00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

(01:16:37)

[Phần 4 ở Giáo án 20]

7.1- NGÀI RÀDHA CHẾ NGỰ TÂM NHƯ NGƯỜI LỢP MÁI NHÀ

(01:16:37) Đến đây thì Thầy cũng xin nhắc lại một vài cái mẩu chuyện để góp lại cho cái phần tu tập của chúng ta có những cái gương hạnh, mà trong mỗi bài kinh đều có những cái gương hạnh để chúng ta noi theo đó mà tu tập.

Bây giờ Thầy thuật lại một vị Thánh Tăng:

Ngài Ràdha.

Ngài là một Bà La Môn lớn tuổi, Ngài không làm hết bổn phận của mình đối với một Bà La Môn, Ngài không được các Bà La Môn khác chấp nhận, Ngài đi đến đức Thế Tôn và nói lên những lời ước muốn của Ngài.

Bậc Đạo Sư nhận xét Ngài và thấy Ngài có những điều kiện căn bản nên bảo ông Xá Lợi Phất chấp nhận cho Ngài xuất gia, và được Đạo Sư dạy bảo cho thấy rõ con người không khéo…​

Dạy cho ông thấy rõ cái sự khôn khéo tự huấn luyện tâm của mình, chế ngự các dục của mình. Đức Phật dạy cho ông cái pháp khéo léo huấn luyện cái tâm và chế ngự các cái lòng ham muốn của mình khi nó sanh khởi, thì dạy ông có những cái điều đó thôi.

Hiểu được cái lời dạy này, ông dùng cái thiền quán Định Vô Lậu và Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Sáng Suốt, nhờ thế mà ông khéo huấn luyện tâm, khéo chế ngự các dục, không bao lâu ông chứng quả A La Hán.

Sau đó Ngài làm bài kệ để nói lên kinh nghiệm tu hành của mình.

Nghĩa là khi Đức Phật dạy ông đó, là dạy ông khéo, khéo léo để huấn luyện cái tâm, rồi khéo léo để chế ngự các dục ở trong tâm ông. Thì lúc bấy giờ ông được học với Đức Phật là cái Định Vô Lậu, rồi cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, cái Định Sáng Suốt, nhờ đó mà ông lấy cái pháp đó mà ông dùng để mà ông điều khiển, ông huấn luyện cái tâm của ông, ông chế ngự các cái lòng ham muốn của ông, cuối cùng thì ông chứng quả A La Hán.

Thì ông chỉ tu có ba cái định đó thôi chớ không có cái định hơi thở nhưng mà ông cũng thành tựu luôn cả cái định hơi thở luôn.

Bây giờ qua cái bài kệ của ông - nói kinh nghiệm của ông mà, để chúng ta thấy qua cái bài kệ ông, ông nói cách thức nào mà ông khéo léo mà huấn luyện cái tâm ông nè, rồi chế ngự được cái dục vọng của ông nè.

Đây là cái bài kệ, nó có cái giá trị là ở chỗ cái bài kệ đó:

Như mái nhà vụng lợp,

Mưa dễ thấm ướt vào,

Cũng vậy, tâm vụng tu

Tham ái được xâm nhập.

(01:19:09) Các thầy thấy ổng ví nghe rất rõ chớ gì! Hằng ngày chúng ta hằng sống đó, thì làm sao như cái mái nhà mình mà khéo lợp, chớ còn vụng lợp thì mưa xuống thì nó nhiễu nó dột ở trong nhà mình ướt hết, thì cái tâm của mình nó lậu hoặc nó cũng vậy, nó rỉ chảy, rỉ chảy ở trong đó tùm lum ở trong đó hết.

Ngồi đây mà để cái tâm mà nhớ nhà hoặc để cái tâm nghĩ cái này, lăng xăng cái kia, thì cái đó là mưa nó dột đó đó. Đó, cái đó là mưa dột đó, cái nhà chúng ta lợp không kỹ rồi.

Cho nên huấn luyện cái tâm của mình là như cái người mà lợp cái nhà, lợp cho kỹ đó. Lợp cho kỹ thì như thế nào? Ba cái pháp, ba cái định đó ông có kẽ hở không? Các con hiểu cái điều đó chưa?

Cho nên ở đây nếu mà ba cái pháp này liên tục hằng ngày tu có kẽ hở mà để cái tâm mình khởi nghĩ cái gì không? Mà nó không nghĩ thì các con thấy nó kín không? Mà nó kín thì nó đâu có dột, phải không?

Cho nên ông nói bài kệ sau nè:

Như mái nhà khéo lợp

Mưa không thể thấm vào,

Cũng vậy, tâm khéo tu

Tham ái không thâm nhập.

Mà nó không thâm nhập một thời gian hai năm, ba năm cái nó sạch bóng, nó không ướt, cái nhà mình khô reo rồi cái thì bắt đầu đó là thành tựu đạo Phật chớ gì, có gì đâu.

Đó là cái kinh nghiệm của ông qua cái sự tu tập của ông, ông nói lại, chúng ta thấy rất rõ. Còn hàng ngày…​ (Mất tiếng)

Đó như vậy là cái nhà của mình dột. Thường thường là Thầy thấy quý thầy tu chớ nó có kẽ hở trong đó, cho nên cái nhà quý thầy lợp đó thấy: “Trời! Mưa xuống nó dột ở trỏng hết!” Có không?

Quý thầy cứ nghĩ coi mình có - cái nhà của mình có dột không? Ai có dột thì biết chớ gì, ai không dột thì biết à. Bởi vì mình tu cái nhà của mình kín hay không kín mình biết chớ!

Đó là cách thức mà khéo huấn luyện cái tâm của mình đó, đó là vậy đó. Mà ở đây Đức Phật đã cho chúng ta ba cái loại định để mà huấn luyện nó mà, thế mà mình cứ để cho nó dột hoài à! Trời đất ơi! Cất có cái chòi, cái nhà mà cũng để cho nó dột ướt vậy thì thôi thôi Thầy nói thôi, còn cái gì mà gọi là tu! Phải không?

Các thầy nghĩ coi mình có để dột không? Có chớ làm sao không. Nếu mà không có thì từ hôm đầu, từ hôm vào hạ tới nay các thầy gần như là thành tiên hết rồi, có tâm đâu mà phiền não đâu? Nó không phải là nhìn cái gương mặt của quý thầy là nụ cười nở trên đó hết chớ đâu có còn mà lăng xăng, phải không?

Cái này nó chưa đâu, nó dột tùm lum, thành ra cái mặt nó héo. Cái nhà dột thì có ai mà vui được! Phải không? Cái nhà mà nó không dột thì mới vui được chớ!

Đó là cái thực của một cái đạo của Phật đã dạy thực chớ không phải. Qua cái bài kệ này thấm thía lắm quý thầy.

7.2- NĂM TRĂM BÀ LIÊN HOA SẮC THÔNG SUỐT LÝ NHÂN QUẢ

(01:21:36) Đây là một bên nữ, có một vị tu hành mà Thầy xin đọc để chúng ta thấy cái vị này.

Đây là tới năm trăm người lận, năm trăm bà Liên Hoa Sắc, đây là năm trăm cô gái mà đến tu tập chớ không phải một người, nhưng mà qua cái bài kệ để chứng tỏ rằng do các vị này tu tập những cái pháp môn nào mà có thể đi đến cái chỗ mà được giải thoát đây:

Có năm trăm cô gái lấy chồng, có con sống lo việc bếp nước trong gia đình. Chúng đều chịu sự đau khổ khi con của chúng bị chết, rồi chúng đi tìm bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo đảnh lễ bà rồi xin kể nỗi khổ đau của mình.

Bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo khuyên lơn, an ủi làm cho năm trăm cô Liên Hoa vơi bớt sự đau khổ và nói lên bài kệ như sau:

Nghĩa là bà Liên Hoa Sắc Tỳ Kheo bà nói lên cái bài kệ để mà an ủi các cô này bằng cái bài pháp. Nhưng đây là cũng là một cái pháp hướng, trạch ra một cái pháp hướng của những cái bài kệ này để cho các cô này dùng cái pháp đó để mà tu tập sau này.

Đây bà nói cái bài kệ:

Người không biết con đường

Nó đến hay nó đi,

Từ đâu con trai đến,

Người lại khóc: “Con tôi!”

Đó là bà nói bốn câu kệ thứ nhất. Bây giờ Thầy đọc lại, các thầy suy ngẫm:

Người không biết con đường

Nghĩa là nói như chúng ta là chưa có biết con đường đâu, chưa có biết con đường nhân quả đâu.

Nó đến hay nó đi,

Nghĩa là nói con mình đó, nó đến hay nó đi, từ đâu nó đến, mà từ đâu nó đi đây?

Từ đâu con trai đến,

Đứa con của mình là con trai một đó, nó đến, từ đâu nó đến đây?

Người lại khóc: “Con tôi!”

Nghĩa là các cô lại khóc con. Cái người đó họ đến chứ, họ là con của cô, mà cái người đó là ai? Cô có biết không? Đâu có biết.

Đó là cái ý của cái bài kệ nói. Nó đến nó đi đâu có biết được, mà nó đến thì mình lại khóc con mình! Chứ biết nó là con mình hay là ai đây? Mà tại sao nó - cái mình sanh nó ra rồi cái mình nhận nó là con mình rồi mình khóc à!

Còn hồi mà nó chưa có thì nó là ở đâu? Nó có phải con mình không? Mà bây giờ nó vô, nó đi, nó đến, nó đi, mình đâu có biết được nó đến nó đi hồi nào, mà nó lọt vô bụng mình, mình sanh ra cái rồi mình khóc con mình! Như vậy nó là ai đây? Cho nên mấy cô đâu có biết. Vì vậy mà khóc tầm bậy, không đúng. Phải không?

(01:24:09) Cho nên bây giờ thấy vợ mình, mình tưởng đó là vợ mình à? Nó đến đi do đường nhân quả nó đến đi nó mới vợ mình bây giờ chớ mai mốt nó vợ ai chớ đâu phải vợ mình, vậy mà ngồi đây mà nhớ nó! Đó là cái lầm lạc, cái hiểu sai. Cho nên ngồi đây mà thương vợ, nhớ con là cái điều trật, không đúng. Đâu có biết được cái đường đi nhân quả của nó đâu!

Cho nên bà nói rất đúng, bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo bà nói rất đúng:

Người đâu biết con đường,

Nó đến hay nó đi,

Người khóc nó làm gì?

Nó đến nó đi, nó đâu có phải cái liên hệ gì mình, nó là nhân quả mà, nó vay nợ mình nó đến nó đòi mình, rồi bây giờ mình lại khóc nó là khóc làm sao?

Người khóc nó làm gì?

Pháp hữu tình là vậy.

Phải không? Đó là các pháp nó đến, nó đi. Vợ mình, con mình, những người thân của mình, cha mẹ mình là các pháp hữu tình, chớ đâu phải là cái gì của riêng mình đâu mình giành?

Mình giành nó là của mình xong mình khóc! Vì tại vì mình mê muội cho nên mình giành nó là của mình, cho nên mình thấy nó chết mình khóc.

Chớ còn nếu mà mình đừng có giành nó thì nó là của ai đâu, thì nó đi đâu nó đi, nó đến, nó đi, cũng như bây giờ mình ngồi đây là chủ nhà này, có một người khách đi ngoài đường họ vô nhà mình, rồi cái họ đi ra, thì mình đâu có nghĩ mình thương tiếc gì!

Thì nó là người khách họ đến nhà mình rồi họ đi chớ họ đâu có ở, cho nên nó đến, nó đi thì mặc nó, có can dự gì với mình mà ngồi đây mà khóc, mà buồn! Phải hông? Thấy như vậy gọi là thấy được cái nẻo của nhân quả luân hồi.

Còn mình không thấy được vậy, cái tâm mình, hễ nó vô nhà mình rồi nó đi cái mình khóc. Cái đó là mình không thấy nẻo luân hồi! Các con thấy sâu sắc của đạo Phật chưa?

Cho nên từ đó mà mấy cô này mới tỉnh ngộ, mới không khóc nữa, mới không đau khổ chớ còn nếu bà này không có làm cái bài kệ này thì chắc chắn là mấy cô này chắc chết điêu, chết đứng với mấy đứa con mà bị chết rồi.

Thì thử nghĩ chúng ta coi có đứa con chết chúng ta có khổ không? Mà chúng ta đâu có thấy nhân quả phải không? Nó đến, nó ở đâu nó đến chớ mình biết nó ở đâu, là ai, mà nó vô nhà mình rồi cái mình nói nó là con. Rồi bây giờ nó chết cái mình khóc.

Chết tức là nó đi, nó ở đâu nó đến, rồi nó đi, mà mình cứ mình khóc, mình nói hô con mình, vợ mình hay hoặc là những người thân mình. Trời ơi! Thiệt là ngu si sao mà ngu si!

Bởi vì học Phật pháp rồi Thầy thấy: Cái người ta mà khóc người chết Thầy thấy sao mà ngu, ngu quá ngu, vô minh quá độ! Tại sao không thấy? Ngu quá!

Ở đâu nó đến, pháp các pháp - bởi vì pháp hữu vi, pháp hữu tình là nó như vậy, nó đến nó đi chớ đâu phải! Thì mọi người đều là có cái - mọi người là pháp chớ gì? Mà nó đến, đi mặc nó, chứ mắc mớ gì mình lại khóc?

Vô nhà mình rồi, bắt đầu nó đi cái mình khóc. Còn hồi đó nó ở ngoài đường sao mình không khóc? Đó là cái khóc bậy, khóc vô minh, không trúng!

Không có ai yêu cầu,

Từ chỗ kia, nó đến,

Mình có yêu cầu nó đến mình đâu, mà giờ nó tự đâu nó đến cái bắt đầu khóc. Chớ phải mình yêu cầu: “Thôi bây giờ chú hay anh đến nhà tui đi, làm con tui đi!” - thì thôi nó đến thì thôi mình cũng chấp nó là con mình, mình khóc cũng phải. Đằng này mình có yêu cầu nó đâu, nó đến cũng thình lình, mà nó đi cũng thình lình.

Cũng như bây giờ mấy chú thanh niên nhỏ nhỏ bây giờ, đâu có biết cái cô nào là vợ mình, bỗng dưng thấy cô đó cái cảm tình được, cái đi cưới cô ta về làm vợ, chớ đâu có chắc là cô đó, phải không?

Nó đến, tự nhiên nó đến trong cái vay nợ nhân quả mình, mình đâu có hay. Chừng nó gặp nhau, cái họp mặt nhau cái thấy được cảm tình với nhau, lôi nhau thành vợ chồng, đẻ ra một bầy con, phải báo khổ nhau không?

Ngu si gì mà ngu si đến cái độ! Rồi khi mà rủi nó có chết này kia lại khóc lóc. Trời đất! Sao mà không thấy nhân quả gì hết!

Bởi vậy cuộc đời tu hành của đạo Phật nó vạch ra từng cái khía cạnh nhỏ để chúng ta biết được cái điều đó. Thế mà con người ngu quá ngu! Thầy nói thiệt, họ cứ chấp chặt cái gia đình của họ, họ cột chặt, họ trói ở trong đó, họ không thấy nhân quả, họ không thấy là kẻ đó có phải mình muốn hoặc yêu cầu họ đến đâu.

Cho nên bà nói:

Không có ai yêu cầu,

Từ chỗ kia, nó đến,

Nó từ đâu nó đến mà đâu có ai yêu cầu nó?

Không có ai cho phép,

(01:27:45) Cũng không ai cho phép nó đến, phải không? Đâu có ai cho phép, nhân quả mà làm sao ai cho nó được!

Từ chỗ nọ, nó đi,

Nghĩa là bây giờ mình cũng đâu có bắt buộc mình cho phép nó đi đâu! Rồi nó muốn đi nó đi, tức là muốn chết nó chết chớ mình làm sao mình kéo nó được đâu!

Bài kệ quá tuyệt không, chỉ cái đường lối nhân quả quá hay mà, đâu có dở đâu! Rõ ràng là bà này thiệt là thông suốt nhân quả đây. Cho nên bả viết bài kệ này Thầy rất là tâm đắc cái chỗ cái bài kệ này, là Thầy đã hiểu nhân quả, thì bà này lại cũng hiểu nhân quả cũng như Thầy, không khác chút nào hết.

Thầy biết nó rất rõ, cho nên đối với Thầy không có nước mắt mà khóc bậy. Còn các con lơ mơ là đổ nước mắt cả đống, chớ không phải dễ đâu! Chưa có hiểu cái này các con khổ sở lắm.

Cho nên ông A Nan mà nghe Phật chết đó, ông khóc lu bù, là vì ổng chưa hiểu nhân quả. Các con biết ổng ra rừng mà ổng khóc hù hụ!

Mặc dù ông A Nan là thông kinh sách chứ chưa có thông nhân quả đâu, cho nên ông khóc dữ tợn lắm. Còn cái bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo này bà đã thông nhân quả.

Không có ai cho phép,

Từ chỗ này, nó đi,

Từ đâu, nó đi đến!

Được sống bấy nhiêu ngày?

Nó được sống bao nhiêu ngày thì hay bao nhiêu ngày, chớ nó đâu có cần biết gì mà nó sống với mình nhiều, hay hoặc là nó sống bao nhiêu thì kệ nó, ăn thua gì với nó, nó đến, nó đi kệ nó, có mắc mớ gì mình đâu mình lại buồn khổ?

Từ chỗ này, nó đến,

Từ chỗ kia, nó đi,

Nó đến một con đường,

Nó đi một con đường,

Nó đến thì một con đường, nó đi một con đường, nhưng con đường đến, con đường đi nó chỉ là nhân quả chớ đâu có cái gì đâu!

Mạng chung, hình sắc người,

Luân hồi, nó sẽ đi!

Đến vậy, đi như kia,

Ở đây, khóc than gì?

Phải không? Cái câu bà kết luận nghe nó rất là thấm thía: “Ở đây, khóc than gì?” Mà bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo bả đã từng khóc hai đứa con của bà, từng khóc cha mẹ chết, từng khóc đứa em trai chết trong một lúc thì các con biết, bà đứt ruột biết bao nhiêu!

Sau khi theo tu đạo Phật bà mới thấu rõ được cái lý nhân quả, cho nên bà mới viết bài kệ thấm thía, đến thấm thía. Vì cái người mà đang sống ở trong cảnh đau khổ đó người ta mới hiểu được cái nhân quả. Người ta tu chứng được người ta thấy được cái nhân quả, còn người ta chưa chứng được người ta bị mờ mịt không thấy cái luật nhân quả.

Sau khi nghe xong bài kệ, năm trăm Liên Hoa Sắc cảm thấy tâm hồn dao động liền xuất gia dưới sự lãnh đạo của bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo.

Sau khi xuất gia năm trăm nàng với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ…​

Nghĩa là đây là Thầy đưa ra cái pháp mà cho năm trăm vị này mà tu tập đó, tức là bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo đưa ra cái pháp, với cái pháp, cái pháp đầu tiên là pháp tín thọ, cái pháp thứ hai là nghĩa tín thọ.

…​ các nàng triển khai thiền quán, tùy pháp, hướng pháp, chẳng bao lâu chứng quả A La Hán. Sau khi chứng quả A La Hán các nàng làm kệ:

Các bà đó làm kệ.

(01:30:44) Thì cái nghĩa như thế nào? Cái pháp tín thọ - khi mà nghe cái bài kệ rồi thì mấy cô Hoa Ni Sắc này - Liên Hoa Sắc này, các cô thấy rất rõ cái đường đi nhân quả, cho nên các cô tin thọ, tin mà thọ đó, tin là tức là tin sâu đó, tin không có bao giờ mà tin một cách lờ mờ đó, thấy rõ cái đường đi của nhân quả, cho nên các cô này đang còn cha mẹ gì hết, cắt bứt hết.

“Tui thấy rõ đường đi nhân quả rồi, nó đến, nó đi, cha mẹ tui có đến, đi cũng là nhân quả đi. Nó ở kia nó đến, mà nó hợp với cái nhân quả cho nên tui là con vậy thôi chớ không có cái gì khác hơn hết!”

Cho nên tin quá tin, kêu là tin thọ, tin quá tin không có…​ Mà ở đây cái nghĩa tín thọ, cái nghĩa đó, cái nghĩa mà hiểu ra làm cho các cái cô này rất là tin tưởng, tin tưởng từ ở trong thâm tâm của mình cho nên bắt đầu bỏ hết của cải, tài sản, bắt đầu bỏ hết cái sự sắc đẹp của các cô, dẹp hết, dẹp hết hoàn toàn.

Cho nên cái câu cái pháp tín thọ với pháp nghĩa tín thọ này nó có cái nghĩa đặc biệt là ở chỗ này, là cắt đứt tất cả những cái dây mơ rễ má mà cái lộ trình thứ nhất mà con người cư sĩ còn đang đi.

Còn chúng ta bây giờ có đủ cái niềm tin ở cái pháp tín thọ chưa? Có đủ cái niềm tin mà hiểu được cái nghĩa những cái bài kệ này chưa? Còn người ta chỉ nghe cái bài kệ thôi mà người ta đã với cái pháp tín thọ và nghĩa tín thọ.

Thì các thầy đã nghe Thầy giảng chớ, nhưng mà có được tin như vậy không? Có làm được như vậy không? Làm được như vậy mới gọi là pháp tín thọ mà nghĩa tín thọ, còn làm chưa được như vậy thì chưa gọi là pháp tín thọ và nghĩa tín thọ.

Đó, Thầy giải thích như vậy, quý thầy có hiểu chưa? Nghĩa là mình làm cho được như các cô này mà dứt bỏ được như vậy, để mà thực hiện con đường tu hành mà cho đến chứng quả A La Hán như vậy đó, mà dứt bỏ một cách “rụp” như vậy.

Đến đó quá khổ là bị dính mắc tất cả những sự thương ghét, cha mẹ, anh em, nhà cửa con cái của mình, đau khổ mới đến mà xin bà. Bà nói bài kệ cái thông suốt được cái lý nhân quả rồi, cho nên dứt bỏ liền tức khắc, xin xuất gia liền, tu hành theo bà liền, không có hề mà còn thương, ghét gì đối với gia đình, vì con đường nhân quả quá rõ rồi.

Nội cái bài kệ không, Thầy đã thấy rằng khi mà cái người tín thọ và nghĩa tín thọ này thì thấy cuộc đời không có gì nữa hết, không còn con cái, mà không còn cái gì nữa hết, nghĩa là dẹp sạch hết đó, thì mới đúng là cái nghĩa pháp tín thọ và nghĩa tín thọ.

Còn nếu mà chưa cắt đứt được vậy thì chúng ta chưa dám dụng cái danh từ, hoặc là cái pháp đó gọi là pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Còn nếu mà chúng ta làm được thì mới gọi là pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.

(01:33:19) Đó thì, những cái danh từ mà dùng trong kinh, nó nhấn mạnh đến cái mức độ mà chúng ta không ngờ được ông Phật ông dùng đến những cái danh từ như vậy, để mà chỉ cho một cái người đoạn dứt, đoạn lìa ra cái sanh pháp của thế gian mà không cho nó dính mắc trong mình nữa. Cho nên sự chứng quả A La Hán của các vị này cũng rất là nhanh chóng, không phải là khó khăn.

Đây Thầy đọc bài kệ:

Cây tên, khó thấy được,

Nghĩa là các cô đó nói ví dụ như những cái tình thương, cái nhân quả mà tình thương đó giống như là cái mũi tên.

Từ tim ta, nhổ lên

Nó đâm từ ở trong tâm, cho nên cái khổ là ở chỗ nào các thầy biết: Từ ở trong tim! Chúng ta thương, chúng ta khổ đó, từ tim của chúng ta chớ đâu! Cho nên các thầy nhớ là đôi trai gái nó cứ vẽ trái tim đó, nó thương nhau cũng từ trái tim mà nó ghét nhau cũng từ trái tim. Phải không?

Đó, cái chỗ đó đó, cho nên nó từ trong trái tim đó mà nó đâm. Cái mũi tên đó nó vô hình lắm, nó không - khó thấy lắm, nhưng mà nó đâm nát tim người ta, nó giết chết người ta.

Ngồi tu chớ nó đâm nát tim của chúng ta, Ở đây thì nhớ con, nhớ vợ hoặc là nhớ của cải tài sản, đó là chúng ta bị cái mũi tên độc đó nó đâm ở trong tim chúng ta đó. Ở đây mà ngồi nhớ chùa, nhớ miểu thì nó cũng đâm nát tim của chúng ta chớ không phải thường đâu. Ngồi đây mà chúng ta nhớ ăn, nhớ uống thì nó cũng đâm nát tim của chúng ta chớ không phải đâu.

Đó thì cho nên, ở đây cái câu kệ đầu tiên:

Cây tên, khó thấy được,

Từ tim ta, nhổ lên:

Ta diệt sầu vì con,

Sầu ấy ám ảnh ta.

Nay cây tên được nhổ

Không ham muốn, tịch tịnh

Không thương ghét một ai

Ta quy y ẩn sĩ,

Phật, Pháp và chúng Tăng.

(01:35:04) Đó, các con thấy nghe nó đơn giản, nhổ được cái mũi tên đó ra thì dễ dàng tu hành lắm. Mà như chưa nhổ được cái mũi tên đó thì như là mình chưa có bứt ra được cái lộ trình thứ nhất thì không thể nào đi lộ trình thứ hai được.

Cho nên ở đây ví dụ thì Thầy thấy cái mũi tên này là cái lộ trình thứ nhất, nó phải nhổ cho được cái mũi tên ra.

Cho nên cái bài kệ quá thấm thía cho cái cuộc đời tu hành của các thầy hôm nay, để cho các thầy càng sáng lên, càng rõ lên, càng hiểu lên, càng minh mẫn ra, nó không phá trừ những cái vô minh mà từ lâu tới mình lầm chấp.

Đó thì hôm nay quý thầy thấy rõ rồi phải không? Bây giờ Thầy đọc lại bài kệ một lần nữa để cho quý thầy nhớ kỹ:

Cây tên, khó thấy được,

Đó mấy cô này ví dụ cây tên đó chúng ta khó thấy quá, mà không có cái người chỉ thì chắc chắn là tim của chúng ta bị nó đâm nát hết không có còn!

Từ tim ta, nhổ lên:

Cây tên đó nó đâm ở trong tim của chúng ta, bây giờ, từ đó mình nhổ lên chớ không có chỗ nào.

Ta diệt sầu vì con,

Sầu ấy ám ảnh ta.

Nay cây tên được nhổ

Không ham muốn, tịch tịnh

Không thương ghét một ai

Ta quy y ẩn sĩ,

Phật, Pháp và chúng Tăng.

Bây giờ mới thiệt là nương vào ba ngôi Tam Bảo đó.

Cho nên sắp sửa tới đây Thầy sẽ giảng cái giới bổn nói về quy y Tam Bảo, chớ nếu mà - bởi vì quy y Tam Bảo tức là quy y ba cái giới đầu tiên, chớ không phải nói là 250 giới, hay là 348 giới, hay hoặc là Ngũ Giới hay là Thập Giới, hay hoặc là mười cái Thập Thiện, không phải đâu, mà ba cái giới đầu tiên là ba giới gốc đó, là quy y Tam Bảo đó.

Phải học được ba cái giới gốc rồi mới lần đó mình mới phăng ra tới các giới khác nó mới đúng là mình biết quy y, là nương theo. Mà quy y theo ba Tam Bảo đó là nương theo ba cái giới, ba cái giới hạnh đó để cho mình tu hành. Mà ba cái giới hạnh này là Phật hạnh nè, Pháp hạnh nè, Tăng hạnh nè, phải không?

Nếu mà không có những gương hạnh này thì lấy ai mà làm gương cho mình tu? Cho nên ba cái này là mình phải hiểu ba cái giới đầu tiên của cái người bắt đầu mà quy y Tam Bảo.

Đó, đến đây thì chúng ta nghỉ chút xíu./.

[Phần 6 ở Giáo án 29]

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy