ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ 02 - LINH HỒN KHÔNG CÓ
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời lượng: [34:49]
(00:00) Trưởng lão: Thôi bây giờ có gì mấy con hỏi, không hỏi Thầy nữa thì Thầy về, Thầy về để lên vi tính làm việc nữa, viết sách Đạo Đức, nhất là Đạo Đức Gia Đình để dạy cho gia đình mấy con hạnh phúc. Thầy xin phép tập Đạo Đức Gia Đình tập 1 với tập Đạo Đức Ly Tham 2 tập, Thầy xin phép nhà xuất bản tôn giáo. Đã được, nghe đâu ngoài Hà Nội đã in được 1500 quyển rồi, mai mốt tái bản sẽ in tại Thành phố, để về Thầy gửi cho mấy con.
Phật tử: Gia đình con ở Hà Nội (không nghe rõ).
Trưởng lão: Thỉnh thoảng rảnh rang mấy con về, khi nào mà, Thầy sẽ thông báo cái lớp học, Thầy sẽ thông báo cho con biết, 1 tháng có mấy ngày để học, trong những cái ngày chủ nhật, ngày nào đó, trong 1 tháng có mấy ngày, ngày đó Thầy đến … Thí dụ trong 1 tuần lễ Thầy chọn ngày chủ nhật đi, hoặc là ngày thứ 5, hoặc ngày nào đó, Thầy thông báo cho mấy con biết hết toàn bộ thì trong cái ngày đó mấy con sẽ về nghe Thầy dạy (…)
Khi gặp Thầy thì mấy con ráng tu tập nha mấy con, khi mà Thầy mở 1 cái lớp học, Thầy cho biết ngày giờ thì mấy con sẽ dành cái ngày giờ đó về đây. Thầy ở đây, Thầy cũng nguyện là đem cái điều kiện hiểu biết về đạo đức để dạy cho bà con lối xóm của Thầy, tội lắm mấy con.
(02:03) Những bác nông dân, rồi con cháu ở quê này, họ cũng chẳng hiểu gì hết, không có tạo cho họ những cái lớp học thì tội lắm mấy con.
Phật tử: (…) con có người bạn 28 tuổi, rất là thương yêu đứa con nhưng mà … Đi làm thì nhiều khi không biết … Con không biết như vậy phạm tội rất là lớn, nhưng mà đó là điều đau khổ của con …
Trưởng lão: Coi như là các cụ già ở xa đó mấy con, họ sẽ đến đây. Bởi vì Thầy biết cái thế hệ của mấy con, nó không thể nào mà sống hòa hợp với cái tuổi già của cha mẹ, lớn tuổi rồi từ 8 chục cho đến 9 chục, họ sống cô đơn, khổ lắm mấy con. Họ không biết giữ cái tâm bất động của họ, họ sống rất là khổ. Họ nhớ lại cái quá khứ của họ, còn trong hiện tại thì con cái đi làm hết cho nên họ sống, họ thấy khổ lắm mấy con, không thể nào hòa hợp trong cái vai trò tuổi trẻ bây giờ cho nên họ khổ lắm. Cho nên nhiều khi có những cái điều kiện họ làm cho mình thấy bực mình lắm chứ không phải không đâu.
Nhưng mà Thầy nghĩ rằng những cái Khu an dưỡng cho người già thì không phải bắt buộc họ. Mấy con gửi họ ở đó, họ sẽ đến đó ở trong vòng 5, 3 bữa hay 1 tuần lễ, họ được học đạo đức, với cách thức họ sống, họ sẽ về sống trong gia đình, họ biết giữ cái tâm bất động thanh thản, họ chỉ giữ… Họ lớn tuổi rồi, họ đâu có làm cái gì nhiều, họ chỉ ở coi nhà cho mấy con, họ chỉ biết cách tu đó cũng là thấy hạnh phúc.
(04:07) Đó là cách thức Thầy đã nghĩ đến hoàn cảnh gia đình của mấy con, có cha mẹ già, có ông bà lớn tuổi rồi, mà những người đó chưa biết Phật pháp, mà cách thức giữ cái tâm của mình thì họ ngồi họ nhớ chuyện này, chuyện kia, trong cái đời của họ thì họ đã thấy khổ đau vô cùng. Vì vậy mà họ dẫn dắt làm mấy con động.
Phật tử: (…)
Trưởng lão: Cách thức mình tu tập thì con xả những cái này, giữ gìn tâm bất động, hòa hợp được với… Ngày xưa vì quá khổ cho nên tiết kiệm, dành dụm thành cái thói quen đó đi. Giờ thấy mấy con xài phí, thoáng như vầy cho nên mấy bà bực mình, vậy không có hòa hợp với trong cái giai đoạn chúng ta. Vì không hòa hợp được mà tại vì sống thành cái thói quen của ngày xưa, của mình rồi mà bây giờ bắt buộc con cái sống vậy thì làm sao nó sống được trong cái thời đại này.
Phật tử: (…sách của Thầy cho mẹ con đọc…)
Trưởng lão: Nhưng mà khi đến được dự thì khi đó…bởi vì cuốn sách Thầy viết ra nó không đủ thuyết phục đâu, nhưng khi mà đến gặp Thầy rồi thì cái từ trường của Thầy nó thuyết phục được mấy cụ. Thầy chỉ thuyết, chỉ nói, mấy cụ sẽ khép mình trong khuôn khổ tu tập con, Thầy cởi mở lắm.
Khi nào mà có Khu an dưỡng cho những người già rồi thì các con sẽ cho lên đây ở 1 bữa, hoặc là mấy con đưa lên đây để nghe 1 buổi thuyết pháp thôi. Thì sau đó các cụ sẽ xin ở được 5, 3 ngày, 1 tuần lễ. Từ 5, 3 ngày, 1 tuần lễ thì hướng dẫn cho các cụ cách thức tu để giữ gìn cái tâm của mình, có cái niềm vui ở trong đó, khi mà tìm được cái niềm vui rồi thì mấy con khỏi đi, không có rày phiền mấy con gì hết, xả hết những cái buồn phiền.
(06:35) Thầy hiểu biết cái niệm khi mà có cha mẹ già thì nó có cái nỗi khổ cũng như con, không thể họ - những người già họ hòa hợp với mấy con được đâu…
Ai cũng biết công ơn của cha mẹ nhưng mà nó không hòa hợp được thì bực mình mà mẹ mình cũng khổ chứ không phải riêng của mình, khổ cả 2 người.
Cho nên Thầy nói, chỉ Phật pháp mới hóa giải được cái này, mới đem lại hạnh phúc cho gia đình mấy con, mà Thầy là cái người đã nghĩ đến cái vấn đề này. Tạo những cái cơ sở, có cái nhà cho các cụ ở. Chứ bây giờ, thí dụ các cụ về ở 1 cái nhà như vậy, rồi các cụ riêng biệt, khó lắm mấy con, chứ không dễ mấy con, mấy cụ sống như vậy khó lắm chứ không phải dễ.
Nhưng mà khi sống quen rồi… Như các cụ, mấy cô, bây giờ tập quen rồi sau này mấy cụ sống trong gia đình, mấy cụ thấy cởi mở lắm, chứ mấy cụ đâu có gắt gỏng với con cháu đâu, mình biết xả tâm hết đâu có gắt gỏng đâu.
Do đó mấy con sẽ đến đây học tập rồi lần lượt mà cái tâm gắt gỏng của mấy con, con sẽ xả bỏ hết. Do cái sự hướng dẫn tập luyện của Thầy, mà mấy con thấy làm cho cái tuổi trẻ và tuổi già sẽ hòa hợp với nhau, nó có cái hướng đi. Thầy cũng chỉ mong đem lại hạnh phúc cho mấy con. Có gì hỏi Thầy.
Phật tử: (…)
(08:21) Trưởng lão: À, bây giờ thì rất dễ mấy con, đất nước của chúng ta hiện giờ cái người dân Việt của chúng ta có cái giấy chứng minh của đất nước thì mấy con đi ở chỗ nào cũng được hết. Nhưng có điều kiện là mấy con đến đây, như bây giờ đến đây thì Thầy đưa cho mấy con tờ giấy, mấy con ghi tên tuổi của mình ở đâu, rồi Thầy đưa cho Ban quản lý, cái ấp để họ biết điều kiện của con, coi như là báo cáo, biết tui là người Hà Nội đến đây hoặc là Huế đến đây vậy, đủ rồi khỏi cần gì nữa hết.
Người Việt mình mà, đâu có quản lý kỹ, luật của Nhà nước hoàn toàn là tự do mà, chứ đâu có bắt ép mình phải tạm vắng, tạm trú này kia. Như ngày xưa thì nó khó con, đi phải xin giấy tạm vắng tại địa phương mình. Còn ở đó thì khỏi, mình muốn đi thì đi, không có nói gì hết, mình tới cái chỗ này thì mình đăng ký, mình báo cáo ở đây 3 bữa, 5 bữa, 1 tuần lễ. Còn mình ở lâu thì mình đăng ký dài hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng. Mình đăng ký thì trong khi đó người ta sẽ cấp cho mình 1 cái thẻ để cho mình ở cái thời gian đó, coi như mình tạm trú ở đó 1 thời gian chứ không có gì hết, mình là người tốt mà.
Ở lâu 1 năm cũng được nữa, người công dân Việt Nam là ở bất cứ chỗ nào chỉ có mình đăng ký cho chính quyền địa phương biết, tui là người Hà Nội đến đây, tui muốn ở đây 1 năm tui học, có lý do đàng hoàng, tui lí lịch, chỗ ở tui có đàng hoàng, tui là người tốt như vậy chứ không phải trộm cắp, ăn cướp gì của ai tui đến đây tui trốn, mình đăng ký là có hà.
À, muốn ở suốt đời cũng được, người ta cho mình 1 cái thẻ, nó không cần nhập hộ khẩu này nhưng mà người ta cho suốt đời, các con sẽ ở đây suốt đời, coi như là thường trú ở đây luôn.
(10:11) Bởi vì người Việt Nam muốn ở đâu cũng được thường trú hết, chỉ cần con đăng ký thôi - đăng ký dài hạn người ta sẽ cho phép.
Phật tử: (…)
(11:56) Trưởng lão: Vì vốn con người nó có 2 cái phần: cái phần ý thức của chúng ta và cái phần tưởng thức của chúng ta. Cho nên cái phần tưởng thức thường thường người ta tưởng cái linh hồn, chứ sự thật ra nó là tưởng thức. Cái giấc mộng của mấy con, mấy con thấy giấc mộng mấy con tưởng linh hồn của mình biết người này chết này kia chứ gì, không phải đâu.
Cái tưởng thức nó hoạt động, nó thu những cái hình ảnh người chết, nó bối cảnh theo tưởng dục, chiêm bao mấy con trong tưởng thức. Cha mình chết, mình mộng nằm thấy, hay ông bà mình chết, mình thấy trong cái giấc mộng họ vẫn còn sống. Đó là cái tưởng thức của chúng ta nó biến hiện ra cái hình ảnh đó, nó làm ra cái cảnh giới đó chứ không phải là ông bà mình chết mà hiện hồn về.
Mà có khi báo mộng nữa, ví dụ ông bà báo mộng. Có nhiều người báo mộng ngày mai con không được đi, đi như vậy té, tai nạn đó làm cho cái người đó không dám đi nữa mà đi thì thật ra nó xảy ra tai nạn như xe, tai nạn giao thông hoặc… Nó đúng chứ không phải là không đúng. Như vậy cho nên người ta nói ông bà mình linh hiển cho nên báo mộng cho mình biết, chứ sự thật không phải như vậy.
Mà chính cái tưởng của mình nó giao cảm được cái tai nạn, nó không biết làm sao để báo động cho mình. Thứ nhất nó báo động cho mình là hồi hộp, ví dụ nay xảy ra tai nạn thì mình hồi hộp hoặc là nó giật mí mắt. Các con có nghe giật mí mắt. Có nhiều người cũng tin giật mí mắt, không biết có ai mời đám giỗ không đây, hoặc là có cái chuyện gì đây, mình cứ bán tin, bán nghi vậy thôi nhưng mà cái chuyện nó xảy ra rồi.
À, cái chuyện mí mắt mình giật đúng, có người mời ăn đám giỗ vậy giựt đúng rồi, bởi vì nó giật mắt thì ăn đám giỗ. Mà giật mắt này, cái chuyện xảy ra vừa rồi cái bà này chửi mình tan nát, bả chửi mình không biết.
Nó có cái sự báo động là cái tưởng của con nó giao cảm với việc tương lai của thời gian sắp tới xảy ra, nó báo động cho con qua cái thân của con, qua cái giấc mộng của con cũng như qua cái tưởng.
Cho nên người chết, người ta nghĩ tưởng có linh hồn, không phải đâu! Khi mà mình nghe cái người này nói như vậy đó thì mình cứ nghĩ là ở trong đó khổ rồi này kia, chứ không phải đâu con.
(14:07) Cái từ trường của cái người chết nó vẫn còn, cái người kia dùng cái tưởng đó bắt gặp cái từ trường đó, nó nói lại như mấy người lên đồng nhập cốt, nói lại có cái đúng, có cái sai.
Hễ cái tưởng nó nhập đúng cái phần ý thức thì nó nói tâm lý.
Còn nó nhập đúng cái tưởng của nó thì nó bắt gặp cái từ trường của người thân của mình. Cái nhà con như thế nào, cái lu nước như thế nào, cái bếp như thế nào, cái cửa như thế nào, nó nói không sai. Tức là cái tưởng nó giao cảm, chỗ nào nó cũng biết hết, đó là cái tưởng. Cho nên mấy cái người gọi là lên đồng nhập cốt, cái tưởng nó nhập đúng thì…
Còn cái người mà nhập không được thì nó dùng tâm lý mà nó nói, cho nên nó gạt, không đúng.
Cho nên cái này người ta lầm tưởng, từ xưa tới giờ người ta lầm tưởng cho nó là cái linh hồn nhưng mà không phải! Cái tưởng của chúng ta làm ra.
Cho nên tất cả những cái này, khi mà chết rồi, vì cái luật của nhân quả: “Chết đây thì sinh kia”, chứ không có chờ 49 ngày để cầu siêu, cầu an gì hết. Mình cứ tưởng là cái linh hồn nó còn cho nên người ta mới cầu siêu, cầu an, làm tuần 7 ngày, rồi 21 ngày, rồi 49 ngày, rồi giáp năm, rồi 3 năm mãn tang… Kinh sách Đại thừa nó chia ra, nó làm cho vơi bớt cái tình thương của mình khi mà mất người thân. Cách thức theo kinh, nó là như vậy, nhưng mà sự thật ra cái điều cầu siêu, cầu an là không có.
Khi chết rồi, nó cứ theo cái nghiệp nó tương ưng chứ không còn linh hồn. Cái tưởng uẩn, cái ý thức của chúng ta nó bị tiêu diệt hết hoàn toàn. Trong thân chúng ta có 5 uẩn thì nó tiêu diệt không còn cái gì hết.
Nó chỉ còn cái từ trường.
Cũng như bây giờ con ngồi đây các con nói chuyện, cái hình ảnh các con nó lưu lại trong không gian này, nó không phải lưu lại ở chỗ này đâu mà nó lưu lại ở khắp cùng trong hành tinh của chúng ta, chỗ nào cũng có.
(16:08) Cho nên ví dụ như hình ảnh đức Phật, cái hình ảnh của đức Phật ở bên nước Ấn Độ, Ngài xuất gia ngài tu hành như thế nào thế nào, nó bây giờ nó còn nguyên mà ở đất nước Việt Nam vẫn thấy được, chứ không phải qua nước Ấn Độ mới thấy được hình ảnh của Phật ở đó, mà nó ở đây.
Cho nên 1 người mà tu có Tam Minh rồi, người ta dùng Thiên Nhãn Minh, người ta thấy được hình ảnh của đức Phật, hồi còn là 1 cái người thái tử, xuất gia như thế nào, thế nào, nó đều lưu lại. Cũng như bây giờ các con ngồi đây mà nếu ngày mai, ngày mốt, 1 tháng sau cái hình ảnh này mấy con đến, Thầy vẫn thấy. Như là có cái máy ảnh, người ta chỉ chụp lại cái thời quá khứ cách 1 tháng, 2 tháng, mấy con ngồi đây chụp lại lấy hình, mọi gương mặt mấy con đều hoàn toàn người ta lấy lại hết. Còn cái lời nói của mấy con thu lại nó không sai, mấy còn hỏi Thầy cái gì, Thầy nói gì đều y chang, không khác chỗ nào.
Đó là cái từ trường chứ không phải là cái linh hồn của chúng ta nó lưu xuất, cho nên mấy con bị lầm.
Tất cả những điều mà mấy con trình đều hoàn toàn (…) Mấy con nhớ cái ý thức của mấy con sẽ (…)
Ráng tu, mấy con, xả tâm! Rồi sau này mấy con sẽ biết, chứ còn Thầy giải thích thì mấy con cũng không hiểu nổi đâu. Nhưng mà Thầy nói cái từ trường, cái từ trường mấy con thấy, bây giờ đây là cái cục nam châm chứ gì, đây là cục sắt chứ gì mà nó có cái sức hút, phải không? Cái sức hút của nam châm đó là cái từ trường.
Cho nên cái nghiệp lực của mấy con, mấy con chết mấy con làm cái điều ác, nó trở thành cái nghiệp lực, người ta nói cái nghiệp lực nó tương ưng với ai thì nó hút cũng như là nam châm, cái từ trường nó hút, cái lực hút đó, các con hiểu chưa. Cho nên nó phóng xuất những cái hình ảnh, phóng xuất những cái hành động thiện ác của nó, nó luôn luôn giữ trong này, tương ưng là nó đi tái sanh, nó không có mất đâu.
(18:12) Cho nên những cái này là khi tu xong rồi người ta thấy đúng là từ xưa tới giờ không hiểu cho nên người ta mới có cái thuyết linh hồn, có cái thuyết thế giới siêu hình, mới có Thần, Thánh, Tiên, Phật, mới Trời, ông Thánh này, ông Thánh kia. Không có!
Chết rồi đều là tiêu tan, đều là tiếp tục tái sanh làm súc vật, làm con người hoặc làm loài động vật, nó không còn… Bởi vì nhân quả mà, nó chi phối liền tức khắc để cho mình thọ quả khổ chứ nó không để cho mình đứng yên 1 chỗ: 5, 10 ngày hoặc 49 ngày, hoặc 2 năm, 3 năm đâu. Không bao giờ có chuyện đó đâu! Nhân quả mà, nó liên tục.
Con thấy nó vô thường, nó thay đổi liên tục, bữa nay nó vầy chứ ngày mai thân con nó thay đổi hà, nó thay đổi từng chút, từng chút cho đến khi 5 năm, 10 năm sau mình mới hay là mình già, tóc mình bạc. Còn bây giờ nó thay đổi từng chút, mấy con không biết. Nó đang thay đổi từng sát na, từng giây từng phút, nó đang thay đổi, cái thân của chúng ta nó thay đổi, cho nên vì vậy đó mà phải ráng tu.
Những điều mà con hỏi, lần lượt rồi có dịp đọc sách Thầy, có dịp Thầy sẽ giải thích, lần lượt mấy con hiểu. Đó là cái thế giới mà từ lâu tới giờ chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn, từ tổ tiên ông bà, nhiều tôn giáo đã truyền cho chúng ta tư tưởng về thế giới siêu hình, về linh hồn. Cho nên không phải 1 phút, 1 giây mà nói được, Thầy nói “tưởng” cho các con ráng hình dung được, để rồi lần lượt mấy con tự (…)
Phật tử: (…từ trường còn…)
(20:07) Trưởng lão: Còn chứ con, bởi vì cái từ trường nó còn chứ đâu có mất đâu. Cái cục nam châm nó hút cái cục sắt, nó hút hoài, nó còn hoài, con hiểu không? Nó tương ưng, nó cũng còn hút hoài hoài, nó đâu có phải là nó hết, nó mất đâu.
Cho nên tại sao đức Phật đã chết, mất, vào Niết Bàn rồi mà từ trường còn xuất ra, nó còn hoài. Lẽ ra nó đã vào Niết Bàn thì mất luôn hết thì giờ mình làm sao tìm, phải không? Cái này nó còn hoài nó không mất, cái hình ảnh này kia nó còn hoài. Nói cái từ trường thì nó không bao giờ biến mất, vì nó là sức hút. Trừ ra cái nam châm này nó hết hút. Mà bây giờ cái hút nó còn hoài.
Bởi vì con thấy người ta tham, sân, si thì nó hút quá trời mà, cái lực nó hút quá mà. Ai cũng tham, sân, si thì nó phải hút chứ sao. Các con thấy nó hút hoài làm sao mà nó hết được. Mà cái hình ảnh đức Phật ngày xưa nó còn tham, sân, si thì nó còn cái lực hút này chứ làm sao nó hết được, nó hút. Mà đức Phật đã nhập Niết Bàn rồi, đã không còn tái sanh luân hồi nhưng mà từ trường hồi đức Phật đi tu thì chưa hết tham, sân, si mà thì cái hình ảnh phải còn cho nên Thầy mới thấy cái mặt thật chứ còn cỡ nó đi mất thì biết Phật ra sao đây?
Cứ nhìn tượng mập như thế này! Thôi trời đất ơi! Phật gì mà mập quá trời như thế này!? Tu hành sao mập quá vậy! Nó sai! Do người ta tưởng tượng ra.
Rồi ông Phật ông cạo tóc, chứ ông dạy học trò cạo đầu mà ông lại để tóc quăn queo như thế này? Trời đất ơi! Thầy khác mà đệ tử thì làm sao đệ tử cạo tóc. “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa”, Ông Phật đã dạy vậy rồi. Mình là Thầy của các vị Tỳ kheo rồi mà bây giờ mình không cạo tóc bảo nó cạo tóc nó chịu không? Phật để tóc thì tui cũng phải để tóc chứ làm sao Phật bảo tui cạo tóc, có phải không?
Cho nên có 1 câu chuyện mà đức Phật ngồi trong 1 khu rừng tu với chúng Tỳ kheo trong đó, trong cái mùa an cư kiết hạ thì cư sĩ phải mang cơm đến nơi họ phát cho từng vị tu sĩ chứ không phải là… Còn trong mùa an cư là quý thầy không đi nữa đâu, thì do đó mà nghe tiếng chân soạt soạt thì khi đó Phật đang trùm kín cái đầu của mình nghe tiếng chân soạt soạt mới giở cái y ra, đưa cái bát để cho cư sĩ sớt đồ ăn vô thì cái người cư sĩ mới: "À, đây là Gotama" - Gotama tức là đức Phật. Do đó mới thấy cái đầu trọc của ông, bởi vì lâu nay cái bài kinh nói đức Phật đầu trọc chứ rõ ràng đâu có quăn queo như vậy đâu.
(22:35) Thì bây giờ ông Phật để đầu quăn queo nó sai mất rồi, không được. Cho nên có những cái sai mà bây giờ chúng ta cứ chấp nhận cái sai. Từ cái hình ảnh của đức Phật đã sai mà giờ không có làm sao sửa nổi. Rồi bây giờ trong thư viện của Anh quốc mới đưa ra cái hình mà bảo rằng ông Phú Lâu Na đã vẽ đức Phật còn đang tu là 1 vị Bà la môn, đeo 1 chiếc khâu ở tai và trên đầu thì râu ria. Sự thật ra đức Phật “cạo bỏ râu tóc” mà làm sao ông Phật không “cạo bỏ râu tóc” mà còn đeo chi cái khâu nữa thì như thế này sai pháp Phật rồi, như vậy cái hình này đâu phải hình Phật. Ta thấy cái hình dáng đó là ta biết phạm giới luật rồi, không đúng lời Phật dạy. Ông Phật là cái người gương hạnh, mình phải dạy cái đó mình phải làm trước chứ.
Cũng như Thầy giờ dạy mấy con sống trong giới không ăn phi thời mà Thầy ăn phi thời, bảo mấy con ăn 1 bữa được sao, có phải không? Thầy phải làm gương chứ. Do đó Thầy biết những hình ảnh đó đều là những hình ảnh giả thôi. Cũng nói được trong cái thư viện của Anh quốc đã để lại những hình ảnh quá xưa thì sự thật ra cũng là cái bịa của người ta thôi chứ không phải.
Giới luật Phật còn, kinh sách Phật còn, lời dạy của đức Phật còn đó mà dám bịa ra cái hình ảnh mà đức Phật, làm cho người ta in ra mọi cái hình ảnh đem về thờ, người ta tưởng đó là thật. Bởi vì đó là 1 vĩ nhân, 1 ân nhân của nhân loại mà làm sao họ không tin mấy con. Người ta nghe nói hình ảnh của Phật là người ta quý trọng vô cùng.
(24:20) Mà hiện giờ 1 mình Thầy làm sao mà Thầy thu lại cái hình của đức Phật thật mà Thầy nói được. Chứ bây giờ Thầy nói, chừng 5, 10 người mà tu chứng quả Alahán rồi coi, Thầy thấy vậy, con tu chứng cũng thấy vậy, mọi người tu chứng cũng thấy vậy, chúng ta sẽ vẽ lại hình đức Phật ngày xưa - ân nhân của chúng ta mà. Làm gì mà chúng ta để quên cái hình ảnh này được, mà hình ảnh nó còn lưu lại chứ đâu phải mất đâu, coi thử coi hình ảnh đó như thế nào. Các con thấy bây giờ Thầy chỉ mong các con tu làm sao vẽ lại được rồi chúng ta mới thật sự thấy, qua cái từ trường đó (…)
Phật tử: (…)
(25:05)Trưởng lão: Rồi Thầy sẽ in sách cho mấy con đọc. Đó cũng là cái duyên mấy con, nếu không có cô ấy thì mấy con cũng không biết Thầy đâu. Cái duyên thì nó ở đâu không biết nhưng nhờ duyên thì nó sẽ gặp nhau. Lần lượt rồi mấy con gặp nhau hết. Bởi vậy Phật pháp phải dựng lại, dựng lại để đem lại lợi ích. Rốt cuộc rồi mọi người sẽ gặp nhau trên cái điểm chung, điểm đạo đức, chỉ có vậy thôi.
Phật tử: (…)
Trưởng lão: Con bảo: “Cái tâm quay vô đừng có bung ra ngoài nữa!”, mà giờ nó còn quay ra thì con bảo: “Quay vô không có được ra ngoài nữa!”. Con nhắc riết thời gian sau nó có đủ cái lực, con nhắc cái nó quay vô luôn.
Bây giờ thì nó cứ lôi ra, lôi vô, nó không chịu. Mình cứ nhắc, phương pháp tác ý là phương pháp làm cho nó rời ra, nó không được bám ra ngoài. Cứ bền chí. Cũng như cái thọ của mình, cái đau trên thân của mình, coi vậy chứ bền chí mình vẫn có thể đuổi nó được mấy con. Một lần tác ý, 2 lần chưa được, phải bền chí. Cái gì mình kiên trì bền chí thì… cái phương pháp của Phật mà bền chí tập luyện sẽ đạt được kết quả.
Phật tử: (…)
Trưởng lão: Thì cái đó tùy theo đặc tướng của con. Ví dụ như 1 cái câu gì đó, con sẽ hỏi riêng về phần này. Bây giờ Thầy dạy chung, mọi người nghe chung thì áp dụng nó trật đi. Riêng với con thì con hỏi riêng Thầy, bây giờ cái trạng thái đó, con có cái trạng thái, còn mấy người ta không có trạng thái đó, Thầy nói người ta nghe rồi, người ta thấy không đúng đặc tướng. Còn cái chung chung là Thầy sẽ dạy con “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” thôi. Còn riêng thì phải nhấn mạnh ngay cái chỗ cá nhân riêng mình. Khi mà học riêng Thầy sẽ dạy cho trạng thái đó để hiểu, cụ thể thực tế nữa. Thầy dạy theo đặc tướng mà.
Phật tử: (…)
(28:01) Trưởng lão: Được, cứ tập. Có việc gì cứ báo Thầy, Thầy ở đây mà có gì đâu mà sợ, có gì cứ báo… Đâu có xa lắm đâu. Về nhà 3, 4 …
Phật tử: (…)
Trưởng lão: Con phải nhiếp tâm, xả tâm theo…
Phật tử: (…)
Trưởng lão: Không cần tu. Bốn cái đó mình tu đã nhuần nhuyễn. Bây giờ mình qua giai đoạn xả tâm. Khi mà thọ Bát Quan Trai, cứ giữ xả tâm mình tu. Không tu thêm 4 cái pháp kia nữa.
Trừ ra khi nào có hôn trầm, thùy miên thì sử dụng, áp dụng vô thôi, còn không thì đừng áp dụng. Chỉ xả tâm thôi. Cho nên càng tu thì càng đi tới chứ đâu cứ giậm chân hoài, mấy pháp đó hoài thì chừng nào tới. Pháp của Phật 37 phẩm trợ đạo, 37 pháp tu. Cho nên mình tu 1 thời gian pháp này thuần thục rồi thì mình tiến tới tu pháp khác. Thầy dạy các con cứ tiến dần tới các pháp mới không hà, không phải pháp cũ. Thầy thấy được cái chỗ này rồi dẫn dắt con tới cái pháp mới không. Để rồi mấy con thực hiện cho đúng là xả tâm rốt ráo.
Thôi bây giờ còn gì hỏi, không thì Thầy về.
Mấy con ráng, có duyên…
Mấy con còn về thành phố nữa phải không?
Phật tử: (…)
Trưởng lão: Ở đây có nhà đủ mấy con. Mỗi đứa phải tập ở riêng 1 cái nhà, không có được ở chung, ngồi riêng 1 mình.
Nếu mà sợ ma thì ngồi đó mà gồng người lên: “Có ma gì đâu mà sợ!”, các con sẽ hết sợ ma. Mọi người nhà gần bên, ma có đâu mà sợ.
Phật tử: Thưa Thầy cho tụi con thăm Tu viện.
(30:10) Trưởng lão: Rồi, chừng nào mấy con sắp về Thầy sẽ đưa vào trong đó thăm Tu viện.
Cũng như mai mấy con về, hôm nay Thầy sẽ dẫn mấy con đi thăm hết cái Tu viện, các con sẽ thăm các khu vực trong đó, thăm Tu viện cho biết Tu viện, 150 mấy cái thất chứ đâu ít đâu, 150 mấy cái nhà nhỏ nhỏ như thế này…
(32:27) Cứ cái kiểu này phải mua đất cất thêm, bây giờ ít chứ sau này đông lắm, sau thành cái làng Nguyên Thủy luôn đó chứ.
Phật tử: Thưa Thầy sau khi con về nhà, hoàn cảnh con ở xa, mới đầu con tu tập như thế nào?
Trưởng lão: À, mới đầu con sẽ tu cái tập thọ Bát Quan Trai đó con, bốn cái pháp: Đi kinh hành- Chánh Niệm tỉnh giác, rồi tu Định Vô Lậu- quán xét tư duy, suy nghĩ hoặc đọc kinh sách để mình triển khai cái tri kiến của mình đó là Định Vô Lậu, rồi Định Niệm Hơi Thở tập cho nó quen dần với những hơi thở, rồi Định Thân Hành Niệm mình đi trên pháp Thân Hành Niệm. Đó là những cái pháp con cần tu tập khi Thọ Bát Quan Trai. Phải tu tập mấy cái căn bản của mấy con, mới vào tu tập cho nó quen với cái pháp đó.
Rồi sau này khi xả tâm, có cái chướng ngại nào đó thì mình áp dụng vào cái pháp mình đã tu ở trên thọ Bát Quan Trai để mình phá những cái chướng ngại đó.
Chứ còn mình không biết, mình vô mình tu xả tâm, rồi đến kỳ gặp chướng ngại mình không biết lấy cái pháp nào để phá nó đây thì coi như là mình chưa có qua cái lớp cơ bản. Có lớp cơ bản cho nên khi mình lên cao mình gặp nó, gặp chướng ngại gì đó mình lấy cái pháp đó mình phá, đem lại cái sự bất động, cho tâm mình thanh thản.
Cho nên mình phải tu trong Bát Quan Trai, mấy chị em đã tu Bát Quan Trai quen rồi hướng dẫn nhau tu tập được. Thọ Bát Quan Trai, có 4 pháp tu mấy con.
Sau này Thầy sẽ mở cái khóa thọ Bát Quan Trai, rồi bắt đầu Thầy vô dạy mấy con cách thức đi kinh hành như thế nào, để tỉnh giác làm sao, rồi quán vô lậu như thế nào, còn bây giờ thì chưa có cái lớp vì chưa có mở thôi.
Thì con hỏi chị em, người nào biết tu, dạy cho mình tập trước, vậy nghe con. Đợi Thầy mở cái khóa tu rồi chừng đó Thầy cho biết cái ngày nào, giờ nào đó tu thì mấy con sẽ lên đó…
Thôi, mấy con xá Thầy thôi. (34:49)
HẾT BĂNG