00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

(08:24)

(8:24) Tu sinh Diệu Hiền: Bạch Thầy, Thầy giảng luôn Thiện Hữu Lậu, mà thí dụ như tụi con mà Thiện Hữu Lậu đó…​

Trưởng lão: Cái Thiện Hữu Lậu là cái thiện còn đau khổ. Như chúng ta đem đồ ăn thức uống cho một cái người khác, làm một cái điều lành cho người khác. Thiện mà bây giờ là con hỏi về cái Thiện Hữu Lậu, phải không con? (Dạ) Làm cái việc hữu lậu thì nó đem lại cái sự - con mà có cái tâm mà làm việc hữu lậu đó - nó sẽ đem lại sự bình an cho chính cái hành động thiện của con thôi. Nhưng mà trong hữu lậu, nó có cái khổ trong đó con. Đã nói hữu lậu là có lậu mà. Con làm cho người ta an ổn, nhưng mà người ta chửi con đó. Mà trong khi đó con có phải là Thánh không hay là con buồn phiền?!

Mà nếu con buồn phiền thì cái lòng thiện con nó trở thành số không, cho nên nó hữu lậu. Cho nên bây giờ con bố thí nè, coi như ông Cấp Cô Độc ổng bố thí như vậy. Bây giờ ổng có làm vua, ổng có tiền vàng bạc nhiều đi nữa ổng cũng khổ chứ làm sao không khổ con? Bây giờ Thầy nói người nào ở trên thế gian này dù có tiền bao nhiêu đi nữa họ cũng vẫn khổ. Trừ ra có cái người vô lậu, người ta mới hết khổ thôi. Nó vô lậu nó mới hết.

Cho nên làm việc từ thiện mà thiện của Đạo Phật là không vào việc từ thiện gì, nghĩa là không làm việc từ thiện. Chỉ duy nhất có cái Tâm - Thanh thản - An lạc - Vô sự mới là Thiện Vô Lậu. Nghĩa là thương thì thương tất cả chúng sanh, thương là xả cái tâm của mình. Không có để những cái tâm phiền não, dính mắc ở trong cái tâm của mình. Thương tất cả chúng sanh, thấy đau khổ mà chúng ta không nỡ giết. Từ đó nó phóng xuất ra cái từ trường đó, nó trở thành cái sự an ổn.

(09:58) Còn con bây giờ con làm việc từ thiện, con mang gạo thóc con cho người khác. Người khác có chửi có mắng gì, con đừng có chửi, buồn gì hết. Thì cái từ trường thiện nó sẽ phóng ra, nó làm cho gạo lúa đầy đủ cho những người làm thiện đó sẽ được đầy đủ không có gì mất.

Nó là cũng hữu lậu, chứ có gì đâu con, nhưng mà nó thiện. Cho nên nó thiện, nó cũng không đi tái sanh đâu. Nhưng nó có cái quả của nó là vì hữu lậu, cho nên con làm mà con thiếu chút xíu đó thì mấy người đó mà, thay vì con cho người ta bịch gạo thêm được chục gói mì, còn cái bà này cho có ba gói. Bà này, bả không chịu được: “Sao người kia nhiều mà tui ít vậy?” thì con bực “Bây giờ nó hết rồi, chứ phải còn thì tui cho”. Con bực con trả lời vậy thì cái hữu lậu của con nó có lậu rồi. Cái tâm phàm phu của họ, tâm ác của họ mà, ít chút là họ không có chịu đâu. Họ phân bì với nhau, mà họ phân bì với nhau nó bực mình con. “Đem cho họ mà họ còn vậy nữa, hết mai mốt tôi không có cho nữa”, thì như vậy là mình mất từ thiện hết rồi, con hiểu không?

Cho nên vì vậy mà khi làm từ thiện mình phải chuẩn bị tinh thần của mình, im lặng như Thánh. Mình phải hiểu được tâm trạng của con người tham. Cho nên nếu trong khi mà thiếu hụt thì mình còn ít mình cho họ, họ có nói gì nói thì mình vui vẻ chấp nhận. Thì cái từ trường thiện đó phóng xuất từ trường, nó là vô lậu rồi đó con, nó không bị cái lậu hoặc, thì nó trở thành vô lậu. Mà trở thành vô lậu thì nó phóng xuất từ trường, nó bảo vệ môi trường của chúng ta, làm cái môi trường sống thời tiết của chúng ta sẽ ôn hòa.

Mà được mấy người làm việc từ thiện mà nó không buồn phiền đó đâu. Nó khó lắm. Thầy nói như vậy đủ biết mấy con. Từ cái việc chỗ đó đó, mình đem cho người ta mà người ta nói mình: “Sao mà không công bình như thế này, cho người nhiều người ít?”. Nội cái cho trước cho sau là họ cũng không chịu nữa, chứ đừng nói. Đó là cách thức như vậy, do đó mình vui vẻ. Mình vui vẻ, mình làm việc từ thiện, mình vui vẻ mình bố thí mình vui vẻ nó, thì mình không có vì chuyện đó mình giận hờn gì hết. Thì cái từ trường thiện của mình nó sẽ phóng xuất ra trên không gian, nó làm cho thời tiết của chúng ta rất ôn hòa.

Bởi vì nó đâu còn tái sanh luân hồi nữa. Còn nếu mà con sùng lên, con giận lên là nó bắt đầu nó đi tái sanh luân hồi, nó thành thằng nhóc nào đó, nó đi ăn trộm ăn cắp đó. Nó tức tối quá, Thầy nói nó vì cái tâm tham của người kia, cho nên nó tương ưng, nó sanh ra cái thằng trẻ đói khổ. Không ngờ là mình tức, là nó sanh ra một đứa trẻ đói khổ rồi, con hiểu chỗ đó chưa?!

Trưởng lão: Cho nên trong cái vấn đề…​ Con?

(12:23) tu sinh Liễu Huệ: Cái này Thầy giảng là…​ Thí dụ như chúng con sống ở gần đó, thí dụ như bên nhà của chú kia có một bầy gà, mà ngày nào chúng con phải đi ra bỏ đồ rác thì nó chạy tới, nó quen đó, có cơm đồ đó thì nó ăn quen. Thì mấy bữa sau con nghĩ mỗi lần mình đến mà không có cơm thì thấy nó chạy tới thấy tội, thì con lấy thêm một muỗng cơm cho nó. Nhưng mà, lát hồi thì nghĩ lại nếu mình cho nó ăn thêm như vậy là mình tiếp duyên cho nó mau lớn, là nó mau đi tới chỗ chết. Nếu mà nó không có mau lớn nhanh thì làm sao bị ăn thịt nhanh. Đó thì trong trường hợp đó thì như thế nào?

Trưởng lão: Trong trường hợp đó, con muốn hỏi Thầy về làm cái việc từ thiện phải không?

Hiện bây giờ con thấy nó đói thì con cứ cho nó ăn thôi, chứ con đừng có nghĩ xa hơn nữa là làm thịt. Đó là nhân quả của nó, nó sanh gà là phải bị làm thịt thôi chứ không có gì. Chứ không lẽ người ta nuôi gà người ta để làm gì đây? Người ta phải thịt thôi, có phải không?

Bây giờ vì trước cái cảnh nó đói khổ, mà con thấy con ăn thừa nó dư, con bố thí. Chứ con đừng có lấy thêm để mà bố thí nó, con hiểu không? Nghĩa là bây giờ con thừa dư thì bố thí. Là bởi vì cái hột cơm, cái thực phẩm mà người ta làm ra được bằng mồ hôi của người ta, mấy con. Cho nên vì vậy mà người nuôi thì họ phải cho nó ăn, cái bổn phận của họ. Còn họ không cho ăn thì tại cái số nghiệp của những con gà này là nó mang cái thân đó để nó thọ lấy cái sự đói khổ. Mà người chủ nó chỉ nuôi để cho nó cho ăn bậy bạ, để rồi làm thịt nó ăn thôi. Thì cái chuyện đó của họ rồi.

Nhưng mà trước cái cảnh mình ăn thừa đó, mình ăn không hết, mình thấy mấy con gà này đói tội, thôi mình bỏ cho ăn. Rồi có bữa mà mình không có đó thì thôi. Tao đâu có phải nuôi mày để cho họ ăn thịt sao? Cho nên tao đi xin cơm về cho mày ăn nữa để cho họ thịt mày sớm sao? Cho nên vì vậy mà có thì tao bố thí, còn không có thì thôi. Tao cũng biết rằng cái hột cơm mà có ăn hôm nay là bằng mồ hôi nước mắt của nhà nông ghê gớm lắm mới có đó. Cho nên vì vậy mà tao tu hành mới được cái phước. Mày ráng lo tu hành đi, rồi sau này giống như tao thì họ cũng cúng dường cho mà ăn. Chớ bây giờ tao thương mày thì bữa nào tao thừa thì tao cho, mà bữa nào không thì thôi. Chứ bắt ép tao mà nuôi mày nữa thì cho cái thằng chủ nhà kia nó làm thịt thì tội mày quá. Tao nghĩ tại tao nuôi mày mập cho nó ăn thịt thì tao thấy không có lợi. Cho nên vì vậy thôi mày ốm ốm đi còn sống dai thêm.

(14:44) Cho nên trong cái vấn đề mà trí tuệ, thì mấy con tư duy suy nghĩ trên cái vấn đề, thứ nhất là phải suy nghĩ về Nhân Quả mà Thầy cho những cái bài học về nhân quả đầu tiên. Bởi vì Nhân Quả, mình thấy Nhân Quả rồi thì mình không còn đau khổ trước cảnh đau khổ của người khác như vậy. Kế đó là mình khởi sự lòng từ bi của mình đối với loài chúng sanh, thì mình bố thí như thế nào tùy theo cái sự ăn uống của mình, từ bi.

Cho nên Thầy nói nếu mà Phật tử, khi mà đến mà khất thực, Thầy định ăn bao nhiêu đủ thôi. Cho ăn rồi ba con kiến nó bu đây, trời ơi! Cứ cho nó riết đây, bữa nào đi nhầm cái ổ nó là nó cắn mình một bữa cũng chết. Thành ra từ cái lòng thiện của mình mà nó làm cái hại. Kiến mà nó có biết gì. Cho nó ăn vậy chớ rồi con thọt chân vô cái ổ của nó coi, nó cắn con chớ nó đâu tha.

Cho nên trong cái vấn đề mà tu tập chúng ta vận dụng cái tri kiến chúng ta ghê gớm lắm con. Mỗi mỗi hành động làm gì chúng ta suy nghĩ ghê gớm lắm. Mỗi một cái nghĩ chúng ta, một lời nói chúng ta coi chừng chúng ta sẽ bị mất phước đó, chứ không phải dễ đâu. Cho nên khéo léo, bởi vì đường đi Nhân Quả nó là Thân hành, Khẩu hành, Ý hành. Một lời nói chúng ta mà làm chúng ta tổn phước, một hành động mà làm chúng ta tổn phước. Một hành động, một lời nói, một ý nghĩ mà chúng ta đem lại sự bình an cho mình cho người thì phải khéo léo lắm.

Chứ không khéo mình tự mình, mình làm khổ mình mà làm khổ người khác. Bởi vì người ta khổ rồi, rốt cuộc rồi người ta cũng kéo mình khổ thêm, chứ không bao giờ mà người ta để cho mình yên đâu. Cho nên mấy con phải cẩn thận, dè dặt đường đi nhân quả mà mấy con xa, là lời Thầy nhắc nhở cho mấy con, nó khó lắm mấy con!

Rồi bắt đầu bây giờ mấy con còn hỏi Thầy gì thêm không? Bữa nay thì phải hỏi…​

Con, hỏi Thầy gì ra đi.

(16:36) Tu sinh 2: Dạ thưa Thầy thì con muốn hỏi cái chỗ là phóng sanh. Thế nếu con đi ngang mà thấy chúng sanh họ bán mà họ kêu rao, mà còn nằm rạp ở trong cái rổ hoặc là một cái thau. Thì con thấy đau xót quá, thì con muốn bỏ ra để con mua chuộc chúng sanh đó để con giải thoát cho nó thì như thế nào?

Trưởng lão: Vậy tốt có sao đâu. Tại con đi ngang qua con gặp, thì có duyên gặp nó thì cứ mua hết. Mua hết cần xé, mua hết cái thau cá, không biết có đủ tiền không?

Tu sinh 2: Con hay làm lắm.

Trưởng lão: Như vậy là con cứ mua con thả đi. Nhưng nhớ rằng mình không đủ tiền nha, mà mua hết cái thau là coi chừng nợ đó. Về mà ông chồng hỏi bữa nay giao tiền mà giờ về tay không đây? Ở đâu? Mua cái gì? Cho ai? Rồi chừng đó mới là tai họa đó, phóng sanh mà tai họa cho con đó. Cho nên, lượng. Bây giờ đó, khi mà con không có đủ tiền, con mới nhìn lại cái túi tiền của mình coi mua được mấy con, có hiểu không?

Rồi bắt đầu giờ, thấy con cá này có duyên: “Thôi mày vô cái xách tao đi”. Bắt con cá đó, con cá kia có duyên bỏ vô. Bỏ vô được mấy con, đủ tiền thôi trả rồi “Thôi bây giờ tôi có duyên với mấy con cá này, tôi xin mua, tôi đem xuống sông tôi thả”, thì đủ rồi. Chứ con mà thả hết cái thau của họ, cái lu của họ là chắc chắn là không có tiền đủ đâu. Con hiểu không?

Nghĩa là cái con nào mà có duyên, mà con thò nó, con bảo vô trong cái giỏ của con đó, thì đó là có duyên, thì thôi. Tại vì cái sức của con phóng sanh nó có bấy nhiêu đó thôi, chớ không thể mà phóng sanh hết. Cho nên vì vậy mà những con khác, đó là cái nhân quả của nó, nó phải trên dao dưới thớt của người khác rồi. Mà con cũng không thể làm hết được đâu, hiểu chưa? Chứ bữa nào con cũng xách tiền ra ngồi cái chỗ bán cá mà mua hết thì chắc chắn là con mà dù cái nhà giàu như vua chắc cũng không mua hết mà phóng sanh đâu. Cho nên vì vậy mà mình gặp trường hợp đó thì con nên phóng sanh như vậy được rồi. Tùy theo cái túi tiền, chứ không khéo về nhà coi chừng đó. Con hay hoặc là chồng nó hỏi, rồi không biết đâu mà trả lời, thì nó cũng khổ cho con, phóng sanh mà tai họa đến cho mình.

Như vậy là hết rồi đó phải không con. Có ai hỏi gì Thầy nữa không con? Xong phải không?


Trích dẫn - Ghi chú - Copy