00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

(39:27)

(39:27) *Phật tử Diệu Thanh*: Kính bạch Thầy! Hôm nay Thầy cho con pháp danh là Diệu Thanh, con xin Thầy giảng nghĩa cho con.

Trưởng lão: Con ngồi xuống đi con. Chữ "Thanh" là trong sạch, mà có nghĩa là thanh tịnh. Phải không? "Diệu" đây có nghĩa là ôn tồn, nhã nhặn, nhẹ nhàng, êm ái. Chữ "diệu" mà, vi diệu, nó nhẹ nhàng, êm ái. Phải không, các con thấy chưa?

Cho nên cái sự thanh tịnh, cái sự trong sạch nó giúp cho tâm con nó sẽ nhẹ nhàng, êm ái trong cuộc đời của con. Cho nên con mang pháp danh đó, thì con phải sống sao cho thanh tịnh, luôn lúc nào cũng dè dặt. Lỡ mà nói to tiếng "Quên, tên mày là Diệu Thanh đó, mày nói to là không Diệu đâu", có phải không? "Diệu" thì phải nhẹ nhàng ôn tồn chứ! Cho nên vì vậy mà nói ra một lời nói thì nhẹ nhàng, ôn tồn. Đó là “Diệu”.

Còn làm cho mọi người vui, không làm khổ mình, khổ người đó là Thanh tịnh, con hiểu không? Nghĩa là mình đừng có làm ai khổ hết nó là thanh tịnh; mà làm có người khổ trong đó thì nó không thanh tịnh.

Đầu tiên, Thầy nói thanh tịnh là trong sạch, thì mấy con tưởng tượng như nước nó trong veo giống vầy, à mấy con tưởng tượng vậy đó. Nhưng mà tới câu cuối cùng Thầy kết luận cho mấy con thấy không làm khổ mình, khổ người là trong sạch. Bởi vì cái tâm mình nó khác chứ đâu phải nước sao, có phải không, mấy con hiểu không? Nó thanh tịnh là nó không làm khổ ai hết thì nó thanh tịnh. Mà nó còn làm khổ người khác…​ Rồi bây giờ mấy con nghe ờ tui "Thanh", "Thanh tịnh" chắc có lẽ là mình làm cho cái tâm mình đừng có niệm gì hết, nó thanh tịnh. Điều này là điều bị ức chế tâm, sai! Không đúng mấy con. Con nhớ những cái nghĩa mà Thầy dạy cho con đó, con giữ đúng tên của con, để mà con thực hiện được.

Tên của con không có nghĩa là để phân biệt con với người khác, mà tên của con nói lên được cái tính của con, cái đặc tính, đặc tướng của con mà. Cái tính của con để con sống trong cái tính đó, cái tính thanh tịnh, cái tính trong sạch, cái tính ôn tồn đối với mọi người, đối với mình. Con hiểu không?

Đó là một đạo đức đẹp đẽ, một oai nghi tế hạnh đẹp của một con người chúng ta cần phải làm, cần phải thực hiện cuộc sống của chúng ta như vậy. Cho nên Thầy đặt những cái pháp danh mà mấy con lưu ý, cái pháp danh của mấy con là thực hiện được cái tính của con người sống. Mang cái tên đó phải làm cho y như cái đó thì nó mới xứng đáng, xứng đáng cái người mang tên.

Rồi, mấy con có hỏi Thầy gì thêm nữa mấy con?

(42:13) Phật tử Diệu Thanh: Thầy cho con cái pháp để con tác ý ạ?

Trưởng lão: Tác ý hả con? Ừm.

Cho nên cá pháp tác ý là cái pháp dẫn. Dẫn tất cả những cái, mình muốn cái đó thì mình phải dùng pháp tác ý để mình dẫn cái tâm mình con. Mình dẫn cho mình đi vào cái sự an ổn, cái sự thanh tịnh, cái sự tốt đẹp.

Thí dụ như con luôn có cái tật là mỗi lần nói ra thì không có nói ôn tồn được, thì con tác ý riết câu này: "Từ đây về sau không có nói như vậy nữa nha. Nhẹ nhàng, ôn tồn với người khác". Con tác ý vậy chứ mà, tự nhiên nó thấm nhuần rồi cái nó mỗi lần nói ra gì thì đầu tiên thì nó còn nhắc ở trong tâm con, trong đầu con, sau đó không có cần nhắc con biết liền. Cái pháp tác ý nó thấm nhuần đó rồi. Nó giúp cho chúng ta thuần thục trên đạo đức.

(43:11) Phật tử Diệu Ngọc: Bạch Thầy, Thầy cho con cái pháp danh là Diệu Ngọc, xin Thầy giảng cho con nghe ạ.

Trưởng lão: Tên của con tốt quá, “Ngọc” đắt tiền lắm đó con (cười), đây bây giờ không biết là ngọc gì đây. Con ngồi xuống đi con.

"Diệu" tức là một cái loại ngọc chiếu ra ánh sáng mát mẻ. Con hiểu không? Thường thường viên ngọc nào cũng có ánh sáng mấy con.

Ngày xưa Thầy về tại Tu viện Chơn Như Thầy ở, mới đầu tiên Thầy về nó là khu rừng tranh, có vài cây đồng mức thôi, rồi có một số rắn ở. Vậy mà Thầy đến Thầy ở chung đó mấy con.

Thầy cất, ban đầu Thầy trèo trên cái miểu. Cái miểu đó là của cách mạng người ta cất để cho 1 cái người, để mà người ta đến đó người ta thắp hương, mục đích thắp hương đó không phải cúng Thần, Phật, hay là cô hồn cát đảng gì hết, nhưng mà để báo. Khi có cây hương thắp là biết rằng lính quốc gia nó không có kích ở trong cái khu ấp chiến lược. Thì mấy ông cách mạng, mấy ông du kích này mới rủ nhau trong đó vô phá, phá rào của ấp chiến lược. Mới chặt phá, mới ban. Các con hiểu không? Mà thấy mà không có cắm nhang đó thì biết là có lính kích trong đó vô nó bắn đổ ruột hết.

Bởi vì mấy ông cách mạng họ tổ chức có một người ở trong ấp chiến lược, các con thấy tổ chức hay lắm. Cho nên khi có lính vô thì cái ông này ông không đi, thì không có cắm nhang. Con biết không, mà không có lính kích ở trong ấp chiến lược, giữ ấp chiến lược đó thì ông này ông ra cắm nhang, báo mấy ông du kích mới đến mới nhìn trên cái miểu này thấy có nhang là biết ở trong này không có lính kích, vô chặt cái hàng rào ấp chiến lược. Cho nên mấy con biết hồi đó, hồi thời ông Diệm nó làm ấp chiến lược, nó cất, nó bắt dân nó lùa vào trong đó hết mà. Để nó lìa cộng sản với dân, mục đích nó lìa cá nước đó, cái chiến thuật của nó như vậy mấy con thấy.

Trong cái thời của Thầy hồi mà bằng mấy con đó, Thầy sống, thiệt! Khổ lắm. Chứ đâu phải là thường đâu, mà Thầy lại sống là nơi Chùa Am, cái nơi mà cách mạng làm việc ở đó. Đó nó vậy.

(45:46) Cho nên Thầy thấy là khi mà chúng ta tu tập thì chúng ta phải biết rõ ràng cách thức chúng ta tu tập. Chứ còn nếu không nắm cho rõ ràng tu tập thì chúng ta sẽ mắc bệnh, mắc bệnh trên cái phương pháp tu tập.

Thì hôm nay con hỏi Thầy về pháp danh của con đó, cái "Ngọc" mà hồi nãy Thầy nói Thầy ở một mình, có một bầy rắn nó lạ lùng Thầy cũng chẳng biết. Một đêm đó Thầy đang ngồi thiền, Thầy thì ngồi thiền hoài hà ít có nằm ngủ lắm, vậy mà cái ông rắn ổng tha vô ổng bỏ trước mặt Thầy 1 viên ngọc mấy con. Thầy không có thắp đèn thắp đuốc gì hết hà, nó bò vô nó nhả ngọc, ngọc tròn vầy. Trong cái miếng ngọc tròn, nhỏ như thế này nó có, khi ban ngày mình đem ra mình coi lại kỹ thì ở trong đó có con mắt, giống như con mắt người, mà nó sáng ra một cái vùng vậy. Cái ánh sáng nó sáng ra như cái ngọn đèn, thì ờ ngoài xung quanh Thầy nó mờ mờ, ánh sáng mờ mờ, cục ngọc nó có ánh sáng.

Mà con “Ngọc”, pháp danh là “Ngọc” thì đó là ánh sáng. Mà ánh sáng gì? Ánh sáng thanh tịnh con. "Diệu Ngọc", cái ánh sáng nó êm dịu nó làm cho người tu an ổn vô cùng. Không, Thầy nói đây là Thầy là người có phước đó rắn cho ngọc đó. Thật sự Thầy có phước thật chứ. Chứ nếu không phước Thầy làm sao Thầy tu chứng mấy con, có phước. Cảm động đến cái loài vật, mà nó mang ngọc đến nó cho Thầy.

Thì Thầy nói như thế này để cho mấy con biết tại sao nó cho Thầy. Thầy ở trong cái khu đó nó có một cái giếng lạn. Thầy phải đi lấy nước Thầy dùng, Thầy phải xuống cái giếng đó Thầy mới hốt bùn cho nó sạch mới có nước. Rồi Thầy dùng cái thùng, Thầy mới cột sợi dây Thầy mới quăng xuống, Thầy mới lấy nước Thầy lôi lên để hàng ngày tắm, giặt, hoặc Thầy uống Thầy sử dụng nước đó. Nhưng mà không ngờ rắn nó bò nó lại rớt xuống. Thầy thì cũng sợ rắn cắn lắm (cười), nhưng mà nghe nó lội xổm xổm ở dưới nước Thầy không biết con vật gì, mà Thầy thì đâu có đèn pin. Cho nên lần lượt Thầy mới từ ở trên miệng Thầy mới đi xuống, sát xuống Thầy nhìn thì nó là hai con rắn, rắn rất lớn. Hai con rắn cỡ bây lớn nè. Nó bằng rắn hổ mấy mà nó dài vầy nè, mà Thầy nói nó có khoang, có khoang, có khoang. Con trắng, con đen đó.

Thì Thầy xuống Thầy thấy thôi Thầy bò lên không dám đụng sợ nó cắn. Thầy mới nghĩ bây giờ tìm cách nào để cứu nó đây. Thầy mới chạy, từ ở chỗ Thầy ở đó Thầy mới chạy vô ấp, Thầy mới xin một cái cây tầm vông mấy con. Thầy mới chặt, mới đem thòng xuống, con rắn nó mới theo cây tầm vông nó quắn, nó bò lên. Thầy cứu hai con rắn. Rồi bắt đầu bây giờ mấy con rắn nó sống chung với Thầy. Rồi khi mà nó nhả ngọc nó cho Thầy rồi nó đi đâu mất Thầy không biết. Coi như nó từ giã Thầy nó đêm 1 cái vật gì nó biếu Thầy để mà đi.

(49:24) Thì cái con vật nó cảm thông được với mình chớ. Cho nên mấy con thấy rắn đừng sợ mấy con, nó có duyên với mình. Thầy sống chung với rắn (cười) mà. Cho nên cái người tu họ không sợ cọp, sợ beo, sợ gì hết. Thầy lên Hòn Sơn Thầy ở một mình, vượn hú ghê gớm lắm nhưng mà không sợ gì hết. Thì rất là thanh tịnh, rất là yên ổn mấy con. Tu hành mà sợ gì, có gì đâu mà sợ. Ma cũng đâu có mà sợ. Cọp cũng không có ăn thịt mình đâu mà sợ, rắn cũng không bao giờ cắn mình. Chỉ ra mấy con vô ý mà thôi, mấy con đạp nó. Nó nằm nó khoanh theo, thường thường nó bảo vệ nó thì nó khoanh cái đầu nó để giữa, nó khoanh tròn vầy, chớ cái đầu nó ló giữa. Mấy con đi mà không thấy, mấy con đạp nó thì nó đau quá nó mới mổ mấy con thôi. Nó bảo vệ nó, chứ nó không phải nó quyết tâm cắn mấy con đâu.

Cho nên vì vậy mà khi nó nằm như vậy thì mình tránh nó thôi mình đừng đạp nó. Mình đi sát vầy nó cũng không cắn đâu con, mình đừng có đạp đau nó thôi. Nó vậy, Thầy biết con vật nào cũng vậy mấy con. Cái con bọ cạp đó mấy con thấy nó sợ, nó bò nó cắn mấy con chứ sự thật ra nó không cắn mấy con đâu. Nó bò trên áo mấy con thấy, mấy con cứ để tự nhiên đó, mấy con đừng có làm cho nó sợ nó cắn mấy con, nó chích mấy con đó. Chứ mấy con cứ để tự nhiên nó bò nó đi hà. (Phật tử: Thưa Thầy như con rết?). Con rết cũng vậy con, con cứ để tự nhiên. Bởi vậy Thầy nằm ngủ, mấy con biết rết nó bò trên mặt Thầy nó nhột, thay vì Thầy phải phủi chứ gì, mà phủi nó cắn. Cho nên Thầy không phủi, để cho nó bò tự nhiên, rồi nó bò đi hà. Con rết đó, con rết nhiều chân đó con.

(51:11) Phật tử Diệu Ngọc: Bạch Thầy là, con xin Thầy cho con pháp tu ạ?

Trưởng lão: Bây giờ đó con là phải thực hiện cái pháp danh của con đó như là viên ngọc, viên ngọc sáng. Đặt con cái pháp danh đó như là viên ngọc sáng. Vì vậy mà con phải cần cố gắng để giữ tâm mình, càng trong sạch, càng thanh tịnh cho nó đúng cái tên. Nghĩa là mỗi lần ham muốn điều gì thì con nhớ tư duy suy nghĩ, đây là cái pháp à con, lấy tri kiến hiểu biết của con, con tư duy suy nghĩ con xả nó xuống, đừng có ham muốn. Ai có nói nặng nói nhẹ con, con: "đây là nhân quả, mình vui lòng mà trả cái nhân quả cho xong, đừng buồn đừng giận người ta". Con cứ nhắc vậy thì con sẽ được sạch sẽ, trong sáng như là viên ngọc. Con hiểu không? Tức là nó xứng đáng với cái tên, pháp danh của con. Nó mang đầy đủ ý nghĩa của nó, Diệu Ngọc!

(52:18) Phật tử Liên Đức: Con kính bạch Thầy ạ! Thầy cho con pháp danh là Liên Đức,…​ cho con hiểu cái từ đấy thì Thầy có trả lời thư con nhưng con cũng không hiểu rõ lắm ạ, Thầy cho con xin cái pháp tu ạ.

Trưởng lão: Cái pháp danh của con là Liên Đức, Liên là sen, mà sen thì ở nơi bùn lầy, mà cái đức của sen là đức trong sạch. Con hiểu rồi phải không?

Cho nên mình ở trong tất cả mọi người điều là ác pháp hết, là bùn lầy đó mấy con, nó dễ làm mình khổ tâm lắm mấy con, cho nên vì vậy mình phải vươn lên, đừng có bị nhiễm ô bùn lầy. Đừng có làm như họ, đừng có giận, đừng có tức, con hiểu không? Thì con như hoa sen mà. Hiểu chưa?

Bây giờ hiểu rồi thì muốn thực hiện pháp đó thì con cứ Như Lý Tác Ý mà tác ý. Tác ý cái pháp danh của con. Mỗi lần mà người ta nói gì con buồn phiền, con tức giận thì "phải như hoa sen ấy chứ, ở nơi bùn lầy thì phải vui vẻ chứ sao lại tức giận". Thì nội bây nhiêu đó con đủ rồi, con cũng giải thoát rồi, phải không? Tùy theo cái pháp danh của con mà con biết áp dụng vào cái phương pháp Như Lý Tác Ý thì con sẽ cứu con thoát khổ. Phải không mấy con, mấy con phải tự tư duy chứ.

Trừ ra không hiểu, Thầy mới dạy, Thầy mới mớm nghĩa cho mà tu. Chứ không phải là để ca ngợi "cái tên của con quá đẹp, trời ơi! Liên Đức đẹp dữ…​" (cười). Nó không phải vậy mấy con.

Mà là cái đức của hoa sen, sống nơi bùn lầy mà không hôi tanh mùi bùn mới gọi là hoa sen chứ, mấy con hiểu chưa? Ráng mà tu tập đi mấy con, rồi mấy con ước nguyện, mấy con ước nguyện chứ không khéo ác pháp nó lôi mấy con mất đây à. Ước nguyện làm sao tôi sẽ được gần Thầy, gần một người Thầy giải thoát để giúp cho tôi giải thoát. Tôi ước nguyện, tôi mong ngày đêm để ngày nào đó đủ duyên tôi sẽ đến ở gần bên Thầy tôi tu. Tôi quyết tâm tu giải thoát chứ tôi không còn đắm nhiễm trần gian này nữa hết. Mấy con cứ ước nguyện ngầm ở trong tâm ước nguyện, cố giữ gìn năm giới cho thanh tịnh, đừng có vi phạm mấy con, cái sự ước nguyện của mấy con sẽ thành tựu được mấy con. Nó sẽ đến với mấy con, không xa đâu mấy con. Rồi mấy con sẽ lần lượt ở gần bên Thầy, được Thầy như là một người mẹ mà hướng dẫn cho một người con từng bước đi, nắm hai bàn tay đứa con của mình mà tập cho nó từng bước đi. Chừng nào nó đi vững vàng mới thả nó ra chứ không khéo buông nó ra nó té. Thầy bây giờ buông ra thì mấy con sẽ té. Các con hiểu điều đó.

Cho nên vì vậy mấy con nghĩ Thầy cũng như người mẹ mà thương con của mình, mới biết bước đi, coi như bây giờ mấy con mới biết bước đi chập chững, mà nếu thả tay thì mấy con sẽ té. Té thì đau khóc, là mất công mẹ dỗ, phải không mấy con? (cười).

Rồi bây giờ con hỏi gì với Thầy?

(55:38) Phật tử Thanh Ngọc: Dạ Thầy, pháp danh con là Thanh Ngọc, Thầy cho con xin đặc tướng con tu theo pháp nào?

Trưởng lão: Bởi vì “Thanh Ngọc" là cục ngọc màu xanh. Con hiểu không? Cái viện ngọc màu xanh. Vì vậy mà cái màu xanh là cái màu mát mẻ. Con thấy cái màu đỏ, màu vàng là màu nóng nảy, cái màu khô khan. Mà màu xanh con nhìn, khi mà cái tàn cây kia lá xanh tươi con thấy mát mẻ, cái thảm cỏ kia xanh tươi nó mát mẻ. Tức là màu xanh đó con, con hiểu không? Như vậy là con phải thực hiện ngay để tâm của mình luôn luôn là cái người mát mẻ. Lời nói cũng nghe mát mẻ, có phải không con? Hành động sống hàng ngày đối xử với ai cũng mát mẻ, chữ mát mẻ Thầy nói để thực hiện được cái màu xanh của nó. Thanh Ngọc mà con, Tên cũng quá đẹp, thanh Ngọc! Có phải không mấy con?

Mà thực hiện được cái màu xanh đẹp đẽ của một viên ngọc màu xanh thì càng đẹp lắm chứ sao! Cho nên vì vậy mà pháp danh của mấy con để thực hiện được cái tên của mấy con qua đặc tướng của nó, cái tính của nó để thực hiện được những sự giải thoát thực sự tâm hồn. Cố gắng mấy con!

Nhận được cái tên của mấy con rồi, thì phải thực hiện sống sao cho đúng với cái tên của mình thì mấy con sẽ làm Phật không bao lâu. Phải không? Phật đâu có gì khác, đem lại sự sống bình an cho mình, cho người thì đó là Phật.

Cũng như bây giờ mấy con chửi Thầy Thầy không giận người nào hết! Mà luôn luôn lúc nào cũng thương yêu mấy con, đem lại sự bình an cho mấy con. Chứ giận chửi mấy con thì tức là đâu phải Phật nữa! Mấy con có làm gì, có sai gì đi nữa Thầy cũng không mắng chửi mấy con, mà cố gắng sửa.

(57:45) Phật tử Diệu Định: Thưa Thầy, Thầy cho con pháp danh là Diệu Định, thưa Thầy giảng cho con pháp danh và đặc tướng của con.

Trưởng lão: Con cứ ngồi đi. Cái pháp danh của con là Diệu Định phải không? (Phật tử: Dạ) Thì con phải tập Thiền Định nhiều đó. Bời vì Định là Thiền Định chứ gì. Phải không, mấy con hiểu không? Định là tâm định, tâm không dao động, không giận hờn, không phiền não. Đó là Định. Như vậy là con phải tập sao cho xứng đáng với pháp danh của mình, luôn luôn ở trên cái sự định của nó, cái sự bất động tâm của nó. Cho nên vì vậy mà câu tác ý "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự" là phương pháp tu của con, đặc tướng của con, con hiểu không, để nó thực hiện "Định".

Các con hiểu chưa? Nãy giờ Thầy có dạy trùng không, có trùng ai hết không?

(58:47) Phật tử Diệu Hương: Thưa Thầy con là Diệu Hương, xin Thầy cho con pháp hành con tu tập hàng ngày, khi con đi làm.

Trưởng lão: À, chữ "Phương" đây nó không phải là…​.

Phật tử: Thưa Thầy, con là tên là Hương Thầy.

Trưởng lão: Diệu Hương phải không? Mà nếu, cái chữ Hương có nghĩa là mùi thơm đó. Làm sao mình thực hiện được cái mùi thơm của sự tu tập giải thoát để nó bay khắp, nó bay cái mùi hương nó bay ngược gió được mấy con. Thường thường, cái mùi hương của hoa thì nó bay theo cái chiều gió, nó không bay ngược được. Nhưng mà cái mùi hương của con người, cái mùi hương đạo đức nó bay ngược chiều gió, không ai cản được nó. Cho nên, Thầy đặt con Diệu Hương, tức là cái tên thì quá đẹp, mà lại còn đi ngược chiều gió, đi ngược những ác pháp con. Con phải thực hiện được ngay chỗ ác pháp, mùi thơm của nó, chứ không khéo mấy con thực hiện ngay ác pháp mùi thối, thôi chết lo mà chạy (cười), con hiểu chưa? Bởi vì mình tức giận, người ta chửi mình mình chửi lại, đó thì mùi thúi đó. Mà mùi thơm á, người ta chửi mình mình cười vui vẻ, thì đó là mùi thơm, mùi thơm nó đi ngược chiều gió mấy con. Hiểu không? Vì vậy mà con phải thực hiện.

Cho nên nếu mà Thầy đặt con là Diệu Phương…​

Phật tử: Con tên Hương ạ.

Trưởng lão: Ờ, Thầy biết rồi Diệu Hương. Thì chữ Phương này mấy con đừng có hiểu nó là phương hướng. Chữ "Phương" á con. Thầy ví dụ bây giờ ở đây có một người mà Thầy đặt là Diệu Hương hay hoặc là một cái pháp danh Thanh Hương, à Thanh Phương, thì mấy con phải hiểu chữ "Phương" đó là cái mùi thơm, chữ "Phương" chữ Hán có nghĩa là cái mùi thơm chứ không phải phương hướng, phương Đông, phương Tây, phương Bắc, phương Nam. Các con hiểu?

Bởi vì, chữ "Phương" mà phương Bắc, phương Nam nó khác mà chữ "Phương" mà có mùi thơm á thì nó có bộ Thảo ở trên đầu của nó, chữ nho mà mấy con, mấy con học chữ Nho mấy con nghe nói bộ Thảo là biết hà.

À, mấy con mà làm, mà Thầy làm tu sĩ đó phải học chữ Nho hết. Tại sao vậy mấy con biết không? Tại vì Hán tạng của mình, quý thầy truyền quá nhiều. Nhưng chữ Việt của mình mới là chữ của mình chứ không phải chữ Hán. Nhưng mình phải biết, bởi vì nó trong cái giai đoạn mà giao thời giữa Phật giáo Trung Quốc truyền sang qua Việt Nam và từ người Việt Nam mình triển khai Phật giáo của Việt Nam. Thì hai cái này đều là mình phải thông suốt, nếu không thông suốt á, người ta thấy ông thầy đó dốt chữ Nho quá. Có phải không, người ta coi thường mình lắm á.

Cho nên mấy con thấy, Thầy vậy chứ Thầy thông chữ Nho dữ lắm á. Tám tuổi, được ông thân của Thầy là một vị trụ trì ở trong cái chùa Am này đưa về tu, ổng rèn Thầy học chữ Nho không bởi vì ông không có biết chữ Việt. Ông lại dốt chữ Việt mà ông lại biết chữ Nho, thành ra Thầy học chữ Nho hồi nhỏ. Mà tới 16 tuổi Thầy mới đi học chữ Việt mấy con. Tại vì khi mà Thầy đưa mấy đứa em Thầy đi ra trường mà học chữ Việt á, Thầy thấy sao mà cái chữ này kì lạ mà, mà thấy nó dễ học quá. Thầy mới hỏi ông Thầy mà dạy mà lớp 5, hồi đó lớp 5 là lớp 1 mấy con. "Lớn tuổi như em 16 tuổi vậy đi học được không Thầy?", ông nói bây giờ vô không có được, vô trong trường không được, nhưng mà em là người ham học á thì em hãy đến nhà Thầy, Thầy dạy. Rồi, Thầy dạy em rồi, Thầy chứng giấy tờ cho em, em mới lên em học. Từ đó, em mới vào trung học em học được, chứ còn tuổi em bây giờ phải ở trung học rồi. 15 tuổi người ta thi vô Pétrus Ký rồi, còn bây giờ 16 tuổi mà chưa biết abc gì hết mà làm sao mà vô được, con hiểu không? Cho nên vì vậy mà trên 15 tuổi thi vô Pétrus Ký là không cho. Ở thành phố mình có cái trường Pétrus Ký là cái trường danh tiếng lắm đó mấy con, trường nam đó. Mà 15 tuổi là nó cho vô thi. (À bây giờ Lê Hồng Phong là phải rồi). Còn, trên cái tuổi đó thì khỏi có mong vô cái trường đó, lớn rồi nó không có cho vô, tại cái tuổi đó mới vô cái lớp đề cấp của nó.

(01:03:38) Phật tử Diệu Lý: Con kính bạch Thầy ạ, tên con ở ngoài đời là Đỗ Thị Năm, hôm nay con xin được Thầy, Thầy ban cho con pháp danh là Diệu Lý, nên là con cũng muốn xin Thầy (không nghe rõ). Con ở Thanh Hóa hôm nay có duyên gặp Thầy con rất mừng.

Trưởng lão: À bây giờ đó thì à, như con bây giờ đó, cái thời gian nó tóc bạc rồi, nó sắp hết rồi. Thì giờ phải nỗ lực tu tập, chứ không khéo cái thời gian nó không kịp được nữa, giải thoát không làm chủ kịp. Cho nên phải ráng cố gắng tu tập. Thì bắt đầu bây giờ đó con phải nỗ lực con ôm chặt cái pháp tu, thì con phải nhập vào ở trong thất, con tu nó. Con tập con sống độc cư, à một mình được không?

Phật tử Diệu Lý: (Cười, lắc đầu)

Trưởng lão: Chưa được?! Nhớ, còn nhớ con, nhớ cái (Cười). Phải tập sống một mình.

Phật tử: Pháp danh của con là Diệu Lý. Thì Thầy cũng ban cho con cái pháp tu dễ tu để con biết, thì khả năng của con thấy được thì con cũng rất mừng. Thì con thì con cháu thì cũng quá đông, mà Thầy thì lại quá xa, nên bây giờ con mới hữu duyên nên mới đến với Thầy là lần đầu tiên, nên con cũng rất mừng mà cũng rất lo. Đấy, nhưng tụi con cũng sẽ ráng làm được, nên con cũng ước nguyện tu theo cái pháp môn của Thầy, con thích, con hiểu hơn…​

Trưởng lão: Bởi vậy, Thầy mới đặt con là pháp danh Diệu Lý, một cái lý chơn chánh, một cái nghĩa đúng đắn để cho con được giải thoát. Thì con phải ôm cái lý của nó, cái nghĩa đó, cái nghĩa giải thoát đó, cái lý của nó; Diệu Lý mà, cái lý giải thoát của nó, ôm chặt cái lý của nó mà đi vào nó mới kịp, chứ không khéo nó không kịp.

Thì con phải cái lý mà giải thoát của nó là không ngoài cái “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Ôm cho chặt, ôm phao mà vượt biển. Con bây giờ á, như một cái người đang vượt biển sanh tử đó. Cho nên phải ôm chặt cái chân lý này để mà đi vào. Bởi vì nó là cái chân lí mà tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự là chân lý, mà con Diệu Lý tức là phải ôm cái chân lý này, nhẹ nhàng, vượt trên sóng vượt, tức là vượt ở trên những cái duyên nghiệp con cái, chồng con, nghiệp này kia, anh em, bà con, tất cả những cái gì mà hiện giờ tụi con phải chịu nó đó. Con phải vượt lên, đó là sóng to, gió lớn, nghiệp nặng lắm. Cho nên Diệu Lý phải hãy cố gắng lên, đúng là cái chân lí phải ôm chặt.

Có gì không con?


Trích dẫn - Ghi chú - Copy