Mục Lục

Đánh Dấu

00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

(03:43:39)

CÓ THỜ CÓ THIÊNG, CÓ KIÊNG CÓ LÀNH

Câu hỏi của Liễu Giác

Hỏi: Kính bạch Thầy! Người đời thường nói: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì thế ở đâu cũng phải thờ cúng thần linh, thổ công (đất có Thổ Công, sông có Hà Bá). Vậy thờ cúng như thế nào cho đúng chánh pháp?

Có người bị bệnh ung thư gan; có người bị bại liệt; có người bị tóc kết rồng phượng trên đầu, người đời cho đó là Thần Thánh phạt phải ra hàng đầu bốn phủ, có nghĩa là phải lên đồng, nhưng những bệnh nhân này đã làm (175) theo, kết quả thực tế những bệnh nhân này đều chết hết, như vậy tiền mất tật mang như lời Thầy đã dạy.

Sau khi những thân nhân của các bệnh nhân này đã chết mà họ còn không tỉnh ngộ, họ còn u mê, vì thế, mỗi năm cứ đến ngày giỗ, họ làm cỗ bàn linh đình giết hại bao nhiêu sinh vật, đốt rất nhiều đồ mã cho người quá cố. Như vậy có lợi gì có hại gì? Xin Thầy giảng rõ cho chúng con hiểu hiện giờ và mai sau con cháu của chúng con không còn lầm đường lạc nẻo mê tín lạc hậu như vậy nữa.

Con thành tâm sám hối Phật, sám hối Thầy và cô Diệu Quang từ bi thương xót xá tội cho chúng con đã thưa hỏi quá nhiều, tuy biết rằng tuổi già sức yếu của Thầy, nhưng chúng con hiểu ngoài Thầy ra không có vị Thầy nào giảng dạy cho chúng con được thân tâm an lạc và giải thoát như Thầy.

Kính thư

Thay mặt một số chị em

Con: Liễu Giác

Đáp: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, câu tục ngữ của người xưa đã dạy như vậy, câu này nó đã trải qua biết bao đời người, người ta rút ra được cái kinh nghiệm thiêng và lành đó, (176) nhưng người xưa đâu biết cái thiêng và cái lành đó ở đâu mà ra.

Cái linh thiêng đó không phải ở chỗ thờ phụng tức là không phải ở chỗ tượng cốt, hình ảnh, bình vôi, ông táo, gốc đa, thổ công, thành hoàng, thổ địa, hà bá, thủy long, ông địa, thần tài v.v.. mà ở chỗ tâm của con người.

Hằng ngày, chúng ta thường đến thắp hương lạy lễ dù là gốc cây, cục đá, gò mối lâu ngày tâm chúng ta truyền cảm năng tín lực tưởng vào đó biến gốc cây, cục đá, gò mối linh thiêng, ai đi ngang qua không tỏ lòng cung kính, khạc nhổ, tiêu, tiểu nơi đó sẽ bị nhức đầu, bệnh đau v.v.. có khi rối loạn thần kinh giống như người điên.

Vậy cái thiêng của gốc cây, gò mối, cục đá có phải tự nó thiêng đâu, nó thiêng là nhờ tín tâm của chúng ta mà Đức Phật đã nói rằng: đó là năng lực tưởng của con người.

Cho nên, thế giới siêu hình có là do năng lực của tưởng chúng ta tạo thành, vì thế nó không thật có chỉ là tưởng tri tạo ra mà thôi.

Chúng ta chớ nên tạo ra cái thế giới siêu hình đó, nó không ích lợi cho chúng ta mà còn là một tai họa, một gánh nặng cho chúng ta. (177)

Nhà thiền học Suzuki nói: “Nếu chúng ta làm sống cái thế giới siêu hình là chúng ta đem đến tai họa cho con người”. Đúng vậy, từ bao đời cái thiêng ấy đã khiến cho người ta tốn biết bao nhiêu tiền của về sự cúng bái tế lễ cho cái thế giới ảo này. Cái thế giới này chẳng giúp gì cho chúng ta được, cuối cùng tiền mất tật mang, bởi vì luật nhân quả do mình tạo ra thì mình phải chịu lấy, không có một ai chịu thay hay phù hộ cho mình được. Nếu có ai chịu thay cho mình hay phù hộ cho mình thì đó là một việc làm không công bằng, vô đạo đức.

Người ta đâu ngờ rằng, những tai qua nạn khỏi của con người là nhờ hành động thiện của họ đã chuyển hóa sự đau khổ nạn tai, chứ không phải do cái thiêng của gốc cây, cục đá, gò mối mà chuyển họa thành phước được.

Bởi cái thiêng đó do tâm của các con tạo ra, nó là một năng lực của tưởng thức các con, chứ nó không thật có, nếu các con không tin tưởng, không thắp hương, không cúng tế không lạy lễ…​ thì cái thiêng đó không còn thiêng nữa. Các con cứ suy ngẫm có đúng như lời Thầy đã nói không? Nếu đúng thì các con tin, còn không đúng thì đừng tin. (178)

Có kiêng là có lành, người ta nói: “Mùng năm, mười bốn, hai mươi ba. Đi chơi cũng lỗ lựa là đi buôn”. Trong sách xem ngày giờ tốt xấu cho ba ngày ấy trong tháng là ba ngày “tam sát”, người đi đường xa hay khởi công làm ăn một việc gì hoặc thưa kiện…​ mà chọn trong ba ngày ấy thì trăm ngàn lần đều thất bại, từ đó đã ghi nhận vào tâm mọi người một ấn tượng xấu cho những ngày ấy và vì thế mọi sự tai họa xảy ra trong đời người đều xảy ra đúng vào những ngày ấy, vì vậy người ta rất kiêng cữ vào những ngày xấu đó.

Người Tây phương kiêng cữ ngày 13 trong mỗi tháng, ngày đó họ ít đi đâu cũng như chúng ta kiêng ngày lẻ, đi đường vào những ngày lẻ dễ xảy ra tai nạn, nên thường chọn vào ngày chẵn mà đi, làm ăn cũng như đi đường xa vậy, người ta đều chọn ngày chẵn.

Như chúng tôi đã nói ở trên do lòng tin của chúng ta mà năng lực tưởng tạo ra thế giới siêu hình biến thành một thế giới tai họa cho loài người. Từ nơi tâm của chúng ta tạo ra thế giới siêu hình thì cũng từ nơi tâm của chúng ta đã tạo ra nhân quả thiện ác, do đó nhân quả thiện ác cũng theo từng tâm niệm và lòng tin đó của chúng ta mà thực hiện luật nhân quả (179) thưởng phạt rất công minh, do thế con người lại không hiểu, nên cho đó là có chư Phật, chư Bồ Tát, Bát Bộ Thiên Long cùng chư Thần, chư Thánh hoặc Tam Bảo gia hộ, nói chung là người của thế giới siêu hình cứu khổ, cứu nạn chúng ta, nhưng chúng ta đâu có ngờ rằng thế giới siêu hình không có gia hộ cho ai cả, mà chỉ có luật nhân quả đang chuyển họa thành phước, đang chuyển phước thành họa, chúng ta lầm tưởng những người thế giới siêu hình cứu giúp chúng ta.

Ngày giờ, thời tiết không có tốt hay xấu, ngày nào, giờ nào cũng như ngày nào, giờ nào, ngày nấy, giờ nấy cũng như ngày nấy giờ nấy, mà chỉ do lòng tin của con người đã biến thành ngày giờ tốt xấu.

Vì lòng tin, tức là tâm linh của con người đã tạo thành ngày giờ tốt xấu ấy, từ đó chúng ta gây ảnh hưởng cho nhau để rồi có ngày, có giờ phải kiêng cữ trong tháng trong năm, đúng là chúng ta đã tự tạo ra cho mình nhiều thứ khổ, đi đâu hoặc làm cái gì đều phải xem ngày giờ tốt xấu thật là phiền phức, sự phiền phức này do ai tạo ra cho chúng ta, đó là sự vô minh tức là sự không hiểu biết, hiểu biết không rõ do (180) đó lòng tin tạo ra thêm những sự rắc rối phiền phức này.

Do lòng tin ngày tốt ngày xấu tự nơi tâm chúng ta thì luật nhân quả cũng tự nơi tâm chúng ta mà thi hành, nên luật nhân quả từng theo tâm niệm và lòng tin của chúng ta ban phát hành luật, vì thế có kiêng là có lành.

Những người hay kiêng cữ tin vào ngày giờ tốt xấu khi nhân quả đến, thường đến trong những ngày xấu giờ xấu là tại sao vậy?

Luật nhân quả theo lòng tin của người đó mà trả quả như trên chúng tôi đã nói, và lúc bấy giờ người trả nhân quả thì không còn nhớ đến ngày giờ tốt xấu nữa và cũng không làm chủ được ngày giờ tốt xấu đó.

Ví dụ: Một người trộm cắp giết người sau bao ngày trốn tránh công an nhưng hôm đó nhằm ngày 14 anh ta lại ngủ quên công an bao vây mà không hay nên anh bị bắt, khi anh bị bắt thì anh nghĩ: “Ngày 14 là ngày xấu”. Do lòng tin của anh ngày 14 là ngày xấu thì luật nhân quả nó rõ thấu tâm niệm anh như vậy nên quả bị bắt thì phải nhằm ngày đó. Do đó, chúng ta mới thấy rõ lòng tin tốt ra tốt, lòng tin xấu ra xấu, nhưng chúng ta phải hiểu hành (181) động chúng ta xấu thì làm sao chúng ta tin nó tốt được, vì nó là lương tâm của chúng ta.

Ví dụ: Hôm qua chúng ta chửi mắng và đánh người khiến cho họ khổ đau, thế mà, chúng ta tin mình làm tốt được hay sao? Làm tốt sao lại chửi mắng đánh người, vu khống người, làm khổ người?

Cũng như hôm qua chúng ta bị người khác chửi mắng và đánh nhưng chúng ta nhẫn nhục không chửi mắng, không đánh lại người, không tức giận, không phiền não, khiến cho người này không giận dữ và bớt khổ đau. Những hành động như vậy chúng ta có tin mình tốt được không? Những hành động này chúng ta biết rất rõ không làm khổ mình, khổ người là những hành động tốt, biết rất rõ là những hành động tốt thì chúng ta có lòng tin không? Chắc hẳn là tin rồi phải không?

Cho nên, lòng tin của chúng ta là mọi sự quyết định cho cuộc sống vui hay buồn, khổ đau hay an lạc.

Trong giáo lý của nhà Phật, lòng tin là trên hết, nhưng tin phải tin đúng chánh pháp, tin đúng chánh pháp tức là tin vào thiện pháp, có tin vào thiện pháp thì mới có cuộc sống (182) trong thiện, có cuộc sống thiện thì mới có cuộc sống an vui, thanh thản, an lạc và vô sự.

Lòng tin ấy khi được đặt vào tà pháp, tức là tin có thế giới siêu hình, tin có ngày giờ tốt xấu, tin có bản thể vạn hữu, tin có thần thông phép tắc, tin có bùa chú linh thiêng, tin có cõi Cực Lạc Tây Phương, tin có Thiên Đàng, Địa ngục v.v.. lòng tin như vậy sẽ đưa chúng ta đến muôn ngàn sự khổ đau bởi chính lòng tin ấy thúc đẩy chúng ta đi vào ác pháp, hành động ác pháp, do đó mới tiền mất tật mang, khổ đau lại còn khổ đau hơn, như vậy niềm tin đó không phải là niềm tin đúng chánh pháp.

Như chúng ta đã biết, lòng tin tạo nên tâm lực con người. Vì thế, khi ở đâu có lòng tin có ma thì ở đó có ma, lòng tin có quỷ thì ở đó có quỷ, lòng tin có thần thì ở đó có thần…​ quỷ, ma, thần có được là do lòng tin của chúng ta, ngoài lòng tin thì không có ma, quỷ, thần và như vậy lòng tin đã thị hiện ma, quỷ, thần chứ không phải có ma, quỷ, thần thật, từ lòng tin sanh ra ma, quỷ, thần, ngoài lòng tin thì không có ma, quỷ, thần, như trên Thầy đã nói. Cho nên, thiêng hay không thiêng đều do lòng tin của con người mà có. (183)


Trích dẫn - Ghi chú - Copy