(30:06) Hỏi: Ở đây bức thơ này hỏi Thầy về vấn đề báo hiếu khi cha mẹ mình mất rồi.
Trưởng lão: Thầy trả lời chung cho mấy con thấy, khi mất rồi thì người này đã tái sanh, tiếp tục cái nhân quả mà tái sanh, không còn để mà cầu siêu, cầu an. Mà chỉ còn có cách là xin ấn tống những kinh sách đạo đức, kinh sách thiện hoặc là kinh sách nhân quả. Kinh sách dạy đạo đức như Thập thiện, Tứ vô lượng tâm, Đạo đức làm người. Mình ấn tống những kinh sách đó, nó sẽ ban rải ra khắp cùng, do đó cha mẹ mình sanh ra, mình ước nguyện cho cha mẹ mình sẽ gặp được chánh pháp. Hiện giờ cha mẹ mình thành ra một đứa bé còn đang ở trong bụng, nếu mà mới chết, nếu chết cách đây 3-4 năm thì là đứa bé 3-4 tuổi rồi. Do kinh sách này được phổ biến khắp cùng thì chắc chắn những kinh sách này, do lòng thương cha mẹ mình, sẽ đến tay cha mẹ mình là những đứa trẻ đó.
Cho nên muốn thực hiện lòng hiếu thảo thì mình, tùy theo mình mua 1 cuốn, 2 chục hay 3 chục hoặc là mình đến mình xin ấn tống 2 cuốn hay ba cuốn. Mình bỏ 1 ngàn, 2 ngàn, 5 ngàn, 10 ngàn, 1 trăm, cái lòng của mình, hoặc là mình bỏ ra 1 ngàn đồng mình xin ấn tống. Mặc dù mình chưa đủ để xin in 20 cuốn kinh nhưng: “Xin Thầy cho con gửi 1 ngàn đồng để phụ giúp việc ấn tống kinh sách để làm lợi ích cho chúng sanh, trong đó có ba con, đã chết 3-4 năm nay, hay mới 3-4 tháng. Mong Thầy chứng minh cho con”, thì cái vị Thầy sẽ nhận số tiền ấn tống kinh này. Trong lúc này những kinh sách này được phổ biến ra cho mọi người, sẽ đến tay đứa trẻ, khi nó lớn lên nó học, nó hiểu, nó có duyên đọc những kinh sách đó. Nó đâu có mất mát đi đâu hết.
(32:11) Vả lại kinh sách này dạy, đem lại hạnh phúc cho con người, làm cho con người không có ác pháp nữa. Có lợi ích khi cha mẹ của đứa bé này được đọc những sách này thì sẽ không làm những việc ác, nó được nuôi lớn trong môi trường mà gia đình của nó không làm điều ác thì sẽ trở thành con người tốt. Và đồng thời nó, từ cái duyên mà người cho ước nguyện ấn tống kinh như vậy, cái nhân quả của cha mẹ mình khi tái sanh, đủ cái duyên đó nên tu tốt hơn nữa, không còn có gia đình, được vào môi trường tu tốt.
Trong khi đó cái pháp Thập thiện, cái đạo đức của đạo Phật được phổ biến thì hầu hết là trong cái môi trường sống có nhiều bậc Alahán. Vì khi cái thiện được phổ biến thì có những bậc chân tu, do đó cha mẹ mình vừa mới được 10 tuổi hoặc 16-17 tuổi thì được thầy hướng dẫn cho tu tập, được gặp vị thầy. Đó là cái lòng tha thiết của mình đối với cha mẹ mình và sẽ thực hiện được những điều đó.
Nhưng trước tiên muốn thực hiện được lòng hiếu thảo này thì các con nên nhớ rằng Đức Phật đã dạy cái bài kinh Ước nguyện. Ước nguyện cái điều gì, muốn được thì mình nên giữ gìn Giới, tức là nên thọ Bát Quan Trai. Cái ngày thọ Bát Quan Trai đó, mình đến nơi ấn tống kinh, mình xin gửi một số tiền để ấn tống kinh, mình ước muốn, hồi hướng cho cha mẹ mình.
Trong cái ngày đó mình giữ 8 giới nghiêm chỉnh, rồi mình đem số tiền tuy là rất nhỏ, có khi chỉ 1 ngàn đồng thôi, xin gửi 1 ngàn đồng để ấn tống kinh. Vì cái sự nghèo của mình nên số tiền ít nhưng cái lòng mình nhiều, mình gửi 1 ngàn đồng xin thầy ấn tống kinh- thiện pháp, để giúp cho mọi người trong đó cha mẹ con. Xin thầy ước nguyện giùm cho con như vậy. Thì ông thầy nhận cái số tiền, ông dùng để phát hành, ấn tống kinh.
(34:09) Và đồng thời khi mình giữ giới, mình ước nguyện cho cha mẹ mình, những cái này nó tương ưng với nhau, nó giúp cho cha mẹ mình mau, sớm gặp được chánh pháp. Khi mà biết chánh pháp rồi thì giải thoát rồi! Cha mẹ mình gặp được chánh pháp khi chưa có gia đình thì hạnh phúc biết mấy, nó không còn khổ nữa, phải không các con? Cho nên Thầy thấy trong sự tu tập, khi chúng ta biết cách, chúng ta nhớ thương những người sanh thành, dưỡng dục mình, cái công lao như vậy, mà mình thực hiện như vậy nó hạnh phúc ghê gớm lắm. Xã hội chúng ta sẽ rất tốt mấy con. Đó là Thầy đã trả lời câu hỏi này.
Có người hỏi Thầy về cái hơi thở: “Hơi thở của con 17-18 hơi thở mới là 1 phút. Vậy nó là hơi thở ngắn hay hơi thở dài?” Thực sự ra 17 hay 18 hoặc là 20 hơi thở trong 1 phút thì nó là hơi thở ngắn chứ không phải hơi thở dài. Thì trong bức thơ này có hỏi về hơi thở như vậy. Nghĩa là hơi thở dài thì từ 20 trở lên đến 30. Hơi thở ngắn bắt đầu từ 15-14-13-10 hơi thở.
Còn về đạo đức, cái lớp đạo đức mấy con biết đạo Phật có 4 lớp học đạo đức. Cái lớp đầu tiên là Chánh Kiến, cái lớp thứ 2 là Chánh Tư Duy, cái lớp thứ 3 là Chánh Ngữ, cái lớp thứ 4 là Chánh Nghiệp. Có 4 lớp học về Đạo Đức Làm Người. Cho nên cái thứ nhất là mình thấy mọi vật ở trong đạo đức như thế nào, người ta sẽ dạy cho mình, đó là lớp thứ nhất. Lớp thứ 2 là mình suy nghĩ như thế nào gọi là đạo đức. Lớp thứ 3 là nói như thế nào gọi là đạo đức, nhiều khi lời nói của chúng ta thiếu đạo đức mấy con.
(36:15) Cái này sau này mấy con học về Đạo Đức Làm Người thì Thầy sẽ dạy từ Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ cho đến Chánh Nghiệp. Chánh Nghiệp là cái hành động việc làm của mình, mình làm nghề nghiệp này kia, nó thuộc về chân chánh hay không chân chánh thì người ta sẽ dạy. Một cái hành động mình đánh người thì nó không chân chánh đâu. Một cái hành động, mình làm cái nghề nghiệp sát sanh, như mấy người bắt cá, chài lưới. Những hành động bắt cá, chài lưới, đâm heo, giết chó, những hành động sát sanh, làm thịt chúng sanh… đó là những hành động không chánh nghiệp, nó là tà nghiệp, nó gây ra những sự đau khổ.
Cho nên sau này chúng ta học từ cái nhận thấy, từ cái suy nghĩ, từ cái lời nói và cái hành động của chúng ta, nó nằm trong cái đạo đức, cho nên đây là cái Đạo Đức Làm Người. Chúng ta phải học đạo đức, cho nên cái cuốn đạo đức làm người tập 2 nói về ngũ dục lạc ở thế gian. Cuốn đạo đức tập 3 sẽ nói về 3 cái hành động này: hành động suy nghĩ, hành động lời nói, hành động thân làm công việc. Cuốn tập 3 sẽ được in ra và dạy cho chúng ta những hành động đạo đức làm người đó.
Và đồng thời những hành động làm để sống sẽ có trong cuốn đạo đức nghề nghiệp. Mình làm cái nghề đó mà mình không hiểu cái nghề đó thì mình làm không đúng cách thì nó sẽ là tà nghiệp, không phải chánh nghiệp. Cho nên sẽ có bộ sách đạo đức dạy các con về những hành động đó. Ở đây Thầy xin trả lời là không thể nào trong một buổi như thế này mà dạy bài học đạo đức cho mọi người (…) được. Nhưng hiện giờ Thầy có thể dạy mấy con được (…) rất là cô đọng. Bởi vì hiện giờ mấy con (…) chánh kiến, chánh kiến về đạo đức.
(38:15) Khi mà nhìn vào cái sự việc, cái đối tượng, người ta chửi mình, người ta mắng mình hoặc là cái chuyện gì nó xảy ra thì mình nhìn nó bằng nhân quả mấy con. Nhân như thế nào, quả như thế nào? Nhân là cái hành động của mình hoặc của người khác, ví dụ như người ta chửi mình, là cái nhân chửi. Cái quả, mình xem lại cái quả xem tâm mình có giận không? Nếu tâm mình không giận thì là cái quả không khổ, nó là thiện. Còn cái quả khổ là mình tức giận lên thì nó là ác. Cho nên mình bằng nhân quả để mình xét. Chứ mình đừng nhìn là khi thấy người ta chửi thì: “Tôi có chọc ghẹo đâu mà sao lại chửi tôi?”, như vậy là mình thấy mình đúng còn người ta sai, nên mình bực tức.
Cho nên đừng có nhìn thấy cái đúng, cái sai mà hãy nhìn thấy nhân quả. Mọi sự việc xảy ra, chúng ta nhìn bằng nhân quả thì nó hóa giải được tâm chúng ta, nó làm cho chúng ta không làm khổ mình, khổ người.
Ngay đó là các con đã học được đạo đức, đầu tiên là cái nhìn của mấy con tức là lớp Chánh Kiến. Cho nên lớp Chánh Kiến dạy chúng ta đạo đức nhân quả, tức là cái nhìn bằng nhân quả, chứ không có gì khác hết. Cho nên ở đây Thầy tóm lược cho mấy con hiểu, để khi mấy con về, gặp những cái sự kiện xảy ra trong môi trường sống của mình thì các con nhìn nó bằng nhân quả. Đừng có nhìn nó là đúng sai. Đừng có thấy mình đúng còn người ta sai. Đừng thấy người ta đúng còn mình sai. Do đó mình thấy nhân quả. Do mình thấy nhân quả nên nó hóa giải được, không làm cho con khổ và người khổ nữa.
Đó là Thầy đã trả lời cái câu hỏi này.