(17:12) Có người hỏi Thầy về mấy chữ: “nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng”. Họ không hiểu “nhẫn nhục” là như thế nào? Thường thường người ta nói nhẫn nại. Còn ở đây Thầy lại nói “nhẫn nhục”.
“Nhẫn” là mình chịu đựng, mình chấp nhận một cái gì đó, “nhục” là chịu nhục trên đó. Người ta chửi mình “chó” hoặc người ta chửi mình một cái gì đó, người ta nói mình, mạ nhục mình cái gì đó, mình chấp nhận trên vấn đề đó, mình không trả lời, không nói tới nói lui gì hết, họ nói gì mặc họ. Đó là “nhẫn nhục”. Nhẫn tức là chịu nhục trong lời nói đó hoặc là trong sự xỉ vả, sự mạt sát của người ta, mình không nói gì nữa tức là nhẫn nhục. Mình phải hiểu nghĩa như vậy.
Nhưng “nhẫn nhục” mà còn “tùy thuận”. Ở đây, mình “nhẫn nhục” nhưng mà mình biết “tùy thuận” theo điều kiện đó để rồi mình mới “bằng lòng” được. Do chỗ đó, nó kết hợp ba danh từ kéo theo một cụm, một nhóm của nó. “Nhẫn nhục” rồi, không thể nào kéo dài sự chịu đựng như vậy nổi. Tâm nó sẽ sinh ra phiền não, buồn rầu, đau khổ trong thân tâm của mình.
(18:17) Cho nên, khi mà mình nhẫn nhục được rồi thì mình mới tùy thuận, thì cái người đó họ không hiểu nghĩa từ “tùy thuận” như thế nào, nên họ cũng hỏi Thầy danh từ “tùy thuận” nghĩa như thế nào?
“Tùy thuận” là thuận theo, mình chấp nhận điều kiện đó, mình thuận theo ý đó, theo lời nói đó, mình không buồn rầu với lời nói đó, cho nên mình tùy thuận.
Chẳng hạn, người ta uống rượu, mời mình uống thì mình cũng tùy thuận với họ, cũng nhận ly rượu nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp tức là mình không kê ly rượu uống lên miệng, mà mình chỉ nhận lòng tốt người ta, mình nhận ly rượu, mình cầm rồi để xuống. Mình chỉ nhận, tùy thuận theo họ đó.
Nhẫn nhục là vì mình là người không uống rượu, mà họ mời mình uống rượu coi như họ sỉ nhục đó, họ làm nhục nhã mình đó. Do đó mình biết nhẫn cho nên mình không tức giận họ, bắt đầu mình tùy thuận là mình nhận ly rượu của họ, nhưng nhất định mình không bị lôi cuốn vào ác pháp nên mình để ly rượu xuống.
Họ nói tại sao mình không uống?
Mình nói rằng: Tôi không quen uống, cho nên tôi không uống mà tôi chỉ nhận lòng tốt của anh, tôi đã cầm ly rượu của anh là tôi đã nhận lòng tốt của anh, tới đây là tôi xin dừng, tôi không thể tùy thuận hơn được nữa. Mình sẵn sàng nói thẳng, nói thật vì tôi tùy thuận đến đây là cái mức, tôi không thể lôi cuốn vào ác pháp. Nếu tôi để ly rượu uống vào thân thì ngày nay chưa bị ghiền, thì ngày mai nó sẽ bị ghiền, nó ghiền thì thân tôi sẽ bị bệnh đau nên tôi không dại gì đem đau khổ vào thân, không để bị lôi cuốn vào ác pháp.
Tùy thuận nghĩa là thuận theo, làm theo người khác nhưng làm theo ở mức độ, chứ không thể nào làm theo ác pháp của họ. Họ bảo mình đi đánh lộn thì mình cũng đi đánh lộn với người ta thì không phải. Người ta bảo mình đi đánh lộn, nhất định là tôi chấp nhận: anh đánh lộn, hai anh đánh, tôi tùy thuận anh, tôi không cản anh nhưng mà tôi không làm theo anh mà đánh lộn. Đó là mình tùy thuận, còn mình cản người ta đó là mình không tuỳ thuận. Còn mình tùy thuận là mình biết rằng mình không thể cản họ được, cho nên mình tùy thuận mình không có cản người ta, nhưng không làm theo, không xách cây đi đánh lộn với họ. Đó là “tùy thuận”.
(20:28) Trong những phương pháp tu tập này, “tùy thuận”. Bây giờ hoàn cảnh gia đình của mình chưa có người nào ăn ngày một bữa, chưa có người nào ăn chay mà mình muốn ăn chay muốn ăn ngày một bữa, do đó mình không tùy thuận cho nên mình làm gia đình mình tan nát. Nghĩa là chồng thì ngồi ăn đằng kia, vợ ăn nọ; tôi ăn chay còn chồng thì ăn mặn, ăn kia chứ lại gần tôi nghe tôi ăn không được; làm như mình chê đồ ăn người ta, người ta phải tức. Từ chỗ đó, mình thiếu “nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng”.
Mình nhẫn nhục là trước mâm cơm thịt cá ê hề, nó gợi cái dục, mình cũng thèm ăn chứ đâu phải không thèm, nhưng mà mình nhẫn nhục mình chịu đựng cái sự thèm khát của mình, mà mình thực hiện chén cơm tương rau, ngồi ăn cả gia đình, đó là mình nhẫn nhục. Mình tùy thuận là vui vẻ không ngồi tách lìa với họ, để mình chia sẻ từng cái đau khổ với họ trong khi họ chưa hiểu. Mình biết như vậy, mình tạo cảnh êm ấm gia đình của mình, mình luôn luôn vui vẻ, mình luôn luôn phục vụ gia đình mình.
Ví dụ, mình ăn chay, ông ăn cá ăn thịt, mua cá thịt về tôi không làm đâu, như vậy gia đình mình tan nát. Mình vui vẻ làm tất cả cho gia đình mình ăn, nhưng tôi nhất định không ăn một miếng thịt cá trong miệng tôi. Vì tôi khởi sự lòng thương yêu đối với chúng sanh, tôi không nỡ nhai miếng thịt trong miệng, tôi không ăn, nhưng tôi vẫn phục vụ cho gia đình. Từ hành động biết được như vậy làm cho gia đình trở về ăn chay với mình mà gia đình rất là vui vẻ, không bao giờ thấy mình tức giận.
Còn khi mình ăn chay, người ngồi chỗ này người ngồi chỗ kia chứ không bao giờ ăn chung. Mình ăn ngọ thì thôi, ông với mấy con ăn gì ăn, còn riêng tôi thì tôi ăn riêng, tôi không thích ăn chung với mấy người nữa, mấy người là chúng sanh, còn tôi là Phật. Kiểu đó là mình trèo lên bàn ngồi để cho người ta thờ mình, chứ còn chưa chắc… Mình ích kỷ quá, mình nhỏ mọn quá, mình chỉ lo cho mình mà không nghĩ đến gia đình, con cái, cả một chùm nhân quả đang đau khổ mà mình không lo, mình chỉ biết có mình, mình lo tu à.
(22:26) Ờ, bây giờ tôi thọ Bát Quan Trai, thôi ông ở nhà ông làm gì làm tôi không biết, tôi đi thọ Bát Quan Trai để mai mốt tôi đi làm Phật, tôi ngồi trên đó, mấy ông ở địa ngục ráng chịu. Té ra là mình bỏ vợ, bỏ con cái hết, mình lo cho cá nhân mình. Như vậy là không đúng đâu.
Mình biết hòa hợp nhưng mà không bị lôi cuốn, mấy con. Cho nên những đức “nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng” Thầy đã nói trong “Thiền căn bản”, Thầy đã nêu những hạnh mà mấy con phải làm, tức là không làm khổ mình khổ người. Mình không chấp nhận một điều gì gọi là ác pháp thì mình phải làm cái gì để người ta thỏa mãn, vui vẻ.
Ví dụ, người ta mắng chửi gì mình cũng vui vẻ. Ở đây cô Nguyên Hạnh có trình bày cho Thầy, cô quyết định chấm dứt vấn đề sắc dục. Đối với ông chồng thì ông chồng tức giận, ổng kiếm chuyện này chuyện kia, ổng rày rà, ổng mắng. Cổ cứ vui vẻ, ổng quăng cái này thì cổ lượm lên; vui vẻ lo cơm, lo nước cho ông đầy đủ hết; vừa giũ màn, giũ ghế, vừa giặt quần, giặt áo, lo lắng cho ổng đầy đủ hết; nhưng có điều kiện không được là không được. Cuối cùng, ông không làm gì được hết mà thấy bà vợ sao càng ngày càng tốt hơn hồi đó. Hồi đó, cái gì cũng được hết, mà nhiều khi bà bỏ nhà đi chơi, không lo gì hết. Mà bây giờ, bả lo tất cả trong gia đình, không có cái gì mà bả không lo, con cái bả lo đầy hết; có cái điều kiện là bả không chấp nhận. Cuối cùng, ông khâm phục, bà này là thánh tiên chứ không phải phàm phu.
Còn mình không làm được như vậy thì sao làm mình làm được! Phải không? Khi mình tu Phật pháp thì phải thiện xảo, khéo léo, biết áp dụng đạo đức. Biết cái đó là ác pháp sẽ đưa mình vào địa ngục, nhất định mình ngăn và diệt. Mà mình phải có can đảm chứ nếu yếu đuối thì mình không thể nào thắng được mình. Chính mình không thắng được mình nên mình mới bị lôi vào cái vòng ác pháp. Đó là Thầy giải thích về những chữ “nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng”. Vì không giải thích thì không hiểu, nghe thì biết như vậy nhưng coi thường.
Coi như vậy chứ rất khó, nhẫn nhục là một điều khó mà Đức Phật nói: “Nhẫn một việc khó nhẫn; làm một việc khó làm”, chứ không phải dễ. Nên ở đây nhẫn nhục không phải là dễ; mà tùy thuận không bị lôi cuốn thì không phải dễ đâu; coi vậy chứ áp dụng vào đời sống chúng ta cay đắng lắm mấy con. Bởi vậy, Đức Phật nói “gánh nặng của thiện pháp”, mình kê vai mình gánh nặng của thiện pháp chứ không phải là thiện pháp nó nhẹ đâu, nó nặng hơn là ác pháp.
(24:51) Bây giờ mình muốn ăn là dễ đó, là ác pháp đó, nó dễ đó. Mình muốn chửi người ta dễ đó, chứ còn mình không chửi người ta là khó, nhất định không ăn phi thời là khó, không ngủ phi thời là khó; chuyện đó là gánh nặng. Nên Đức Phật dùng danh từ, Thầy đọc trong kinh sao ông Phật hay quá! Ông dám nói “gánh nặng thiện pháp”. Thật, đúng là ăn ngày một bữa là gánh nặng thiện pháp chứ, ai cũng ăn thì nó bắt mình cũng thèm mà thèm không cho nó ăn thiệt là gánh nặng chứ đâu phải là nhẹ. Các con thấy, đây là vấn đề đối với thiện pháp không phải là chuyện dễ làm, nó rất khó làm.
Cho nên chúng ta khi mà đi vào con đường đạo Phật, chúng ta phải thấy thiện pháp là một gánh nặng cho chúng ta. Cho nên chúng ta chấp nhận được, chúng ta tự nguyện chấp nhận chứ không ai bắt buộc. Nên thầy nói giới cấm của đạo Phật không phải của Phật, mà giới cấm là do các Tổ viết ra cấm.
Còn đạo Phật là tự nguyện đến thì ai mà cấm mình. Tôi tự nguyện đến, tôi sống, ăn chay, làm như vậy như vậy; Phật làm sao thì tôi làm như vậy; Phật không sân thì tôi nhất định tôi không sân; Phật ăn một bữa, tôi nhất định tôi ăn một bữa nên không ai cấm được, tôi tự nguyện mà. Đây đâu phải vì giới luật cấm tôi mà tôi ăn một bữa đâu.
Bây giờ mấy con thấy, giới cấm không ăn phi thời. Do giới cấm mà tôi thọ Bát Quan Trai, tôi không ăn phi thời. Qua mấy ngày đó rồi, tôi cứ ăn phi thời. Nghĩa là mấy ngày không thọ Bát Quan Trai thì tôi cứ ăn chứ sao nên tôi không bị giới; Còn bây giờ, tôi thọ giới rồi mà tôi ăn thì tôi phi thời. Vì vậy mà những ngày kia, tôi thỏa mãn đủ ăn ngày ba bốn bữa thậm chí ăn đêm không sợ tội. Khi có giới cấm rồi, bắt đầu những ngày thọ giới thì tôi không làm. Như vậy tôi bị cấm nên tôi bị ức chế.
(26:37) Còn cái này, tôi tự nguyện đến đây sống trong đời sống giải thoát gọi là đời sống phạm hạnh nên đạo Phật là đạo tự giác, tự nguyện, không ai bắt buộc ai nên giới cấm cũng bằng thừa, cấm ai được đâu. Người ta tự nguyện đến, sống không được thì người ta về chứ không ai bắt ở đây đâu.
Người tu sĩ như Thầy mà sống trong giới luật Thầy sống không được thì tự nguyện ra chứ không ai bắt buộc thầy mang cái áo này mà ăn uống phi thời. Hễ người ta ăn uống phi thời mà cứ cho mình là thầy chùa, cho mình là thầy tu thì thầy nghĩ như thế nào? Ông Phật đâu có bắt buộc mình ở đây để mà ăn phi thời? Thế mà người ta phi thời. Đó là những cái không có đúng đó, mấy con.
Cho nên theo Thầy thiết nghĩ giới luật của Phật là giới cấm là… Sau này, các con sẽ đọc bộ Giới Đức Thánh Tăng, Thầy sẽ xác định bộ giới cấm thì đối với sa di có mười giới sa di, giới tỳ kheo có hai trăm năm chục giới, bên ni có ba trăm bốn mươi tám giới. Như vậy là giới cấm.
(27:32) Còn Giới Hành của nó thì tất cả các pháp Phật đã dạy chúng ta đó gọi là giới hành. Nên nó là hạnh Sa Môn, những đức hạnh một người tu gọi là Giới Hành. Ở đây, chúng ta tu ngăn ác, diệt ác đều là tu trên giới này. Chúng ta tự nguyện tu, chúng ta ngăn, chúng ta tự nguyện không ăn phi thời, nên chúng ta ngăn chận không cho ăn phi thời chứ không phải sợ giới cấm chúng ta.
Cho nên, các con thường thấy pháp luật đặt ra, ai vi phạm pháp luật là bị ở tù, bị bắt nhưng người ta vẫn phạm pháp. Còn ở đây, tôi tự nguyện tôi thực hành không vi phạm, nó khác. Ở đây muốn thực hiện, thực hiện mà không phạm pháp thì phải có đạo đức dạy người ta trên pháp luật đó thì người ta sẽ không phạm pháp. Đằng này, không dạy mà đưa ra pháp luật tức là người ta bị phạm, bị phạm thì phải bị tù. Nên Đất nước chúng ta thường có những người tù vì phạm những tội hình sự: trộm cắp, tham lam, xì ke ma túy, mãi dâm, đủ loại tội.
Do chúng ta không giáo dục Đạo Đức, vì vậy chúng ta thiếu một cái gốc độ đạo đức nên người ta không tự giác thực hiện, tự nguyện để giữ gìn pháp luật. Bởi vì Pháp luật là hình thức phạt vạ. Còn tự nguyện để giữ gìn pháp luật đó tức là giữ gìn đạo đức đó, thì chúng ta phải có bài học, có những môn Đạo Đức để học. Cho nên Thầy thiết nghĩ, xã hội chúng ta đang thiếu đạo đức và đang thiếu những môn học Đạo Đức. Còn pháp luật chúng ta có rồi, nước nào cũng có pháp luật nhưng pháp luật không đủ làm con người trở thành con người đạo đức hoàn toàn.