00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 095B - CHUẨN BỊ CÁC PHÁP ĐỐI TRỊ CHƯỚNG NGẠI TRÊN LỚP CHÁNH TƯ DUY - VẤN ĐẠO TỨ NIỆM XỨ - TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT

CK 095B - CHUẨN BỊ CÁC PHÁP ĐỐI TRỊ CHƯỚNG NGẠI TRÊN LỚP CHÁNH TƯ DUY - VẤN ĐẠO TỨ NIỆM XỨ - TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 18/02/2006

Thời lượng: [45:29]

1- CHUẨN BỊ CHO LỚP CHÁNH TƯ DUY

(00:00) Cái mở mặt trận Tứ Niệm Xứ rồi là đuổi giặc đó, bởi vì mình có đủ cái phương pháp rồi. Cho nên từ cái lớp Chánh Tư Duy này mà đủ cái Vô Minh Lậu, nó đủ rồi, thì qua cái lớp Chánh Kiến đủ cái minh rồi thì qua cái lớp Chánh Tư Duy chúng ta đủ sức phá. Bởi vì nó là Định Vô Lậu rồi, cái tri kiến nó sẽ phá hết cái lậu hoặc của chúng ta. Mà chúng ta đã học, cho nên chúng ta ở trong Chánh Kiến, tức là chúng ta đã hiểu biết cái nào sao sao sao, những cái phương pháp gì chúng ta đã hiểu biết.

Cho nên nó lòi cái mặt ra chúng ta biết nó ở trong cái nào rồi. Do đó chúng ta quét ra. Mà chúng ta đã hiểu nó rồi thì không quét nó cũng chạy. Bởi vì thấy nó: "Mày sử dụng những loại súng này, tao biết rồi, mày đâu chắc ăn, tao biết mày". Nó sử dụng loại vũ khí nào, mình biết hết. Thấy rõ cái mặt của nó như vậy.

Cho nên cái lớp Chánh Kiến nó rất quan trọng, để cho giặc nó hiện cái tướng nào là mình biết cái tướng ấy ra hết. Vậy mà Thầy còn chuẩn bị cho mấy con một phút nhiếp tâm và an trú để đối trị với cái thân thọ của mấy con. Thầy còn chuẩn bị cho mấy con cái điều đó, để không nó đánh cái mặt đó. Còn cái mặt tâm lý chiến, nó đánh bằng cái tư tưởng của mấy con, bằng niệm thì mấy con khỏi lo đi. Nội cái Chánh Kiến của mấy con cũng quét nó rồi. Còn cái thọ của mấy con là thầy chuẩn bị cho một phút nhiếp tâm và an trú đó. Để chiến đấu tận cùng với nó.

Một phút này rồi mà nó chưa hết, thì tôi tiếp tục phút khác chứ tôi đâu cần gì nữa. Bởi vì đang đau mà, tôi đâu có lý gì tôi loạn, tôi ngồi chơi được. Các con hiểu không? Nó đang đau thì tôi phải, ở phút này tôi nhiếp tâm an trú, mà chưa hết tôi nhiếp tâm một phút kế nữa. Cứ một phút thôi, tôi không cần nhiều. Mà tôi đang là người đang đánh trận, cứ phút nào tôi cũng đánh ngon thôi, chứ tôi đâu có thua đâu. Cuối cùng thì bệnh lui.

Tu sinh: Tu tiếng đồng hồ chắc con tu chịu không nổi.

Trưởng lão: Thì con nghĩ nè, cứ một phút thôi, mà có thể một ngày chúng ta tu một phút. Một ngày mà vẫn tu một phút, một phút nhiếp tâm an trú chứ. Tôi tính một phút chứ tôi không tính nhiều. Còn mấy con tính nhiều, chứ mấy con bị vọng tượng hết. Cũng như đức Phật nói Nhất Dạ Hiền: một đêm thôi mà bảy năm chứng đạo. Mình tu một đêm là phải tu như thế nào. Một phút là mình tu như thế nào. Mình không tính một giờ hai giờ đâu, một phút thôi. Nhưng mà phút này rồi, tôi làm tới phút khác. Bởi vì giặc anh chưa lui, thì tôi phải đánh nữa, một phút nữa. Mà anh lui thì thôi, tôi tu một phút thôi. Một phút anh lui thì tôi tu một phút. Mà một phút anh chưa lui thì tôi tu phút thứ hai. Phút thứ hai anh chưa lui thì phút thứ ba. Tôi tu một phút à, một phút chắc ăn. Có phải không mấy con?

(02:27) Tu như vậy mới thật sự tu. Thầy dạy mấy con, mấy con sẽ tới lúc đó mấy con sẽ chiến đấu, có giặc mới chiến đấu. Còn không có mấy con cứ một phút, mấy con vậy là mấy con bị ức chế. Giờ nó không có chướng ngại, mấy con ức chế tâm làm cái gì đây. Có phải không? Để cho mình trở thành cây đá phải không?

Còn giờ giặc nó đánh cái thân đau nhức thấy bà, ở đây mà không nhiếp tâm an trú đẩy lui nó còn ở chỗ nào nữa, có phải không? Nó có đối tượng thì tôi nhiếp tâm an trú, chứ đâu phải tôi ức chế cái tâm tôi đâu. Tôi đang nhìn cái khổ của tôi này, tôi đang quét nó ra này, bằng cái nhiếp tâm an trú này. Các con thấy không? Mình có ức chế đâu? Tại vì cái thằng này nó đánh tôi dữ tợn này, tôi phải đánh lại chứ. Các con thấy không? Không có ức chế tâm chút nào hết đâu.

Cái cuộc đấu tranh, tôi phải dùng cái vũ khí đó mà tôi đấu tranh với anh để anh ra khỏi cái thân của tôi, để đem lại sự bình an cho đất nước tôi. Tôi phải sử dụng cái vũ khí đó. Chứ đâu phải bây giờ nó bình an như thế mà cứ sử dụng cái vũ khí đó thì nó hao cái sức lực tôi? Thì nó bị ức chế, nó thành tu điên ấy chứ. Nó hao vũ khí, hao súng đạn, hao đủ loại à.

Các con thấy, phải hiểu biết cách sử dụng của chúng ta. Chứ không phải chúng ta ức chế tâm để đi vào, chúng ta kiến tánh thành Phật, hoặc ức chế tâm để chúng ta giải thoát. Đâu có chuyện giải thoát như vậy? Nhưng mà bây giờ chúng tôi đã bị bệnh đau trên thân, thì chúng ta phải nhiếp tâm đẩy lui cái bệnh. Chứ không phải là tu cái đó để chúng tôi chứng đạt đạo. Các con hiểu. Cho nên chúng tôi không bị ức chế chút nào hết đâu. Còn mấy người điên, mấy người ức chế cho nên mấy người bị. Bây giờ thân mấy người không đau mà ngồi ức chế cho hết vọng tưởng là mấy người ngu ấy. Ở đó tu như vậy mấy người làm cái gì được.

2- CÁCH TU TỨ NIỆM XỨ

(04:04) Trưởng lão: Bây giờ mấy con còn hỏi cái gì nữa không hay hết rồi? Con hỏi gì Thầy?

Tu sinh: Kính bạch Thầy, con thấy Thầy dạy về tâm thanh thản an lạc vô sự. Thì theo con hiểu, bây giờ chúng con chưa có cái đó, cái đó cần tới tâm định tĩnh - nhu nhuyễn - dễ sử dụng. Mà để định tĩnh thì phải không có niệm mới định tĩnh được, đừng có để những ác pháp xảy ra mới định tĩnh được. Bây giờ hiện tại trên cái căn bản của con, con tu bằng cách thế này: ngồi bằng tư thế nào cũng được, con tác ý trước, quán thân trên thân để khắc phục tham ưu, quán thọ trên thọ khắc phục tham ưu, quán tâm trên tâm khắc phục tham ưu, quán pháp trên pháp khắc phục tham ưu.

Con giữ tâm con bình yên. Con chỉ đặt cái chú ý của tâm trên thân của mình thôi. Con thấy rằng dường như những tham ưu nó xảy ra, không có trên mình, trong thân mình lúc trước, khi mà mình vạch được tham ưu thô trên mình thì tâm mình hiện ra được. Trong hai pháp đầu là thân với thọ, thì nó xảy ra. Như là mấy bữa nay con ngồi, con thấy cảm giác trên thân nó hiện ra trước. Chẳng hạn như bệnh đau, cái bệnh gút, bệnh sưng khớp xương trên chân á, cả tuần nay nó hiện ra, con tác ý con đẩy lui nó.

Đáng ra hồi xưa mà chưa có thì khi có cảm giác khó chịu ở chân thì nội trong ngày hôm sau nó sưng chân. Nhưng cả tuần nay thì khi buổi sáng thức dậy mới có cảm giác đó. Sau khi tu một thời thì tự nhiên trong ngày nó hết. Nó cứ vậy, nó trở đi trở lại từng cơn. Thì con nghĩ cái đó nó tham ưu thô nó hiện ra trên thân mình trước. Mới ngày hôm qua con ngồi, thấy tự nhiên trong thân mình, trong bụng mình dường như nó co thắt lại, bắp thịt nó dồn cứng lên. Con lưu ý chỗ đó, con tác ý bảo nó thư giãn nhẹ nhàng.

(06:44) Do kinh nghiệm đó con mới nghĩ là cái một trên thân là cái tham ưu thô, trên thân cái thọ nó hiện ra trước, mình khắc phục được cái thô của thân với thọ trước. Từ đó hai cái tâm nó vi tế hơn nó mới nhận ra được. Mình không có nhận thức được rõ trên thân của mình, thì cái tâm nó hiện ra mình khó nhận biết lắm. Cho nên cái trình độ tu của con bây giờ là con thấy là cần phải, tâm mình phải trên thân và thọ để khắc phục hai cái đó trước.

Khi con ngồi, Thầy dạy một phút, con cũng vô tập một phút, liên tục một phút, một phút cả thời. Khi con ngồi mà nó hiện ra những tướng trạng là mệt mỏi do bệnh trên người mà tác ý không hết, thì con đổi thế ngồi khác, thí dụ đang ngồi thoải mái thì con trở lại xếp bằng, một lúc thì thấy nó có cảm giác mà con tác ý nó hết…​ thì đổi ra ngồi thoải mái. Như vậy, con không hiểu con tu như vậy có đúng không? Con cám ơn Thầy.

Trưởng lão: Con ngồi xuống con, con tu thì cũng được, nhưng thầy nhắc nhở. Bây giờ các con chỉ tu Tứ Niệm Xứ là tu tỉnh thức ở trên thân của mình thôi, Thân Thọ Tâm Pháp. Cho nên mỗi cái chướng ngại của nó xảy ra, mấy con thấy, một chút xíu gì trên thân của mình, nó có cái hiện tượng chướng ngại của nó như ngứa, hoặc nó mỏi chỗ này đau chỗ kia, hoặc nó nghe cái bụng mình nó khác, cái hoạt động gì của nó đều là không có lọt qua cái sự tỉnh thức của mình ở trên đó. Đó là tu Tứ Niệm Xứ.

(08:42) Cho nên tập tỉnh thức trên thân của mình, nhưng mà vì trên thân của mình nó im lặng, nó bất động, cho nên vì vậy mà nó có những trạng thái cảm thọ của nó, nên trên thân quán thân. Tức là mình quán, nhưng mà mình không nói quán, nhưng mà mình quan sát, đang tỉnh thức trên đó là quán, đang nhìn nó là quán đó.

Chớ không phải là mình quán mà mình ngồi đây mình quan sát mình suy tư ở trên đó, không có. Mình ngồi mình tỉnh thức là mình đang quán ở trên đó. Cái thọ trên thân nó hiện ra cái thấy biết liền. Do đó có cái thọ đó, con dùng cái pháp tác ý con đuổi nó thì đúng rồi. Cho nên bây giờ là đang tập tỉnh thức trên thân chứ không có gì khác mấy con. Nói tu Tứ Niệm Xứ, chứ sự thật đang tu tập tỉnh thức, đang tỉnh thức ở trên đó.

Thay vì mình mới đầu, mình mới vô tu tập mình đi kinh hành để mình tập Chánh Niệm Tỉnh Giác đó, tỉnh thức trên bước đi của mình chứ gì, để cho nó quen, để sau tu Tứ Niệm Xứ nó vi tế hơn, nó không đi như cái kia nữa. Cho nên nó ngồi đây nó quan sát bốn chỗ, nó quan sát không có nghĩa, nó tỉnh thức trên đó là nó quan sát, nó mất tỉnh thức là nó, cũng như bây giờ cái tâm mình nó phóng dật ra bên ngoài đi, nó quên cái thân nó là nó không có tỉnh thức trên thân.

Mà mục đích ở đây mình tu là quán thân tức là tỉnh thức ở trên thân. Mà tỉnh thức giờ này giờ kia giờ nọ, mà con ở đây mà cứ tỉnh thức trên thân nó thì thôi. Mà nó khó cái chỗ nó không tỉnh thức trên thân đâu, nó hay chạy lăng xăng, nó chạy ra ngoài, nó chạy chỗ này nó chạy chỗ kia. Cho nên làm sao mà cho nó quen được? Nó tỉnh thức trên cái thân là mấy con đã chiếm được cái Tứ Niệm Xứ rồi đó. Nghĩa là mình đã quan sát ở trên cái mặt trận mình mà luôn luôn lúc nào cái tâm cũng quay vô quan sát, ở ngoài kia người ta làm gì làm mà tâm đừng có quên ở trong này thì được. Có vậy thôi. Rồi nó xảy ra chướng ngại thì mấy con đuổi đi.

3- CÁCH LÀM CHỦ BỆNH

(10:30) Tu sinh: Trường hợp mà hôn trầm nó đến thì sao thầy?

Trưởng lão: À, cái hôn trầm đến, con ngồi đó mới chịu chết với nó đâu. Hôn trầm đến thì con đi kinh hành. Đứng dậy đi kinh hành. Chứ không còn cách nào mà ngồi đó mà chịu được.

Tu sinh: Hoặc giả mình giơ tay qua đầu để phá nó cũng được Thầy?

Trưởng lão: Mình làm gì cũng được. Cũng như bây giờ, cái thân con nó đau bụng đi, thì con cũng phải dùng cái pháp để mà đẩy lui chứ. Cũng như bây giờ hôn trầm tới, cũng đưa tay đưa chân cho đừng ngủ chứ gì. Còn không thì con phải đi kinh hành rồi. Tức là chướng ngại ở trên đó rồi, tức là chướng ngại ở trên thân con tâm con. Thì tất cả bốn chỗ này con tỉnh thức con mới thấy, còn con không tỉnh thức thì con ngồi con gục rồi con ngủ luôn, như vậy con không có tỉnh thức. Còn con tỉnh thức thì con đứng dậy đi kinh hành, tức là bị hôn trầm.

Còn nếu con tỉnh thức thì con biết nó đau chỗ nào thì con dùng cái pháp tác ý con đuổi, rồi con an trú trên cái phương pháp Định Niệm Hơi Thở hoặc là cánh tay con thì con cũng sẽ đẩy lui được cái bệnh. Bằng chứng con đẩy lui được cái bệnh con, do đó mà nó không bị sưng này kia. Đó là nhờ cái pháp tác ý của mình, cái ý thức lực của mình nó làm cho cái cảm thọ nó chuyển.

Nhất là mấy con nhờ về đây sống giới luật đó. Chứ còn cỡ mấy con không sống đúng giới luật, nó không có chuyển. Bởi vì giới luật là thiện pháp, nó chuyển ác pháp. Mà cái nghiệp của mình mà có bệnh đau này kia đều là do ác pháp mà ra. Cho nên nhờ cái giới luật mà nó chuyển. Đồng thời ác pháp, cái quả của nó là nó phải có, cho nên nó hiện ra cái tướng bệnh của mình.

Nhưng mà nhờ mình tu tập, cho nên nó có cái phương pháp nó đẩy lui được, nó chuyển được cái bệnh của mình, cho nên nó năm ba phút, một giờ hay nửa giờ, một ngày hai ngày cái nó hết. Nó hết, nhưng cái nghiệp mình còn, vì mình tạo cái ác nó còn, nó trở lui trở lại, nhưng mà mình có pháp mình có đâu có sợ nó. Cho nên đến khi mà đức Phật sắp sửa Niết Bàn, đức Phật còn bị bệnh kia mà, còn phải đau. Nhưng mà nhờ pháp cho nên đức Phật đã làm chủ được cái bệnh, cho nên nó không có bệnh đối với đức Phật được. Chứ không phải thân đức Phật không bệnh, có bệnh, nhưng mà đuổi bệnh.

Chúng ta cũng vậy. Hiện giờ chúng ta cũng vậy. Chúng ta đang mang cái thân nhân quả mà, cho nên nó đến trong khi chúng ta tu tập đó, nó hay đến với chúng ta lắm. Nhưng mà trong khi chúng ta miên mật, chúng ta tu, nỗ lực tu tập, mà cái sự tỉnh thức nó miên mật rồi ấy thì nó sung mãn Tứ Niệm Xứ, nó không còn chướng ngại trên đó nữa. Thì chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ, hoặc là 24 tiếng đồng hồ thì chúng ta có đủ Tứ Thần Túc, thì chúng ta có đủ năng lực làm chủ rồi.

Thì cái thân của chúng ta sau đó mà chúng ta có đủ rồi, cái thân của chúng ta cũng có bệnh, nhưng mà cái Tứ Thần Túc của chúng ta dẹp nó dễ dàng lắm, nó không còn khó. Chứ không phải mình tu rồi nó hết bệnh, không phải. Nó cũng còn. Bởi vì nó là nghiệp, nó là nghiệp rồi. Nó không hết đâu. Nhưng mà chúng ta làm chủ được nó, nó đau kệ nó, chúng ta hét một tiếng nó đi mất. Đó, cái làm chủ của chúng ta là ở chỗ đó.

4- TỈNH THỨC TRÊN THÂN ĐỂ TU TỨ NIỆM XỨ

(13:13) Thì như vậy là mấy con, Thầy thấy mấy con, qua cái kinh nghiệm tu tập của mấy con, coi như là mấy con gần đúng hết rồi đó, gần đúng pháp Tứ Niệm Xứ rồi. Chỉ cần Thầy nhắc nhở cho mấy con hiểu rõ chút nữa thì mấy con không sai, không sai chỗ Tứ Niệm Xứ. Chứ không Tứ Niệm Xứ các con dễ sai lắm, chút xíu là ức chế tâm đó. Cho nên vì vậy như Từ Quang nãy giờ nói: thì bây giờ chỉ cần nó biết, bây giờ nó tỉnh thức cho nên nó xảy ra gì, nó biết. Bây giờ cứ tập tỉnh thức ở trên đó thôi. Cứ quan sát ở trên thân.

Cho nên đức Phật dạy mình cái đề mục rất cụ thể rõ ràng đó: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết". Đó là cách thức quán ở trên thân của mình. Mà quán thân thì nó có thọ tâm ở trên đó hết. Chứ không phải là mình quán thân là chỉ có cái thân đâu. Bởi vì cái thân của mình thì nó có cái Thân Ngũ Uẩn mà, nó có tâm của mình, nó có những cái biết của nó trên đó chứ, làm sao nó ngoài cái thân mình tìm đi tìm kiếm chỗ nào khác được. Cho nên nó có đó.

Quán cái thân thì có cái thọ. Quán cái thân thì nó có cái tâm. Quán cái thân thì nó có các pháp. Chứ không phải là nó chỉ có cái thân không đâu. Cho nên chỉ cần biết cái thân là được rồi. Cho nên đức Phật dạy: "Cảm giác toàn thân, tôi biết cảm giác toàn thân". Tôi bây giờ, cái tâm tôi thường thường nó yên lặng, cho nên vì vậy nó muốn biết cái thân của nó thì nó phải ở trên cái động. Cho nên nói bất động tâm là tâm định trên thân, mà tâm định trên thân thì nó phải định trên hơi thở. Tại vì tôi ngồi bất động. Phải không?

Cho nên bây giờ cái tâm tôi nó định đâu? Nó phải định trên cái động của nó chớ, chứ làm sao nó định trên cái định nó được? Nếu mà nó định trên cái định nó là nó nhập Tứ Thiền rồi sao? Có phải không mấy con? Tứ Thiền nó mới tâm định trên thân, mà nó bất động cả thân và tâm luôn, nó không còn hơi thở thì nó mới định trên Tứ Thiền, hơi thở đâu còn. Cho nên tâm định mà thân định, mà nó định trên cái bất động của nó là nó Tứ Thiền.

Còn giờ mình là ở trong bất động tâm. Chứ còn cái thân là nó còn động kia mà. Cho nên nó còn thở ra thở vô, cho nên tâm nó yên lặng thì nó phải ở trên cái hơi thở. Cho nên tâm định trên hơi thở. Mà tâm định trên hơi thở nó quan sát chỗ nào? Không lẽ nó quan sát hơi thở không thì nó bị ức chế hơi thở, cho nên nó quan sát Tứ Niệm Xứ, nó quan sát cái thân của nó. Cho nên có cái đề mục mà đức Phật dạy: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra". Đó là dạy chúng ta tu Tứ Niệm Xứ đó.

(15:23) Đức Phật dạy rất rõ ràng, bài vở của đức Phật. Tại chúng ta không hiểu chúng ta nói Định Niệm Hơi Thở, sự thật ra tâm định trên thân là định trên hơi thở, mà hơi thở để quan sát Thân - Thọ - Tâm - Pháp của nó mà, cho nên nó Tứ Niệm Xứ. Nó rõ ràng, chứ đâu phải ông Phật dạy mơ hồ, nhưng mà người kinh nghiệm người ta biết, còn người không kinh nghiệm thì đọc tới đây không biết gì hết.

Không có kinh nghiệm tu thì làm sao biết đâu mà dạy cho người ta biết cách tu. Chứ ông Phật ông trang bị cho mình đủ hết các pháp mà. Thầy nói 16 cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở, rồi thêm hai cái đề mục của Thân Hành Niệm, và một cái đề mục nữa của đức Phật dạy hơi thở cho La-Hầu-La, là 19 cái đề mục, 19 đề mục là 19 cái đề tài để mà chúng ta tu tập để mà đem lại sự lợi ích để mà chuẩn bị chúng ta trên Tứ Niệm Xứ, chứ không có gì hết.

Bởi vì đức Phật nói Định Niệm Hơi Thở có lợi ích rất lớn, nghĩa là có lợi ích rất lớn, mình tu nó thì có lợi ích chứ sao? Chứ không phải là tu Định Niệm Hơi Thở mà làm chủ, làm chủ sự sống chết mình hoàn toàn hay chứng đạo đâu, mà nó lợi ích rất lớn cho chúng ta tu Tứ Niệm Xứ. Nếu không có nó chúng ta không có lợi ích, không biết đâu mà tu nữa, đừng nói.

Còn bây giờ mình không hiểu mình còn đem cái Định Niệm Hơi Thở mình nhiếp tâm, mình an trú, mình ức chế tâm mình, mình quán sổ tức tùy tức, mình tu cái kiểu này thì mình không hiểu cái gì hơi thở của Phật dạy, không hiểu Định Niệm Hơi Thở, mình tu điên.

Cho nên thầy nói thật sự các tổ tu điên; khi không mà quán sổ tức, khi không mà sổ - tùy - chỉ - quán. Mấy ông này bộ điên sao? Kinh sách Phật người ta dạy, đề mục người ta rõ ràng, không mà ngồi đó mà hít thở rồi đếm một - hai - ba - bốn, rồi cho mình tu hơi thở chứng đạt thiền định gì? Cái đó là tu điên, chứ tu gì? Đề mục người ta để dạy tu gì, cái gì lợi ích cái gì, chứ đâu phải tu chơi.

Mục đích của đạo Phật là dạy chúng ta tu để mà đem lại sự bình an cho chúng ta, khắc phục những tham ưu ở trên đó, đem lại sự thanh thản an lạc cho thân tâm của chúng ta. Như vậy là pháp của Phật mới đúng. Bởi vì cái mục đích của đạo Phật là dạy chúng ta diệt trừ tham, sân, si. Làm chúng ta hết tham, sân, si. Pháp nào nó cũng dạy, nó nhắm vào ngăn ác diệt ác, để nó tăng trưởng cái sự bình an của chúng ta, gọi là sanh thiện tăng trưởng thiện. Mới đúng pháp của Phật. Chứ đâu phải ngồi tu một cách chơi chơi, chung chung đâu được.

(17:42) Thì hôm nay mấy con được cái phần hiểu biết, nhất là cái phần mà sắp sửa vào lớp Chánh Tư Duy, mà phải nắm cho vững về cách thức mà tu Tứ Niệm Xứ. Chứ không vững là tu không được.

Tu sinh: Thầy, con nghe Thấy nói nhiếp tâm trong một phút.

Trưởng lão: À, nhiếp tâm trong một phút. Trong hơi thở hoặc là trong bước đi. Rồi sao?

Tu sinh: Cũng như thay vì con nhiếp tâm một phút, nhiều khi con thấy nó tham. Nhiều khi nhiếp tâm năm mười phút hay mười lăm phút, nhưng mà con thấy sao nhiều khi nó ấy quá, nó loạn lên.

Trưởng lão: À, cái đó là tại vì con ở trong cái dục lậu mà con tham, con tu một phút con nghỉ đi, ai biểu con tu nhiều. Con thấy một phút chưa đủ, thôi làm thêm phút nữa.

Tu sinh: Sau này cái con bỏ nó, bắt đầu con mới nhiếp lại một phút, nhưng mà con nhiếp lại một phút, thời gian bốn năm phút kia con không chú ý tới nữa. Bắt đầu con nhiếp lại, con thấy hơi thoải mái chút.

Trưởng lão: À, bây giờ nhiếp kỹ một phút thôi. Thầy không cần.

Tu sinh: Con bắt đầu bỏ đó, lát sẽ nhiếp nữa.

Trưởng lão: À, thì được, không sao. Chứ con cứ nhiếp phút này, làm tới một phút nữa, nhiếp riết, ức chế tâm. Thì nó sai, không được.

(18:54) Tu sinh: Con hổm rày cũng như nó bệnh, thay vì như mọi lần thì con ngồi giữ tâm thanh thản. Nhiều khi nó bệnh quá, con uống thuốc không hết, giữ tâm thanh thản không được. Bắt đầu con mới dùng câu tác ý: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô" đó Thầy. Khi mà con dùng hơi thở mạnh, và dùng năm hơi thở, dùng cái câu vậy là con kéo khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau thì bắt đầu nó giảm bệnh.

Trưởng lão: À được, cái đó là con dùng hơi thở để trị bệnh. Nhưng mà con dùng, cứ phút này rồi, nó chưa hết bệnh thì con dùng phút tới, phút tới, phút tới. Chừng nào hết bệnh thôi. Chứ còn đừng nói năm hơi thở, ba hơi thở. Tôi tu một phút thôi. Nhưng mà tôi nhiếp tâm phút rồi tôi tác ý. Cứ như vậy thôi, chứ không có gì hết. Con tính một phút nhiếp tâm, nó trong một phút mấy hơi thở, rồi con tác ý trở lại. Rồi con nhiếp tâm vô một phút nữa, cứ như vậy chừng nào hết bệnh thì thôi. Thì cái chỗ mà nhiếp tâm để mà an trú thì coi như là bị bệnh rồi chứ gì?

Bình thường thì mình không bệnh, thì mình nhiếp tâm trong một phút, nhiếp tâm an trú tâm trong một phút rồi xả nghỉ, không tu nữa. Còn bây giờ bị bệnh, bị bệnh rồi thì cũng nhiếp tâm an trú trong một phút, nhưng cái câu tác ý: "Thọ là vô thường, cái đầu nhức hay cái bụng nhức, hay cái tay chân mỏi này phải đi rời khỏi thân ta". Rồi bắt đầu: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra". Con tác ý vậy, rồi hít vô thở ra trong một phút. Rồi tác ý trở lại, rồi hít vô thở ra trong một phút. Và cứ như vậy tiếp tục chừng nào hết bệnh thôi. Còn không hết thì làm nữa. Làm tới sáng đêm.

Tu sinh: Con làm như vậy không đó.

Trưởng lão: Ờ, thì vậy được rồi đó. Phải tu cho đúng vậy đó con. Rồi còn con con.

Tu sinh: Kính bạch thầy, cái câu tác ý cảm giác toàn thân, khi con tác ý thì con có một cảm giác lướt toàn bộ trên thân mình và hòa mình cùng với hơi hít vào và thở ra. Thì cái cảm giác đó đúng không hay là bị mắc vào tưởng ạ?

(20:49) Trưởng lão: À không, đúng đó con. Mới đầu thì nó vậy đó. Nhưng mà sau đó tự mấy con thấy rõ ràng nó quan sát mà nó tự nó có cái quay vô, cái tâm nó quay vô, nhưng mà nó vẫn biết hơi thở, mà biết nó không chú ý hơi thở nhiều đâu. Mà nó quay vô nó thấy cái thân nó, cái tâm nó. Mới đầu thì con thấy dường như là cái hơi thở nó luồn đi, hoặc nó rung động theo hơi thở, mới đầu đó. Nhưng mà sau nó không có nữa, mới đầu nó có cảm nhận. Con nói đúng đó.

Mới đầu thì ai tu cũng vậy hết, thấy làm như hơi thở hít vô cái nghe nó coi bộ nó chạy khắp cùng đi tới chân. Cảm giác toàn thân mà. Thành ra mình cảm nhận nó. Mình cảm nhận thì mình thầy như nó luồn đi. Nhưng mà sự thật thời gian sau nó không có đâu. Nó tỉnh. Nó thấy hơi thở, nó không chú ý hơi thở nhiều, nhưng mà nó vẫn biết hơi thở. Hễ mình nhắc nó cái, thấy nó quay vô, nó quay vô ngó cái thân nó.

Tu sinh: Bạch Thầy, còn có một cái hiện tượng nữa là không biết có phải là qua cái việc học ở lớp Chánh Kiến, hay là cái vô minh nó mỏng dần đi. Con thấy có một hiện tượng là từ trước tới giờ con chẳng bao giờ hát, cũng không nghĩ tới chuyện ấy. Thế nhưng tự dưng trong lòng thì lại khởi lên những câu hát. Nó định khởi lên câu hát thì lập tức con đã nhìn thấy ngay, và con bảo nó: “Dừng ngay, dừng ngay”.

Trước đây con tác ý câu "Tâm thanh thản". Bây giờ chưa cần tác ý câu thanh thản ấy, tự nhiên mình khởi lên hát một cái là ở trong đầu một ý nghĩ là "Dừng", chưa bật ra thì nó đã thôi ngay rồi. Thì bạch Thầy, như thế có phải đây chính là một hiện tượng là những cái vô minh nó đã giảm đi và có một sự hoan hỉ trong lòng nó rồi hay không ạ.

(22:23) Trưởng lão: Đúng đó con. Cái đó là cái minh nó có rồi. Nó có rồi. Nó ngay đó nó biết bậy rồi. Nó nhanh chóng lắm. Nó minh, nó biết cái này thuộc về dục lậu rồi.

Tu sinh: Bạch thầy, con cứ hay thường xuyên tập trung vào cái tỉnh thức trong bốn chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp, thế tập trung vào như thế nó có sợ ức chế tâm không?

Trưởng lão: Con tỉnh thức ở trên Thân - Thọ - Tâm - Pháp, chứ không phải là tập trung trong tỉnh thức. Mà cái tỉnh thức của con nó tập trung ở trên cái chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp của con, nó tập trung trên ở trên thân con. Nó quan sát thì nó đúng.

Tu sinh: Bạch thầy, con theo dõi trong cái chỗ, trong thân khi mà nó tập khởi ở cái tâm thì con quán tâm mà tập khởi ở cái thân, con quán cái thân. Tập khởi ở cái tưởng, thì con quán cái tưởng. Hay tập khởi cái niệm thì con quán cái niệm. Thì con luôn luôn tỉnh thức trong bốn chỗ ấy, để con quán con đuổi nó đi.

Trưởng lão: À không, con cứ tỉnh thức ở trên thân của con thôi. Mà hễ nó có cái cảm thọ gì ở trên thân con thì con biết liền, thì con dùng pháp con đẩy lui. Mà con tỉnh thức ở trên thân con mà con thấy nó khởi ra một cái niệm, thì đó là cái tâm của con, mà cái niệm đó nằm ở trong Dục lậu, Hữu Lậu, Vô Minh Lậu thì con xả nó. Mà cái niệm đó mà con còn Vô Minh Lậu thì con không hiểu nó, con bị dính mắc trên cái niệm đó. Mà hễ con hiểu nó thì con không có Vô Minh Lậu, thì cái niệm Dục lậu, Hữu Lậu bị xả. Cho nên cái niệm con nó không còn có nữa, thì nó thanh thản, an lạc, vô sự. Có vậy thôi. Đó là đúng.

5- CÁCH XẢ ÁI KIẾT SỬ

(24:04) Rồi, bây giờ thầy trả lời cái câu hỏi của con: “Kính bạch thầy, theo con nghĩ như thế này có đúng không. Khi con ngồi tu thì con nhớ đến việc con giúp một người này người kia, và thường xuyên nhớ đến khi con cảm nhận toàn thân lâu, đây có phải là niệm thiện hay không. Con phải làm sao? ”.

Nghĩa là con ngồi tu mà con nhớ con giúp người này người kia, thì con xét nó qua cái ái kiết sử coi những người đó như thế nào. Thì con sẽ quan sát nó thuộc về cái ái kiết sử, mà ái kiết sử thì nó nằm trong cái dục lậu. Nếu xét nó vậy thì mình phải quan sát trên cái dục lậu, cái ái kiết sử đó mình xả nó trong cái nhân quả của mình thì nó mới được chứ còn không khéo thì không được.

Cái việc mình giúp đó, nó là niệm thiện, nhưng mà nó là niệm thiện của Hữu Lậu, chứ không phải niệm thiện vô lậu. Cho nên ở đây mình nghĩ là mình muốn giúp người này người kia, thường xuyên nó hay khởi cái niệm như vậy đó thì con phải quan sát nó. Bởi vì mình nhớ gia đình của mình đều là thiện hết, chứ nó không ác. Nhưng mà nó thiện Hữu Lậu, nó còn làm cho con đau khổ, chưa giải thoát. Cho nên dù mình muốn giúp người này người kia đi nữa, mà ở trong khi đang tu, nó khởi những cái niệm đó thì diệt, nó nằm ở trong cái dục lậu rồi. Cái tình cảm, cái dục lậu rồi.

6- GIỮ TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT

(25:35) (Câu hỏi thứ) Hai, “Khi mình phóng dật nhìn qua thất người khác thì sẽ có một từ trường phóng xuất ảnh hưởng đến người đang tu trong thất?”

Nó không phải đâu. Khi mình nhìn qua thất người ta thì mình phóng dật, mình thấy là thất người này sao giờ này mà chuông reo quá trời mà sao không thức, còn ngủ dữ. Thì nó làm chướng ngại cho tâm con rồi. Nó làm chướng ngại, tức là bị phóng dật rồi. Mà phóng dật như vậy thì ngay đó mình khởi sự mình nghĩ lo cho người khác, sao giờ này mà không thức hoặc người này thức hồi nào mình không hay. Tại vì mình dậy mình ngó. Cho nên vì vậy mà đồng thời một lượt nhau thì mấy con không bị phóng dật, chứ phóng dật đó là cũng sai rồi.

Bởi vì thiếu phòng hộ, thiếu phòng hộ cho nên mình thấy tâm mình bị phóng ra. Cho nên phóng ra, cho nên thường xuyên mình tu tập mình phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Cho nên nếu trong khu vực của mình, đồng thời một lượt nhau thì không bị phóng dật. Còn nếu mà người thức trễ, người thức sớm, người tu thế này, người tu thế kia, nó bị phóng dật.

Cũng như bây giờ, mình bị hôn trầm thùy miên, cái mình tu pháp Thân Hành Niệm, mình tác ý lớn quá trời quá đất, người ngồi thất kia: "Trời đất ơi, ông này làm động quá tu không được". Con biết ngồi cứ nghe cái tiếng ông: "Đưa tay ra, đưa tay chân". Trời đất ơi, cứ đưa qua, thì nó động mình quá.

Cho nên vì vậy mà trong khi cái lớp của mấy con tu là nó đồng đều thì nó dễ. Mà cái khu vực của mình ở nó không đồng đều, cái người này bị hôn trầm nhiều quá mà họ la lối để họ phá đi. Mình cảm thông được, nhưng mà cái tâm của mình, cái lỗ tai của mình nó cứ phóng dật. Bảo quay vô, đừng có nghe. Mà mắc mớ gì nó cứ vọt ra nó nghe cái tiếng la đó: "Bước chân, đưa tay, đưa chân, cúi đầu, ngửa mình, ngửa cổ", nó làm tùm lum ở đằng kia. Ở đằng này bảo nó đừng nghe, nó không có chịu nghe được.

Cho nên nó là một cái khó. Trong cái vấn đề tu tập thì nó là cái khó. Chứ không phải. Nó là cái phóng dật. Mà phóng dật như vậy, đó không phải là phóng xuất từ trường mà của mình mà phóng ra ảnh hưởng người ta đâu. Nhưng mà vì cái phóng dật đó nó làm ảnh hưởng sự tu tập của mình, chứ người ta đang ngủ mà ảnh hưởng gì họ. Có phải không? Con thấy họ đang ngủ mà ảnh hưởng gì. Họ không có ảnh hưởng gì hết. Nhưng mà chính mình bị ảnh hưởng là tại tâm mình phóng dật qua cái sự ngủ thức của họ, qua cái thất của họ.

Thí dụ như bây giờ, cái người đó họ ngồi tu họ quẹo cái cổ như thế này, họ ngửa như vậy họ ngủ. Mình nhìn thấy đi, tâm mình phóng dật: "Trời đất ơi, cái ông này ông tu cái kiểu gì kỳ". Mấy con bị phóng dật rồi. Còn cái ông đó ông đâu có gì. Ông quẹo cổ ông ngủ, ông đâu có ăn thua gì ông đâu. Mà chính mình bị mình đây này. Mình phóng dật là bị mình hại mình rồi.

7- KHẮC PHỤC CẢM THỌ ĐUỔI BỆNH

(28:19) "Khi khắc phục cảm thọ trong thời gian dài, con có thể thay đổi thân hành nội bằng thân hành ngoại được không?"

Được, đâu có gì đâu. Nghĩa là bây giờ, thí dụ như con hít thở, thân hành nội này, con thay đổi thân hành ngoại, cánh tay con, bước đi, con vẫn xả được cái bệnh con, chứ không phải không. Mình cũng vẫn an trú. Thí dụ như Thầy thay đổi thôi, thí dụ như: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành”. Bây giờ mình tu một hơi cái hơi thở của mình cả ba mươi phút, một tiếng rồi. Phải không?

Bây giờ mình tiếp tục đuổi bệnh nữa chứ, mà bây giờ cứ dùng hơi thở không thì nó mệt quá đi, thôi bây giờ thay đổi đi: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Nó thay đổi, nó lại tu lại tốt nữa chứ. Chứ còn dùng hơi thở không nó nhàm quá. Thành ra ăn món ăn đó hoài, nó trị bệnh cũng không hết. Thay đổi cái tay này không biết chừng nó đi đó.

Mình thay đổi. Mà nó ngơi cái tay rồi, bắt đầu tôi dùng cái chân này: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi đi kinh hành; Tôi bước chân tôi đi"; an tịnh thân hành tôi biết tôi bước đi”. Đó, các con bước đi. Các con thay đổi mà. Thay đổi món ăn, tức là thay đổi cái tư thế, cái hành động của nó, nó làm cái bệnh các con nó không có tăng được đâu.

Vì ông này ông đánh nhiều thứ loại thuốc quá, hồi nãy ông đánh bằng hơi thở, bây giờ ông đánh bằng cánh tay, giờ ông đánh bằng cái chân nữa. Cái bệnh nó sẽ đi đó mấy con. Cái đó là thiện xảo khéo léo. Nhưng mà các con vẫn áp dụng có một cái câu tác ý à: "An tịnh". Các con thấy không? Đâu có sai đâu. Cái pháp tác ý nó duy nhất, mà cái thân hành nó thay đổi. Cho nên mình tu Tứ Niệm Xứ, một tâm Tứ Niệm Xứ, mà bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi.

(30:02) Các con thấy cái chỗ đó chưa? Mà bây giờ mình đối trị bệnh thì cũng ở trên Tứ Niệm Xứ chứ đâu? Mà giờ nó chướng ngại cái thân nó nhức thì bây giờ tôi dùng hơi thở tôi đẩy không được, nó chưa đi, tôi dùng cái cánh tay tôi, tôi đẩy chưa đi, tôi dùng cái chân tôi, tôi đi thế nào nó cũng rớt ra chứ. Nghĩa là mình thiện xảo mình sử dụng tất cả mọi thứ, thì Thầy nghĩ rằng mấy con sẽ đuổi được không có gì khó khăn hết, mục đích của mình duy nhất mà.

Tu sinh: Thưa thầy con xin hỏi. Tu Tứ Niệm Xứ, lúc mình đi kinh hành, thì cái thân mình hay là bước chân mình đi Thầy?

Trưởng lão: Tứ Niệm Xứ hả con? Coi như là mình không chú ý bước chân đâu, mà mình chú ý cái thân của mình. Mình cứ đi, mình chú ý. Rồi mình có cảm nhận của bước đi, nó sơ sơ thôi, mình cũng biết bước đi mình đi. Tại mình đi mình biết hà. Nhưng mà cái chú ý là ở trên cái thân của mình, tức là quay vào thân. Cái đó là đúng mấy con.

Tu sinh: Bạch Thầy, trong cái trường hợp mà mình dùng hơi thở, đưa tay để đối trị lại cảm thọ trong nửa tiếng, trong thời gian đó có một niệm khởi lên tới lui hoài, như vậy mình có phải dừng lại để xả?

Trưởng lão: Như vậy là con nhiếp tâm chưa an trú, mới nhiếp tâm nhưng chưa an trú. Có niệm là con chưa an trú. Chưa an trú thì đẩy lui bệnh khó. Cho nên Thầy bảo tu một phút, một phút nhiếp tâm và an trú. Mà giờ bệnh thì ráng cố gắng. Đừng có, bệnh đau mà còn vọng tưởng nữa thì thôi. Phải nỗ lực cho thật sự mà tu tập nhiếp tâm cho kỹ để mà mình đẩy lui bệnh. Trong khi bệnh là coi như là sống chết rồi. Ôm cho chặt phao chứ đừng để niệm khởi. Bởi vì cái pháp đó là cái pháp chế ngự ức chế tâm. Tối đa một phút mấy con phải ức chế đàng hoàng, nó mới có nhiếp tâm và an trú.

Nó không phải dùng cái pháp đó đi vào thiền định mà dùng cái pháp đó để đối trị bệnh. Cho nên nhiếp tâm và an trú. Cho nên tập rất kỹ. Không nhiếp thôi, nhiếp một phút là hoàn toàn chủ động hoàn toàn. Tập trung tối đa đó. Cho nên thầy dạy các con có một phút à. Tối đa, ức chế tâm tối đa. Để trị bệnh của mình chứ không có gì. Mà khi có bệnh rồi thì tập trung tối đa, một là mình chết, hai là mình đuổi bệnh. Chứ không có để bệnh bén mảng đến cái thân của mình thì nó làm động cho mình, Tứ Niệm Xứ của mình bất an.

8- “PHÁP” TRÊN TỨ NIỆM XỨ LÀ GÌ?

(32:23) "Trong pháp tu Tứ Niệm Xứ, Thân - Thọ - Tâm - Pháp, chữ “pháp” ở đây kinh xin thầy giảng rõ cho chúng con hiểu?"

Chữ “pháp” ở đây là tiếng động bên ngoài, người đi, hoặc là mùi thối, mùi thơm. Tất cả mọi cái này gọi là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tất cả mọi cái đó gọi là “pháp”. Mà bây giờ mình tu Tứ Niệm Xứ, mình trên thân quán thân mà có pháp tác động, bắt đầu họ la làng, bắt đầu mình động tâm. Cho nên ngăn chặn liền tức khắc. Coi như là pháp có nghĩa là tất cả sáu cái trần của nó: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu cái trần của nó là pháp đó. Chứ không phải cái thân mình là pháp. Bởi vì chữ pháp có nghĩa rộng lắm. Nhưng mà bây giờ mình tu Tứ Niệm Xứ, là pháp của nó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; sáu cái trần. Sáu cái trần nó sẽ tác động làm cho Thân Thọ Tâm của mình bất an. Bởi vì nó ở ngoài nó tác động vô.

Mình đang ngồi tu vậy, người ta lại: "Cho tôi mượn cái cuốc". Đó là pháp rồi đó. Hoặc là vỗ vai tôi cái vầy: “Trời đất ơi! Ngồi tu gì mà cần cổ xéo xẹo vậy”. Đó là pháp, nó làm động mình rồi. Cho nên mình ngăn chặn liền các pháp. Cho nên pháp phải hiểu rằng nó là sáu trần. Hiểu đúng pháp. Cho nên trên Tứ Niệm Xứ mà tu gọi pháp là phải hiểu sáu trần.

Chứ không phải là pháp là chỉ quán thân, hoặc là pháp chỉ cho phương pháp tu. Không phải đâu. Sáu trần tác động vô nó mới làm chướng ngại. Cho nên trên thân quán thân, trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu. Nó tham ưu cái gì, nó tham ưu cái thân cái tâm mình. Mà pháp nào làm tham ưu đây? Có phải không? Mấy con thấy. Nó tác động: "Người ta la làng, người ta lại vỗ vai mình, người ta lại mượn cuốc, mượn chổi mình", đó là pháp đó chứ. Nó làm cho mình động, động tâm của mình để cho mình phóng dật ra. Cho nên nó là pháp. Cho nên nói pháp ở đây trên Tứ Niệm Xứ là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Thì như vậy mình mới biết.

(34:21) Chứ còn không khéo nói pháp, tôi không biết pháp nào đây. Cái pháp làm cho mình chướng ngại trên Thân Thọ Tâm của mình. Thì cái đó là pháp. Hiểu như vậy là mình biết cách tu rồi. Nếu mà thầy Chơn Tịnh không hỏi thì chắc chắn mấy con hiểu pháp nó mông lung, nghĩ tưởng đủ thứ pháp, pháp gì cũng pháp.

Tu sinh: Tiếng động bên ngoài, tiếng động đàng kia, tại lỗ tai mình lại đó nghe. Con sợ cái nghe đó Thầy.

Trưởng lão: Con không nghe sao. Trong Thiền tông nói cái nghe con, nó thường nghe mà, cho nên nó đâu có chạy đàng kia đâu. Tại nó thường nghe. Phải không? Còn cái âm thanh nó có thì nó mới phát ra, còn không thì nó đâu có phát ra. Nhưng mà cái nghe con nó thường. Nó thường nghe cho nên vì vậy mà con không có chạy đâu. Tại ở kia nó cưa xẹt xẹt tôi nghe, chứ cỡ nó không cưa tôi không nghe đâu, cái tai. Cho nên tôi phòng hộ nó. Cho nên khi mà cái tâm con quay vô, quay vô để nhìn cái thân của nó thì cái nghe của mấy con nó không có lưu ý nghe bên ngoài. Tại vì nó nhạy quá.

Tu sinh: Làm sao dừng để ý cái nghe đằng đó? Đương viết bài đây, nó nói gì nó nói đằng đó, tại lỗ tai mình nghe.

Trưởng lão: Nó có những tiếng mà nó không lưu ý. Cũng như bây giờ cái người đó cưa sột xẹt thì nó không lưu ý đâu. Bây giờ cứ viết bài, hay ngồi im lặng để quan sát Thân - Thọ - Tâm - Pháp của mình đi, nó dễ lắm rồi. Dè nó hai người, nó chửi lộn nhau quá trời. Lúc bây giờ nó không yên, nó phóng ra nghe chửi lộn rồi.

Bởi vì cái pháp, nó có những pháp bình thường, nó không làm cho tâm chúng ta bị phóng dật. Nhưng có pháp nó làm cho tâm chúng ta phóng dật. Là tại vì chúng ta tu tập, cái sức tỉnh thức của chúng ta chưa có đủ trên bốn chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp của chúng ta. Tức là mình chưa có đủ sức. Cái lực của cái pháp đó nó mạnh hơn. Còn cái lực của mình tỉnh thức trên thân của mình yếu hơn, cho nên nó bị lôi liền.

(36:22) Còn cái lực của mình nó đang say, bởi bây giờ thầy nói, Thầy đang soạn bài hay viết bài mà thầy say mê cái dòng tư tưởng, thầy say mê. Ở ngoài họ làm gì bây giờ họ chửi lộn Thầy cũng không biết nữa. Nó không có lưu ý. Nó say, nó mê rồi, nó mê rồi, nó không biết. Còn cái này con chưa có mê, chưa có mê Tứ Niệm Xứ. Nó còn tập bám trật ra trật vô, nó chưa chịu dính. Chứ còn nó mê thật sự rồi thì mấy con thấy nó mê thật sự. Tức là sung mãn Tứ Niệm Xứ rồi. Không có ai mà lôi nó ra được đâu. Cái tâm nó bám vô Tứ Niệm Xứ con rồi, thì không ai lôi nó ra được.

Còn bây giờ mấy con mới tập bám, tập tỉnh thức. Mới tập tỉnh thức, chứ chưa tỉnh thức ở trên đó. Mà tỉnh thức thật sự rồi, nó gọi là sung mãn Tứ Niệm Xứ. Nó tỉnh thức ở trên đó rồi, không ai lôi nó được đâu. Pháp bên ngoài không tác động được. Mà tập tới như vậy mà gọi là sung mãn Tứ Niệm Xứ chứ. Nó sung mãn không có nghĩa là, các con cứ nghĩ là nó sung mãn là có an lạc vô cùng. Tại vì tâm các con nó quay vô, nó không thèm để ý đến ai hết, nó cho vô, chứ không có ra. Nó không phóng dật nữa.

Cho nên đức Phật nói: "Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật". Vậy nó không phóng dật nó ở chỗ nào? Có phải ở chỗ Tứ Niệm Xứ không? Chứ bây giờ nó không phóng dật, nó ở chỗ nào đó mấy con. Mấy con định cho nó ở chỗ nào? Nó không phóng dật thì phải nó ở có chỗ chứ. Thì nó ở chỗ thanh thản, an lạc, vô sự, Tứ Niệm Xứ, chứ chỗ nào? Các con có hiểu chỗ đó.

Chớ không lẽ ông Phật nói: "Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm phóng dật". Ông không phóng dật thì tâm ông ở đâu? Nó chui cái lỗ tai, hay cái lỗ mũi. Nó ở chỗ nào? Thì mình phải biết chỗ nó ở chứ. Nó không phóng dật thì nó phải ở chỗ nó chứ, tức là nó ở chỗ bất động tâm của nó đó. Cho nên vì vậy nó mới không phóng dật. Chứ nó còn phóng dật thì chưa xong đâu. Bây giờ hiểu hết rồi phải không? Mấy con không có chỗ nào mà không hiểu, còn chỗ nào hỏi nữa đi. Sắp sửa vô tu rồi đó, tu thì không hỏi nữa đó. Hỏi nữa nó động nó phóng dật ra sao.

9- HIỂU ĐÚNG VỀ VÔ NGÃ

(38:19) Tu sinh: Bạch Thầy, Thầy bảo tính nghe là tính thường, lúc con ngủ con đâu có thấy gì cả. Hoặc là con tập trung làm bài, con có có nghe thấy tiếng khác đâu. Hoặc nếu bây giờ nếu nó là tính thường thì sáu cái giác quan của con là thường, thì con phải là hữu ngã chứ sao lại là vô ngã được?

Trưởng lão: À, bởi vậy trong hữu ngã thiện pháp chớ. Ai bảo con vô ngã bao giờ? Con vô ngã ác pháp chớ. Phật giáo dạy chúng ta là: "Vô ngã ác pháp, mà hữu ngã thiện pháp". Chứ bao giờ có nói vô ngã một cái thường. Nếu mà vô ngã, thiện cũng vô ngã, mà ác cũng vô ngã thì con là cái gì giờ đây. Không phải là con người rồi. Phải không? Nói vô ngã là vô ngã ác pháp.

Bởi vì đức Phật nói: "Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện". Tôi còn thiện, còn cái ngã thiện tôi chứ, đâu có diệt mất đâu. Mấy người nói như vậy sai. Mấy người không hiểu Phật pháp không hiểu. Mấy người nói vô ngã là vô ngã sạch à? Mấy người thành cây đá mất rồi. Tôi không có đâu. Tôi còn thiện. Bởi đức Phật dạy. Nhưng mà không còn ác pháp, thì còn có thiện pháp thì nó còn đối đãi không? Thì nó như vô ngã chứ gì. Nhưng mà nó còn thiện thật sự mà. Chứ không thể nào nói nó không thiện đâu, nó không thiện nó không còn là con người nữa rồi.

Con hiểu chưa? chứ không khéo mình nói vô ngã rồi mình cho hết, vơ cả nắm vô ngã hết, thì tôi là con người gì đây? Nghĩa là cái pháp quán để vô ngã cho biết chúng ta đừng chấp là thân này là ta của ta bản ngã của ta thôi. Nghĩa là toàn bộ thân của chúng ta không có. Nhưng mà trên pháp tu thì ác pháp là vô ngã ác pháp, còn thiện pháp là hữu ngã thiện pháp, trên pháp tu. Đó con hiểu, rồi con ngồi xuống.

Tu sinh: Kính bạch Thầy, hồi nãy Thầy mới giảng là không phóng dật là ở chỗ bất động tâm, nhưng mà Thầy có giảng là bất động tâm khi còn niệm mà không bị nhiễm Dục lậu Hữu Lậu Vô Minh Lậu là bất động tâm. Đây là không phóng dật là chỗ bất động tâm thì lúc đó không phóng dật nó có còn những niệm trong ba cái lậu nó không tác động?

Trưởng lão: Ba lậu đó không có thì chắc chắn nó không còn niệm nữa. Con hỏi gì vậy? Nghĩa là ba cái lậu hoặc này: Dục lậu - Hữu Lậu - Vô Minh Lậu không có thì nó không phóng dật.

Tu Sinh: Nó không có niệm nữa?

Trưởng lão: Ừ, nó không có niệm. Tại vì nó không có lậu hoặc nữa, nó không có niệm, nó toàn thiện, thì nó còn có ác pháp đâu mà nó phóng dật. Lúc bây giờ nó toàn thiện nó không phóng nữa. Tại vì nó còn pháp nó phóng ra, nó còn ác nó phóng ra. Tu tới đó rồi mấy con còn chưa rõ. Thầy nói như vậy là thầy trả lời nó đúng chứ không phải không đâu. Nhưng mà cái điều kiện là khi tới cái chỗ toàn thiện rồi thì nó không còn niệm. Mà nó không còn niệm thì nó phóng cái gì nữa. Con hiểu chưa? Người ta không nói chỗ vô niệm, nó không niệm. Nhưng mà tới chừng đó rồi, nó không niệm tự nó chứ không phải. Còn bây giờ mình còn ở trong cái đối đãi, nó còn thiện ác, mà ức chế cho nó thì coi chừng mình chết, mình chết.

10- PHÂN BIỆT THAM TRIỀN CÁI, Ý THAM, THAM KIẾT SỬ

(41:10) Tu sinh: Bạch thầy, hiện tại bây giờ mình tu bất động tâm, thì nghĩa là có niệm nhưng mà không bị những cái…​ thì vẫn để tự nhiên.

Trưởng lão: Để tự nhiên. Tới chừng nó hết cái niệm ác đó rồi, bởi vì nó còn niệm ác. Cho nên vì vậy mình ở trong cái chỗ bất động, đừng để cho nó làm động mình. Do đó nó bất động thì phải có phương pháp đẩy lui những cái động. Con hiểu không? Đang tu. Còn mà khi tu xong rồi thì nó đâu còn tác động mình được nữa. Thì mình đâu còn ở trên pháp tu nữa đâu. Thì nó là bất động. Nó bất động thì nó không phóng dật rồi.

Nghe cái danh từ không phóng dật chứ không phải chuyện dễ đâu, nó không có dễ đâu. Khi nào nó toàn thiện rồi nó mới không phóng dật. Chứ còn lơ mơ là nó phóng à. Nó chạy qua chạy lại à. Bởi còn ác nó phải chạy à. Nó không chạy làm sao nó diệt ác.

Đó là mình biết pháp tu. Còn nếu mà mình không có pháp tu thì ác pháp đến, nó chạy nó dẫn đi. Nó xỏ mũi. Thầy nói như thế này để mấy con thấy. Các con thấy đức Phật nói nó có cái tham, tham đầu tiên nó thuộc về của ý, tham, sân, si. Phải không? Ý có ba cái: tham, sân, si. Mà tới ngũ triền cái thì nó có cái tham: tham, sân, si mạn nghi, nó có cái tham nữa phải không? Nhưng mà tới thất kiết sử thì nó có cái tham kiết sử, sân kiết sử chứ. Phải không? Nó có tham. Vậy thì cái tham nó như thế nào?

Bây giờ thầy nói, cái ý ở trong cái Thập Thiện, cái ý nó có ba cái tham. Mà cái tham trong ý, nó khởi cái niệm nó mới có tham. Còn nếu nó không khởi niệm, nó không tham. Còn cái triền cái, nó luôn luôn nó là cái màn nó che ngăn, nó che ngăn chúng ta không thấy tham, sân, si nó đâu. Mà cái ý nó khởi ra thì ngay đó, bây giờ cái triền cái nó trước, cái triền cái nó năm cái màn ngăn che, nó nằm bít chúng ta không thấy tham, sân, si đâu. Nhưng mà cái ý vừa khởi ra cái tham thì nó lộ ra tướng tham rồi. Thì cái mà thằng thất kiết sử nó xỏ mũi ngay liền, tức là nó lấy dây nó xở vô liền. Thì bắt đầu tôi thích cái này, tôi thích ăn cái kia, tôi thích cái đó. Có tham, nó xỏ mũi nó kéo mình đi. Cho nên khi xỏ mũi kéo đi, bứt được sợi dây nó ra thì tôi hết tham.

Bây giờ bữa sáng nay Thầy thấy đói bụng muốn ăn, thèm ăn rồi, tức là Thầy khởi ý ra Thầy thấy cái món ăn này ngon quá, muốn ăn. Cái ý của Thầy khởi ra. Chưa khởi ý, nó có tham trong này, mà nó là triền cái, cái tham triền cái nó có sẵn trong Thầy rõ rồi nhưng mà bây giờ Thầy không thấy đâu. Nhưng cái ý vừa thấy miếng ăn đó, tức là năm dục trưởng dưỡng, nó thấy cái vật đó cái nó khởi ý thèm ăn.

Cái ý nó khởi tức là tham của ý, ý nó khởi ra. Mà ý nó khởi ra thì ngay đó thất kiết sử nó xỏ mũi Thầy liền, Thầy lấy cái bánh đó Thầy ăn. Nó trói Thầy rồi. Cái tham của đầu tiên là cái tham của triền cái, rồi tới cái tham của ý, phải không, kế cái tham của kiết sử. Nó đi một loạt, nó nói lên cái tham của nó. Nó hiện lên cái tướng rõ của nó ra.

Mà chúng ta không ngăn chặn từ ngay chỗ triền cái, tức là phương pháp tác ý, tâm như cục đất ly tham, sân, si hết, là pháp tu triền cái. Bây giờ chúng ta có tham đâu, nhưng mà chúng ta biết rằng mình ở trong cái thân tứ đại này là có tham, sân, si. Không có tham, sân, si làm sao có tái sanh luân hồi. Làm sao có thân này. Có tham, sân, si. Nhưng mà nó chưa lộ tướng.

Khi ý chúng ta khởi lên một cái là tướng nó lộ ra. Tướng nó lộ ra thì kiết sử nó xỏ mũi ngay liền. Thì bắt đầu mình chạy theo cái tham đó. Nó đi một loạt của nó mà. Cho nên tại sao lúc kiết sử, tại sao nói là tham triền cái, tại sao nói tham của ý, năm dục trưởng dưỡng. Đó, mấy con thấy năm dục trưởng dưỡng là cái tham nó thấy món ăn đó nó khởi ra, cái ý nó khởi ra thèm muốn ăn, thì đó là năm dục trưởng dưỡng.

Cho nên học Phật pháp mà nếu không rõ cái này thì chúng ta chưa biết cái kiết sử ở đâu, mà chưa biết cái triền cái chỗ nào, mà chưa biết ý tham chúng ta. Cái nào cũng tham tham tham thì chúng ta phải nắm cho vững. Để như vậy để làm gì? Để từng tâm niệm chúng ta khởi lên chúng ta biết nó nằm ở chỗ nào: cái nào kiết sử nè, cái nào triền cái nè, cái nào là ý tham nè. Nói như vậy là để chúng ta xả nó chứ gì? Để chúng ta minh mà. Cho nên vì vậy mà chúng ta mới xả.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy