(00:45:52) Cho nên có hai phương pháp mà chúng ta tập luyện để phá hôn trầm. Cái phương pháp thứ nhất là năm hơi thở: Thở năm hơi thở, ngồi xuống năm hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành hai mươi bước rồi ngồi lại năm hơi thở. Và cứ đứng lên, ngồi lại như vậy khoảng thời gian chừng năm, ba phút thì nó cũng sẽ hết hôn trầm. Mà nếu hôn trầm nặng nữa thì chúng ta lại dụng hơi thở chậm nhẹ, một hơi thở chậm nhẹ và năm hơi thở bình thường. Nếu nó bị hôn trầm nặng hơn nữa thì chúng ta mới dùng hơi thở nín khi chúng ta thở ra hết. Đó là cách thức Thầy dạy trước kia.
Nhưng mà vì Thầy thấy sợ cái hơi thở chậm nhẹ và nín nguy hiểm cho quý thầy. Vì quý thầy sơ cơ, chưa có biết sử dụng nó thì nó gây ảnh hưởng, quý thầy bị rối loạn, đứt mạch máu mao quản làm cho quý thầy bị khạc ra máu, làm cho quý thầy trở thành bệnh tật, cho nên Thầy không muốn dạy điều này. Chứ sự thật ra, dạy những cái hơi thở đó giúp cho quý thầy phá hôn trầm và thùy miên rất dễ dàng, rất nhanh.
Cho nên trước kia, Thầy có dạy rằng thở hơi thở rất mạnh khi bị hôn trầm, thùy miên, thì thở phát ra tiếng, thì nó cũng sẽ hết. Tất cả những phương pháp này đều là qua cái kinh nghiệm bản thân của Thầy, Thầy rút tỉa ra mà dạy lại cho quý thầy. Nhưng trong kinh sách của Phật, thì đức Phật không có dạy điều này.
Thầy cũng nói thẳng, nói thật, cái gì của Thầy thì nói ra, cái gì không phải của Thầy, cái gì của Phật thì Thầy nói. Đức Phật chỉ có đi kinh hành. Nghĩa là khi bị hôn trầm, thùy miên có năm điều kiện mà đức Phật dạy, thì cái đi kinh hành đó là một trong những điều kiện mà đức Phật dạy để phá hôn trầm. Khi ông Mục Kiền Liên bị hôn trầm, do đó đức Phật thị hiện đến để chỉ cho ông ta phá hôn trầm, cái đi kinh hành là một điều quan trọng trong thời đức Phật dạy. Còn bây giờ, Thầy có những phương pháp Thầy thấy cụ thể và nhanh chóng để phá hôn trầm.
(00:47:53) Ăn không khó nhưng ngủ khó đó, bị hôn trầm, thùy miên là rất khó chứ không phải dễ. Độc cư thì còn khó hơn. Bởi vì độc cư thì sẽ bị tuôn trào, tuôn trào mà đi nói chuyện thì kể như là chúng ta phóng dật, và phóng dật thì không biết đời nào mà chúng ta tu xong.
Cho nên ở đây đức Phật đã xác định cho chúng ta biết được là khi đức Phật mà sắp sửa Niết bàn, thì đức Phật đã di chúc lại cho chúng ta: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Vậy thì cái mục đích tâm không phóng dật mà các nhà Đại Thừa, Thiền Đông Độ nghĩ rằng “Cái tâm không niệm thiện, niệm ác là không phóng dật”. Cho nên do đó mà đẻ ra các pháp ức chế tâm.
Còn trái lại, đức Phật nói “tâm không phóng dật”, có nghĩa làm từ cái chỗ ly dục ly ác pháp, từ cái chỗ giới luật xả tâm thì tâm mới không phóng dật. Vì vậy mà đức Phật xác định cho chúng ta biết rằng tâm không phóng dật thì cái tâm nó ở đâu? Cho nên đức Phật nói: “Tâm định trên thân”. Do đó, chúng ta mới biết được, lúc bấy giờ tâm nó sẽ định vô cái thân của nó, chứ nó không phải định trên ngàn cây, nội cỏ như Tổ sư thiền.
Tổ sư thiền thì thấy như trên đầu ngọn cỏ, là ý tổ sư luôn luôn nó thanh thản, nó an lạc thì bao đời nó cũng ở trên ngàn cây nội cỏ. Cho nên thấy nó bàng bạc như mình là vạn hữu, vạn hữu là mình, cho nên gọi là Phản bổn hoàn nguyên, trở về nguồn gốc của nó thấy nó bàng bạc.
Trái lại, thì Phật không phải vậy. Tâm không phóng dật thì nó phải định vô thân nó chứ nó không phóng ra các pháp như vậy. Cho nên cái hiểu, cái kiến giải nó làm cho chúng ta từ cái sai này nó đi đến cái sai khác. Do đó bây giờ, chúng ta mới hiểu được cái tâm không phóng dật là do cái chỗ giới luật nghiêm chỉnh, ly dục ly ác pháp, cái tâm bây giờ nó không khởi niệm, tự nó không khởi niệm thì nó thanh thản, an lạc. Nó thanh thản, an lạc thì luôn luôn lúc nào ngồi lại thì nó biết hơi thở ra và hơi thở vô. Bởi vì nó định trên thân nó, mà thân nó có cái hành động thì nó định trên hành động. Còn bây giờ, cái thân nó bất động thì nó phải định trên cái thân bất động. Mà cái thân bây giờ còn thở thì nó phải định trên cái hơi thở chứ sao, phải hiểu.
(00:50:06) Cho nên có một cái định mà đức Phật nói: “Thân định trên tâm, mà tâm định trên thân”. Vậy thì rõ ràng là khi mà thân chúng ta bất động, nó không còn thở nữa thì thân nó mới định với tâm định của nó, cho nên thân định trên tâm. Ở trong kinh sách Phật dạy, thì Thầy biết rằng cái Tứ Thiền là tịnh chỉ hơi thở, hơi thở nó ngưng. Hơi thở ngưng tức là nó không còn thở nữa, mà không còn thở nữa thì lúc bấy giờ thân nó mới định, cho nên gọi là thân định trên tâm.
Nghe nói, thân định trên tâm thì chúng ta biết rằng đó là Tứ Thiền, mà nói tâm định trên thân thì chúng biết đó là Sơ Thiền. Bởi vì ly dục ly ác pháp, cho nên tâm bắt đầu thanh tịnh, nó không còn tham, sân, si nữa, nó ly rồi cho nên nó định trong thân của nó; mà khi nó định trong hơi thở như vậy, thì nó có Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất Tâm.