(00:00) Trưởng lão: Hôm nay, có một nhân duyên do một vị Thượng tọa ở Chùa Phi Lai, châu Đốc, đến viếng thăm Tu viện Chơn Như. Với mục đích bài bác giới luật tu hành của chúng ta ở đây.
Ông cho rằng: Ăn ngày một bữa và ngủ có bốn tiếng đồng hồ như vậy là không đủ sức khỏe để tu hành, đó là cách ép xác, khổ hạnh, vô lý.
Ông ta xin đến gặp Thầy Phương Trượng và hỏi:
Bạch Thượng tọa, Tu viện ở đây tu pháp môn gì?
Trưởng lão: Chúng tôi ở đây tu pháp môn Giới, định, tuệ.
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, chúng tôi nghe ở đây Tu viện chấp giới luật rất khắt khe, có phải vậy không?
Trưởng lão: Đúng vậy.
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, xin phép Thượng tọa cho chúng tôi được hầu chuyện với Thượng tọa.
Trưởng lão: Được. Có vấn đề gì Thầy cứ thưa hỏi.
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Xin phép Thượng tọa, Thượng tọa có phải là Viện chủ của Tu viện này không?
Trưởng lão: Phải.
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Xin phép Thượng tọa, Thượng tọa có phải là Thầy Thích Thông Lạc không?
Trưởng lão: Phải.
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, trong khi hầu chuyện, con có những sơ sót, lỗi lầm, xin Thượng tọa tha thứ cho.
Trưởng lão: Không có chi cả, Thầy cứ tự nhiên mà thưa hỏi.
(01:31) Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, nếu một người tu Thiền Định mà còn chấp giới luật thì con e rằng còn kẹt trong giới luật chăng?
Trưởng lão: - Kẹt như thế nào?
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Thưa Thượng tọa, trong "Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất" có dạy: "Còn tụng kinh, còn Niệm Phật, còn giữ giới luật là còn bị trói buộc". Mà còn bị trói buộc thì làm sao gọi là tự tại, vô ngại, giải thoát?
Trưởng lão: Vậy, tự tại, vô ngại, giải thoát như thế nào?
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, đói ăn, khát uống, mệt đi ngủ. Đó là sự tự tại, vô ngại, giải thoát. Như xưa kia, thượng sĩ Tuệ Trung ăn thịt cá, uống rượu với các quan trong triều rất tự nhiên.
Người chị của Thượng sĩ Tuệ Trung thấy thế mới hỏi:
- "Tại sao em tu theo đạo Phật mà còn ăn thịt cá, uống rượu như vậy?"
Thượng sĩ Tuệ Trung trả lời:
"Em là em, em không phải là Phật, Phật không phải là em. Giới luật là giới luật, giới luật không phải là em, và em cũng không phải là giới luật".
Bạch Thượng tọa, lời nói rất là giải thoát. Không có một hạt bụi nào ở thế gian làm vấy bẩn được Ngài. Dù là pháp môn xuất thế gian như của Phật, giới luật cũng không trói buộc Ngài được. Bạch Thượng tọa, theo con nghĩ, qua lời dạy này chứng tỏ ai còn kẹt trong giới luật là chưa giải thoát.
(3:08) Trưởng lão: Thầy nói đúng đấy. Nhưng đúng ở góc độ của Thiền Đông Độ, không phải thiền của đạo Phật. Sự tự tại, vô ngại, giải thoát này của Thiền Đông Độ, chứ không phải là sự tự tại, vô ngại, giải thoát của đạo Phật. Cho nên hầu hết các Thiền sư Đông Độ không có phạm hạnh, phá giới luật, như Lâm Tế chém rắn, Nam Tuyền sát miêu, Phần Dương làm cỗ thịt cá đãi chư Tăng, thượng sĩ Tuệ Trung ăn thịt cá, uống rượu.
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, nếu Thượng tọa bảo rằng: "Thiền Đông Độ là không phải của Phật giáo", vậy chứ trên Hội Linh Sơn ai niêm hoa, và ai mỉm cười?
Trưởng lão: Đó là một câu chuyện bịa đặt sau này. Trong kinh tạng Nguyên Thủy, đức Phật không có người thừa kế. Lời di chúc cuối cùng của Người dạy con người: "Lấy giới luật làm Thầy". Giới luật là người thừa kế của đức Phật mà thôi.
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, vậy kinh điển Đại thừa không phải Phật thuyết sao?
Trưởng lão: Vấn đề này chúng tôi xin miễn bàn. Ai muốn hiểu sao cũng được. Đây cũng là duyên nghiệp của chúng sanh chưa gặp được chơn pháp.
(Thầy Phương Trượng lái câu chuyện vào chủ đề)
(04:33) Trưởng lão: Thầy biết tam vô lậu học là gì không?
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, là Giới, Định, Tuệ.
Trưởng lão: Vậy Giới, Định, Tuệ là ba pháp môn tu tập làm cho hết lậu hoặc, cho nên gọi là vô lậu. Vậy Giới là một pháp môn trong ba pháp môn của tam vô lậu học.
Giới là một pháp môn để tu tập chứ không phải là giáo điều. Nó cũng không phải như pháp luật thế gian, bắt buộc mọi người phải tuân theo, phải giữ gìn, không được vi phạm.
Giới luật của đạo Phật không có trói buộc ai hết, vì nó là một pháp môn để tu, giải thoát tâm con người ra khỏi tam độc tham, sân, si. Vì thế, giới luật ghép liền với các pháp môn khác như Thiền Định và Trí Tuệ.
Ở đây, chúng tôi dùng pháp môn giới luật để tu tập tâm mình, làm cho tâm được thanh tịnh, giải thoát khỏi lậu hoặc. Nói một cách khác, là làm cho tâm khỏi ô nhiễm ngũ dục lạc thế gian. Đó mới thực tế giải thoát của đạo Phật.
Vậy bảo chúng tôi chấp Giới, mà chấp Giới để làm gì? Để được người ta khen mình giữ gìn giới luật nghiêm túc? Như vậy, chúng tôi tu để được khen chứ không phải để giải thoát. Lấy giới luật trói buộc mình có lợi ích gì? Hay để khỏi bị tù tội? Hay là để khỏi bị tẩn xuất, lột áo ra khỏi Tăng đoàn? Nếu đi tu mà còn sợ hãi như vậy thì đi tu mà làm gì?
Bây giờ tôi xin hỏi Thầy, Thầy cứ thật mà trả lời. Ví dụ: Thầy lấy một cục phèn chua để lóng nước trong, khi nước đã lóng trong rồi, Thầy còn dùng cục phèn đó nữa hay không?
(06:38) Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, không.
Trưởng lão: Như vậy, chúng tôi dùng giới luật tu tập khiến cho tâm chúng tôi được thanh tịnh. Khi tâm được thanh tịnh, thì chúng tôi còn dùng giới luật để tu hành nữa hay không?
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, không.
Trưởng lão: Như vậy lúc nãy sao Thầy bảo rằng chúng tôi chấp giới? Bây giờ tôi hỏi Thầy lại nữa, Thầy cứ thật mà trả lời. Lúc bấy giờ nước đã trong, Thầy có dùng đất, bụi dơ để làm nước đục, dơ trở lại không?
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, không.
Trưởng lão: Như vậy chúng tôi ở đây tụ tập giới luật, ăn ngày một bữa, ngủ hai, ba tiếng đồng hồ. Còn trước kia khi chưa tu tập, chúng tôi ăn ngày ba bữa, và còn ăn uống lặt vặt, bánh, trái cây và nước ngọt nữa. Ngủ thì suốt bảy, tám tiếng đồng hồ mà còn ham ngủ nữa. Nhờ tu giới luật mà chúng tôi đã thoát ly ngũ dục lạc thế gian. Hiện giờ, chúng tôi thảnh thơi, giải thoát hoàn toàn, không thấy đói, không thấy khát, không còn bận bịu lo ăn, lo uống, không còn bận lo nấu, lo nướng và cũng không còn thèm ăn uống lặt vặt như trước kia nữa. Còn ngủ thì chúng tôi chỉ ngủ hai, ba tiếng đồng hồ mà thôi. Ăn và ngủ như vậy mà sức khỏe chúng tôi vẫn mạnh khỏe, lao động tốt không thua kém ai.
Được sống như vậy, bây giờ chúng tôi ăn uống ngủ nghỉ trở lại như lúc chưa tu thì chúng tôi có thể làm được hay không? Khi chúng tôi đã tự biết rõ đây là một sự giải thoát chơn thật của chúng tôi.
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, không.
Trưởng lão: Như vậy chúng tôi có chấp Giới không?
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, không.
(08:19) Trưởng lão: Tự tại, vô ngại, giải thoát mà còn chạy theo ngũ dục lạc, ăn, ngủ, nghỉ như Thầy đã nói lúc nãy: "Đói ăn, khát uống, mệt đi ngủ". Như vậy, khi nửa đêm nghe bụng đói thức dậy lấy nồi nấu cơm đến gần sáng mới được ăn. Và như vậy đó là tự tại, vô ngại, giải thoát sao?
Cũng như nói mệt ngủ, ví dụ lúc năm giờ sáng, hoặc bảy giờ chiều, có khi tám giờ tối, cũng có lúc mười giờ đêm hoặc hai giờ khuya, hoặc ba giờ sáng. Lúc đó cảm thấy mệt liền đi ngủ, ngày hôm sau lại ngủ khác giờ giấc, vì lẽ mệt mới đi ngủ, và sự ngủ, nghỉ không chừng đổi như vậy. Và một vị Thiền sư ăn, ngủ không điều độ, tức là con người sống không có chừng mực, hứng hồi nào thì ăn ngủ hồi đấy. Cái lối sống như vậy mà gọi là tự tại, vô ngại, giải thoát sao? Thầy nghĩ gì về cái nếp sống như vậy? Người thế gian còn cũng không thể sống như vậy được. Câu nói thoáng nghe qua thì rất hay, nhưng xét kỹ thì đó là những lời dối gạt thiên hạ. Chúng tôi tu hành, ăn uống phải điều độ, ngủ nghỉ phải có giờ giấc nghiêm túc. Không phải muốn ăn hồi nào là ăn, muốn uống hồi nào là uống hoặc muốn ngủ hồi nào là ngủ. Phải đúng giờ, đúng giấc đã định của chúng tôi.
Nghĩa là chúng tôi làm chủ được cái ăn, cái ngủ của mình. Chứ không phải: "Đói ăn, khát uống, mệt đi ngủ" như Thiền Đông Độ. Nếu không làm chủ được cái ăn, cái uống của mình thì mong gì làm chủ được cái tâm? Trong thiền sử Trung Hoa có nhắc lại một vị Thiền sư đi đến một ngôi chùa xin ở tu hành. Vị Trụ trì chấp nhận, nhưng ông ta cứ ăn rồi ngủ li bì. Một hôm, vị Trụ trì đến hỏi:
-"Sao ông đến đây tu hành mà không thấy tụng kinh, Niệm Phật, ngồi thiền gì hết?"
(10:16) Ông ta đáp:
-"Đó là để kẻ còn đói, chưa no mà ăn thôi."
Đây là sự tự tại, vô ngại, giải thoát của Thiền Đông Độ. Cái mà Thiền Đông Độ gọi là giải thoát thì chúng tôi không dám bàn đến. Vì hai con đường đi về hai mục đích khác nhau. Cho nên chúng tôi tu theo Phật giáo không thể gặp họ ở một điểm cố định được.
Nếu xét cho kỹ, người thế gian đang quay cuồng trong ngũ dục lạc, chạy theo tâm tham muốn của mình thì cũng gọi là tự tại, vô ngại, giải thoát. Họ cũng đang chạy theo tâm tham muốn dục lạc. Nên bảo: "Đói ăn, khát uống, mệt ngủ". Nghĩa là tâm mình ham ngủ là đi ngủ, ham ăn là đi ăn, ham uống là đi uống. Còn cái đói, cái khát, cái mệt là cái để chúng ta tu tập làm chủ lại nó. Chứ không phải chạy theo sự sai bảo của nó. Vì chính chỗ giải thoát này, mà chúng tôi lấy pháp môn giới luật tu tập cho hết đói, cho hết khát, cho hết mệt.
Vậy ăn ngày một bữa có đói không? Nếu một người chưa tu giới luật thì họ phải thấy đói, còn một người đã tu giới luật rồi thì họ vẫn cảm thấy không đói. Nếu bảo rằng đói, thì chúng tôi đâu có sống được như thế này. Con người ăn uống và ngủ nghỉ không điều độ, không đúng giờ giấc thì cái đó không phải giải thoát của đạo Phật.
Cho nên, câu nói: "Đói ăn, khát uống, mệt đi ngủ" đó là lời bào chữa cái tâm chạy theo ngũ dục lạc thế gian, để che đậy cái không làm chủ của mình.
(12:12) Về ngủ, đối với một vị Thiền sư khi mệt không cần ngủ, chỉ cần tọa thiền, nhập định trong giây lát là hết mệt. Vậy mệt có cần ngủ không? Hay mệt đi ngủ theo kiểu thế gian? Thì đó là ham ăn, ham ngủ của dục lạc.
Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi đã nhận rõ được sự giải thoát tâm mình bằng pháp môn giới luật rõ ràng và cụ thể trong cuộc sống của chúng tôi hiện giờ. Cho nên dù bất cứ một luận thuyết nào cũng không bài bác chúng tôi được. Vì sự tu hành chúng tôi thực tế và rất khoa học.
Bởi con đường của đạo Phật "Thiết thực, không có thời gian, đến để mà thấy". Nếu ai chưa đến với đạo Phật thì không thấy, còn những ai đã đến với đạo Phật chỉ trong một ngày, một đêm cũng vẫn thấy được sự giải thoát ngay liền trong tức khắc. Đó là con đường đúng của đạo Phật. Còn tu lạc pháp môn khác không phải là của đạo Phật thì không được như vậy. Còn pháp môn Thiền Định mà Thầy vừa nói đó là chạy theo ngũ dục lạc bằng cách lấy vải thưa che mắt mọi người "Đói ăn, khát uống, mệt đi ngủ". Còn nếu bấy giờ, chúng tôi ăn ngủ trở lại, hoặc giết hại chúng sanh, hoặc tà dâm, vọng ngữ, uống rượu để bảo rằng không chấp giới. Như Lâm Tế, Nam Tuyền, Phần Dương, thượng sĩ Tuệ Trung (thì) gọi là vô ngại, giải thoát không phải là sự giải thoát của đạo Phật (thì) là sự giải thoát của Thiền Đông Độ của Nhật Bổn. Thì chúng tôi không có ý kiến gì về vấn đề này.
(14:06) Theo chúng tôi nghĩ, tất cả chúng sanh trong cõi thế gian này đều có tạo duyên với các pháp môn. Ai có duyên với Pháp môn nào thì tu theo pháp môn nấy. Đừng lý luận tranh cãi hơn thua mà sanh ra không tốt cho Phật pháp. Chúng ta hãy tùy duyên của mỗi chúng sanh mà đến với Phật pháp. Nếu chúng ta đến với đạo Phật là phải đến với tam vô lậu học. Và phải tu ba pháp môn này. Không thể ngoài ba pháp môn này mà còn có cái gọi là đạo Phật khác nữa. Bởi chúng tôi đã từng sống bằng ba pháp môn này, nên thấy sự lợi ích giải thoát của nó thiết thực cho đời sống của chúng tôi. Rất thực tế, hơn là những lời nói suông mà Thầy đã nói: "Đói ăn, khát uống, mệt đi ngủ".
Bởi con đường của đạo Phật dạy chúng tôi:
"Dùng giới mà ly dục, dùng thiền mà đoạn dục, dùng trí tuệ mà giải thoát".
Mùa hạ năm ấy, đức Phật cùng 500 vị Tỳ kheo đang an cư kiết hạ. Có một người đến hỏi đức Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, trong số Tỳ kheo đang theo tu tập dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn, tất cả 500 vị này có thành tựu đạo giải thoát hết hay không?"
(15:24) Đức Phật trả lời:
"Ở đây, chúng tôi tu hành đều thành tựu cả. Hiện giờ, có 90 vị đã chứng trí tuệ, 90 vị đã chứng Thiền Định, và còn lại bao nhiêu đều chứng giới luật".
Như vậy, Thầy thấy rõ ràng người đến với đạo Phật đều có sự chứng đắc giải thoát trong cuộc đời đầy đau khổ này. Ở đây chúng tôi cũng vậy, tuy số Tăng rất ít nhưng chúng tôi cũng có sự thành tựu như thời đức Phật. Không có người nào không chứng đắc.
Con đường của đạo Phật đã vạch rõ cho chúng tôi một lối đi rất rõ ràng và cụ thể. Không còn mơ hồ, hư ảo. Chúng tôi chỉ cần cứ theo đó đặt trọn niềm tin với một nghị lực, một ý chí sắt đá, một tấm lòng kiên trì, dũng mãnh của mình để tiến bước. Chúng tôi tin chắc rằng, sớm muộn gì chúng tôi cũng đạt được mục đích này mà thôi.
(16:34) Trưởng lão: Vậy, hôm nay Thầy còn ý kiến gì về giới luật của chúng tôi tu ở đây nữa hay không?
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, nếu Thượng tọa không chê con lớn tuổi, và con còn có thể tu được, xin Thượng tọa nhận con về đây tu hành.
Trưởng lão: Xưa, Hiếp Tôn giả đã 80 tuổi mà còn theo đạo Phật tu hành đắc quả A La Hán. Huống hồ, Thầy năm nay mới 74 tuổi và sức khỏe cũng còn khá lắm. Nhưng có điều vì tuổi đã lớn, từng sống quen trong các chùa, cho nên bây giờ ăn ngủ trở lại như chúng tôi là một điều rất khó đối với Thầy. Vả lại, hiện giờ chúng tôi đang nhập thấp, nên không có ai hướng dẫn tu hành và kỷ luật Tu viện không nhận những người đến trong khi Tu viện chưa mở khóa tu.
Vậy, Thầy hãy chờ đợi khóa sau. Và bây giờ, Thầy về tu tập giới luật trở lại, ăn và ngủ cho quen dần. Sau khi được nhập Tu viện, thì Thầy sẽ theo kịp chúng tu hành mà không còn gặp khó khăn nữa.
Thượng tọa Chùa Phi Lai: Bạch Thượng tọa, con xin ghi nhớ và cố gắng thực hiện. Cho đến khi Tu viện mở khóa con sẽ trở lại, xin Thượng tọa nhận con.
Đến đây buổi nói chuyện đã chấm dứt. Được nghe thuật lại buổi nói chuyện của Thầy với một vị Thượng tọa ở Chùa Phi Lai, Châu Đốc. Thì quý thầy cần suy ngẫm và suy ngẫm con đường tu hành của chúng ta. Xin chấm dứt.
HẾT BĂNG