00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 34-MỖI PHÚT TU TẬP LÀ MỘT VIỆC VĨ ĐẠI

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 34

MỖI PHÚT TU TẬP LÀ MỘT VIỆC VĨ ĐẠI

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Ngày giảng: 21/03/2008

Thời lượng: [43:39]

Tên cũ: Cần Thông Suốt - Bảy Tháng Chứng Đạo

Số lượng: 65 pháp âm

1- TU KHÔNG KHÉO SẼ BỊ LỘN PHƯƠNG PHÁP

(00:00) Trưởng lão: Minh Phước con! Lên trình Thầy. Con đã viết thư trình cho Thầy. Con tập mấy bữa rày làm sao? Được không? Khá không con?

Tu sinh Minh Phước: Mô Phật! Con kính bạch Thầy, con tập hôm rày thì con thấy con mới nhận ra được cái cảm giác của sự nhiếp tâm. Trong khi con đưa tay ra vô một lần, con thấy nó rõ ràng nó không có niệm. Sau khi đó con mới xả ra. Thì trong cái giờ phút xả nhiều khi nó cũng, con có để ý nhiều khi nó cũng không niệm, con thấy nó giảm bớt nhiều hơn so với lúc trước. Cho nên con có trình là nó có tăng lên đó thưa Thầy.

Trưởng lão: Khoan! Khoan tăng hả con, đừng có tăng. Phải tập cho nó nhuần nhuyễn, thật nhuần nhuyễn cho Thầy, từ cái căn bản rất căn bản, sau đó Thầy sẽ cho mấy con tăng lên. Thầy đọc qua đây Thầy thấy mấy con hay tự tăng lắm. Tham quá không có được. Đây là trèo lên cho cao lên rồi đây nó rớt xuống là chới với. “Tôi tu cực quá mà giờ không còn cái gì hết trơn.” Cho nên vì vậy mà hãy nghe lời Thầy con, tập cho nó kỹ lưỡng.

Còn cái gì mà trong thân nghiệp mà nó đau bệnh hoặc cái gì thì cái đó cái phần riêng của con rồi. Trình riêng cho Thầy sau này thì Thầy sẽ chỉ dạy cái phần riêng, chứ đây không có dạy chung cho chúng. Con hiểu không? Thầy sẽ dạy riêng cái phần riêng để con sẽ có cái cách thức để mà xả, để mà đuổi những cái nghiệp thân của mình, nó đang có cái sự hoành hành trong thân con.

Còn bây giờ là cái phần này là phần dạy chung cho mấy con cách thức nhiếp cho được và an trú cho được tâm, thấy không? Cũng như là dạy cho mấy con ngăn ác diệt ác, xả tâm khi mà mấy con tu Tứ Chánh Cần cho đúng cái trạng thái của Tứ Chánh Cần. Nhiếp tâm như thế nào đúng với cái trạng thái của Tứ Chánh Cần để cho mình ngăn ác diệt ác, để kết quả của nó sẽ cụ thể và rõ ràng và nhanh chóng hơn, nó không mất thì giờ.

Chứ không khéo nó lộn, từ cái trạng thái này nó lộn qua cái phương pháp khác. Mấy con sẽ thấy nó dễ lầm lạc lắm. Cái người mà tu mà ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện, cái trạng thái của Tứ Chánh Cần nó không giống như trạng thái của Tứ Niệm Xứ. Nó không giống cái trạng thái của cái trạng thái mà ức chế nhiếp tâm. Chứ không khéo thì mình dùng - mình không dùng cái đối tượng của hơi thở, của cánh tay của mình để ức chế nó - mà mình dùng cái trạng thái bất động của nó mình ức chế tâm mình. Nó cũng sai nữa mấy con.

(02:33) Cho nên Thầy sợ lắm! Bởi vì pháp của Phật nó nhiều, nhiều cái cách thức tu tập. Mà mỗi cái cách thức nó, một cái trạng thái vô hình ở trong cái tâm của chúng ta. Không khéo chúng ta làm một cái điều đó nó sẽ lạc qua một cái pháp khác mà chúng ta không biết. Thay bây giờ con tu Tứ Chánh Cần ngăn ác diệt ác, thì lẽ ra con ở trên cái trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự chứ gì? Mà cái trạng thái đó nó đâu phải là Tứ Niệm Xứ đâu, nó là Tứ Chánh Cần.

Thì lúc bây giờ chúng ta còn đang niệm ào ạt mà nó không niệm thì coi chừng chúng ta dùng cái trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự là ức chế nó đó. Nó trật rồi đó. Thay vì người ta dùng cái đối tượng của người ta, cái hành động ra vô thì đúng pháp rồi. Mình dùng cái đối tượng mà không có hành động, không có sự rung động của cái trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự bằng cái phương pháp tác ý để dẫn nó vào trong cái trạng thái đó. Rồi chúng ta nhiếp tâm ở trong cái trạng thái đó, hoàn toàn nó không niệm. Nhưng mà chúng ta dùng một cái trạng thái vô hình, cái trạng thái vô hình, chúng ta ức chế tâm.

Thầy lo lắm chứ! Thầy biết mấy con sẽ bị lạc chứ không phải không. Bởi vì là một vị Thầy là người ta đã nắm hết được những cái trạng thái khi mà tu tập đến cái chỗ nào. Cái gì, ở chỗ trạng thái nào, cái chỗ đó bước lên cái pháp đó nó phải ở cái chỗ trạng thái đó nó mới đúng. Mà chưa được cái trạng thái đó mà bước lên cái pháp đó là người ta biết tu không đúng. Họ dẫn dắt mình đi từng chút.

Còn riêng phần con thì cố gắng tu tập, đừng tăng lên nữa. Không tăng gì hết. Thấy được được đừng có tăng, đừng có vội. Phải tập cho thuần thục. Cứ giữ cho đến khi mà thấy lúc nào mình làm cũng thoải mái, dễ chịu, nhiếp một cách rất cụ thể, rõ ràng. Thấy kỳ nay ngon lành rồi, lúc nào tao không tu thì thôi, chứ tao tu cái đầu mày cứng ngắc đó à, không có ra một cái niệm nào được hết. Coi như là tao khép cửa mày không vô được đâu. Cũng như bây giờ cái nhà này có một cánh cửa vô thôi, phải không? Mà bây giờ tao gọi là tao đóng cửa rồi thì không có cái vọng tưởng nào mà gọi là xen vô đây được, thì đó là mấy con giỏi, nhiếp giỏi rồi đó. Thầy coi như là chấm điểm tốt rồi đó, thấy không?

(04:42) Còn bây giờ cái cửa mấy con đóng mà chúng chen vô được thì dở quá. Mà giờ mấy thằng ăn trộm nó chen vô, trời đất ơi! Thôi của cải tài sản này nó gánh hết. Có phải không? Mấy con thấy không? Bởi vì mấy con tu mà có niệm, là cái cửa của tâm của mấy con nó không có thanh tịnh, là cái tụi bọn ăn trộm ăn cướp này nó đem cái đồ dơ bẩn, nó đổ trong nhà của mấy con đủ thứ ở trong đó hết.

Nó đổ ba cái thứ tham, sân, si đầy ở trong nhà, cho nên nó hở ra cái mấy con tham, sân, si liền. Cái bọn ăn cướp đó vô, nó xen vô, thì Thầy cho những cái niệm vọng tưởng của mấy con đó là cái bọn tham, sân, si, cái bọn ăn cướp đó nó vô. Mà nó vô được cái nhà của con rồi thì cái tâm của con nó lúc nào nó cũng dơ bẩn, nó ô uế vô cùng.

Cho nên ở đây, chúng ta muốn cho cái nhà tâm của ta thanh tịnh thì nhiếp tâm, là đóng cái cửa cho kỹ giùm Thầy. Mấy con như Thần giữ cửa mà giữ cửa kiểu này hết làm Thần giữ cửa rồi, con hiểu không? Cái cửa, cái cửa chỗ con. Cho nên vì vậy mà người ta dùng cái thân hành của mấy con, để cho mấy con tỉnh đừng để cho mấy thằng đó nó len vô cái cửa này. Chứ nó len vô nó hiện ra cái tướng Trời, rồi thôi rồi! Cũng như mấy con tu mà hôn trầm, thùy miên, cái thằng ngu si này, cái thằng điên này nó vô trong này, thì cái nhà này kể như là cái nhà hoang rồi. Nó còn ai mà biết ở trong này. Có phải không? Khi mấy con ngủ còn ai biết ở trong này, con thấy nhà hoang không?

Cho nên mấy con nhớ kỹ cho Thầy, đừng có để hai cái thằng này xen vô. Cái thằng lung tung nó nghĩ cái này, nghĩ cái nọ kia, thì không có cho xen vô, mà cái thằng hôn trầm, thùy miên cũng không cho vô. Thằng này là thằng điên. Nó vô đây nó không có làm cho ai mà sáng suốt gì được hết, mờ mịt hết. Cái nhà này như là cái bóng đêm vậy đó. Cho nên nhất định là không có cho nó vô khi thời gian mấy con tu.

Nhưng mấy con nhớ rằng cái thời ngủ, cái giờ ngủ là cho phép ngủ hoàn toàn, giờ nào ra giờ nấy. Ở đây lúc bây giờ là chuyên sâu rồi, chúng ta không có vị tình cái thân này nữa. Giờ cho mày mất ngủ, mày chết tao cũng cho luôn đó. Cho nó mất ngủ cho nó chết đi cho rồi. Đặng mình kiếm cái thân khác cho nó khỏe hơn, cái thân này già rồi. Còn như con là chết uổng, còn thanh niên mà chết uổng. Sức khỏe vậy mà chết thì đi đầu thai làm con nít cực khổ lắm. Cho nên bây giờ mượn cái thân này tu cho được thôi. Cho nên vì vậy ráng con, ráng tập. Đừng có tăng lên cho Thầy, thấy không?

Tu sinh Minh Phước: Vậy là con ráng một phút cho nó thuần thục hả Thầy?

Trưởng lão: Đúng vậy con. Hứa với Thầy chắc chắn như vậy thì Thầy sẽ dẫn dắt tới nơi tới chốn. Đừng có tăng nữa, nhớ chưa?

2- CÁI LỰC CỦA PHÁP NHIẾP TÂM AN TRÚ

(07:09) Trưởng lão: Hôm nay là những cái ngày mà Thầy đến đây, hôm nay là mấy con thấy đâu có người nào mà dám lên ba mươi phút nữa đâu, không dám đâu. Hôm đó còn đưa tay ba mươi phút, chứ hôm nay mà dám đưa tay ba mươi phút đâu, phải không? Mấy con thấy Giác Thường đưa tay ba mươi phút mà bây giờ hôn trầm, thùy miên nó dập tan nát hết, chứ đâu phải chuyện dễ đâu. Thầy nói thật sự ra khi mà an trú rồi, cái pháp của mình nó thưa rồi, thì coi chừng chứ không phải dễ đâu.

Còn cái nhiếp tâm và an trú, có khi được ba mươi phút có khi không, mà mình nói mình ba mươi phút là chết đó mấy con, không dễ đâu. Cho nên nó lọt qua cái cửa này không phải dễ được lọt. Cố gắng một phút cho Thầy thôi con. Thà là từ tu ít mà chất lượng cao thì lần lượt Thầy dẫn mấy con đến ba mươi phút một cách dễ dàng, không khó khăn.

Rồi một ngày nào đó mấy con thấy: “Ba mươi phút dễ dàng quá, có gì đâu.” Các con coi thường nó đó. Tu rồi mấy con coi thường ba mươi phút đồ bỏ, mà bây giờ một phút mấy con thấy không có chuyện dễ với nó đâu. Cho nên cái sự tu tập là phải như vậy. Tu tập mới thấy được cái khó của lúc mới tu, và cái khó của tu lâu.

Cái khó của tu lâu nó có cái khó của nó, mà cái mới tu nó có cái khó của mới tu, chứ không phải nó dễ, nó không dễ đâu. Đợi khi nào tu xong rồi nó dễ. “Trời đất ơi! Tưởng gì chứ Tứ Thần Túc, tưởng gì chứ Tam Minh, tôi làm cái rẹt, biết hết.” Nhưng mà tự mình tu rồi. Còn bây giờ nói về Tam Minh thì các con cũng như người mù, chứ có biết thứ gì.

Thật sự ra Thầy nói thật sự, khi một người làm rồi, thì người ta coi như Tam Minh nó không có ra gì hết, chỉ là một dạng lực ở trong thân chúng ta thôi, không có gì mà gọi là đặc biệt, vĩ đại gì hết đâu. Nhưng mà ở ngoài nghe nói có Tam Minh: “Trời đất ơi! Ông này chứng quả A La Hán ngon lành thiệt.”

Sự thật đâu có vậy, không có vậy. Chính cái chỗ bất động tâm của mấy con, mấy con sống rồi mấy con mới thấy đó là cái giải thoát của nó. Con thấy bây giờ chỉ trong vòng một giây, một phút mấy con đạt tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, mà mấy con thấy một cái trạng thái hiện ra bất động thanh thản thật sự.

(09:10) Chứ bây giờ cái tâm bình thường của mấy con bất động thanh thản thì mấy con có nhận ra, nhưng mà nó đâu phải vậy đâu mấy con, chưa đâu. Khi nó kéo dài ra nó khác xa lắm. Nó thật sự bất động thật sự chứ đâu phải. Còn bây giờ mấy con nói bất động, chứ người ta la tiếng cái nó động liền. Trời sét mấy con giật mình chui dưới bàn nữa là khác. Có phải không? Mấy con thấy không? Bây giờ mình là người bình thường mà, cho nên mình còn chấp ngã, cho nên mình sợ chết. Chớ mà nghe cái rầm một cái là chui dưới bàn trốn liền, chứ đâu có dám ngồi ngoài không?

Cho nên cái hành động của một người bình thường nó khác với cái người mà bất động của người tu chứng. Người bất động bây giờ, mà Thầy nói thiên lôi bây giờ, cả một trăm ông thiên lôi xuống đây, cầm tầm sét làm rầm rầm, ông ngồi trân trân, ông không sợ, bất động của cái người tu chứng, nghĩa là ông không sợ.

Thầy nói như thế này để mấy con thấy nè. Súng đồng đại bác mà kê nó pháo, vẫn ngồi bất động, không sợ gì hết. Trong chiến tranh, các con biết, Thầy thì chưa có cái lực đó đâu. Trong chiến tranh Thầy ngồi tu, mà Thầy chỉ có nhiếp tâm được thôi. Mà máy bay nó bắn rocket ở trên cái chỗ cái am thất của Thầy, cái chỗ mà tượng Phật nằm đó, cái thất của Thầy ở đó đó.

Mà máy bay ở ngoài ruộng mà nó bắn vô, rồi lính nó khủng bố nó đi bố trong cái vùng này mà. Mỹ nó bắn rầm rầm ở trong này. Bắn thì bắn, Thầy ngồi bất động. Chừng mà quân đội đến nó thấy: “Cái ông này sao ông ngu quá vậy. Trời đất ơi! Ông không nằm xuống, nó bắn chết ông thì sao?”

Thầy cứ ngồi trên cái tảng đá. Ở trong cái thất Thầy có làm cái tảng đá, Thầy ngồi sừng sững đó, không đi. Nó đi nó nói um sùm, nó la um sùm vậy đó, Thầy ngồi tu. Nó không bắt Thầy chút nào hết, nó thấy Thầy tu mà. Nhưng mà nó thấy Thầy nó hoảng hồn, nó thấy Thầy ngồi chong ngóc. Cái nhà Thầy đó máy bay bắn đạn lủng nhà thiếc, mà thiếc đen chớ không phải thiếc này, lủng nát hết, mà Thầy không sao hết.

Thầy nói giới luật hay thiệt chớ, thiền định cũng hay, nó nhiếp tâm an trú nó không lủng mình chút nào. Chứ còn mấy con mà ngồi lơ mơ mà sợ nó là nó lủng mấy con hết đó. Tại vì mấy con sợ, còn Thầy thì không sợ. Cho nên cái sức nhiếp tâm an trú nó có cái sự bảo vệ con.

(11:12) Cho nên Thầy nói làm sao mà cái nhà của mình lủng lỗ như vậy, vách như thế này lủng lỗ hết. Mà cái thân mình làm sao mà nó tránh được đạn, được vậy chứ? Chắc có lẽ là nó cũng xỏ vô mà điều nó bạt ra…​ Thầy nghĩ vậy chứ Thầy không biết, nhưng mà điều kiện là Thầy ngồi bất động. Thì mấy con thấy Phật pháp nó vi diệu đến cái mức độ, cái từ trường của nó đến mức độ như vậy. Mà chỉ đó là nhiếp tâm thôi, nhiếp tâm an trú.

Mà bây giờ nhiếp tâm an trú của mấy con như vậy, là chúng bắn đổ ruột đó chứ ở đó! Có phải không? Còn nhiếp tâm như Thầy không có vọng tưởng. Các con nghe nói Thầy lên trên Chân Không, Thầy tu với huynh đệ ở trên đó, tu pháp tri vọng chứ gì? Ba mươi phút không niệm khởi. Còn bây giờ mấy con một phút có niệm rồi, thì mấy con nghĩ sao ba mươi phút với Thầy, có phải không?

Nhưng mà một phút của mấy con không niệm bằng ba mươi phút Thầy không niệm. Bởi vì Thầy đã sẵn ở trong cái đời trước của Thầy rồi, cho nên cái sự nhiếp tâm của Thầy nó dễ dàng. Còn mấy con, một niệm của mấy con dụng công. Còn Thầy từ ba mươi phút trở lên Thầy mới dụng công, nó khác.

Tu sinh Thiện Tâm: Tự nhiên hả Thầy?

Trưởng lão: Nó tự nhiên lắm c. Bởi vậy ngồi là nó không niệm. Làm như Thầy tu hồi nào đâu Thầy cũng chẳng biết. Lên đó huynh đệ ngồi rung đùi hết, còn Thầy không rung, các con hiểu chưa? Đó là cái duyên của Thầy mà. Cho nên nhờ đó mà Thầy tự tu tự chứng. Chứ còn cỡ như mấy con mà bây giờ mà đem một đống tạng kinh Nguyên Thủy ra mà nghiên cứu chắc tu trật lất hết. Các con hiểu chưa? Nó chưa có đủ. Còn cái sức định của Thầy nó đã tiền kiếp nó đã có như vậy rồi. Cho nên Thầy biết nó rất quý, nhiếp tâm an trú nó rất quý.

Vậy mà Thầy dạy mấy con mà mấy con tu không được thì mấy con dở quá, nói thiệt dở thiệt dở, đem cái pháp quý báu vô cùng. Thầy nói như vậy không phải là nói Thầy hay đâu, mà để cho mấy con thấy cái lực của phương pháp nhiếp tâm an trú. Mà trong lúc đó Thầy có định đâu, trong thời chiến tranh mà. Cho nên vì vậy mà Thầy ngồi, mà súng đạn bắn vậy mà không rớt trúng viên nào Thầy thì cũng là. Thầy hồi đó Thầy gan dạ lắm, Thầy không có sợ chết. Thầy nói: “Chết cũng là một đời tu hành của mình thôi.”

3- KHÔNG ĐƯỢC ĐẦU HÀNG KHÓ KHĂN

(13:14) Trưởng lão: Cho nên Thầy ở trên Hòn Sơn cũng vậy. Chết bỏ chứ nhất định là Thầy quyết định là tu là tu tới nơi tới chốn. Cái liều của Thầy, cái lòng gan dạ, cái sự ghê gớm lắm. Ăn rau cải nhất định chết bỏ chứ còn không có bao giờ mà đi xin cơm mà ăn đâu. Nhất định là ăn là sống. Nó làm gì làm Thầy không có, nó hoành hành Thầy gì nó hoành hành chứ Thầy không sợ, nó không làm sao Thầy được đâu. Thầy không có đầu hàng, Thầy nói ăn rau là ăn rau. Nó làm đói, mệt, làm chóng mặt gì đủ thứ.

Phải không? Con thấy không? Cho nên cái gan dạ, cái bền chí, cái sức dẻo dai nó đưa mình đi đến tới nơi tới chốn mấy con. Chứ còn nếu mình thiếu cái sức gan dạ, thiếu sức bền chí, nó hơi khó khăn cái mình nản chí. Thầy thì càng khó khăn bao nhiêu Thầy vượt qua bấy nhiêu. Thầy không đầu hàng trước cái nghiệp của mình, cái khó khăn.

Con biết sóng gió Chơn Như? Bao nhiêu Thầy vượt lên hết, hôm nay mới có mấy con ngồi gần Thầy. Chứ còn cỡ mà Thầy không vượt, chắc chắn là Thầy ẩn bóng đâu, Thầy nhập Niết Bàn nữa là khác, nếu mà Thầy tiêu cực một chút đó. Thầy dạy mấy con giải thoát, chứ còn Thầy còn cái gì nữa mà Thầy ở đây mà Thầy cực khổ như thế này? Thầy chỉ vào Niết Bàn cho khỏe cái thân của Thầy, hay hoặc là Thầy kiếm cái hang nào Thầy ở cho phải sướng không? Để giờ mà đi dạy vầy cũng cực Thầy chứ bộ, nói bộ không mệt Thầy sao? Các con hiểu không?

Nhưng mà Thầy thiết nghĩ rằng: “Phật pháp quá hay! Mình làm được thì phải giúp đỡ cho chúng sanh dựng lại cái chánh pháp, để cho loài người trên hành tinh này có những cái chỗ đứng, chỗ dựa cho nó vững vàng. Chứ mà Thầy đi như thế này thì mình không xứng đáng, mình đầu hàng trước cái nghiệp của chúng sanh”. Cho nên Thầy không đầu hàng. Lúc nào Thầy cũng vậy. Mấy con thấy gặp khó khăn, Thầy vượt lên.

Thầy vượt lên để làm gì? Để tạo cho có những ngày giờ này, người nào có đủ duyên bền chí. Biết bao nhiêu người xách gói ra đi. Họ thấy họ sợ quá, họ sợ sóng dập họ, họ bỏ gói họ xách ra đi. Nhưng mà còn những người nào mà nằm lại đây thì mấy con thấy hôm nay nó có những cái lớp như thế này. Nó có những cái Tăng đoàn như thế này, để rồi chúng ta vượt lên để mà chúng ta thực hiện được con đường giải thoát hoàn toàn.

(15:21) Các con thấy cái sức bền chí, cái sự gan dạ của Thầy. Trước cái việc làm của Thầy, Thầy không đầu hàng. Gặp khó khăn Thầy vượt qua, bất cứ một cái khó khăn nào. Chứ không phải là riêng cái sự khó khăn mà trên cái đường tu mà Thầy vượt qua, mà tới cái việc làm của Thầy, Thầy đầu hàng trước sự khó khăn đâu mấy con, không có đầu hàng.

Cho nên mấy con phải bắt chước Thầy. Thầy là một cái gương hạnh sống vượt qua. Không có, lúc nào cũng vượt qua các ác pháp hết, không có đầu hàng trước cái nghịch cảnh, cái ác pháp, khó khăn gì hết. Nhưng mà mấy con biết không? Cái bộ Đường Về Xứ Phật của Thầy xin phép ra được rồi, bây giờ mà phổ biến ra là Thầy bị dập tan nát hết. Thầy báo trước cho mấy con đừng có nghĩ, đừng có nghĩ mà người ta để yên Thầy đâu.

Nó không những các cái tôn giáo mà, không những mà Đại thừa, mà nó cả những cái tôn giáo khác nữa. Bởi vì Thầy dập cái thế giới siêu hình, Thầy đập những cái tư tưởng từ lâu tới giờ người ta đã truyền vào cái đầu óc của con người, loài người là có thế giới siêu hình, là có linh hồn, là có đức Phật, là có ông Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Mà bây giờ Thầy dập xuống không còn ai nữa hết. Mà đọc cái bộ sách này rồi, Nhà nước cho phép rồi, thì Thầy có quyền phổ biến chứ sao? Mà phổ biến thì ai nhắm vào Thầy, chứ còn nhắm vào ai: “Giết cái ông này cho rồi đi! Bít cái miệng ông cho rồi thì nó đỡ mình chứ sao!” Lẽ đương nhiên là ai còn dám nói gì nữa.

Thì mấy con sẽ thấy. Thầy nói nó sẽ có. Nó tìm mọi cách, nó hạ uy tín của Thầy đủ loại. Mà không được rồi nó mượn ba cái thằng du côn nó vô đây, nó tìm xem Thầy ở chỗ nào, nó lôi ra, nó làm một dao thôi, thì mấy con không có ngày gặp Thầy. Nhưng mấy con cứ tưởng đâu phải giết Thầy dễ đâu. Nó vừa tới vách Thầy biết rồi. Thầy đâu phải ngủ quên như mấy con đâu. Nhưng cái gì nó cũng là do nhân quả mấy con, đừng sợ.

Cho nên vì vậy mà Thầy dạy mấy con tu rồi, thì giết Thầy còn mấy con. Có sợ nào đâu? Người nào cũng tu chứng hết, làm sao giết hết, có phải không? Cho nên bây giờ mấy con phải ráng nghe lời Thầy tu tập, sớm chừng nào tốt chừng nấy. Bởi vì các tôn giáo ở trên cái hành tinh này nó bây giờ nó tập trung rồi.

(17:30) Bởi vì sách của Thầy nó đâu phải phổ biến ở trong nước đâu, nó cả thế giới rồi. Thì mấy cái tôn giáo này hồi nào tới giờ nói có cõi Trời, cõi Đất, cõi Cực Lạc, Thiên Đàng gì đó, bây giờ nó bị dập đầu nó xuống hết rồi. Rồi một mặt khoa học nó chứng minh nữa rồi, thì bắt đầu bây giờ nó còn đất đứng ở chỗ nào? Thì không nhắm vào Thầy sao? Mà mấy con không ráng tu thì Thầy chết rồi thì kể như là mất luôn đó. Mười cái bộ sách Đường Về Xứ Phật đó nó đem đốt sạch, nó không có cho phổ biến chỗ nào hết. Nó giàu có, tiền bạc nó nhiều, nó muốn đốt sạch hết, chứ ở đó đừng nói chuyện.

Cho nên mấy con hiện giờ thì Thầy chưa có cho phổ biến rộng lắm. Nhưng mà Phật tử đến Thầy cũng cho. Nhưng mà điều kiện để chờ mấy con tu xong. Mấy con tu mà làm chủ được sự sống chết rồi, thì thôi cứ cho ra hết đi, đừng có để. Thì chừng đó giết Thầy, mà giết con thì mấy người kia còn sống, con hiểu không? Đối với giết mình, mình có ăn thua gì đâu? Mau về Niết Bàn sớm còn sướng hơn là tao ở thế gian, có phải không? Có vậy thôi.

Còn mấy con còn ở thì còn cực khổ chứ gì? Cực khổ phải dạy người, chứ không lẽ bây giờ mình đã đền đáp ơn Phật, ơn Thầy mà bây giờ mình chun trong hang mình trốn hay sao? Đâu có lý như vậy? Cho nên mấy con phải chịu cực khổ nè, phải đi đứng lớp dạy nè, phải hướng dẫn người ta tu hành nè, phải cách thức lập trường lớp để dạy người ta, đem lại cái nền đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật, giúp cho loài người.

Đó mấy con. Hôm nay là vì cái mục đích mà mấy con thấy viễn ảnh, cái viễn ảnh là nó vừa tốt mà cũng là vừa xấu đó. Mà nếu mà chúng ta không chuẩn bị kịp những cái người tu chứng đó thì ngày mai nó sẽ mất đi. Cho nên hôm nay ngồi trước mặt Thầy là mấy con là những bậc A La Hán. Coi chừng mà La Hán giả coi chừng thấy hết đó con.

Cho nên phải ráng mấy con, ráng. Cũng là một cái sự sách tấn của Thầy, cũng là một sự nói thật tình mấy con. Trong từng phút, từng giây chúng ta sống. Ở đây chúng ta, tiếng cười chúng ta, thật sự chúng ta cười vui, chứ sự thật ra ở ngoài kia biết bao nhiêu nước mắt. Và cái chánh pháp của Phật mới có le lói một chút xíu thôi.

4- MỖI PHÚT TU TẬP LÀ MỘT VIỆC VĨ ĐẠI

(19:37) Trưởng lão: Nền đạo đức của đạo Phật nhân bản - nhân quả, Thầy mới dựng lại có mấy tập đạo đức nhân bản, còn nhân quả chưa hết, thì mấy con biết còn công việc nhiều rất nhiều, không thể ít được. Rồi nòng cốt để cho các con phải tu chứng để đứng lớp dạy, để đi từ chỗ này đến chỗ khác khắp cùng trong đất nước của chúng ta, và ở ngoại quốc nữa, chứ không riêng ở đất nước nữa.

Thì mấy con phải tu để mà thân giáo mấy con nói lên được tiếng nói của Phật giáo chứ. Do đó phải nỗ lực thật sự tu từng phút, từng giây không được biếng trễ. Các con thấy một cái con người bình thường mà người ta siêng năng học tập, người ta trở thành những nhà văn có tiếng, người ta trở thành những cái người nguyên thủ của một nước ở trên hành tinh này.

Người ta chỉ cần siêng năng học tập thôi. Thì cái có người xưa người ta nói câu nói cũng rất hay. Nghĩa là những cái thời gian mà uống cà phê, tôi chỉ dành những thời gian uống cà phê, thôi tôi học tập thôi thì tôi cũng trở thành thiên tài, chứ không phải là thiên tài ở trên trời rớt xuống.

Cái ông Lỗ Tấn ông nói rất hay mấy con, ông nói câu nói rất hay. Đúng vậy, chúng ta là người siêng năng đừng có bỏ cái thời gian. Tức là cái thời gian mà chúng ta gọi là giải trí chơi này kia thì sự tu tập của chúng ta cũng vậy. Coi quý cái thời gian của chúng ta tập luyện hẳn hoi, hoàn toàn từng chút không có phí thời gian của chúng ta.

Giờ chơi, chứ sự thật ra chúng ta không phải chơi đâu mấy con. Phải nói ngồi chơi để chúng ta hiểu cái nghĩa cho nó bình thường, nó xả nó không có ôm chặt cái pháp này, pháp kia nó tu. Nhưng mà trong cái tri kiến của chúng ta nó đều có sự làm chủ thân tâm của chúng ta gọi là ngồi chơi. Chứ sự thật nó đang tu, chớ không phải không tu theo các cách thức pháp khác, chứ không phải nó đang ngồi chơi như cái người bình thường. Đó thì trong cái sự tu tập của chúng ta như vậy, phải cố gắng. Nhớ chưa?

Con là trẻ, Phước Tồn là trẻ, phải ráng dữ lắm mấy con. Những tuổi trẻ mấy con phải nỗ lực đó. Mấy ông già người ta tu rồi, người ta già rồi, người ta tịch là phải chứ làm sao! Để cho mấy con phải căng cái tai ra, cái sức khỏe của mấy con phải gánh vác cả một cái trái đất này. Con gánh nổi trái đất không? Thầy cho một cái điểm tựa, ta bẩy trái đất cùng bay ở đó mà gánh. Phải không?

(22:03) Cho nên con nghe cái nhà khoa học: “Cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy trái đất.” Có phải không? Ông ta nói rõ ràng mà, đâu phải là Thầy nói đâu. Ông ta nói có cái điểm tựa, ông bẩy trái đất rồi. Còn bây giờ Thầy có cái điểm tựa Thầy cho con, con gánh cái trái đất này đi tiêu hết đó, chứ mà gánh không nổi.

Nghe gánh trái đất nghe ớn, mà sự thật ra làm được đó mấy con. Cái nội lực của chúng ta ghê lắm, chứ không phải không đâu, Thầy tu rồi Thầy biết. Con người nhỏ con như thế này, cũng nhân quả sanh ra, thế mà làm được những chuyện vĩ đại thật chứ. Đau bệnh, sống chết muốn hồi nào làm theo hồi nấy, cách thức cụ thể. Nó không cãi lại mình, không phải là bẩy vũ trụ, không phải là gánh trái đất sao? Cái chuyện này nó lớn lắm mấy con. Coi thì thường. Bây giờ con muốn chết thì chết, muốn sống thì sống hồi nào thì đó là con bẩy được vũ trụ rồi đó, con gánh được trái đất rồi đó, chứ đâu phải là thường đâu.

Đừng có nghĩ cái chuyện. Thật sự ra cái chuyện này không phải là cái chuyện nhỏ đâu mấy con, chuyện lớn mấy con. Chúng ta đang làm một cái việc lớn lắm, chớ không phải chuyện. Chuyện phi thường mà thế gian này người ta chưa dám nghĩ đến, chỉ có nhóm tu sĩ chúng ta nghĩ đến. Chỉ có từ ông Phật đến chúng ta dám nghĩ đến cái chuyện phi thường này, nghĩ đến cái chuyện làm chủ bốn sự đau khổ, làm chủ sanh, già, bệnh, chết này. Rồi làm chủ, muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống. Trời đất ơi! Không có ai dám nghĩ đến. Thế mà bây giờ mình làm được thì mấy con nghĩ sao? Mình đang tập trung làm cái chuyện này, làm chuyện vĩ đại.

Cho nên chúng ta không phải là làm những con người nhỏ nữa, làm con người lớn. Không phải chúng ta tự ca ngợi mình đâu, mà nó là bằng chứng sự thật. Hàng ngày mấy con, đầu óc người ta luôn liên tục nghĩ cái này nghĩ cái kia, mình đằng này đi ngược lại là không nghĩ. Mà nó không nghĩ thì tức là mấy con phải làm chuyện vĩ đại chứ sao? Chứ còn mấy con để cho nó nghĩ tùm lum ra thì đó là một cái chuyện bình thường của người ta, người ta vẫn làm được.

Cho nên mỗi chút mỗi một phút mà mấy con tu tập là một chuyện mấy con làm vĩ đại, chứ không phải là làm chuyện nhỏ. Cho nên chúng ta ráng mấy con, phải ráng. Làm một chuyện lớn là phải cái người lớn chứ, còn người nhỏ đâu có làm được đâu. Mình thuộc về là người lớn, cho nên phải làm chuyện vĩ đại. Đừng có xem mình là người nhỏ, tôi làm không nổi. Đã vào đây rồi mà làm không nổi thì đi ra, không có được ngồi đây. Ngồi đây là người làm lớn, chứ không có người làm nhỏ, phải không? Nhớ kỹ không các con? Thôi bây giờ con về đi, ráng tập tu cho Thầy.

(24:32) Tu sinh Minh Phước: Con thấy về cái vấn đề tu tập nhiếp tâm đó thì con cố gắng giữ một cánh tay đưa ra vô. Rồi còn thời gian khác thì con có thể siêng năng đuổi thêm bệnh. Thì có trường hợp nào con xin trình riêng với Thầy không?

Trưởng lão: Có! Có trường hợp nào đó mà con đuổi bệnh hay này kia thì con sẽ trình. Có những cái chướng bệnh gì thì con sẽ trình riêng. Rồi, còn bây giờ về tập cho Thầy.

Tu sinh Minh Phước: Con cảm ơn Thầy!

Trưởng lão: Kim Quang con! Con có viết trong bức thư trình Thầy về cái pháp tu con Tứ Chánh Cần. Con tu vậy được lắm! Cố gắng tu tiếp tục giữ gìn như vậy cho Thầy. Có cái gì mà thêm nữa thì báo cáo cho Thầy. Còn tu như vậy là tốt, thấy không? Phải ráng cố gắng.

Con sẽ từ Tứ Chánh Cần đi sang qua Tứ Niệm Xứ đó. Nó chỉ không có cần phải đi qua cái sự nhiếp tâm an trú của cánh tay, của hơi thở đâu, nhưng mà nó từ cái chỗ Tứ Chánh Cần xả tâm này con sẽ đi qua Tứ Niệm Xứ. Rồi từ Tứ Niệm Xứ, rồi sẽ được ở gần bên Thầy, rồi nói chuyện sau gì đó nói, phải không? Phải nỗ lực đi con, Thầy sẽ dẫn dắt tới nơi tới chốn, không có gì đâu.

Mà ráng ở trong cái lớp học, duy trì ráng. Để rồi Thầy sẽ đưa những cái bài học cụ thể. Từng cái đạo đức ở trong một cái bài, nó có nhiều cái đạo đức. Thì những cái đạo đức đó mình phải giải trình án như thế nào, Thầy sẽ gửi đến cho mấy con. Để nghiên cứu những cái bài mà giải trình án của Thầy đó, rồi mấy con sẽ theo đó mấy con làm để mà triển khai cái tri kiến giải thoát của mình, tri kiến đạo đức của mình. Còn về phần tu thì phải ráng đó nghe. Phải ráng. Có gì hỏi Thầy thêm không con?

Tu sinh Kim Quang: Dạ! Con cũng có ghi mấy cái nhược điểm, khuyết điểm của con. Nhưng mà con thấy phải cố gắng.

Trưởng lão: Rồi! Mấy cái đó nó sẽ vượt qua hết.

Tu sinh Kim Quang: Dạ! Con sẽ cố gắng vượt qua những nhược điểm đó và cố gắng tu tập.

5- NIỆM HIỆN TẠI KHÔNG TỐT

(26:26) Trưởng lão: Rồi! Con về, nỗ lực đi con. Con Pháp Châu, con chia ra mười lăm phút để nhiếp tâm phải không con? Con lên đây đi. Xá Thầy thôi con.

Tu sinh Pháp Châu: Con kính bạch Thầy! Thầy có thể cho con xả tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Con ngồi thấy không ổn. Ngồi vô cái là hôn trầm với lại cái chuyện lung tung là vẫn còn. Con nhiều lúc là tác ý thấy không được. Nhưng từ bữa Thầy cho con đi Thân Hành Niệm tới giờ, con chấp hành nghiêm chỉnh là mười lăm phút là một lần. Nhưng mà con đi tất cả mọi cái, nhiều lúc là hắn thúc dục con muốn đi cả ba mươi phút nhưng mà con nói không được. Thầy cho mười lăm phút là mười lăm phút.

Trưởng lão: Cho nó thuần.

Tu sinh Pháp Châu: Mà con thấy nó cũng khỏe. Bệnh nó cũng ổn không có gì cả. Hôn trầm nó không có và các cái niệm khác nó không khởi nữa. Nhưng thỉnh thoảng nó có cái xẹt vào cái thì trong lúc con đi thì nó xẹt vào đấy thì Thầy cho con biết con có nên dừng lại để mà?

Trưởng lão: Coi như là con tập mười lăm phút, cẩn thận, kỹ lưỡng trên pháp Thân Hành Niệm hoàn toàn không cho nó niệm. Khi xả ra nghỉ mười lăm phút thì có niệm gì cũng được không sao, nhớ không? Còn khi mà khép vô để tu tập pháp Thân Hành Niệm để nhiếp tâm, thì giữ gìn không có cho niệm xẹt nào hết, thì như vậy mới có chất lượng con. Ráng tu tập, lấy mười lăm phút làm cái chuẩn để cho mình nhiếp tâm ở trong cái pháp Thân Hành Niệm, nhớ không? Tập nữa, tập nữa để cho hoàn toàn là không có niệm mới được. Khi nào không có niệm rồi sẽ trình cho Thầy.

Tu sinh Pháp Châu: Thưa Thầy! Khi mà nó xẹt vào thì khi đang tu tập nó xẹt vào thì nó xẹt vào. Khi ngồi xuống nó không xẹt, nhưng khi đứng dậy để thực hiện các cái tác ý là nó xẹt vào liền. Thầy dạy cho con để …​

(28:45) Trưởng lão: Ờ! Bây giờ cố gắng, thì Thầy nói cố gắng nhiệt tâm hơn nữa, nhất định là không cho xẹt, hoàn toàn phải tỉnh táo ở trên mười lăm (phút ở) trên Thân Hành. Đã nó có xẹt là biết rồi phải không? Bây giờ nhất định cái thời kế đó, nhất định là tu tập không có cho nó xẹt nữa. Rồi kế đó nữa, cứ tập hoài không cho xẹt. Quyết tâm cái nỗ lực quyết tâm của con đó, thì cái quyết tâm đó nó sẽ không xẹt được. Có vậy đó thì mười lăm phút con còn vững. Chứ mà nó cứ có xẹt có xẹt đó thì buộc lòng Thầy phải cho con lui trở lại có mười phút thôi, mất năm phút đó.

Cho nên vì vậy mà cố gắng tăng cái sức mà nhiếp tâm của con hơn trên cái pháp Thân Hành Niệm. Để mười lăm phút đó củng cố mà không thay đổi thì phải không niệm. Lẽ ra thì Thầy có niệm thì Thầy sẽ cho con lui đó. Nhưng mà Thầy thấy con bây giờ là tu tập như vậy là không có hôn trầm thùy miên, đi pháp Thân Hành Niệm rồi. Cho nên do đó ở trên mười lăm phút này, cố gắng hơn nữa là không có cho niệm trong thời này, rồi con sẽ trình báo cho Thầy hay.

Tu sinh Pháp Châu: Kính bạch đức Trưởng lão! Con tập xong rồi, thì trong ba mươi phút xong rồi con thấy tỉnh táo rồi, con đi thư giãn thôi. Lúc đầu đi thư giãn nhưng mà con ngồi lại thì chỉ được mươi phút, chứ mà ngồi lâu quá nó không thể ngồi được, là con cứ đi, mà đi từng nào nó cũng thích, tỉnh th.

Trưởng lão: Vậy là được, không có sao.

Tu sinh Pháp Châu: Ngồi là nó không cho ngồi, cứ đi thôi.

Trưởng lão: Thì bây giờ con cứ đi. Rồi mai mốt đây rồi còn con sẽ, khi mà con dẹp sạch ba cái hôn trầm thùy miên rồi, mặc sức mà ngồi.

Tu sinh Pháp Châu: Dạ!

Trưởng lão: Bây giờ ngồi xuống nó buồn ngủ, cho nên bây giờ cứ tập đi. Đi chừng nào mà hoàn toàn nó không còn có cái bóng dáng ngủ nữa, coi như nó lui hết, nó chạy mất hết rồi, thì chừng đó mặc sức ngồi nó cũng không có tới đâu mà sợ, hiểu không? Nhất là cái nhiếp tâm mà an trú cho được rồi đó thì cái hôn trầm, thùy miên nó sẽ theo đó mà nó cuốn gói nó đi. Rồi con về con tập lại cho kỹ lưỡng đi con.

(30:55) Gia Lộc đâu con? Con thì cái thân nghiệp nó có bệnh, nhưng mà cố gắng nhiếp tâm theo cái sức của mình thôi, để cho nó đạt được cái chất lượng như Thầy nãy giờ dạy. Con làm được không con? Cố gắng đi! Bởi vì đã quyết tâm tu rồi thì phải tập cho được. Chớ đừng có, có lúc thì mười lăm phút, có lúc hai mươi phút.

Không! Chọn lấy năm phút hay là bốn phút hay là ba phút. Tập hoàn toàn chủ động điều khiển được ở trên cái thời gian ngắn nhất của cái sức của mình để không có một niệm. Đó là cái căn bản nhất mà như hồi nãy giờ Thầy đã nói. Rồi tập như vậy và cũng chính như vậy đó, chính mà tập được như vậy đó, thì con sẽ đuổi được bệnh ở trong thân con. Nhiếp cho được rồi sẽ đuổi nó mới được.

Thì hiện bây giờ con thấy đi kinh hành đuổi được bệnh, thì nên đi kinh hành để đuổi được bệnh. Còn đi kinh hành mà chưa đuổi được bệnh thì tập nhiếp tâm trong hơi thở hoặc tập nhiếp tâm trong cánh tay của mình. Để rồi có cái sự nhiếp tâm chặt chẽ, rồi sau đó sẽ đẩy lui bệnh.

Con vọng tưởng còn nhiều quá, nhớ cả lúc còn nhỏ cũng nhớ lại thì đó là vọng tưởng quá động. Đã “quá khứ không truy tìm” mà con lại truy tìm ở trong quá khứ nhiều quá, thì do đó nó không có được. Cho nên vì vậy mà bây giờ làm sao bây giờ? Tự nó nó khởi ra chứ, tự nó nó nhớ lại hồi xưa chứ, chứ con đâu có muốn, phải không? Bụng con thì đâu có muốn nó vọng vậy, mà tự ngồi đây rồi nó nhớ, hay tự tu rồi bây giờ nó yên lặng, rồi nó nhớ ra.

Cho nên vì vậy thì con phải nhiếp tâm cho cẩn thận, cho kỹ lưỡng hơn để cho nó đừng có khởi ra. Coi như nó luôn luôn lúc nào cái pháp nhiếp tâm nó làm cho vắng bặt. Trong cái niệm quá khứ cũng như cái niệm hiện tại cũng như một cái niệm tương lai, nó không bao giờ khởi trong đầu của con nữa.

(32:57) Chẳng hạn như cái niệm hiện tại. Các con biết cái niệm hiện tại là như thế nào không? Trong hiện tại con tu, bước đi kinh hành đó là hiện tại. Nhưng mà cái niệm hiện tại như thế nào: “Chà bây giờ mình đi như thế này là tốt quá!” Đó là cái niệm hiện tại của con. Nó đi tốt nó đi, chứ sao lại khởi niệm lên chi vậy? Có phải không? Thì cái đó là cái niệm hiện tại, quá khứ, hiện tại và vị lai.

Cho nên người ta cứ ngỡ rằng hiện tại là tốt, nhưng mà trật, cái niệm hiện tại không tốt mấy con. Mình đang sống trong hiện tại là tốt. Mình có cái phương pháp nhắc nó, để cho nó sống ở trong cái thời gian hiện tại của nó, đối tượng của nó thôi. Chứ còn mình nhớ: “Ờ, bữa nay tu như thế này, đi thế này, bước đi như thế này. Nó biết như thế này, tức là nó biết trong cái hiện tại mà nó lại khởi ra cái niệm biết, đó là cái niệm hiện tại. Thì cái niệm hiện tại nó cũng là động con đó, chứ không phải không đâu.

Cho nên vì vậy mà cố gắng tập lại cho kỹ lưỡng. Bởi vì ở đây con nói về quá khứ thì Thầy phải nói về cái hiện tại và cái niệm tương lai. Mình lo lắng, không biết rồi mình bệnh đau như thế này, không biết là tu được không, đó là cái niệm tương lai. Tất cả những cái này đều là dừng lại, chỉ còn biết ở trong cái phương pháp đang tu mà thôi, cái phương pháp đang tu. Biết cái phương pháp, có phương pháp, ôm phương pháp. Nó là cái phao, nó là chiếc bè để mà chúng ta vượt sông. Cái phương pháp đó là chiếc bè để vượt sông.

6- QUA SÔNG BỎ BÈ NHƯNG GIỚI LUẬT PHẢI GIỮ

(34:26) Trưởng lão: Cho nên khi mà các con vượt qua cái dòng sông đó rồi, thì cái pháp đó là cái bè đưa các con qua rồi, thì các con bỏ cái bè đó chứ không có. Nhưng mà về cái giới luật thì lúc nào mấy con cũng sống, chứ không thể nói giới luật là cái bè, các con hiểu chưa? Cái bè là cái hơi thở mấy con nhiếp tâm, đến khi Tứ Niệm Xứ thì bỏ cái hơi thở ra, chứ không thể cứ ôm hơi thở thì không được. Cho nên có pháp là cái bè, mà có pháp là không phải cái bè.

Cũng như bây giờ con ăn ngày một bữa, tức là giới luật con giữ gìn như vậy. Mà bây giờ con qua sông rồi, con ăn ngày ba bữa thì không được. Mấy con lại còn nghiêm chỉnh hơn thì nó mới được chứ. Đâu có ăn phi thời kiểu gì kỳ vậy? Phá giới luật à? Như vậy là cái thân hành đâu còn có nữa phải không? Cái thân hành đâu có nữa.

(35:11) Cho nên vì vậy mà con phải ráng tập rồi trình lại cho Thầy. Theo Thầy thấy con nên tu, nên tu không có được nhiều. Nên tu chừng năm phút thôi. Cố gắng. Con làm năm phút nhiếp tâm được không? Cái sức nhiếp nổi không?

Tu sinh Gia Lộc: Dạ! Nhiều khi năm phút nhiếp cũng chưa nổi nữa Thầy. Thậm chí có một phút nhiếp cũng không nổi nữa.

Trưởng lão: Trời đất ơi! Như vậy là thôi, đem mà đập chết cho rồi đi.

Tu sinh Gia Lộc: Nhưng mà có khi thì nó nhiếp cũng được mười mấy, hai chục phút, mà thường thường những cái vọng niệm. Kính thưa Thầy! Nếu như mà vừa có vọng niệm thì con xả ra con nghỉ liền, được không Thầy?

Trưởng lão: Cũng được! Nhưng mà có điều kiện thôi kiểu con tu, thôi rồi trở về Thọ Bát Quan Trai lại đi. Chứ bây giờ lên cái lớp người ta tu, người ta nhiếp tâm một phút mà có khi được khi không thì thôi. Trở về Thọ Bát Quan Trai mình tu đủ thứ hết. Lúc thì nó có niệm thì mình xả ra mình tu lúc khác, có gì đâu? Thọ Bát Quan Trai tới bao giờ hết …​ dám chịu xuống đó …​ Xuống đó mắc cỡ với huynh đệ này quá. Trời đất ơi! Tôi cũng đang học cái lớp này mà bây giờ cho tôi xuống lớp, tôi học cái Thọ Bát Quan Trai giống như mấy người cư sĩ ngoài kia thì chắc tôi chết.

Thầy nói thật sự ra cái trình độ của con là cái trình độ đang ở trong cái lớp Thọ Bát Quan Trai. Mà giờ muốn lên cái lớp này là mình phải nỗ lực tu cho thật sự. Chết bỏ. Chứ cái bệnh con Thầy thấy chắc cũng sắp sửa chết rồi, còn cái gì nữa mà sợ. Bất quá ở đây chôn đi cho rồi, có gì đâu mà sợ. Chứ nó bệnh như thế này thì làm sao?

Thì không tu nó cũng chết, mà tu thì nó cũng chết, thôi cứ tu cho nó chết đi. Thì bây giờ tu thật sự tu. Ở trên lớp này nhiếp tâm. Thầy bây giờ, thay vì người ta Thầy cho một phút, con nhất định phải năm phút cho Thầy, không được vọng tưởng. Về tập, mà hễ có vọng tưởng rồi đến đây biết.

Một là đi xuống lớp Thọ Bát Quan Trai tu, muốn còn sống. Hai là nằm đây cho Thầy, Thầy đập cho chết cho rồi. Thầy hỏi: “Nhiếp được không?” Mà nhiếp được thì Thầy không đánh, mà nhiếp không được Thầy đánh. Cứ mỗi lần mà Thầy bảo bây giờ nhiếp cho được năm phút, nhiếp đi Thầy ngồi đây. Mà nhiếp không được, mà có niệm trong đó, Thầy đánh cho một roi. Rồi bắt đầu nhiếp lại mà nhiếp không được, Thầy đánh roi nữa. Ngồi đó sợ roi quá thì mới nhiếp được. Mà nhiếp được là nhờ sợ roi, chứ đâu phải nhờ sợ Thầy, có phải không? Thì con chỉ còn nước trị như vậy thôi.

(37:21) Tu sinh Gia Lộc: Kính thưa Thầy! Ban đêm mà con không có đi kinh hành ở trong cốc mà con muốn đi ra ngoài thì con tác ý câu: “Nguyện tất cả chúng sanh tránh đường cho tôi đi”. Đi ở ngoài mà không dùng đèn pin được không Thầy?

Trưởng lão: Được chứ sao, con có tâm tha thiết được. Nhưng con đi ở ngoài con không sợ ma à?

Tu sinh Gia Lộc: Dạ, không! Con ở trong khu thất trống, người ta về hết còn có mình con cũng đi vòng vòng gần mất cái mộ đó con đi.

Trưởng lão: Không sợ gì hết? Vậy là tốt rồi. Vậy là tốt, vậy thì phải nhiếp tâm cho được. Gan dạ như vậy thì phải gan dạ nhiếp tâm nữa thì sẽ tốt thôi. Được rồi, như vậy thì đi kinh hành con tác ý như vậy, rồi con cứ đi, con không có lo. Bởi vì trước khi mình đi là mình kêu gọi: “Tất cả chúng sanh hãy tránh đường cho tôi đi. Xe của tôi chạy mà mấy người ở giữa đường thì tôi cán, tôi đã báo trước.” Có phải không? Con đã báo trước rồi thì con đi, con không sợ.

Cho nên vì vậy mà theo Thầy thiết nghĩ, mình có khởi được cái niệm Từ của mình rồi thì mình nỗ lực mình đi để mình tránh được cái hôn trầm thùy miên, con hiểu chưa? Cho nên trong cái vấn đề mà tu tập thì mấy con phải nỗ lực hết mình. Thầy nói thì cho nó vui vẻ như vậy, chứ sự thật ra Thầy thấy cái khả năng của mấy con đó, chỉ cần vét hết ra thì mấy con sẽ làm được. Thầy nói như vậy, có nghĩa là Thầy biết cái khả năng con làm được cái chỗ nào.

Nếu mà để con mà không có chịu nghe lời Thầy, mà con lơ mơ thì nó phí cái thời gian, tuổi đời của con rất tội, phải không? Cho nên con phải nỗ lực thực hiện cho thật sự, năm phút nhiếp tâm cho được. Thầy không cho một phút nữa. Người khác Thầy cho một phút, con năm phút, về nhiếp cho được. Mà nói láo thì Thầy bắt ngồi đây với Thầy đó, chứ không phải. Thầy bắt nhiếp tâm đàng hoàng, ngồi đàng hoàng. Cứ mà có một niệm nào mà xảy ra trong năm phút là bị đòn đó.

Đào luyện cho người học trò mình, ông Thầy ông phải cực chứ sao? Thì Thầy phải chặt cây tầm vông, chứ Thầy đâu có chặt cái cây roi mây làm chi? Thầy chặt cây tầm vông, coi theo Thầy là phải trị thôi. Cái đó là cái nghiệp. Thầy đánh con đau chứ làm gì Thầy, nhưng mà đánh cái nghiệp cho con sợ để mà con nỗ lực tu, hiểu không? Nghiệp dày quá mà, phải đập cho nó bay cái nghiệp đó đi.

(39:37) Thôi ráng đi, ráng tu tập đi. Rồi con về ráng tu tập năm phút nhiếp tâm. Một buổi chỉ có tu năm phút, rồi nghỉ năm phút, tu tập lại năm phút, đúng ba mươi phút như mọi người ba mươi phút. Nỗ lực thật sự, thật tình, đem hết, chết bỏ. Giờ nó có đau nhức cách gì đi nữa cứ nhiếp ở trong hơi thở, trong cánh tay, trong bước đi của con thì phải tập trung kỹ lưỡng hẳn hoi.

Không có được để tâm mình nó chạy xiên chạy xẹo, bên đây niệm này niệm kia. Trời đất ơi! Tới giờ này mà tu mà nó còn nghĩ cái chuyện mà quá khứ hồi còn bé tí tị, thì Thầy không biết làm sao nói nữa. Giờ này mà còn nghĩ cái chuyện đó thì thôi quá tệ. Cho nên không có được. Phải tu tập thật kỹ, có.

Trưởng lão: Ờ! Còn một số bài nữa Thầy sẽ cất đây. Bữa khác Thầy sẽ gặp mấy con. Bây giờ Thầy phải đi ra ngoài Ban Tôn giáo của huyện để làm giấy phép xin để cất cái trường học và cất cái khu cho những cái người mà, mấy con mà lớn tuổi rồi đó, dưỡng lão. Cho nên mấy con ở dưỡng lão mà tu học.

Cho nên vì vậy mà để rồi, lần lượt rồi Thầy sẽ gặp lại mấy con, Thầy sẽ hướng dẫn cặn kẽ cho mấy con tu tập mấy con. Bốn giờ Thầy phải ra Thầy gặp để mà bàn bạc vấn đề này cho nó yên. Chứ còn mình muốn cất nhà, cất cửa hoặc là làm trường học này kia là đều là phải thông qua của Nhà nước. Nhà nước cho phép mới làm, Nhà nước chưa cho phép chưa làm.

Nhưng mà cái lớp học đó, chúng ta cất ở bên ngoài. Chứ nếu mà ở trong Tu Viện chúng ta thì không sao. Chúng ta cất ở bên ngoài là để chúng ta cho bà con chòm xóm chúng ta, ở trong cái khu chúng ta họ đến họ học đạo đức. Chúng ta làm lợi ích. Bởi vì bây giờ Nhà nước gọi chúng ta là tôn giáo văn minh, chứ không phải là tôn giáo cố cựu. Nó văn minh là nó phải tiến tới. Cho nên cái chùa chúng ta, cái Tu Viện chúng ta nó sẽ có những cái lớp học mấy con. Nó có những cái lớp học. Lớp học đó cũng như chúng ta học đạo đức thì người dân ở ngoài người ta không có thể người ta vào đây người ta học được.

(41:47) Cho nên vì vậy buộc lòng thì mình phải cất cái trường lớp ở ngoài, cho mọi người dân ở trong thôn, xóm, ấp ở trong cái huyện, cái xã này. Người ta muốn học đạo đức, người ta đến người ta học, để giúp cho người ta sống cái đời sống đạo đức, để làm giảm đi những cái tệ nạn của xã hội. Bởi vì xã hội bây giờ những cái tệ nạn nó quá nhiều. Chỉ có tôn giáo chúng ta mới có những cái nền đạo đức đó. Thì đây là cũng là một cái tốt, nhưng mà nó lại cực Thầy hơn, cực Thầy. Nhưng mà cái vấn đề mà thủ tục Thầy thấy mình làm không có sai. Chớ mình cũng chưa biết, nhưng mà mình làm để mình giúp dân, giúp nước.

Còn cái phần mà các con sẽ sau này tu xong thì mấy con sẽ đứng lớp mấy con dạy mới được. Chúng ta có những cái nhân sự, có những cái người làm tất cả những công việc sau này. Cho nên một mặt thì đào tạo nhân sự, kêu là đào tạo giảng sư. Rồi một mặt thì lo xây dựng trường lớp. Các con thấy Thầy làm nhiều lắm. Mai mốt Thầy chết sớm, làm quá thì phải chết. Thôi con về con, ráng tu tập năm phút. Con Thầy thấy, cái kiểu của con sống không dai đâu mà không ráng tu tập.

Tu sinh: Kính thưa, toàn thể chúng tăng bạch Thầy. Dù con cũng chờ Thầy cho con biết về vấn đề về sự tu học của con trong tuần qua. Nhưng mà thôi thì giờ ngắn ngủi Thầy bận công việc thôi để chờ tuần sau.

Thì hôm nay trước khi Thầy rời khỏi đây, con có một số vấn đề mà cần thưa trình với Thầy. Có một vị Thầy, pháp danh là Chí Đạo muốn xin ngày mai này hợp thành tăng đoàn chúng con để làm cái lễ sám hối. Thầy có cho phép hay không?

Trưởng lão: Cũng được con. Cứ làm cái lễ sám hối thì tốt. Biết sám hối, biết phát lồ ra những cái lỗi lầm của mình thì được, Thầy cho phép con. Được.

Tu sinh: Dạ! Con đội ơn Thầy.

Trưởng lão: Thôi bây giờ Thầy sẽ rời khỏi đây. Thầy chào mấy con.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy