00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

1993-MÙA XUÂN VĨNH CỬU

MÙA XUÂN VĨNH CỬU – 1993

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1993

Thời lượng: [1:24:27]

1- TU SINH ĐẢNH LỄ TÁC BẠCH NGÀY MÙNG MỘT TẾT

(0:00) Thầy Chân Tịnh: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Thầy!

Hôm nay con có duyên sự đầu thành đảnh lễ xin tác bạch.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Thầy!

Hôm nay là ngày mùng một Tết, ngày đầu xuân năm Quý Dậu. Theo tục lệ ngày đầu năm ở mọi gia đình cũng như trong các chùa đều đón năm mới chúc mừng tuổi thọ. Vậy, chúng con cúi xin thỉnh Thầy quang lâm đến thiền đường để chúng con mừng và chúc tuổi thọ Thầy. Ngưỡng mong Thầy từ bi hoan hỉ chứng minh để chúng con tỏ chút lòng thành kính tri ân sự dạy dỗ của Thầy.

Trong tương lai, kính xin Thầy dìu dắt chúng con đến nơi đến chốn, giải thoát đau khổ và chấm dứt tái sanh luân hồi. Xin Thầy từ bi lân mẫn hứa khả để chúng con được ân triêm công đức!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

2- MÙA XUÂN CỦA ĐẠO PHẬT LÀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU

(1:20) Trưởng lão: Hôm nay quý thầy thỉnh Thầy đến thiền đường để mừng chúc tuổi thọ Thầy trong đầu năm mới, và chúc thọ tuổi thọ Thầy. Thầy sẽ giảng nói về “Mùa xuân vĩnh cửu” cho quý thầy nghe.

Bắt đầu quý thầy cùng Thầy niệm hồng danh Đức Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần).

Theo thông lệ và phong tục của mỗi dân tộc trên thế giới thì ngày đầu năm là ngày Tết Nguyên Đán. Đối với dân tộc Việt Nam và Trung Hoa, ngày Tết là ngày đầu của mùa xuân, mà nói đến mùa xuân là nói đến thời tiết ấm áp, mát mẻ, dễ chịu cho loài người, loài vật và cả loài cỏ cây. Ngày ấy bắt đầu một năm mới, ngày ấy cũng là ngày mà mọi người trên thế gian này bắt đầu nhận thêm một tuổi. Vì thế, ai cũng lấy ngày này làm ngày mừng tuổi hay là ngày chúc thọ cho nhau. Do đó, họ mới bày ra đầy dẫy những thực phẩm, bánh trái, ăn uống.

Sau một năm lao động bằng tay chân và bằng cả trí óc, vì cuộc sống người ta quá vất vả và quá mỏi mệt, nên lấy ngày này làm ngày nghỉ ngơi và ăn chơi suốt cả tuần lễ, có người nghỉ suốt cả tháng hoặc suốt cả mùa xuân ba tháng. Vì thế, những ngày này trông rộn rịp và náo nức đối với mọi lứa tuổi, từ trẻ con năm tuổi đến cụ già tám mươi vẫn thấy có một sự gì nao nao, náo nức trong lòng.

Ngoài đường lộ, xe cộ dập dìu, tới lui rầm rộ, phố xá hôm nay trưng bày sáng choang đủ loại mặt hàng hóa, dập dìu trai thanh, gái lịch tưng bừng, nhộn nhịp. Mọi người ai cũng ăn mặc chỉnh tề, nhất là trẻ con, quần này áo kia kiểu nọ nhởn nhơ khoe màu, khoe sắc với nhau.

Còn nói về các loài hoa thì đủ loại: hoa mai, hoa thọ, hoa cúc, mẫu đơn, thược dược, hoa lài v.v…​ đua nhau rộ nở, khoe sắc, khoe hương muôn màu, muôn vẻ để đón chúa xuân về.

Cảnh vật bên ngoài trông có vẻ đổi mới hẳn bộ mặt hằng ngày của nó. Nhà cửa phố xá cũng sáng sủa, tưng bừng náo nhiệt hơn. Tiếng pháo thường nổ vang khắp nơi tạo thành một âm thanh vang động của mùa xuân, càng thêm rộn rã tưng bừng náo nhiệt. Lòng người bên trong cũng vậy, náo nức, hân hoan, vui cười giòn giã trong những dịp đón đầu năm mới.

(5:39) Nhưng xét cho cùng tận, trong những ngày này, trong những dịp này, kẻ vui cũng lắm mà người khổ buồn cũng nhiều, kẻ dư ăn thừa của cũng nhiều mà người thiếu ăn mang nợ nần cũng lắm. Đó là cái sinh hoạt đầu năm: buồn vui, khổ đau, rầu rĩ, ưu tư của con người trong cái thế gian này.

Còn hiện giờ chúng ta là những người tu sĩ Phật giáo đang hướng về mục tiêu giải thoát. Cho nên hiện giờ chúng ta phải nhìn ngày Tết, ngày xuân, ngày đầu năm cũng như ngày cuối năm và tất cả những ngày khác trong năm đều giống như nhau cả. Không có gì gọi là xuân, gọi là vui mà cũng không có gì gọi là buồn, là đầu xuân, là cuối xuân.

Nếu cái nhìn của chúng ta được như vậy thì làm gì có náo nức? Thì làm gì có hân hoan, thích thú trong lòng? Thì làm gì có vui đùa, cười cợt? Vì vậy làm gì có du xuân ngoạn cảnh đi đây, đi đó cho tổn hao, tổn phí tiền bạc!

Này quý thầy!

Đối với đôi mắt của người tu sĩ đạo Phật phải nhìn mùa xuân là mùa xuân bất diệt, là mùa xuân vĩnh cửu, cũng như phải nhìn tuổi thọ: tuổi thọ phải lâu dài không thể với tuổi 100 năm, mà phải nhiều, nhiều hơn nữa, thọ vô cùng vô tận.

Cho nên, thiền sư Thiền Lão trong thời nhà Lý đang tập sống thiền tuổi thọ vô cùng vô tận, và đang tập nhìn mùa xuân vĩnh cửu bằng thể hiện qua hai câu thơ dưới đây:

“Đản tri kim nhật nguyệt

Thùy trúc cựu xuân thu”.

Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch:

“Chỉ biết ngày tháng này

Ai rành xuân thu trước”.

Ở đây, Thầy giải thích để quý thầy hiểu rõ thêm.

Câu đầu: “Chỉ biết ngày tháng này” nghĩa là sống với hiện tại, biết hiện tại, mà chẳng biết chẳng lo ở ngày mai.

Câu thứ hai: “Ai rành xuân thu trước” nghĩa là sống hiện tại, sống cho bây giờ, chẳng nhớ chẳng nghĩ về quá khứ.

Hôm nay, quý thầy đã đủ duyên lành được gặp Thầy nơi cái đất Trảng Bàng cằn cỗi, không có núi to, sông rộng mà cũng không có đất đai màu mỡ như ở nơi khác. Ở đây, không phải là nơi để hướng dẫn và đào tạo những bậc xuất chúng siêu quần, nhưng dù sao cũng có đủ duyên lành quý thầy đã được gặp Thầy thì không ít thì nhiều, Thầy cũng chỉ dạy và hướng dẫn, chỉ đường cho quý thầy đi tìm một mùa xuân vĩnh cửu, một mùa xuân mà hằng muôn, hằng vạn người ước mơ.

Quý thầy cũng nên hiểu ở đây lời nói của Thầy là một lời chân thật không phải là một lời nói suông ở đâu. Vậy trước khi chỉ lối cho quý thầy thì quý thầy phải chịu khó lắng nghe cho kỹ, và tự trong lòng trả lời những câu hỏi của Thầy.

3- PHONG TỤC MỪNG XUÂN CỦA THẾ GIAN GIẢ DỐI VÀ ĐỘC ÁC

(9:45) Vậy các thầy có biết ngày hôm nay là ngày gì không? Ngày vui hay là ngày buồn đây! Các thầy tập hợp lại đây để chúc thọ và mừng tuổi Thầy có đúng theo tinh thần giải thoát của đạo Phật không?

Này quý thầy!

Quý thầy hãy lắng tai nghe cho kỹ, Thầy sẽ giảng nói đây.

Ở đây chúng ta là những người tu sĩ của đạo Phật, tại sao chúng ta lại đi bắt chước theo những phong tục, tập quán của con người ở thế gian? Tại sao chúng ta lại để cho đạo Phật bị đồng hóa với những phong tục đó?

Này quý thầy!

Chỉ vì từ lâu quý thầy đã từng sống trong các chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, tu viện, thiền viện và Phật học viện lâu đời nên đã từng sống quen đi với những phong tục dân gian của con người. Những phong tục này không đúng với đường lối từ bi và giải thoát của đạo Phật.

Bởi quý thầy ở các nơi đó đã từng tổ chức đón xuân, vui xuân, chúc thọ, cho nên đã quen đi rồi, đã bị ảnh hưởng những phong tục đó lâu đời rồi. Ở các nơi đó quý thầy cũng giống như các cư sĩ sống tại thế gian, cũng náo nức, rộn rịp, sửa sang, sơn phết chùa miễu làm cho mới toanh, và chưng dọn bàn ghế bóng loáng, sáng choang để đón xuân chúc tuổi thầy, mừng tuổi Phật.

Những điều làm này thật là tội lắm! Phải nói rằng thật là lầm lạc!

Quý thầy là những người đệ tử của Phật, là những vị Tỳ Kheo, là những bậc Sa Môn, là những bậc Phạm Hạnh, là những bậc làm gương sáng đạo đức cho mọi người, ai cũng thấy ai cũng biết. Quý thầy đã từ bỏ gia đình, từ bỏ thế tục, đã cắt ái ly gia thế mà quý thầy đã để cho Phật giáo bị đồng hóa thế gian tục.

Từ lâu, tâm hồn của quý thầy đã bị ngăn cách bởi không gian và thời gian của mùa xuân thế tục, cũng vì thế mà quý thầy đã lầm lạc nhận mùa xuân thế tục làm mùa xuân vui đẹp của đạo, mà quên mất mình trong mùa xuân bất diệt, mùa xuân vĩnh cửu của đạo Phật, mùa xuân bất diệt, mùa xuân của đạo trong lòng của quý thầy, mà người đệ tử của Phật hôm nay đã đánh mất đi rồi.

(13:03) Vì quý thầy đã chạy theo sự dục lạc của thế gian quá nhiều, cho nên, mùa xuân thế gian mới xâm chiếm quý thầy được, mới lôi cuốn, ngự trị trong tâm hồn quý thầy được.

Mùa xuân Di Lặc, mùa xuân của đạo Phật bây giờ không biết đâu mà tìm nữa, nó đã biến mất trong tâm hồn của mọi người và chính ngay của quý thầy, của người con Phật, đã từ lâu rồi.

Hôm nay, quý thầy về đây tu tập với Thầy, quý thầy phải từ bỏ những dục lạc, phong tục thế gian này đi. Những phong tục, những dục lạc này rất là phàm tình, nó còn rất là trẻ con, mà phải nói rằng rất là đầy giả dối, giả dối đối với mọi người, giả dối đối với chính bản thân của nó.

Những phong tục này không thể lường gạt dối trá với một người tu sĩ của đạo Phật chân chánh được, chỉ lường gạt và dối trá với những người vô minh tâm còn tham đắm dục lạc, tâm còn đang ô trược dục lạc.

Họ đâu hiểu Phật là đấng giác ngộ, đã vượt không gian và thời gian thì còn đâu là ngày Xuân, ngày Hạ, ngày Thu, ngày Đông. Tuổi thọ của Phật là tuổi thọ vô lượng không cùng tận, vì tuổi Phật không có không gian và thời gian thì lấy gì mà mừng, lấy gì mà cầu?

Tăng tức là thầy, thầy là những người nối gót theo chân Phật, thì thầy phải hướng đến tuổi thọ vô lượng của Phật, cớ sao hôm nay quý thầy còn bày vẽ theo kiểu cách thế tục phàm phu, mừng xuân, chúc thọ, lại còn bày ra ăn uống bánh trái vật này thứ kia? Trên bàn thờ Phật, thờ Tổ lại còn bày vẽ chưng dọn bông hoa, bánh trái, hương đăng, trà quả đủ điều!

Điều đáng tiếc nhất là quý thầy đã bỏ ra rất nhiều thì giờ quý báu để làm một sự việc không đúng đường lối tu hành của đạo Phật. Thay vì những thì giờ quý báu này quý thầy nỗ lực tu hành, có đâu lại để những thì giờ quý báu này hơn cả tháng nay phải lo sơn, phết, chưng, dọn, chùi, rửa bàn ghế, lư đồng, mâm thau v.v…​

Bởi vậy, hiện nay trong quý thầy cũng có vẻ rộn rịp, náo nức, tưng bừng. Nếu quý thầy xét cho kỹ thì quý thầy không thua gì người thế tục chút nào.

Này quý thầy!

Hôm nay quý thầy mời Thầy đến đây để mừng tuổi thọ của Thầy, để chúc thọ Thầy! Đừng! Đừng! Quý thầy đừng! Đừng làm những điều thế gian đó, nó không đúng là con đường của đạo Phật đâu. Quý thầy có nhận xét, có thấy điều đó đúng như vậy không?

(17:04) Ngày mà quý thầy cùng mọi người trên thế gian này gọi là mừng xuân, vui xuân, mừng tuổi, chúc thọ, ngày mà quý thầy áo quần chỉnh tề cũng như mọi người khác để đón giao thừa, để mừng năm mới, ngày ấy quý thầy có chịu khó để ý một chút, một chút mà thôi, quý thầy sẽ thấy ngày ấy là ngày tang thương, sầu khổ và đau đớn nhất của các loài vật, nhất là loài gia súc. Ngày đó là ngày gà, vịt, heo, dê, trâu, bò, cá, tôm, sò, hến được đem ra giết để lấy thịt, làm thịt, làm thực phẩm để ăn mừng năm mới, để đón xuân về chúc tuổi thọ cho nhau.

Quý thầy phải hiểu, việc làm này thật là mâu thuẫn. Đoản mạng loài vật lấy thịt ăn mừng, vui chơi thỏa thích, gọi là chúc mừng tuổi thọ, để được sống lâu muôn tuổi. Xét cho kỹ quý thầy sẽ thấy rõ những việc làm này rất là độc ác. Vậy mà chúc thọ để thọ cho lâu và để tiếp tục làm những điều ác độc cho nhiều thì thử hỏi việc làm này có thọ được không?

Chỉ việc làm ác độc mà không thấy ác độc, còn lại vui chơi trên đau khổ, trên sự chết chóc, trên xương máu, trên tiếng kêu la thảm thiết, trên sự giãy giụa, lăn lộn, quằn quại đau thương trên bàn tay của con người.

Quý thầy là những người tu sĩ trong đạo từ bi mà chẳng có một chút lòng thương xót nào chăng? Quý thầy là những người tu hành theo đạo từ bi mà lại còn a dua vui theo những cái phong tục tập quán của con người độc ác, của loài người độc ác, sát hại sinh linh thì còn gì là đạo từ bi? Thì còn gì gọi là vui xuân chúc thọ? Phải không hỡi quý thầy?

Bởi ngày Tết của loài người là ngày đau khổ thương xót cho loài súc sanh. Vì nghiệp mang (nợ) máu mà chúng phải đền, vì nghiệp ác mà chúng phải trả. Nếu hiểu biết được ngày đó là ngày khổ đau thì quý thầy đừng có vui cười, mà hãy nhỏ từng giọt nước mắt thương xót cho tất cả các loài chúng sanh, chúng đã vì vô minh mà giết hại lẫn nhau.

Mọi người đâu biết, họ đang giết cha, mẹ, anh, chị và em của họ để vui mừng tuổi thọ của họ. Họ đâu có biết nên họ ăn thịt lẫn nhau mà còn vui đùa, cười cợt thỏa thích trên đống xương, máu thịt của nhau.

Ngày đó là ngày tang tóc, là ngày đau khổ cho những người có trí tuệ, thấy biết rõ sự vô minh kia che khuất khiến cho mọi người mê mờ, giết hại lẫn nhau mà không biết. Vì thế, mà họ không còn có chút lòng thương yêu nhau, bởi người hiểu biết thấy rõ thì thật là thương tâm.

Vì thế mà không thể nào Thầy ngồi làm thinh để cho quý thầy còn vui theo như vậy được nữa.

(20:41) Bây giờ quý thầy đã biết rõ rồi thì quý thầy có còn vui theo những phong tục đó nữa hay không? Có còn đón xuân chúc tuổi thọ nữa hay không?

Đạo Phật là đạo từ bi, làm sao chấp nhận những phong tục có nhiều sự độc ác, có nhiều sự ích kỷ đó được. Muốn cho mình được tuổi thọ sống lâu và nhiều hạnh phúc an vui, ngược lại lại cướp mạng sống của kẻ khác, lại lấy sự đau khổ của kẻ khác để làm ngày vui cho chính mình, để cầu tuổi thọ cho chính mình, thì quý thầy suy nghĩ chúc tuổi thọ, mừng tuổi thọ theo những phong tục này có được kết quả chăng?

Luật nhân quả quý thầy phải xét kĩ, làm một điều ác thì phải gặt lấy những quả khổ, làm một điều thiện thì gặt hái những quả vui. Vậy, ở trên luật nhân quả thì ngày xuân, ngày Tết mà quý thầy đang tổ chức vui mừng thì sẽ gặt hái những quả gì? Nhân đoản mạng chúng sanh, nhân độc ác, nhân bất thiện thì quả phải yểu tử, thì phải khổ đau.

Vì thế, Đức Phật dạy chúng sanh toàn là vô minh, là đui mù nên không bao giờ thấy được mùa xuân vĩnh cửu.

Hôm nay, quý thầy là những người đệ tử của Phật, quý thầy đừng bịt tai, bịt mắt để chạy theo thế gian tục, đừng vui chơi dục lạc thế gian trong những ngày này. Dục lạc thế gian rất là ngắn ngủi, vui đó khổ đó, chỉ trong chớp mắt là đã tan biến như mây khói. Bởi thế gian một năm của con người rất là ngắn ngủi, đó chỉ là một chu kỳ của trái đất mà thôi.

Bởi người tu sĩ Phật giáo phải sống như Thiền Lão chẳng biết ngày tháng năm, tức là vượt không gian và thời gian, như vậy mới có thể gọi là sống trong mùa xuân vĩnh cửu, mùa xuân bất diệt.

Quý thầy có khi nào tự nghĩ trong lúc chúng ta vui xuân mừng tuổi thọ thì súc vật khổ đau và tử vong không? Quý thầy có khi nào tự nghĩ rằng khi loài người vui đùa, cười cợt, chè chén thỏa thích thì trong khi đó các loài vật đang giãy giụa, khổ đau, lăn lộn, rên la trên thớt dưới dao, máu đổ thịt rơi chăng? Có khi nào quý thầy nghĩ rằng ngày vui xuân, ngày Tết nhất của loài người là ngày tang tóc, thê lương, ảm đạm, chết chóc của loài vật chăng?

Rồi có khi nào quý thầy tự nghĩ rằng ngày Tết, ngày xuân mà mọi người đang tổ chức là ngày hạnh phúc an vui, hay là ngày đau khổ, lo lắng, ưu tư, sầu khổ của con người chăng?

Có bao giờ quý thầy tự suy nghĩ như vậy không?

Này quý thầy!

Chúng ta phải xét, chỗ này vui chỗ kia khóc, đây là đối với con người, thì cái vui đó có trọn đầy không hỡi quý thầy? Chỗ này no, chỗ kia đói thì cái vui đó có vui được không hỡi quý thầy?

(24:56) Bởi vậy, Phật dạy người cư sĩ cũng như người tu sĩ đừng giết hại chúng sanh, đứng thấy người giết hại mà vui theo, đừng sai bảo người giết hại, phải từ bỏ sự giết hại, từ bỏ sự vui theo người giết hại. Tất cả những điều giết hại là nhân đoản mạng của chúng ta, sau này chúng ta sẽ thọ quả yểu tử. Mà đã yểu tử thì không bao giờ được sống lâu trên đời này.

Đứng trên luật nhân quả mà suy xét cho kỹ: Tại sao con người muốn sống lâu trăm tuổi, và hơn nữa, và còn muốn sống lâu hơn nữa, mà tại sao lại cầm dao cắt cổ, nhổ lông, đập đầu, thọc huyết các loài chúng sanh?

Không sợ luật nhân quả à? Không sợ luật nhân quả hay sao? Nó không tư vị một ai. Nếu làm ác phải thọ chịu khổ, nếu đoản mạng chúng sanh phải sống yểu tử. Các thầy phải hiểu luật nhân quả là như vậy.

Bây giờ quý thầy đã được nghe giảng đến đây, quý thầy có còn vui xuân, chúc thọ và mừng tuổi như vậy nữa hay không? Quý thầy nên biết nỗi mừng vui của chúng ta vô tình đã tạo nhân ác. Rồi đây chúng ta phải thọ khổ, sự vui của con người chẳng mấy lát mà sự khổ thì vô cùng tận.

Nhân nào quả nấy, vì thế, sự vui của chúng ta luôn có những sự đau khổ. Bằng chứng sau những ngày Tết thì cuộc sống đâu cũng hoàn đấy, chỉ còn lại một chuỗi ngày dài thê lương đầy lo âu, sợ hãi, đói rét, bệnh tật và nhiều thứ tai nạn đau khổ đến cuộc sống ác độc của loài người, nên nghiệp quả khổ đau đang đè nặng trên cuộc đời của họ thế nào, họ đã biết.

Chỗ này chấm dứt chiến tranh, chỗ kia chiến tranh bùng nổ. Khắp trên thế giới, lúc nào giờ nào cũng có chiến tranh, tại làm sao? Tại vì con người quá ác độc, lấy ngày vui cho chính mình lại là ngày thảm khốc cho các loài khác.

Bởi vậy, con người chỉ biết cười khi thỏa mãn dục lạc và chỉ biết khóc khi không thỏa mãn dục lạc, khi tai nạn bệnh tật đến.

Vậy hôm nay quý thầy đã hiểu rõ ý nghĩa Tết nhất, đón xuân, mừng tuổi thọ của con người trên thế gian này là độc ác, là một chuỗi ngày liên tục khổ đau của kiếp người, là một chuỗi ngày dài nối tiếp tâm độc ác của loài người, mà cũng chính vì thế tuổi thọ của con người bị ngắn ngủi đi.

4- HÌNH PHẠT HAY PHƯỚC BÁU ĐỀU DO NHÂN QUẢ

(28:40) Hôm nay, Thầy sẽ đưa đường dẫn lối cho quý thầy đi tìm một mùa xuân vĩnh cửu, một mùa xuân không có giờ nào, ngày nào, tháng nào, năm nào mà không có xuân, không có an vui hạnh phúc.

Vậy con đường thực hiện một mùa xuân vĩnh cửu, một mùa xuân an lạc hạnh phúc cho muôn loài là phải thực hiện một mùa xuân như thế nào?

Này quý thầy!

Quý thầy hãy lắng nghe cho kỹ, để hiểu cho rõ ràng để mà thực hành đúng lời dạy của Thầy. Nhớ lời dạy này, quý thầy không được hành sai, phải hành cho thật đúng.

Trước khi theo Thầy, để khơi dậy một mùa xuân hạnh phúc và an lạc thì quý thầy phải để ý đến điều quan trọng độc nhất và tối thượng đang chi phối mọi hoàn cảnh cuộc sống con người, đó là luật nhân quả.

Luật nhân quả có hai phần rõ rệt: Một, nhân ác quả khổ. Hai, nhân thiện quả phước.

Ở đây quý thầy phải hiểu luật nhân quả không thiên vị một ai, nó cũng không sợ một ai, dù kẻ đó là Đức Phật, là Đấng Chúa trời, là Đức Thế Tôn, là bậc Thánh hiền, là Thượng Đế, là Ngọc Hoàng, ma quỷ.

Dù kẻ đó là các vua chúa đầy đủ uy quyền nó cũng chẳng nể. Dù kẻ đó là kẻ nịnh bợ, a dua, ton hót nó cũng chẳng tha. Dù kẻ đó là người giàu sang tột đỉnh trong thế gian này nó cũng chẳng vị tình nể mặt. Dù kẻ đó nghèo hèn mạt tận, cùng đinh khốn khổ nó cũng không vì thế mà tha thứ.

Từ những bậc tạo hóa vạn năng tối thượng chí đến kẻ cùng đinh khốn khổ, luật nhân quả luôn luôn lúc nào cũng bình đẳng đối xử như nhau. Nếu một kẻ làm ác, làm điều bất thiện, nó sẽ phạt kẻ đó phải thọ lấy những cực hình đầy khổ đau, và còn có thể chấm dứt mạng sống của kẻ đó, nếu kẻ đó đoản mạng chúng sanh, làm cho người khác chết.

Trên đời này, quý thầy có thấy nhiều người yểu tử không? Điều này chắc chắn ai cũng thấy. Đó là do nhân đoản mạng giết hại chúng sanh mà ra.

Khi làm một điều ác dù cho quý thầy có tiền bạc, châu báu chất đầy ngập cả không gian này đem lo lót cho nó, nó cũng chẳng tha mạng sống của quý thầy đâu. Làm một điều ác, điều bất thiện dù kẻ đó có tài cao, trốn giỏi, dù trốn nơi đâu nó cũng tìm ra hình phạt đúng lẽ công bằng khi thời tiết nhân duyên đã đủ. Bởi vậy, vua chúa, quan quân giàu sang tột đỉnh cũng không thoát khỏi bàn tay hình phạt của nó.

Luật nhân quả có đầy đủ quyền uy để hình phạt mọi người làm ác và ban phước cho mọi người làm thiện.

Luật nhân quả khiến cho kẻ nào làm người khác khổ đau thì phải chịu lấy đau khổ, làm cho người khác gian nan vất vả thì phải chịu lấy vất vả gian nan, làm cho người khác nghèo cùng khốn khổ thì phải chịu lấy khốn khổ nghèo cùng, làm cho người khác cơm không đủ ăn áo không đủ mặc hoặc hủy hoại thực phẩm thì phải chịu lấy cảnh cơ hàn, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, làm cho kẻ khác đau khổ trong cảnh chia lìa tang tóc thì phải thọ lấy những cảnh tang tóc chia lìa, làm cho chúng sanh tử vong, đoản mạng thì phải thọ lấy yểu tử phân thân.

(33:09) Nghĩa là, kẻ nào làm khổ mình, khổ người, khổ mình khổ người, đều phải nhận lấy nhân quả như nhau cả.

Trong cuộc đời này những ai đã lợi dụng quyền uy thế lực hoặc tiền bạc châu báu cướp vợ người, đoạt tài sản và cướp lấy mạng sống của người khác và của chúng sanh, để thỏa thích dục lạc, thỏa thích lòng ham muốn của mình trong những trò chơi tiệc tùng linh đình, luật nhân quả sẽ xử họ rất công minh.

Nếu kẻ nào làm một điều thiện, điều lành nó sẽ ban thưởng kẻ đó phước báu, hưởng những quả vui vi diệu và đầy đủ hạnh phúc, tuổi thọ sẽ được dài lâu mà khỏi cần phải lo lót hay cầu xin cúng bái gì cả.

Ở đây, quý thầy cũng nên hiểu rõ điều này, luật nhân quả sẽ không từ nan thưởng phạt đối với một đấng thiêng liêng vạn năng sáng tạo hoặc thánh thiện nào.

Ví dụ, đấng ấy là Đức Phật, là Đấng Chúa trời, là Thánh tiên, là thần quỷ mà vì một nải chuối, một nén hương, một đồng bạc, một trái cam, một bình hoa, một tách trà mà gia hộ cho kẻ làm ác, làm quấy, làm việc chẳng phải, gây tạo muôn vàn thứ khổ cho chúng sanh, thì luật nhân quả sẽ gia trị những đấng ấy, và nó sẽ hình phạt những đấng ấy như kẻ phàm phu tục tử. Nghĩa là đấng ấy phải chịu, phải thọ chịu mọi sự đau khổ sinh ly tử biệt như chúng sanh khác.

Bởi vậy, quý thầy là những người đệ tử của Phật, quý thầy đừng để phong tục hóa của con người đồng hóa quý thầy, và lôi cuốn quý thầy đi sai con đường của đạo Phật.

5- PHẬT GIÁO BỊ BIẾN THÀNH THẦN GIÁO MÊ TÍN DỊ ĐOAN

(35:17) Quý thầy là người giữ gìn mạng mạch của Phật pháp, cớ sao quý thầy lại biến Phật giáo thành thần giáo để Phật giáo trở thành một thứ tôn giáo mê tín, dị đoan như hiện giờ?

Chắc quý thầy ai cũng thấy Phật giáo hiện giờ như thế nào? Phật giáo hiện giờ đang bị bốn hàng đệ tử của ngài biến ông Phật thành ông thần. Đường lối tu tập, tu hành của Phật giáo là phải tự lực cứu lấy mình, thế mà hôm nay đường lối của đạo Phật trở thành một đường lối tiêu cực bị động, toàn là cầu xin, cầu khẩn, cúng bái, lễ lộc.

Vì thế, mà hàng cư sĩ đến chùa hiện giờ cúng Phật thì cầu khẩn đủ thứ điều. Nào là phò hộ cho bệnh tật tai qua nạn khỏi, nào là cầu xin chư Phật tiếp độ vong hồn cha mẹ siêu sinh cực lạc, nào là cầu tự cầu con, nào là gia hộ cho gia đình được an cư lạc nghiệp, thậm chí có người cúng một nải chuối mà còn cầu xin trúng vé số độc đắc.

Còn quý thầy và quý sư cô thì như thế nào? Luôn luôn quý thầy và quý sư cô thì bày ra cúng bái lễ lộc tụng niệm, cầu nguyện phục nguyện, cầu an cầu siêu, trừ linh trừ thần, tiến vong, đốt tiền vàng mã quần này áo kia, kho tàng đủ loại vân vân và vân vân.

Bởi thế, đạo Phật mà dạy con người tu hành như vậy thì cần gì phải đi tu cho cực khổ? Phải giữ gìn giới luật chi cho cực khổ? Phải thức đêm, thức khuya mà thiền định chi cho cực khổ? Chỉ lo làm ra tiền của được nhiều thì sẽ cầu chi được nấy.

Bởi những nhà giàu có tiền, có bạc chỉ cần bỏ tiền bạc ra trai tăng cúng dường là quý thầy và quý sư cô sẽ lo tất cả chu toàn, từ khâu ăn uống của cư sĩ cho đến khâu cúng bái quần này áo kia, kho tàng cho đến sớ điệp tụng kinh niệm chú để cầu van xin, cầu khẩn chư Phật, chư Hiền Thánh mọi việc sẽ được toại như ý nguyện!

Vì thế mà người cư sĩ đến chùa cứ quăng tiền ra là các thầy, các sư cô sẽ phục vụ họ đầy đủ từ khâu cúng bái cho đến khâu ăn uống của họ. Họ đến chùa xem như đến nhà hàng, chỉ có tiền là có người hầu hạ trên hết.

Nhờ có sự trao đổi như vậy, quý thầy và quý sư cô tiếp tục trên cuộc sống tu hành bằng cách lấy tà nghiệp nuôi tà mạng của quý thầy, quý sư cô, như vậy làm sao con đường của đạo Phật mà đúng được? Càng ngày đạo Phật càng bị dìm xuống bằng cách sống tà mạng như vậy, bằng cách lấy tà nghiệp trao đổi để mà sống như vậy.

Còn người cư sĩ thì tiếp tục trên cuộc sống làm đầy dẫy tội ác miễn là có tiền, chẳng hề sợ nhân quả, vì họ tin rằng khi hữu sự gặp tai nạn đau khổ chỉ cần bỏ tiền ra là sẽ được mọi việc, cầu gì được nấy.

Bởi vậy, bốn hàng đệ tử của Phật hiện giờ họ đã xem, đã tự xem thường Đức Phật của họ. Họ đã hạ ông Phật xuống thành một ông thần để ông thần ấy luôn luôn ở vị trí phò hộ sự sống và công ăn việc làm của họ. Họ xem thường cái thế giới của chư Phật chẳng khác gì cái thế giới của kẻ phàm phu chúng ta hiện giờ.

Ở đây quý thầy đừng biến ông Phật thành một ông thần để quý thầy núp dưới bóng ông ta mà tạo danh tạo lợi một cách táng tận lương tâm, thiếu bổn phận, thiếu trách nhiệm và thiếu đức hạnh của người tăng sĩ.

(40:08) Ngày xưa, Đức Phật chỉ đi ăn xin mà tu hành, ngày nay chúng ta làm đủ mọi nghề: thầy cúng, thầy thuốc, thầy pháp, thầy bùa, thầy giáo, thầy thông, thầy kí, làm môi giới chính trị, làm các nghề nghiệp khác, cày ruộng, cuốc đất, trồng tỉa đủ loại để mong làm sao làm ra được tiền nhiều như những người khác là hơn hết.

Một kẻ trộm cướp giết người chỉ đem tiền và châu báu đến cúng dường thì quý thầy sẵn sàng cầu khẩn cho kẻ đó thoát khỏi các tai nạn và được mạnh khỏe an vui. Được như vậy kẻ giết người cướp của lại tiếp tục hành thêm tội ác, thì tội ác đó quý thầy sẽ được xem như đồng lõa với kẻ cướp!

Một việc làm sai không đúng đường lối của đạo Phật thì làm sao hướng đến một mùa xuân vĩnh cửu? Những việc làm này của quý thầy sẽ hướng đến quả dục lạc thế gian đầy dẫy tội ác, thì chừng đó quý thầy sẽ mở mắt mà thấy cảnh đau khổ của quý thầy, sẽ đọa địa ngục tại thế gian này mà quý thầy đã từng chứng kiến, đã thấy được các bậc tôn túc của chúng ta.

6- CÓ NHÂN QUẢ LUÂN HỒI MỚI CÓ THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN

(41:53) Ở đây, quý thầy cũng cần để ý chỗ này hơn một chút. Tại sao khi có nhân quả luân hồi là có thời gian và không gian? Để trả lời câu hỏi này quý thầy phải hiểu rõ nghĩa nhân quả.

Vậy nhân quả là gì?

Nhân là cái hạt giống, từ hạt giống nảy mầm trưởng thành thành cây, rồi từ cây ra bông, kết trái gọi là quả.

Cái hạt giống của con người do từ thân, khẩu, ý và ái dục mà ra. Làm một điều ác cũng do từ nơi thân khẩu ý và ái dục, làm một điều thiện cũng do từ nơi đó. Người ở trên đời thường sống khổ nhiều, vui ít, đây là do nhân ác nhiều mà nhân thiện ít. Xét phải xét qua hành động thân khẩu ý của họ rồi mới thấy việc này rõ ràng.

Quả là trái, là sự kết quả, là sự thọ hưởng, thọ chịu hay chịu lấy.

Quả vui thì hưởng sự phước lạc, sự an ổn, hạnh phúc, vui tươi, sự không chướng ngại tâm, sự không sân hận phiền não, sự không bệnh tật, tai nạn, sự không chia lìa, thường sống hòa hợp, thường sống yêu thương nhau, chẳng xa lìa nhau.

Quả khổ là thọ chịu sự khổ đau, sự đau đớn, sự bệnh tật, sự tai nạn, sự phiền não sân hận, sự sợ hãi, ưu sầu và tất cả các tai nạn bệnh tật chết chóc, vân vân và vân vân.

Chúng ta đã sanh ra đời, được may mắn làm người, được có thân người, nhưng thân người là cái quả của nhân tiền kiếp, của hột tiền kiếp. Vì thế, chúng ta có thân là có quả, mà có quả thì phải có thọ. Thọ khổ là chịu khổ, thọ vui là hưởng vui và sự an lạc hạnh phúc, nhưng điều, sự vui, sự hạnh phúc, sự an lạc thì rất ít, sự khổ thì rất nhiều đối với con người.

Cũng từ trong quả thân người, chúng ta thường tạo nhân mới như ở trên thầy đã dạy, từ thân, khẩu, ý và ái dục làm chủ khiến chúng ta có những hành động thiện hoặc ác. Bởi hành động thân khẩu ý thường xảy ra trong thiện hoặc trong ác, vì thế có khi trong ác có thiện, trong thiện có ác, bởi vậy mà sự thọ chịu của chúng ta cũng có lúc khổ thì có vui, cũng có lúc vui thì có khổ. Vì thế, đời sống của con người khổ vui lẫn lộn, mới vui đó liền khổ đó, mới khổ đó liền vui đó.

Bởi có thân tức là có sắc tướng. Phàm một vật gì có sắc tướng là phải chịu sự hoại diệt, sự vô thường, do đó mới có nhiều sự ưu bi khổ não.

Nhưng có sắc tướng là phải có không gian, và khi có không gian thì phải có một quá trình thời gian, mà đã có một quá trình thời gian thì thời gian phải bị chia cắt thành quá khứ, vị lai và hiện tại.

Vì thế, chúng ta phải biết thời gian đã bị chia cắt bởi không gian, có không gian thì phải có thời gian, có thời gian thì phải bị không gian chia cắt. Có sự chia cắt thời gian không gian, phải có khi thành khi hoại, do đó vạn vật phải vô thường.

Bởi sự nhận xét về thời gian hiện tại mà hiện tại chúng ta có thân, mà đã có thân tức là có không gian, mà đã có không gian thì không gian là quả, mà đã có quả tức là phải có nhân. Vậy nhân nó phải ở trong thời gian quá khứ.

Vì thế, quả hiện tại là thân, mà trong thân thì có ba hành động thân khẩu ý. Để tạo nhân hiện tại thì quả sẽ ở vị lai, vì thế mới có tái sanh luân hồi, nếu không có nhân ở hiện tại thì không có quả ở vị lai. Do đó, người tu hành theo đạo Phật thì phải giữ gìn hành động thân khẩu ý không cho tạo tác nhân thời vị lai.

Thời vị lai không có quả, nghĩa là vị lai không có tái sanh đối với pháp môn tu hành của chúng ta hiện giờ. Thân khẩu ý luôn luôn được giữ gìn trong hơi thở, trong trạng thái thanh tịnh thì nơi đó không còn nhân quả. Mà không còn nhân quả thì không có tái sanh luân hồi, tức là chấm dứt tái sanh.

7- CHẤM DỨT ÁI DỤC LÀ CHẤM DỨT TÁI SANH LUÂN HỒI

(47:125) Vậy hiện giờ chúng ta đang tu hành là giữ gìn cái gì? Giữ gìn thân khẩu ý, giữ gìn thân khẩu ý để làm gì? Để không còn gieo nhân, mà không còn gieo nhân tức là chấm dứt tái sanh luân hồi. Đó là mùa xuân vĩnh cửu, mùa xuân Di Lặc.

Từ Đạo Hạnh vì sự sống của mình, vì gia đình của mình và vì Phật pháp, nên sợ ngài Đại Diên trả thù, ngài bèn dùng bùa chú giết Giác Hoàng là con nuôi của nhà vua thời nhà Lý. Giác Hoàng là kiếp tái sanh của ngài Đại Diên. Khi Giác Hoàng chết, nhà vua bắt buộc Từ Đạo Hạnh phải tái sanh làm thái tử nối ngôi.

Lúc bấy giờ, Từ Đạo Hạnh mới nói với Thuần Hầu xin cho xem lén phu nhân lúc đang tắm và dặn chừng nào phu nhân sanh thì phải báo cho hay. Đến khi phu nhân đau bụng mà chưa sanh được, Thuần Hầu nhớ lời dặn năm trước nên sai người đến báo cho Từ Đạo Hạnh hay. Từ Đạo Hạnh hay tin liền nhập định bỏ xác ngay, thì ngay lúc bấy giờ phu nhân sinh ra một hoàng nam.

Bởi khi còn khởi tâm sắc dục đó là nhân của sự tái sanh luân hồi, là nhân của sự thọ báo thân về sau, người tu hành mà không đoạn diệt được tâm ái dục thì lúc nào cũng còn sắc dục, nếu sắc dục còn thì phải thọ thân đời sau. Nhưng khi đã đoạn được ái dục thì chấm dứt tái sanh luân hồi thì thân sau không còn nữa.

Ở đây, quý thầy phải hiểu, chỉ có con đường tu theo đạo Phật thì mới đoạn diệt được ái dục, nếu đoạn diệt được ái dục thì phải trải qua tám giai đoạn định mới đoạn diệt nó tận gốc.

Nếu một người tu hành không trải qua tám giai đoạn định này thì chưa đoạn dứt ái dục. Muốn trải qua tám giai đoạn định này thì quý thầy phải tìm một minh sư có kinh nghiệm đã nhập tám giai đoạn định này hướng dẫn thì quý vị mới mong đoạn diệt được ái dục, còn những loại thiền khác thì không thể nào đoạn diệt được nó.

(49:38) Bởi vậy, đạo Phật dạy quý thầy, muốn thoát khỏi vòng trầm luân đau khổ của đời người và chấm dứt tái sanh luân hồi thì quý thầy phải hiểu rõ ái dục. Từ nơi ái dục sinh ra muôn vàn thứ khổ đau cho con người, muốn chấm dứt ái dục có 3 cách:

Một: Quý thầy phải vượt ra khỏi những phong tục tập quán của mọi dân tộc trên thế gian này. Nếu quý thầy để những phong tục tập quán đó đồng hóa Phật giáo thì đạo Phật sẽ không còn là đạo giải thoát nữa mà chỉ là một thứ hình thức tôn giáo để phục vụ tham vọng của con người, thì mục tiêu của đạo Phật chủ trương giải thoát sẽ tan biến như sương, như khói, như mây.

Hai: Quý thầy phải sống ly dục bằng cách sống đúng giới hạnh của Phật, và sống độc cư, cô đơn, không tiếp chuyện, nói chuyện với ai. Là tu sĩ Phật giáo phải giữ gìn 250 giới, là cư sĩ phải giữ gìn 8 giới căn bản, kế tiếp phải tạo mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh để sống đạt được độc cư và sống cô đơn, thì cuộc sống có sống đúng như vậy mới có thể ly dục được.

Ba: Quý thầy phải sống đoạn ái dục, nghĩa là quý thầy phải nhập tám thứ thiền định mà Phật đã dạy, nếu không tu tập được như vậy thì không bao giờ đoạn được ái dục. Mà không đoạn được ái dục thì quý thầy dù có thông suốt Tam Tạng kinh điển và các Ngữ Lục Thiền Đông Độ, hoặc có đầy đủ thần thông, phép tắc thì cũng vẫn tái sanh luân hồi mãi mãi và thọ khổ vô lượng vô tận, vô cùng vô tận.

Bởi vậy, đạo Phật dạy quý thầy thoát ra khỏi vòng trầm luân đau khổ thì phải đoạn dứt tâm ái dục, bởi vì từ ái dục sanh ra muôn ngàn thứ khổ đau cho cuộc đời của con người, của quý thầy.

8- MÙA XUÂN THUẦN THIỆN LÀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU

(51:54) Cho nên, muốn chúc thọ Thầy, mừng tuổi Phật là phải ở chỗ nỗ lực, kiên trì, bền chí, tận lực làm tất cả các pháp thiện, và diệt trừ chấm dứt các pháp ác, thì đây quý thầy mới bắt đầu dựng lại một mùa xuân vĩnh cửu.

Một mùa xuân không có hoa mai, không có bánh trái cây, không có thịt cá, không có thực phẩm ngon ngọt, cao lương mỹ vị, không có pháo, không có bánh chưng xanh và cũng không có cây nêu, thì đó mới là một mùa xuân vĩnh cửu, một mùa xuân hạnh phúc và an lạc cho muôn loài.

Một mùa xuân vĩnh cửu là một mùa xuân thuần thiện, một mùa xuân không có chết chóc và không có đau khổ. Đó là một mùa xuân mà các đệ tử của Phật gọi là mùa xuân Di Lặc. Từ lâu người ta đã mạo danh mùa xuân Di Lặc là mùa xuân thế tục, cái điều đó làm cho đau khổ Phật pháp nhiều hơn.

Ở đây quý thầy cần phải hiểu rõ thêm chỗ này, Thầy vừa mới dạy ở trên. Chỉ khi nào quý thầy sống thuần thiện thì đó mới bắt đầu dựng lại một mùa xuân vĩnh cửu.

Tại sao mới bắt đầu? Như quý thầy đã biết và đã học giáo lý của đạo Phật thì đạo Phật có ba giai đoạn tu hành:

(53:33) Một: Phải sống đúng giới luật của Phật, tức là sống đúng, sống thuần thiện, sống Phạm Hạnh của người tu sĩ đạo Phật. Trong oai nghi tế hạnh phải thể hiện đầy đủ, ăn, uống, ngủ, nghỉ phải thể hiện đúng Phạm Hạnh. Đó là giai đoạn ly dục.

Hai: Phải nhập tám thứ thiền định đó là: Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định và Diệt Thọ Tưởng Định. Đó là giai đoạn đoạn dục.

Ba: Phải thể hiện được Tam Minh:

1- Túc Mạng Minh

2- Hai Tha Tâm Minh (Thiên Nhãn Minh)

3- Ba Lậu Tận Minh

Đây là giai đoạn tuệ giải thoát.

Ở đây, quý thầy phải nhận rõ, giai đoạn thứ nhất để chúng ta bắt đầu xây dựng một mùa xuân vĩnh cửu. Nếu không rõ giai đoạn này chúng ta sẽ tu hành lầm lạc đường lối của đạo Phật. Hầu hết, hiện giờ người ta tu hành theo đạo Phật lạc lối là ngay từ lúc ban đầu, ngay từ nơi giới luật.

Bởi vậy, Đức Phật còn dạy chúng ta để nhận xét được ba thứ thọ:

1- Thọ lạc.

2- Thọ khổ.

3- Không thọ lạc, không thọ khổ.

Ba thứ thọ này là một tâm của kẻ phàm phu chưa có tu hành, chưa có giữ giới luật gì hết.

Trong thời Đức Phật còn tại thế có một lục sư ngoại đạo cho không thọ lạc, không thọ khổ là Niết Bàn, là cứu cánh. Trong thời đại các vị tổ sư bên Trung Hoa cũng nhận lấy sự không thọ lạc, không thọ khổ này cho là đạo, là sự giải thoát, là Niết Bàn.

“Bình thường tâm thị đạo” hoặc “không ngại là đạo” đó là hai câu nói của hai vị tổ sư Thiền Đông Độ danh tiếng nhất của Trung Hoa. Hai câu này cũng giống như một lục sư ngoại đạo trong thời Đức Phật, cũng cho đó là cứu cánh, là sự giải thoát của con người, là Niết Bàn.

Tâm bình thường là tâm không lạc, không khổ thì đây không phải là sự giải thoát, là đạo, là Niết Bàn mà là một tâm phàm phu không lạc, không khổ. Tâm không lạc, không khổ là tâm không chướng ngại bởi lạc, bởi khổ, thì chỗ này cũng không phải là cứu cánh Niết Bàn.

Bởi vậy, tỳ kheo ni Dhammadinna đã trả lời cư sĩ Visakha:

  • Thưa ni sư, bất khổ, bất lạc thọ lấy gì làm tương đương?

Ni sư trả lời:

˗ Này hiền giả Visakha! Bất khổ, bất lạc thọ lấy vô minh làm tương đương.

Chữ vô minh ở đây chỉ cho một tâm còn phàm phu, vì tâm phàm phu là tâm vô minh, mà tâm vô minh thì còn tham đắm trong ngũ dục lạc, không thể nào gọi là tâm giải thoát được, là đạo được.

Đấy, quý thầy đã hiểu rõ được chỗ này chớ? Đây, quý thầy sẽ nghe tiếp tục:

Ni sư trả lời tiếp tục câu hỏi của Visakha:

˗ Vô minh lấy gì làm tương đương?

˗ Vô minh lấy minh làm tương đương.

Này quý thầy!

Ở đây, minh không phải là thứ trí tuệ tổng hợp do học hỏi, do giải ngộ, do tưởng giải, mà minh ở đây là thứ trí tuệ giải thoát. Trí tuệ giải thoát là trí tuệ Tam Minh.

(58:18) Khi chúng ta tu hành diệt tâm lậu hoặc đoạn dứt tâm ái dục, thì tuệ giải thoát mới xuất hiện, đó là tâm Tam Minh. Vậy minh ở đây phải biết là tâm Tam minh chớ không phải là thứ trí tuệ phàm phu lanh lợi xảo ngôn.

Vậy quý thầy nghe tiếp ni sư Dhammadinna trả lời cư sĩ Visakha:

˗ Thưa ni sư: Minh lấy gì làm tương đương?

˗ Minh lấy giải thoát làm tương đương.

Đến đây, Thầy xin nhắc lại một lần nữa, quý thầy đã rõ tuệ giải thoát là minh, mà minh ở đây là Tam Minh, không phải là thứ trí tuệ phàm phu tổng hợp, vì Tam Minh phải từ thiền định xuất hiện. Mà thiền định là sự đoạn diệt tâm ái dục, mà ái dục là nguồn gốc khổ đau của chúng sanh. Vậy muốn có tâm giải thoát là phải đoạn dứt ái dục.

Bây giờ quý vị nghe tiếp giữa ni sư Dhammadinna và cư sĩ Visakha hỏi đáp:

˗ Thưa ni sư, giải thoát lấy gì làm tương đương.

˗ Này Visakha, giải thoát lấy Niết Bàn làm tương đương.

Vậy tâm giải thoát là tâm phải có đầy đủ Tam Minh, tâm giải thoát phải là tâm đoạn dứt ái dục, tâm giải thoát là tâm Niết Bàn không phải còn là thứ tâm phàm phu tục tử không thọ lạc, không thọ khổ.

Vậy “bình thường tâm thị đạo” và “không ngại là đạo” của thiền sư Đông Độ chỉ tương đương với tâm đang ly dục của đạo Phật mà thôi. Nghĩa là đạo của Thiền Đông Độ chỉ ở giai đoạn tu tập giới luật của đạo Phật, là giai đoạn ly dục, chưa phải là thiền định, chưa phải là cứu cánh.

Tâm không lạc, không khổ thọ là tâm dễ lạc vào định tưởng, mà đã lạc vào định tưởng thì không bao giờ đoạn dứt được tâm ái dục. Không đoạn dứt được tâm ái dục mà cứ tiếp tục tu trong định tưởng như vậy thì sẽ rơi vào thiền định của ngoại đạo, từ đó nuôi lớn thêm ái, thêm ngã, thêm danh, thêm lợi.

Theo đạo Phật, tâm giải thoát là tâm đoạn lìa ái dục, tâm Tam Minh, tâm Niết Bàn, là tâm mùa xuân vĩnh cửu, là mùa xuân hạnh phúc của muôn loài.

Vậy ở đây quý thầy đã hiểu rõ mùa xuân vĩnh cửu là mùa xuân ở trong tâm nào rồi, phải không?

Hôm nay, là cái ngày đầu xuân, là cái ngày Tết, ngày mà những đứa con Phật phải trân trọng ngồi lại trong tư thế kiết già để giữ tâm thiền định, để lắng lòng mình trong sạch, để quán xét các thiện pháp, để tăng trưởng và thực hiện các thiện pháp, để giữ gìn và bảo vệ các thiện pháp, để chấm dứt và loại trừ các ác pháp. Thân, khẩu ý phải thanh tịnh, phải thuần thiện.

9- CHÚC THỌ, MỪNG XUÂN THEO ĐÚNG CÁCH CỦA ĐẠO PHẬT

(1:01:45) Đó, quý thầy phải hiểu là hành động cao quý đầy cung kính mới chúc thọ Thầy và mừng tuổi Phật được. Đó mới đúng nghĩa chúc thọ trong mùa xuân vĩnh cửu.

Còn nếu quý thầy chẳng nghe theo lời dạy của Thầy, mà cứ chạy theo phong tục của thế gian Tết nhất như ngày hôm nay, thì không đúng là chúc thọ, là mừng tuổi trong mùa xuân của đạo Phật.

Này quý thầy!

Quý thầy đừng có bày ra bánh trái hoa quả, sửa sang chùa miễu sạch sẽ, làm cho khang trang mới mẻ, rồi bây giờ họp nhau trước Thầy đảnh lễ, chúc thọ, mừng tuổi qua những lời văn hoa sáo ngữ ngoài đầu môi chót lưỡi, hoàn toàn một cách giả tạo, khách sáo! Đối với đạo Phật, lối chúc thọ như vậy chẳng chúc thọ được những gì. Lối chúc thọ này quý thầy đã bị đồng hóa phong tục thế gian, đó là lối chúc thọ mê hoặc con người, phàm phu, dối trá, gian xảo.

Mà cái gọi là mùa xuân, là mùa xuân ấy chỉ hạn hẹp trong vòng năm bảy ngày. Mùa xuân ấy là mùa xuân đau khổ của con người, của loài người và cả loài vật.

Đạo Phật chỉ xem lối chúc thọ đó không chân thật, xảo trá, giả tạo làm trái ngược với tâm chân thành giải thoát của đạo Phật.

Không chúc thọ thì thôi, mà đã chúc thọ thì phải chúc thọ cho đúng cách, đúng hạnh của đạo Phật. Ở trong thiện pháp, ở trong giới luật của Phật mà thực hiện thân khẩu ý mình thanh tịnh, thì đó quý thầy phải hiểu mới bắt đầu chúc thọ trong mùa xuân vĩnh cửu.

Còn chúng ta muốn hưởng trọn một mùa xuân vĩnh cửu và chúng ta chúc thọ Thầy và chư Phật, thì phải bằng cách vượt không gian và thời gian, có nghĩa là thân, khẩu, ý chúng ta thực hiện thiền định. Nơi đó không có nhân, không có quả, nơi đó mới xứng đáng là lòng thành kính, cung kính của quý thầy gởi lên chúc thọ Thầy, mừng tuổi Phật.

Khi tâm niệm của quý thầy đặt ở chỗ không có không gian và không có thời gian thì ở đó không còn pháp đối đãi nữa. Ở đó quý thầy mới cảm nhận ra được một mùa xuân vĩnh cửu chơn thật. Ở đó quý thầy sẽ chẳng còn dục và chẳng còn dục lạc nữa, và vì vậy mà ở đó phải hiểu không có cảnh buồn, cũng không có cảnh vui.

Ở đó không phải là một trạng thái bình thường của tâm, ở đó cũng không phải là một trạng thái của tâm không chướng ngại. Ở đó phải hiểu nó không còn thiện, không còn ác. Ở đó tuổi thọ không còn ngắn dài mà vĩnh cửu vô cùng, vô tận, ở đó không còn có tái sanh luân hồi.

Ở đó không còn có sự chết chóc, giết hại lẫn nhau, và ở đó cũng chấm dứt sự đau khổ, sự dày vò, sự sân hận, sự thù hận. Ở đó là mục đích của đạo Phật thường hướng dẫn và đưa dắt chúng sanh về đó. Ở đó mới chính là một mùa xuân vĩnh cửu của muôn loài.

Nhưng quý thầy phải nhớ, ở đó chỉ có loài người mới thực hiện được mà thôi. Quý thấy phải nhớ điều đó, chỉ có con người mới thực hiện được mà thôi.

10- TRÁNH LÀM CHIA RẼ THÊM PHẬT GIÁO

(1:05:46) Đến đây Thầy xin chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay. Và để kết thúc buổi nói chuyện này bằng những lời cảnh giác, để quý thầy ngăn ngừa và giữ gìn những lời dạy này để tu chớ không phải để phổ biến ra ngoài.

Ở đây, lời dạy của Thầy là tiếng gọi từ bản thân của Phật giáo, tiếng gọi ấy với một tâm thành tha thiết chấn hưng Phật pháp, tiếng gọi ấy chơn thật không có ý nghĩ xấu xa, không có ý nghĩ tranh chấp, chia rẽ những người con Phật, những Phật tử. Mà tiếng kêu ấy chỉ là tiếng gọi những người con Phật cùng nhau chung lưng đấu cật đoàn kết lại, tay nắm chặt lấy bàn tay, xây dựng lại ngôi nhà Chánh Pháp đúng đường lối của đạo Phật mà từ lâu người ta đã ném, đã quăng bỏ nó đi.

Tuy biết rằng tiếng kêu gọi của Thầy lúc này chưa phải lúc, nhưng vì với tâm tha thiết tu hành của quý thầy muốn hướng về đúng đạo Phật mà chẳng biết lối đi. Do đó, tiếng kêu gọi này với tâm thiết tha của Thầy mong sách tấn và khích lệ quý thầy:

Trước tiên, là để quý thầy nhận biết rõ đường đi lối tu hành chơn chánh của đạo Phật đang bị người ta ném bỏ, quăng đi bởi những pháp môn khác.

Thứ hai, là do sự tự nhận xét của quý thầy để nhận lấy trách nhiệm và bổn phận của mình đối với Phật giáo hiện giờ.

Vì vậy mà quý thầy cần phải kiên trì, bền lòng, chặt dạ, cố gắng vượt lên, nỗ lực thực hiện những gì mà Đức Phật đã dạy cách đây 2536 năm, để làm sống lại Phật giáo chơn chánh, để thắp lên ngọn đuốc sáng nhiệm màu của đạo Phật, và cũng nói lên được con đường thiền định, đâu là đúng của đạo Phật, đâu là không đúng của đạo Phật.

Và cũng xác định cho mọi người thấy con đường thiền định của Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam không bị ảnh hưởng ngoại lai: Tàu, Tây, Nhật, Mỹ, v.v. và v.v. Tự nó phải được lưu xuất từ bản thân Phật giáo chính gốc.

Này quý thầy!

Khi quý thầy đọc lại lịch sử Phật giáo Việt Nam và gần đây quý thầy đọc thiền sư Việt Nam do Hòa thượng Thích Thanh Từ viết rất công phu, góp nhặt được 129 vị tu hành theo đạo Phật. Nhưng xét cho cùng, từ đời sống đến cách thức tu hành của các vị thì một số rất ít, không trên mười vị thì tu đúng con đường của đạo Phật, còn bao nhiêu đều bị ảnh hưởng lai căng của Phật giáo các nơi khác và của các tôn giáo khác trên thế giới này, trên thế gian này.

Cho nên, hiện giờ quý thầy đang tu theo Phật giáo mà chưa chắc đã tu theo đúng Phật giáo. Do đó, quý thầy phải hiểu rằng tiếng kêu chân thật của Thầy là để quý thầy tu hành đúng với đạo Phật, với con đường chơn chánh của đạo Phật. Người tu hành sai đường lối của đạo Phật mà không biết mình tu hành sai đường lối của đạo Phật, thì đó là một điều đau lòng nhất cho thời đại của chúng ta hiện giờ.

Thầy xin nhắc lại một lần nữa, tuy biết rằng thời điểm này chưa phải lúc nói lên, nhưng vì quý thầy đang theo Thầy tu hành ,vì vậy Thầy phải nói, nói để quý thầy tu hành, nói để quý thầy có đủ niềm tin đối với Phật pháp, đối với đạo Phật, đối với con đường đang tu hành của quý thầy.

(1:10:47) Bởi lời nói này chỉ ở trong Tu viện mà thôi, vì thế những lời này quý thầy không được quảng bá lưu hành, không được nhắc đi nhắc lại vì chẳng lợi ích gì cho Phật giáo hiện giờ. Quý thầy nên giữ ở trong tâm của mình để tu hành mà thôi.

Tại sao vậy? Tại vì thời điểm này khoa học đang tiến triển mạnh, môn sử học đã được khai triển khám phá tận gốc, vì thế kinh điển Phật đã được phơi bày trước ánh sáng khoa học. Kinh nào là của Phật thuyết và kinh nào là của người sau thuyết, điều ấy sẽ lần lượt được chứng minh, phơi bày rõ ràng cho mọi người thấy. Vì thế, con người trên thế gian đang bị sốc về tôn giáo Phật giáo rất nặng.

Họ đang hoang mang, dao động trong kiến chấp, tưởng chấp của họ, bây giờ nghe những lời dạy này họ sẽ không còn đủ bình tĩnh sáng suốt để nhận định đâu là chơn, đâu là giả, vì thế họ sẽ hiểu lầm và đánh giá những lời dạy này, làm mất ý nghĩa cao đẹp của nó.

Họ sẽ cho rằng những lời này là những lời khích bác, chống đối nhau. Họ sẽ cho rằng những lời dạy này là những lời không đúng con đường trung đạo của đạo Phật. Vì họ thấy rằng chúng ta sống đúng trong giới hạnh của Phật, ly dục, họ cho rằng chúng ta ép xác và khổ hạnh, vì thế, họ sẽ tìm mọi cách mà chống đối lại những lời dạy này.

Họ sẽ không hiểu được đây là những lời thành thật, không ngụy biện, không dối trá, không khích bác, thành thật, ngay thẳng, chỉ thẳng để mọi người thấy rõ con đường của đạo Phật thật sự chơn thật. Họ sẽ không hiểu được rằng những lời dạy này là những lời tốt đẹp cao cả, chỉ để khuyến khích tăng ni và cư sĩ trên đường tu tập theo Phật giáo mà không sợ lạc lối lầm lạc ngoại đạo.

(1:14:20) Lại một lần nữa: Quý thầy chỉ nên lấy những lời dạy này sách tấn tâm mình tu tập mà thôi. Không nên đem những lời dạy này ra phổ biến khiến cho Phật giáo hiện giờ ngày càng chia rẽ lại càng chia rẽ trầm trọng hơn. Bởi vì, chính vì họ đang tu sai con đường của đạo Phật, bởi vì, chính vì họ đang chấp sai con đường tu hành của họ, bởi vì, chính vì họ đang bị những lý luận làm mờ mắt họ.

Muốn phá một điều gì, mà điều đó không đúng của đạo Phật thì trước tiên chúng ta phải lo xây dựng cái mới, cái cho đúng của đạo Phật. Còn hiện giờ chúng ta đừng dùng mồm mép nói tốt, nói xấu, nói đúng, nói sai, thì đó là cách thức tạo thêm mâu thuẫn cho nhau mà chẳng xây dựng được những gì, càng gây thêm tình trạng chia rẽ gay gắt, chẳng ích gì cho Phật pháp, còn làm cho hoang mang dao động ở hàng Phật tử.

Hiện giờ, quý thầy chỉ được hiểu lời dạy này là tiếng gọi sách tấn cho quý thầy, giúp cho quý thầy đầy đủ lòng tin trên đường tu tập. Vì vậy, Thầy nhắc lại lời kêu gọi này chỉ được thực hiện trong nội bộ của chúng ta mà thôi.

Nếu quý thầy không nghe lời dạy này, không nghe lời dạy của Thầy, mà vì lòng thương người khác lưu hành những lời dạy này thì lỗi của quý thầy. Khi quý thầy chưa tu hành xong, chưa thực hiện xong mà đem những lời dạy này cho người khác tức là quảng cáo, thì quý thầy chưa thấy được đúng thời điểm của nó, nếu có sự gì xảy ra quý thầy sẽ chịu trách nhiệm đối với đạo Phật.

Còn riêng Thầy, lời dạy này chỉ là tiếng gọi quý thầy cố gắng tu hành cho đúng đường lối của đạo Phật mà thôi. Thầy không có ý gì khác hơn là ý ấy.

11- ĐỪNG ĐỂ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT CỦA ĐẠO PHẬT BỊ DÌM MẤT

(1:17:43) Tóm lại, để kết thúc bài nói chuyện hôm nay, buổi nói chuyện hôm nay:

Hiện giờ, quý thầy đã nhận rõ đường lối và phương hướng tu hành của đạo Phật. Vậy, từ đây quý thầy phải lấy giới luật làm nền tảng vững chắc cho con đường tu của mình. Đừng bao giờ vì dục lạc thế gian mà phạm giới thể, đừng bao giờ vì dục lạc thế gian mà biến Phật giáo thành thần giáo, đừng bao giờ vì dục lạc thế gian mà biến ông Phật thành ông thần!

Này quý thầy!

Quý thầy phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ đạo Phật, đừng để mọi phong tục, tập quán của con người bất cứ đến từ nơi đâu đồng hóa đạo Phật, dìm mất đạo Phật, làm sai lạc đường lối giải thoát của đạo Phật.

Nếu quý thầy đã xuất gia, đã ly gia cắt ái, quý thầy đã từ bỏ tất cả mọi gì trên thế gian này, chỉ còn một bát, ba y để sống ăn xin như một người không có gì hết, như một người vô gia đình, như một người không có một vật gì tùy thân ngoài ba y một bát, thì quý thầy phải thấy được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với đạo Phật hiện giờ.

Quý thầy là những sứ giả Như Lai, nếu quý thầy còn chạy theo ngũ dục lạc thế gian mà mặc chiếc áo Như Lai, mà ngồi tòa Như Lai thì Thầy e rằng quý thầy không thể tránh khỏi đọa địa ngục.

Quý thầy có nhìn thấy các bậc tôn túc của chúng ta trải qua một thời gian mà chúng ta đã chứng kiến chưa: hình thức đạo Phật, danh nghĩa đạo Phật, dưới lớp áo đạo Phật mà làm tất cả những việc thế gian. Vì thế, mà các bậc tôn túc ấy khi bỏ thân này họ phải chịu lấy một sự đau khổ đôi ba năm trên giường bệnh, họ phải chịu rên la cùng khổ trên giường bệnh, họ phải chịu sự hôi thúi do cơ thể của họ trên giường bệnh để cho mọi người chứng kiến.

(1:21:53) Thầy không kể ra đây những tên tuổi các bậc tôn túc ấy làm gì, nhưng Thầy tin rằng quý thầy đều biết rõ. Danh lợi của các bậc ấy càng cao tột đỉnh, hàng giáo phẩm của các bậc ấy càng cao tột đỉnh thì sự ra đi của các bậc ấy càng khổ đau, càng dày vò nhiều! Đó là chứng tỏ các vị đọa địa ngục tại thế gian này.

Này quý thầy!

Quý thầy hãy lấy những gương hạnh này để quý thầy soi mình, để quý thầy cảnh giác mình, để quý thầy hãy lo lấy thân mạng mình, rồi đây không khéo quý thầy cũng đọa địa ngục tại thế gian như vậy.

Đừng có lý luận che đậy những tội lỗi này bằng cách trả nghiệp, dồn nghiệp. Chúng ta đã được thân này, đã được phước báu ly gia cắt ái, mặc áo Như Lai, ba y một bát tu hành như thế này, thì tất cả nghiệp ác của đời trước chúng ta đã chấm dứt từ lâu, hôm nay chúng ta mới được như thế này, chớ không còn mang theo những nghiệp ác đời trước đến với chúng ta nữa đâu. Chỉ có nhân quả hiện đời mà chúng ta làm thì chúng ta phải chịu lấy, chịu lấy để cảnh tỉnh cho người sau, để nhắc nhở cho người sau, chớ không phải chịu lấy để mà lý luận, bịt mắt, che đậy người sau.

Đến đây Thầy xin chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay. Quý thầy cùng Thầy niệm hồi hướng:

Nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả pháp giới và chúng sanh đều trọn thành Phật Đạo!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy