00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

20020223 - VẤN ĐẠO ĐOÀN SƯ CHƠN GIÁC

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Ngày giảng: 23/02/2002

Thời lượng: [52:00]

1- ĐƯỢC THÂN NGƯỜI, AI CŨNG CÓ THỂ CHỨNG ĐẠO

(00:00) Trưởng lão: Mà được chánh pháp rồi mà không nỗ lực tu, thì rất uổng phí một đời, chỉ một đời nay mà thôi. Cho nên phương pháp Phật dạy chúng ta, chúng ta làm người, mà chúng ta gặp được chánh pháp của Phật chứ gì? Chỉ có 7 tháng mấy con. 7 ngày, 7 tháng, 7 năm xác định được thời gian, chứ không phải tu vô lượng kiếp. Chứ không phải nhiều đời huân tập đâu. Mà chỉ trong một cái thời gian nhất định là chúng ta sẽ huân tập khi mà chúng ta nỗ lực. Nỗ lực như thế nào các con biết không?

Nỗ lực mà đức Phật nói Nhất Dạ Hiền mấy con. Nghĩa là 7 năm mà các con tu như một đêm mà các con Nhất Dạ Hiền. Một đêm mà làm Thánh. Nghĩa là ngày thứ nhất Thầy tu tập. Thầy nỗ lực, năng nổ, siêng năng như cái ngày mà Nhất Dạ Hiền một đêm, để mà sáng hôm sau chúng ta trở thành bậc A La Hán, bậc Thánh Tăng, phải không?

Cho nên chúng ta phải tu, nỗ lực tu. Bởi vì trong cái bài kệ Nhất Dạ Hiền, hồi sáng có một cô nào mà hỏi Thầy nói về cái bài kệ Nhất Dạ Hiền đó. Thì bài kệ Nhất Dạ Hiền, đức Phật nói: “Chúng ta không điều đình được tử thần, cho nên hôm nay phải nhiệt tâm làm, không được biếng trễ”. Cho nên phải nhiệt tâm. Cũng như bây giờ chúng ta còn sống, một lát nữa chúng ta chết. Làm sao chúng ta điều đình để mà chúng ta tu cho xong?

Mà chỉ có 12 tiếng đồng hồ thôi. Do đó chúng ta phải năng nổ, siêng năng, ngày hôm nay, đêm hôm nay, 12 tiếng đồng hồ chúng ta năng nổ như vậy. Đêm mai chúng ta cũng năng nỗ như vậy, y như cái ngày Nhất Dạ Hiền như vậy. Mà 7 năm như vậy thì các con thấy chứng đạo không? Huân như vậy là chứng đạo!

Còn các con mà tu chơi lơ mơ, mà tu cầm chừng, tu có hình thức đó, ngồi cho tới giờ, tới 7 giờ tôi ngồi tiếng rồi xả nghỉ. Ngủ cho đã rồi bao giờ dậy ngồi tu lại tiếng nữa, rồi ngày mai rồi tu nữa. Tu như vậy Thầy nói vô lượng đời mấy con cũng chưa chứng được. Còn người ta nhiệt tâm người ta tu tập đúng, ôm chặt cái pháp. Nghĩa là ôm chặt pháp như là người ôm phao đi biển. Như vậy người ta mới thấy 7 năm người ta chứng đạo, chứ không phải.

Mà cái thời gian Thầy thấy mấy con đèn sách. Mà hai mươi mấy năm mới lên Đại học, mới tốt nghiệp, mới thành một cái tay nghề thông thạo của Đại học mà đi ra, phải không?

Như vậy là mấy con phải đèn sách thức khuya dậy sớm, mà hai mươi mấy năm trời chứ đâu phải ít. Thế mà chúng ta tu tập mà làm chủ được sinh tử mà chỉ có 7 năm, mà chúng ta lại nản chí sao?

Nó đâu có thời gian dài đâu? Có 7 năm à. Như vậy đâu phải là vô lượng kiếp mấy con? Đã được thân người thì Thầy tin rằng người nào cũng làm được, chứ không phải riêng Thầy!

(02:19) Nhưng mà chúng ta có cái nhân quả tốt là tại vì chúng ta chưa gặp chánh pháp, có nhân quả tốt nó thúc đẩy chúng ta lần lượt để gặp chánh pháp mấy con. Chứ không phải, nếu mà chúng ta không có gieo duyên với chánh pháp thì nó thúc đẩy chúng ta đi vào cái chỗ mà tà pháp, thì bao nhiêu đời mà chúng ta thực hiện được?

Chúng ta có duyên chánh pháp. Cho nên vì vậy lần lượt mà như hồi nãy Thầy nói, từ cái chiến tranh nó xảy ra mà nó đưa Thầy đi dần dần, đi đến cái chánh pháp để mà tu tập. Thì mấy con thấy nó phải có cái nhân duyên chứ. Nếu không có nhân duyên, cỡ bây giờ Thầy sanh ra trong cái thời mà hòa bình đất nước thống nhất như thế này, Thầy cũng vào chùa; Thầy cũng học tập; Thầy cũng tu như thế này. Rồi rốt cuộc rồi Thầy cũng ở trong cái vị trí làm Hòa thượng, Thượng tọa như thế này. Cuối cùng thì Thầy không thực hiện một cách rốt ráo như trong cái thời mà chiến tranh như vậy, thì chắc chắn là Thầy có đạt được như thế này không? Chắc không bao giờ có được như vậy!

2- CÁCH NHẬN BIẾT NGƯỜI CHỨNG QUẢ A LA HÁN

(03:20) Cho nên ở đây các con sử dụng qua những cái điều kiện. Mà các con nên nhớ rằng một cái vị mà gọi là có đủ cái chứng mà quả A La Hán đó, họ có cái trí tuệ vô hạn của họ. Họ nói ra những cái điều mà mình không ngờ được, mình không ngờ được những cái điều đó. Thì tức là mình phải xét qua cái điều đó và qua cái đức hạnh thì khó có ai làm được như cái đức hạnh của họ. Nghĩa là các con sẽ cần sống gần họ thì các con sẽ biết.

Như đức Phật đã dạy, nếu mà muốn biết một bậc A La Hán thì chúng ta sẽ gần vị đó, để mà thấy cái lối sống của vị đó thôi, họ có sống đúng phạm hạnh hay không?

Đó thì chúng ta sẽ thấy ai cũng mặc y áo như các Sư cô như thế này thì chúng ta đâu có biết đó là vị A La Hán, vị Sa môn như thế nào? Có đúng là bậc A La Hán hay không?

Chúng ta ở gần, thời gian sống chúng ta biết. Mỗi mỗi chút mà cái vị này la hét, mắng chửi thì như vậy là rõ ràng là cái vị này chưa có A La Hán đâu. Đó là chúng ta phải thấy được qua cái hành động của cái vị A La Hán, của cái người đó. Đó là một cái thực tế mà chúng ta nhận xét người tu chứng.

3- TU TẬP GIẢI THOÁT CHO MÌNH KHÔNG ĐỤNG CHẠM PHÁP TU KHÁC

(04:32) Còn bây giờ trên cái lý luận mà nói về tu nhiều kiếp thì không đúng đâu, đó là Đại Thừa. Để mà chúng ta có cái sự dễ dãi với chúng ta trên con đường tu, tu từ từ. Bởi vì tu phải nhiều đời nhiều kiếp. Cái thứ hai nói tu mà còn thấy mình chứng tức là chưa chứng. Sự thật ra tui biết. Sự thật đây là một cái lối lý luận mà thôi, chứ không thể nào những người tu chứng mà không biết.

Trừ ra một cái người tu chưa chứng mà dám nói rằng mình chứng, đó là cái đại vọng ngữ. Cái điều này chúng ta hoàn toàn, ngoài vấn đề này chúng ta không bàn.

Còn Thầy khuyên các con trong cái vấn đề, khi mà người ta chấp vào cái phương pháp Đại Thừa thì chúng ta đừng có nên đốn phá họ. Đừng có nên nói cái gì cả hết, mà chúng ta hãy tùy thuận với họ. Bởi vì cái kiến chấp mà đức Phật nói Kiến Kiết Sử. Cái kiến chấp của người đó rồi. Mà bây giờ mình muốn cởi bỏ cái đó, điều đó là phải tự lực họ. Chứ mình muốn cởi bỏ là có sự tranh chấp và có sự không hay cho mình. Là vì họ, mình biết con đường ngăn ác, diệt ác thì mình không làm điều gì tồi tệ. Nhưng mà những cái người mà người ta kiến chấp, có thể người ta vì cuồng tín, mà có thể người ta hại mình. Và người ta tạo cho người ta có cái tội lỗi đó, chứ mình không có tội. Cho nên, tốt hơn hết là các con thấy người ta đã có kiến chấp ở trong Đại Thừa thì chúng ta đừng có nên đưa kinh sách Nguyên Thủy cho họ. Mà chúng ta hãy tránh những cái điều kiện đó để cho họ được an ổn và chúng ta mới được an ổn.

Đó là cái đường và cách thức mà Thầy đã khuyên các con như ngày hôm nay. Đừng có chọc ghẹo các nhà Đại Thừa, đừng có chọc ghẹo Giáo hội mà chúng ta sẽ gặp nguy hiểm đấy. Đừng có chọc ghẹo những người mà kiến chấp, mà chúng ta lý luận, chúng ta không có đủ cái khả năng.

Dù là đức Phật ngày xưa còn chưa khắc phục được cái ngoại đạo kia mà. Nghĩa là trong cái thời đức Phật, có những cái người đức Phật đã khắc phục, nhưng có một số người không khắc phục. Không khắc phục mới cái trạng thái của đạo Phật, mà khi đức Phật nhập diệt rồi thì bắt đầu các ngoại đạo, các cái giáo sĩ của ngoại đạo nó luồn vào trong Phật giáo, nó lật ngược Phật giáo lại hết. Nó đưa ra cái giáo pháp của Đại Thừa liền tức khắc, nó lật đổ đức Phật liền tức khắc. Cái giáo đoàn chia làm 20 bộ phái liền. Phật giáo mà chia ra như vậy, phân chia ra như vậy thì còn có nghĩa lý gì nữa? Mỗi người ôm một cái kiến giải của họ, để rồi thành lập một hệ phái như vậy. Trong khi đạo Phật rõ ràng là không có đất đứng rồi, mất tiêu rồi.

Nghĩa là chúng ta đừng có chọc ghẹo chúng. Mà trong khi đó cái giới luật của chúng ta quá nghiêm chỉnh như thế này, con người sống không có được đâu. Cho nên vì vậy chỉ có người tha thiết tu giải thoát thì mới sống được. Cho nên chúng ta nếu mà đập nó phá nó nhiều…​ Cho nên trong cái thời đức Phật đập phá rất nhiều những cái tư tưởng, những cái lý luận của ngoại đạo. 62 cái lý luận của ngoại đạo đức Phật đập dẹp, đập xẹp của nó lôi xuống hết. Khi đức Phật còn sống thì nó không dám làm một cái điều gì hết. Nhưng mà khi đức Phật vừa nhắm mắt xuống rồi thì bắt đầu nó luồn vào đó, nó quậy lên toàn bộ.

Còn bây giờ các con biết như thế nào?

(07:16) Thầy còn sống đây thì nó vẫn còn làm như thường chứ đâu phải là không làm đâu. Cho nên vì vậy mà Thầy có quyền lực gì? Thầy là người tu sĩ giới luật thanh tịnh, nghiêm chỉnh như thế này thôi. Thì bắt đầu bây giờ có cái điều gì Thầy cũng chịu, hoàn toàn là chắp tay mà đầu hàng, chứ Thầy không bao giờ mà Thầy chống đối cái điều gì. Bây giờ nó bỏ tù Thầy cũng đi ở tù, nó làm gì Thầy cũng làm theo nấy. Chứ các con đừng có nghĩ Thầy sẽ dùng thần thông để Thầy khắc phục nó. Thầy đâu có phải làm như ngoại đạo cái điều đó đâu. Cho nên vì vậy mà Thầy vì cái lợi ích của chúng sanh mà Thầy làm; mà Thầy vì cái lợi ích cho mọi người mà Thầy làm, chứ không phải là vì cái chuyện đấu tranh. Thà là mình chịu thua họ hơn hết. Cho nên đức Phật bảo mình nhẫn nhục, tức là mình nhịn thua người ta là hơn hết.

Cho nên đối với cái con đường mà tu tập theo Thầy, thì Thầy hướng dẫn. Mấy con muốn đi tìm con đường này thì cái tâm mình tha thiết thì mình hãy sống đúng những cái lời Thầy dạy để chứng minh cụ thể cho mình thấy được cái năng lực làm chủ được sự sống chết của mình. Còn hoàn toàn nếu mà không thôi. Thấy cái tư tưởng cái người đó họ đã cứ kiến chấp vào cái giáo pháp đó thôi.

Bây giờ Thiền Tông, họ chấp Thiền Tông thì thôi mình tránh xa đừng nói gì hết, đừng có động gì họ nữa hết. Rồi thấy cái người đó họ chấp Tịnh Độ, nhất định là mình thôi, cũng đừng có chọc ghẹo. Để cho người ta an ổn trên cái phương pháp mà người ta Niệm Phật, cái đó là cái tốt. Bởi vì cái kiến chấp của người ta đang chấp, cái duyên người ta tới đó thì người ta tu tới đó, thì người ta hưởng tới đó thôi không níu kéo, lôi kéo.

Còn riêng mình, mình hãy lo cứu mình đi. chứ đừng có nghĩ đến mà đem cả cái thế giới này trở về đạo Phật đâu. Một ngày nào đó, chúng sanh ở trong cái thế gian này có đủ duyên, chúng ta không muốn đem, nó cũng đem đến cho nó nữa. Còn bây giờ nó không đủ duyên mà chúng ta đem đến nó cũng không. Đem đến gõ cửa, đem sách, chúng ta đưa vô nó quăng, nó đốt hết đó, nó không có bao giờ nó thèm đọc đâu. Thầy nói thật sự, nó chưa có đủ duyên, bây giờ các con cứ đưa đi, nó sẽ đốt hết. Nó không thèm đọc đâu, nó quăng xuống hết đó. Nó nói đây là ngoại đạo đó, chứ nó không phải nói đây là chánh pháp. Thầy nói thật mà, mấy con sẽ suy ngẫm coi. Nếu mà nói không đúng, các con cứ đưa sách Thầy vô đi. Thì bắt đầu nó đem nó ném ra ngoài sân, nó ném vô cái thùng rác, chứ nó không có thèm đọc đâu.

Cho nên chúng ta nên nhớ rằng những cái mồ hôi, nước mắt của Phật tử đóng góp vô mà có cuốn sách này. Chúng ta không nên để cho những người khác họ liệng, ném như vậy, quá uổng phí cái mồ hôi nước mắt của Phật tử. Chúng ta phải thấy cái duyên. Có cái duyên thì chúng ta đưa cho họ đọc, mà không duyên thì thôi. Chứ hoàn toàn chúng ta không có đưa cho những người không duyên. Cho nên cái kiến chấp của người ta thì mình phải tôn trọng cái kiến chấp của họ. Chứ đừng có bác cái kiến chấp như đức Phật mà bác để rồi nó sẽ hại cái đạo Phật, tiêu diệt. Cho đến hôm nay các con thấy toàn bộ là kinh sách Đại Thừa. Chứ còn kinh sách Nguyên Thủy may là Hòa thượng Minh Châu dịch ra được chứ còn không khéo thì chúng ta đâu còn bao nhiêu kinh sách Nguyên Thủy để học nữa.

(09:56) Đó thì chúng ta biết được, vì cái con đường của Phật giáo đã để lại chúng ta có những bài học rất thực tế rồi. Cho nên chúng ta phải học cái thực tế này, cái kinh nghiệm này. Cho nên chúng ta đừng có làm cái điều gì mà trái ý hết. Mà vả lại thì Thầy tổ của chúng ta tức là những người mà Đại Thừa, cho nên chúng ta không có nên động chạm Thầy tổ của chúng ta. Thầy tổ của chúng ta là những bậc Tôn túc của chúng ta không nên động chạm. Cho nên chúng ta tu là chúng ta đi tìm cái sự giải thoát mà thôi, đừng có nói.

4- ĐẠO PHẬT XÁC ĐỊNH THỜI GIAN TU CHỨNG - CÁCH THỨC TU TẬP CỤ THỂ, RÕ RÀNG

(10:24) Còn tất cả những cái điều mà các con nói. Thì Thầy nói thì các con nghe, các con tin, thì các con sẽ nỗ lực. Bởi vì đạo Phật, những cái bài pháp mà đức Phật đã xác định như Tứ Niệm Xứ, thì đức Phật xác định 7 ngày, 7 tháng, 7 năm tu chứng. Và cái bài Nhất Dạ Hiền thì một đêm làm Thánh Hiền. Thì đạo Phật cũng có xác định được cái thời gian dài nhất là 7 năm và cái thời gian mà ngắn nhất là 7 ngày. Và đồng thời cái sự tu tập của chúng ta phải năng nổ, nhiệt tâm tu tập thì như là cái bài kinh Nhất Dạ Hiền, thì đó là một đêm làm Thánh Hiền.

Thì cái sự năng nổ của chúng ta tu ngày nào cũng năng nổ như vậy, như cái Nhất Dạ Hiền thì như vậy là 7 năm. Xác định 7 năm chúng ta sẽ chứng đạo, dù cái người dở nhất cũng chứng đạo. Mà cái người hay nhất là 7 ngày, cái người vừa vừa là 7 tháng. Còn cái người hay nhất là 7 ngày, người ta chứng đạo. Người ta tu năng nổ như vậy thì trong 7 ngày người ta sẽ chứng đạo, cái người đó là cái người giỏi nhất. Còn cái người mà dở vừa vừa đó thì họ sẽ 7 tháng. Còn cái người dở nhất, tệ nhất ở trong cái con đường tu theo đạo Phật, thì họ mà năng nổ, mà siêng năng như bài Nhất Dạ Hiền dạy đó thì họ sẽ 7 năm. Đó là cách thức của Phật giáo đã phân cho chúng ta biết được cái pháp môn tu theo đạo Phật là nó có cái thời gian nhất định rõ ràng. Và phương pháp cách thức tu nó phải cụ thể rõ ràng.

Cho nên chúng ta biết rõ rồi, vì vậy mà hiện giờ chúng ta phải nỗ lực như thế nào để đúng, để cứu mình thôi. Ai biết được, ai có duyên, mình thấy thích hợp với cái pháp này thì mình hãy tu, mà không thích hợp thì thôi. thì mình, thí dụ như mình ăn ngày ba bữa, tu những pháp kia mình làm lành, mình biết bố thí cũng ích lợi cho xã hội, cũng được tốt, cũng lợi cho mình rồi. Chứ đâu có cần gì mà phải bắt mình phải khổ, đi vào con đường này mà khổ quá như vậy? Cho nên ở đây không có ép buộc ai hết. Mà tùy cái nhân duyên, tùy cái sở thích của mọi người, tùy cái đặc tướng mà mình sẽ đi vào con đường tu này cho nó có kết quả tốt. Đó thì hôm nay Thầy nói như vậy. Cho nên hầu hết là mình.

Cái tâm nguyện của các con là tâm nguyện tốt. Muốn đem cái chánh pháp của mình, muốn đem cái lợi ích của mình, mình đã tu tập, mình thấy lợi ích, muốn cho mọi người được như mình. Cái lòng tốt của mấy con là Thầy rất tán thán và ca ngợi. Nhưng cái duyên của họ không đủ đâu. cho nên mấy con muốn là một lẽ, nhưng mà đem lại cái lợi ích cho họ thì không phải dễ đâu. Cho nên vì vậy chờ cái duyên của họ tốt được thì chừng đó họ sẽ tìm đến những cái chánh pháp của Phật. Chứ bây giờ chúng ta đừng có nên. Vì vậy mà chúng ta im lặng mà lo cứu mình trước cái đã.

Các con mà tu được giải thoát, các con mà được an ổn, được chứng quả A La Hán được. Thì ở nơi các con được năm, mười người chứng quả A La Hán, thì nó là cái ngọn đuốc sáng cho những người mà kiến chấp đó, họ phải quy tụ về theo đó. Mà các con làm chưa được, các con nói lời nói không thì không ai quy tụ theo các con đâu. Đây là một cái lời nói thật của Thầy mà. Cho nên các con đừng có lý luận ai hết, hoàn toàn đừng có tranh luận gì hết. Khi mà nói ra cái điều đó thì người ta đưa ra những cái bài kinh mà của Đại Thừa mà nói ra, tức là người ta có kiến chấp ở trên cái Đại Thừa rồi. Thì mình chấp nhận, mình không có điều gì nữa hết, đó là cái hay nhất các con. Đây là kinh nghiệm của Thầy đó.

5- TU TẬP PHÁP THÂN HÀNH NIỆM THÀNH CỖ XE

(13:25) Trưởng lão: Các con có hỏi gì?

Phật tử:…​ Thầy nói rồi, thì trong bài kinh đó thì có phải trọng tâm ở trong cái câu là: “Tuệ quán chính ở đây, không động, không rung chuyển”, con xin Thầy khai thị cho con với cái chỗ “Tuệ quán” để cho con có thể nương theo đó con tu tập, để có được nhiều lợi ích.

Trưởng lão: Nếu mà con thực hiện cái giới luật, đời sống giới luật con nghiêm chỉnh thì con sẽ thực hiện cái bài Thân Hành Niệm là cái: “Tuệ quán chính là đây”. Tức là: “Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng rồi chỉ có pháp hiện tại là đây thôi”. Thì do đó con phải, hiện tại, cái pháp hiện tại là cái thân hành của con. Cái thân hành của con nó chứng minh cho con là cái đó là cái hiện tại. Cho nên vì vậy mà con quán trên cái hiện tại của con, tức là tỉnh thức trên hiện tại của con. Mà con tu tập như thế nào con tạo nó thành như cái cỗ xe. Nghĩa là cái phương pháp đó phải tạo thành cái cỗ xe.

Chẳng hạn bây giờ con tu cái Thân Hành Niệm là cái hành động con làm cái gì biết làm cái nấy, làm cái gì biết cái nấy, nó không thành cái cỗ xe đâu mấy con. Bây giờ thành cái cỗ xe nè, thành cái bánh xe như thế nào để gắn thành cây căm mới thành cái cỗ xe.

Cho nên vì vậy mà Thầy kết hợp nó thành cái cỗ xe cho các con thấy. Bây giờ Thầy ngồi lại đây Thầy hít năm hơi thở, phải không? Năm hơi thở nè, bắt đầu cái tay Thầy để như thế này, Thầy hít thở chứ gì? Thầy ngồi xếp bằng chứ gì? Phải không? Bây giờ Thầy mới khi đó Thầy 5 hơi thở rồi, Thầy dừng lại nè Thầy mới ra lệnh,

Thầy dùng cái phương pháp tác ý, mà Thầy tác ý. Thầy bảo: “Tay trái để lên trên đầu gối” thì tay trái Thầy bung ra, Thầy để lên đầu gối Thầy. “Tay mặt để lên đầu gối” Thầy để tay mặt lên đầu gối. Tức là Thầy tác ý, cái lệnh của Thầy truyền nó để mà nó làm theo cái lệnh truyền của nó chứ gì?

Đó là Thầy bảo đâu, cái tay Thầy làm đó.

Bây giờ Thầy bảo cái chân Thầy bung ra, thì do đó cái chân của Thầy nó bung ra.

Rồi Thầy bảo cái chân Thầy đứng dậy, thì hai chân Thầy đứng dậy.

Rồi Thầy bảo: “Cái chân trái bước đi” thì cái chân trái dở bước lên.

Thầy bảo: “Chân mặt bước đi” thì bước đi.

Thầy bảo bước thì chân trái Thầy bước, Thầy bảo bước thì chân mặt bước. Và cứ như vậy đó, thì đến khoảng độ từ đây đến đó 20 bước, tới đến cửa đó là 20 bước thì Thầy bảo Thầy đứng lại.

Thì khi đó Thầy bảo: “Đứng lại” thì cái chân Thầy đứng lại, hai cái bàn chân Thầy nó bằng nhau, Thầy đứng lại.

Thầy mới bảo: “Ngồi xuống” thì hai cái chân Thầy co, Thầy ngồi xuống.

Thầy ngồi xuống rồi, Thầy mới bảo: “Cái tay trái để lên trên đùi, tay mặt để lên tay trái” hai cái tay Thầy để lên, “cái lưng thẳng, hai con mắt nhìn chóp mũi”.

Thầy bảo: “Thở” thì bắt đầu bây giờ Thầy Thở.

Thầy thở rồi, rồi xong rồi Thầy đứng dậy, Thầy đi kinh hành 20 bước. Rồi Thầy ngồi lại Thầy thở 5 hơi thở, rồi đứng dậy đi kinh hành 20 bước.

Đây bây giờ nó thành cái bánh xe rồi mấy con, thành cái xe rồi đó. Cái bánh xe bây giờ nó quay cái vòng quay của nó qua cái thân hành của nó.

Thân hành của nó, thì nó có cái thân hành ngoại và thân hành nội, phải không? Cái thân hành ngoại là cái hành động co tay, ngồi lên, đứng xuống, đi, phải không? Còn thân hành nội của nó là cái hơi thở, thấy không?

(16:38) Thầy kết hợp được thân hành, hai cái thân hành, thân hành nội và thân hành ngoại. Do đó Thầy kết hợp nó thành cái bánh xe.

Vậy thì cái người ôm bánh xe này mà lăn, thì đức Phật có nói năm cái điều kiện lợi ích của nó.

Điều kiện thứ nhất là nó nhiếp phục thọ lạc và thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Khi mà chúng ta có cái lạc, chúng ta cũng không lưu ý nó đâu, mà chúng ta chỉ có lưu ý trên cái thân hành nó thôi. Mà khi có thọ khổ đến, cái thân chúng ta đau nhức thì chúng ta chỉ cần có lưu ý trên cái thân hành thôi. Do đó thì chúng ta không có còn lưu ý cái đau. Cho nên vì vậy mà gọi là nhiếp phục thọ lạc và thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Cho nên cái đầu tiên là chúng ta nhiếp phục.

Bây giờ chúng ta tu tập đến cái sức mà định tỉnh của chúng ta, nó có ở trên cái Thân Hành Niệm của nó rồi. Thì qua cái hành động mà đứng tới, đứng lên, ngồi xuống như vậy. Thì lúc bây giờ đó chúng ta nỗ lực, chúng ta tu tập nó thành cái cỗ xe, nó trở thành căn cứ địa. Con muỗi cắn ở đây á, chúng ta không có đuổi con muỗi đâu. Nếu mà đuổi con muỗi thì nó có cái kẽ hở, nó không thành cái cỗ xe nữa rồi, nó bị cái vấp rồi, nó bị cái cục đá rồi. Cho nên vì vậy mà con muỗi nó cắn, thây kệ nó, chúng ta không có quan trọng nó đâu. Chúng ta chỉ biết cái ngồi, đứng, đi thôi, chứ chúng ta không có lưu ý nó.

Bây giờ cái thân mà đau điếng, đức Phật nói khi mà ôm cái Thân Hành Niệm này, cái đau điếng chúng ta cũng nhiếp phục luôn, nó không bao giờ. Con rắn, con rết, cái con vật gì, con muỗi, con mòng, con gì cắn, chúng ta đều nhiếp phục được muỗi, mòng…​ tất cả hết. Chúng ta không còn mà để ý những cái con vật đó nữa đâu. Đó là cái phương pháp mà đức Phật đã dạy trong cái phương pháp Thân Hành Niệm. Chúng ta biết kết hợp thành cái cỗ xe rồi. Cho nên vì vậy mà một đêm mà tu tập Nhất Dạ Hiền thì chúng ta sẽ chứng đạt đạo quả. Đó là cái phương pháp rốt ráo cuối cùng.

Nhưng mà các con nên nhớ rằng tập tu, chứ không phải là Nhất Dạ Hiền một đêm làm Thánh Hiền ngay được đâu. Phải tu! Nếu mà chúng ta muốn nhanh, coi chừng nó sẽ phản ứng lại mà chúng ta bại trận đó, nó không có kết quả đâu.

Đó! Thầy nhắc nhở như vậy, đủ biết là phương pháp của Phật nó có những cái phương pháp để mà chúng ta tu rốt ráo. Nhưng mà tu tập chứ không phải là, chúng ta biết được cái sức của mình, nó sẽ ở trên cái phương pháp này, có thể một đêm mà chứng quả. Và ở trên cái pháp này chỉ mới tu tập trong 5 phút, 10 phút, 1 giờ mà thôi, chứ không được tăng lên. Phải biết được cái đặc tướng, biết được cái khả năng của mình. Chứ nếu cái pháp này mà không biết thì coi như mình tu, là mình sẽ gặp cái khó khăn.

6- CÔNG ƠN CỦA HÒA THƯỢNG MINH CHÂU

(19:08) Trưởng lão: Con muốn hỏi gì?

Phật tử: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Thầy và quý sư, cùng một số Phật tử!

Con có duyên là năm đó Thầy về cho đọc cái Trường Bộ Kinh với lại Trung Bộ Kinh đó bạch Thầy. Nên có lúc là vị A La Hán cũng xét biết. Vậy khi mà họ mất niềm tin đó thì một vị chứng quả cũng xét biết là Tam Minh ta chứng được, lời Phật dạy làm xong.

Tức là có lúc các vị A La Hán cũng xét biết mình là chứng quả để mà cho có niềm tin với lại trong hội pháp đó Thầy.

Con nghĩ cái đó là lời Thầy nói là tại cái thế giới vô hình mà Thầy giảng biết bao nhiêu trong cuốn 3, rồi cuốn 6, cuốn 7 mà bây giờ cũng vẫn còn hỏi. Nhưng lúc đó Thầy phải xét biết, chứ còn như con thì vẫn còn vô minh, con xin Thầy giảng dạy cho con biết, dạ!

Trưởng lão: Thật sự ra thì ở trong kinh sách Phật cũng đã dạy, khi một người tu chứng, người ta biết phạm hạnh đã xong. Những cái điều kiện người ta làm thì người ta cần làm hết rồi. Bây giờ người ta không có làm nữa. Người ta biết rằng người ta sẽ có một kiếp này thôi, chứ người ta không còn có kiếp khác nữa, người ta biết rất rõ mà. Cho nên rõ ràng là trong kinh Phật thường nhắc đi nhắc lại những cái lời này rất nhiều. Một vị tu chứng quả A La Hán là người nào họ cũng xác định được cái điều mà họ đã thấy. Cho nên ở đây đúng là kinh sách Nguyên Thủy nó xác định chúng ta biết rất rõ.

Thì do đó kinh sách Đại Thừa thì không có được. Người mà thấy mình chứng quả A La Hán là chưa chứng quả A La Hán, là tại vì kinh sách Đại Thừa nó có cái bưng bít thôi. Nó mới dựng những cái điều kiện đó mà nó nói ra thôi. Cho nên ở đây tại vì những người đó, những người Phật tử đó, hoặc là quý thầy đó, người ta không có chịu nghiên cứu về kinh sách Nguyên Thủy. Chứ người ta chịu nghiên cứu về kinh sách Nguyên Thủy, khi đức Phật mà tu chứng rồi, đức Phật phải biết đức Phật tu chứng. Cho nên đức Phật khi chứng rồi, đức Phật mới quỳ xuống mà đảnh lễ cái giáo pháp mà mình đã truy tìm ra được, mình tu chứng. Cho nên đức Phật đã đảnh lễ cái pháp đó, biết là nhờ cái pháp đó mà mình được chứng đạo. Cho nên rõ ràng là cái người tu chứng họ biết rất rõ.

(21:22) Tại vì những người cư sĩ đó họ chịu ảnh hưởng Đại Thừa, cho nên họ không có chịu nghiên cứu về kinh sách Nguyên Thủy, họ coi nó là kinh sách Tiểu Thừa. Và đồng thời thì các Tổ chúng ta chế ra cái Bồ Tát Giới đó, cấm không có cho người cư sĩ và người tu sĩ chúng ta học và tu cái pháp của Thanh văn, Tiểu Thừa coi như là ngoại Đạo.

Cho nên bây giờ trong cái đời chúng ta may mắn là chúng ta có được cái bộ kinh sách Nguyên Thủy mà Hòa thượng Minh Châu đã dịch. Và Người lại là đứng đầu ở trong cái giáo dục Tăng Ni. Cho nên Ngài đã hướng dẫn cho chúng ta trên cái sự học về Tăng Ni, học về giáo lý của Nguyên Thủy, của Phật. Cho nên Ngài có công rất lớn với chúng ta.

Cho nên cái công của Ngài mà đối với tu tập của Thầy, Thầy không bao giờ Thầy quên cái ơn của Ngài đâu!

Cho nên bây giờ mà các con nghe những cái lời mà Thầy giảng, các con chưa đủ niềm tin thì các con hãy lật lại cái bộ kinh sách Hòa thượng Minh Châu đã dịch. Cái bộ kinh Nikaya đó thì các con sẽ thấy lời Phật dạy với lời Thầy là các con sẽ hiểu rất rõ, không sai. Cho nên chúng ta phải có cái duyên phước, chúng ta mới gặp được chánh pháp của Phật.

Vì vậy mà hôm nay lại còn có cái duyên phước là các con gặp được cái kinh nghiệm của Thầy nữa. Đã gặp được chánh pháp mà không có kinh nghiệm cũng khó tu đó. Mà gặp được cái kinh nghiệm nữa thì các con đã được chánh pháp của Phật, gặp được cái kinh nghiệm trên cái chánh pháp nữa thì cái con đường các con tu không còn khó nữa, các con!

Được thân người là khó, mà được Phật pháp còn khó hơn. Bây giờ chúng ta gặp được chánh pháp, mà gặp được cái người tu chánh pháp có kinh nghiệm dạy nữa thì cũng như là chúng ta đã gặp Phật rồi, thời đức Phật rồi. Cho nên Thầy thấy rằng trong cái thời nay mấy con đủ cái phước mà các con không nỗ lực tu thì thiệt là uổng mấy con, phải ráng tu. Đã là tu thì phải tu cho tới nơi tới chốn đừng có dễ duôi. Vì cái thời gian chúng ta phí cũng nhiều lắm rồi. Cho nên phải ráng nỗ lực thật sự tu tập.

7- SẮP XẾP GIA ĐÌNH AN ỔN TRƯỚC KHI XUẤT GIA

(23:26) Trưởng lão: Rồi! Bây giờ các con còn hỏi gì thêm nữa không? Con hỏi đi con!

Phật tử: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Hòa thượng!

Con là một cư sĩ tu ở nhà, rất là hâm mộ Phật pháp tại vì con cũng biết Phật pháp là pháp đưa con người đến giải thoát. Và giải thoát cao đỉnh là ra khỏi được sinh tử luân hồi, tự tại trong sinh tử luân hồi. Cho nên con rất hâm mộ, tuy nhiên hâm mộ nhất là pháp môn thiền; thành ra mấy năm trước đây con cũng có thỉnh thoảng con có đến Trúc Lâm đó. Bạch Hòa thượng!

Con lên Trúc Lâm đó, con cũng có tập tu với Ni chúng trên đó thì đại khái là con cũng tu theo cái pháp mà tri vọng, biết vọng đó. Bạch Hòa thượng!

Nhưng mà con tu thì cũng có lúc con thấy là tâm có khi cũng rất là thanh tịnh, cũng có cái an vui. Nhưng mà sao con thấy con tu một thời gian rồi cái hình như là nó đi thụt lùi, chứ cái thứ nhất là cái tâm sân thì nó không có hết đó. Bạch Thầy!

Sân nó, rõ ràng là cái tham, sân, si có khi nó cũng hết. Nhưng mà riêng cái sân thì có khi thì nó lặng thiệt lặng; mà có khi thì nó nổi lên thì đùng đùng đùng đùng.

Thành ra là con cũng được một cái phước duyên, được thầy Chơn Giác mà dẫn về đây để giới thiệu Hòa thượng cho con, để con nương mà tu học thì đó là một cái duyên rất lành mà con, con không thể nói ra lòng trả ơn đối với thầy Chơn Giác.

Và thứ hai nữa là trước khi con đi đến đây thì một số huynh đệ cũng có cho con nghe một ít cuộn băng do Thầy giảng, rồi cũng có một ít quyển sách mỏng mỏng. Ví dụ: Như là giáo án tu tập sơ lược đó, Thầy ạ! Thì con cũng có biết sơ sơ một chút. Con thấy là cái chủ trương mà Thầy đề ra cho quý Phật tử, tu sĩ cũng như là cư sĩ chúng con là cái mục tiêu đó là phải giải thoát và ra khỏi sinh tử. Cho nên là con thấy từ khi con hiểu biết Phật pháp thì cái đó cũng là điều mong ước của con.

(26:54) Nhưng mà con tu lâu ngày cái pháp Thiền đó mà sao con thấy tham, sân, si nó không bớt. Thành ra con rất mong ước, hôm nay con đến đây cũng là một phước duyên chúng con thì cũng như Thầy dạy là làm người đã khó, rồi gặp được chánh pháp, chánh Phật pháp càng khó hơn nữa. Và cái khó hơn ở cái thời buổi này là gặp được một vị mà đã đắc đạo và đã có cái kinh nghiệm về cái sự giải thoát đó. Kinh nghiệm bản thân của vị đó mà truyền dạy là một điều vô cùng quý báu, điều này là càng khó gặp. Cho nên hôm nay con đến đây, tuy là lần đầu tiên con được thầy Chơn Giác hướng dẫn đến đây. Nhưng mà con rất sung sướng và con cũng đã quyết tâm là con đến đây để con cầu được Hòa thượng vô cùng hoan hỷ tiếp nhận con ở lại đây để con được vào tu tập trong chánh Phật pháp, và được tu tập, thực hành, tu học và thực hành đường lối của Hòa thượng. Để cho con, đúng như lời Hòa thượng nói là người Phật tử phải tu cho tới nơi tới chốn đó, thành ra là con cũng quyết tâm ở chỗ đó.

Cho nên lần đầu tiên con đến, con xin Hòa thượng, đảnh lễ Hòa thượng! Cho phép con được ở lại để được Hòa thượng hướng dẫn tu tập cho rõ ràng cụ thể. Đương nhiên là Hòa thượng hoặc là những vị thiện hữu tri thức mà được Hòa thượng tin cậy đó, thì cũng dạ! Thì chứ không phải là con nói là Hòa thượng không, mà những vị thiện hữu tri thức mà được Hòa thượng tin cậy thì con vẫn cũng có thể học được. Nhưng mà ở đây đương nhiên là con cũng được gặp Hòa thượng hằng ngày rồi, cái đó là phước duyên của con.

Con rất kính mong Hòa thượng hoan hỷ chấp nhận cho con cái điều con ước muốn này ạ!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

(29:18) Trưởng lão: Trong cái sự ước muốn của con như vậy thì Thầy rất là hoan hỷ chấp nhận cho con để mà con thực tập từng cái bước một, từng cái tập luyện, cái sơ khởi ban đầu, để mình tập cho nó quen. Dù sao đi nữa con tu cái pháp tri vọng nó, tuy rằng nó không kết quả trọn vẹn như ý muốn của mình, nhưng nó cũng có cái cơ sở để cho mình tiến tới để mình tập tỉnh thức, nó cũng dễ dàng hơn, không có mất đi đâu hết mà sợ.

Cho nên bây giờ thì theo Thầy thiết nghĩ đó: Con có chuẩn bị sẵn để mà ở lại chưa, hay hoặc là cái thời gian nào đó!?

Con sẽ sắp xếp gia đình của mình cho nó ổn định ở trong gia đình của mình. để khi mình ngồi tu, cái tâm của mình nó không còn phóng ra, nó không còn lo lắng cho gia đình của mình nữa.

Bởi vì mình phải chuẩn bị trước trong cái thời gian cho gia đình mình biết rằng mình sẽ đến đây trong một tuần lễ, hoặc một tháng, hoặc nửa tháng, rồi mình ở lại đây để rồi từng cái bước tu tập. Thầy sẽ dạy cho các pháp hành, bắt đầu trở về với cái căn bản mình tu tập cái gì trước, cái gì sau. Rồi phải trình lại cho Thầy nghe trong cái quá trình mà tu tập, mình tu tập những cái pháp gì? Tập trung cái tâm mình như thế nào? Và cách thức mình hàng phục được cái tâm của mình qua cái tri kiến hiểu biết của mình như thế nào? Để rồi Thầy nắm vững được những cái tri kiến giải thoát mà con đã tu tập theo đạo Phật từ lâu tới giờ, thì Thầy sẽ biết rõ được để mà con không mất thì giờ. Vì vậy mà có thể nâng lên trên cái giai đoạn mà tu tập kế tiếp cao hơn để cho con không có mất thì giờ mà phải trở lại học như là cái lớp A, B, C đầu tiên.

Vậy rõ ràng là khi mà con chuẩn bị cho gia đình của mình sẵn sàng, con cái ở trong nhà của mình như thế nào? Để rồi đến đây thì bắt đầu thì con sẽ ở lại, cho chúng nó ở ngoài đó biết nó cụ thể, chứ đừng có lo lắng. Tức là mình phải sắp xếp được cái hoàn cảnh thuận tiện.

Thì con muốn tu thì chắc chắn là Thầy chấp nhận cho, bởi vì muốn tìm sự giải thoát mà. Không bao giờ mà Thầy bỏ các con đâu! Chỉ các con quyết tâm là nhất định Thầy sẽ chịu khó mà Thầy dẫn dắt các con.

Cho nên các con biết không? Tuy rằng, tuy Thầy bận công chuyện, nhiều việc, nhưng mỗi buổi sáng 7 giờ đều là Thầy có mặt ở đây để Thầy dẫn dắt từng người, mặc dù có một người Thầy cũng dẫn dắt cho họ tỉ mỉ để sự tu tập, để cho họ có kết quả được tốt.

Cho nên vì vậy mà khi các con về tu cũng vậy. Cho nên đầu tiên Thầy khuyên các con phải sắp xếp cái nhân quả của gia đình của mình đâu đó để cho nó an ổn, nó không có còn bị động. Vì vậy mà về đây chỉ còn lo tu không. Chứ còn bây giờ con tu, rồi con nhớ, rồi mình chưa có sắp xếp gia đình, mà chưa có báo cho nó biết, bây giờ mình ở lại nó sẽ như thế nào không? Đó là những cái rất khó!

Phật tử: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Con xin Bạch Hòa thượng!

(32:29) Là khi con đi vô đây, là con đã chuẩn bị gia đình sẵn hết rồi ạ! Con có nói gia đình là con đi một tháng, mà nếu mà con tu tập chưa xong thì có thể hơn, là nếu mà đủ nhân duyên con có thể mà con, Hòa thượng mà hướng dẫn cho con, mà con đạt đến một kết quả của con mong muốn, và cũng như là đáp ứng đúng như nguyện vọng của Hòa thượng dạy, khi dạy dỗ đệ tử thì con cũng có thể con xuất gia luôn cũng được. Thì đó là con cũng đã sắp xếp gia đình rồi, nó không có gì vướng bận. Tại vì con của con thì nó cũng lớn hết rồi, có đứa có gia đình, ở nhà con cũng lo hết rồi. Còn thằng lớn ở trong này nó đang công tác ở trường Đại học Bách Khoa thì nó ước gì, nó ở đây, nó chạy xe ra đây nó cũng dễ không có gì.

Bạch Hòa thượng!

Con chỉ có một điều mong ước là tại vì con từ nhỏ sinh ra là con thấy đến mãi cuộc đời mà tới bấy nhiêu đây tuổi rồi, mà con thấy con vui ít lắm, mà khổ nhiều lắm, cho nên là đệ nhất là khổ tâm. Cho nên con cảm nhận rất rõ ràng cái Khổ đế đó, Thầy ạ! Cho nên rồi, nếu mà không có quyết tâm tu tập là không thể nào ra khỏi cái mạng lưới nhân quả đó được. Như Thầy dạy là con người thì từ nhân quả đến, rồi cũng từ nhân quả mà đi, rồi cũng từ nhân quả mà đến, rồi đi về đâu? Rồi cũng đi về nhân quả! Thì làm sao chấm dứt cái đó? Thì cái đây cũng là ý nghĩ của Hòa thượng chứ gì? Nên Hòa thượng dạy chúng con cũng là chỉ là tự tại trong sanh tử, chấm dứt sanh tử và chấm hết nghiệp.

Cho nên là con cũng xin đảnh lễ mà hứa với Hòa thượng một câu rằng, chắc với lòng con, rằng con sẽ cố gắng tu tập, dưới sự hướng dẫn rất là đại từ bi hỷ xả của Hòa thượng thương chúng con như với tấm lòng từ bi vô lượng như thế đó. Chúng con cũng sẽ hứa tu học.

Khi con ra đi cũng đã chuẩn bị hết rồi!

Bạch Hòa thượng con xin thưa vậy!

Trưởng lão: Được rồi! Bây giờ thì con đã chuẩn bị được. Thì như vậy sắp xếp cho mấy cháu nó được yên vui trong gia đình, nó không còn lo lắng thì Thầy sẽ chấp nhận cho con ở lại. Và đồng thời thì huynh đệ con thì về. Thì con ở lại, cô Út sắp xếp cho con một cái thất, rồi con sẽ được cái sự hướng dẫn của Thầy. Trong ngày mai khi mà đoàn các con về thì con ở lại tu tập. Nếu mà chưa sắp xếp thì con hãy về với đoàn để con sắp xếp.

(35:16) Phật tử: Dạ không! Con đã sắp xếp hết rồi, con có thưa thầy Chơn Giác ở đây. Con cũng vô cùng biết ơn thầy Chơn Giác đã tiến dẫn con, dạ!

Trưởng lão: Như vậy thì tốt quá. Do đó thì bây giờ đã sắp xếp xong được cái chuyện gia đình rồi, nó không có. Các con nó đều đồng ý, nó đều vui vẻ, đều được hết thì điều đó là đã đủ duyên rồi, còn gì nữa mà không tu tập?

Phật tử: Dạ!

Trưởng lão: Còn gì nữa mà không tu tập, để cho phí cuộc đời mình sống. Đời nó đã dạy cho mình những cái bài học quá cay đắng, mà mình còn đắm đuối, còn ham mê gì nữa?

Phật tử: Dạ! Chính chỗ đó, dạ!

Trưởng lão: Cố gắng! Thầy chỉ mong mấy con cố gắng, vì con đường tu nó có những cái khó, chứ nó không phải dễ. Do cái sự tu tập, ráng rèn luyện, tập dần nó sẽ thành thói quen. Bởi vì chính đức Phật đã thấy, con người của mình nó tập thành thói quen mà nó được giải thoát, chứ nó không có gì. Mà chính những cái huân tập những cái ác pháp đó nó cũng thành thói quen ác pháp. Cho nên từ cái ác pháp của mình dễ sân; dễ phiền não; dễ tham đắm thì nó cũng thành thói quen được.

Thầy đem cái thí dụ cho các con, để cho con thấy, một người mình chưa hút thuốc mà mình cứ hút thuốc hoài, cái bây giờ nó nhiễm bỏ thuốc không được, không phải đó thành thói quen sao? Đó! Do đó con người mình dễ nhiễm. Mà nó nhiễm cái xấu, cái ác pháp thì nó làm cho mình đau khổ. Mà nó nhiễm cái thiện pháp, nó làm cho mình hạnh phúc, mấy con! Làm cho mình giải thoát.

Thì đạo Phật vốn mình tập tu, để cho mình nhiễm cái tốt chứ có gì? Các con hiểu không? Cho nên vì vậy mình dễ nhiễm mà, nhiễm xấu thì nó tai hại, mà nhiễm tốt nó tốt chứ gì? Đó! Cho nên bây giờ về đây thì các con nên tập, tập để nhiễm cái tốt, chứ không có cái gì khác hết. Mà hằng ngày mình tập nhiễm tốt thì nó sẽ huân được cái tốt, chứ có gì.

8- CÂU CHUYỆN VỀ QUÁN TƯỞNG CỦA CHÚ SA DI

(37:08) Phật tử: Dạ! Bạch Hòa thượng!

Con Xin Hòa thượng cho con thưa hỏi một chút xíu nữa ạ. Hồi nãy giờ Thầy giảng cũng nhiều, mà nhiều vị cũng hỏi về cái chỗ tưởng, về cái chỗ tưởng uẩn đó, nên con cũng xin thưa hỏi Hòa thượng. Sẵn con hỏi để quý huynh đệ, cư sĩ rồi nghe cho rõ để hiểu thêm chút xíu nữa. Chứ đối với các vị mà tu sĩ thì chắc quý vị chắc rành rồi. Nhưng con không dám nói tu sĩ, mà con hỏi đây để cho chúng con cư sĩ nghe luôn.

Tại vì có một lần con coi ở trong cái cuốn, cái “Khóa Hư Lục” đó. Bạch Hòa thượng!

Có câu chuyện như vầy nè: Có một người Sa di đó đem lòng yêu một cô nữ Phật tử. Mà chú Sa di đó, chú yêu lắm. Chú yêu, nhưng mà cô Phật tử đó thì không có yêu lại đâu. Thành ra chú yêu đơn phương á, thành ra chú đau khổ lắm, chú đau khổ kinh khủng lắm. Mà chú không biết làm sao mà chú dứt ra khỏi cái tâm ái dục này. Tại vì các cái thứ này là nó nặng nề lắm, thành ra chú dứt không được. Cái ngày đêm chú quán, tại vì chú yêu mà đơn phương, chứ cô kia không có đáp lại, thành ra làm sao chú dứt cho được. Thì chú cứ ngày đêm chú quán, chú quán thế nào cho cái cô này mà quán cô đẹp như vậy đó, mà chú quán xấu không à. Chú quán, cái cô kia mũi dọc dừa, mà chú Sa di thì quán thành mũi tẹt, mà cái miệng người ta trái tim, mà chú quán thành cái miệng rộng. Chú quán cho thật xấu như vậy để cho chú hết yêu mà. Thì cái hôm đó chú quán sao mà đến nổi, mà chú thấy cái cô đó thành cái mặt rỗ tổ ong luôn. Chú quán đến cái khi mà chú thấy cái cô đó là mặt rỗ tổ ong luôn thì tình yêu ái dục trong lòng chú là tiêu hết. Thì cách đó là 5 năm sau, sau khi cô, cái cô Phật tử có gia đình rồi đó. Bạch Hòa thượng!

Có gia đình rồi, cái cô đó, cô dắt đứa con lên thăm Thầy cũ. Thăm Thầy cũ tức là vị trụ trì ở cái chùa đó đó. Thì cô lên, cô thăm đó, thì chú Sa di này mất hồn ra, té ra, cái cô này, từ hồi xưa cô gái đẹp, bây giờ mặt rỗ thiệt, rỗ rỗ chằng chịt.

Là bây giờ, cái chú Sa di hỏi: “Sao vậy?”

Thì cái cô này nói: “Tui mới vừa bị trái trời, mới hết mấy tháng nay à, buồn quá bây giờ lên thăm Thầy.”

Bây giờ xin Thầy giải thích cho chúng con biết làm sao cái tưởng tri như vậy? Mà lại cái thế giới của tưởng tri, mà nó lại có cái sự tương ưng với cái tưởng tri của cái chú Sa di này ạ. Dạ! Tại vì cái bên ngoài con không dám nói là thiệt hay là nó ảo làm sao, con không dám nói chỗ này. Nhưng mà con thấy là có cái sự tương ưng giữa cái quán mấy năm về trước, mà mấy năm về sau, cái cô Phật tử này mặt rỗ thiệt, dạ! Bạch Hòa thượng ạ!

(40:15) Trưởng lão: Để Thầy giải thích cái chỗ này. Trong cái phương pháp của Phật giáo đó, thường dạy chúng ta đối trị với tâm ái dục, tâm sắc dục của mình đó mà, thì thường thường là quán thân bất tịnh. Đó. Cho nên có những cái, hầu hết là tuổi trẻ, mà thanh niên mà còn tuổi trẻ đó, dù nam dù nữ thì đến đây, đều là Thầy có dạy về cái phương pháp ở trên Tứ Niệm Xứ. Thì đức Phật có dạy cái phương pháp quán thân bất tịnh. Ờ! Bắt đầu quán ở trong thân của mình những đờm nhớt, những cái thứ bất tịnh như mồ hôi, nước mắt hay hoặc ghèn, cháo, hay hoặc là tất cả mọi cái thứ bất tịnh ở trong thân của mình. Đây là một sự thật là cái thân bất tịnh, đó là một cái. Rồi bây giờ quán cái thân nó sình, nó thành ra cái thây ma nó sình lên, nó nứt nẻ, nó chảy nước vàng. Đó là một cái thân để chứng tỏ nó bất tịnh. Rồi quán về cái xương trắng nữa. Cho nên khi mà, như vậy là mình nghe nói thì mình chưa biết.

Khi mà cái sự tu tập về cái phương pháp quán này đó thì cái người mới vào tu đó, thì người ta quán tưởng, người ta dùng biết điều tưởng đó mấy con. Trước mặt người ta không có thấy cái thân mà nó chết, nó nám đen, nám đỏ. Mà người ta sẽ tưởng ra cái thân, rồi tưởng ra cái thân nó nứt nẻ. Cho nên trước khi mà người ta tu về quán cái thân bất tịnh này, thì người ta phải nhìn. Người ta đến, người ta nhìn cái thây ma. Người ta nhìn cái thây ma rồi, về rồi người ta mới ngồi, người ta tưởng ra.

Cho đến khi mà cái người phụ nữ mà đi ngang qua vậy đó, người ta không có tưởng thì cái người phụ nữ đi ngang qua, người ta thấy bình thường không có gì hết. Nhưng mà cái người đó tưởng ra một cái thì ngay đó là người ta thấy cái thây ma nó đang đi, mà nước vàng nó chảy ra cả, cả thấm. Cả khi mà đón cái người mà tưởng, cái hương tưởng đó, nó sẽ người ta nghe cái mùi thúi mấy con. Cái người đó, người ta dùng, người ta nghe mùi thúi, cho nên nó gọi là quán tưởng. Thì cái chú Sa di này á, không biết là chú được ông Thầy chú có dạy không? Nhưng mà chú đã đúng là cái chỗ mà chú quán tưởng.

Bây giờ đó, chú dùng tưởng ra. Thay vì cô này rất đẹp chú mới có sinh cái tình cảm. Nó mới có đeo đẳng trong cái tình ái, nó mới đeo đẳng trong lòng của chú. Cho nên từ đó, chú không biết làm sao mà khắc phục được cái tâm này? Cho nên chú mới quán cái cô này ra mũi tẹt, cái miệng hô hay hoặc là này kia để làm cho cô này xấu đi, cho cái tình cảm của chú nó sẽ bị dứt đi. Nhưng mà chú quán tưởng đến thâm sâu đó, cái tưởng nó hiện ra. Nó thấy cô này thật sự nó bị mặt rỗ hay hoặc là mũi tẹt hay này kia, nó không có còn như ngày xưa đẹp nữa. Chừng đó chú thấy cái cô này, chú thấy cái tình cảm nó chấm dứt, nó không còn nữa. Đó tức là cái phương pháp mà đức Phật đã dạy trong Tứ Niệm Xứ, phương pháp quán thân bất tịnh đó con. Con hiểu chỗ đó chưa?

Do đó thì bây giờ con muốn hỏi Thầy về vấn đề này, tại sao khi mà cô này về thăm chùa, lại là cô lại mặt rỗ? Nó lại tương ưng như vậy?

(43:30) Nó thật sự ra thì cái chú này chỉ đối trị tâm mình qua cái tưởng thôi. Chứ không phải là chú ước ao cho cái cô kia rỗ mặt để cho cô ta xấu thật. Nếu mà vậy thì chú này quá ác. Người ta ở ngoài đời, mà mình quán tưởng để cho người ta xấu thật thì thiệt là mình giết người ta chết. Nhất là mấy cô gái mà người ta xấu như vậy là quá người ta khổ. Chẳng hạn bây giờ mình đang đẹp như thế này mà người ta lấy dao, người ta rạch mặt mình để thành cái thẹo thì mình thấy khổ. Hay hoặc người ta đem axit, người ta tạt cái mặt của mình, nó trở thành sần sùi hết thì sẽ quá khổ. Cái người đó, cái tâm họ thà là chết hơn là cái mặt họ như vậy, các con hiểu không?

Cho nên cái tâm trạng đó là cái tâm trạng rất là đau khổ. Mà cái chú này, chú quán cái người mà chú yêu mà cho nó xấu như vậy đó, là chú quán tưởng như vậy để đối trị cái tâm chú thôi. Chứ sự thật ra mà cái người chú yêu, mà quán tưởng như vậy, mà cái người yêu mà chú, mà đau khổ cái mặt xấu thật như vậy, thiệt là chú ác, quá ác, không có tốt được lên đâu. Cho nên ở đây thật sự ra, đây là cái trường hợp cái nhân quả thôi, nhân quả của cô này thôi. Nghĩa là cô này, cô không phải là tạo cái nhân quả cho chú này, mà chú này cũng không phải là quán để cho cô kia xấu như vậy đâu.

Nhưng mà nó tương ưng là tại vì cái nhân quả của cô này. Là sau khi cô có chồng, có con rồi, cái nghiệp quả cô đến lúc mà cô phải đau bệnh trái mùa. Cái mặt cô phải rỗ chằng, rỗ chịt đó, thì cái đó là cái nhân quả của cô, là cô gieo cái nhân, cái thời của cô. Thí dụ như sanh lên cái gương mặt cô tốt đẹp, sau đó thì cái thời gian cái tốt đẹp đó nó bị tàn lụi đi. Qua một cái trận bệnh nào đó nó làm cho cái gương mặt cô bị hư hại đi. Thì con thấy cái trường hợp này xảy ra rất nhiều cái trường hợp. Thí dụ như mình sinh lên rất đẹp đẽ, gương mặt mình rất đẹp đẽ, nhưng mà có tai nạn xảy ra, thí dụ như phỏng nước sôi hay hoặc cái tai nạn nó xảy ra như nhà cháy, nó làm cho cái gương mặt cái đứa con gái đó nó bị ảnh hưởng nó không tốt nữa, đó là một trường hợp.

(45:11) Rồi xảy ra, nếu mà có chồng ghen tuông rồi tạt axit này kia, nó làm cho cái gương mặt nó cũng xấu xí. Nó cũng có những cái điều kiện xảy ra trong xã hội. Chúng ta cũng nghe báo chí đăng những cái vấn đề này, đó là cái nhân quả mà thôi, cái hình ảnh nhân quả mà thôi. Còn cái cô này chẳng qua là cái nhân quả của cô thôi. Nhưng mà nó tương ưng làm cho chú này ngạc nhiên vậy thôi. Đây là cái câu chuyện người ta đặt ra như vậy, chứ sự thật nó không có tương ưng kỳ cục cái kiểu đó, không có đâu. Mình quán tưởng mà cái mặt người ta nó mũi tẹt ra thì đâu có chuyện đó đâu. Cái nhân quả người ta, mà quán cho cái mũi người ta nó đẹp đẽ như thế này, bây giờ nó hình lên, nó như hai cái máng xối vậy thì không có được. Nó không có cái điều đó đâu. Không có làm sao mình quán tưởng. Bộ mình vẽ bùa, vẽ chú mình yếm người ta sao mà làm cho người ta xấu được, phải không? Chỉ có bùa chú thôi! Còn cái này nó không phải đâu mấy con.

Cho nên cái câu chuyện ở trong cái “Khóa Hư Lục” chỉ là người ta muốn nói cái pháp quán tưởng để mà đối trị cái tâm sắc dục đó mà thôi, các con hiểu không? Nhưng mà cái trường hợp nó tương ưng, mình đọc nghe tới đó cái cô này nó cũng cái mặt nó rỗ chằng, nó cũng y như vậy, thì người ta tưởng ông này quán sao mà linh quá. Lẽ ra nếu mà sự thật mà linh như vậy thì chỉ có bùa chú mà yếm người ta thôi, chứ không cách nào khác đâu, không hết đâu. Phải không? Nhưng mà ở đây cái mục đích của mình đối trị cái tâm của mình thôi, để cho mình thoát ra khỏi những cái khổ não của tâm thôi. Cho nên nó không có thật đâu con! Cái đó là cái câu chuyện huyền thoại người ta đặt ra như vậy, để nó thấy nó tương ưng, cái ông này quán sao mà linh quá…​ (nghe không rõ)

9- LỜI TRI ÂN CỦA ĐOÀN PHẬT TỬ

(46:50) Phật tử: Mô Phật! Kính bạch Thầy!

Hôm nay chúng con cũng được cái duyên lành, được về thăm Thầy cũng như Tu viện Chơn Như thì được Thầy sắp xếp cái thời gian vào buổi sáng và buổi chiều để chúng con được trình lên Thầy những cái gì mà trong quá trình tu học và cũng như những ray rứt trong vấn đề học Phật, và cũng được Thầy chỉ dạy.

Thì thời gian cũng có hạn, cũng như chúng con không muốn phải làm mất thì giờ trong đại chúng ở Tu viện Chơn Như. Thành ra con xin thay mặt tất cả quý sư ở đây, quý sư cô, quý Phật tử của đoàn xin Thầy nhận nơi đây chúng con một lòng thành kính và luôn nhớ ơn Thầy chỉ giáo. Cũng như cá nhân con hôm nay về thăm Thầy lần chót, để chuẩn bị khoảng hai tuần nữa là con đã rời Việt Nam để về lại bên Mỹ. Thì con xin cố gắng những thời gian mà nhập thất ở đây. Và về quê hương, những công việc, nếu mà…​ thì cũng như khi con qua bên đó cố gắng. Cũng y như những lời Thầy chỉ dạy để cố gắng tu học, để cho xứng đáng là một người tu sĩ đi đúng chánh Phật pháp.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

(48:40) Trưởng lão: Và bây giờ thì mấy con hãy chuẩn bị đi, mấy con sẽ chuẩn bị, sẽ về ngay liền bây giờ hả các con, hay là nghỉ chút xíu nữa rồi mới đi?

Phật tử: (Không nghe rõ)

TRưởng lão: Thì bây giờ, coi như là tối rồi, các con còn hỏi thêm gì nữa, hay thôi chấm dứt con?

Phật tử: (Không nghe rõ)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Thầy!

Từ sáng đến giờ trong đại chúng hỏi rất là nhiều và Thầy đã giải bài cho chúng con. Chắc con nghĩ Thầy cũng mệt mỏi nhiều. Cũng vì thương tất cả chúng sinh mà Thầy đã trả lời những câu hỏi.

Kính bạch Thầy!

Con nghe cũng rất nhiều băng và được trực tiếp nghe quý thầy, quý sư cô thuyết pháp, nhưng mà không có ai nói lên được sự thật của chánh pháp. Hôm nay con được Thầy đã chỉ dạy cái nào là tà pháp và cái nào là chính pháp. Dù bản thân con có thể thực hành được hoặc có thể chưa thực hành được, nhưng lòng con vẫn cảm thấy an ổn, phân biệt đâu là chánh và đâu là tà. Thì lời cuối cùng, con dâng lên Thầy một tấm lòng tri ân!

(51:09) Kính bạch Thầy!

Thầy dạy, chúng con rất là xúc động, biết để mà tu chứ chúng con không thể nói lên được sự thực. Bởi vì mình nói lên được sự thực, nói lên sự thực chung quanh của chúng ta đều bị phủ nhận. Như vừa qua con cũng có đọc báo Giác ngộ trong đó có một đoạn là phủ nhận về cuốn sách “Đường Về Xứ Phật” của Thầy. Trong đó nói là cái cuốn sách này không được Giáo hội công nhận mà đã được in ấn để lưu hành. Thì con đọc cái đoạn đó và con nghĩ rằng, cái sự thực mà hiển bày, nếu chúng ta không có duyên, thì chúng ta vẫn không gặp.

Cả một Giáo hội trong đất nước Việt Nam chúng ta mà không nói lên được sự thật của chánh pháp, đó là một điều mà con nghĩ rằng là chúng con vẫn chưa được hạnh phúc. Những bậc Tôn túc đã đi trước chúng con bao nhiêu thế hệ vẫn không nói lên được sự thực, vậy chúng con là hàng hậu học thừa kế thì chúng con vẫn không thừa hưởng được cái hạnh phúc đó. Tuy nhiên bên cạnh ấy, chúng con vẫn cảm thấy vững lòng khi biết đâu là chánh; biết đâu là tà. Để chúng con quay về trụ xứ mình làm những cái gì luôn luôn nhớ đến những lời của Thầy chỉ dạy qua kinh tạng mà đức Phật đã để lại.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Con thành kính tri ân và đảnh lễ Thầy!

Nam Mô!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy