20080224-PHẬT PHÁP THIẾT THỰC CỤ THỂ-PHẬT TỬ CHÂU ĐỐC
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 24/02/2008
Thời lượng: [39:21]
Nghe pháp âm: https://youtu.be/2g6L0yogons
(00:36) Trưởng lão: Cho nên vì vậy mà trong cái sự cố gắng suốt một năm nay. Cho nên Thầy có xây dựng một cái khu để chọn lấy những cái người nào mà có thể đủ cái sức xả tâm, để dẫn dắt cho họ tu, để có đủ Tứ Thần Túc. Tức là bốn cái lực như thần để họ làm chủ được sự sanh, già, bệnh, chết của họ. Họ muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống. Để nói lên cái sự mà Phật pháp cụ thể, chứ không phải là nói chung chung. Từ lâu tới giờ có biết bao người theo Phật giáo, mà có ai mà làm chủ được cái sự sống chết của mình, muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống? Mà lúc nào thân có bệnh thì đẩy lui được bệnh ra khỏi thân. Thì mấy con thấy cái đạo Phật, nó thực tế cụ thể bằng cái phương pháp, bằng cái chương trình tu học. Nó có từng pháp, chứ không phải là muốn vô tu một pháp đến cuối cùng để chứng đạo, thì không bao giờ có điều đó.
Đạo Phật ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo, ba mươi bảy cái pháp để tu, từ cái pháp thấp cho đến cái pháp cao. Cho đến cái pháp mà luyện tới cái nội lực. Trong thân tâm của chúng ta nó có một cái lực rất là siêu việt. Nghĩa là mình làm chủ, coi như là Thầy, muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống. Đó là nhờ cái lực của tâm của mình, cái lực của thân tâm của mình mới làm chủ được. Chứ không phải là nói mà mình không luyện được. Mà mình luyện được thì đó là cái Phật pháp, cái phương pháp, phương pháp của đạo Phật, nó là Bát Chánh Đạo, nó tám lớp mấy con. Mà năm lớp đầu tiên của nó từ Chánh Kiến cho đến Chánh Mạng thì nó là cái lớp để học đạo đức, để học giới luật, để sống trong cái đời sống giới luật đức hạnh.
Như mấy con có đọc sách của Thầy vừa rồi, Thầy triển khai cái năm giới luật của đức Phật. Mà các con là cư sĩ, các con vào thọ Tam Quy Ngũ Giới đó, thì mấy con đều thọ Ngũ Giới hết, nghĩa là năm giới. Nhưng mà năm giới đó nó thuộc về Đức Nhân Bản, cái đức gốc của con người. Một cái con người là phải có Đức Hiếu Sinh. Thì chúng ta thấy rõ ràng là khi mình sinh ra thì phải thương cha, thương mẹ. Rồi thương anh, thương em, thương dòng họ của mình, thương những người xung quanh mình nữa. Đó là cái Đức Hiếu Sinh mấy con. Nhưng cái thương đó nó chỉ là nhất hướng chứ cũng không phải đa hướng. Cho nên cái thương đó mà nếu không khéo thì nó sẽ khổ đau. Tại sao? Thí dụ như bây giờ trong gia đình mình mà cha mẹ hay là con cái đau thì cha mẹ phải khổ. Thì các con thấy cái đau của cái người con chứ đâu phải cái đau của người cha. Mà người mẹ, người cha phải khổ, đó là nó nhất hướng mấy con. Còn nó đa hướng nó không khổ, nó thương mà nó không khổ. Còn trái lại mình nhất hướng thì nó sẽ khổ, nó sẽ khổ mấy con.
Cho nên vì vậy đó. Cho nên đạo Phật dạy rất rõ. Cái Đức Hiếu Sinh tức là cái đức không giết hại chúng sanh. Còn mình giết hại, mình ăn thịt chúng sanh thì mình đâu có bình đẳng, mình đâu có sống bình đẳng mấy con. Tức là mình thiếu cái Đức Bình Đẳng. Bởi vì cái sự sống nó phải bình đẳng. Thầy sống cũng như các con, cũng như quý Phật tử đều sống bình đẳng như nhau. Thì con vật kia: con kiến, con trùng; tất cả những cái loài vật con cá, con tôm đều là có sự sống bình đẳng giống như nhau. Nó cũng muốn sống chớ không có con vật nào muốn chết. Nhưng tại sao chúng ta lại nỡ tâm lại cắt cổ, lại đập đầu nó, rồi làm thịt, làm thực phẩm để mà ăn. Như vậy chúng ta có bình đẳng ở trên sự sống không? Không bình đẳng. Chúng ta là con người thiếu Đức Bình Đẳng.
(04:03) Các con thấy không? Cho nên, cái sự mà tại sao đức Phật dạy chúng ta, giới thì nói cấm chứ sự thật đạo Phật không có cấm. Mà đạo Phật khuyên không nên giết hại chúng sanh chứ không phải cấm sát sanh. Nó đâu phải pháp luật. Đạo Phật phải tự nguyện, tự giác. Tự nguyện, tự giác cho nên cái lời khuyên chứ không phải cấm. Cho nên, cái giới cấm là của các Tổ đặt ra để cấm. Còn riêng đạo Phật trong giới kinh thì khuyên chúng ta không nên giết hại chúng sanh, không nên ăn thịt chúng sanh. Vì chúng ta phải là con người có đạo đức thì cái Đức Bình Đẳng sống phải tôn trọng sự sống của nhau. Thầy tôn trọng sự sống của Thầy thì Thầy phải tôn trọng sự sống của các con. Còn Thầy tôn trọng sự sống của Thầy, ai chạm đến sự sống của Thầy là Thầy mạt sát sự sống của người khác, là như vậy chưa phải là đức lễ, đức cung kính tôn trọng.
Vợ chồng ở trong gia đình mà biết tôn trọng thì không bao giờ mà chồng đánh vợ, mà vợ không bao giờ chửi chồng. Thành ra hạnh phúc của gia đình rất là hạnh phúc. Đó là đức lễ, đức cung kính tôn trọng nhau. Các con thấy không? Chỉ có cái đức lễ không mà gia đình người ta hạnh phúc.
(05:12) Đó là trong cái vấn đề học đạo đức, mà học đạo đức thì nó phải thông suốt những cái điều đó. Cho nên nó đem lại cái sự hạnh phúc rất lớn, đem lại sự bình an cho chúng ta. Đây là một cái vấn đề có đạo đức không? Mà đạo đức thì các con thấy đạo Phật có ba cấp tu học. Cấp thứ nhất là Giới Luật, thì tức là học giới luật chứ gì? Đức hạnh chứ gì? Cấp thứ hai là Thiền Định. Cấp thứ ba là Tuệ.
Thì nó ba cấp rõ ràng, mà cấp thứ nhất không học mà nhảy lên học cấp thiền định thì mấy con thiền định gì? Đó là mấy con tu sai. Hầu hết là người ta không có học cấp giới, cho nên giới luật không có đúng. Ăn ngày ba bốn bữa mà ngồi đây mà tu thiền định thì thiền định gì? Đó là thiền sai không đúng. Cho nên còn ăn phi thời, còn ngủ phi thời thì không bao giờ có thiền định được. Cho nên chúng ta phải sống cho đúng giới luật đức hạnh.
Bởi vì phi thời là sai pháp rồi, mình đã tự làm khổ lấy mình. Một ngày ăn ba bữa là các con tự giết các con. Tại sao? Tại vì mình ăn nhiều là thân mình bị bệnh. Các con nghĩ là ăn nhiều là khỏe hả? Không. Tại sao mấy con ăn nhiều, mấy con đi vào nhà thương, mấy con đi bác sĩ?
Còn Thầy ăn ngày bữa mà Thầy không đi bác sĩ, không vào nhà thương. Là sao vậy? Mà khỏi tốn tiền nhiều nữa. Ăn ngày có bữa đâu có ăn nhiều được. Còn mấy con ăn ba, bốn bữa thì nó phải tốn nhiều hơn chứ. Nhưng mà tại sao mấy con lại tốn tiền thuốc, còn Thầy sao không tốn tiền thuốc? Mà Thầy không ăn thịt chúng sanh nữa. Lẽ ra ăn thịt chúng sanh bổ chứ, mà sao lại mấy con bệnh? Còn Thầy đây ăn rau cải, nước tương dưa, rau, muối, nó đâu có gì bổ đâu? Nhưng mà Thầy nghĩ con bò nó ăn cỏ không nó cũng mập, nó cũng khỏe. Nó có sữa cho mấy con uống nên nó gọi là sữa bò. Vậy thì cỏ nó cũng có bổ đó nó mới thành ra sữa đó chứ.
Thầy nói ăn thực phẩm thực vật rất tốt chứ đâu có sao đâu. Nó đâu có sự đau khổ của loài vật mấy con. Cho nên, hôm nay, về giới luật đức hạnh thì chúng ta phải học đạo đức hiếu sinh, đạo đức nhân bản. Thì trong cái nhân bản đó là gốc. Còn nếu mà chúng ta không học đạo đức thì chúng ta chỉ là một loại động vật thôi mấy con. Nó cũng hung ác, nó cũng dữ tợn. Con người mặt mày thì con người, nhưng mà cái tâm của chúng ta là tâm của loài động vật. Cho nên mới có cái đạo đức nhân bản. Nhân bản có nghĩa là cái gốc của con người. Mà cái người nào không sống cái đạo đức đó thì cái gốc con người nó mất đi. Rồi còn thêm cái đạo đức nhân quả nữa. Nhân quả là mười cái điều thiện, Thập Thiện đó. Mà thập ác nó là điều làm ác. Làm ác tức là làm khổ mình, làm khổ người thì nó gây cái nhân quả xấu. Nó làm cho mình khổ, người khác khổ. Thì các con thấy đạo Phật dạy rất kỹ.
(07:51) Bây giờ mấy con học năm giới của đức Phật là năm cái đức. Rồi năm cái đức kế đó rồi thì mấy con phải học kế nữa. Là mấy con học mười cái đức nhân quả. Về ý nó có ba; về thân nó có ba; mà về khẩu nó tới bốn lận, nó bốn điều ác của nó.
Cho nên vì vậy mà chúng ta phải học những cái đạo đức nhân quả. Cho nên vì vậy mà hành động thân, miệng, ý của chúng ta không bao giờ làm khổ mình, khổ người. Mà không bao giờ làm khổ mình, khổ người thì nó là đạo đức. Nó làm sao nó làm cái điều ác, nó có làm điều ác đâu, cho nên nó đâu có thọ lãnh quả khổ. Các con thấy chưa? Học đạo đức không nó đã được giải thoát rồi.
Mà khi, mà đạo đức như vậy thì cái tâm của mấy con sẽ xả được tham, sân, si. Nó ly dục ly ác pháp, cho nên tâm nó sẽ bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Lúc nào mấy con thấy cái tâm mình nó cũng yên ổn, nó không có buồn phiền, nó không giận hờn ai hết. Mà bây giờ, mấy con có khởi tâm buồn phiền, giận hờn, lo lắng đó là ác pháp, nó thuộc về nhân quả rồi. Cho nên mình biết kê ra, thì mình thấy đây là mình thiếu đức thương mình, cho nên mình tự làm khổ lấy mình. Mình lo rầu, mình sợ hãi là mình thiếu cái đức thương mình rồi, mình làm khổ mình.
Cho nên, từ đó mình suy ra. Với cái ý thức của chúng ta suy ra, chúng ta biết lúc nào chúng ta đã ở trong ác pháp, mà lúc nào chúng ta được ở trong thiện pháp. Do đó, tâm chúng ta lúc nào cũng có được cái sự hiểu biết, cho nên nó đã ly dục ly ác pháp. Nó làm cho tâm chúng ta không còn ở trong ác pháp nữa. Thì mấy con đã giải thoát.
Đối xử với nhau là phải xem cái sự sống bình đẳng với nhau. Cho nên chúng ta cung kính và tôn trọng sự sống của mọi người, tức là cung kính, tôn trọng sự sống của mình. Các con thấy hạnh phúc không?
Có gì đâu, phải học, mà không học thì mấy con có hiểu không? Cỡ sức bây giờ Thầy nói như thế này. Nếu mấy con không học Tiểu học thì mấy con không thể lên Trung học học được. Mà không lên Trung học học được thì mấy con lên Đại học làm sao học được?
Cho nên, buộc lòng muốn hiểu biết thì phải học. Những cái đứa bé, đứa cháu mà không học thì nó làm sao nó biết đọc, biết viết? Nó phải học rồi nó mới biết đọc, biết viết. Rồi làm toán, rồi mới làm văn, rồi mới lên học cao hơn nữa. Có như vậy, cái trình độ kiến thức về văn hóa thì nó mới càng ngày càng tiến triển.
(09:58) Còn hôm nay, mấy con không học đạo đức. Nói đạo đức nhân quả nhân bản mấy con không biết nó nhân quả nhân bản như thế nào? Bây giờ nghe Thầy nói đạo đức Hiếu Sinh, đạo đức Ly Tham, đạo đức Chung Thủy. Tự giờ, đâu có nghe cái cái danh từ này bao giờ? Nhưng mà sự thật nó là cái sự thật, là một sự thật đạo đức. Mà đạo đức nó tạo cho mình có cái trách nhiệm và bổn phận. Bổn phận thương mình, thương người. Mình phải giữ gìn đạo đức để cho mình xứng đáng làm con người. Mình không giữ gìn đạo đức thì mình không xứng đáng làm con người. Bởi vì, mình luôn làm khổ người khác, làm khổ mình, làm khổ người khác và làm khổ chúng sanh. Thì đó là không xứng đáng là làm con người. Con người thì phải xứng đáng. Mà muốn làm người cho xứng đáng là con người thì làm Thánh nó không khó. Cho nên tới Thiền Định là bậc Thánh rồi mấy con.
Tại sao làm người phải có đạo đức? Mà đạo đức xong rồi thì chúng ta mới tiến tới một cái giai đoạn tu tập Thiền định. Thì tâm mấy con bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Thì Thầy sẽ dạy mấy con tu trên Tứ Niệm Xứ, phải không? Mấy con thấy không? Ở trên Tứ Niệm Xứ mấy con mới giữ được cái tâm bất động này kéo dài sáu tiếng đồng hồ, mười hai tiếng đồng hồ. Sau khi cái tâm bất động này được kéo dài, mà không một cái niệm nào khởi, mà không bị ức chế tâm. Tại vì trên Tứ Niệm Xứ mà đâu có ức chế tâm được.
Còn bây giờ, mấy con nương hơi thở hít ra, hít vô hoặc là niệm Phật, thì đó là mấy con ức chế cái ý thức của mấy con đừng có khởi niệm chớ đâu phải là mấy con tu. Mà cái đó đi về đâu? Nó đâu có đi về đâu đâu. Nó đâu có giải quyết cái tâm tham, sân, si của mấy con được đâu, các con thấy chưa?
Còn ở đây chúng ta học, hiểu về đức hạnh. Bây giờ cái người đó họ chửi mình, nhưng mình nghĩ đây là nhân quả, tội nghiệp cho cái người đó. Tại sao vậy? Họ không hiểu. Họ không hiểu tức là họ chửi mình, tức là họ làm ác chứ gì? Chửi mắng người ta là làm ác chứ gì? Do đó chúng ta đã hiểu như vậy, chúng ta thương cái người đang chửi mình. Mà đang chửi mình, mình biết thương họ thì tha thứ những lỗi lầm của họ, tìm mọi cách gần gũi họ. Chớ không phải thấy họ chửi mình: “Cái ông này dữ tợn quá thôi tránh ông đi đi, để không cứ gặp ổng, ổng mắng ổng chửi mình, mình tránh xa”.
Còn trái lại mình thương họ, mình tha thứ họ. Mình tìm mọi điều kiện để gần gũi họ, để giúp họ trở thành người tốt. Có phải không, mấy con thấy không? Cái đó là đức hiếu sinh của mình mà. Đó, thì như vậy đó, trở thành một cái xã hội, toàn là thương yêu nhau. Không có người nào ghét nhau thì làm sao mà có cái sự mà giận hờn phiền não với nhau đâu? Và trong khi đó chúng ta học cái Đức Ly Tham thì còn có ai mà trộm cướp, còn có ai muốn giựt của người khác làm của mình đâu?.
Bởi vì mình ly tham, mình không còn tham muốn. Mình lấy bằng mồ hôi nước mắt của mình làm ra của cải, làm ra sự sống, chớ không khéo nghĩ mưu này kế kia để lấy tiền của người khác. Như vậy là mình không công bằng trên sự sống. Lấy của người ta, lấy mồ hôi nước mắt của người ta làm sự sống của mình thì mình có công bằng trên cái sự sống của nhau không? Không! Cho nên học Đức Ly Tham, thì chúng ta hiểu được rất rõ. Vì vậy mà chúng ta hoàn toàn là con người ly tham, không tham lam của ai nữa hết, xã hội làm sao có cướp giựt giết người? Các con thấy chưa? Có đạo đức nó lợi ích đến mức độ như vậy.
Thì các con thấy, trong cái sự mà khi bước vào cái lớp học. Thầy nói như thế này, cái Đức Cẩn Thận của chúng ta thôi, thì dép chúng ta phải để đâu ngay hàng thẳng lối đó. Người nào cũng cẩn thận thì có người nào mà quăng dép ngửa nghiêng bên đây chiếc, bên kia chiếc không? Không có! Đó là Đức Cẩn Thận của chúng ta. Khi bước vào cái lớp học này, thấy mấy con có cẩn thận hay không Thầy nhìn đôi dép của mấy con là biết rồi. Cái người cẩn thận là bước vào thì người ta cẩn thận. Cho nên vì vậy mà người ta đâu ngăn nắp tới đó. Vào trong cái nhà mấy con mà thấy quần áo giắt bên đây cái, biết là thiếu cẩn thận. Không có đức cẩn thận cho nên xô bồ xô bộn. Còn vào cái nhà của của mấy con mà thấy đâu ngăn nắp đó là cái người này có cẩn thận.
(13:49) Mà khi cẩn thận như vậy, mà khi mà các con sử dụng giao thông ở trên đường bộ, thì Đức Cẩn Thận Giao Thông trên đường bộ kèm theo hiếu sinh ở trên đó. Lòng thương yêu mình, không làm khổ mình, khổ người thì coi như mấy con lái xe hoặc đi bộ đều là đúng luật giao thông. Làm sao xảy ra tai nạn giao thông? Mà hàng ngày bây giờ xảy ra tai nạn giao thông như vậy là thiếu Đức Cẩn Thận. Lái xe ẩu, lạng lách ẩu, cho nên mới xảy ra tai nạn cho người ta chết rất đau khổ. Của cải tài sản bị hư hao trên cái vấn đề tai nạn giao thông rất nhiều chứ không phải ít. Đó là mình thiếu đức cẩn thận. Mà không học đức cẩn thận thì mấy con đâu biết.
Cũng như bây giờ, mấy con nghe Thầy nói rồi, sau này mấy con đến nhà ai, người nào các con để đôi dép ngay thẳng rồi mới bước vào nhà thì người ta vẫn thấy một cái gương hạnh đức hạnh cẩn thận mà. Rồi từ cái chỗ mà hành động nhỏ này, cho đến khi mà một cây chổi quét nhà rồi thì mấy con không phải ném đại đâu. Mấy con tìm cái chỗ, mới giắt cây chổi đàng hoàng để cây chổi này được bảo vệ xài nó lâu dài. Còn mấy con quăng ném bậy hay hoặc là dựng nó đại vô đây thì cây chổi nó bị co đi. Thì cái vật dụng này nó một thời gian sau, mấy con phải bị tốn hao tiền thêm nữa. Các con thấy một cái đức, nó giúp chúng ta biết bao nhiêu cái sự lợi ích của chúng ta không?
Nó Cẩn Thận, mà khi mà cầm nắm tất cả mọi cái, có một con vật con kiến gì đó thì chúng ta tránh liền. Chúng ta không có để va chạm vào cái sự đau khổ của loài vật xung quanh chúng ta. Những con vật xung quanh chúng ta đó đều là những người thân của chúng ta. Bởi vì cái tình cảm thương yêu của những người thân mình khi chết đi họ chưa có lìa chúng ta đâu. Vì vậy mà cái từ trường nhân quả đó sinh ra những cái loài vật xung quanh chúng ta. Vậy mà chúng ta nỡ tâm cắt cổ con gà, đập đầu con cá mà ăn thịt, thì mấy con nghĩ sao? Mấy con có phải, mấy con ăn thịt người thân của mình không? Qua cái lớp nghiệp, mấy con đâu biết đó là ông bà, cha mẹ của mình chết mà sanh ra đó?
Cha mẹ mình chết đâu phải có một cái linh hồn mà sanh một người? Nó là cái từ trường, nó sanh ra biết bao nhiêu con người không? Biết bao nhiêu con vật không? Các con đâu có hiểu được nhân quả.
Một hành động ác, một hành động dữ của mấy con, nó cũng thành ra một từ trường. Nó tương ưng rồi nó sanh biết bao nhiêu người không?
Các con có thấy một cây xoài kia nó có cho mấy con một trái không? Hay là cho nhiều trái? Thì nhân quả thì nó phải nhiều chớ nó làm sao nó ít được? Nó là cái quy luật của nhân quả, chớ không thể nào có một linh hồn. Từ lâu tới giờ, người ta cứ nghĩ rằng một con người này có một linh hồn. Rồi mình chết đi thì cái linh hồn đó đi tiếp tục đi tái sanh.
Cho nên nó có một người à, chớ không hai, ba người được. Nhưng mà không ngờ một người chúng ta đang sống nè, chúng ta đã tạo biết bao nhiêu điều ác, nó tích lũy từ trường ở trên không gian. Khi chúng ta bỏ thân này, nó tương ưng tất cả những cái từ trường đó. Nó sẽ tương ưng với điều ác thì nó sanh ra trong nhà ác, nó sanh ra những con người ác. Mà chúng ta sống thiện thì nó tương ưng với những cái người thiện mà nó sanh ra những con người thiện.
Các con thấy chưa? Đó là quy luật của nhân quả mà. Trái ớt thì phải ra trái ớt cay. Mà trái xoài phải ra trái xoài ngọt. Chớ mấy con làm ác mấy con biểu ngọt, ngọt sao được? Nó phải cay như trái ớt chớ. Đó là cái quy luật của nhân quả như vậy rồi. Nếu mà chúng ta không học thì chúng ta làm sao hiểu? Nhiều cái sự thật mà với cái ý thức của chúng ta hiện giờ để tìm hiểu thì chúng ta không thể tìm hiểu được.
Với con mắt này mà cách vách, mấy con nhìn ra ngoài, mấy con không thấy. Với con mắt này mấy con nhìn suốt ở trên không gian, mấy con đi tìm cái ngôi sao giờ này, thì mấy con không bao giờ thấy sao. Nhưng mà với con mắt này với một cái người tu mà người ta có Tam Minh, thì giờ này người ta vẫn thấy cái ngôi sao ở đâu, li ti ở chỗ nào người ta vẫn thấy. Không phải mặt trời làm che khuất người ta được.
Cách vách người ta vẫn thấu suốt ở bên ngoài. Ai đứng, ai ngồi, ai làm gì bên ngoài người ta thấy được. Thầy cũng con mắt như mấy con, nhưng mà tại sao con mắt Thầy làm được, mà con mắt của mấy con làm không làm được? Tại vì mấy con chưa biết triển khai nó. Mấy con chỉ biết triển khai con mắt theo ý thức của mấy con thôi. Nó hoạt động theo cái tầm vóc hiểu biết của mấy con, ở trong cái sự cạn cợt của cái bộ óc điều khiển nó. Cho nên bây giờ cách vách mấy con không thấy ở bên ngoài. Không biết cái gì ở bên ngoài xảy ra hết.
(17:50) Cũng con mắt này, mà Thầy dừng lại những cái hoạt động của ý thức, của nhãn thức đi. Thay thế bằng cái thức khác, bằng cái sự hoạt động khác của các cái tế bào não của Thầy. Nó sẽ hoạt động cái nhóm khác, nó làm cho con mắt này mà Thầy nhìn suốt qua cái vách, nhìn suốt dưới lòng đất này mà biết hài cốt người ta chôn. Cũng như mà các nhà ngoại cảm mà các con thấy như cô Bích Hằng đó. Đó là các nhà ngoại cảm dùng tưởng mà thấu suốt nhìn ở dưới lòng đất.
Còn Thầy thì không dùng nó đâu, mà Thầy dùng cái sức lực của Tam Minh. Thiên Nhãn Minh mà Thầy nhìn suốt dưới lòng đất này, Thầy biết ngay đó là hài cốt của người. Nó sâu hơn và nó vi diệu hơn. Cô Bích Hằng không thể nhìn suốt cái vũ trụ này được, mà Thầy có thể nhìn suốt vũ trụ được. Thì mấy con thấy đó! Đó cũng là đôi mắt thôi, nó bình thường, ai cũng có, nhưng mấy con không biết sử dụng.
Thầy cho một cái máy vi tính mà không chỉ các con điều khiển hướng dẫn thì mấy con bấm lung tung, không ra cái thứ gì hết. Có phải không? Bởi cái đầu óc của mấy con, bây giờ mấy con có bộ óc đó, nhưng mà cái đầu óc của mấy con, mấy con làm được cái gì đâu? Nhiều khi cái đạo đức mấy con còn chưa thông suốt nữa để cứu mình, để đừng làm khổ mình, làm khổ người khác. Mấy con chưa còn đủ cái khả năng để mà làm chủ được mình.
Cũng như hồi nãy giờ Thầy nói cái sự sống nó bình đẳng. Thế mà mấy con thấy mấy con vẫn còn ăn thịt chúng sanh được thì mấy con thấy như thế nào? Cái Đức Hiếu Sinh mấy con có đủ chưa? Chưa! Cho nên, từ khi mà chúng ta bước chân vào đạo Phật là ngay cái giới luật mà chúng ta đã thọ của người cư sĩ đó là không nên sát hại chúng sanh. Cái Đức Hiếu Sinh đầu tiên. Nhưng mà người ta chỉ dạy mình không nên giết hại chúng sanh thôi, chớ người ta chẳng nói gì hết.
Nhưng mà cái lòng thương yêu của chúng ta, tức là cái lòng thương yêu chúng ta thương yêu sự sống. Cái giới luật đó là cái thương yêu sự sống. Cho nên chúng ta học, chúng ta thông suốt. Từ đó chúng ta nỡ lòng nào mà chúng ta cầm miếng thịt, gắp cái thực phẩm mà bằng thịt động vật, mà chúng ta bỏ vào miệng chúng ta ăn được? Cái lòng thương yêu chúng ta nỡ lòng nào được? Đó mấy con thấy không?
Cho nên, trong cái sự tu tập của chúng ta đâu phải những người ăn chay người ta chết hết sao? Người ta bệnh đau hết sao? Người ta ăn thực phẩm thực vật, người ta ăn ngày một bữa mà người ta vẫn khỏe mạnh, bằng chứng như Thầy tám mươi mấy tuổi rồi. Mấy con thấy Thầy khỏe không hay là Thầy lụm cụm? Như mấy ông già ăn thịt kia còn lụm cụm đó mấy con. Tại sao họ ăn nhiều quá mà sao lại yếu đuối như vậy, đi rờ rờ như vậy? Còn Thầy ăn ngày một bữa mà tại sao Thầy đi khỏe khoắn như vậy? Tiếng nói Thầy nãy giờ mấy con có nghe rổn rảng không, hay là nói như cái người bệnh? Có phải không mấy con thấy không? Tại sao mà cái người tu tập như vậy mà tại sao chúng ta không bắt chước? Thầy có hạnh phúc không mấy con? Ai chửi Thầy có giận không? Không! Như vậy là Thầy là người quá hạnh phúc trong cuộc đời này rồi.
(20:51) Hôm nay, có duyên mấy con về đây là trong cái giây phút này là giây phút mà Thầy đã đem hết cái sức của mình ra để sắp xếp lớp cho từng người. Người nào đúng lớp nào, để mà đưa cho họ đi vào cái sự tu tập giải thoát thực sự hoàn toàn. Thí dụ như người lớp thấp thì ở lớp thấp, người ở lớp cao thì ở lớp cao, người cao hơn nữa để luyện Tứ Thần Túc thì sắp họ vào cái lớp luyện Tứ Thần Túc, đâu ra lớp nấy. Cũng như lớp một theo lớp một, mà lớp hai phải theo lớp hai. Cái trình độ đó phải tương đương với cái lớp đó để cho họ học tu. Để cho kết quả nhanh chóng, chớ không có kéo dài cái thời gian, từ năm này đến năm khác nữa.
Đạo Phật đã xác định cho chúng ta, bắt đầu từ vào tu cho đến khi mà chứng đạo thì có bảy năm mà thôi. Thế mà hai mươi lăm năm ở Tu viện Chơn Như này, mấy con thấy có người nào chứng đạo chưa? Như vậy, rõ ràng là cái trách nhiệm đó, là Thầy phải chịu trách nhiệm trước đệ tử của mình. Và đồng thời những người đệ tử mà làm biếng không tu hành. Lo ngủ, lo ăn phi thời, lo lén lút nói chuyện bậy bạ, do đó là cái trách nhiệm của đệ tử. Thầy dạy bảo độc cư tu hành thì họ lại nói chuyện. Thầy bảo ăn ngày một bữa thì họ lại lén ăn thêm cái này cái kia. Thì mấy con thấy cái đó là cái lỗi của Thầy hay là lỗi của đệ tử? Mà hai mươi mấy năm nay, thì xét qua cái lỗi này, lỗi của ai? Mà Thầy đã hết sức mình để dạy họ. Cất từng cái thất, từng cái nhà mà hôm nay mấy con đến cả một khu Tu viện khang trang như thế này. Có đường lối đi sạch sẽ hẳn hòi, nhà cửa như thế này. Thế mà tu như vậy thì cái công lao mồ hôi nước mắt của Phật tử đóng góp vô đây để làm gì đây? Có phí không?
Cho nên, hôm nay buộc lòng Thầy kiểm tra lại. Người nào lười biếng đuổi ra khỏi Tu viện. Người nào siêng năng nỗ lực quyết tâm để làm chủ sanh tử luân hồi thì ở lại tu tập. Nỗ lực tu nhiệt tâm, nhiệt huyết, tu thật sự tu.
(22:43) Hôm nay, mấy con đủ duyên về nghe Thầy quyết định cho một cái năm sắp tới. Tu viện phải đào luyện cho được những người tu chứng, chớ không phải là tu lơ mơ nữa. Không phải là tu cầm chừng, không phải tu lấy có, mà tu thật tu. Dù nam hay nữ cũng phải thực sự, người nào lười biếng mà Thầy kiểm tra, mà Thầy thấy rõ ràng là lười biếng ham ăn, ham ngủ là đuổi ra liền khỏi Tu viện. Ở Tu viện thì một bữa, không có được ăn phi thời, nhất định như vậy. Còn người cư sĩ ngoài đời còn thọ Bát Quan Trai, thì trong những ngày thọ Bát Quan Trai nhất định ăn ngày một bữa. Còn ngoài những ngày mà thọ Bát Quan Trai thì ăn hai bữa, ba bữa tùy theo cái hoàn cảnh của mấy con, mấy con sống.
Nhưng với năm cái giới luật của đức Phật, lần lượt mấy con học Đức Hiếu Sinh, Đức Ly Tham, Đức Chung Thủy. Đức Chung Thủy tức là đạo đức Gia Đình đó mấy con. Rồi Đức Thành Thật, Đức Minh Mẫn. Năm cái đức này, mấy con sẽ lần lượt, mấy con học đầy đủ. Thì chừng đó mấy con sẽ áp dụng vào những cái đức hạnh đó, thì mấy con sẽ được hạnh phúc vô cùng. Mấy con sẽ được hạnh phúc, tức là mấy con sẽ được cái sự an ổn vô cùng.
Một người mà giữ gìn giới, nó ảnh hưởng đến cả gia đình của mình. Cũng như bây giờ mấy con có một người tu ở trong Tu viện này, giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Tức là giới luật đức hạnh đầy đủ, không có vi phạm thì ảnh hưởng gia đình của mấy con là không tai nạn, không bệnh tật. Bởi vì nó là một cái chùm nhân quả.
Cho nên cái nhơn quả này tốt. Một người tốt ở trong gia đình nó kéo theo cái sự bình an cho gia đình của nó. Nhưng mà các con nhớ kỹ, vô đây mà các con phạm giới, phá giới thì cái gia đình các con sẽ bị ảnh hưởng. Tai nạn xảy ra, bệnh tật sẽ đến, con không đau thì gia đình con, cha mẹ, anh em hay là con cháu bị đau, không chạy đâu khỏi hết, bởi vì phá giới phạm giới.
Đó là cái thiện pháp mà. Mà không thiện pháp thì mấy con làm sao mà chuyển được? Do các con không sống thiện pháp (cám ơn con nghe), các con hiểu chưa? Cho nên mấy con cố gắng giữ giới thì gia đình mấy con yên ổn, và luôn lúc nào gia đình cũng vui vẻ chấp nhận cho mấy con tu.
Còn trái lại, mấy con không có đúng. Mấy con vô đây, mấy con phạm giới, phá giới đi nói chuyện đầu này đầu kia, coi chừng gia đình mấy con xảy ra. Và trong gia đình của mấy con không muốn cho mấy con đi tu nữa. Thấy không! Nó đi tu mà giờ về nó nói chuyện quá trời quá đất như thế này, nó đâu có phải là người tu.
Người ta đánh giá trị của mấy con qua cái thân hành của mấy con, qua cái sống của mấy con thì người ta biết mấy con tu được hay không. Vô cái chùa tu như vậy, mà bây giờ tu như vậy rồi cái chùa vậy thì thôi. Mấy chùa khác cũng vậy, thôi tu chi cho mất công, có lợi ích gì? Thôi về niệm Phật đi, cầu bà Quan Âm đi, bồ tát Quan Âm để gia hộ cho bình an còn hơn. Để cái tư tưởng của mình dựa lưng vào đó để cho nó an ổn, chứ bà Quan Âm nào mà cứu khổ cứu nạn mấy con được?
Khi mấy con làm một điều ác, chẳng hạn bây giờ ăn trộm, ăn cướp cầu bà Quan Âm phù hộ cho công an đừng bắt bỏ tù tui. Thì cái chuyện đó, cái xã hội này sẽ… Nếu có bà Quan Âm phù hộ thật sự thì cái xã hội này còn gì nữa mấy con? Đó là cái vô lý rất là vô lý, cầu khẩn như vậy là cầu khẩn sao được? Khi mấy con làm một cái điều ác mà mấy con cầu bà Quan Âm phù hộ mấy con để không bệnh tật, tai nạn thì cái chuyện đó là vô lý, hết sức vô lý.
Mấy con phải làm thiện, mà làm thiện thì nó đã chuyển ác, thì mấy con đâu có tai nạn, đâu có bệnh tật. Do cái hành động đó mà đức Phật nói: "Các con tự thắp đuốc lên đi, Ta chỉ là người hướng dẫn mà thôi chứ Ta cứu khổ mấy con được sao?” Mấy con làm ác mà biểu Ta cứu khổ mấy con là cứu làm sao? Còn mấy con làm thiện là tự mấy con cứu rồi thì cần gì mà phải đòi hỏi Ta, các con hiểu chưa?
Nhưng mà vì chúng ta không hiểu biết, cho nên chúng ta nương tựa vào cái tinh thần để cầu Phật, cầu đức bồ tát Quan Âm gia hộ để cho tinh thần mình an ổn trước cái cảnh đau khổ của gia đình của mình. Có một người bệnh đau trong gia đình, đến chùa lạy Phật cầu cho cha mình hay mẹ mình hay con mình mau mạnh giỏi. Phật gia hộ cho nó bình an mạnh giỏi, để cái tinh thần mình an ổn thôi, để rồi mình về, mình lo cho con mình đi bác sĩ, chứ ông Phật ông dám rớ tay vô đó không? Nếu mà ông rớ tay như vậy thì luật nhân quả sẽ xử phạt ông đó. Ờ! Tụi nó làm ác, cho nên con nó bây giờ nó phải đau vậy để trả cái quả đó, để cho tiền bạc nó hết. Mà tại sao mình rớ vô đó để nó mạnh giỏi được thì nó không hao tiền bạc, thì vậy nó làm giàu, tức là nó cướp giật của người ta kia kìa. Các con hiểu điều đó. Đâu có lý nào mà ông Phật ông gia hộ hay là đức bồ tát Quan Âm gia hộ cái kiểu vô lý như vậy, rồi cũng như xúi mấy con làm ác sao?
(27:02) Cho nên, ở đây cái gì mình phải có cái trí suy luận cho đúng, cho nên không sống ở trong mê tín, không cầu khẩn ai hết. Tự mình cứu mình bằng sống thiện pháp chuyển ác pháp, chứ không ai mà cứu mình đâu. Đó là giới luật đức hạnh để đem đến cái sự hạnh phúc cho mấy con, các con hiểu chưa?
(Thầy xin phép Thầy uống nước nhen.)
Cho nên, đến với Thầy rồi thì mấy con đến với chùa mà cầu khẩn thì mấy con sẽ thấy Thầy nói ở đây, mấy con sẽ thấy chướng chướng như vậy trong lòng của mấy con. Còn không đến đây thì mấy con đến chùa, mấy con cầu khẩn ai thì mấy con cầu. Họ còn nói cầu khẩn đức Phật Quan Âm phù hộ cho mấy con lại mạnh giỏi bình yên hơn nữa, cúng cho nhiều đi thì nó bình yên hơn nữa. Nhất là tạc tượng, nhất là xây chùa, đúc chuông thì lại còn phước báu hơn nữa, còn làm giàu hơn nữa.
Mấy con nghe người ta khuyến dụ mấy con như vậy, chứ sự thật ra làm cái điều gì đó được. Các con thấy cái nước Campuchia không? Cái đền Angkor, cái nơi mà thờ Phật của cái nước đó, có cả bao nhiêu mồ hôi dân của nó dồn vô, do ông Vua ra lệnh. Thế mà cái nước của nó bây giờ như vậy, diệt chủng như vậy sao? Phước nào, phước ở chỗ nào mà cái chùa là một cái kỳ quan của thế giới như vậy mà bây giờ cái phước nó ở đâu? Hay là chúng ta ngu si, ngu muội mà bỏ cái tiền ra làm cái chuyện mê mờ.
Ông Phật ổng có dạy mình cất chùa to Phật lớn đâu. Mà dạy chúng ta đó phải sống, sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người thì sẽ đem đến cái sự hạnh phúc giải thoát cho nhau, đó là cái đúng. Thì Thầy dạy mấy con có cần phải mấy con bỏ tiền vô để cất chùa tốt đâu. Mà đến đây thí dụ mấy con ngồi trong cái nhà tranh vách lá như thế này, dưới bóng cây cũng mát mẻ chứ, cũng tốt chứ đâu có sao đâu. Các con thấy bình thường không có gì hết. Nhưng cái tu học của mình được hay không? Mình phải lo, mình cứu mình.
(29:06) Cho nên đến đây, Thầy nói cái về cái giới luật đức hạnh mấy con đã hiểu. Bây giờ tới thiền định thì mấy con thấy cái này với mấy con khó hiểu quá. Tại sao một con người như thế này, mà tịnh chỉ hơi thở? Còn nín hơi thở chịu không nổi, thở cái khì. Trời ơi! Sao nó mệt quá trời đi!? Ở đây người ta có nín thở không mấy con? Mà người ta tịnh chỉ hơi thở, tức là hơi thở thanh tịnh mà nó ngưng. Còn mấy con cái hơi thở của mấy con là thở danh, thở lợi, thở tiền, thở bạc thì làm sao nó ngưng? Thở giận, thở hờn thì làm sao nó ngưng mấy con, các con hiểu chưa?
Còn người ta không giận, không hờn, không phiền não. Ai chửi mắng người ta hổng gì hết, thì hơi thở người ta thanh tịnh, cho nên do đó người ta nói giới sanh định. Vì vậy mà khi giới luật nó thanh tịnh rồi, thì cái hơi thở nó phải thanh tịnh. Mà nó thanh tịnh thì tịnh chỉ nó dễ dàng đâu có gì khó. Cho nên khi mà chúng ta muốn nhập Tứ Thiền thì chúng ta bảo: "Hơi thở phải tịnh chỉ ngưng, nhập Tứ Thiền". Thì nó sẽ ngưng nó nhập Tứ Thiền. Mà bây giờ muốn chết: “Hơi thở ngưng, bỏ thân này, thân này không sử dụng được nữa ” thì nó sẽ ngưng. Còn mấy con bảo nó có nghe không? Nó trơ trơ, nó thở hoài, mà nó nín thở thì nó mệt. Thì như vậy là không cách nào mà làm chủ nó được.
Còn ở đây người ta làm chủ được. Thì như vậy rõ ràng là cái người mà đã ly dục, ly ác pháp thì người ta mới luyện được cái này, người ta mới tập được cái này, người ta mới tịnh chỉ được hơi thở người ta. Cho nên người ta nói tịnh chỉ chứ ai nói nín thở bao giờ? Người ta nói tịnh chỉ hơi thở. Vậy thì chúng ta muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống là phải tịnh chỉ hơi thở. Còn nín thở thì không phải, tự tử đó, nín thở là tự tử. Mà nín thở, mình nín ngồi nín không được thì lấy dây mà thắt cổ, nó không thở được thì nó cũng nín. Còn không thì nhảy xuống nước, nó thở không được, bị nước thì nó cũng nín, thì đó là nín thở, chứ không phải là tịnh chỉ hơi thở. Các con hiểu chưa?
Cho nên cái sự tu tập chúng ta tới cuối cùng chúng ta tịnh chỉ hơi thở để làm chủ, bây giờ muốn chết-chết, muốn sống-sống. “Mày! Tao thấy cái tuổi thọ mày bây giờ nó hết rồi, thôi bây giờ tao tịnh chỉ”. Mấy con ra kia đào dùm Thầy cái lỗ dưới đất đi. Đào như cái lỗ kia xong rồi, thì Thầy xuống đó Thầy nằm, Thầy tịnh chỉ hơi thở. Ở trên này mấy con lấp đi, có làm đám ma chi cho mắc công khiêng cực khổ, mấy con thấy khỏe không?
Còn bây giờ chết rồi, mắc công bỏ vô quan tài, để lên cúng bái ba bốn ngày khiêng, lấp xuống. Đâu có bằng Thầy mạnh khỏe, giờ Thầy xuống nằm. Nằm xong, Thầy tịnh chỉ hơi thở, Thầy nói: "Bây giờ đó Thầy tịnh chỉ hơi thở nghen, lấp đất nghen". Bắt đầu hơi thở Thầy không thở nữa. Thì lúc bấy giờ Thầy trải chiếu trải mền ở dưới, Thầy nằm ở dưới, chứ có mất đi đâu, mà Thầy có tốn hao tiền bạc không? Chiếu đó Thầy trải trên giường Thầy nằm. Phải không? Gối đó Thầy cũng trải trên giường Thầy nằm.
Bây giờ Thầy muốn nằm ở dưới cái hầm đó để lấp, Thầy thì đem xuống đó lấp luôn chứ để chi. Thì do đó Thầy nằm, rồi Thầy bảo: "Ờ, bây giờ Thầy tịnh chỉ hơi thở nghen mấy con lấp”, thì đứa cái cuốc, đứa cái cuốc rồi hen. Thầy nằm tắt thở thì mấy con cứ lấp thôi, có gì đâu, khỏi chôn khỏi khiêng không? Khỏi có kêu đạo tỳ gì hết. Phải không? Có tẩm liệm gì đâu? Thầy đã tẩm ở dưới rồi. Rồi sao mấy con biết không? Đừng có xây mồ xây mả tốn. Trồng lên đó một cây xoài. Mai mốt cái thân Thầy nó mục nó thành phân, cây xoài nó ăn nó ra trái, mấy con về hái chia nhau, mỗi năm đứa trái xoài ăn phải ngọt không?
Cái thân của Thầy chết rồi nó cũng còn lợi ích. Còn không bây giờ chết, chun vô cái mả kia, trời đất ơi! Nó ràng rịt, nó xây đá, nó nặng nề có lợi ích chi đâu? Mà cái nắm đó là nắm đất hôi thối chứ có cái gì đâu? Cái thân này thân vô thường có gì lợi ích đâu? Các con thấy đối với một người tu, người ta rất đơn giản, chết người ta không có để mấy con cực khổ, khỏi cần khiêng. Thầy đến đó nằm, mấy con chịu khó lấp thôi, có vậy thôi.Chứ đừng có để trên bàn thờ mấy con. Để lên bàn thờ mấy con mắc công lạy.
(32:48) Rồi mai mốt cái nhà nước họ sẽ cắm cái bảng ngoài kia, ai vô đây rồi bắt đầu phải đóng tiền. Thì như vậy rõ ràng là cái thân Thầy ngồi đó để người ta lấy tiền chứ gì, phải không? Các con thấy Thầy bây giờ, thí dụ như Thầy vô (xem) cái nhục thân của Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường, đâu phải vô không tiền mấy con. Mấy con có ra ngoài đó chưa? Có tiền chứ đâu phải không đâu. Có phải không? Đó cho nên vì vậy mà Thầy không có ngu đâu, để mình chết rồi mà người ta cũng bán lấy tiền, thì như vậy đâu có được, không có làm lợi ích. Cho nên nhất định là Thầy chết, Thầy bảo đào cái lỗ như vậy đó, Thầy xuống Thầy nằm rồi ở trên lấp, còn ai lấy tiền Thầy được? Đâu có lấy tiền. Chỉ có cây xoài lên có trái, chia nhau ăn thôi.
Hằng năm mấy con về thăm, mùa xoài về thăm để xin trái xoài, đứa trái xoài ăn. Bây giờ Thầy sẽ ra cây xoài lớn, Thầy ra một ngàn, hai ngàn trái. Mấy con nhiêu đây, mấy con chia được mấy trái, cao lắm thì hai, ba chục trái chứ bao nhiêu? Cho nên nó chưa hết đâu, còn chia cả xóm nữa, có phải không? Lợi ích không, các con thấy không? Mà cây xoài ăn phân Thầy lại tốt. Đó các con thấy chưa? Cho nên phải tu tới nơi tới chốn mấy con.
(33:49) Hôm nay mấy con có duyên được nghe Thầy nói về giới luật đức hạnh. Nhưng mà tu tập - đây là Thầy nói chung chung - phải học, học mới thông suốt. Đức Phật đã nói: "Những gì thông suốt cần thông suốt". Mấy con đừng có thông suốt mênh mông. Mà thông suốt những điều lợi ích, đạo đức để làm cho mình được giải thoát, để mình không làm khổ mình, khổ người. Cái thứ hai:"Tu tập những gì cần tu tập" .Thì những cái pháp nào tu tập, chứ không phải là niệm Phật cũng là tu tập, nhưng mà tu tập cái điều đó đi tới đâu? Rồi bây giờ ngồi thiền, ngồi thiền đi đến đâu, làm cái gì được? Nhưng mà tu tập có đạo lực để người ta làm chủ sự sống chết, muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống. Thầy xuống hầm ít ra Thầy cũng phải có đạo lực, chứ không có đạo lực mà Thầy xuống đó nằm được sao? Các con hiểu không?
Cho nên ở đây phải tu tập cụ thể rõ ràng, bằng chứng rõ ràng, không thể nói dối được, mà không để bị ai lừa đảo chúng ta. Đâu có điên gì Thầy để nhục thân đây mà ngồi ở trên cái tượng như tượng Phật này, để rồi người ta ở ngoài kia, người ta làm cửa, người ta lấy tiền. Thầy không làm điều đó, và đồng thời mấy con thấy nhục thân Thầy. “Chà! Việt Nam mình có người để như vậy mới gọi là thiền định”. Thiền định gì? Thiền định nằm dưới hầm kia, tịnh chỉ hơi thở mới thiền định chứ. Thiền định gì mà để cái nhục thân này, bất tịnh như thế này, bộ thân Thầy sạch sẽ lắm sao? Cả bao nhiêu cái sự bất tịnh nó gồm vô đây, chứ đâu phải, cho nên nó vô thường.
(35:02) Thôi hôm nay mấy con nghe như vậy rồi, bây giờ mấy con vào ăn cơm. Rồi mấy con về rồi mai mốt người nào, mấy con người nào muốn tu về đây Thầy dạy học đạo đức. Nhất là gần đây thì cô Út sẽ mở cái lớp trường học để dạy đạo đức. Thầy sẽ cho quý thầy đứng ra dạy, hoặc Thầy đứng dạy đạo đức mấy con. Trong khi mấy con dự nửa tháng hoặc một tháng học đạo đức, lợi ích cho mấy con chứ. Cái này là điều kiện cần thiết, bởi vì đạo đức nhân bản mà. Cái gốc của con người mấy con không thông suốt, làm sao mấy con làm con người được?
Cho nên mấy con phải về học, phải không? Do đó mấy con về học thì mấy con sẽ thông suốt. Thông suốt thì mấy con sẽ không làm khổ mình, khổ người, thì đó là hạnh phúc giải thoát rồi. Đây là bước đầu. Cho nên Đức Phật nói: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy”.Học nội đạo đức không mấy con cũng giải thoát rồi. Nhưng giải thoát mới ở cái tâm, còn cái thân thì chưa giải thoát đâu, mà cái thân phải đi vào thiền định mới giải thoát, các con hiểu chưa?
Phật tử: (Đảnh lễ Thầy)
Trưởng Lão: Xá Thầy thôi con, xá được rồi. Mai mốt tu, mấy con sống đạo đức là mấy con xá Thầy, cái điều đó là mấy con đền ơn Thầy. Còn mấy con lạy Thầy nhiều mà mấy con ai đụng, đụng ai mấy con chửi mắng người ta đó, thì chắc chắn là Thầy xấu hổ lắm đó. Hiểu không mấy con hiểu không? Cho nên vì vậy mà mấy con mà thương Thầy thì mấy con phải sống đạo đức. Không làm khổ mấy con, không làm khổ người khác thì đó là mấy con đã đảnh lễ Thầy, mấy con đã đền đáp công ơn Thầy. Thầy nãy giờ Thầy nói mấy con.
Thôi, rồi mấy con ăn cơm, mấy con đứng dậy, Thầy chào mấy con đặng Thầy ra.
Thầy xin chào Phật tử mấy con! Thầy chào mấy con, các con về ăn cơm! Sau khi về dưới bình an con!
Phật tử: (Đảnh lễ Thầy) Con xin đảnh lễ Trưởng Lão…
Trưởng Lão: Xá thôi, xá Thầy thôi! Thầy đã dặn rồi, đừng có đảnh lễ Thầy! Đừng có đảnh lễ Thầy, mấy con xá Thầy thôi hen. Rồi! Bắt đầu mấy con về, mấy con thực hiện không làm khổ mình, khổ người là mấy con đã đảnh lễ Thầy rồi. Các con nhớ ai chửi, mình làm thinh đó là đảnh lễ Thầy. Nhớ chưa? Đừng có giận họ, thương họ thì đó là đảnh lễ Thầy, nhớ chưa?
Phật tử: (Đảnh lễ Thầy)
Trưởng Lão: Thôi! Vậy thôi, xá Thầy được rồi mấy con. Thôi! Đừng có đảnh lễ Thầy con!
HẾT BĂNG