20090801 - GAN DẠ TU TẬP - PHẬT TỬ HÀ NỘI
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 01/08/2009
Thời lượng: [39:20]
Nghe pháp âm: https://youtu.be/LNKpnQ4zSME
Trưởng lão: Tu hành được cái gì chưa con? Nó an ổn không?
Phật tử: Dạ, con bạch Thầy! Tai con bây giờ cứ nghễnh ngãng ạ.
Trưởng lão: Vậy phải ráng lo tu nữa chứ!
Phật tử: Dạ, con bạch Thầy! Gần hai năm nay con mới lại được có phước để vào trong Tu viện được đảnh lễ Thầy. Con vì trong thời gian con cứ bị yếu mệt, mà con sợ con vào thì con không giữ được giới luật. Dạ, con cứ e ngại.
Nhân dịp này là con trai của con ở ngoài này, ngoài thành phố ạ, con vào lần này không biết sao cảm thọ nó lại hành. Con lại ở lại mất một tuần ở ngoài đấy, càng ngày con càng mệt thế này. Hôm nay con vào con lại được gặp Thầy ngay, con thật mãn nguyện, thật hạnh phúc cho con quá!
Trưởng lão: Thầy nghĩ rằng nếu con biết cái pháp Thầy dạy đó, con đừng…
Phật tử: Con mạn phép Thầy…
Trưởng lão: Đừng sợ con!
Phật tử: Thầy cho phép con thêm cái, không biết tại sao con tu, nhiều khi con cố gắng hết sức ạ, mà cảm thọ nó cứ hành kiểu này kiểu khác rồi hôn trầm, vọng tưởng. Chắc là nghiệp con quá nặng.
Trưởng lão: Cũng có nặng, nhưng mà điều kiện con chắc có lẽ là tu con chưa có được nhiếp tâm, chưa được nhuần nhuyễn đó con. Sự thật khi nhuần nhuyễn được rồi thì tác động con không được nữa. Nó đánh vô thân con vì tâm con bất động, vì cái ác pháp nó tác động vô, bởi vì nó động vô con cái, con bị động.
Mục đích con lo chạy vì thấy nó nhức chỗ này, đau chỗ kia. Con chỉ giữ tâm bất động vượt qua cái khổ đau đó nó sẽ, cứ mạnh dạn cho gan dạ, cho ý chí dũng mãnh thì con mới vượt qua cái nghiệp, nó mới chuyển được cái nghiệp con.
(2:00) Cho nên Thầy dạy mấy con giữ tâm bất động. Mà trước khi muốn giữ tâm bất động thì mấy con nhiếp tâm an trú trong hơi thở. Nhiếp tâm an trú được trong hơi thở chính là thở ra biết ra, thở vô biết vô chứ gì, thì mấy con tác ý: "Hít vô, tôi biết tôi hít vô, thở ra, tôi biết tôi thở ra", dừng để ý thức mất.
Mà nếu mà con cứ nhiếp hơi thở ra vô mà con không tác ý, thì cái tưởng nó sẽ làm việc, cái ý thức nó bị mất, cái tưởng làm việc thì con rớt trong Không.
Còn con tác ý: "Hít vô, tôi biết tôi hít vô, thở ra, tôi biết tôi thở ra" rồi hít vô thở ra năm hơi thở, rồi lại tác ý. Cứ tác ý là cái ý thức mình giữ theo cái pháp đó, cứ tác ý như vậy, mình tu như vậy hoài, đó gọi là nhiếp tâm. Mà khi mà nhiếp tâm như vậy, mấy con còn vọng tưởng, hôn trầm, thùy miên, buồn ngủ đó thì lúc bấy giờ nó lặng nó sẽ an trú.
Mình tập tác ý một lần hít thở ra vô thì nó sẽ an trú, không cần tác ý nhiều lần, lúc bấy giờ con an trú. Mà con an trú được rồi thì bệnh, không có tác ý, không có hít vô thở ra được, nhưng mà tại từ lâu tới giờ con tu mà nó chưa có kết quả đó con, cho nên cái nghiệp nó còn tác động được, nó làm cho thân con bị đau nhức chỗ này chỗ kia.
Khi mình vô đây mà Thầy dạy chừng năm sáu tháng nhiếp tâm, an trú được rồi "Tao cho mày vô đi!. Vô chỗ nào được hết!” Cái tâm của mình nó bất động nó vô không được. Nó vô được là do cái chỗ cái tâm của mình, nó tác động được mình thì nó phải đau nhức, mà tác động không được đau nhức thì nó không có vô. Đơn giản quá!
Phật tử: Dạ con bạch Thầy! Cái câu Thầy dạy các con là: "Giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự", câu đó lúc nào luôn luôn ở trong đầu óc con. Thì những khi đi, đứng, nằm, ngồi hoặc nghỉ ngơi con cũng cứ tác ý câu đấy ạ, thì có được…
Trưởng lão: Như vậy thì đúng quá rồi. Nhưng mà khi nó có đau nhức chỗ nào: "Kệ mày, chết bỏ, tao không sợ, tao chỉ biết tâm bất động". Con cứ giữ tâm bất động thôi, còn cái đau đó thì kệ nó, vậy chứ mà nó không đau được.
Còn con hễ đau cái con bị bung ra, hễ con bung ra cái con đi lo con uống thuốc này kia nọ, xoa bóp hay này kia thì con bị bung ra rồi, phóng dật rồi, thì nó sẽ đau hoài. Coi như là biết mà không có nhiếp được.
Giờ con thấy Thầy không có bao giờ bệnh mà tác động được Thầy đâu, nó vô cái Thầy bất động cái là nó rút vó nó chạy mất. Còn mấy con vô bất động không được, đau quá nhịn không nổi. Nói thì được bất động: "Bất động tâm thanh thản, an lạc, vô sự", nói được, nhưng mà sống ở trong đó không được.
Còn Thấy thì nói được, sống được, cho nên mấy anh mà đau bệnh nhức nhối chỗ nào đều là mang gói chạy hết. Anh vô đâu có được chỗ của Thầy ở. Cuối cùng Thầy, có gì đâu con, con ngồi đây nghe Thầy nói để mà ráng tu. Trời ơi! Tuổi con, sắp chết rồi phải không?
Rồi. Cái gì hả con? Cũng sắp chết rồi, phải ráng lo tu chứ! Không tu ai cứu con?
(05:09) Phật tử: Dạ, vâng ạ! Con biết vậy ạ. Con bạch Thầy! Con luôn luôn nghĩ đến chết. Con bạch Thầy! Con cứ nhắc tâm con là không biết tại sao con khó quá, khó tu. Tuổi con thì có thể, con lạy Phật, con đội ơn Phật, ơn Thầy nhiều lắm ạ, thật tâm con như vậy! Nếu không thì giờ này, ngày này, tháng này, năm này thì một là con chết rồi, hai là con nằm đấy kêu rên, cái nghiệp của con nặng như núi đá.
Thế mà may con được pháp của Phật, của Thầy con mới được như thế này. Dù con có tu được ít đi nữa thì con mới được như thế này. Không thì giờ này, ngày này, tháng này, thì một là con đi rồi, hai nữa là con nằm đấy kêu rên, con không được như thế này.
Trưởng lão: Đúng vậy đó con, có pháp nó cũng đỡ đó. Nhưng mà phải cố gắng hơn một chút nữa thì con thấy khỏe.
(06:02) Phật tử: Dạ, con bạch Thầy! Thế là con cảm thấy con cũng có hạnh phúc ạ. Tuần vừa rồi nó đánh con đủ mọi mặt, con không thể nào con dậy, con ngồi được. Hôn trầm với lại mệt mỏi nó đánh, con không có ngồi được nổi đến mười lăm, hai mươi phút. Bà bạn con bảo là: "Thôi cứ ngồi mười lăm phút tác ý tâm bất động, với lại đi Thân Hành Niệm ba vòng hay gì thôi."
Sáng vừa rồi, hôm nay là con thức dậy từ lúc hai giờ kém ạ, một rưỡi đến hai giờ rưỡi con dậy, con nằm xuống mệt mỏi, con nằm nghỉ. Xong đến hai rưỡi con dậy thì con đi Thân Hành Niệm được đúng được sáu vòng hai lần, với lại hai lần con ngồi tâm bất động được có mười lăm phút ạ.
Trước đây thì con ngồi hai mươi phút, hai nhăm phút, nhưng mà tâm con nó không được tĩnh lúc nào cả.
Trưỡng lão: Ngồi nhiều xả tâm không được.
Phật tử: Mặc dù Thầy dạy các con mười lăm giây thì tác ý một lần, thì con cũng mười lăm giây nhưng nó cứ ở đâu nó đến, vọng tưởng nó cứ ở đâu nó đến ạ. Con bạch Thầy, nó cứ phá con như thế đủ kiểu nó phá con.
(07:17) Trưởng lão: Đúng rồi, bởi vì cái đó, cái ở đâu mà nó cứ đến liên tục như vậy đó, cái vọng tưởng với cái hôn trầm, thùy miên mà nó đến với con đó, thì con cứ ôm pháp Thân Hành Niệm, con đi hoài, đi suốt đêm, cho nó vô trong đó, nó không bị hôn trầm, thùy miên. Thì có đi năm ba phút, mười phút, rồi cái ngồi đó luôn giữ tâm bất động. Đi hoài, đi cho nó chết.
À, con ôm pháp Thân Hành Niệm con cứ tác ý: "Giở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, hạ gót xuống, chân mặt bước, giở chân lên,…" Cứ như vậy con tập hoài, hoài, hoài, hoài.Chừng nào mà con thấy hoàn toàn tỉnh thức rất tỉnh, thì nghỉ chút. Mà nghỉ chút mà thấy nó lờ đờ, tao ôm pháp Thân Hành Niệm tao dập liền, dập riết.
Mà con ngồi mà con thấy nó có niệm, nó khởi liên tục vậy, cũng ôm pháp Thân Hành Niệm dập. Nhờ cái thân hành nó như bánh xe, nó cán, cán nát hết, cán hôn trầm thùy miên rồi cán những cái vọng tưởng con hết.
Cái pháp đó là cái pháp mà tu chứng đạo mà. Cho nên Thầy để trong cái tập sách "Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào", phải dùng pháp môn Thân Hành Niệm. Chứ còn ngoài pháp môn Thân Hành Niệm con giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự mà buồn ngủ thì làm sao mà giữ được, phải không?
Mà ngồi đây nó cứ vọng tưởng hoài làm sao nó yên đâu mà bất động. Chỉ có pháp Thân Hành Niệm lấy thân hành mà cán nó, thì nó sẽ bị chết. Phải không? Con à, con nghe lời Thầy đi, siêng năng chút đi, đừng có lười biếng.
Nó bắt mình lười biếng, nó bắt mình mệt mỏi, nó làm cho mình không có muốn ôm pháp Thân Hành Niệm. Nhưng tao cho mày chết, tao nhất định tao siêng năng tao ôm pháp Thân Hành Niệm, tao đi suốt đêm cho mày biết! Con đi suốt đêm, nó chết tiêu ngay liền.
Phật tử: Dạ, con bạch Thầy, nếu mà con đi như thế con mệt lắm ạ!
Trưởng lão: À vậy cho chết luôn, con mệt con cho nó chết luôn! Nó không có chết đâu, nó làm hù cho con sợ vậy đó. Lừa con, ở trong tâm con thấy nó mệt mỏi, uể oải: "Chắc mình đi riết thế chắc chết. Thôi bây giờ cho chết, tao ôm pháp". Chết ở trong pháp nó chứng đạo, còn chết ngoài pháp nó đi tái sinh luân hồi. Con hiểu không?
Phật tử: Dạ, vâng ạ. Con bạch Thầy! Nhiều khi con mệt quá, thế con nằm con đuổi bệnh, con đưa tay ra đưa tay vào, con cảm thấy nó cứ mơ màng, chả có…
Trưởng lão: Nó đâu có tỉnh. Nó đâu có tỉnh làm đó nó lơ mơ. Chỉ có đi kinh hành nó mới không có lơ mơ, nếu mà nó lơ mơ nó té nó sao, nó buộc mình phải ráng tỉnh. Con nghe lời Thầy đi, đừng sợ, không có chết đâu!
(09:39) Phật tử: Con bạch Thầy là có bà bạn con bảo con là tu Thân Hành Niệm, người ta tu cao rồi ạ. Nhưng mình thấp lè tè còn tham, sân, si ngút ngàn mà tu Thân Hành Niệm thì nó đánh cho ạ. Thế là…
Trưởng lão: Con cứ đánh, con cứ ôm pháp Thân Hành Niệm, nó dẹp con. Đừng có nghe mấy bà đó! Càng tao mới vô tu thì tao phải lo tu Thân Hành Niệm để nó tỉnh giác, nó tỉnh thức chứ. Còn không tu cái pháp này nó cứ lờ mờ, lờ mờ rồi nó lười biếng, nó tập cho mình thành lười biếng, thành ra tu cầm chừng, không tới đâu.
Ôm pháp Thân Hành Niệm, cái hễ mà con thấy này nó có hôn trầm thùy miên này, nó có vọng tưởng, thì cứ ôm pháp Thân Hành Niệm tu hoài. Rồi nó mệt nó nhọc gì thì tao cũng tu, tu hết mệt nhọc luôn. Tu riết rồi nó thoải mái, nó làm cho cơ thể nó khoan khoái, nó thích tu nữa. Còn tu mà nghe nó mệt nhọc, đó là nó làm cho con lười biếng.
(10:30) Phật tử: Dạ, vâng ạ. Con bạch Thầy! Ôi, hôm nay thật may mắn cho con, hạnh phúc cho con! Con vào con được gặp Thầy ngày thế này, con cứ ao ước bao nhiêu thời gian. Mà con cứ nghĩ bảo đi vào trong đó, bây giờ càng toàn những tu cao mà sức mình yếu thế này, nhỡ phạm nội quy với lại ăn ngủ thế này.
Dạ con bạch Thầy! Bây giờ con thành thói quen là con chín giờ con đã đi nghỉ, đến là ba giờ, nhiều khi con hai giờ, hơn hai giờ hoặc một rưỡi, thì con cũng cứ đến giờ tu con mới lại nghĩ đến tu, còn con cứ nằm nghỉ ngơi ạ. Giờ thành thói quen như vậy.
Trưởng lão: Không có, bây giờ con thói quen con cũng không lo đâu. Vô đây, tại vì, cái mười giờ đi ngủ được thì người ta sắp xếp cái thời gian cho cái người mười giờ, còn con bây giờ chín giờ đi ngủ thì người ta sắp xếp cho thời khóa theo chín giờ đi ngủ. Phải không? Mà hai giờ dậy chưa được, người ta sắp xếp cho ba giờ dậy.
Chứ đâu mà ai để bắt mấy con mà dữ vậy, bây giờ nó chưa có tập tỉnh giác, nó chưa có phá được những hôn trầm thùy miên được, ai cho đâu mà tập dữ vậy cho chết. Người ta sắp cái thời khóa cho vừa đúng sức mình, để cho mình trong thời gian đó mình tu chuyên có một pháp nào đó, người ta dạy cho mình để mình dập phá nó.
Chừng đó mình thấy cái sức mà tỉnh táo, cái sức mà hôn trầm thùy miên nó hết rồi, thì bắt đầu người ta tăng dần lên. Người ta sẽ tu ngày đêm người ta không cần ngủ nữa chứ ở đó. Người ta tu từ từ theo cái đặc tướng, theo cái sức của mình. Còn bây giờ con muốn theo thời khóa của mấy người kia, mình tu vậy, mình tu mình ức chế, mình chết đó. Đâu có được.
Phật tử: Dạ vâng ạ, Thầy cho phép con.
(12:12) Trưởng lão: Mình phải lập thành cái thời khóa của mình. Rồi mình tu được rồi mình sẽ bằng thời khóa của người ta. Rồi mình tu hơn nữa, thì mình hơn cái thời khóa của người ta, có gì đâu. Lần lượt tu riết làm chủ được sự sống chết.
(12:23) Phật tử: Dạ con bạch Thầy! Hơn một năm, gần hai năm vừa qua, thì được một năm tới vừa rồi, cho Ninh Bình, con thì con thưa xuống thường xuyên ạ. Con bạch Thầy là con cũng, gia đình con và tâm con, con cũng xả bớt được cái tâm tham, con cũng phát tâm được tới đó, con cũng dâng Thầy một bài văn viết về trung tâm ạ. Rồi con có dâng Thầy một lá thư, dạ Thầy có nhận được cho con ạ!
Trưởng lão: Có nhận hết.
Phật tử: Dạ vâng! Thế là con cứ xuống dưới đấy. Thế bây giờ con bạch Thầy là, con có tí nghĩ đến, con có tí phiền não, vì sao khó khăn, chúng sinh ngoài Bắc các con sao lại kém phước duyên vậy? Được như thế rồi mà bây giờ lại phá không thành đạt, con bạch Thầy!
Trưởng lão: À, cái đó là cái phước của miền Bắc. Phải chi ở Ninh Bình mà xây dựng được, đừng có bị những cái điều kiện mà cái lỗi nho nhỏ mà Nhà nước bắt lỗi mình, thì chắc chắn là ở ngoài Bắc nó có cái cơ sở để mấy con được gần mấy con đến. Đó là cái phước, mà bây giờ cái phước nó không có nữa, nó khiến vậy.
Bây giờ con, bây giờ ở đó mà mấy con bây giờ xây dựng mà không làm lỗi gì hết, nhưng người ta muốn dẹp, người ta cũng dẹp được. Bởi vì người ta chính quyền, con hiểu không, hiểu chưa? Cho nên vì vậy mình phải thấy đây là cái phước, cái nhân quả ở miền Bắc nó chưa được, cho nên nó khiến cho mấy con phải đi xa xôi, nó tốn hao tiền bạc nhiều. Người mà có tiền mới đi được chứ người không có tiền làm sao vô trong Nam được.
Mà lại có thân nhân trong Nam mới vô được, chứ còn cỡ không có người thân làm sao người ta vô được, cho nên rất là tội. Thầy muốn miền Bắc có một cái một cái nơi để cho mấy con về được ở đó mà tu tập. Thì ở Hà Nội mà vô đó nó phải gần phải không, mà vô tới miền Nam thì xa quá.
Nhưng rồi chắc chắn là Thầy thấy một ngày nào đó chắc nó cũng phải được thôi, nó cũng phải được thôi. Nó không được ở Ninh Bình thì nó cũng sẽ được ở cách Hà Nội chừng khoảng độ năm chục cây số hoặc là hai mươi cây số. Từ trung tâm Hà Nội đi ra đó thì khoảng độ năm mươi cây số, mười cây số vậy thì nó có thành lập một cái cơ sở.
Thì cái cơ sở đó, thí dụ như bây giờ chắc mình cứ lấy một cơ sở của một cái chùa Đại Thừa, rồi Giáo hội ủng hộ mình, thì lúc bây giờ mình dạy đường lối tu tập theo kinh sách Nguyên Thủy. Khi có ai nói tôi thì tôi thuộc về Giáo hội Phật giáo, nhà nước công nhận Giáo hội Phật giáo là một tôn giáo ở trong đất nước này thì làm gì người ta dẹp mình.
Còn bây giờ cái Trung tâm An dưỡng, nó đứng ở đây người ta nó không biết nó an dưỡng mà nó dựa vào cái tôn giáo nào hay hoặc là nó dựa vào hệ phái nào, thì Nhà nước người ta lo chứ sao.
(15:24) Phật tử: Dạ, con bạch Thầy, cái thời gian này ở Ninh Bình như thế, con bạch Thầy tương lai nó có hồi lại không hay là…?
Trưởng lão: Nó sẽ chuyển mấy con. Bởi vì mấy con nỗ lực mấy con tu nó sẽ chuyển. Nó chuyển thì sẽ có một cái chùa của Đại Thừa mà nó không có người ở để lo lắng thì người ta sẽ mời về một người nào ở đó, hoặc là một vị Thầy như, thí dụ như Thanh Quang thì cũng về đó thì mình đứng ở trong góc độ của ngôi chùa, mình là tu sĩ mà, thì mình sẽ hoạt động được, không còn ai dập mình nữa.
Thì mấy con tập trung vô đó, mấy con tu tập hoặc mở những cái lớp học đạo đức, rồi tập những cái lớp nhiếp tâm an trú, Thọ Bát Quan Trai. Tất cả những cái này nó đều được hết, nó nằm trong tôn giáo, nó đều được hết, không ai dám phá mấy con hết.
Nhưng mà bây giờ ở ngoài đó Thầy biết nó có mấy cái chùa rồi đó, chứ không phải không đâu. Nó chờ cho mấy con đủ duyên làm những cái chùa đó, nó làm cái cơ sở để cho mấy con tu tập. Chứ khỏi cần cất cái khu, cái khu an dưỡng là cái nơi làm từ thiện thôi.
Mà mình muốn làm cái khu an dưỡng để làm từ thiện, để giúp cho những người bất hạnh của xã hội, mọi người đều phải về an dưỡng và học đạo đức. Nó chỉ có một phần đó thôi, chứ trong cái chùa nó có cái an dưỡng của cái chùa rồi.
Phật tử: Con bạch Thầy! Thỉnh thoảng con nghĩ đến con cứ thấy xót xót nhiều. Con bạch Thầy là, thật các chúng sinh, các con, các cụ 75, gần 80 tuổi, 75 tuổi, nóng 35, 36 độ, cứ đi ra rẫy cỏ làm lụng một cách nhiệt tâm, nhiệt tình, rồi thì các tỉnh về cúng dàng tất cả các thứ. Con thấy trước đây từ cái chỗ mà, từ cái lúc mà không có gì, bây giờ đàng hoàng tương đối lắm ạ, thì bây giờ lại như thế này, con cứ thấy xót xót tiếc tiếc.
Con bạch Thầy, thật tâm con lại nghĩ thương Thầy lắm ạ, con lại thương cả thầy Thanh Quang, con lại thương tất cả các cư sĩ, tu sĩ vất vả lắm ạ. Nên con cứ nghĩ nhưng mà không làm gì được ạ.
Trưởng lão: Cái đó là cái duyên. Cũng như bây giờ cái cơ sở Tu viện này, không biết bao nhiêu công lao trong này, có những cái nhà ở như thế này., con hiểu không? Nó có đường đi vậy, sạch sẽ như vậy. Nhưng mà khi mà Nhà nước không muốn thì mình cũng đành đập bỏ chết, nó trở về khu đất nguyên sơ con..
(17:51) Trưởng lão: Thôi bây giờ thì tùy duyên con. Nhưng mà mình, nếu ở ngoài đó không yên, mình ráng mình tu, mình tu cho được! Khi tu được rồi đó, thì có cái kinh nghiệm, thì khi mà chỗ nào đó mà được triển khai mở mang, thì mình lấy kinh nghiệm đó dạy người tu tiếp người ta tu. Bây giờ lo cứu mình trước cái đã, còn cái đó là cái duyên.
Sự thật ra cái duyên đó mà không thành thì đó là duyên tu của mấy con có. Bao nhiêu người mà tập trung vô đó là nhắc nhở chúng ta phải ráng tu, đó là cái duyên tu có. Còn cái duyên mà nợ ở đó mà nó thành tựu, chắc chắn mấy con phải quây quần ở đó, nó chưa tu được đâu, phải lo làm. Con hiểu không?
Cho nên bây giờ cái duyên mình là cái duyên tu, cũng như Thầy Thanh Quang là cái duyên tu, phải lo tu chứ. Nếu nó thành nó phải thành rồi, nó đâu có bị động như vậy. Còn bây giờ đây chắc chắn là phước báo của mình tu chứ không phải phước báo mình làm, nhưng mà tu rồi thì cái duyên làm nó sẽ có.
Mấy con ráng tu cho được. Trời đất ơi, sanh tử nó đến rồi, ai mà cứu con! Bây giờ nó chết, mấy con cứu con, chứ ai mà cứu, Thầy cứu được sao?
Phật tử: Dạ vâng ạ!
Trưởng lão: Ảnh đau bệnh thì mấy con chịu chứ Thầy có chịu thế được đâu. Cho nên phải ráng tu để cho mình đẩy lui bệnh, làm chủ được sự sống chết. "Bây giờ tao chưa có muốn chết, mày không được chết!" thì nó không dám chết.
Chứ không khéo nó, con thở không được một hơi con chết à! Nó làm cho con thở không được. Thân này nó dễ lắm con, bây giờ mình thở nghe nó sao nhẹ, chứ tới chừng mà nó nghẹt cô rồi thở không được, cái nó bắt đầu, nó chỉ có nước chết thôi. Ráng tu đi!
(19:24) Phật tử: Con bạch Thầy! Con luôn luôn cứ suy nghĩ về chết và cứ suy nghĩ làm sao để thân này là giả tạo, cái thân này có phải là của ta đâu, con cái tất cả gia đình con cũng hiểu nhưng mà…
Trưởng lão: Là nhân quả mà.
Phật tử: …con, như bảy cái dây thừng vô hình nó cứ thế nào, con bạch Thầy! Tu đạo khó quá ạ.
Trưởng lão: Cứ dùng cái tâm bất động. Phải dùng cái tâm bất động thì nó xả: "Tâm bất động, thanh thản. Đừng có nhớ đến con cái! Con cái nó lớn khôn rồi, nó làm nó lo nó ăn chứ. Tại sao mày cứ ngồi đây mày lo cho nó làm chi?". Phải không.
Đó là con nhắc: "Tâm phải bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Rồi bắt đầu có bệnh đau: "Tâm bất động, đừng sợ bệnh đau!". Cứ như vậy, con đừng có chạy, lo đau nhức chỗ này kia thì con sẽ qua. Nó luôn giữ tâm bất động là vậy. Mình gan dạ chứ có gì. Người tu sĩ Phật giáo gan dạ lắm!
(20:17) Phật tử: Con bạch Thầy! Nhiều khi con ôm pháp của Thầy, của Phật, của Thầy, có những lúc đánh, con đi Thọ Bát nó đánh con, con cứ tưởng là ngày hôm ý con không ăn được một bữa, con không tu gì được mà con có lẽ con chịu, thế đến khi bắt đầu vào giờ con ngồi làm lễ xong, con bảo: "Việc nó nó làm, việc mình mình làm. Cương quyết đi!" Thế là con lại bình thường.
Có những lúc đến giờ tu, nó hành, cảm thọ nó hành con. Nó hành con không ngẩng được đầu lên, nó hành con không mở được mắt ra. Thế mà con bạch Thầy, con cứ nằm, con tác ý ạ. Con tác ý cái câu Thầy dạy các con là: "Tâm phải bất động, không hề sợ. Tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Tâm không hề sợ hãi, không hề dao động. Tất cả các pháp thế gian đều vô thường, hãy đi đi không được ở trong thân ta nữa. Thọ là vô thường"
Trưởng lão: Ừ như vậy đúng quá rồi.
Phật tử: Con bạch Thầy! Có một hôm con mất ngủ, nó đánh con. Con mệt lắm, con mệt nhưng con tưởng con như là con không thể sống được, thế là con đuổi nó bằng cách là: "A, ngày hôm nay ta liều chết với nhà ngươi. Ta ăn ngày một bữa, vài cuộng rau, chả sống chả có hưởng gì chả có thích thú gì, chả có, đời chả có gì cả, ta chết luôn cũng được cơ mà, ta không có sợ."
Con bạch Thầy, thế là đêm con thức, sau thì con lại ngủ được mấy tiếng. Thế là ngày con lại bình thường. Con cứ như người giả khách ấy, con bạch Thầy ạ!
Trưởng lão: Đuổi nó đi rồi thôi à! Đừng sợ, bởi vậy thì ráng tu.
Phật tử: Nếu không thì nó, nó đánh con đến chết.
Trưởng lão: Hoảng sợ, cứ chạy nhà thương, rồi rước bác sĩ, sao nay mất ngủ dữ vậy thầy? Ông bác sĩ ông vô ông lấy viên thuốc cho an thần, nằm cho, nhờ thuốc nằm cho nó yên chứ sự thật ra mình có làm chủ gì được đâu. Thành ra nó khổ mà tốn tiền.
Phật tử: Con bạch Thầy con không, mấy năm nay con không có đi bệnh viện. Chỉ có năm ngoái con bị bỏng ạ. Con bị bỏng nên là con phải chữa ngoài chứ con không đi viện. Con mấy năm nay con không có đi viện.
Trưởng lão: Cũng là cái nghiệp đó con, nghiệp bỏng tay đó là cái nghiệp để trả, cứ mua thuốc mình sẽ xoa nó lên rồi nó lành chứ gì. Cho mày giờ, cụt mấy tay tao cũng không sợ. Tao không cần.
(22:44) Phật tử: Con bạch Thầy! Cả một cái ấm nước sôi nó đổ vào tay con. Ui giời ơi, con đau, nhưng đến khi, con bạch Thầy, đúng là Pháp của Phật của Thầy thực là quý hóa, thật là hạnh phúc cho con, thật may mắn cho con, con đau như thế nhưng mà đêm con vẫn ngủ được và con vẫn ăn được mà con vẫn tu xong là, tối đến con đuổi nó, xong thì con vẫn Thọ Bát Quan Trai được mấy ngày, con bạch Thầy.
Trưởng lão: Thế nó phỏng như vậy đó, nóng rát lắm à con?
Phật tử: Dạ, con bị rát mất tháng rưỡi, nhưng mà nó kéo dài đến năm sáu tháng nó vẫn đau. Nó vẫn đau âm ỉ, nó đau suốt ý ạ, nhưng mà con vẫn làm lụng được. Con đau thế nhưng con vẫn xuống Ninh Bình con rửa rau rửa cỏ, nhặt rau với xách nước tưới rau, tất cả các thứ con vẫn làm. Con bị mất hai tháng là con lại xuống Ninh Bình, con vẫn làm việc như thường.
Con bạch Thầy, thế mà không thì con một là chỗ này độ một ạ, chỗ này độ hai ạ, chỗ này độ ba ạ. Thế thì cái chỗ độ một này, nếu như con, con bạch Thầy là nếu như con không có pháp của Thầy, có lẽ con rụng cái tay này hoặc là con, nghiệp của con. Con xin phép Thầy, con biết con có tí về, về ngoài, trong đạo là nhân quả, về ngoài đời là số mệnh.
Thì trong lá sao có nói cho con, ông nhà con xem số xem sao biết ạ, thì bảo là ngày hai mươi sáu và hai mươi bảy của tháng bảy là tai nạn khủng khiếp ạ. Dạ con bạch Thầy! Bảo con thế thì đúng là cái ngày hôm ý con bị như thế này.
Trưởng lão: Ờ, nó phải chiêu cảm, nó phải đúng nhân quả đúng ngày giờ của nó chứ đâu phải là muốn hồi nào cũng được đâu.
Phật tử: Con bạch Thầy, con nghĩ là cái tay này là trả quả. Bao nhiêu kiếp con, biết đâu con đi lính con đốt nhà người ta, làm người ta bỏng hoặc làm con cái người ta bỏng, khổ, thì bây giờ mình trả nghiệp. Hoặc là con giết gà, thế rồi thì là con…
Trưởng lão: Con quay, con đem con nướng.
Phật tử: Con giết gà rồi con cho nó vào nước sôi, nó nóng, nó bỏng như thế nào thì kiếp này con phải trả nghiệp như thế ạ! Con nghĩ thế ạ.
Trưởng lão: Đúng vậy, bởi vì biết cái tay của con, cái tay này là cái tay mà giết gà, để luộc gà này, chế nước sôi nay, nhổ lông này, đủ chưa. Nó có cái tay mà bao nhiêu!
(25:17) Phật tử: Dạ, vâng ạ. Đấy con nghĩ như thế ạ, con bạch Thầy! Con nghĩ như vậy. Thầy cho phép con đi Thân Hành Niệm một vòng xem con tu như vậy, con có đúng pháp không?
Trưởng lão: Rồi, con lại kia kìa, chỗ kia trống kia kìa. Đi cho Thầy coi coi có đúng không. Chỗ đó trống kia kìa.
Phật tử: Con sẽ, con. Dạ, bạn con bảo là sai hết.
Trưởng lão: Cứ đi đi.
Phật tử: Thế gần đây con rèn thì cũng…
Phật tử 2: Con ra nhé?
Phật tử: Con đi về đi. Xin phép Thầy, quỳ lạy Thầy, xin phép Thầy. Con gái của con.
Phật tử 2: Dạ con lạy Thầy!
Trưởng lão: Rồi con mau về đi. Rồi mẹ con cũng biết đường về đó, chứ không phải không biết. Từ đây vô đó có đường mòn.
Phật tử: Con xin phép Thầy:
"Đứng tôi biết tôi đứng”. Tay trái con để sau lưng! Tay phải con để lên tay trái!
“Chân trái bước! Nhón gót lên! Giơ chân lên! Đưa chân tới! Hạ chân xuống! Hạ gót xuống!
Chân phải bước! Nhón gót lên! Giơ chân lên! Đưa chân tới! Hạ chân xuống! Hạ gót xuống!
Chân trái bước! Nhón gót lên! Giơ chân lên! Đưa chân tới! Hạ chân xuống! Hạ gót xuống!
Chân phải bước! Nhón gót lên! Giơ chân lên! Đưa chân tới! Hạ chân xuống! Hạ gót xuống!
Chân trái bước! Nhón gót lên! Giơ chân lên! Đưa chân tới! Hạ chân xuống! Hạ gót xuống!
Chân phải bước! Nhón gót lên! Giơ chân lên! Đưa chân tới! Hạ chân xuống! Hạ gót xuống!
Chân trái bước! Nhón gót lên! Giơ chân lên! Đưa chân tới! Hạ chân xuống! Hạ gót xuống!
Chân phải bước! Nhón gót lên! Giơ chân lên! Đưa chân tới! Hạ chân xuống! Hạ gót xuống! "
(28:34) Con bạch Thầy, như thế là con đi hai mươi bước, thì bấy giờ con ngồi ạ.
"Tay phải đưa xuống! Tay trái đưa xuống! Buông xuống!
Tay trái đưa lên! Tay phải đưa lên! Ngồi xuống!
Tay trái co để sau lưng! Tay phải co để sau lưng! Ngồi xuống!
Chân phải duỗi ra! Chân trái duỗi ra! Hai tay sửa áo!
Chân trái co về! Tay phải nắm cô chân trái co lên kiết già!
Chân phải co về! Tay trái nắm cô chân phải co lên kiết già!
Tay trái để vô! Tay phải để lên! Hít thở năm hơi!
An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra.
Tay phải chống đất! Tay trái chống đất!
Chân phải duỗi ra! Chân trái duỗi ra!
Chân trái co về! Chân phải co về! Ngồi lên!
Tay trái đưa lên! Tay phải đưa lên! Đứng lên!
Tay trái buông xuống! Tay phải buông xuống!."
Trưởng lão: Thôi được rồi, đúng rồi con.
Phật tử: Thế con lại tiếp tục trở lại.
Trưởng lão: Được, tiếp tục trở lại. Vậy được rồi, đúng rồi. Nội bấy nhiêu đó mà con tập là con phá hết đó con, hôn trầm, thùy miên, loạn tưởng gì tiêu hết, không cái gì mà phá không được. Chỉ ôm pháp đó mà phá con. Còn chừng nào mà nó tỉnh táo, nó không hôn trầm thùy miên, nó không vọng tưởng, con ngồi tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
Lâu lâu vậy nó có niệm gì mà nó cứ có liên tục, thì ôm pháp Thân Hành Niệm dập. Còn buồn ngủ, hôn trầm thì dập, ôm pháp Thân Hành Niệm. Cái pháp này con tu tập rồi đúng không có sai đâu. Ôm vậy là được rồi, tác ý từng hành động vậy là được rồi. Khỏi cần phải học gì pháp người khác nữa. Có bấy nhiêu đủ rồi, chỉ siêng năng mà tu!
(31:24) Phật tử: Dạ. Con bạch Thầy! Trước đây thì con cứ chống: "Tay trái chống gối trái! Tay phải chống gối phải!", thì đứng lên thì nó dễ dàng hơn, nó nhẹ nhàng hơn, nó dễ hơn. Nhưng mà con đọc bài Thầy viết dạy các con thì con làm như thế nó lại quen như thế.
Trưởng lão: Quen, nó có mạnh hơn con, hai gót chân nó mạnh. Còn con chống nó dễ cho mình đứng dậy, nhưng mà cái chân nó không có cái lực mạnh. Con giơ thẳng vậy con ráng đứng dậy, cái chân nó càng lực mạnh, nó quen là tốt rồi. Nó tập cho cái cơ thể con nó dẻo dai, mạnh khỏe. Bởi vì con tập rồi, con tập Thân Hành Niệm ít có bệnh, tại con ít tập. Tập cho nhiều! Tập sơ sơ rồi lười biếng, không chịu tập, tập suốt đêm coi thử coi!
Phật tử: Con bạch Thầy! Như thế là, có lúc thì con đi kinh hành, có lúc thì con tập như thế hay là con cứ tập thế suốt?
Trưởng lão: Tập thế suốt, không cần đi kinh hành. Đi kinh hành thì nó nhẹ nhàng thành ra nó lười biếng con. Con cứ ôm pháp Thân Hành Niệm cho nó dập hết, cho mày ở đó mà lười biếng. Pháp Thân Hành Niệm với cái pháp giữ tâm bất động, khi nào tỉnh táo thì con giữ tâm bất động. Khi nào mà nó vọng tưởng này kia nhiều, hôn trầm thì ôm pháp Thân Hành Niệm dập.
Cứ như vậy, hai pháp đó con tu hoài tới chứng đạo. Có gì đâu mà không chứng. Nhớ kỹ rồi phải không? Có như vậy thôi, đừng có lo! Vô sắp sửa yên ổn rồi chừng nào mà con muốn về thì về, còn không thì ở đây, nói cô Út sắp xếp cho tu hành. Không có gì mà sợ! Một cái Tu viện như thế này, không có chỗ con ở tu là sao?
Phật tử: Dạ. Con bạch Thầy! Con ở trong này độ một tháng hơn tháng kém gì đấy ạ.
Trưởng lão: Ờ được. Vì cái gia duyên mình nó còn.
Phật tử: Dạ. Nếu mà dịp nào mà con ước nguyện là con đủ duyên, mà con gia đình tất cả đâu ra đấy xong xuôi thì là Thầy cho phép con khi con vào trong này con tu.
Trưởng lão: Được rồi, cứ sắp xếp ở ngoài gia đình yên ổn hết rồi, không có gì thì mình vô trong này mình tu.
Phật tử: Thực ra, con bạch Thầy là, tâm con thật ra là con cứ nghĩ là phúc con kém, nghiệp con nó nặng, thì con sợ con không theo được, con không đảm bảo giờ giấc nội quy, tất cả các thứ, con cứ sợ thế ạ.
Trưởng lão: Một ngày nào mình tu tập riết rồi cái thời gian, cái thời khóa mình tập bằng chính cái sức… Mới đầu thì mình thấy cái sức của mình sợ theo không nổi, nhưng mà con tu tập riết, con ôm pháp Thân Hành Niệm thì con … (Không nghe rõ) tức là mình tu tập nó không có phí sức.
(34:08) Phật tử: Con bạch Thầy, con xin phép Thầy con được hỏi Thầy ạ. Con cứ nghĩ là con tu thế này thì chưa là cái gì, thế cũng như là con được đọc sách Trung Bộ thì Thầy Tỳ kheo Channa và ông Cấp Cô Độc xả tâm tốt như thế mà, con bạch Thầy, mà đến khi chết lâm chung vẫn còn cảm thọ hành hạ?
Trưởng lão: Chứ sao. Nhưng mà người ta đủ sức tỉnh thức, người ta đuổi nó đi. Bởi vì mình tập sẵn rồi, tới chừng ai đau, ai cái thân này sắp chết nó cũng phải đau, ông Phật ông còn phải đau mà.
Cho nên vì vậy mà ông Phật ông ở trong tỉnh giác đuổi nó chạy mất, cho nên lúc chết nó yên ổn. Còn mình, mình không chịu mà tập để cho mình nhiếp tâm và an trú được thì mình cũng chịu đau đớn cho đến khi chết, tức là nó theo nghiệp. Còn người ta đuổi cái nghiệp đó hết rồi người ta chết trong an ổn nó không theo nghiệp nữa. Con hiểu không?
Cho nên vì vậy mà ráng tập, để không đó rồi tới chừng mà đau, tới chừng mà tắt thở nó cũng nhức nhối lên thì thôi rồi, tu dở quá.
Phật tử: Con bạch Thầy! Con cứ nghĩ thế, con sợ sợ. Con chỉ sợ đến khi con lâm chung thì con không làm chủ được mà để nó rồi con lại…
Trưởng lão: Tiếp tục tái sanh chứ con.
Phật tử: … thì mất hết cả các tu hành ạ.
Trưởng lão: Bởi vậy những người đó đều là người ta có bệnh đau rồi người ta chết, nhưng mà trước khi chết, người ta đuổi, cho nên người ta đuổi hết bệnh rồi người ta nằm người ta chết nó rất êm. Còn mình mà tới chừng đó chết, mà tới giờ phút chết vẫn còn đau nhức cho đến khi chết, thì cái đó mình đuổi không được.
Cho nên Thầy mới dạy tâm bất động cho mấy con. Làm gì thì làm, giữ tâm bất động thôi. Thành ra, khi mà cái thân này nó chết thì nó ở trong trạng thái bất động chứ không phải ở trong trạng thái đau nhức. Có vậy mà mấy con không ráng thì uổng quá. Thôi, rồi bắt đầu bây giờ con vô đi con!
(36:13) Phật tử: Dạ, con bạch Thầy! Dạ con xin dâng cúng dàng Thầy. Sau đó thì có một cái bức thư của một bà bạn con dâng lên Thầy, để Thầy quy y Tam Bảo cho bà đó.
Trưởng lão: Được rồi, để Thầy sẽ gởi điệp phái qua cho con.
Phật tử: Con xin cúng dường Thầy!
Trưởng lão: Để Thầy gửi cái điệp phái cho. Thầy coi trong này tên tuổi Thầy sẽ….
Phật tử: Dạ có hết. Con bạch Thầy! Bà bạn con đây là năm nay tròn 80 tuổi, nhưng mà minh mẫn khỏe mạnh, 80 tuổi rồi mà trí tuệ mà lại, nhưng mà con chỉ tiếc cho là quá thời gian dài đi theo về Đại Thừa, thế có lời góp ý của con thì là tỉnh ra ngay, đi theo Chánh Pháp này, thế là bà có một cái phước duyên lớn quá, mà lại Chánh Pháp đó, Thầy quy y cho, để con thưa cô Diệu Quang ạ.
Trưởng lão: Thầy quy y cho. Cái này tiền bạc rồi cất vào trong đưa cho cô Diệu Quang lo cho chúng tăng. Thầy bây giờ có mình.
Phật tử: Dạ con xin cúng dàng Thầy để Thầy in kinh sách cho gia đình con, và con xin Thầy có chi tiêu về việc gì cho gia đình con có tí phước ạ. Thế còn đây là cái thư của bà bạn con ạ.
Trưởng lão: Không phải cúng dường, cứ đến Thầy đừng cúng dường Thầy. Thầy chỉ ăn ngày một bữa.
Phật tử: Các con có phước thì vào đây mới được cúng dàng Thầy.
Trưởng lão: Con cất cái này đưa cô Út đi!
Phật tử: Dạ! Đây cô Út con đây rồi ạ.
Trưởng lão: Thôi không phải cúng!
Phật tử: Gia đình con có vài chục cân gạo để cúng dường bên trong. Con bạch Thầy, đấy là phước báu của con từ nhiều kiếp ạ.
Trưởng lão: Thôi, bây giờ con vô đi con! Được rồi, ráng mà lo tu tập, nhớ pháp Thân Hành Niệm, ráng giữ tâm bất động thôi. Đến khi mà sắp sửa chết con cũng nhớ tâm bất động, chết cũng nhớ giữ tâm đừng có động thôi, nhớ lời Thầy dạy!
Phật tử: Con bạch Thầy! Như thế là con cứ giữ được cố gắng hết sức mình, thì đến khi lâm chung con cũng thanh thản chứ ạ?
Trưởng lão: Ờ, thanh thản con, nó sẽ vượt qua những chướng nghiệp, nghiệp của mình nó sẽ … (Không nghe rõ).
Phật tử: Con bạch Thầy! Con được đảnh lễ Thầy.
Trưởng lão: Ờ con, cái máy đó của con hả con? Tắt nó đi, dép của con kia kìa.
Phật tử: Con bạch Thầy! Như vậy là con tu Thân Hành Niệm thế có sai không ạ?
Trưởng lão: Không, không có sai, Thầy thấy rồi, như vậy đúng rồi.
Phật tử: Dạ con thỉnh thoảng những vọng tưởng nó cứ phá con.
Trưởng lão: Cứ ôm pháp Thân Hành Niệm, đừng có sợ vọng tưởng, ôm pháp là hết vọng tưởng, ôm pháp Thân Hành Niệm là hết vọng tưởng! Thôi, Thầy về con.
Phật tử: Dạ, vâng ạ, con bạch Thầy!
HẾT BĂNG