Mục Lục

Đánh Dấu

00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

(01:40:13)

CHƯƠNG III - NGỒI ĐỨNG PHẢI ĐÚNG CÁCH

Có 7 giới

(Từ giới thứ 18 cho đến giới thứ 25) (105)

Giới thứ mười tám: KHÉO CHE THÂN KÍN ĐÁO KHI NGỒI TRONG NHÀ CƯ SĨ

Vị tỳ kheo, khi vào ngồi trong nhà người cư sĩ, y áo phải khéo léo che thân kín đáo, không được bày lộ da thịt thân mình hở hang hoặc tay, chân, ngực, bụng v.v..

Người tu sĩ đạo Phật, ăn mặc phải kín đáo, dè dặt khi y, áo bị rách hoặc chưa phủ kín thân thì không được bước chân ra đường hoặc vào nhà cư sĩ, nếu không để ý, y áo lôi thôi, làm mất vẻ nghiêm trang và thiếu đúng đắn đạo hạnh của một người tu sĩ chân chánh đạo Phật thì người hiểu biết sẽ đánh giá trị là kẻ lừa đảo tín đồ buôn Phật bán Pháp, làm ô uế đạo Phật.

Người thế tục ở ngoài đời có giáo dục đạo đức, cũng còn không ăn mặc hở hang, lôi thôi, xốc xếch, huống là một vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật lại ăn mặc bày da, hở thịt hay sao? (107)

Vì thế, người tu sĩ đạo Phật khi ăn mặc cần phải cẩn thận hơn, y, áo mặc, đắp phải ngay ngắn, tề chỉnh và kín đáo, thì mới xứng đáng là người đệ tử của Đức Phật và không phạm lỗi vào oai nghi tế hạnh của một trăm giới luật chúng học.

Oai nghi tế hạnh trong một trăm giới chúng học, quý vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni phải cố gắng giữ gìn nghiêm túc đừng để vi phạm. Vì những hành động vi phạm vào giới luật này sẽ làm Phật Pháp suy đồi và đạo Phật sẽ biến mất; đạo Phật sẽ biến mất thì những gì quý báu nhất của loài người cũng sẽ bị mất, đó là nền đạo đức nhân bản nhân quả không làm khổ mình khổ người mà chúng tôi đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Phật giáo hiện giờ còn lại những thứ cặn bã tà giáo ngoại đạo mê tín lừa đảo lường gạt người khác một cách trắng trợn mà không có pháp luật nào bắt tội họ được.

Cho nên đạo Phật mất thì trên thế gian này loài người chịu một thiệt thòi rất lớn. Tại sao vậy?

Nền đạo đức nhân bản của đạo Phật không có thì loài người sẽ xâu xé và giết hại lẫn nhau, một bằng chứng rất cụ thể là thế giới không lúc nào mà không có chiến tranh và không có nước nào mà không có trộm cắp cướp của giết người. Nếu con người trên hành tinh này có được nền đạo đức ấy thì người người sẽ không làm khổ cho nhau, họ sẽ (108) xây dựng cảnh sống thế gian này trở thành một cảnh sống Thiên Đàng mà mọi người đang mơ ước.

Cách đây 2542 năm đạo Phật xuất hiện ra đời chưa đầy trăm năm mà đã bị giáo pháp Bà La Môn dìm mất, gần như tín đồ Phật giáo không còn hiểu biết giáo pháp của Phật là giáo pháp nào? Cho nên đạo đức nhân bản của đạo Phật rất thiết thực, cụ thể và lợi ích to lớn cho kiếp sống của con người trên hành tinh này, thế mà hiện giờ mọi người chẳng có ai biết đến, không những tín đồ cư sĩ mà ngay cả những vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni cũng chẳng biết. Đạo đức của đạo Phật mà họ còn chẳng biết thì thử hỏi còn pháp môn thiền định nào của Phật giáo mà họ hiểu đúng được.

Họ hiểu giáo pháp của Đức Phật qua ống kính của giáo pháp Bà La Môn bằng những lý thuyết suông như trong kinh Đại Thừa có câu chuyện:

Một vị Tiên nhân đắc ngũ thông muốn đến cầu pháp với Phật, ông ta bèn nhổ hai cây hoa ngô đồng để dâng cúng Phật, khi đến gặp Phật ông cầu pháp giải thoát, Đức Phật bảo :

- Buông xuống!

Ông ta liền buông cây ngô đồng xuống, nhưng Đức Phật lại bảo:

- Buông xuống nữa!

Ông ta liền buông cây ngô đồng còn trên tay xuống, nhưng Đức Phật lại bảo:

- Buông xuống nữa! (109)

Lúc bây giờ ông ta lấy làm lạ hỏi:

Bạch Đức Thế Tôn, con đã bỏ hết còn gì mà bỏ nữa?

Đức Phật giải thích:

- Ta bảo ông muốn giải thoát thì phải bỏ căn, trần, thức chứ không phải bảo ông bỏ hai cây ngô đồng, bỏ hai cây ngô đồng thì làm sao có giải thoát được”.

Câu chuyện trên chỉ là một lý luận suông chứ không có thực hành được, vì con người có thể bỏ sáu trần như: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, còn sáu căn như: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý và sáu thức như: nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức thì không có cách nào bỏ được, chỉ lý luận vui chơi như: “thấy như không thấy, nghe như không nghe, biết như không biết”. Do những lý luận suông này, nên đời này, đến đời khác chẳng ai tu giải thoát sanh, già, bịnh, chết cả, chỉ là những huyền thoại lừa đảo, lường gạt tín đồ và mọi người với những lý luận tuyệt vời: “Kiến tánh thành Phật, tánh thấy, tánh nghe, tánh biết, ngũ uẩn giai không, xả căn, trần, thức, độ hết chúng sanh thành Phật v.v.. (110)”.

Nhưng đến thời đại chúng ta đã có người tu đúng giáo pháp của Đức Phật, thấy được rõ ràng thâm ý ác độc của Bà La Môn Giáo quyết tâm diệt sạch Phật giáo trên hành tinh này bằng một chiêu bài Giáo Chủ Đức Phật Di Lặc ra đời, thay thế Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nếu sự thay thế này được thành tựu thì đạo Phật sẽ bị diệt mất. Đây là có một sự sắp xếp từ xưa của các giáo sĩ Bà La Môn làm một cuộc cách mạng Phật giáo, chỉ còn chờ ngày lật đổ Đức Phật Thích Ca mà thôi.

Trước khi lật đổ đạo Phật, họ đã đưa giáo pháp của họ lồng trong giáo pháp của Phật Thích Ca và chúng còn chế ra Bồ Tát giới cấm tu sĩ và cư sĩ không được học và tu theo Giáo Pháp Nguyên Thủy của Phật, cho đó là giáo pháp của Thinh Văn, Nhị Thừa ngoại đạo.

Từ khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt đến giờ đã có hơn hai nghìn năm, đạo Phật chỉ còn là hình thức và danh từ, nghĩa là những tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni đã vi phạm và phá sạch giới luật của đạo Phật, họ không còn là một vị tu sĩ chân chánh, sống đầy đủ đức hạnh, làm gương tốt cho tín đồ. Họ là những vị tỳ kheo của Bà La Môn Giáo thường làm những việc mê tín, tụng kinh, niệm Phật, cúng bái, cầu khẩn, xây chùa, đúc chuông, xây tháp, đúc tượng Phật to, ngồi thiền ức chế tâm, niệm bùa, đọc chú, bắt ấn v.v.. làm hao (111) tài, tốn của của biết bao nhiêu đồng bào phật tử trong nước cũng như ở ngoại quốc, họ chẳng làm lợi ích gì cho con người trong thực tại bằng những đạo đức làm người, bằng mồ hôi nước mắt của họ, họ lại còn gây tạo ra tai hại rất lớn, đó là dẫn dắt con người vào thế giới siêu hình mê tín, thần quyền, phi đạo đức, phi nhân quả v.v..

Cho nên người tu sĩ đệ tử của Đức Phật phải thấy trọng trách của mình là không những giữ gìn một trăm giới chúng học cho nghiêm chỉnh mà còn phải giữ gìn tất cả giới luật của Phật, không được vi phạm, vì vi phạm những giới luật này, oai nghi tế hạnh đạo đức làm người, làm Thánh Tăng sẽ mất đi; đạo đức làm người, làm Thánh Tăng mất đi thì không xứng đáng là đệ tử của Đức Phật, nhất là cách thức ăn mặc phải được kín thân không được hở hang bày da hở thịt và không được lôi thôi, xốc xếch v.v..

Bày da hở thịt là cách thức khiêu dâm gợi dục, mà khiêu dâm gợi dục là những hành động của hạng người phàm phu tục tử, chỉ biết mua dâm bán thể xác để làm cuộc sống thật là hèn hạ và ô nhục, những hạng người này không phải là con người mà là con thú vật không biết xấu hổ, họ bán dâm dục như một nghề làm ăn sinh sống khác, họ cho sự dâm dục như là sự ăn và ngủ, họ đâu biết rằng ăn, ngủ là là hai phương tiện để sống, (112) nếu không ăn và ngủ thì con người không thể sống được, còn không dâm dục thì người ta vẫn sống và sống một cách khỏe mạnh hơn là người dâm dục nhiều.

Người đời thường cho dâm dục giống như ăn và ngủ thì không đúng. Nếu con người dâm dục mà không đúng tư cách đạo đức làm người thì có khác nào là một con thú vật, cho nên dâm dục trong đạo đức, trong tình nghĩa vợ chồng, phải chung thủy và trung thành với nhau, còn dâm dục nay người này mai người khác không có luân thường đạo lý, đó là kẻ vô đạo đức, vô giáo dục.

Những bậc Thánh Nhân thì không thể như con người phàm phu thường tình được, họ hoàn toàn phải tuyệt dâm dục, có tuyệt dâm dục thì mới được gọi là Thánh Nhân, nếu còn dâm dục thì không được gọi là Thánh Nhân. Cho nên giới hạnh về ăn mặc thì phải kín đáo, không khiêu gợi dâm dục, hành động ăn mặc kín đáo không bày da hở thịt là những hành động đạo đức của con người và của những bậc Hiền Thánh. (113)

--o0o--

Giới thứ mười chín: KHÔNG ĐƯỢC ĂN MẶC Y ÁO CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

Vị tỳ kheo, phải ăn mặc đúng cách, y hạ, y trung và y thượng, ba y một bát phải đầy đủ khi ra đường cũng như đến nhà cư sĩ, thân mình ăn mặc kín đáo không được hở hang, không được mặc y áo của người cư sĩ, không nên mặc áo trồng đầu, áo thêu bông hoa hoặc túi bát thêu màu mè, cây, cảnh, hoa, lá v.v..

Không được mặc áo có sọc hoặc áo ca rô, không nên mặc áo bằng các loại da thú, không nên mặc áo cặp (áo kép, áo đôi), không nên mặc áo bằng vỏ cây, bằng lá cây, bằng anh lạc, bằng lông, bằng tóc, bằng lông đuôi ngựa v.v..

Nói chung tất cả hàng lụa vải tốt, vải nhập mà người thế gian đang may mặc các loại y, áo, cũng như các loại pháp y của ngoại đạo. Vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật không nên may sắm, mặc, nhất là (114) các loại y áo của ngoại đạo thì lại càng không được bắt chước may mặc.

Hiện giờ giới tu sĩ Phật giáo Việt Nam, ăn mặc đủ loại, bắt chước y áo của các tôn giáo khác và màu sắc đủ loại sửa bên nầy, chấp bên kia, giống như y áo thế gian, chạy theo “mode” thời đại nên áo chẳng ra áo, y chẳng ra y, áo đời cũng chẳng ra áo đời, áo đạo cũng chẳng ra áo đạo.

Lại có một số tu sĩ ăn mặc theo y áo thế tục; áo thun, áo blouse, áo veston, áo len v.v.. kiểu mode ngoài đời.

Tu sĩ Phật giáo hiện giờ ăn mặc theo kiểu Phật giáo mới (Tân Tăng). Từ cách ăn mặc, cho đến cách tu hành đều không giống như Đức Phật và chúng Thánh Tăng ngày xưa lúc còn tại thế. Vì thế, giới luật Phật không còn giới nào mà họ không vi phạm, cho nên tu mãi thành danh, thành lợi, thành bọn ma vương, quỷ la sát v.v.. chớ không thành giải thoát.

Nếu mùa đông rét lạnh thì nên mặc nhiều lớp y, chớ không nên mặc áo lông thú.

Người tu sĩ đạo Phật còn thích mặc áo thế gian thì nên trở về đời sống cư sĩ, vì tâm đời còn đầy ắp ham muốn thì làm sao tu giải thoát theo đạo Phật cho được. Tu giải thoát là phải buông bỏ sạch các pháp thế gian, chỉ còn ăn mặc y, áo xấu xí, vải bó (115) thây ma thô xấu kết lại thành một miếng vải lớn để vấn cho kín đáo thân, mà có tên gọi là áo Cà Sa.

Nếu vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni, ăn mặc sang đẹp áo quần thế gian thì đó là tu sĩ của ngoại đạo chớ chẳng phải là đệ tử của Đức Phật. Đức Phật ngày xưa đắp y phấn tảo, ngày nay đệ tử của Người không còn như vậy nữa. Chúng tỳ kheo tăng và chúng tỳ kheo ni đã vi phạm một trăm giới chúng học này, không còn một giới nào mà không vi phạm, vì giáo pháp Đại Thừa là giáo pháp bị thế tục hóa đã lừa đảo và biến họ thành những tu sĩ ngoại đạo, mà chính họ, họ cũng không hay biết, cứ ngỡ mình là tu sĩ tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni đệ tử của Đức Phật. (116)

Giới thứ hai mươi: KHÔNG ĐƯỢC LIẾC NGÓ HAI BÊN KHI ĐI VÀO NHÀ CƯ SĨ

Vị tỳ kheo khi đi đường cũng như đi vào nhà người cư sĩ, không nên liếc ngó trước sau và xung quanh. Phạm hạnh của người tu sĩ là phải phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý của mình, để không bị dính mắc sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp, vì thế, không được ngó qua, ngó lại, chỉ ngó xuống hoặc ngó ngay phía trước chừng một du dà (một du dà dài bằng bốn cánh chỏ), không nên ngó một bên mà cũng không nên ngó ngoái lại đàng sau lưng, cứ thẳng mà ngó ngay tới phía trước và bước chậm rãi mà đi, nhưng phải dự phòng loài trâu, ngựa, chó dữ v.v.. không nên đi gần nó lắm.

Vị tỳ kheo, không nên gục đầu như ngựa đi, như kiểu người khiêng kiệu, không được xem ngó đông tây, nếu khi muốn nhìn ngó chỗ nào thì (117) phải xoay hết mình qua hướng đó rồi mới xem.

Tất cả những lời dạy trên đây đều nằm trong giới luật của Phật, vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật cần nên lưu ý và cố gắng giữ gìn, đừng để cho sai phạm. Chính không cho sai phạm những oai nghi tế hạnh này tức là đã góp phần vào sự xây dựng và chấn hưng Phật giáo, chứ không phải cất chùa to Phật lớn làm cảnh quang đẹp đẽ; mà cũng chính không cho sai phạm những giới luật này là để tâm ly dục ly ác pháp; có ly dục ly ác pháp thì đời sống tu sĩ mới có sự giải thoát.

Những giới luật này chúng ta phải hiểu, nó giúp cho sự tu tập của chúng ta rất lớn về sự phòng hộ sáu căn, có phòng hộ sáu căn thì tâm chúng ta mới dễ ly dục ly ác pháp, chính ly dục ly ác pháp là pháp môn “Độc cư” nội tâm của chúng ta. Mục đích giới luật là để thực hiện tâm “không phóng dật”.

Nhờ tâm có ly dục ly ác pháp thì giới luật mới thanh tịnh, giới luật có thanh tịnh thì tâm mới thanh tịnh, tâm có thanh tịnh thì tâm mới nhập được các Thánh Định, còn tâm chưa thanh tịnh mà tu thiền định là tu tà thiền. Do vậy ta mới biết rõ cần phải sống và tu tập giới luật cho nghiêm túc, không hề được vi phạm một lỗi nhỏ, thì mới mong nhập được các chánh định của đạo Phật.

Hành động đi không ngó qua, ngó lại là những (118) hành động phòng hộ sáu căn của người mới tu theo đạo Phật, nhưng phải hiểu đó là những hành động đạo đức và đạo hạnh của những bậc Thánh Nhân, người đời không thể có những hành động này được, vì tâm họ còn tham đắm quá nhiều vật chất, nên dễ bị lôi cuốn vào các pháp thế gian, mắt luôn luôn nhìn ngó hai bên, tai luôn luôn thường nghe ngóng không có thứ gì bên ngoài mà họ bỏ sót, mọi sự việc xảy ra họ đều bị dính mắc trong tâm cả.

Đi không ngó qua, ngó lại là một việc làm rất khó, chứ không phải dễ, nếu không có nhiệt tâm tu giải thoát theo đường lối của đạo Phật đã dạy: “Cách thức phòng hộ sáu căn” thì không bao giờ có ai giữ gìn được.

Chỉ có những hàng Thánh Nhân mới có những hành động đi ngó xuống và không bao giờ ngó qua, ngó lại, liếc tới, liếc lui, đó là các ngài đã quét sạch lòng ham muốn và ác pháp trong tâm của mình, nên nhờ đó đi nhìn xuống mà rất tự nhiên, không có một chút gò ép và ức chế tâm mình.

Hàng phàm phu tục tử không thể nào có những hành động này được, dù có cố gắng cách nào cũng không giữ được nhìn xuống một cách tự nhiên. Tại sao vậy?

Vì tâm của họ còn ham muốn quá nhiều. Cho (119) nên đây là những Thánh hạnh, đạo đức của bậc Thánh, không thể phàm phu mà thực hiện được. Trong một trăm giới chúng học này rất là cao quý, không những chỉ dạy trau dồi, tu tập đạo đức làm người mà còn chỉ dạy những hành động đạo đức của bậc Thánh Nhân, nhưng đây chỉ là một trong hai giới luật gạch nối, từ đạo đức làm người đến đạo đức Thánh Nhân.

Vậy các vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni muốn trở thành những bậc Thánh Tăng và Thánh Ni, thì chỉ có nghiêm trì giới luật nghiêm túc, trước tiên mới xứng đáng là đệ tử của Đức Phật, là những bậc Thánh Tăng và Thánh Ni; sau cùng quý vị là những gương hạnh đạo đức tốt cho tín đồ soi và còn giữ gìn mạng mạch của Phật giáo được trường tồn mãi mãi muôn đời. (120)

--o0o--

Giới thứ hai mươi mốt: KHÔNG ĐƯỢC LIẾC NGÓ HAI BÊN KHI NGỒI TRONG NHÀ CƯ SĨ

Vị tỳ kheo, phàm ngồi trong nhà người cư sĩ, tâm phải chân chánh, mắt phải ngó ngay và nhìn xuống, buộc tâm tưởng niệm mà ngồi, không nên xem người qua kẻ lại trong nhà, cũng như xem bọn trẻ con ca, múa, hát v.v..

Khi đến nhà người cư sĩ, người chủ nhà chưa mời ngồi thì không nên ngồi, phải xem xét kỹ lưỡng chỗ nào là chỗ dành riêng cho người tu sĩ thì mới ngồi, còn bằng không thì đứng nói một vài điều cần thiết rồi xin phép cáo lui.

Nếu vào nhà cư sĩ chưa được mời mà ngồi liền, thì không đúng tư cách đạo đức của người tu sĩ, nhưng khi được mời ngồi, mà chỗ ngồi không phù hợp với người tu sĩ như: giường, chõng, võng, ghế nằm của phụ nữ và của trẻ con thì xin phép được đứng nói chuyện một lúc rồi cũng xin cáo lui đi. (121)

Phàm con người có giáo dục đạo đức, khi đến nhà người khác, thì không được nhìn liếc ngó lung tung, phải nghiêm trang nhìn ngó xuống chân mình, chỉ khi nào người chủ nhà giới thiệu những vật dụng trong nhà và hướng dẫn đi xem, thì người tu sĩ phải đoan trang nhìn mọi vật với tâm không ham thích. Mọi vật dù có đẹp đến đâu, có kỳ lạ đến đâu, nó cũng là các pháp vô thường, không nên vì các vật đó để tâm thấy tốt xấu, phải nhìn nó bằng đôi mắt bàng quang, dù nó có tiện nghi cho đời sống như thế nào, nó cũng chỉ toàn là ác pháp thường mang đến sự đau khổ cho loài người, vì ham thích nên thường sanh ra tranh chấp, tạo biết bao nhiêu sự khổ đau cho nhau.

Cho nên khi vào nhà người cư sĩ mà giữ gìn được tư cách đạo đức ngồi đúng nơi, đúng chỗ là người biết giữ gìn giới luật để không làm mất uy danh của Phật giáo, đó là một điều rất khó, phải nói cách thức ngồi trong nhà người cư sĩ đúng cách không phải dễ, ngồi như thế nào để hiện tướng phước điền, khiến cho mọi người sanh lòng cung kính và tôn trọng.

Người giữ gìn được Thánh hạnh này là bậc Thánh Tăng, không phải phàm phu mà giữ được, dù có cố giữ gìn cũng chỉ là hình thức bên ngoài, chớ nội tâm thì không phải vậy. Cho nên giới nầy rất khó chớ không phải dễ giữ gìn, chớ nên xem (122) thường một trăm giới chúng học là một trăm giới khinh tội nhẹ. Một trăm giới luật này là một trăm hành động đạo đức của con người và của Thánh Nhân, không phải là thứ đạo đức tầm thường. (123)

--o0o--

Giới thứ hai mươi hai: ĐI VÀO NHÀ CƯ SĨ PHẢI GIỮ GÌN IM LẶNG

Vị tỳ kheo khi đi vào nhà người cư sĩ, không được ở ngoài cổng kêu réo, gọi to tiếng, hoặc đứng trước cổng nói chuyện lung tung, đó là làm mất vẻ oai nghi tế hạnh của người tu sĩ. Khi đến trước cổng không thấy ai, phải đứng đợi, chờ khi có người ra rồi mới ra dấu xin mở cửa cho vào. Khi vào trong nhà phải sống trầm lặng, ít nói, nếu có việc gì cần thì nói một vài lời, ai có hỏi điều gì thì trả lời gọn nhẹ, không được giải thích lòng vòng. Nếu có ai nhắn điều chi cần thiết thì ôn tồn nhã nhặn hỏi lại.

Vị tỳ kheo khi đến trước cổng nhà người thì cần phải giữ gìn im lặng không được kêu réo om sòm như trên đã dạy, phải chịu khó chờ đợi, nếu chờ đợi không thấy ai thì ta đến nhà người kế bên, nhờ người khác đến gọi dùm, đó là chúng ta rất (124) cần gặp chủ nhà vì có duyên sự cần thiết, nếu không có việc cần thì chúng ta trở về, chẳng nên làm động ai cả.

Đạo hạnh của người tu sĩ là phải vậy, lúc nào cũng giữ im lặng, không được làm ồn náo, đó là một hành động đạo đức của người có giáo dục trong gia đình Phật giáo. Ngược lại người không có giáo dục đạo đức của Phật giáo, thường đi ngoài đường, cũng như đến nhà người khác hay nói chuyện phiếm, chuyện này dẫn đến chuyện khác, chuyện không ích lợi, chuyện tào lao. Tiếng nói to lớn, có khi vừa nói vừa cười làm ồn náo, không có vẻ nghiêm trang thanh tịnh chút nào cả.

Ngoài đời, những người có đạo đức họ còn giữ gìn im lặng, tề chỉnh, ít nói thường lắng nghe, cái gì đáng nói thì nói, cái gì không đáng nói thì thôi, không nói bậy bạ, đó là những hạng người có giáo dục trong gia đình đạo đức, còn những người không có giáo dục đạo đức thì chúng ta xin miễn nói, dù có nói thì cũng chẳng ích lợi gì cho họ, chắc chắn không bao giờ họ nghe chúng ta.

Riêng tu sĩ Phật giáo, chúng ta cần phải giữ bổn phận của mình, vì muốn thoát ra mọi sự khổ của kiếp làm người; vì phải sống đúng gương hạnh đạo đức giải thoát không làm khổ mình khổ người để cho tất cả tín đồ soi; vì Phật Pháp trường tồn và hưng thịnh nên chúng ta phải sống đúng giới luật (125) để làm thầy Trời, Người. Vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn im lặng, không được to tiếng, kêu réo, la lối, hú, gọi v.v..

Có như vậy mới xứng đáng là những vị tỳ kheo tăng và những vị tỳ kheo ni đệ tử của Đức Phật; có như vậy mới xứng đáng là bậc Thánh Tăng và Thánh Ni, là Thầy Trời, Người.

Tóm lại người tu sĩ đệ tử của Đức Phật phải giữ gìn im lặng, nghiêm trang và tề chỉnh để thực hiện con đường giải thoát, chính sự ít nói, im lặng mới là đức hạnh “độc cư”. Độc cư là bí quyết thành tựu Tứ Thánh Định của đạo Phật mà trong đời này ít ai lưu ý. (126)

Giới thứ hai mươi ba: NGỒI TRONG NHÀ CƯ SĨ PHẢI GIỮ GÌN IM LẶNG

Vị tỳ kheo khi ngồi trong nhà người cư sĩ, cần phải lẳng lặng, ngồi im như bậc Thánh Hiền, nếu có ai hỏi đến thì tùy duyên theo câu hỏi mà đối đáp, tiếng nói phải ôn tồn, nhẹ nhàng, êm diệu, từ tốn, nhã nhặn, hiền hòa v.v..

Nếu vị tỳ kheo có muốn hỏi điều chi, thì phải nói vừa đủ nghe, muốn gọi ai không được kêu réo to tiếng mà phải khảy móng tay cho người đó biết, nếu người đó không nghe và không hiểu ý mình gọi, thì phải nói với người ngồi gần bên, nói truyền lại.

Trong kinh sách Nguyên Thủy Đức Phật đã dạy: “Này các thầy tỳ kheo, các thầy phải sống trầm lặng, ca ngợi sự trầm lặng, ưa thích sự trầm lặng”, đó là những lời dạy chí tình, chỉ thẳng (127) những bí quyết thành công trong đường tu tập giải thoát.

Hầu hết giới luật và giáo pháp của Đức Phật đều dạy phải giữ gìn im lặng, không được làm ồn náo, làm ồn náo là phạm vào oai nghi tế hạnh, không những riêng trong một trăm giới chúng học này mà còn tất cả giáo pháp của Người. Nếu ai đã làm ồn náo, là đã vi phạm vào đời sống của Đức Phật. Ngài không chấp nhận những sự làm ồn náo đó, vì làm ồn náo con đường tu sẽ không tu tập đến đâu cả.

Người tu sĩ làm ồn náo, không xứng đáng là đệ tử của Đức Phật. Xưa Đức Phật đuổi năm trăm vị tỳ kheo, đệ tử của ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên vì làm ồn náo nơi Đức Phật đang trú và còn quở trách ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên không giáo dục đệ tử của mình cho đúng tư cách đạo đức của một vị tỳ kheo có đầy đủ đạo hạnh.

Đọc trong kinh Nguyên Thủy, ta thấy rất rõ ràng, các vị đệ tử của Lục Sư ngoại đạo thường sống ồn náo, thích tranh luận nói chuyện đủ thứ. Cho nên trong giáo đoàn của Đức Phật lúc thời bấy giờ có các vị tỳ kheo nào làm ồn náo, thích tranh luận, nói chuyện phiếm thì được xem là đệ tử của ngoại đạo, chứ không phải là đệ tử của Đức Phật.

Đức hạnh của một người tu sĩ đạo Phật là đức trầm lặng, đức trầm lặng là đức (128) hạnh của những bậc Thánh Nhân, chớ không phải kẻ phàm phu mà sống được như vậy.

Người phàm phu thường sống trong ồn náo, thích vui chơi, ca hát, thích nói chuyện tào lao, thích làm việc này đến việc kia, thích đi đây đi đó, không bao giờ chịu sống vô sự, im lặng và nhất là thích xây dựng nhà cửa kiên cố, kiến tạo những cảnh quang đẹp đẽ, làm hao tốn tiền của vật chất của con người mà chẳng có ích lợi gì thiết thực cho cuộc sống tu hành giải thoát của họ, còn khiến cho mọi người đam mê cảnh quang đẹp đẽ ấy và cũng vì vậy mà làm hao tốn tiền của mọi người để đi chơi, du ngoạn cảnh.

Bởi những hành động giữ gìn im lặng, ít nói, sống trầm lặng, độc cư là những hành động đạo đức của những bậc Thánh Hiền trên đường tu hành giải thoát của đạo Phật mà hầu hết thời nay ít có người sống và thực hiện được những đức hạnh này.

Tu viện Chơn Như có cả trăm người ở tu, nhưng khi khép vào đức hạnh “ăn” của Thánh Hiền “ngày một bữa”, tất cả tu sĩ bỏ đi gần phân nửa, đến khi khép họ vào đức hạnh “ngủ” của bậc Thánh Hiền, ngày đêm chỉ “ngủ bốn tiếng đồng hồ” thì họ bỏ đi gần hết, chỉ còn lại năm ba người, đến khi khép vào đức hạnh “độc (129) cư” của bậc Thánh Hiền “sống trầm lặng” thì họ lại bỏ đi hết, chỉ còn sót lại một hai người mà thôi.

Thế mới biết sống độc cư, trầm lặng là đức hạnh của những bậc Thánh Hiền, đâu phải người phàm phu mà sống được, chỉ có những bậc chơn tu giới đức thì mới sống trọn vẹn với đức hạnh này. Tuy danh từ độc cư thì dễ nhưng mấy ai đã sống được, xem vậy mà rất khó vô vàn. (130)

--o0o--

Giới thứ hai mươi bốn: ĐI ĐƯỜNG HOẶC ĐI VÀO NHÀ CƯ SĨ CHẲNG ĐẶNG CƯỜI GIỠN, NÓI CHUYỆN ỒN NÁO

Vị tỳ kheo khi đi ngoài đường, cũng như khi đi vào nhà người cư sĩ, không được cười giỡn nói chuyện “bô lô ba la” làm ồn náo mất vẻ nghiêm trang, khiến oai nghi tế hạnh không có, làm cho mọi người khi nghe thấy khinh khi cười chê.

Cười giỡn tức là vừa nói, vừa cười ngả nghiêng ngả ngửa (cười bằng thích thú).

Người đời có đạo đức một chút vẫn giữ nghiêm trang không cười giỡn nhất là ở ngoài đường và vào nhà của người khác.

Cười giỡn là tánh tình của trẻ con, Thiền Tông dạy người sống như “anh nhi” tức là sống như trẻ con. Đối với đạo Phật thì không phải vậy, một (131) người tu giải thoát thì không phải tối ngày cười hề! Hề! Đùa giỡn như trẻ con mà phải sống trầm lặng, sống có trí tuệ “tri kiến giải thoát”, khiến cho tâm hồn thanh thản và an lạc. Đi ngoài đường cũng như đến nhà người cư sĩ đều đầy đủ oai nghi tế hạnh, không như trẻ con cười giỡn ồn náo.

Gần đây có một số thiền sinh tập cười, lúc nào cũng nở trên môi một nụ cười tươi như hoa “Chúm chím”, “Hề! Hề!” để chứng tỏ mình đã giải thoát, nhưng không ngờ hành động đó là một người khùng, điên lãng trí (bịnh thần kinh) chớ không phải người tu giải thoát. Vì người tu giải thoát theo đạo Phật thì sống nghiêm nghị, trầm lặng, vô sự v.v..

Những oai nghi tế hạnh trầm lặng như vậy mới xứng đáng là những bậc Thánh Tăng, đệ tử của Đức Phật, nên giới luật cấm các vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni không nên có những hành động thiếu giáo dục “Mỉm cười, cười hề! Hề! Cười duyên”. Nếu cười như vậy đó là những vị tu sĩ tỳ kheo thiếu đạo đức Thánh hạnh. (132)

--o0o--

Giới thứ hai mươi lăm: NGỒI TRONG NHÀ CƯ SĨ CHẲNG ĐẶNG CƯỜI GIỠN

Vị tỳ kheo khi ngồi trong nhà người cư sĩ, phải ngồi ngay ngắn tề chỉnh nghiêm trang, giống như tướng người đại nhân, không được cười đùa giỡn hớt theo thói trẻ con.

Không nên vừa nói, vừa cười; không nên cười mỉm với người khác; không nên cười nịnh bợ với người khác; không nên cười tình với người khác phái.

Khi nói chuyện cũng như lúc đang ăn cơm, không nên cười giỡn hoặc nói chuyện phiếm, dù có việc đáng cười cũng không nên cười to tiếng. Nếu không nhịn được thì phải lấy vạt y, áo che miệng lại rồi cười.

Đây là hành động đạo đức của con người, khi ở trong nhà hay chùa, am, thất người khác thì không (133) được cười giỡn to tiếng dù ở trong nhà hay chùa, am, thất của mình cũng vậy, vì cười giỡn to tiếng, làm ồn náo là một hành động thiếu đạo đức nghiêm trang, tề chỉnh và trầm lặng.

Người có giáo dục đạo đức thì không bao giờ cười giỡn to tiếng, mà luôn luôn giữ gìn sự điềm đạm, cười nói nhẹ nhàng, đúng cách, lúc nào cũng giữ bầu không khí thanh tịnh, trang nghiêm, êm đềm, vui tươi, hòa nhã, dù ở nhà mình hay đến nhà người khác hay bất cứ nơi đâu đều giữ một mực như vậy.

Tóm lại bảy giới luật này chỉ dạy chúng ta cách thức đi, đứng, ngồi, cho đúng đạo đức làm người và Thánh Hiền, khi đã học xong bảy giới luật này thì bốn hàng đệ tử của Đức Phật phải nghiêm trì, thực hành cho đúng, đừng để vi phạm mà sẽ trở thành người thiếu đạo đức, khi mà đã thiếu đạo đức thì chúng ta chẳng khác gì là một con thú vật mang lớp người không hơn không kém.

Muốn thoát ra những hành động của loài thú vật thì chúng ta phải cố gắng thực hiện cho bằng được những hành động đạo đức mà giới luật của Đức Phật đã dạy. (134)

--o0o--

CHÌA KHÓA GIỚI LUẬT

Muốn vào cửa thiền định của đạo Phật, phải dùng chìa khóa “Giới luật” thì sẽ mở được cửa. Ngoài chìa khóa giới luật ra thì không còn phương cách nào mở cửa Tứ Thánh Định và Tam Minh. (135)

(136)


Trích dẫn - Ghi chú - Copy