GIÁO ÁN ĐƯỜNG LỐI TU TẬP ĐẠO PHẬT 10 - TỨ VÔ LƯỢNG TÂM - TRAU DỒI TÂM TỪ 01
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 1997
Thời lượng: [01:10:03]
(00:00) Trưởng lão: Bây giờ thì Thầy sẽ tiếp tục Thầy dạy quý thầy trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm.
Tại sao phải trau dồi nó đây?
Đây là một cái vấn đề mà có Chánh Đức hỏi Thầy: "Thầy cho con cái địa danh mà chưa cho con cái địa chỉ. Cái địa danh thì chúng con biết rồi, nhưng mà cái địa chỉ thì chưa có thì làm sao tới nhà được?"
Cho nên ở đây bắt đầu chúng ta là người cư sĩ ở trong giai đoạn một mà, khi mà chúng ta thông hiểu được Phật Pháp rồi, thông hiểu được những cái giáo pháp mà Phật dạy cho cái giới người cư sĩ phải tu cái gì, thì bây giờ các con hiểu cái gì rồi? Các thầy hiểu cái gì? Thập Thiện. Phải không? Thầy đã giảng Thập Thiện rồi, thì đó là mình hiểu rồi.
Nhưng mà các con chưa có trau dồi, chưa có tu tập gì được đâu. Nghe nói Thập Thiện vậy, nghĩa là thân thì không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu… nhưng mà các con chưa có làm được đâu, nghe thì hiểu chớ chưa có làm được đâu!
Bây giờ trau dồi nè, để mà làm cho được nè, đây là cái vấn đề quan trọng nè! Mà đây là cái địa chỉ để cho các con đi tới cái nhà đó.
Bởi vậy Thầy dạy đâu nó có cái cách thức chớ không thể nào mà dục không mà nhào vô được một cái "rột" mà để mà chứng thành đạo quả Bồ Đề được liền đâu, mà phải đi từng chút.
Cái tâm của chúng ta bây giờ là cái tâm tham, sân, si, mà không trau dồi nó làm sao nó hết tham, sân, si? Mà phải trau dồi cái gì? Đâu phải hằng ngày mình nhắc nó hết tham, sân, si, rồi nó hết sao? Chưa đâu. Mình phải trau dồi cái gì để đối trị nó chớ!
Cho nên Phật nói: “Tâm Từ đối trị tâm sân” mà, mình muốn hết sân thì mình phải trau dồi cái Từ trước chớ. Còn bây giờ tâm chưa có Từ mà lúc nào cũng nói để mà không sân thì chắc chắn là cái người đó chưa bao giờ có được.
Nhưng mà muốn trau dồi cái lòng Từ của chúng ta phải trau dồi như thế nào? Chớ đâu phải nói nó, bảo nó "tâm Từ, tâm Từ" nó từ sao? Không có được đâu! Cho nên vì vậy mà ở đây chúng ta phải hiểu trước nó.
Trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm.
Tâm có một giá trị hay không là do ở chỗ rộng hẹp của nó. Muốn tâm có giá trị thì phải trau dồi, tập sống được như tâm Phật: Tâm thương chúng sanh rộng lớn vô bờ, vô biên.
(02:12) Đó, mình phải tập sao mà cái tâm của mình rộng lớn được như vậy, trau dồi cho nó rộng lớn được như vậy, thì mình mới thấy cái chỗ dứt ác mà thể hiện thiện thì mới có thể được. Mà tâm mà không có thương yêu chúng sanh thì khó mà có thể dứt ác được.
Bởi vì lúc người ta chửi mình, thì đâu phải là như một con vật bình thường kia hay hoặc là cái người bình thường kia cho nên chúng ta thấy thương dễ, lúc mà người ta chửi mình chưa chắc đã là thương được. Nhưng tại sao mà người ta tu tập cái lòng Từ đó mà khi mà người khác chửi mình, mình thương họ được, thì cái đó mới là đối trị được cái tâm Sân!
Cho nên chúng ta sẽ lần lượt, chúng ta sẽ trau dồi được thân tâm chúng ta bằng cách nào cho đúng pháp. Chớ không biết, hầu hết là quý thầy cũng học Tứ Vô Lượng Tâm nhưng không biết cách thức trau dồi, cho nên tới bây giờ tâm Từ của quý vị, quý thầy có nói có thương không? Chắc chắn là "Tui đã biết nó như vậy nhưng bây giờ chưa chắc tui đã thương khi mà người ta chửi tui!"
Đó Thầy nói như vậy để quý thầy suy ngẫm lại cái con đường mà Thầy dẫn dắt quý thầy phải tập luyện từng chút. Tu là phải chịu khó tập luyện chớ đâu phải tu mà Thầy nói ran cổ họng Thầy, nhưng mà quý thầy nghe rồi về để chơi thì chắc chắn là Thầy mệt mỏi quá!
Nói để cho quý thầy về mà rèn luyện, trui luyện từng chút cái tâm của mình, để cho nó được Từ, được Bi, được Hỷ, được Xả, thì như vậy nó mới lợi ích cho quý thầy, nó mới giải thoát. Còn nếu mà Thầy nói mà để quý thầy nghe chơi thì thiệt là mệt mỏi cho Thầy.
Cho nên Thầy thấy quá khó chớ không phải… Biết ai là người nghe Thầy? Ai là người không nghe, mà nghe để chơi? Cho nên cái đó là cái mệt mỏi.
Như Phật đã dạy: Khi vào với đạo Phật, điều tiên quyết quý thầy phải thông hiểu.
Đó thì, như Thầy đã đem một số cái thông hiểu cho quý thầy rồi đó, những cái bài giảng trước là đem cho sự thông hiểu đó, chớ chưa phải là sự tu tập.
Cho nên Chánh Đức nói câu nói rất là rõ ràng: "Thầy cho con cái địa danh chứ chưa cho con cái địa chỉ". Đúng vậy! Mình phải thông hiểu tức là mình phải thông hiểu cái tỉnh đó, nơi đó làm sao, cái địa danh đó như thế nào, thế nào… mình phải thông hiểu tổng quát nó hết đi, rồi bắt đầu bây giờ mới cho địa chỉ để đến cái nhà đó.
Đó thì như vậy một cái điều mà Thầy đã mở ra một cái vòng để cho thông hiểu đó. Rồi tới đây chúng ta sẽ trau dồi, thì tức là cái địa chỉ để chúng ta đến nhà. Đây là cái bắt đầu để nhìn vào cái địa chỉ của chúng ta đi.
Sau đó phải trau dồi, rồi tu tập và đoạn dứt.
Đó, lần lượt khi đó trau dồi, rồi tiếp tục tu tập, rồi mới đoạn dứt nó.
(04:41) Trưởng lão: Bây giờ quý thầy phải thông hiểu Tứ Vô Lượng Tâm như thế nào?
Bây giờ mình nghe nói Tứ Vô Lượng Tâm, mình không biết tên họ nó là gì hết, mình không biết nó là sao hết, mình không hiểu nó là cái gì nữa, thì như vậy là chỉ cái danh từ suông thôi. Cho nên mình cần phải hiểu thêm nó.
“Tứ” là bốn, “Vô Lượng Tâm” là bốn tâm rộng lớn mênh mông, phủ trùm tất cả chúng sanh, không thể lường tính được.
Đó là Tứ Vô Lượng Tâm, cái nghĩa của nó là nó phủ trùm, cái tâm rộng lớn phủ trùm tất cả chúng sanh không có thể tính lường được cái chỗ nào hết, nghĩa là vô bờ bến.
Vô Lượng Tâm là tâm vô cùng rộng lớn, thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc các dây mơ, rễ má của mọi tâm lý tình cảm, thương ghét, giận hờn, tị hiềm, kiêu căng, nghi ngờ, ngã mạn của phàm phu; phá vỡ tà kiến, thân kiến, chấp kiến trước mọi trí tuệ mê mờ, lầm lạc.
Đó là cái tâm nó như vậy đó. Nó làm cho chúng ta - cái thứ nhất là chúng ta hiểu nó rộng lớn mênh mông; Cái thứ hai, nó rộng lớn mà thoát ra ngoài những cái sự ràng buộc của những cái sự trói buộc tình cảm của chúng ta;
Rồi nó thoát ra ngoài những cái thương ghét, giận hờn, tị hiềm, kiêu căng, ngã mạn; Mà nó còn thoát ra ngoài những cái tà kiến, thân kiến, chấp kiến trước mọi cái trí tuệ mê mờ, lầm lạc.
Đó, chúng ta trau dồi nó để mà chúng ta thấy được, chúng ta thoát ra được. Cho nên nó rộng lớn như vậy, nó phải phủ trùm hết, nó phải hiểu biết, nó rộng lớn, cho nên không có một cái tà kiến, không có một cái tình cảm nào mà có thể xen vào được cái tâm Tứ Vô Lượng Tâm này được.
Chớ không phải là chúng ta tu Tứ Vô Lượng Tâm mà chúng ta hiểu một cách cạn cợt thì chúng ta làm sao mà rộng lớn được như vậy?
Cho nên chúng ta càng trau dồi nó, càng ngày càng trau dồi nó thì nó càng rộng lớn. Và càng rộng lớn thì sự hiểu biết của chúng ta càng rộng lớn, cho nên từng đó mà chúng ta mới thực hiện được cái tâm vô ngã chớ đâu phải là dễ! Nếu không có bốn cái tâm này: Từ, Bi, Hỷ, Xả, khó mà chúng ta thực hiện được cái tâm vô ngã.
(06:48) Vô Lượng Tâm còn có nghĩa là đẳng tâm, là tâm bình đẳng. Tâm này tự nhiên, không so đo cao thấp, hơn kém; phổ biến, ban rải mọi nơi, mọi chỗ, không giới hạn.
Nghĩa là cái tâm bình đẳng, không có thấy người đó hơn mình, không có thấy mình hơn người đó, người nào cũng bình đẳng hết; từ con vật nhỏ tí ti cũng bình đẳng với mình, nghĩa là xem nó như mình chớ không thấy nó là con vật nhỏ.
Còn chúng ta hở ra chút thì thấy có lớn, có nhỏ, đối xử với nhau nghe có khác lạ, thấy con kiến thì mình đối xử như một con vật. Chớ còn cái người mà tâm vô lượng này thì họ đối xử con vật như chính đối xử một con người khác.
Đó là những cái định nghĩa để chúng ta thấy được cái tâm vô lượng nó rộng lớn như vậy, nó vượt thoát mọi cái tà kiến, chớ không phải hẹp hòi ở trong cái chuyện ban rải đối với chúng ta thương yêu một cách cạn cợt.
Khi mà hiểu biết được như vậy thì chúng ta hãy cố gắng mà trau dồi nó, làm cho nó được rộng lớn như vậy.
Do trau dồi tâm bình đẳng này làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh thoát khổ, nên tâm này có công năng mang đến cho con người vô lượng phước báu.
Nghĩa là trau dồi cái tâm bình đẳng này thì không bao giờ làm phiền lòng người nào hết.
Bởi vì mình biết ai cũng như mình hết, mình biết ai cũng thọ khổ, ai cũng như mình hết, cho nên trước cái khổ của họ thì mình dùng tâm Bi liền tức khắc. Người ta đang tức giận mình thì ngay đó là tâm Bi mình phải thực hiện liền.
Như Thầy đã giảng: Tâm Từ là khi người ta bình thường, người ta không giận, không hờn gì hết, thì cái tâm Từ của mình đối xử mọi người rất là kính trọng họ, rất là cung kính họ, luôn luôn không bao giờ nói một lời nặng nhẹ họ, đó là tâm Từ.
Còn tâm Bi, khi mà thấy người ta giận thì ngay đó là biết người ta khổ, do đó mình thực hiện tâm Bi là trước cái khổ của người khác - một người đang bị bệnh, một người đang bị tai nạn thì mình mới dùng tâm Bi.
Tới cái chỗ đó Thầy sẽ dạy rất kỹ cho quý thầy thấy để mà chúng ta trau dồi tâm Bi như thế nào, mà tâm Từ như thế nào.
Nếu mà cái tâm Từ - Tứ Vô Lượng Tâm này, cái tâm bình đẳng này mà chúng ta đã trau dồi được nó thì cái thế giới con người này là hưởng hạnh phúc, an vui, thanh bình, không bao giờ mà có chiến tranh, có giặc giã nữa hết.
Bởi vì chúng ta - từ con vật mà chúng ta còn biết thương y như mình, thì thử hỏi con người làm sao chúng ta không thương hơn? Con người đã thông cảm nhau những nỗi khổ của nhau trong cuộc sống, có đâu mà lại tranh giành giết nhau?
Cho nên, cái tâm Từ nó biến chúng ta trở thành một con người chung của mọi con người.
Bốn Tâm Vô Lượng này không những làm lợi ích cho chúng sanh an lành, hạnh phúc mà còn ban rải cho mọi nhà, mọi nước và cả thế giới trật tự, an ninh, thanh bình, không chiến tranh.
(09:35) Vô Lượng ở đây quý thầy phải hiểu nghĩa của nó bao hàm nhiều nghĩa.
Nghĩa chữ "Vô Lượng" ở đây nó bao hàm nhiều cái nghĩa của nó, chớ không phải là như hồi nãy Thầy nói tổng quát chung chung để cho quý thầy thấy cái vô lượng của nó. Nhưng ở đây chúng ta phải phân ra, chúng ta thấy được nó có mấy cái nghĩa của nó ở trong cái bao hàm đó.
1. Vô lượng nhân lành:
Nó đem lại cái nhân lành cho mọi người, nó không làm cho mọi người đem cái nhân ác.
Chẳng hạn một người chửi Thầy, Thầy nhịn, Thầy nhẫn, Thầy không bao giờ chửi lại họ, mà Thầy còn xuống nước Thầy năn nỉ họ làm cho họ mát lòng, mát dạ, tức là gieo cái nhân lành cho họ, họ không còn chửi Thầy nữa. Đó là cái vô lượng nhân lành.
Còn chúng ta thấy người ta chửi mình thì mình chửi lại đó, đó là cái nhân ác, nó tiếp tục cái nhân ác nữa.
2. Vô lượng quả đẹp:
Nghĩa là luôn luôn nó đem đến cho cái cuộc sống của chúng ta luôn luôn đẹp đẽ, không bao giờ có sự phiền toái trong đó, cho nên gọi là vô lượng quả đẹp. Đến đâu thì nó đem cái đẹp đẽ đến đó, cái an vui đến đó.
3. Vô lượng chúng sanh:
Đối với chúng sanh nào cũng được an lành, cũng được đẹp đẽ hết, chớ không phải có con người không, mà có cả con - loài vật.
Thầy ví dụ như chúng ta có những cái y áo mà bị một bầy kiến vào, thì lúc bấy giờ chúng ta thực hiện tâm Từ, thì không bao giờ mà chúng ta hề hấn đến cái sinh mạng của con vật.
Chúng ta nghĩ tiếc cái bộ quần áo, y áo của mình đem mà đập, giũ; biết bao nhiêu là con vật chết, như vậy là quý thầy có trau dồi tâm Từ ở đâu?
Loài vật nó đâu biết, trời mưa, trời gió nó mới vô đó để mà nó nằm, nó ẩn núp, ẩn mưa, ẩn gió, ẩn lạnh. Chúng ta không có thương, không có nghĩ đến cái cảnh khổ - bây giờ giả dụ như mình ở ngoài trời kia mà trời mưa, trời gió chúng ta có chịu nổi không?
Thì con kiến nó nhỏ nhít hơn, nó lạnh lẽo mà nó trốn, nó sợ nước trôi nó đi, chết đi, nó quá sợ, nó bu vô nhà chúng ta. Chúng ta có sợ nó thì chúng ta tìm cách ngăn ngừa nó trước đi, nó không vô, nó đi chỗ khác nó lánh thân nó.
Đằng này để cho nó bò ngập nhà mình lên rồi bắt đầu đó mới quét, mà đùa, mà hốt, mà đốt, mà giãi, thì thử hỏi cái tâm Từ của chúng ta chỗ nào? Như vậy có đau khổ chúng sanh không? Như vậy là không có vô lượng chúng sanh được.
4. Vô lượng thế giới:
Nghĩa là tất cả thế giới, không phải trong cái thế giới của chúng ta không mà cả thế giới trùng trùng, điệp điệp trên không gian này, cái thế giới nào chúng ta cũng phủ trùm hết.
5. Vô lượng đời kiếp:
Nghĩa là từ kiếp này đến kiếp khác. Tức là vô lượng thế giới, tức là nói về không gian, mà vô lượng đời kiếp nói về thời gian. Nghĩa là kiếp nào, đời nào nó cũng đẹp đẽ, cũng tốt đẹp, đem đến cho mọi người, mọi sinh vật ở trên thế gian, trên thế giới này đều được an lành, đều được tốt.
Đó là năm cái điều kiện mà nó bao hàm, cái nghĩa của nó rộng đẹp như vậy.
(12:29) Bây giờ Thầy nói về thành phần của Tứ Vô Lượng - bốn cái Tâm Vô Lượng này.
Thành phần và hành tướng của bốn Tâm Vô Lượng:
1. Từ Vô Lượng
2. Bi Vô Lượng
3. Hỷ Vô Lượng
4. Xả Vô Lượng
Tứ Vô Lượng Tâm là gì?
Tứ Vô Lượng Tâm là lòng mến thương của chúng ta vô cùng, vô tận đối với tất cả chúng sanh, từ cây cỏ thảo mộc cho đến loài động vật, dù con vật hung dữ chúng ta cũng ban rải lòng Từ, tránh vô tình gây đau khổ cho chúng sanh; thương mến, đem lại cho chúng sanh cái vui chân thật, cái vui mà do chính lòng Từ mang đến làm cho vạn vật vui mừng, cỏ cây tươi tốt, trong đó có mình.
Đó thì ở đây Thầy giới thiệu về cái Tứ Vô Lượng Tâm là nó gần gũi.
Hồi nãy thì nó bao la mênh mông, rồi lần lần nó đi gần tới cái chỗ hạn hẹp gần chúng ta, thì chúng ta phải thấy cái lòng thương của chúng ta như thế nào.
Đây là cái phần mà nó hạn hẹp đối với cỏ cây, cho nên Đức Phật đi không có đạp lên cỏ nữa, đó là cái hành của Phật ngày xưa, thân hành của Phật đi không có giẫm đạp lên cỏ, tránh cỏ sợ giẫm đạp nó dập, nó héo úa, mà thương xót nó đến như vậy, đó là cái loài thảo mộc. Còn chúng ta thì không như vậy.
Cho nên ông Phật ổng mới chấp nhận là theo đạo ổng thì lấy cái nghề đi xin ăn, không có làm hại một cái con vật, một cái cây cỏ nào hết. Còn chúng ta thì đụng đâu bứt bỏ hết, nghĩa là bứt đầu nó hết, nhổ luôn cả rễ nữa chớ đừng nói! Còn ông Phật thì không dám đạp lên, còn chúng ta thì đạp bừa lên hết, chỉ miễn là mình sạch sẽ thôi.
Thật sự ra thì mình nghĩ rằng mình tu tập chứ chưa giống ông Phật chút nào hết, mình còn xa ông Phật lắm!
Ông Phật tổ chức giáo đoàn của ông ta cũng vậy, khuyên lơn đừng có… thậm chí như món ăn thừa thì ông cũng không có cho bỏ ở trên cỏ nữa - sợ cỏ nó vì cái chất mặn nó sẽ úa héo nó đi - bỏ ngoài đất trống, thì đủ biết cái lòng Từ của Đức Phật như thế nào rồi!
Do theo đạo Phật thì chúng ta hãy cố gắng mà thực hiện cái Tứ Vô Lượng Tâm này.
(14:55) Trưởng lão: Trong đời sống chúng ta có hai cái vui.
Nói về cái lòng Từ thì chúng ta phải phân biệt được cái vui này.
Trong đời sống chúng ta có hai cái vui:
1. Cái vui bền bỉ, chân thật;
2. Cái vui ngắn ngủi, giả tạm.
Như Phật đã dạy là làm sao cho người vui mà mình vui và tất cả sanh linh, cỏ cây đều vui tươi, đó là cái vui lâu dài, chân thật, đó là cái tâm lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả của chúng ta ban rải khắp muôn loài vạn vật.
Cái vui đó bền bỉ, không bao giờ biến hoại, dù trước bất cứ cảnh nào nó cũng ban lòng Từ rải khắp nơi, vì thế mà sự vui kia mới được lâu dài.
Đó thì hôm nay quý thầy nhận ra được cái vui, mà cái vui lâu dài và cái vui không lâu dài. Rồi đây cái vui không lâu dài thì các thầy chắc tưởng tượng ra cũng được rồi, Thầy chưa giải thích nhưng chúng ta cũng sẽ hiểu được rồi, chớ không khó gì.
Nhưng đến đây Thầy xin ngừng lại.
(16:05) Bây giờ Thầy tiếp tục cái bài học vừa rồi là Tứ Vô Lượng Tâm.
Trong đời sống của chúng ta có hai cái vui: Cái vui thứ nhất là cái vui bền bỉ, chân thật và cái vui thứ hai là cái vui ngắn ngủi, giả tạm.
Như Phật đã dạy là làm sao cho người vui, mình vui và tất cả chúng sanh, cỏ cây đều vui tươi, đó là cái vui lâu dài, chân thật; đó là cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả của chính chúng ta ban rải khắp muôn loài vạn vật.
Cái vui đó là cái vui bền bỉ, lâu dài, không bao giờ biến hoại, dù trước bất cứ cảnh nào nó cũng ban lòng Từ rải khắp nơi, vì thế mà sự vui kia mới lâu dài.
Còn cái vui ngắn ngủi, giả tạm là cái vui ấy còn bị phiền não chi phối: Khi tham, sân, si, mạn, nghi, đòi hỏi được thì thỏa mãn, thì vui; còn ngược lại là buồn khổ.
Cái vui này là vui theo dục lạc, được thì vui, mất thì buồn. Như chúng ta đã biết: Dục lạc không bao giờ có thể thỏa mãn được hoàn toàn. Phật dạy: Kẻ ngu si, vô minh mới chạy theo vui dục lạc. Nó là thứ dục lạc ảo giác, đâu có thật, chỉ có người trí mới biết mà thôi!
Bởi vậy, cả hai lộ trình của đạo Phật mà Thầy đã dẫn dắt, chỉ cho các thầy biết để tu tập trên hai lộ trình này và tìm cái vui chân thật. Nơi đó bền lâu, thoát ra ngoài vòng phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi và không bị dục lạc chi phối.
Nó không ồn náo, sôi nổi, ầm ĩ; nó nhẹ nhàng, thầm lặng như một bóng, một hình trong cái vui của cảnh giới siêu phàm, giải thoát nhưng lại hòa mình trong vạn hữu của vũ trụ; cái vui bất tuyệt của vạn pháp, cô đơn mà lại không cô đơn.
(19:02) Đó thì ở đây quý thầy thấy: Mình phải đi chọn lấy cái vui nào là thật mà cái vui nào là giả.
Vì cái Tứ Vô Lượng Tâm thì nó sẽ đem đến - vì cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả của chúng ta nó đem đến cho chúng ta một cái nguồn vui.
Mà ở đây nó có hai cái nguồn vui: cái nguồn vui chân thật và cái nguồn vui không chân thật. Cho nên chúng ta phải biết cái nguồn vui nào không chân thật mà cái nguồn vui nào chân thật.
Vì vậy mà phải so sánh hai cái nguồn vui này để chúng ta tránh cái nguồn vui không chân thật mà hãy tìm lấy cái nguồn vui chân thật, để chúng ta thực hiện cái Tứ Vô Lượng Tâm này để đạt được cái nguồn vui chân thật đó. Nếu không có bốn cái tâm vô lượng này thì không bao giờ mà chúng ta tìm ra được cái nguồn vui chân thật đó.
Do vì vậy mà hằng ngày, khi mà học cái bài này thì hằng ngày quý thầy muốn tìm được cái nguồn vui chân thật thì quý thầy phải trau dồi thân và tâm của mình trong ba cái hành động của nó, nghĩa là thân hành, khẩu hành và ý hành.
Hằng ngày trau dồi ba cái hành động của thân của chúng ta như vậy thì chúng ta sẽ có được một nguồn vui chân thật, và tâm thương yêu của chúng ta càng lúc càng rộng lớn.
Muốn được vậy thì chúng ta phải hiểu cái vui của đạo lâu dài, thì người cư sĩ cũng như người tu sĩ phải hằng trau dồi thân tâm mình bằng pháp môn Tứ Vô Lượng Tâm như Thầy đã nói ở trên.
(20:47) Trưởng lão: Vậy trau dồi như thế nào?
Trong thân ta có ba hành:
I. Thân hành. Thân hành có hai:
1. Chân hành;
2. Tay hành.
II. Khẩu hành. Khẩu hành có hai:
1. Ăn;
2. Nói.
III. Ý hành. Ý hành có ba:
1. Ý thiện;
2. Ý ác;
3. Ý bất thiện, bất ác.
Đó thì, ở đây quý thầy khi mà muốn trau dồi nó thì chúng ta biết trau dồi chỗ nào? Cho nên Thầy ở đây Thầy vạch ra để cho quý thầy thấy: Chúng ta phải trau dồi trong những hành động đó để nó thực hiện được cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả ở nơi ba cái hành động đó.
Mà mỗi hành động thì nó phải có những cái hành động riêng tư của nó như: chân mình đi, tay mình thì cầm, nắm, bắt. Đó thì, nó phải theo cái hành động đó mà mình trau dồi cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả của mình ở tại cái hành động đó.
Còn về khẩu - về miệng của mình thì cũng có hai cái hành: Một cái hành là ăn, một cái hành là nói. Đó, như vậy thì chúng ta phải trau dồi cái ăn, cái nói của mình, chớ nếu không, nói ra thì làm buồn khổ người, mà ăn mà không đúng cách thì nó làm hại thân mình. Cho nên tất cả những cái này nó đều làm cho chúng ta buồn khổ mà không có vui được.
Về ý hành thì nó lại có ba, nó lại nhiều hơn hai cái hành kia. Cho nên nó có cái thiện, cái ác và cái bất thiện, bất ác.
Cho nên chúng ta phải trau dồi và lấy Tứ Vô Lượng Tâm trau dồi ba cái hành động của thân này để cho chúng ta thực hiện được cái tâm vui mừng, cái tâm rộng lớn, cái tâm biết thương yêu, cái tâm biết thương xót tất cả mọi loài.
(22:42) Bây giờ quý vị bắt đầu trau dồi Từ Tâm nơi thân hành của mình.
Nghĩa là bắt đầu mình vô mình trau dồi liền. Trước kia Thầy giới thiệu cho biết Tứ Vô Lượng Tâm như thế nào, rồi bây giờ chia nó làm hai cái vui của nó: cái vui lâu dài và cái vui ngắn ngủi giả tạm; thì bắt đầu bây giờ chúng ta ngay vào là chúng ta trau dồi.
Chừng bây giờ mà lý thuyết lòng vòng mà không có đi thẳng vào cái sự trau dồi thì chắc chắn là chúng ta cũng chẳng đi tới đâu được hết. Nghe nói mà không biết cách mà thực hành, không biết cách làm thì Tứ Vô Lượng Tâm này cũng chẳng qua nói cái suông suông mà thôi chớ không thể nào thực hiện được cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả chúng ta.
Một lời nói mà chúng ta không nhẫn với nhau, không nhường nhau; một ý kiến mà chúng ta không thuận nhau thì chúng ta có sự tranh chấp, thì làm gì mà có sự vui trong đó được? Làm gì có lòng Từ, lòng biết thương nhau được?
Cho nên, tất cả những cái này là những cái điều mà cái người cư sĩ thường tiếp giao với nhau, mọi người thì phải tu tập Tứ Vô Lượng Tâm càng nhiều càng tốt, để đem lại sự an vui cho mình, cho mọi người xung quanh mình.
(23:58) Bây giờ chúng ta trau dồi về cái chân của chúng ta.
Khi chúng ta đi thì chúng ta phải dùng theo cái hành động đi của chúng ta với cái pháp hướng mà Đức Phật dạy trong kinh rằng Như Lý Tác Ý - tác ý theo cái hành động đó bằng cái pháp hướng tâm của chúng ta.
Tức là chúng ta dùng một cái câu như thế nào để gợi lên cái lòng thương yêu của chúng ta đối với chúng sanh khi chúng ta bước đi.
Ở đây Thầy xin nhắc quý thầy: Ở đây không phải tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định bằng hành động, mà mượn cái hành động chân đi để thực hiện cái tâm Từ của chúng ta dưới bàn chân, dưới bước đi của chúng ta. Cho nên chúng ta dùng pháp hướng Như Lý Tác Ý cái bước chân chúng ta đi.
Pháp hướng như thế nào? Thầy đọc để rồi quý thầy tùy theo đó mà tự mình soạn ra cái pháp hướng cho phù hợp với cái đặc tướng của mình thì áp dụng sẽ có hiệu quả. Còn đây chỉ là một cái ví dụ để cho quý thầy mượn đó mà bắt chước mà thôi.
Vì nhiều khi quý thầy lấy cái ví dụ này mà áp dụng vào mình thì chưa hẳn đã là đúng cái đặc tướng của mình. Đạo Phật nó khó là cái chỗ phải biết áp dụng đúng cái pháp hướng thì nó mới có hiệu quả, mà không áp dụng đúng cái pháp hướng thì nó không có hiệu quả.
Đây Thầy đem một cái ví dụ. Trước khi mà chúng ta áp dụng cái pháp hướng để trau dồi cái tâm Từ Bi của mình, mà nếu mình không biết thì mình khó mà có thể áp dụng cho đúng cách thì nó cũng không có kết quả tốt cho sự tu tập này.
(25:53) Ví dụ như người ta nói tâm và ý. Vậy thì lúc nào mà gọi cái tâm, mà lúc nào gọi là cái ý?
Cái ý là nó có cái ý căn, là cái bộ óc của chúng ta, còn cái tâm thì nó không có cái ý căn. Bởi vì nếu mà nói cái tâm thì nó phải có cái tâm căn chớ? Nhưng mà ở đây Phật dạy chúng ta là ý căn chớ không có bao giờ nói tâm căn.
Cho nên khi chúng ta gọi cái ý là nó phải đúng cái chỗ căn của nó, tức là cái chỗ nó làm việc. Cho nên cái ý căn phải ngưng hoạt động thì cái ý nó phải bám chặt ở chỗ nào.
Còn nếu mà chúng ta gọi: “Cái tâm phải bám chặt!” mà “Cái ý căn phải ngưng hoạt động!” thì nó chẳng biết đâu, kêu cái thằng A mà làm việc của thằng B thì nó chẳng có biết được, cho nên cái thằng nào nó phải làm việc ra cái thằng nấy.
Vì vậy mà cái pháp hướng tâm Như Lý Tác Ý phải như cái lý đúng của nó thì chúng ta tác ý nó mới có hiệu quả.
Ở đây Thầy nhắc như vậy, thì quý thầy phải nhận thấy được cái chỗ mà dùng cái pháp hướng Như Lý Tác Ý: Phải đúng lúc, đúng thời, hợp với đặc tướng của mình thì có hiệu quả rất nhanh, còn nếu không thì không hiệu quả.
Cho nên cũng có nhiều người hướng tâm tu tập, nhắc tâm mình rất nhiều, nhưng sao thấy nó trơ trơ mà không kết quả, là do mình đặt không đúng tên, đúng họ, đúng cái trường hợp nó làm, cho nên nó không có hoạt động được.
(27:26) Trưởng lão: Đây là cái ví dụ để cho quý thầy khi mà chúng ta bước đi thì chúng ta hướng tâm, khi từng bước đi của chúng ta bước đi thì chúng ta nhắc như thế này:
“Dưới bước chân ta đi có nhiều loài sinh vật nhỏ nhít, có nhiều loài thảo mộc cỏ cây yếu mềm, ta hãy bước nhẹ nhàng để tránh tất cả sự đau khổ và chết chóc của muôn loài!”
Đó là một cái câu mà để chúng ta nhắc khi chúng ta bước đi. Do đó khi mà nhắc như vậy thì tâm chúng ta tỉnh thức ngay tại ở nơi bước đi và chúng ta tránh tất cả những con vật dưới bàn chân chúng ta.
Rồi đi một lúc chúng ta sợ nó quên đi, rồi chúng ta lại nhắc nữa. Do cái sự nhắc nhở, do cái sự sợ làm đau khổ, sợ làm chết chóc muôn loài, nó gây cho chúng ta có một cái tâm thương yêu thấm thía trong đó.
Mà hàng ngày chúng ta trau dồi từng bước đi của chúng ta như vậy thì cái lòng Từ của chúng ta nó ban rải khắp chúng sanh. Một cọng cỏ chúng ta không nỡ đạp lên nó, sợ nó mềm yếu rồi nó héo úa đi, tức là thể hiện qua tâm Từ của chúng ta ban rải khắp chúng sanh đó.
Vừa đi nhẹ nhàng vừa hướng tâm nhắc như vậy, lâu ngày huân tập trong tâm ta thành một thói quen thương xót chúng sanh.
Đó thì, ở đây thì quý thầy đã thấy rằng: Cái câu mà Thầy tạm để mà làm cái câu hướng tâm của mình để trau dồi cái Tứ Vô Lượng Tâm, mà khi trau dồi được cái Tứ Vô Lượng Tâm - cái tâm thương yêu như vậy thì người ta chửi mình có giận nữa không? Khi mà thể hiện được - hoặc là người ta nói một câu nói nó trái bụng mình, mình có giận không? Không bao giờ còn giận nữa!
(29:18) Cho nên Phật nói: Từ tâm nó đối trị tâm sân, nhưng mà mình có trau dồi nó đâu, cho nên mình nói là nói như vậy, nhưng mà mình nói: “Ờ quán, bây giờ quán Từ Bi để đối trị tâm sân”, nhưng mà cuối cùng thì mình không trau dồi nó thì cái tâm sân của mình nó có hết không?
Trước khi người ta mắng chửi mình thì ngay đó mình nói: “Tui tu cũng biết Tứ Vô Lượng Tâm: Từ là đối trị tâm sân, tui thường quán phải thương người bằng cách này, bằng cách khác. Hằng đêm, tui ngồi tui quán, luôn luôn lúc nào tui cũng thương!” Nhưng mà tới sao người ta chửi mình lại là mình giận dữ lên? Thì cái đó là mình chưa có trau dồi trong hành động.
Trau dồi trong hành động nó thể hiện qua cái hành động của chúng ta, cái tâm chúng ta thường nhắc trong cái hành động, nó làm cho chúng ta thấm nhuần được cái lòng thương yêu đó.
Còn bây giờ, chúng ta ngồi ở trên ghế chúng ta nói: “Bây giờ chúng ta cũng quán.” Đó là quán. Còn cái này là hướng, nó khác: Hướng theo hành động mà trau dồi, nó ở trong cái động.
Còn cái kia quán là mình ngồi im lìm, rồi tư tưởng mình khởi nghĩ ra, mình quán mình phải thương yêu chúng sanh bằng cách này bằng cách khác, như thế này thế khác, nó không biến ra cái hành động, cho nên nó trau dồi cái tâm Từ Bi của mình không có được!
Cho nên nó chỉ là tránh né trong một cái lúc nào đó để cho nó bớt cái giận hờn, phiền não trong lòng nó mà thôi; rồi mình suy tư cái này, cái kia để cho mình xả bớt cái tâm buồn khổ của mình, chớ đối tượng của mình, mình đã chửi người ta hồi chiều rồi thì bắt đầu làm sao mà gỡ ra cái đó được?
Còn cái này, tu ở trong, trau dồi ở trong những cái hành động để chúng ta biến dần cái tâm Từ Bi, cái tâm thương yêu chúng ta chân thật.
Đó là cách thức mà Thầy diễn ra đây để cho quý thầy thấy được cái chỗ mà chúng ta sẽ tập luyện. Bởi vì đây là cái vai trò của cái người cư sĩ mới bước chân vào đạo Phật người ta đã luyện tập cái này rồi, chớ không phải là vai trò của người tu sĩ.
Người ta đợi tới làm Bồ Tát rồi người ta mới trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm thì quá trễ rồi, nó không thể nào mà còn có cái thời gian mà chúng ta tu tập thiền định nữa. Khi mà đi sang qua giai đoạn của tu sĩ là cái giai đoạn tu tập thiền định - giữ gìn giới luật, tu tập thiền định.
Còn cái giai đoạn của người cư sĩ là phải thực hiện tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả của mình, để đối xử với nhau với một lòng thương yêu, làm cho xã hội càng tốt, đất nước nó thanh bình, nó không có sự tranh chấp, nó không có sự tranh đua hơn thiệt với nhau. Do có tâm Từ nó mới không có những cái tai nạn đó.
Đó là một cái hành động mà chúng ta đi.
(31:44) Khi mà…
Bây giờ tới cái hành động nữa:
Khi ta đứng lại, ta cũng nhắc vậy.
Khi mình đi thì thường mình nhắc cái câu đó, mà khi mình đứng - bởi vì đứng nó đâu còn đi nữa, cho nên mình phải nhắc một cái câu khác để mình hướng tâm như cái lý - trong khi mình đứng thì mình phải nhắc một cái câu khác để khi mình đứng - nhiều khi mình đi thì mình hướng tâm như vậy, nhưng mình đứng lại là nó không đúng như vậy.
Cho nên khi cái hành động đứng thì chúng ta cũng phải nhắc tâm, hướng tâm mình:
“Chúng sanh quanh ta rất nhiều: Từ loài côn trùng nhỏ nhít cho đến các loài thảo mộc yếu mềm. Ta đừng đứng trên chúng vì đứng trên chúng, chúng sẽ đau khổ và chết chóc, héo úa!”
Đó là một cái câu để chúng ta hướng tâm chúng ta, trau dồi cái lòng thương yêu của chúng ta đến với tất cả muôn loài.
Đó thì, hôm nay như quý thầy đã học được những cái câu như vậy thì quý thầy nhớ khắc ghi trong lòng. Hằng ngày, ít ra mỗi ngày chúng ta cũng tập nó được ba, bốn lần, chớ đừng có học rồi thì xếp lại đó, để đó, thì cái công của Thầy mà giảng dạy quý thầy như thế này, Thầy thấy mệt mỏi vô cùng!
Vì học được phải tu tập cho được để đền đáp lại ơn Thầy. Thầy đem hết sức mình ra giảng dạy cho quý thầy từng cái câu nhắc nhở nhỏ bé như vậy để tạo cho quý thầy có một lòng thương yêu chân thật nơi tâm hồn của quý thầy, để quý thầy thoát ra khỏi cảnh đau khổ chính bản thân của quý thầy (khi) đứng trước các đối tượng. Thế mà quý thầy học rồi quý thầy xếp bỏ vào một cái góc nào đó thì thiệt là mỏi mệt cho Thầy vô cùng!
Có tu tập như vậy thì lòng ta từ từ thấm nhuần lòng Từ bao la, thương yêu tất cả muôn loài, vạn vật muôn phương.
Nếu khi đứng mà chúng ta cũng tập như vậy để nhắc nhở chúng ta đứng, chúng ta tránh được những cái sự đau khổ của chúng sanh thì nó giúp cho chúng ta có một cái lòng thương, từng đó nó sẽ thấm nhuần muôn vật, muôn phương.
(33:59) Bây giờ đến cái hành động nằm. Bởi vì trong thân của chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, cho nên bây giờ tới cái hành động nằm.
Khi nằm ta cũng nhắc như vậy.
Nghĩa là mỗi hành động chúng ta phải nhắc, và một ngày chúng ta có bao nhiêu lần đi, đứng, nằm, ngồi? Mà mỗi lần đi, đứng, nằm, ngồi là mỗi nhắc như vậy thì trong một ngày chúng ta đã thấm nhuần được bao nhiêu cái lòng thương yêu của chúng ta, tức là chúng ta trau dồi được bao nhiêu lần?
Một người thợ vót tên mà ông ta ngồi ông ta vót kỹ lưỡng hẳn hòi mà vót hoài thì cái tên nó phải suông, phải láng, phải tốt. Còn mình vót hai, ba cái rồi mình bỏ thì cây tên nó có suôn không? Chắc chắn là không suôn bằng người thợ mà chăm chỉ ngồi vót hoài.
Vì vậy mà tâm ta chúng ta cũng phải trau dồi, trau chuốt nó mãi để cho nó được tốt đẹp, để cho nó được có lòng thương yêu thật, để cho nó được đứng trước các đối tượng mà tâm nó như như, vui vẻ, không có buồn khổ.
Khi nằm ta cũng nhắc như vầy:
“Tất cả chúng sanh đang ở dưới lưng ta, ta hãy nhẹ nhàng chú ý xem xét coi có chúng sanh hay không rồi mới nằm!”
Đó thì, quý thầy nhiều khi lên giường ván mà nằm thì nằm đại, nhiều khi mệt mỏi quá rồi kiến cũng nằm đại, không ngờ dưới lưng chúng ta có những con vật, chừng mà nhìn lại thì có một con nhền nhện bị mình nằm chết cứng ở trong đó rồi, hay hoặc là một con gián, hay hoặc là một con vật nào đó, thậm chí như con bò cạp.
Chúng ta nằm lăn qua, lăn lại, nó nằm ở dưới lưng chúng ta, đến khi mà quét dọn hay hoặc là xếp mùng màn thì thấy một con vật chết ở dưới lưng ta, thì như vậy là chúng ta đã vô tình không trau dồi được mình trong khi nằm, để làm hại chúng sanh.
Khi mà chúng ta nằm, cái thân của chúng ta to lớn, do đó cái sức nặng của chúng ta nhiều quá, còn cái thân của chúng bé nhỏ, giãy giụa dưới lưng ta, ta đâu biết được! Trong khi chúng rên la đau đớn, chúng ta đâu nghe được! Vì vậy mà vô tình chúng ta nằm trên sự đau đớn của chúng sanh mà không hay biết.
Muốn trau dồi lòng Từ thì chúng ta phải năng nổ, tu tập siêng năng, hằng ngày nhắc đi, nhắc lại tâm mình nó mới thấm nhuần được.
Khi nằm lăn qua, trở lại ta cũng phải lưu ý và nhắc:
“Tất cả chúng sanh đang ở bên ta, hãy ý tứ đừng nên vô tình mà làm đau khổ và chết chóc chúng!”
Đó là những cái câu để chúng ta hướng nhắc mình để cho thực hiện được cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả của mình.
Mỗi hành động của thân ta đều nhắc như vậy, tâm ta lần lần thấm nhuần tình thương yêu chúng sanh rộng lớn bao la.
(36:53) Bây giờ đến ngồi.
Bởi vì trong cái thân của chúng ta: Đi, đứng, nằm, ngồi - tất cả những cái hành động này mà nếu mà chúng ta thiếu sót một cái điều không tu thì đó là chúng ta đã thiếu khuyết.
Thì khi ngồi ta cũng nhắc như vậy:
“Nơi ngồi của ta có những chúng sanh nhỏ nhít, phải lưu ý khi ngồi, đừng vô tình ngồi trên chúng sanh làm đau khổ và chết chóc!
Khi ngồi đừng lắc qua, lắc lại; vì lắc qua, lắc lại va chạm làm đau khổ chúng sanh và chết chóc!”
Quý thầy thấy, trong những cái hành động oai nghi của một người ngồi mà lắc qua, lắc lại với cái người ngồi mà không lắc qua, lắc lại, người nào tốt?
Đó thì quý thầy thấy, từ cái tập của tâm Từ, Bi mà nó biến thành một cái oai nghi tế hạnh của một con người rất là nghiêm chỉnh: Đi thì nhẹ nhàng, luôn luôn lúc nào cũng ngó xuống để tránh tất cả chúng sanh, mà lại là phòng hộ được sáu căn của mình nữa!
Các thầy thấy đó là một cái điều lợi ích rất lớn cho bước đường tu tập theo đạo Phật, nó làm toát ra những cái đức hạnh mà con người ở thế gian này khó có thể theo được những cái hạnh này.
Bởi vì con người ở ngoài thế gian chạy theo dục lạc cho nên mắt thì nghinh ngó bên nây để tìm cái nào mà cám dỗ, thu hút mình thích thú, còn cái người tu sĩ thì đâu còn chạy theo cái dục lạc, cho nên mắt luôn luôn phòng hộ, nhìn xuống đất, mà nhìn tất cả loài vật để thực hiện trau dồi tâm Từ thương yêu của mình, tránh sự đau khổ và chết chóc của chúng sanh.
Đó là những lúc đi, đứng, nằm, ngồi ta từng nhắc như vậy, và nhắc từng mỗi bước đi để ta không quên và cố tránh được sự đau khổ và chết chóc của chúng sanh.
(38:48) Đây là sự trau dồi trong cái hành động của thân của chúng ta, thì đi, đứng, nằm, ngồi - như vậy là đối với cái thân của chúng ta tạm thời ở đây đủ để quý vị hằng ngày trau dồi.
Bởi vì lúc nào quý vị cũng có ngồi, lúc nào quý vị cũng có đi, lúc nào quý vị cũng có đứng, lúc nào quý vị cũng có nằm, không thể trong một ngày mà chúng ta thiếu bốn oai nghi này.
Cũng như vào đây, thì quý vị bước vào đây, trước khi mà bước vào thì quý vị phải đi, cho đến khi quý vị ngồi thì quý vị phải lưu ý chỗ ngồi, rồi đứng quý vị cũng lưu ý chỗ đứng, cho nên mỗi mỗi làm chúng ta có sức tỉnh thức ở trong đó hết.
Như vậy chúng ta có tu cái Chánh Niệm Tỉnh Thức đâu, nhưng mà sức tỉnh thức chúng ta đã sẵn do trau dồi lòng Từ mà nó đã có sức tỉnh thức.
Kế đó lòng Từ chúng ta càng lúc càng rộng lớn bao la do cái pháp hướng nhắc tâm làm cho tâm chúng ta thương yêu chúng sanh vô bờ bến.
Trau dồi lòng Từ trong hành động của thân là còn gợi lên lòng thương xót của chúng ta đối với chúng sanh bằng sự hành động cẩn thận của mình để tránh sự đau khổ và chết chóc của chúng sanh, khiến cho tâm chúng ta càng lúc càng thương yêu chúng sanh nhiều hơn.
Nghĩa là cái hành động đó hằng ngày mà chúng ta trau dồi thì lần lần, Thầy tin rằng quý thầy mà thường xuyên trau dồi thì sức tỉnh thức rất lớn; và đồng thời lại là cái lòng thương yêu lại càng nhiều; và càng nhiều thì nó sẽ cứu quý thầy thoát ra khỏi cái tâm tham, sân, si, mạn, nghi; nó không bao giờ mà còn có một cái tâm niệm xấu như vậy.
Vì vậy mà cái Ngũ Triền Cái quý thầy sẽ xả bỏ, đoạn trừ, dứt hẳn, từ giã nó, không bao giờ còn ở trong tâm của quý vị nữa.
Khi mà Tứ Vô Lượng Tâm này đã ngự trị trong tâm hồn của quý vị thì cái Năm Triền Cái này nó phải rớt đi, nó phải xa quý thầy đi, không còn có.
Còn nếu không có như vậy, không trau dồi được cái tâm Tứ Vô Lượng Tâm này thì Ngũ Triền Cái vẫn đeo đẳng theo quý vị cho đến khi mà quý vị phải thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm nó mới dứt được.
Nó không đơn giản, nhưng chúng ta phải cố cái sức tu tập bền chí, siêng năng thì nó mới đạt được.
(41:17) Trưởng lão: Bây giờ lòng mình nói thương mà sự thật mình có thương được chưa? Chưa! Mình thương mình chớ chưa chắc đã thương ai.
Thầy nhắc lại cái câu chuyện để cho chứng minh rằng mình thương mình chớ chưa có thương ai hết, nhưng mà mình nói rằng mình thương người này, người kia. Sự thật ra mình chưa có thương.
Tại sao vậy? Có câu chuyện như thế này:
Bà hoàng hậu Vi Đề Hy hỏi đức vua Bình Sa Vương:
"Bệ hạ có thương thần thiếp không?"
Nhà vua làm sao lại không thương hoàng hậu, cho nên nhà vua nói:
“Nhà vua rất thương hoàng hậu, tại sao hoàng hậu lại hỏi vậy?”
Thì bà Vi Đề Hy nói:
“Bệ hạ nói chớ bệ hạ chắc không thương thần thiếp đâu! Nếu giả chăng thần thiếp lấy một ông quan nào thì bệ hạ có thương thần thiếp không? Điều đó là chứng minh rõ ràng là bệ hạ thương bệ hạ chớ bệ hạ đâu có thương thần thiếp!
Khi mà nghe được cái tin “trời sét” này - thần thiếp đã lấy một vị quan nào ở trong triều này - thì lúc bấy giờ, bệ hạ còn có nước là: thứ nhất là chặt đầu thiếp, thứ hai là giam thiếp ở trong lãnh cung, chớ đâu có bao giờ mà để cho thiếp được tự do như thế này!
Nếu là thương thiếp thì bệ hạ đâu có làm cái điều đó. Bởi vì thương người, mà người đó người ta muốn như vậy thì mình cứ để cho người ta làm, thì như vậy gọi là thương. Tại sao bây giờ bệ hạ nói bệ hạ thương thần thiếp, mà khi nghe cái tin như vậy thì bệ hạ có thương không? Tức là bệ hạ thương bệ hạ!”
Đó, qua câu chuyện như vậy chúng ta thấy rõ ràng: Chúng ta thương mình chớ không thương ai hết. Nghe một người vợ mà lấy người khác là tức ầm ầm lên rồi, thì như vậy là mình có thương người không, có thương vợ mình không hay là thương mình?
Mình thương mình, mình muốn bảo vệ cái gì cũng của mình hết, đó là thương mình chớ đâu phải là thương người khác? Còn thương người khác là phải giúp cho người khác!
Đó, ở chỗ mà trau dồi tâm Từ Bi để chúng ta thấy được cái thương của chúng ta đối với muôn vật như thế nào.
Quý thầy khi mà chưa trau dồi cái tâm Từ Bi, một con bò cạp cắn quý thầy đau, quý thầy giết con bò cạp. Như vậy là quý thầy nói: “Tôi Từ Bi lắm, tôi thương lắm”; “Tôi thương lắm” mà con bò cạp cắn đau quá thì quý thầy giết liền tức khắc, như vậy đâu phải thương con bò cạp?
Đó, những cái này là những cái bài học thực tế để chúng ta biết cái tình thương của chúng ta nó đang ở cái vị trí nào để chúng ta trau dồi nó.
Một con vật cắn dù chúng ta có chết chúng ta cũng không nỡ giết nó nữa, còn chúng ta chưa chết, mới đau thôi mà đã vội giết chết con vật khác. Rồi thấy con vật nào chúng ta cũng sợ hãi mà chúng ta giết hết, sợ nó cắn mình cho nên giết sạch hết!
Vì cái lòng thương yêu nhỏ mọn đó, ích kỷ đó đối với sự thương yêu mình cho nên trong xã hội nó mới có cái sự bất an, có sự tranh chấp nhau, chớ nếu lòng thương yêu chúng ta rộng lớn đối với mọi người, chắc chắn không có sự bất an đó.
Vì vậy, cái bài học mà được trau dồi đầu tiên trong Phật Pháp là Tứ Vô Lượng Tâm.
Để làm gì? Để xây dựng một con người có đạo đức chân thật, biết thương yêu người; để xây dựng một xã hội tốt đẹp; để cho trong xã hội có trật tự, an ninh hẳn hòi.
Vì lòng thương yêu đó mà được trật tự, chớ không phải chúng ta có kỷ luật thế này, thế khác, buộc mọi người thế này, thế khác mà lòng thương yêu đó chẳng có thì xã hội chẳng có trật tự! Hình thức bên ngoài thì nhìn trật tự nhưng bên trong có một sự bắt buộc nào đó, chớ sự thật thiếu trật tự.
Đời sống càng ngày càng khổ là do chúng ta không tìm ra được cái nguyên nhân để giải khổ, cho nên cuộc sống con người rất là khổ.
Ở đây Đức Phật đã dạy chúng ta phải biết được cái pháp nào để mà chúng ta trau dồi nó, để xây dựng mình tốt, xã hội tốt, nó mới có được cái cuộc sống an vui, hạnh phúc cho nhau.
(45:07) Trưởng lão: Lúc bấy giờ chúng ta bước chân đi, chúng ta đi rất rõ ràng với lòng Từ thương yêu chúng sanh vô bờ bến, tràn ngập.
Nếu mà trong khi chúng ta đi, trên bước đi mà chúng ta không còn hướng tâm nhắc nữa, mà chúng ta thấy cái bước chân chúng ta tự nhiên nó có một cái sự tràn ngập ở trong cái lòng chúng ta thương yêu chúng sanh, đó là chúng ta đã viên mãn được Từ Vô Lượng Tâm.
Còn bây giờ chúng ta đang đi mà chúng ta phải thường nhắc, rồi cái tâm chúng ta lần lần nó huân lên cái sự thương yêu đó, thì đó là đang trau dồi.
Còn khi mà chúng ta đi mà chúng ta thấy tự nhiên cái bước đi của mình, tự nhiên cái thân tâm của mình nó từng lách qua, lách lại, nó tránh đi những cái sự đau khổ từ cỏ cây, thảo mộc cho đến những loài chúng sanh nhỏ nhít dưới bàn chân - mà chúng ta không nhắc mà luôn luôn cái tâm nó thương xót, nó làm cho chúng ta luôn luôn theo dõi từng cái bước đi để không va chạm, để không làm đau khổ - thì đó là chúng ta đã viên mãn lòng Từ trong Tứ Vô Lượng Tâm.
Ở đây thì Thầy nói cái kết quả để chúng ta biết, và khi mà cái lòng Từ nó như vậy thì chúng ta sẽ thấy được cái tâm của chúng ta bây giờ nó phủ trùm ở trên tất cả các loài vật, thảo mộc, cây cỏ đều là thương yêu. Một cái nhánh cây kia các thầy cũng không bao giờ nỡ mà bẻ, hoặc là ngắt một cái lá, hoặc là bứt một cái bông nữa.
Cái tình thương yêu nó đến cái mức độ mà chúng ta không ngờ khi mà chúng ta trau dồi, chúng ta thấy tất cả mọi người, mọi cây cỏ đều là có sự sống y như nhau. Đó là cái viên mãn của lòng Từ của chúng ta tu tập.
Còn nếu mà chúng ta không thực hiện được thì chúng ta vẫn vô tình thấy cái bông đẹp là ngắt liền, không bao giờ chúng ta Từ. Điều đó là chứng minh rằng chúng ta chưa có lòng Từ thương yêu.
Ở đây Thầy muốn nói như vậy để khi nào mà chúng ta thực hiện được tới đó thì chúng ta mới thấy được cái tâm chúng ta phủ trùm vạn vật, phủ trùm lòng thương yêu trên vạn vật. Cho nên Phật nói: “Tâm Từ biến mãn khắp mười phương chúng sanh” là như vậy.
(47:15) Và từ đó, các thầy sẽ thấy nội cái Tứ Vô Lượng Tâm này quý thầy đã giải thoát tâm hồn của mình, không còn có một pháp môn nào hết, hoàn toàn! Vì đã thương thì không còn tham, đã thương thì không còn giận, mà nếu còn tham, còn giận thì làm sao mà gọi là thương?
Đó, như vậy nội trong cái pháp Tứ Vô Lượng Tâm cũng đem quý thầy đi đến cái nơi giải thoát, cái Niết Bàn vĩnh cửu.
Vì có thương yêu mọi người chân thật thì cái ngã nó không còn, vì thương yêu cá nhân của mình cái ngã nó mới lớn. Đó là cái pháp môn vi diệu nhất mà chúng ta từng trau dồi thì chúng ta có sự giải thoát hoàn toàn.
Niết Bàn trước mặt chúng ta, đâu phải đợi chúng ta nhập Tứ Thiền mới diệt lậu hoặc rồi mới nhờ Tam Minh mà diệt lậu hoặc mới là Niết Bàn? Mà chính ngay lòng thương yêu của chúng ta cũng đã là Niết Bàn!
Mỗi pháp môn của Phật đều có những vi diệu tuyệt vời của nó, nhưng vì chúng ta chưa biết, chưa trau dồi. Phỏng chừng một năm mà quý thầy mỗi bước đi, đứng, nằm, ngồi, của quý thầy mà quý thầy trau luyện, thì chắc chắn là quý thầy trong một năm đó quý thầy đã thực hiện lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả của quý thầy, thì ngay cuộc sống của quý thầy đã giải thoát hoàn toàn.
Vì thế mà quý thầy thấy trong giới luật của Phật cấm không cho chúng ta trồng cây cỏ này, kia hoặc là làm cái này cái nọ kia, tất cả các nghề nghiệp đều đình chỉ tất cả hết!
Người tu sĩ chỉ còn biết đi khất thực ăn mà thôi, đi xin người khác thôi, không làm một cái gì hết. Bởi vì làm là động đến chúng sanh, làm là làm đau khổ chúng sanh.
Không phải là chúng ta ích kỷ, nhưng vì chúng ta thực hiện đúng cái lòng thương yêu của chúng ta chân thật, để cho nó phủ trùm trên cái tình thương đó đối với muôn loài.
Vì thế mình bước vào đạo Phật, chúng ta thấy Đức Phật cấm tất cả các nghề, không được làm một cái nghề gì hết. Vì còn làm một cái nghề nào thì cái nghề đó sẽ đem đến cho chúng sanh có sự đau khổ đó.
Muốn được vậy thì chúng ta phải từng ngày chúng ta phải trau dồi trong bốn cái oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi của thân của chúng ta.
(49:23) Trưởng lão: Bây giờ về cái phần tay, cái tay của chúng ta. Nó cũng phải cầm, nắm, bắt chớ, cái tay của chúng ta có cái hành động của nó chớ! Nếu mà nó không có hành động, nó cứng đờ thì chúng ta không nói tới nó.
Bởi vì tu trong hành động, tu ở trau dồi cái lòng Từ của chúng ta trong cái hành động.
Đến cái phần tay:
Cầm, nắm, bắt, lấy tất cả mọi vật dụng cần thiết cho đời sống tu hành cũng như cơm ăn, áo mặc hằng ngày, ta thường trau dồi tâm bằng pháp hướng Như Lý Tác Ý, nhắc đi, nhắc lại nhiều lần:
Nghĩa là luôn luôn lúc nào, khi mà chúng ta cầm một cái vật gì của người khác cho mình, khi ta cầm một cái cây, cây gậy hay hoặc là tất cả những vật dụng gì cần thiết đối với đời sống của mình, thì mình phải nhắc, mình phải hướng tâm mình nhắc nó như cái lý giải thoát của đạo, để cái tâm Từ thương yêu của mình nó bắt đầu từ đó mà nó phát triển và nó thấm nhuần cũng từ nơi đó.
Đây Thầy đem một ví dụ cái câu hướng tâm, như cái lý chơn thật nó để mà chúng ta nhắc cái tâm mình khi mà cái tay nắm một cái vật gì của người khác cho, hoặc là cầm một cái vật gì thì chúng ta phải nhắc:
“Tất cả những vật dụng cần thiết như cơm ăn, áo mặc, thuốc thang là của làm bằng mồ hôi, nước mắt của mọi người cực nhọc mới có cho ta, ta phải biết ơn và thương yêu họ và thương yêu tất cả mọi người!
Dù có cúng dường cho ta hay không cúng dường ta cũng phải thương yêu họ với lòng chơn thật, không bao giờ đánh trả lại, mắng chửi họ, không bao giờ nặng lời, to tiếng với họ! Vì đánh, mắng, chửi, rủa, nặng lời với họ là ta đã không biết thương yêu họ, là ta đã làm cho họ khổ sở.
Ta phải nói lời nhẹ nhàng, an ủi để cho mọi người vui mà không buồn khổ nữa!”
Đó là cái câu để chúng ta dùng cái hướng tâm của chúng ta thường nhắc đi, nhắc lại như vậy cho nên nó thấm nhuần. Vì vậy mà mỗi lần chúng ta nhận một cái vật gì cúng dường - như bây giờ quý thầy nhận từng cái cuốn tập của người khác cúng dường bằng mồ hôi, nước mắt của họ - cho nên chúng ta nhận thì chúng ta tâm niệm, lặng một chút xíu để chúng ta hướng tâm.
Từ đó, chúng ta đã trau dồi cái tâm Từ của chúng ta đó, lòng thương yêu chúng ta đó. Do đó khi mà chúng ta có người khác mắng chửi thì chúng ta ngay đó chúng ta đã lặng tâm ở trên cái câu hướng này, làm cho chúng ta nó không còn giận hờn người khác nữa, không còn đau khổ nữa, tâm chúng ta xả hoàn toàn.
Đó, như vậy trên cái bước đường tu tập, nếu mà chúng ta biết áp dụng đúng cách thì ngay tức khắc thì chúng ta đã có những pháp hướng kèm theo khi chúng ta chưa thuần thục.
Còn chúng ta thuần thục rồi thì chắc chắn là quý thầy sẽ thênh thang ở trên tâm hồn vô ngại, không còn một chướng ngại nào làm cho tâm của quý vị chướng ngại nữa.
(52:36) “Khi cầm, nắm, bắt, lấy ta cũng nhẹ nhàng, từ tốn; lỡ trên thân đồ vật có những chúng sanh nhỏ bé, mạnh tay sẽ làm chúng đau khổ và mạng vong!”
Đó thì chúng ta cũng lưu ý về cái phần khi mà cầm một cái vật. Bây giờ người ta đưa mình cuốn tập, mình hai tay mình cầm, mình cũng quan sát coi ở trên cuốn tập này có con kiến hay hoặc con vật gì không, để không mình vô tình cái mình nắm vầy cái nó dẹp lép, nó chết đi, đó là những cái điều mà chúng ta tập luyện.
Mà tập luyện như vậy là tập luyện tỉnh thức, rồi lại tập luyện được lòng Từ, thì cái này là cái rất quý, vừa tập cái này mà nó đạt được cái kia.
Nhưng ở đây chúng ta không được gọi nó là Chánh Niệm Tỉnh Thức Định. Ở đây không được gọi nó như vậy, đây là chỉ tập tỉnh thức trong hành động để trau dồi cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả của mình - Tứ Vô Lượng Tâm mà thôi.
Khi muốn trau dồi tâm Từ nơi các hành động của thân nơi tay thì quý vị phải siêng năng, cần mẫn nhắc đi, nhắc lại nhiều lần để tâm tỉnh giác nơi mọi hành động của tay mình, tránh sự vô ý làm đau khổ và chết chóc chúng sanh.
Có tinh tấn, siêng năng tu tập lòng Từ bằng hành động của thân; tỉnh giác, nhắc nhở lòng chúng ta thương yêu chúng sanh vô bờ bến, từ đó ta mới thấy thương yêu chúng sanh như thật.
(54:15) Trưởng lão: Ở đây Thầy xin giải thích thêm cái phần này để cho quý thầy thấy cái lòng Từ đối với chúng sanh có nghĩa sai biệt cái chỗ này hay hoặc chỗ kia. Bởi vì nếu mà không hiểu thêm cái phần này thì chúng ta không biết cái lòng thương yêu của chúng ta như thế nào, nó đối với chúng sanh như thế nào.
Một chúng sanh mà đang bị tai nạn và một chúng sanh đang mạnh giỏi bình thường, thì cái tâm Từ Vô Lượng này nó sẽ đối với chúng sanh nào?
Thì ở đây Thầy sẽ giải thích thêm để cho quý thầy thấy: cái lòng Từ là thương yêu chúng sanh chưa có tai nạn, chưa có bệnh tật, chưa có khổ đau.
Cái lòng Từ thì nó thương yêu chúng sanh đang mạnh khỏe, cho nên cái lòng Từ nó rộng lớn lắm, nó không có một đối tượng giãy giụa, đau đớn, vì vậy mà cái lòng Từ thương người trong khi mạnh giỏi, thương chúng sanh trong khi đang mạnh.
Còn bây giờ khi thấy một cây cỏ úa hay một cái bông nó héo mà chúng ta khởi thương yêu nó, thì cái thương yêu đó gọi là lòng Bi chớ không phải lòng Từ.
Phân biệt được như vậy chúng ta thấy: Chúng ta tu cái lòng Từ là chúng ta thương chúng sanh đang ở trong cái mạnh khỏe, chớ không phải là trong cái sự đau ốm hay hoặc là tai nạn hay hoặc là bị chết chóc rồi chúng ta mới thương yêu chúng.
Cho nên Từ nó khác mà Bi nó khác.
Phân biệt được như vậy thì chúng ta biết rằng: Bây giờ chúng ta đi đứng, thì những con vật mà dưới chân ta là con vật mạnh giỏi chớ không phải là con vật đau đớn.
Cho nên cái hành động của chúng ta hằng ngày mà đi đứng đều là tránh nó đó, đó là chúng ta không làm chúng đau khổ, để cho chúng được mạnh khỏe, an vui, thảnh thơi, vui sướng ở trong cái đời sống của chúng, hòa mình ở trong những cái cuộc sống, trong không gian và thời gian này.
Đó là cái lòng Từ của chúng ta là thực hiện đối với con người, con vật đang vui tươi, đang mạnh khỏe.
Tức là học tới cái lòng Hỷ thì chúng ta mới thấy được cái Hỷ mà hòa mình ở trong cái sự an vui đó, để cho tâm hồn của chúng ta phủ trùm trên sự sống của muôn vật với cái lòng thương yêu khắp cùng với nhau.
Còn lòng Bi thì nó khác. Khi mà gặp một cái tai nạn nào đó của chúng sanh hoặc là con người: Người ta bị xe đụng, người ta bị bệnh khổ, người ta lâm tai nạn, thì ngay cái đối tượng mà đau khổ đó chúng ta thương yêu, thì cái sự thương yêu đó đó, nó bắt buộc chúng ta phải thực hành bằng cái hành động:
Cái người mà bị tai nạn thì mình phải đến giúp đỡ liền, cái người bị bệnh khổ thì mình tìm thang thuốc cho họ uống, cái người mà sợ hãi không dám đi qua đường thì mình tìm cách mình dắt họ qua đường, thì đó là cái lòng Bi.
Mình đi ở trên xe buýt mình thấy một bà già bước lên mà không có chỗ ngồi, mình đứng dậy mình nhường cho bà già đó ngồi, đó là cái lòng Bi. Bà già bà đang yếu đuối, bà không thể nào mà gượng khi mà xe dừng hoặc là xe chạy, cho nên chúng ta nhường chỗ ngồi như vậy thì đó là lòng Bi chớ không phải lòng Từ.
Phân biệt được những cái đối xử với nhau như vậy, chúng ta biết Từ, Bi như thế nào, ở mức độ nào để mà thực hiện cho đúng cách của nó.
Từ thuộc về nhân.
Đó, Từ nó thuộc về cái nhân. Nghĩa là cái nhân mà chuẩn bị cho chúng sanh đừng có đau khổ.
(57:20) Mà Bi là cái quả.
Bởi vì chúng sanh gặp những cái tai nạn đau khổ, nhức nhối thì lòng Bi của chúng ta đối với chúng sanh là đối trong cái quả, mà lòng Từ đối cái nhân là vì nó chưa có cái gì hết, chúng ta chuẩn bị cho nó đừng có xảy ra tai nạn, cho nên lòng từ là cái nhân.
(57:34) Trưởng lão: Cho nên lòng Từ biến mãn khắp mười phương, chúng sanh hòa mình trong cuộc sống, vạn vật từ cỏ cây đến cầm thú đều được an lành; không có con vật này giết con vật kia, không có giẫm đạp lên nhau, chà xéo lên nhau trong cuộc sống; không có tham dục, không có ích kỷ, nhỏ mọn, không có cá nhân chấp chặt mà chỉ có một quyền sống bình đẳng như nhau, người này thương yêu người nọ, người nọ thương yêu người kia, sống vì người, vì tất cả chúng sanh, nên gọi là lòng Từ.
Lòng Từ phải được trau dồi, thấm nhuần, lưu xuất từ tận đáy lòng thương yêu chân thật. Nếu không được trau dồi thì lòng Từ kia chỉ là một hình thức suông.
Vì thế, cuộc sống của muôn loài đang bị đe dọa trên những danh từ hoa mỹ: “Từ Bi, Bác Ái”.
Bằng chứng là chúng ta hiện giờ chúng ta thấy cái danh từ mà gọi là “Từ Bi, Bác Ái”, thật sự ra thì đó là cái danh từ, chớ còn cái Từ Bi, Bác Ái chưa có thực hiện đúng. Con người đối với con người, con người đối với con vật nó chưa có cái “Từ Bi, Bác Ái” đó. Người ta dùng cái đó để mà người ta bịp đời, chớ chưa hẳn đã là người ta thương đời thật.
Cho nên ở đây chúng ta phải lật trái cái điều này để mà chúng ta thực hiện cái tâm mình cho nó chân thật, chớ không khéo mình cũng bị những danh từ che đậy này mà tưởng rằng mình Từ Bi, Bác Ái. Sự thật ra mình chưa có trau dồi nó thì tâm chúng ta chưa hẳn đã Từ Bi, Bác Ái được.
Vì cái bản ngã của chúng ta lầm chấp cái thân này, cái tâm này là cái ngã thì cái Từ Bi kia không bao giờ có được. Mà muốn có được thì chúng ta phải từng trau dồi nó thì nó mới có được. Và khi trau dồi nó thì cái ngã chúng ta lần lần tiêu mòn, chỉ còn biết người mà không thấy có mình, nhưng trong đó có mình: Có mình mà như không có mình.
Đây là cái phần vừa là lý thuyết mà cũng là vừa thực hành. Mà cái thực hành là quý thầy phải nhớ kỹ: Những cái câu pháp hướng là điều quan trọng nhất.
Còn cái lý thuyết nói mênh mông để nghe cho nó thấu rõ được cái lý, chớ còn sự thật ra thì cái lý thuyết nó chẳng nhằm nhò gì hết, nghe nó làm rối tai, làm rối đầu.
Mà chính những cái pháp hướng, cái câu ngắn ngủi mà Thầy vừa nhắc, đó là những cái mấu chốt để quý thầy trau dồi bằng những cái sự tỉnh thức của mình trong mỗi hành động của thân của mình. Đấy là cái điều quan trọng nhất cuộc đời tu hành của người tu sĩ.
Còn cái mà Thầy nói lòng vòng như thế này, chỉ nói để cho nghe hiểu, cho vui chơi, nó cũng như là cái bài ca để mà ca hát cho quý vị nghe cho vui vậy chớ không có nghĩa lý gì hết.
Cho nên khi mà nghe xong rồi thì những cái danh từ mà Thầy đã ca ở đây thì quý vị dẹp hết đi, chỉ còn có một cái câu pháp hướng, mà đó là cái ngọn đuốc thắp đường để cho quý vị trau dồi sáng suốt thân tâm của mình.
Cho nên tu thì nó không có nhiều, mà nói thì rất nhiều, vì nhiều khi quý thầy không hiểu, phải nói ra cho hết, cho rõ, để cho hiểu, hiểu rồi thì áp dụng không có bao nhiêu.
(01:00:50) Trưởng lão: Khi cầm một vật gì ta phải nhẹ nhàng nhắc nhở:
Thầy nhắc lại như hồi nãy:
“Trên mọi vật đều có chúng sanh đang ở trên đó, ta hãy cầm nhẹ nhàng để tránh sự chết chóc và đau khổ của chúng sanh!”
Nắm, bắt, lấy cũng vậy, đều phải được tập ý tứ, nhẹ nhàng, khiến cho người tu sĩ càng ngày càng có oai nghi tế hạnh hơn, không còn những hành động thô tháo.
Đó cái sự mà chúng ta tu tập, trau dồi cái tâm Từ chúng ta nó có lợi ích cho chúng ta là tập luyện được cái oai nghi tế hạnh của mình, từng cái hành động nhẹ nhàng, làm cho chúng ta trở thành những vị tu sĩ xứng đáng là đệ tử của Phật.
Nương vào mỗi hành động tay hoặc chân của ta đều hướng tâm, nhắc tâm ta thương yêu tất cả muôn loài, từ đó ta mới có sự thấm nhuần sâu vào tận xương tủy của chúng ta, từ đó mới biến mãn ra hành động nơi thân mình đầy lòng thương yêu chân thật.
(01:02:04) Trưởng lão: Ở đây quý thầy phải hiểu…
Đây Thầy xin nhắc lại:
Ở đây quý thầy phải hiểu: Đừng lầm tưởng rằng chúng ta tu như vậy là tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, mà là tu trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm bằng hành động thân của mình qua pháp hướng Như Lý Tác Ý của Phật. Nhờ có Như Lý Tác Ý, tâm ta thấm nhuần lòng Từ chân thật.
Chính lòng Từ chân thật này xuất hiện với tâm ta, ta mới tu hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng mới đạt kết quả tốt.
Đó thì quý thầy thấy, từ chúng ta trau dồi cái lòng Từ của chúng ta đạt được, thì cái tâm Từ chúng ta xuất hiện được, thì bây giờ cái nhẫn nhục là một cái điều chúng ta mới có làm được.
Còn không chúng ta chỉ dùng danh từ nhẫn nhục để mà chơi hay hoặc để nén tâm mà thôi, chịu đó chớ tâm chúng ta bực tức ở trong đó. Đó là chúng ta chưa có tu tập được cái hạnh nhẫn nhục.
Nhưng danh từ “nhẫn nhục” thì ai ai cũng biết, danh từ “tùy thuận” thì ai ai cũng rõ, nhưng khi mà chúng ta chưa trau dồi lòng Từ của chúng ta thì “nhẫn nhục”, “tùy thuận” chỉ là một danh từ suông đối với quý vị mà thôi.
(01:03:18) Trưởng lão: Một con vật chúng ta còn thương thay huống là con người đang chửi mắng ta và làm khổ ta?
Từ tâm rất quan trọng, vì đứng trước mọi vật đang mạnh khỏe, đang hung hăng, dữ tợn và có thể giết ta, hại ta, nhưng lòng Từ vẫn ban rải đến chúng, thương yêu chúng.
Người có lòng Từ không bao giờ biết sợ hãi (khi) đứng trước mọi hiểm nguy.
Ở đây Thầy xin nhắc lại cái phần này để cho rõ. Một khi mà chúng ta có lòng Từ rồi thì cái tâm chúng ta không còn sợ hãi một con vật nào hết.
Và mọi vật mà quanh ta nó cũng là những con vật, nó ham sống và sợ chết, nó thấy ta nó cũng sợ: Một con beo, một con cọp, một con gấu, một con voi… con vật nào nó thấy con người chúng ta nó cũng sợ, chớ không phải là nó không sợ.
Do cái sợ hãi đó nó vẫn nhìn chúng ta chăm chăm, cũng như chúng ta sợ nó mà chúng ta nhìn chăm chăm. Và cái đôi mắt chúng ta nhìn chăm chăm thì tức là nó có cái sự hung dữ trong đó.
Còn cái người lòng Từ, họ không sợ hãi cho nên họ không sợ con vật đó giết họ, cho nên họ ngồi, đôi mắt họ hiền từ họ nhìn xuống, họ không bao giờ sợ hãi. Và con vật mà nhìn thấy cái đôi mắt mà nhìn xuống thì nó biết đó là cái con vật lành, không bao giờ mà nó tấn công nó giết hại chúng ta đâu.
Cho nên những người tu sĩ thường ẩn bóng ở trong rừng núi, họ ở trong chỗ những nơi có những thú dữ mà họ chẳng hề sợ hãi do họ đã tu tập được lòng Từ chớ không phải thiền định.
Bởi vì lòng Từ của họ giúp cho họ chẳng sợ hãi trước cái sự nguy hiểm của thân họ, vì họ nghĩ mình đã Từ thì không thể nào mà giết một con vật nào, dù con vật đó có hại họ, họ thà là chịu chết chớ họ không bao giờ làm đau khổ và giết con vật khác.
Do vì lòng Từ đó mà họ chẳng sợ nguy hiểm, chẳng ngại những gian lao, khó khăn, họ thực hiện con đường ẩn bóng hoặc là những con đường tu tập để đạt được những cái nguyện vọng giải thoát cao hơn.
Do đó họ chẳng sợ hiểm nguy trong rừng sâu, nước độc, họ thường ở trong những nơi thanh vắng để tập luyện những thiền định.
Thì quý thầy thấy rằng, bây giờ hiện giờ chúng ta chưa có lòng Từ, bước ra một bước là chúng ta sợ hãi nơm nớp, do cái lòng Từ chúng ta chưa có. Lòng Từ chúng ta có, ta lên xe, ta ngồi trên xe ta cũng thản nhiên không lo trộm cắp, móc túi.
Tại sao vậy? Nếu quả chăng có những người trộm cắp, móc túi thì đó là chúng ta ban rải cho chúng những cái điều mà chúng đã không có, cho nên chúng ta vẫn an nhiên tự tại.
Nhưng đối với một người tu sĩ thì làm gì có vật gì đâu mà sợ? Cho nên chúng ta vẫn an nhiên ngồi trên xe mà không sợ móc túi. Tiền không có, vật không có, chỉ có cái bộ y áo trong mình với cái bát sành, thì ăn trộm, ăn cắp nó lấy làm gì? Cho nên chúng ta vẫn an nhiên vui vẻ.
(01:06:19) Do vì vậy mà tu tập lòng Từ phải sống một đời sống đúng như cái Phạm hạnh của người tu sĩ của đạo Phật thì lòng Từ mới thể hiện dễ dàng. Còn nếu có một vật gì mà lòng chúng ta nơm nớp lo sợ để giữ gìn nó thì tức là lòng Từ chúng ta khó thực hiện được.
Ở đây đến cái cuối cùng này quý thầy sẽ thấy, trước tiên chúng ta áp dụng phương pháp tu trau dồi lòng Từ thì nghe nó dễ dàng, nhưng mà đến cái phút cuối cùng để kết luận để thấy rằng trau dồi lòng Từ không đơn giản, vì phải sống một đời sống đúng cái hạnh của người tu sĩ thì lòng Từ mới thực hiện trọn vẹn, còn nếu không thì chỉ đạt được phân nửa mà thôi.
Như vậy chúng ta đạt được phân nửa của lòng từ thì chúng ta cũng thấy được cái cõi đời chúng ta cũng an vui, hạnh phúc vô cùng. Còn đạt được viên mãn lòng Từ thì cả một vấn đề tu tập, cả một cuộc sống chúng ta phải xa lìa tất cả những vật chất thế gian, những gì còn trói buộc chúng ta đều phải bứt bỏ hết thì lòng từ kia nó mới thực hiện được. Vì lòng Từ kia thực hiện được tức là tâm không sợ hãi.
(01:07:26) Người chưa có lòng Từ thường hay sợ hãi: Thấy một con bò cạp, một con rắn dữ, một con beo, một con gấu, một con hùm v.v… nếu con vật lớn thì họ sợ hãi cao bay xa chạy, còn con vật nhỏ bé thì họ đập giết không tiếc thương.
Trái lại, lòng Từ không cho phép chúng ta có những hành động độc ác này. Lòng Từ không cho phép chúng ta cao bay, xa chạy trước những con vật hung dữ, lớn hơn chúng ta. Lòng Từ không cho phép chúng ta có tâm tàn nhẫn giết hại những con vật nhỏ bé. Người có tâm Từ không hề sợ hãi thú dữ và còn thương yêu chúng nữa.
Cho nên chúng ta nghe các vị tu ở trong rừng núi, nhiều khi cọp nó ngồi gần bên mà nó hầu hạ các vị. Tại sao vậy? Tại vì lòng Từ của các vị ban rải, cho nên từ cái tình thương của con vật nó thông cảm, nó giao cảm được với tình thương của con người.
Còn chúng ta vô rừng mà gặp cọp, beo thì chắc chắn là lớ quớ là chúng ta bị nó xé xác. Tại vì cái tâm của chúng ta, cái từ trường của chúng ta nó không có Từ, cho nên do đó nó đã đánh hơi được cái sự hung dữ của chúng ta, tâm chúng ta dữ tợn, vì vậy nó phải giết những con vật dữ để nó bảo vệ sự sống của nó.
Cũng như bây giờ chúng ta thấy một con bò cạp, nhưng chúng ta chưa giao cảm được cái lòng từ của nó. Nó chỉ là một con vật, nó có một cái chất độc để bảo vệ sự sống của nó chớ nó đâu phải dùng chất độc đó để đi giết chúng ta? Nhưng lòng Từ chúng ta không có cho nên chúng ta lại đập giết nó, chớ nó không có đem cái chất độc để đến mà giết chúng ta.
Nhiều khi, một con vật nó rớt ở trên mái nhà rớt xuống mình chúng ta, nó đâu có cắn chúng ta, nhưng khi chúng ta vô tình lấy cái tay để nhẹ lên trên nó - vì vô tình chúng ta không biết có nó - nhưng vì nó đau quá, nó bắt buộc nó phải cắn chúng ta. Do đó chúng ta bị cắn là vì cái sự bảo vệ cái sự sống của nó, chớ không phải nó đi tìm chúng ta mà cắn.
Thường thường Thầy ngủ, bọ cạp hay rớt ở trên mình, do đó người mà tu hành kỹ lưỡng mà trau dồi cái tâm Từ thì khi mà chúng ta cựa mình thì chúng ta phải ý tứ hẳn hòi, nhẹ nhàng, thì không làm sao bọ cạp cắn.
Còn quý thầy cựa mình thì lăn cái “ù”, cho nên tay chân thì quơ, vì vậy mà đụng nó đau, nó cắn quý thầy, rồi đâm ra mình giết nó thì rất là tội!
Đó thì hôm nay Thầy nói như vậy để biết rằng: Cái sự trau dồi lòng Từ là cái hành động nhẹ nhàng của chúng ta thì chúng ta cũng tránh được sự đau khổ của loài chúng sanh vì bảo vệ mạng sống của chúng./.
HẾT BĂNG