00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

(02:34:15)

CON “QUỶ” GÙ

LÒNG YÊU THƯƠNG không phân biệt người có hình dáng tốt đẹp hay xấu xa. Bởi vậy bất cứ người nào trong xã hội loài người, ai cũng có thể thực hiện được lòng yêu thương và mang đến cho mọi người. Câu chuyện “Con Quỷ Gù” là một bài học đạo đức nhân bản - nhân quả rất cụ thể rõ ràng, để mỗi người lấy đó soi lại mình để thấy rằng mình có thực hiện được LÒNG YÊU THƯƠNG chưa? Sống trong cuộc đời, chung đụng với mọi người chúng ta hãy đem lòng yêu thương đến với mọi người. Chúng ta cho đi lòng yêu thương thì đừng sợ mất lòng yêu thương, vì lòng yêu thương là một đức hạnh nhân quả. Cho nên ai đã cho LÒNG YÊU THƯƠNG thì sẽ nhận được LÒNG YÊU THƯƠNG. Bởi nhân nào quả nấy, (147) dù chúng ta không muốn nhưng nó vẫn đến.

“Khoảng năm 1977, 1978…​ lò đường với máy móc tự tạo thô sơ vẫn hoạt động 24/24. Chúng tôi phải chia ca ngày và ca đêm. Công việc của tôi lúc đó khi thì vác mía từ ghe vào kho, khi đứng ép ở bộ che, lúc gánh bã mía ra phơi ngoài nghĩa địa gần đó, hay gánh trấu và củi gộc vào cho thợ đốt lò. Đôi vai học trò không quen việc nặng đã khiến tôi nhiều đêm phát khóc vì nhức nhối, ê ẩm cả người.

Công nhân ở đây chia làm hai phe: phe công nhân tổ viên là những người có cổ phần trong lò đường, số còn lại được tuyển thêm để bù vào số lao động còn thiếu. Một ông già người Hoa làm hỏa đầu quân, và hai người thợ máy ăn ở luôn trong lò đường: một người cao tuổi ốm lêu nghêu; người kia trẻ hơn, nhỏ thó, lưng hơi gù, gương mặt xấu xí kinh khủng với những u thịt lớn nhỏ đủ cỡ. Anh này thường bị chọc ghẹo, không phải chỉ vì tướng tá dị hợm mà còn vì cái tên buồn cười của anh: Cưng.

Mấy anh trên lò hay nói: “Cha này khôn thiệt, già trẻ gì cũng phải kêu chả bằng cưng!”. Khi đó đứa con gái nào dài giọng: “Anh Cưng ơi!”, thì những đứa còn lại cứ đứng ôm bụng mà cười. Tính anh dễ dãi, không hay giận, nhiều khi còn tự làm trò cho chúng tôi cười. Nhìn đôi mắt ti hí của anh nháy nhó giữa đám u (148) thịt và đôi môi thâm đen ngoác ra khoe mấy cái răng cửa gãy ngang, người ta khó thể không tự hỏi sao ông Trời lại cắc cớ nặn ra một con người hiền lành, dễ thương dưới hình dạng một con quỉ xấu xí, đen đủi như thế.

Bọn trẻ có khi độc ác một cách vô ý thức trước cái hiền lành của anh. Khi anh ra con sông gần đó tắm, lập tức quần áo trên bờ không cánh mà bay. Khi anh ngủ, người ta cứ rình lúc anh vừa hé miệng là tuôn vào một nắm muối. Ác hơn nữa, chiếc áo đen thui mỡ dầu của anh máng gần chỗ ngủ có lần tự nhiên dính đầy trái mắt mèo, và người ta xúm nhau cười khoái chí khi thấy anh vừa nhảy tưng tưng vừa gãi đến toé máu.

Thanh Liên là tác giả của một số trò đùa độc ác nhất. Nó xinh đẹp nhất bọn chúng tôi. Trớ trêu thay, bên trong gương mặt thiên thần đó là một tâm hồn rất ít lòng nhân. Khi trêu chọc anh, mỗi lời nói của nó giống như một nọc ong, và không hiểu sao nó lại thấy hả hê khi hành hạ anh ấy. Khi tạm nghỉ để ăn trưa, vừa thấy anh từ xa là nó hét: “Biến đi đồ quỉ, làm người ta ăn cơm hết ngon!”. Anh lẳng lặng bỏ đi, lưng như gù cao hơn và cổ rụt sâu xuống vai như cố che giấu gương mặt nhợt nhạt vì đau đớn.

Tôi làm ở đó được hơn một năm thì các tổ viên trong ban điều hành cho hay lò đường lỗ (149) nặng, sắp giải thể. Đêm ấy, chúng tôi ép ghe mía cuối cùng, lòng trĩu nặng. Trong khi chờ cần xé nhồi đầy bã, tôi lơ đãng đôi mắt nhìn theo những bọt mía dơ bẩn, đục ngầu chảy lờ đờ theo mương nước chè. Đột nhiên trong tiếng máy ầm ầm, nhiều tiếng la hét hãi hùng vang lên khiến tôi giật bắn người. Rồi là tiếng ken két rợn người của dây cu-roa bị hãm gấp, tiếng chân người rầm rập ùa đến bộ che. Lúc chen được vào trong, người tôi mềm nhũn, mặt mày xây xẩm. Thanh Liên với mái tóc bị xén ngang nham nhở, gương mặt như sáp. Và rùng rợn hơn, anh thợ máy của chúng tôi đổ gục xuống, một cánh tay nát bét trong con che, máu nhầy nhụa loang đỏ bệ hứng.

Không biết bằng cách nào người ta đem được anh ra để chở đi cấp cứu. Khi tôi đến bệnh viện thăm, anh đã bị cắt một tay đến khuỷu.

Thanh Liên không có can đảm đến thăm anh một mình. Nó rủ tôi cùng đi. Tôi định từ chối, nhưng thấy gương mặt thảm não của nó, tôi không đành.

Chúng tôi còn ngoài hành lang bệnh viện đã nghe tiếng người oang oang trong phòng:

- Anh giúp nó làm gì. Nó là con quỉ cái!

- May mà có anh nhanh tay xén ngang tóc nó, nếu không nó đã bị cuốn vào che cho đáng (150) đời. Đã cấm ép mía không được xoã tóc mà cũng cố làm điệu. Còn anh thì trong lúc gấp gáp cứu người lại vô ý để che ăn tay.

Tiếng anh Cưng yếu ớt:

- Thôi đừng trách. Liên còn con nít mà!

Thanh Liên nấc lên. Một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt xinh đẹp, rồi giọt nữa, giọt nữa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy nó khóc.

Nó hối hận vì những trò đùa tai ác hay xấu hổ vì câu nói của con quỉ gù xấu xí có tấm lòng của một thiên thần?”.

Tuy nói LÒNG YÊU THƯƠNG, nhưng trên đời này có mấy ai biết đem LÒNG YÊU THƯƠNG đến với mọi người. Một người xấu xí như con quỷ gù lưng thế mà có lòng nhân ái như thiên thần. “Đẹp người không bằng đẹp nết”, hoặc “cái nết đánh chết cái đẹp”, người xưa có những lời ca tụng lòng yêu thương đem đến cho người khác rất thiết thực, cụ thể và tuyệt vời. Chúng ta nên học gương hạnh này, đem lòng yêu thương đến với mọi người. (151)

--o0o--

image

CHỨA CHAN TÌNH MẸ LÒNG YÊU THƯƠNG hãy mang biếu tặng cho mọi người, vì mọi người đang cần đến nó, nếu thiếu nó cuộc đời sẽ trống vắng và đau khổ. Nhưng hiện giờ đối với mọi người, LÒNG YÊU THƯƠNG không có, mà chỉ có vàng bạc, ngọc ngà, châu báu, tiền của, vật chất. Những thứ này càng nhiều càng tốt.

Đứng về góc độ yêu thương, thì dù nhà tranh vách lá người ta vẫn yêu thương nhau. Trong tôn giáo cũng vậy, không phải ngôi chùa nghèo mà không nuôi trẻ mồ côi được. Nhưng từ một ngôi chùa nghèo nàn bằng tranh lá đơn sơ, chỉ nhận nuôi những trẻ mồ côi và người già yếu neo đơn, rồi chẳng bao lâu ngôi chùa xây cất đồ (152) sộ vĩ đại có hằng bạc tỷ. Như vậy có phải vì LÒNG YÊU THƯƠNG hay vì tiền bạc?

Thật sự người ta mang lòng yêu thương đến với các cháu mồ côi bằng một lòng yêu thương của NGƯỜI MẸ THƯƠNG CON thì lòng yêu thương ấy mới có giá trị. Chúng ta hãy đọc “Chứa Chan Tình Mẹ” thì mới thấy người mẹ trong câu chuyện dưới đây không sinh con, mà chỉ có lòng yêu thương đối với các cháu bất hạnh khi sinh ra chẳng biết cha mẹ mình là ai.

Chúng ta hãy thương các cháu mồ côi hơn con đẻ của mình, vì các cháu vô phước khi mở mắt chào đời không biết cha mẹ mình là ai. Với đôi mắt của chúng, những ai là người THƯƠNG YÊU chúng thì chúng xem như cha mẹ của mình.

“Các con của chị, đứa nhỏ nhất mới mấy tháng tuổi, đứa lớn hơn 30. Đến tháng tám này, ở tuổi 53, chị đã có 131 đứa cháu nội, ngoại, hai mươi mấy đứa vừa con, vừa rể, vừa dâu…​ Tôi được biết chị trong một vài lần về làm phim tư liệu cho trại trẻ mồ côi ở Tây Ninh.

Năm 1965, vì chiến tranh, chị rời quê Bến Tre lên Tây Ninh tìm phương sinh sống để nuôi mẹ già và bốn đứa cháu mồ côi. Chị xin vào phụ giữ trẻ ở trại cô nhi Tây Ninh khi đang tuổi 22 xuân thì. Ba mươi hai năm qua, nơi này là mái ấm gia đình, là hơi thở, là cuộc sống, là niềm (153) hạnh phúc của chị. Chị đã cùng sống, cùng chia sẻ nỗi buồn vui, đau đớn với các trẻ bất hạnh, gắn bó với chúng.

Tôi đọc được ở một nhà trẻ: “Chưa là mẹ nhưng chứa chan tình mẹ”. Dường như trong đó thấp thoáng hình bóng của chị.

Những thân phận con trẻ lạc loài vào đây là bắt đầu cho cuộc sống mới với số mệnh đau thương bằng hành trang: không tên, không tuổi, không cha, không mẹ, chưa kể đến hơn 70% trường hợp trẻ vào trại có thể trạng gần như suy kiệt. Có cháu còn lòng thòng dây rốn, có cháu bị bỏ trước cửa trại hai mắt bị mù, có cháu đặt nằm trong thau với cái miệng bị hở hàm ếch đến vòm họng, có cháu mang cái đầu to đùng vì não bị úng thuỷ, dị dạng, dị tật, bại liệt, lở lói ghẻ chốc, có cháu bò lổm ngổm trong bụi cây đầy kiến vàng…​ Con mồ côi ở các huyện gửi, bệnh viện mang đến, có người vì quá nghèo nên đem con đến trại cho. Có nhiều trẻ sơ sinh khi phát hiện chỉ còn thoi thóp, tái xanh, tái xám…​ Nhưng chị đã cứu chúng sống cho đến bây giờ. Tất cả những số phận bất hạnh bị người đời vứt bỏ ấy đã được chị mở rộng vòng tay đón chúng vào lòng. Chị ôm ấp, yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng chúng lớn lên, dìu dắt chúng vào đời với tấm lòng nhân hậu và độ lượng của mình: dù sao chúng cũng là những con người vô tội, đã trót sinh ra với kiếp đời (154) nghiệt ngã.

Chị làm cho mỗi đứa một giấy khai sinh đàng hoàng để còn đi học. Chị đặt tên, chọn họ cho từng đứa một, chọn ngày lành tháng tốt lấy làm ngày sinh tháng đẻ cho chúng với kỳ vọng cuộc sống ngày mai của chúng sẽ là những may mắn, sung sướng và hạnh phúc (bé Minh bị mù hai mắt, thằng Phong Lưu bị bại não, thằng Sang, thằng Mạnh, con Vui, thằng Phú, thằng Quí…​).

Mỗi đứa bé là một số phận gắn liền với cuộc đời của chị. Chị đã khóc sung sướng khi bé Bình với hai bàn tay, bàn chân dị dạng, bước những bước đi chập chững đầu tiên trong cuộc đời không may của mình, cũng như phải thức suốt đêm vì những cháu bại liệt bị sốt đột ngột…​ Và đau đớn khi chúng lìa đời vì căn bệnh vô phương cứu chữa.

Ai đã từng nuôi con, nhìn chúng lớn lên với cuộc đời chắc đã thấm với những lo toan, bận bịu cho một đứa trẻ. Riêng chị đã phải gánh vác từ 60 - 70 đứa trẻ nheo nhóc chỉ với hai, ba người cộng sự, nhất là giai đoạn 1978 - 1980, lúc đất nước gặp khó khăn, gạo không đủ ăn, chị đã phải dùng bo bo (cao lương) ngâm nước rồi xay thành bột làm bánh tráng cho các cháu ăn. Các cháu sơ sinh thì cho bú sữa…​ bo bo xay, trộn bắp, đậu đen, đậu đỏ…​ (155)

Hàng trăm mảnh đời khác nhau, hàng trăm dòng máu khác nhau, nhưng chúng đã hoà quyện làm một khi vào đây sống với chị. Đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ, đứa nhỏ bế em bé. Có thể nói, khó mà biết được rằng chúng không hề là anh em ruột với nhau. Chúng cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi và cùng khóc sướt mướt khi một đứa trẻ vì bệnh tật qua đời…​

Bấy giờ nhiều đứa con của chị đã lớn khôn, đã thành danh và đã làm nên việc: hơn 20 người là giáo viên các cấp, rồi thợ mộc, thợ may, thợ hồ…​ Những đứa con cứng cáp với đời như chị nói, lại được chị lo dựng vợ gả chồng, làm tiệc cưới hẳn hoi, cũng có bông đeo tai, nhẫn cưới làm của hồi môn.

Suốt quãng đời đã qua của chị là những nỗi lo: Lo hết gạo, hết củi, sợ mùa mưa đến, vì mỗi lần đầu mùa mưa có từ bảy đến tám đứa bệnh, rồi đến dịch sốt xuất huyết, năm nào cũng chuẩn bị dành dụm tiền (từ công lao động của các con lớn) để có thể mua thuốc trị bệnh ngay cho các cháu nhỏ…​

Giờ đây, cơ sở vật chất của trại cũng khá đầy đủ nhờ vào những đoàn từ thiện, từ các sở, ban, ngành quản lý thường xuyên giúp đỡ, cuộc sống ở trại đỡ vất vả hơn trước. Nhưng chị vẫn chưa hết lo âu: ra đời rồi nhưng nhiều đứa nghèo, vất vả, đến lúc khó khăn lại kéo về đây (156) tá túc vài ba hôm, đến khi đi chị phải xúc cho hai ba bát gạo…​ Mới đây chị cho tôi hay, hết năm 1998 chị phải về hưu, vì chị là biên chế chính thức của ngành lao động thương binh và xã hội. Tôi hỏi chị có dự định gì chưa. Chưa bao giờ chị nghĩ rằng một ngày nào đó chị rời xa căn nhà chứa đầy kỷ niệm hạnh phúc giữa chị và các con. Rời xa các con là sự mất mát lớn lao, vì nguồn an ủi duy nhất trong cuộc đời của chị chính là những đứa con mồ côi”.

Chúng ta hãy theo gương người phụ nữ trong câu chuyện trên đây mang LÒNG YÊU THƯƠNG đến với mọi người, nhất là các cháu mồ côi, lòng yêu thương ấy cao cả và tuyệt vời. Nếu mọi người trong xã hội ai cũng biết đem lòng yêu thương như người phụ nữ trên đây thì xã hội sẽ đẹp đẽ vô cùng. (157)

--o0o--

image


Trích từ:Lòng Yêu Thương - Tập 2
Trích dẫn - Ghi chú - Copy