(05:33) Mà bây giờ Thầy truyền cho một cái chân lý của Đạo Phật thật sự: “Tâm Bất động - Thanh thản - An lạc - Vô sự”. Tại sao mấy con không giữ gìn nó? Lại nay nghĩ ờ bây giờ tôi nhức đầu, lại tập trung hoài quá, cho nó nhức đầu, rồi phóng giật thấy cái này, cái kia, rồi sanh ra tưởng. Trời ơi! Sao ngồi đây giờ ánh sáng cứ xẹt lên, xẹt xuống vầy, đó mấy con sanh ra tưởng.
Cho nên trong khi tu, mấy con cứ nhớ rằng: "Giữ gìn và bảo vệ, cái chân lý của Đạo Phật, đó là Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Thầy đã cô đọng hết tất cả các pháp từ Mười chín cái đề mục của hơi thở, cho đến Thân Hành Niệm, mười sáu cái đề mục, mười ba cái đề mục của Thân Hành Niệm mà Thầy gạt bỏ hết, chỉ còn một pháp duy nhất là giữ gìn "Tâm bất động" mà thôi!
Thế mà không giữ được sao?
(06:30) Có cái pháp Như Lý Tác Ý mà không giữ được. Bây giờ tâm của mình nó bất cứ nó xảy ra cái gì? "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, ở đây không phải chỗ mày vào”, cứ như vậy làm sao nó vào được mấy con. Mình tu từng giây, từng phút làm chủ từng giây, từng phút. Bảo vệ tâm bất động của mình từng giây, từng phút không được sao? Mà nỗ lực tu tập như vậy, không phải 7 tháng không chứng đạo sao?
Chỉ mấy con cứ nghĩ, à phải tu pháp này, tu pháp kia, bây giờ phải "Hít ra thở vô" phải "An tịnh thân hành phải an tịnh tâm hành, hít ra tôi biết tôi hít ra thở vô". Cái đó dẹp đi! Để cho cái người, người ta mới chưa biết tu người ta mới đầu, người ta đến với Đạo Phật, thì tập người ta thọ Bát Quan Trai phải tập những cái đó đó.
Còn bây giờ mấy con xin Thầy thọ Bát Quan Trai. Trời đất ơi! Tu tới bây giờ rồi mà còn thọ Bát Quan Trai, mặc chiếc áo như mấy con bây giờ mà còn như vậy đó, là tu sĩ rồi mà còn xin thọ Bát Quan Trai à?
Thọ Bát Quan Trai là để cho người cư sĩ, người ta mới vào đạo người ta tập tu, để cho người ta làm quen với các pháp môn, chứ đâu phải họ tu vậy họ chứng đạo được sao? Còn chính mấy con bây giờ chỉ ôm "Tâm bất động" để chứng đạo. Chứng từng phút, từng giây, bây giờ giữ được cái tâm bất động của mấy con là giải thoát ngay đó rồi mà. Một phút giải thoát, hai phút giải thoát, ba phút giải thoát, mà một giờ được giải thoát, rồi một ngày, hai ngày, ba, bảy ngày là đủ rồi. Chỉ có bấy nhiêu đó thôi! Các con thấy chưa?
(08:02) Cần gì! Người ta cho ăn cái gì, miễn là mình ăn sống, có cơm muối cũng được. Thầy bảy năm ăn lá cây trên Hòn Sơn, về trong gia đình ăn rau lang luộc với cơm với muối. Mẹ Thầy hằng ngày nấu cơm cho ăn, sống như vậy không đòi hỏi ngon dở, mập béo gì hết, cái thân còn như cái que tăm như vậy, mà có chết chỗ nào đâu. Bây giờ mấy con thấy Thầy có chết không? Lúc bây giờ đó, cơm ăn rồi đồ ăn, đồ uống, mà bây giờ mấy con thấy Thầy có ốm không? Trời đất ơi! Nó cho ăn kiểu này thiệt là Thầy nói thật sự bây giờ đó nó sung sướng! Quá sung sướng, đầy đủ quá đầy đủ!
Tu sinh: Con cũng thấy vậy.
Trưởng lão: Phải không? Mấy con thấy không? Thầy có ốm đâu, ăn quá trời quá đất, mà không ăn thì ép, hỏi Mật Hạnh với con Trang, cứ ép Thầy à, ráng ăn cho sống để không Thầy chết, sợ Thầy chết. Thầy nói tới chừng Thầy chết thì Thầy chết, đừng có ép Thầy ăn, ăn nó mệt chứ được gì mất công nhai nuốt, cực khổ chứ được gì?
Cho nên vì vậy mấy con biết! Đừng có nghĩ đến ăn uống, người ta cho gì thì ăn nấy, ở đây chắc chắn là không đến nỗi đâu. Nhưng khi mà phóng tâm như vậy về ăn uống như vậy là mấy con chạy theo dục lạc mấy con, không ly dục lý ác pháp, sai rồi mấy con!
(09:24) Cho nên phải nỗ lực tu, thật tu! Để thật chứng chứ không phải là nói chuyện thường. Bởi vì cả một đời người! Chúng ta bỏ hết rồi, ở ngoài đời người ta dục lạc, người ta chạy theo dục lạc, người ta khổ đau cái này, khổ đau cái kia, còn mình vô ở trong cái Tu viện, tu như thế này để tìm từng phút giây giải thoát. Mà cái chân lý đó nó chỉ thẳng cho chúng ta biết "Tâm thanh thản, tâm bất động, an lạc, vô sự". Không còn sự việc gì sai chúng ta làm hết, thấy cái sân dơ kệ, tao không biết, tao chỉ biết tâm bất động, chứ ở đây không có sân dơ gì hết đâu, cái tâm dơ đây mà quét không được, mà còn ở đó đi quét sân, có phải không?
Nói như vậy là nói. Nhưng mà sự thật ra không phải giờ nào chúng ta cũng quét sân đâu, chúng ta có giờ lao động, có giờ tu, có giờ tập, đâu hẳn hoi, chúng ta làm chủ giờ khắc chứ đâu phải không làm chủ. Nếu mà chúng ta nói tu lu bù đó, sự thật ra chúng ta không tu lu bù đâu; chúng ta tu có giờ khắc làm chủ từng giờ khắc đó, đó là làm chủ tâm. Sau đó rồi chúng ta mới thấy là, chúng ta mới thấy "Tâm bất động" thật sự.
Chứ bây giờ mà nói, ờ tôi tu "Tâm bất động" luôn luôn như vậy thì không có bao giờ có đâu, chuyện đó không có đâu. Nhưng mấy con phải biết, cái thời khóa của mấy con, mấy con giữ gìn được giờ giấc nghiêm chỉnh trên tâm bất động đó là quý lắm rồi! Chứ không phải là nói tôi giỏi, không có ông nào mà giỏi đâu.
Thầy nói! Nói thì nói một lẽ, mà giữ được cái tâm bất động mà nếu mà không thời khóa để tu tập, thì không bao giờ mấy con nếm được mùi vị "Tâm bất động" nó bất động thì phải có sự an lạc của nó chứ sao, cái mùi vị bất động của nó, nó có chứ đâu phải không! Còn bây giờ mấy con ngồi giữ tâm bất động mà nghe coi nó cực khổ quá, nó nhọc nhằn quá! Thì rõ ràng mấy con nếm mùi vị cay đắng của bất động, chứ đâu phải là hỷ lạc của bất động. Sao mà nó cực khổ quá trời vậy, lát còn, lát mất.
(11:24) Cho nên ở đây đó, mấy con có những gì thắc mắc, có những gì khó khăn, thì phải thưa hỏi, để Thầy biết cái đó nó nằm ở trong cái dạng nào của tâm mấy con, Thầy gỡ và giúp đỡ cho mấy con vượt qua những cái khó khăn đó. Mấy con đừng có ngại cứ trình bày đi. Còn người nào không dám trình bày “sao cái niệm nó khởi, cái niệm nó nhớ nghĩ cái này cái kia gì đó”, mấy con chưa dám trình bày trước mọi người, thì mấy con sẽ xin riêng, Thầy sẽ gặp riêng mấy con. Bởi vì mấy con là những đứa con của Thầy rồi, Thầy sẽ dạy cho mấy con đi tới nơi tới chốn, không lẽ dẫn cho mấy con đi tới đây để rồi mấy con chết ở chỗ này sao? Không làm chủ được sao? Cái trách nhiệm bổn phận của một người Thầy như thế nào? Cái lòng thương yêu của vị Thầy như thế nào đối với học trò mới gọi là lòng thương yêu?
Cũng như nói Ông Phật thương chúng sanh như thương con của mình, như thương đứa con một của mình. Tức là thương La Hầu La, vậy là thương đối xử như thế nào? Mấy con biết không? Thầy ít ra Thầy đối với mấy con, Thầy không có Gia đình, không có Con cái thì mấy con là con của Thầy rồi. Dù mấy con tuổi bằng Thầy cũng vẫn là con của Thầy, tinh thần mà, đứa con tinh thần chứ đâu phải! Bởi vì cái tinh thần của Thầy đó, nó đi đến cái chỗ bình an giải thoát. Còn tinh thần của mấy con nó đang đau khổ, mà bây giờ Thầy hướng dẫn cho mấy con để mấy con đi đến chỗ bình an, không còn đau khổ nữa. Thì mấy con là những đứa con, phải nắm tay, phải nắm chân, phải dẫn dắt nó, cũng như một người mẹ mà dẫn dắt cho đứa con của mình biết đi, đến khi mà để cho nó đi một mình được không té lên té xuống, như vậy mới gọi là thương con chứ.
Thầy công việc quá nhiều, lẽ ra thì Thầy phải thường xuyên gặp mấy con, nhưng công việc quá nhiều, đối với mặt Chính quyền thì nhờ Cháu Trang, Mật Hạnh chạy đi tới, đi lui lo giấy tờ. Còn đối với cái phần thơ từ Phật tử hỏi thưa, đối với cái phần này, phần nọ kia nó đủ thứ chuyện để giải quyết chứ không phải một thứ chuyện để giải quyết.
(13:42) Cho nên mấy con nhớ trong cái vấn đề "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự", nhớ điều đó nha! Thầy trao cho mấy con cái chân lý của Đạo Phật rồi đó, ôm giữ cái chân lý đó, bảo vệ, gìn giữ chân lý đó, thì mấy con sẽ được giải thoát từng phút từng giây, từng giờ, rồi từng ngày, từng tháng từng năm, nhớ kỹ chưa? Mấy con nhớ! Không theo Thầy thôi, theo Thầy là có giải thoát ngay liền. Đức Phật nói "Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy". Sự thật ra, đúng! Đức Phật nói đúng, mấy con: Tâm - Bất động - Thanh thản - An lạc - Vô sự.
Bây giờ mấy con nói lên đi, tác ý đi "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự" rồi ngồi lại im lặng nhìn lại coi tâm mình bất động hay không? Bất động thật, thanh thản thật, vô sự thật, giờ nó ngồi đây nó có làm gì đâu, nó có nghĩ gì đâu mà gọi là nó hữu sự đâu, đúng nó có, nhưng mà nó có không lâu, chút à! Rồi nó khởi niệm nữa. Cho nên vì vậy mà cái pháp Như Lý Tác Ý đó nó sẽ diệt hết lậu hoặc vì nó còn niệm tức là còn lậu hoặc, mà nó hết niệm tức là lậu hoặc hết. Tức là ly dục, ly ác pháp xong.
Cho nên nó có phương pháp đàng hoàng mà. Khi mà cái tâm bất động đó nó, nó bị mất bất động đi, nó khởi một cái niệm là nó đâu còn bất động. Do đó phải nhắc lại "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, chỗ này không được niệm nào xen vô”, nói vậy rồi im lặng, im lặng để lắng coi thử nó có nói gì không? Chứ đừng có ôm cái sự im lặng đó mà tập trung trong sự im lặng đó để diệt ý thức chúng ta là sai. Phải khéo léo chỗ này mấy con, không khéo thì mấy con cứ cố gắng giữ im lặng, để ý thức đừng có khởi vọng tưởng thì thôi, vậy tu theo Thiền Đông Độ đi cho rồi đi. Bởi vậy mấy con sai là cái chỗ này.
Tu sinh: Sai chỗ đó, con sai chỗ đó.
(15:39) Trưởng lão: Bởi vậy mấy con sai chỗ này mà cứ cố gắng làm cho cái ý thức của mình nó diệt đi, mình để tự nhiên, đừng có tập trung, đừng có cố gắng cái gì hết, để tự nhiên, rồi nó có niệm, thì mới thấy.
Bởi vì thường thường Thầy dạy cho mấy con cái Định Vô Lậu, dùng cái tri kiến mình đã quán, mình đã quán mình đã thông suốt hết rồi. Bây giờ không quán nữa, quán là động, chỉ cần tác ý thôi, có một niệm tác ý: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, chỗ này không phải ái kiết sử vào". Cũng như bây giờ con, nó khởi nghĩ nhớ mấy đứa con của mình chứ gì? Thì biết ngay liền ái kiết sử chứ gì? Cần gì phải quán, thì ngay đó mình tác ý: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.”
Vậy thì cái ái kiết sử đó nó sẽ đi, cái niệm mà nhớ mấy đứa con của mình sẽ đi mất. Mấy con thông suốt hết rồi, cho nên mấy con như vậy mới vào nhập Thất tu, đời có gì đâu, các pháp đều vô thường. Cho nên cái bài kệ của Thầy đó, để nhắc nhở mấy con:
"Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa.
Vạn sự vô thường buông xuống đi!"
Buông xuống để cái "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự" .
(16:50) Một niệm nào khởi lên mấy con nhớ câu kệ của Thầy, mấy con cũng buông xuống được, Đời có gì đâu!? Bây giờ chết thì mấy con mờ mịt không biết mình, cái nghiệp của mình tiếp tục tái sanh làm cái gì đây!? Làm người nào, ở đâu, xứ nào? Làm con vật gì? Chưa người nào biết hết, làm sao mà mình tu sao mà cái người ngồi trước mặt mình, biết cái người này mà ở cái tâm trạng này mà không tu sẽ sanh làm con kiến, con trùng, con dế gì biết hết, bao nhiêu con cũng biết hết. Rồi tới sanh làm con người, sanh làm trai, làm gái cũng biết, ở trong gia đình nghèo giàu biết hết, biết bao nhiêu đời chứ không phải một đời, làm sao mà ngồi đây mà cái đầu óc hiểu biết như vậy đó, thì như vậy mới đáng tu.
Còn bây giờ cái đầu óc của mấy con thật sự ra, thời gian và không gian, cái thời gian nó chia cắt, tương lai thì không biết, không biết bây giờ ngồi đây nghe Thầy nói, lát nữa không biết nó xảy ra cái gì cho mình, có biết gì đâu. Bởi vì cái thời gian nó bị ngăn, nó bị chia cắt rồi, mấy con không biết, chỉ biết trong hiện tại. Mà biết trong hiện tại lại là biết ác pháp, chứ phải biết thiện pháp thì cũng đỡ. Cho nên mấy con thấy không? Tương lai thì không biết, thỉnh thoảng thì nhớ lại quá khứ, để rồi ôm ấp những sự đau khổ, buồn phiền làm cái gì? Cho khổ mình giữ vậy.
(18:15) Đó, hôm nay gặp Thầy, Thầy khuyên mấy con: Tâm - Bất động - Thanh thản - An lạc - Vô sự, đó là cái chân lý của Đạo Phật, cố gắng mà giữ gìn nó, để bảo vệ nó, tức là bảo vệ sinh mạng của mình, bảo vệ tâm của mình.
Mỗi lần có niệm gì thì: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Mà nó khởi mong mình sẽ ngồi thiền nhập định thế này thế kia. “Dẹp! Ở đây tao không cầu những cái thứ đó, tao chỉ Tâm Bất Động thôi, chỉ bấy nhiêu đó thôi, không cầu cái gì hết. Tao không cầu làm Phật làm gì hết. Ở đây ráng tu, như thế này thế khác tao không ước mong cái điều đó đâu. Tao chỉ “sống trong hiện tại, quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng, chỉ có hiện tại mà thôi."
Hiện tại sống như thế nào?
Hiện tại với Tâm - Bất động - Thanh thản - An lạc - Vô sự. Mấy con thấy phải không? Cái này quá rõ ràng cụ thể mà tại sao chúng ta làm người sinh ra, làm người biết được Phật pháp mà không bảo vệ bằng một cái chân lý của nó, nhất định tâm thấy người kia: "Quay vô không có nhìn ai hết". Tức là mình phòng hộ sáu căn của mình, chứ không thì thấy “à, cái ông này không biết nay ổng tu ra sao mà thấy ổng đi tới đi lui hoài đây không biết?” - “người ta kệ người ta, người ta đi được người ta đi, mắc gì mày lo cho người ta”. Vậy chứ nó lo cho người ta, chứ nó không lo nó đâu.
Tu sinh: Đúng như vậy đó, nó ác vậy đó Thầy.
(19:37) Trưởng lão: Thật sự, Thầy nói thật mà cái tâm lý của mấy con cứ lo cho thiên hạ chứ không phải lo cho mình. Cho nên vì vậy, ai mặc ai kệ chẳng biết, mà khi nó khởi nó nhìn thấy ai đó "quay vô, ở đây mày phải sống cho mày chứ đừng sống cho người khác. Ai bảo mày nhìn chú Mật Hạnh làm gì! Chú làm cái gì kệ chú, chú tu được thì chú nhờ, chú tu không được chú chạy đi đâu kệ chú, chú chết tự chú chịu”.
Tu sinh: Nhà con có cái cửa sổ đó Thầy! Cái thất của con đó là nhìn ngỏ đây đó thì khu Thầy, nhìn đằng trước đó thì khu phân thức ăn, nhìn qua bên này là khu của bên nhà, con nói con phòng hộ thế mồ luôn mà nó cũng phóng chạy ra.
Trưởng lão: Đó! Thì vậy nó có những cái điều kiện tốt để tu. Trời đất ơi! Đâu có phải kiếm cái thất được như vậy, kiếm được cái thất như vậy là có chỗ để mà tu mà. Trời đất ơi! Nó có đối tượng để tu, như vậy hằng ngày cái pháp tác ý mình liên tục, còn không có đối tượng nói tôi tu tốt chứ sự thật, đem ra cái chỗ mà người ta để đồ ăn nghe mùi thơm. Trời đất ơi, bây giờ nó đói bụng, cái kiểu chuyện này mình gặp đối tượng nó lôi mình mất rồi.
Còn bây giờ từng sống ở trong các đối tượng mà mình giải thoát rõ ràng rồi, tới chừng đó “Ah, mình nhờ bên đây có cửa sổ, nhờ bên kia cái của cái, mấy cô nói chuyện sao biết hết. Quay vô, quay vô, người ta nói chứ mày đừng có nói”. Đó, mình cứ rày mình, mình cứ mình rèn mình thôi. Ở đây cứ giữ tâm bất động thôi, chẳng cần biết ai hết, chỉ biết có cái thân của mình thôi và nó biết nó là tức khắc nó ở trên Tứ Niệm Xứ thôi, Thân-Thọ-Tâm-Pháp, nó ở trên thân tâm nó thôi chứ sao.
(21:13) Cho nên Thầy nói tâm định trên thân, mà trên Tứ Niệm Xứ Đức Phật nói “có bảy ngày, bảy tháng, bảy năm là chứng đạo rồi”. Mà bây giờ bảy năm rồi, mình đã theo Phật rồi mà nó chưa ở trên Tứ Niệm Xứ. Bây giờ được sống độc cư nhập thất rồi, thì chỉ còn có bảy tháng chứ sao, đâu cần bảy năm nữa, mà bảy tháng bao lâu mấy con! Trời đất ơi, mới đó Tết rồi mà bây giờ qua Tết mất rồi, chú Mật Hạnh nói: “Trời ơi! Phải chi Tết nữa”. Các con nghĩ thử. Bởi vì chú Mật Hạnh còn trẻ con lắm! Bao giờ cũng muốn Tết hoài, đó là một cái sự thật mà. Chú trẻ con lắm mấy con, nhưng mà cái người trẻ con nó vô tư, khi mà chịu tu rồi mau lắm đó. Bởi vì nó đâu có vướng bận trần ai.
Đó Thầy nói thật sự với mấy con, còn mình đó mình chất chứa rất nhiều, rất nhiều cuộc đời ở trên vai, cho nên vì vậy mình ngồi một mình mình thì không chuyện này đến chuyện kia, nó nhớ nghĩ nó lo lắng. Cho nên mấy con dù sao đi nữa mấy con cũng đã chất một cuộc đời của mấy con quá nhiều những sự việc. Cho nên hiện giờ mấy con dẹp là chỉ còn có tâm bất động mà thôi. Chỉ có duy nhất với câu Như Lý Tác Ý của mấy con là đủ rồi.
Pháp Như Lý Tác Ý mà Đức Phật đã dạy: “Có Như Lý Tác Ý thì lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt”, con nhớ bấy nhiêu đó đủ rồi. Nghĩa là luôn luôn mấy con nhắc câu: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Nhưng mình biết cái tâm mình yếu thì mình chỉ ngồi chút thì nhắc nó nữa. Bởi vì “Có Như Lý Tác Ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh” thì mình tác ý nữa nó sẽ không sanh thì nó tiếp tục thêm mình được năm phút, mà năm phút rồi không còn bất động, còn không bốn phút, chứ năm phút coi chừng nó vô, phải không? Mấy con hiểu không? Mình phải tác ý nữa thì nó sẽ kéo dài thêm được chút nữa và cứ tác ý hoài thì lậu hoặc không sanh, mà không sanh thì phải ly chứ sao, nó sanh không được thì nó phải chết, mà nó chết tức là nó đoạn diệt tất cả.
(23:24) Nó có ba cái giai đoạn để tu tập Đạo Phật để:
Ly dục, Ly ác pháp.
Từ bỏ. Thấy không, mấy con thấy không? Từ bỏ dục và ác pháp.
Rồi đoạn diệt dục và ác pháp.
Đầu tiên mình ly dục ly ác pháp, chứ gì? Rồi từ bỏ dục và ác pháp; rồi mới đoạn diệt. Đoạn tuyệt nó làm cho nó đứt đi. Nó ba cái giai đoạn tu tập của chúng ta, mà giai đoạn ly nó cứ nhào ra, nhào vô thì chúng ta cứ tác ý hoài, chừng nào mà thấy nó yên phăng phắc, nó không còn có ra vô nữa, bắt đầu chúng ta tu tập tới giai đoạn thứ hai. Còn bây giờ mấy con có niệm vọng tưởng hoài mà mấy con tu giai đoạn thứ hai thì tu mất công.