00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

(28:05)

(28:05) Đây là muốn nhắc lại để quý thầy thấy cái nhiệm vụ của quý thầy sau này làm thầy truyền Tam Quy, Ngũ Giới cho đệ tử của Phật, tức là nội quy của Phật. Truyền Tam quy là quy y Phật. Vậy ông Phật nào mà người Phật tử quy y?

Trên hành tinh này chúng ta chỉ biết có đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là người Ấn Độ, có lý lịch trên hành tinh này rõ ràng, cụ thể. Không phải là một đức Phật tưởng tượng, mà đức Phật thật bằng xương, bằng thịt, cha mẹ sanh ra giống như bao nhiêu người khác. Đó là đức Phật Thích Ca. Và khi đã giảng dạy cho đệ tử cư sĩ mình hiểu được đức Phật đó là một sự thật rồi, còn phải dạy những hành động sống của đức Phật, đủ thứ, mọi quy cũ trong thời đức Phật, và đối với những tu sĩ Tăng và Ni trong thời đức Phật qua cái gương hạnh của Ngài, chúng ta học, thọ Tam quy quy y Phật.

Mà chúng ta không biết cái hạnh của đức Phật như thế. Có một bài kinh nói đến cái hạnh của đức Phật, khi đức Phật đi với chúng Tỳ kheo trên đường, thì có một vị thầy và trò của một người ngoại đạo. Một vị thầy tìm mọi cách mắng cho được đức Phật và chúng Thánh Tăng, còn vị học trò thì ca ngợi đức Phật và chúng Thánh Tăng hết mức. Nhưng đến một ngôi nhà mát thì đức Phật ngồi nghỉ chân và chúng Thánh Tăng đều vào ngôi nhà mát đó mà nghỉ.

Ngày xưa bên Ấn Độ trên đường đi, đường xa đi bộ cho nên khoảng một đoạn đường thì có cất những ngôi nhà mát để người ta đục (trú) mưa. Tại vì đất rừng rú không có nhà người khác ở như hiện giờ chúng ta nhà cửa bà con ở san sát hai bên đường. Ngày xưa thì chỉ đường rừng, cho nên nhà vua cứ một khoảng xa xa cất một ngôi nhà mát. Cho nên lúc bấy giờ người đi đường đi mỏi chân thì ghé vô vào ngôi nhà mát đó mà ngồi nghỉ chân hoặc trú khi mưa gió.

(30:32) Do đó, khi đến ngôi nhà mát đó thì chúng Thánh Tăng và đức Phật đều vào đó nghỉ. Thì chúng Thánh Tăng mới hỏi đức Phật: Tại sao mà lại có người ngoại đạo chửi Thầy, ngoại đạo và một người học trò lại chửi mắng Phật, và một vị học trò lại ca ngợi Phật như vậy? Chúng con xin hỏi Phật giải thích cho chúng con hiểu?

Thì lúc bây giờ Đức Phật nói: “Người ta chửi mắng mình đúng thì mình nên sửa. Người ta mắng chửi mình sai thì có gì đâu mà mình giận?”, thì mặc họ. Họ nói gì họ nói, họ nói sai mà, họ chửi mình sai đâu có đúng đâu mà mình giận. Mà khi mà chửi mình đúng thì tức là chửi như thế nào? Mình phạm giới là người ta chửi mình đúng.

Ví dụ như mình là một tu sĩ mà cất giữ tiền bạc, ăn uống phi thời. Thì người ta nói: “Mấy cái ông thầy này, mấy cô này ăn uống phi thời, cất giữ tiền bạc, nhiều lúc không đúng oai nghi tế hạnh”, người ta nói vậy. Hoặc là người ta nói: “Quý Thầy này trang chỉnh, sửa sang, quý cô này theo Phật tu mà còn trang điểm, ăn mặc còn ngó tới ngó lui như người ngoài đời”. Người ta nói như vậy thì người ta chỉ mình, người ta chê mình đúng, người ta nói mình đúng thì mình sửa chứ có gì đâu mà mình giận lẫy người ta. Giới luật mình có đó, người ta nói mình đúng thì mình sửa, thì mình tiến bộ, mình được giải thoát. Còn người ta nói mình không đúng thì người ta nói sai thì có gì đâu mà mình lại giận người ta.

Đức Phật nói hay quá! Đó là cái gương của đức Phật, cái gương hạnh bị người ta chửi mắng, người ta khen mà vẫn thản nhiên. Còn người ta khen: “Ôi! Tăng đoàn của Phật, chúng Thánh Tăng giữ giới nghiêm chỉnh, không ăn phi thời, trưa ăn một buổi và không cất giữ tiền bạc, đến xin vừa đủ ăn không xin thừa, không xin tiền mà chỉ xin thực phẩm mà thôi. Khi Phật tử cúng dường tiền thì từ chối không nhận tiền”. Người ta khen như vậy, đức Phật và chúng Thánh Tăng làm đúng, hay quá! Những người tu hành. Đó là người ta khen đúng mình chấp nhận.

Nhưng mà người ta khen sai: “Ôi! Đức Phật có thần thông biến hóa, tàng hình, thực hiện Tam Minh, Ngũ Thông, Lục Thông đủ thứ”. Đó là người ta sai, người ta nói Phật thị hiện thần thông đó là người ta phỉ báng như ngoại đạo, đó là người ta sai .

(33:14) Khi mà thọ Tam Quy, quy y Phật thì mình nên học cái hạnh của Phật, đây Thầy nói một cái hạnh của Phật còn bao nhiêu cái hạnh, chúng ta thấy mỗi một bài kinh mà nói về đức Phật thì có cái hạnh ở trong đó. Tại sao chúng ta không đem những cái hạnh đó ghi lại một bộ sách, gọi là bộ sách Quy Y Phật. Để khi chúng ta quy y cho một người Phật tử nào đến quy y thì chúng ta nói cho họ quy y Phật là ông Phật Thích Ca, ngày xưa Phật sống như vầy như vầy, có phải không? Làm cho người Phật tử người ta nghe được cái hạnh của Phật người ta quá xúc động, người ta quá tôn trọng, và từ đó người ta coi cái giới luật của Phật như cái hạnh.

Cho nên ở đây Thầy muốn nhắc lại cho chúng ta thấy qua từng cái hạnh của một đức Phật rất là quý, rất là giá trị, rất là quý báu đối với người Phật tử cũng như là người tu sĩ của chúng ta. Chúng ta là người tu theo Phật thì chúng ta phải nương vào giáo pháp của Ngài. Cho nên khi mà chúng ta dạy người thọ Tam Quy - Ngũ Giới thì chúng ta phải dạy họ cách thức cho rõ ràng.

Quy y Phật thì ông Phật như thế nào? Quy y Pháp là Pháp như thế nào mà đem lại lợi ích cho mọi người? Trước kia đức Phật nói: “Đừng có tin, đừng có tin! Mà hãy tin pháp nào mà có lợi ích cho mình, cho người, không làm khổ mình khổ người thì chúng ta hãy tin”, đó là đức Phật dạy chúng ta ở trong thiện pháp mà. Cho nên chúng ta tu ở trong thiện pháp thì đó là đúng, còn những pháp không phải thiện pháp là không đúng, là không nên tin.

(35:11) Rồi quy y Tăng, đâu phải tất cả chúng Tăng đều là Thánh Tăng hết sao? Còn những vị phàm Tăng đang tu thì chúng ta chưa đủ khả năng, giới luật chưa nghiêm chỉnh, thì chúng ta không dám đứng ra làm lễ quy y cho người cư sĩ. Vì giới luật chúng ta chưa nghiêm chỉnh mà chúng ta quy y cho họ thì chúng ta dạy sai pháp giới luật. Bởi vì, cái thân hạnh chúng ta chưa có, giới luật chúng ta chưa nghiêm mà chúng ta dạy cho người thì có phải là tự chuốc sai lầm, lợi ích Phật pháp không?

Cho nên một cái người mà quy y Tăng, thì cái người Phật tử phải chọn một vị thầy giới luật nghiêm chỉnh, đứng ra trước lớp dạy cho họ quy y Tăng. Còn chúng ta giới luật không nghiêm chỉnh mà dám làm thầy dạy người ta quy y Tăng thì thử hỏi như vậy có đúng Phật pháp không?

Ngày xưa đức Phật không có cho đệ tử mình tu chưa chứng mà dạy đạo, vì chưa chứng tức là thân giáo chưa trọn, giới luật chưa nghiêm mà dạy thì như mình mang tội vọng ngữ, nói dối. Vì thế, khi tu chứng rồi đức Phật cho đi dạy đạo như ông Phú Lâu Na.

Thầy xin nhắc lại, một vị Thánh Tăng như ông Phú Lâu Na, trước khi đi xin Phật đi ra biên cương để mà dạy người tu theo đạo Phật.

Đức Phật nói: “Ở đó dân người ta dữ lắm, ông đến đó chắc họ sẽ chửi ông”.

Ông Phú Lâu Na mới nói lại: “Họ chửi con chứ họ còn thương con, chưa lấy đá ném con”.

Đức Phật nói: “Ông đến đó là họ sẽ lấy đá ném ông”,

Thì Ông nói: “Người ta lấy đá ném con họ còn thương con chứ chưa phải lấy gươm đao giết con”.

Đức Phật nói: “Họ sẽ lấy gươm đao giết ông đó”.

Ông trả lời: “Thân con là vô thường, họ giết con là họ thương con, vậy họ vẫn còn thương con”.

Thậm chí như người ta giết mình mà ông vẫn còn thấy người ta thương ông.

(37:37) Cho nên những gương hạnh của bậc Thánh Tăng, trong khi chúng ta quy y Tăng thì chúng ta nêu lên những gương hạnh của Thánh Tăng như ông Xá Lợi Phất có những gương hạnh nào, ông Phú Lâu Na có gương hạnh gì. Đó thì hôm nay Thầy nói để cho quý thầy, quý cô hiểu chúng ta học theo đạo Phật là phải nương theo hạnh Phật, nương theo hạnh của các bậc Thánh Tăng, để mỗi khi có chuyện gì làm tâm chúng ta động, nhớ đến gương hạnh của các Ngài thì chúng ta sẽ được bất động tâm, được an vui, được giải thoát mà tâm chúng ta không còn phiền não. Đây có phải giải thoát không?

Chỉ có vào học, thọ Tam Quy, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng mà chúng ta đã được giải thoát rồi. Qua cái gương hạnh đó đã nhắc nhở chúng ta vô cùng để chúng ta được giải thoát.

Rồi học tới Ngũ Giới. Có bao giờ quy y Tam Bảo mà không thọ Ngũ Giới không? Không. Ngay liền, cho người đệ tử của mình thọ năm giới. Và năm giới, Thầy xin nhắc lại năm giới là đạo đức nhân bản, đạo đức gốc của con người. Đức Phật đã xác định: Trời là mười điều lành, mà con người là phải giữ trọn năm giới. Vậy thì năm giới rất là quý. Nhân bản.


Trích dẫn - Ghi chú - Copy