00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 33-PHẢI LÀM CHỦ CẢ KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO

PHẢI LÀM CHỦ CẢ KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Ngày giảng: 21/03/2008

Thời lượng: [46:15]

Tên cũ: Cần Thông Suốt - Bảy Tháng Chứng Đạo

Số lượng: 65 pháp âm

1- TU CHUYÊN SÂU, ĐỪNG TU NHIỀU QUÁ

(00:00) Tu sinh: Chúng con xin kính chào Thầy.

Trưởng lão: Hôm nay Thầy về thăm mấy con. Sau một cái thời gian tu tập, mấy con thấy kết quả tốt chưa, có căn bản không? Sự thật ra mấy con tập ít, nhưng mà chất lượng cao hơn là tu nhiều. Thầy sợ mấy con tu nhiều quá. Mấy con biết không?

Cái khoảng thời gian tu, mình phải biết cái sức của mình. Mình tu một phút thì mình tu một phút, đừng có tu hai phút. Đừng có thấy ngồi mà ba mươi phút, hơi được được cái là cho luôn tới một giờ nữa thì thôi, Thầy nói kiểu mà tu lút. Tu kiểu này chắc mấy con không có kết quả đâu, dậm chân tại chỗ.

Cho nên từ lâu tới giờ mấy con xét lại có phải mấy con tu nhiều không? Tu ngồi nhiều quá mà chất lượng không có. Thầy nói Thầy nhắc mấy con tu một lần tu, một cánh tay đưa ra như thế này thôi. Tập trung cho kỹ, nhiệt tâm cho kỹ trong một cái hành động đó, hoặc là một hơi thở hít vô, thở ra thôi. Cái sức của mình một hơi thở thì tu một hơi thở. Nhưng một hơi thở cho chắc trong một tuần lễ, rồi mới tăng lên hai hơi thở, chứ đừng có tu nhiều.

Thấy tu hơi được được, không có nhiều niệm khởi cái làm tiến, làm tới. Sao mà tham quá? Tham tu cũng là tham. Nhưng mà chính cái đó nó sẽ dẫn mình đến cái sai, mất căn bản. Nó không có đủ cái sức nhiếp tâm thì tới an trú, mấy con thấy an trú mình chỉ có pháp tác ý thôi. Mình chỉ nhắc một lần để cho nó an.

Cho nên vì mình chỉ nhắc một lần, rồi mình nương vào hơi thở hoặc cánh tay đưa ra, đưa vô nhẹ nhàng để mà còn có sự chú ý nó mạnh hơn, chứ nó đâu có cái pháp hướng gì trỏng nữa. Coi như mình bỏ cái sợi dây rồi. Các con thấy pháp an trú, tới giai đoạn an trú là mình bỏ cái sợi dây rồi. Thế mà mình nhiếp không được thì an trú làm sao cho được? Nhiếp không được, còn có cái sợi dây kia mà còn niệm khởi thì Thầy nói làm sao mà vô được, có phải không?

Đó thì mấy con xét cái sự tu của mấy con nó lỏng lẻo đến mức độ mà thưa với Thầy. Mấy con không nghe lời Thầy. Nếu nghe lời Thầy, hôm nay mà gặp Thầy, mấy con con có kết quả rất lớn. Thấy kết quả tu của mình thật sự là mình nhiếp tâm ở trong một hơi thở hoặc là một cánh tay đưa ra, sẽ trình Thầy: “Con sẽ có kết quả này, con nhiếp được.” Phải không? Mấy con thấy. Cái kết quả đó là cái cụ thể nhất cho cái sự mình muốn làm cái điều đó là phải đạt được cái điều đó. Đó là cách thức tu tập.

Ở đây mình nhìn lại, Thầy đã nói đây là cái giai đoạn mình đi sâu rồi, chứ không phải giai đoạn tu chung chung để mà biết các pháp chơi. Mình dạy cho phật tử người ta tu đó, thọ Bát Quan Trai là tu chung. Biết các pháp như thế này thế nọ, pháp Thân Hành Niệm, pháp Định Niệm Hơi Thở, đề mục này, đề mục kia, tu hết đủ thứ. Cái nào họ cũng làm được hết, nhưng họ không chuyên sâu.

Còn mình bây giờ khác rồi. Mình bây giờ lên Đại học rồi, không còn ở Tiểu học, Trung học nữa, chuyên để mà chứng đạo quả. Các con thấy không? Bây giờ mấy con lên cái lớp Đại học chuyên về một cái ngành nào. Bác sĩ người ta chuyên về bác sĩ; luật người ta chuyên về luật. Các con hiểu không? Bây giờ nó chuyên rồi. Mà bây giờ mấy con chuyên như vậy là làm sao chuyên được? Học chung chung chung chung. Cứ tăng cái thời gian lên hoài như vậy thì nó chung chung, nó không kết quả.

Cho nên người ta chuyên là người ta, cái kết quả của nó cho rành từ một hơi thở, từ một hành động, từ một bước đi, cái đó phải thực tế, cụ thể, thuần thục. Như một bác sĩ mà cầm cái dao rạch thì trúng ngay chỗ chứ không rạch bậy chết người ta sao? Các con rạch cái kiểu này chắc chắn là đi đời hết đó. Có phải không? Bác sĩ gì mà rạch tùm lum tà la vậy, niệm khởi tùm lum vậy, chết người ta hết còn gì? Có phải không?

Mấy con cứ nghĩ đi. Đây là cái lớp của mình chuyên để chứng quả A La Hán, chứng vô lậu. Nhiếp tâm an trú được rồi thì mới ở trên Tứ Niệm Xứ, mới tạo thành một cái nội lực. Cái tâm thanh tịnh như vậy đó, nó mới quét sạch cái vi tế tham, sân, si của chúng ta, nó mới trở thành cái nội lực của Thất Giác Chi.

(04:19) Các con đọc cái bài kinh đức Phật nói món ăn của Tứ Niệm Xứ là gì không? Thất Giác Chi. Có phải không? Có phải Thất Giác Chi là món ăn của Tứ Niệm Xứ? Mà Thất Giác Chi là bảy năng lực của người ta, bảy năng lực của Thất Giác Chi, có phải không? Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mà Thất Giác Chi có phải là bảy cái pháp này không?

Mà nếu mà bảy cái pháp này không ở trên Tứ Niệm Xứ tu, làm sao có được? Mà Tứ Niệm Xứ mà còn niệm khởi cái này kia, mấy con làm sao ở trên Tứ Niệm Xứ mà tu Bảy Giác Chi được? Các con hiểu rõ. Ở trên Tứ Niệm Xứ mà ngồi lại còn ở trong đầu mà khởi ra niệm này, niệm kia thì đó tu Tứ Chánh Cần, chứ sao lại tu Tứ Niệm Xứ được? Cho nên buộc lòng chúng ta nhiếp tâm và an trú được mới ở trên Tứ Niệm Xứ.

Bởi vì nó đâu còn niệm mà nó còn có cái an trú. Mà bây giờ mình, cái sức của mình nó tu có đưa cánh tay ra, vô vậy thôi, mà bây giờ làm luôn ba mươi phút thì Thầy nói: “Trời đất ơi! Ông nào mà tu cho nổi?” Có phải không? Cái sức của mình, cái khả năng của mình nó chỉ có một hơi thở thì mình tu tập một hơi thở. Đó là về cái phương pháp nhiếp tâm và an trú.

Còn về cái phương pháp mà trực diện (là vì), các con biết tại sao mà mình trực diện vào Tứ Chánh Cần mình tu không? Là tại vì cái người đó đã từng nhiếp tâm, nó đi lạc vào trong tưởng, người ta không thể nhiếp tâm được nữa, buộc lòng người ta phải ở trong Tứ Chánh Cần…​ (không nghe rõ). Bởi vì nhiếp tâm an trú thì người ta nhiếp xong cái lọt vô tưởng. Cái hiện tướng tưởng nó xuất hiện, cho nên người ta không còn chủ động cái ý thức được. Cho nên người ta mới vào Tứ Chánh Cần người ta xả. Các con hiểu không?

Hoặc là cái người đó, người ta nhiếp tâm trong hơi thở hoặc cánh tay, làm cho người ta bị rối loạn hô hấp, làm cho người ta bị đau nhức cơ thể. Cho nên người ta không tiếp tục nhiếp tâm an trú được. Buộc lòng người ta cho qua Tứ Chánh Cần, người ta tu tập để ngăn ác diệt ác, xả tâm. Các con hiểu không?

Bởi vì từ cái lớp mà Thọ Bát Quan Trai của mấy con, tu tập các pháp chung chung đều là người ta nhắm vào hết. Coi mấy con cái đặc tướng của mấy con ở trong cái pháp nào, pháp nhiếp tâm an trú hay là pháp xả tâm, mà qua đây người ta dẫn dắt mấy con. Có nhiều người mấy con thấy không? Trong khi đó mấy con niệm Phật nhất tâm. Thì trong khi mấy con niệm Phật nhất tâm để cho đừng có niệm, thì mấy con bị lọt trong tưởng rồi.

Bây giờ cho mấy con nhiếp tâm an trú để mấy con đi vào Tứ Niệm Xứ làm sao được? Bị tưởng rồi. Buộc lòng người ta phải cho các con qua Tứ Chánh Cần, các con ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp trong đó. Mấy con thấy không? Tu đâu nó phải có cái cách thức của nó, phương pháp hẳn hoi. Mà mấy con, từ hôm đó mà Thầy đến đây, Thầy nhắc nhở mấy con. Nếu mấy con tu kỹ lại đàng hoàng, Thầy nói hôn trầm thùy miên cũng bay mất hết.

Tại sao? Tại có phương pháp hết rồi mấy con, Thầy dạy mấy con có phương pháp. Từ ở trong Thọ Bát Quan Trai mấy con tập các pháp mấy con có được. Thậm chí như pháp Thân Hành Niệm là cái pháp để người ta luyện Tứ Thần Túc, vậy mà Thầy cho mấy con tập. Các con nhớ các con tập những cái pháp đó đi.

Nghĩa là mình khi mà đi kinh hành thì mấy con dở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, hạ gót xuống. Mà dở chân lên thì tác ý, cứ tác ý theo hành động của thân mình. Rồi ngồi xuống hít thở cũng tác ý từng hành động ngồi. Co chân, duỗi tay, nắm chân như thế nào đều tác ý. Tất cả những hành động đó Thầy đều cho mấy con thử, tập cho nó biết cho nó quen thôi, chứ chưa chuyên sâu. Chuyên sâu là cái pháp đó để luyện Tứ Thần Túc, để luyện nội lực của chúng ta trong khi chúng ta thấy tâm mình được ở trên Tứ Niệm Xứ.

Còn bây giờ ở trên Tứ Niệm Xứ chưa được thì luyện nó bị cái lực tưởng thôi, chứ đâu có còn cách khác nào hơn được nữa. Tâm còn tham, sân, si một đống mà luyện cái nội lực của pháp Thân Hành Niệm thì luyện sao được? Đâu có ai mà tu tập được cái chuyện đó.

2- SỐNG ĐÚNG GIỚI LUẬT SẼ HẾT NIỆM KHỞI

(08:11) Trưởng lão: Bởi vì giới luật là giúp cho chúng ta ly dục ly ác pháp. Mà giới luật chưa thanh tịnh mà tập pháp Thân Hành Niệm thì đâu được. Cho nên giai đoạn này các con tập đâu phải là pháp Thân Hành Niệm đâu. Đây là nhiếp tâm và an trú. Mượn thân hành nội và thân hành ngoại, tức là hơi thở và cánh tay hay hoặc bước đi của chúng ta. Đó là thân hành để chúng ta nhiếp tâm và an trú để đi vào Tứ Niệm Xứ.

Phải không? Mà bây giờ các con thấy từ cái chỗ tập nhiếp tâm này, mà khoảng thời gian ba mươi phút mấy con nhiếp từng hành động. Một hành động đưa tay ra, đưa tay vô, hít một hơi thở thôi, mà nhiếp hoàn toàn tốt, không có gì hết thì các con an trú rất tốt. Mà nếu trong ba mươi phút này nó hiện ra những cái tướng tưởng thì người ta đâu có cho mấy con tu đâu. Người ta biết rằng cái tâm tham, sân, si thô của mấy con còn nhiều quá, người ta đưa qua Tứ Chánh Cần xả hết. Người ta đâu có cho ở trên cái pháp nhiếp tâm và an trú đâu. Người ta cho mấy con tu tập rất căn bản.

Cho nên hôm nay Thầy đến đây gặp để thứ nhất là nhắc nhở cho mấy con. Thầy biết rằng Thầy sẽ dẫn dắt mấy con tới nơi tới chốn, trong cái số của mấy con mà tu kỹ lưỡng. Hôm nay sư Giác Thường cũng có xin gặp Thầy, nhưng mà sư Giác Thường tập an trú để ở trên Tứ Niệm Xứ. Như vừa rồi Thầy có đến thất của sư Giác Thường để giúp đỡ sư Giác Thường. Bởi vì hôn trầm thùy miên đánh dập tan nát hết. Đâu phải an trú dễ mấy con, đâu phải chuyện dễ đâu.

Cho nên mấy con thấy, nhiếp tâm ba mươi phút không niệm, nhưng mà an trú ba mươi phút là bị dập liền tức khắc, không phải dễ đâu. Bữa nay được, chứ giờ khác không được, mà hôn trầm thùy miên nó sẽ đến nó quét, bởi vì mình không có cái pháp. Cho nên Thầy nhắc phải đi kinh hành, phải đi kinh hành thôi để chống chịu với nó, để rồi hoàn toàn chúng ta phải an trú cho được. Bây giờ tập an trú trở lại. Căn bản nhất an trú cho được pháp an trú này.

Qua cái giai đoạn nhiếp tâm được rồi, bây giờ an trú. Mà an trú là không dễ đâu. An trú bởi vì mình an trú, mình nhắc: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Rồi: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành …​” thì hít vô thở ra, hít vô thở ra. Năm, mười hơi thở an trú cái nó an luôn, nó đi làm một giấc luôn, khỏi nói. Có phải đó là nó an trú luôn hay không? Bởi vì mình nhắc nó an mà, cho nên nó an nó đi luôn một giấc ngủ thức dậy. Thôi rồi, đâu còn gì đâu.

Bởi vì đó là cách thức mình chưa có sức tỉnh chưa đủ, cho nên cái sự an nó sẽ dẫn mình vô. Các con chưa an, chứ mấy con an rồi cái ngủ nó dễ lắm con. Cho nên trong cái sự tu tập nó có cái khó, chứ không phải không có cái khó. Cho nên khi mà thấy an rồi thì chúng ta thích ngồi lắm. Mà cách thức Thầy nói thật sự, khi mà nó lười biếng một cách thậm tệ. Nó thậm tệ lắm!

Nó muốn ngồi, nó muốn nằm, chứ nó không muốn đi, nó sợ đi lắm, nó lòi cái bản mặt lười biếng ra, mà mấy con không gan dạ thì nó dập mấy con ngồi xuống, nó nói: “Ngồi chút để khỏe đặng tu cho tốt”. Nhưng mà ngồi nó làm một giấc đi luôn một nửa tiếng đồng hồ dễ dàng không có khó khăn. Các con lưu ý trong vấn đề tu tập.

Thầy đã vượt qua bao nhiêu khó khăn trong cuộc đời tu hành của mình là hôn trầm thùy miên. Cho nên Thầy đọc Thiền tông, Thầy thấy trèo trên cây ngồi, rồi lấy dùi đâm vô chân để mà phá hôn trầm. Thầy nói không có phương pháp cái kiểu này, chỉ còn nước ngồi trên cây nó rớt xuống có ngày gãy cổ, tiêu đời chứ không có còn nữa.

Thật sự ra nó có phương pháp đàng hoàng. Phật dạy chúng ta đi, vậy mà nó còn ngủ ở trên bước đi chứ đâu phải dễ đâu mấy con. Vì vậy mà chúng ta phải sử dụng cái pháp thân hành, tác ý. Mà Thầy còn phải biết cách, Thầy phải chế nó ra là vừa đi mười bước lại ngồi thở năm hơi thở, để cứ ngồi lên ngồi xuống ổng ngủ không có được.

Vừa mới chợp mắt bắt buộc năm hơi thở phải đứng dậy. Cho nên vì vậy mà ảnh tức trong mình ảnh quá trời. Ảnh dày vò ảnh: “Ngồi không được, đi cũng không được, đi lâu nó ngủ, ngồi xuống thì cứ chút chút cái đứng dậy.” Cho nên nó tức bực ở trong người, nó hoành hành ảnh, nó làm cho đau chỗ này, nhức chỗ kia, đủ loại.

(12:33) Khi nào mấy con gặp Giác Thường mới biết rằng: “Khi tôi tu an trú đó, tôi vô Tứ Niệm Xứ chứ gì?” Nó hoành hành ghê gớm lắm mấy con. Ngồi chung thì mình nương tựa với nhau. Còn ở trong thất mình không có ai nương tựa, nó làm một giấc luôn đó. Nó dễ cám dỗ mình hơn.

Cho nên trong cái sự tu tập nhớ tu kỹ lưỡng. Rồi Thầy dặn như thế này nè. Đợi mà nó có hôn trầm thùy miên rồi, thì đừng có mong phá nó. Chúng ta biết cái giờ đó là nó dễ bị buồn ngủ, hôn trầm thì chuẩn bị đi kinh hành chứ không được ngồi. Đừng có cho nó hiện vào.

Cũng như bây giờ mấy con tu mà căn bản thì mấy con đừng có cho một cái niệm khởi trong đầu của mấy con. Chứ mấy con cho niệm khởi rồi thì già đời mấy con cũng không nhiếp tâm được đâu. Bởi vì ngay từ lúc đầu làm sao mà chúng ta bây giờ tu một phút là một phút không có niệm nào xen vô được. Còn bây giờ có niệm xen vô. Giờ phút này không niệm chứ phút sau có niệm. Rồi tu nữa, tu nữa, tu hoài vậy, Thầy nó chẳng có ra gì được hết, uổng công.

Thì cái hôn trầm thùy miên nó cũng vậy, nó là niệm si. Còn cái này là niệm tham, nó mới khởi ra trong đầu mình niệm này niệm kia, nó tỉnh bơ nó khởi ra. Còn niệm si nó ngồi nó lặng, nó mất tiêu à. Cho nên nó là cũng niệm, chứ có gì đâu. Mà mình tu mà mình để những cái niệm này thì sao cho được?

Cho nên bây giờ, thí dụ như buổi sáng nó hay buồn ngủ, hôn trầm thì mình đừng có ngồi. Mà chuẩn bị trong cái giờ đó, mình biết rằng mình sẽ ngồi trong giờ đó là bị nó liền. Cho nên trong cái buổi đó là tập đi. Đi mà mỏi chân quá thì mình ngồi chút xíu, đứng dậy đi liền. Chứ không, ngồi để nó có cái tướng trạng, nó khởi ra có một cái niệm, thì coi như cái thời công phu đó mình đã thua rồi, chất lượng mất rồi. Bắt đầu số không trở lại nữa.

Làm sao mà trong một tuần lễ mà mình không có niệm. Mình chủ động được, không có niệm hôn trầm, không có niệm vọng tưởng, thì mình mới tăng lên được. Còn có một niệm thì không có được tăng. Đó là mình tu không chất lượng. Mấy con nhớ kỹ phải tu tập kỹ lại. Và tu tập kỹ mấy con sẽ thấy trong một tuần lễ có kết quả rõ rệt…​ (không nghe rõ). Bởi vậy Thầy dạy chứ, thực sự ra mấy con tu, Thầy đều theo dõi hết.

Còn các con mà tu Tứ Chánh Cần, mấy con yên tâm. Tứ Chánh Cần thì nó cũng là một cái phương pháp nó rất dễ dàng lắm, đâu có khó khăn gì. Để Thầy nhắc cho mấy con. “Bây giờ tôi tu Tứ Chánh Cần nè, tôi nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.” nè, tôi ngồi nè”. Thì lúc bây giờ không có niệm nào vô đâu, ba mươi phút là ba mươi phút.

Bắt đầu bây giờ tôi tu ba mươi phút rồi, tôi xả ra nè. Tôi xả ra tôi chơi nè. Có niệm thì được không có sao hết,tôi cho mặc sức niệm gì thì niệm. Nhưng lúc bây giờ có thể có niệm này, niệm kia, tôi thấy tôi cũng biết nó là ác, thì tôi cũng biết ác, tôi ngăn được, mặc dù không phải giờ tôi tu.

Nhưng mà trong cái giờ mà tôi tu Tứ Chánh Cần đó, tôi nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi tôi ngồi đây. Đầu tiên đó thì nó còn năm ba niệm, nhưng mà lần lượt tôi ngồi đây trước cái sức tỉnh của tôi, tôi cố gắng cái sức tỉnh của tôi thì niệm nó không khởi. Tu Tứ Chánh Cần mà niệm không khởi đó.

Tôi khôn khéo lắm, tôi nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.” Rồi tôi ngồi một chút tôi nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tất cả các cái niệm gì không được khởi ra trong giai đoạn này. Tứ Chánh Cần phải thanh tịnh.” Mình nhắc vậy thôi. Rồi mình tu, rồi nhắc rồi tu, suốt ba mươi phút không niệm.

Bây giờ tôi mới bỏ dần, bỏ dần cái pháp tác ý ra. Các con tu Tứ Chánh Cần, các con nhớ cái chỗ Thầy nhắc. Bỏ dần ra. Tôi nhắc một lần: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.” Rồi trong ba mươi phút này tôi tu, tôi cũng để tôi thấy cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự của tôi hẳn hoi. Nhưng lòi ra một cái niệm: “Được rồi, một niệm tao tha thứ cho mày!” Tứ Chánh Cần nó dễ lắm mấy con. Một niệm, đem cái niệm tao mổ xẻ liền tức khắc, coi mày còn ở chỗ nào nữa: “Tao đã quyết tâm tao bỏ hết rồi, sống đúng giới luật rồi. Thử hỏi bây giờ tao còn có gì đây?”

Ở đây quý sư mà có hai bộ y, coi chừng nó dật quý sư đó. Nghĩa là đời sống có một cái y thượng thôi chứ không có được hai y. Nếu ai mà hai bộ, hai bộ tức là đã phạm giới đó, mà phạm giới thì tu không tới đâu. Phạm giới làm sao tu tới? Đó là còn tâm tham mà. Các con nói: “Tôi để dành. Bởi vì cái bộ y cũ của tôi nó rách, cho nên tôi để dành.” Rách vá, tới chừng đó chừng nào rách mặc vá không được nữa thì xin, chứ không có dự phòng.

Người tu sĩ không có dự phòng, còn mấy con mà cứ hai bộ, hai bộ là chết rồi. Sẵn cô Út cho, thôi để dành cất, thì mấy con tiêu đó. Tu như vậy không có bao giờ mà chứng quả. Có nghe ông A La Hán nào mà ôm liền hai cái bộ y không? Các con có nghe bao giờ có cái điều đó không? Cho nên hôm nay Thầy nhắc chung cho mấy con thấy. Ba y một bát, xả cho sạch.

Cho nên trong khi mình xả sạch rồi đó, mình mới có phương pháp tác ý: “Xả sạch rồi mà tại sao mày còn tham lam cái gì mà mày khởi niệm này?” Thấy không? Mấy con thấy không? Mình còn tham lam cái gì mà khởi niệm? “ À! Như vậy là rõ ràng mày còn đây, cho nên mày còn tham, thì mày khởi niệm là phải chứ sao? Cái ăn, cái mặc, cái ngủ của mày, mày còn tham cái gì đây?” Xét cho tận cùng. Bởi vì mình quán mà. Mình tu Tứ Chánh Cần, mình quán, mình xét, mình tư duy suy nghĩ kỹ.

Cho nên cuối cùng mình thấy hoàn toàn mình xả hết rồi. Thì lúc bây giờ: “Xả hết rồi mày còn cái gì, mày tiếc cái gì nữa mà mày khởi niệm?” Phải không? Mình chỉ cần tác ý, mình chỉ cần nhắc nó như vậy thì nó không dám khởi niệm nữa. Bởi vì nó còn cái gì nữa nó khởi niệm?

Còn mấy con còn giấu giấu, nhét nhét, đút đút, để dành riêng để cho nó. Nó không có nhiều, nhưng mà nó phạm mấy con. Mà nó phạm là có cái chỗ kẽ của nó, để nó bào chữa như thế này thế khác của nó, để mà nó phạm giới. Chuyện nghiêm chỉnh đó mấy con.

3- PHẢI Ý CHÍ NGHỊ LỰC MỚI GIẢI THOÁT ĐƯỢC

(18:43) Trưởng lão: Thì bây giờ Thầy nói như thế này, mấy con nghe này. Những cái điều mà mấy con phạm Thầy biết. Mấy con học Đạo Đức Hiếu Sinh chưa mấy con? Thế mà người nào tối ngủ cũng giăng mùng hết. Mấy con hiếu sinh chỗ nào mà con muỗi nó đói, nó đến nó xin mấy con chút máu, mấy con không cho à? Hay mấy con tiếc, hay mấy con cố ý không?

Đó thì mấy con thấy, mình hiếu sinh chỗ nào đâu? Mà khi mà con muỗi nó đói, nó cũng là một cái sự sống chứ. Mà nó đến nó xin mình chút máu mà nỡ nào tiếc nó sao? Thế mà mấy con tiếc. Mấy con nghĩ thử xem, nếu để muỗi nó chích mình bị sốt sét thì sao?

Thà là mình chết để cho chúng sanh sống, hơn là mình sống mà không xả được tâm mình, không xả được bản ngã của mình. Mình sợ chết tức là gì mấy con biết không? Chấp ngã. Có đúng không mấy con? Xả hết, cái ngã này không cần nữa. Một là chết, hai chứng đạo.

Cho nên mấy con nghe hai vị sư kia đến thăm Phật. Một vị sư phạm giới thì đến gặp Phật, một vị sư thì chết ở sa mạc mà đã gặp Phật trước rồi, giữ giới đúng. Đức Hiếu Sinh là gì mấy con? - Giới không sát sanh. Mà nó thực hiện lòng bố thí của nó mấy con. Đây Thầy nói chung.

Thầy nói Giác Thường: “Ở ngoài đó muỗi thiếu gì? Có một chút máu cũng tiếc sao?” Cho nên Giác Thường nghĩ phải đúng rồi…​ bây giờ ngủ (không nghe rõ). Nhưng mà cuối cùng cái lòng từ của mình, cái tâm từ của mình thực hiện, nó chỉ đến nó xin mình chút thôi, chứ sau đó nó không đến xin nữa. Nó nói: “Máu ông này từ bi quá trời, mà ai nỡ lòng nào mà hút?” Đó mấy con thấy không?

Mà mấy con lại ngồi đó khoảng khoát…​ (không nghe rõ), ngồi trong mùng nó tù túng, nó còn thêm buồn ngủ, hôn trầm mấy con nhiều nữa chứ làm gì? Không Thầy nói thật mấy con, ngồi trong mùng nó dễ ngủ lắm. Chớ còn cái người tu không có sợ chết, không có sợ gì nữa hết. Bây giờ chỉ có còn chứng đạo mà thôi. Trong cái lớp của mấy con là lớp chứng đạo, chứ không phải là lớp tu chơi. Chứ không phải tu 1 năm, 2 năm, 3 năm nữa.

Cho nên tu phải thật sự tu, làm cho thật sự làm! Thì Thầy nói rằng con đường trước mặt, giải thoát của mấy con ở tại chỗ đó. Cái nghị lực, cái quyết chí của mấy con, nó sẽ thành công. Cái người tu hành mà không có ý chí, không có nghị lực, làm sao mà thành công được? Các con hiểu chưa?

Bởi như vậy tu thì phải thật tình tu. Chết bỏ. Có Thầy hướng dẫn. Có một người làm chủ sự sống chết mà hướng dẫn mà không tu như vậy thì các con nghĩ sao? Mai mốt rồi có người nào làm chủ được như Thầy để mà hướng dẫn mấy con không? Rồi chừng đó mấy con tu cách nào đây? Biết đường nào mà tu đây? Làm sai họ cũng đâu có biết.

Đó như bây giờ mấy con cứ ngồi tu đi, mấy con làm sai, ai biết cái sai của mấy con mà sửa? Chứ Thầy ngồi trong kia, chứ mấy con ngoài này tu, Thầy biết thiếu căn bản hết. Thầy mà bữa nay không nhắc, mấy con tu hoài cũng vậy. Nói: “Làm sao tôi tu mà sao hôn trầm thùy miên dữ?” Có căn bản đâu mà hôn trầm thùy miên nó không vô không đánh? Còn người ta tu hẳn hoi đàng hoàng, có căn bản đàng hoàng thì thùy miên hôn trầm đến không được. Các con hiểu chưa?

Tu cho đàng hoàng. Một đời mà bỏ đi tu, bỏ hết gia đình, bỏ hết sự nghiệp, vào đây để xin một bữa cơm ăn thì còn lý gì mà không tu cho tới giải thoát. Quyết định có một con đường đi tới, không có lui trở lại nữa. Nhất định chết bỏ. Tập cho kỹ theo đúng lời Thầy dạy.

Mấy con làm đúng thì có Thầy đến giúp đỡ mấy con liền. Mấy con làm sai thì có Thầy sách tấn mấy con liền để các con chỉnh, Thầy không bỏ mấy con chơ vơ một mình đâu. Thầy không bỏ cho mấy con kéo dài lê thê cái thời gian từ năm này đến năm khác, từ tháng này qua tháng khác mấy con. Phải nỗ lực thật sự mấy con, tu phải thật sự nghiêm mật, tu phải thấy được.

Bởi vì mấy con nhiếp đúng. Mấy con thấy rõ ràng nhiếp đúng, mấy con nhiếp tâm được, thì tâm mấy con không có niệm, thì tức là mấy con có sức làm chủ chứ gì? Mà suốt trong ba mươi phút mấy con nhiếp tâm không có một niệm nào, mà giờ nào cũng vậy thì tức là cái kết quả của mấy con thấy. Đó là một cái sách tấn lớn cho mấy con.

(23:09) Bây giờ Thầy nói Thầy tu trong một phút thôi. Mà một phút Thầy nhiếp tâm hoàn toàn lúc nào cũng đạt được cái chất lượng, không có niệm khởi trong đó. Hôn trầm không đánh vào được cái chỗ đó. Thì đó là cái kết quả, kết quả, phần thưởng cho Thầy, cái kết quả rất mừng.

Và Thầy sẽ dẫn tới. Thầy chỉ mong cái kết quả nhỏ đó mà Thầy dẫn mấy con tới. Chứ cái kết quả nhỏ này mà không có mà dẫn đi tới nữa thì chới với mấy con hết. Ở trên nó khó lắm mấy con. Nó khó đối với cái người mà chưa có được cái căn bản ở dưới thì lên trên mấy con tu không được.

Đó bây giờ thí dụ, bây giờ Thầy đưa mấy con vào cái Tứ Niệm Xứ đi, ngồi tâm bất động đi, mấy con làm sao mà làm được? Ở đây nhiếp tâm trong một phút mà không được, mà lên tới Tứ Niệm Xứ phải từ ba mươi phút trở lên. Mà ba mươi phút làm sao mấy con chịu nổi?

Làm sao mấy con nằm ở trên Tứ Niệm Xứ cho được? Ở đây một phút chưa được làm sao dám lên trên đó? Mà ở đây nó có cái phương pháp, cách thức dẫn tâm, nhiếp tâm để an trú nó mà làm không được thì lên Tứ Niệm Xứ nó đâu có phương pháp nào nữa đâu. Thì mấy con làm sao tu cao được nữa.

Mà bây giờ cái tâm của mấy con nó chưa có thanh tịnh, chưa bất động ở trên Tứ Niệm Xứ, thì làm sao mấy con luyện thần lực được? Làm sao có thần lực được? Các con thấy cái nào nó cũng phải mang được cái kết quả của nó. Mà bây giờ kết quả của cái nhỏ nhắn nhất này đạt được thì Thầy sẽ dẫn dắt để con đến được.

Người ta biết cái mương này, cái rạch này dẫn con qua được, mà đến cái sông, cái rạch này thì con sẽ lội qua không được. Người ta biết, cái người đi trước người ta biết. Bây giờ cái đoạn sông, cái đoạn rạch này đó, Thầy dẫn mấy con vượt qua được đến bờ của nó bên đây được, bên đây của cái sông rạch này. Nghĩa là nhiếp tâm và an trú trong giai đoạn này, giữ sử dụng cái pháp này Thầy dẫn mấy con đi vào chỗ này mấy con đạt được. Tức là mấy con qua được cái bờ ở bên đây của cái dòng suối này.

Nhưng mà được rồi đó, Thầy mới dẫn dắt cho con đi một cái đoạn sông suối khác khó khăn hơn. Nhưng mà đạt được rồi thì mấy con có cái đà đó, mấy con bơi lội qua được cái dòng sông, dòng suối khác hơn. Mấy con qua được bờ bên kia của cái dòng sông suối đó. Rồi từ cái dòng sông suối đó mấy con còn đi nữa, chứ không phải tới đây mà thôi. Nó được giải thoát đó, được giải thoát đó, nhưng mà con đường giải thoát nó còn xa, chứ không phải chỗ đó là cái bờ giải thoát hoàn toàn.

Mỗi chặng đường nó có cái kết quả giải thoát của nó. Thí dụ bây giờ Thầy nói này. Tâm Thầy khởi một cái niệm lo lắng gia đình. Thầy đem cái niệm đó Thầy mổ xẻ, Thầy quán xét, Thầy xả nó thì nó đem lại sự bình an cho Thầy. Đó là cái kết quả của Thầy từ ở bên bờ đau khổ, nhớ gia đình của mình, thương cha nhớ mẹ của mình để rồi quán xét xả được. Bây giờ nó hết thương, hết nhớ, nó hết có lo lắng, phiền não thì đó là bờ giải thoát của nó chứ sao.

Bờ bên đây đau khổ mà qua bờ bên đây, khi mà xả được qua bờ bên đây là giải thoát liền. Nhưng nó giải thoát của cái dòng sông này, cái dòng suối này, chứ không thể giải thoát cái biển khổ. Cái bờ biển khổ mấy con còn mênh mông lận, nó không thể có một cái …​ chút này đâu (không nghe rõ) được. Nhưng mà cái đoạn này, cái sự giải thoát này là cái kết quả để chúng ta đạt được cái bờ bên kia giải thoát, cuối cùng làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi. Các con thấy chưa?

Hôm nay Thầy nói kỹ, tu tập kỹ lại cho Thầy. Thầy hứa sẽ quyết định dẫn dắt mấy con tới nơi tới chốn. Thầy dám đem danh dự của Thầy ra nói mà. Mà mấy con làm cho đúng lời Thầy dặn. Chứ mà mấy con làm không đúng, Thầy thôi Thầy đành…​ (không nghe rõ). Một người muốn cứu bao nhiêu người khác mà mọi người khác nói: “Thôi! Tôi bây giờ tôi chết đuối tôi chịu, tôi ở dòng sông này tôi chết thôi, chứ tôi không cần lên.” Thôi! Thầy chịu rồi. Thầy giờ có muốn mấy con lên thoát khỏi cái dòng sông chết đuối này cũng không làm sao.

Phần của mấy con là phải tự lực. Còn phần dạy là trách nhiệm của Thầy, Thầy sẽ dẫn các con tới nơi tới chốn. Cũng như ông Phật bây giờ có hiện tiền đi nữa, ông có nói với mấy con đi nữa, ông cũng chỉ nói mấy con tự thắp đuốc lên đi. Ông cũng chỉ là hướng dẫn cho mấy con để cho mấy con đi đến cái chỗ đó giải thoát mà thôi, chứ ông không thể nào ông đi giùm cho mấy con được.

Thì ông Phật cũng vậy, Thầy bây giờ cũng vậy thôi. Thì mấy con phải tự tập, tự rèn luyện mình bằng những cái điều kiện mà Thầy dạy, bằng cái phương pháp đó thì mấy con sẽ đạt được. Thầy nói một ngày gần đây, nếu mấy con tu đúng thì mấy con sẽ đạt một kết quả tốt.

4- TU MỘT PHÚT KHÔNG TỰ Ý TĂNG LÊN

(27:56) Trưởng lão: Ở đây có bức thư của Chí Đạo. Chí Đạo đâu con?

Tu sinh Chí Đạo: Mô Phật ạ.

Trưởng lão: Con mới về đây. Con biết cái sức của con như thế nào. Để hôm nào …​ con cứ vô đây đi con. Giờ Thầy dạy con không nhiều. Thầy dạy con một pháp, ít thôi, chuyên một pháp mà thôi. Thì về đây, thì dù hồi nào tu ở đâu sao Thầy không cần biết. Nhưng mà khi về, muốn theo Thầy tu tập thì Thầy cũng thấy có cái trách nhiệm là dẫn dắt con đi đến cái chỗ là làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt luân hồi. Muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống.

Bổn phận Thầy dắt mấy con đi đến cái chỗ giải thoát thân tâm mấy con được như vậy thôi. Thầy không dạy mấy con cái gì cao siêu thần thông, phép tắc hết. Mà Thầy dạy mấy con làm chủ, cách thức làm chủ cái sự sống, sự đau khổ của mấy con, để mấy con không còn khổ đau nữa thôi.

Muốn tu tập được như vậy thì hiện bây giờ đó, con nương vào cái hơi thở của con. Biết hơi thở ra, biết hơi thở vô, ráng nhiếp tâm trong một phút. Tu tập phút này rồi nghỉ một phút, rồi nghỉ một phút xả ra nghỉ. Thì trong cái thời gian nghỉ đó có cái niệm nào trong đầu khởi, thì con dùng cái niệm đó phân tích, mổ xẻ nó ra. Xả nó coi nó nằm ở trong cái nhân quả nào, cái niệm đó nằm trong nhân quả nào.

Nó nằm ở trong cái ái kiết sử hay hoặc là nằm ở trong cái ngũ triền cái tham, sân, si, mạn, nghi. Coi cái niệm nào nó nằm ở đó, thì ngay đó dùng câu tác ý, dùng pháp Như Lý Tác Ý, tác ý câu đó xả cái niệm đó ra. Rồi để cái tâm trở lại thanh thản, an lạc, vô sự. Rồi hết cái giờ nghỉ rồi thì vô nhiếp tâm lại, hoàn toàn chỉ còn biết duy nhất có hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” rồi hít vô, thở ra. Suốt một phút tu cho đạt được chất lượng một phút, không có dạy nhiều.

Không có phải dạy theo cái kiểu người ta tu Thọ Bát Quan Trai, nó tu chung chung. Cho nên tu ba mươi phút ở trong một cái thời như hơi thở, rồi có niệm, không niệm, rồi cứ cố gắng tập cho nó quen với cái pháp thôi. Còn ở đây chuyên vào hơi thở. Lấy hơi thở làm đối tượng dập sạch những cái niệm ở trong đầu, kêu là ức chế hoàn toàn. Mà trong ức chế có khoảng thời gian, chứ không thể hơn cái sự ức chế đó. Vì hơn cái sự ức chế đó nó sẽ lọt vào trong tưởng.

Cho nên con chỉ tu một phút, rồi nghỉ một phút, rồi tu một phút, cho đúng ba mươi phút nghỉ, xả. Trong thời gian còn lại trong một buổi, hai tiếng đồng hồ nữa thì con sẽ tu Tứ Chánh Cần, tức là ngăn diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện, có như vậy thôi. Con nhớ không? Biết Tứ Chánh Cần không? Biết thì cứ vậy, có vậy tu. Rồi Thầy dạy cho con bấy nhiêu đó thôi. Tu cho thuần thục rồi sẽ gặp Thầy.

Tu sinh Chí Đạo: Con cảm ơn Thầy

Trưởng lão: Con không được tự tăng lên. Thí dụ như được một phút, không tự tăng lên hai phút, không tự tăng lên ba phút, năm phút, hay một giờ, không được tự tăng. Thầy cho tăng là tăng, mà Thầy không cho tăng thì cứ ở đó mà tập hoài. Dù một tháng cũng kiên trì tập hoài.

Nhiều khi Thầy rèn luyện cái sức kiên trì: “Thầy bắt tu hoài mà sao Thầy không cho tôi lên mà bắt tôi vậy?” Nhưng mà đó là rèn luyện cái sức kiên trì, bền chí của con. Thầy không cho con lên, cứ ở một phút đó mà tập, ( y giáo phụng hành)…​ (không nghe rõ). Con nhớ kỹ rồi, thì Thầy mới dẫn dắt tới nơi tới chốn.

5- RÁNG TU ĐỂ DỰNG LẠI CHÁNH PHÁP

(31:06) Trưởng lão: Giác Thức con. Con tập lại cho kỹ lưỡng con, căn bản nhất, căn bản ở trong cái thời gian tu tập. Con phải tập cho kỹ cho Thầy, để rồi Thầy sẽ dạy thêm. Như trong cái bức thư của con gửi Thầy, con tu tập 30 phút. Vậy thì hiện bây giờ con cố gắng, con tập cho nó có căn bản nhất, tiêu chuẩn nhất của nó, đạt được cái chất lượng, làm chủ được trong cái thời gian tu của mình. Con nhớ không con?

Sư Giác Thức: Dạ.

Trưởng lão: Ráng cố gắng, lớn tuổi rồi. Thầy sẽ dẫn dắt mấy con đi tới nơi tới chốn, không để mấy con thời gian kéo dài nữa đâu, không để nữa đâu. Phải thực hiện cho được bằng chứng để mình còn nói lên tiếng nói rằng những tu sĩ về Chơn Như làm chủ sự sanh tử cụ thể rõ ràng, chứ không phải nói lời nói suông.

Mà mấy con là những người đại diện cái tiếng nói của Chơn Như thì mấy con phải ráng cố gắng. Vừa cứu mình, vừa làm gương hạnh sáng, vừa dựng lại chánh pháp của Phật. Cái gánh nặng mà Thầy giao cho trên vai mấy con nặng lắm, chứ không phải là nhẹ. Phải ráng mấy con. Vừa cứu mấy con ra khỏi sự khổ đau của nhân quả, nghiệp thân của con, mà cũng vừa là làm gương cho người khác tu, mà cũng vừa là dựng lại chánh pháp.

Mấy con tu được là mấy con dựng lại chánh pháp đó. Nói cho mọi người biết rằng Phật pháp là có người tu như vậy, đó là mình dựng lại chánh pháp đó. Để đền đáp cái ơn của đức Phật. Từ mấy ngàn năm nay không có cái người mà làm chủ được, tu tập mà làm chủ được sự sanh, già, bệnh, chết. Mà chúng ta trong cái thời đại này vật chất đầy đủ, mà chúng ta bỏ vào đây để mà ngồi sống như Phật, để mà tu tập làm chủ bốn sự đau khổ này thì mấy con, cái giá trị rất lớn trong cái thời đại ngày nay, chứ không phải ít.

Thì con phải ráng cố gắng tập lại. Rồi mai mốt tập được thì mấy con viết thư gửi lại Thầy. “Con đã tu tập được kết quả như vậy, báo tin cho Thầy mừng.” Và chừng nào mà Thầy đến, Thầy cho tăng là mấy con tăng, đừng có vội tăng. Đừng có tự thấy được, rồi mấy con tăng lên là sai mấy con.

Bởi vì cái tâm của mấy con nó còn dục, nó thấy được rồi nó ham. Nó ham rồi tự nó tăng lên. Nó tăng lên thì nó hổng chân. Cái dục nó sẽ đưa mấy con đi đến cái chỗ hổng chân mất đi. Cho nên mấy con đừng có tăng lên chút nào hết. Hoặc là cái dục của mấy con nó sẽ đưa mấy con đi vào tăng lên cái thời gian để mấy con lọt vào trong tưởng.

Thì lúc bây giờ Thầy ở, Thầy mặc dù Thầy có cứu mấy con đi nữa thì mấy con cũng phải mất cái thời gian, rất uổng. Còn mấy con nghe lời Thầy tập cho thuần thục, đừng tăng lên cái gì hết. Rồi nó xảy ra, có cái gì xảy ra thì có Thầy trợ giúp mấy con diệt tất cả những cái trạng thái nó không đúng ở trong cái khoảng thời gian Thầy đã quy định.

Mấy con nhớ kỹ. Cứ tập cho căn bản nhất, thuần thục nhất. Có gì thì mấy con viết thư như thế này, mấy con gửi lên cô Út. Cô Út đưa ra thì Thầy đọc, Thầy nghiên cứu. Thầy thấy cái gì cần gặp mấy con liền là Thầy đến Thầy gặp liền. Thầy gặp liền để trợ giúp cho mấy con tu tập trở lại cho tốt mấy con.

Sư Giác Thức: Dạ thưa Thầy cho con xin hỏi. Khi tu tập mà trong cái thời gian là mình tu tập đó, giả sử một ngày khoảng bốn cữ, thì tăng lên thêm một cữ nữa là năm cữ. Thì tăng vậy có được không Thầy?

Trưởng lão: Không. Con cứ giữ bốn thời thôi. Đừng có tăng lên một cữ nào, đừng có thêm gì hết. Nghĩa là theo đúng cái quy định của thời khóa của Thầy là một ngày một đêm là bốn thời thôi. Sáng, chiều, tối, khuya bốn thời, mỗi thời tu ba mươi phút. Có vậy thôi, thuần thục ở trên mỗi thời.

Còn hoàn toàn còn những cái thời gian còn lại thì mấy con tập xả tâm, chứ không có gì hết. Tập xả tâm là ngồi chơi giống như người tu Tứ Chánh Cần vậy. Nhưng mà người tu Tứ Chánh Cần người ta có cái phương pháp, là người ta ngồi để mà người ta nhìn hoàn toàn, người ta tập trung cái lực lượng.

Còn mình ngồi chơi là mình không có tập trung căng thẳng như vậy. Nó khác hơn cái người tu Tứ Chánh Cần. Cho nên con cứ ngồi xả, dùng cái tri kiến, dùng cái đức hạnh, dùng cái giới luật mình đã học thì mình dùng đó, mình xả cái tâm mình. Thì coi như là không có thì giờ nào mấy con ở không.

Minh Nhân con. Con phải tập trở lại kỹ lưỡng, chứ đừng có vội tăng như vậy thì không được. Cố gắng lên con, rồi.

6- PHẢI LÀM CHỦ CẢ KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

(35:28) Trưởng lão: Thiện Tâm con. Trong khi con gửi cho Thầy về cái vấn đề tu tập trong một tuần lễ vừa qua: “Nhiếp tâm trong một phút bằng hơi thở, chưa được liên tục trong số ba mươi phút…​ (không nghe rõ) trong số nửa tiếng đồng hồ” Phải tập lại trong một phút cho kỹ lưỡng hẳn hòi con, cho kỹ lưỡng. Khi mà bị hôn trầm thùy miên, trong cái thời nào mà bị thì con cứ đi kinh hành. Đừng có để cái hiện tượng mà nó đã đánh vào mình thì không tốt. Coi như là mình đã nhiếp tâm tu tập để cho cái niệm vọng tưởng không có, thì cái niệm hôn trầm cũng không được để cho nó xen vào.

Nhất là trong cái thời mình tu về cái hơi thở. Tuy là một phút rồi xả nghỉ, rồi tu tập thì khéo léo, thiện xảo trong cái. Thí dụ như buổi chiều nó không có, buổi tối không có mà buổi khuya hay hoặc là buổi sáng nó bị hôn trầm thì những cái buổi đó cảnh giác hết, là đi kinh hành cũng nhiếp tâm ở trong hơi thở.

Nhiếp đi kinh hành mà vẫn nhiếp tâm trong hơi thở, chứ không phải nhiếp bước đi đâu con. Lấy hơi thở làm cái chuẩn, cái đối tượng để mà tu, thì đi cũng nương vào hơi thở mà tập. Bởi vì mình lấy hơi thở mà. Cho nên mình đi là để phá hôn trầm, nhưng lấy hơi thở làm cái đối tượng để mình tu nhiếp tâm. Cho nên nó không có bị hôn trầm thùy miên. Để không có nó xen vào, nó phá cái thời gian của mình tu về hơi thở, rồi mình phải thay đổi qua giờ khác thì mình không chủ động, thiếu sự làm chủ. Mà thiếu sự làm chủ cái thời gian thì nó sẽ không làm chủ được thân tâm chúng ta.

Chúng ta muốn làm chủ hồi nào thì thân tâm chúng ta phải nghe theo chứ gì? Mà thời này chúng ta làm chủ, mà thời khác chúng ta không làm chủ được nó, như vậy mình bị lệ thuộc vào thời gian. Còn ở đây làm chủ cả không gian và thời gian. Thân chúng ta là cái không gian và cái thời gian là thời tiết sáng, trưa, chiều, tối, khuya là thời gian, con hiểu không?

Tu sinh Thiện Tâm: Dạ, hiểu

Trưởng lão: Cho nên mình làm chủ được thân là mình phải làm chủ cả cái thời gian của nó con, lúc nào cũng phải làm chủ. Cho nên muốn làm chủ thì chúng ta có phương pháp. Giờ đó nó buồn ngủ, biết cái khoảng thời gian đó là sẽ buồn ngủ, là sẽ hôn trầm thùy miên thì mình phải đi kinh hành, đâu có ngồi chi nữa. Đã biết nó thì mình là cái người quyết định là làm chủ, thì lấy cái phương pháp ra. Hiện giờ thì mình chưa đủ lực làm chủ, thì mình lấy phương pháp ra làm chủ chứ. Chứ đâu có đầu hàng, đâu có để cho nó lờ mờ lờ mờ như vậy.

(38:02) Tu sinh Thiện Tâm: Thưa Thầy, thí dụ như con tập một phút, mà vừa đi kinh hành mà vừa nhiếp hơi thở. Thí dụ như con tập cỡ năm phút, mà nếu như thấy mà tiếp tục nữa thì nó buồn ngủ, thôi con ngưng tập. Có được không thưa Thầy?

Trưởng lão: Được chứ. Mình tu có một phút hà, mình tu có một phút thôi. Và đồng thời, nếu nó buồn ngủ đó, thì con tiếp tục con không có tu về cái hơi thở nữa, mà con tu pháp Thân Hành Niệm tác ý từng hành động. Pháp Thân Hành Niệm đó con, tác ý từng hành động. Hoặc là mình đi mười bước, ngồi xuống hít thở năm hơi thở.

Mà nếu nó nặng nữa, mình thấy đứng lên ngồi xuống mà nó vẫn lừ đừ, nó vẫn còn cái dạng buồn ngủ, thì dùng cái pháp Thân Hành Niệm tác ý từng hành động của nó. Tác ý đầu thì mình tác ý thầm, sau đó mình thấy nó còn thì mình tác ý lớn để cho cái âm thanh nó làm cho nó động lên, làm cho mình tỉnh táo trở lại. Thì mình phải biết sử dụng các cái pháp nó thiện xảo thì nó sẽ phá đi, nó phá đi.

Tu sinh Thiện Tâm: Con thấy nếu như mà cứ đi kinh hành miết, đừng có ngồi, đừng có nằm đó thì nó không sao hết, thì nó không có bị hôn trầm đâu. Nếu nó có thì nó cũng qua nhanh lắm Chứ còn thí dụ sau cái đó, đi nó mỏi chân quá ngồi một chút thôi. Thế là ngồi xuống một tí thế là cái hôn trầm nó tới nó …​

Trưởng lão: Đừng có để cho nó vào. Thì một thời gian sau mà không có cái mặt nó nữa, nó không vào nữa thì nó sẽ dừng luôn. Tại sao vậy? Tại vì Thầy kinh nghiệm qua của Thầy rồi, chứ không phải là: “Ờ bây giờ mình đi vậy, chứ sau này nó sẽ trở lại.” Không có đâu. Một thời gian nó thuần rồi, nó quen rồi lại là không có hôn trầm thùy miên nữa. Con ngồi nó không buồn ngủ nữa, nó tỉnh.

Cũng như bây giờ cái niệm khởi trong đầu con. Con nhiếp từ một phút mà nhiều hơn là có niệm, nhiều hơn có niệm. Nhưng mà một phút có căn bản rồi cứ lần lần lượt tập tiến tới. Lần lượt cứ một phút, một phút mà căn bản rồi, rồi con dần tăng lên rồi thì tới chừng đó cái niệm nó hết luôn, nó không còn niệm nữa.

Bởi vì nó đã quen đi, cái cơ thể mình nó quen không niệm. Chứ không ai mà dẹp nó đâu, nhưng mà nó quen. Rồi cái niệm hôn trầm thùy miên nó cũng vậy con, nó cũng trở thành một cái thói quen là nó không hôn trầm thùy miên nữa. Tức là nó trở thành sức tỉnh của mình rồi. Cho nên tu tập kỹ cho Thầy thì mấy con sẽ tu đạt được kết quả rất tốt. Đó.

7- CÁCH NGỒI CHƠI CỦA NGƯỜI TU

(40:20) Tu sinh Thiện Tâm: Con thấy nếu mà nhiếp tâm trong một phút, xong rồi con nghỉ tiếp đó một phút tiếp con dồn sức vô thì cái đó thì nó được lắm. Cái điều con thấy hôm con tập thử làm một phút xong sau đó con xả ra. Con vẫn giữ nó không có niệm, con tiếp tục nữa thì con thấy khoảng cỡ năm phút nữa thì được.

Trưởng lão: Thì không được. Cái đó mình còn tu, mình giữ không niệm là còn tu đó con. Không được. Cho nên vì vậy mình không giữ, mình xả ra. Hồi đó mình tu một phút rồi, xả ra nghỉ. Nghỉ thì mình ở trên Tứ Chánh Cần. Nói mình trên Tứ Chánh Cần, thật sự ra mình ở trên giới luật đức hạnh để xả tâm, chứ không phải như người tu Tứ Chánh Cần. Nhưng mà nó giống như Tứ Chánh Cần, ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện vậy. Đó, thì con như là mình xả ra.

Bây giờ Thầy tu một phút rồi phải không? Thầy xả ra, ngồi chơi. Thầy ngồi chơi có nghĩa là không phải ngồi chơi như cái người bình thường ngoài đời. Mà ngồi chơi đây là không có tu tập gì hết, nhưng mà có niệm là xả. Cũng như bây giờ con là người tu rồi, con không có tu gì hết, mà ai chửi, ai mắng con, con không giận. Ít ra đầu óc con, con phải nghĩ, con phải tư duy, con phải quán chứ. Cho nên cái tâm con nó không giận phiền não ai hết, con hiểu không? Đó là xả tâm, con biết.

Cho nên cái nghỉ, cái ngồi chơi của một người tu nó không phải là cái ngồi chơi của cái người mà lao động, của cái người làm việc mà họ nghỉ. Nó khác. Ngồi chơi của cái người tu là ngồi, chứ sự thật ra là họ đang ở trong cái trạng thái bất động của họ mà không giữ trạng thái bất động. (Dạ)

Là vì nó sẽ còn cái niệm này, còn niệm kia, nó còn những ác pháp xung quanh nó tác động vào thân tâm của nó. Nhưng mà nó có cái đạo đức, nó có cái tri kiến giải thoát. Nó dùng cái đó để nó xả được tất cả những cái niệm. Nó ngồi chơi chứ cái tri kiến của nó luôn luôn làm việc.

Tu sinh Thiện Tâm: Dạ, giống người xả tâm.

Trưởng lão: Để xả tâm thôi.

Tu sinh Thiện Tâm: Nếu mà tu có một phút như vậy thì nó dễ quá hả Thầy?

Trưởng lão: Thì Thầy đã cho một phút mà. Nó dễ vậy đó mới là leo lên thang lên, mà nhiều quá thì mới chết. Coi nó thường quá thì mới tiêu.

Tu sinh Thiện Tâm: Chứ con tưởng đâu là tu một phút xong rồi con xả ra, xong bắt đầu nghỉ một xíu xong rồi lại tu một phút nữa, phút nữa, làm tiếp trong ba mươi phút vậy đó chứ Thầy?

Trưởng lão: À đâu phải. Bây giờ thí dụ như Thầy nói như thế này nè, con lưu ý phải không. Bây giờ con tu một phút, rồi xả ra là con giữ cái tâm bất động của con. Mà không phải bất động theo kiểu Tứ Niệm Xứ, mà cũng không phải theo kiểu Tứ Chánh Cần, mà xả ra tâm ngồi chơi để có niệm gì thì xả ra.

Rồi sau đó trong một cái phút mà con kế tiếp con tu lại đó, một phút xả nghỉ đó, là chỉ có dùng cái tri kiến của mình. Nó có cái gì thì xả mà không có thì nó yên lặng. Chứ không phải là kiềm kiềm nó không có niệm để rồi vô tu nữa thì nó yếu lắm, nó không được. Cho nên vì vậy xả chơi, ngồi chơi. Nhưng mà cái tri kiến của con nó tự nó, nó làm việc như một cái người mà tu. Có gì là tự nó, nó thấy để mà xả, nó không để chướng ngại trong tâm nó nữa thôi, thì gọi là ngồi chơi.

Cái danh từ ngồi chơi, mấy con khó hiểu cái từ ngồi chơi rồi, phải không? Mấy con hiểu cái chỗ từ ngồi chơi nó. Ngồi chơi mà ngồi chơi theo kiểu người tu, chứ không phải ngồi chơi theo kiểu người đời, thấy không? Cho nên vì vậy đó mà nó có những cái gì đó, thì cái tâm, cái tri kiến của các con nó hiểu về cái giới luật đức hạnh đó, thì nó xả hết những cái niệm đó, nó đem lại cái sự bình an cho các con. Nhưng mà không phải là con ngồi con giữ cái tâm bất động, thì đó coi như là ngồi chơi. Rồi bây giờ đó mới trở lại đúng là nhiếp tâm cho kỹ một phút thứ hai. Rồi bắt đầu mới xả nghỉ một phút nữa, rồi nhiếp lại một phút thứ ba. Cứ như vậy đó mà tu thôi.

Mà thậm chí như Thầy còn dặn mấy con. Nếu một phút mà xả ra rồi mà vô tu, mà có khi còn có niệm khởi đó, thì bắt đầu đó mình nghỉ hai phút. Nghỉ hai phút rồi vô tu lại một phút, thì như vậy là mình nghỉ nhiều hơn tu, mà cũng đúng ba mươi phút thôi. Các con hiểu chưa? Bởi vậy, cái ngôn ngữ nói thì Thầy muốn nói làm sao mấy con hiểu được Thầy thì nó khó thiệt.

(44:08) Tu sinh Thiện Tâm: Nếu cái cách này thì con thấy nó cũng dễ chứ không khó đâu. Nó có cái khoảng thời gian để mà nó giải tỏa những cái niệm mà nó xẹt vô đó, nó chuẩn bị đó thì mình giải. Xong cái nó hết rồi, bắt đầu nó yên lặng rồi bắt đầu tiếp tục mình nhiếp tâm nữa thì nó lại dễ.

Trưởng lão: Thì như đó, nó vậy. Làm sao mà nó có cái chỗ nghỉ. Chứ không khéo rồi mình nghỉ mà lại tu đó thì chết rồi. Lát nữa vô nhiếp hơi thở nữa, “Trời ơi! Kiểu này chắc ráng lắm là năm phút hết sức, chứ còn nữa chắc không nổi”. Bởi vì nói nghỉ chứ mà tu, chứ không phải nghỉ. Còn cái này người ta nghỉ, thật sự người ta nghỉ, nhưng mà nói tu thì nó không đúng.

Bởi vì cái người tu thì nó phải có cái phương pháp của nó để nó ngăn, nó diệt ác pháp xung quanh nó, nó không để cho tác động được thân tâm nó. Cho nên nó ngồi chơi mà nó được giải thoát. Còn bây giờ mấy con ngồi chơi, chứ nó có sự giải thoát trong con. Chứ nó đâu giống ông nông dân kia, ai lại chửi ông coi, ông đánh người ta liền, chứ ở đó ông nhịn. Còn mấy con ai chửi chửi, chứ mấy con không có giận ai nữa hết đó. Mà mấy con ngồi chơi, chứ mấy con có tu gì đâu? Có phải mấy con khác không? Đâu có giống người ta được.

Cái tri kiến của mấy con đã rèn luyện, nó là cái tri kiến giải thoát. Cho nên mấy con ngồi chơi, chứ sự thật ra cái tri kiến đó nó bảo vệ mấy con nó giải thoát. Thấy không? Cho nên vì vậy mà bây giờ tôi không tu cái pháp hơi thở nữa thì tôi ngồi chơi. Mà tôi ngồi chơi đâu kiểu giống ông nông dân được. Tôi ngồi chơi kiểu người tu. Có hiểu được Thầy như vậy thì mấy con tu mới dễ. Còn không hiểu mấy con ngồi chơi, mấy con xả láng ra thôi rồi rồi. Không ấy lấy bàn cờ tướng mình ngồi đánh một hơi rồi mình vô tu lại. Thì thôi cái kiểu đó thôi không được rồi.

Tu sinh Thiện Tâm: Con hiểu là như thế này. Có nghĩa là đầu tiên đó là tụi con cái niệm nó còn nhiều quá thì cái thời gian tu thì ít nhưng thời gian nghỉ thì nhiều. Sau đó cái bắt đầu nó quen quen rồi là cái thời gian nghỉ nó giảm lại đi.

Trưởng lão: Đúng vậy.

Tu sinh Thiện Tâm: Sau đó cái nó quen lần thì thời gian nghỉ không còn giả sử vậy đó. Tức là cái thời gian kia nó sẽ tăng lên, tức là cái niệm nó ít lần ít lần đó, thì cái thời gian nghỉ nó cũng sẽ giảm bớt đi.

Trưởng lão: Đúng vậy đó con. Rồi bắt đầu về, rồi thực hiện cho nó đàng hoàng, trình lại Thầy chứ không khéo còn sai đó. Nói là được đó, chứ mà vô rồi cái nghiệp lòi cái mặt nó ra.

Tu sinh Thiện Tâm: Mới có một phút mà chưa gì hết mà Thầy.

Trưởng lão: Thôi rồi, ráng về tu tập hơi thở nghe.

Thầy Minh Phước, con. Lên trình Thầy.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy