong, nó không có một cái gì trong này hết, mà nó biết, đó là ngoan không.

Còn bắt đầu bây giờ chúng ta ngồi đây mà âm thanh chim hót, gà gáy, chó sủa, người đi qua, tiếng động nghe hết, nhưng không phóng dật. Nó là một cái bình thường, nhưng nó nằm, nó khắc phục những tham ưu ở trên thân, thọ, tâm, pháp của nó. Nó làm cho thân, thọ, tâm, pháp nó hoàn toàn không động, đó là pháp Tứ Niệm Xứ mấy con.

Cho nên Tứ Niệm Xứ mà ngồi trên thân quán thân, rồi quán thân thế này, quán thân thế khác như trong cái bài kinh Tứ Niệm Xứ thì thật sự ra thì họ chẳng hiểu nào cả hết. Tứ Niệm Xứ không phải như tu Tứ Chánh Cần- còn quán xét như (…​)

(12:13) Cho nên học theo Phật Pháp có kinh nghiệm rồi, thì người tu Tứ Niệm Xứ sai biết liền: “Mấy ông đừng có dối gạt, Tứ Niệm Xứ mà tu theo Tứ Chánh Cần.” Vậy Tứ Chánh Cần tu cái pháp gì đây? Tứ Niệm Xứ thì làm gì mà còn đó ngồi mà tư duy suy nghĩ, mà ở trong cái tâm động như vậy được? Còn Tứ Chánh Cần thì chúng ta tuy duy, suy nghĩ để ngăn và diệt ác pháp, để cho cái trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự nó mới hiện tiền, nó mới sanh ra, nó mới tăng trưởng.

Còn Tứ Niệm Xứ đức Phật có dạy chúng ta tăng trưởng cái thiện bao giờ? Mà đang ở trong cái thiện đó chứ, cái chân lý đó chứ, cho nên đâu cần phải tăng trưởng. Còn Tứ Chánh Cần nó có lúc hiện, lúc mất cho nên phải sanh nó ra, rồi bảo vệ nó, để cho nó kéo dài ra gọi là tăng trưởng. Cho nên Tứ Chánh Cần nó có cái nghĩa đó rất rõ ràng mà, “ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện”. Còn Tứ Niệm Xứ đức Phật nói: “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu”. Chúng ta ở trên cái trạng thái của Tứ Niệm Xứ để nó nhiếp phục tham ưu, chứ đâu phải ở trên Tứ Niệm Xứ mà quán mà xét, nào là quán thân bất tịnh, nào là quán tâm vô thường. Có bao giờ dạy lạ lùng như nào vậy, Tứ Niệm Xứ gì?

Mấy con thấy người tu sai là biết liền. Cho nên ai cũng nói tôi tu Tứ Niệm Xứ, mấy người tu Tứ Niệm Xứ sao mấy người nói tôi nghe coi? Đâu biết! Hôm nay chúng ta ai nói sai, chúng ta biết liền. Người đó tu Tứ Niệm Xứ được chưa? Biết liền, không dấu chúng ta được.

Bây giờ mấy con đi qua các cái trường thiền của Miến Điện, của Thái Lan mà dạy tu Tứ Niệm Xứ, ở bên đó thì nó dạy Nam Tông, nó dạy các pháp. Nhưng nó tu sai mấy con. Nó không biết Tứ Niệm Xứ phải tu làm sao?

Đó, cho nên ở đây Thầy nói để thấy rằng Thầy hướng dẫn mấy con là qua kinh nghiệm bản thân của Thầy, là một người đã chịu đựng biết bao nhiêu sự gian khổ để rồi mới thấy được cái Chánh Pháp thật của Đức Phật, để biết được Tứ Chánh Cần tu như thế nào? Tứ Niệm Xứ tu như thế nào? Tứ Thần Túc phải luyện như thế nào?

Đó, mấy con may mắn, mấy con biết được, Thầy hướng dẫn từng pháp, tu cái này xong rồi mới bắt đầu tu cái khác. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo không phải ba mươi bảy pháp môn tu tập sao? Chưa tu pháp này là nhào tới tu pháp khác, chưa tu Tứ Niệm Xứ mà lo tu Tứ Thánh Định thì tu sao cho được? Tu Tứ Chánh Cần chưa xong mà lo tu Tứ Niệm Xứ là tu cái gì?

(14:20) Giới luật chưa thông suốt, đức hạnh chưa rõ ràng, sống còn phạm giới, phá giới. Bao nhiêu người cư sĩ có chồng, có vợ, có con mà vô tu Tứ Niệm Xứ, tu cái gì đây? Tu vậy đúng sai không thấy đâu! Bởi vậy cho nên Phật pháp mà hiểu biết một cách lệch lạc thì hướng dẫn ai mà tu được giải thoát?!

Cho nên ở đây mấy con ráng cố gắng mấy con! Kiểm nghiệm lại trên Tứ Chánh Cần, hiện giờ thì các con đang tu Tứ Chánh Cần. Nhưng sự nhiếp tâm và an trú trên hơi thở là mục đích để hỗ trợ sức tỉnh thức ở trên Tứ Chánh Cần mà ngăn mà diệt, xả tâm, chứ không có gì khác. Chứ không phải là nhiếp tâm, an trú để đi vào Tứ Niệm Xứ được, nhưng mà nó trợ giúp để mấy con xả tâm- ngăn ác, diệt ác.

Bởi vì bây giờ mấy con tu ba mươi phút nhiếp tâm theo pháp Như Lý Tác Ý. Nhiếp tâm được rồi, thì an trú tâm được rồi, là cái sức tỉnh mấy con có được ba mươi phút. Ba mươi phút rồi mấy con mới ngồi, mới kiểm nghiệm lại, coi từng tâm niệm trong đầu của mình có khởi ra niệm gì, niệm gì, coi cái tâm mình nó còn khởi ra phá giới, phạm giới gì? Mình còn sợ cái tâm phạm giới. Giờ này không phải giờ ăn mà nó muốn ăn thì đó là nó phạm giới phi thời. Giờ này không phải giờ ngủ mà nó muốn đi ngủ, nó gục tới, gục lui, đó là phi thời. Nó phạm giới phi thời mấy con. Nó ngồi ở đây một mình buồn quá, nó nói thôi đi ra kia gặp sư nào hay là thầy nào nói chuyện một chút cho vui thì đó là phạm giới mấy con, phá hạnh độc cư.

3- ĐƯỢC GẦN BÊN THẦY

(15:44) Cho nên ở đây mấy con cố gắng, cố gắng! Thầy đang trông đợi mấy con. Các thất bên nam Thầy đã cất xong, còn mười hai cái thất bên nữ nữa, Thầy đang cất. Để rồi Thầy sẽ đưa mấy cô mà tu tốt vào mười hai cái thất, tức là mười hai người. Còn bên nam mười sáu cái thất để dành sẵn cho mấy con. Bây giờ có một người, còn mười năm cái thất.

Người nãy giờ Thầy đang nói đó là thầy Kim Quang, đã theo Thầy và đã xả bỏ rất nhiều. Cho nên Thầy kiểm nghiệm được thấy tâm bất động, tu Tứ Niệm Xứ được, cho nên Thầy cho theo Thầy liền. Không để ở trong cái lớp học giới luật, đức hạnh mà đang học rất động mấy con. Bởi vì mình đang học mà, mình còn học để mình triển khai cái tri kiến hiểu biết của mình để mình xả. Cho nên những cái lớp học rất lợi ích là vì cái tâm mình nó chưa có thanh tịnh, nó chưa hoàn toàn để nhiếp phục được, cho nên mình ráng học. Nhưng mà mình thấy được cái tâm của mình xả được, giới luật nghiêm chỉnh được thì mau mau theo Thầy, mà xách gói theo Thầy. Mấy con chỉ còn cái túi bát với ba y mà thôi, đâu có gì đâu. Chỉ bỏ cái túi bát trên vai là ta đi thôi, tới đâu thì nghỉ ngơi cũng được.

Mấy con cứ nhìn cái thất của Thầy- một tảng đá. Trước kia thì Thầy, suốt đời Thầy ở trên tảng đá đó mà ngồi chơi, cái thất đó. Và Thầy ra đi rồi, thì chẳng có cái thất nào là của Thầy. Chỗ nào Thầy ở cũng được, bây giờ nó không nhà, không cửa rồi. Như đức Phật ngày xưa, chỗ khu rừng nào cũng là nhà cửa mình hết. Thì bây giờ bỏ, cái thất của Thầy bây giờ bỏ, bây giờ đến chỗ nào Thầy ở chỗ nấy. Nếu có nhà thì ở nhà, mà nếu không nhà thì ở cội cây, có gì đâu, cũng sống được như thường. Cho nên Thầy là người vô gia cư, vô nhà cửa rồi.

Thì mấy con theo Thầy cũng vậy, mới đầu thì còn cái thất ở, nếu vào khu rừng nào đó thì chúng ta sẽ ở dưới bóng cây, tàng cây, có gì đâu mà sợ! Cuộc đời người tu sĩ đâu còn có gì mà lo mấy con, không lo. Chỉ có một sự giải thoát mà thôi. Cái mục đích chúng ta đạt được đó là sự giải thoát, nỗ lực tu hành thì sẽ được sống gần bên Thầy. Thầy tin rằng mấy con người nào cũng ao ước sống được bên Thầy, không có người nào mà không ao ước.

(17:58) Nhưng muốn được bên Thầy thì phải ráng bỏ hết, xả hết! Pháp Như Lý Tác Ý hằng ngày, hằng giây, hằng phút đều tác ý giữ gìn Bất Động Tâm, thì mấy con sẽ được ở gần Thầy. Đừng có lơ lỏng với pháp Như Lý Tác Ý. Để cho tâm mình nghĩ cái này, nghĩ cái kia, nghĩ cái nọ mà không tác ý là mấy con dở lắm. Phật đã ban cho chúng ta cái pháp Như Lý Tác Ý rất là tuyệt vời! Và trong bài kinh Lậu Hoặc, trong kinh Trung Bộ đức Phật, tuyệt vời: “Có như lý tác ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, và đã sanh bị diệt”, cái câu nói quá hay. Nhưng chúng ta có đủ niềm tin để tác ý chưa? Có sống với pháp Tác Ý chưa? Hay là chúng ta tác ý rồi một hơi, rồi thôi, rồi bỏ? Rồi tâm để cho nó phóng dật, nó chạy theo lung tung (…​)

Nhớ kỷ chưa mấy con? Tất cả các cư sĩ các con có mặt hôm nay phải nỗ lực tu! Đừng nghĩ rằng chúng tôi là cư sĩ, mà hãy nghĩ chúng tôi là tu sĩ. Vào đây thì giới luật mấy con phải ăn ngày một bữa, không được ăn phi thời. Mà hễ người nào mà ăn phi thời thì ngay đó phải tác ý liền: “Là một tu sĩ Phật giáo không có ăn uống phi thời, mày không được ăn ba bữa, mà chỉ ăn một bữa để mà sống, không được ăn nhiều, không được tham ăn!”. Thân này ốm, mà tinh thần lớn; thân này mập mà tinh thần nhỏ, để làm gì đây?

Phải xác định cho rõ ràng, cuộc đời tu hành của chúng ta là chấm dứt tái sanh luân hồi, không còn sanh làm người nữa. Làm người khổ lắm mấy con! Được thân người là khó, được Chánh pháp còn khó hơn.” Nhưng sanh làm người để mà khổ, nhất định là không sanh, chỉ một kiếp này mà thôi. Chết thì nhất định là không chết trên bệnh! Mà chết trong tự tại, muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống. Không có ai có quyền cản chúng ta được điều này. Chứ mấy con tu theo Thầy mà để chết trên bệnh, thì thật là không xứng đáng, không xứng đáng là đệ tử của Thầy. Nhớ kỹ điều này!

(19:47) Bây giờ mấy con còn hỏi điều gì nữa không? Người nào muốn hỏi gì Thầy sẽ trả lời. Và đồng thời thì cứ về thất lo tu tập để rồi người nào được thì quẩy gói theo Thầy, không ai cản mấy con được hết. Thầy mở cửa, mấy con cứ theo Thầy. Nhưng mấy con phải đạt được, chất lượng hoàn toàn. Khi đến thì Thầy cho vào cái thất, kiểm nghiệm lại đàng hoàng, ngồi xếp bằng ngay ngắn, xả tâm. Coi từng tâm niệm, suốt trong ba mươi phút không niệm, được rồi, vô thất trở lại. Còn nếu niệm Thầy đuổi về, lo tu tập lại, có như vậy thôi!

Nghĩa là mấy con bây giờ muốn theo Thầy thì ngay bây giờ theo Thầy cũng được liền. Nhưng Thầy kiểm điểm lại hết, coi tâm còn niệm hay là không niệm; tâm còn phạm giới hay là không phạm giới. Xong rồi, Thầy thấy hoàn toàn thanh tịnh, Thầy cho vào thất liền tức khắc, ờ bây giờ con về cái thất chỗ đó ở, từ đây về sau chết trong thất đó, mà sống thì phải chứng đạo, coi như cội bồ đề của mấy con đó. Cái thất của mấy con là cái cội bồ đề mà đức Phật đã chọn lấy. Có như vậy thôi. Theo Thầy mà tới Tứ Niệm Xứ rồi, thì coi như là đức Phật đã chọn lấy được cội bồ đề. Cho nên nguyện nát xương mà không chứng đạo thì thà chết dưới cội bồ đề, chứ không rời khỏi cội bồ đề.

Các con cũng vậy, khi mà theo Thầy tới cái giai đoạn này rồi thì cái thất đó là cái cội bồ đề của mấy con đó. Một là chết, hai là chứng đạo ở đó, chứ không có còn đi đâu nữa hết! Vì trên đời nay không còn chỗ nào mấy con sẽ tu làm chủ được bốn sự đau khổ này hết!

(21:14) Thầy nói thật sự, Phật giáo bảy mươi tư nước tập họp về đất nước Việt Nam chúng ta trong kỳ Đại Hội Liên Hiệp Quốc Phật Giáo Việt Nam. Bảy mươi bốn phái đoàn của Phật giáo các nước trên thế giới các con, chưa có vị Hòa thượng nào dạy chúng ta làm chủ sanh, già, bệnh, chết! Chỉ có cầu cúng là nhiều nhất. Phái đoàn Phật giáo nào cũng cầu cho thế giới hoà bình, tụng niệm cho thế giới hoà bình.

Ở đây không có tụng niệm hoà bình gì hết, mà chỉ có làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì sẽ hoà bình. Thầy nhắc lại cho mấy con biết, đạo Phật có một nền đạo đức để đem lại sự hoà bình cho thế giới, đó là đạo đức nhân bản - nhân quả. Mà các vị Hoà thượng trên thế giới này, nhiều nước mà chưa triển khai được cái nền đạo đức nhân bản - nhân quả, thì đủ biết cái sự tu học của họ ra sao. Dù đó là Mật Tông, những vị Lạt Ma cũng đã đến tham dự ở trong cái Đại Hội Phật Giáo thế giới, mà Thầy là người được dự ở đó, thì mấy con thấy Thầy đã xét thấy, Thầy đặt ra câu hỏi: “Pháp nào của đức Phật thực tế và cụ thể nhất để ngăn chặn sự xung đột và chiến tranh?”. Thì vị chủ tọa của cuộc Hội thảo đó, là một người Ấn Độ trả lời: “Chúng tôi không thể trả lời được câu hỏi này”. Thì đủ biết là họ không hiểu rồi, làm sao trả lời được.

Một người đặt ra câu hỏi là người ta đã biết Pháp Phật nào rồi, cái pháp nào rồi. Mà bây giờ hỏi lại Thầy cái pháp nào thì mất mặt tất cả các cái Phật Giáo thế giới sao, cho nên đâu dám hỏi, chỉ nói: “Tôi không thể trả lời được câu hỏi này”. Người ta trả lời bằng tiếng Anh, bởi vì ở trong buổi họp mà Phật Giáo thế giới sử dụng bằng tiếng Anh, như mình dùng tiếng Việt mẹ đẻ của mình.

Thì Thầy nói thật sự ra thì mấy con biết rằng chúng ta là những người may mắn được gặp Thầy là một người thực hiện trên phương pháp chứng của đạo Phật, làm chủ được bốn sự đau khổ. Xác định được rõ ràng pháp tu hành như thế nào đúng, như thế nào sai. Chỉ cần mấy con tu tập là đạt được, nỗ lực tu là sẽ được giải thoát! Không phí một cuộc đời đến đây mà tu tập. Chớ không phải đến đây rồi, mấy con đi ra cũng như quý sư khác, quý thầy khác thì quá uổng! Khi bước ra khỏi Tu viện này là chúng ta đã làm chủ sự sống chết chúng ta mới bước ra khỏi tu viện.

(23:25) Bây giờ mấy con chuẩn bị sẵn sàng, người nào được theo Thầy, không ai cấm cản mấy con. Không có người nào mà nói bây giờ mấy con xách gói theo Thầy mà người ta cản mấy con, không cho mấy con, không ai dám cản mấy con. Nhưng mà Thầy kiểm nghiệm đúng, Thầy chỉ cho cái thất, con sẽ ở trong cái thất này, con sẽ tu tới rốt ráo cuối cùng. Còn chưa được thì Thầy sẽ trợ giúp cho mấy con, để tới khi mà tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự hoàn toàn, sẽ đưa mấy con vào Tứ Niệm Xứ để luyện Tứ Thần Túc.

Đó là cái mục đích của Thầy sẽ trợ giúp, Thầy không bỏ một người nào, các con ngồi trước mặt Thầy, Thầy không bỏ một người nào hết. Thầy sẽ dẫn dắt mấy con tới nơi tới chốn. Nhưng mấy con phải là người đem sức lực của mình tu tập, chứ Thầy không tu tập được cho mấy con. Thầy chỉ là người hướng đạo, dẫn đường, chỉ bảo cho mấy con phải tập như vậy, làm như vậy thì sẽ đến nơi đến chốn. Bổn phận Thầy, trách nhiệm Thầy là hoàn tất con đường, là người hướng dẫn đường đi, chứ Thầy không tu dùm mấy con được, Thầy không thực hiện dùm cho mấy con được.

Ngày xưa đức Phật cũng vậy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi! Ta không thể đi dùm cho các con được con đường ấy”. Đức Phật cũng nói như vậy, Thầy bây giờ cũng nói như vậy. Các con phải tự đi, Thầy chỉ làm người chỉ đạo, hướng dẫn cách thức tu tập cho mấy con để đi đến nơi, đến chốn. Chỉ có mấy con ráng mà thôi.

Không phải ráng mà phải dùng hết sức lực, chúng ta phải tu ngày, tu đêm như vậy. Ngồi chơi mà xả tâm như người vô sự mà giải thoát. Chứ không phải ngồi cố gắng cắn chặt răng mà tập trung như thế này, thế khác thì cái này không được. Không phải ráng tu như vậy. Mà cứ tập từ ngày này qua ngày khác, ngồi chơi, tỉnh thức từng tâm niệm để xả nó, đó là cách thức Thầy dạy mấy con. Ngồi chơi mà giải thoát, ngồi chơi mà tu tập. Không có nói ờ bây giờ, giờ này tôi tu, giờ khác tôi nghỉ. Giờ nào cũng tu, giờ nào cũng xả! Cho nên nói giờ này tôi tu, giờ khác tôi lại kia tôi nói chuyện, thì cái này mấy con tu suốt trăm ngàn đời cũng chưa chứng đạo!

Cho nên giờ nào cũng tu, trừ ra có cái giờ mà mấy con đi nghỉ, là mấy con lên giường nằm kiết tường nằm nghỉ. Hết cái giờ kiết tường nghỉ thì xả ra đi kinh hành, xả ra ngồi lại chơi mà quán xét từng tâm niệm, để cho tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Chỉ có bao nhiêu đó thôi!

4- DUYÊN TRỢ GIÚP NGƯỜI TU

(26:00) Cho nên Thầy thấy mấy con mà nói chuyện, hay gặp người này người kia, là Thầy thấy còn lâu lắm. Chỉ sống độc cư, độc bộ, độc hành một mình mình, thì mấy con sẽ gần Thầy.

Nói như vậy thì mấy con nhớ rằng cái duyên của mấy con chưa đủ thì mấy con sẽ trợ giúp Tu viện một thời gian có cái nhân sự nào, Thầy thấy có một vị thầy kéo dây điện, nhưng mà cái duyên của vị thầy phải giúp (…​)

Thầy thấy mấy con có người sẽ đến đây để trợ giúp cô Út. Để trợ giúp cho những cái cơ sở ở ngoài kia, để các cụ già có nơi nghỉ ngơi, an dưỡng, ngày có thể ăn một bữa, hai bữa, ba bữa để tập dần. Rồi sau khi tập một bữa được mới vào Tu viện của chúng ta. Không khéo ở trong này các cụ già mà ăn một bữa, ít hôm chắc các cụ ở không nổi, rất tội! Rồi ngoài đó có một cái lớp học để các cụ học giới luật, đức hạnh và lần lượt nó thấm nhuần được Đức Hiếu Sinh thì các cụ sẽ không bao giờ còn thèm ăn thịt cá nữa.

Để trợ giúp cho bao nhiêu người tu hành, không riêng gì chúng ta. Cho nên các con có duyên hãy trợ giúp cô Út ở ngoài này để hoàn thành cái khu an dưỡng cho những người già. Cái khu để mở mang các lớp học, để cho bà con trong xóm của chúng ta được học đạo đức để không còn tệ nạn xã hội. Các cháu của chúng ta chạy theo vật chất dục lạc, ăn uống. Thời bây giờ đồi truỵ, phim sex, tạo cho các cháu trở thành những con người thiếu đạo đức, trộm cắp, tham lam, bài bạc, trụy lạc bằng cách này, chúng ta rất là thương xót! Cho nên cái hình thức mà cất mấy cái lớp học ở ngoài là mục đích đem cái nền đạo đức nhân bản dạy cho bà con chúng ta biết.

5- NỖ LỰC TU XONG GIÚP NGƯỜI

(27:39) Còn chúng ta hiện giờ là những người tu tập, phải ráng cố gắng đi đến chỗ làm chủ sanh già…​ và mấy con là những người sẽ tiếp cận sống bên Thầy. Cố gắng! Ngày mai sẽ ở gần bên Thầy. Thầy tin rằng ngày mai trong các sư thầy sẽ là người được sống bên Thầy.

Phải nỗ lực! Phải nỗ lực được gần bên Thầy, đừng xa Thầy. Thầy còn sống thì Thầy là một người cha để mà dẫn dắt con của mình đi đến nơi đến chốn, không bỏ con của mình.

Nhưng mà một mai Thầy chết rồi thì các con là những người tu tập có kết quả thì các con thay Thầy mà dẫn đàn em, dẫn con cháu của chúng ta tu hành, chứ đừng có vội vàng mà nhập Niết bàn. Tội lắm mấy con! Bao nhiêu con người chung quanh chúng ta còn đau khổ vô cùng, chưa có đủ biết cách làm chủ sự sống chết, họ còn đang đau khổ lắm!

Cho nên khi thực hiện được, mà được cái lò tu luyện của Thầy ra mà làm chủ được sự sống chết rồi thì mấy con đem hết sức của mình như Thầy, để mà trợ giúp tất cả những người khác, họ đau khổ lắm. Mấy con tu được là làm gương cho những huynh đệ kế của mình đặng họ hăng hái, họ nỗ lực, họ tu tập. Ở trong mấy con tu được như Thầy, một người, hai người là xung quanh đây họ nỗ lực hết mình. Tại sao Thầy nói xung quanh tu được mà mình tu không được? Họ nỗ lực.

Rồi các cư sĩ người ta thấy thầy đó cũng tu được. Tại sao mình không bỏ gia đình của mình, mình không sắp xếp cho ổn thỏa, để cho mình đi tu. Để mình sống ở trong sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết như thế này sao? Các con thấy một cái gương hạnh tu giải thoát được là đã sách tấn biết bao nhiêu người không? Lợi ích lớn lắm mấy con! Cố gắng lên mấy con!

Đến đây Thầy xin chấm dứt để nhắc nhở mấy con. Người nào mà thấy nhiếp tâm được, kiểm nghiệm lại tâm mình trên Tứ Niệm Xứ, ngồi chơi thấy hoàn toàn bất động, thanh thản, an lạc, vô sự; tâm thanh thản, có biết hơi thở cũng được, không biết hơi thở cũng được, sẽ đến tìm Thầy, con sẽ theo Thầy tu rồi. Mấy con cứ đến ngày, gõ cửa xin Thầy, con theo Thầy được rồi. Có vậy thôi! Mấy con kiểm nghiệm được tâm mấy con vậy thì mấy con gõ cửa, thì Thầy sẽ đến dẫn mấy con vào.

6- ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ CHỈ LÀ TRỢ PHÁP

(29:51) Tu sinh 1: Thưa Thầy cho con xin được hỏi.

Thưa Thầy con là Thích Thanh Thức. Hôm nay con được nói chuyện với Thầy qua việc tu tập của con, Bạch Thầy nhờ Thầy đã dạy bảo, con kiểm điểm lại thân tâm của mình. Con bạch Thầy, con xin Thầy được độc cư, độc hành bên Thầy tu tập (…​)

Trưởng lão: Ừm, độc cư, độc hành. Để rồi Thầy sẽ cho con vào cái nơi, cái hạnh của con, để rồi Thầy kiểm nghiệm trong cái sự tu tập của con rồi, thì con vào. Con yên tâm! Con Thanh Thức hả con? Con yên tâm, Thầy chỉ mong cho mấy con người nào được, Thầy sẽ dặn dò, Thầy kiểm nghiệm được, Thầy cho vào cái thất tu tập, Thầy hướng dẫn tu tập. Phải nỗ lực xả tâm rốt ráo!

Rồi còn ai nữa không con?

Ráng cố gắng! Thầy kiểm nghiệm đàng hoàng, trắc nghiệm đàng hoàng.

Rồi mấy con cứ trình bày.

(31:06) Trưởng lão: Con pháp danh gì con?

Tu sinh Thiện Cảnh: Dạ kính bạch thầy! con tên Thiện Cảnh. Trước đây, con trình Thầy cái pháp tu là cái phóng niệm. Thì sau một tuần cái thì phóng niệm đấy là, con nhiếp rất nhiều. Trong một tuần thì từ hôm mười bảy tháng năm bắt đầu trong con bất động không khởi niệm, cho đến nay là vẫn im phăng phắc, xin báo với Sư như vậy.

Trưởng lão: Rồi Thầy sẽ xem, nếu mà được thì Thầy sẽ kiểm nghiệm với con, rồi sẽ cho con đi kế tiếp.

Con, tu tiếp tục. Nay lớn tuổi rồi con, phải tập nhiều, phải ráng coi thử coi sao, trình bày cho Thầy xem coi cái tâm mình sao, có được không?

Phật tử 3: Kính bạch Trưởng Lão! Thì Thầy hỏi, con có hiểu biết sao thì con nói vậy (…​) Tu Tứ Chánh Cần là để mình diệt trừ cái lậu hoặc và để mình xả tâm. Và Định Niệm Hơi Thở tức là (…​) để mình tu Tứ Niệm Xứ. Nếu mà con tu tập cả hai một lượt được không?

Trưởng lão: Được chứ con. Bởi vì con sẽ tu cái hơi thở để trợ giúp cho cái sức tỉnh để mà xả tâm chứ đâu có gì đâu. Chứ không phải là tu riêng hơi thở để mà đi vào cái chỗ mà giải thoát được! Bởi vì mười sáu cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở, hai cái đề mục nữa ở trong pháp dạy cho La Hầu La, ông Xá Lợi Phất dạy cho La Hầu La nghĩa là mười tám cái đề mục. Và trong pháp Thân Hành Niệm, một đề mục nữa là mười chín cái đề mục Định Niệm Hơi Thở. Cái mục đích của nó để chỉ hướng dẫn cho chúng ta ở trong cái pháp nào phải thực hiện cái đề mục đó, chứ không phải tu riêng hơi thở.

(33:18) Hơi thở chỉ tu riêng của nó, con thấy: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”. Đó là mục đích để làm cho chúng ta không hôn trầm, thùy miên.

Còn: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành…​” Đó là cái mục đích để cho tâm đừng khởi niệm.

“An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết…​”, để làm cho cái thân không còn đau nhức, tê mỏi. Con thấy hơi thở nó không có tu riêng được, mà nó tu ở trên cái pháp khác-Tứ Chánh Cần.

Bây giờ thân nó đau thì nó phải sử dụng hơi thở để nó quét ra, nó không còn đau để cho nó ngồi bất động, yên lặng, để cho nó không còn lậu hoặc, để cho nó tiếp tục nó tu ngăn ác, diệt ác. Cho nên vì vậy mà Định Niệm Hơi Thở không thể tu riêng.

Còn: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, đó là tập tỉnh thức trên hơi thở, để nhờ sức tỉnh thức đó mà quan sát từng tâm niệm mà xả ở trên Tứ Chánh Cần. Cho nên cái Định Niệm Hơi Thở nó áp dụng cho cái pháp Tứ Chánh Cần, những cái đề mục đó, cho nên nó không có tu riêng. Cho nên không có phải tu hai pháp, mà nó chỉ có một pháp duy nhất mà tu mà thôi.

Cho nên con thấy ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo là Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, là mười bảy rồi chứ gì? Năm cái pháp như Tứ Niệm Xứ nè, Tứ Chánh Cần nè, Tứ Thần Túc nè, Tứ Bất Hoại Tịnh nè, Tứ Như Ý Túc nè. Năm cái là hai mươi, cộng lại là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, có phải không?

Vậy thì chúng ta tu Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ đều là nằm ở trong ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo. Cái pháp này tu trước, mà ở trong đó đâu có nói hơi thở, ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo không có nói hơi thở. Bởi vì hơi thở nó sẽ tu ở trong các pháp này, nó sẽ phụ, nó trợ lực ở trong các cái pháp tu này. Con hiểu? Chớ nó không có tu riêng.

Phật tử 3: Kính bạch Thầy! Con thấy Định Niệm Hơi Thở thì nói thân, thọ, tâm, pháp là bốn (…​) là mười sáu, mà ở đây Thầy nói mười tám, thành ra mình có thể là mười sáu cũng được mà không mười tám cũng được. Nếu mình thấy cái đều mà mình cần để mà luyện cái tâm của mình, cái đó cũng như để mình Như lý tác ý vậy.

(35:28) Trưởng lão: Cái đó là cái pháp mà đức Phật đã xác định chỉ, thí dụ bây giờ con tu Tứ Niệm Xứ, mà đức Phật ở trên của Định Niệm Hơi Thở nó có cái đề mục: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi…​”, để xác định được anh tu Tứ Niệm Xứ thì anh phải cảm nhận được cái thân anh qua cái hơi thở đó. Mà anh không được tập trung trong hơi thở. Mà anh tập trung trong cái cảm nhận của mình, mình nương vào, anh xác định được như vậy. Chứ không phải anh tu để mà anh tu cái đề mục đó, anh tu cả trên Định Niệm Hơi Thở, không phải! Anh tu Tứ Niệm Xứ, hiểu chưa?

Cho nên cái người mà hiểu được cái Định Niệm Hơi Thở thì biết Định Niệm Hơi Thở nó không phải tu riêng cho nó được, mà nó tu cho các cái pháp khác, mà nó sử dụng hơi thở. Bởi vì hơi thở là thân hành nội, thân hành nội. Cho nên nó thí dụ mười sáu thì nó chưa đủ. Bởi vì nó riêng về hơi thở của nó có mười sáu. Nhưng mà bước thêm một cái giai đoạn nữa thì tu pháp Thân Hành Niệm, thì trong cái Thân Hành Niệm nó có dạy về hơi thở. Cho nên nó có những cái đề mục của nó thêm nữa, tức là mười chín cái đề mục nữa. Cho nên ông Xá Lợi Phất dạy cho La Hầu La thêm hai cái đề mục trong hơi thở, để mà nương La Hầu La ngồi mà hít thở tu tập, để mà nương vào cái Tứ Chánh Cần mà ngăn và diệt xả tâm mình. Không có hơi thở thì ngăn diệt xả không được! Các con hiểu?

Đó, cho nên vì vậy mà Thầy dạy ở đâu nó có căn bản, có căn cứ được rõ ràng.

Cho nên hôm nay thì, nếu mà cái tâm mình bất động được, thanh thản, an lạc, vô sự được thì căn cứ trên Tứ Niệm Xứ con ngồi chơi, không ngồi kiểu, không gì hết mà tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Hoàn toàn ở trên pháp Như Lý Tác Ý, lúc thì sử dụng hơi thở, lúc thì không sử dụng hơi thở. Cần thì sử dụng cái đề mục của hơi thở đó để đuổi cái niệm đó ra. Còn không cần thì không có tu gì hết. Con hiểu, đó là những cái phương pháp. (37:13)

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy