00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 020A (NAM) - ĐƯỜNG ĐI NHÂN QUẢ CON NGƯỜI - TU TỨ NIỆM XỨ BẰNG TRI KIẾN GIẢI THOÁT

CK 020A (NAM) - ĐƯỜNG ĐI NHÂN QUẢ CON NGƯỜI - TU TỨ NIỆM XỨ BẰNG TRI KIẾN GIẢI THOÁT

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 11/2005

Thời lượng: [56:49]

1. ĐƯỜNG ĐI NHÂN QUẢ CON NGƯỜI

(00:00) Hôm nay Thầy xin nhắc lại là cái bài mà mình học về Định Vô Lậu; mình dùng cái tri kiến mình quan sát, mình quán xét. Hai là đến cái bài đường đi của nhân quả là mình dựa theo cái Thập Thiện thì mình biết nó không có sai. Vì đường đi của nhân quả thân hành, khẩu hành, ý hành thì mình dựa vào cái Thập Thiện, thập ác mình biết; cái đường đi nhân quả thì nó cụ thể, rõ ràng, nó không mất. Do chúng ta biết cách, chứ không khéo mình giới thiệu vô đường đi của nhân quả mà nói mênh mông. Đâu nó cũng có cái đường đi của nó hết, nhưng mà cái đường đi chính của con người là đường đi nhân quả, là Thập Thiện, thập ác, cho nên mình xoáy vào cái Thập Thiện, thập ác thì mình vẽ ra được cái đường đi nhân quả của con người, nó không sai một cái điểm nào hết, đó là cái thứ nhất.

Cái thứ hai là cái phần đi vào cái tri kiến của nhân quả, thì bắt đầu thân hành rồi khẩu hành rồi ý hành. Khi chúng ta muốn nói về cái thân hành mà nó phải trước khi có hành động của cái thân. Nó phải có cái ý trước, ý mà suy nghĩ rồi mới biến ra cái hành động của cái thân hoặc là biến ra cái lời nói của mình. Cho nên mình viết cái bài để mà nó cụ thể, xác thực nhất là mình đem cái mẩu chuyện, mẩu chuyện nó xảy ra; mình đem cái ví dụ, chúng ta muốn nói về thân hành, mà cái nhân của nó là cái hành động ác, mà cái quả của nó là bị ở tù, hoặc bị tử hình, ví dụ vậy.

(02:00) Mình đem một cái ví dụ mình nói, người ta đọc người ta thấy nó vừa thích thú, vừa cụ thể của cái nhân quả. Ví dụ như có một cô cậu nào đó, Cậu đó có một người bồ, cậu rủ người bồ đi mướn khách sạn ở, cô bồ này cô đeo vàng vòng quá đẹp, cho nên vào khách sạn ở rồi cậu này cậu thấy vàng rồi cậu tham vàng, cho nên cậu hành động giết cô này chết. Cậu này trốn đi, nhưng cuối cùng Công an bắt được. Vì tội giết người cho nên kêu án tử hình cậu này.

(02:45) Mình đưa ra một câu chuyện thực của cuộc đời xảy ra một hành động ác đó, để mang tới cái hậu quả, để giúp người giết hại mình, làm khổ mình, làm khổ người. Nó vừa thực tế rồi mình kết luận cái hành động đó trong nhân quả, chứng minh cụ thể. Vậy mỗi một cái bài luận như vậy, mỗi một cái hành động mà luận nhân quả thân hành hoặc ý hành như vậy, nó thực tế, nó áp dụng vào đời sống. Khi một người đọc người ta thấy rõ cái nhân quả, cho nên khi mà có một chuyện gì xảy ra, nó làm ta xoáy ngay vào cái chuyện đó bằng hình ảnh nhân quả như vậy. Đó là chúng ta đã áp dụng vào đời sống của chúng ta và bài của chúng ta sẽ sống động, đọc lên nó sống động. Khi có một mẩu chuyện xảy ra thì người ta sẽ chú ý ngay liền và cuối cùng người ta kết luận bài và cũng là kết luận cho chúng ta hiểu đó là nhân quả. Cho nên những bài học của chúng ta về Định Vô Lậu nó làm cho tâm chúng ta vô lậu, sống toàn thiện chứ không còn toàn ác nữa. Vì thế mà sự học tập của chúng ta về Định Vô Lậu có lợi ích rất lớn.

1.1 NĂM ĐIỀU KHÓ TU TẬP

(04:02) Trước khi Thầy trả bài cho các thầy, cho quý Phật tử thì Thầy cũng xin nhắc lại một lần nữa là những cái gì mà Thầy hướng dẫn thì chúng ta xoáy vào đó thì nó sẽ không đi mênh mông, không đi sai, cho nên vì vậy nhớ kỹ những lời Thầy dạy. Còn những người nào không làm được mà Đức Phật gọi là Liệt tuệ. Danh từ “Liệt tuệ” tức là chúng ta không thể tư duy, suy nghĩ làm được; khi được cho một bài như vậy thì mình suy nghĩ mình làm bị lạc đề, nói mênh mông, nói gì đâu đâu đó mà không xoáy vào đề tài, người đó gọi là liệt tuệ. Trong đạo Phật, chúng ta thấy rằng đức Phật có nói với Bồ Đề Vương Tử trong bài mà Bồ Đề Vương Tử hỏi Phật, thì đức Phật có nói về năm điều khó tu.

(05:07) Thầy có ghi lại, Thầy thấy rõ ràng lắm. Những điều khó tu của một người. Một con người mà muốn tu thì phải có đầy đủ những điều kiện để mà tu.

  • Thứ nhất là phải có lòng tin, người không có lòng tin thì không tu được.

  • Thứ hai là nhiều bệnh, những người mang thân mà nhiều bệnh đó; ít bệnh thì tu được mà nhiều bệnh sẽ không tu được; khó tu chứ không phải không tu được.

  • Cái điều kiện thứ ba đó, khó tu là người có tâm tính gian ác, xảo trá; nghĩa là tâm không thật thì người đó khó tu.

  • Thứ tư là người biếng nhác, lười biếng là người không tu được, khó tu.

  • Thứ năm là người liệt tuệ.

Đây là năm điều khó mà đạo Phật là đạo trí tuệ cho nên buộc lòng phải có trí tuệ. Nếu chúng ta tu Chánh Niệm Tỉnh Giác, chúng ta tu có một tiếng, chúng ta giữ cái tâm mình trên Chánh Niệm Tỉnh Giác thì chúng ta không triển khai được trí tuệ, thì chúng ta khó mà một đời sống bình thường; cũng như mọi người thì chúng ta khó mà có thể ngăn chặn và diệt ác pháp được. Cho nên trong bài Tứ Niệm Xứ thì chúng ta thấy rõ ràng đức Phật dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu. Trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu”, nghĩa là có niệm nào làm cho tâm bị chướng ngại thì chúng ta sẽ cố gắng khắc phục cái niệm đó. Phải khắc phục bằng cái trí tuệ của chúng ta, tức là bằng tri kiến của chúng ta, nhưng mà người liệt tuệ họ không biết đâu, cho nên làm sao họ đẩy lui được chướng ngại trên tâm của họ.

(07:02) Cho nên học Pháp là phải học Định Vô Lậu, là lợi ích rất lớn, tạo cho chúng ta có tri kiến giải thoát, tức là trí tuệ của chúng ta, trí tuệ của ý thức chứ không phải là trí tuệ của Tam Minh. Ở đây chúng ta nói trí tuệ ý thức, nhưng mà trí tuệ phải là Chánh Kiến. Nếu mà chúng ta học đời thì chúng ta cũng có sự hiểu biết này nọ kia, nhưng nó đâu có Chánh Kiến.

Cho nên trí tuệ của chúng ta triển khai đó là cái Chánh Kiến. Cho nên Bát Chánh Đạo thì lớp Chánh Kiến vì thế chúng ta phải triển khai, ráng cố gắng mà học tập. Tại sao chúng ta thấy trong thời đức Phật đâu có giấy, đâu có mực mà tại sao các Ngài lại có trí tuệ. Như chúng ta biết rõ ràng là người có trí tuệ như ông A Nan, là bậc đa văn, tức là phải có trí tuệ; đức Phật nói đâu ông nhớ đó không sót như là một cái máy cát- sét, nghĩa là lúc nào đức Phật nói bài kinh nào ông nhớ hết, không có bài kinh nào không nhớ cho nên như là một cái máy cát- sét.

Đó là trí tuệ, mình phải phân biệt người u tối với người thông minh khác nhau. Người học hành đã thông thuộc nhưng họ rất thông minh, cái gì họ cũng thấy sáng suốt, cái đó gọi là trí tuệ chứ không phải là liệt tuệ. Còn cái người mà không hiểu gì hết, không thông minh, không sáng suốt gì hết thì người đó gọi là liệt tuệ.

Còn cái người nhớ dai khác nữa, phải phân biệt. Cái người thông minh khác mà cái người nhớ dai khác. Người đọc qua rồi nhớ, thì không phải là người nhớ là thông minh đâu, mà tại vì trí nhớ của người ta nhớ, còn cái người thông minh cái chuyện chưa có mà xảy ra thì họ đã hiểu biết rồi.

(08:59) Cũng như ông thầy cho một luận đề thì người thông minh nhìn vào đề tài đó, họ biết phải làm cái gì, đó là người thông minh. Còn người học rồi mình mới hiểu biết, còn chưa học mình không hiểu biết thì mình chưa phải là thông minh, mình học mình nhớ cũng chưa phải hiểu biết, chưa phải thông minh mà là nhớ dai. Mình phân biệt điều đó. Có nhiều người nói tới, nói lui, nói hoài mà họ không hiểu đó là liệt tuệ. Người liệt tuệ là người tu không nổi.

Người nói một lần mà người ta nhận ra được, người ta hiểu luôn thì người đó thông minh. Người mà chưa nói ra mọi vấn đề xảy ra người ta nhìn vào người ta thấy, người ta hiểu biết, người đó quá thông minh. Trong thời tuổi trẻ của Thầy đi học có một người bạn rất thông minh. Thầy cho một bài tính trên bảng, chưa giảng mà anh này đã làm được bài toán đó liền, người đó quá thông minh, cũng như chúng ta gọi là những người thần đồng.

(10:17) Nhưng cái thông minh đó từ đâu mà có, từ những đời trước. Nếu mà không huân đời trước thì đời nay không thông minh, cho nên nhân quả mà. Do mình huân sự hiểu biết đó, bây giờ sự hiểu biết đó sẽ nằm sẵn trong con người của mình rồi. Người ta chỉ cần khảy một cái là người ta đã biết, đó là cái thông minh. Còn người mà đọc qua một cái thuộc liền thì người đó có trí nhớ. Như Dương Chu trong thời Tam Quốc, ông ta chỉ cần đọc qua một cái vậy thì ông thuộc làu hết, không sót chỗ nào hết. Đó là những người trí nhớ dai. Còn người thông minh khác. Cho nên ở đây, đức Phật dùng "liệt tuệ" là người giải thích mà cũng không hiểu. Ở trong số chúng ta có những người qua những bài viết thì trong số huynh đệ chúng ta cũng có người liệt tuệ đến cái mức độ họ không biết làm gì hết, họ viết đâu đâu không à. Thành ra đó là những người rất khó tu, nhưng Thầy cũng giúp đỡ họ sẽ được giải thoát.

Trong vấn đề tu học của chúng ta, chúng ta nên nhớ rằng trí tuệ của chúng ta rất cần thiết. Và những người bệnh đau nhiều là rất khó tu lắm. Những người mà xảo trá thì rất khó tu. Cho nên đức Phật trong bài Kinh Bồ Đề Vương Tử thì đức Phật nói người gian xảo, xảo trá họ khó bỏ tánh đó cho nên họ khó tu.

(12:00) Thầy cũng trả lời cho một huynh đệ đã hỏi về thời đức Phật có nhiều người chỉ tu không mà người ta không có tư duy, suy nghĩ nhưng mà người ta vẫn chứng đạo như ông Châu Lợi Bàn Đặc. Ông Châu Lợi Bàn Đặc thuộc về cái loại thông minh nhưng mà trí nhớ của ông ấy kém cho nên ông ấy đọc bài kệ hoài không thuộc. Ông rất thông minh. Cho nên đức Phật ngồi dạy ông cách thức quét tâm. Cách thức quét tâm tức là tu Tứ Niệm Xứ, mà Tứ Niệm Xứ mà không thông minh thì những niệm xảy ra trong tâm ông ta mà ông không thông minh ông quét; cái kiểu mà ức chế tâm đó thì đương nhiên ông không thành tựu Tứ Niệm Xứ được. Cho nên phải thông minh lắm, mà thông minh thì cái chuyện đó ông thấy đây là ác pháp rồi cho nên chỉ có diệt; ông không cần học, không cần thuộc. Ông đọc kệ không thuộc mà ông thông minh cho nên vì vậy mà ông tu Tứ Niệm Xứ, ngay đó đức Phật dạy tu Tứ Niệm Xứ .

Còn chúng ta bây giờ chúng ta muốn tu Tứ Niệm Xứ thì chúng ta phải triển khai được tri kiến của mình, từng niệm của mình. Cho nên từng niệm đó thí dụ như bây giờ đường đi của nhân quả thì nó có thân hành, khẩu hành và ý hành. Ý hành của chúng ta nó khởi ra cái niệm, mà chúng ta không thông minh thì coi như chúng ta bị ức chế . Còn chúng ta thông minh chúng ta phải quán xét, suy tư. Chúng ta thấy rõ cái mặt này là ác pháp rồi, không chơi nó được phải diệt nó chứ không được để. Mình "Ngăn ác, diệt ác pháp" bằng trí tuệ, tri kiến của chúng ta thì tức là tâm chúng ta sẽ thanh tịnh. Và như vậy thì Tứ Niệm Xứ của chúng ta mới sung mãn lên được.

Các đệ tử của đức Phật không có làm bài nhưng họ rất thông minh. Như ông A Nan, ông Xá Lợi Phất nói chung mọi người đệ tử của Phật, một số đệ tử dù là cư sĩ như ông Visakha cũng là thông minh. Ông hỏi nhiều câu hỏi với bà Dhammadinna một cách rất tuyệt vời, Đức Phật nói “Ta cũng chỉ trả lời được như bà Dhammadinna mà thôi”. Chúng ta thấy trong thời Đức Phật có nhiều người rất thông minh chứ không phải không thông minh.

(14:14) Còn bây giờ chúng ta làm bài tức là quán xét, mà quán sai không đúng thì sao được gọi là thiền quán, sao được gọi là trí tuệ. Lại nữa nhiếp tâm không vô thì sao được gọi là Định Tỉnh. Nghĩa là chúng ta thấy có hai phần tu rất rõ ràng. Về phần quán, chúng ta suy tư không sâu, lộn xộn thì không thể nào gọi là trí tuệ được. Về phần quán, quán sai thì làm sao gọi là thiền quán được. Đó là những điều kiện của đạo Phật đã xác định được cho chúng ta thấy như vậy.

Còn nhiếp tâm thì là nhiếp tâm không vô, một phút mà vẫn có niệm. Tức là nhiếp không được thì sao gọi là Định Tỉnh. Lại nữa giới luật thì giữ gìn không trọn vẹn thì sao được gọi là "Giới Sanh Định". Đó là những câu hỏi mà Thầy đặt để thấy được trong thời đức Phật, những người đệ tử của đức Phật không viết nhưng người ta quán nhờ sự hướng dẫn của Phật trong thời đức Phật. Như là những bài Kinh để chỉ dạy mà Đức Phật tận tình, cặn kẽ; thì không nói ra chỉ nói ra những đại khái thôi.

(15:36) Còn đi vào những chi tiết khi mà một người đệ tử mà trí tuệ không có hiểu biết, chắc chắn theo Thầy thấy đức Phật muốn cho đệ tử của mình tu chứng thì Ngài cũng phải giải thích từng chút, không phải mà để đệ tử của mình. Thì những người trong thời đức Phật cũng chẳng khác gì những người chúng ta hiện giờ, cũng có người vầy, kẻ khác; cũng có người thông minh, kẻ không thông minh, chứ không phải toàn bộ con người ngày xưa thông minh hết đâu. Theo Thầy thấy cũng không phải thông minh hết.

1.2 ĐƯỜNG ĐI CỦA NHÂN QUẢ LÀ THẬP THIỆN THẬP ÁC

(16:03) Vì sự tận tình của đức Phật, vì không có giấy, không có bút mực viết như chúng ta bây giờ; vì vậy mà đức Phật trao cho họ, dạy cho họ bằng những ngôn ngữ, nói, dạy bảo cho họ từng chút để họ hiểu. Cũng như bây giờ Thầy nói đường đi của nhân quả con người, Thầy nói Thập Thiện, nhưng mà bây giờ các con thấy người ta nói Kinh Thập Thiện mà người ta không nói đường đi của nhân quả. Thầy tin rằng trong thời đức Phật, những người đệ tử của mình không hiểu về đường đi của nhân quả, dạy những người đệ tử của mình quán về nhân quả thì chắc chắn đức Phật sẽ nói rất rõ Thập Thiện, thập ác là đường đi của nhân quả con người, chắc chắn Đức Phật nói.

Nhưng mà những điều này tại sao người ta không ghi vậy mà người ta chỉ ghi Thập Thiện, Thập Ác. Người ta tạm thấy ghi như vậy là đủ. Nhưng về chi tiết thì một người đệ tử của mình mà không hiểu thì đến xin Phật nói con không hiểu về đường đi nhân quả như thế nào thì đức Phật mới nói đây là Thập Thiện, Thập Ác; mà đức Phật đã có bài kinh giảng về Thập Thiện rồi. Giảng bài Kinh Thập Thiện nhưng mà nhắc người đệ tử của mình, chuyển cái ý của người đệ tử của mình họ hiểu ngay được là đường đi nhân quả là Thập Thiện, Thập Ác.

Từ đó họ suy nghĩ về thiện ác của thân, về thiện ác của khẩu, về thiện ác của ý rất rõ ràng, cụ thể chứ làm sao nó lệch được nó xoáy vô được cái ý, cái đề rồi. Còn nếu mà không nhắc như vậy, không nhắc Thập Thiện, thập ác như vậy đó thì cứ nghĩ đó là bài kinh Thập Thiện, thập ác có ai biết đó là đường đi của nhân quả. Thầy tin chắc rằng đức Phật cũng dạy đệ tử của mình như vậy. Nhiều người thời đức Phật cũng đâu phải người nào cũng thông minh, nghe nói đường đi nhân quả của con người thì biết ngay là Thập Thiện, Thập Ác liền đâu. Sự thật ra trong số người ngồi trước mặt thầy, nếu thầy không nói Thập Thiện, Thập Ác thì cũng chỉ có một hai người hiểu chứ chưa chắc đã là hết đâu mấy con, đâu phải chuyện dễ đâu. Đó cái chuyện trước mắt của mình, mình có học rồi, chứ không phải là mình không học.

(18:12) Nhưng mà để hiểu cho nó thông suốt, hiểu cho rõ lý đó để biết đường đi của nhân quả; nếu mà không có một vị Thầy gợi ý thì số đông người làm sao mà hiểu được. Mấy con phải viết bài để chứng minh khi mà Thầy đưa ra mà chưa có nhắc; mấy con viết thì mấy con phải viết, nó không đúng, nó không xoáy vào đường đi của nhân quả. Và nếu Thầy không nhắc mấy con mà nêu ra một ví dụ cụ thể một cuộc đời có một sự kiện xảy ra do hành động bằng thân, bằng miệng, bằng ý đã tạo ra quả khổ đau cho mình, cho người thì mấy con sẽ viết bài coi như là mấy con viết luận; như vậy nó làm cho áp dụng vào đời sống rất khó, nó trở thành bài lý thuyết suông để nói về vấn đề thân hành nhân quả mà thôi. Nó làm cho chúng ta không có một ý niệm cụ thể cho đời sống chúng ta. Nhân ác thì quả khổ như thế nào, nhân thiện thì phước báu như thế nào.

(19:16) Chúng ta nói bằng lý thuyết nghe thì cũng có lý nhưng không bằng thấm thía hơn là chúng ta đưa ra một mẩu chuyện xảy ra sự đau khổ như vậy để làm cho chúng ta thức tỉnh dễ dàng hơn gọi là áp dụng vào đời sống. Nhân quả áp dụng vào đời sống, nó thực tế. Mà khi chúng ta suy tư, chúng ta tìm kiếm được những mẩu chuyện chúng ta nói ra những điều kiện đó, nó làm cho chúng ta có cái nhìn thấu suốt được lý nhân quả. Từ đó về sau, chúng ta cố gắng khắc phục mình, khi viết ra được thì Thầy nghĩ rằng mấy con không thể nào mà làm lại để cho mình có những hành động đó đem đến sự tai hại cho mình, cho người.

Còn làm bài là quán xét, tức là mình làm cái bài mình phải tư duy, suy nghĩ nhiều lắm, rồi nó có cách thức nữa, phải sắp xếp cái nào nói trước, cái nào nói sau. Bởi vì làm mà, còn cái mình nói mình tư duy, mình suy nghĩ, mình không sắp xếp; nhưng khi mình viết ra mình lại có sắp xếp thứ tự cái trước cái sau cho nên nó còn cẩn thận, kỹ lưỡng hơn nữa, cho nên viết ra bài làm cho tri kiến của chúng ta có sự sắp xếp, đồng thời nó làm cho chúng ta hiểu rất rõ, giúp cho tri kiến của chúng ta càng ngày càng thông suốt hơn, quan sát thông suốt các pháp như thật. Thông suốt các pháp như thật thì mới không dính mắc. Nghĩa là mình thông suốt các pháp như thật thì không bao giờ các pháp gợi lên cái dục, thì chúng ta không bị dính mắc. Không dính mắc mới gọi là xả tâm ly dục, ly ác pháp. Nhờ tri kiến của mình thông suốt nên biết cái này đó nó khởi dục.

(21:05) Thí dụ như bây giờ một cô phụ nữ đi ngang qua, một người phụ nữ rất đẹp họ đi ngang nhưng chúng ta đã biết nhân quả của người phụ nữ đẹp đó sẽ lôi cuốn chúng ta đi đến nỗi khổ như thế nào. Do đó khi mà nhìn thấy thì chúng ta không bị cám dỗ, tức là chúng ta không bị sắc của cô ta lôi kéo chúng ta, do đó chúng ta không bị dính mắc. Không bị dính mắc tức là xả tâm ly dục, ly ác pháp.

Mấy con thấy rõ không, nếu mình không thông suốt, "Chu choa cô ta đẹp quá!", nó gợi lòng dục của chúng ta lên rồi từ đó chúng ta dính mắc. Cho nên khi quán xét thông suốt thì áp dụng vào sự sống mà tâm không bị chướng ngại của các pháp thì mới gọi là Tâm Vô Lậu. Tâm vô lậu thì mới được gọi là tâm bất động, từ chỗ đó đi đến chỗ Bất Động Tâm, nó không bị cám dỗ, không bị ác pháp tác động. Cho nên tâm chúng ta bất động. Vì vậy mà Định Vô Lậu từ chúng ta có đủ phương tiện giấy, mực rồi chúng ta lại làm những bài này thuộc lòng Định Vô Lậu trước, tức là kịp thời giúp chúng ta sống một đời sống rất bình thường, không cần thiền định mà tâm bất động được giải thoát. Một bài pháp học rất thực tế, cụ thể. Cho nên đức Phật nói Chánh Kiến, lớp chúng ta học là lớp Chánh Kiến giúp chúng ta thấy mọi vật trong Chánh Kiến không bị say đắm, không bị tham dục, không bị ác pháp tác động. Nó làm chúng ta càng lúc càng được giải thoát, càng ngày ác pháp không tác động được vào thân tâm chúng ta nữa.

Ngày xưa ông Châu Lợi Bàn Đạt tối dạ học không thuộc bài nhưng rất thông minh cho nên Đức Phật dạy ông quét tâm tức là tu Tứ Niệm Xứ, Tứ Niệm Xứ tức là ngồi tu Tâm Xả, Tứ Vô Lượng Tâm đó. Tu Tứ Niệm Xứ là tu Tâm Xả. Nó xả của thân và xả những đau khổ trên thân, xả của tâm và xả những niệm của tâm, cái cảm thọ của tâm, xả các pháp và nó ngăn chặn các pháp, nó giữ hạnh độc cư trọn vẹn để nó ngăn chặn các pháp không cho xâm chiếm vào mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của nó. Đó là pháp Tứ Niệm Xứ.

(23:25) Tứ Niệm Xứ phải tu bằng tri kiến giải thoát. Tri kiến giải thoát là tri kiến nhân quả, tri kiến các pháp vô thường, tri kiến Thập Nhị Nhân Duyên. Ở đây các con thấy phân biệt, ở đây chúng ta sẽ học tu quán tất cả các pháp mà ở đây Thầy nói tu Tứ Niệm Xứ thì phải bằng tri kiến giải thoát. Mà tri kiến giải thoát là tri kiến nhân quả, tức là cái tri kiến phải hiểu thông suốt của nhân quả, rồi tri kiến các pháp vô thường, nghĩa là phải hiểu cho thật rõ các pháp ở trên thế gian này đều là vô thường.

Rồi cái tri kiến Thập Nhị Nhân Duyên nghĩa là chúng ta phải quán về Thập Nhị Nhân Duyên để sự hiểu biết về tri kiến duyên, chứ không khéo chúng ta quán nhân quả lại lôi Thập Nhị Nhân Duyên ra mà quán thì nó sai. Bởi vì Thập Nhị Nhân Duyên là cái duyên hợp để tạo thành cái thế giới quan của chúng ta. Thật sự ra các pháp nhân quả nó đều có liên hệ với các pháp này hết. Cho nên không khéo chúng ta lấy nhân quả mà thành lấy Thập Nhị Nhân Duyên mà làm nhân quả hoặc lấy Thân Ngũ Uẩn mà làm nhân quả, thì chúng ta không xoáy vào đề tài chính của nó được.

Mục đích của Thập Nhị Nhân Duyên là đức Phật nói đến vũ trụ quan, thế giới đau khổ của con người; chứ không phải nói thế giới mênh mông đại hải mà chỉ nói cái thế giới duyên hợp của Thập Nhị Nhân Duyên (sau này đến bài đó thầy sẽ giảng cho mấy con).

(25:03) Nếu không có những tri kiến này thì quét tâm bằng gì? Nếu chúng ta không có tri kiến hiểu biết này thì lấy gì mà quét tâm chúng ta được? Đó là cái mà chúng ta phải hiểu. Còn chỉ có tác ý suông thì bị ức chế. Nếu chúng ta tác ý để ngăn những cái niệm, tức vọng tưởng; còn chỉ tác ý suông thì bị ức chế vọng tưởng, ức chế vọng tưởng như rơi vào tưởng định. Đó là cách thức chúng ta tu sai cho nên hầu hết hiện giờ các tu sĩ đang nỗ lực tu chỉ cần lệch một chút là sẽ lọt vào sự tu sai đó.

Định Vô Lậu là thiền quán, nó không phải là thiền chỉ. Nếu không tu Định Vô Lậu thì làm sao được gọi là Chánh Kiến, Chánh Kiến có nghĩa là thấy đúng mọi vật, mọi pháp như thật. Nếu không làm bài hay quán xét thì làm sao hiểu được các pháp, không hiểu được các pháp như thật thì làm sao gọi là Chánh Kiến. Người tu theo Phật giáo đều là những người thông minh chứ không phải là những người u tối. Người u tối rất khó tu, cho nên người liệt tuệ là người khó tu trong năm điều khó tu mà đức Phật giải thích cho Bồ Đề Vương Tử. Cho nên điều cần thiết là chúng ta phải hiểu:

  • Thứ nhất là không có lòng tin thì chúng ta tu theo đạo Phật không được.

  • Người mà nhiều bệnh quá tu theo đạo Phật rất khó, cũng khó tu lắm. Nghĩa là nay đau bệnh này, mai đau bệnh khác rất khó tu.

  • Người gian trá, xảo trá cũng rất khó tu

  • Người biếng nhác, lười biếng rất khó tu. Người mà tối ngày cứ ăn với ngủ không thì người đó không tu được. Cho nên ở đây Thầy quan sát người nào ngủ nhiều Thầy biết người đó không tu được, không làm sao mà người đó tu được. Cho nên cái khó khăn chỗ người lười biếng, mà lười biếng nó chuyển qua chứng là hay ngủ chứ không có gì khác.

  • Và người liệt tuệ là người quá u tối, không có thông minh, không có sáng suốt cho nên người đó cũng khó tu

Đó là những điều cần thiết cho chúng ta học tập để chúng ta biết được con đường của đạo Phật. Cho nên đạo Phật là đạo trí tuệ. Trí tuệ tức là tri kiến của chúng ta có sự hiểu biết, còn trí tuệ Tam Minh thì đạo Phật không có cần thiết. Đức Phật dạy làm sao cho chúng ta tu tập, sống một đời sống bình thường không có ở trong trạng thái định nào hết mà ác pháp tác động không được. Tất cả những vật chất, những điều cám dỗ không cám dỗ được người đó thì nó phải bằng tri kiến, tức là Định Vô Lậu. Không có gì khác, chỉ có tu Định Vô Lậu là chúng ta đã được giải thoát hoàn toàn đem lại sự bình an cho chúng ta rất rõ ràng và cụ thể.

(28:21) Cho nên Định Vô Lậu là định rất là vi diệu, mục đích của đạo Phật là tu vô lậu, làm cho hết lậu hoặc. Định Vô Lậu làm cho chúng ta hết lậu hoặc thì đó là điều cần thiết cho chúng ta học và tu tập. Trong thời đức Phật theo thầy thiết nghĩ, đức Phật đã nêu ra tám lớp học, ba cấp như vậy là một chương trình giáo dục đào tạo mới được gọi là chân lý tức là sự thật chứ không phải là bài để tự học. Vì vậy trong thời đức Phật mà đức Phật hướng dẫn người tu chắc chắn là Ngài dạy rất kỹ cho nên số người đạt quả A La Hán không phải ít.

Có nhiều người trí tuệ thông minh vừa nói rồi thì hiểu rồi như La Hầu La. Vừa nói rồi thì ông ta bỏ đi về như một người cư sĩ, một người ngoại đạo đến hỏi Phật, Phật nói: “Cái thấy, cái biết, cái nghe không phải là của ông” thì người ta nghe, người ta nghe hiểu rồi. Nên khi bị một con bò đụng ông ta chết, các vị Tỳ kheo mới hỏi Phật, sau khi nghe pháp Phật rồi thì ông ta sẽ sinh về đâu, thì Phật nói: “Vào Niết Bàn”.

Tức là ông ta đã chứng được Pháp Nhãn Thanh Tịnh, ông đã hiểu quá rõ. Cho nên nếu mà nói vắn tắt như vậy mà chúng ta không đủ sự thông minh thì chúng ta chưa hiểu. Chúng ta chưa hiểu thì được đức Phật giải thích, cho nên có những bài kinh giải thích cho chúng ta hiểu. Vì vậy mà sự hiểu biết giúp chúng ta rất lớn trên con đường tu tập.

2. TU TỨ NIỆM XỨ BẰNG TRI KIẾN GIẢI THOÁT

(30:03) Hôm nay thầy biến giáo pháp của Phật sự thật ra thành các Chương trình giáo dục đào tạo thật sự nhưng giáo án được soạn thảo trong đầu của Thầy để Thầy biết bài nào cho dạy trước, bài nào cho dạy sau nhưng vì sao Thầy vẫn còn thiếu là vì phải có thời gian ngồi lại ghi chép, ghi chép lịch sử đời sống của đức Phật thì mới bắt đầu vô. Tu theo đạo Phật mà không hiểu được lịch sử của đức Phật, không hiểu lịch sử của đức Phật thì tu theo đạo Phật làm gì, có biết đâu. Phải hiểu đời sống của đức Phật chứ không phải hiểu lịch sử suông.

Ở đây có khác, bởi vì hiểu đời sống của đức Phật chúng ta mới noi gương Người mà chúng ta tu tập, chúng ta làm giống như Người. Đó là cái ý của Thầy, đó là cái giáo trình, giáo án để chúng ta tu tập, để đạt được sự giải thoát. Nhưng vì không có thì giờ để ghi lại lịch sử, mà lịch sử mà được ghi lại thì không chính xác. Nếu chúng ta dựa vào lịch sử mà ghi của Bắc tông, Nam tông thì chúng ta sẽ ghi không đúng ngày giờ với nhau, nó sẽ lệch.

Cho nên muốn làm được giáo trình tu tập về lịch sử đức Phật ít ra chúng ta cần có năm ba người tu chứng A La Hán, đồng thời chúng ta dùng Tam Minh nghiên cứu lại lịch sử của Đức Phật, khi đức Phật sanh ra như thế nào, tu hành như thế nào, rồi đời sống của đức Phật như thế nào. Chúng ta quan sát vì những hình ảnh đó còn lưu lại ở trong không gian dù cách đây mấy ngàn năm vẫn còn. Chúng ta dùng Tam Minh chúng ta trở về thời gian quá khứ đó chúng ta sẽ thấy lại những hình ảnh cái đời sống đức Phật như vậy, và đồng thời tu hành như vậy, sống khi hướng dẫn chúng Tỳ Kheo tu tập như vậy. Hàng ngày Đức Phật sống như thế nào thì bấy giờ chúng ta ghi lại lịch sử đời sống của Đức Phật rất cụ thể, rõ ràng.

(32:06) Nhưng một mình thầy chưa đủ chứng minh điều đó cho nên nếu Thầy viết ra mà không có những bài kinh nào chứng minh này nọ thì họ chỉ nói Thầy đặt điều, bây giờ Thầy sống làm sao Thầy đặt điều như vậy. Do đó, nó làm cho lời nói của Thầy không có giá trị. Cho nên Thầy mong rằng có những người tu xong rồi, Thầy trò họp nhau chúng ta ghi lại lịch sử đời sống của đức Phật. Cái này là hay nhất, để lại cho đời sau biết được gương hạnh của một bậc vĩ nhân, bậc ân nhân của loài người.

Vì vậy, hôm nay Thầy nhắc đến một phần nữa để chúng ta biết nó rất là quan trọng. Ở đây vốn tu tập về đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cho nên các lớp học của đạo Phật rất rõ ràng từ Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định biết rõ ràng; không bao giờ có nói thần thông trong này. Nếu ai mà bảo rằng Thầy thị hiện thần thông thì người đó sẽ theo Thầy tu thì Thầy xin người đó hãy qua bên Tây Tạng, ở bên đó người ta đang Niệm Phật thần thông. Có một câu chuyện ở bên Tây Tạng có một vị sư tên là Milarepa, người này tu tập để thị hiện thần thông bay ở trên trời, còn chúng ta ở đây không phải là những người luyện tập thần thông cho nên vì vậy chúng ta là những người học đạo đức không làm khổ mình, khổ người.

Thần thông chẳng qua là khi tâm chúng ta thanh tịnh, chúng ta muốn có đủ năng lực để làm chủ sự sống chết, để bước chân vào ngưỡng cửa thiền định, tức là Tứ Thánh Định thì chúng ta hãy thử coi nội lực của chúng ta có đủ sức nâng chúng ta lên cao một thước không, chúng ta ra lệnh xem coi có được không.

(34:10) Khi tâm chúng ta hoàn toàn thanh tịnh, Thầy nói khi tâm chúng ta hết tham, sân, si rồi mục đích giải thoát chúng ta đã đạt được rồi, bắt đầu bây giờ chúng ta thử năng lực của tâm thanh tịnh của chúng ta, chứ không phải chúng ta luyện tập thần thông. Chúng ta thử thôi, coi thử coi ra lệnh thân phải bay lên, nâng lên cao một thước; chúng ta thấy thân chúng ta nâng cao lên một thước là biết mình sẽ nhập được Bốn Thiền. Bốn Thiền là phải có năng lực đó, cho nên mới có Định Thần Túc, mới có bài Tứ Thần Túc; thì Định Thần Túc đó giúp chúng ta nhập các định, chứ không phải chúng ta ngồi thiền nhập định được.

Chúng ta phải có Định Thần Túc, định như thần thì chúng ta mới nhập các định. Do như vậy, mới xác định được con đường của đạo Phật đi từ thấp đến cao, chưa có định mà ngồi thiền nhập định là định gì? Phải có Định Thần Túc mà muốn có lực Định Thần Túc chúng ta thử coi Dục Như Ý Túc chúng ta sai được không? Bởi vì có Dục Như Ý Túc, Dục Thần Túc mà muốn phải làm được. Muốn thân mình nâng lên một thước mà thân nâng lên một thước tức là chúng ta có Dục Như Ý Túc. Mà nếu chưa có thì chúng ta biết rằng tâm mình vẫn còn có phần mưu kế nào đó, chưa được thanh tịnh trọn vẹn. Chúng ta phải ở trên Tứ Niệm Xứ mà làm cho nó sung mãn, làm cho nó tích tập hơn nữa để rồi sẽ có cái thần túc này.

(35:45) Cho nên chúng ta không quan trọng vấn đề này, chúng ta không tu tập thần thông này mà mục đích chúng ta đạt Tâm Vô Lậu mà thôi. Nghĩa là chúng ta dùng tri kiến của chúng ta quét sạch tham, sân, si chúng ta ra khỏi là đủ cho chúng ta rồi, chúng ta không cần vấn đề đó. Nhưng chúng ta thử coi năng lực của thân chúng ta coi có hay không thì chúng ta dùng pháp Như Lý Tác Ý, ra lệnh liền: “Thân này phải nâng lên một thước” thì thân bay lên một thước ngồi xếp bằng thì đó là chúng ta có thần túc, còn nếu mà không thì chưa có. Chúng ta thanh tịnh chúng ta cũng mãn nguyện nhưng chúng ta vẫn tiếp tục. Phải nghĩ rằng chưa có thần túc là còn một mầm mống của tham sân si, dù rất nhỏ.

Cho nên có Thần Túc nó mới có Tam Minh, thầy có nghe Tam Minh không, cái cuối cùng của Minh là Lậu Tận Minh, Lậu Tận Minh là lậu hoặc đã tận cùng không còn nữa thì mới chấm dứt hoàn toàn không còn tái sanh luân hồi nữa, còn một chút xíu cho nên Tứ Thần Túc không thực hiện thì Lậu Tận Minh không có. Mà Lậu Tận Minh không có thì mầm còn tái sinh chứ chưa hết, tức là mầm tham, sân, si còn; mặc dù cái mầm còn chút xíu như đất ở trong móng tay của Thầy thì chúng ta chưa hoàn thành con đường tu, tức chưa chấm dứt tái sanh. Chúng ta sẽ được hưởng phước báo trong muội lược của tất cả nhân quả, nhưng cái mầm còn nó chưa hết đâu thì một ngày nào đó hết hưởng hết phước báo thì chúng ta phải trở lại tái sanh luân hồi vì mầm tham, sân, si còn. Thầy nói cặn kẽ để thấy biết được con đường tu của chúng ta thế nào là rốt ráo và thế nào chưa rốt ráo.

(37:44) Cho nên khi tâm chúng ta hoàn toàn thanh tịnh, sung mãn, không phóng dật thì chúng ta trắc nghiệm lại mình coi thần lực của mình có đủ chưa. Điều đó là điều quý thầy phải trắc nghiệm hết, chứ không phải chúng ta tu mà chúng ta chỉ “sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người” mà không đủ để chấm dứt tái sinh luân hồi, chỉ còn một chút nữa mà chúng ta không trắc nghiệm thì chúng ta mãn nguyện ngay từ chỗ tâm chúng ta không làm khổ mình, khổ người. Sống trọn vẹn đạo đức của chúng ta như vậy cũng đủ cho chúng ta rồi nhưng chưa hẳn đâu, chúng ta phải cố gắng hơn nữa. Cho nên Thầy nhắc nhở kỹ lưỡng, tất cả những điều Thầy dạy là đem lại sự lợi ích cho mấy con thiết thực, hãy cố lên! Cố gắng mà tu tập!

Ở đây Thanh Quang có ghi cho Thầy những điều thưa hỏi thì tất cả những vật dụng tứ sự ở trên con kể cho Thầy, con đều giữ để tạm sống, chỉ bấy nhiêu thôi là đủ rồi, con không cần thêm nữa. Thanh Quang nên nhớ những lời Thầy dạy, đó là cái điều kiện cho đời sống của con, tạm đủ cho con. Cho nên vì vậy mà từ đây về sau mình không cần thêm nữa, đã đủ cho con, ai có cho thêm thì xin từ chối đừng nhận nữa, để cho mình giữ trọn vẹn hạnh tu tập của mình. Sự thật mấy con hỏi Thầy đều là những điều tốt. Cái gì mấy con không hiểu thì mấy con hỏi Thầy để mấy con hiểu, hiểu để mà tu tập.

(39:28) Như những lời mà Pháp Ngộ hỏi Thầy, đó là những điều mà Thầy đã trả lời cho con để con hiểu rằng Định Vô Lậu rất là quan trọng. Trong thời đức Phật không có nhưng mà theo Thầy thiết nghĩ qua câu hỏi của con, để làm sáng tỏ được sự tu tập của các con. Vì thời đức Phật giảng như vậy ta thấy toàn là văn nói, cho nên thậm chí như dù là Tạng kinh có sửa nhiều để trở thành văn viết nhưng vẫn còn dạng của văn nói. Đồng thời, khi điều kiện đức Phật kêu từng người đến dạy thì làm sao ông A Nan nghe mà kết tập được con.

Như bây giờ các con sai, Thầy chỉ gửi giấy cho các con biết rằng Thầy sẽ mời các con đến Thầy dạy cho các con, thì ông A Nan có chỗ đó được không? Các con hiểu điều đó. Cho nên đức Phật ngày xưa cũng thương các con, thương đệ tử của mình cũng như Thầy hiện giờ thương như vậy, thì chắc chắn là giúp đỡ cho đệ tử của mình. Như các con nghe câu chuyện của ông Châu Lợi Bàn Đặc, đức Phật đi ngang qua cái thất của ông Châu Lợi Bàn Đặc; ông ta bị người anh của ông ta, người anh cũng đi theo tu rồi mới dạy ông ta, kềm ông ta, mới cho ông ta học cái bài kệ. Ông đọc hoài không thuộc. Ông Anh ông dọn bài, ông không thuộc cho nên ông anh mới: "Mày ngu quá, mày tối quá, thôi mày đi về đi chứ mày tu hành cái gì, mày ở đây mày làm tao cực quá. Dạy mày có nhiêu đó mày không thuộc". Đó là ông anh của ông Châu Lợi Bàn Đặc rầy ông em. Khi bị rầy vậy cuối cùng ông thấy mình tối tăm quá, ông anh nói vậy, ông tủi thân quá ông khóc; nhưng không ngờ ông Phật đi ngang qua nghe tiếng khóc của ông Châu Lợi Bàn Đặc, các con hiểu không vì số chúng đông quá chứ đâu phải ít nhưng đức Phật đều đi quan sát coi chúng Tỳ Kheo tu hành ra sao.

(41:26) Cho nên đi ngang qua của cái thất của ông Châu Lợi Bàn Đặc, nghe tiếng khóc đức Phật mới vào thất mới gọi ông Châu Lợi mới hỏi: "Sao con lại khóc” Ông Châu Lợi Bàn Đặc mới thuật lại “Con tối tăm quá, mà như vậy con tu không được nên con tủi thân con quá. Chắc con phải về chứ con ở đây anh con không cho”. Ông Phật mới kêu Châu Lợi Bàn Đặc đến thất của Phật. Thì lúc bây giờ, như vậy ông A Nan có không, đâu có được nhưng mà những bài này quá súc tích, quá hay nên vì thế không phải ông A Nan kết tập bài kinh này, mà chính ông Châu Lợi Bàn Đặc hoặc là một người nào được kể lại hoặc là ông anh của ông Châu Lợi Bàn Đặc thuật lại bài kinh này.

Bởi vì chính bản thân người đó được trực tiếp đức Phật dạy riêng, làm sao ông A Nan nghe mà nói rằng “Như thị ngã văn nhất thời”, có ông A Nan chỗ đó không mà nghe. Đó mình đem câu chuyện đó ra mình thử, chứ bây giờ ông A Nan có nghe không? Mà tại sao lại có bài kinh này? Cái bài kinh này tức là ông Châu Lợi Bàn Đặc phải thuật lại là một. Cho nên kinh sách chúng ta còn phải nghiên cứu lại chứ đâu phải bài nào cũng nói “Như thị ngã văn nhất thời”. Đâu có thể được. Thầy nói như vậy đủ biết rằng đức Phật rất là thương chúng Tỳ Kheo, đệ tử của mình không bỏ sót một người nào.

(42:48) Thầy nói câu chuyện đời sống của đức Phật. Một hôm đức Phật đi ngang qua một thất nghe hôi thối. đức Phật đi đến thất đó thấy một vị Tỳ Kheo bệnh, đi đứng không được, ỉa đái một chỗ. Đức Phật đem nước lau chùi, tắm rửa vị Tỳ kheo đó, mới thay đồ thay đạc cho vị Tỳ Kheo đó. Do bài kinh đó đức Phật mới nói: "Chăm sóc một người tu thì cũng như chăm sóc Phật", khuyến khích cho các vị Tỳ Kheo khác khi một người bạn mình đau bệnh không có người chăm sóc mình nên chăm sóc. Mà chăm sóc một vị tu hành thì cũng như chăm sóc Phật.

Các con biết những mẩu chuyện nhỏ như vậy thì đâu phải là chuyện ông A Nan nghe. Nhưng chúng ta cũng được đọc câu chuyện này chúng ta thấy thấm thía tình thương chan hòa của đức Phật. Đức Phật không kiêng khi thấy một vị Tỳ Kheo bệnh đau, ỉa đái tại chỗ hôi thúi như vậy, thì đức Phật vô giúp đỡ liền. Nhờ đó đức Phật họp chúng lại mới nói vấn đề này cho mọi người nghe. Từ đó về sau các vị Tỳ Kheo ở gần nhau đều chăm sóc lẫn nhau, không ai bỏ mặc ai. Những mẩu chuyện như vậy làm chúng ta cũng thấm thía cuộc sống của chúng ta lắm. Nên Thầy thiết nghĩ làm sao Phật giáo chúng ta có một bệnh viện để mà giúp đỡ cho những người tu.

Đó là ước vọng của Thầy rất lớn. Từ khi Thầy còn nhỏ thầy đã nghe Giáo Hội lo điều này nhưng tới giờ khi thầy sắp sửa ra đi; bảy mươi tám, bảy mươi chín tuổi rồi mà cái bệnh viện cũng chưa có. Thầy ước ao đời sống của Thầy làm sao Thầy thành lập được ước nguyện này, để giúp cho tu sĩ có chỗ chăm sóc, có bạn bè chăm sóc, các tu sĩ tới lui mà không ngại ngùng. Còn chúng ta là những tu sĩ nằm bệnh viện rồi các tu sĩ khác đến chăm sóc, rất là ngại ngùng, rất khó. Cho nên Thầy ước ao điều đó.

(44:56) Còn bài của Thiện Thảo, ở đây có Thiện Thảo không mấy con. Chắc là không có. Thiện Thảo mê định quá, nhưng rất là nguy hiểm. Đây là Thiện Thảo viết bài thuật lại sự tu hành, coi như là sắp sửa chứng quả A La Hán. Thiệt ra thì, thường thường là những người chứng quả A La Hán sau khi nghe đức Phật thuyết giảng một bài pháp là người đó chứng đạt Pháp Nhãn Thanh Tịnh là nhiều nhất. Còn chứng quả A La Hán thì phải có thời gian tu tập, chứ chưa phải nói là chứng liền. Nhưng có chỗ kinh thì cũng nói khi nghe bài Pháp là chứng quả A La Hán.

Chúng ta cứ nghĩ rằng ông ta tu tập, không phải đâu mấy con. Tại cái trí tuệ và sự tu tập nó đã xả tâm nhiều rồi, thành ra nó viên mãn rồi. Là do tu sai nhưng mà vẫn có cách thức tu tập xả tâm như sống đời sống giới luật, giới hạnh nghiêm chỉnh, khổ hạnh. Người ta buông xả hết, người ta đâu còn ham thích. Nhưng mà nghe đức Phật nói hoặc là người ta đã chứng. Cũng như năm anh em Kiều Trần Như khi nghe đức Phật thuyết pháp Tứ Diệu Đế thì ngay đó chứng Pháp Nhãn hết. Năm người đều chứng Pháp Nhãn Thanh Tịnh. Tức là "Thấy biết như thật đó".

(46:14) Cho nên chúng ta nghe Tứ Diệu Đế, nhưng mà chúng ta hiểu biết; chúng ta có hiểu biết nhưng chứng Pháp Nhãn Thanh Tịnh chúng ta chưa hiểu biết. Tại sao? Tại vì chúng ta còn thấy tham ăn, còn thích uống, còn thích ngủ, còn thích nói chuyện. Chúng ta thấy cái người mà chứng Pháp Nhãn trong lịch sử của La Hầu La. Ông còn nhỏ tuổi ông đi theo Đức Phật để khất thực. đức Phật đi trước, ông đi sau. Đức Phật nói: "Thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta". Thì ông hỏi còn cái tâm thì sao? Đức Phật nói cũng không phải. Ông mới nói: "Vậy thôi! Phật đi khất thực, con về". Đó là chứng Pháp Nhãn Thanh Tịnh rồi đó.

Còn chúng ta có làm được vậy không cho nên chúng ta chưa chứng Pháp Nhãn Thanh Tịnh. Chỉ nghe một lời nói mà đã như vậy "Nếu thân này không phải là ta, là của ta và tâm này không phải là ta thì ăn để làm gì đi nữa? Đi xin để làm gì đi nữa? Còn tham ăn ngon hoặc dở sao?”. Chúng ta đọc bài giáo giới La Hầu La, cái bài kinh đó để chúng ta thấm thía lịch sử của La Hầu La.

Cho nên ở đây Thầy thường khéo léo nhắc nhở khuyến khích qua những mẩu chuyện như vậy để khích lệ chúng ta tinh tấn xả bỏ tất cả. Cuộc đời này có gì đâu cha mẹ, vợ chồng, con cái, đều là nhân quả có gì đâu vay nợ nhau mà gặp nhau trong kiếp này. Nếu mà không khéo thì kiếp khác còn gặp nhau nữa. Trả vay, vay trả biết chừng nào hết mấy con? Không những một người trả vay, vay trả mà nhiều người trả vay vay trả. Các con thấy Nhân quả thảo mộc một quả có nhiều nhân, một nhân có nhiều quả, đâu phải một quả đâu. Cho nên chúng ta cứ nghĩ rằng Ái Kiết Sử chúng ta trói buộc chúng ta để rồi chúng ta trôi lăn trong nhân quả, trong lục đạo này mãi sao?

(48:11) Chúng ta thương cha mẹ là chúng ta phải nỗ lực tu, để chấm dứt nhân quả này để cứu mẹ, cứu cha mình ra khỏi nhân quả. Cha mẹ mình có biết được nhân quả đâu, còn đắm đuối theo quy luật của nhân quả đang lôi cuốn trong vòng dục, có phải không mấy con? Cho nên vì vậy mà thương cha mẹ mình, mình phải nỗ lực mình tu, tu hết sức mình để cứu cha mẹ mình. Đấy là đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục, khổ công nuôi mình được cái thân này; hôm nay nhờ đó mà mình tu tập thì mình phải trả ơn bằng cái ơn cao cả đó, chứ bằng cái ơn mà làm có tiền mua thực phẩm cung cấp cho cha mẹ ăn là còn tạo thêm tội lỗi của cha mẹ mình nữa, thì có lợi ích gì. Cho nên vứt bỏ hết mà nỗ lực tu một đời này, một thời gian này cho được giải thoát thế mới là quý.

Còn Thiện Thảo tại vì không có mặt ở đây cho nên cứ nghĩ rằng chúng ta sẽ ngồi nhiếp tâm không vọng tưởng, tâm thanh thản an lạc vô sự sẽ chứng đạo. Mà cứ ngồi hoài như vậy thì thử hỏi ích lợi gì cho đời. Mà xả ra thì đụng, mặt đỏ bừng bừng như thế nào thì mấy con biết. Ở trong thất thì có ai đụng đâu, ngồi thanh thản, an lạc sung sướng quá nhưng đi ra đụng coi, gặp cô Út cho một trận tan tành xí quách, đâu còn cái chỗ nào mà kể. Thật sự, nếu quả chăng Thiện Thảo đã chứng đạo Thầy sẽ nói cô Út cho vô thất một đòn, thì chắc chắn coi thử coi quả A La Hán ở chỗ đó hay ở chỗ nào cho biết, có phải không?

Sự thật ra đức Phật dạy chúng ta, nhờ tri kiến của chúng ta mà người ta nói gì mình bất động được. Chứ không phải ngồi thanh thản an lạc vô sự được, đâu phải, các con hiểu không? Cho nên muốn đẩy lui những chướng ngại pháp trên thân tâm đều hoàn toàn trên tri kiến giải thoát của chúng ta. Đó là tu Tứ Niệm Xứ, giữ cái tâm mình bình thường, bất động. Giờ ngồi đó nghe an lạc quá trời, rồi giờ cỡ mà mất cái an lạc đó rồi chúng ta lấy cái gì mà chống đỡ đây. Hay là ta cứ ngồi đây an lạc hoài thì nó thành cây đá làm sao. Cho nên cái này là cái tu sai.

Thật sự ra viết mà tám trang giấy mấy con, tám trang giấy học trò như thế này thì mấy con thấy quá nhiều; mà nói về vấn đề tu tập nhiếp tâm, an trú tâm; thiệt ra Thầy nói nếu không khéo nó sẽ đi mất. Nó khó lắm chứ không phải dễ. Cho nên đừng đi vào con đường đó, chỉ khi nào mấy con thấy tâm ly dục, ly ác pháp bằng con đường giới luật nghiêm chỉnh thì chúng ta mới tiến tới.

(51:03) Hôm nay Thầy nhắc nhở quý thầy. Những gì mà Thầy cho quý thầy thì quý thầy nhớ tập. Những gì chưa cho mà quý thầy tập là quý thầy tự giết mình chết đó. Con đường đó đã chứng minh nhiều người đã bị tưởng rồi đó. Ở đây ngồi trước mặt Thầy có nhiều người bị tưởng. Cũng do nhiếp tâm, do đừng cái vọng tưởng đó mà nó rơi vào những trạng thái tưởng, ngồi lúc lắc như lên đồng đó, chứ không phải sai đâu. Cho nên sự tu tập chỉ có Thầy, Thầy hướng dẫn mấy con mới dẫn đường mấy con đi tới nơi tới chốn. Nếu không có Thầy thì chắc chắn mấy con sẽ chuyển qua cái kiểu tu của mấy con thì mấy con tự giết mình chết đó.

Sau khi kiểm tra lại cái phần Thầy có thấy một số người được Thầy dạy riêng đó là Minh Trí, bác Phước và Quyên Tịnh, Thiện Trí. Mấy người đó sẽ được gặp Thầy riêng để Thầy dạy thêm mấy điều cần thiết mấy con, những người đó phải cần. Còn các con và những người khác, cứ tu tập bình thường. Còn những người mà Thầy ghi tên, những người này được Thầy dạy riêng để giúp đỡ, nâng đỡ thêm, đặc cách cho họ. Hoặc là theo kịp các bạn, hoặc là họ tu cho nó được, để không uổng cuộc đời của họ được theo Thầy mà không được chăm sóc kỹ rất tội nghiệp cho những người này.

Cho nên vì vậy, bác Phước thì già rồi, Thầy cũng sẽ sắp xếp cho các bác lớn tuổi sẽ vào một cái lớp mà Thầy sẽ dạy cho vừa với sức. Các bác mà thức đêm thức khuya như tuổi trẻ thì chắc chắn là tiêu mau, nó chết mau hơn. Thay vì mấy bác sống được năm năm nữa mà cứ riết thì chắc chắn nó thu lại còn hai năm, thì nó nhập Niết Bàn lại sớm quá.

(53:01) Cho nên vì vậy Thầy sẽ sắp xếp lớp của các bác lại và cho vào riêng 1 lớp, và những người mà được Thầy gọi tên các con cũng nên gặp riêng Thầy trong cái ngày nào đó để thầy giúp đỡ sự tu tập. Thay vì Thầy cứ để chung một lớp như vậy thì Thầy đỡ lắm, nhưng mà Thầy không nỡ tâm để cho mấy con tu không được. Thầy cứ lướt qua người nào tu được thì Thầy cứ dắt tới thôi còn người nào không tu được thì Thầy cứ để lại thôi như vậy thì rất tội cho họ. Người ta cũng quyết tâm người ta cũng bỏ hết cuộc đời tu. Trừ ra mấy con không có theo tu thôi, chứ còn mấy con còn theo tu thì Thầy không bỏ người nào hết. Dù mấy con liệt tuệ cách gì thì Thầy cũng không bỏ. Trong số người tu tập thì có Pháp Châu con cũng cần gặp riêng Thầy, Thầy sẽ giúp đỡ con.

Rồi ở đây Thầy còn kiểm tra lại kỹ lưỡng hơn để rồi Thầy sẽ gặp lại những người nào cần thiết Thầy sẽ bổ sung thêm. Coi như là mình phải học thêm những cái phần nào nữa để một là theo kịp bạn bè tu học, hai là mình không có bỏ dở cuộc tu; mình cứ thấy mình tu không được là mình muốn thối chuyển, mình muốn bỏ, mình lui bước. Chừng nào mà Thầy hết sức, hết sức có thể lôi mấy con mà lôi không nổi Thầy mới đành buông thôi. Nghĩa là Thầy đành buông mấy con trôi theo dòng đó, từ đó kể như mấy con bị dòng nước cuốn thì Thầy đành chịu rồi. Thầy lôi không nổi chứ còn Thầy còn sức Thầy lôi nổi thì thầy sẽ lôi mấy con lên hết, không bỏ người nào. Mấy con nhớ ráng mà đưa tay chứ mấy con chết đuối mà không chịu đưa tay Thầy không biết cái tay đâu mà Thầy vớt mà Thầy lôi lên thì chỉ chết chứ không thể sống đâu.

(55:01) Nhớ kỹ Thầy là người đang đưa tay cứu những người đang chết đuối đó. Mấy con nhớ cố gắng như thế nào để mấy con ngoi lên, thứ nhất là thấy được cái đầu của mấy con, thứ hai là thấy được cái tay đặng Thầy nắm Thầy lôi vào bờ, chứ còn không khéo thì mấy con sẽ tiêu đó.

Những người mà Thầy khuyên hãy ráng cố gắng vượt lên, cố gắng làm bài mấy con, cố gắng để triển khai tri kiến của mình. Rồi Thầy sẽ giúp đỡ mấy con nhiều hơn nữa để mấy con ráng được thân này, giải quyết về cái phần những điều kiện cần thiết của những tư tưởng mấy con, có những điều kiện mà nó không đúng đâu.

Rồi đây là những cái bài mà Thầy xin trả mấy con. Trong những bài của mấy con thì Thầy đều có ghi nên làm bài nhân quả thân hành. Cái người nào mà làm bài nào thì Thầy có ghi trong này do đó bây giờ các con bắt đầu qua nhân quả của con người, cái bài về nhân quả con người là những bài đi vào con đường vô lậu, thật sự vô lậu mấy con. Cho nên cẩn thận kỹ lưỡng làm sao để thầy chấm cho mấy con được đậu, làm sao mà Thầy chấm mấy con rớt thì mấy con ráng cố gắng chấm cho đúng vào, nghe lời như hồi đầu mà Thầy giảng. Khi mà nói về nhân quả con người, đầu tiên chúng ta nói về đường đi của nhân quả.

Như Thầy nói phải lấy Thập Thiện, Thập Ác mà làm đường đi của nó. Nói trong Thập Thiện, Thập Ác thì mấy con sẽ không nói sai. Rồi kế đó mấy con sẽ làm bài nhân quả thân hành của con người. Thân hành là cái hành động đi mà đạp con ốc chết thì cũng coi chừng, đó là nhân quả đó mấy con. Một là con ốc trả quả, hai là mấy con gieo nhân ác vô tình giết hại chúng sinh, có trong Kinh Pháp Cú.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy