CK 034A - THẦY MONG MỖI TU SINH CÓ LÒNG YÊU THƯƠNG NHƯ ÔNG PHÚ LÂU NA
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 12/2005
Thời lượng: [43:17]
(00:03) Trưởng Lão: Từ lâu thì Thầy cũng kêu gọi mấy con: Khi tu theo Thầy phải khởi cái lòng thương yêu đối với những người đồng tu của mình, người bạn của mình. Tất cả những sự việc gì đều có Thầy, Thầy sẽ giải quyết. Mấy con không thể giải quyết được gì, mấy con còn làm rối loạn thêm thôi, rất là khổ. Hôm nay Thầy đọc cái bức thư này, không biết có Nguyên Thanh ở đây không? Không có hả? Vậy Thầy đọc bức thư.
Kính bạch Thầy!
Kính thưa đại chúng!
Nguyên Thanh xin có vài lời gửi đến các bạn đồng tu. Chúng ta đến Tu viện là để tu học, bỏ ác làm lành, bỏ cái xấu, cái kém dở, bỏ cái ích kỷ nhỏ mọn, ganh ghét nhau, bỏ cái tranh hơn tranh thua, ai có tâm hồn nấy giữ. Chuyện của ai người nấy tự lo, chứ không thể có ai lo cho mình được. Nhân quả của người nào thì người đó tự trả chứ mình không thể xen vô mà trả giúp cho họ được.
Nói tóm lại đừng nên lo dùm chuyện của người khác, chuyện của mình lo chưa xong mà lo chuyện người khác thì được ích sự gì, phải không hỡi các bạn. Bản thân mình còn một đống tham, sân, si, mạn, nghi mình dạy mình còn chưa nổi mà dám khuyên bảo ai. Cho nên xin các bạn đồng tu hãy lưu ý đừng nên tới thất của Nguyên Thanh mà vứt thư vào nữa. Những hành động của các bạn dù có thiện chí tốt với Nguyên Thanh hay không, Nguyên Thanh cũng vẫn không chấp nhận.
Các bạn tới thất Nguyên Thanh vứt thư vào, dù có thiện chí tốt với Nguyên Thanh đi chăng nữa cũng cho đó là hành động không giữ hạnh độc cư. Nguyên Thanh xin các bạn "Hãy im lặng như Thánh" trước hoàn cảnh của Nguyên Thanh vì đó là một nhân quả, Nguyên Thanh cố gắng vượt lên nhân quả đó, còn các bạn hãy lo cho chùm nhân quả của các bạn đi.
Các bạn đừng nên xen vào chuyện của người khác, đức Phật dạy: “Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm, nên tự nhìn thân ta, có làm hay không làm”. Cho nên hãy biết chuyện mình, đừng nên biết chuyện người. Đó là những lời nói tha thiết mong cầu tu học của Nguyên Thanh khi đến Tu viện này, nếu Nguyên Thanh có nói gì các bạn không hài lòng thì xin đại xá cho những lời nói thô thiển này.
Kính ghi Nguyên Thanh!
(02:58) Đây là cái bức thư Nguyên Thanh gởi, nó không phải gửi hồi sáng này mà gửi hôm qua kìa, nhưng Thầy nghĩ rằng cái chuyện gì thì Thầy đã nói với mấy con rồi. Thầy đã nói trong thư, Thầy đã nhắc đi nhắc lại rất rõ là Nguyên Thanh tu lạc trong tưởng, con người nó không còn được bình thường, chỉ cần có sự thương yêu của mình giúp đỡ để từ đó vượt qua cái khó khăn, hãy đem lòng thương yêu nhau.
Nhưng mà trước đây, trước cái sự kêu gọi của Thầy, có một lúc mà Nguyên Thanh ngồi trước Thầy khóc nức nở nhưng các con không bao giờ nghĩ thương người bạn của mình, người bạn đau khổ. Cho nên vì vậy mấy con nhìn với một đôi mắt coi như Nguyên Thanh là một người Đại thừa đến đây để quậy phá. Nhưng đối với đôi mắt của Thầy dù là người Đại thừa đến đây quậy phá Thầy chấp nhận, Thầy chịu hết đó là nhân quả của chúng sanh không phải của Nguyên Thanh đâu.
Nhưng mà Thầy nghĩ rằng Nguyên Thanh không phải vậy qua cái bài luận mà hồi sáng Thầy cho Nguyên Thanh đọc, cái bài luận của Nguyên Thanh, ngòi bút Nguyên Thanh lý luận rất sắc bén, mạnh mẽ. Nhưng Thầy cho một bài nữa của Quảng Trí như một đứa trẻ thơ. Các con có nghe bài của Quảng Trí không? Đọc như đứa trẻ thơ, những lời ái ngữ, thơ ngây, những cái hiểu biết nhẹ nhàng, êm ái như đứa trẻ thơ. Còn Nguyên Thanh nó không phải vậy. Cho nên Thầy muốn cho mấy con nghe giữa hai cái bài luận về nhân quả ái ngữ.
Nhưng các con không thương người, ở trong lớp Thầy, Thầy biết mấy con không thương người. Mấy con nói được chứ mấy con không làm được. Nếu mấy con thương người mấy con thương Nguyên Thanh lắm. Thầy là một người Thầy, Thầy biết được tâm trạng của mấy người đang đau khổ.
(04:49) Cho nên Thầy thấy sự việc xảy ra Thầy rất buồn, đệ tử của Thầy, sống lúc nào cũng như ông Phú Lâu Na, thế mà chúng ta không biết thương yêu nhau. Mặc dù chúng ta đem đến một cái sốc, cái đau khổ cho người khác, chúng ta thấy họ đau khổ đến chừng nào chúng ta hạnh phúc lắm.
Chúng ta biết rằng mỗi khi mà Nguyên Thanh ngồi không yên, đi tới đi lui, Thầy biết bức xúc trong lòng ghê gớm lắm với cái nhìn của các con, với cái hắt hủi của các con, ít ra mấy con phải hiểu tâm trạng đó mình gần gũi, nhưng vì độc cư mình không gần gũi, mỗi lần gặp nhau thì mình không nói những lời nói, nhưng cái nhìn của mình thiện cảm một chút để giúp cho người ta vượt qua cái khó của trạng thái của tâm hồn.
Qua cái luận đó mấy con thấy mấy con không hiểu trong cái luận của nó chút nào. Cho nên vì vậy mà Thầy muốn rằng trong lớp chúng ta luôn luôn lúc nào chúng ta cũng lấy lòng từ bi chúng ta thương yêu nhau, lòng thương yêu rộng lớn, xả bỏ những cái gì lỗi lầm của người khác, chúng ta nói được nhưng chúng ta không làm được. Chúng ta muốn bao giờ Nguyên Thanh phải rời khỏi Tu viện này, nhưng rời khỏi Tu viện này rồi ai cứu Nguyên Thanh mấy con? Bây giờ Nguyên Thanh đi về theo thầy Nhất Hạnh tu thì mấy con có biết rằng đi đến đó nó có làm chủ được sanh tử không hay là đau khổ mấy con hay là danh lợi. Mình xua đuổi mong cho người ta đi khỏi chỗ này để làm gì mấy con, có lợi ích gì.
(06:16) Khi một con chim, một con chim cô đơn đến đây chỉ còn nương tựa vào Thầy. Mấy con nghĩ, nghĩ rất sai, không phải Nguyên Thanh sẽ làm xấu hổ Thầy đâu. Nhưng mà chính các con đã nghĩ một cái sai, nó vô tình nói câu nói này mà mấy con chấp chặt quá. Nó có những tâm sự muốn nói riêng với Thầy, các con biết cái tâm sự muốn nói riêng thì mấy con lại diễn tả qua một góc độ khác.
Một người Thầy như một người mẹ, một người cha luôn luôn nghe sự đau khổ của con mình để chia sẻ từng tâm trạng của nó. Thì như vậy mới là thầy, mới là cha, mới là mẹ nó chứ, các con hiểu không? Có khi có những đứa con nó có những điều kiện nó muốn nói. Mà nếu biết cha mẹ nó thương nó thật sự nó mới dám nói, mà nếu không biết thương thật sự chắc nó không dám nói.
Cho nên hôm nay Thầy đọc bức thư của Nguyên Thanh mà nghe, thì Thầy biết mấy con viết thư để làm gì? mấy con đã phạm phải một cái lỗi là phá độc cư, mình không nói mà ném thư. Nếu Nguyên Thanh mà không giữ trọn vẹn mà tiếp duyên với mấy con thì nó sẽ bị đuổi ra khỏi Tu viện này lâu rồi. Các con thấy không? Cho nên ở đây, Thầy nói thực sự chúng ta hãy thương nhau, chia sẻ nhau.
Chúng ta hiểu rằng một cái lớp học chúng ta vừa có nam có nữ, trên 60 người. Trong khi cả thế giới này bao nhiêu người được học. Mà một mai có người có duyên được vào đây học như thế này chúng ta mừng lắm mấy con. Vì con đường giải thoát trước mắt của chúng ta. Thầy dạy như vậy các con thấy rất rõ, Thầy dạy như vậy mấy con thấy rõ ràng. Nhưng tại sao mấy con lại có những tư tưởng mà nghĩ sai như vậy mấy con? Theo Thầy hiểu ít ra mấy con phải khởi lòng thương. Tại sao người ta nói Nguyên Thanh vậy? Người ta nghĩ như vậy?
Mình phải đặt ra câu hỏi rồi mình tự nghĩ, và đồng thời ở đây, ở cái lớp chúng ta học là chúng ta cố gắng giữ độc cư, mỗi người phải lo giải thoát cho mình. Không biết chuyện người khác. Còn đằng này mấy con biết chuyện người khác hết. Chuyện gì mấy con cũng thông suốt hết, vì thông suốt đó mà mấy con xả tâm không được và tự mấy con phá độc cư, người này gặp người kia, người kia gặp người nọ, rỉ tai nhau nói bằng cách này hoặc cách khác, thì Nguyên Thanh chẳng qua là cái người để cho mấy con nói, nói để làm gì? Trong khi đó mấy con phá hạnh độc cư, phá giới luật.
(08:55) Rồi trong khi đó, người bạn tu tập, người bạn đồng tu trong lớp này với Nguyên Thanh làm sao tu nổi mấy con. Cái nhìn, cái nghĩ, cái nói rồi cái thầm thì với nhau, người này đứng nói, người kia đứng nói, nghĩa là ai cũng nhìn nó bằng cái đôi mắt như vậy và nói như vậy là biết nói gì với nó rồi. Trong khi nghe nói phá rào phá dạo phá này kia, mình có trực tiếp đến mình xem không? Hay mình chỉ nghe nói mà thôi.
Cho nên Thầy nói thực sự ra thì Thầy chỉ kêu gọi thiết tha mấy con ở lớp này chúng ta đều là những ông Phú Lâu Na, những Thánh tăng Phú Lâu Na, chúng ta biết thương người mấy con. Thương người tức là thương mình. Còn mình không thương người tức là mình ghét nhau mình làm khổ lấy mình.
Cho nên trong mấy sự tu tập có nhiều cái khó khăn lắm mấy con, bên nam cũng vậy. Thực sự bên nam Thầy thấy cũng vậy, ngay cả họ nhìn đôi mắt với Nguyên Thanh một cách căm hận là do cái chỗ Nguyên Thanh, Thầy cho mấy con đọc cái bài luận của Nguyên Thanh. Đọc rồi mấy con biết cái lối luận của nó thì các con rất hiểu biết. Do đó nó khi mà Thầy nhờ nó phụ giúp chỉnh lại trong đúng lúc nó bị tưởng cho nên Thầy nhờ nó chỉnh lại dùm Thầy bộ sách để nó quên đi, nó không còn nhiếp tâm ở trong tưởng nữa.
Do đó nó chỉ làm ở trên cái phần, cái bài mà về trả lời những câu hỏi của một người khác ở trong cái cuốn Những lời Phật dạy thì phải, nó có nói những cái lời nói qua cái xét của nó thì nó có nói những lời nói như vậy về giới luật như vậy như vậy. Thì mấy con gợi lên đúng chỗ đó để làm cho cái nhìn của mọi người khác thấy Nguyên Thanh mạt sát người ta.
Làm cho cái ác cảm đó gieo ở trong đầu mọi người nhưng Thầy nói thật sự Thầy rất hiểu điều đó. Thầy đã đọc những điều đó Thầy rất hiểu. Thầy muốn để những điều đó mà Thầy không xoá là Thầy để muốn để cái đối tượng đó để cái người đệ tử của Thầy lấy đó mà xả tâm chứ không phải lấy đó mà hận thù. Nhưng mà Thầy thấy mấy con nhỏ mọn lấy đó mà hận thù rồi đâm ra ganh ghét.
(11:12) Ở trong đời chúng ta ai cũng có lỗi nhưng mà lỗi biết sửa biết thương nhau chứ đừng vì một chuyện nhỏ mọn mà hơn nữa mấy con là đệ tử của Thầy dù nam hay nữ vẫn là anh em cùng chung một nhà, vẫn là con cùng chung một cha thì không lý nào chúng ta không thương nhau. Thầy thấy trong nhà người ta có năm bảy anh em mà vì tranh hơn thua, tị hiềm, tài giỏi kém mà ganh ghét nhau. Cái gia đình đó không hạnh phúc đâu.
Thì cái lớp học Thầy ở đây, cái Tu viện này Thầy mong sao chúng là những đứa con cùng chung một cha, cùng học cùng tu tập trong những bài pháp để cứu mình ra khỏi sự đau khổ của kiếp người. Tại sao chúng ta còn nỡ sống trong tâm trạng tị hiềm, ganh ghét, để tạo chi những điều đó biết chừng nào chúng ta chứng quả A La Hán mấy con?
Cho nên Thầy nghĩ rằng nếu chúng ta tu được thì Thầy còn duy trì lớp học với lòng thương yêu chân thật. Mà nếu Thầy thấy rằng lớp học này luôn luôn có lòng tị hiềm, ganh tị, Thầy giải thể. Thầy cực quá, mà rốt cuộc rồi mấy con cứ ganh tỵ nào là thế này thế khác, trong khi đó đủ mọi thứ thì Thầy giải thể chứ làm gì.
Không chừng Thầy làm lợi ích cho chúng sanh có nền đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người thế gian này được bình yên, không bão lụt, không sóng thần, không động đất. Có lợi ích gì cho Thầy đâu mấy con, hay là Thầy phải chịu khổ mà vì biết bao nhiêu điều khổ, tại sao chúng ta vì một chút mà chúng ta không thương yêu? một tai nạn xảy ra trong gia đình chúng ta hiện giờ hơn sáu chục anh em, chị em chúng ta.
Nếu có một đứa nào, một người nào gặp tai nạn thì chúng ta chia sẻ nhau chứ. Tại sao chúng ta không chia sẻ mà chúng ta lại nhắm vào đó và cho đó là kẻ thù thì như vậy có đúng không mấy con? Mà trong khi những người đó đều là học trò của Thầy, học trò của Thầy từ các chùa khác đến đây chứ không phải là người học trò của Thầy là không phải là người không có theo đạo Phật mà vào đây.
(13:36) Các con được đến đây, các con học với Thầy là các con từ các chùa Đại thừa đến đây, dù là cư sĩ, tu sĩ, các con đều là những đệ tử của Đại thừa, của Nguyên Thuỷ, chứ không có một người nào mà không có tôn giáo, không có Phật giáo mà các con vào đây, các con thấy rõ? Như vậy đến đây các con sẽ cùng Thầy hướng dẫn cho mấy con tu tập để chúng ta trở thành những anh em ruột thịt, những người thương yêu nhau chúng ta mới đến đây, nhưng mà đến đây chúng ta còn mang cái đặc thù của Đại thừa như vậy sao?
Chúng ta học đạo từ bi thì chúng ta là phải biết thương xót, biết thương mình thì phải biết thương người. Thầy mong rằng nếu từ đây về sau mà còn những sự kiện anh em chung một nhà, học chung cùng một lớp như thế này mà có những tị hiềm thì Thầy sẽ đóng cửa Thầy nghỉ.
Thầy dạy đạo Thầy không lấy một đồng xu đứa nào hết, Thầy cũng không cầu mong danh lợi gì cả, không cầu chứng Thầy là A La Hán là bậc giải thoát, là gì cả. Đối với Thầy là số không hết, Thầy buông hết, Thầy không màng, mà Thầy chỉ cầu mong cho chúng con buông xả, biết thương người để mấy con xả được tâm mấy con, làm chủ được sự sống chết mấy con, rồi mấy con đứng ra từng lớp học mà Thầy đã triển khai, những Trung Tâm An Dưỡng con có một cái lớp đứng ra dạy đạo đức cho mọi người đem lại sự an vui, hạnh phúc cho loài người. Cái ước mong của Thầy như vậy mà thôi. Thầy thấy con người trên hành tinh này khổ quá mấy con.
(15:21) Nhưng mà gần đây Thầy nhìn qua cái khu nữ thì Thầy thấy mấy con thiệt quá lắm. Thầy không biết nói làm sao khi mấy con học nhân quả rồi mà mấy con cứ tạo nhân với quả như vậy hoài thì làm sao mấy con được bình an, đó là những điều Thầy khiển trách mấy con. Sống mà lén lút Thầy viết thư ném vô trong thất của người khác như thế này thì mấy con nghĩ sao? Thầy đã bảo ráng độc cư để giữ gìn, ai lo thân phận nấy, thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người. Mấy con tập hợp lại, mấy con đến đây, ví dụ như buổi chiều hai giờ mấy con đến đây gặp Thầy hỏi pháp, con trình Thầy, chứ không phải đến đây để tranh luận hơn thua, hoặc đến đây để làm cái điều này điều kia, mà đến đây hỏi Pháp để tu tập, thì Thầy rất mừng mấy con.
(16:11) Những ai làm đúng thì người ta sẽ hưởng cái phước, mà sai thì người ta sẽ chịu lấy hậu quả của hành động của mình làm. Riêng mình, mình chẳng tham dự vào của ai hết. Đối với Thầy hiện giờ Thầy mong muốn điều đó? Các con biết từng phút từng giây, Thầy phải chiến đấu từng phút từng giây mà mấy con mới được ngồi trong lớp.
Bây giờ các con còn làm động thêm nữa, chính bản thân mấy con còn làm động thêm thì làm sao Thầy được yên mà hướng dẫn cho mấy con. Mấy con ở ngoài đó mấy con tập trung nói chuyện như thế nào, mấy con nói Thầy không biết, giờ nào Thầy cũng biết, khắc nào thầy cũng biết, đâu phải Thầy không biết. Người nào nói chuyện sao, kẻ nào nói chuyện sao. Khi đi ra muốn đón đường, muốn nói chuyện với người đó là tìm cách, thì mấy con làm điều đó không đúng đâu.
Mấy con tìm cách làm sao mình biết hoàn cảnh của mọi người thì mình ráng mình im lặng như Thánh, mình nỗ lực mình tu mình làm gương hạnh, mình thấy đây là nỗi khổ của nhân quả của người khác. Người ta đang chịu mình phải ráng tu, tu để từ trường thiện của mình phóng ra để may ra có những từ trường thiện giúp cho họ vượt qua được khó khăn.
Mấy con không có thể nào giải quyết được gì hết, khả năng của mấy con hiện giờ không giải quyết được gì hết. Mấy con không nói ai nghe chỉ vì mấy con đồng chung một lứa. Cái trình độ tu tập của mấy con chưa có hơn được người nào. Thiền định, tri kiến giải thoát thì mấy con cũng chưa sâu, mà thiền định cũng chưa có mà tuệ Tam Minh cũng không có, thì thử hỏi mấy con nói ai nghe giờ. Mấy con còn là một cái người còn tri kiến của một người bình thường làm sao mấy con nói ai nghe được. Mấy con muốn khuyên lơn, này kia được. Cho nên đối với Thầy, thì các con hãy lấy tâm từ bi mà thương mình, thương người, không nên nói một người nào đó. Người đó lỗi để đó có Thầy, người đó sai có gì để có Thầy để Thầy chịu trách nhiệm.
(18:21) Các con cứ nghĩ rằng các con sẽ hợp lại chúng để rồi tẩn xuất Nguyên Thanh thì điều đó mấy con nghĩ như vậy là sai mấy con. Mấy con không làm được đâu. Bởi vì tại sao Thầy không bênh vực Nguyên Thanh đâu mà Thầy thấy Nguyên Thanh như con chim nhỏ giữa một đám chim ưng luôn luôn lúc nào cũng muốn cắn xé nó. Tại sao nó phải vươn lên từng chút từng giây để mà sống để mà tu.
Trong bức thư này, các con có nghe nó nói không: “Chúng ta đến Tu viện để tu học, để bỏ ác làm lành, để bỏ cái xấu cái kém, bỏ cái ích kỷ, nhỏ mọn, ganh ghét nhau, bỏ cái tranh hơn tranh thua. Ai có tâm hồn nấy giữ. Chuyện của ai nấy tự lo chứ không thể có ai lo cho mình được. Nhân quả của người nào thì người đó tự trả, chứ mình không thể xen vô để trả giúp cho họ được".
Các con có gánh được nhân quả của người nào đâu. Lời nói của Nguyên Thanh đúng đó mấy con, tại vì cái áp lực của mấy con làm nó, nó mới nói lên những điều này, nó mới trình cho Thầy. Thực sự ra cái bức thư này nó viết để nó đọc chứ không phải nó trình cho Thầy đâu. Nhưng mà trước khi nó đọc, nó xin phép Thầy nhưng mà Thầy không có muốn bởi với đôi mắt các con nhìn nó là một cái gai, cứ nghĩ rằng là nói sẽ phá hoại cái Tu viện này. Thầy nghĩ là không đến nỗi đâu. Mà dù có cái duyên phá hoại Tu viện này Thầy cũng vui lòng nữa. Tại sao? Tại vì cái duyên chúng sinh không đủ vậy nên có người phá. Các con hiểu không?
(20:00) Còn riêng mà các con âm thầm nỗ lực tu tập thì làm sao ai phá hoại được. Thầy nói các con cứ im lặng như Thánh, cứ mỗi thấy hành động ác của người khác thì con thương yêu họ thôi. Các con nghe ông Phú Lâu Na không? Người ta chửi ông, ông nói còn thương ông. Người ta đánh ông, ông nói còn thương ông. Người ta giết ông, ông nói còn thương ông. Tất cả đều là thương hết thì còn chỗ nào nữa mà không bình an mấy con.
Cho nên các con đọc bài sóng gió Chơn Như các con thấy, Thầy nêu cái câu chuyện ông Phú Lâu Na ra rõ ràng quá mà. Vậy mà hôm nay chúng ta lại nghĩ, nghĩ quanh co thế này thế khác. Rồi đôi mắt nhìn chúng ta bằng cách này cách khác làm cho lớp học chúng ta bất ổn, nó có nhiều cái khó giải quyết.
Và Thầy nói không phải bên nữ không đâu mà cả bên nam nữa. Tại sao người ta lại có cái nhân quả đến độ mà người ta ghét Nguyên Thanh đến mức độ mà Thầy không tưởng nổi vậy? Có lẽ tại ngôn ngữ, tại lối lý luận, nó không có nhỏ nhẹ nên chăng, nó làm Thầy suy nghĩ qua lối lý luận của Nguyên Thanh, lý luận kiểu đàn anh, đàn chị chứ không phải tiểu nhỏ cho nên do đó mấy con ghét thì phải.
(21:20) Cho nên Thầy nghe ở ngoài Hà Nội, mấy con có nhiều người dập Nguyên Thanh cũng dữ lắm chứ không phải không. Thật sự ra Nguyên Thanh mà mấy con hiểu được, mấy con trợ giúp cho Nguyên Thanh có chỗ yên ổn tu hành thì Thầy mừng lắm. Bởi vì đào tạo một con người có khả năng, uốn nắn cho đến khi mà trở thành một con người thuần thiện mấy con, không phải chuyện dễ đâu. Mà nếu mà trợ giúp cho người ta làm điều ác thì dễ lắm mấy con. Thầy nói xui người ta làm điều ác thì dễ chứ khiến người ta làm điều thiện thì khó lắm.
Ở đời mấy con thấy, làm cái việc ác thì dễ, mà làm cái việc thiện thì khó. Mà dạy con mình để cho trở thành con người thiện thì quá khó. Chứ xui nó làm điều ác dễ lắm. Tao cho tiền nè mày đi ra ngoài kia mà chơi mà hút, mà sách, đánh lộn đánh lạo, cho tiền cái chuyện đó dễ làm lắm. Nhưng mà dạy con đừng đánh lộn đánh lạo phải siêng năng học hành thì khó lắm mấy con. Cho nên muốn dạy một người mà sống đạo đức thì rất khó. Mà dạy một người làm điều ác thì rất dễ.
Cho nên hôm nay thì Thầy nói như vậy cho mấy con hiểu biết, nếu Nguyên Thanh ở lại đây học tu thì cũng tốt mà nếu Nguyên Thanh có về thì cũng tốt, đối với Thầy thì không quan trọng. Nhưng rất tội nghiệp đi về thì Thầy biết Nguyên Thanh không còn một chỗ nào tu tập để giải thoát, không một chỗ nào. Thầy nói chung trên cái hành tinh của chúng ta này, chứ không phải nói nội ở Việt Nam đâu. Nó không có lớp học Phật nào mà có thể đưa chúng ta đi đến làm chủ sự sống chết, sinh già bệnh chết đâu.
Có thể nói chúng ta học có thần thông đó nhưng thần thông để làm gì? Còn không thì học có cấp bằng để ra khoe khoang mình có trình độ học thức về Phật học hay ngoài đời cũng vậy thôi. Chẳng có gì, làm sao làm chủ được bốn sự đau khổ. Nên ở đây Thầy quyết định mở khoá này, mấy con sẽ làm chủ được bốn sự đau khổ mấy con hẳn hòi. Nếu mấy con nghe lời Thầy, còn nếu mấy con không nghe lời Thầy nếu cái lớp học mà như thế này thì đương nhiên là sẽ đóng cửa.
Thầy vì chúng sanh đau khổ mà Thầy chịu khó Thầy mở lớp. Mấy con là những người chịu khó khăn, chịu khổ đau mà tu học để cùng Thầy nối chặt vòng tay để dựng nên nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người để mọi người sống được an vui, hạnh phúc. Mà phải nối chặt vòng tay, mà mấy con có nối chặt vòng tay Thầy đâu.
(23:55) Mà mấy con lại không hiểu chút nào làm cho Thầy rất là khổ mấy con, mỗi khi có chuyện gì Thầy rất khổ mấy con, Thầy chấm bài cho mấy con suốt đêm mà tinh thần còn phải lo lắng nhưng có ai biết đâu, không có người nào biết. Cứ một lần Nguyên Thanh viết thư than phiền bạn bè của mình như thế này, như thế khác thì Thầy rất tội nghiệp, chỉ an ủi mà thôi.
Còn nói chuyện riêng với Thầy như thế nào mấy con biết không? Bây giờ nói chung với mấy con, bây giờ nói cô Liễu Nhâm, cô Liễu Huệ hoặc cô Huệ Ân nói con như thế này thế khác. Thầy xử trí như thế nào? Thầy để vậy con chịu không nổi.
Bây giờ nói có mấy con, dám nói không? Mà nói không mấy con thì khi mà nói chuyện như vậy Thầy nói: thôi mấy người đó họ tu được không, thôi con cứ ráng lo tu đi. Phải không? Thầy chỉ lo an ủi vậy thôi chứ Thầy biết nói sao bây giờ. Nhưng mà Thầy biết mấy con nói chuyện này chuyện kia nên nó mới có chuyện. Chứ còn cỡ mấy con im lặng mấy con tu thì không có chuyện.
Đó là những điều mà Thầy cảnh giác thì bây giờ cố gắng giữ gìn giới hạnh nghiêm chỉnh hơn, độc cư hơn, không được người nào nói chuyện người nào. Cho nên Thầy nói ví dụ như thậm chí như mấy con đi quét hoặc gì đó hay có dịp gặp người nào “Có chuyện gì xảy ra? ” sao mấy con tò mò quá, chuyện thiên hạ mấy con đem ra nói làm gì? Có phải không, mà cuối cùng thì tới người nào cũng biết chuyện như vậy như vậy hết.
Người này đồn ra người kia, người kia đồn ra người nọ. Ở đây đâu phải là cái chỗ học đồn. Đồn tiếng này, đồn tiếng kia để lọt tai người này người kia, rồi rốt cục cả một cái Tu viện này, trời ơi, học đạo mà như thế này thì đạo đức giải thoát như thế nào đây? Trong khi các con thấy cái nhân quả, từ cái khẩu hành của mấy con chứ gì, mấy con nói điều đó có lợi gì đâu? Thân hành, khẩu hành mấy con học rồi, áp dụng chỗ nào mà hễ mấy con đi tới đằng kia, gặp người kia mấy con nói chuyện. Như vậy là sao mấy con? Mấy con học khẩu hành rồi mà mấy con học kiểu gì lạ vậy nè.
Trời ơi chuyện của người ta đâu phải chuyện mình mà nói nhỏ nhỏ, chứ không dám nói lớn nữa. Thì mấy con học vậy làm sao mấy con? Tu như thế nào kỳ lạ vậy. Mà viết bài luận trời ơi tôi biết tôi nói cái này như thế này là nó ác pháp. Vậy thì cái đó là ác pháp, nói chuyện người khác. May là trong cái bài học đang học mà mấy con còn phạm lỗi, huống hồ là bỏ qua rồi thì còn phạm lỗi hơn nữa, có phải không? hễ học qua rồi là bao nhiêu cái tật xấu của mấy con nó trở về với cái tổ nghiệp của mấy con hết trơn. Rõ ràng quá không thể nào mà trốn khỏi điều đó.
(26:54) Bây giờ thì Thầy nói như vậy để mà hiểu biết, để cố gắng mà khắc phục mấy con, còn cố gắng thì Thầy sẽ còn ở lại đây giúp mấy con tu tới nơi tới chốn. Thầy tin rằng trong một năm mấy con sẽ có rất nhiều tiến triển rất lớn. Mấy con sẽ làm chủ được nhiều thứ chuyện lắm mấy con và mấy con sẽ thấy được an trú rất lớn.
Nhiếp tâm và an trú. Bây giờ Thầy khuyên mấy con như thế này. Mấy con chỉ tu một phút nhiếp tâm và an trú thôi và đồng thời mấy con xả nghỉ, ví dụ tu 1 phút, mấy con nghỉ 5 phút cho Thầy đi rồi bắt đầu mấy con tu lại. Hay hoặc là mấy con tu 1 phút mà nghỉ 4 phút. Bởi vì như vậy là 5 phút, cái đồng hồ nó chỉ 5 phút là khoảng mấy con dễ chứ gì. Tu 1 phút nghỉ 4 phút rồi tu lại 1 phút, rồi tu hết giờ rồi mấy con nghỉ có vậy thôi, đừng có tu hơn. Rồi bây giờ đó mấy con mới bắt đầu xả tâm mình đây, dùng cái Định Vô Lậu nhân quả mà xả tâm.
Mỗi lần cái tâm nó muốn đứng lại nói chuyện với ai thì nói “Mày chết”, mình răng nó trước đi “Cái miệng mày là cái miệng xấu đó, mày sắp sửa mày nói gì đó, mà mày đón người ta đây” Mấy con chặn đứng ngay liền, im lặng ngay liền thì đó mấy con mới có mong áp dụng vào cái đời sống của mình đang sống.
Đi qua liếc mắt cái, háy một cái, trời đất ơi Thầy xưa dạy cái đôi mắt của mấy con, mấy con háy một cái trời ơi người ta muốn chết luôn. Cái kiểu mấy con nhìn mà ghét người ta, người ta muốn rụng rời, tay chân muốn rụng rời, hết muốn đi hết nổi. Chứ đừng nói. Cái đôi mắt nó cũng dữ lắm mấy con, cái miệng nó cũng không thua gì cái đôi mắt đâu. Ở đời này ghê gớm lắm, khi ghét người ta nhìn người ta thì người ta khổ sở vô cùng. Bởi ta nghe nói nó háy nguýt ghê gớm lắm.
Nội cái đôi mắt không cũng chứng tỏ được cái tâm trạng của mình như thế nào. Cho nên vì vậy chúng ta hãy tập cái nhìn hiền lành, như Phật dạy như thế nào mấy con biết không? Nhìn xuống, ngó xuống không nhìn ai hết. Chúng ta thường thường cha mẹ sinh ra tập ngó lên không à. Tới chừng chết thì trợn tròng, trợn trắng.
(29:01) Cô Diệu Vân có viết bức thư hỏi Thầy: “Khi nghe Sư Ông đọc thư Sư cô Nguyên Thanh, con rất đồng cảm vì chính con đôi lúc cũng có chuyện riêng muốn thưa hỏi với Sư Ông vì con đã từng bị tưởng áp đặt và ức chế tâm khi ở tu với Sư Ông Thích Nhất Hạnh, một người đã từng ở thế giới tưởng cao siêu đó, giờ đến thế giới Tu viện Chơn Như để xả tâm thì sướng lắm.
Con hiểu lắm vì con đã từng ở thế giới đó, lãnh hội tư tưởng của Sư ông Nhất Hạnh như Sư ông Nhất Hạnh có lần nói vị A La Hán còn xuất tinh, còn nơi đây tức là Làng Mai, là nơi toàn Bồ tát với các vị Phật không ạ. Đầu óc non nớt của con không bao giờ biết thật giả đâu, biết hỏi ai đây? Chỉ biết rời khỏi và đi thôi. Chỉ biết đi tìm vị A La Hán để hỏi xem thực hư thế nào.
Con là một con chim đã bị thương, không phải bị thương trầy da chảy máu bên ngoài mà bị thương vì tư tưởng bị nhiễm ô mà không dám thưa hỏi. Có lần Sư ông Nhất Hạnh giảng pháp, xong có nhiều điều con bị rơi vào tưởng nên con đi hỏi Y chỉ sư của con thì Y chỉ sư con không lắng nghe nỗi lòng con mà bảo con phải biết chỉ nghe lời dạy thôi, chứ bảo con nín không được nói mà hỏi gì hết. Cứ phải im lặng mà thực tập chứ không cần hiểu.
Con thật khổ vì không hiểu, rồi mà cứ tưởng rồi thực tập. Thầy ơi, con thưa thẳng ra rồi thì Thầy có muốn trả lời câu hỏi của con không thì con không còn quan trọng nữa. Nhưng con tha thiết mong Sư Ông đừng để Sư cô Nguyên Thanh trở về với Sư ông Nhất Hạnh thì khổ lắm vì con thoát ra được vô cùng khó khăn. Phải im lặng hùng tráng cả tháng còn phải đi bộ cả đêm trong rừng đường phố bên Pháp như một con ma đói vậy. Đừng để Sư cô quay lại Làng Mai con tha thiết cầu xin Sư Ông”.
(31:28) Thầy nói các con cũng biết rằng, Nguyên Thanh nó cũng bị tưởng nặng lắm, mà nếu không có Thầy giúp đỡ thì giờ này nó sẽ ra sao mấy con biết không? Cho nên vì vậy mà có nhiều điều mà các con làm sao hiểu. Nhưng hôm nay thật sự nó quay trở lại cái lớp học tu này, Thầy rất mừng vì chỉ có Thầy mới cứu khổ nó mà thôi.
Thầy đưa nó ra Hà Nội là Thầy mong nó sống với cô Thuý Mùi có chị có em, có Phật tử Hà Nội giúp đỡ để an ủi cuộc đời của nó. Nhưng không ngờ ra ngoài đó lại manh mún ra nhiều nhóm, kẻ như thế này người như thế khác. Làm cho nó bất an nó mới trở về gia đình và Thầy cũng nghĩ rằng thôi cái lớp học mình mở ra thôi thì duyên nhân quả tới đâu hay tới đó, Thầy chưa hề kêu Nguyên Thanh về. Mặc dù Thầy rất tội, thương nó, tội nghiệp nhưng Thầy không hề kêu. Đó là duyên nhân quả.
Cuối cùng cái lớp học chúng ta đã học, thì ở ngoài đó đã xách gói đi vào. Thầy thấy đây cũng là cái duyên thôi, ngày xưa Thầy nghĩ rằng, cái khả năng, cái điều kiện của nó mà được huấn luyện kỹ lưỡng thì có thể cái sự tu tập của nó như vậy có thể trở thành một bậc A La Hán, cái người có thể thừa kế dạy bên nữ.
Thầy mong điều đó, cái khả năng viết lách, mà các con đã từng đọc những cái bài luận của nó, nó nhận xét khi mà Thầy dạy rồi, nó có cái trí tuệ để nhận xét nó viết theo cái dàn bài của Thầy đưa ra nó không sai. Cái bài luận đầu tiên các con đã nghe, nó viết cái đề tài không sai cái dàn bài.
Cái bài Ái ngữ hôm nay các con thấy, nó lấy gì hơn ai? Mà trong khi Thầy viết rõ ràng thay vì nó viết bao nhiêu lời ái ngữ, mẹ nó có, ba nó có, trong cuộc đời nó tiếp xúc nhiều người, nó biết bao nhiêu ái ngữ. Tại sao nó không lấy ái ngữ của người khác mà nó lấy những lời dạy của Thầy mà nó làm cái chuẩn nó sống. Thực sự ra trong cuộc đời nó bị tưởng nó khổ quá nhiều. Tưởng như phát điên, thế mà nhờ ai nó thoát ra khỏi, các con đọc lại cái bài hồi sáng nó đọc các con nghe.
Nó nhắc lại khi Thầy biết nó tưởng, Thầy kêu nó ra Tổ đường này Thầy dạy cách thức nó sửa lại, không được. Vì những điều đó mà người ta nghi ngờ đủ thứ cách, Thầy muốn cứu một con người trong đau khổ mà mấy con có biết không? Đang sắp chết, đang sắp điên chứ không phải là thường, mà một mạng người để cho người ta điên mình nỡ sao?
(33:56) Thầy Thiện Thuận điên la hét, thầy Mật Hạnh chạy vào báo Thầy thì Thầy đã biết được Thầy đi ra gần tới thất Mật Hạnh rồi. Thầy Mật Hạnh chạy ra kêu thầy Thiện Thuận đang la hét, Thầy hãy đến cứu. Thì Thầy đã đi gần tới, Thầy với thầy Mật Hạnh vào thất của thầy Thiện Thuận, Thầy tập trung tâm mình dùng nội lực của mình ấn xuống để phá đi cái tưởng của thầy, thầy mới được bình tĩnh mấy con. Nếu không có Thầy thì thầy Thiện Thuận đã tẩu hoả nhập ma rồi còn gì. Nếu không có Thầy thì Nguyên Thanh cũng bị tẩu hoả nhập ma, con biết cái lực tưởng như vậy mà.
Bởi vì cô Kim Tiên nói như thế này mà Thầy mới dạy cái pháp Thân Hành Niệm chứ trước kia Thầy chưa có dạy. Thầy Thông Lạc chỉ có một cái trí tuệ mà thôi, một bậc A La Hán có cái trí chứ còn chưa có thần thông. Cuộc đời Thầy không có thực hiện thần thông nhưng mà khi nói như vậy Thầy mới dạy cái pháp Thân Hành Niệm để cho họ thấy cái pháp đó của Phật đã dạy có thần thông, có cái lực mặc dù các con chưa ly dục ly ác pháp.
Cho nên cái lực của thần thông, của tưởng rất mạnh chứ không phải không có. Thầy dạy cho mà biết, thì trong cái thời điểm đó Nguyên Thanh đã chớp được cái pháp này cho nên đồng thời tu. Vì vậy mà từ cô Kim Liên cho đến Nguyên Thanh, cô Kim Tiên những người này đều tập cái pháp này. Cho nên vì vậy cố gắng tập nó mới thấy được cái lực thần thông của nó.
Đó là những điều Thầy dạy cho họ biết rằng: Đừng nói Thầy không có thần thông, nhưng Thầy không phải là con người đi thể hiện thần thông lừa đảo người ta. Thầy không làm điều đó đâu cho nên Thầy biết pháp Phật, pháp nào có thần thông vì vậy mà Thầy dạy cho họ biết nhưng mà quá nguy hiểm mấy con. Nếu cô Kim Liên mà không khéo thì cô cũng đã bị tưởng mất. Cô Kim Tiên nếu mà không khéo thì cô cũng điên mất và Nguyên Thanh không khéo cũng điên mất. Trong những cái phương pháp mà dạy pháp Thân Hành Niệm mấy con nguy hiểm. Cho nên Thầy mới nhắc nhở khi nào Thầy cho tu mới tu, chứ đừng có ôm pháp đó mà đi, đi là nguy hiểm vô cùng.
(35:54) Cho nên những cái điều mà con nói đây là một cái tâm niệm thương yêu thật sự đối với Nguyên Thanh, Thầy xin cảm ơn con là vì con đã hiểu con đã ở bên cạnh thầy Nhất Hạnh con đã biết. Thầy đã biết trên thế gian này người ta dạy chúng ta tu thiền tưởng. Không có một người nào mà tránh khỏi cái thiền tưởng này.
Cho nên hôm nay Thầy dạy mấy con rất rõ, tại sao muốn cho tâm mình định tỉnh? Thì Định Vô Lậu tức là tri kiến của mình phải ly dục, ly ác pháp chứ không phải nhiếp tâm mà ly dục, ly ác pháp, các con nhớ điều đó, bây giờ mấy con sáng tỏ rồi. Quý thầy sau này nghe cái lời nói của Thầy và những lời Thầy dạy sau này thì mấy con sẽ thấy sáng tỏ rất là sáng tỏ. Muốn xả tâm không có nghĩa là ức chế tâm cho hết vọng tưởng, muốn hết vọng tưởng, tâm được định tỉnh không phải là chỗ chúng ta ức chế tâm vô mà chính Định Vô Lậu mà chúng ta xả tâm ly dục ly ác pháp.
Bởi vì đức Phật dạy Tứ Chánh Cần siêng năng, cần mẫn tu tập hằng ngày của chúng ta là gì? Ngăn ác, diệt ác sinh thiện tăng trưởng thiện. Nhưng lấy cái gì mà ngăn ác, diệt ác đây? Có phải là tri kiến chúng ta không? Hay là chúng ta ngồi đó Niệm Phật, chúng ta ngồi đó giữ tâm bất động hay là giữ tâm thanh thản mình để cho nó không niệm. Cái điều đó là cái điều hiểu sai mà người ta dẫn dắt đi đến cái chỗ chết gọi là: Tập trung ức chế tâm.
Hôm nay mấy con rất rõ rồi, vì vậy mấy con biết rồi, từ cái chỗ Thầy biết rằng mấy con theo Thầy học tuy rằng mới một tháng nay thôi, cái tri kiến của mấy con triển khai nó có cái chiều sâu. Mấy con có hiểu được không khi mà Thầy triển khai nhân quả thảo mộc để chứng minh cho nhân quả con người, để mà Thầy nói lên một con người không phải sanh ra một người. Thầy muốn nói điều đó để làm cho mấy con hiểu đó.
(37:30) Trước cái ngày học này nhân quả thảo mộc và đến nhân quả con người. Mấy con chưa từng nghĩ được đến cái điều này đâu và Thầy nghĩ rằng trên cái thế gian này người ta cũng chưa nghĩ đến cái điều này đâu. Chỉ có Thầy mới thấy được cái điều này. Thầy thấy bằng cái đôi mắt Tam Minh của Thầy chứ không phải Thầy thấy bằng cái sự suy luận đâu mấy con. Nhưng Thầy dùng cái Tam Minh này đó làm sao có chứng minh được. Các con có đôi mắt Tam Minh chưa? Nếu có thì mấy con sẽ tin Thầy thật, còn mấy con chưa có thì làm sao mấy con tin. Con người một người mà sanh ra nhiều người mấy con có tin không? Không bao giờ tin đâu! Nhưng mà Thầy chứng minh qua nhân quả thảo mộc thì mấy con thấy rõ ràng chứ gì. Mấy con dám chối cãi không?
Một cái cây, một thảo mộc cũng như là một con người chúng ta như một sự sống như vậy chứ có gì khác gì đâu. Mà trong quy luật nhân quả nó sanh chứ đâu phải là các con đi sanh. Các con làm chủ gì mà các con đi sanh? Nếu các con làm chủ thì sao mà các con bị chết, bị bệnh như vậy. Mấy con đâu có làm chủ được nhân quả đâu. Nhân quả điều khiển mấy con trong cái sự sống mấy con như cái cây kia nhân quả điều khiển chứ nó có biết gì đâu. Chúng ta cũng chẳng biết gì, chúng ta hoàn toàn là vô minh.
Cho nên vì vậy mà học cái lớp này vừa là khởi sự cho mấy con học vừa là thâm sâu cho mấy con hiểu, hiểu như vậy để mấy con biết cái người mà ở kia chịu khổ, chính cái hành động, từ trường của mấy con chứ ai vô đó mà mấy con không biết. Làm như người đó với mấy con không có liên hệ gì hết. Cho nên người ta đau khổ. Mấy con có thấy Nguyên Thanh là những từ trường nào của mấy con không? Sao mấy con không nhìn để mấy con tìm cách này cách kia làm gì cho đau khổ thêm. Chính mấy con đã dùng cái từ trường ác, cái lời nói ác này kia mà phải thành ra những con người chịu đau khổ đó. Bởi sao chúng ta không thương nhau, mà lại tìm những cách hại nhau.
(39:11) Cho nên vì vậy lòng yêu thương của chúng ta càng lớn bao nhiêu thì sự giải thoát chúng ta càng nhiều bấy nhiêu. Chỉ có lòng yêu thương mà thôi. Thầy đọc Thầy nhắc lại cái bài Sóng gió Chơn Như, Thầy lấy cái lòng yêu thương tất cả mọi người đều thương chúng ta hết mà khi nói thương chúng ta thì chúng ta thương những người đó, các con hiểu?
Cho nên đạo Phật có Tứ Vô Lượng Tâm, tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả. Mà hiện giờ người ta đọc đến Tứ Vô Lượng Tâm mà Thầy đã giải thích có cái pháp thực hành hẳn hoi, mọi người dù là người trí thức họ vẫn đọc họ thấy thích. Họ nói rất hay, đó như các con thấy như thầy Chung mấy bữa nay ở trên này tập tu đó. Thầy là một giới trí thức, một giáo sư trên Đại học. Khi mà thầy xin phép làm cái bài Hành Thập Thiện Tứ Vô Lượng Tâm. Thầy đã nói những câu mà Thầy viết trong này thật sự chúng con là những cái người trí thức, trí tuệ. Thành thật cái lời của Thầy dạy nó quá thực tế, giá trị, nó đem lại cái đời sống con rất là an ổn. Con biết thương người thực sự, con khởi sự tu tập cái lòng thương yêu đó.
(40:23) Tại sao chúng ta có Tứ Vô Lượng Tâm mà chúng ta không thực sự tu tập mấy con. Mỗi bước đi của chúng ta khởi sự lòng thương yêu dưới bước chân chúng ta xem coi lòng thương yêu đó chúng ta lớn không mấy con? Cho nên Thầy mong rằng cái lớp chúng ta hãy thương nhau mấy con. Thương nhau, cái người lớn thì thương cái người nhỏ hơn. Cái người nhỏ hơn thương cái người lớn hơn như anh, như chị, như cô, như bác, như bà ,như nội, như ngoại của mình. Mình phải thương nhau, thương nhau như tình thân ruột thịt, đừng bao giờ để nồi da xáo thịt mấy con. Chúng ta hãy yêu thương nhau.
Một cái tinh thần đạo đức do từ Thầy mà trao cho các con đem lại cho các con sống một cái nền đạo đức không làm khổ mình, khổ người mà mấy con nỡ thấy người nào khóc mà mấy con nỡ đành sao mấy con? Trước mặt chúng ta đừng nên thấy giọt nước mắt của người khác là hạnh phúc của chúng ta mấy con. Mà thấy có ai khóc là chúng ta không nỡ lòng mấy con.
Thầy nói thực sự, Thầy không bước ra đường mà bước ra thấy một người khóc Thầy khóc theo. Lòng thương yêu của Thầy như vậy. Thầy nghĩ người ta quá khổ người ta mới khóc, người ta không khổ người ta không khóc đâu mấy con.
Cho nên trong cái sự tu học của chúng ta, chúng ta phải thương nhau mấy con. Thương nhau thương như mình thương thân mình nhưng thương thân mình phải biết cách chứ không khéo mình thương mình, mình lại làm khổ mình nữa mấy con. Nhiều người nói tôi thương tôi lắm, rồi cuối cùng đụng cái gì cũng làm khổ mình hết thì cái đó không thương. Cho nên nhớ đạo đức không làm khổ mình khổ người là như vậy.
(41:56) Bây giờ Thầy sẽ trả lời những câu hỏi của mấy con. Nãy giờ Thầy đã dạy mấy con như vậy mấy con đã hiểu. Thầy mong rằng cái lớp chúng ta hiện giờ, đối với chúng ta đều thương nhau mấy con. Thầy ước ao điều đó, những gì mà trước kia lỗi phải với nhau chúng ta bỏ hết đi. Quá khứ không có gì mà quan trọng hết mấy con. Cho nên đức Phật dạy “Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng chỉ có sống hiện tại”. Sống hiện tại với tình thương nhau là đủ rồi.
Vì Thầy là một người Thầy, một người cha của mấy con, một người mẹ thương yêu các con như những người mẹ. Làm sao cho con mình có một tình thương với nhau. Làm sao cho các con của mình có lòng yêu thương nhau là cha mẹ, là Thầy rất vui rồi và hạnh phúc nhất. Là mấy con đền đáp ơn Thầy đó. Thầy có cực khổ bao nhiêu đi nữa mà mấy con biết thương nhau thì mấy con đã không phụ ơn Thầy rồi.
Mấy con đã biết ơn Thầy rồi, mấy con giúp đỡ Thầy, làm gì không bằng mấy con biết đoàn kết thương nhau từng chút thì đó là mấy con thương. Đừng vì một lý do gì mà nay vạch lỗi người này, mốt nói lỗi người kia làm gì. Ở trên đời này không có lỗi gì hết mấy con chỉ có nhân quả thiện ác mà thôi. Mấy con nhớ kỹ không có người nào lỗi hết, đối với đôi mắt của Thầy không có ai lỗi chỉ có nhân quả thiện ác. Chúng ta hãy sống trong nhân quả thiện ác mấy con.
HẾT BĂNG