00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

GIÁO ÁN ĐƯỜNG LỐI TU TẬP ĐẠO PHẬT 45 - GIỚI HỐI QUÁ - GIỚI CHÚNG HỌC - GIỚI DIỆT TRÁCH

GIÁO ÁN ĐƯỜNG LỐI TU TẬP ĐẠO PHẬT 45 - GIỚI HỐI QUÁ - GIỚI CHÚNG HỌC - GIỚI DIỆT TRÁCH

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1997

Thời lượng: [01:24:49]

1- BỐN GIỚI HỐI QUÁ

(00:00) Bây giờ chúng ta tiếp tục là kiết giới Tứ Hối Quá - bốn cái giới Hối Quá này.

Tứ Hối Quá theo tiếng Phạn là Ba La Đề Xá Ni, Tàu dịch là Hướng Bỉ Hối, nghĩa là bốn pháp đến người khác để xin sám hối.

Bốn cái pháp này mình đến với cái người khác để mình phát lồ mình xin sám hối.

Tỳ Kheo nào phạm một trong bốn tội này liền phải đến Tỳ Kheo khác mà phát lồ sám hối, xin được quở trách, xin được mắng chửi, xin được có cái sự rầy dạy, khuyến bảo, không được che giấu.

Nghĩa là cái người mà bị phạm lỗi đó, đến xin cái vị đó rầy mắng mình hoặc là khuyến dạy mình để cho mình không có vi phạm nữa. Đó gọi là bốn cái giới Hối Quá.

1) GIỚI THỌ THỨC ĂN CỦA NI KHÔNG PHẢI BÀ CON

(00:48) 1. Giới thọ thức ăn của ni không phải bà con.

Vì sao Phật kiết giới này?

Duyên khi Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, gặp lúc mất mùa, khất thực khó được, Liên Hoa Sắc Tỳ Kheo Ni liên tiếp 3 ngày khất thực rồi đem cúng cho Tỳ Kheo đến nỗi đói té xỉu bên đường. Trưởng giả ngồi xe đi qua hỏi biết sự tình bèn hiềm trách Tỳ Kheo không biết nghĩa nhượng, bèn mời ni về nhà, giặt y cúng dường. Các Tỳ Kheo bạch Phật. Phật kiết giới:

Nếu Tỳ Kheo vào trong thôn, tự nhận thức ăn của Tỳ Kheo Ni mà ăn, Tỳ Kheo ấy nên đến Tỳ Kheo khác nói: “Thưa Đại đức! Tôi phạm pháp đáng quở trách, làm điều chẳng đáng làm. Nay đối với Đại đức xin phát lời sám hối!” Đây là pháp hối quá.

Ở đây một cái câu chuyện như thế này nè, nói bà Liên Hoa Sắc Tỳ Kheo đi khất thực suốt ba ngày mà ngày nào khất thực cũng có đồ ăn hết, đem về thì mấy ông Tỳ Kheo Tăng đón đường, thì bà phải trút đồ ăn của bà cho ổng đem về ổng ních. Mà ngày nào thì mấy ông này cũng ra đón đường bà này hết, cho nên 3 ngày rồi mà bả không có ăn được hột cơm nào hết, cứ hễ đi xin về mà gặp Tỳ Kheo mà không có thì trút đồ ăn mình trong bát cho.

Bởi vậy cái kỳ cục, Thầy cũng không hiểu tại sao có cái lệnh kỳ vậy Thầy cũng chả biết nữa! Tại sao nó đặt ra như vậy, để cho đến khi 3 ngày bà này bả đi xin như vậy bả không có hột cơm ăn vào bụng, bà ngất xỉu ngoài đường, gặp cái vị cư sĩ trưởng giả này đi ngang qua mới hỏi thăm mới biết sự tình như vậy, thì mới đem bà này về giặt y áo rồi cho ăn cho uống này kia bà mới trở về. Và vì vậy mà khi Đức Phật nghe cái tin này mới đặt ra cái giới đó.

Bây giờ đó lại là cái giới là “Giới thọ thức ăn của ni không phải bà con” - giới đặt ra cũng còn kỳ nữa, Thầy nghĩ cũng lạ.

Ni này nó không bà con của mình thì mình không được cho nhận thức ăn, như là bà Liên Hoa Sắc Tỳ Kheo này, những cái vị Tỳ Kheo khác là xa lạ với bả, cho nên bây giờ các vị Tỳ Kheo mà gặp bả đi khất thực mà xa lạ, thì bả không có trút đồ ăn vô trong cái bát của các vị Tỳ Kheo này. Nhưng mà bả là có một vị Tỳ Kheo mà bà con với bà, chắc chắn vị Tỳ Kheo này chắc là bả cũng trút cái đồ ăn bà cho cái vị Tỳ Kheo đó. Cho nên chế cái giới này chắc còn có cái giới nào nữa đây.

Thầy nghĩ rằng nó có những cái mà có thể nói rằng nó tiếp tục nó đặt điều ra như vậy, chớ còn đâu có lý do nào mà cái chuyện mà phi lý như vậy! Người nào đi khất thực người nấy ăn chớ tại sao mà có cái chuyện ăn cướp của phụ nữ như vậy? Tăng gì mà - cái người tu sĩ gì mà lạ lùng quá vậy?

Đó thì như vậy là chúng ta thấy rõ ràng là có những cái giới nó không có đúng với cái tư cách bình đẳng của một cái người tu hành. Làm quá vua chúa à! Mình chẳng cần đi khất thực, cứ ngồi xung quanh cái chỗ cái tu viện ni đi, chờ họ đi khất thực cái về, họ về gần tới nhà họ cái mình đưa cái bình bát ra cái họ rót, cái rồi họ vô trong thất họ ở đó.

Chơi cái kiểu này là mấy ông tăng lười biếng là mấy ổng chơi kiểu đó à! Cái tu viện ni ở đây, bắt đầu ổng ngồi trước cửa, mấy bả đi khất thực ngoài Trảng Bàng về được bao nhiêu đón lấy hết, cái chùa ni nó đói thấy bà nội luôn! Có không? Cái giới gì chế mà kỳ cục vậy, Thầy chả biết đâu nói!

2) GIỚI THỌ THỨC ĂN DO NI CHỈ BẢO

(04:05) Bây giờ:

2. Giới thọ ni chỉ bảo cho thức ăn.

Khi Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, các Tỳ Kheo cùng với Lục Quần thọ trai trong nhà bạch y. Bấy giờ Lục Quần Ni và Lục Quần Tỳ Kheo đòi cơm canh, kêu nói: “Mang canh đến đây!”

Làm quá vô tiệm vậy! Thiệt ra, trời đất! Thầy nói ông thầy đi xin mà gọi người ta cái kiểu như là vô tiệm mà gọi vậy đó.

“Đem cơm đến cho vị kia!”

Thật sự ra mình vô tiệm mình cũng…​ Người ta đưa cái bản gì đây mà để mình coi cái thực phẩm mình gọi đó, à bản thực đơn, rồi mình coi mình gọi, bảo nó đem mình canh nè, cơm nè, nào đồ chiên đồ xào gì, mình gọi đủ cái thứ đồ ăn của mình rồi bắt đầu ngồi chờ chứ chưa chắc mà gọi kỳ cục vậy. Còn ở đây, vô thọ trai nhà người ta mà gọi làm như là mình vô ăn tiệm vậy đó.

Thì những cái hành động này Thầy thấy sao mà họ chế ra được như vầy, chắc lẽ là mấy ông thầy này vô tiệm ngồi ăn gọi quen rồi bây giờ chế giới cũng vậy thôi, chớ còn mình không có làm cái điều đó mình biết đâu mình gọi, phải không?

Cho nên mấy ông thầy mà chế giới này là từng ăn tiệm cơm rồi, thế nào cũng vô đó mà gọi bồi lung tung rồi, biểu mang cái này mang cái kia ra đó. Cho nên chế cái giới này mà Thầy đọc tới đây Thầy mắc tức cười mấy ông này là chuyên môn ăn tiệm nè, ăn tiệm cơm chay chớ không có gì đâu.

…​ Khiến cho các vị ngồi chặng giữa không nhận được thức ăn.

Kêu, cứ đi kêu đến cho mình, mấy người khách người ta vô ngồi nãy giờ người ta chờ mà không có thức ăn, còn mình gọi lia lịa cho nên bồi bếp nó lật đật nó mang đến cho mình mà bỏ mấy người kia. Như vậy là mình thấy cái Phạm hạnh của người tu là ở chỗ nào? Rõ ràng là lấy cái oai vệ của người tu mà làm ra cái vẻ của mình là như quan, vua chúa vậy, vô tiệm làm ào ào!

Thì cái chuyện cái giới này thiệt ra Thầy nói, chế ra như vậy là chắc chắn mấy ông tăng này hồi đó dữ tợn lắm chớ không phải là thường đâu, sống còn hơn mình bây giờ nữa, cho nên mới có những cái giới đó mà chế ra. Chớ trong thời Đức Phật Thầy nói chắc chắn không có mở tiệc cơm chay đâu, chỉ có đi xin thôi chớ còn không có vô tiệm mà ngồi ăn kiểu đó được.

3) GIỚI Ở NHÀ HỌC GIA THỌ THỨC ĂN

(06:11) 3. Giới ở nhà học gia thọ thức ăn.

Vì sao Phật kiết giới này?

Khi Đức Phật ở tại núi Kỳ Xà Quật, bấy giờ các Tỳ Kheo thường đến nhà cư sĩ có tin ưa nhận thực phẩm cúng dường, đến nỗi gia đình nọ bị nghèo thiếu. Những người ngoài ở gần thấy vậy cười chê các Tỳ Kheo. Đức Phật nhân đó bảo chúng tăng bạch Nhị Yết Ma tác pháp học gia mà kiết giới này.

Nghĩa là mình cứ đến cái nhà nào mà mình tin ưa họ đó, thấy người ta cúng dường mình mãi đó, mình cứ lo mình đến đó, mình cứ ngày nào cũng đến xin, xin riết người ta nghèo mạt người ta. Người ta đâu phải người ta làm để người ta cho mình? Thì cho nên Phật chế cái giới này là vì ngăn cản không có cho mình đến xin một nhà mãi, mà mình thấy cái người này họ tốt bụng mình cứ xin hoài.

Lẽ ra Thầy nói cũng có chứ không phải không. Lúc mà Thầy đi khất thực Thầy cũng có cái bụng như vậy, hồi Thầy mới khất thực mà, Thầy thấy Thầy đi ngang qua cái chỗ đó họ cho mình, bữa nào cũng lẽo đẽo đi ngang qua đó đặng cho người ta cho, còn đi mấy cái chỗ khác họ không cho.

Cái tâm lý của mình nó kỳ, khi thấy người ta cho mình cứ đi hoài, chừng nào mà họ không cho mình nữa mình không đi. Đó, đó là cái tâm của mình mà. Tự nhiên mình chưa có giải thoát thì cái tâm đó nó có khởi lên mình có thấy rõ. Cho nên Thầy biết Thầy rõ lắm chớ không phải là không biết. Vì vậy là những cái đó mình phải học mà, biết tâm của mình chỗ nào mình học mà.

Hồi mà Thầy ở Giác Ngộ cũng vậy, Thầy thấy thí dụ như cái bữa đó quý thầy nói: “Bữa nay Thầy đi khất thực, Thầy đi lại cái lò bánh mỳ Thầy khất thực cho tụi này một bữa ăn bánh mỳ cho đã coi!” Thầy nói: “Thôi được, được!” Rồi bữa đó cái Thầy đi. Cứ đi luấn quấn mấy cái tiệm bánh mỳ, mấy cái lò bánh mỳ, mà cái lò bánh mỳ nào mà cúng dường mình nhiều là Thầy bữa đó tính chắc chắn là mình đến đó cũng phải có.

Đúng vậy, Thầy đến đó bắt đầu, đi ngang qua đó thì bắt đầu nó ở trong đó nó cho một người chạy ra: “Bạch Thầy! Hôm nay chủ nhà con xin Thầy dừng lại để chủ nhà con cúng dường cho Thầy!”

(08:02) Rồi bắt đầu nó đem ra cỡ khoảng hai, ba chục ổ bánh mỳ vậy, nó bảo Thầy phải đưa cái tay vầy chớ cái bình bát Thầy làm sao nhét hết. Thầy mới lấy cái y của Thầy vầy nè, Thầy đưa lên vầy, Thầy đỡ ra hết đem ra đựng bánh mỳ, chớ còn cái tay mình làm sao đựng hết, thành ra chừng đó cái ôm bánh mỳ đi về.

Đi đường, thiệt ra nếu mà người ta biết được thì người ta cười ông thầy dữ lắm, nhưng mà tại hồi đó tại vì mình cũng tham, mình đem về cho chúng ăn mà, cho nên mình cứ ôm mình đi: “Trời ông thầy gì mà đi khất thực ôm một ôm bánh mỳ!”

Thầy nói, có nhiều cái mà Thầy nghĩ bây giờ mà mình học lại cái giới luật của Phật, mình thấy mình sai quá sai. Và mình sai trong lúc đó ai biết được? Những người xung quanh đó là cư sĩ không ai biết hết, chỉ thấy ông thầy đi xin về ăn thôi, về cả chùa ăn chớ không phải ông ăn một mình ổng nổi, nhưng mà người ta thấy mình làm như vậy tốt chớ người ta chưa hiểu chính cái đó là cái sai, cái tham của mình.

Tham cho một mình mình chưa đủ, mình tham cho người khác. Bổn phận của người nào phải đi khất thực mới đúng, chớ không phải là đi xin cho người khác ăn. Mình làm cái đó tốt chớ không phải tốt đâu, mình làm cho một số tu sĩ khác lười biếng. Phải hiểu.

Cho nên già rồi, Thầy nói đọc trong Thánh Ni, bà già bảy mươi mấy tuổi rồi mà chống cây gậy lê lê đi xin chớ không có một vị nào đi xin đem về cho bà đó ăn. Đó thì các con đủ biết đạo Phật rất là công bằng, già cũng phải…​ Chớ không phải là nói rằng bà già rồi, cái người khác mà đem đến cho bà. Tu như vậy mới thật là tu, mới có những cái hạnh của nó. Đó thì như vậy chúng ta mới thấy rằng đạo Phật nó quý là ở cái chỗ mà nó rất là bình đẳng.

Còn ở đây, những cái hạnh mà Thầy vừa qua Thầy kể mấy con để nghe cười chơi, đúng là cái tâm niệm Thầy lúc đó cũng còn phàm phu lắm, chớ không phải là giải thoát đâu. Còn bây giờ thì Thầy thấy Thầy không ham nữa, bởi vì Thầy biết nó là bất tịnh rồi, mà Thầy cũng biết rằng những cái người khác mà ngồi không để chờ Thầy đi khất thực về ăn là cái sai rồi.

Hồi đó Thầy không biết, Thầy nghĩ mình làm tốt cho người ta, mình làm cho người ta được no là mình có phước thôi, nhưng mà không ngờ thật sự ra Thầy đưa những người đó xuống địa ngục và Thầy là người bị tội phá giới, không có đúng cái hạnh của người tu.

4) GIỚI CHỖ SỢ HÃI THỌ THỨC ĂN

(10:02) Giới thứ tư:

4. Giới chỗ sợ hãi thọ thức ăn.

Vì sao Phật kiết giới này?

Khi Phật ở tại vườn Ni Câu Loại, bấy giờ trong thành Di Xá, các phụ nữ đến tăng già lam cúng dường, trên đường đi bị giặc nhiễu hại. Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo nên nói với phụ nữ đừng ra khỏi thành, trên đường có giặc khủng bố, nếu họ đã ra khỏi thành thì nên nói dừng, đừng đến chùa. Vì cớ ấy nên Phật mới kiết giới này.

Nếu họ đến thọ giáo sắc, khi nghe pháp, Tỳ Kheo tự có thức ăn riêng nay trao cho thì không phạm.

Nghĩa là bây giờ trên con đường đi mà đến chùa thì nó có một cái đoạn đường vắng, trộm cướp nó dữ lắm, ăn cướp nó dữ lắm. Cho nên hầu hết là cư sĩ đến chùa cúng dường thì nó rất là khó khăn, mà nếu đến chùa cúng dường rồi thì nó không có gì ăn thì trong chùa nên cho các vị cư sĩ đó ăn, cái người Tỳ Kheo nào có cái thức ăn riêng.

Ở đây nói sao mà Thầy nghe nó lạ lùng lắm. Tỳ Kheo đi xin ăn rồi thì bỏ hết không có còn cất giữ riêng, mà tại sao còn có cất giữ riêng mà khi mà có những người phụ nữ mà họ đi cúng chùa, trời tối rồi họ không dám về, họ ở lại đó, thì lấy thức ăn của mình riêng ra cho họ ăn, nghĩa là như thế nào Thầy có biết làm sao đâu? Đó là những cái giới luật kỳ cục quá vậy!

Nghĩa là Thầy thấy rằng nó không có đúng cái tính cách của một cái sự giải thoát của giới luật của Phật. Là tại vì chúng ta đi khất thực ăn rồi thì bỏ hết, không còn có cái gì hết. Rồi bây giờ trên cái đường đi mà khó khăn như vậy, thì ít ra thì người phụ nữ họ cũng biết cái đoạn đường đó khó như vậy, thì họ đến chùa sớm rồi họ về sớm chớ làm sao mà kề cà ở đó tối mà không dám về?

Thì như vậy là nói những cái giới như vậy thì Thầy thấy nó có nhiều cái vô lý ở trong đó lắm. Chúng ta sau này chúng ta đọc lại và kiểm nghiệm coi nó đúng sai rồi chúng ta chỉnh đốn lại hết, chớ không có để những cái giới mà nó vô lý.

Bây giờ chúng ta đọc lướt qua chúng ta chưa có thâm hiểu, muốn làm một cái điều gì chúng ta cần phải có một cái sự suy tư đúng đắn để rồi chúng ta để cây bút mà viết ra cái giới là phải nó - từ ngay bây giờ, từ khi mà chúng ta cầm cây bút mà chúng ta viết cho đến về sau, mãi mãi về sau không được thay đổi cái này.

Nghĩa là không được thêm bớt, cái thời gian và cái không gian nó không có bao giờ mà có thể làm mất cái pháp này được, thì chúng ta mới kê cây bút mà viết. Còn nó có sự thay đổi thì không nên viết cái giới đó ra.

Bây giờ thì chúng ta sắp sửa nghỉ để chúng ta ăn cơm.

2- MỘT TRĂM GIỚI CHÚNG HỌC

(12:30) Bây giờ các con sẽ tiếp tục nghe cái giới một trăm giới Chúng Học. Hồi sáng thì đã học hết mấy cái giới là giới Đọa, hết chín chục giới Đọa, và đồng thời thì học bốn cái giới Tứ Hối Quá rồi, bây giờ chúng ta học tới một trăm giới chúng học, tiếp tục trong cái chương trình học hết cái giới bổn, cái nào đúng, cái nào sai, để chúng ta gạn lọc mà chúng ta bỏ.

Sau này có đủ cái duyên, Thầy soạn lại cái bộ giới bổn này, để mỗi cái giới là một cái pháp môn, mỗi cái pháp môn để cho chúng ta sống giữ gìn và thực hiện cái sự tu tập của chúng ta, trau dồi thân tâm của chúng ta để chúng ta ly dục ly ác pháp.

Chớ không phải như cái giới mà các vị Tổ viết giới này, hầu như là viết cái bản hiến chương là phải, hay hoặc là viết cái giáo điều thì phải, hay nói chung là viết cái pháp luật chớ không phải là viết cái bài pháp để chúng ta sống đúng ly dục ly ác pháp, để chúng ta thực hiện sự giải thoát của tâm hồn mình, để làm chủ được sanh tử luân hồi.

Cho nên đọc giới rồi chúng ta mới thấy đây là giới của người phàm phu, của người sau này viết chớ không phải là của thời Đức Phật mà dạy ra.

Bây giờ chúng ta học một trăm giới chúng học:

Bách Chúng Học còn gọi là Chúng Đa Học Pháp, tiếng Phạn gọi là Thức Xoa Ca La Ni, nghĩa là những điều cần thực hiện, hay nói khác là cần phải học.

Trong sáu pháp trước là chỉ trì và chỉ phạm, còn pháp thứ bảy này là chỉ bản chất tác trì và tác phạm. Các vi phạm đối với pháp thứ bảy này là tội Đột Cát La.

(14:19) Đối tượng của các điều khoản trong đây đại bộ phận là bốn oai nghi, cử chỉ cùng với những sự việc ăn uống, thuyết pháp, đi đường, tại nhà cư sĩ, nói tổng quát đây là những điều tác thành tư cách lịch sự tao nhã của một vị Tỳ Kheo.

Ngoài tác phong trong sự giao tiếp với thế tục, trong đây còn có nhắm đến mục đích quan trọng khác đối với đời sống tu tập của Tỳ Kheo, đó là sự hộ trì Chánh Niệm, là nền tảng của sự tu tập các pháp môn.

Phật ở vườn Cấp Cô Độc, Lục Quần Tỳ Kheo vi phạm, Phật nhân đó mà kiết giới này. Một trăm pháp chúng học này theo luật Tứ Phần có thể được chia làm 10 nhóm như sau cần phải học:

Ở đây Thầy muốn nói về một trăm cái giới chúng học này là nói chung nó là oai nghi tế hạnh của một cái người tu sĩ chớ không có gì khác hơn hết. Mỗi cái giới nó là nói về một cái oai nghi của mình đối xử với người cư sĩ cũng như đối xử với nhau, từ cái ăn, mặc, đi, đứng, nói, nín của chúng ta đều nằm ở trong những cái oai nghi này, trong những cái một trăm giới này.

Cho nên muốn chuẩn bị cho một người tu sĩ có những cái oai nghi cho xứng đáng là một cái vị tu sĩ, thì một trăm giới chúng học này mà chúng ta không học là chúng ta đã thiếu khuyết những cái oai nghi đó.

Nhưng ở đây chúng ta còn phải coi thử coi nó có đúng hay là không, hay là người ta đặt những cái điều đó ra mà nó có đúng không? Cũng chẳng hạn là như bây giờ Thầy nói, như người ta nói bây giờ một vị tu sĩ thì cần phải ba y một bát, thì chúng ta phải thấy cái cuộc sống của chúng ta có thể sống ba y một bát có được hay không?

Nếu được thì nó đúng, mà nếu không được tức là không đúng. Vậy thì không đúng thì chúng ta muốn tu tập để được giải thoát thì chúng ta phải làm sao cho nó đúng với cái hạnh thiểu dục tri túc, mà nếu nó thừa hơn thì nó không phải là thiểu dục tri túc, mà nó không hơn thì đời sống chúng ta ra làm sao?

Tất cả những cái này là cái mà một cái người sau cần phải suy nghĩ, cần phải có trí tuệ mới có thể chỉnh đốn lại giáo pháp, chỉnh đốn lại giới luật, để chúng ta có một cái lộ trình, có một cái đường đi, có một cái sự thực hành để đem đến sự cứu cánh cho bản thân của mình và cho mọi người.

Và cũng là dựng lại Phật pháp để cho người ta thấy có cái sự kết quả thực tế và cụ thể trên con đường đi tìm sự giải thoát. Nó không có phải một sự mơ hồ, một sự tưởng tượng, mà là một sự thực, thực là cuộc sống giải thoát của đạo Phật như vậy.

2.1- VỀ Y PHỤC

(16:54) I. Nói về y phục (Là điều giới 1 và 2)

1. Nên mặc quần niết bàn tăng cho cân bằng.

Nghĩa là cách thức mà mặc cái y hạ đó, tức là cái chăn đó, thì có nhiều người thì mặc kéo một bên cao bên thấp, cho nên ở đây khi mà vận cái chăn thì phải cho nó bằng cái mặt như thế này, ở bên nào, ở sau, ở trước, ở bên hông nây, bên hông nây, nó đều là rất bằng, cũng như người ta mặc cái jupe như vậy, nó đều như vậy, nó không có chệch với nhau.

Đó là cái thứ nhất ăn mặc cái - ở đây thì gọi là cái quần niết bàn, tức là cái y hạ đó.

2. Nên mặc ba y cho cân bằng.

Nghĩa là như Thầy mặc đây là ba y mà nó đều đặn như thế này, gọi là nó cân bằng, nó không có xốc xếch.

Còn ví dụ như bây giờ cái vạt này nó đổ sum xuống, nó tuột như thế này, tức là nó không có đúng cân bằng, nó không có ngay thẳng, cho nên nó làm cho nó như vầy, nó thả như vầy, tức là nó cũng không có cân bằng, cho nên mình phải kéo nó lên, làm cho nó phải đâu ra đó. Còn cái áo của mình, cái ở trong này mình mặc cái y trung mà nó lại chệch qua, nó tréo qua tréo lại, nó không đúng. Nó phải ngay ngắn, ở đâu nó ra đó.

Cho nên cái lối này là dạy khi mà chúng ta ăn mặc ở đâu cho nó nghiêm túc ở đó, chớ đừng có để chệch. Đó là hai cái phần mà mặc y ở đầu.

2.2- TÁC PHONG TẠI NHÀ CƯ SĨ

(18:20) Cái phần thứ hai là:

II. Tác phong tại nhà cư sĩ (Từ giới 3 đến 25)

3. Không được vắt trái áo vào nhà cư sĩ.

Nghĩa là khi mà vào nhà cư sĩ không có được vắt cái kiểu như Thầy như thế này vắt, mà vào nhà cư sĩ thì chúng ta phải vấn cái y lại cho nó kín cả tay chân của mình lại, không có được để hở ra mà đi vào nhà cư sĩ.

Còn vắt như vầy là tức là nó hở cánh tay. Mà cái tay áo của Thầy đây là tại vì nó có cái áo ở trong nó có cái tay, còn cái kia, cái y trung của họ nó không có cái - nó để lòi cái tay này ra. Cho nên khi mình để cái tay, mình để mà vấn như thế này mình đi vào nhà cư sĩ thì không có được, nó không có tốt.

Cho nên cái giới mà học oai nghi này, khi vào nhà người cư sĩ thì không có được vắt cái y như thế này, mà phải vấn cái y, rồi chúng ta xỏ đây mà chúng ta nắm đây, ở bên tay này nó phủ lại, nó kín tay, nó không có hở tay.

4. Không được vắt trái áo vào ngồi nhà cư sĩ.

Nghĩa là mình không được vắt cái y của mình như thế này mà mình ngồi trong nhà cư sĩ. Hồi nãy không được vắt áo vào nhà cư sĩ, tức là đi vào, rồi bây giờ vắt cái áo, vắt cái y như thế này mà ngồi trong nhà cư sĩ thì không có được nữa.

5. Không được áo quấn cổ vào nhà cư sĩ.

Không được lấy cái y của mình hay cái áo của mình quấn cổ một nùi vầy mà đi vào thì không có được, đó là cũng cấm.

6. Không được áo quấn cổ vào ngồi trong nhà cư sĩ.

Nghĩa là mình đi vào, ở ngoài đường mình đi vô mình vấn sẵn cái y, mình vấn cũng như cái khăn vậy mình đi vô thì không có được, còn bây giờ vô trong đó thì mình cũng quấn cái y như vậy mình ngồi trong nhà cư sĩ thì không được.

7. Không được trùm khăn lên đầu vào nhà cư sĩ.

Có nhiều người lấy cái khăn mà đội lên đầu rồi đi vào nhà cư sĩ thì nó không có được. Cho nên Đức Phật cũng cấm không có cho đội khăn mà đi vào nhà cư sĩ, để cái đầu mà chúng ta nó mát mẻ nó cạo trọc như vậy chúng ta đi vào thì nó tốt nhất nó không có…​ Còn mình đội cái khăn mình che khuất cái đầu của mình lên thì ở đây cái giới này cấm không có được.

8. Không được trùm khăn lên đầu mà ngồi trong nhà cư sĩ.

Mình ngồi trong nhà người ta, mình trùm cái khăn lên trên đầu mình như vậy thì không được.

Đó là những cái giới mà cấm những cái oai nghi chúng ta làm như vậy không đúng cách, mà hầu như là người ta sợ cái đầu trọc xấu cho nên người ta hay trùm khăn người ta đậy lại người ta ngồi trong nhà cư sĩ. Mình tu hành rồi còn xấu ở chỗ nào nữa mà che mà đậy, cứ để cho người ta thấy cái đầu trọc cho nó tốt đi!

9. Không được vừa đi vừa nhảy vào nhà cư sĩ.

Nghĩa là cái cách thức mà đi đứng của chúng ta phải đằm thắm mới đi vào nhà, chớ mình đi vào nhà người ta mà vừa chạy vừa nhảy mà vô trong nhà người ta thì chắc chắn mấy ông cư sĩ này họ sẽ đuổi mình ra khỏi nhà: “Ông thầy gì mà kỳ cục quá, hồi nãy vừa đi vừa nhảy, kỳ cục!”

(21:04) 10. Không được vừa đi vừa nhảy vào nhà cư sĩ, ngồi ở trong nhà cư sĩ.

11. Không được ngồi xổm trong nhà cư sĩ.

Vô trong nhà cư sĩ rồi dẹp cái ghế một của người ta vầy mà trèo lên trển ngồi, như vậy thì không có thể coi được.

12. Không được chống nạnh vào nhà cư sĩ.

Nghĩa là đi vào mà chống nạnh vầy mà đi vào như là mình người ngon vậy đó thì không có được, đó thì Đức Phật cũng cấm, những cái oai nghi đó thì không có được. Chúng ta nhớ những cái hành động này là hành động của người tu không có làm được.

13. Không được chống nạnh vào ngồi ở trong nhà cư sĩ.

Ngồi ở trong nhà cư sĩ mà chống nạnh vầy, ngồi vầy đó mà chống nạnh kiểu này ai mà coi được không? Đó thì ở đây cái giới luật này nó cấm như vậy, nó không có cho phép chúng ta những oai nghi như vậy.

14. Không được rung mình đi vào nhà cư sĩ.

Nghĩa là đi mà lúc lắc qua lại, như rắn mà uốn vậy đó thì không có được, đi cái kiểu mà uốn éo đó thì không có được. Vào nhà cư sĩ mà như vậy thì không có được.

15. Không được rung mình ngồi ở trên ghế.

Ngồi trên ghế mà lắc qua lắc lại, lắc qua lắc lại, ẻo qua ẻo lại, làm duyên làm dáng với người cư sĩ, ở trong nhà người ta mà làm kiểu đó thì không có được. Ngồi đâu thì ngồi ngay ngắn hẳn hòi, nói chuyện gì đó thì nói một chút rồi đi, chớ không được ngồi mà làm kiểu dáng này dáng kia.

16. Không được vung cánh tay vào nhà cư sĩ.

Nghĩa là đi vào nhà cư sĩ không có được mà đánh đòng xa vầy, đi sai sải vào đó thì không có được.

17. Không được vung cánh tay đi vào nhà rồi ngồi vào nhà cư sĩ.

Nghĩa là, nói chung là những cái hành động cánh tay mà đi đánh đòng xa một cách tự tại thì không có được. Phải dè dặt, cẩn thận giữ gìn cái hạnh, cái oai nghi của mình. Khi vào nhà cư sĩ thì đi nghe nó cũng như là mình đi kinh hành nhẹ nhàng, chớ không phải đi mà quạt cái tay cũng như là cái đuôi con bò vậy thì không có được, quắt qua quắt lại thì không có được.

18 - Khéo che mình kín đáo vào nhà cư sĩ.

Khi mà mình vào nhà cư sĩ, đừng có lấy cái bao bố mà trùm mình hết, kín mít, hay hoặc lấy cái y mình trùm kín mít hết mình vào nhà, người ta tưởng ma, tưởng quỷ, thì không có được, đừng có làm chuyện đó.

Rồi ngồi ở trong nhà người ta cũng lấy cái y vầy trùm hết đầu cổ, trùm không ai thấy mình hết, thấy một cái bao gì hay hoặc thấy một cái đống gì ngồi đó thì cũng không nên làm cái điều đó nữa. Đó là những cái oai nghi không có tốt.

19- Khéo che mình kín đáo ngồi ở trong nhà cư sĩ.

20. Không được ngó trông hai bên vào nhà cư sĩ.

21. Không được vào ngồi nhà cư sĩ ngó trông hai bên.

Nghĩa là vào nhà, mình nhìn tới vầy là mình nhìn tới, còn cái này là ngó tranh, ngó ảnh, ngó này ngó kia, ngó bàn, ngó ghế, ngó tủ, ngó sách, ngó vở, ngó đủ thứ tùm lum, ngó qua ngó lại.

Vô nhà cư sĩ thấy đồ đạc ham quá ngó lia lịa, không có cái nào mà không ngó thì ở đây cái oai nghi đó không có được, khi mà vào nhà cư sĩ thì không được, chỉ ngó thẳng vầy thôi chớ không…​ Thấy cái gì đẹp cũng không cần ngó hết.

Rồi ngồi trong nhà cư sĩ cũng vậy, không có được ngó bên nây ngó bên kia.

22. Im lặng vào nhà cư sĩ.

Nghĩa là mình vào nhà cư sĩ mình giữ cái sự im lặng, chớ mình đừng có nói chuyện ồn náo, to tiếng, không có được.

23. Im lặng ngồi trong nhà cư sĩ.

Vào ngồi nhà cư sĩ mình nên giữ cái vẻ mình im lặng, người ta hỏi một lời mình nói một lời, hỏi hai lời mình nói hai lời, chớ không được nói ồn náo ở trong nhà người ta.

24. Không được cười đùa đi vào nhà cư sĩ.

25. Không được cười đùa ngồi trong nhà cư sĩ.

Nghĩa là mình đến nhà cái người cư sĩ mình không được cười giỡn rồi mình đi vô nhà người ta. Mà cũng không được ngồi ở trong nhà người ta mà cười đùa giỡn nữa.

Đó là 25 cái giới giữ những cái oai nghi của chúng ta đi vào nhà cư sĩ.

2.3- TÁC PHONG ĂN UỐNG VÀ HỘ BÁT

(24:43) Bây giờ về cái phần thứ ba thì:

III: Tác phong trong sự ăn uống (Từ giới thứ 26 đến 47)

26. Khi thọ thực nên để ý khỏi đổ rơi cơm canh.

Nghĩa là mình ăn uống mình đừng có để cho cơm canh đồ ăn mình rơi rớt ra ngoài, đó là cái hạnh của người ăn uống.

27. Lấy thức ăn vừa ngang miệng bát.

Đừng có lấy vun lên, có đói gì đói cũng lấy nó vừa bằng thôi, mình lấy vun lên mình ém xuống nữa thì coi nó kỳ lắm. Người ta nói ông thầy này tưởng ăn.

27. Lấy thức ăn vừa ngang miệng bát.

Bằng cái miệng bát thôi, không có được lấy nhiều.

28. Lấy canh ngang miệng bát.

Chớ đừng có múc vun lên để nó tạt đổ ra ngoài.

29. Cơm canh cân bằng mà ăn.

Đừng có lấy thứ này nhiều mà thứ kia nhiều (ít), phải lấy bằng với nhau mà ăn.

30. Lấy theo thứ lớp trong bát mà ăn.

Chớ đừng có moi móc ở dưới bát mình đi tìm cái coi đậu hũ miếng đâu mà ăn, thì coi nó không được. Cho nên chừng nào ăn tới đó là hay, chớ cứ hồi nãy người ta trút đậu hũ ở dưới, bây giờ cơm đầy trên hết, thôi từ từ để mà ăn lần nó đi xuống. Còn cái này bươi móc ở dưới, đổ tùm lum ra hết.

Bởi vì bát cơm nó đã nhỏ mà nó đầy rồi, mà đậu hũ họ về họ cho ở dưới, thành ra giờ ăn cơm lạt ngồi ăn không được, cho nên cứ móc ở dưới lên ăn, như vậy đi kiếm đồ ăn để mà ăn với cơm thì như vậy là không có phải cái hạnh của người tu. Cho nên không có móc mà cứ tuần tự ở trên ăn chừng nào mà tới đó mình sẽ lấy lên mình ăn mà thôi.

Chớ không phải như mình có dĩa, có này kia, mọi thứ đều có phần riêng ra, dễ dàng đó, dè một bát mà ở trên thì nó đổ cơm mà ở dưới nó cho nguyên đồ ăn ở dưới đó, tới chừng mình ăn hết cơm, tới cái đồ ăn mặn chết rồi làm sao ăn được? Đó là những khó khăn của cái bát, dùng cái bát nó khó như vậy đó.

Cho nên do đó mà chúng ta phải khéo sử dụng. Nếu mà nó lưng bát thì chúng ta có thể móc ở dưới lên chúng ta ăn được, mà nó đầy thì thôi chịu, để ăn cơm lạt ở trên cho nó lưng xuống rồi mới móc lên mới ăn được. Còn nếu không mình xới ra coi nó kỳ lắm.

30. Lấy theo thứ lớp trong bát mà ăn.

Ở đây cái giới dạy tức là chúng ta lấy theo thứ lớp mà ăn chớ không được sắp.

31. Không được moi xóc trong bát mà ăn.

32. Nếu Tỳ Kheo không bệnh, không tự vì mình mà xin cơm canh.

Nghĩa là người ta cho gì mình ăn nấy, mà mình không có bệnh thì đừng có mà xin cơm canh mình ăn thì nó không đúng, trừ ra mình bệnh mình mới xin.

(27:07) 33. Không được lấy cơm đậy canh lại, trông mong cho được canh nữa.

Nghĩa là cái ý là như thế này, cái giới 33 này, có nhiều ông ưa canh lắm, thích canh lắm, cho nên lấy cơm mình đậy canh để mình xin canh thêm. Nó là cái kiểu đó đó, là giới 33 cấm mình không được xin thêm, không được che đậy cái thức ăn mà mình vừa bụng để rồi mình xin thêm cái thức ăn đó nữa.

34. Không được xem trong bát của Tỳ Kheo ngồi gần.

Nghĩa là người ta ăn gì ăn, còn mình ăn của mình. Có nhiều khi mình dòm coi ông này ông ăn cái gì, bữa nay ông khất thực cái gì, coi ngon hay dở, coi ấy mình xin ông thêm, cái điều đó ăn cứ dòm trong bát người ta không, không có được.

35. Phải để ý tưởng trong bát mà ăn.

Nghĩa là luôn luôn mình cứ đến cái bữa ăn thì mình nhìn những cái đồ ăn đó mình quán nó bất tịnh, mình quán nó như thuốc để mà trị bệnh đói của mình, chứ đừng có để ý qua cái bát cơm của người khác, rồi mình sanh ra thấy người ta có chè cháo còn mình không có chè cháo, bắt đầu mình chảy nước miếng ra đó, không được.

Về cái bữa đó, cái ông Tỳ Kheo đó ổng đi xin đâu một đống me, chừng đó mình dòm thấy đống me cái bắt đầu chảy nước miếng ra mới chết được!

Đó là những cái điều kiện, ở đây muốn nói là mình ăn mình đừng có nhìn qua bát của người ta để tránh cái chỗ mình thèm khát, thấy người ta có những cái đồ ăn mà ý bụng mình muốn, mình thích rồi bắt đầu mình thèm, thì như vậy là mình không có tu được.

36. Không được nắm cơm lớn miếng mà ăn.

Nghĩa là có ông đói quá, làm một bốc cơm vậy bỏ miệng ngốn ngốn vậy ăn cho mau no. Bởi vì hôm qua tới bữa nay chưa có ăn cho nên đói quá, làm cho nó mau để cho nó không có đói, do đó có cái giới này cấm. Nghĩa là ngày xưa, theo trong cái thời Đức Phật thì chắc chắn là ăn cơm bốc, cho nên nói đừng có nắm cơm lớn mà bỏ vào miệng ăn thì không có được.

37. Không được hả miệng lớn để chờ cơm mà ăn.

Nghĩa là nắm lớn quá thì phải hả miệng lớn, cho nên cũng cấm, không có cho. Bởi vì phải nắm cái nắm cơm vừa thôi, nhỏ thôi, bỏ trong miệng mình ăn.

38. Không được ngậm cơm mà nói chuyện.

Thật sự ra một vị tu sĩ thì làm sao mà đang ăn cơm mà nói chuyện? Không có cho nói chuyện! Thế mà ở đây thì cũng có cái giới cấm là nhiều khi mấy ông này cũng vừa ăn mà vừa nói chuyện chớ không phải không đâu, cho nên mới có đây.

(29:19) 39. Không được nắm cơm ngoài xa ném vào trong miệng.

Có nhiều người chơi ngộ lắm, vò nắm cơm vầy, hả miệng để quăng vô, cũng như mình liệng, mình thảy lục lạc vậy mà, liệng đồng tiền cho lọt lỗ, mấy ổng vừa ăn mà vừa chơi vậy đó mà. Đó là những cái đó chắc có lẽ như vậy, cho nên ở đây mới chế cái giới đó cấm.

Cho nên không có được nắm cơm ở xa vầy mà quăng vô miệng mình, rồi mình hả miệng mình táp cái cục cơm. Đó là mấy cái ông ngỗ nghịch chơi vậy đó. Thật sự ra tu hành, cái đó là những cái oai nghi nó không có, nhưng mà làm cái trò chơi cho thiên hạ thấy: “Tui liệng nắm cơm nào miệng tôi bắt cũng được hết! Cái miệng tui hay lắm, liệng qua bên nây nó cũng nhảy qua bên nây nó bắt.”

40. Ăn cơm không được rơi đổ.

Nghĩa là ăn cơm không có được đổ hột cơm này, hột cơm kia.

41. Không được búng má mà ăn.

Có nhiều người ăn theo khỉ, nhai rồi độn bên đây một cục, rồi nhai bên đây độn bên đây một cục, lấy cái tay khỏ bên đây văng để nhai ăn, giống như khỉ! Thì mấy cái ông mà khỉ thì ổng hay làm diễn chơi cho người ta cười chơi vậy, chớ không phải là ai mà ăn cơm gì kỳ vậy!

Mình đâu phải khỉ, nhưng mà điều kiện là ngồi ăn rồi làm cho người ta cười rộ lên đó, mấy ông mà cái tướng khỉ hay làm vậy. Cho nên vì vậy mới có mà chế cái giới này ra, chắc hồi đó mấy ông này cũng không thua gì đời nay đâu.

42. Không được nhai đồ ăn ra tiếng mà ăn.

43. Không được ăn cơm lua húp lớn tiếng.

Nghĩa là mình húp rột rột rột đó, kêu là húp canh á, cho nên cấm cũng không có được.

44. Không được le lưỡi mà liếm món ăn.

Làm quá rắn mối!

45. Không được rảy tay mà ăn.

46. Không được nhặt cơm rơi mà ăn.

Nghĩa là cơm rớt vậy cũng cấm không cho. Theo Thầy thấy, cơm đổ mình lượm mình ăn cũng được, có gì đâu mà lại cấm không biết? Cái này cấm sao kỳ vậy, bộ sợ mình ăn dơ hay sao?

Nghĩa là chỗ cơm đổ mà dơ bẩn như sàn nước đồ, thì cấm không có cho lượm ăm thì được. Chớ trên mâm cơm mình lỡ mình rớt thì mình lượm lên mình ăn, có gì đâu mà phải bỏ?

47. Không được tay dơ cầm bát đựng thức ăn.

Cái tay ở đây khi mình ăn cơm thì mình phải rửa tay, vì cái người tu sĩ trong cái thời Đức Phật có cái bát mà không có muỗng thì họ ăn cơm bằng bốc, cho nên trước khi ăn cơm là họ rửa tay hết rồi họ mới ăn cơm.

2.4- VỀ HỘ BÁT

(31:47) Về phần thứ tư:

IV. Nói về hộ bát (Giới 48)

48. Không được rửa bát, đổ bát vào nhà cư sĩ.

Nghĩa là khi mình ăn cơm rồi cái bát của mình rửa, thì mình coi cái chỗ nào đổ cho nó đàng hoàng, chớ không phải hắt vô trong nhà người ta. Cái bát mình ăn cơm, mình rửa, mình về nhà người ta mình muốn đổ chỗ nào đổ, không có được. Cho nên có nhiều người không biết cái chỗ đổ, đổ bậy, về cái nền nhà của người ta đổ, nó dơ bẩn.

2.5- VỀ ĐẠI TIỂU TIỆN, KHẠC NHỔ

(32:18) Về cái phần thứ năm là phần:

V. Đại tiểu tiện, khạc nhổ (Giới này có từ 49 đến 51)

49. Không được đại, tiểu tiện, hỉ, nhổ trên rau cỏ tươi, trừ khi có bệnh.

Có bệnh cũng không được, bệnh càng là tránh ở trên rau nữa! Bệnh mà đi tiểu tiện ở trên đó rồi làm sao mà người ta cắt rau người ta ăn được? Do đó thì ở đây cái giới này thì Thầy nói, trừ bệnh mới có nhổ, hay khạc, hay tiểu tiện ở trên rau thì cái điều đó không có được.

Ở đây thì hoàn toàn là những cái người tu sĩ thì không có được: Thứ nhất là không có được đại tiểu tiện ở trên rau; không được nhổ nước miếng hay nhổ đờm nhớt ở trên cỏ tươi và trên rau, người bệnh cũng vậy mà người mạnh cũng vậy, cấm như vậy là đúng.

Còn cái này trừ khi người có bệnh thì khạc nhổ đâu cũng được! Người có bệnh cho họ khạc nhổ bậy họ khạc tùm lum ra nữa, còn bẩn thỉu nữa, cho nên ở đây cấm hết thì mới đúng.

50. Không được đại, tiểu tiện, hỉ, nhổ trong dòng nước, trừ khi có bệnh.

Trừ khi có bệnh mình nhổ trong dòng nước, rồi tới dòng nước mình nhổ ở đây, xuống kia người ta múc người ta nấu cơm thì sao? Nhất là ở sông, thì chúng ta thấy cấm luôn, mấy ông này không có cho bệnh mà nhổ bậy bạ đâu, nhổ trong lon đồ này kia rồi đem chôn hay hoặc là đem đốt đi thì nó mới là sạch sẽ, đó là mới có vệ sinh.

51. Không được đứng tiểu tiện, trừ khi có bệnh.

Không có được! Bởi vì chúng ta mặc cái chăn, làm sao mà đứng được? Nói tầm bậy tầm bạ, ở đây không có được. Bây giờ bệnh cũng không được nữa, bệnh cũng phải ngồi chớ còn không có đứng được. Cho nên cấm hết, người nào cũng phải ngồi hết.

2.6- TÁC PHONG THUYẾT PHÁP

(33:51) Về phần thứ sáu:

VI. Tác phong thuyết pháp (Từ giới 52 cho đến 59, 86, 92 cho đến 96, 100)

52. Không được thuyết pháp cho người vắt trái áo lên vai không cung kính, trừ khi họ có bệnh.

Cũng không được, cái người bệnh, người gì cũng vậy, không có được. Khi mà họ nghe thuyết pháp họ phải - áo mặc phải đàng hoàng chớ không được hở vai hở cổ mà nghe thuyết pháp.

Thầy không chấp nhận ở chỗ này, nói trừ khi họ bệnh thì họ được để vai, để hở cổ họ ngồi nghe thuyết pháp, thì Thầy không chấp nhận điều đó. Nghĩa là người bệnh cũng như người mạnh là phải mặc áo đàng hoàng mới nghe thuyết pháp.

53. Không được vì người vấn áo trên cổ mà thuyết pháp, trừ khi họ bị bệnh.

Nghĩa là cái người mà họ lấy cái áo mà họ vấn trong cổ họ mà bảo mình thuyết pháp cho họ nghe, nhất định…​ Bây giờ các con ngồi đây mà nghe Thầy thuyết pháp nè, có người nào lấy cái áo hay hoặc cái gì vấn cổ mà ngồi nghe thuyết pháp thì Thầy không thuyết pháp đâu. Đó là cái người mà biết thuyết pháp thì người ta không thuyết pháp.

Mà cái người bệnh mà bây giờ họ lạnh quá, rồi bây giờ họ lấy cái áo họ vấn cổ họ thêm, thì họ ngồi nghe thuyết pháp thì Thầy cũng chẳng có chấp nhận nữa.

Bởi vì Pháp Bảo chớ không phải là cái thứ thường. Mình muốn nghe nó thì mình phải nghe như thế nào để đúng cái lòng tôn kính của nó, chớ mình nghe cái kiểu mà mình coi nó thường quá thì không nên nghe.

54. Không được vì người che trên đầu mà thuyết pháp, trừ khi họ có bệnh.

Nghĩa là che trên đầu làm sao? Khi mà ngồi nghe thuyết pháp mà đội nón, đội này kia đồ đó, hay hoặc là đội dù đồ để mà nghe thuyết pháp thì không được.

55. Không được vì người trùm bọc trên đầu mà thuyết pháp, trừ ra họ có bệnh.

Nghĩa là cái người mà lấy khăn lấy nón hay này kia mà trùm cái đầu họ lại, mà họ ngồi họ nghe mình thuyết pháp thì nhất định - có những người ngồi mà nghe thuyết pháp như vậy thì mình không thuyết pháp.

56. Không được vì người chống nạnh mà thuyết pháp.

Có người nghe mình thuyết pháp mà chống nạnh đứng cũng như là ló con mắt mà ngó mình vậy đó, thì nhất định là không thuyết pháp.

57. Không được vì người mang dép da mà thuyết pháp.

Thấy ai mà mang dép da thì mình cũng không có thuyết pháp. Bởi vì người đó nó không đi vào trong cái thiện pháp, nó còn cái ác pháp mà mình nói thì họ chẳng có làm theo đâu.

(36:05) 58. Không được vì người mang guốc gỗ mà thuyết pháp.

Ở đây sao mà guốc gỗ cũng cấm luôn? Nghĩa là nói chung là phải bỏ guốc bỏ dép mới được, còn mang dép mang giày mà ngồi nghe thuyết pháp thì không được.

Chẳng hạn là bây giờ vô rạp hát thì người ta mang giày, mang dép, mang guốc đồ đó, thì ở trên làm tuồng hát đồ này kia. Còn bây giờ người ta mời mình đến một cái pháp tọa để mình thuyết pháp, thì tất cả mọi người là chân trần thì mình thuyết pháp, mà còn người mang guốc mang dép là không thuyết pháp.

Có nghĩa là cái hạnh thuyết pháp đối với những người mà nghe thuyết pháp là phải lột trần cái chân họ ra thì mới có nghe thuyết pháp, mà họ còn mang dép mang giày thì không có được thuyết pháp cho họ nghe.

59. Không được vì người cưỡi ngựa mà thuyết pháp.

Có người ngồi trên ngựa người ta nghe mình thuyết pháp thì nhất định - thí dụ như bây giờ, ở đây là cái đạo tràng của chúng ta, Thầy đang thuyết pháp bên đây, có người cưỡi ngựa ở kia cái họ nghe Thầy nói cái họ dừng ngựa, họ ngồi trên ngựa, họ không thèm xuống, họ ngồi đó họ nghe Thầy thuyết pháp, thì như vậy ngay đó Thầy không thuyết pháp nữa, để cho họ cưỡi ngựa họ đi cho rồi đi, họ làm phách quá.

Phải không? Đó là cái giới nghe thuyết pháp mà có cái kiểu phách lối.

86. Không được vì người ngồi, mình đứng mà thuyết pháp.

Cái người ngồi thì nghe thuyết pháp, còn mình thuyết pháp là lại đứng thì nó không được. Cho nên cái giới 86 này thì không được

Bởi vì ở đây nó có nói mà, các con nói nè, nó từ 52 nè, rồi đến 59 nè, rồi 86 nè, 92 nè, rồi đến 96, 100 nè. Nó không phải mấy cái giới đó nó thuộc khác con, còn cái này nó hợp lại những cái giới này để mà nói về thuyết pháp không đó, còn mấy giới kia nó nằm ở trong những cái kẽ đó là nó nói về những cái giới khác đó.

Nhưng mà tại vì cái người mà chế giới này đó, họ hay xen giới này giới kia, vì vậy mà cái người viết ra, soạn ra thì họ rút lại, bây giờ nói về thuyết pháp, họ rút mấy cái giới này ra là giới thuyết pháp. Cho nên Thầy nói cái tên vậy nó theo cái số thứ tự thì nó không có đúng, nhưng mà nó về một cái loạt thuyết pháp.

Thay vì phải đánh từ số, thí dụ như bây giờ nói số 52 thì 53, 54, 55 phải không, rồi tới 57, 58, 59, chớ nó không phải là tám mươi, tám mấy được. Nhưng vì nó còn cái loạt mà ngồi thuyết pháp này kia đồ đó, thì nó tới 58, còn những cái năm mươi mấy đó thì nó lại là nói về cái giới khác rồi. Con hiểu không? Cho nên nó không phải đánh theo số thứ tự, mà bây giờ người ta đánh theo cái chỗ mà về cái thuyết pháp như thế nào đúng thế nào sai.

Đó, hiểu như vậy đó. Cho nên ở đây nếu mà mình cứ tính theo cái số thứ tự để tính tới 100 giới chúng học thì những cái giới đó, cái loại sau này nó thuộc về cái giới gì chớ không phải cái đó nữa. Ở đây hoàn toàn nói về thuyết pháp.

86. Không được vì người ngồi, mình đứng mà thuyết pháp.

Nghĩa là mình đứng mình nói pháp còn người ta ngồi người ta nghe thì nhất định là mình không làm điều đó.

87. Không được vì người nằm, mình ngồi mà thuyết pháp.

Người ta nằm ngửa ra mà mình ngồi đó mình nói, cũng như bây giờ các con nghe Thầy thuyết pháp đã rồi các con bặt gân xuống nằm đó ngủ hết mà Thầy cứ Thầy nói pháp hoài, thì cái chuyện đó thì thôi Thầy cũng nghỉ đi, đừng có nói! Vì mình thuyết riết người ta nghe cũng như là mình ru ngủ.

(39:12) 88. Không được vì người ngồi chính giữa, mình ngồi một bên mà thuyết pháp.

Thay vì như Thầy ngồi giữa đây Thầy thuyết pháp, còn bây giờ Thầy ngồi ở chỗ con Trang Thầy thuyết pháp còn các con ngồi ở giữa nè, thì cái đó là thôi cũng đừng có nên thuyết pháp. Bởi vì người ta ngồi giữa pháp tọa còn mình ngồi một bên mình thuyết pháp, thì coi như người ta hạ mình quá độ rồi, cho nên pháp mà đem bán như vậy thì không nên.

Bởi vậy những cái oai nghi tế hạnh này chúng ta phải nhớ rằng, có nhiều người họ không có biết pháp, biết cái oai nghi tế hạnh gì hết. Đến cái chỗ đám ma, rồi hai người đó mới bắt đầu đem ra, mới nói pháp với nhau rồi bắt đầu thuyết pháp, một số người đem xúm lại ngồi nghe hai ông này nói pháp.

Nhưng mà hai ông này cãi lý pháp với nhau chứ nói pháp khỉ họ! Cho nên họ xúm nghe pháp thì thật ra điều kiện đó là điều kiện sai. Trong cái đám ma của người ta chớ đâu phải là cái chỗ mình nói pháp.

Rồi có cái dịp nào đó đi đám cưới cũng xúm nhau mà đem thiền ra mà nói, thôi rống họng mà cãi nhau đủ thứ. Chà! Bao nhiêu người đến ngồi nghe thiền, mà trong khi đám cưới người ta chớ đâu phải là cái chỗ thuyết thiền đâu!

Các con thấy nó nhiều cái nó lạ lùng lắm, nó nhiều cái chuyện mà có thể - giữa cái đám tập hợp nào thì Thầy thấy hầu như là có những cái điều kiện mà họ thông những cái gì họ đem ra họ khoe khoang ở tại đó, dường như là họ muốn đem thuyết pháp vậy đó. Đó là những người háo danh.

Cho nên cái pháp nó không phải là cái chỗ như vậy để mà nói, thế mà thường xuyên nó hay xảy ra. Thậm chí như trèo lên xe hơi ngồi thôi đi đi cho im đi, không! Ngồi một hơi rồi hai ông này ngứa mồm với nhau cái đem Phật pháp ra mà bàn thôi, làm rùm ở trên cái xe hơi như là cái xe hơi thuyết pháp, chạy tới đâu nó thuyết pháp tới đó hết!

Đó là những cái sai, cái không đúng. Đâu có phải cái chỗ mình ngồi lên xe hơi mà thuyết pháp? Thế mà cứ thuyết pháp, mặc tình mà nói pháp. Đó là những cái sai, cái oai nghi nó không đúng. Cho nên ở đây nói về thuyết pháp thì phải nói rằng cái trường hợp đó rất nhiều.

Cho nên Thầy thấy hai ông cư sĩ trèo lên xe hơi cái bắt đầu họ nói pháp á. Họ nói là thiền này thiền kia, đủ thứ hết à, không có nói ít đâu. Mình ngồi mình nghe thấy phát mệt mà không biết pháp gì mà ở trên cái xe hơi này mà thuyết.

89. Không được vì người ngồi ở chỗ cao, mình ngồi chỗ thấp mà thuyết pháp.

90. Không được vì người đi ở trước, mình đi ở sau mà thuyết pháp.

91. Không được vì người đi kinh hành chỗ cao, mình đi kinh hành chỗ thấp mà thuyết pháp.

92. Không được vì người ở giữa đường, mình ngồi ở lề đường mà thuyết pháp.

96. Không được vì người cầm gậy không cung kính mà thuyết pháp.

97. Không được vì người cầm gươm mà thuyết pháp.

98. Không được vì người cầm giáo mà thuyết pháp.

Nghĩa là nói cái đó ý như thế nào? Người ta nói: "Ông không thuyết pháp tui chặt cái đầu ông, tui rút cái gươm đây, ông biết!" Do đó chết thì chết chớ không có thuyết pháp tầm bậy đâu, nói: “Tui không bán pháp, tui thà chết chớ tui không nói pháp với mấy người ác như mấy ông đâu!” Thì như vậy mình mới là người mà thuyết pháp.

Còn cái này, thấy ông ta hăm dọa, mình sợ quá, thôi để nói bậy cho nó qua đi không ổng chặt cái đầu mình đó. Cho nên mình sợ quá, thấy người cầm gươm, cầm dao, cầm mác mà bảo mình thuyết pháp thì mình thuyết pháp, đó là cái không đúng. Mình không có phải là cái người sợ hãi như vậy mà đem cái pháp để cứu mình như vậy, không có đúng cách.

Ở đây những cái giới đó tỏ ra mình cũng phải có cái uy lực của một vị pháp sư, của một vị thuyết pháp chớ không phải là lúc nào cũng sợ hãi người ta.

98. Không được vì người cầm giáo mà thuyết pháp.

99. Không được vì người cầm dao mà thuyết pháp.

100. Không được vì người cầm dù che mà thuyết pháp.

2.7- ĐỐI VỚI THÁP VÀ TƯỢNG PHẬT

(42:35) Về phần thứ bảy:

VII. Đối với tháp và tượng Phật (Giới từ 60 đến 85)

60. Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ ra là mình giữ gìn cái tháp đó.

Nghĩa là chỗ tháp thờ Phật thì con người mình không có ngủ ở trong đó, trừ ra mình là người giữ tháp thì mình có thể ngủ, còn hoàn toàn mình là người cư sĩ hoặc là mọi người, không có được ngủ ở trong cái tháp.

Cũng như bây giờ đây là cái chỗ mình thờ Phật, thì cái người tu sĩ cũng như cái người mà sĩ không có được mượn cái chỗ này để tối ngủ, không có được. Ngủ thì có nhà khách, có cái phòng riêng, có cái thất của mình mình ngủ, chớ không thấy: “Bây giờ cái chùa này trống quá, thôi cho tui mượn ngủ đỡ” thì như vậy là nó thiếu cái oai nghi.

Bởi vì cái chỗ thờ Phật là cái chỗ trang nghiêm, mình ngủ thì không có nên. Bởi vì đối với con người của mình nó rất là bất tịnh, mà cái chỗ thờ thì nó phải thanh tịnh.

Cho nên thí dụ như cái chùa hay hoặc là cái tháp thờ Phật, hay hoặc là cái nơi thờ Tổ, tất cả những cái điều đó thì con người không có được nên ngủ ở đó, mà hãy tìm cái chỗ khác ngủ chớ không được ngủ ở đó.

Nhiều khi Thầy thấy những cái dịp lễ này kia đồ đó, mà ở trong các cái tu viện Phật tử đến đông đó, họ không có chỗ ngủ, rồi họ cũng trải giường trải chiếu dưới cái ở chỗ thờ Phật họ ngủ la ngủ liệt ở chỗ thờ Phật, Thầy thấy, như trong giới luật này cấm như vậy là Thầy thấy không có nên ngủ rồi, ngủ như vậy là không đúng cách.

Thì qua những cái giới hạnh như vậy thì chúng ta biết rằng là trong cái chỗ mà ngủ nghỉ trong chùa nơi thờ Phật, trong tháp mà nơi thờ Phật thì không được ngủ. Mà hầu hết là những cái này người ta không có hiểu, cho nên các cư sĩ khi đến chùa để buổi sáng làm lễ hay gì đó rồi ở lại ngủ ở trong chùa, ngủ ở chỗ thờ Phật, chớ đâu làm sao mà có cái chỗ nào ngủ mà rộng như ở chỗ thờ Phật?

63. Không được cầm dép da vào trong tháp.

Nghĩa là những cái chất mà bằng da, bằng cái loại da thú đồ đó, hoặc là mặc cái áo mà có da lông đồ đó cho ấm mà đi vào ở trong những cái tháp, cái nơi thờ Phật thì không có nên. Nhất là mang dép da hoặc là mặc cái áo lạnh mà có những cái da của nó mà nó kết làm cái cổ áo, hay hoặc là cái da nó mặc cho ấm thân chúng ta, thì khi mà vào nơi thờ Phật, tháp thì chúng ta không có nên mặc những cái đồ đó.

64. Không được mang dép da đi nhiễu quanh tháp Phật, cũng như không được mặc áo hồ cầu.

Da con chồn đó mà làm cái áo lạnh mà chúng ta mặc đi vào những cái nơi thờ Phật, vào những cái tháp thì không có được

65. Không được mang giày bố bọc gót vào tháp Phật.

Nghĩa là không có được mang giày hay hoặc là dép mà mình đi vào trong cái chỗ mà thờ Phật, cũng như vào chùa mình phải bỏ dép ở ngoài, chớ không được mang dép đi luôn ở trong này thì không được. Đó là ý của cái giới 65 này.

(45:31) Cái giới 66:

66. Không được cầm giày bố bọc gót vào tháp Phật.

Nghĩa là cái kia mang giày thì vô không được, còn cái này mình xách giày, mình sợ để ngoài chúng lấy đi, mình xách đi vòng vòng ở trong chùa này chơi, mà xách luôn cả đôi giày mình đi luôn, thì biết đâu chừng cái đôi giày nó đạp những cái bất tịnh rồi mình xách làm nó hôi thối ở trong cái chỗ thờ Phật, cho nên cái giới này muốn cấm là mình tránh cái sự bất tịnh.

67. Ngồi ăn dưới tháp Phật không được xả rác làm dơ đất.

Nghĩa làm mình ngồi ở dưới cái tháp Phật mình ăn, thì cũng như bây giờ mình vô đây để mình ăn nè, mình ăn rồi thì mình đừng có bỏ lá bỏ cơm bỏ đồ này kia vung vãi ở đây, mà mình ăn rồi đâu mình phải dọn dẹp cho sạch sẽ, đừng có để chỗ thờ Phật nó dơ bẩn.

68. Không được khiêng thây chết đi ngang qua tháp.

Nghĩa là người ta tránh khiêng cái thây ma chết đi ngang qua tháp là nó sẽ hôi thúi cái nơi mà thờ Phật.

69. Không được ở dưới tháp chôn thây ma.

Nghĩa là sợ chôn thây ma cái hơi thúi nó bốc lên, nơi cái tháp nó bị mùi hôi thúi chỗ thờ Phật, không tốt.

70. Không được ở dưới tháp đốt thây ma.

Đốt cái thây ma mà ở dưới thì nó bay cái mùi khét, nó làm cho cái nơi thờ Phật không có được tốt.

71. Không được ở trên, ở trước tháp đốt thây ma.

Nghĩa là ở bên nây hoặc bên kia, ở phía trên phía dưới không được đốt thây ma, vì đốt cái mùi hôi, cái mùi khét của cái thây ma nó cháy, nó làm cho hôi cái chỗ thờ Phật.

72. Không được bốn phía tháp Phật đốt thây chết, để hơi hôi thối bay vào tháp.

73. Không được mang áo và giường người chết từ dưới tháp đi ngang qua, trừ khi giặt, nhuộm, xông hương.

Nghĩa là những cái áo, giường của người chết nó còn những cái bệnh tật, nó còn những cái mùi hôi thúi, thì không được khiêng những cái giường mà chưa có giặt, chưa có sự sạch sẽ mà khiêng đi ngang qua tháp nơi mà thờ Phật, thì mình làm như vậy là nó thiếu những cái oai nghi, nó không có tốt.

(47:36) 74. Không được dưới tháp Phật đại tiểu tiện.

Nghĩa là ở phía dưới tháp Phật cũng không được đại tiểu tiện, mà trên cũng không được, mà bên hông, bên nây cũng không được, bên kia cũng không được, tất cả mọi bên đều là không được đại tiểu tiện, vì đại tiểu tiện nó sẽ hôi thúi chỗ nơi thờ Phật, nó không tốt.

77. Không được mang ảnh, tượng Phật đến chỗ đại tiểu tiện.

Nghĩa là cái hình ảnh của Phật, cái tượng Phật, cái chỗ mà như là phòng tiêu, phòng tiểu, đừng có mang vô trong đó, mang vô trong đó không có được.

78. Không được ở dưới tháp Phật nhăn cành dương (xỉa răng).

Nghĩa là không có được lấy cái tăm mà xỉa răng của mình đó, nhăn nhăn đó. Tức là mình vào tháp Phật thì đừng có ngậm kẹo, nhai hay hoặc là nhăn cái tăm xỉa răng, hoặc là nhai nhai hột như là hột dưa hay hột bí, vừa ăn mà vừa vô tháp như vậy đó, thì cấm.

Cái điều kiện mà đến tháp Phật thì cái miệng phải sạch sẽ, không có được ngậm cái kẹo hoặc là nhăn cái tăm xỉa răng, hoặc là nhai một cái vật gì trong miệng, cấm bặt cái điều đó.

79. Không được ở trước tháp Phật nhăn cành dương.

80. Không được bốn phía tháp Phật nhăn cành dương.

81. Không được ở dưới tháp Phật hỉ mũi, khạc nhổ.

82. Không được trước tháp Phật hỉ mũi, khạc nhổ.

83. Không được bốn phía tháp Phật hỉ mũi, khạc nhổ.

84. Không được ngồi duỗi chân ở trước tháp Phật.

85. Không được để tháp nhỏ ở phòng thấp xấu, mình ở phòng cao tốt.

2.8- TÁC PHONG ĐI ĐƯỜNG

(49:18) Về phần:

VIII. Tác phong đi đường (Giới 93)

93. Không được nắm tay nhau đi giữa đường.

Nghĩa là đi hai người không được nắm tay nhau mà đi giữa đường song song như vậy, hoặc là đi hai người song song ở trên đường thì không được, nắm tay nhau cũng không được, đi song song nhau cũng không được. Đó là cái giới 93.

2.9- VỀ VIỆC LEO CÂY

(49:40) Về phần thứ chín:

IX. Việc leo cây (Giới 94)

94. Không được ở cây cao quá đầu người, trừ khi có nhân duyên.

Tránh ác thú, hoặc là có những điều kiện gì đó, mình hái trái cây này kia thì nó có thể được, chớ còn leo chơi ở trên đó thì không có được. Có những cái phận sự thì có thể được, hoặc là tránh ác thú như cọp beo thì mình trèo trên cây được, chớ còn không có khi không mà trèo cây chơi giỡn thì không có được.

2.10- VỀ VIỆC CẦM TÍCH TRƯỢNG

(50:08) Về phần thứ 10:

X. Việc cầm tích trượng (Giới 95)

95. Không được túi đan đựng bát xâu đầu gậy vác trên vai mà đi.

Nghĩa là mình làm một cái túi hoặc cái bao vầy, rồi xỏ cái cây vầy, rồi mặc cái y vầy mà quảy đi cũng như là mấy cái ông nông dân mà quảy cái gì đi vậy đó, thì cái vị tu sĩ không có được. Do đó người ta có một cái túi người ta bỏ ở trong cái y người ta choàng kín vầy người ta bỏ trong đó, người ta bỏ đồ người ta đi.

Không có làm một cái cây xỏ một cái túi hay một cái bao gì đó đựng đầy đồ, như Thầy thấy quý thầy ở đây khi đi, Thầy thấy làm hai cái cây đòn gánh cụt cụt vầy, rồi sau này lấy cái bao ni lông đó mới dồn quần áo hay hoặc là mền gối gì đó, một bao kinh sách gì đó rồi cột cái miệng, rồi xỏ vô vầy để lên quảy, làm như một cái ông nông dân mà quảy cái gì đi vậy. Mà là cái ông thầy chùa mà quảy coi kì lắm!

Cho nên đó là không có đúng cái oai nghi tế hạnh. Cho nên chúng ta nên lấy cái này - mà Thầy thấy hầu hết là các thầy đều bị cái này, cho nên vì vậy mà ở đây có quý thầy mà đi, như thầy Từ Minh ở đây, Thầy thấy khi mà đi thầy làm một bao rồi thầy xỏ thầy quảy đi, Thầy thấy làm kì quá. Đó là không giống những cái oai nghi tế hạnh.

Cho nên sau khi mà chúng ta học xong 100 giới chúng học rồi, chúng ta thấy những cái oai nghi này, sau này chúng ta phải cố gắng.

Thí dụ như chúng ta mặc cái y này thì nó không nói gì, là vì cái y này nó rộng rãi cho nên chúng ta vấn nó thì chúng ta thấy chúng ta nắm ở trên tay vầy, thì nó có cái mối đây thì ở bên đây nó phủ kín cái tay của chúng ta lại hết, thì ở trong đó chúng ta để cái túi, cái túi đó đựng cái bát hay hoặc đựng cái gì trong này, hoàn toàn như là chúng ta không có một cái vật gì hết.

Vì thấy đi như ông sư mà thấy nó đi bùm xùm như vầy chớ còn không thấy cái vật gì mà ở ngoài ông ta mang hết à, không có cái vật gì mà ở ngoài mà xách thêm cái sách hay cái này kia nữa, chỉ gọn ghẽ như như ông ta nắm có cái y mà vấn nắm ở trên tay vậy thôi, không có cái vật gì nữa hết.

Còn bây giờ mà thêm cái bao hay cái túi gì mà quảy nữa thì mặc cái y này thì quảy coi không được. Còn hầu hết là các con thấy là như quý thầy mặc cái áo tràng, như mọi lần cái áo tràng mà bữa Thầy đi thành phố Thầy mặc áo tràng đó, mấy ổng mặc cái áo tràng đó mấy ổng quảy một quảy ở trên vai nữa, thì Thầy thấy nó cũng không có đúng cách.

Cho nên do đó mà quý thầy thường thường hay làm cái túi như thế này nhỏ nhỏ vầy, mới bỏ ba y của mình mới nhét trong này, hay hoặc là giấy tờ hay hoặc là những tiền bạc gì trong cái túi đó nhỏ nhỏ vầy, có khi mà thêu hoa sen đồ đó, làm cũng là đẹp đẽ lắm, nhưng mà cái đó là cái sai, nó không đúng.

Cho nên hầu hết là có một số Phật tử cũng mua gởi về cúng dường Thầy những cái túi mà có thêu những cái bông sen, có thêu những cành hoa sen đó, Thầy hoàn toàn Thầy ít có xài những cái đồ đó.

Đi đâu thường thường - các con thấy vừa rồi Thầy đi thành phố hai lần, ba lần rồi, đi đâu Thầy hai bàn tay không, Thầy không mang cái túi gì theo hết à, tới đâu thì mình sử dụng tới đó chớ còn không cần mang túi mang gì hết. Đó là những cái điều kiện mà nó rảnh rang, nó không có bị dính mắc ở trong cái túi đựng cái này cái kia.

3- GIẢI QUYẾT SỰ TRANH CHẤP BẰNG PHÁP DIỆT TRÁCH

(53:18) 8) Kiết giới Thất Diệt Tránh.

Ở đây chúng ta tiếp tục để cho nó - sắp hết những cái giới bổn để mà tiến qua cái giới hành để qua những cái giai đoạn tu tập của chúng ta còn rất nhiều, cho nên Thầy cố gắng, vì còn có mười mấy bữa nữa, ráng cho hết, rồi đồng thời Thầy còn nhắc lại những cái điều rất quan trọng để sau khi kết luận cái giáo án cho nó được đầy đủ và trọn vẹn cái bước đường tu tập của mình, của đạo Phật sau này.

Trong chúng Tỳ Kheo có bốn tránh sự khởi lên:

1. Ngôn trách: Tranh cãi nhau dẫn đến các việc pháp, phi pháp cho đến thuyết, bất thuyết, hai bên đấu tranh nhau như thế nào.

Đó là cái phần thứ nhất là cái ngôn tránh. Chúng ta tránh cái lời nói, đừng có để cho nó cãi nhau thế này thế khác. Vì cãi nhau nó làm cho chúng ta có những sự bất an khó mà tu hành, cho nên chúng ta phải cố gắng tránh những cái điều này.

2. Mích tránh: Xích mích nhau mà tranh chấp về sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, cùng nhau tìm tội như vậy.

Thì chúng ta - cái phần thứ hai này là mích tránh. “Mích” tức là xích mích, giận hờn với nhau rồi tranh chấp với nhau, rồi mới có những cái sự mà xảy ra làm cho thù hận nhau, thì phải tránh cái điều thứ hai này.

Điều thứ ba là:

3. Phạm tránh: Tức là phạm bảy tội, tranh cãi nhau về Ba La Di, Tăng Tàn, Đơn Đọa, Hối Quá, Thâu Lan Giá, Ác Tác, Ác Thuyết.

Tất cả những sự này, hầu như là trong cái thời mà của các tổ chế giới này nó có sự tranh cãi, cho nên các ngài mới thấy nó tranh cãi trong mấy cái giới này: “Anh đặt như vậy không có được, tui không có đồng ý! Anh đặt cái giới này không có đúng, anh đưa cái giới này là Tăng Tàn hay là Ba La Di như thế này tui không đồng ý!” Cho nên họ có cái chuyện trách với nhau ở trong những cái chế giới.

(55:25) Cho nên ở đây mà chế cái này ra là chúng ta ta biết rằng ngày xưa các tổ mà làm giới ra, chế giới ra, họ thường là tranh với nhau, tranh cãi với nhau: “Anh cho là cái pháp này nó Đơn Đọa như vậy, cái pháp kia là Hối Quá như vậy, tui thấy tui không đồng ý. Cái pháp này phải xử vầy, cái pháp kia phải xử vầy, chớ còn làm vậy không được!”

Còn nếu mà Phật đặt ra rồi thì mấy ổng đâu có sửa làm chi cái này? Cho nên đâu có cái pháp này gọi là Phạm trách đâu? Đó thì do cái chỗ sơ suất của họ mà họ phải đặt cái giới này ra để cho cấm cái miệng mấy người, mấy người không có cãi được: “Tui đặt ra như vậy thì mấy người phải nghe chớ không có cãi, đây là cái phạm tránh này, mấy người cãi tức là phạm tránh!”

Đó là mấy ổng cũng khôn khéo để bịt miệng mấy cái ông kia lại để mấy ổng nói rằng: “Anh làm cái giới này, anh cho như vậy không có đúng. Giới Tăng Tàn mà thêm cái này thì tui thấy không được, cái này là thuộc về Ba La Di chớ không phải Tăng Tàn!” Do đó cãi qua cãi lại, cho nên ổng đặt ra cái này để cấm miệng mấy ông kia không có cãi nữa.

4. Sự tránh: Cách xử lí của ngôn tránh, mích tránh và phạm tránh.

Nghĩa là sự tránh này là cách xử lý của những cái cãi cọ này để đừng có cãi cọ nữa.

(56:28) Khi nào có sự tranh cãi nổi lên thì phải dùng bảy pháp này, tức là bảy nguyên nhân định luật đúng như pháp, như luật, như Phật sở giáo mà diệt trừ sự xáo trộn, dập tắt cả hai phía cá nhân và tập thể.

Pháp Thất Diệt Tránh này nên hiểu là sự phán quyết về một vụ án do tăng xử trị các trường hợp phạm luật, bao trùm cả phạm vi cá nhân và phạm vi của tập thể, coi như những nguyên tắc pháp chế của tòa án Phật giáo phải tuân theo để cho phù hợp với công bằng và lẽ phải.

Dù chưa hề có việc thiết lập một pháp đình tôn giáo giữa tăng già, xưa nay mỗi khi có tránh sự cần dập tắt thì chư tăng mới tập hợp để phán xét, chẳng khác gì một tòa án lâm thời vậy.

(57:23) Theo luật tạng, bảy nguyên tắc diệt tránh này được quy định do bởi từng dữ kiện khác nhau, nhưng theo Trung A Hàm thì chúng được Phật quy định một lần do sự thỉnh cầu của Tôn giả A Nan.

Nguyên do là Ni Kiền Tử vừa tạ thế, các đệ tử của ông cả tại gia và xuất gia lập tức bị phân hóa, họ tranh chấp nhau, thậm chí đi đến tình trạng ẩu đả nhau vì bất đồng quan điểm đối với các điều giáo lý mà tôn sư của họ để lại. Tin tức này đồn đến giữa các Tỳ Kheo. A Nan hay được, lo sợ cho chúng Tỳ Kheo sau khi Đức Phật nhập diệt có thể xảy ra tình trạng như vậy, nên nhân đấy mà bạch Phật.

Các nguyên tắc sống chung giữa các Tỳ Kheo và thảng hoặc nếu có trách sự khởi lên phải tùy trường hợp thích đáng mà giải quyết bằng một trong bảy pháp Diệt Tránh. Các bộ luật đều nhắc lại những trường hợp đã dẫn từ các giới trước duyên khởi theo tường thuật chung như sau:

Thật sự thì ra ở trong kinh A Hàm Thầy có đọc ở chỗ này. Khi một cái vị lãnh đạo ngoại đạo Ni Kiền Tử, ông ta là cái vị lãnh đạo, ổng chết đi, do đó cái chúng Ni Kiền Tử đó họ mới tranh nhau thế này thế khác, làm cho nó náo động. Do đó các vị Tỳ Kheo nhất là ông A Nan sợ chúng Tỳ Kheo của mình sau khi Đức Phật chết đi rồi thì không có làm sao mà giải hòa được, cho nên ông A Nan mới trình Phật.

Phật có dạy cho mình là có sáu cái Lục Hòa, cách thức đó mà nương theo mà hòa hợp với nhau sống, rồi Đức Phật dạy cho mình cách thức để mà mình sống như thế nào để cho đúng, thì đó là những cái giới kinh, nó rất là đúng đắn, chớ nó không phải là chế như ở trong cái giới bổn này.

Mà đọc trong bài kinh đó Thầy thấy Đức Phật rõ ràng là người biết ngừa hết cái sự kiện xảy ra, các tu sĩ mới hỏi Phật thì Đức Phật nói: “Ta đã dạy Lục Hòa rồi, có gì đâu mà tranh chấp nữa? Do theo đó mà chúng ta hòa hợp với nhau, sáu cái hòa hợp đó là đúng rồi, đâu còn cái gì mà hỏi!” Nhưng mà ông A Nan ổng nói sợ lo lắng về sau, thì Đức Phật cũng đã xác định như vậy, và đồng thời mới chỉ dạy cho ông cách thức mà cư xử như thế nào.

(59:38) Nhưng mà người sau này thì họ cũng có dựa vào những cái bài kinh đó mà họ không thấy Lục Hòa là cái căn bản của đạo Phật rồi. Muốn hòa hợp thì mình phải sống Lục Hòa rồi, nghĩa là kiến hòa đồng giải.

Kiến hòa đồng giải không có nghĩa lấy một cái ý kiến của mình, mình hiểu gì đó mình dạy cho người ta, mình làm thầy cho người ta, mà mình lấy ý kiến của người ta mà mình làm ý kiến của mình thì nó hòa hết, có cái gì đâu?

Còn mấy ông Ni Kiền Tử này họ lấy ý kiến của ổng làm cha người ta mà đè người ta xuống thì người ta phải tranh chớ, người ta phải cãi ổng: “Ông nói ông đúng chớ ông làm sao ông đúng được?” Còn mình chấp nhận mọi ý kiến của người ta đúng thì làm sao có sự tranh cãi?

Cho nên trong Lục Hòa Đức Phật đã xác định: “Đã đủ cho các ông hòa hợp rồi, các ông còn hỏi gì nữa?” Các con thấy không? Cái Lục Hòa nó đã đủ rồi, thế mà chúng ta không lấy Lục Hòa còn đi sợ hãi, còn đi thấy cái đám này, do lấy cái chỗ này mà gạnh ra, chế làm bảy cái pháp Thất Diệt Tránh này thì Thầy thấy thì nó cũng bằng thừa, đâu có gì. Mà cái này đem ra xử sự nó có gì hay đâu?

Đọc rồi mấy con thấy nè, nào là ngôn tránh nè - mình tránh cái sự nói qua lại, tại cái ý của mình mình mới cãi chớ ý của người ta mình chấp nhận thì làm sao có cãi mà ngôn tránh?

Còn mình làm sao mà mích tránh đâu, mình có gì xích mích người ta đâu, ai làm gì thì mình cứ tùy thuận theo họ thì làm gì xích mích được, sáu cái Lục Hòa nó đủ rồi thì có gì mà xích mích? Rồi cái phạm tránh, làm sao mà phạm tránh được nữa?

Tất cả những cái này đặt ra nó không có bằng cái Lục Hòa của Đức Phật hết. Xem qua chúng ta thấy không bằng ông Phật đặt sáu cái hòa hợp, từ cái thân cho đến cái ý, cái khẩu hòa chúng ta cho đến thân hòa đồng tụ như thế nào, Đức Phật đã dạy chúng ta lợi hòa đồng quân như thế nào, thì còn cái gì mà ai còn tranh hơn? Cái gì mình cũng chia đồng đều nhau ăn, có người nào hơn người nào đâu mà tranh?

Các con thấy Lục Hòa của Phật đã tuyệt diệu để làm cho cái Tăng đoàn chúng ta sống rất hòa hợp rồi. Chớ phải chi như Ni Kiền Tử là ông thầy đó chẳng biết chế cái Lục Hòa nào hết cho nên nó mới cãi cọ nhau là phải. Còn ông Phật ổng đã chế cho chúng ta Lục Hòa rồi, mà bây giờ còn hỏi gì nữa? Đây là muốn gạnh ra một cái câu này để chế ra một cái giới mà nó không đúng.

Ở đây phải đặt Lục Hòa, Thầy thấy rất là tuyệt, bấy nhiêu đó là đủ rồi. Còn cái này không, lấy bảy cái giới Diệt Tránh, cái Thất Diệt Tránh này để mà làm cái chỗ giải quyết những cái bất hòa thì Thầy thấy không tuyệt bằng cái Lục Hòa. Vì Lục Hòa nó ngăn ngừa từ cái lúc đầu rồi, nó đâu còn tranh cãi nhau nữa!

4- BẢY GIỚI DIỆT TRÁCH

1) PHÉP HIỆN TIỀN TỲ NI DỨT SỰ TRANH CÃI

(01:01:55) 1. Phép hiện tiền tỳ ni dứt sự tranh cãi.

Vì sao Phật kiết giới này?

Khi Phật ở tại nước Xá Vệ, Ca Lưu Đà Di tắm chung với nhóm sáu Tỳ Kheo, tắm xong lên bờ trước, Ca Lưu Đà Di mặc nhầm y của Lục Quần Tỳ Kheo mà đi. Sau đó Lục Quần Tỳ Kheo lên bờ không nhìn thấy y của mình nhưng thấy y của Ca Lưu Đà Di bỏ sót lại, họ cho rằng Tỳ Kheo ấy đã lấy cắp, do vậy họ tác pháp Yết Ma diệt tẫn đối với Tỳ Kheo cầm nhầm về tội Ba La Di.

Khi Ca Lưu Đà Di nhận biết đã mặc đồ người khác bèn trở lại chỗ tắm. Bấy giờ Lục Quần tác pháp vừa xong, bèn báo cho Tỳ Kheo cầm nhầm mà cho biết. Ca Lưu Đà Di biết rõ mình vô tội nhưng nghi ngờ về hiệu lực của Yết Ma mà sáu Tỳ Kheo vừa thực hiện xong. Ông đến bạch Phật, hỏi Phật. Ngài tuyên bố: “Yết Ma ấy là phi pháp vì đương sự không hiện diện” và nhân đó Phật kiết giới này.

Nguyên tắc diệt sự tranh cãi bằng hiện tiền tỳ ni, ai phát khởi lại thì phạm tội Đọa.

Cái câu chuyện đặt ra nó cũng vô lý là khi mà mấy người này cùng tắm với nhau thì ông kia ổng mặc đồ lộn. ổng đi lại trả thì mấy ông đó bộ trèo lên cái bờ đó rồi tập hợp với nhau là kiết giới liền à, làm pháp Yết Ma liền ở trên bờ, không có chịu về chùa. Coi nói có vô lý không?

Cho nên ông này đến thì mấy ông này kiết giới rồi, thôi bắt ông là thuộc về tội phạm Ba La Di: “Ông ăn cắp đồ tui rồi, tui kiết giới, tui họp Yết Ma tui kiết giới rồi.” Nói cái chuyện không có không à! Thầy nói đặt sao đặt cho có chớ mà đặt không có vầy thì viết ở trong này là làm giới luật làm gì đây? Nói cái chuyện không thành không à cũng nói được!

Đó thì các con thấy đọc ra nó rõ ràng như vậy đó, rồi bắt làm sao mà chúng ta tin cái giới bổn này là giới của chúng ta được hết.

2) PHÉP NHỚ NGHĨ DỨT SỰ TRANH CÃI

(01:03:51) 2. Phép nhớ nghĩ dứt sự tranh cãi.

Các con thấy những điều này hoàn toàn là dựa vào các pháp Yết Ma để kết tội người ta bằng cách là vô lý chớ không phải là có hữu lý. Còn bây giờ cái pháp Lục Hòa các con thấy, bắt đầu mình phải hòa cái gì, hòa cái gì, thân hòa, khẩu hòa, ý hòa đủ cách hết, làm sao mà có cái sự tranh cãi, làm sao có sự hơn thiệt?

Mà đạo Phật là một người có ý tứ, đâu có lý nào lên bờ nhắm mắt xách đồ người ta đi không biết, mặc vào cũng không biết nghe mồ hôi của người ta nữa, cái ông gì mà cái lỗ mũi gì mà không biết gì hết! Bộ cái lỗ mũi bộ nghẹt mũi rồi chớ không có gì, nên không có biết cái mùi cái áo quần của người ta.

Ai mà mặc lộn mà không biết cái áo? Không lẽ cái áo của Thầy, Thầy mặc mà Thầy không biết cái áo của mấy con sao mà mặc vô lộn? Đâu có cái lý kỳ cục vậy được, cho nên ở đây nói chuyện vô lý thiệt.

Vì sao Phật kiết giới này?

Đức Phật ở tại thành Vương Xá, Đạp Bà Ma La Tử bị Tỳ Kheo Từ Địa vu khống về tội Ba La Di không căn cứ. Các Tỳ Kheo khác thường cật vấn Trưởng lão Ma La Tử. Ông bạch Phật.

Phật dạy kiết giới tác ức niệm tỳ ni, bạch Tứ Yết Ma để sau đó không Tỳ Kheo nào được phép cật vấn nữa, nếu tránh sự như pháp diệt rồi, sau ai phát khởi thì phạm tội Đọa.

Ở đây thì mình chỉ lấy cái pháp Yết Ma để đè nén người ta xuống đặng cho người ta đừng có tranh cãi, mà trong khi người ta tranh cãi mình coi cái đó là đúng hay là sai, cho người ta phải có sự mà nói có đúng không hay là vu khống người khác về tội gì đó. Còn đằng này làm cái pháp Yết Ma rồi cấm miệng người ta không có cho cãi, mà người nào cãi là bị tội, thì quá là độc tài vậy?

Thầy thấy giới luật của Phật mà chế ra kiểu này là độc tài rồi, không có còn cái chỗ nào mà khác nữa. Buộc người ta phải chết là chết chớ không có được mà cãi rằng: “Tôi không có tội đó mà giết tôi thì không được!”

3) PHÉP BẤT SI TỲ NI DỨT SỰ TRANH CÃI

(01:05:40) 3. Phép bất si tỳ ni dứt sự tranh cãi.

Vì sao Phật kiết giới này?

Đức Phật cũng ở thành Vương Xá, Tỳ Kheo Nan Đề si cuồng, tâm loạn phạm nhiều tội lỗi. Sau ổn định tâm thần, đã hết bệnh rồi mà các Tỳ Kheo khác thường đến cật vấn các tội đã phạm trong lúc điên cuồng.

Để chấm dứt sự phiền nhiễu ấy, Phật kiết giới này khiến tăng tác pháp bất si tỳ ni cho Nan Đề, từ đó không Tỳ Kheo nào được phép nhắc nhở các việc phi pháp của Nan Đề trong lúc loạn trí, nếu sau ai phát khởi lại thì bị phạm tội Đọa.

Sự thật ra một cái người điên khùng mà bây giờ người ta hết điên khùng rồi thì người ta đâu có còn tội lỗi gì nữa? Mà những cái người tu sĩ đâu ai mà nhắc cái tội của người điên đâu, có bao giờ làm cái chuyện đó đâu? Thế mà ở đây cũng đặt ra một cái điều để mà chế ra thì Thầy thấy nó cũng là vô lý.

Một người mà tu theo đạo Phật, khi một người bạn của mình đã điên khùng, đã nói bậy nói bạ, nói không đúng, đó là phạm vào cái tội vọng ngữ, hoặc là có thể mà nói rằng ông vì điên khùng, ông không biết mà ông phạm vào cái tội sát sanh, thì những cái tội này là do cái sự điên khùng ông không biết, do đó sau khi ông mạnh rồi thì ai lại nhắc đi nhắc lại những cái điều mà ông đã làm? Cho nên làm cho ông buồn khổ hơn, thì như vậy đâu phải là người tu sĩ?

Cho nên những cái này, không thể nào người tu sĩ đi làm cái chuyện đó được hết. Thầy xét mình mà hiểu người khác chớ, trừ ra những người mà không tu thì mới đem cái chuyện đó mà chế nhạo người ta chơi, cười giỡn trên cái sự đau khổ của người ta, chớ còn cái người tu thì không ai làm cái điều đó hết.

4) PHÉP TỰ NÓI TỘI ĐỂ DỨT SỰ TRANH CÃI.

(01:07:18) 4. Phép tự nói tội để dứt sự tranh cãi.

Vì sao Phật kiết giới này?

Khi Đức Phật ở tại thành Chiêm Bà, vào ngày Bố Tát các Tỳ Kheo đã tập hợp đông đủ, ngồi xoay quanh để nghe Phật thuyết giới, nhưng có một người phạm tội ngồi chung trong chúng nên mãi nửa đêm Phật vẫn im lặng, không thuyết giới.

Sau ba lần thỉnh cầu của A Nan, Ngài nói: “Như Lai không thuyết giới khi giữa tăng có một Tỳ Kheo không thanh tịnh.” Nói xong Phật trở lại im lặng.

Tôn giả Mục Kiền Liên vận dụng Tha Tâm Thông quan sát khắp chúng, khám ra một Tỳ Kheo phạm tội mà che giấu, không phát lồ sám hối. Tôn giả dùng sức mạnh nắm tay lôi Tỳ Kheo ấy ra khỏi rồi trở lại bạch Phật. Nhân đó Phật kiết giới này, nêu nguyên tắc: “Không nên làm như vậy, phải khiến cho họ tự nhận tội mới trao tội cho họ.”

Tự nhận tội: Tự nói đã phạm tội vì để sám hối và tự trách tâm mình, sanh nhàm chán, mong thoát ly.

Ở đây thì các con thấy, câu chuyện này Thầy cũng có đọc ở trong kinh tạng A Hàm, thì câu chuyện này cũng có: Một hôm thì Đức Phật trong cái ngày thuyết giới để cho chư tăng nghe giới và để giữ gìn giới luật trong cái ngày 14, cái ngày mà người ta đọc kinh giới, đọc giới để mà người ta…​ Trong khi đó có một người mà không thanh tịnh giới.

Cho nên khi mà thuyết giới thì mọi người đều im lặng chờ cho Phật nói giới, thì Phật không có nói, rồi im lặng cho đến ba lần ông A Nan thưa thỉnh thì trong khi đó Đức Phật nói: “Có một người không thanh tịnh giới mà không chịu ra phát lồ cho nên Phật không thuyết giới.”

Do vì vậy đó mà ông Mục Kiền Liên mới dùng thần thông, mới quan sát mới thấy có một vị Tỳ Kheo phạm giới mà Phật không thuyết giới, do đó ông mới lôi cái tay cái vị này ra khỏi cái giới đoàn, rồi từ đó Phật mới thuyết pháp.

Thì cái câu chuyện nó như vậy. Nhưng mà sự thật ra thì theo Thầy thấy, một cái người mà đã phạm giới trong cái ngày đó thì họ phải đứng lên họ phát lồ ra họ nói. Mà họ không phát lồ nói, thì ít ra có những huynh đệ chúng ta biết cái người đó phạm thì mình xin đứng lên mình nói ra để chỉ ra cho cái người đó biết cái lỗi cho họ để họ xin sám hối để họ sửa.

(01:09:35) Thì đâu có lý nào mà để ngồi tới nửa đêm hay hoặc là tới gần sáng rồi mới lôi tay ông này ra, rồi chừng đó Đức Phật mới thuyết pháp, thì điều đó là một cái điều làm cho cả chúng mệt nhọc hết chớ đâu có cái gì mà tốt đẹp đâu?

Cho nên ở đây theo Thầy thiết nghĩ là khi mà họp như vậy trong cái ngày 14 mà để đọc giới đó, thì trước khi mà đọc giới thì những người nào mà có tội thì người ta đến người ta xin sám hối hết rồi. Mà bây giờ có một người mà họ có tội họ giấu, thì trong khi họ làm một cái tội gì, trong chúng chúng ta làm sao không biết, chớ đâu phải đợi ông Mục Kiền Liên phải dùng thần thông!

Thầy nói hồi sáng này chửi lộn thì bây giờ phải sám hối, mà hồi sáng chửi lộn bây giờ không có chịu sám hối thì tức là có người phải đến trình: "Bạch Đức Thế Tôn! Bây giờ trong chúng có hai người hồi sáng này đang có chửi lộn với nhau vậy mà không biết ai là người phải, ai là người quấy. Xin Đức Phật phán xét coi cái người nào phải và người nào có tội để cho người ta sám hối cho tiêu tội!”

Thì trong lúc đó kêu hai cái vị đó lên đây, bảo hai vị lên đây, vậy thì hai cái vị phải nói cái sự kiện nó xảy ra như thế nào cho Phật nghe coi, thì cái người này bắt đầu kêu ông A hay B, thầy A trình bày cho nghe coi sự kiện hồi sáng ra sao, rồi bắt đầu kêu cái ông thầy B cũng trình bày cho nghe, rồi kêu một cái người mà đã chứng kiến cái sự xảy ra để trình bày coi hai ông coi phải là nói đúng hay là sai.

Sau khi cái người kia trình bày xong rồi thì Đức Phật xác định rằng cái ông này nói như vậy là ông này lỗi nè, ông này không có lỗi nè, là do lấy cái người thứ ba này mình đã phán xét, thì việc đó mình xác nhận rồi, thì cái người này không có lỗi thì trở về cái vị trí cũ của mình mà ngồi nghe thuyết giới, còn cái người có lỗi thì phát lồ ra sám hối đi, để mà xin để mà ăn năn sám hối để cho ba nghiệp được thanh tịnh, thì như vậy là xong chớ có cái gì mà phải ngồi tới nửa đêm?

Thầy nói thiệt ra, ông Phật ổng điên gì mà ổng ngồi cho mệt mỏi như vậy? Chúng gì ngồi từ canh một mà cũng im lặng, rồi tới chừng mà ông A Nan nhắc ông Phật cũng làm thinh không nói nữa. Tới canh hai, canh ba cho đến gần sáng rồi Đức Phật mới nói có một người phạm giới bất tịnh, chừng đó ông Mục Kiền Liên lôi ra rồi mới bắt đầu thuyết giới.

Trời! Ngồi từ đầu hôm mà cho tới gần sáng, các con nghĩ mình ngồi đó chắc là Thầy ngồi riết cũng buồn ngủ, gục nữa chớ đừng nói! Chơi cái kiểu đó thì ông Phật ổng cũng gục mà Thầy cũng gục luôn chớ đừng có nói, chúng tăng đều là ngủ gục rồi mới được nghe ông Phật thuyết giảng.

Vô đầu hôm mà cho tới khuya, tới nửa đêm rồi tới sáng mà cứ ngồi đó, mà ba lần ông A Nan thỉnh Phật như vậy, thì Thầy thấy thiệt là vô lý, thiệt vô lý hết sức, không có cái chỗ nào mà nói!

Ở đây thật sự ra cái chuyện đó nó xảy ra, thì đọc cái bài kinh đó Thầy thấy nó không phải như vậy, Thầy phải hiểu qua một cái góc độ khác, là vì lúc bấy giờ đó, phải hiểu rằng muốn nói lên cái chỗ thần thông của ông Mục Kiền Liên để biểu diễn cái thần thông ổng biết được cái người phạm lỗi, chớ làm gì cái sự phạm lỗi mà ở trong chúng ta không biết được? Đâu có cái chuyện đó mà xảy ra mà không có - trong chúng đông mà làm sao giấu được.

5) PHÉP TÌM TỘI TƯỚNG ĐỂ DỨT SỰ TRANH CÃI

(01:12:31) Thứ năm:

5. Phép tìm tội tướng để dứt sự tranh cãi.

Vì sao Phật kiết giới này?

Lúc bấy giờ Phật ở tại Thích Xí Xấu, Tỳ Kheo Tượng Lực tánh ưa nghị luận cùng ngoại đạo tranh luận, khi nào đuối lý thì nói quanh, nói dối trá, trước sau nói ngược lại nhau. Các tu sĩ ngoại đạo chỉ trích.

Chúng Tỳ Kheo hay biết bèn hỏi Tượng Lực về sự thật. Tượng Lực chối quanh, nói dối với chư tăng. Các Tỳ Kheo bạch Phật, do đó Phật kiết giới này, bảo chúng Tỳ Kheo bạch Tứ Yết Ma tác pháp tìm tội tướng cho Tượng Lực: Tập tăng rồi cử tội, cử tội rồi tác ức niệm, tác ức niệm rồi trao tội.

Nghĩa là trong khi cái ông này ổng hay lý luận như vậy, cái người tu sĩ mà hay lý luận bằng cách này bằng cách kia, thì cái ông này mình thấy được thì mình cho ở, bởi vì đây thuộc về cái lý luận dối quanh bên nây bên kia thì những người này thuộc về tội vọng ngữ rồi, khép tội Ba La Di rồi đuổi ổng ra rồi, thì có đâu mà lại còn mất công lại phải nào là tác pháp Yết Ma, rồi kiết giới, rồi cử tội ổng, rồi trao tội ổng bằng cách…​

Chúng ta chỉ nhận ra ông này mà luôn luôn hay tranh luận với ngoại đạo hơn thua với ông ta, mặc dù ông có hơn đi nữa cũng đuổi ông nữa. Đạo Phật không có tranh luận với ai hết, thua người ta thì thua chớ không có tranh luận. Còn cái ông mà hay tranh luận thì không phải là cái người tu sĩ của Đạo Phật, đuổi ổng ra cho rồi.

Cho nên ở đây quý thầy mà cái người nào mà hay tranh luận, hay lý luận cao siêu, hay nói giọng hơi tiên tổ, hơi tổ á, thì Thầy tìm mọi cách Thầy cũng cho mấy cái ông đó đi luôn rồi chớ Thầy không có để ở đây đâu.

Bởi vì mấy cái ông này thuộc về loại không có tu mà cái loại lý luận, họ chỉ dụng cái sự hiểu biết, kiến thức kiến giải của họ, họ nói bên nây họ nói bên kia, cái miệng của họ nó méo cũng như cái vành thúng vậy, nó không có ra cái gì hết. Cho nên mấy cái loại đó là mấy loại không phải tu, cho nên cho họ đi ra mấy cái chùa mà tranh luận, họ ở để họ tranh luận.

Cho nên vì vậy mà cái ông Tỳ Kheo Tượng Lực này nó cũng thuộc loại đó đó, cũng cho ổng đi mấy cái chùa khác đi, cho nó về mấy cái chùa mà nó chuyên môn nó tranh cãi nó ở, chớ đừng có cho ở trong những cái nơi mà thanh tịnh tu hành đúng giới hạnh.

6) PHÁP NHIỀU NGƯỜI NÓI ĐỂ DỨT SỰ TRANH CÃI

(01:14:44) Pháp thứ sáu:

6. Pháp nhiều người nói để dứt sự tranh cãi.

Vì sao Phật kiết giới này?

Đức Phật ở tại nước Xá Vệ, các Tỳ Kheo cùng nhau tranh tụng chúng tăng như pháp diệt tránh. Tỳ Kheo tranh tụng kia không chấp nhận sự diệt tránh của tăng bèn đến bạch Phật.

Phật liền tập tăng quở trách các vị kia rồi bảo các Tỳ Kheo nên diệt trách sự này bằng cách dùng nhiều người giải quyết: Dùng nhiều người biết pháp nói khiến cho tâm họ chấp nhận vấn đề giải quyết, bạch Nhị Yết Ma sai người hành trù. Phật kiết giới này như thế theo chính văn gọi là đa nhân ngữ diệt trách pháp.

Hành trù có ba cách: Một là bỏ phiếu trắng, hai là bỏ phiếu kín, ba là bỏ phiếu rỉ tai.

Hành trù phi pháp có mười trường hợp:

1- Không biết cách rút thẻ, không rõ nội dung;

2- Không đứng về phía người tốt;

3- Muốn cho Tỳ Kheo phi pháp chiếm đa số;

4- Biết Tỳ Kheo phi pháp nhiều, cố ý giúp kẻ xấu;

5- Dụng ý muốn tăng bị vỡ, đồng lõa với kẻ xấu;

6- Biết tăng sẽ bị vỡ;

7- Biết Yết Ma phi pháp mà nắm thẻ;

8- Biết chúng nắm thẻ;

9- Việc không quan trọng mà nắm thẻ;

10- Bất đồng quan điểm mà rút thẻ.

(01:16:19) Tất cả những cái điều kiện trên này đều là cái hình thức bầu, kêu là bình bầu hay là bầu cử, hay hoặc là bỏ thăm, hay hoặc là đưa tay để biểu quyết coi nó nhiều ít. Đó là cách thức như vậy để mà chấp nhận ở trong cái đúng cái sai đó thôi.

Thầy thấy ở đây nói ra cho nó nhiều như vậy, chớ sự thật ra thì chúng ta muốn làm cho rõ thì hỏi những cái ý kiến người khác, ở đây ví dụ như Thầy hỏi: “Bây giờ Thầy nêu ra cái tội này như vậy, là đáng xử như vậy, có được không? Ai đồng ý đưa tay lên, ai không đồng ý thì đừng đưa tay!” Thì chúng ta bình bầu như vậy là cũng được rồi chớ cần gì mà phải làm chi cho nó nhiều công chuyện, nó rắc rối thêm chớ có gì đâu.

Còn khéo khéo mà kín nữa thì người nào cứ viết một cái tờ giấy đi, ai là đồng ý cái người đó có tội thì ghi ở đây trong cái tờ giấy cho Thầy một cái là để chữ “tội” đi, còn cái người nào mà thấy cái tội này nó không phải thì viết chữ “không tội” đi, thì như vậy là cứ đem vô đây, bỏ vô đây đi, mà bây giờ đây là mười người, sau khi mà so thăm lại lấy cái số đông thì cái cái người có tội mà cái số đông chấp nhận là không tội là coi như cái người đó không tội.

Thì như vậy là mình lấy cái chỗ dân chủ để mình kiểm điểm cái tội của người ta, thì như vậy Thầy thấy nó cũng không công bằng đâu. Nhiều khi một cái đám đông vậy chớ vì nó thương ông này cho nên nó bầu như vậy, chớ sự thật ra cái ông này là cái người có tội chớ không phải là không tội.

Cho nên ở đây phải có một cái đầu óc quán xét chớ còn không có một cái theo, dựa cái tập thể. Nhiều khi tập thể chưa chắc đã là đúng. Thầy nói thật sự, chưa chắc mọi người là đã có một cái trí thông minh là đúng hết đâu, chưa chắc đâu. Cho nên cái trí thông minh của một cái người mà người ta nhìn qua người ta quán xét, khi sự kiện xảy ra người ta đều có thể biết đoán chắc là cái đó là cái tội đúng hay tội sai.

Cho nên ở một cái người mà làm cái giới luật, làm cái pháp luật thì người ta phải có cái đôi mắt rất là sâu sắc, chớ nếu không có cái đôi mắt sâu sắc, chúng ta viết pháp luật chỉ là viết sau lưng của họ chớ không phải là viết cái sự kiện mà đã đoán trước họ sẽ phạm cái tội đó.

7) PHÉP NHƯ CỎ CHE ĐẤT ĐỂ DỨT SỰ TRANH CÃI

(01:18:15) 7. Phép như cỏ che đất để dứt sự tranh cãi.

Vì sao Phật kiết giới này?

Đức Phật ở tại nước Xá Vệ, các Tỳ Kheo cãi nhau phạm nhiều giới chẳng phải pháp của Sa Môn, mà cũng chẳng làm, cũng nói ra vào không chừng mực. Sau đó các Tỳ Kheo tự nghĩ mà nói: “Nếu chúng ta trở lại tìm hỏi việc này do ai, do đâu, thì có thể khiến cho trách sự càng thêm sâu nặng, trải nhiều ngày tháng, không diệt trừ đúng như pháp khiến cho tăng không được an lạc.”

Vì cả tập thể tăng đều phạm tội, không còn Tỳ Kheo nào thanh tịnh để tác chủ thọ sám hối, do đó họ bạch Phật sám hối. Phật kiết giới này và dạy rằng nên chấm dứt sự tranh cãi này như dùng cỏ che đất mà sám hối.

Pháp này tập thể không ai xưng tội danh, tội chủng mà sám hối, như lấy cỏ che đất bùn khiến người có thể đi qua lại được, không nhớp chân. Nghĩa là họ cũng hội họp sám hối che các điều ác trên để thiện pháp được sanh rồi sau sám hối tội đã phạm vậy. Nếu trách sự đã dứt rồi sau ai phát khởi lại, mắc tội Đọa.

Ở cái chỗ này theo Thầy thấy là chế ra cái giới này, bây giờ ai có tạo tội phạm thì từ từ mà sám hối đi, còn bây giờ coi như là mỗi người mà có làm những cái điều sai trái này thì tự mình biết lấy rồi mình coi như là đừng có để cho ai biết hết, bây giờ không có phát lồ ra, nhưng mà người nào cũng tự mình sám hối nếu mình nhận thấy cái lỗi của mình.

Thật sự ra Thầy nói, Thầy làm lỗi nhiều khi Thầy không biết đâu, những cái lỗi có nhiều khi mình làm mình không có biết đâu. Bởi vậy cho nên mình làm lỗi mà mình không có biết cho nên vì vậy mà mình lý luận, mình nói rằng: “Tui không có lỗi, cái đó tui chưa có phải lỗi. Cái trường hợp nó xảy ra như vậy chớ chưa phải là tui muốn làm cái lỗi đó đâu, tại nó xảy ra như vậy.”

Do cái sự mà tranh cãi, do cái sự mà mình không thấy lỗi mình thì làm sao người ta buộc lỗi mình mà mình nhận cho được? Mình lấy như cỏ mình rải ở trên đất bùn để cho mình đi đừng dính đất, che đậy lên lại như vậy, thì cái ví dụ đó Thầy thấy, cái xử như vậy nó không có hay chút nào hết.

Mà tốt hơn hết là chúng ta từ bước đầu mà đi vào con đường tu tập của Phật pháp, thì ngay từ bước đầu chúng ta trau dồi thân tâm của chúng ta từng bước một trong những cái sống hòa hợp Lục Hòa như thế nào.

Cũng như bây giờ Thầy đặt ra thành vấn đề nè. Như vào trong Tu viện chúng ta mà cỡ mà có cái tổ chức hẳn hòi, thì các con không bao giờ mà có vào nhà bếp nấu ăn, các con sống độc cư quý thầy nè, các con không được đến nói chuyện nè, đó là các con độc cư nè, các con chuyên môn các con phải sống như thế nào đúng cách nè, ăn ngày một bữa nè, tới giờ các con ôm bát đi khất thực nè, không được nói chuyện ai nè, tới giờ ngủ thì các con ngủ đúng giờ đúng khắc nè, không được ngủ phi thời phi pháp nè, rồi tới cái giờ các con luôn luôn sống trầm lặng một mình nè, không được tiếp duyên với người nào hết, làm sao có sự kiện gì mà xảy ra đâu? Làm có sự kiện gì mà mích lòng nhau đâu, đâu có nói chuyện với nhau đâu?

Đó là cái thứ nhất, ba cái giới mà Thầy đặt ra, cái nòng cốt của cái Tu viện. Rồi ba cái giới kế đó là ba cái đức của chúng ta tập luyện là nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, thì luôn luôn lúc nào chúng ta thấy nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì gần như là sáu cái pháp Lục Hòa của Phật rồi.

Cái danh từ thì nói khác chớ ba cái đức này nó phải đúng là Lục Hòa ở trong cái đạo Phật, rất là Lục Hòa, mà nó đầy đủ trọn vẹn ở trong sáu cái hòa hợp này rồi.

(01:21:54) Do vì vậy đó, làm sao mà chúng ta có cái sự gì mà tranh cãi, có sự gì phiền não! Muốn tu vào đây thì phải khép mình ở trong sáu cái kỉ luật này, sáu cái luật nòng cốt của Tu viện này, thì thử hỏi làm sao có chuyện gì?

Nhưng mà bây giờ cái hoàn cảnh của mình không có làm được, cho nên các con thấy các con còn lộn xộn. Rồi bây giờ các tu sĩ ở ngoài sau, nam thì các con thấy nó có lộn xộn không? Nó lộn xộn là do mấy cái ông mà không có độc cư được, đi lại thất này nói chuyện, đi lại thất kia nói chuyện, chứ còn riêng mấy người mà người ta sống độc cư một trăm phần trăm, người ta không đến thất ai, người ta lo người ta tu hành, các con thấy có ai mích lòng ai không?

Thầy thấy mười người, một trăm người mà sống được như những người độc cư như vậy, bây giờ một ngàn người cái Tu viện của chúng ta cũng im như là thạch bàn, nó không bao giờ có một tiếng động. Sống đúng thì nó không bao giờ mà làm chúng ta khó khăn tu hành, mà sống không đúng thì nó làm cho chúng ta khó khăn tu hành.

Còn vì cái hoàn cảnh các con, bên nữ các con sao? Các con phải nấu cơm mà sống. Bởi vì Thầy chưa có tổ chức cho một cái người nào mà ở ngoài người ta nấu cơm cho mình sống được, cho nên đến đây chúng ta còn phải có những cái sơ sót đó. Nhưng mà vì cái nhân duyên chưa đủ mà chúng ta đành phải phải chịu mà thôi, chớ bây giờ chúng ta biết làm sao?

Đó thì các con thấy không? Chứ nếu mà bên nữ mà Thầy khép được, mà cô Út hoàn toàn có những cái người khác lo lắng cái đời sống để cho các con có cơm ăn áo mặc, ngày chừng một bữa các con bưng bình bát các con đi khất thực, mà các con biết giữ trọn được cái hạnh độc cư không?

Nếu mà các con giữ trọn cái hạnh độc cư thì Thầy nhìn trong cái số của các con, chắc còn lại ở đây cũng không bao nhiêu người đâu, chắc chừng một hai là người hết sức. Thì cũng như bên nam mà nhìn lại thì cũng đâu có người nào, cũng còn một hai người.

Chớ không khéo các con buồn bã rồi các con sống mà tiếp duyên làm chuyện đồ các con còn vui, còn có buồn, có giận, các con còn ấy, chớ cô đơn quá thì các con cũng như là thầy Từ Minh với thầy Chân Tịnh mà độc cư quá rồi chịu không nổi rồi cũng phải là xách gói đi thôi chớ cũng không làm sao mà sống được.

Đó thì các con thấy nó đâu có đơn giản. Nếu mà chúng ta sống độc cư được, giới hạnh chúng ta giữ được thì cái Tu viện chúng ta nó im re, không bao giờ mà có cái sự không hòa hợp. Nhưng cái hoàn cảnh chúng ta chưa tổ chức được. Thầy ước ao một ngày nào đó, chúng ta còn lại chút ít, chúng ta sẽ tổ chức được những cái sự tu hành chúng ta được tốt hơn, để bên giới nữ của các con có những cái điều kiện mà tu tập cho đạt được cái kết quả tốt.

Còn bây giờ các con sống ở trong cái cuộc sống chung như thế này mà các con làm riêng rẽ để cho một mình mình tu cho được, thì chắc chắn các con cũng không có yên mà tu được đâu. Nó phải sống ở trong một cái hòa hợp, chớ không thể nào mà muốn riêng cho mình được một cái gì được cả hết.

Cho nên một cái guồng máy thì cái bánh xe lớn, cái bánh xe nhỏ nó đều kéo nhau hết, chạy thì nó phải chạy hết, mà nó không chạy thì nó sẽ đứng hết. Còn bây giờ vụt không, có cái bánh xe nào nó đứng chựng lại, nó không chịu chạy thì mấy cái bánh xe kia nó sẽ - nó có chạy được thì nó cũng cán, nó cũng cày, những cái răng của bánh xe đó cũng tan nát hết, không còn./.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy