CK 084B - VẤN ĐẠO TỨ NIỆM XỨ - TỨ VÔ LƯỢNG TÂM - XẢ ÁI KIẾT XỨ - XẢ NĂM DỤC TRƯỞNG DƯỠNG - TRẠNG THÁI THANH THẢN CỦA VẠN VẬT
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 07/02/2006
Thời lượng: [42:24]
(00:00) Trưởng lão: Trước lòng từ bi, Thầy lập thành dàn bài, để cho mọi người làm, đó thương mọi người chứ không phải vì để cho họ phải tìm tòi rất là mất rất nhiều thì giờ mà không làm được. Cho nên ở đây, chúng ta phải, người tu tập, phải đem lòng từ bi thương xót những người không làm được, chứ không phải để người ta vét cả óc người ta ra người ta làm thì không hay chút nào cả, đó là mình thiếu lòng từ bi.
(00:40) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Khi tập cảm giác toàn thân, chúng con ngồi trên ghế hay phải ngồi kiết già 30 phút?
Trưởng lão: Mấy con ngồi khi mà tập tu cảm giác toàn thân, các con ngồi trên ghế cũng được, ngồi kiết già cũng được, ngồi bán già, ngồi tư thế nào cũng được, bởi vì pháp tu Tứ Niệm Xứ là rất dễ, không có bắt buộc chúng ta phải ngồi kiết già. Nghĩa là ngồi như thế nào cũng được, lúc này mấy con hỏi kỹ trong vấn đề đó rồi phải tu tập, sau một tháng mấy con được ở lại hoặc là đi tới, điều đó là do cái phần tu tập đúng giới luật, mà không đúng giới luật thì các con bị rớt đó.
(01:21) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Trước khi vào hơi thở tu tập, chúng con có thở trước 3 hơi bằng miệng hay bắt đầu ra sao, con xin Thầy chỉ dạy; con mới biết tu còn chưa rõ lắm, con kính xin Thầy quán xét chỉ dạy cho con thêm?
(1:42) Trưởng lão: Trước khi vào hơi thở tu tập chúng con có thở trước 3 hơi thở bằng miệng hay bắt đầu không?
Không, trước tiên mấy con vào hơi thở thì mấy con tác ý, rồi mấy con tác ý mà nếu để cho tâm mình nương vào hơi thở được, thì các con thở một hơi thở nhẹ nhàng, khoảng ba hơi yên lặng hoặc một hơi thở cũng được, thì chừng đó để hơi thở tự nhiên ra vô một cách tự nhiên.
Rồi từ trên hơi thở đó quán sát bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm của mình mà thôi, chứ đừng có sử dụng hơi thở bằng cách là quá dài hoặc là bằng cách điều khiển hơi thở thế này thế khác, để rồi sau này nó thành quen, cứ mình vào đó mình tác ý trước, rồi "hít vô tôi biết tôi hít vô rồi thở ra tôi biết tôi thở ra", hoặc là "cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra".
(02:34) Ở đây thật sự ra Thầy đã dạy mấy con đầu tiên vô về cái hơi thở, thì “hít vô tôi biết tôi hít vô thở ra tôi biết tôi thở ra”, các con đã biết hít vô thở ra rồi, thì bắt đầu bây giờ tới cái đề mục để mà tu tập về Tứ Niệm Xứ á, thì mấy con chỉ ta cần tác ý câu, "cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra", rồi bắt đầu mấy con quay lại mấy con nhìn, nhìn cái thân của mấy con rồi mấy con hít vô thở ra, rồi lần lượt hít vô thở ra chứ không có vận dụng hơi thở dài ngắn để cho nó ức chế tâm mình, để cho mình bám chặt vào chỗ tụ điểm nào đó, nó không phải vậy.
Cho nên cái câu hỏi của con: trước khi vào hơi thở tu tập chúng con có thở trước 3 hơi thở bằng miệng hay bắt đầu ra sao xin Thầy chỉ dạy? con mới biết tu còn chưa rõ lắm, con kính xin Thầy quán xét chỉ dạy cho con thêm?
(03:30) Nghĩa là, bây giờ con bắt đầu con vào tu cái pháp này thì con phải tập trước những hơi thở, "hít vô tôi biết tôi hít vô thở ra tôi biết tôi thở ra", rồi con hít vô thở ra với hơi thở bình thường con thôi.
Đừng vận dụng dài mà cũng đừng vận dụng ngắn, bình thường thôi, rồi khi mà thở ra bình thường được rồi, thì bắt đầu con mới tác ý, "cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra", rồi bắt đầu đó thì con nhìn cái thân của con, con quay cái tâm của con vô con nhìn nó, con lắng nghe nó, rồi con hít thở ra vô, rồi con cảm nhận ở trên thân con thôi, như vậy là đủ, tức là con đang ở trong trạng thái cảm nhận thân nhưng mà nương vào hơi thở, tập như vậy đó là tập đúng.
Nhưng mà trước khi mà con hỏi, trước khi mà tu tập như vậy đó thì con muốn đúng cách thì con tác ý đề tài một của Định Niệm Hơi Thở: "hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra", rồi con hít vô thở ra phải tự nhiên, năm hơi thở.
Thay vì con tác ý con thấy năm hơi thở mà con biết con thở ra vô tại nhân trung của con rồi, thì bắt đầu đó con mới tác ý kế: "*cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra",* thì con sẽ hít vô thở ra cái cảm giác đó, thì con sẽ tu đúng về Tứ Niệm Xứ không có sai.
(05:04) Trưởng lão: Kính bạch Thầy con xin được thưa hỏi một số điều, con người ta phải có lòng từ thì mới xả tâm tốt có phải không?
Trưởng lão: Không phải, dù không có lòng từ thì cũng xả tâm, bởi vì muốn xả tâm là phải tập xả tâm. Còn có lòng từ mà xả tâm thì do lòng từ mà xả tâm, chứ không phải lòng xả.
Ở đây có bốn pháp độc nhất:
Nếu mà người tu lòng từ thì trong lòng từ đó có xả tâm.
Nếu người tu tâm Xả thì ở trong tâm Xả có lòng từ; Nếu không có lòng từ thì cũng không xả được.
Bởi vì Từ nó đủ, tâm Từ thì có đủ tâm Xả nhưng nó không phải câu hữu với tâm Xả, nhưng tại mình vì lòng Từ thì mình có Xả.
Còn mình có tâm Xả thì có lòng Từ, lòng Bi, lòng Hỷ; nếu mà mình có tâm Xả mà thiếu lòng Từ, Bi, Hỷ thì cái Xả đó không phải Xả, tức là bị ức chế chứ không phải xả.
Cũng như mình có lòng Từ mà mình không có Xả mình chỉ thương suông. Thì như vậy là cũng không phải lòng Từ, vì đó mình nói bây giờ tôi phải thương người đó vậy, mà tôi không có xả thì tức là lòng từ đó bị ức chế nó không đúng.
(06:15) Cho nên trong Từ thì nó có Xả mà trong Xả thì nó có Từ. Cho nên người ta phải có lòng từ thì mới xả tâm tốt, nó có lòng từ thì không phải tôi không tu tâm Từ, mà tôi tu tâm Xả, nghĩa là tất cả những ác pháp những gì đó mà đưa đến tôi đều xả, thì như vậy con người ta phải có lòng từ thì mới xả tâm tốt. À như vậy là mình chỉ hợp với lòng từ thì mình nên tu lòng từ để cho mình xả. Cho nên trong Từ có Xả chứ không phải là tâm Xả.
Chứ không phải vì người nào cũng phải tu lòng từ mới xả được, không phải không phải vậy, cho nên cái này là phải nghĩ đúng.
Có người ác pháp thiện pháp họ không nghĩ họ thương ghét ai hết, nhưng mà họ thấy đó là những ác pháp họ xả, họ không chấp nhận để cho tâm họ được bình an, để cho tâm họ được bất động, thì ngay đó họ không nghĩ họ Từ, nhưng mà sự thật ra họ có Từ.
(07:07) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: tâm Từ được xuất phát từ trái tim nhân hậu, phải biết đau nỗi đau của người cũng như của mình, đối với vạn vật, muôn thú, cỏ cây cũng như vậy có đúng không?
Trưởng lão: Không phải, đó là tâm Bi chứ không phải tâm Từ. Tại vì tâm Từ xuất phát từ trái tim của mình hoặc là tâm Bi cũng từ xuất phát từ trái tim của mình. À phải biết nỗi đau của mọi người, cũng như đối với muôn vật muôn thú đó là tâm Bi, nỗi đau là cái đau khổ tức là thương xót tức là tâm Bi.
Còn tâm Từ thì phải thương yêu hạnh phúc sự bình yên của chúng sanh, cho nên chúng ta không chạm đến chứ không phải là thấy sự đau khổ của chúng sanh mà chúng ta phát khởi tâm Từ.
Do đó con lộn tâm Từ với tâm Bi nó có phần khác nhau, nó không giống, cho nên phần nhiều người ta hay lộn cái tâm Từ và tâm Bi.
Do đó mình phải thấy tâm Bi là trước sự đau khổ đó mà chúng ta khởi cái lòng bi của chúng ta, để chúng ta thương yêu thương xót cái sự đau khổ đó, còn lòng Từ là thương xót cái sự hạnh phúc không có chạm đến cái sự bình an của một loài vật khác của một loài thảo mộc cây cỏ khác, đó là lòng Từ. Phân biệt được như vậy thì chúng ta mới thấy được cái lòng Từ.
(08:21) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Những ai có tâm Từ thật sự nó sẽ biểu hiện ra mọi hành động, thậm chí như một ánh mắt nhìn cũng thể hiện tâm Từ, khi đã có tâm Từ nó rất sâu lắng khó có danh từ nào mà diễn tả được, tâm Từ nằm sâu thẳm nơi trái tim, danh từ chỉ là những chữ nghĩa diễn tả phần thô còn phần tế biểu hiện qua hành động có đúng không?
Trưởng lão: Đúng, ở đây là tâm Từ thì nó thể hiện qua cách nhìn ngó, nó đem lại sự bình an cho người khác mà không có làm cho người khác mất sự bình an, đó là tâm Từ, cái này đúng.
(09:02) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Khi tu tâm Từ biến cách thì lần lượt tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả sẽ xuất hiện có đúng không?
Trưởng lão: Không, tại vì trong Từ có Bi, Hỷ, Xả, cho nên tâm Từ có thực hiện được thì Bi, Hỷ, Xả có nhưng mà nó không phải là bi, hỷ, xả của pháp Bi, Hỷ, Xả của Tứ Vô Lượng Tâm; mà Từ ở trong tâm Từ đó nó có bi, hỷ, xả như Thầy đã nói, rồi bây giờ chúng ta tu tâm Bi, thì từ ở trong tâm Bi đó nó có tâm Từ tâm Hỷ và tâm Xả; mà nếu chúng ta tu tâm Hỷ thì trong đó trong tâm Hỷ nó có từ, bi và xả; mà nếu tâm Xả thì nó có từ, bi, hỷ nó có đủ.
Cho nên tu một tâm mà nó có đủ những trạng thái đó. Bởi vì nó đều hoàn toàn nó phải có thể hiện đó nhưng mà nó không vai chính nó chỉ phụ thôi. Tại vì nó không thể hiện rõ nét nhưng mà nó phải có những tâm kia, cho nên mình tu một tâm độc nhất mà nó thể hiện được đi đến cứu cánh là như vậy.
Như vậy là con đã hiểu rồi, rồi ai còn hỏi về đề tài gì nữa không con.
Rồi bây giờ thì hết rồi, thì như vậy thì mấy con…
(10:33) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Kính bạch Thầy chỉ dạy cho con rõ về phương pháp đối trị lại tâm Ái Kiết Sử, như nghĩ về Cha mẹ và việc thường làm của Cha mẹ anh em trong gia đình, như nghĩ đến bạn bè?
Trưởng lão: Đó là Ái Kiết Sử thì con đem nhân quả ra mà quét nó chứ không có gì hết. Đó là cái niệm Ái Kiết Sử, chứ ở đây không có quán. Bởi vì về cái phần Ái Kiết Sử mà muốn phá cái trong Thất Kiết Sử hoặc Thất Kiết Sử đó, mà nếu nó có một cái niệm nào nó nằm ở trong đó thì con đem cái nhân quả ra. Tức là đối với Cha mẹ, anh em, chị em trong gia đình của mình thì nó là cái Ái Kiết Sử rồi.
Nhưng mà Ái Kiết Sử thì nên quán nhân quả, đem nhân quả ra mổ xẻ. Mà nhân quả thì học rồi, bởi vì trong gia đình của mình đó là chùm nhân quả. Nếu mà cái chùm nhân quả của mình thì phỏng như đời nay thì mình biết nhưng mà đời trước thì mình đâu có biết được nhân quả của mình ra sao, cho nên mình không hiểu nhân quả đời trước của mình.
(11:34) Ví dụ như đời trước Cha mẹ anh em của mình, mình đâu có biết, chỉ biết ở trong hiện tại đời nay thôi, rồi mình thương yêu trong đời nay. Nhưng mà trong đời khác thì mình đâu có biết. Ví dụ như Cha mẹ trong đời khác, Cha mẹ mình trong cái đời khác bây giờ nó thành con gà, con vịt xung quanh mình, mình bắt làm thịt thì như vậy thì ái kiết sử ở chỗ nào. Cho nên mình lấy nhân quả đó mình phá cái Ái Kiết Sử trong hiện tại cái đời nay của mình, thì mình sẽ được bình an, con hiểu không?
Nó, thì như vậy chứ không có cần, vì đây là nó qua cái sự mà Chánh Tư Duy trên Chánh Tư Duy để áp dụng rồi, áp dụng chứ không còn hỏi mà qua cái bài học nữa, ở đây nó không còn ở bài học mà nó là cái bài xả tâm rồi.
(12:11) Mà nói về cái niệm Ái Kiết Sử thì nó không phải là cái bài học, để mà chừng nào mà mấy con làm không được không hiểu thì mấy con trở về cái lớp Chánh Kiến trở lại để học những cái điều đó, thâm sâu hơn để áp dụng xả tâm. Chứ không phải là ở trên này để học để chơi nữa, không phải.
Chỗ này là cái niệm Ái Kiết Sử nó làm con ghi nhớ đau khổ, rồi đây nhớ mẹ nhớ cha của mình, thì thôi nhớ thôi mừng, xả không được mà quán nhân quả không xong, thôi mình về gần bên cha mẹ mình cho nó yên ổn hơn, chứ ở đây mà kiểu đó tu chẳng tới đâu hết, mắc công lắm.
Đó là như vậy thôi. Chứ còn không thể học cái này được, mà cái này phải tự mình.
(13:06) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Theo con hỏi Tứ Niệm Xứ, trong bốn oai nghi?
Trưởng lão: Tứ Niệm Xứ bốn ghi bốn oai nghi:
- Đi: trong cái oai nghi mình đi, thì mình vẫn quan sát thân của mình, chứ không phải mình đi mà mình chú ý cái bước đi của mình, mình đi là tại vì mình bị hôn trầm, thuỳ miên mình đi, nhưng mà mình nhắc tâm thanh thản an lạc vô sự, rồi chừng đó mình nương vào cái mình quan sát mình nhìn lại cái thân của mình, để xem coi nó có chứng ngại gì trên đó không, đó là oai nghi đi;
Rồi ngồi thì được hai cái oai nghi đi với ngồi, ngồi thì dễ rồi.
Rồi còn tu Tứ Niệm Xứ theo bốn oai nghi, con mới tu có hai oai nghi ngồi và nằm.
Bây giờ mới có được hai oai nghi ngồi và nằm, oai nghi đi thì như Thầy nói mình đi mà không tập trung như trong cái Chánh Niệm Tỉnh Giác, mình đi mình biết mình đi, mà mình vừa đi mà mình quan sát mình, nhìn lại cái thân của mình giữ cái tâm bất động thanh thản an lạc vô sự, đó là mình đang đi tu Tứ Niệm Xứ.
- Đứng: khi mình đi một lúc rồi mình không có ngồi, mình đứng lại, mình đứng lại mình cũng quan sát trên bốn chỗ Thân Thọ Tâm Pháp của mình. Đứng với ngồi thì nó giống nhau.
Nhưng mà đi thì nó không bị buồn ngủ, mà đứng nó cũng dễ buồn ngủ, mà ngồi thì nó cũng dễ buồn ngủ, nằm thì nó dễ ngủ hơn.
Cho nên vì vậy mà khi ngồi khi đứng và khi nằm thì rất là cảnh giác, cảnh giác trên cái hành động đang đứng, đang ngồ,i đang nằm, nó để mà giữ gìn cho nó rõ ràng.
(15:00) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Đi, đứng con chưa rõ vậy xin Thầy chỉ dẫn cho con?
Trưởng lão: Đi đứng thì cũng đâu có khó gì, ví dụ như bắt đầu mình ngồi bắt đầu mình muốn đứng dậy, thì mình nhắc tâm mình phải chú ý, là bắt đầu bước đi thì phải kỹ lưỡng hẳn hòi, do đó mình nhắc nó rồi.
Thì khi đó mình thay đổi cái oai nghi mình chú ý từng cái hành động của mình: mình đứng dậy, rồi bắt đầu đó mình bước đi.
Lúc bấy giờ đó mình chú ý cái hành động, mà sau khi cái hành động mình nó đi năm ba bước rồi, thì mình nhắc "tâm thanh thản an lạc vô sự, hãy chú ý vào thân đừng chú ý vào bước chân" thì mình nhắc như vậy thì bắt đầu cái tâm của mình nó quay vô nó lưu ý cái thân của mình.
Từ cái thay đổi oai nghi ngồi mà đến cái oai nghi đi, thì chúng ta, cái khoảng thời gian mà đứng dậy đi thì chúng ta chú ý tới hành động đứng dậy đi, cái thân hành của chúng ta lúc bấy giờ xem coi nó đứng dậy.
Rồi bây giờ nó giở chân nó bước đi: thứ nhất, thứ hai, thứ ba cho đến khi thấy nó đi đều được rồi, thì bắt đầu chúng ta quay lại nó nhìn Tứ Niệm Xứ.
Chứ không phải đang lúc đứng dậy đi.
Cho nên trong cái kinh Đại Không thì đức Phật dạy mỗi khi đi đứng nằm ngồi, mà mỗi khi mà thay đổi cái oai nghi, thì chú ý kỹ trên cái oai nghi thay đổi đó, để rồi mình mới chuyển lần nó qua cái Tứ Niệm Xứ, tức là cái tâm thanh thản an lạc vô sự của chúng ta.
Đó là mấy con cứ chuyển như vậy là đúng.
(16:43) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Con hỏi Thầy, Thầy nói Hỷ là pháp độc nhất không xen một pháp nào hết, con nghe Thầy đọc dàn bài thì đọc Hỷ với lòng Từ?
Trưởng lão: Hỷ với lòng Từ, là cái tâm Hỷ mình với lòng Từ, không có nghĩa là mình tu với lòng Từ, mà trong Hỷ nó có lòng Từ, con phải hiểu. Bởi vì muốn dùng cái danh từ cho nó cụ thể rõ ràng, nói với lòng Từ để cho nó rõ Hỷ với lòng Từ. Nghĩa là khi mà với cái tâm mình hoan hỷ thì ngay đó nó có lòng từ. Thì xác định lòng từ của mình từ trong hỷ mà sinh ra, tức là mình phải nói cho rõ chỗ này để không người ta thấy như mình hai pháp.
Muốn nói như vậy để cho thấy cái chỗ mình tu chỉ có một pháp độc nhất, mà thấy có lòng từ của mình lòng thương yêu của mình sanh ra; mình nói đây là lòng từ của mình. Thì như vậy coi chừng mình lầm. Từ trong Hỷ nó có cái Từ của nó như Thầy nói, nó có Từ, rồi nó có Bi, rồi nó có Xả ở trong đó; chứ nó không phải không.
Nếu mình thấy mình xả được thì do nó Hỷ nó có pháp Xả nữa sao? Không, nó chỉ có một nhưng mà nó tiềm (ẩn) nó đủ ở trong đó, nó có hỷ. Hễ tâm mình có hỷ là nó có xả, có từ. Nhưng mà ở đây nói nó với lòng Từ, với lòng Bi, lòng Xả là để cho mình phân biệt được trong Hỷ nó có Từ, có Bi, có Hỷ, Xả.
Con hiểu không? Nghĩa là cái dàn bài như vậy để cho mình nhận xét cho rõ; chứ không phải là mình với là nó có cái pháp kèm với nó. Không phải để cho mình nắm cho rõ.
(18:09) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Như vậy đâu còn pháp độc nhất vì pháp độc nhất là không có một tâm Từ? Tại vì con hiểu sai cái lời Thầy nói.
Nên Bi là một pháp độc nhất vì Thầy nói pháp độc nhất Hỷ là Hỷ chứ sau lại là Hỷ với Từ tâm sao được, con chẳng hiểu câu này?
Trưởng lão: Đó Thầy giải thích cho con hiểu, Thầy đã nói trước khi Thầy cho cái dàn bài này Thầy đã nói trước rồi. Từ trong Hỷ thì nó có Từ và Bi, Xả trong đó nó có đủ. Nói “với” để cho mình nhận xét qua cái chỗ của mình, khi mình Hỷ cái này, nó có cái Từ hay không? Muốn cái dàn bài của mình để cho mình nhận xét qua cái đó nó có cái từ không? mà Hỷ này nó có Bi không? Bởi vì khi mình hoan hỷ được thì mình biết cái lòng của mình, Từ nằm ở trong cái chỗ nào, nó có cái trạng thái nào mà xảy ra cái Hỷ này. Nó xảy ra cái Hỷ này do Từ hay xảy ra cái Hỷ này do Bi.
(19:10) Thí dụ như bây giờ đó Thầy rất hoan hỷ khi mà Thầy làm cái công việc giúp một người đang bệnh đau, mà Thầy rất hoan hỷ trong vấn đề làm việc này. Thì lúc bấy giờ cái hoan hỷ của cái việc làm này, thì rõ ràng mà Thầy xét thì đó là với cái tâm Bi của mình, nó không lộn với tâm Từ được. Bởi vì hành động có người bệnh đau, Thầy ôm người đó, Thầy nuôi họ, Thầy đem đến Bệnh viện, để mà mọi người để Bác sỹ họ lo lắng, rồi Thầy giữ Thầy ở đó Thầy giúp đỡ tận tình với cái người bệnh đau đó, cho đến khi cái người đó mạnh rồi.
Thì lúc bấy giờ Thầy thấy cái niềm hoan hỷ mà Thầy làm cực nhọc như vậy; mà Thầy rất hoan hỷ thì trong đó, Thầy xét lại, đó bây giờ chính cái hành động mà hoan hỷ này nó có cái bi trong đó, chứ không phải Thầy tu tập cái bi, mà Thầy tu tập cái hỷ, các con hiểu không?
Nhưng mà vẫn có cái bi ở trong đó, bởi vì cái hành động Thầy làm giúp đỡ cái người đó, nó có cái bi, thì ở đây cái dàn bài rất kỹ để chúng ta thấy được cái hành động chúng ta làm cho công việc đó, nó thể hiện lòng hỷ của chúng ta mà nó thể hiện qua cái bi, qua cái từ, qua cái lòng xả của chúng ta.
(20:22) Thì như vậy là con đã hiểu rồi chứ không phải là nó còn hai pháp đâu. Cũng như xả là xả chứ không xen hỷ.
Xả là xả nhưng mà chúng ta nghiệm trở lại, nghiệm trở lại thì xả hết rồi, khi bắt đầu mình xả hết thì bắt đầu mình thấy do tu tâm Xả, mà khi mà xả hết rồi thì con thấy có sự an lạc. Bởi vì đức Phật nói "xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh" đó, thì nó ở trong trạng thái Tứ Thiền, mà Tứ Thiền là cái hỷ lạc của Tứ Thiền nó tuyệt vời hơn là Sơ Thiền, Nhị Thiền, nó phải có.
Nhưng mà ở đây cái tâm Xả của Tứ Thiền mấy con thấy, nó có hỷ lạc không? Nhưng mà trong Tứ Thiền nó có hỷ lạc rất là tuyệt vời, chứ không phải không có, nhưng mà mình nghiệm xét lại. Bây giờ tôi xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh nè, tôi xét lại tôi thấy rõ ràng trong đó có cái hỷ, có phải không?!
Nếu mà không có hỷ thì tôi lạc con đường khác rồi, cũng như bây giờ Thầy ly dục ly ác pháp, Thầy nhập Sơ Thiền thì Năm Chi Thiền hiện ra. Năm Chi Thiền hiện ra thì do ly dục sanh hỷ lạc thì bây giờ cái hỷ nó có, phải không?
Do tôi ly dục, ly chứ không phải là tôi tu cái tâm Hỷ nhưng mà trong cái tâm ly nó có cái hỷ trong đó, các con hiểu không?
Chứ không phải là tôi tu tâm Hỷ nghĩa là do cái Sơ Thiền, bây giờ cái Sơ Thiền là cái dễ nhất, tôi ly dục ly ác pháp tự nó có cái hỷ, do ly dục ly ác pháp, do ly dục sanh hỷ lạc. Cái hỷ lạc do ly dục, cho nên chỗ ly đó, chỗ ly dục nó mới có cái hỷ lạc này, phải không!?
Do chỗ diệt tầm tứ, Định sanh hỷ lạc, do diệt tầm tứ nó mới có hỷ lạc này, cho nên cái hỷ lạc này khác. Vì vậy mà do tôi diệt tầm tứ mà tôi có hỷ lạc, tôi diệt nó. Còn do tôi xả tôi tu cái tâm Xả cho nên xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thường thì tôi có cái hỷ lạc của Tứ Thiền, cái hỷ này không phải do tôi tu đâu.
Còn tôi tu trong cái hỷ thì nó lại khác. Đó thì mình sẽ hiểu để mà làm bài cho đúng, chứ không khéo nói pháp độc nhất rồi nó có hai pháp.
(22:33) Như vừa rồi thì cũng như là Nguyên Thanh hỏi Thầy thì coi như là cái hỷ này với lòng từ, hiểu như vậy là có hai pháp rồi đó mấy con, thành ra cái hiểu của nó thì nó hiểu là Thầy nói như vậy là có hai pháp!
KHÔNG, nó đã hiểu sai cái ý của Thầy muốn nói, cho nên Thầy nói pháp độc nhất mà trong đó Thầy đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ở trong đó nó có khi mà Hỷ thì nó có Từ, Bi và Xả, mà khi tu tâm Từ thì trong tâm Từ đó nó có Bi và Hỷ và Xả.
Nó có luôn bốn cái của nó ở trong đó, nhưng mà cái đó là của nó chứ không phải là của cái pháp khác đắp vào, tại mình hỷ được thì mình phải có mấy cái kia, mà mình từ được thì mình có mấy cái kia, chứ không phải mình tu các pháp kia, mình phải hiểu như vậy.
(23:29) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Vì trong xả có tiềm ẩn tâm Từ Bi Hỷ cho nên bài giải độc nhất là một, Thầy giảng câu này cho con biết?
Trưởng lão: Nó như vậy là đúng chứ không có sai đâu, Thầy giảng cho hiểu biết, cho nên do cái sự tu tập mà không khéo thì khi mà làm bài này thì nó sẽ bị sai đi; cho nên vì vậy mà khi mình làm thì cần thiết mình nhận xét qua cái sự thực hành.
Ở đây Thầy muốn nhắc trong cái sự thực hành mấy con, khi các con tu về tâm Xả rồi mấy con nghiệm lại cái tâm Xả thì mấy con thấy, khi mà xả thì mấy con sẽ thấy xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, thì mình nghiệm lại mình thấy ở trong cái trạng thái của Tứ Thiền thì nó có cái hỷ lạc của Tứ Thiền.
Bởi vì mình tu này là tâm Xả, tu xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh.
Bây giờ tôi tịnh chỉ hơi thở là tôi xả thọ đó, mà khi cái hơi thở tôi nó ngưng rồi thì tôi nghiệm xét coi nó ngưng đây nó thọ khổ hay là thọ lạc đây, mà không ngờ nó là nó có cái sự hoan hỷ rất lớn, nó có do tu cái tâm Xả chứ đâu có tu tâm Hỷ mà tại sao nó có lòi cái hỷ đây, thì như vậy là mình sẽ thấy rằng trong cái tâm Xả mình vẫn có cái hỷ ở trong đó.
Một lúc nữa mà khi các thầy về xong thì con ở đây gặp Thầy một chút.
(25:10) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Kính bạch Thầy con vẫn chưa hiểu khi đang hành pháp Tứ Niệm Xứ có năm dục trưởng dưỡng sanh khởi, nên dùng Định Vô Lậu quán xả hay dùng pháp tác ý để quét, kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con?
Trưởng lão: Năm dục trưởng dưỡng là con không phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý cho nên nó tiếp xúc nó sanh ra trưởng dưỡng chứ không có gì hết.
Vì vậy mà con ở trên Tứ Niệm Xứ con dùng cái pháp mà phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thì ngay đó nó không còn có nữa con, nó không có sanh dục trưởng dưỡng nữa.
Bởi vì năm dục trưởng dưỡng nó qua cái chỗ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình, nó mới sanh ra năm dục trưởng dưỡng, cho nên khi mà có năm dục trưởng dưỡng khởi, thì con sẽ dùng cái pháp phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý hướng dẫn nó phải quay vào trong Tứ Niệm Xứ của con thì nó hết.
Chứ không cần tác ý một cái gì khác, ở đây con nói dùng Định Vô Lậu quán xả, khi mà tiếp xúc nhau nó mới sanh ra cái niệm dục đó, ở đây con dùng con quán thì nó, ở đây dùng quán Định Vô Lậu là khi nào trong tâm nó tự cái ý con nó khởi ra một cái niệm, phải không?
Con mới dùng cái Định Vô Lậu mà quán xét cái niệm đó để xả.
(26:24) Còn năm dục trưởng dưỡng bây giờ con mắt của con nó thấy cái đó nó khởi thì con phòng con mắt con lợi đừng có cho nó thấy, nó thấy nó thích cái đó, cũng như bây giờ con ngồi đây tu mà cái niệm nó khởi trong đầu con nó thấy món ăn ngon là tại cái niệm nó khởi món ăn ngon, cho nên con dùng cái Định Vô Lậu quán thực phẩm bất tịnh, thì làm con không thích ăn nữa, con hiểu không? Còn bây giờ người ta đem người ta hề trước mặt con cái đĩa đồ ăn, phải không! Con mắt con thấy món ăn bây giờ nó sanh khởi thì nó đâu phải còn cái niệm nữa, đây là phóng dật rồi, phải phân biệt như vậy.
Năm dục trưởng dưỡng mà nó thấy rồi nó sanh dục rồi, do như vậy con muốn xả nó, con muốn xả cái niệm này thì con phòng hộ con mắt quay lại đừng có nhìn cái dĩa đồ ăn đó nữa, cái bánh mì coi bộ ngon quá là không được, mày phải quay vô ngó vô, thì tức là con phòng hộ con mắt con đang trở lại.
Rồi bây giờ cái lỗ mũi con, con nghe cái mùi thực phẩm nó ngon quá nghe nó thơm quá, bảo mày không có nghe, bịt cái lỗ mũi lại không có cho nghe thì như vậy con phòng hộ nó, con nhớ chưa; đó là cách thức phòng hộ của năm dục trưởng dưỡng là phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý mình chứ không có gì.
Còn khi nào nó khởi cái niệm trong đầu con nó không có cái vật đó, nó không có con mắt thấy, không có lỗ tai nghe, mà trong đầu con nó khởi lên cái niệm muốn ăn, thèm ăn, thì cái đó là cái niệm dục, do đó con phải dùng Định Vô Lậu mà xả nó, rồi dùng pháp tác ý, có như vậy thôi.
(27:48) Cách thức áp dụng trong Tứ Niệm Xứ này là như vậy. Cho nên trong Tứ Niệm Xứ nó đủ. Tứ Niệm Xứ mà Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Pháp là các Pháp ở ngoài tác động vô mà mình thiếu phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thì mình bị dính, bị dính năm dục trưởng dưỡng là do ở chỗ mà các Pháp bên ngoài tác động vô sáu căn của mình.
Do tu tập phải biết cách như vậy mình mới xả nó được chứ còn không khéo thì mình không biết cách mình xả.
Rồi bắt đầu mấy con còn ai hỏi điều gì nữa?
(28:17) Tu sinh: Kính bạch Thầy, con xin hỏi Thầy một câu này rất là hành động có thể xảy ra được từ bi, lấy ví dụ đến giờ Thầy thọ trai rồi khi có một đoàn khách ở xa đến, họ xin được lễ Thầy gặp Thầy thì Thầy đã bỏ cái giờ thọ trai đó Thầy ra Thầy tiếp họ và trong quá trình Thầy giảng Pháp cho họ nghe thì họ cứ nghe hoài, mà nghe rồi vì họ cảm thấy khát khao quá họ cứ nghe mãi, mà họ cũng không biết là Thầy lúc này Thầy thọ trai chưa hay là chưa thọ trai nhưng họ cứ vọng theo ý của họ rồi họ gặp được Thầy, như là được uống nước cho nên họ cứ hỏi mãi hỏi đến hết giờ thọ trai của Thầy nhưng tiếp họ đổi lại như thế thì cái phần sau có thể họ ghi được không ạ, tại vì họ có thể kể lễ gia đình các thứ rồi họ khóc lóc thậm chí họ khóc lóc thì Thầy vẫn giảng cho họ tiếp vì thế con thấy cũng một hành động như thế có thể… Thầy mở lòng từ để Thầy giúp họ mà Thầy thấy thái độ họ như thế mà Thầy vẫn tiếp thì như thế xảy ra là bi được không ạ?
(29:46) Trưởng lão: Không con, bởi vì đó là lòng từ của Thầy, trên lòng từ có bi, thành ra nó cho nên không thể nào mà trong khi sử dụng bởi vì trước kia bây giờ Thầy không có khách đến, thay vì cái lòng từ cho nên Thầy không có gì đó mà Thầy ngồi Thầy dùng cơm, tức là thể hiện lòng từ thương họ, họ đến đây bây giờ để họ phải chậm trễ thì mình thương họ, cho nên Thầy đến.
Thầy thuyết giảng họ, bây giờ họ mới kể lể gia đình họ, nào con cái bất hiếu này kia đủ thứ, không có nghĩa vì cái lòng từ Thầy đang thực hiện thì phải có lòng bi thôi, thì bây giờ trong khi đó chỉ có đầu tiên, là cái lòng Thầy thực hiện lòng từ, con hiểu không? có một pháp độc nhất mà, bây giờ trước cảnh mà bi này kia đều là có thực hiện bi hết nhưng mà không phải gọi nó là bi được, con hiểu không?
Bây giờ Thầy thực sự ra thì họ thì biết rằng họ đang bình an mạnh giỏi, họ mới đến đây, họ không phải đau khổ gì hết. Nhưng mà cái niềm đau khổ của họ thì riêng tư của họ thì họ đến đây để mà họ mong được cái lòng thương yêu của Thầy hoặc là được nghe bài pháp của Thầy thì cởi mở họ thôi, nhưng mà Thầy, cái hoàn cảnh này Thầy cũng chưa biết là họ, con người họ đau khổ như thế nào Thầy cũng chưa biết đâu?
(31:03) Thầy chỉ biết là bây giờ đừng có để họ chờ đợi mình thôi, để tội vì tại gì họ ở xa họ đến đây mà bây giờ lỡ cái bữa ăn, thôi mình dừng lại một chút không có gì đâu.
Đến đó là lòng từ thuyết pháp dù có lỡ mà trễ cái giờ ăn một chút hay hoặc là trễ cái giờ ăn mà mình nhịn ăn bữa này cũng không chết đâu, là mình an ủi mình giúp cho những người này để cho họ nghe pháp họ về họ sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người là tốt nhất, đó là cái lòng từ của Thầy, thương họ như vậy, Thầy đến để thuyết pháp.
Rồi bắt đầu thay vì họ không có hỏi dài dòng, chỉ chừng vài ba câu thì Thầy vào ăn cơm, Thầy thọ trai, còn bây giờ họ mới sẵn cái việc đó, nghe Thầy nói đạo đức như vậy đó họ mới kể lể con cái họ như thế này thế kia, họ kể bao nhiêu nỗi khổ thì không có nghĩa là bây giờ đó ở trên cái lòng từ của Thầy thực hiện thì có bi luôn.
Bây giờ để kể lại những cái không phải là Thầy thực hiện cái lòng bi của Thầy để ra đây, để mà an ủi cho những người đau khổ này, nếu Thầy có mục đích là Thầy biết rằng những người này là những người đau khổ cho nên Thầy thực hiện lòng bi, còn cái này không Thầy thực hiện lòng từ thôi, thì đó là lòng Từ có Bi.
Tu Sinh: Sau khi Thầy giảng cho các đệ tử Thầy trễ giờ cơm rồi Thầy có dùng được không Thầy?
(32:24) Trưởng lão: Ví dụ như sau khi mà trễ giờ cơm thì Thầy không dùng bởi vì quá giờ rồi, ví dụ như thay vì trong khoảng từ 10 giờ cho đến 12 giờ, nhưng mà bây giờ nó quá 12 giờ, 12 giờ 5 phút, 12 giờ 10 phút thì coi như quá giờ rồi. Thôi uống nước thôi cũng được chứ không có ăn uống gì nữa hết, coi như quá giờ bởi vì quá trai rồi thì mình cũng bình thường thôi không có gì, bởi vì mình ăn quá giờ thì nó cũng không hay ho gì hết mà do cái chỗ tu tập mình giữ được cái hạnh của mình mà càng thanh tịnh chừng nào càng tốt nó sống không phải vì ăn mà vì sự giải thoát.
Cho nên trong khoảng thời gian mà đã quy định rồi thì từ 10 giờ đến 12 giờ mà quá 12 giờ thì mình muốn ăn thì ít ra mình cũng phải khai giới, còn không thì thôi không cần khai giới, Thấy thấy nó bình thường không có gì hết.
(33:20)Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Thầy giảng cho con biết trong vũ trụ có những electron là những phần tử, vậy trong những phần tử đó có sự hiện diện của cái thanh thản không? Mặt Trời bị huỷ diệt có co nhúm lại, vậy thì sự co nhúm của Mặt Trời có ảnh hưởng gì tới đời sống của loài người không?
Trưởng lão: Câu hỏi thứ nhất là những sự thay đổi đó là theo quy luật của nhân quả, quy luật vô thường của các pháp thì sự thanh thản vẫn là thanh thản chứ nó không bị ảnh hưởng gì hết.
Cũng như sóng thần là sóng thần, nó thanh thản nó vẫn thanh thản.
Cũng như bây giờ mọi người xúm nhau chửi mắng Thầy, tâm Thầy bất động là nó thanh thản là thanh thản không có cái sự chửi mắng Thầy, mà nó làm mất cái thanh thản Thầy được, tại vì Thầy mất thanh thản là Thầy thay đổi rồi, còn Thầy không có mất thanh thản thì không thay đổi.
Như Mặt Trời nó co nhúm lại thì nó co nhúm lại do mấy quy luật của nó thôi, nhưng mà sự thanh thản của Mặt Trời không mất, nó không mất cái sự thanh thản của nó.
Cho nên tất cả những cái sự mà cái sự thay đổi vô thường của các pháp ở trên cái vũ trụ này, nó không ảnh hưởng gì tới sự thanh thản, bởi vì cái thanh thản đã là thanh thản thì không có cái sự gì mà làm động nó được, mà nó động thì làm sao nó có thanh thản, cho nên nó không bị động gì hết.
(34:51) Nhưng cái phần tử mà con nói electron thì cái phần tử của nó trong cái phần tử nó nhỏ nhất vẫn có thanh thản mấy con.
Bởi vì nhỏ li ti nhất nghĩa là vô cực nhất nó vẫn thanh thản, bởi vì đó là cái trạng thái thanh thản, mà lớn như vũ trụ thì cái thanh thản đó cũng lớn như vũ trụ, nó lớn vô cùng mà nó cũng nhỏ vô cùng.
Nghĩa là bất cứ một cái vật gì một cái duyên gì ở trong cái hành tinh sống này, ở trên cái vũ trụ này thì cái gì mà nhỏ nhất thì cái trạng thái thanh thản cũng nhỏ nhất với nó, nghĩa là nó nhỏ, nhỏ không có thể nói được, rất nhỏ đó thì nó cũng không mất cái thanh thản của nó,
Bởi vì nó nhỏ nó cũng phải có sự thanh thản của nó trong đó, cho nên phải hiểu biết, bởi vì nó đứng độc lập ra ngoài cái quy luật của nhân quả, cái thanh thản đó, cho nên những cái sự mà hoạt động của nhân quả không có hoạt động được nó.
(35:52) Cũng như bây giờ Thầy thanh thản rồi không có ác pháp nào không có gì mà động được cái tâm của Thầy hết. Cho nên vì vậy đó, đó là mình phải thấy được cái bất động thanh thản của nó, nó vô cùng vô tận. Mà một vật gì cũng có mang theo sự thanh thản hết, Thầy có thanh thản, một cái bàn ghế này có thanh thản, một cái cây kia có thanh thản, một ánh nắng kia có thanh thản.
Tất cả mọi cái đều có thanh thản hết, không có không nơi nào. Nhưng cái thanh thản đó nếu con người thì mới sống được cái thanh thản đó, còn loài vật nó không biết, nó không có nhận ra cái thanh thản đó, cho nên chỉ có đạo Phật mới có Diệt Đế mà thôi, mà Diệt Đế chỉ cho chân lý thật sự của con người, của vũ trụ cho, nên nó sẽ nằm ở nơi cái chỗ giải thoát hoàn toàn.
(36:41) Trưởng lão đọc câu hỏi của Tu sinh: Vậy sự hiện diện của Mặt Trời và Mặt Trăng khi huỷ diệt có sự thanh thản ở đó không?
Trưởng lão: Nó huỷ diệt mặc nó bởi vì nó đâu có huỷ diệt mà nói huỷ diệt là sai là sự thay đổi là sự vô thường kế tiếp, Mặt Trăng này mất có Mặt Trăng khác, chúng ta đừng sợ mất Mặt Trăng.
Cũng như bây giờ chúng ta nói rằng, ví dụ bây giờ chúng ta đứng chúng ta nhìn Mặt Trăng, chúng ta biết mấy lần Mặt Trăng đã thay đổi không? Cũng như nhìn gương mặt của chúng ta đây, biết mấy lần mà chúng ta thay đổi mặt không, phải không?
Bởi vì chúng ta đâu phải có một thân này hoài đâu, nó thay đổi mà, nó theo luật vô thường mà, thân này mất thì có thân khác chứ sao, có phải không?
Thì Mặt Trăng bao nhiêu lần thay đổi chứ đâu phải có Mặt Trăng đó đâu!? Tại khoa học chưa có chứng nghiệm được điều đó, chưa thấy được cái điều đó thôi chứ nó đang thay đổi, Mặt Trăng cũng đang thay đổi, Trái Đất cũng đang thay đổi nhưng mà chúng ta ở trên Trái Đất chúng ta không hay Trái Đất thay đổi.
(37:38) Thầy nói thật sự mấy con, khi nào mấy con có Tam Minh rồi mấy con sẽ thấy điều này, còn bây giờ Thầy nói thì mấy con tưởng tượng ra thôi chứ còn thiệt ra mấy con chưa hiểu, nghĩa là bao nhiêu lần sự thay đổi. Bởi vì đức Phật nói các pháp vô thường thì Trái Đất cũng vô thường, Mặt Trăng vô thường, Mặt Trời cũng vô thường, không có vật gì mà không vô thường, ông Phật đã nói rồi, điều đó là điều xác chứng, nhưng chúng ta không thấy sự vô thường, cũng như bây giờ chúng ta có thấy cái thân vô thường không?
Nhưng mà nó vô thường từng sát na trong đó mấy con, chứ không phải là không vô thường, nó thay đổi từng chút, cho nên chúng ta cứ ngỡ là mình sống nhưng sự thật ra đang vô thường, trừ ra có khi nào cái thân này hoại xuống nó có thân khác thì nó chết, sự thật nó có chết ở đâu.
Thầy nói nó không chết, cho nên Mặt Trăng, Mặt Trời nó không có huỷ diệt nó đâu, nó có sự thay đổi, không huỷ diệt, ông Mặt Trời này vừa tắt ngủm xuống cái là có ông Mặt Trời khác ló lên mình không hay gì hết. Trời đất ơi nó thay đổi mình không biết gì hết, cũng như bây giờ thân mình thay đổi mình cũng chẳng biết gì hết, đúng không?
Một cái hiểu biết của mình, cái nhận xét của mình, nó không có hiểu biết được, nó không hiểu biết được luật vô thường của vũ trụ, luật vô thường của các pháp chúng ta không hiểu được.
Cho nên chúng ta cứ nghĩ là bây giờ chúng ta nhìn thấy sao đại như vậy, sao vua cũng thấy như vậy, cũng thấy, hồi tôi nhỏ thấy vậy giờ tôi cũng thấy vậy có thay đổi không?! Nó thay đổi thay đổi sao, bộ nó lặng mất hết hay sao, cũng như Trái Đất này nó thay đổi, tức nó làm mất Trái Đất này à? Trời đất ơi, môi trường sống như vầy như thế này mà nó làm mất được! Nó tụ tán liền chứ nó đâu có như thế này, nó vừa tán là nó tụ liền, cũng như mình vừa tắt thở là có liền chứ bộ nó để cho mình hở ra hay sao mà nó mất. Cho nên cái đôi mắt mình nó mất là tại mình vô minh, tại mình thấy không xa, mình thấy mất chứ không mất.
Thầy nói như vậy để mấy con thấy: sự vật nó vô thường liên tục mà nó không phải huỷ diệt đâu, cho nên hỏi nó có thanh thản ở đó có không thì dù là nó thay đổi bao nhiêu thì thanh thản nó hoàn toàn nó không có thay đổi, bởi vì trạng thái thanh thản không phải là trạng thái vô thường. Rồi con hỏi gì hỏi đi.
(40:00) Tu sinh: Dạ! Thưa Thầy! các phân tử electron có phải là sự thanh thản vô sự không?
Trưởng lão: Thầy nói bây giờ một vật rất nhỏ electron thì nó là cái phân tử của nó vẫn có cái thanh thản trong đó chứ làm sao không có, cho nên từ vật lớn, thiệt lớn và từ vật nhỏ, thiệt nhỏ vẫn có thanh thản. Đó là chân lý, chứ không còn cái gì nữa khác hơn hết. Đó là đức Phật đã xác định cách đây 2550 năm rồi.
Nghĩa là cái trạng thái Diệt Đế tức là thanh thản, an lạc, vô sự mà hôm nay Thầy, hồi đó đức Phật nói Diệt Đế làm cho mấy con khó hiểu, bây giờ Thầy nói "thanh thản, an lạc, vô sự" ai nói gì nói Thầy chỉ dùng danh từ đó cũng như ngày xưa đức Phật nói Diệt Đế.
Ông nội nói Diệt Đế bây giờ nói mấy con cũng chẳng hiểu, Thầy nói thanh thản, an lạc, vô sự mấy con nghiệm lại thấy mình có thanh thản.
Rồi mấy con nhìn vũ trụ mấy con thấy nó có thanh thản trong đó, có cái cảm nhận, cảm nhận qua ý thức của chúng ta, cảm nhận thôi chứ chúng ta cũng chưa rõ lắm, nhưng mà thanh thản đó nó không phải. Nó là cái sự bình an rất lớn. Khi chúng ta thanh thản 12 tiếng đồng hồ mấy con sẽ thấy. Bây giờ mấy con chưa đạt 12 tiếng đồng hồ đâu, cả mấy con giữ được 1 tiếng 2 tiếng đồng hồ là cũng có hỷ lạc dữ chứ, nhưng sự thật chưa phải đâu, chỉ đến khi 12 tiếng đồng hồ, Nhất Dạ Hiền mà mấy con, đức Phật đã xác định từng cái kinh nghiệm của đạo Phật rồi không bao giờ sai.
Thầy không dám sửa nó là 12, 13 tiếng đâu, đức Phật nói Nhất Dạ Hiền là 12 tiếng đồng hồ, thì bây giờ mấy con cứ giữ gìn cái tâm thanh thản, tâm không phóng dật của con 12 tiếng đồng hồ là mấy con sẽ thấy, chứ không có gì.
Mà từ việc lớn cho đến việc nhỏ, đức Phật nói các pháp vô thường, tức là các pháp vô thường nhưng trạng thái thanh thản là thường, có phải không mấy con thấy! Đó là Diệt Đế mà, trạng thái giải thoát người ta đàng hoàng mà, cái chân lý của người ta chỗ đó thì làm sao mà gọi là vô thường được, nếu vô thường thì làm sao đức Phật nói đó là chân lý. Vậy là mấy con hiểu được điều kiện mà đức Phật nói, thì Thầy nói càng đi sâu vào đạo Phật chúng ta càng hiểu và càng cảm thấy tuyệt vời.
Hôm nay một vài câu hỏi mấy con đã làm thêm cái sự hiểu biết của chúng ta thêm, Thầy mong mấy con sẽ có những câu hỏi hay để chúng ta càng hiểu thêm chứ.
HẾT BĂNG