(29:26) Câu hỏi thứ tư: Kính bạch Thầy, đời sống phạm hạnh của một tu sĩ Phật giáo như thế nào? Làm sao để biết người nào là tu sĩ Phật giáo, người nào là tu sĩ giả dạng tu sĩ Phật giáo để chúng con khỏi bị lừa?
Trưởng lão: Trước hết chúng ta nhìn vào đời sống của một tu sĩ phá giới và một tu sĩ không phá giới; một người tu sĩ phạm giới và một người tu sĩ không phạm giới, chúng ta phân biệt rất rõ ràng. Dễ dàng lắm, chúng ta đến một ngôi chùa thấy các tu sĩ ăn uống phi thời thì biết ngay những người này là tu sĩ của Bà La Môn, của ngoại đạo chứ không phải là tu sĩ Phật giáo. Đó là chúng ta thấy nội cách ăn của họ đã thấy không đúng rồi.
Huống hồ là chúng ta nhìn thấy tất cả các hành động. Ví dụ như một vị tu sĩ Phật giáo thì ba y một bát, còn họ của cải tài sản nhiều thì chắc chắn không phải là vị tu sĩ của Phật giáo rồi. Đức Phật lấy một đời sống đi xin ăn mà các vị này tự nấu nướng ăn uống là đã không đúng rồi. Giới luật xác định một người tu sĩ Phật giáo và một người tu sĩ của ngoại đạo rất dễ dàng và rõ ràng.
Người tu sĩ Phật giáo thì không ca hát và không nghe ca hát, còn người tu sĩ ngoại đạo thì nghe ca hát và thích ca hát. Cho nên chúng ta đến một ngôi chùa mà thấy ti vi truyền hình rồi máy cassette, băng nhạc ca hát, mặc dù là những nhạc đạo nhưng vẫn là ca hát, âm thanh vẫn còn trầm bổng, nhẹ nhàng cám dỗ lòng người. Thích nghe những âm thanh trầm bổng đó thì là những người tu sĩ ngoại đạo chứ không phải tu sĩ Phật giáo.
(31:25) Tu sĩ Phật giáo là sống một đời sống ăn mặc không se sua nghĩa là đức Phật nói phải lượm vải bó thây ma, vải chim tha, vải bỏ chúng ta xin lượm vải đó về giặt sạch kết làm y áo chúng ta mặc đi xin ăn thì như vậy mới đúng. Còn những tu sĩ ngoại đạo thì ăn mặc phải là vải ngoại quốc, vải đẹp mới mặc, còn vải xấu thì không mặc, đòi hỏi những thứ tốt đẹp như người thế gian thì đó là tu sĩ của ngoại đạo, của Bà La Môn chứ không phải là tu sĩ Phật giáo.
Cho nên muốn biết là tu sĩ thật của Phật giáo hay tu sĩ giả thì chúng ta nhìn vào giới luật đức hạnh của vị tu sĩ để xác định đúng hay sai. Cho nên quý vị cứ nhìn vào giới tu sĩ của Phật giáo hiện giờ là biết ai là tu sĩ Phật giáo, ai không phải là tu sĩ Phật giáo, nó rõ ràng lắm. Mặc dù họ xưng là tu sĩ Phật giáo nhưng sự thật họ là tu sĩ của Bà La Môn. Như quý vị biết rõ ràng vì theo đức Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy: một vị Bà La Môn họ phải thông suốt kinh điển Vệ Đà nghĩa là kinh điển Vệ Đà, họ phải học thuộc làu hết, bùa chú họ phải thông suốt, cúng tế họ phải thông suốt. Hiện giờ, một người tu sĩ có cấp bằng cao chưa hẳn là một người tu sĩ của Phật giáo đâu. Cấp bằng cao chứng tỏ đó là tu sĩ của Ba La Môn bởi vì họ phải học các bộ kinh Vệ Đà, phải thông suốt. Cũng như bây giờ quý vị phải học thông suốt Tam tạng kinh điển của Đại thừa mới chấp nhận đó là một người tu sĩ. Điều đó là điều sai.
Ngày xưa đức Phật đã bác những điều này, đức Phật không chấp nhận sự tụng niệm, cúng bái. Tu sĩ Phật giáo bây giờ quý vị thấy rất rõ ràng, họ cúng bái tụng niệm, bày ra đủ thứ không phải một thứ, như cúng bái tụng niệm, cầu siêu cầu an, làm tuần làm tự, coi ngày giờ tốt xấu, đó là hành động của Bà La Môn. Còn trong giáo lý, lời dạy của đức Phật, người tu sĩ của đạo Phật không được hành những nghề này. Họ hành những nghề này là họ hành những nghề của Bà La Môn. Họ học cho có cấp bằng cao, Cao đẳng Phật học hay Tiến sĩ Phật học như đức Phật đã xác định họ là Bà La Môn chứ không phải đạo Phật.
Đạo Phật không cần có bằng mà cần sự giải thoát, cần sự làm chủ, cần con người có Đạo Đức Làm Người, Đạo Đức Làm Thánh cho nên Giới-Định-Tuệ đã xác định được điều đó. Cho nên nhìn vào việc xuất gia của các thầy bây giờ, chúng ta thấy rõ quý thầy đang là tu sĩ của Bà La Môn chứ không phải là tu sĩ Phật giáo. Vậy nên chúng ta biết rất rõ hiện giờ đi tìm một người tu sĩ Phật giáo rất hiếm, không có nữa, rất khó chứ không phải dễ.
(35:18) Đức Phật đã xác định cho chúng ta rất rõ ràng: Giới- Định- Tuệ. Ai là người sống đúng giới luật? Không có. Chúng ta nhìn tu sĩ Phật giáo bây giờ từ cấp lãnh đạo lớn của Giáo Hội Phật Giáo cho đến tu sĩ mới vào tu, một chú Sa di, chúng ta thấy Giới Luật không có vị nào nghiêm chỉnh.
Kế đó chúng ta nhìn đến giai đoạn của Định thì thấy không có một tu sĩ nào nhập định đúng của đạo Phật thì sao gọi là đạo Phật được. Bởi vì định của đạo Phật là từ Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Bốn Thiền Định này xác định được là người tu sĩ của đạo Phật. Ai đã ly dục, ly ác pháp chưa? Chưa có người nào ly dục, ly ác pháp làm sao gọi là nhập Sơ Thiền. Đến Tứ Thiền là thiền thứ tư, ai đã tịnh chỉ được hơi thở? Nếu không tịnh chỉ được hơi thở, người đó không bao giờ được gọi là nhập được thiền của đạo Phật. Cho dù bây giờ mấy ông có ngồi thiền bảy, tám ngày, một năm, hai năm…mà cứ ngồi đó thoi thót mà thở thì cũng chưa phải nhập thiền thứ tư của đạo Phật.
Ai thực hiện được Tam Minh, ai có được Lậu Tận Minh? Nhìn lại tu sĩ của chúng ta bây giờ, Giới - Định - Tuệ mà đức Phật đã nêu ra rõ ràng ba giai đoạn tu tập này thì không có vị tu sĩ thực hiện đúng được. Ngay cả giai đoạn thứ nhất là Giới Luật đã là không được thì làm sao gọi là Thiền Định cho được. Mà Thiền Định không được thì làm sao mà có Tuệ được. Cho nên không có người tu sĩ Phật giáo nào hiện giờ được gọi là tu sĩ Phật giáo được mà là tu sĩ của Bà La Môn, của ngoại đạo.
Cho nên cái lý luận, cái nói của họ thì rất hay nhưng cái đời sống tu sĩ Phật giáo của họ không bao giờ có.
Đây là câu hỏi thứ tư đã hết, tạm đủ để chúng ta hiểu được cái sai, cái đúng để chúng ta nương theo con đường của Phật pháp, tu cho đúng Giới - Định - Tuệ để thực hiện được một đời sống giải thoát trong một kiếp này. Không nên để cho thân tâm của chúng ta mất đi rồi, khó mà chúng ta tìm lại như đức Phật đã nói: "Được thân người rất khó, khó hơn con rùa mù tìm bọng cây giữa biển". Vả lại, pháp môn của đức Phật bây giờ rất khó vì bao nhiêu kinh điển Đại thừa đã che khuất giáo pháp chân chánh của đức Phật: Giới -Định - Tuệ, đã bị mất đi, cho nên chúng ta không còn lối để đi vào nẻo giải thoát đạo Phật nữa.
Hôm nay chúng ta phải cố gắng, phải tu tập, phải nghiên cứu kỹ những gì đức Phật đã dạy mà trong kinh Nguyên Thủy của đức Phật đã được Hòa thượng Minh Châu dịch lại. Chúng ta hãy đọc lại bốn bộ kinh Nikaya, nghiên cứu kỹ lại những lời của đức Phật dạy gọi là còn nguyên chất, nguyên thủy của nó. Còn tất cả rừng kinh sách của Phật giáo hiện giờ đều là tà giáo, ngoại đạo xen vào làm giàu để lừa đảo tín đồ của Phật giáo, mượn danh của Phật giáo để lừa đảo người khác chứ không phải chân chánh.
(39:02) Tám năm trời chúng tôi mở Tu viện Chơn Như chẳng tìm thấy một người cầu pháp chân thật. Toàn là thứ ăn hại của đàn na thí chủ, phá hoại Phật pháp, làm những điều tồi tệ, trái với giới luật, cống cao ngã mạn, dương dương tự đắc, coi mình là bậc thầy tổ của thiên hạ. Xét lại họ chỉ là những con mọt của kinh sách. Tăng, ni và Phật tử đối với Phật pháp còn biết bao nhiêu điều sai trái nhưng không đủ thì giờ cho phép chúng tôi ghi ra đây hết được.
Khi nào đủ duyên, Diệu Quang mở khóa tu Đạo Đức Giải Thoát thì chúng tôi sẽ giảng dạy cho quý vị.
Kính thưa quý vị Phật tử!
Chúng tôi biết rằng lời thật mất lòng nhưng chúng tôi phải nói, nói vì sự tồn vong của Phật giáo. Dù biết rằng chúng tôi nói thì không có chùa để ở, không có y áo để mặc, không có cơm để ăn thì chúng tôi vẫn phải nói. Nói để cảnh tỉnh tăng, ni và quý vị, nói để quý vị sửa sai, nói để quý vị không bị đọa địa ngục, nói để quý vị hiểu Phật pháp đúng cách, không có nghĩ như thế này nữa.
Kính thưa quý vị Phật tử!
Ở đây quý vị phải hiểu, chúng tôi không có ý chỉ trích, phê phán ai hết. Ai muốn tu pháp môn nào cũng được. Chúng tôi chỉ biết nêu lên những ý này để quý vị đừng hiểu sai đạo Phật, đừng nhầm đường lạc lối tu hành của đạo Phật và biết rõ mục đích của đạo Phật để không phí uổng thời giờ quý báu của quý vị.
Kính thưa quý vị!
Chúng ta tu hành theo đạo Phật mà không tu hành pháp môn của đạo Phật lại tu hành theo pháp môn của các tôn giáo khác mà cứ tự nhận mình tu theo đạo Phật. Sự lầm lạc này khiến cho Phật giáo không có người tu chứng, không có người giải thoát thực sự. Hiện giờ được xem như Phật giáo đã mất gốc, chỉ còn cành lá mà thôi. Vì thế chúng tôi phải gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh quý vị, để nhắc nhở quý vị, còn nghe hay không là quyền của quý vị. Chúng tôi chẳng có ý nào khác hơn, tu đúng, tu sai là quý vị nhờ, chứ chúng tôi chẳng có ích lợi gì trong đó cả.
(41:26) Chúng tôi kính mong quý vị tỉnh ngộ quay về với con đường tu hành chân chánh của đạo Phật để có lợi ích thiết thực và cụ thể hơn. Những điều quý vị đã tu hành và những việc làm của quý vị đều tốt và thiện, nhưng tốt và thiện đối với những tôn giáo khác còn đối với Phật giáo thì quý vị đã lầm lạc.
Bởi quý vị đã không tu giới luật mà còn phá giới luật, làm những điều sai trái, phạm giới luật của đạo Phật. Trong khi giới luật là ông Thầy của quý vị mà quý vị đã từ bỏ không chịu tu theo. Chúng tôi chẳng biết nói với quý vị như thế nào nữa cho đúng. Nếu đi tu mà không nghe lời dạy, không nương tựa vào ông Thầy của mình thì quý vị sống với ai, tu tập cái gì?
Nếu chúng tôi tu giới luật, thiền định, trí tuệ của đức Phật mà chẳng có kết quả như ngày hôm nay thì chúng tôi chẳng dám nói lên những điều này. Vì có kết quả quá rõ ràng nên chúng tôi cho nổ lên tiếng sấm sét để quý vị tỉnh cơn mơ mộng trong các kinh sách thời nay, trong các pháp tu thời nay.
Kính thưa quý vị Phật tử!
Quý vị hãy cùng chúng tôi triển khai những điều mà quý vị không biết đã làm sai từ lâu. Hãy chấm dứt. Đừng vì những lợi ích ích kỷ nhỏ mọn, cá nhân của quý vị mà đưa Phật giáo lạc đường. Vì thế bây giờ quý vị tìm khắp nơi trên thế giới làm sao có được một vị chân tu giải thoát như đức Phật. Trong khi Phật giáo bây giờ có hàng vạn, triệu người tu theo đạo Phật từ Đông sang Tây mà không có một vị tu chứng.
Vì sao? Vì hiểu sai Phật pháp nên tu sai. Do đó phá hoại Phật pháp mà tưởng là bồi đắp, xây dựng, chấn hưng Phật pháp. Đến đây chúng tôi xin tạm ngừng nghỉ, ăn cơm. Buổi chiều lúc một giờ, chúng ta tiếp tục lại câu chuyện. Bây giờ, quý vị chắp tay lên, cùng chúng tôi hướng về đức Phật, cúi đầu chào nhau, tạm biệt:
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”