THẦY THĂM HÀ NỘI 01 - PHẢI HỌC TẬP VÀ RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 19/04/2006
Thời lượng: [25:08]
Tên cũ: 1910-(HaNoi)-HocDaoDuc-KhaiThiDaoPhat-TTAD-(CoTuDuc)-(19-4-2006)
(0:00) Trưởng lão: … Thì có xin phép, nhà nước cho phép được 2 cái tập sách Đạo Đức Làm Người. Xin rồi, mà Thầy đi từ trong Nam ra tới Trung là nó hết rồi, tới Hải Phòng là mấy cuốn đạo đức vẫn còn, tới Hà Nội thì không còn cuốn nào hết.
Phật tử: Dạ, không sao ạ!
(00:20) Trưởng lão: Rồi Thầy trong đó ít hôm sẽ gởi ra ngoài này mấy con.
Mà mấy con ráng học đạo đức, mình có học đạo đức mình mới không làm khổ mình, khổ người. Còn mình không học thì mình không có biết đâu. Chẳng hạn như người ta nói một lời nói nặng làm cho mình tức giận, nhưng mình học đạo đức thì mình không có giận. Nó hay vậy!
Tại vì, mình hiểu đó, cho nên mình thương cái người mà người ta nói nặng mình. Bởi vì người ta nói nặng mình tức là người ta giận mình, người ta giận là người ta đang đau khổ.
Mà người ta nói nặng, người ta chửi mình hay mạ lỵ mình đó là người ta đang gieo nhân ác, người ta nói điều ác, cho nên người ta sẽ thọ lấy quả khổ. Mình hiểu vậy đó thì mình thương họ, cho nên mình không có giận là vì mình biết thương người đó.
Đó là cái sự tu tập của đạo Phật là vậy! Lấy cái sự hiểu biết, cái tri kiến của mình mà mình hoá giải được tâm mình, mà mình biến họ trở thành một người bạn tốt mình không còn ghét họ. Đó là cái lối học đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người. Mà mình không học thì mình không hiểu đâu.
(01:31) Cho nên ngay vừa rồi ở miền Nam, Thầy có mở lớp học Chánh Kiến. Chánh Kiến tức là mình học hiểu biết những điều chơn chánh để không làm khổ mình, khổ người tức là học đạo đức đó.
Thầy mở được 4 tháng. Tới lớp Chánh Tư Duy thì Thầy nghỉ, để Thầy đi thăm mấy con. Thầy nghe ngoài này các nhóm Phật tử lộn xộn lắm, chia manh, chia mún ra.
Ví dụ như bây giờ mấy con ở đây là chung với nhau vậy, mấy con cố gắng học đạo đức rồi mấy con thành lập thành một cái nhóm học đạo đức, rồi chúng ta đoàn kết trong các nhóm thì tốt nhất. Nó đẹp hơn. Chứ bây giờ nhóm này mà hợp lại nhóm kia nó xa quá mấy con. Nó gần gũi, mình trao đổi với nhau. Học đạo đức là phải có sự trao đổi với nhau, để mình đưa đi đến cái chỗ hoàn toàn mình thật sự đạo đức.
(02:26) Bởi vì đạo đức của đạo Phật dạy mình làm chủ được cái tâm. Người ta chửi mình mà mình không giận, thấy một vật gì tốt đẹp mình không ham, mình biết đó là các pháp đều vô thường bởi vì mình học rồi, có vật gì mà nó thường hằng đâu?
Cũng như bây giờ mình có nhà cửa thế này, mình chết rồi mình có mang theo không? Thậm chí như thân của mình cũng vô thường mình đâu có giữ được nó, cho nên mình không tiếc.
Nhưng mình cần lao, mình siêng năng mình làm để mình nuôi mình mà còn giúp cho những người bất hạnh. Chứ không phải là mình theo đạo Phật là mình lười biếng, nói bây giờ, thân vô thường, các pháp vô thường, thôi không làm gì hết. Cái đó là không đúng!
Cho nên vì vậy, mà phải học cho đúng các cái lớp học. Ví dụ như bây giờ thì mấy con nói ra một lời nói thì mấy con chưa có suy nghĩ, đó là nói theo thế gian, cho nên lời nói mình nó đụng chạm người khác người ta buồn. Cho nên khi đó mình phải học lớp Chánh Ngữ đó, để khi mình nói mình suy nghĩ trước khi mình nói, và người ta rèn luyện, người ta hướng dẫn cho mình mình tập nói. Mình nói cái lời nói ôn tồn, nhã nhặn làm cho ai thấy cũng thương mến.
Đó! Chứ mình không học thì thói quen mình, nghe tức giận cái mình nói đại à, mình nói đại mình không có kiểm soát được cái lời nói làm cho mình khổ mà người khác khổ. Đó thành ra mình phải học những cái lời nói.
Rồi mình học những cái oai nghi tế hạnh đi, đứng, nằm, ngồi. Nhiều khi cái thói quen của mình, cho nên cái hành động của mình ngó, háy, liếc người ta, người ta cũng ghét. Đó, thành ra mình phải học, học rồi mình tập luyện, thành ra mình có những hành động rất là nhẹ nhàng, êm dịu. Đó là mình học.
(04:05) Bởi vì, đạo đức mà nó dạy cho mình từ lời nói cho đến tất cả những hành động của mình để trở thành một con người đạo đức, chứ đâu phải là khi không mình nói đạo đức rồi mình có đạo đức được sao? Nhưng mà đạo đức nó từ cấp thấp đó mà nó đi dần đến cái cao.
Đạo đức cao thì mình không làm khổ mình, mà giờ thân mình là cái thân vô thường, nó thay đổi thì nó bị bệnh đau. Mà nó bệnh đau thì như thế nào?
Thứ nhất là mình phải nuôi cái thân mình bằng Chánh Mạng, chứ đừng có nuôi nó bằng tà mạng. Mình nuôi tà mạng là mình huân cái đau khổ vào trong thân mình.
Ví dụ như mình ăn thịt chúng sanh, trước khi con vật nó chết thì mình phải giết nó, làm cho nó đau khổ. Mình nuôi cái thân mình bằng sự đau khổ thì mình phải bệnh đau. Bởi vì nhân quả mà, cái quy luật của nhân quả là vậy, mình bệnh đau.
Mình biết rồi thì bây giờ mình sống với lòng thương yêu của mình trước sự sống của chúng sanh, mình không ăn thịt chúng sanh. Mà mình không ăn thịt chúng sanh thì cái thân của mình nó ít đau chứ không phải là không đau, nhưng mà mình lại có phương pháp mình đẩy lui được bệnh đau.
Ví dụ như bây giờ đầu Thầy nhức, thì nó có phương pháp để đẩy lui cái bệnh đó. Đức Phật đã dạy: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô! An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra!” Mình tác ý cho thân mình an ổn rồi đừng có đau, rồi mình nương vào hơi thở biết thở ra, thở vô.
Cái lực đề kháng của thân mình bây giờ nó rất mạnh, nó đẩy lui cái mô bệnh đó ra, nó đẩy lui cái bệnh. Mà khi mình làm chủ được cái bệnh thì hạnh phúc lắm rồi, khỏi uống thuốc, khỏi đi nhà thương. Mấy con thấy chưa?
(05:36) Rồi bây giờ nó cao hơn một bậc nữa, cái đạo đức nó dạy cho chúng ta cao hơn một bậc nữa để làm chủ được sự sống chết của chúng ta.
Cũng như bây giờ, cái hơi thở mình thở vầy mà mình muốn cho nó dừng thở thì đâu được? Mà mình cố nín thở thì đầu mình nó bung lên, nó làm cho mình khó chịu, làm mình chịu không nổi mình phải thở ra. Còn không thì mình phải tự tử, thắt cổ, hoặc là nhảy xuống sông, xuống giếng để cho nước nó làm ngợp mình cho mình chết, thì rất là khổ! Chết một cách rất đau khổ, bởi vì mình tự tử là đau khổ.
Nhưng mà cái phương pháp của Phật khi mình thấy cái thân của mình già yếu, lụm cụm, khổ sở quá cho nên mình muốn bỏ nó đi, thì rất dễ dàng.
Đức Phật dạy cho mình cách thức tịnh chỉ được hơi thở, nằm một cách rất an ổn, ví dụ như chỉ cần ra lệnh: “Hơi thở tịnh chỉ, ngưng đi! Bỏ cái thân này, thân này mang khổ lắm!" - thì ngay đó cái hơi thở lần lượt chậm dần dần rồi ngưng đi, mà đem lại một cái trạng thái cho thân tâm chúng ta an lạc vô cùng.
Hạnh phúc lắm! Mình chết mà trong hạnh phúc chứ đâu phải chết trong đau khổ. Còn hầu hết là mọi người chết trong đau khổ mấy con, không bệnh này, bệnh khác, đến khi chết người nào cũng có bệnh mà chết.
Còn không ít ra cũng đứt mạch máu não mà chết. Chết thành bệnh chóng mặt, khi mình đứt mạch máu não mình chóng mặt phải té xỉu xuống, trong cái giai đoạn đó tuy rằng tích tắc mình chết nhưng mà rất đau khổ.
Đó, mấy con thấy, hiểu không? Con người chết trong đau khổ chứ chưa có ai mà chết không đau khổ, mà đạo Phật dạy chúng ta: “Có đạo đức, khi chết không đau khổ". Tự cái sức của mình, mình bảo nó chết là nó chết, như vậy là mình phải học đạo đức hết.
(07:14) Cho nên từ cái đạo đức sống mà người ta chửi mắng, người ta làm gì mình cũng không buồn phiền, mình không giận hờn ai, tức là đạo đức không làm khổ mình, khổ người cho đến những cái mức cuối cùng để cuộc đời của mình làm chủ nó thì mình cũng vẫn… (Không nghe rõ).
Đó là những cái phương pháp mà Phật đã để lại, mà nó thành ra một cái chương trình giáo dục - đào tạo để chúng ta học, học cái đạo đức. Nó tám lớp mà ba cấp học.
Cấp thứ nhất là cấp Giới luật, tức là cấp đức hạnh mà Thầy nói, làm cho tâm chúng ta sống trong cuộc sống mà không biết phiền não, giận hờn ai, luôn luôn thương yêu và tha thứ mọi người. Đó là cái cấp thứ nhất, là cấp về đức hạnh.
Cấp thứ hai là cấp Định. Cấp Định là cấp mà tự mình để làm chủ những sự đau khổ trên thần mình, như làm chủ bệnh, làm chủ chết là cấp Định.
Còn cấp Tuệ, để chúng ta quan sát, chúng ta thấy hiểu biết những điều mà chúng ta chưa thấy biết được, đó là cấp Tuệ. Ví dụ như về quá khứ nhiều đời nhiều kiếp của mình, hiện giờ trong một kiếp này qua rồi mình không biết mình là cái gì, là ai, ở đâu đến đây sinh ra làm người này, mình không biết. Nhưng mà khi mình có Tuệ đó thì cái thời gian nó không có, mình sẽ biết.
(08:25) Đó thì mấy con học, mà nó chỉ hoạt động ở trong cái đầu của chúng ta thôi, chứ không có gì. Nếu mà không có cái đầu này thì chúng ta không làm sao hiểu biết được cái đó.
Bởi vì cái bộ não của chúng ta nó nhiều cái hệ thống ở trong đó nó làm việc. Bây giờ Thầy nói chuyện với mấy con là hệ thống ý thức, chiêm bao mấy con ngủ là hệ thống của tưởng thức, còn cái người mà thực hiện được cái trí tuệ đó đó là hệ thống của thức thức.
Nó có phần hoạt động của nó trên đầu của chúng ta mà chúng ta vì không tu tập cho nên chúng ta không sử dụng được. Cũng như mấy con có cái máy vi tính mà mấy con không học thì mấy con không sử dụng được cái máy vi tính, không mở được cái máy vi tính. Thì cái đầu của chúng ta cũng vậy, nó là cái bộ máy rất tinh vi.
Cho nên cái người học Phật người ta điều khiển cái đầu của người ta như là điều khiển cái bộ máy như vậy mà người ta muốn làm chủ sống chết như thường, nó dễ dàng. Còn mình điều khiển không được. Nó chết, chúng ta muốn sống cũng không được. Mà nó bệnh đau thì phải đi nhà thương uống thuốc chứ còn không cách nào khác hơn hết, hay hoặc là nằm đó chịu đau, chịu chết thôi.
Thì mấy con thấy trong cơ thể chúng ta nó có những cái đặc biệt như vậy, tại sao chúng ta lại không học đạo đức? Học đạo đức làm người, sống không làm khổ mình khổ người thì đem lại cuộc sống ở trên thế gian này là hạnh phúc vô cùng!
Vậy thì ở khu này mấy con tập hợp nhau lại, hiểu biết, đọc sách đạo đức mà Thầy dạy, thì Thầy tin rằng mấy con, một số người hiểu biết như vậy thì mấy con cố gắng tập luyện. Thầy thỉnh thoảng Thầy ra Thầy dạy mấy con đạo đức.
(9:53) Có đủ duyên ở đây mở cái Trung tâm An dưỡng Từ thiện Chơn Lạc, thì mấy con sẽ đến Trung tâm đó, trong Trung tâm đó nó có những lớp học dạy đạo đức. Ví dụ như Thầy dạy lớp Chánh Kiến, thì trong mỗi Chủ Nhật có một cái ngày dạy học đạo đức, thì các cháu, các cụ, các bác đều đến đó học.
Học thì nó hiểu thêm một sự việc, hiểu thêm một điều thật sự mà từ lâu tới giờ mình không hiểu, để mình hiểu nó, để mình làm chủ được cái tâm của mình. Khi mà người ta nói một lời nói mà mình không thể giữ được tâm mình phiền não, hay hoặc là có một sự kiện xảy ra làm cho mình buồn phiền, mà mình hiểu thì mình không còn buồn phiền.
Bây giờ ví dụ như trong gia đình của mình có người bị bệnh, mình lo lắng quá, nhưng mà khi mình nghĩ đây là nhân quả rồi, các pháp đều vô thường, thì tự nhiên phải có bệnh chứ sao! Cho nên cái tâm mình nó an ổn ngay liền!
Các con thấy Phật pháp nó hay. Khi mình hiểu, nó đem lại cho mình sự bình an. Rồi vấn đề mà trị bệnh bằng cách này, bằng cách kia thì cái vấn đề bình an tâm mình không có dao động, không sợ hãi thì cái sự trị bệnh quá dễ dàng, không có khó.
Cho nên Thầy mong rằng, mấy con khi ở một cái khu vực như thế này mà mấy con hợp với nhau lại rồi mấy con có được cái duyên Thầy về Thầy dạy đạo đức.
(11:08) Chính đạo Phật đưa bốn cái chân lý ra, tức là bốn sự thật là xây dựng cái nền đạo đức cho loài người, chứ không phải đạo Phật như bây giờ mấy con đến chùa cúng bái, cầu siêu, cầu an đâu. Đạo Phật không có dạy chúng ta cái đó. Đạo Phật không có dạy chúng ta tụng niệm, cúng bái. Đức Phật ngày xưa, trong những bài kinh đức Phật bác sạch những cái điều tụng niệm, cúng bái của Bà La Môn.
Nghĩa là trong thời Đức Phật là có đạo giáo Bà La Môn, Đức Phật theo Bà La Môn tu học, nhưng khi mà thấy sự tu học của Bà La Môn không được giải thoát cho nên Đức Phật tự tìm lấy con đường tu tập cho mình. Sau khi thấy được rồi, cho nên tất cả những gì sai của Bà La Môn đều bác bỏ sạch, chỉ dựng lại những cái gì đúng của Bà La Môn mà thôi.
(11:52) Hôm nay, Thầy cũng là một tu sĩ của Đại Thừa, cũng ở trong các chùa. Hôm nay, mấy con thấy Thầy mặc giống các tu sĩ không? Giống y, không khác gì hết. Nhưng mà có những cái sai của Đại Thừa chứ đâu phải là toàn bộ nó đúng hết đâu. Nhưng mà có những cái đúng.
Thì những cái đúng thì mình dựng lại cái đúng, mà những cái sai nó làm chúng ta lệch đường mà phí công, phí sức, phí của, phí tiền chúng ta phải bỏ cái đó xuống, rồi chúng ta dựng lại cái sai để chúng ta đem lại cái đời sống của chúng ta được hạnh phúc, và cả thế gian được hạnh phúc.
Bởi vì, mấy con nghe cái đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người, có phải là hạnh phúc không? Sống mà không làm khổ ai hết, mà không làm khổ mình nữa thì đó là đạo đức rất là tốt đẹp! Cho nên từ nhỏ chí lớn chúng ta đều cần phải học.
Và đồng thời sách viết đạo đức của Thầy được nhà nước chấp nhận, Thầy xin phép được, mấy con thấy hai cái bộ mà Thầy xin phép về đạo đức thì Văn Hoá Phật Giáo Truyền Thống hai phần, nhà nước cho phép rồi.
Nhà xuất bản Tôn giáo, Ban Tôn giáo Nhà nước người ta đọc người ta thấy, người ta cho phép. Kế đó thì cái bộ sách Đạo Đức Làm Người 24 tập, Thầy xin phép được 2 tập, và kế đó Thầy sẽ tiếp tục Thầy xin phép mấy tập kế đó, thì mấy con sẽ có những cái bộ sách đạo đức.
Các con thấy chưa, Thầy cố gắng Thầy làm tất cả mọi việc để đem cái nền đạo đức cho mọi người, sống đem lại hạnh phúc. Mà mấy con hôm nay biết được Thầy đó là cái duyên, còn biết bao nhiêu người chưa biết, nhưng mấy con có đạo đức thì những người xung quanh mấy con cũng sẽ có đạo đức.
Vì có bằng sách, bằng vở, bằng giấy trắng mực đen hẳn hòi, thì không lẽ bây giờ người ta thấy cuốn sách hay mấy con không cho người ta sao? Cho người ta mượn đọc, người ta mượn đọc người ta thấy hay thì người ta sẽ sống đạo đức chứ sao? Các con hiểu chưa? Từ đó, cả xã hội này đều là những người tốt hết, sống có đạo đức.
Hiện giờ chúng ta hở ra một chút thì có thể là tức giận, có thể chửi mắng nhau, nhưng mà khi học đạo đức rồi thì chúng ta không làm chuyện đó nữa. Sống như vậy là mình thấy hạnh phúc, có cầu ai cứu khổ mình không? Không! Không có ai cứu khổ hết.
(13:58) Hôm nay, Thầy đến đây Thầy thăm mấy con là Thầy gợi ý, ở đây có cô Đoan, có tin tức gì đó thì Thầy sẽ gửi về cho cô.
Và ở đây mấy con cố gắng, ngày nào đó mà ở Hà Nội xin phép được nhà nước chấp nhận cho Thầy mở cái Trung tâm An dưỡng, hay là cái chi nhánh An dưỡng Từ thiện ở đây, thì Thầy sẽ về Thầy dạy cho cái đạo đức.
Chỉ khi nào mà có giấy phép chứ còn không có giấy phép thì không được. Các con hiểu không? Mình không có giấy phép thì nhà nước đâu có chấp nhận, thì mình làm sai tức là mình phạm pháp luật. Mình làm đúng pháp luật, bởi vì đạo đức không được làm sai pháp luật nhà nước.
Cho nên, cái gì đúng thì mình làm đúng, vì vậy mà nhà nước sẽ bảo vệ mình, và nhà nước giúp đỡ mình. Cho nên, vì vậy hôm nay Thầy đến đây Thầy thăm mấy con, còn ghé một nơi khác nữa.
(14:52) Phật tử 1: Dạ, con kính bạch Hòa thượng! Cho anh chị em Phật tử chúng con đảnh lễ Thầy ba lễ ạ.
Trưởng lão: Thôi được! Thôi, mấy con xá thầy thôi, mấy con. Xá đủ rồi. Xá Thầy thôi mấy con.
Phật tử 1: Con kính bạch Thầy ạ!
Phật tử 2: Chúng con xin cúng dường Thầy ạ.
Trưởng lão: Thôi, Thầy xin cám ơn con!
Mấy con đừng có cúng dường Thầy con. Để sau này mấy con sẽ in kinh, in sách đạo đức rồi mấy con gửi cho, chứ mấy con gửi tiền… Mấy con cứ gửi tiền cúng dường Thầy… Mấy con, sau này Thầy xin phép Thầy giao cho mấy con một cuốn kinh. Đừng có đưa cúng dường tiền Thầy.
Các con nghe giới luật, giới đức Phật không? Dạy người tu sĩ không được cất giữ tiền bạc và không được quyền xin tiền bạc, nhưng mà trước tấm lòng của mấy con, Thầy xin gửi số tiền này lại cho chú Minh Tấn cất giùm Thầy, để chú lo việc in kinh sách hoặc là chi phí như ở trong Tu viện Chơn Như, thì chú chi phí cho những người về đó tu có cơm ăn, có nơi ở.
Thầy xin cám ơn mấy con! Chứ bây giờ Thầy biết nói sao hơn.
(16:37) Phật tử 1: Chúng con đại duyên, đại phước hôm nay gặp được Hòa thượng. Xin giới thiệu với Hòa thượng đây là chú cán bộ khu. Anh, chị, em chúng con ở đây cũng gọi là thân nhau như người nhà. Hôm nay là đại duyên, đại phước mà tất cả mọi người ở đây đều gặp được Thầy. Hôm qua con được thầy Chơn Thành báo con sung sướng quá, con báo cho tất cả các anh chị em Phật tử ở đây, hôm nay đến đảnh lễ Thầy.
Trưởng lão: Mấy con đủ duyên gặp Thầy, tuy rằng Thầy đến đây một thời gian ngắn nhưng mà Thầy gặp mấy con để Thầy nói một vài lời với mấy con.
Nhưng mà, ví dụ như ở cái nhóm này mấy con đoàn kết với nhau, cố gắng mấy con biết thương yêu nhau, đừng có nói ly gián, đừng có chia rẽ nhau.
Và đồng thời nhóm này mấy con đừng có chia rẽ nhóm khác mấy con. Đừng nói nhóm này này kia, người ta làm gì người ta làm, người ta làm ác, người ta nói điều ác thì để cho người ta chịu, còn riêng mình mình giữ cho cái nhóm mình đoàn kết với nhau, để rồi cùng nhau, tất cả các nhóm mình hợp lại, để cho mình làm công việc lớn là có cái Trung tâm An dưỡng Từ thiện, để sau đó mọi người đều được đến đó nghỉ ngơi, an dưỡng và học tập đạo đức mấy con. Mình chung nhau chớ mà…
(17:50) Phật tử 1: Dạ! Con xin Thầy, Thầy nói thế thì con nói với các vị là hiện giờ có anh Tuấn ở bên Gia Lâm có một cái trang trại, cái vườn khoảng độ mấy héc ta đấy.
Thì bây giờ chưa xin được phép, nếu như xin được giấy phép thì Thầy sẽ xin một cái chi nhánh ở đó. Thì bây giờ các cụ già, yếu mà muốn an dưỡng thì sang đấy cứ mỗi tháng một tuần, là Thầy nuôi ăn, Thầy dạy đạo đức. Đấy thì cũng thông báo để cho các cụ và các bác biết, nhưng bây giờ thì chưa xin được phép.
Cho nên là Thầy nói đấy là bao giờ có phép, chứ còn chưa xin được phép thì không được. Thầy thì xin phép ở trong TP HCM, khi nào nhà nước cho thì Thầy sẽ thành lập ở trong TP HCM, hoặc ở Nghệ An, Hà Tĩnh, chỗ nào cũng có. Phật tử khắp đất nước sẽ có chỗ để mà học đạo đức.
Rồi là Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi Bắc Giang. Thầy cũng sẽ thành lập từng chi nhánh, các Phật tử có nơi để học đạo đức từ già cho đến trẻ.
Cũng thông báo với bác bí thư chi bộ Đảng, rồi các vị cán bộ ở đây là, hiện giờ là nhà nước có in một cuốn sách Đạo Đức Làm Người của Thầy, ngày xưa là nhà nước cũng in, nhưng mà không chấp nhận cái danh từ của Thầy, đặt tên nó đi là Văn Hóa Phật Pháp.
Cho đến giờ thì nhà nước hoàn toàn chấp nhận và in cái quyển đấy nền bìa thì nâu mà chữ thì vàng: Đạo Đức Làm Người. Thì cũng báo với các vị biết, đến khi nào Hòa thượng có gửi sách nữa ra thì gửi cho các Phật tử đọc.
Trưởng lão: Ít hôm nữa Thầy sẽ gửi ra mấy con.
(20:04) Phật tử 3: Tôi xin Thầy ạ, xin Thầy tôi được có vài lời. Tôi biết Thầy qua cô Loan, hôm nay biết là Thầy qua để qua đây để được gặp Thầy, biết Thầy.
Riêng việc đạo đức làm người là vấn đề rất lớn hiện nay. Đấy! Đảng và Nhà nước đều rất là ủng hộ. Nhưng mà vấn đề bây giờ là làm sao để hướng đúng như Thầy nói. Mọi việc, là hoạt động của Phật giáo cũng như hoạt động của các cái tổ chức đều phải theo pháp luật.
Chúng tôi chỉ mong là Thầy xin phép được nhà nước cho phép tổ chức ở Hà Nội được một cơ sở để mà dạy về cái đạo đức làm người. Cái đấy là việc rất là tốt, và mọi người sẽ ủng hộ thôi. Vâng!
(21:03) Trưởng lão: Đó là cái điều mà Thầy cũng ước mong lắm mấy con! Bởi vì, Thầy mong mấy con sống được an vui, hạnh phúc. Và xã hội mình có trật tự, an ninh, không có còn cướp giật, không còn xâu xé nhau. Thì đạo đức nó sẽ ra đời thì nó sẽ đem lại sự an lạc đó.
Tu sinh: Xin phép thông báo với mọi người là, hôm nay là thứ mấy?
Phật tử 1: Hôm nay là thứ tư.
Tu sinh: Chủ Nhật quý vị sẽ có sách.
Phật tử 1: Con xin Thầy cho con với quý Phật tử chụp ảnh Hòa thượng làm kỷ niệm. Tất cả đứng vào đây để Thầy ngồi, lấy ghế Thầy ngồi.
Trưởng lão: Thôi, được rồi con. Thầy đứng được, khỏi đi mấy con. Rồi Thầy đứng ở góc này.
Tu sinh: Ai lấy ghế đi.
Trưởng lão: Thôi đừng có nhắc ghế con.
Phật tử 1: Thầy ngồi ghế, chúng con đứng thì mới được ạ.
Tu sinh: Thôi mình đứng sau Thầy cũng được.
Phật tử 4: Cô đứng khép khép vô chứ không thôi lấy không hết Thầy.
Trưởng lão: Rồi! Thôi bây giờ Thầy chào mấy con. Mong rằng có ngày nào Thầy trở về Thầy đứng lớp Thầy dạy mấy con.
HẾT BĂNG