(21:59) Bây giờ cô Diệu Quang hỏi tiếp Thầy.
Hỏi: (Đáp:) “Sổ Tức Quan, và Định Niệm Hơi Thở khác nhau rất xa. Sổ Tức Quan thì ức chế tâm bằng cách đếm số. Định Niệm Hơi Thở dùng pháp hướng Như Lý Tác Ý nên nhẹ nhàng diệt Tầm, tâm tỉnh thức hoàn toàn, không bị loạn tưởng.”
Cô Diệu Quang hỏi Thầy, cái pháp Sổ Tức Quan và cái Định Niệm Hơi Thở nó khác nhau và giống nhau như thế nào, xin Thầy dạy rõ cho chúng con hiểu? Thì Thầy trả lời:
“Sổ Tức Quan và Định Niệm Hơi Thở khác nhau rất xa. Sổ Tức Quan thì ức chế tâm bằng cách đếm số.”
Ở đây các con nghe rõ chớ không khéo thì các con tưởng Định Niệm Hơi Thở với Sổ Tức Quan là giống nhau.
Vì trong cái Ngũ Đình Tâm Quán mà ở các bậc Tôn túc họ kết hợp lại, từ cái quán từ bi để đối trị tâm sân, quán bất tịnh để đối trị tâm sắc dục, quán sổ tức quan để đối trị tâm loạn tưởng, thì tất cả những cái pháp này họ kết hợp lại, họ gọi là Ngũ Đình Tâm Quán.
Chớ trong kinh điển của Phật thì không có sử dụng cái Sổ Tức Quan này, mà họ đã lượm lặt nơi các kinh điển của các Tổ viết ra, rồi họ kết hợp lại những cái bài pháp như quán bất tịnh, quán từ bi của Phật để họ kết hợp lại, họ gọi là Ngũ Đình Tâm Quán.
Cho nên ở đây chúng ta tu hơi thở mà hơi thở nào gọi là Sổ Tức Quan, mà hơi thở nào gọi là Định Niệm Hơi Thở? Do hai cái pháp môn này nó khác nhau rất xa, chớ không có giống nhau đâu.
(24:02) Sổ Tức Quan thì phải biết rằng cách thức của nó là ức chế tâm bằng cách đếm số.
“Định Niệm Hơi Thở dùng pháp hướng Như Lý Tác Ý nên nhẹ nhàng diệt Tầm, tâm tỉnh thức hoàn toàn không bị loạn tưởng, hôn trầm thùy miên, vô ký.
Sổ Tức Quan do ức chế tâm, diệt Tầm Tứ nhưng chẳng được, nhưng chẳng đưa hành giả đi đến đâu, chỉ loanh quanh ở mê hồn trận của xúc tưởng hỷ lạc, nên chẳng lợi ích gì cho người tu tập.”
Đó thì, cái Định Niệm Hơi Thở thì nó có cái nghĩa nó khác, mà cái Sổ Tức Quan thì cái nghĩa nó khác, nó đi vào ở chỗ diệt Tầm Tứ để nó đạt được cái trạng thái hỷ lạc, rồi nó ở đó nó không biết cái đường ra, cho nên nó loanh quanh, loanh quanh ở trong đó rồi nó rơi vào thùy miên, vô ký, hoặc là hôn trầm. Còn cái Định Niệm Hơi Thở thì nó có cái mục đích nó khác.
Cho nên nó, như Thầy đã nói cái Định Niệm Hơi Thở là cái pháp trợ duyên, nó trợ giúp cho các pháp khác. Cho nên ở đây Thầy trả lời cho cô Diệu Quang là:
“Định Niệm Hơi Thở là pháp môn trợ giúp cho hành giả tu tập nhập các loại định khác, nên nó có lợi ích rất lớn cho đường tu tập giải thoát.”
Mục đích của cái Định Niệm Hơi Thở là nó là trợ cho các pháp, chớ nó cũng không giúp cho chúng ta đi đến cái mục đích cứu cánh giải thoát được, nó giúp cho các pháp mà thực hiện được cái giải thoát, cái mục đích giải thoát.
“Định Niệm Hơi Thở là trợ pháp cho các pháp môn khác để đạt được viên mãn cứu cánh, nên nó là pháp môn có hiệu quả và có lợi ích lớn.
Nghĩa là nó giúp cho các pháp môn khác, để chúng ta tu tập nó đem lại cái kết quả.
Bây giờ một cái ví dụ mà các thầy và các con cũng sẽ thấy rất là dễ: Khi chúng ta tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác, như đi kinh hành nè, bây giờ chúng ta tập trung ở trên cái bước đi của chúng ta, chúng ta nhớ được cái bước đi của chúng ta một lúc, rồi cái bắt đầu chúng ta lại quên đi.
Nhưng mà chúng ta biết kết hợp với cái hơi thở, hơi thở vô với hơi thở ra, thì chúng ta vừa thấy được cái bước đi của chúng ta, mà vừa biết được hơi thở, nương vào hơi thở để thấy bước đi càng ngày càng tỉnh hơn.
(26:23) Các thầy có kinh nghiệm tu hành các thầy mới thấy được cái điều mà kết hợp cái Định Niệm Hơi Thở với cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, hai cái kết hợp lại thì quý thầy thấy cái này rất rõ.
Còn nếu quý thầy chưa có tu tập được thì quý thầy tập thử đi, rồi nghe cái lời Thầy coi có không. Ở trong chúng đây có người mà tập mà kết hợp được cái hơi thở, cái Định Niệm Hơi Thở với cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác mà đi kinh hành hoặc làm công việc, thì thử coi phải tỉnh không, nó rất tỉnh đó.
Đó là cách thức để tu tập để hành pháp cho nó đúng cách, mà nó làm cho chúng ta được cái sức tỉnh ngăn chặn các ác pháp không cho sanh khởi.
Cái mục đích của cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, là cái mục đích của nó để giúp cho Tứ Chánh Cần, như Thầy đã giảng rồi, nó ngăn chặn không cho ác pháp sanh khởi. Mà muốn cho đạt được cái Chánh Niệm Tỉnh Giác Định thì nương vào cái Định Niệm Hơi Thở, khéo léo giữ gìn cái hơi thở một bên với cái tỉnh thức ở trong cái hành động của chúng ta, thì nó sẽ kéo dài và nó rất tỉnh.
Đó là những cái mà chúng ta khéo kết hợp câu hữu nó trở lại để mà chúng ta tu tập. Thì ở đây có người nào mà đã có cái kinh nghiệm tu tập, thì cái lời nói của Thầy nó không phải là nói sai đâu, chúng ta làm thử rồi chúng ta sẽ thấy được cái chỗ mà vi diệu của cái Định Niệm Hơi Thở, nó trợ giúp cho cái Chánh Niệm Tỉnh Giác rất là tỉnh thức.
“Định Niệm Hơi Thở là trợ pháp cho các pháp môn khác để đạt được viên mãn cứu cánh, nên nó là pháp môn có hiệu quả, có lợi ích lớn. Hành giả tu tập mà bỏ Định Niệm Hơi Thở thì kết quả chẳng có ích lợi nhiều đâu.”
Nghĩa là cái kết quả nếu mà bỏ cái Định Niệm Hơi Thở mà mình tu nội cái Chánh Niệm Tỉnh Giác không thì kết quả không lớn, tức là cái thời gian nó không dài ra đâu, nó rất khó.