Chú Tâm: Mô Phật. Kính bạch Thầy. Hôm nay ngày mùng 4, tháng Giêng, năm Canh Dần. Tất cả chúng con tề tựu về đây, trước là thăm hỏi sức khỏe của Thầy, sau kính mong Thầy hoan hỷ ban bố cho chúng con thời pháp để chúng con nương tựa vào để tu tập. Dạ Mô Phật!
Trưởng lão: Các con có người nào muốn thưa hỏi gì không con? Rồi, Thầy sẽ dạy cho mấy con một cái bài pháp, vừa ngắn, vừa gọn, mà vừa tu tập là có giải thoát liền. Bất cứ một người nào mà chịu khó mà tu tập thì sẽ được giải thoát. Bây giờ mấy con có người nào thưa hỏi gì không con?
(01:10) Công Quý: Dạ con xin Thầy dạy cho con cách Như Lý Tác Ý, cái cách tác ý. Với con muốn biết cái “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”?
Trưởng lão: Chính Thầy sẽ dạy câu đó mấy con. Cách thức để mà tác ý để cho nó có hiệu quả và nó có kết quả của cái câu đó. Bây giờ Thầy giảng cái câu đó để cho mấy con nghe “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.
Bất động, tức là tất cả các ác pháp, tất cả các thiện pháp đến với cái tâm đó luôn luôn nó không dao động. Người ta chửi nó không giận, không buồn phiền, người ta tạo nó cách gì nó cũng thản nhiên hết. “Thanh thản, an lạc, vô sự”. Các con nhớ một cụm từ mà Thầy đã diễn tả được cái Tâm giải thoát đó. Cái Chân lý của đạo Phật là ở chỗ đó “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Các con nghe cụm từ:
“Bất động”: Nghĩa là không có cái gì mà làm cho cái tâm chúng ta động, gọi là bất động.
“Thanh thản”: Là lúc nào nó cũng thanh thản.
“An lạc”: Yên ổn, an vui, chứ không có khổ đau ở trong đó.
“Vô sự”: Không có cái sự việc gì mà làm cho tâm chúng ta phải làm việc hết, phải tư duy, phải suy nghĩ.
Đó, cho nên nhớ cái cụm từ: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Đó thì bắt đầu mấy con thuộc cái câu đó cho thật thuộc cái câu đó, đừng có quên. Một cụm từ đó “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.
Mấy con ở ngoài xa kia có nghe hay không? “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, nhớ chưa? Nhớ cái câu đó chưa? Cái câu đó là cái chân lý của đạo Phật đó mấy con.
Ông Phật không có nghĩa là tu thành Phật rồi ba đầu sáu tay hoặc là ngồi hoa sen, bay trên trời, không có đâu. Ông Phật như các con, như bình thường, như Thầy, cũng bằng xương, bằng thịt. Khi còn sống, Phật chưa tịch thì như chúng ta, y như chúng ta vậy mấy con, không có khác. Nhưng mà có cái điều kiện là đức Phật không có giận hờn, phiền não, không thương ghét, không bị ái kiết sử, cho nên nó giải thoát. Mà muốn được vậy đó thì cái pháp Như Lý Tác Ý rất quan trọng. Chúng ta hiểu được cái câu đó, chúng ta thuộc cái câu đó rồi, nhưng nó chưa hoàn toàn. Tâm chúng ta còn động chứ chưa thực sự là bất động.
Cho nên có cái pháp Như Lý Tác Ý. Như lý - như cái lý của cái câu đó mà tác ý thì tâm chúng ta sẽ có một cái nội lực rất lớn. Thậm chí như cái nội lực của nó nếu mà tác ý cho đến khi mà thực sự cái tâm mà bất động, thanh thản, an lạc, vô sự đó thì nó có bốn cái lực như Thần. Gọi là Tứ Thần túc - bốn cái lực như Thần. Nghĩa là chúng ta muốn chết hồi nào thì thân chúng ta sẽ tịnh chỉ hơi thở, hơi thở nó ngưng lại, chúng ta chết một cách rất tự tại. Thân chúng ta có bệnh, chúng ta tác ý bệnh đi liền tức khắc, không có đau bệnh. Chứ không phải là thân chúng ta bệnh rồi, nhức cái đầu, rồi là cứ ở đó chịu nhức đầu, không phải.
Con người ta nó có cái lực, mà nơi các con, là tưởng người nào cũng có cái lực như vậy hết. Nhưng chúng ta không chịu khó luyện tập cái lực Như Lý Tác Ý, cho nên chúng ta đuổi bệnh không được, phải đi uống thuốc, phải đi bác sĩ. Còn cái người tu tập, người ta không có cần uống thuốc, người ta không có cần đi bác sĩ. Người ta chỉ bảo cái đầu nhức, Thầy chỉ bảo: “Cái đầu nhức này phải đi liền tức khắc, không được ở trong cái thân này”. Đó là tác ý đó mấy con. Thì cái bệnh nó đang nhức cái đầu thì từ từ nó đi ra, đi ra, hoàn toàn nó không còn đau nữa. Cái lực của chúng ta rất là vĩ đại.
(5:44) Sau khi tu làm chủ được bệnh, Thầy thấy quá hay! Thầy muốn đem cái chân lý này để giúp cho mấy con. Thì đâu có gì đâu: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Chỉ tác ý như vậy thôi rồi mình ở chỗ tâm bất động của mình, thì cái đau đó nó không còn chú ý cái đau. Mà nếu nó còn bị cái đau lôi nó, thì chúng ta lại tác ý câu thứ hai: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Rồi cái câu thứ ba, kế tiếp, cứ lần lượt đến khi chúng ta tác ý mà chúng ta không còn nhớ cái đầu đau nữa, thì cái đầu đã hết đau rồi. Đó các con thấy không?
Còn cái người mà tu, mà đã có đủ nội lực, họ tác ý một câu là cái bệnh nó đi liền, cái thân không có đau nhức nữa. Còn bây giờ mấy con phải chịu khó tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Rồi nó còn đau thì: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, để làm cho cái tâm đừng có dao động cái đau. Mà khi cái tâm nó không có bị dao động với cái đau đó thì lần lượt cái đau đó hết.
Còn các con hễ hở một chút đau thì cái tâm nó dao động trong cái đau, cho nên buộc lòng đi uống thuốc, buộc lòng đi bác sĩ. Mà buộc lòng đi uống thuốc, đi bác sĩ làm gì mấy con biết không? Cái tinh thần của mấy con cứ nghĩ rằng thuốc nó sẽ hết bệnh. Và bác sĩ coi chắc là nói trúng, không trật. Cho nên cứ tin tưởng như vậy đó, cái lòng tin như vậy đó thì mấy con thấy cái bệnh nó giảm. Giảm ở chỗ hết bệnh hay hoặc giảm bệnh là ở chỗ lòng tin. Còn Phật pháp thật là thần dược. Chỉ cần tác ý, khỏi uống thuốc, khỏi tốn tiền đi bác sĩ gì hết vẫn hết bệnh như thường. Đó là làm chủ bệnh đó mấy con.
Nhưng trước khi làm chủ bệnh, chúng ta phải làm chủ tâm, phải làm chủ cái tâm của mình được. Bây giờ cái tâm nó thèm ăn cái gì: “Dừng lại, ở đây ăn để sống chứ không phải ăn để ngon, ăn để mập béo”. Mình phải làm chủ cái tâm. Người ta nói cái gì động tâm mình thì mình bảo: “Tất cả các pháp đều vô thường, không có pháp nào là thường. Cho nên ở đây không có giận hờn phiền não ai hết. Mọi cái đều là do nhân quả. Nếu không có nhân quả làm sao gặp? Mà gặp thì người ta nói nặng nói nhẹ là mình đã trước kia mình đã nói nặng nhẹ người ta, bây giờ người ta nói nặng nhẹ mình. Thì có gì lại giận hờn, phiền não?” Cái tri kiến hiểu biết của mình như vậy nó giúp cho mình được giải thoát liền mấy con. Phật pháp quá hay! Quá tuyệt vời! Mà gần gũi chúng ta vô cùng.
Các con nghe trong kinh Vô Lậu đức Phật nói: “Có Như Lý Tác Ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt”. Lậu hoặc là cái sự buồn khổ, giận hờn, đau đớn ở trong thân của chúng ta gọi là lậu hoặc đó, “Có Như Lý Tác Ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh”.