00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

1999-THIỀN CỦA ĐẠO PHẬT

1999-THIỀN CỦA ĐẠO PHẬT

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời lượng: [38:26]

1- NHẬP SƠ THIỀN

(00:01) Muốn nhập Sơ Thiền, như hồi nãy giờ Thầy đã nói là phải tâm ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp thì tâm không phóng dật, tâm không phóng dật tức là tâm giải thoát. Đó là giải thoát được những gì? Giải thoát được đời sống của chúng ta.

Thường thường trong các nhà học giả, dạy đến chữ “SANH” thì người ta nghĩ đến chữ sanh đẻ chứ người ta không nghĩ đến sanh là cuộc sống, cho nên trong Thập Nhị nhân duyên Phật có dạy: “Chúng ta từ chỗ hữu, thủ mới có sanh”. Hữu là gì? Hữu là có. Thủ là giữ lại. Khi mà giữ lại, có mà giữ lại thì nó mới có cái đời sống của chúng ta, cho nên chữ “sanh” ở đây là sanh y, nương tựa để mà sống chứ không phải sanh là sanh đẻ. Trong kinh A hàm và trong kinh Nikaya chỗ này cũng dạy có nghĩa là sanh đẻ, nên theo tôi thiết nghĩ qua sự tu tập chúng tôi có kinh nghiệm vì Đức Phật đã dạy câu kinh rất rõ ràng.

Một vị tu sĩ mà muốn đi theo Đạo Phật tu hành thì “cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa”. Đó là những danh từ chỉ cho những hành động một người muốn tu theo Đạo Phật thì phải làm xấu mình không có trang điểm, không có làm đẹp đẽ nữa, nghĩa là cạo bỏ râu tóc là làm cho mình xấu không còn đẹp.

Đắp áo cà sa không phải là những chiếc áo hàng đắt tiền như quý Thầy hiện giờ mà là những miếng vải, những mảnh vải đắp thây ma, quăng ở đồng mả. Lượm rồi giặt gọi là y phấn tảo, ghép lại thành một tấm vải lớn để rồi người tu sĩ vấn chiếc y đó gọi là cà sa. Chứ không phải cà sa như chúng ta cắt từng miếng vải nhỏ ra, trong khi miếng vải lớn mà cắt nhỏ ra rồi kết lại tạo thành một chiếc y bằng những hàng vải đắt tiền đó là những cái sai của chúng ta. Vì bỏ hết cuộc đời mà còn một chiếc y đẹp vẫn là có sự tham đắm và dính mắc.

(02:28) Cho nên trong thời Đức Phật lượm vải thây ma, vải bỏ mà kết lại làm y mặc để thực hiện hạnh giải thoát của mình. Do đó sanh y là như đồ bỏ không còn có nữa, vì thế mà sanh y tức là những vật dụng cần thiết cho đời sống chúng ta hàng ngày chỉ còn ba y, một bát mà thôi. Nếu người tu sĩ theo trong giới luật nếu người tu sĩ thừa y, thừa bát là không đúng hạnh của người tu sĩ, phải xả bỏ nếu không xả bỏ thì sẽ bị tội đọa.

Như vậy rõ ràng, chúng ta sống đầu tiên là “cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa” là làm chúng ta không còn đẹp nữa. Xuất gia sống không nhà cửa, không gia đình, không có nhà cửa không có chùa to tháp lớn, không có Phật lớn, mà chỉ ở tạm với những người tín thí cúng dường Tịnh Xá, thất. Rồi trên bước đường du tăng rày đây mai đó, ở hang, ở bóng cây, ở chòi tranh, vách lá bất kỳ nơi đâu chúng ta đều dừng chân nghỉ được cả, ở được cả. Tùy theo sự cúng dường của Phật tử, của tín thí. Có nhà cho chúng ta ở nhà mà không thì chúng ta ở bóng cây, hang đá, đó là hạnh của du tăng khất sĩ, hạnh của người tu giải thoát.

Cho nên chúng ta bứt sạch tất cả sanh y. Mà đoạn dứt sanh y thì không còn sanh già bệnh chết. Mà đoạn dứt sanh y thì thủ không có, thủ không có thì hữu không có; hữu không có thì ái không có, cho nên ái không có cho tới cuối cùng thức cũng không có, tới cuối cùng thì vô minh cũng quét sạch.

(04:53) Do vì vậy mà chúng ta biết từ duyên sanh mà chúng ta đi vào, cho nên Phật dạy: “cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa xuất gia sống không nhà cửa, không gia đình” là vậy, chớ không gì khác hơn. Tức là Đức Phật muốn chúng ta đi vào trong Thập nhị nhân duyên mà phá cái duyên đầu tiên của nó tức là sanh y, để thực hiện đời sống Phạm hạnh của một vị tu sĩ bứt sạch tất cả các dây triền phược trói buộc để chúng ta thực hiện một đời sống giải thoát hoàn toàn, do vì vậy mà chúng ta mới thực hiện ly dục ly ác pháp. Ngũ Triền Cái và thất kiết sử trong tâm ta mới bứt sạch, mới diệt sạch, chúng ta mới thực hiện được đạo giải thoát. Nếu không được vậy thì Sơ Thiền không thể nào mà chúng ta thực hiện được.

Trong Bốn Thánh Định của Phật, Sơ Thiền là pháp môn khó tu nhất, vì phải sống đúng, sống đời sống Phạm hạnh, không được sai và còn lập những đức hạnh ăn, ngủ, độc cư, tùy thuận, nhẫn nhục, bằng lòng thì chúng ta mới thực hiện được Sơ Thiền, không đơn giản. Nhưng đến Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền thì rất đơn giản, không có khó khăn, không có mệt nhọc.

Khi tâm ly dục ly ác pháp, tâm không còn phóng dật nữa thì tâm đã thanh tịnh, đời sống chúng ta đã làm chủ được đời sống của chúng ta, hoàn toàn chúng ta bất động trước các pháp, trước các thọ của chúng ta. Vì vậy mà Sơ Thiền còn có cái tên gọi là Bất Động Tâm Định. Người nhập được Sơ Thiền là người nhập được Bất Động Tâm Định của mình, cho nên giải thoát được đời sống của mình trước các pháp. Ai chửi không giận hờn, ai khen cũng không mừng, ai cúng dường tiền bạc, châu báu cũng không chấp nhận, chỉ tùy duyên mà độ chúng sanh, chỉ tùy duyên mà đi khất thực hóa duyên độ người hữu duyên với mình mà thôi, cho nên Sơ Thiền là mấu chốt để chúng ta đi vào thiền định của Đạo Phật.

2- NGŨ LỰC LÀ GÌ?

(07:28) Vì vậy Đức Phật có nhắc trong ngũ lực. Nói đến Ngũ lực Đức Phật xác định Định lực là vì Đức Phật xác định Định lực là Bốn Thiền, tức là Tứ Thánh Định. Do đó con đường của Đạo Phật qua bài Ngũ lực thì chúng ta đã thấy rất rõ ràng.

Nói về Tín lực - lòng tin của chúng ta thì có Tứ Bất Hoại Tịnh. Tứ Bất Hoại Tịnh là Pháp môn gì? Tin Phật, Tin Pháp, Tin Tăng và Tin Giới. Vì lòng tin không lay chuyển cho nên chúng ta phải lập sống đúng như hạnh của Đức Phật, phải theo pháp của Phật mà không được tu sai cho nên gọi là tin Pháp, phải nương tựa vào các bậc Thánh Tăng là những người giữ gìn Phạm hạnh nghiêm túc, lấy gương hạnh của các bậc Thánh Tăng là đệ tử của Phật ngày xưa mà làm gương hạnh cho mình gọi là Tin Tăng.

Còn hiện giờ thì chúng ta không thể tin Tăng được, vì Tăng danh, Tăng lợi, Tăng sống trong danh lợi. Chùa to, tháp lớn không thể nào mà chúng ta nương vào những vị tăng này mà tin họ được. Chúng ta tin giới vì giới là đức hạnh, đức hạnh làm người, đức hạnh làm thánh nhân cho nên chúng ta tin giới và quyết định sống đúng những đức hạnh đó, do đó gọi là Tứ Bất Hoại Tịnh, làm cho thân tâm chúng ta thanh tịnh mà không hoại diệt sự thanh tịnh. Gọi là Tín Lực.

Tấn Lực: là pháp ngăn ác diệt ác, sang thiện tăng trưởng thiện, do đó chúng ta hàng ngày phải siêng năng tu tập pháp này cho nên gọi là Tấn Lực. Tấn Lực là cái sự siêng năng, tinh tấn hết sức mình trong pháp này để thực hiện được tâm ly dục ly ác pháp. Nếu không siêng năng trên Tấn Lực này thì khó mà thực hiện được đạo giải thoát của Đạo Phật, khó mà nhập được Sơ Thiền. Cho nên Tấn Lực là một pháp môn cần thiết cho mỗi tu sĩ của Đạo Phật khi bước chân vào đạo luôn luôn lúc nào cũng phải thực hiện nơi thân và tâm của mình “ngăn ác, diệt ác; sanh thiện tăng trưởng thiện”.

(10:02) Niệm lực là gì? Đức Phật xác định Niệm Lực là Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là “trên thân quán thân”. Như lúc nãy Thầy đã nói cách thức chúng ta ngăn ác diệt ác bằng trên thân quán thân tức là bằng pháp Tứ Niệm Xứ. Ở Niệm lực, Đức Phật xác định là Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là pháp môn hộ trì, thực hiện cho pháp Tứ Chánh Cần. Nếu không có Tứ Niệm Xứ tức là không có bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp mà tu tập thì không thể nào thực hiện Tứ Chánh Cần được. Cho nên muốn thực hiện Tứ Chánh Cần không thể nói rằng ngăn ác diệt ác bằng một danh từ suông được mà phải bằng pháp Tứ Niệm Xứ. Vì có tu tập trên Bốn niệm này, bốn chỗ xứ sở này thì chúng ta mới thực hiện được thân tâm ly dục ly ác pháp.

Trên Tứ Niệm Xứ thì như Thầy đã dạy ở trên là: trên thân quán thân tu về nhân tướng, đó là Định Vô Lậu. Tu về hành tướng nội là hơi thở, Định Niệm Hơi Thở; về hành tướng ngoại tức là Tĩnh giác chánh niệm định. Đó là ba cái loại định ngăn ác diệt ác để hỗ trợ cho Tứ Chánh cần thực hiện Định tư cụ.

Nói về Định Lực thì Đức Phật đã xác định là Tứ Thánh Định tức là Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Cho nên chúng ta thực hiện từ Giới luật cho đến Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ đều là thực hiện ngăn ác diệt ác, ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm. Đó là những pháp cần thiết cho sự tu tập của con người muốn tu tập thiền định của Đạo Phật. Cho nên bốn thiền gọi là Tứ Thánh Định hay còn gọi tên nó là Phạm Trú, hay gọi là Như Lai Trú, những danh từ đó Đức Phật đã từng gọi trong kinh Nguyên thủy Nikaya. Những danh từ đó xác định đó là những loại thiền định của bậc Thánh không phải bậc thường mà tu tập được.

Chúng ta nhập Sơ thiền như lúc nãy là chúng ta làm chủ được đời sống của chúng ta gọi là Sanh. Như trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên. Sanh là một duyên trong Mười hai nhân duyên. Đoạn dứt được duyên Sanh là đoạn dứt được mười hai nhân duyên trong Thập Nhị Nhân Duyên.

3- NHẬP NHỊ THIỀN VÀ TAM THIỀN

(13:04) Nếu chúng ta nhập Nhị Thiền, chúng là làm chủ được gì? Chúng ta làm chủ được già. Tại sao vậy? Tại vì nơi ba chỗ hoạt động của nhân quả đó là thân, khẩu và ý ngưng hoạt động hoàn toàn. Cho nên lúc bây giờ người muốn nhập Nhị Thiền không phải ngồi ức chế tâm mà nhập Nhị Thiền bằng cách ra lệnh dùng pháp hướng tâm Như Lý Tác Ý: “tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền” thì ngay đó tâm thanh tịnh của chúng ta tự điều khiển sẽ nhập ngay Nhị Thiền, tâm không còn tầm tứ.

Tầm tứ diệt thì người đó nhập Nhị Thiền do định sanh hỷ lạc, bây giờ do định sanh hỷ lạc chứ không phải ly dục sanh hỷ lạc. Trạng thái của định này mới chính là chúng ta có thiền định một cách dễ dàng, một cách không mệt nhọc không cần ngồi nhiều, không cần ngồi ức chế tâm, không cần ngồi tập trung cao, không cần gom tâm mạnh mà chỉ cần pháp hướng tâm. Chỉ nhắc: “tầm tứ tịnh chỉ nhập Nhị Thiền” thì ngay đó tâm chúng ta đã diệt tầm tứ và nhập Nhị Thiền.

Kế đó Phật dạy nhập Tam Thiền thì phải ly hỷ, trú xả. Hỷ là gì đây? Hỷ là năm, sáu loại tưởng hỷ. Mỗi trạng thái của tưởng đều luôn lưu xuất ra làm chúng ta có cảm giác vui mừng của dục thế gian. Cho nên chúng ta phải lìa nó ra, xa lìa nó ra, vì vậy mỗi trạng thái của hỷ tưởng như chúng ta thấy ánh sáng hào quang chúng ta ngỡ tưởng đó là mình đã tu chứng, có hào quang ánh sáng, hoặc thấy Phật, hoặc thấy hoa sen, hoặc thấy cõi Cực Lạc, điều đó là do tưởng pháp mà ra, không phải sự thật chân chính. …​ (không nghe rõ) muốn được chúng ta nhận xét như chúng ta đang Thiền Định mà chúng ta nghe âm thanh trong tai, nghe tiếng niệm Phật, nghe Phật dạy, nghe Tổ dạy, hoặc nghe Chư Phật thuyết pháp trong tai ta điều đó là thinh tưởng; hoặc nghe tiếng nổ trong đầu chúng ta; hoặc nghe tiếng kêu vo vo; hoặc nghe tiếng thì thầm, tất cả đều là do thanh tưởng mà ra.

(16:03) Người đang ngồi thiền mà nuốt nước bọt vào cổ nghe cảm giác nghe ngọt đó là chúng ta gặp vị tưởng chứ không phải là Cam Lồ, người hiểu Cam Lồ là người sai.

Ngồi thiền mà nghe mùi hương thơm tưởng đó là chúng ta đã đạt được những gì của Thiền Định nhưng không ngờ hương thơm đó do Hương tưởng mà ra.

Ngồi Thiền mà hiểu được lời Phật dạy, kinh sách, công án, gọi là tiểu ngộ, đại ngộ hay là hoặc triệt ngộ, thông suốt tất cả những công án và những câu dạy trong kinh Đại Thừa cho rằng đó là trí tuệ của chúng ta, sự thật đây là chúng ta đã gặp pháp tưởng. Người gặp pháp tưởng bản ngã to lớn thường thích thuyết pháp, gặp ai đem sự hiểu biết này trình bày nói Pháp. Cho nên những bậc tôn túc của chúng ta thường bị rơi vào Pháp này. Vì rơi vào Pháp này cho nên các ngài luôn thích thuyết pháp, nay đọc bài kinh này giảng theo kiểu tưởng giải của mình, mai đọc bài kinh khác giảng theo tưởng giải của mình khiến cho mọi người nghe thì có lý nhưng thực hành thì chẳng đến đâu, đó là các ngài đã gặp pháp tưởng.

Đó là 6 loại ma mà trong Tam Thiền Đức Phật dạy chúng ta phải ly nó ra, không nên chấp nó, phải “im lặng như thánh”, không được đem những pháp này giảng người khác vì chúng ta chưa làm chủ được sanh già bệnh chết, chưa ly được dục, chưa ly được ác pháp. Sơ Thiền còn chưa nhập được mà bây giờ nói pháp dạy người thì thử hỏi làm sao đúng được.

(18:09) Tại sao chúng ta biết rằng các vị này chưa ly được dục, tại vì các vị còn ăn uống phi thời, còn đắm mê những danh lợi, còn ham thích cảnh đẹp đẽ, sang giàu, còn thích chùa to, Phật lớn, điều đó là các ngài bị lầm tưởng do tâm của các ngài đã gạt. Các ngài nghĩ rằng đó là các ngài làm Phật sự, để cứu độ chúng sanh nhưng không ngờ đó là tâm danh, lợi của các ngài đã bị chôn vùi trong pháp tưởng.

Cho nên người tu hành đến Tam Thiền là mau mau phải xả tất cả những các pháp tưởng này ra, khi mà xả các pháp tưởng này thì người tu thiền không còn mộng mị chiêm bao nữa, cho nên các thiền sư Đông Độ thường mộng mị chiêm bao cho nên các ngài còn bị pháp tưởng.

Người tu thiền đến Tam Thiền là không còn chiêm bao, coi như là ly tất cả những trạng thái hỉ tưởng, ly tất cả tưởng thức cho nên không còn mộng mị nữa. Người tu đến thiền định của Phật mới thấy rõ được mộng mị còn là người đó bị pháp tưởng. Sau khi ly được hỉ xong thì chúng ta tiếp tục xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh để đạt được, để nhập Tứ Thiền.

5- NHẬP TỨ THIỀN

Muốn nhập được Tứ Thiền cũng không phải khó khăn gì cả, chúng ta chỉ cần ra lệnh là sẽ xả tất cả những điều mà trong kinh đã dạy, ra lệnh gì chúng ta chỉ cần ra lệnh: “Tịnh chỉ hơi thở, hơi thở ngưng nghỉ” thì ngay đó xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, hoàn toàn đánh thức tâm thức của chúng ta. Lúc bấy giờ sự hiểu biết của chúng ta nó không còn ở sắc thức, không còn ở tưởng thức mà cái biết của chúng ta bây giờ mới gọi là tâm thức. Vì từ lâu ba cái thức này chỉ có tâm thức là đang ngủ ngầm không hoạt động. Còn sắc thức và tưởng thức hoạt động, cho nên bây giờ chúng ta đã nhập tới Tứ thiền.

(20:26) Không tịnh chỉ được hơi thở thì không thể nào mà nhập Tứ thiền được, cho nên những danh từ gọi là xả hỷ, xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, những danh từ đó chỉ là những danh từ suông mà thôi. Cho nên Phật khi nói Tam thiền thì nói ly hỷ, mà nói ly hỷ tức là một danh từ suông để chúng ta biết ly hỷ chứ chúng ta không biết cách thức nào mà ly hỷ. Vì thế muốn ly hỷ thì chúng ta phải tịnh chỉ hỷ tưởng hay hoặc là tịnh chỉ tưởng thức, thì lúc bấy giờ tưởng tịnh chỉ thì hỷ sẽ ly.

Cũng như nói Tứ thiền mà nói, xả hỷ, xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì đó là những danh từ chứ không thể nào mà nói xả là chúng ta xả được, mà chúng ta chỉ tịnh chỉ hơi thở thì sẽ xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Như vậy Tứ Thiền phải có một đạo lực như thế nào mới nhập được nó, cho nên tâm bất động, thân bất động.

Khi thân tâm thành một khối định, thân tâm bất động thì lúc bấy giờ chúng ta hướng đến Tam Minh, tức là dẫn cái tâm nào đến Tam minh. Tức là dẫn Tâm Thức của chúng ta chứ không phải dẫn ý thức hay hoặc là lục thức mà đến Tam minh được. Cái hiểu biết của quý vị hiện giờ đang ngồi trước mặt Thầy đây là cái hiểu biết của ý thức, của nhãn thức, của nhĩ thức, của tỉ thức, của thân thức chứ không phải cái hiểu biết của tâm thức. Còn cái hiểu biết của quý vị trong giấc mộng chiêm bao là cái biết của tưởng thức, chứ không phải cái biết của tâm thức cho nên dẫn tưởng thức đi về Tam Minh cũng không được mà dẫn sắc thức tức là ý thức của quý vị đi về Tam Minh cũng không được chỉ có dẫn tâm thức của quý vị mới về Tam minh mà thôi.

(22:48) Khi nhập được Tứ Thiền, thân định trên tâm, tâm định trên thân thì quý vị mới có đủ khả năng dẫn tâm về Tam Minh. Đầu tiên, chúng ta hướng tâm đến Túc Mạng Minh một đời kế tiếp đời nay chúng ta sẽ thông suốt và thông suốt tất cả các đời trong quá khứ của quý vị. Khi chúng ta dẫn tâm đến Tam Minh mà thông suốt được nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ của chúng ta thì chúng ta có thể dẫn tâm mình trở lại cách đây 2543 năm để nghe Đức Phật thuyết pháp những bài kinh như bài kinh Jivaka, như bài kinh Xuất Tức Nhập Tức, như những bài kinh khác trong kinh Nikaya thì chúng ta vẫn nghe Đức Phật Thích Ca thuyết giảng rõ một một, tiếng nói của Phật Thích Ca rõ ràng trong quá khứ, còn đó.

Cho nên không những chúng ta dẫn tâm mình, biết Túc Mạng của mình mà còn dẫn tâm mình nghe được lời thuyết giảng của Đức Phật ngày xưa, cho nên tất cả những kinh sách của Phật đúng, sai chúng ta đều biết rất rõ. Các Tổ thêm, bớt như thế nào chúng ta đều thông suốt không có chỗ nào mà chúng ta không thông suốt, vì lúc bấy giờ chúng ta dẫn tâm về Tam Minh tức là Túc Mạng Minh thì chúng ta sẽ nghe được Đức Phật thuyết giảng bài kinh trong lúc đó với tất cả chúng Tỳ kheo và người thưa hỏi Phật bài kinh đó như thế nào? Chúng ta đều nghe và thấy rất rõ những vị đó. Như các vị đang ngồi trước mặt Thầy mà nghe Thầy thuyết giảng, cho nên một người mà nhập được Tứ Thiền thì mới dẫn được tâm đến Tam Minh.

Khi thực hiện được Túc Mạng Minh rồi thì chúng ta thực hiện Thiên Nhãn Minh. Túc Mạng Minh có nghĩa là tâm chúng ta không còn thời gian, không còn trong thời gian chi phối được, dẫn tâm đến Thiên Nhãn Minh tức là tâm chúng ta không bị không gian còn trải dài, vì vậy bất kỳ nơi đâu chúng ta đều nghe thấy rất rõ ràng đối với mọi người. Cho nên Thiên Nhãn Minh dùng nó thì ngay đây chúng ta cũng đều thấy biết, như Thầy đang ngồi trước mặt quý Phật tử mà nhìn quý Phật tử, người già, người trẻ, trẻ con đều thấy rõ ràng như trước mặt chúng ta vậy.

(25:37) Bây giờ Thiên Nhãn Minh, chúng ta đã dẫn tâm đến Thiên Nhãn Minh xong thì chúng ta lại trở về hướng tâm đến Lậu Tận Minh. Lậu Tận Minh là chúng ta thông suốt nguồn gốc sanh tử luân hồi của chúng sanh và của chính mình.

Cho nên người có Túc Mạng Minh, người có Lậu Tận Minh là người chấm dứt sanh tử luân hồi, mặc dù chúng ta nhập Tứ Thiền làm chủ được sự sống chết của thân, nhưng không thể chấm dứt được sự tái sanh luân hồi vì nguyên nhân sanh tử luân hồi là nghiệp lực do hành động thiện ác của chúng ta mà Đức Phật gọi là lậu hoặc.

Cho nên khi mà hướng tâm đến Lậu Tận Minh để mà quét sạch được nghiệp lực này, cho nên nghiệp lực này không còn đi tái sanh. Nghiệp lực tái sanh chứ không phải chúng ta có thần thức, có linh hồn, có Phật tánh mà đi tái sanh, mà chỉ có hành động thiện ác của chúng ta tạo thành một nghiệp lực, từ đó nghiệp lực tương ưng với những nghiệp lực nhân quả của kẻ khác mà chúng ta tiếp tục tái sanh.

Chúng ta phải hiểu con người từ đâu sanh? Con người từ nhân quả sanh ra, rồi chúng ta sống trong nhân quả cuối cùng chúng ta chết về nhân quả, luôn luôn lúc nào chúng ta cũng trong cái định luật nhân quả mà không ra khỏi luật nhân quả.

Bằng chứng hiện giờ quý vị đang sống trong nhân quả mà không hay biết, cho nên Đạo Phật có một đạo đức gọi là Đạo Đức Nhân Quả. Vì Đạo Đức Nhân Quả hướng dẫn chúng ta hành động các thiện pháp, diệt trừ các ác pháp. Do hành động các thiện pháp mà chúng ta hưởng một đời sống an lạc thanh thản đầy đủ những phước báo. Còn nếu chúng ta không hiểu nhân quả cho nên chúng ta vô minh, si mê chạy theo sự tham mê của dục lạc thế gian tạo ra nhiều pháp ác từ đó chúng ta thọ lấy những sự đau khổ.

(28:09) Muốn được vậy thì chúng ta phải nỗ lực thực hiện, phải đạt đến Lậu Tận Minh mới chấm dứt được nguồn tái sanh luân hồi mà mỗi con người ai cũng có nhân quả đó. Ai cũng có nghiệp lực đó, không làm sao tránh khỏi, vì thế chúng ta tiếp tục mãi mãi trong đường sanh tử luân hồi 6 nẻo khổ đau, từ kiếp này sang kiếp khác mà không bao giờ cùng tận.

Duy chỉ có pháp môn Giới - Định - Tuệ của Phật mới xác định được chúng ta làm chủ bốn sự đau khổ này và chấm dứt sự tái sinh luân hồi giúp chúng ta thoát khỏi sự đau khổ của kiếp làm người. Do như vậy những pháp quý báu như vậy thì chúng ta phải cố gắng thực hiện để không phí uống một đời: “Được thân người là khó, được chánh pháp còn khó hơn” thế chúng ta đã được thân người mà được nghe chánh pháp của Phật tức là Giới - Định - Tuệ.

Hầu hết như quý Thầy đã thấy, hiện giờ người ta cũng nói Phật Pháp nhưng tu mãi chẳng đến đâu được, chẳng làm chủ sanh già bệnh chết được thế mà Phật Pháp là như thế nào, cho nên chúng ta phải nghĩ tu hành phải đúng chánh pháp. Đủ duyên được gặp Phật Pháp đó là một duyên may mắn nhất đời của chúng ta, không khéo chúng ta gặp tà pháp không đúng chánh pháp của Phật, tu mãi tu mãi mà không làm chủ được sanh già bệnh chết, đụng chuyện gì thì tham mê đắm đuối, đụng chuyện gì thì sân hận phiền não, đến khi bệnh tật thì đau khổ, phải đi nằm nhà thương bị mổ, bị xẻ giống như một con thú chẳng khác gì.

(30:15) Đến khi chết rất là khổ sở, rất là khó khăn, muốn chết mà chết không được phải nằm đó mà chịu đựng những cơn hành hạ của bệnh khổ. Đó là những nỗi khổ của kiếp người và nghiệp lực tạo ác, tạo thiện vẫn còn mãi mãi đi tái sanh luân hồi làm sao chấm dứt được nó? Cho nên kiếp này như vậy, kiếp sau biết chúng ta có được chánh pháp hay không? có gặp Phật Pháp hay không? Có được làm thân người hay không? Hay là chúng ta phải đọa làm thân chúng sanh? Nếu làm thân chúng sanh thì làm sao chúng ta có trí tuệ hiểu biết để thực hiện sự tu tập, để biết đâu thiện, đâu ác, để biết đâu là đạo đức của con người, đâu là đạo đức của thánh nhân? Nếu không được học hỏi, nếu không được làm người thì làm sao có trí tuệ mà học hỏi được những điều thiện ác, những điều đúng sai, những chánh pháp, những tà pháp?

Hiện giờ chúng ta đã làm con người mà không đủ duyên, chúng ta gặp tà pháp, tu mãi cho đến giờ này chẳng ra cái gì, bệnh tật hành hạ khổ sở. Đôi khi quý vị đã chết đi chẳng biết đi về đâu, mờ mịt đường trước cửa sau không thấu rõ, tu hành như vậy là phí uống một cuộc đời tu hành. Có thân người rất quý thế mà gặp tà Pháp như vậy không cứu chúng ta được chút nào cả, không tự cứu chúng ta giải thoát được mà làm chúng ta mất rất nhiều công phu, rất nhiều sức lực để thực hiện giải thoát nhưng cuối cùng chẳng giải thoát được gì, bằng cách lý luận che đậy những điều thế này thế khác để trốn chạy các pháp thế gian.

(32:16) Cho nên con đường của Đạo Phật vạch rất rõ, pháp môn của Phật rất rõ. Lời di chúc năm xưa của Đức Phật còn văng vẳng mãi trong tai của chúng ta: “khi ta nhập diệt các thầy Tỳ kheo hãy lấy Giới luật và Giáo pháp của ta mà làm Thầy làm chỗ nương tựa mà tu hành vững chắc, đừng nương tựa vào ai, đừng lấy ai mà làm chỗ nương tựa tu hành mà hãy lấy giới luật và giáo pháp của ta mà tu hành”. Lời dạy năm xưa rõ ràng như vậy, thế mà ngày nay dựa lưng vào những người mà không được Đức Phật chấp nhận là người thừa kế giáo pháp của Phật. Thế mà chúng ta quá vô minh, quá mê mờ, nghe đâu tin đó mà không thấy kinh Nguyên Thủy của Phật, nguồn gốc lời Phật nói năm xưa còn rõ ràng, thế mà hôm nay chúng ta không chịu suy tư tìm đâu là chánh, đâu là tà, để không phí uống một đời người, một kiếp làm người không phải dễ.

Nên Phật nói: “được thân người rất khó, khó như con rùa mù mà tìm bóng cây giữa biển mà được pháp còn khó hơn”. Biết bao nhiêu tà pháp đã gieo lên chúng ta mà được chánh pháp chúng ta không thể nào mà dễ dàng. Mọi tà pháp đang dìm mất chánh pháp, đang làm chánh pháp của chúng ta chìm mất đi, đang diệt Phật Giáo trên hành tinh này bằng một Phật Giáo mới. Do đó toàn bộ tín đồ Phật Giáo đều lầm lạc không đi đúng con đường của chánh pháp của Phật vì thế mà không thể nào tu hành giải thoát hoàn toàn. Bốn cái đau khổ của kiếp người không giải quyết được sanh, già, bệnh, chết. Luôn luôn vẫn là những vị tu sĩ hết sức tu mà vẫn không làm chủ được, điều này chỉ còn hi vọng đời này đến đời sau mà thôi, đó là niềm hy vọng cuối cùng của những vị tha thiết tu hành để mong đời sau được giải thoát, nghĩ rằng mình là hạ căn, không có thượng căn, trung căn, nên tu mãi chưa được mà thôi.

(34:58) Phật Pháp không có trung căn, hạ căn. Người có duyên được gặp chánh pháp tức là người sẽ tu được giải thoát. Người không duyên gặp không đúng chánh pháp là người tu tà pháp không được giải thoát mà thôi. Không thể nào mọi con đường đi về một mục đích được, chỉ có một con đường đi về một mục đích. Ví dụ như đây là lộ trình đi về thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ đạt được về thành phố Hồ Chí Minh không thể con đường đi Xuyên Mộc mà về thành phố Hồ Chí Minh được. Cho nên con đường nào thì dẫn về mục đích của nó không thể đi sai khác được.

Ở đây chúng ta phải hiểu rõ Phật Pháp là con đường duy nhất đi vào cái mục đích làm chủ bốn sự đau khổ và chấm dứt sự luân hồi sanh tử đó là Giới - Định - Tuệ. Xin nhắc lại quý vị nghe: Giới - Định - Tuệ, đó là con đường duy nhất để dẫn chúng ta làm chủ được bốn sự đau khổ. Và thiền định của Phật là phải Tứ Thánh Định, Bốn Thiền. Còn hoàn toàn tất cả những loại thiền khác không thể giúp chúng ta giải thoát sanh, già, bệnh, chết được thì không thể nào gọi là thiền của Đạo Phật.

Vì Đức Phật Ngài đã nói lên bốn câu kệ để xác định Pháp môn của Ngài giải thoát cái gì? Ngài nói: “Trên trời, dưới trời ta là người duy nhất, vượt qua sanh già bệnh chết”. Đó là người độc nhất ở trên thế gian này đã làm chủ được bốn sự đau khổ này, và chúng ta là những đệ tử của Phật theo Ngài tu hành phải nhắm vào mục đích mà ngài đã đạt được, như vậy mới là chính đệ tử của Đức Phật, chứ không phải đi tìm con đường thần thông, phép tắc hoặc là con đường mơ hồ trừu tượng cảnh giới siêu hình nào…​(không nghe rõ)

(37:03) Ngày trước chúng ta nhập vào Niết Bàn này hoặc là Niết Bàn khác. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì ngay đó tâm của chúng ta là cảnh giới Niết Bàn chứ không phải có cảnh giới nào ở đâu xa cả. Đó là một trạng thái tâm giải thoát của chúng ta chứ không phải có một cảnh giới nào khác ở trong tâm của chúng ta nữa.

Đến đây Thầy xin chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay để quý vị suy ngẫm, đừng tin gì những lời Thầy nói hôm nay mà hãy suy ngẫm, suy ngẫm. Nhưng ai làm được, sống được đúng Giới luật của Phật, Đức hạnh của bậc Thánh, và thực hiện được Bốn Thánh Định này, tịnh chỉ hơi thở nhập: thân định trên tâm, tâm định trên thân, thực hiện Tam Minh đến Lậu Tận Minh thì người ấy mới chính là người có thể dạy pháp cho quý vị, thực hiện con đường giải thoát. Bằng người ta chưa thực hiện được đến Lậu Tận Minh thì những người này đều là những học giả, những người học lý thuyết, giảng suông, không pháp hành, không dẫn dắt quý vị đến nơi, đến chốn quý vị sẽ uổng công, uổng sức mà không đạt được kết quả như ý nguyện của quý vị.

Đến đây xin chấm dứt.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy