(00:05) Bây giờ Thầy dạy về hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Bắt đầu như cánh tay thì chúng ta nói: “Đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra”, rồi đưa ra, để nghỉ. “Đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô”, mấy con sẽ đưa vô. Nhưng hơi thở làm vậy không được.
Mấy con lưu ý! Vấn đề hơi thở không thể làm như vậy được, không thể tu tập như vậy được. Mấy con sẽ bị gián đoạn, thì tức là mấy con sẽ bị nín thở, và nín thở như vậy nó ảnh hưởng. Bởi vì nó là Thân Hành Nội, nó sẽ ảnh hưởng, nó làm cho mấy con rối loạn hô hấp, nó sẽ thành bệnh.
Nhiều khi mấy con tu sai là mấy con sẽ khạc ra máu, nó đứt mạch máu, mao quản. Đó là một cái phần quan trọng. Bởi vì cánh tay đưa ra đưa vô vậy thì nó không quan trọng đâu, nhưng mà tới hơi thở thì rất quan trọng. Không nên tập hơi thở đại. mà phải có người hướng dẫn. Mấy con lưu ý về cái phần này phải cho kỹ!
Bây giờ tu tập về hơi thở thì mấy con phải nhắc nó: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, phải nhắc luôn cả hơi thở ra và hơi thở vô, vì một tức tức là hơi thở ra và hơi thở vô mới gọi là một tức. Cái danh từ một tức là cái danh từ chữ Hán mấy con. Một tức có nghĩa là hít vô và thở ra mới gọi là một tức. Còn mấy con nín thì nó không thể là một tức được. Cho nên người ta gọi là sổ tức, tức là hít vô và thở ra, nó là một tức.
Thì như vậy về hơi thở thì chúng ta tác ý một loạt. Cho nên trong cái bài mà Định Niệm Hơi Thở thì các con thấy rõ ràng đức Phật dạy chúng ta một loạt chứ không phải ngắt đoạn ra được. Thì mục mà dạy về hơi thở thì đức Phật nói: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, đó là một cái câu, một đoạn tác ý, không thể ngắt cái câu này ra làm hai được. Nhưng mà về cái tay chúng ta đưa ra vô thì ngắt được mà cái hơi thở không được ngắt. Các con hiểu, nó hơi thở mà, nó đâu có đơn giản được.
(02:06) Mấy con thấy, bây giờ thí dụ mấy con nói như thế này: “Hít vô tôi biết tôi hít vô”, rồi mấy con hít vô đi. Rồi mấy con còn phải tác ý một lần nữa: “thở ra tôi biết tôi thở ra” thì khoảng mà các con tác ý là phải nín thở. Như vậy mấy con phải có một hơi thở nín rồi. Như vậy nó sai cái nhịp của Thân Hành Nội của mấy con và cái nhịp tim mấy con sẽ bị chậm. Và nếu mà tập một thời gian thì mấy con sẽ bị rối loạn hô hấp.
Bởi vì thuở giờ mấy con thấy hít vô thở ra mấy con đều đều, mà bây giờ nó muốn tập luyện vậy thì tức là mấy con phải nín thở chứ làm sao. Mà nín thở như vậy là sai rồi. Mà không nín thở thì mấy con, thở như vậy là cái hơi thở, khi mà mấy con tác ý rồi thì nó đã thở ra hết rồi, thì mấy con còn hít vô nữa thôi thì nó trật nhịp rồi, nó đâu đúng đâu. Phải không, mấy con thấy không?
Cho nên vì vậy ở đây phải tác ý luôn. Và như vậy chúng ta phải đọc lại cái bài kinh về Định Niệm Hơi Thở mà đức Phật đã dạy: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Rõ ràng đức Phật bảo chúng ta tác ý luôn một loạt chứ không phải tác ý một câu hay ngắt đoạn nó ra. Các con hiểu chưa? Cho nên không khéo chúng ta không hiểu là chúng ta sẽ làm sai. “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, rồi bây giờ hít vô.
Rồi kế đó chúng ta không tác ý nữa nhưng mà chúng ta dẫn nó. Dẫn nó bằng thế nào? “Hít”, bởi vì hồi nãy mình hít vô rồi mình thở ra rồi, là mình tác ý một cái câu rồi. Bắt đầu tiếp: “Hít, thở” bắt đầu thở ra. “Hít, thở, hít, thở, hít, thở.” Cái lệnh của chúng ta bằng cái tác ý đó mấy con. Còn mấy con mà cứ để mình biết thở ra thở vô một hơi thì có niệm khởi, các con hiểu chưa?
“Hít”. Nếu mà điều kiện mấy con thấy rằng làm ở trong này mà tác ý nhỏ thì nó vẫn còn có niệm, thì tức là chúng ta phải tác ý bằng âm thanh: “Hít, thở, hít, thở.” Phải không các con? Nó thở ra thở vô bằng cái lệnh của nó. Cho nên dẫn tâm vào đạo, dẫn vào cái chỗ nhiếp tâm thì nó sẽ nhiếp tâm được.