(22:35) Trưởng lão: Mấy con ngồi xuống đi mấy con!
Bao năm Thầy bỏ công Thầy biên soạn những bộ pháp, con đường tu theo đạo Phật, phương pháp nào đúng và cái phương pháp nào sai, thì cho nên Thầy cũng chịu biết bao nhiêu điều. Bởi vì muốn chấn chỉnh nền Phật Giáo thì phải thấy được cái sai của Phật Giáo, và chính cái sai đó mà đến ngày nay Thầy cũng đang cố hết sức cũng chưa hoàn chỉnh được con đường sai đó. Thì lúc bấy giờ Thầy thấy mình cũng cái tuổi đời cũng sắp hết rồi, không còn bao lâu nữa, mà nếu không dạy cho mấy con một bài pháp ngắn gọn để cho mấy con tu tập, thì chắc chắn rằng đời sau sẽ không còn phương pháp tu. Bài pháp ngắn gọn của Thầy đã dạy mấy con mấy con cứ nghĩ kỹ lại thầy nói Tâm bất động thanh thản an lạc vô sự, các con nhớ câu nói đó chứ (dạ chúng con nhớ). Chỉ có câu nói đó là cái chân lý của đạo phật, và mấy con muốn giữ gìn bảo vệ nó thì mấy con sẽ được giải thoát ngay liền. Đức Phật đã nói pháp ta không có thời gian, đến thì sẽ thấy. Đúng vậy, nếu khi tâm mình động, tức là mình sẽ đau khổ, mà bất động sẽ không đau khổ. Mà trong khi bất động thì phải thanh thản, an lạc, vô sự. Một câu nói rất là tuyệt vời, một pháp tu mà mọi người ai cũng dễ nhận ra được tâm mình thân mình. Vậy mà mấy con cứ bỏ trôi lăn, đau khổ chìm đắm trong (…).
Các con thấy, đời có gì đâu, các pháp đều vô thường, thân mình còn giữ không được huống hồ giữ cái gì. Tu viện Chơn Như một ngày nào đó nó cũng sẽ không còn, bởi vì các pháp vô thường mà. Các con thấy đức Phật ngày hôm nay chúng ta gặp được đức Phật nữa đâu mà gọi là thường, con thấy chưa. Cho nên chúng ta cứ lấy câu nói đó, lời dạy đó mà thực hiện sự giải thoát trong thân tâm của mình. Mặc cho tất cả các pháp vô thường, nay như thế này, mai như thế khác. Mà nó không làm động tâm, còn không khéo chúng ta cứ bị động tâm. Các pháp vô thường nó thay đổi, còn chúng ta động tâm theo vô thường, cho nên chúng ta bị nhân quả nhấn chìm trong đau khổ. Trái lại chúng ta giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
(25:38) Cho nên Thầy thấy cuộc đời của Thầy tu hành, có đủ sức làm chủ sinh già bệnh chết, muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào thì sống. Thân con người, ai cũng có bệnh hết, nếu bữa nay không bệnh thì ngày mai ngày mốt nó sẽ bệnh. Vậy mà làm chủ, khi có bệnh đuổi đi không còn đau bệnh trên thân nữa, đó là cái năng lực, cái sức của con người làm được. Thầy đã làm được, Phật làm được, thì mấy con cũng sẽ làm được. Nhưng trước khi làm được mấy con phải ở chỗ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Nếu kéo dài khoảng thời gian bảy ngày đêm trông tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, người nào cũng làm chủ được như nhau hết. Chỉ có bảy ngày đêm thôi, khó khăn gì mấy con. Phật làm được, Thầy làm được, một số người chứng quả A La Hán họ đều làm được, thì Thầy nghĩ rằng các con là con người thì các con cũng sẽ tập được. Chỉ các con không chịu khó, chỉ các con để các pháp thế gian lôi kéo mấy con, hướng này rồi đến hướng khác, động tâm, do đó các con thấy các con quá khổ.
Thầy chỉ nhắc nhở một lần này nữa cho mấy con biết, tất cả các pháp thầy Chân Giác từng làm, đều là các pháp thế gian, làm cho thầy day dứt và khổ đau. Chứ nếu mà thầy giữ tâm bất động thì tất cả các pháp này… Chiếc áo tu sĩ hoặc chiếc áo cư sĩ, nó không có nghĩa đâu mấy con, mà cái nghĩa của nó là ở cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Người tu theo đạo Phật nó không có giai cấp, không có giai cấp tu sĩ, mà cũng không có giai cấp cư sĩ, mà là giai cấp con người, chỉ duy nhất con người mới có thể tu tập. Cho nên trong khi mà chúng ta giữ tâm bất động, bây giờ thầy Chân Giác mặc cái đó, mà tâm đời lo lắng cái này cái kia là mặc chiếc áo cư sĩ chứ làm gì mặc chiếc áo tu sĩ. Mặc dù là thầy mặc bao nhiêu y áo như tu sĩ nhưng mà tâm của thầy không phải là tu sĩ, thì tức là tâm của thầy không giải thoát, thì thầy vẫn là người, người biết đó là chư Phật biết, một hai người biết, tâm thầy biết, có phải không mấy con. Còn bây giờ mấy con mặc chiếc áo này mà tâm bất động, là ông Phật tại thế gian rồi, các con thấy không, cần gì phải chiếc áo mấy con.
(28:11) Cho nên lời Thầy dạy là đưa cái chân lý của đạo Phật, cái chân lý để giải thoát cho mấy con, để giúp cho mọi người vì Thầy sắp sửa ra đi. Thầy không còn ở thế gian này nữa đâu. Đây là cái chân lý để giúp cho các con, để giúp cho con người trên hành tinh này sống được giải thoát.
Chỗ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, chỗ đó đầy đủ những giới luật của Phật. Không ai vi phạm, không một người nào ở trong tâm đó mà phạm giới, chỉ có mấy con động tâm, là mấy con phạm giới. Cho nên giới luật của Phật đưa ra là để chúng ta học biết đó là những cái đức hạnh, oai nghi đức hạnh của người tu. Nhưng giữ trọn nó chỉ có tâm bất động mới giữ trọn chứ không khéo chúng ta sẽ bị ý chúng ta phạm hết. Hở ra một chút là ý chúng ta nghĩ sai là chúng ta đã phạm giới, phải không. Nó có ba nơi phạm: thân, khẩu, ý. Mà cái ý là dễ phạm giới nhất. Thầy nói về vấn đề ăn thôi, giờ này nghe đói bụng là mấy con đã phạm giới ăn phi thời, các con thấy không, cái ý của mình thôi. Bây giờ mà nghe người ta xào người ta nấu món ăn gì ngon, nghe ngon nghe cái mùi thơm đó thôi thì mấy con đã bị phạm giới, bởi vì tâm mấy con dễ phóng dật.
(29:35) Cho nên một cái người tu, mà muốn tu để đạt được cái tâm bất động hoàn toàn là phải bảo vệ giữ gìn tâm không phóng dật. Mà muốn bảo vệ giữ gìn thì phải sống độc cư, khi độc cư rồi thì còn phải dùng pháp Như lý tác ý nữa mấy con. Nếu không Như lý tác ý thì mấy con không bảo vệ được mấy con. Khi cái tâm thấy cái người đó đi ngang qua, có ai đi ngang qua, muốn biết người đó chứ gì, thì đó là bị phóng dật. Một con chim bay ngang qua, một cành cây bay ngang qua đập vào mắt, đều tác ý: “Tâm hãy quay vào, mắt hãy nhìn vào thân, thấy thân không được thấy bên ngoài”, không phải đui, không phải điếc, mà vẫn phải nghe, phải thấy ở trong thân. Chừng nào thật sự tâm mình quay vào trong thân, cảm nhận toàn thân của mình, thì lúc bấy giờ tâm mình sẽ bất động.
Tu đơn giản lắm mấy con không khó đâu, không khó mấy con. Nhưng mà nhớ lời Thầy dạy, đây là cái phương pháp cuối cùng của cuộc đời của con người để được giải thoát. “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, Thầy trao cho các con đủ.
(30:45) Cho nên Thầy thấy lúc này là lúc Thầy ẩn cư. Nhiều khi các con dựa Thầy để gặp Thầy để hỏi chuyện này chuyện kia để nghe cho vui chứ sự thật ra Thầy đã dạy trong giáo pháp, đủ pháp giải thoát, tự mình cứu mình. Đức Phật đã nói: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi”, Phật không đi giùm cho mấy con được, mà chính Thầy bây giờ cũng không đi được con đường đó. Mấy con có bất động tâm hay không bất động là do mấy con chứ làm sao Thầy làm được, các con hiểu điều đó.
Cho nên hôm nay mấy con về đây, là các nhóm phật tử, các con đại diện, vậy các con nhắc trở lại, lời của Thầy đã kết luận trong những bộ sách của Thầy cuối cùng chỉ có một câu “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Và vì vậy mà từ đây về sau mấy con thấy là Thầy thường tuyên bố là ẩn cư. Ẩn cư để cho mấy con đừng có dựa lưng Thầy nữa, đừng có nương Thầy, đừng có gặp Thầy nữa mà hãy ôm cái câu đó mà đi vào sự giải thoát, các con hiểu ý của Thầy không?
Cho nên mấy con về gặp Thầy rồi mấy con tu thiền cũng phí cuộc đời của mấy con mà thôi. Mà mấy con không gặp Thầy mà mấy con ở tại thất của mấy con, mấy con ở tại gia đình của mấy con, mà mỗi chuyện gì ai làm gì mấy con cứ nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, ai nói trái ý mấy con: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, tất cả các pháp đều là nhân quả hết”. Có nhân quả mới gặp nhau, có nhân quả mới có sự buồn phiền giận hờn, thương ghét chứ, các con hiểu điều đó không?
Cho nên các con: “Đây là nhân quả, tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, các con cứ nhắc nó đi, rồi nó sẽ bất động. Mà nó bất động thì mấy con được giải thoát. Và chừng đó mấy con sẽ gặp Thầy.
(32:27) Lúc bấy giờ bảy ngày, bảy đêm mà tâm bất động, mấy con muốn gặp Thầy thì mấy con chỉ cần trong ý của mấy con nghĩ đến Thầy là mấy con đã thấy Thầy trước mặt. Thầy trước mặt mấy con, nhưng mà mấy con đâu có gần Thầy được, tại vì tâm mấy con động. Mấy con tâm bất động là mấy con sẽ ở gần bên Thầy. Bởi vì lúc nào Thầy nói chuyện với mấy con xong rồi mấy con về thì Thầy về bất động, còn mấy con về thì mấy con không bất động đâu, chuyện này chuyện kia, cho nên mấy con xa Thầy. Còn Thầy bất động, mà mấy con bất động, mấy con sẽ tương ưng với Thầy. Mà tương ưng với Thầy thì giống Thầy, giống Thầy thì gặp Thầy chứ sao, các con hiểu điều đó?
Thì chư Phật, mặc dù đức Phật Thích Ca đã tịch hơn hai ngàn mấy trăm năm, nhưng đức Phật còn chứ không mất đâu mấy con. Bởi vì cái tâm bất động làm sao đức Phật mất, lúc nào nó cũng bất động. Mấy con thấy này, tâm mấy con là mấy con có thân, có tâm, mấy con nhận ra sự bất động nơi thân tâm của mấy con. Mấy con nhìn không gian kìa, cây không rung rinh, không gian nó không có động cái gì gọi là bất động, thì bất động đó là bất động của vũ trụ, mà của vũ trụ tức là bất động của chúng ta. Các con thấy có mất ở chỗ nào đâu, các con tu đi về đâu mấy con về chỗ bất động.
Thì bắt đầu mấy con nhận, có thân tâm mấy con mới nhận xét ra sự bất động nơi thân tâm của mấy con. Rõ ràng là tâm con biết con bây giờ thân này không đau nhức chỗ nào hết là bất động, có đau nhức là không, bị động, tâm các con có khởi niệm, có nghĩ cái này cái kia đâu, đó là bất động, phải không. Thì các con biết sự bất động ở nơi thân tâm mấy con là do cái biết của mấy con, chứ sự bất động nó ở ngoài kia kìa, ở vũ trụ kìa. Chứ nó không phải ở đây, tại vì ở đây là thân tâm của mấy con, cho mấy con nhận xét cái thân tâm mấy con bất động, thì sự bất động là của vũ trụ chứ đâu phải là của mấy con, cho nên nó luôn luôn, nó vĩnh viễn nó không bị hoại diệt. Còn thân tâm mấy con bị hoại diệt, các con hiểu không.
Cho nên vì vậy mà mấy con, ngay cả còn thân tâm là còn nhân quả, mà còn nhân quả mà tâm bất động thì nhân quả không tác động được, thì mấy con đã được giải thoát, mấy con thấy rõ chưa. Thì do đó khi giải thoát rồi thì mấy con ở đâu, à bây giờ tôi tu tôi mất rồi tôi tu uổng đó sao? Trời ơi có mất đâu. Tôi nhìn trong không gian vũ trụ bất động nó rõ ràng mà, cái bất động đó là cái bất động, tôi đã lìa khỏi thân tâm này thì tôi sẽ vào chỗ bất động đó mà ngay khi tôi còn thân tâm tôi ở trong bất động thì tôi chết tôi cũng ở trong bất động chứ sao. Tôi bỏ nó thì tôi ở bất động, tôi có mất đâu, các con hiểu không.
(35:30) Cho nên vì vậy đó, mà Thầy xác định, Thầy có viết một cái tập sách Thầy nói Thế giới siêu hình không có, tức là linh hồn không có. Chờ xin phép được Thầy sẽ in Thầy phổ biến để thấy được cái điều đó. Nếu linh hồn có thì cái linh hồn phải khôn ngoan. Nó đâu có đi kiếm được con dế, con gà, con vịt, con heo nó chui trong đó để nó làm con gà, con vịt, con heo để cho người ta giết nó sao, phải không mấy con, cái linh hồn mà. Nếu có thì nó phải khôn ngoan chứ. Mà bây giờ thí dụ bây giờ nó chui vào con gà nó làm con gà thì nó là mặt con gà, có phải không, còn nó chui vào thân chúng ta thì có mặt người, vậy thì cái mặt của nó là cái gì? Nó phải riêng của nó chứ, không lẽ nó mặt con gà nó ra con gà, mặt con người nó ra con người.
Cũng như bây giờ nước thì nó phải có nước, nhưng mà bây giờ đổ vào trong cái ly tròn đó nó theo cái hình dáng của cái ly, đổ trong cái chai nó theo cái chai, phải không, các con thấy. Cái linh hồn nó phải có cái hình dáng của linh hồn chứ sao, cái chất của linh hồn chứ sao. Nhưng mấy con đi tìm nó có không?
Như vậy chúng ta không có linh hồn đâu mấy con. Nghiệp đi tái sinh luân hồi, đó mấy con thấy chưa, Thầy đã nói rồi, nghiệp đi tái sinh luân hồi, mấy con còn sống nó vẫn đi luân hồi. Mấy con la một cái, mấy con dữ tợn một cái, thì ngay cái nghiệp, hành động mà la là cái nghiệp của mấy con, thì ngay đó tương ưng với ai đó cũng đang tức giận đang la, thì cái hành động đó nó sẽ có một cái nghiệp đó, của một con vật đó. Một cái cây, nó nhân quả mà, một cái cây nó không có một trái đâu, nó còn sống chứ nó ra trái nó ra cây khác chứ mấy con, nhân quả.
Cho nên không khéo chúng ta, vì vậy mà đức Phật dạy chúng ta giữ gìn năm giới trọn vẹn. Thì giữ gìn năm giới đó để cho nó sinh ra cái nghiệp thiện mà không có sinh ra nghiệp ác. Nhất là cái giới không sát sanh, tức là đức hiếu sinh mấy con. Có thương yêu thì chúng ta mới tha thứ, không thương yêu thì chúng ta không tha thứ. Mà không tha thứ thì ác pháp.
(37:55) Cho nên ở đây Thầy dạy mấy con ngắn gọn như vầy “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, với một câu, phương pháp Như lý tác ý, chỉ có Như Lý Tác Ý! Cho nên đức Phật nói “Có Như lý tác ý, lậu hoặc chưa sinh sẽ không sinh, mà đã sinh thì bị diệt”, đức Phật dạy ngắn gọn, một câu rất ngắn gọn. Lậu hoặc là sự đau khổ của chúng ta, mà có như lý ấy, à mấy con nhắc, bây giờ ngồi đây thì các con cũng nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, thì nó không có gì nữa hết. Phải không, thì nó sẽ tương ưng, nó tiếp tục nó tương ưng nó bất động. Rồi mấy con lại nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Nhưng đừng niệm, đừng niệm cái câu đó. Vì vậy mà các con nhắc cái câu đó rồi ngồi im lặng, có một cái niệm nào đó nhắc: “Tâm bất động, thanh thản,…”, thì cái niệm đó là cái niệm thiện. À, cứ như vậy để giữ tâm bất động, thanh thản. Cách thức và phương pháp để cứu cánh mình. Trong gia đình, chuyện này chuyện kia, tất cả đều là mình nhẫn nhục được hết là qua cái câu: “Tâm bất động,…”.
Người ở đời ai không sân, ai không tham, sân, si, mà có sân là khổ. Cho nên khi mà có cái gì mà trái ý mình, thì nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, thì cái tâm sân nó sẽ xuống ngay liền. Nó cứu đời mình mấy con. Nhớ để mà tu tập, cứu mình. Chỉ có pháp Như lý tác ý, chỉ có “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” đủ rồi mấy con, không cần tu nhiều.