Phật tử 3: Có thầy dạy về ăn chay, mâu thuẫn với Thầy, là ăn chay không đủ sức khỏe (…)
(1:07:26) Trưởng lão: Được rồi con, con ngồi lên đi, đừng quỳ nữa con, để Thầy sẽ dạy cho con. Bởi vì theo cái quy luật của nhân quả, khi mà ăn mặn thì mình phải … Mặc dù là con sẽ mua thịt này kia ở ngoài chợ họ bán, mình đem về mình nấu. Mình không trực tiếp mình giết con gà, con heo, con bò, con cá con tôm. Họ đã làm sẵn, mình mua về, mình làm ăn. Nhưng mà mình ăn cũng là gián tiếp rồi con, gián tiếp sát sanh. Cho nên trước cái Đức Hiếu Sinh, cái lòng thương yêu của mình thì mình không nỡ mình ăn thịt chúng sinh, do đó thì đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai nữa mình nghĩ đến cái sự sống, sự bình đẳng với nhau. Thì cho nên thà là mình chết hơn là mình lấy nuôi cái thân mạng mình bằng cái sự đau khổ, bằng sự chết chóc của chúng sinh. Mình tư duy, mình suy nghĩ vậy con.
Sự thật ra thì con thấy như Thầy, cả khi mà các con đọc lại cái cuốn mà ‘Tạo duyên hóa độ chúng sinh’. Con sẽ thấy chín tháng Thầy ở trên Hòn sơn, Thầy ăn toàn lá cây, Thầy vẫn sống nhăn không có chết gì, mà khỏe, còn khỏe. Còn ăn chay Thầy ăn ngày một bữa. Đó mấy con thấy Thầy năm nay là 81, gần 82 tuổi rồi, mà Thầy sức khỏe không có bệnh đau, không có gì hết. Có phải là ăn chay nó phải khỏe không? Thầy rất khỏe.
Cho nên nói mà ăn mặn có đủ chất bổ, chứ thực sự ăn mặn nó có chất độc ở trong đó con. Bởi vì những con heo, con gà, con vịt này kia trong cái cơ thể nó nuôi nhiều cái chất độc tố lắm. Còn rau cải hiện giờ đó, thì thật ra họ đem ba cái thuốc rầy họ xịt, họ làm cho được thì nó cũng có chất độc chứ không phải không. Nhưng mà Thầy nghĩ nó độc, nhưng mà nó trong rau cải nó không có cái sự đau khổ của một con vật mà rên la, nó quằn quại nó ham sống. Như bây giờ con có thể ngắt cái cọng rau, nhưng mà cái gốc rau nó còn sẽ lên cái nhánh khác được, có phải không? Đừng có nhổ gốc nó đi, con ngắt, nó còn lên cái khác được. Còn bây giờ con gà, hay hoặc con cá, con ngắt cái đầu nó thì chắc nó không lên cái gì hết.
Thì do đó thì tự suy nghĩ con. Bởi vì cái cuộc đời của chúng ta sinh ra làm người, mà đức Phật nói chính pháp hay là tà pháp ở cái Chánh Mạng hay là Tà Mạng. Mình nuôi cái sự đau khổ ở trong cái thân mạng của mình, là nuôi cái sự đau khổ thân mạng của mình. Cái Chánh Mạng thì không thể nào nuôi cái sự đau khổ trong đó, nuôi cái sự không đau khổ. Mà trong đau khổ, mà con nuôi cái đau khổ thì con sẽ trả cái quả đau khổ, con sẽ không bao giờ mà tránh khỏi sự đau khổ. Một cái người ăn chay ấy, nếu mà sống đúng năm giới, họ đã chuyển được cái nghiệp của họ.
(1:10:03) Họ sống được ăn chay rồi, thì coi như là mới đầu thì cái nghiệp họ vẫn còn con, chứ chưa hết đâu, mà mặc dù ăn chay. Nhưng mà một năm, hai năm, năm năm, mười năm sau mà họ hoàn toàn thanh tịnh rồi, họ không còn thèm thịt chúng sinh nữa. Bởi vì cái thói quen họ hết rồi, thì tức là nó hết cái nghiệp sát rồi. Thì cái cơ thể họ bắt đầu khỏe mạnh, không đau đớn. Còn mình còn thèm thịt, mình ăn chay mà còn thèm tức là còn nghiệp mấy con. Còn nghiệp là còn bệnh đó. Nói sao tôi ăn chay mà cũng bệnh vậy? Tức là cái người đó còn thèm thịt cá, thèm cái khổ đau, cho nên đừng nói ăn chay!
Thầy nói nó sẽ không bệnh đau đâu, sẽ không còn bệnh đau đâu. Thầy nói thực sự mấy con, mấy con cứ ăn đi. Mà bây giờ một người mà ở trong gia đình mấy con, mấy con giữ gìn giới luật trọn vẹn ăn chay. Mấy con sẽ giữ gìn năm giới đi, thì cái gia đình này nó sẽ lần lượt, nó chuyển cả người ở trong gia đình này sẽ ăn chay hết. Một mình con, con ăn chay rồi, con sẽ chuyển hết trong gia đình. Mà khi mà ăn chay hết rồi, bắt đầu từ cái giới này đến cái giới kia trong năm giới mình giữ trọn. Con thấy nó hạnh phúc gia đình vô cùng, nó đẹp đẽ vô cùng, nội năm giới của Phật thôi.
Cho nên vì vậy mà Thầy cố gắng, Thầy viết cái bộ sách đạo đức để làm cho mấy con sáng tỏ trên năm giới của đạo Phật bằng những cái đức của con người, bằng cái sự sống của con người trong này thì hạnh phúc lắm mấy con. Cho nên vì vậy mà hầu hết nói ăn mặn mà thiếu chất này kia. Thầy nói qua kinh nghiệm bản thân của Thầy, con bò ăn cỏ, nó có ăn mặn đâu mà nó mập, nó béo dữ vậy? Phải không? Con trâu con thấy nó ăn cỏ ở ngoài ruộng, nó có ăn thịt ăn cá hay không, nó cũng khỏe vậy. Mà chính nói rằng ăn cỏ không có chất bổ mà sao lại mình lấy sữa bò mình uống, mà cho con của mình, cho cháu mình uống mà nói là sữa bò bổ? Các con thấy sữa bò nó bằng cỏ chứ nó có phải bằng thịt chúng sinh đâu? Nó có chất bổ thực sự, ở trong thực phẩm thực vật nó có chất bổ mấy con, chứ không phải không. Tại vì mấy người này cứ nghĩ một cách rất là bình thường. Cái cơ thể chúng ta nó có thể chế biến ra được những cái chất bổ của nó khi chúng ta sử dụng cây cỏ. Chứ không phải là cần cái thịt động vật mà nó mới có thể sống.
(1:12:04) Cho nên vì vậy mà chúng ta cố gắng tránh, tránh đừng có ăn thịt chúng sinh, Thầy khuyên lơn cái này rất nhiều trong sách của Thầy về Đức Hiếu Sinh. Thầy nhắc nhở trong cái vấn đề giới sát sinh này, Thầy nhắc nhở rất nhiều. Muốn cho mình đừng đến bệnh viện thì hãy ăn thực phẩm thực vật, đừng ăn động vật. Tại vì mấy con sẽ đến một đêm, chỉ một đêm ở bệnh viện Chợ Rẫy thôi. Thầy nói, bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện lớn ở thành phố của chúng ta. Mà khi mấy con ở tại bệnh viện đó, mấy con sẽ thấy sự đau khổ. Toàn cả những người này đều là ăn thịt chúng sinh, đều là giết hại chúng sinh. Cho nên mới đem thân đến đó mà, một cái khổ. Và đồng thời những người thân mà nuôi những người bệnh ở trong đó, con biết nằm ở trong sân của bệnh viện, đầy. Màn trời chiếu đất, mưa gió chịu lạnh lẽo, để theo nuôi người thân mình ở trong bệnh viện, quá khổ mấy con.
Thầy đọc một cái bài của một người mà phóng viên, họ một đêm họ ở trong bệnh viện Chợ Rẫy. Họ đã nhìn thấy cái sự đau khổ của mọi bệnh tật. Nhưng mà cái nguyên nhân để tìm ra cái sự đau khổ này thì không ai tìm ra. Cái nguyên nhân nó là do ăn thịt chúng sinh và giết hại chúng sinh chứ không gì khác, chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Chính chúng ta mang cái thân này mà sinh ra làm người, mà được cái thân này là do chúng ta có cái nghiệp sát sinh. Đời trước chúng ta đã sát sinh, đã ăn thịt chúng sinh, cho nên chúng ta phải sinh làm con người để có cái thân này, nay đau bệnh này mai đau bệnh kia. Từ sinh ra tới bây giờ mấy con thấy, mấy con có bao nhiêu lần bệnh đau chưa? Hồi còn nhỏ cha mẹ sinh ra nóng đầu, để lớn lên chút mọc cái răng vầy cũng nóng đầu, cũng khó chịu rồi, có phải bệnh không? Toàn bộ là đau khổ không à, sinh ra mang theo cái nghiệp bệnh tật. Cái nghiệp bệnh tật là do cái nguyên nhân nào? Do nhân quả sát sinh trong tiền kiếp của chúng ta.
Mà hôm nay đến đây mà chúng ta đã học Phật pháp, chúng ta đã biết Đức Hiếu Sinh là phải thương yêu, phải coi cái sự sống nó bình đẳng như nhau. Từ con vật con kiến chúng ta đều có sự sống bình đẳng như nhau, không nên chà đạp lên cái sự chết của một cái loài vật khác. Như con kiến chúng ta cũng nên tránh đừng có dẫm đạp lên chúng, đừng có đem lửa mà đốt chúng, rất tội nghiệp. Chúng cũng biết sống, chúng cũng ham sống, chúng chạy lăng xăng dưới chân chúng ta đi tìm món ăn. Mà không có món ăn thì chỉ trong vòng từ đây về tới tối là chúng sẽ bị chết đói thôi mấy con. Còn chúng ta còn biết cách tìm món ăn. Cho nên mỗi lần mà chúng ta ăn, thấy một con kiến, chúng ta bỏ cho chúng một miếng đường hoặc một miếng ăn của chúng ta, chúng mừng lắm mấy con. Thương yêu chúng thế. Khi mà chúng ta ngồi mà chúng ta sống với cái loài động vật rồi, chúng ta thấy thương yêu chúng. Chúng không đủ sáng suốt như chúng ta đâu.
Con thấy con kiến nó chạy ra một đám cỏ, nó tha từng cái bông cỏ, nó đem vào trong cái ổ nó. Nó dấu nó đút đó, nó còn biết cất giữ đó mấy con. Nó sợ đói lắm mấy con, sợ đói lắm. Chúng ta phải thương yêu chúng, chia sẻ. Ngồi ăn lại mà chúng ta nhìn thấy đoàn kiến, nhìn thấy một con kiến bò là chúng ta xót xa vô cùng, nó biết gì kiếm được thực phẩm đây? Chúng ta hãy bố thí, có một chút xíu như thế này, nó đã no bụng được một bữa hai bữa rồi. Mà một bữa, hai bữa không còn có nữa thì hôm sau nó bị chết. Và đồng thời nó bị đồng bọn của chúng xé xác ăn thịt mấy con, chớ không phải chôn như chúng ta đâu. Thế cho nên con người chúng ta có đạo đức, chúng ta có tình thương mấy con. Cho nên ráng sống về đạo Đức Hiếu Sinh. Sống nhất định là thà chết, chứ không ăn thịt chúng sinh.
(1:15:15) Ngày xưa trong thời đức Phật, có hai vị Tỳ kheo đi ngang qua sa mạc, thì hai vị đều quyết định đến để gặp Phật. Bởi vì đất nước Ấn Độ mà, mấy con biết, cho nên sa mạc dữ lắm. Khi hai vị Tỳ kheo này đi ngang qua sa mạc thì khát nước quá. Đến cái vũng nước đó thì toàn bộ thì nó đã bị không có nước. Thì nó còn lại một chút ít nước trong cái, thì những cái loài vật nó ở dưới, nó đầy ngập ở dưới. Một vị thì thôi nói, bây giờ mình uống để sống, để mình gặp Phật. Còn một vị nói, thôi, nhất định là giữ giới, thà chết chứ không uống, thì vị đó chết, chết khát. Sau khi cái vị mà còn sống này đến gặp Phật, thì Phật quở liền tức khắc, cái vị mà đã không uống nước, đã không phạm giới đó, đã đến đức Phật trước mình. cho nên ngài không xứng đáng là đệ tử của Phật.
Thà sống nhất định là khi mà chúng ta chưa hiểu giới luật của Phật thì thôi. Chứ hiểu biết giới luật của Phật thì nhất định thà chết chứ không phạm giới mấy con. Nghĩa là thí dụ như Thầy bây giờ ăn ngày một bữa là nhất định chết, chứ không ăn ngày hai bữa, đó là giới luật tu. Còn các con là cư sĩ, khi biết học đạo đức, giới luật của Phật, thà chết nhất định không ăn thịt chúng sinh. Chúng ta hãy thương yêu sự sống bình đẳng với nhau như thương yêu sự sống của mình, thì như vậy mình mới xứng đáng là đệ tử của Phật. Mấy con cố gắng, mấy con sống giới đức.
Thầy mới nói rằng năm cái giới của Phật nó chuyển thành cái gia đình của mấy con hạnh phúc. Rồi từ đó mấy con sẽ thấy cái tình thương yêu nó chan hòa với nhau. Anh chị em, hay cha mẹ đều là có cái tình rõ ràng, tình thương yêu nó rõ ràng cụ thể. Chứ không phải thương với 1 cách, thương bằng cách là con mình là phải của mình. Cho nên vì vậy mà con mình phải làm theo mình, cho nên rầy rà, mắng chửi nó đủ cách. Cho nên nó giận dỗi, nó bỏ nhà nó đi, rồi nó trở thành bê tha, nó hư. Biết bao nhiêu mà vì cha mẹ mà đánh đập con mình, mà con mình nó bỏ nhà, nó đi trốn đi không? Cách thức thương chứ không phải là ghét. Nhưng mà cái thương đó là cái tai hại rất lớn, cái thương đó không đúng cách. Cho nên cái thương đó, là cái tình thương đó, nó nói lên cái lòng thương đó. Nhưng mà nó có sự chiếm hữu, nó có sự xâm chiếm. Nó coi cái sự sống không có bình đẳng, nó mất cái sự bình đẳng của sự sống. Cho nên làm cha mẹ mà đánh con là mất bình đẳng. Thầy nói như vậy, mấy con đủ biết rằng bây giờ mà pháp luật của nhà nước đã thấy được điều này, họ đã ra những cái luật. Cái luật là không có được bạo hành với trẻ em. Đó là không được đánh con cái của mình. Đó là cách thức bây giờ.
(1:17:33) Cho nên vì vậy mà lần lượt tới đây mấy con sẽ thấy bình đẳng với một cái loài vật. Con chó chúng ta không được đánh nó, con mèo chúng ta không được đánh nó. Khi nó lỡ, nó làm cái gì đó thì mình la nó thôi, chứ không được đánh nó, không được đập nó mấy con. Đó là cái sự bình đẳng của sự sống. Cho nên tới đây lần lượt rồi, cái đạo đức nó sẽ thực hiện. Mà pháp luật của nhà nước, họ cũng sẽ theo đó mà họ thực hiện mấy con. Cho nên bây giờ bạo hành trẻ con là không được đó, bị tù tội đó, chứ phải không …
Thầy thấy đúng là nhà nước này nó sáng suốt thiệt, nó theo lần lượt. Mà sách của Thầy càng gửi cho nhà xuất bản tôn giáo thì họ càng in tới luôn. Cho nên bên ngành công an họ, khi mà bộ sách đạo đức mà dạy ‘Đạo Đức Làm Người’, cái ông Phạm Như Đức ở trong cái cục công an gửi bức thư về thăm Thầy. Và ông thành thật cảm ơn Thầy đã viết bộ sách đạo đức có lợi ích cho dân tộc. Trong đó Thầy cũng nói về đạo đức cẩn thận giao thông, dạy về cách thức giao thông như thế nào, nói về đạo đức. Tất cả những cái đạo đức trong cái bộ sách có hai tập, không biết cô Út có cho mấy con ‘Đạo Đức Làm Người’ không. Đạo đức Thầy dạy rất kỹ lắm mấy con. Mà như vậy là cái bộ sách đạo đức mà nhân bản, năm cái giới của đức Phật mà Thầy triển ra nó mười mấy tập, chứ không phải. Mỗi tập là ba trăm mấy trang, gần bốn trăm trang một tập. Thì toàn bộ sách này được xin phép, và được nhà nước người ta cũng chú ý đến cái nền đạo đức của Phật giáo mấy con.
Cho nên vì vậy Thầy mong rằng cái nền đạo đức này được chấn chỉnh lại, thì Phật giáo chúng ta có một cái hướng rất tốt để đem lại sự bình an cho loài người trên hành tinh này. Như vừa rồi mấy con cũng biết rằng Thầy dự Đại hội Phật giáo thế giới Liên hiệp quốc ở Hà Nội kỳ rồi, trong cái cuộc hội thảo để nói về sự xung đột và chiến tranh. Thì Thầy đưa ra: "Những pháp gì của Phật giáo thực tế, cụ thể để ngăn chặn sự xung đột và chiến tranh?" Thì cái vị chủ tọa của cái cuộc họp, ở trong cuộc hội thảo đó, thì vị đó trả lời: "Chúng tôi không thể trả lời được câu hỏi này". Sự thật ra, Thầy hỏi ra thì hầu hết là những cái vị đại diện cho Phật giáo thế giới, thì ít ra các vị cũng phải hiểu đạo Phật có năm giới, tức là đạo đức nhân bản và Thập thiện là mười cái điều lành, đó là đạo đức nhân quả. Thì đó là căn bản để ngăn chặn sự xung đột và chiến tranh, chứ có gì khác? Thế mà các ngài không có lưu ý, cứ nghĩ tưởng đến sự cầu siêu hoặc là cầu cho thế giới hòa bình bằng cách tụng niệm để mà thôi. Nhưng mà rốt cuộc rồi bao nhiêu chùa, bao nhiêu tôn giáo cầu mà rốt cuộc rồi chiến tranh, thế giới vẫn chiến tranh, có bao giờ mà hòa bình?
Tại sao chúng ta không triển khai cái nền đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật thành sách giáo khoa cho các em từ lớp tiểu học cho đến đại học? Sau khi chúng nó ra nó mang đầy đủ những cái đạo đức của đạo Phật thì làm sao có sự xung đột, có sự chiến tranh thế giới nữa. Nó rõ ràng như vậy mà tại sao Phật giáo của chúng ta không triển khai điều đó?
(1:20:17) Mà trong cái cuộc hội thảo đó mà bộ sách đạo đức của Thầy nó chưa viết xong. Mà viết xong được dịch ra Anh ngữ, Thầy sẽ gửi cho một Phật giáo của một nước, bảy mươi bốn nước của thế giới về họp tại Hà Nội. Mà Thầy cho mỗi người một bộ sách đạo đức, về đó mà triển khai cho cái đất nước của họ không phải đẹp sao? Nhưng mà nó chưa đủ duyên, cho nên Thầy viết chưa xong. Chứ phải Thầy viết xong rồi, Thầy đem cái bộ sách đó, Thầy tặng cho mỗi người, mỗi một Phật giáo một nước một bộ được. Đó thì cái duyên nó chưa đủ.
Nhưng mà Thầy nắm cái địa chỉ của Phật giáo Liên Hiệp Quốc. Cái địa chỉ chung cho cái tập thể này, thì sau đó thì khi mà bộ sách Thầy xong Thầy sẽ gửi, dịch ra Anh ngữ hẳn hoi, hoàn toàn. Bởi vì trong cái cuộc hội thảo bữa hôm đó, thì các quý vị Hòa thượng ở trong các nước đều là dùng tiếng Anh mà nói chuyện với nhau, bàn bạc với nhau. Thì trong khi mà Thầy đưa ra câu hỏi cũng bằng tiếng Anh. Nhưng mà Thầy hỏi bằng cái câu hỏi đó, rồi cái vị Hòa thượng đó trả lời cũng bằng tiếng Anh rằng: “Tôi không thể trả lời điều đó được”. Thì các con thấy không? Có Thầy mới có cái sự mà hội thảo những cái vấn đề này. Chứ còn cỡ không có Thầy thì Việt Nam mình chắc chắn là quý thầy có biết gì đâu mà hội thảo mà trả lời, đâu có nói. Cho nên hầu hết là trong cuộc hội thảo đó, thì chỉ Thầy đăng ký vào đó mà thôi.
Cho nên hôm nay thì mấy con cố gắng để mà sống đúng đạo đức là Thầy mừng lắm mấy con. Giới luật của Phật là đạo đức của con người, nhân bản là cái gốc của con người mà. Cho nên mấy con ráng. Thầy chỉ cố gắng để làm sao mà đem lại cái sự lợi ích chung cho mọi người, cho đất nước của mình, cho toàn con người ở trên hành tinh này sống có một nền đạo đức. Đó là ước vọng của Thầy. Và cái bộ sách của Thầy nó sẽ đạt được.
Con, có gì không con?