00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

1994 - PHẬT MÔN BẢO HUẤN (TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT) - PHẦN 1

1994 - PHẬT MÔN BẢO HUẤN (TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT) - PHẦN 1

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời lượng: [01:28:25]

1- TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT

(0:03) Trưởng lão: Mời quý Phật tử ngồi xuống hết!

Trước khi nghe chúng tôi kể lại sự tu hành trong ba năm nhập thất, xin quý vị Phật tử cùng chúng tôi niệm danh hiệu Phật. Trước là để tưởng nhớ công ơn của Người đã chịu bao nhiêu gian khổ và còn phải dày công tu tập trên đường tìm chân lý giải thoát. Người đã chứng nghiệm được sự giải thoát nơi thân tâm của mình rồi đem dạy lại cho chúng ta. Nhờ thế ngày nay chúng ta mới có đường lối tu hành chân chính.

Bây giờ, quý Phật tử cùng chúng tôi chắp tay lên đồng niệm Phật ba lần:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Niệm Phật xong, quý Phật tử cùng chúng tôi hãy chắp tay lên, đem cả lòng thanh tịnh, không còn chút bợn nhơ của thế tục, kính cẩn chào nhau, đó là chúng ta những người con Phật, phải thể hiện đức hạnh trong muôn ngàn đức hạnh của Đạo Phật. Bắt đầu, quý Phật tử chắp tay lên mặt hướng về tượng Phật, cúi đầu chào nhau.

Hôm nay là ngày ra thất của chúng tôi sau ba năm nhập thất tu hành.

Kính thưa quý vị Phật tử! Quý vị đã không ngại đường xá xa xôi, dành những thì giờ quý báu, cùng bỏ những công ăn việc làm để huân tập về Tu Viện Chơn Như với lòng chân thành ngưỡng mộ sự tu hành của chúng tôi và cũng để tìm hiểu pháp môn tu hành của chúng tôi. Sự tu hành của chúng tôi có kết quả hay không? Kết quả ấy có lợi ích thiết thực giải thoát cho đời sống con người hay không? Sự giải thoát có phải của Đạo Phật hay không? Để trả lời những câu hỏi thắc mắc trên đây của quý vị, tức là kể lại sự tu hành của chúng tôi và chính là giải được mối nghi trong tâm của quý vị.

(03:24) Kính thưa quý vị Phật tử! Từ lâu quý vị đã hướng thân tâm của mình về Phật pháp, từng đi chùa lễ Phật, tụng kinh, bái sám; từng đi nghe thuyết giảng các kinh sách; từng để tâm nghiên cứu học hỏi giáo pháp của Đức Phật, với một lòng chân thành. Nhưng quý vị rất đau lòng và còn nghi ngờ Phật pháp vì mắt quý vị, tai quý vị đã nghe các bậc chân tu mà quý vị đã từng gặp trong cuộc đời của mình. Các vị ấy là những bậc Thầy của quý vị, đã từng hướng dẫn cho quý vị biết Phật pháp, biết tu học Phật pháp, từng chỉ dạy cho quý vị biết cách thức tu tập như: niệm Phật, niệm chú, tụng kinh, ăn chay, làm các điều lành và còn dạy cho quý vị tu tập thiền quán, xả tâm, tham thiền nhập định…​​ Mỗi vị đều đem hết khả năng tu học của mình chỉ dạy cho quý vị để quý vị đạt được sự giải thoát. Nhưng khi ra đi các vị ấy lại không giải thoát, phải chịu đau khổ trên giường bệnh, nhức nhối khổ sở trong các cơn đau, mệt mỏi trong khi thở chẳng ra hơi, hay lẫn lộn quên trước, quên sau khi tuổi già sức yếu.

Suốt cuộc đời quý vị Phật tử đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh trạng đau lòng của những Thầy mình, thì làm sao quý vị không nghi ngờ Phật pháp được? Ngược lại, những gì quý vị đã được học trong kinh sử nói về các Tổ, các Thiền sư tu như thế nào mà khi chết được tự tại, hay đây chỉ là huyền thoại để lừa bịp người sau chăng?

2- GIỚI, ĐỊNH, TUỆ

(05:46) Kính thưa quý vị Phật tử! Bây giờ chúng ta dừng lại chỗ này và trở lại vấn đề chính của buổi nói chuyện hôm nay. Rồi sau này chúng tôi sẽ trả lời những điều thắc mắc của quý vị qua bài pháp này.

Để trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng tôi xin lặp lại câu hỏi: “Pháp môn tu hành của chúng tôi là Pháp môn nào?”

Kính thưa quý vị Phật tử! Chúng tôi tu hành theo pháp môn GIỚI, ĐỊNH, TUỆ của Đức Phật. Trước khi chưa tu, là một tăng sinh đang học Phật Pháp, chúng tôi đã từng học qua những lời di chúc của Đức Phật. Lời di chúc là lời dạy sau cùng của Đức Phật trước khi Ngài nhập Niết bàn. Lời di chúc thứ nhất Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, các con hãy lấy Giới Luật và Giáo Pháp của ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa để tu hành vững chắc khi ta nhập Niết bàn”.

Lời dạy này chúng tôi ghi khắc mãi không quên và không bao giờ quên ông Thầy của chúng tôi là Giới Luật, là chỗ nương tựa vững chắc cho sự tu hành của chúng tôi.

Lời di chúc thứ hai Phật dạy: "Giới Luật còn là Phật còn tại thế, Giới Luật mất là Phật mất".

Lời dạy này hình ảnh Giới Luật là hình ảnh của Đức Phật, nên chúng tôi quyết tâm nghiêm khắc mình trong Giới Luật, không để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Chúng tôi lấy đó làm giai đoạn tu hành thứ nhất của mình.

Lời di chúc thứ ba không lời, trước khi nhập vào Niết bàn, Đức Phật nhập từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, nhập xuôi nhập ngược đến ba lần rồi mới chịu nhập Niết bàn.

(08:14) Kính thưa quý vị! Ở đây ý Phật muốn nhắc nhở người sau phải ráng dụng công tu tập thiền định này, đừng bao giờ tu tập thiền nào khác. Vì trong cuộc sống của chúng ta, trong thời Đức Phật cũng vậy và trong thời hiện giờ cũng vậy, biết bao nhiêu thứ thiền mà chẳng có thiền nào đưa chúng ta đến sự làm chủ và giải thoát được thân tâm, nhất là chấm dứt sự tái sanh luân hồi. Cho nên Phật chỉ định chỉ có thứ thiền này mới làm chủ được sanh tử, tự tại bỏ báo thân và chấm dứt được tái sanh luân hồi mà thôi. Vậy xin quý vị Phật tử hãy lưu ý chỗ này.

Khi nhập xuôi nhập ngược ba lần xong thì thì Đức Phật nhập Tứ Thiền xả bỏ báo thân nhập Niết bàn. Thể theo những lời di chúc này chúng tôi thực hiện tu tập ngày đêm không biết mỏi mệt, dù khi đau ốm quyết không bỏ giờ tu. Suốt ba năm trời trong thất chịu từng đắng cay gian khổ để chiến đấu với tập khí thói quen, tật xấu với nghiệp lực quá nặng nề, với tâm tham ái, dục vọng dẫy đầy. Nhiều khi chúng tôi tưởng chừng không thắng nổi, nhưng với sức bền lòng, ý chí kiên cường, gan dạ, lòng dũng cảm quyết liệt, chúng tôi đã chiến thắng được thân tâm của mình và chứng nghiệm được sự giải thoát của Đạo Phật.

3- MỤC ĐÍCH GIẢI THOÁT

Để trả lời câu hỏi thứ hai, kính thưa quý vị, chúng tôi xin nhắc lại câu hỏi: “Sự tu hành của chúng tôi có kết quả như thế nào?”

(10:13) Kính thưa quý vị! Giới luật là pháp môn tu để giải thoát được đời sống của con người. Chúng tôi đã chứng nghiệm được điều này rất thực tế và cụ thể.

Ví dụ, trước kia chúng tôi ăn ngày ba bữa, bây giờ ăn ngày một bữa, không ăn uống lặt vặt phi thời gì hết, thân thì rất khỏe mạnh, ít bệnh tật, suốt ngày không lo ăn uống gì cả, ít vọng tưởng, ít ngủ. Đó là chúng tôi đã giải thoát được 2 bữa ăn và đầu óc ít nghĩ bậy bạ, tâm không ham muốn và không ham ngủ. Sự giải thoát chân thật cụ thể này thì quý vị không thể nào phủ nhận được. Cũng từ trong sự tu giới luật này chúng tôi đã tìm được giải thoát nhiều điều trong đời sống hàng ngày. Nhưng thì giờ có hạn không cho phép chúng tôi kể dông dài.

Kính thưa quý vị! Thiền định của Đạo Phật tử Sơ Thiền đến Tứ Thiền là những pháp môn giải thoát tự tại sanh tử, làm chủ đời sống thân chúng tôi bằng cách chứng nghiệm cũng rất cụ thể.

Ví dụ, chúng tôi nhập Tứ Thiền suốt một tuần lễ, nửa tháng hoặc một tháng, không ăn uống gì hết, không đi đại tiểu tiện, không có mệt nhọc, không có đau khổ và cũng không chết. Xuất định, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng, an lạc. Đó là một bằng chứng rất cụ thể.

Sự tu hành của chúng tôi đã có giới luật, có Thiền Định nên chúng tôi phải có sự tỉnh giác cao độ. Vì thế chúng tôi phải có sự hiểu biết Vô Lậu. Sự hiểu biết Vô Lậu là trí tuệ của chúng tôi. Đến đây chúng tôi đã có đủ GIỚI - ĐỊNH - TUỆ, theo con đường tu tập của chúng tôi mà Đức Phật đã vạch ra chỉ dạy.

(13:06) Để trả lời câu hỏi thứ ba, kính thưa quý vị, chúng tôi xin lặp lại câu hỏi: “Kết quả ấy có lợi ích thiết thực, giải thoát cho đời người hay không?”

Sau ba năm nhập thất, không phải chỉ riêng có một mình tôi, mà còn có những người đang nhập thất với chúng tôi, ngoài ra có những người cư sĩ đang sống tại gia đình, cũng như cô Út, người phục vụ cơm nước nhà bếp ở đây và cháu Đào ở Phước Hải. Họ được nghe băng của chúng tôi, tự nghiêm khắc mình trong giới luật bằng ba hạnh: “Ăn, ngủ và độc cư”. Họ cũng đã chứng nghiệm được sự giải thoát, và đang chủ động diệt Tầm Tứ trong hơi thở tuỳ, để chuẩn bị sự nhập định phá thọ làm chủ thân tâm. Hiện giờ, chúng tôi chưa cho phép họ nhập định vì họ còn phải học thêm và sống đúng Giới Luật, Đức Hạnh giải thoát của Đạo Phật.

Tại sao? Vì Giới Luật, Đức Hạnh là pháp môn đầu tiên của Đạo Phật. Là bước đường đầu tiên đi vào con đường của Đạo Phật. Tóm lại, chúng tôi đã có những người chứng nghiệm được sự giải thoát chân thật. Dù bấy giờ đứng trước cuộc sống như thế nào, nghèo đói, bệnh tật, tử vong, chúng tôi chẳng hề nao núng. Chúng tôi không còn bị mọi chướng ngại hoặc bị cám dỗ bằng mọi hình thức nào và chẳng còn biết sợ hãi mọi điều gì. Chúng tôi đã biết rõ ràng.

4- PHẠM HẠNH

(15:12) Để trả lời câu hỏi thứ tư, kính thưa quý vị, chúng tôi xin lặp lại câu hỏi: “Sự giải thoát đó có phải của Đạo Phật hay không?”

Xin thưa quý vị, quý vị hãy vui lòng đọc lại các kinh điển của Đạo Phật rồi nghiệm xem đời sống của Đức Phật và đời sống của chúng tôi. Đời sống của Đức Phật:

  • Một: Ăn ngày một bữa không ăn uống lặt vặt.

  • Hai: Ngủ ít.

  • Ba: Không có của cải tài sản ngọc ngà châu báu tiền bạc, và cũng không có chùa to xinh đẹp.

  • Bốn: Chết dưới gốc cây.

Phần đời sống thứ nhất rất cụ thể, hiện giờ chúng tôi cũng sống như vậy: Không ăn uống lặt vặt, nhà ở bằng cây tầm vông, vách bằng liếp đan và nếu đủ duyên chúng tôi sẽ sống trong hang núi và cũng chết dưới gốc cây như Phật. Đó là lối sống của Đức Phật và lối sống của chúng tôi đều giống nhau. Quý vị không thể nào phủ nhận rằng chúng tôi sống và tu sai pháp Phật được.

Phần làm chủ thân thứ hai cũng rất cụ thể. Đức Phật tửyên bố trước mọi người còn ba tháng nữa Ta sẽ nhập Niết Bàn. Điều này Đức Phật đã giữ đúng lời hứa. Chúng tôi đã nhập được Tứ Thiền phá được thọ, cho nên chúng tôi cũng làm được những điều này khi chúng tôi muốn dứt bỏ báo thân.

(17:13) Kính thưa quý vị! Chúng tôi có sống và làm khác Đức Phật hay không? Ở đây, quý vị không thể nào viện một lý do gì bảo rằng chúng tôi tu sai pháp Phật được. Đức Phật đã làm được điều gì thì bây giờ chúng tôi cũng làm được như vậy. Tuy rằng chúng tôi không giảng Kinh thuyết pháp như các thầy khác nhưng chúng tôi thân giáo bằng hành động Thân, Khẩu, Ý; bằng sự sống của chúng tôi để hướng dẫn người qua kinh nghiệm bản thân của mình hơn là ngôn ngữ. Vì sự hướng dẫn này, theo chúng tôi nghĩ là thực tế và cụ thể hơn trên đường tu theo Đạo Phật. Chúng tôi tu hành như vậy, không còn sợ sai trái với Đạo Phật và không còn sợ mọi ảnh hưởng của các tôn giáo khác đang đồng hóa Đạo Phật.

Kính thưa quý vị Phật tử! Khi nghe chúng tôi nói đến đây thì quý vị nên nghỉ xả hơi một chút để ngồi suy ngẫm lại những gì chúng tôi đã nói ra đúng hay sai. Xin quý vị Phật tử nghiệm xem.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

5- GIỚI LUẬT LÀ MỘT VỊ THẦY ĐƯỢC ĐỨC PHẬT DI CHÚC

(19:01) Bây giờ chúng ta tiếp tục lại câu chuyện. Sau khi được trả lời những câu hỏi mà bấy lâu nay quý vị đã từng ôm ấp trong lòng, hằng chờ đợi đến ngày ra thất của chúng tôi. Nay quý vị đã được giải bày thông suốt. Nhưng chúng tôi biết chắc quý vị còn một điều muốn thưa hỏi, đó là: Con đường thiền Đông Độ mà Thầy chúng tôi (H.T.T.T) đã ra công triển khai và chấn hưng suốt 24 năm nay, một quá trình thời gian rất dài, nhìn lại trong đó có nhiều sự việc mà quý vị phải có một mối nghi trong tâm nhưng còn e ngại chưa dám hỏi chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ giải nghi cho quý vị nếu có đủ thì giờ, bằng không thì chúng ta phải chờ một dịp khác. Bây giờ chúng tôi xin trở lại vấn đề.

(20:23) Kính thưa quý vị Phật tử! Nãy giờ quý vị đã suy ngẫm những gì chúng tôi đã nói, chúng tôi xin nhắc lại quý vị đã biết ai là Thầy của quý vị, người đó sẽ đưa dắt quý vị trên đường tu theo Đạo Phật mà không hề sợ lạc lối. Chúng tôi xin hỏi quý vị một lần nữa: Thầy của quý vị là ai? Quý vị cứ thử trả lời xem.

Kính thưa quý vị! Nãy giờ quý vị không trả lời là vì quý vị còn dè dặt, để chúng tôi trả lời thay cho quý vị.

Xin thưa quý vị! Thầy của quý vị không phải là chúng tôi. Chúng tôi là những con người bằng xương, bằng thịt cũng giống như quý vị, chúng tôi cũng không được Đức Phật chỉ định làm người thừa kế dẫn dắt quý vị tu học theo Đạo Phật. Cho nên quý vị đừng nương tựa theo chúng tôi tu hành. Nhất là nương tựa theo chúng tôi tu hành sẽ có nhiều điều bất lợi và khó khăn cho quý vị:

1- Chúng tôi không phải là người thừa kế của Đạo Phật, vì thế chúng tôi không đủ niềm tin đối với quý vị. Khi quý vị bị một người nói xấu chúng tôi, cho chúng tôi tu hành không đúng Đạo Phật, thì chừng đó quý vị còn có đủ niềm tin đối với chúng tôi nữa chăng?

2- Thời điểm hiện giờ Phật giáo suy thoái. Người tu sĩ Phật giáo đắm danh ham lợi, lòng ganh tị nhỏ nhen ích kỷ hẹp hòi và tinh thần tị hiềm cao độ.

3- Pháp môn tu hành của Đạo Phật hiện giờ đã bị lẫn lộn nhiều pháp môn của ngoại đạo khó phân biệt tà chánh.

(23:13) 4- Các bậc Tôn túc đi trước tu hành sai, người sau không dám sửa đổi sợ Thầy Tổ buồn phiền. Thầy chúng tôi hoà thượng Thích Thanh Từ, tu thiền hòa thượng Thiển Hoa không vui.

5- Lòng người còn tham danh, đắm lợi, ham mê sắc dục không muốn xa lìa năm thứ dục lạc của thế gian. (danh, lợi, sắc, thực, thùy).

6- Đời người còn lạc hậu nặng lòng mê tín thường cầu khẩn bái lạy tụng kinh niệm chú lấy Đạo Phật làm chỗ tha lực nương tựa kinh hành, không tự lực cứu mình.

7- Ham mê thần thông, bùa chú linh hiển, tin chuyện quá khứ vị lai.

8- Lòng người hiện giờ thiếu thành thật, thường dối Thầy, dối Tổ, dối mình, dối người.

9- Tham danh học thức cao, chạy theo cấp bằng này, cấp bằng nọ.

10- Những bậc chân tu không xu hướng chính trị bên này hoặc bên kia đều bị chèn ép cô lập.

Do 10 điều trên đây, quý vị không nên theo chúng tôi tu hành, vì theo tu hành rất khó khăn cho quý vị và cho chúng tôi. Vả lại theo chúng tôi tu hành đông đảo chắc chắn sẽ để lại một trang sử chia rẽ Phật giáo không tốt đẹp. Xưa Huệ Khả bị giết, Lục Tổ Huệ Năng bị hành thích, gần đây Tổ Sư Minh Đăng Quang bị bắt cóc mất tích, ông Đạo nằm Nguyễn Văn Thế bị ám sát bắn chết tại chùa.

Kính thưa quý vị Phật tử! Người Thầy của quý vị không phải là chúng tôi mà chính Giới Luật. Giới Luật là người thừa kế của Đức Phật và đã được Đức Phật chỉ định trước giờ nhập Niết bàn. Chính chúng tôi tu học cũng từ ông Thầy Giới Luật mà có được như ngày hôm nay.

Vậy quý vị hãy trở về với ông Thầy Giới Luật của quý vị đi. Đừng đi tìm đâu xa, đừng nương tựa vào ai hết. Dù bất cứ ông Thầy nào, họ là những con mọt kinh sách, chẳng có một thứ kinh nghiệm gì trên đường tu tập. Họ chỉ nói bằng miệng họ mà cuộc sống tu hành chẳng có ra gì. Họ đâu biết rằng kinh sách hôm nay là do tam sao thất bổn, nghĩa là ba lần sao chép làm kinh mất gốc.

6- TĂNG, NI XEM NHẸ GIỚI LUẬT

(26:43) Kính thưa quý vị! Vả lại kinh sách còn do tưởng giải của người sau thêm bớt quá nhiều theo kiến thức hiểu biết của họ rồi cho rằng đúng, do đó họ đã làm lệch lạc con đường tu hành của Đạo Phật ở đời sau. Họ chẳng dám tu giới luật, lúc nào cũng tìm cách tránh né viện cớ này, cớ kia hoặc chạy theo con đường phá giới, phá oai nghi tế hạnh, đạo đức của Đạo Phật.

Tóm lại, Chỉ vì chẳng nghe ông Thầy Giới Luật nên tình trạng Phật giáo mới ra nông nỗi này. Họ dám bẻ vụn Giới Luật, biến Phật giáo thành Thần giáo, ông Phật thành ông Thần. Hiện giờ chùa là nơi để Phật tử cúng bái cầu siêu, cầu an, cầu tài, cầu lợi, xin xăm bói quẻ, cúng sao giải hạn, coi ngày tốt xấu, dựng vợ gả chồng …​Vì thế, chùa là nơi mê tín dị đoan. Họ dám bẻ hỏng Giới Luật, biến chùa thành nghĩa địa nhà mồ vì tư lợi nhỏ mọn cá nhân để Phật tử tới lui cúng bái và giỗ chạp làm tuần, làm tự cúng vong tiễn linh lúc nào cũng ồn náo biến thành nơi phục vụ mê tín cho những người Phật tử còn lạc hậu.

(28:40) Họ dám bẻ cổng giới luật và giáo pháp của Phật biến chùa thành khu du lịch để làm nơi ăn chơi của Phật tử, của khách tham quan du ngoạn. Bắt Tăng, Ni phục vụ cơm nước để được lòng, được sự cúng dường.

Họ dám bẻ cổng Giới Luật biến chùa thành chỗ tổ hợp buôn bán làm tương, làm chao, làm đủ mọi thứ nghề nghiệp, biến Tu sĩ thành công nhân sản xuất gia dụng v.v…​​ Còn đâu những thì giờ để tu hành, thật là phí uổng một đời người!

Họ dám bẻ cổng Giới Luật biến chùa thành cửa hàng ăn uống, bắt Ni chúng phục vụ chạy bàn, đi bán bánh theo bến xe, còn gì thể thống đạo đức của người tu.

Họ chỉ biết có tiền, có lợi mà không thấy việc làm của họ đúng hay sai; họ dám bẻ cổng Giới Luật biến chùa thành nông trại, tu sĩ thành nông dân để có miếng cơm manh áo hằng ngày không đúng cách người tu sĩ.

Họ dám bẻ cổng giới luật, biến nhà chùa thanh tịnh tu hành thành cơ quan làm việc từ thiện xã hội, nay kêu đoàn Phật tử này quyên góp tiền bạc và gia vật gia dụng đi cứu tế chỗ này, mai kêu đoàn Phật tử khác quyên góp tiền bạc và gia vật gia dụng đi cứu tế chỗ kia. Họ đâu biết rằng bổn phận của họ là lo giải quyết sanh tử trước mắt thì Phật giáo mới còn, chứ đâu phải làm việc này.

Họ dám bẻ cổng Giới Luật biến chùa thành Tuệ tĩnh đường, trạm y tế, bệnh viện, trạm xá, trường học, biến tu sĩ thành thầy thuốc ta, thuốc bắc, bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, y tá, giáo viên,…​​ Khiến nơi tu hành mất hết vẻ tôn nghiêm thanh tịnh.

Họ dám bẻ cổng Giới Luật chuyên lo đào đất xây dựng chùa to tháp lớn, biến Tăng Ni thành lao công quanh năm suốt tháng lao động quần quật, còn sức đâu mà tu hành.

(31:23) Họ dám bẻ cổng Giới Luật đi quyên góp tiền Phật tử xây chùa to tháp lớn như đền đài, lầu các của các vua chúa và tạo cây cảnh vườn tược đẹp đẽ để quyến rũ Phật tử và khách tham quan. Những việc làm này ngược lại đạo giải thoát của Phật, không đúng cách.

Họ dám bẻ cổng Giới Luật đi khất thực không đúng oai nghi tế hạnh, xin tiền, xin đô la, làm những việc tồi bại như những người ăn mày.

Những điều quý vị đã làm ở trên đều phạm vào Giới Luật của Đức Phật, vì danh, vì lợi sang đẹp mà quý vị đã bắt chước các tôn giáo khác và người thế tục, việc làm này không phải là tu sĩ Phật giáo.. Nếu trong kinh sách của Phật có dạy làm những điều này là do những người sau họ bị ảnh hưởng của các tôn giáo khác mà thêm vào.

Kính thưa quý vị Phật tử! Những gì quý vị đã làm và chúng tôi đã nói ở trên không phải là những gì làm sai. Chỉ làm sai đối với Đạo Phật, nhưng đúng đối với các tôn giáo khác, cho nên chúng tôi nói Phật giáo chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác.

Phật giáo chủ trương đường lối buông xả, mục đích của Đạo Phật là giải quyết mọi cá nhân ra khỏi sự đau khổ, sanh, lão, bệnh, tử của một đời người. Cá nhân được thoát khổ thì xã hội mới được an vui. Cá nhân còn đau khổ thì dù quý vị có giải quyết bằng cách nào thì xã hội vẫn còn đau khổ và còn hơn thế nữa. Tuy rằng trước mắt tạm thời quý vị an ủi họ một chút mà thôi, vì bản chất dục vọng tham lam ham muốn ganh tị hơn thua gian dối xảo trá, trộm cướp giết người của con người ngàn đời không bao giờ từ bỏ được. Do nguyên nhân này mà con người bóc lột lẫn nhau bằng mọi thủ đoạn mánh khóe gian xảo. Ngoài mặt làm ra vẻ thương yêu bác ái, nhưng còn bên trong toàn là gươm đao, súng đạn. Giai cấp bị bóc lột đứng lên đấu tranh để bảo tồn quyền lợi sống của mình, do đó thế giới mới có chiến tranh liên miên không nước này thì cũng nước khác.

(34:36) Vì thế, Đạo Phật nhắm vào giải quyết cá nhân, giải quyết cá nhân là giải quyết xã hội. Cá nhân tốt thì xã hội mới tốt, cá nhân xấu thì xã hội xấu. Cá nhân hay tập thể làm từ thiện mà trong đó còn có tâm cầu danh từ thiện thì không phải là từ thiện.

Kính thưa quý vị Phật tử! Quý vị việc làm từ thiện xã hội mà cá nhân và gia đình quý vị toàn là là đau khổ không thiện chút nào.

Kính thưa quý vị Phật tử! Những điều chúng tôi nói ở trên, Tăng, Ni là những người từng học Giới Luật của Phật, họ đều biết rất rõ những điều ngăn cấm này. Nhưng có điều hiện giờ sự tu hành của họ không có chất liệu giải thoát. Họ chỉ học lý thuyết suông nên họ phải chuyển qua làm những việc từ thiện này không còn cách nào khác để tiêu thụ món nợ đàn na thí chủ.

Giới Luật của Phật còn đó, là bậc Thầy của quý vị, thường ngăn cấm quý vị làm những điều sai, cớ sao quý vị không nương tựa vào ông Thầy của mình, để sửa những điều sai, lại còn nương tựa vào những bậc vạn năng, vào những đấng sáng tạo, và vào những Thần, Thánh, Tiên để cho Phật giáo bây giờ mới ra nông nỗi này!

Nếu quý vị tu hành đúng Giới Luật nghiêm khắc mình trong Giới Luật thì đó chính là con đường của Đạo Phật, con đường giải thoát thật sự. Hình ảnh và hành động giới luật đức hạnh giải thoát của quý vị là quý vị đã chấn hưng Phật Pháp, chứ đâu phải cất chùa to tháp lớn. Hình ảnh và hành động giới luật đức hạnh giải thoát của quý vị là quý vị làm sáng tỏ Phật Pháp, chứ đâu cần có Tăng Ni cho nhiều mà Giới Luật chẳng ra gì. Hình ảnh và hành động giới luật đức hạnh giải thoát của quý vị là quý vị đã xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn một ngàn lần quý vị làm công tác từ thiện xã hội.

Kính thưa quý vị! Đến đây chúng tôi xin quý vị nghỉ xả hơi một chút để suy ngẫm lại những điều chúng tôi đã nói.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

7- VẤN ĐÁP VỀ LINH HỒN VÀ LUÂN HỒI TRONG ĐẠO PHẬT

(37:28) Phật tử: “Trong khi nghỉ xả hơi, chúng con xin phép cho chúng con được hỏi thầy”.

Trưởng lão: Được, quý vị cứ hỏi.

Phật tử: “Kính bạch thầy, theo lời dạy của thầy thì không có cầu siêu, cầu an, cúng vong, tiến linh. Vậy người chết có linh hồn hay không? Nếu không có linh hồn sao lại có tái sinh luân hồi. Xin thầy trả lời cho chúng con hai câu hỏi này”.

Trưởng lão: Để trả lời câu hỏi thứ nhất của quý Phật tử, người chết có linh hồn hay không?

Kính thưa quý vị Phật tử! Hiện giờ chúng tôi không đủ niềm tin đối với quý vị, vậy Đức Phật sẽ đủ niềm tin với quý vị trả lời thay chúng tôi.

Trong kinh phật có dạy: Ví dụ như một ngọn đèn với ánh sáng, khi mà ngọn đèn tắt ánh sáng có còn không? Quý vị cứ trả lời xem, khi mà đèn tắt thì ánh sáng đâu còn, cho nên chúng ta chết đi, thì thân này đã hoại diệt, đã tắc thở thì tâm của chúng ta cũng chẳng còn. Đức Phật lại còn cho một ví dụ khác nữa, ví dụ như một cây to thì phải có cái bóng mát của nó. Khi chặt đốn cái cây đi thì bóng mát của cây kia không còn nữa. Quý vị thấy Đức Phật ví dụ rất rõ ràng và cụ thể để chứng minh cho chúng ta, con người của chúng ta không có linh hồn, mà quý vị đã lầm tưởng mà đã hiểu Phật giáo qua một góc độ của tôn giáo khác.

Để trả lời câu hỏi thứ hai, nếu không có linh hồn làm sao có tái sanh luân hồi. Kính thưa quý vị! Người ta không bảo linh hồn luân hồi, tâm luân hồi, tánh luân hồi, thần thức luân hồi mà chỉ nói nhân quả luân hồi. Trong kinh sách của Đạo Phật cũng dạy nhân quả luân hồi. Nhân quả luân hồi nghĩa là như thế nào? Nghĩa là sự luân hồi đó do hành động thiện ác của quý vị, chứ không phải linh hồn đi luân hồi. Đến đây quý vị chắc có lẽ đã hiểu rồi chứ gì? Ở đây quý vị phải nên hiểu ở Đạo Phật, đừng nên hiểu ở tôn giáo khác.

Phật tử: “Kính bạch thầy, cho phép chúng con được hỏi thêm”.

Trưởng lão: Quý vị cứ tự nhiên hỏi.

(40:41) Phật tử: “Theo lời Phật và Thầy đã chỉ dạy thì không có linh hồn, vậy sao chúng con thường hay thấy ma, đồng cốt nhập là gì? Gần đây có một số kinh sách nói về thế giới siêu hình, nói về sự tu hành có những ma quỷ, gặp ma quỷ, vậy có hay không?”

Trưởng lão: Kính thưa Phật tử! Ma ở đây là trong tâm của quý vị lưu suất chứ không phải có hồn ma bên ngoài. Đứng trên góc độ của Đạo Phật không bị ảnh hưởng của các tôn giáo khác thì thế giới siêu hình của Đạo Phật là thế giới tam chủ quan của quý vị lưu xuất. Đồng cốt nhập tự xưng ông này bà kia cậu nọ…​ cũng đều do chính tâm của họ lưu xuất và kinh sách nói về thế giới siêu hình cũng vậy.

Kính thưa quý vị Phật tử! Quý vị là để tử của Phật mà tâm hồn của quý vị chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của các tôn giáo khác. Nên mới có xây dựng tâm hồn đi đầu thai và có ma quỷ. Tóm lại Đạo Phật không có linh hồn luân hồi, chỉ có nhân quả luân hồi mà thôi. Các tôn giáo khác có linh hồn luân hồi nên phải có thế giới siêu hình khách quan bên ngoài.

(42:20) Kính thưa quý vị Phật tử! Quý vị là đệ tử của Phật không nên hiểu Phật giáo qua ống kính tôn giáo khác, để rồi tự quý vị đánh mất sự tự chủ của mình. Để rồi mãi mãi muôn đời không thoát ra khỏi mọi sự đau khổ của cuộc đời, vì thế mà hiện giờ quý vị phải chịu suốt cuộc đời tha lực, cầu khẩn, van xin, bái lạy, cúng tế…​.

Phải nói rằng thế giới siêu hình mà quý vị đã xây dựng để biến quý vị trở thành những con người lạc hậu mê tín dị đoan. Đạo Phật là đạo tự cứu lấy mình, không nhờ ai hết, không cầu khẩn van xin ai hết tự thoát ra khỏi sinh tử luân hồi và đau khổ do chính hành động tự mình vươn lên, tự mình biết sửa lỗi mình, tự mình biết khắc phục tâm mình, vì thế cầu an cầu siêu, cúng vong, tiễn linh, cúng sao giải hạn đều không phải là của Phật giáo.

Bây giờ trả lời xong với quý vị, những câu hỏi mà quý vị đã nêu lên.

8- XẢ BỎ DANH LỢI

(43:59) Kính thưa quý vị! Chúng ta nên trở lại vấn đề. Sau khi được nghe chúng tôi kể chuyện về sự tu hành và chỉ định ông Thầy của quý vị. Do sự cẩn thận suy xét chúng tôi tin chắc rằng quý vị sẽ hướng về chúng tôi. Nhưng thưa quý vị chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo, chúng tôi đâu có chùa, đâu có chỗ ăn, chỗ ở cho quý vị, chúng tôi là những người ăn xin, ở trọ của người khác. Khi nghe chúng tôi nói đến đây quý vị rất lấy làm ngạc nhiên phải không? Tuy quý vị chưa dám nói ra, nhưng tự nghi vấn trong lòng mình: Tu Viện Chơn Như trước mắt đây mà Thầy nói rằng Thầy không có chùa thì bảo sao chúng tôi tin được? Xin thưa với quý vị Phật tử, từ những khu đất Chùa này được rộng rãi này đến những ngôi nhà chư Tăng, Ni ở, cùng trai đường, nhà bếp, điện thờ Phật, Thiền đường, Tổ đường, phòng vệ sinh, phòng tắm, hồ nước và tất cả tài sản trong chùa đều của các cư sĩ như: Cô Út Diệu Quang ở đây, vợ chồng Chơn Tâm, Tâm Như, Tâm Giác, Như Trì, Như Lý, vợ chồng Minh Tâm, Diệu Tâm, Diệu Mỹ, ông Mười, Diệu Hương, vợ chồng Thiện Hiển, Ngộ Ngọc và Cháu Phùng, v.v…​​

(46:19) Còn những cái ăn cái mặc hàng ngày cũng đều do các cư sĩ này và nhiều cư sĩ khác nữa. Từng thùng gạo, từng ổ bánh mì, từng chai nước tương, hạt muối, đường, sữa, trái cây, xà bông, bột ngọt, vải xồ, y áo và thuốc thang trị bệnh…​ Cho nên chúng tôi đâu có gì để nuôi quý vị. Xưa đức Thế Tôn không có nuôi một vị Tỳ kheo nào hết. Các vị muốn tu theo Đạo Phật thì phải tự đi xin mà ăn. Chúng tôi bây giờ cũng vậy, là người xin ăn ở trọ. Chúng tôi đâu dám làm phiền những vị cư sĩ này, vì kinh tế gia đình của họ có mức độ.

Kính thưa quý vị! Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo không bao giờ dám mở miệng xin tiền, cất chùa hoặc xin tiền để làm những việc gì khác cho cá nhân mình. Vì Đức Phật và Giới Luật không có dạy chúng tôi làm điều đó. Nếu quý vị Phật tử có nghĩ đến chúng tôi là những kẻ tu hành chơn chánh thì cúng dường cho chúng tôi được no lòng và y áo được lành lặn. Còn không cúng dường thì chúng tôi chịu đói lòng và rách nát. Dù sống trong cảnh trạng như vậy chúng tôi cũng chẳng hề mở miệng than thở xin xỏ cùng ai. Còn ngược lại quý vị cúng dường mà không có tâm thành thì chúng tôi thà chịu đói chứ không thọ dụng. Cúng dường những vật dụng không đúng cách thì chúng tôi cũng chẳng dùng.

Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo nghiêm khắc mình trong Giới Luật không thể dùng những lời hoa mỹ đẹp đẽ để giả dối đạo đức để gạt người, làm danh, làm lợi cho mình. Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo không dám dùng những điều mê tín, dị đoan bùa linh, chú giỏi, nói chuyện quá khứ vị lai, coi bói, xem tướng, coi sao giải hạn để gạt người làm tiền bằng cách vô lương tâm. Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo không thể tổ chức hành hương đi chỗ này chỗ kia hoặc đi mười chùa, hai mươi chùa để khéo léo móc túi tiền của Phật tử ham vui thích đi.

(49:06) Kính thưa quý vị Phật tử! Vì thế chúng tôi không có chùa, không có cơm để nuôi cho quý vị ăn, không có áo để ban cho quý vị mặc. Chúng tôi là những người giải thoát hoàn toàn không có gì cả ngoài cái bát để ăn cơm hàng ngày và vài bộ y áo để mặc kín thân. Nếu quý vị muốn tu theo chúng tôi thì chỉ khi nào có những vị cư sĩ tự phát tâm cúng dường, chứ quý vị không được kêu gọi họ. Chỗ ăn chỗ ở thì quý vị thỉnh mời chúng tôi về đó. Chúng tôi sẽ cho người hướng dẫn quý vị tu hành. Khi quý vị tu xong thì cũng là lúc chúng tôi liền rời nơi đó và ẩn mình trong hang đá gốc cây.

Chúng tôi là những người đã buông xả hết, vì thế chúng tôi được tự tại giải thoát không còn vướng bận việc trần ai và chuyện Phật Pháp nữa. Đủ duyên chúng tôi hướng dẫn quý vị, thiếu duyên chúng tôi ẩn mình trong non trong núi quý vị khó mà tìm. Sau ngày ra thất quý vị có về Chơn Như cũng khó mà tìm gặp chúng tôi.

Kính thưa quý vị Phật tử! Quý vị muốn tu theo chúng tôi, nếu quý vị là Tăng, là Ni thì quý vị hãy đến tu viện Huệ Quang và chùa Ẩn Quang xin gặp thầy Minh Cảnh và thầy Minh Hành, hai người này đã nhận lời di chúc của Hòa Thượng Huệ Hưng xây dựng tu viện chuyên tu cho Tăng và Ni, quý vị hãy về đó đòi hỏi hai Thầy này phải thực hiện lời di chúc để tăng ni có chỗ tu tập Giới Đức và Thiền Định. Nếu hai thầy này đứng ra làm công việc cho quý vị thì quý vị phải góp tay, góp sức, góp công, góp của với hai thầy này để công việc được sớm viên mãn, thì nơi tu hành quý vị mới được yên ổn, Nhà nước và Giáo hội sẽ giúp đỡ hai vị này. Khi công việc hoàn thành quý vị sẽ đến thỉnh chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng cho người về đó hướng dẫn quý vị tu hành, bằng không thì chúng tôi ẩn bóng.

(51:35) Kính thưa quý vị!

  • Nếu quý vị muốn học kinh nguyên thủy thì quý vị đến Hoà thượng Thích Minh Châu ở Thiền Viện Vạn Hạnh thành phố H.C.M,

  • Nếu quý vị muốn tu Thiền Đông Độ thì quý vị hãy đến Hoà Thượng Thích Thanh Từ ở Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt,

  • Nếu quý vị muốn tu Tịnh Độ thì quý vị hãy đến Hoà Thượng Thích Trí Tịnh ở chùa Vạn Đức Thủ Đức,

  • Nếu quý vị muốn tu theo Mật Tông thì quý vị hãy đến Hòa Thượng Tịch Chiếu ở Bình Dương,

  • Nếu quý vị muốn tu theo Thiền đốn ngộ thì quý vị hãy đến Hòa Thượng Bửu Thắng ở Gò Công,

  • Nếu quý vị muốn tu thiền Công Án thì quý vị hãy đến Hòa Thượng Duy Luật ở chùa Từ Ân Chợ Lớn thành phố H.C.M.

Tất cả những vị này sẽ chỉ dạy cho quý vị đúng với sở nguyện của mình.

Kính thưa quý vị Phật tử! Tại sao Tu Viện Chơn Như không đề Thiền Viện Chơn Như? Chúng tôi ở đây tu theo ba Pháp môn Giới, Định, Tuệ nên không thể nào đề “Thiền viện” được vì thế chúng tôi dùng chữ “Tu viện” mới đúng nghĩa của ba Pháp môn này. Ngày xưa Đức Phật không tự xưng mình là Thiền sư mà chỉ xưng mình là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Xin thưa quý vị! Một sự vô ý hay hữu ý mà người ta xu hướng chạy theo phong trào Thiền Tông rầm rộ, rồi tự đặt tên chùa là Thiền viện này Thiền viện khác để thu hút lòng hiếu tu thiền của người Phật tử. Chúng tôi tu theo Đạo Phật, không bị mọi xu hướng thời đại và không chạy theo mọi phong trào của quần chúng. Chúng tôi luôn luôn tự xét mình làm cái gì đúng và làm cái gì sai để không lầm lỗi, để không bị đồng hoá, ảnh hưởng mọi phong tục tập quán của con người. Vì vậy tên Tu Viện Chơn Như vẫn đứng vững vàng, không bị ảnh hưởng của Thầy Tổ. Tuy chùa xây bằng tầm vông vách bằng liếp đan, nhưng mãi mãi muôn đời người ta sẽ ghi nhớ không quên.

9- CHÚNG TÔI KHÔNG PHẢI PHẬT, BỒ TÁT, A LA HÁN

(54:18) Kính thưa quý vị Phật tử! Hôm nay quý vị đã được nghe chúng tôi kể lại sự tu hành, xin quý vị đừng nghĩ rằng chúng tôi là Phật, là Bồ Tát, là A La Hán.

Chúng tôi tu hành chẳng có chứng đắc gì cả. Chỉ hằng ngày tu tập làm chủ thân tâm của mình. Lâu ngày chúng tôi làm chủ được nó nên không thể nào gọi là Phật, là Bồ Tát, là A La Hán, vì chúng tôi cũng tự thấy mình bằng xương, bằng thịt, cũng ăn uống như quý vị vậy, cũng cười, cũng nói, vui vẽ như quý vị. Vì thế chúng tôi chẳng phải Phật, Bồ Tát, A La Hán.

Nhờ tu tập làm chủ thân tâm, chúng tôi trở thành những con người biết cách làm chủ mình nên tâm không buông lung, phóng dật, thân không hành động thô ác, miệng không nói lời hung dữ gian dối, xảo trá, ý không khởi niệm xằng bậy.

Chúng tôi cũng chẳng phải là Thánh Đức, Hiền Nhân, Siêu nhân.

Chúng tôi là con người tầm thường như bao con người khác, nhưng có điều chúng tôi biết chắc rằng chúng tôi không bao giờ làm khổ mình khổ người và cũng biết chắc rằng chúng tôi chẳng có thần thông phép tắc gì cả.

Chúng tôi không thể kêu mây, hóa lửa, làm gió.

Chúng tôi cũng chẳng biết chuyện quá khứ vị lai của ai hết.

Chúng tôi chỉ biết đủ và không cầu mong gì hết, cho nên quý vị đừng đảnh lễ chúng tôi.

Chúng tôi không phải Thầy của quý vị, không phải là Đức Phật, cũng không phải vị Tổ Sư, và cũng không phải Bồ Tát, A La Hán nữa.

Chúng tôi cũng rất bình đẳng như quý vị. Chúng tôi là bạn lành của quý vị.

(56:33) Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa, lưu ý quý vị, chúng tôi là bạn lành của quý vị.

Vậy từ đây về sau quý vị đừng đảnh lễ chúng tôi. Nếu quý vị đảnh lễ chúng tôi là tự quý vị đã làm cách xa chúng tôi với quý vị. Quý vị đã biến chúng tôi thành ông Phật, ông Thánh, ông Vua để quý vị lạy chứ không phải để quý vị theo chúng tôi để tu hành qua kinh nghiệm của chúng tôi.

Đạo Phật không có giai cấp thế mà quý vị biến chúng tôi thành giai cấp bề trên để cho quý vị không bao giờ dám mở miệng khuyên ngăn khi chúng tôi làm những điều sai với Đạo Phật.

Nhiều khi quý vị còn a dua với chúng tôi để bây giờ quý vị chứng kiến sự tệ hại của Phật giáo đến tận cùng.

Kính thưa quý vị! Chúng tôi xin quý vị mỗi lần gặp nhau đều chấp tay lên xá nhau là đủ lắm rồi. Vì đôi bàn tay của quý vị chấp lại tượng trưng là búp sen. Sen là một loài thảo mộc mọc dưới nước bùn nhơ hôi thối, thế mà hoa sen vươn lên không hôi thối mùi bùn, còn toả hương thơm ngát. Cũng giống như chúng ta vậy, sống trong cõi đời đầy ô trược mà luôn luôn lúc nào cũng giữ thân tâm trong sạch như hoa sen kia. Vậy chúng ta chấp tay lại là tượng trưng cho hoa sen, nói lên được lòng trong sạch thanh khiết của chúng ta kính cẩn chân thành chào nhau, thì trên đời này không có gì quý bằng.

(58:33) Kính thưa quý vị! Quý vị đừng hồi sinh lại thời phong kiến, các bậc tôn túc của chúng ta đã bị ảnh hưởng vua chúa quá nặng, nên từ các thức sống của các ngài đều tỏa mùi phong kiến, khiến cho nhân phẩm của con người mất đi và tình cảm của chúng ta cách xa vì giai cấp quân thần.

Thưa quý vị Phật tử! Những gì chúng ta làm là chúng ta phải có ý thức đầy đủ đừng để phong tục tập quán của con người đồng hóa Phật giáo mà người ta coi rẻ và khinh thường Đạo Phật.

Đến đây chúng tôi xin tạm dừng nghỉ một chút để xả hơi.

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật!

10- TỔNG HỢP CÁC PHÁP THEO KIẾN GIẢI

(59:46) Kính thưa quý vị Phật tử! Bây giờ chúng ta dừng câu chuyện tại đây để trả lời bức thư của một người Phật tử gửi đến hỏi chúng tôi cách thức tu hành của vị này có đúng hay không. Chúng tôi xin trả lời và xin mời người chủ của bức thơ chú ý nghe.

Trong thư Phật tử đã nêu năm Pháp môn:

1 - Quán tâm theo kiểu Đại thừa

2 - Mật Tông thần chú

3 - Tịnh Độ

4 - Giới Luật

5 - Hơi thở

(01:00:30) Phật tử đã tổng hợp 5 pháp môn này làm thành một pháp môn để tu hành. Tuy nhiên trước mắt Phật tử cảm thấy có một lợi nhỏ, tu sâu về sau không nhập được các chánh định của Phật, phần nhiều nhập vào định tưởng. Cách thức mà Phật tử đã trình trong thơ chúng tôi nghiệm xét thấy:

1 - Quán tâm chẳng ra quán tâm

2 - Mật Tông chẳng ra Mật Tông

3 - Tịnh Độ chẳng ra Tịnh Độ

4 - Giới Luật chẳng ra Giới Luật

5 - Hơi thở chẳng ra hơi thở

Trong thư Phật tử còn cho chúng tôi biết kết quả ưu điểm của sự tu tập này :

1 - Lúc nào con cũng thấy tâm con vui an lạc. Tối nằm xuống là ngủ liền, không trằn trọc, không chiêm bao mộng mị, không cảm thấy nhớ nhung gia đình, lòng dạ rỗng rang vô tư lự như trẻ con.

2 - Trạng thái thiền định của con cũng tốt, không bao giờ bị tán loạn hôn trầm. Con định tâm cũng dễ, đôi khi hơi thở và câu niệm PHẬT của con chỉ còn mong manh nhỏ nhuyễn như một sợi chỉ. Con chìm đắm trong một trạng thái tĩnh lặng rất dễ chịu, nhưng con vẫn tỉnh chứ không mê. Lúc đó con hoàn toàn không cần một chút dụng công nào. Con cứ để mặc cho hơi thở ra vào một cách tự nhiên và nó tự nhẹ lần, nhẹ lần, chứ con không tác ý.

(01:02:41) Chúng tôi xin trả lời gọn và dễ hiểu để không mất thì giờ.

Kính thưa quý vị Phật tử! Theo lối tu tập của vị Phật tử này không có kinh nghiệm chuyên môn mà chỉ chạy theo an lạc do xúc tưởng hỷ lạc sinh ra. Lối tu này là của Phật giáo cổ truyền trong các chùa Tịnh Độ thuộc Phật giáo cổ Sơn Môn, Lục Hòa Tăng theo nghi thức tụng niệm của họ.

Xin thưa cùng quý Phật tử, người Phật tử này đang đi tìm dục lạc mới hay đi tìm thế giới siêu hình trong các pháp môn. Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa, người Phật tử này đang đi tìm dục lạc mới hay đi tìm thần thông phép lạ trong thế giới siêu hình ở trong các pháp môn tu hành, không phải là người tìm tu giải thoát của Đạo Phật. Đây cũng là một thứ bệnh tu hành thời đại, cầu mong tìm hỷ lạc, dễ chịu, trốn khổ của cuộc đời, hay đi tìm những thứ cao siêu vượt bậc hơn con người.

Kính thưa quý vị Phật tử, trong những ngày nhập thất chúng tôi đã được biết có một số Tăng Ni và Phật tử đều thuộc giới có học thức thế mà lại mê tín tu theo pháp môn của ngoại đạo. Những pháp môn này mạo danh là pháp môn của Đạo Phật. Họ thường sống ẩn dật trong núi non tu tập bùa chú thiền định xuất hồn, thiền định luyện tinh khí thần, thiền định luân xa, thiền định hiển linh vô vi tạo những điều linh hiển kỳ lạ, biến thế giới tâm tưởng thành thế giới siêu hình đầy dẫy linh hồn người chết, ma quái quỷ thần, Thánh, Tiên, Phật, Trời .v.v.​

(01:05:09) Đối với những người Phật tử, họ thường phô trương tiên đoán chuyện quá khứ vị lai của mọi người, thường làm thuốc, làm bùa chú, hoặc chuyển điển linh luân xa để trị bệnh một cách linh diệu khiến cho mọi người mê tín lại càng thêm mê tín hơn. Họ nói chuyện toàn là khoe khoang sự xuất hồn đi chu du trong các cõi Tiên, cõi Phật và làm những điều thần thông quái lạ khiến cho mọi người say mê thích thú và phục lăn họ, xem họ như Phật sống, như Thần, Thánh, Tiên đang sống tại thế vậy.

Đó là những hành động dối gạt, bịp người, làm những điều sai trái phạm Giới Luật của Phật. Xưa Đức Phật thường cấm các đệ tử không được thể hiện thần thông, không được làm những điều kỳ lạ. Những tu sĩ này đã biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín dị đoan, xa lìa mục đích tu hành chân chánh của Đạo Phật, khiến cho hàng Phật tử lòng dạ hoang mang chẳng biết Phật pháp như thế nào. Giống như người đứng trước ngã ba đường.

Hình ảnh Tế Công Phật sống và Phật sống Cựu Kim Sơn, đó là những tu sĩ ma quái mượn danh nghĩa Phật Pháp thể hiện thần thông trị bệnh làm những điều mê tín, dị đoan, “Cứu thế độ dân”. Đó là những hành động phá hoại Giới Luật đức hạnh giải thoát và những oai nghi tế hạnh của Đạo Phật. Xưa Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, Các Thầy hãy giữ gìn Giới Luật của ta thì hàng Phật tử sẽ kính mộ các Thầy, thường quỳ xuống trải tóc dài trên đường cho quý Thầy đi”.

Vậy mà hiện giờ có người vẫn còn tin đó là Phật sống và còn phổ biến kinh sách ca ngợi những hạng người này. Họ đâu biết rằng sự sống chết, sự đau khổ của cuộc đời con người là do nhân quả, không thể có một Tế Công Phật sống mà cứu họ được. Cho dù có một ngàn Tế Công Phật Sống cũng chẳng cứu họ được.

(01:08:05) Kính thưa quý vị Phật tử! Đạo Phật là Đạo làm chủ thân tâm, chứ không phải là Đạo đi tìm sự an lạc tiêu cực trong cuộc sống hoặc đi tìm thần thông phép lạ. Hầu hết quý Phật tử đến chùa tu, tập tu theo Đạo Phật là đi tìm dục lạc mới trong tôn giáo hoặc đi tìm sự an ủi tinh thần trong kinh điển vì cuộc sống ở thế gian quá khổ sở, quá cay nghiệt, quá phiền toái, hoặc đi tìm thế giới siêu hình để thoả mãn lòng mơ tưởng của mình.

Cũng vì thế vô tình quý Phật tử đã dùng tiền bạc sai quý Thầy phục vụ tinh thần trong đời sống mê tín của quý vị. Quý vị cúng dường bố thí trai tăng là luôn luôn đòi hỏi quý Thầy phải thuyết pháp giảng kinh hoặc cúng bái, cầu siêu, cầu an, coi bói xem tướng, v.v…​​ chứ không bao giờ quý vị đến cúng dường cho Chư Tăng với một tấm lòng cầu mong quý Thầy giữ gìn Giới Luật thanh tịnh để Tam Bảo được trường tồn. Quý vị đến chùa là đến với sự trao đổi, chứ không phải đến với tâm niệm giữ gìn Phật Pháp.

Còn riêng quý Thầy, chư Tăng, chư Ni cũng vì vật chất tiền bạc tình cảm cuộc sống, nêu quý thầy quý cô đã để Phật giáo bị đồng hóa theo phong tục tập quán của con người. Từ đó quý Thầy, quý Cô sản xuất ra những loại kinh sách cúng bái, kệ hát giọng cao, giọng thấp để cúng vong, tiễn linh theo tiếng trống, tiếng kèn, tiếng mõ nhạc dập dình du dương áo não để ru lòng người đam mê say thích. Làm những điều mê tín pháp giới luật của Phật.

(01:10:35) Rồi cũng từ đó, quý Thầy sản xuất ra những loại kinh sách để an ủi người Phật tử khi đau ốm bệnh tật, khi sân hận thù oán, khi phiền não tái tê, khi ganh tỵ hơn thua và khi tử biệt phân ly. Những kinh sách này không phải để tu hành làm chủ thân tâm giải thoát sanh tử, mà chỉ để làm dịu bớt cơn đau, cơn buồn khổ. Nhờ đó mà quý Thầy quý Cô mới tiêu thụ được món nợ trai tăng cúng dường của quý Phật tử.

Phải nói vì vật chất tiền bạc tình cảm và cuộc sống, quý Thầy, quý Cô đã trở thành những người phục dịch cho quý Phật tử từ cái ăn cho đến cái đi chơi và sự cũng bái của quý Phật tử mà quý Thầy và quý Cô đều phải lo toan hết. Do đó quý Thầy quý Cô phải thức thâu đêm dịch kinh viết sách cho quý Phật tử đọc. Quý Thầy quý Cô cũng nặng đầu bóp trán suy nghĩ tìm mọi cách tạo ra cây cảnh đẹp đẽ để cho Phật tử du ngoạn thưởng thức. Như vậy còn thì giờ đâu mà quý Thầy quý Cô tu hành. Tu không phải là một việc dễ làm, phải thường hằng tập sửa những sự sai lầm của chính mình. Phải thường hằng gìn giữ Giới Luật nghiêm túc cho nên không thể một sớm một chiều mà thành tựu được. Vì thế quý Thầy đã trở thành những công nhân viên chức của quý Phật tử mà không hề hay biết.

(01:13:02) Kinh sách Phật được bày bán la liệt không còn có vẽ tôn nghiêm ngoài hè phố, ngoài lề đường và cũng vì thế mà người tu theo Phật giáo thời nay rất là hời hợt. Đó là những điều làm sai của thời đại Phật giáo ngày nay. Quý Thầy, quý Cô đã quên hết, chỉ còn biết làm danh làm lợi trên những đống kinh sách này. Đem hết cuộc đời và công sức của mình, bỏ hết thì giờ quý báu, thay vì để tu tập giải thoát khỏi ra cảnh đời ô trược này thì quý Thầy quý Cô lại chôn mình trong bùn lầy danh lợi hôi tanh, làm mất giá trị Pháp Bảo của Phật.

Quý Thầy, quý Cô hãy nghiêm khắc mình trong Giới Luật thực hiện thiền định sâu màu là quý Thầy quý Cô đã phổ biến Pháp Bảo quý báu của Phật đến tận hang cùng ngõ hẻm của con người, chứ không phải việc in kinh viết kinh sách bày bán khắp chợ là phổ biến Pháp Bảo. Đó là quý Thầy, quý Cô đã ném Pháp Bảo xuống bùn nhơ hôi thối.

11- CHÙA LÀ NƠI TU HÀNH

(01:14:27) Kính thưa quý vị! Khi nghe chúng tôi nói đến đây quý vị hãy suy ngẫm lại, chứ đừng vội lên án chúng tôi. Kính thưa quý vị Phật tử! kinh sách bày bán la liệt mà người tu bây giờ chẳng ra làm sao! Ngay chính bản thân của quý vị tu hành thì quý vị cũng tự biết lấy rất rõ ràng. Kinh sách Phật là để cho người tu tập giải thoát, chứ không phải để an ủi người đời. Bởi vậy, Phật giáo ngày nay không người tu chứng là vậy.

Nếu muốn tu giải thoát thì quý vị phải đến chùa tu hành hẳn hòi, chứ không phải đi lang thang chùa này, chùa khác để nghe thuyết pháp chơi. Vả lại chùa cũng chẳng phải là chỗ để cho quý vị đi chơi ngắm cảnh giải trí an ủi tinh thần. Nếu quý vị muốn tu thì phải nghiêm chỉnh thực hành đúng như lời của Phật dạy và nghiêm khắc mình trong kỷ luật của nhà chùa. Chứ không phải dùng tiền bạc cúng dường bố thí trai tăng rồi muốn sai sử quý Thầy bằng cách nào cũng được. Từ lâu quý vị đã dùng tiền bạc của mình để an ủi tinh thần mình mà biến Phật giáo thành Thần giáo, ông Phật thành ông Thần, và quý Thầy trở thành công nhân viên của quý vị cư sĩ.

Một lần nữa chúng tôi xin nhắc lại chùa là nơi để tu hành giải thoát chứ không phải chỗ để là nơi để quý vị nghỉ mát, nghỉ hè làm việc mê tín, dị đoan. Chùa là nơi thanh tịnh, nghiêm trang để cho Tăng, Ni cư sĩ tu tập giải thoát khỏi sự khổ đau của cuộc đời và chấm dứt tái sanh luân hồi, chứ không phải là trường học, bệnh viện, trạm y tế, tuệ tĩnh đường, phòng thuốc từ thiện xã hội, khu du lịch…​

Kính thưa quý vị Phật tử! Quý vị đến chùa cốt là để học những lời vàng ngọc của Phật, để tu tập giải thoát thân tâm để vượt ra khỏi cảnh đời đầy ô trược, chứ không phải đi đến chùa để đi tìm cái ăn cái ăn của chùa, đi tìm cái được mạnh giỏi của Phật, để được đi tìm cái phù hộ, cái gia bị của Đức Phật. Điều đó là những điều mê tín, phi đạo đức, điều đó đó là những điều làm sai không đúng của Đạo Phật.

(01:17:55) Khi đến chùa quý vị đừng làm bận tâm những người tu hành ở đây, vì cái ăn cái ngủ của quý vị.

Khi đi đến chùa quý vị phải sẵn sàng, đừng để người tu hành phục vụ quý vị mà mất phước.

Khi đi đến chùa quý vị đừng ăn mặc hở hang bày da bày thịt, hoặc mặc quần áo màu sắc rực rỡ bông hoa đủ loại, đủ kiểu lòe loẹt.

Khi đi đến chùa quý vị đừng thoa son đánh phấn như đi dự tiệc tùng đám hỏi, đám cưới, lễ tết nguyên đán…​​ Khi đi đến chùa quý vị đừng cười nói ồn náo mà phải nghiêm chỉnh, thanh tịnh, đi đứng có trật tự, giữ mình có nết hạnh.

Khi đi đến chùa đừng ỷ mình giàu sang, có xe hơi, xe gắn máy chạy đậu sát thềm chùa. Đó là tư cách thiếu đạo đức, quý vị cần sửa lại.

Khi đi đến chùa quý vị phải đậu xe ở ngoài cổng hoặc chỗ đậu xe, cởi bỏ giày dép, dắt xe đi chân trần vào chùa và hết lòng cầu Pháp thì may ra quý vị mới hưởng được Pháp vị của Đức Phật.

Khi đi đến chùa quý vị đừng biến chùa thành cái chợ. Xưa vua A Xà Thế đến thăm Đức Phật phải bỏ xe ở đầu rừng rồi đi bộ đến gặp Phật.

Khi đi đến chùa đừng ỷ có tiền là có tất cả, đừng ỷ rằng mình có tiền quăng tiền ra là có đủ loại kinh sách và còn được ưu tiên nghe thuyết giảng các bài kinh của Phật, quý vị có biết đâu đó là những bài pháp đầu môi chót lưỡi, chính người thuyết pháp đó cũng chưa thực hành được. Những bài pháp này thường đem bán rẻ mạt ở các chợ. Những pháp này quý vị có tu ngàn đời cũng chẳng ra gì. Pháp không cầu mà được là pháp giả, pháp không cầu mà bày bán khắp nơi là pháp không có giá trị. Pháp ấy tu hành chẳng diệt được gì cả, Pháp ấy là pháp danh, pháp lợi, chứ không phải chân pháp của Đạo Phật.

(01:21:02) Kính thưa quý vị Phật tử! Khi đi đến chùa Tăng, quý vị là nữ cư sĩ hay là Ni cô thì quý vị phải đi từ hai người trở lên, không nên đi một mình vào Tu viện nam. Là người cư sĩ nam hay chư Tăng khi đến chùa Ni hoặc tịnh thất của cư sĩ nữ thì phải đi hai người trở lên chứ không thể đi một người vào chỗ đó được. Khi đi vào chỗ tu hành quý vị không thể đi xông pha mà phải theo người hướng dẫn, và đi không được nói chuyện, nhẹ nhàng để giữ gìn sự thanh tịnh cho những người tu hành tại đó.

Khi cần gặp người quen thì nhờ người tiếp khách gọi hộ chứ không được tự động đến chỗ người thân ở trong tu viện. Người thân đang tu hành tại tu viện, cũng không được đưa dắt bạn bè thân thuộc đi tham quan làm động chúng tu hành. Đó là điều làm sai xin quý vị lưu ý.

Một cư sĩ nữ hay một ni cô khi đi đến chùa tăng mà tự do đi lại, thì phải biết đó là người thiếu đức hạnh cần phải sửa lại. Ngược lại một cư sĩ nam hoặc một tu sĩ nam cũng vậy, không được ngang nhiên đi vào nơi tu hành của những người tu sĩ nữ.

Vậy xin lưu ý quý vị khi đến nơi tu hành thì quý vị phải cẩn trọng, không thể xem thường chỗ tu hành như chỗ du lịch, tham khoan, như chỗ ăn chơi, hẹn hò, một việc làm vô ý tứ, vô trách nhiệm, là một tai hại cho mình, cho người, ở trên đời người ta vẫn xem thường những hạng người thiếu tác phong đạo đức này. Ở trong nhà chúng ta sống như thế nào cũng được, nhưng chúng ta phải biết đó là những người thiếu đạo đức nhân cách. Ngược lại ra ngoài phải tuỳ nơi, tuỳ chỗ thì quý vị mới xứng đáng là đệ tử của Phật, đầy đủ tác phong đạo đức giải thoát của Đức Phật.

(01:23:56) Tám năm trời chúng tôi mở Tu Viện Chơn Như, chẳng tìm thấy một người cầu pháp chân thật, toàn là thứ ăn hại của đàn na thí chủ; phá hoại phật pháp, làm những điều tồi tệ phá Giới Luật cống cao ngã mạn, hiêu hiêu tự đắc coi mình là bậc Thầy, Tổ của thiên hạ. Xét lại họ chỉ toàn là những con mọt kinh sách. Tăng, Ni và Phật tử đối với Phật Pháp còn biết bao nhiêu điều sai trái nhưng không đủ thì giờ cho phép chúng tôi nêu ra đây hết được. Khi nào đủ duyên Cô Diệu Quang mở khóa tu đạo đức giải thoát thì chúng tôi sẽ giảng dạy cho quý vị.

Kính thưa quý vị Phật tử! Chúng tôi biết rằng lời thật mất lòng, nhưng chúng tôi phải nói. Nói vì sự tồn vong của Phật giáo, dù biết rằng chúng tôi đã nói không có chùa để ở, không có cơm để ăn, không có y áo để mặc thì chúng tôi cũng vẫn phải nói. Nói để cảnh tỉnh Tăng, Ni và quý vị. Nói để quý vị sửa sai; nói để quý vị không bị đọa địa ngục; nói để cho quý vị hiểu Phật pháp đúng cách, không có hiểu như thế này nữa.

Kính thưa quý vị Phật tử! Ở đây quý vị phải hiểu chúng tôi nói ở đây không có ý phê phán chỉ trích ai hết. Ai muốn tu sao cũng được. Chúng tôi chỉ biết nêu lên ở đây những ý này để quý vị đừng hiểu sai Đạo Phật, đừng lầm đường lạc lối tu hành của Đạo Phật, và biết rõ mục đích của Đạo Phật mà uổng phí thì giờ quý báu của quý vị.

Kính thưa quý vị! Chúng ta tu hành theo Đạo Phật mà không tu hành theo pháp môn của Đức Phật, lại đi tu hành theo pháp môn của các tôn giáo khác mà cứ tự nhìn nhận tu theo Đạo Phật. Sự lầm lạc này khiến cho Phật giáo không có người tu chứng, không có người giải thoát thật sự. Hiện giờ được xem như Phật giáo đã mất gốc chỉ còn cành lá mà thôi. Vì thế chúng tôi gióng lên tiếng chuông để cảnh tỉnh quý vị; để nhắc nhở quý vị. Còn nghe hay không là quyền của quý vị. Chúng tôi chẳng có ý gì khác hơn. Tu đúng tu sai là quý vị nhờ, chứ chúng tôi chẳng có ích lợi gì trong đó cả. Chúng tôi chỉ mong quý vị tỉnh ngộ quay về với con đường chân chánh của Đạo Phật để có sự ích lợi thiết thực cụ thể hơn. Những điều quý vị đã tu hành và những việc làm của quý vị đều tốt đều thiện, nhưng tốt và thiện đối với Tôn giáo khác, còn đối với Phật giáo thì quý vị đã lầm lạc. Bởi quý vị đã không tu Giới Luật mà còn phá Giới Luật, làm những điều sai trái phạm vào Giới Luật của Đạo Phật, trong khi Giới Luật là ông Thầy của quý vị mà quý vị từ bỏ không chịu tu theo. Chúng tôi chẳng biết nói thế nào nữa cho đúng. Nếu đi tu mà không nghe lời dạy, không chịu nương tựa vào ông Thầy của mình thì quý vị sống với ai, tu tập cái gì?

(01:27:06) Nếu chúng tôi tu tập giới luật, thiền định, trí tuệ của Đức Phật mà không có kết quả như ngày hôm nay thì chúng tôi cũng chẳng nói lên những điều này. Vì có kết quả quá rõ ràng cho nên chúng tôi cho nổi tiếng sấm sét để quý vị tỉnh cơn mơ mộng trong các kinh sách thời nay, trong các pháp tu thời nay.

Kính thưa quý vị Phật tử! Quý vị hãy cùng chúng tôi sửa sai lại những gì quý vị đã từ lâu không biết, đã làm sai từ lâu. Quý vị hãy chấm dứt, đừng vì lợi ích nhỏ mọn, ích kỷ cá nhân của quý vị mà đưa Phật giáo lạc đường. Vì thế bây giờ quý vị có tìm khắp nơi trên thế giới làm sao có một bậc chân tu giải thoát như Đức Phật. Trong khi phật giáo hiện giờ có hàng vạn triệu người theo tu hành, từ Đông sang Tây mà không có một bậc tu chứng. Vì sao? Vì hiểu sai Phật Pháp nên tu sai, do đó Phá Hoại Phật Pháp mà tưởng là bồi đắp xây dựng chấn hưng Phật Pháp. Đến đây chúng tôi xin tạm dừng nghỉ, ăn cơm buổi chiều lúc 1h chúng ta sẽ tiếp tục lại câu chuyện.

Bây giờ quý vị chắp tay lên cùng chúng tôi hướng về Đức Phật cúi đầu chào nhau tạm biệt.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

HẾT BĂNG 1


Trích dẫn - Ghi chú - Copy