(34:05) Bây giờ mấy con còn hỏi Thầy gì không? Để mà Thầy kiểm nghiệm những người nào cần thiết thì Thầy sẽ kiểm nghiệm.
Vừa rồi Thầy đi dạy cái lớp trường hạ. Nói chung là trong tỉnh Tây Ninh này đó thì hằng năm đều có mở cái lớp hạ. Nhưng mà Thầy ít có được bầu đi dạy. Nhưng năm nay thì được bầu Thầy làm giảng sư dạy cái lớp hạ, nhưng dạy rất ít. Hai tuần dạy một ngày. Chứ không phải là tuần nào cũng có một ngày, cũng may lắm. Nhưng mà hai tuần có một ngày dạy.
Nhưng mà Thầy được bầu để dạy giới luật. Và đó là một cái điều rất là quan trọng mấy con. Rất là quan trọng. Bởi vậy: “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất”.
Thầy có ít ngày trong cái trường hạ mà dạy chúng, tức là tất cả tu sĩ trong cái tỉnh Tây Ninh tập trung về học mùa hạ. Toàn là những vị trụ trì, trụ trì trong các cái chùa ở trong tỉnh Tây Ninh. Thì Thầy nói thẳng nói thật. Cho nên các Thầy mà phạm giới, phá giới thì rất là ái ngại.
Thậm chí như quý thầy ngồi hút thuốc tự nhiên mấy con. Chứ không phải lén lút đâu hết, cầm điếu thuốc hút tự nhiên. Rồi ăn uống phi thời, sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn đầy đủ không thiếu gì hết. Gặp Thầy, Thầy đưa giới luật ra, Thầy đánh ngay liền.
Người tu sĩ không phải là người tham ăn. Người tu sĩ mà còn nghiện ngập rượu, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, thuốc phiện thì không phải là người tu sĩ. Là người không minh mẫn. Một người tu sĩ phạm giới là người đó đã phá Phật giáo. Người đó đã diệt Phật giáo. Chứ không phải là tu sĩ của Phật giáo, mà là tu sĩ của ngoại đạo đang phá Phật giáo. Thầy nói thẳng: “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất”.
(36:07) Quý thầy cứ nghĩ bộ kinh giới luật như thế này còn là Phật giáo còn sao? Đức Phật muốn nói quý thầy có giữ gìn giới luật được hay không?
Nếu giữ gìn giới luật không được, thì đương nhiên Phật giáo đã bị mất rồi quý thầy. Nhìn cái số tu sĩ đang ngồi trước mặt Thầy, đang học hạ là toàn ở tỉnh Tây Ninh. Người nào giữ giới được? Như vậy là toàn tỉnh Tây Ninh chúng ta là Phật giáo đã bị diệt rồi mấy con. Quý thầy, quý cô sẽ thấy điều này. Đức Phật đã xác định điều này mà: “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất”.
Tu sĩ phạm giới phá giới là Phật giáo còn sao? Toàn là tu sĩ ngoại đạo. Toàn là Bà La Môn đó. Quý vị cứ nghĩ đi, người nào mà cho lời Thầy nói sai cứ đứng lên trả lời. Trả lời với Thầy, Thầy cho quyền trả lời. Thầy nói cái đó sai hay không?”
Không một vị tu sĩ nào, một vị trụ trì nào dám trả lời một cái điều gì cả hết, im phăng phắc. Nhưng họ vẫn không ưa Thầy mấy con.
Họ phạm giới, họ sống như vậy. Thầy nói vậy, thì trong cái số chúng như vậy là bảy mươi chúng. Bảy mươi vị trụ trì về học hạ. Thì cũng có một vài người họ đã giác ngộ, họ đã hiểu được, họ quý mến Thầy. Nhưng có một số người thì họ cũng ghét cay, ghét đắng Thầy lắm.
Tại vì bây giờ điếu thuốc bỏ không được, ly rượu bỏ không được. Sáng không được ăn thì buồn bực, cho nên rất là đau khổ. Nhưng nói sao được? Kinh sách Phật rõ ràng, không thể nói Thầy được. Mà cho Thầy vào là cả một vấn đề, rất là khó. Nhưng tại sao Thầy, mùa hạ năm nay, Thầy lại vào trường hạ Thầy dạy được? Còn những năm khác làm sao?
(38:02) Sự thật ra theo Thầy biết thì Ban tôn giáo của tỉnh và mặt trận, các vị lãnh đạo của tỉnh, năm nay đề nghị xin thầy Chánh tri sự cho Thầy Thông Lạc dạy giới luật trong cái trường hạ của năm nay. Do cái sức ép của chính quyền, mà các thầy phải chấp nhận cho Thầy đi dạy trường hạ. Không ngờ Thầy dạy đúng cái mốt quá chừng, thành ra làm động quý thầy.
Đúng vậy mấy con, phải mạnh mẽ nói thẳng, nói thật. Nó sẽ cứu vớt được một số người. Chứ còn yếu yếu là chúng ta không dám nói thẳng, nói mạnh thì người ta lầm tưởng là các tổ dạy. Rồi người ta theo đó mà người ta sống: sáng, trưa, chiều, người ta ăn uống một cách phi thời, không có đúng cách.
Bởi vì các tổ dạy: “Phật ăn giờ ngọ, chư Thiên ăn trước giờ ngọ và ngạ quỷ mới ăn đêm thôi”. Còn mình ăn chiều, mình chưa phải ngạ quỷ mà, ăn được. Sáng mình chư Thiên mà, ăn được, đâu có gì. Còn Phật mới ăn giờ ngọ. Không ngờ là cái giới người ta dạy không ăn phi thời chứ. Nghĩa là mình ngày ăn một bữa thôi, chứ đâu có ăn phi thời như vậy. Cho nên đem cái giới ra thì các tổ vẽ vời bên đây, vẽ vời bên kia để tránh né.
Còn về cái giới mà uống rượu thì các Hòa thượng lại dạy: “Đức Phật dạy cho chúng ta uống rượu, nhưng đừng uống rượu say. Mà dạy chúng ta uống rượu đừng uống rượu nếp, mà uống rượu la ve thì có cái gì đâu, nó khác”. Có phải không? Đó là các thầy họ bịa ra, họ nói ra.
Rượu là rượu, cái chất nào có men là không được uống. Mà đức Phật muốn nói ở chỗ này đó là cái ý nói chỗ này, không phải cấm chúng ta uống rượu. Mà vì cái đức, cái giới luật mà không cho uống rượu, đó là cái Đức Sáng Suốt, cái Đức Minh Mẫn. Mà minh mẫn cái gì mà uống, nó gây ảnh hưởng cho cái cơ thể chúng ta, có sự nghiện ngập bỏ không được.
(40:12) Như cà phê, thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện, rượu, uống rồi nó quen rồi bỏ không được. Đó là nó gây cho cơ thể chúng ta nghiện ngập. Rồi nghiện ngập rồi nó lại sanh ra bệnh tật. Bệnh tật những cái chất độc này. Đó là cái người không sáng suốt, mới đem vào những cái chất độc vào thân của chúng ta.
Còn cái người sáng suốt thì người ta đâu dại gì người ta đem cái chất độc vào thân người ta. Ăn ngày một bữa người ta còn thấy cực khổ, còn nhai, còn nuốt, còn cực. Huống hồ là ngồi đó mà nhậu nhẹt rồi ợ ợ, ngáp ngáp rồi ụa khạc, ói, mửa ra, tùm lum, tà la ra. Dơ bẩn như vậy mà không thấy được cái điều đó.
Cho nên ở đây thì gặp Thầy thì nói thẳng, nói thật. Cho nên lớp mình vào đây, mình ở trong Tu viện, mình nghe Thầy nói giới luật thì nó hợp rồi. Nhưng mà gặp cái giới tu sĩ của Đại thừa, mà từ xưa đến giờ họ coi giới luật lỏng lẻo, mà gặp Thầy dạy giới thì nó đụng. Ôi thôi nó nhức đầu họ biết bao nhiêu.
Có người họ đương ngồi Thầy nói vậy đó, họ nghe động quá, họ điếc lỗ tai. Họ ngồi họ nghe không nỗi nữa, họ chắp tay họ xá Thầy cái vầy họ lật đật, họ đi mấy con. Họ đi cho khỏi đừng có nghe nữa. Nó khổ sở hết sức vậy, chứ đâu phải. Thầy thấy, Thầy cũng cảm thông, Thầy hiểu. Nhưng mà phải nói chứ. Thầy nói thật sự ra, Thầy nói Thầy là tượng trưng cho giới, cho giới.
Cho nên trong khi cái ngày hôm qua, cái ngày thứ bảy mà Thầy dạy đó là cái ngày cuối cùng của cái trường hạ. Cái ngày đó là cái ngày mai đó, là Thầy hết dạy rồi. Nhưng mà họ tới hai tuần nữa họ mới giải hạ, chứ không phải là bữa nay, thứ bảy.
Nhưng mà Thầy nói: Hôm nay Thầy chào tạm biệt, hẹn sang năm Thầy còn gặp lại quý thầy. Nhưng mà Thầy gặp quý thầy, sang năm sẽ giới luật nghiêm chỉnh hơn, tốt hơn. Và đồng thời hôm nay, Thầy gởi cho quý thầy mỗi người một tập sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống tập một- dạy về mười giới Sa di.
Quý thầy thì hầu như có nhiều người thọ Tỳ kheo nữa. Hai trăm năm chục giới. Các cô có nhiều người thọ ba trăm bốn mươi tám giới. Thôi bây giờ Thầy chỉ dạy mười giới mà không có thì giờ đây. Cho nên Thầy ngồi một lúc, mà Thầy trong vòng một tiếng đồng hồ, mà Thầy dạy luôn cả mười giới. Nghĩa là đọc cái giới này rồi, Thầy lướt, Thầy đi qua cái giới khác lia lịa. Để cho nó kịp cái thì giờ, để Thầy nói hết những cái giới mà rượu chè say sưa, trang điểm.
(42:38) Làm thầy tu gì mà còn cạo đầu cho bóng láng, ăn mặc, chải chuốt đồ. Thầy nói, Thầy dẹp sạch ba cái thứ này hết. Ăn mặc sao cũng được ở đó mà sửa sang. Đi ra còn dòm ngó trước sau coi y áo của mình coi sát hay không nữa. Nó, sự thật ra giới luật của Phật đã cấm cái điều đó rồi mà. Cho nên Thầy đem mười giới Sa di ra Thầy nẹt, Thầy nẹt rất là thẳng thắn.
Thầy nói quý thầy đó: “Thật sự ra cái tội của quý thầy rất lớn là cất giữ tiền bạc”. Ông nào mà trong túi cũng có hết. Chính bữa mà Phật giáo của huyện Trảng Bàng họp nhau, để làm một cái lễ Trai Tăng của cái lớp trường hạ này. Mà trong khi các chùa ở trong cái huyện Trảng Bàng này, Phật giáo của đại diện của ban Phật giáo của huyện này, huyện Trảng Bàng. Họp nhau thì mỗi thầy người hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm.
Riêng Thầy, Thầy có mang đồng nào theo đâu. Cho nên Thầy cũng nói thật, bây giờ thôi ghi Thầy năm trăm đi. Thầy cũng cùng với quý thầy để họp nhau, để làm cái lễ Trai Tăng thôi. Nhưng ghi cho Thầy chứ bây giờ Thầy không có là người cất giữ tiền. Bây giờ Thầy mới về Thầy xin người ta. Chứ Thầy mà làm sao Thầy có tiền?
Bởi vì cái giới luật là không cho cất giữ tiền. Thì bây giờ mình không có, thì bây giờ mình đi xin thôi. Cho nên vì vậy mà Thầy xin, bây giờ ghi cho Thầy thôi chứ bây giờ tiền mặt không có nha. Đó Thầy nói thẳng và đồng thời trong lớp học Thầy cũng nói thẳng. Thầy không có cất giữ tiền bạc, bây giờ ai muốn nói hỏi tiền bạc gì hoàn toàn là Thầy không có. Thầy là người giữ giới hoàn toàn, cái giới thứ mười: "Không cất giữ tiền bạc".
Mà quý thầy hỏi ra cái móc túi đưa ra, tiền ở đâu mà quý thầy sẵn quá vậy? Quý thầy là tu sĩ mà cất giữ tiền cái kiểu này đó, thật sự cái ban đại diện của Phật giáo huyện Trảng Bàng của mình là phạm giới tất cả hết. Phạm giới giữ tiền bạc. Đúng vậy! Bữa đó ngồi, quý thầy trong chùa của huyện Trảng Bàng này mọi mặt đều đưa tiền ra hết.
Riêng Thầy nói: “Tui không có tiền. Tui đâu có cất giữ tiền đâu. Bây giờ, họp với nhau thì tui chỉ còn nước về xin Phật tử thôi. Xin Phật tử người ta sẽ cho, tui sẽ gửi đến cho ban đại diện của Phật giáo huyện”. Đó là cách thức mình thẳng thắng nói thật, ai ghét ghét. Chứ còn mình cứ nói thẳng nói thật thôi. Lấy giới luật Phật mà vừa là, mục đích của mình là lấy gương hạnh của mình mà dạy cho người khác nữa.
(44:55) Rồi hỏi bây giờ trong cái vấn đề đi xe sao? Bây giờ không tiền, đi xe ra xin, ai có cho đi. Xe này không cho thì xe khác cho, có vậy thôi. Riết rồi người ta quen rồi người ta cũng cho mình chứ đâu, chứ sao? Chứ đâu có gì đâu. Tại vì mình giờ chưa làm quen được cái điều đó. Cho nên thấy các Thầy đều là đi có tiền xắp xắp vầy, thì xe nó phải lấy tiền chứ sao.
Chứ còn gặp Thầy thử coi. Ra đi lại cái xe này xin: “Tui là một tu sĩ đâu có cất giữ tiền bạc, bởi vì cái giới luật cũng như vậy. Cho nên bây giờ tui đến xin bác tài hay hoặc là bác lơ xe nói với chủ xe, làm ơn nói với chủ xe cho tui quá giang được đi từ chỗ này đến chỗ kia, được thì cho tui đi một đoạn. Nếu không cho tui ngồi thì tui đứng cũng được. Miễn tui đi tới đó thôi. Tui thì dù là già yếu như thế này, tui vẫn vui vẻ đứng để mà di chuyển từ chỗ điểm này. Còn nếu cho được cái chỗ ngồi thì tui cám ơn. Còn nếu không thì cho tui đứng để mà tui quá giang. Còn nếu không cho thì tui đến xe khác tui xin. Tui cũng xin cảm ơn là vì đã làm mất một cái chỗ để chiếc xe có thêm được một số tiền. Nhưng mà vì thương chúng tôi là người tu hành không cất giữ tiền mà cho chúng tôi, chúng tôi thành thật cám ơn”.
(46:05) Mình cứ thành thật mình nói đi. Rồi người đời người ta sẽ thấy một người tu như vậy người ta quý trọng mình và người ta sẽ cho. Và sau này cái gương hạnh đó đó, rồi sau này các thầy mà đi, người ta vẫn cho hết.
Chứ còn quý thầy đi đâu cứ lấy tiền đưa, lấy tiền đưa. Thôi, Thầy đi ra, chắc Thầy cũng chết luôn. Người ta từ chối: “Không được! Xe kia, Thầy lại đến xin xe kia, chứ xe tôi đầy rồi”. Mặc dù họ không đầy, họ vẫn lịch sự họ nói: “Xe tui đầy rồi, hết chỗ rồi. Thôi, Thầy lại cái xe sau kia, Thầy hỏi xin”.
Sự thật Thầy đi xin xe, Thầy biết cái điều đó lắm mấy con. Ghê lắm chứ không phải không. Có một lúc, có người Phật tử gặp Thầy đi xin xe, họ không cho, người Phật tử đến mua vé cho Thầy đi. Sự thật, thật sự Thầy nói cái tâm mình tốt thì sẽ có người, người ta sẽ mua vé xe cho mình đi.
Còn có xe tốt lắm mấy con. Đến xin cái, họ- cái người chủ xe đó- họ dẫn cho mình đến cái chỗ cái băng, rất là tốt êm ái, ngồi rất là đàng hoàng. Chứ không phải là cho mình ngồi cái băng sau đuôi xe đâu. Bởi vì họ rất quý trọng mình.
Thật sự ra hồi mà Thầy đi khất thực, đi vấn y- vấn cũng như mấy con đó, Thầy đi xin xe quá giang. Thì ở dưới An Giang nó có cái xe gọi là xe Huệ Hải. Cái tên của cái cô đó là Huệ Hải. Chắc có lẽ là đệ tử của trong Khất sĩ, của bên Khất sĩ. Cho nên cái cô này thấy mặc y áo vậy là đến, là cô cho chỗ ngồi liền. Cô cho cái chỗ ngồi cho quý sư, bởi vì biết quý sư không cất giữ tiền.
Trong cái ngày mà Thầy còn ở An Giang, mà Thầy ở Hòn Sơn, mà Thầy đi xin tàu, xin xe, mà Thầy đi chỗ này, chỗ kia đó. Thì trong lúc đó đó, cái Khất sĩ người ta còn nghiêm chỉnh lắm mấy con, không có cất giữ tiền bạc. Còn bây giờ Khất sĩ có tiền rồi. Còn hồi trước đó thì không có tiền. Còn bây giờ đi có tiền nhiều rồi, nó khác rồi, nó lai Đại thừa mất đi.
Cho nên bây giờ Thầy nói thật sự ra chúng ta trở lại cái đời sống giữ giới luật nghiêm chỉnh- không cất giữ tiền. Không cất giữ tiền. Phải học tu như vậy mới được mấy con. Cho nên từ cái chỗ đó, chúng ta mới thấy ly dục, ly ác pháp. Có tiền là không ly dục đâu mấy con. Nó sai mình dữ lắm đó. Có tiền rồi nó thấy gì muốn ăn cái: “Cô cô lại đây bán cho tui cái này”. Thì tiền nó sai, đó chứ không gì, đó dục nó tới.
(48:18) Cho nên không có tiền ở trong túi của chúng ta là tốt lắm mấy con. Tu hành nó không muốn cái gì được. Thành ra cuối cùng nó thành một cái thói quen. Một cái thói quen giải thoát, nó có thói quen ly dục. Cho nên chúng ta tu tập là chúng ta tập cái thói quen.
Cho nên mỗi khi mà nó tâm chúng ta khởi thấy cái người đó sai, người đó nói ác thì chúng ta bảo: “Quay lại thấy mày nói ác, thấy mày làm sai, chứ đừng có thấy người khác. Mày thấy người khác là mày sai.” Mình cứ điểm mặt mình đi. Đừng có điểm mặt người khác. Đừng có nói người khác xấu. Mà hãy nói mình xấu.
Mọi người người ta tốt, người ta nói như vậy để cho mình tu chứ không phải là cái gì. Cho nên mình phải thấy mình. Nhớ cái lời Thầy nói, thì mấy con sẽ được an ổn. Mấy con sẽ được giải thoát và từ đó tâm mấy con ngồi lại nó sẽ bất động.
Cho nên đạo Phật hay lắm, cái câu mà đức Phật dạy: "Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người!" Hay quá! Cái câu này nó trở thành cái chân lý để mà chúng ta sống đó mấy con. Sống bằng cái câu đó.
Cho nên chúng ta sống bình thường, nhưng mà tâm chúng ta thấy cái gì, mà có người khác xấu là chúng ta bảo: "Quay vô không được thấy cái điều này, mày thấy cái điều này là sai, thấy lỗi mình không được thấy lỗi người". Phải nhắc nó vậy thì nó quay riết vô, nó thấy lỗi nó. Mà nó thấy lỗi nó thì nó sửa. Bởi vì lỗi nó là cái lỗi nó phạm giới mấy con. Nó phạm giới nó mới thấy cái lỗi nó. Còn nó không phạm giới thì làm sao có cái gì đâu lỗi nó.
Cho nên bây giờ nó khởi ra cái niệm nó muốn ăn: "Ờ mày coi chừng tao biết mày là phạm giới phi thời, giờ này mà muốn ăn à? Ăn một viên kẹo cũng không có được chứ đừng nói chuyện". Đó do đó mình rầy nó, dạy nó riết rồi cái tâm của mình nó thuần, nó quen rồi thì nó trở thành con người giới luật nghiêm chỉnh. Nó không có nghĩ ăn phi thời gì hết, nó thanh tịnh. Chừng nó thanh tịnh rồi thì bắt đầu nó ngồi nó bất động, thanh thản, an lạc, vô sự mấy con.
(50:01) Tu tập có vậy thôi đâu có gì khó đâu mấy con. Thầy nói đúng là chúng ta tu đúng là sẽ giải thoát ngay liền, ngay liền. Giới luật là một cái bảng kê ra để chúng ta biết cái sai phạm của chúng ta, chứ đâu có gì đâu. Ráng tu tập!
Bây giờ mấy con hỏi Thầy gì nữa không? Rồi con có hỏi, con lên đây.
Tu sinh: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính thưa Thầy. Qua vấn đề Thầy vừa giảng về vấn đề ăn uống phi thời con xác định hỏi Thầy. Như trong một ngày mười giờ cho tới mười hai giờ thì giờ độ ngọ. Mà như tới giờ đó mà con chưa ăn, trong khoảng thời gian mười giờ tới mười hai giờ mà do bận công chuyện gì đó, mà ngoài giờ đó con ăn có bị phạm giới phi thời hay không?
Trưởng lão: Thầy sẽ trả lời cho thấy rõ. Trong một ngày ăn một bữa là không phi thời. Chứ không phải đợi cái giờ ngọ mà ăn. Nhưng mà chúng thấy cái giờ, chọn lấy cái giờ trưa mà chúng ta ăn đó là đúng, đó là dễ dàng hơn. Tại vì chúng ta ăn không có phải là ban đêm này kia nọ chúng ta ăn. Nhưng một ngày một đêm mà chúng ta ăn một bữa là chúng ta ăn ngọ, ăn ngọ.
Bởi vì ví dụ như con bây giờ công việc gì đó mà trong cái mười hai giờ con mắc bận công việc hay hoặc là có tiếp khách hay hoặc gì đó, con không có thể ăn được. Thì qua một giờ con ăn cũng không, cũng là giờ ngọ thôi, chứ không có gì hết. Ăn có một bữa mà. Chứ đâu phải là con ăn thêm một phần nào nữa đâu, không có.
Thành ra ăn một bữa là ngọ. Ngọ ở đây có nghĩa là không ăn phi thời, ăn một bữa mà thôi. Nhưng mà ngọ là tại vì ngọ trai là người ta lấy giữa trưa là người ta ăn cho nó tiện. Là vì trong một ngày buổi sáng, buổi tối mà đi xin ăn đó là nó không có tiện.
Cho nên trong cái buổi trưa mà chúng ta đi xin ăn, thì nhà nhà người ta đều ai cũng có cái bữa cơm, họ lo cho cái bữa trưa. Cho nên chúng ta xin thì họ sẵn sàng họ cho. Còn cái buổi sáng có nhiều người họ ăn qua loa. Cho nên vì vậy mà họ không cần lo cái bữa ăn mà mình tới xin họ thì nó không có.
(52:12) Còn buổi chiều đó thì người ta cũng có, nhưng mà điều kiện mình xin buổi chiều đó, làm cái buổi chiều là người ta nó cũng bận rộn. Cho nên mình đến xin buổi chiều là nó cũng làm cho cái người khác nó bận rộn. Bởi vì trong cái thời đức Phật là vì ăn ngọ, ăn ngày một bữa mà ăn ngọ đó, là chọn lấy cái giờ trưa đi xin ăn cho nó dễ, tiện lợi cho mình mà tiện lợi cho người.
Cho nên vì vậy mà nói ngọ, chứ sự thật ra thì nó quá cái giờ ngọ mình ăn cũng một bữa cũng là ngọ. Mà sáng mình ăn sớm cũng một bữa nó cũng là ngọ. Nghĩa là nói chung là mình có cơm ăn, áo mặc chừng một bữa là thôi. Bữa cơm của mình thì nó là ngọ. Đừng ăn phi thời hai, ba bữa thì nó không tốt, có vậy thôi.
Nhưng mà chọn cái giờ của nó là giờ trưa là ăn tốt nhất. Tốt nhất, là vì đi xin ăn là phải cái giờ đó là tốt nhất. Phải không? Cho nên mình không có sai. Bây giờ con mắc bận chuyện, hai giờ con ăn cũng được, mà bốn giờ con ăn cũng được. Bốn giờ chiều ăn cũng được. Mà năm giờ chiều con ăn cũng được.
Nhưng mà ngày đó con phải ăn một bữa. Chứ không nói là: “Ăn như vậy rồi, chắc ngày mai tui đói chết. Nên thôi để sáng tui ăn thêm hay hoặc này kia để chịu mới được”, thì không được. Chết bỏ cũng một bữa mà thôi. Giới luật thì nó như vậy.
Cho nên trong một cái ngày, chẳng hạn nào như bây giờ Thầy nói ở Việt Nam của mình, trong cái giờ ngọ của mình là trưa. Nhưng ở bên Mỹ nó nửa đêm con, vậy tui ăn ban đêm sao? Có phải không? Ở bên mình mười hai giờ, chứ bên đó là nửa đêm. Phải không? Nó vậy làm sao? Rồi cái múi giờ nó trật hết hà. Cho nên chúng ta thấy nó không có đúng đâu.
(53:54) Nhưng mà mình ăn ngày bữa, tức là một đêm một ngày mình ăn bữa thôi, đủ rồi, thì nó là ngọ. Đó chứ đừng có lấy giờ trưa ăn, rồi ở bên Mỹ nó cũng trưa như mình bên đây, thì bên đây mình ngủ, bên đó nó ăn. Như vậy nó ăn phi thời đối với mình, còn mình ăn phi thời đối với nó. Như vậy là không phải đâu con. Phi thời là ăn hai, ba bữa nó phi thời, còn mình ăn một bữa là nó ăn ngọ. Mình sống có một bữa, phải không? Con còn hỏi Thầy gì nữa không? Hết rồi phải không?
Tu sinh: Kính thưa Thầy! Con giờ con xin hỏi Thầy về vấn đề ăn uống phi thời. Như con là cư sĩ khi mà có cái gia duyên, tu nó có cái hữu sự về gia đình. Tức là trong gia đình anh em hoặc là bạn bè mời con uống một ly nước mà nó có chất dinh dưỡng trong đó, như vậy là chắc con đã là phạm giới. Nhưng mà trước khi vậy, con xin con chấp ở trước cái phòng khách đó con xin phép Thầy rồi xin phép đức Bổn Sư. Cái con ra ngoài nếu mà lỡ như con từ chối không được, con uống một ly nước có chất dinh dưỡng là trước khi con ra con khai giới vậy, con uống như vậy có bị tội phạm giới phi thời không?
Trưởng lão: Không. Phải khai giới. Nhưng mà khai giới là vì mình tùy thuận cho cái người trong gia đình, người mời mình đó để cho họ vui thôi. Để không họ buồn mình làm lẽ.
Nhưng mà mình nói thẳng nói thật: “Tôi giữ giới luật để cho thân tâm thanh tịnh, cho nên ăn ngày một bữa, không dám ăn phi thời, không dám uống những cái thứ này. Xin bà con hay là anh chị em vui lòng. Bởi vì một người tu sĩ rồi. Tôi đã tu theo Phật rồi, phải giữ gìn cái giới luật”. Thì họ cảm thông thôi.
Nhưng mà mình thấy không thể mình nói được, thì mình xin khai giới để tui tùy thuận. Để mà không làm phiền lòng người khác, thì mình có thể không lỗi. Nhưng mà sau khi mình khai giới rồi thì mình về mình xin sám hối từ đây tôi sẽ cố gắng tôi khắc phục lại. Không để phạm lỗi nữa. Đó vậy thôi con.