00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

GIỚI LUẬT 04 - TỈNH THỨC ĐỂ XẢ TÂM

GIỚI LUẬT 04 - TỈNH THỨC ĐỂ XẢ TÂM

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng:

Thời lượng: [51:47]

Người nghe:

Tên cũ: Giới luật - 4 - Thiền xả tâm

1- BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA THIỀN ĐỊNH LÀ ĐỘC CƯ

(00:01) Trưởng lão: Hôm nay có một buổi giảng đột xuất, tại vì mấy con có, Từ Hạnh có ý muốn xin về phải không con? Do đó thì trước khi Thầy sẽ giải quyết cho mấy con đã, thì mấy con trình bày cho Thầy nghe, bây giờ trong cái thời gian ở trên này tu thì tu tập như thế nào? Coi như là thời gian cũng cả tuần lễ thì sự tu tập ra sao, và cách thức mình xả tâm như thế nào? Bởi vì ở đây thì coi như là cái lò trui luyện để cho mình xả tâm với cái mục đích ly dục ly ác pháp.

Ở đây cái ác pháp nó không những bên ngoài mà cái ác pháp nó còn ở trong tâm của mình. Bởi vì một khi mình đã tự làm khổ lấy mình, thì mình không đạt giải thoát của Đạo Phật. Chính cái mục đích của Đạo Phật là nhắm vào xả ly cái tâm của chúng ta, chừng nào mà tâm hết tham,sân,si,cái đối tượng mà đau khổ muôn đời của con người, cái đối tượng mà người đi theo Đạo Phật là nhắm vào để quyết tâm quét sạch thì mới mong giải thoát.

Nếu chúng ta quyết tâm tu để giải thoát, thì chỉ có con đường duy nhất của Đạo Phật mới quét sạch được tâm tham, sân, si của chúng ta mà thôi. Mà muốn được vậy thì chúng ta phải hết sức tu tập, phải hết sức gian khổ.

Con đường tu tập theo Đạo Phật phải nói rằng muốn làm chủ được thân, tâm của mình thoát ra khỏi ba cái ác pháp tham, sân, si không phải là một việc dễ làm. Mà đạt được nó rồi thì tất cả những thiền định gì mà chúng ta muốn đều thực hiện một cách dễ dàng, cho nên rất khó là khó ở bước đầu. Vì vậy mà bắt đầu vào Giới luật của Phật chúng ta thấy rất là khó khăn, giới luật quá nhiều, mỗi hành động, mỗi lời nói của chúng ta đều rất là khe khắt, khiến cho chúng ta phải giữ gìn, phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình hết sức không dám nói ra lời, không dám hành động vô ý, đó là cách thức mà chúng ta phải tu tập.

(2:55) Cho nên cái bí quyết mà thành công của thiền định của Đạo Phật, tức là độc cư, sống trầm lặng, sống một mình thì may ra chúng ta mới dùng pháp hướng như cái lý của đạo mà tác cái ý ra, để làm cho nó thấm nhuần tâm hồn chúng ta để xả ly tham, sân, si. Nếu không có cách đó thì chúng ta không còn cách nào mà có thể xả ly được tâm của chúng ta hết; đó là cái khó, cái khó nhất.

Vậy thì bây giờ con hãy trình bày, trong một cái thời gian ngắn về đây tu tập, dù ít, dù nhiều chắc chắn cũng phải có một cái sự cố gắng, nếu không có cố gắng thì về đây làm gì, thì có sự cố gắng thì xét thấy qua cái thời gian tu tập đó.

Cái thứ nhất là về sức tỉnh thức, sức tỉnh thức như thế nào? Mình tu tập trong cái thời gian trong một tuần lễ mà mình thấy rằng trước kia mình tỉnh thức ở trong một phút, bây giờ được một phút rưỡi, hai phút. Hoặc là trước kia mình có được mười hơi thở mà nay được mười lăm hơi thở, thì đó cũng là một bước tiến khá dài. Còn từ ngày về đây cho đến bây giờ một tuần lễ, mà mười hơi thở vẫn mười hơi thở mà còn tạp niệm xen vô, hay hoặc là hôn trầm mà chưa phá được chút nào, chưa khắc phục được chút nào thì đó là mình còn dở.

2- TU TẬP ĐÚNG LÀ THẤY KẾT QUẢ NGAY LIỀN

(04:23)Còn dở thứ nhất nó không phải mình dở, mà thứ nhất là tại vì mình có tu tập sai. Bởi vì Đức Phật đã xác định pháp môn của Phật, nếu không tu thì thôi, mà đã tu thì phải thấy có sự kết quả chứng nghiệm liền, thấy sự giải thoát, chứ không phải tu mà không thấy, nếu mà tu mà cứ mãi mà không đạt kết quả thì chắc chắn là người ta sẽ không tin tưởng được, mà không tin tưởng được thì người ta phải bỏ cuộc.

(4:52) Bởi vậy, Đức Phật xác định, nếu mà một pháp môn mà tu không kết quả, thì chúng ta thấy rằng trong khoảng thời gian mà chúng ta thấy không kết quả thì chúng ta nên bỏ, không nên tu. Thời Đức Phật cũng vậy, mặc dù là khi đi tu thì Ngài chưa có cái Đạo Phật, chưa có giáo pháp, Ngài phải theo giáo pháp của ngoại đạo, Ngài cũng nỗ lực hết sức nhưng mà một thời gian Ngài đã bỏ các pháp đó đi. Nghĩa là từ cái pháp dễ, cho đến pháp khó, lần lượt đến những cái pháp ức chế thân tâm tối đa, Ngài cũng thực hiện tận cùng để đạt cái kết quả giải thoát. Những pháp ức chế thân, tâm tối đa Ngài thực hiện sắp sửa gần như chết, thế mà cuối cùng thì Ngài cũng đành bỏ, để rồi trở về với cái lộ trình mà tự Ngài đã tìm ra được đó là Ly Dục Ly Ác Pháp.

Khi chứng đạo, Ngài biết rằng cái pháp môn này tu hành rất khó đối với chúng sanh, khó mà tu được, cho nên Ngài từ chối không muốn đem pháp môn này dạy lại cho người đời sau. Chỉ vì Ngài thấy nó quá khó, không thể nào mà con người tu tập nổi được, cho nên Ngài muốn nhập diệt và không đem pháp môn giảng lại cho đời sau.

(6:12) Nhưng đó là cũng còn cái nhân duyên tốt, cho nên Ngài để lại cho chúng ta. Nhưng mà nhìn trước, nhìn sau ai là người đã được giải thoát hoàn toàn tham, sân, si? Từ khi Đức Phật cho đến giờ chúng ta biết ai. Người ta nói, nhưng sự thật người ta có hết tham, sân, si hay chưa? Hay người ta còn giận hờn, phiền não, hay người ta còn đau khổ trong tâm người ta, hay người ta còn mang đầy ác pháp? Đó là những điều mà chúng ta còn khắc khoải.

Đạo Phật có, pháp môn có, nhưng khi Đức Phật đã nói rằng Đức Phật thấy chúng sanh không thể tu theo Pháp môn này nổi, nhưng rồi Ngài lại dạy cho chúng ta. Thế rồi chúng ta thấy rằng chúng ta tu có nổi không? Đó là một điều xác chứng. Chúng ta thấy sức mình tu không nổi thì chúng ta sống với một đạo đức của một con người cũng đủ lắm rồi, chúng ta không nên đi xa hơn, vì xa hơn sức chúng ta chưa đủ, chúng ta tự lượng sức mình. Như Đức Phật ngày xưa, Ngài cũng xét được chúng sanh không thể đi trên con đường này nổi, nhưng không giảng dạy, không để lại cho đời sau có những bậc đủ căn cơ, đủ sức, đủ nghị lực; người ta có thể tu tập được, nên Ngài để lại.

Vì vậy mà chúng ta chưa biết mình là người đủ căn cơ, đủ sức hay không? Chỉ có những người gan dạ, thấy biết thế gian này như mộng, như huyễn, như hoa đốm giữa hư không, các pháp đều là duyên hợp, không có gì là thật có. Chúng ta hiểu biết rõ từ thân này, tâm này không có gì là thật có của mình cả hết. Do nhân quả tạo thành duyên hợp mà có ra để khổ, để đau, để chịu mọi thứ, để dằn vặt mọi thứ chỉ vì sự hoạt động của luật nhân quả mà thôi, chẳng có gì của mình trong đó cả. Thế rồi chúng ta không hiểu biết, lầm chấp cho nên từ đó chúng ta cứ thấy mãi đau khổ, phiền não, giận hờn bằng cách này, bằng cách khác để rồi cuối cùng trôi lăn mãi trong đường nhân quả, tiếp tục kiếp này đến kiếp khác mà không chấm dứt được.

(8:30) Vậy thì, con hãy trình bày để xét qua cái thời gian tu tập. Rồi nếu mà có về tu tập thì phải ráng cố gắng hơn nữa. Con đường khó, rất khó không dễ. Nếu ai nói Đạo Phật dễ tức là chúng ta đã bị người ta lừa đảo. Nếu tu mà lơ mơ thì chắc chắn không bao giờ tới, tu làm sao như cục đất thì mới tới. Chứ còn tu mà lơ mơ thì không bao giờ đến, nghĩa là suốt ngày không có một tiếng nói, quanh năm không có một tiếng nói, cho nên ngày xưa các tổ nói “miệng không để meo mốc”, chúng ta hầu hết không để meo mốc cho nên vì vậy mà chúng ta tu không tới.

Theo Thầy thiết nghĩ căn cơ của con người, người nào cũng có căn cơ làm chủ được sự đau khổ này hết, chứ không có người nào không có. Nhưng mà tại vì chúng ta còn mê mờ, chấp có, chấp không cho nên chúng ta không quyết tâm nỗ lực xả bỏ, không coi thân tâm của mình như đất, cho nên vì vậy mà mình còn có…​Vậy con trình bày cho Thầy nghe, sau mấy ngày ở lại đây tu tập.

3- PHẢI NỖ LỰC PHÁ HÔN TRẦM

Cứ ngồi, cứ ngồi đi con. Đừng quỳ.

(10:15) Hôn trầm nói không đơn giản đâu con, chiến đấu lắm, nghị lực lắm, nhất định quyết sống chết với nó. Thí dụ như giờ này chưa phải giờ chúng ta đi ngủ mà nó lười biếng nó buồn ngủ, đừng có dễ dãi với nó mà chúng ta sẽ không làm chủ nó. Đừng coi thường cái hôn trầm đâu, mà phải chiến đấu hết tận cùng, nhất định là đúng giờ là đi ngủ, mà không đúng giờ là chết thôi chứ nhất định là không ngủ. Nghĩa là chúng ta có thể bò, chúng ta có thể lết, nhưng mà chúng ta không có lại cái giường chúng ta nằm, mà không có lại cái ghế, mà không dám ngồi nữa. Nghĩa là đi, đứng không, mà chân rụt hết thì chúng ta chỉ bò tới, bò lui như thế nào để cho tới đúng giờ là chúng ta ngủ.

Tới chừng mà nó bị buồn ngủ rồi, nó gọi là hôn trầm nặng, thì đứng nó cũng ngủ, đi nó cũng ngủ nữa, mà nó lảo đảo, nó té tới, té lui, nó không còn tỉnh nữa, nhưng mà làm sao? Lúc bấy giờ chúng ta không có cách thức nào hơn là cách thức chúng ta chỉ động thân để mà chịu đựng với nó thôi chứ còn không có cách nào hết, để kéo dài cái thời gian đó phải có một cái nghị lực hết sức.

Cho nên ở đây khi mà chúng ta chiến đấu được cái ngu si, cái vô minh của chúng ta là cái buồn ngủ đó, nó biến thành cái lười biếng của chúng ta mà thiếu tinh tấn sau này thì chúng ta phải chiến đấu hết sức chiến đấu. Chứ nếu mà chúng ta đã nghe theo nó một cái là chúng ta sẽ tiêu liền tức khắc.

Ở đây có nhiều vị lắm, nghĩa là sau cái thời gian bị hôn trầm rồi thì thôi để nghĩ rằng mình sẽ ngủ đi, rồi mình tỉnh mình sẽ tu, người đó ngàn đời tu không tới đâu hết, hoàn toàn không tới đâu, không chiến thắng nổi hôn trầm tức là không chiến thắng nổi vô minh.

Và lý luận, lý luận để chúng ta ngủ cho khỏe rồi chúng ta thức dậy chúng ta tu. Cái đó tu cái gì? Mình bây giờ mình thức dậy mình tu để mình giữ cái tâm tỉnh thức ở trong hơi thở để ức chế vọng tưởng của mình chứ làm gì, mà trong khi mình tu để mình phá được cái lười biếng của mình, tức là cái buồn ngủ, cái lười biếng nó sai khiến mình, cái này mới là chính cái chúng ta chiến thắng vô minh. Mà mục đích chúng ta làm chủ được sự sống, chết thì chúng ta làm chủ được tâm của mình là hết vô minh.

(12:18) Đạo Phật là phải quét sạch vô minh. Mà vô minh, cái tướng vô minh là cái gì - là cái tướng ngủ, cái lười biếng là tướng vô minh. Chứ không phải vô minh rồi chúng ta ngủ mặc ngủ, rồi lười biếng mặc lười biếng, chỉ cần học cho biết nhiều tất cả cái Tam tạng Kinh điển, Thánh điển mình thuộc làu hết, thì chắc chắn là mình hết vô minh, không có!

Một cái người dù có học Tam tạng Thánh điển thông suốt, mà vẫn còn lười biếng, vẫn còn ham ngủ thì người đó giờ có thông suốt Tam tạng Thánh điển họ cũng là người vô minh. Đó là một điều xác chứng thật sự như vậy. Cho nên mỗi tâm trạng của chúng ta, mỗi cái gì nó hiện tướng ra thì chúng ta phải chiến thắng. Cho nên con phải chiến thắng, mặc dù nó còn chỉ năm phút, mười phút nữa, hay hoặc là một tiếng đồng hồ chúng ta sẽ chiến thắng tận cùng, quyết định sống chết với nó, gan dạ với nó. Chết là chết, nhất định không để thua nó, như vậy là chiến thắng tâm mình.

Cho nên kinh Pháp Cú Phật dạy không có chiến công oanh liệt nào hơn là chiến thắng lại tâm mình. Mình thắng lại nó mới là một chiến công oanh liệt. Đó là cách thức tu tập của chúng ta. Vậy thì con hãy cố gắng trở về, nỗ lực thực hiện xả tâm.

Nếu mình còn quyết tâm đi trên con đường này để cầu giải thoát thì phải thực hiện cái thứ nhất, nhớ kỹ, Thầy nói nhắc chung các con, phải tập độc cư. Nếu độc cư được thì các con sẽ xả tâm, nếu độc cư không được thì sống khó lắm. Đó là cái điều kiện cần tu tập, và sau bữa cơm trưa nay con về, thì con hỏi Thầy thêm gì nữa không?

4- THIỀN XẢ TÂM

Con thấy rằng cái thiền định đó nó luôn luôn nó ở trong cái tỉnh giác để nó giữ cái chánh niệm. Chứ không phải nó luôn luôn nó ở trong cái tỉnh giác rồi nó ở trong tỉnh giác luôn, thì nó đâu có chánh niệm nữa. Nó cứ tỉnh giác không thì cái niệm chánh nó đâu?

(14:10) Các con thấy chưa, cho nên chúng ta hiểu sai rồi chúng ta tu sai. Cho nên chúng ta hiểu sai rồi chúng ta tu sai. Cho nên Phật pháp nó sai là như vậy, nó biến từ cái chỗ xả tâm trở thành cái thiền ức chế tâm, bởi vì luôn luôn mình giữ tâm mình ở trong cái tỉnh giác, cho nên mình bị ức chế tâm, đâu có cái niệm chánh đâu cho nên làm sao xả. Còn mình ở trong cái niệm chánh thì tức là mình sẽ xả được cái tâm. Cho nên gọi là Thiền Xả Tâm, còn thiền kia gọi là thiền ức chế tâm.

Đây, hôm nay Thầy giảng cho các con thấy rất rõ, vì vậy mà chúng ta luôn luôn ở trong cái chánh niệm. Khi cái chánh niệm còn thì làm sao niệm vọng tưởng xen vô, phải không? Bởi vì luôn luôn: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”. Thở ra hít vô tức là tỉnh thức ở trong hơi thở; để ly tham, ly sân là chánh niệm.

Con có biết cái pháp hướng người ta vừa nhắc tỉnh thức, vừa là chánh niệm nó luôn xả, xả hai cái phần nó rõ ràng. Cho nên thỉnh thoảng năm, mười hơi thở thì ta lại nhắc nó một lần năm, mười hơi thở. Cho nên suốt cái thời gian mười phút hay là ba mươi phút mà luôn luôn tu như vậy, thì hàng ngày mà nỗ lực tu như vậy cái tâm nó xả ly biết bao nhiêu không?

Còn bây giờ chúng ta cứ ngồi im lìm ở trong hơi thở rồi hễ có một niệm gì xen vào thì cho nó là vọng tưởng, tác ý ra cái pháp hướng cũng cho nó là vọng tưởng thì như vậy là chúng ta tu thiền gì, thiền ức chế tâm, chứ không phải là thiền xả tâm. Bởi vì từ cái chỗ tu tập cái tỉnh thức, như chúng ta dùng cái sổ tức để tỉnh thức ở trong cái sổ tức hơi thở để rồi chúng ta chuyển qua. Bây giờ chúng ta đi từ cái chỗ này quen rồi bây giờ chúng ta lại ở trong cái chỗ tỉnh thức mà không có ở chỗ chánh niệm, cho nên chúng ta phải đi ngay từ vào cái chỗ - Từ lâu thì Thầy dạy các con đi từ chỗ chánh niệm để rồi chúng ta xả tâm của mình.

Bắt đầu bằng sổ tức để giữ cái chánh niệm, nhưng mà chánh niệm được rồi thì cái tâm chúng ta xả nó không có hết, cho nên vì vậy hiện giờ Thầy thấy, đi từ cái chỗ mà, từ các cái thiền của tổ, từ cái quán Sổ tức quan, cho đến thiền của Phật dạy Định Niệm Hơi Thở, thì nó làm cho chúng ta mất cái thì giờ rất lớn là vì chúng ta không có ở trong Chánh niệm xả tâm, mà cứ ở trong cái niệm sổ tức để mà ức chế tâm mà thôi.

Cho nên do đó mà Thầy thấy cái thời gian mất rất nhiều là vì thăm dò được cái loại thiền này nó làm cho người ta tốn biết bao nhiều sức lực. Cuối cùng người ta chẳng đạt được gì. Cho đến giờ này rút tỉa nhiều kinh nghiệm từ sự tu tập của các tu sĩ thì thấy rõ ràng các kết quả tu Xả tâm chẳng có xả tâm, chẳng có ở trong Chánh niệm. Cho nên bây giờ trở về ngay hiện con đường tu của Đạo Phật, tu tập từ cái Định Niệm Hơi Thở xả tâm liền tức khắc, từ trong Chánh niệm xả tâm liền, không có để thời gian kéo dài một giờ rồi hai giờ trong cái sự tỉnh thức rồi mới xả tâm.

(17:12) Nghĩa là tỉnh thức trước rồi xả tâm sau thì nó không phù hợp; rút tỉa từng kinh nghiệm thì thấy rất rõ cái điều này. Cho nên hiện giờ chúng ta cứ tỉnh thức đâu là xả tâm đó liền, cho nên Chánh Niệm - Tỉnh Giác Định là hai cái này nó đi song đôi nhau, nó không làm cho chúng ta thất niệm.

5- LÀM CHỦ THỜI GIAN ĐÚNG THỜI KHÓA ĐỀ RA - TU TẬP VỪA SỨC

Đó là cách thức tu tập, nhớ kỹ như vậy. Vì vậy tùy theo đặc tướng của mình mà bây giờ con về chia, khoan đã, nâng cái thời gian mình lên. Mà nếu đã nâng cái thời gian lên thấy sức của mình, nâng lên mà lúc bấy giờ thấy có hôn trầm thì phải chiến đấu tận cùng, không có để lui lại, không có để tới lui tới lui.

Thí dụ bây giờ chọn từ bảy giờ đến mười giờ phải đi ngủ; hai giờ đến năm giờ, thì sáu giờ thức dậy luôn, không có ngủ lại. Mà chọn như vậy thì nhứt định, thí dụ như từ bảy giờ đến chín giờ mà nó buồn ngủ rồi, nhứt định còn một giờ đến mười giờ là nhứt định sống chết với nó là nhứt quyết tu đó. Đó là cách thức tu rất mạnh. Phải tìm mọi cách, mọi khả năng như thế nào để làm chủ, không được để nó sai khiến mình đi ngủ. Rồi từ hai giờ thức dậy mà nó buồn ngủ không chịu dậy, thì phải tìm cách làm sao cho nó thức dậy chứ không thể ráng nằm thêm.

Nhất là cái thời gian đó là thời gian lười biếng lắm, mà khi tu cho tới năm giờ, bốn giờ mà nó buồn ngủ trở lại, nhất định chiến đấu với nó không được cho nó ngủ lại, chớ nó cũng có thời gian nó buồn ngủ lại. Cho nên, khi mà tăng lên thì quyết định phải giữ gìn giờ giấc cho nghiêm chỉnh, không được trồi sụt nữa.

(18:56) Mà không tăng, để với cái thời gian vừa với sức của mình thì có thể kết quả tốt hơn. Và sau khi mình tu tập làm chủ được cái thời gian ngủ, nghỉ cho đúng cách thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy khả năng mình có thừa, sức tỉnh thức cao, chúng ta tăng lên. Còn nếu tăng lên sớm quá thì chúng ta không đủ cái nghị lực, không đủ cái sức lực chiến đấu với cái hôn trầm, vì cái bệnh hôn trầm, cái bệnh lười biếng rất là nặng. Con người mang cái bệnh này rất nặng chứ không phải nhẹ đâu. Mà nếu mà một cái người nghị lực yếu là không thể nào chiến thắng.

Vì ở đây có nhiều người đã không nghe lời Thầy, tăng lên cái thời gian quá dài, họ tăng lên đến mười một giờ, mười hai giờ chứ không phải không đâu. Nhưng mà cuối cùng người nào cũng bật ngửa hết, không có người nào mà thắng nổi nó hết đâu. Chúng ta phải có cái thời gian ngủ, và đồng thời chúng ta cũng biết cái tâm nó rất là quỷ quyệt. Khi giờ ngủ nó không chịu ngủ, mà sắp sửa tới giờ thức dậy thì nó ngủ, coi chừng cái tâm của chúng ta nó có đủ cái mánh khóe nó làm chúng ta lệch lạc giờ giấc để làm chúng ta sai lệch vì vậy mà chúng ta phải cố gắng chiến đấu từng phút. Trước khi nằm ngủ nó không chịu ngủ thì hướng tâm nhắc nó, rồi nương nhẹ vào hơi thở để cho nó ngủ, để cho đúng giờ đúng khắc, sau đó quen rồi thì rất dễ.

Đó thì cách thức tu tập là như vậy, phải cố gắng và khi mà nhiếp trong hơi thở để mà tập xả tâm bằng cách quán ly tham, ly sân, ly si. Hoặc là “quán tâm như cục đất”, thì con phải chọn cái thời gian ngắn, đừng có để tạp niệm xen vô, để mà thất niệm của mình. Tùy theo cái khả năng của mình, nếu được ba mươi phút thì cũng tốt, mà nếu không thì mười phút, năm phút hoặc là một phút, rồi từ tập luyện, rồi tăng dần lên, thì cái đó có kết quả.

Đừng có để cho có thất niệm, mình tu nhiều tu ba mươi phút mà để cho thất niệm thì sai. Thà là chúng ta thay đổi, tu một phút rồi đứng dậy đi kinh hành tu tập, rồi nếu mà chúng ta thấy cái sự tập trung tu vừa ngồi vừa đi kinh hành nó quá mỏi mệt thì trong khoảng thời gian ba mươi phút đó thì chúng ta có thể xả nghỉ. Xả nghỉ thư giãn chứ không phải bắt buộc chúng ta suốt trong cái thời gian vừa ngồi mà vừa đi kinh hành mà cho đúng ba mươi phút để rồi chúng ta mệt mỏi chúng ta không đủ sức tỉnh thức, thì tạp niệm sẽ xen vào, và như vậy cái kết quả chúng ta không cụ thể. Nhớ kỹ trong cái bước đường tu thì các con phải khéo léo, linh động, chứ còn không khéo léo linh động thì coi chừng sẽ dậm chân tại chỗ mất đi, không kết quả đâu. Đó là cách thức tu.

Con còn hỏi gì Thầy thêm nữa không?

6- MỤC ĐÍCH TU TẬP TỈNH THỨC TRONG MỌI HÀNH ĐỘNG

(21:45) Được, nhưng mà nhắc tỉnh thức không bằng con hãy nhắc - khi mà mình thấy mình nhớ được tỉnh thức mình nhắc nó tỉnh thức, tức là mình tỉnh thức rồi, thì mình nhắc “tâm tỉnh thức”, rồi vừa biết nó làm công việc, vừa quét sân, vừa chặt củi hay làm gì đó thì con lại tiếp tục con lại nhắc: “Quán ly tham tôi biết tôi chặt củi, quán ly tham tôi biết tôi quét sân”, thí dụ mình đang quét thì mình ngay đó mình ly tham, ly sân, ly si. Bởi vì lấy tỉnh thức của cái hành động đó để mà xả cái tâm, thì nhớ như vậy. Cho nên chúng ta kèm luôn một cái niệm, cái niệm pháp hướng để như cái lý mà tác ý cho nó thấm, nó thấm nhuần cái lý giải thoát, nó làm cho chúng ta giải thoát được thật sự thân tâm của mình không còn tham, sân, si nữa.

Chứ còn mình nhắc tâm thanh thản, tỉnh thức thì như vậy là chỉ nhắc nó tỉnh thức thôi, nó chỉ biết ở trong hành động thôi. Cho nên từ lâu thì các con cũng biết rằng có nhiều nhà học giả, có nhiều Hòa thượng, có nhiều thầy cũng dạy chúng ta tu trong mọi công việc để chúng ta tỉnh thức trong mọi công việc, nhưng mà cái mọi công việc tỉnh thức để làm gì đây, phải không?

Mình tỉnh thức để làm cái gì đây? Tỉnh thức để xả tâm, chứ tỉnh thức để tỉnh thức có nghĩa lý gì?

Cho nên người ta dạy mình tỉnh thức để mình đi vào thiền định chứ gì, nhưng mà thiền định này để làm cái gì? Mục đích nó có làm cái gì đâu, bởi vì nó tỉnh thức thì nó đi đến tĩnh lặng thôi chứ nó đâu có gì hơn!Bây giờ nó không tạp niệm nó kéo dài chúng ta tỉnh thức, thì nó đi đến cái mục đích của nó là nó tĩnh lặng thôi, nó yên lặng ở trong cái trạng thái không có tạp niệm.

Còn mục đích của mình là khác không phải như các nhà học giả dạy. Bởi vì các ngài cứ nghĩ rằng cái tâm mình thiền định là cái tâm hết vọng tưởng chứ gì, cho nên tỉnh thức. Do cái chỗ tỉnh thức đó nó không đưa đến chúng ta cái kết quả nhằm cái mục đích giải quyết Sanh - Lão - Bệnh - Tử, cái đời sống khổ của chúng ta.

Còn ở đây chúng ta vừa tỉnh thức, bây giờ trong hành động vừa quét chúng ta vừa nhắc “Quán ly tham tôi biết tôi quét sân”, thì rõ ràng là nhắc để quét sân là tỉnh thức rồi, mà “ly tham” tức là xả tâm.

Tỉnh thức thì phải xả tâm, cho nên tỉnh giác thì chánh niệm. Các con hiểu chưa? Hiểu được như vậy thì hàng ngày chúng ta tu tập chúng ta cứ kèm theo một cái pháp hướng Như Lý Tác Ý, cứ tác ý nó ra ngoài.

(24:09) Cho nên hơi thở cũng vậy, công việc làm, chúng ta làm tất cả những cái chúng ta đều làm như vậy thì thử hỏi ai nói chuyện với chúng ta được, bởi vì lúc nào chúng ta cũng lo ly tham, ly sân, ly si, tâm như cục đất của mình, quán xét tâm như cục đất của mình để mà tu tập thì còn cái chuyện gì mình nói chuyện với ai.

Cho nên cái người mà quyết tu người ta không còn nói chuyện nữa, cho nên người ta không còn nói chuyện nữa thì thời gian rất ngắn trong khoảng một tháng, hai tháng, ba tháng là đã xong công việc của người ta. Bởi vì người ta chuyên cần người ta chuyên môn vào đó, còn mình nói chuyện thì cái tâm mình nó phóng ra, nó phóng ra rồi nó quen, rồi nó xả, rồi nó tu coi như bên đây nó cũng chưa có gì cho nên mình chưa có chuyên nhất.

Còn bây giờ mình đi vào chuyên nhất thì mình nỗ lực mình lo, cho nên ai đến hỏi gì đó thì mình ra dấu với họ, mình ra dấu để cho mình giữ cái tỉnh thức của mình xả tâm tiếp tục. Còn mình nói chuyện với họ tức là mình bị động do đó cái tâm mình nó quên, nó đi theo cái tà niệm mất đi. Khi mà người ta hỏi, mình nói nhắc lại chuyện này chuyện kia tức là tà niệm hết đó, bởi vì cái niệm thế gian mà, cái niệm của cuộc sống của chúng ta mà.

Thí dụ như người ta hỏi con ở ngoài cô Diệu Hảo như thế nào thì tức là con khởi ra con nói ở ngoài đó tu như vầy như vầy cũng được an ổn rồi, đời sống cũng này kia; thì đó là niệm thế gian rồi, nó không còn cái niệm xả tâm rồi. Mà cái chánh niệm là cái niệm mà xả tâm của chúng ta mà - ly tham, ly sân, ly si. Cho nên vì vậy mà các con thấy mình ngồi tu mà mình có một cái niệm gì đó thì nhắc: “đây là tà niệm rồi, không phải là chánh niệm. Luôn luôn cái người tu thì luôn luôn giữ chánh niệm tức là cái niệm xả tâm của mình”.

(25:42) Như vậy thì các con sống với cái niệm xả, thì như vậy là các con sẽ xả tâm chứ gì? Thì mọi hoàn cảnh, mọi sự việc nó đều có sự yểm trợ cho sự tu tập của mình. Còn nếu mà mình phóng tâm ra, thì mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc nó trở thành cái chướng duyên, nó trở thành ác ma, nó làm cho chúng ta tâm động mà chúng ta tu tập không được. Còn chúng ta cố gắng mà giữ tâm thanh tịnh, cho nên ma vương không có đánh vào chúng ta được là vì cái tâm chúng ta quá sít sao với cái chánh niệm, cho nên cái tà niệm xen vô không được; cho nên tâm chúng ta luôn luôn giải thoát an lạc, không ai làm động chúng ta được.

Đó, cách thức tu tập là như vậy, mà các con hiểu được như vậy thì chắc chắn là không bao lâu đâu. Thầy nói cái công khó của Thầy không có uổng, là vì các con đã thực hiện đúng lời dạy của Thầy thì không bao lâu các con sẽ trở thành những bậc giải thoát, những bậc thánh hiền hết. Người nào cũng là đạo đức đầy đủ không còn làm khổ ai hết, vì tâm mình luôn luôn lúc nào cũng hướng vô. Nhớ kỹ như vậy thì sẽ có kết quả tốt.

7- TU TẬP PHẢI THƯA HỎI

Con còn hỏi thêm gì Thầy nữa không?

(26:53) Như các con đã biết thì cái Tập Vấn Đạo thì tức là cái Tập thứ tư mà Thầy đã trao cho các con dường như các con đã đọc rồi, nhưng mà hôm nay thì thấy có đánh vi tính và kiểm duyệt lại những cái lời của mình đã nói đã dạy trong tập Kinh đó, cho nên nó có những cái sự thêm và bớt để cho nó đầy đủ cái ý nghĩ của con đường tu tập. Thì cái lời thay lời tựa, cái lời nói đầu của tập sách đó thì chắc các con đã đọc rồi.

Bây giờ Thầy xin đọc lại để các con về đọc lại lời tựa để rồi xét thấy cái cách thức tu tập và cái gì chính, cái gì không chính của nó.

- Người đi tu mà không học là tu mù, người có học mà không tu là cái tủ đựng kinh sách. Người có tu có học hiểu mà không thưa hỏi thiện hữu tri thức, tự kiến giải, tự tu thì trăm ngàn người đều tu sai, tu không tới đâu.

Như các con tu mà không hỏi Thầy, không được trực tiếp thưa hỏi Thầy thì ngàn đời các con cũng sẽ là tu sai. Cho nên Thầy nhắc nhở, nhắc nhở không có nghĩa là để nghe không, nghe suông, mà nhắc nhở để về suy ngẫm lại, rút tỉa từng chút để mà tu tập lại cho đúng, để thực hiện được sự giải thoát thân, tâm của mình.

  • Tự kiến giải tu, nghĩa là tự mình nghĩ ra đó, rồi mình tu, tu tập chưa tới đâu, vội đem ra hướng dẫn người khác tu hành. Chẳng hạn bây giờ mình tu chưa tới đâu, mình thấy nó kết quả chút nào đó, mình đem mình nhắc cho người khác tu. Điều đó là điều sai vì kết quả là phải rốt ráo, phải làm chủ được Sanh - Tử thì mình mới dám dạy người ta. Còn cái kết quả chẳng hạn mình bị một cái trạng thái tưởng nào đó, mình tưởng đó là kết quả, cái mình dạy người ta thì cái đó là cái sai.

Cái sai đó Thầy thấy rất là nhiều người rồi. Thậm chí như ở đây các con cũng biết rằng Thầy đã nhắc, khi nào chúng ta tu xong chúng ta mới dạy người, mà tu chưa xong thì đừng có dạy, dù chúng ta tu được cái gì đi nữa cũng không dạy. Thế mà có nhiều người không nghe Thầy, mà cứ hễ hở ra tu chưa có gì hết, kiến giải tầm bậy tầm bạ rồi cũng đem ra dạy, cũng nói thiền nói đạo, nói không đúng, thì do đó đưa cho người ta đến cái chỗ chết.

(29:19) Thậm chí có nhiều người chỉ đọc kinh sách thôi à, mà kinh sách các nhà học giả họ viết ra, họ chưa phải là hành giả tu tập đến nơi, đến chốn, rồi đọc thấy cái lý luận của họ nghe có hay thôi, mình cũng chưa thực hiện được nữa, rồi đem những kinh sách đó đưa cho người khác đọc, để giết người ta chứ làm gì, mình đã làm không được, mà mình đưa kinh sách cho người khác đọc tức là mình tự giết người ta.

  • Tự kiến giải tu, đó là một điều sai. Tu tập chưa tới đâu, vội đem ra hướng dẫn người khác tu hành, thì cũng giống như người mù, dắt một bầy mù đi. Tất cả đều có thể sa hầm lọt hố và chết chùm nhau cả đám. Ngôn ngữ danh từ không đủ diễn tả chính xác những trạng thái kinh nghiệm tu hành, một khi muốn hành động tu tập thân, tâm một điều gì thì phải thưa hỏi rất kỹ, đừng vội vàng nghe những lý luận suông rồi tự nghĩ cho rằng mình đã hiểu, nên cứ theo sự suy nghĩ đó tu tập, sự tu tập như vậy chẳng tu tập đến đâu mà còn dẫn đến chỗ tu sai lạc, nhất là sai lệch vào chỗ thiền ức chế tâm.

Đó thì các con thấy một chút xíu thôi, bây giờ các con cứ ngồi giữ cái tâm của mình, biết hơi thở ra, hơi thở vô này, không có vọng tưởng này, thì ngay đó là thiền ức chế tâm rồi, chứ nó đâu phải là cái thiền xả tâm. Xả sao nó không kèm theo một cái niệm xả, mà nó cứ giữ cái tâm không có cho cái niệm gì hết, thì tức là ức chế tâm chứ sao, đó là những cái sai.

Cho nên vì vậy chúng ta cần phải hỏi cho kỹ, khi đọc lại một cái tác phẩm của Thầy rồi thì chúng ta phải có những cái hỏi: cái này, cái danh từ này phải dùng nó như thế nào? Cái này đọc rồi là các con tự thấy như mình đã hiểu. Nhưng Thầy đã nói rằng: “Ngôn ngữ danh từ không đủ để diễn tả chính xác những trạng thái kinh nghiệm tu hành”, thì làm sao? Chúng ta phải hỏi chứ. Còn bây giờ chúng ta nghe rồi chúng ta hiểu được sao? Cái danh từ đó đâu có thể hiểu được, cho nên khi đó chúng ta phải hỏi. Vì vậy mà vấn đạo nó làm cho chúng ta sáng tỏ lên, làm chúng ta hiểu rõ lên, cách thức tu tập. Còn chúng ta không vấn đạo thì chúng ta chẳng biết gì hết. Toàn bộ kinh sách của Phật, Thầy xin nhắc lại các con biết, đều là vấn đạo, do các cư sĩ, các tu sĩ vấn đạo, mỗi khi vấn đạo tức là hỏi Phật, Phật mới nói ra bài kinh đó, chứ khi không mà Phật đâu có nói hay sao? Các con nhớ rằng, thường thường là những cái bài kinh của Phật đều là do những vị cư sĩ, rồi những người tu sĩ, tỳ kheo đó, các vị đó hỏi Phật, thì Phật mới dạy.

(31:45) Có những cái điều kiện mà Phật thấy các tu sĩ không hỏi, cũng như bây giờ Thầy không nhắc các con thì các con không biết đâu hỏi, thì Đức Phật mới tự thuyết, có những cái bài kinh tự thuyết là vì tu sĩ và cư sĩ không biết cái chỗ đó mà hỏi cho nên phải tự thuyết, phải nói ra để cho hiểu. Cũng như bây giờ Thầy không nhắc nhở như vậy thì các con không biết mà hỏi. Cho nên muốn tu tập cho nói có kết quả nhanh chóng, không phải ngay vô chỗ đọc sách, kinh sách rồi chúng ta tu liền đâu. Mà chúng ta suy ngẫm, suy nghĩ kỹ rồi mới áp dụng, hỏi thưa cho kỹ, cách thức tu tập như thế nào, rồi chúng ta tập thử, tập thử rồi trình, rồi tất cả những cái này khi mà được rồi, thì bắt đầu chúng ta thấy đúng là những cái hành động này là kết quả mà vị thiện hữu tri thức đã xác định rằng tu tập như vậy đúng, thì bắt đầu chúng ta tập luyện liền. Tập luyện mà tập luyện quyết định là nhất định là tập không bỏ, tập liên tục, tập cho đến khi nào mà làm chủ được sự sống chết mới thôi.

- Sự tu tập như vậy chẳng tu tập đến đâu mà còn dẫn đến chỗ tu sai lệch, nhất là sai lệch vào chỗ thiền ức chế tâm rất là nguy hiểm, có khi bị điên khùng, tẩu hỏa nhập ma thường là tu hành dậm chân tại chỗ, tu mãi chẳng đi đến đâu, chỉ uổng phí một đời tu hoài công vô ích. Trong phần vấn đạo vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho người, khiến cho mình thông suốt đường lối và cách thức tu tập, không còn nghi ngờ đường lối và pháp môn tu tập, khiến cho tâm mình tin chắc tu tập sẽ đến nơi, đến chốn.

Bắt đầu tu tập từng bước một - các con nhớ tu tập từng bước một, không có vội vàng - không vội vàng, không có muốn mà tu một nửa tiếng hay hoặc một tiếng, hai ba tiếng đồng hồ đâu, không có vội vàng.

Tu từng hơi thở, từng một hơi thở rồi cho đến nhiều hơi thở. Rồi từng bước đi kinh hành, từng một bước cho đến mười bước đi kinh hành, tập như vậy, mới là chắc ăn. (Cho nên không vội vàng) Bắt đầu tu tập từng bước một, không vội vàng, không nôn nóng. Mỗi bước tu tập là mỗi kết quả cụ thể.

(33:51) Các con thấy chưa, mình làm cái gì đi nữa, mình làm ăn đi nữa trên bước đường đời mình làm ăn đi nữa, mà cái gì mình làm chắc ăn cái nấy thì nói không bị thất bại; còn mình làm lu bù, làm cho nhiều mà rốt cuộc rồi thất bại, lỗ lã có phải là chết không. Tu tập nó cũng vậy, phí uổng cái công phu tu tập của mình là tại vì mình tu không từng bước một.

  • Tu tập như vậy, ngày càng thấy tiến bộ rõ rệt. Nhờ thế khiến mình thông suốt tà giáo ngoại đạo đang xen lẫn trong giáo pháp của Đạo Phật. Biết rõ như vậy khiến cho mình vững vàng niềm tin ở Chánh pháp môn của mình đang tu chính là pháp môn của Đạo Phật. Từ lâu chúng ta ai cũng đang sống trong sự vô minh, đen tối, mờ mịt, chẳng thấy rõ pháp môn nào của Đạo Phật và pháp nào của ngoại đạo.

Nhờ có vấn đạo ta mới thoát khỏi màn mây đen tối của các pháp tà sư ngoại đạo đang phủ mờ giáo pháp của Phật giáo từ bao thế kỷ nay.

Nhờ có vấn đạo ta mới hiểu rõ, thế giới siêu hình và hữu hình đều là thế giới Tưởng (thế giới không có thật).

(34:58) Nhờ có vấn đạo ta mới rõ thế giới Tưởng của con người, nên mạnh tay đập phá cái thế giới siêu hình mê tín đó, đã gây biết bao nhiêu sự rắc rối, tạo biết bao nhiêu sự hao tốn tiền của và đau khổ của loài người. Cũng vì cái thế giới đó, khiến cho con người đánh mất Đạo Đức Nhân bản – Nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người.

Từ cái thế giới siêu hình đó, con người đã mất đi sức tự lực, chỉ còn lại một tinh thần yếu đuối tha lực, luôn luôn biết dựa nương vào sự cầu cạnh những hình ảnh mờ ảo thần linh.

Nhờ vấn đạo, ta mới thấu rõ các pháp thế gian là do duyên hợp, nên ta dễ dàng buông xả thế giới hữu hình vật chất.

Bởi vì khi vấn đạo chúng ta mới hiểu rõ các duyên, càng hỏi chúng ta mới hiểu rõ các duyên nó hợp lại, nó không có gì của mình. Cho nên mình mới buông xả, mình không còn chấp cho nên cái ngã của mình mới hết, và đồng thời cái tâm ham muốn của mình nó mới diệt. Chứ nếu không, mình không biết cái thế hữu hình này do các pháp, do duyên hợp thì mình bị lầm chấp. Từ đó cái tâm tham-sân-si của mình mãi mãi không xả được.

(36:08)

  • Vậy bây giờ ta đã biết đó cũng chỉ là thế giới Tưởng - Nghĩa là cái thế giới chúng ta đang sống hữu hình này nó cũng chỉ là thế giờ tưởng - của con người vô mình từ biết bao nhiêu kiếp lầm chấp nó là thật nên dính mắc các pháp, chạy theo các pháp tạo biết bao điều đau khổ cho mình cho người và cho tất cả chúng sanh. Cũng vì thế mà con người chịu trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác mãi mãi không bao giờ dứt.

Nhờ có vấn đạo, ta mới biết cách tu tập xả ly, đoạn diệt thế giới hữu hình và thế giới siêu hình, ly dục ly ác áp.

Cái danh từ “Ly Dục Ly Ác Pháp” thì mấy con biết là cái tâm đoạn diệt cái thế giới hữu hình và thế giới siêu hình chứ không có gì khác hơn hết. Chứ không phải ly nội cái tâm của mình không đâu; mà cái tâm mình đã ly rồi thì cái bàn cái ghế này mình không còn tiếc đâu, cho nên mình xả ly cái thế giới hữu hình và siêu hình đó.

(37:03) Nhờ có vấn đạo ta mới thấu rõ thiền định nào đúng hoặc sai của Đạo Phật. Nhờ có vấn đạo ta mới thấu rõ Đạo Phật có ba loại thiền định:

1/ Ngăn ác Diệt ác - Khởi thiện Tăng trưởng Thiện

2/ Diệt ngã xả tâm

3/ Ly dục ly ác pháp

Nhờ có vấn đạo ta không rơi vào thiền ức chế tâm và tu tập đúng thiền xả ly tâm, nên thân tâm chúng ta thường thanh thản, an lạc, tâm như đất trời giải thoát.

Nhờ có vấn đạo ta mới thông suốt “Tam Vô Lậu Học” là chính pháp môn của Đạo Phật nên không bị tà sư ngoại đạo nào lừa đảo, lường gạt ta được.

Vấn đạo là một điều cần thiết cho những người mới tu, cũng như người tu lâu năm. Sự mới tu cũng cần phải thưa hỏi kỹ để tu tập đúng cách và có căn bản. Còn người đã tu lâu năm thì gặp nhiều trạng thái kỳ lạ, nhất là tu thiền tưởng, những trạng thái ấy có khi đúng cũng có khi sai. Và cả cuộc đời mình chẳng thấy gì là giải thoát, sanh tử luân hồi làm chủ tham-sân-si-mạn-nghi và phiền não của mình.

(38:10) Bởi vậy kẻ nào cho rằng tất cả các pháp môn đều tu cũng tốt, cũng được, cũng thiện, cũng được giải thoát, cũng chấm dứt đau khổ và luân hồi, thì đó là kẻ nông nổi, u mê không biết tai hại về sau như thế nào, không trí tuệ, thiếu nhận xét, nhắm mắt tin càng tin bừa để rồi sẽ ân hận về sau.

Nếu các pháp tu đều tốt đều thiện, đều có kết quả giải thoát như nhau thì Đạo Phật ra đời để làm gì? Có phải bằng thừa không? Chúng ta nên tìm hiểu tại sao Đức Phật tu các pháp môn của ngoại đạo nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định, nghiệm xét lại thấy thân tâm mình không giải thoát, để rồi tự mình phải tìm ra một giáo pháp, một đường lối, một đạo lộ tu tập đi đến giải thoát, cứu cánh làm chủ sanh - già - bệnh - chết mà lục sư ngoại đạo và các tôn giáo khác không có pháp môn này.

(39:07) Một giáo pháp chỉ có ba mươi chín ngày tu tập, nhiệt tâm quyết chí xả ly, lìa tâm ham muốn, từ bỏ ác pháp, Ngài đã thành tựu đạo giải thoát, chứng quả Bồ đề. Sáu năm trời khổ hạnh, Ngài tu tập các pháp môn ức chế tâm nhất là pháp môn hơi thở. Ngài nín thở ức chế tâm tối đa tưởng chừng như sắp chết. Nín thở, Ngài tìm thấy pháp môn này không có giải thoát, nên Ngài chuyển qua ức chế thân, khổ hạnh tối đa. Ngài ăn bảy hạt mè hoặc một ít cháo đậu. Cơ thể vì tiết thực nên kiệt quệ, Ngài đi hết nổi. Nhờ bát sữa dê phục hồi cơ thể, Ngài tỉnh táo và tư duy biết các pháp của Lục sư ngoại đạo và các tôn giáo khác trên hành tinh này ức chế thân tâm không thể tu tập đi đến giải thoát được, Ngài từ bỏ và viễn ly các pháp đó.

(40:12) Qua sự tu tập của Đức Phật, chúng ta rút tỉa ra được những kinh nghiệm thực tế và cụ thể. Các pháp Đại thừa và Thiền Đông độ cùng tất cả các pháp môn của các tôn giáo trên thế gian này, đi đến kết luận không thể làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Giáo pháp Ngài tìm ra được, là một giáo pháp không giống bất cứ một giáo pháp nào của Lục Sư ngoại đạo và các tôn giáo khác trên hành tinh này. Vì thế, Đạo Phật ra đời, không nhai lại đờm dãi của các tôn giáo khác. Pháp môn của Ngài đi từ sự tu tập sức tỉnh giác để giữ tâm trong chánh niệm, tức là xả tâm, ly dục ly ác pháp, không có một chút ức chế tâm nào cả.

Các con nhớ kỹ, nghĩa là luôn luôn Tỉnh Giác là phải ở trong Chánh Niệm. Thì cái niệm đó là cái niệm gì? Cái niệm Xả Tâm đó. Thầy xin nhắc lại điều đó là điều rất quan trọng, mà hầu hết người ta không triển khai nổi cái niệm này. Cho nên người ta cứ nghĩ rằng Chánh niệm là mình ở trong cái biết cái hơi thở ra vô là chánh niệm, đó là chánh niệm; mà mất cái hơi thở là mất cái chánh niệm thì cái chánh niệm đó là cái sai, không đúng. Cái hiểu như vậy là cái hiểu của nhà học giả, của kiến giải, không phải là của hành giả, không phải của người tu chứng.

Lấy tâm nương hành động (lấy cái tâm của mình mà nương cái hành động) tu tập tỉnh thức.

Đó thì các con nhớ rất rõ ràng chứ không phải lấy cái tâm của mình nương các pháp khác ở ngoài đâu, mà lấy cái tâm của mình nương cái hành động của Thân Nội là hơi thở, ngoại thân của mình là các hành động đi đứng nằm ngồi của mình đó tập tỉnh thức.

Rồi xen vào một cái niệm (tức là Như Lý Tác Ý đó, cái đó là Chánh niệm) để xả dục, xả pháp, tránh không đi vào trạng thái tĩnh lặng (nghĩa là không cho cái tâm của mình rớt vô trạng thái tĩnh lặng, vì rớt trong trạng thái tĩnh lặng là một cái trạng thái của định Tưởng ức chế tâm) mà đi vào trạng thái đoạn diệt tâm tham-sân-si khiến cho tâm thanh thản an lạc, đi vào trạng thái thanh tịnh tức là định của Đạo Phật.

(42:19) Chúng ta không đi vào cái định ức chế tâm, mà đi vào cái định Tỉnh Thức mà xả tâm thì cái định đó là cái định của Phật.

Từ đó suy ra, ta biết pháp môn của Đạo Phật không giống một pháp môn nào của ngoại đạo - nghĩa là các con suy nghĩ từ các pháp như yoga nè, rồi như các pháp khí công nè, võ công, trọng công, khinh công, nội công nè, tất cả những cái đó đều là tập trung vào sự ức chế tâm của mình trong cái tưởng của mình mà thôi.

Còn đạo Phật thì luôn luôn lúc nào cái pháp của Đạo Phật thì chúng ta thấy rõ ràng cái Chánh niệm luôn luôn kèm theo cái Như Lý Tác Ý để mà xả tâm. Cái đó chính là của pháp Phật cho nên nó khác xa các cái pháp kia.

Còn bây giờ chúng ta niệm Phật “Nam mô A Di Đà Phật” thì vốn cũng là mục đích để ức chế tâm chứ đâu phải là xả tâm, bởi vì niệm Phật làm sao xả được. Đó là chúng ta thấy rất rõ. Bây giờ chúng ta giữ tâm bằng tìm công án hoặc thiền tri vọng là biết vọng liền buông, thì cũng là đâu có xả. Cho nên khởi tư duy tình “trước khi trời đất chưa sanh ta là cái gì”, thì các con thấy “cái gì”! Chỉ là ức chế tâm chứ đâu có xả cái tâm tham-sân-si đâu, cho nên làm sao nó hết tham-sân-si.

(43:34) Đó là chúng ta xét qua hết các pháp môn mà hiện hành, đang có mặt ở trên con đường tu của chúng ta trong cái thế gian này, thì tất cả các pháp này đều là ức chế tâm. Thậm chí như Mật tông dạy chúng ta niệm chú niệm bùa cũng đâu có xả tâm kèm theo đâu. Cho nên cũng thuộc loại thiền ức chế tâm.

Vì thế, kẻ nào cho rằng 84 ngàn pháp môn là của Phật giáo, kẻ đó quá si mê, u tối bị tà giáo ngoại đạo lừa đảo mà không biết.

Bởi vậy, vấn đạo là một điều quan trọng hết sức trong giai đoạn Phật giáo hiện nay, khi giáo pháp của Đạo Phật đã bị pha trộn nhiều thứ pháp ngoại lai.

Vấn đạo khiến chúng ta hiểu rõ, phần đông giáo pháp ngoại đạo, phi đạo đức, dạy người cầu tha lực, thường mang đến tai họa khổ đau cho người hơn là mang đến hạnh phúc. Vì hướng dẫn con người đi vào cảnh giới siêu hình mang đầy tính chất mê tín, dị đoan, thần thánh hoá, lạc hậu v.v.

Cho nên, trong vấn đề tu tập theo Đạo Phật, vấn đạo là điều cần thiết, để thăm dò các pháp môn, pháp nào đúng, pháp nào sai, pháp nào tu tập có kết quả, cụ thể và thực tế.

Qua cuộc vấn đạo trong bộ sách “Đường Về Xứ Phật”, quý vị đã được đọc, đừng vội vàng tin những lời nói trong đây, mà hãy suy nghĩ kỹ. Nếu nó chỉ vạch chỗ phi đạo đức xét thấy là thật sự phi đạo đức, chỗ lý luận sai mà thật sai, chỗ tu tập giải thoát mà có giải thoát thật sự, chỗ mê tín lạc hậu, đúng là chỗ mê tín lạc hậu, thật sự như vậy thì quý vị hãy tin. Còn ngược lại thì quý vị đừng nên tin, vì tôi cũng chỉ là một người như quý vị.

(45:30) Qua một cuộc vấn đạo, tôi trả lời chỉ muốn làm sáng tỏ lại Đạo Phật mà thôi. Bởi vì tôi không muốn Đạo Phật mất đi trên thế gian này, nhất là Đạo Đức của Đạo Phật, một Đạo Đức “không làm khổ mình, khổ người”.

Nếu Đạo Phật mất đi thì loài người trên hành tinh này chịu thiệt thòi một điều rất lớn: một tai họa không thể lường được, một bằng chứng hiển nhiên trên hành tinh này không lúc nào mà chiến tranh chấm dứt. Con người giết con người không gớm tay và không thương xót, đó chỉ vì Đạo Phật có mặt, nhưng Đạo Đức của Đạo Phật đã mất từ lâu. Con người thiếu Đạo Đức làm người, một Đạo Đức Nhân quả không làm khổ mình, khổ người.

Vì thế, trong khi khoa học lại tiến triển phát minh, những vật chất phục vụ đời sống con người rất tiện nghi. Vì vật chất tiện nghi này, tâm dục con người tăng trưởng, biến dần con người trở thành ác thú hung dữ. Từ đó con người tự sát mà không biết, tự làm khổ mà không hay, tự chuốc họa vào thân mà không ngờ, nếu không có một Đạo Đức quân bình với khoa học thì quả địa cầu này, một ngày nào đó sẽ bị hủy diệt.

Người muốn tu theo Đạo Phật cho đúng Chánh pháp của Đức Phật, thì phải chịu khó nghiên cứu cho kỹ các pháp môn, vì kinh sách hiện giờ, toàn là của các nhà học giả biên soạn, đụng đâu viết đó theo sở thích của mình, không có kinh nghiệm tu hành, viết mà chẳng thấy trách nhiệm của mình, chỉ biết nêu tên tuổi (cầu danh). Họ đâu hiểu rằng soạn viết ra kinh sách như vậy là để lại một tai hại cho bao nhiêu thế hệ con người sau này.

Muốn soạn viết kinh sách có lợi ích cho người đời sau, thì phải có thực hành tu tập đến nơi đến chốn, đời sống phải có một đạo hạnh hẳn hoi, phải nhập được các định, làm chủ được sự sống chết, phải có Tam Minh, đoạn dứt các lậu hoặc, chấm dứt luân hồi, thì soạn viết kinh sách mới có ích lợi thiết thực cho người đời sau. Bằng ngược lại là giết người, không những giết một đời người, mà giết nhiều thế hệ con người.

(47:42) Còn ngược lại, tu hành chưa đến đâu, đời sống đạo hạnh chưa ra gì, đức hạnh không có, giới luật vi phạm, thiền định chỉ có hình thức ngồi thiền, sống với những cấp bằng và những kiến giải suông, dựa vào sở tri và đờm dãi của người xưa viết soạn kinh sách, thì loại kinh sách đó là kinh sách giết người, giết cả bao thế hệ.

Phần vấn đạo là phần rất quan trọng, nên chúng tôi muốn trả lời cho một câu hỏi nào, đều phải dựa trên lập trường Đạo Đức của Đạo Phật mà trả lời. Cho nên những câu trả lời của chúng tôi đều góp ý xây dựng lại nền Đạo Đức của Phật giáo đã bị tà sư ngoại đạo Đại thừa đã biến Đạo Đức của Phật giáo, thành một thứ đạo đức mê tín (nhân quả mê tín).

Thiền định của Đạo Phật đã biến thành thiền định ức chế tâm để nhập vào các định tưởng, triển khai tưởng tuệ, biến thành một loại thiền miệng (khẩu đầu thiền). Còn loại thiền làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi thì được xem là thiền phàm phu, ngoại đạo.

Cuối cùng, chúng tôi ngưỡng mong những bậc cao minh, giới đức, đạo hạnh, vì con người trên hành tinh này, vì đạo đức xã hội, vì lợi ích thiết thực chung cho con người và vì Đạo Phật, hãy vui lòng chỉ dạy cho chúng tôi, những điều còn sai sót và cùng chung với chúng tôi xây dựng lại một nền Đạo Đức cho con người, để không còn ai tự làm khổ mình, làm khổ người, thường mang đến cho mọi cá nhân con người một nguồn sống thanh thản, an lạc, vô sự, yên vui; một gia đình hòa hợp, hạnh phúc; một xã hội có trật tự an ninh; một đất nước phồn vinh thịnh vượng; một thế giới hòa bình, an lạc. Và thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo đang bị những trận cuồng phong tà giáo thổi tới tấp sắp bị tàn lụi.

Tu viện Chọn Như kính ghi.

(49:42) Đó là cái lời thay Lời tựa của cuốn Đường Về Xứ Phật, tập IV mà Thầy đã trao cho các con. Còn những phần sau này, về những bài vấn đạo trong cái tập đó thì qua sự hỏi vấn đáp, thì Thầy đã biến dần nó trở thành những bài pháp. Thí dụ như cô Viên Minh hỏi: “kính bạch Thầy, xin Thầy giải cho con hiểu trí vô hạn và hữu hạn” thì cái đề mục của cái bài hỏi này, cái câu hỏi này là Trí Vô Hạn và Trí Hữu Hạn. Cho nên nó trở thành cái tiêu đề trong cái bài pháp. Do từ cái tiêu đề đó mà Thầy viết ra thành một cái bài pháp để trả lời như những bài kinh của Phật ngày xưa ở trong kinh Nguyên Thuỷ.

Đến đây thì các con cũng đã được nghe Lời Nói Đầu của cuốn Đường Về Xứ Phật tập IV, thì như vậy trên bước đường tu tập, những gì Thầy dạy cho các con là một cái sự thật, nó phải giúp cho các con đạt được. Nhưng các con phải nghe lời, thực hiện đúng lời dạy của Thầy. Nếu các con không thực hiện đúng lời dạy của Thầy thì nó chẳng dẫn dắt các con đi đến đâu và uổng phí cái đời tu của các con rất uổng. Bởi vì đi tu rồi, chúng ta chẳng làm gì lợi ích cho mình, mà nếu mình không thực hiện được sự giải thoát, thì đem cuộc đời của mình sống như thế này để tha phương cầu thực, Thầy thấy có lợi ích thiết thực gì cho mình đâu. Đã bỏ hết cuộc đời đi tu thì phải làm được những gì vĩ đại. Phải làm được những gì? Thứ nhất là phải tốt cho mình, phải giải thoát được cho mình. Cái thứ hai là phải làm tốt cho xã hội, làm tốt cho đạo pháp. Như vậy mới đúng cái ý nghĩa của sự tu tập theo Đạo Phật. Đến đây Thầy xin chấm dứt.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy