00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 047A (NAM) - TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT - ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN-NHÂN-QUẢ (CHƠN THÀNH)

CK 047A (NAM) - TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT - ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN-NHÂN QUẢ (CHƠN THÀNH)

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh (nam)

Thời gian: 02/01/2006

Thời lượng: [37:36]

1- TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT

(00:00) Trưởng lão: Bước sang đầu tháng thứ ba sau 2 tháng tu tập Định Vô Lậu - quán xét, tư duy hiểu về nhân quả và các pháp vô thường. Sau những ngày tháng tu tập như vậy thì chúng ta đã có hiểu biết rất sâu về nhân quả! Và cũng là hiểu biết các pháp vô thường, để khi áp dụng vào Tứ Niệm Xứ chúng ta có cách thức để buông xả được từng tâm niệm của chúng ta. Cho nên hôm nay là đến cái tháng thứ ba, thì chúng ta bắt đầu áp dụng những cái điều mà chúng ta đã học được vào cái phương pháp Tứ Niệm Xứ để xả tâm.

Mục đích của đạo Phật là chúng ta ngăn ác, diệt ác - sanh thiện, tăng trưởng thiện hay hoặc là ly dục, ly ác pháp. Cho nên dùng những cái phương pháp nào để ly chứ không phải dùng những phương pháp để ức chế; cho nên hôm nay chúng ta biết cách để dùng, vì vậy mà sau 2 tháng học triển khai tri kiến của chúng ta để dùng xả tâm.

Cho nên, chúng ta vừa tạm đủ chứ chưa phải là đầy đủ, mới có tạm đủ để chúng ta xả được tâm chúng ta qua cái sự hiểu biết như thật là nhân quả và các pháp vô thường. Tạm đủ để chúng ta xả chứ chưa đủ, chúng ta còn quán nhiều bài pháp khác; còn tiếp tục đang học về Định Vô Lậu như chúng ta sẽ quán thân bất tịnh và chúng ta sẽ quán Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả.

Tất cả những điều này nhằm giúp chúng ta quán để chúng ta xả tất cả những tâm niệm, để làm cho thân tâm chúng ta bất động. Cho nên trong cái sự tu tập được hướng dẫn và huấn luyện kỹ lưỡng - vì vậy mà buổi chiều thì các cụ lớn tuổi được đến đây để học tập cách thức tu tập Tứ Niệm Xứ.

(02:17) Vì hôm qua, Thầy hướng dẫn cho bên nữ thì cũng buổi chiều chứ chưa có kiểm tra những người trẻ tuổi, mới kiểm tra những cái người lớn tuổi. Nhưng toàn bộ đều tu không có đúng cách của Tứ Niệm Xứ, cho nên chưa biết cách.

Và đồng thời, hôm nay thì đối với bên nam thì Thầy nghĩ rằng tất cả những người lớn tuổi trong buổi chiều, buổi sáng là chúng ta sẽ trả lại những cái bài học về Định Vô Lậu và cách thức tiếp tục làm những bài Định Vô Lậu. Làm sao cho đúng, làm sao cho những cái tri kiến của chúng ta hiểu đúng như thật và xoáy mạnh vào những tâm niệm tham, sân, si của chúng ta để mà chúng ta xả cho được!

Điều quan trọng là cách thức biết áp dụng vào Tứ Niệm Xứ và biết cách nhiếp tâm vào Tứ Niệm Xứ cho đúng, không khéo thì chúng ta bị ức chế, hoặc là chúng ta nhiếp tâm sai. Mà nếu mà ức chế và nhiếp tâm sai thì chúng ta không thể xả tâm được và cuối cùng thì chúng ta tu tập không kết quả!

Do xét ngày hôm qua thì thấy sự nhiếp tâm - an trú tâm trên Tứ Niệm Xứ của các cô thì Thầy thấy phần nhiều là quá sai, sau 30 phút kiểm tra. Không phải kiểm tra trong 1 phút, 2 phút mà kiểm tra suốt 30 phút ngồi yên lặng tu Tứ Niệm Xứ. Vì có cái thời gian dài mới thấy được cái sự sai của các cụ, của các cô - một cách rất sai!

Cho nên, buổi chiều hôm nay thì Thầy cũng tập trung các thầy trở lại, buổi sáng chúng ta sẽ học bài Định Vô Lậu, còn buổi chiều thì chúng ta sẽ tiếp tục để mà chúng ta kiểm tra lại định Tứ Niệm Xứ để xem coi Tứ Niệm Xứ chúng ta nhiếp tâm đúng hay sai?

Phải thời gian là phải ngồi yên lặng giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự trong thời gian 30 phút. Rồi tiếp tới thì sẽ kiểm tra nếu mà cần tiếp tục thì kiểm tra từ 1 giờ đến 3 giờ, suốt 3 tiếng đồng hồ để xem coi từng tâm niệm của chúng ta ở trong Tứ Niệm Xứ như thế nào, và cách thức chúng ta xả tâm như thế nào - đúng hay sai, có biết áp dụng hay không biết áp dụng? Đó là cái điều mà cần kiểm tra lại trên phương pháp Tứ Niệm Xứ.

(04:56) Ai cũng nghĩ rằng mình tu đúng, nhưng mà cách thức để mà trụ tâm, để mà đứng ở 1 vị trí nào đó để quan sát trên 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp thì hầu như chưa biết cách đứng cái vị trí đứng. Thí dụ như thành của chúng ta nó có 4 cái cửa, mà cái người lính phải đứng ở cái vị trí nào để nhìn được 4 cửa thành - đó là điều quan trọng! Còn nếu mà chúng ta không biết thì như là chúng ta chạy loanh quanh.

Cho nên, nghe trong cái bài kinh của pháp Tứ Niệm Xứ thì đức Phật nói: “Trên thân quán thân, rồi trên thọ quán thọ, trên tâm quán tâm, trên các pháp quán pháp”. Thì như vậy là chúng ta sẽ chạy từ cái Thân - Thọ - Tâm - Pháp, chạy loanh quanh quán, chạy lòng vòng lòng vòng. Thầy ví dụ như 1 cái người lính mà cứ chạy tới cửa thành này rồi chạy tới cửa thành kia cứ chạy như vậy thì người lính này rất là mệt nhọc; thì như vậy có khi nó sơ hở, là ở cửa thành này thì xét cửa thành kia bị sơ hở.

Cho nên, muốn mà bảo vệ cái Tứ Niệm Xứ này để không có kẻ gian mà lọt vào được trong 4 cửa thành này thì phải có 1 cái lồng cu hoặc có 1 cái lô cốt gác ở trên cao để nhìn xuống 4 cửa thành này rất dễ dàng. Vì vậy mà cái người lính gác là chỉ có cách thức là phải ở trên cái tầm vóc cao của nó mà nhìn 4 cửa thành, thì như vậy mới đúng cách của chúng ta tu - gọi là Tứ Niệm Xứ.

Bởi vì đức Phật dạy chúng ta quán Thân - Thọ - Tâm - Pháp, vậy thì không lẽ nào chúng ta cứ chạy lòng vòng? Cho nên chúng ta phải đứng ở vị trí nào, cái tâm chúng ta phải ở vị trí nào mà quan sát?

Thì buổi chiều chúng ta sẽ nghiệm coi cái người nào mà đứng ở vị trí đúng và đứng ở vị trí sai? Nếu mà đứng ở vị trí sai thì các thầy, các cụ đều là có thể tu sai, không đúng; mà đứng ở vị trí đúng thì các thầy và các cụ sẽ đúng.

Vì mình quan sát thấy rõ ràng từng cái tâm niệm của chúng ta khởi đi lúc nào, đến lúc nào, ra lúc nào chúng ta đều biết rất rõ ràng; còn cái niệm đúng, niệm sai nữa. Cho nên sau cái thời gian học Định Vô Lậu chúng ta đã có cái cách thức để xả tất cả các ác niệm đó.

(07:17) Hôm nay chúng ta tiến tới, vì cái sự tu tập của chúng ta do Định Vô Lậu nó đòi hỏi chúng ta rất nhiều cái sự tư duy. Có người sợ rằng chúng ta tu riết chắc có lẽ là điên! Bởi vì làm bài như thế này các con thấy rất là nhiều, dùng hết cái đầu óc của chúng ta để tập trung vào sự tư duy, quán xét - điều đó cũng là điều tốt, nhưng không khéo tu riết rồi chúng ta thành điên!

Cái đó cũng là có nhiều người, các thầy thấy rằng, có nhiều học sinh sau khi đi học lấy mảnh bằng Đại học xong rồi thì trở thành ngơ ngơ ngác ngác; có nhiều người lắm chứ không phải là 1 người, mà những người này có tu định đâu, họ có nhiếp tâm ức chế đâu, mà hoàn toàn là họ dùng cái tri kiến của họ học hiểu, nhưng cuối cùng trở thành điên. Ở đây chúng ta nếu mà vì siêng năng Định Vô Lậu quá chúng ta cũng trở thành điên chứ đừng nói chi mà gọi là nhiếp tâm không. Có phải không?

Cho nên vì vậy chúng ta tu là theo cái đặc tướng, theo cái khả năng của mình, lần lượt mình triển khai có Thầy hướng dẫn sai - đúng. Nếu mà mình làm nhiều quá thì coi chừng mình sẽ bị sai. Đây, mấy con thấy nội 1 cái nói về cái thân vô thường thôi mà thầy Phước Tồn dám viết 1 xấp như thế này đây! Trời ơi, Thầy quá kinh hãi, đọc mà Thầy thấy quá mệt! Mấy con thấy 1 xấp như thế này đây thì Thầy sẽ lấy ra cho mấy con xem. Mà chỉ nói là cái thân vô thường thôi, bao nhiêu đây mà Thầy cũng thấy muốn chết! Các con thấy quá nhiều phải không?

Cho nên vì vậy, từ từ mấy con làm như thế nào để nhắm vào cái sự vô thường đó mà xả cái tâm của chúng ta chứ không phải viết nhiều, cái viết nhiều mấy con sẽ viết nhiều. Mấy con sẽ viết đạo đức nhân bản là nhiều, mỗi người phải viết cho Thầy 1000 trang! Ở đây con viết được bao nhiêu trang? Phải không? Nhưng mà mỗi người phải viết cho Thầy 1000 trang! Bởi vì dù sao mấy con cũng trở thành những Nhà đạo đức thì mấy con phải viết đạo đức!

2- THẦY DẠY VIẾT ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ

(09:27) Trưởng lão: Đây mấy con sẽ thấy, muốn viết đạo đức thì phải có cơ sở viết chứ không phải mà mấy con viết một cái bài luận đạo đức thường thường thì không được; mà cũng như cái bài luận văn của học trò thì không được; mà viết đạo đức thì phải có cách thức hẳn hòi, đàng hoàng! Nghĩa là mấy con phải vào Lời Nói Đầu hay hoặc là Lời Đầu Sách; nghĩa là mình vào mình nói cái đạo đức thì phải có cái Lời Giới Thiệu. Chứ không phải khi không muốn viết bài đạo đức rồi…​

Và đồng thời, bài đạo đức - mấy con nên nhớ rằng khi viết thì phải có cái tên đạo đức, chứ không phải muốn viết đạo đức rồi nói như: không tham lam hay là đức hiếu sinh hoặc đạo đức hiếu sinh - mấy con viết 1 cái tít nhỏ; hoặc là 1 cái không tham lam, không trộm cắp, không tà dâm - mấy con nói theo thập thiện thì không có được! Nói như vậy không được, mà phải đề 1 cái tên!

Đây, bây giờ Thầy đem 1 cái ví dụ khác để mấy con thấy: như Thầy Chơn Thành muốn viết 1 cái đạo đức, muốn viết 1 cái chuyện đạo đức thì thầy viết cũng hay - vào đó thầy viết lời giới thiệu đạo đức nhân bản mà, thầy giới thiệu trước. Rồi qua cái lời giới thiệu của thầy rồi, nhưng mà thầy giới thiệu cái đạo đức nhân bản này rồi, rồi sau đó thầy đưa cái tựa đề của 1 cái đạo đức mà thầy muốn nói trong cái câu chuyện của thầy. Thì không biết như thế nào, sao thầy để "Vì nằm ngủ nghỉ" - cho nên không phải! Ở trong cái bài của thầy viết, đọc ra thì cái người này thiếu trách nhiệm, bổn phận; vì cái người bác sĩ này họ thiếu trách nhiệm, bổn phận khi mà họ nhận bệnh nhân vào cái bệnh viện của họ mà họ thiếu trách nhiệm, họ đi ngủ để cho bệnh nhân tới chết rồi họ mới đến thì như vậy là quá sai! Cho nên đó là Đức Trách Nhiệm!

(11:37) Mình có đặt cái tên nó chứ con! Cho nên có nhiều người, hồi hôm qua Thầy đọc các bài của các cô nói về đạo đức nhân bản. Họ chỉ đem ra 1 câu chuyện hoặc là họ nói cái đó là tham, cái đó là ái ngữ mà họ không nói được cái tên của đạo đức. Vì vậy mà muốn nói được cái tên đạo đức đó thì chúng ta phải xem xét cái hành động đạo đức đó ở trong đó như thế nào?

Thí dụ như 1 cái lời nói thành thật thì cái đức của nó là đức Thành Thật, có phải không? một cái lời nói ái ngữ thì cái lời nói ái ngữ đó nó nhằm cái mục đích gì, thì mình dựa vào mục đích đó để mình đặt cái tên của nó cái đức của nó là cái đức gì?

Một người mà có cái hành động không lấy của không cho - thì mình đặt cái tên đạo đức đó là gì? Thí dụ như ông ta không trộm cắp, không tham lam thì cái tên đạo đức đó là gì thì mình phải đặt cái tên đạo đức đó chứ! Thì thí dụ như đạo đức đó phải nói là Đức Từ Bỏ Lấy Của Không Cho. Có phải không? Bởi vì mình không tham lam trộm cắp thì phải Đức Từ Bỏ Lấy Của Không Cho. Người ta không cho - nhất định là không lấy, thì phải là cái Đức Từ Bỏ Lấy Của Không Cho chứ sao!

Các con nghe đức Phật đã dạy cái giới Từ Bỏ Lấy Của Không Cho không? Đó là cái Đức Không Tham Lam Trộm Cắp chứ sao! Còn nếu mấy con nói Đức Không Tham - thì như vậy ở trong ý mấy con có tham, sân, si chứ gì! Phải không? Mà không tham thì nó thuộc về cái ý rồi! Chứ còn cái trộm cắp, tham lam này là nó lấy cái thân hành nó rồi, cho nên phải đặt 1 cái tên cho xứng hợp với cái đức đó, và mình diễn tả cái bài đó ra.

Cho nên ở đây chúng ta thấy như thầy Chơn Thành: mới vào cái đạo đức nhân bản - nhân quả thì thầy đã giới thiệu, thầy làm đúng đó, thầy giới thiệu cho cái đạo đức nhân bản - nhân quả rồi. Rồi bắt đầu thì thầy cho 1 cái đức mà qua cái câu chuyện xảy ra cho gia đình của thầy, cho nên thầy viết cái đức mà vì cái cô y tá và cái cô bác sĩ ở cái nhà bảo sanh đó do ham ngủ, vì vậy mà cái người đến sanh đó đến khi mà người ta chết rồi đó thì 2 người này mới dậy thì người ta đã chết rồi - nghĩa là không có ai trực. Chỉ là người ta vô đó, người ta thấy chưa có gì hết, lẽ ra mình rảnh - cái người như vậy - thì mình sẽ có cái sự trực canh với nhau, để khi xảy ra mình giúp đỡ người ta còn đằng này thì coi như mình lo mình ngủ, mình ngủ đến nỗi mà người ta rên la, người ta đau khổ mà không ai biết hết; tới chừng mà máu ra nhiều quá người ta chết mất rồi, chừng thức dậy thì người ta đã tắt thở, còn thứ gì đâu mà cứu người ta được nữa!

(14:34) Cuối cùng, đó là 1 nỗi đau nhất cho những cái gia đình của người khác! Mà trong khi đó, cái trách nhiệm của mình như vậy mà mình không tròn cái bổn phận của mình; để cho cả gia đình người ta khổ, để cho cái sự đau khổ quá lớn, cái sự mà mất mát quá to lớn cho người khác! Và như vậy thì chúng ta thấy đó là cái Đức Trách Nhiệm - bởi vì trách nhiệm, bổn phận trong nghề nghiệp ai cũng có.

Một kỹ sư làm cầu mà không có trách nhiệm thì quên 1 con tán, 1 con ốc vặn cầu; đến khi mà cầu bị xe sụp xuống chết bao nhiêu người thì cái trách nhiệm đó là do 1 người kỹ sư làm cầu chứ, các con thấy không? Cho nên đó là cái đức hạnh của 1 cái người, công việc của 1 người - đó là Đức Nghề Nghiệp.

Cho nên khi một bác sĩ, mà trong khi bây giờ cái nghề nghiệp của người bác sĩ đó mà có cái người bệnh nhân đó họ không có tiền, mà bây giờ cần phải bao nhiêu máu, cần phải bao nhiêu thuốc để mà cứu sống cái người này kịp thời; nhưng mà vì cái người này không tiền cho nên vì vậy mà làm ngơ - bỏ - cuối cùng người này chết. Thì trước cái nghề nghiệp của một bác sĩ thì không thể nào làm như vậy! Thì cái hành động như vậy gọi là y đức.

Mấy con thấy y đức nó có cái đức của nghề y chứ! Cho nên vì vậy mà cái hành động làm như vậy thì nó không đúng trong cái nghề nghiệp đó! Còn trái lại, vì ham ngủ, nghỉ cho nên thiếu trách nhiệm, bổn phận để làm cho người khác quá đau khổ như thế này, cho nên gọi là Đức Trách Nhiệm. Mình không trách nhiệm cho nên vì vậy mới để xảy ra sự đau khổ! Cho nên khi mà viết đạo đức nhân bản (là) rất nhiều chứ không phải có một chút xíu ở trong Thập Thiện, mình dựa vào đó mình viết như vậy quá ít lắm!

(16:34) Cho nên vì vậy mà Thầy bảo mọi người phải viết cho Thầy 1000 trang giấy! Mà giấy phải 1000 trang đánh vi tính như thế này, thì mấy con sẽ thấy nó thành ra cuốn sách như thế này là 1000 trang như thế này. Mỗi người phải làm!

Bởi vì mấy con học lớp này để đào tạo mấy con (là) những người đạo đức về cái đời sống thân hành đạo đức và cái thuyết giáo đạo đức. Những cái điều mà chúng ta viết ra là thuyết giáo đạo đức để nói lên đạo đức, nhưng có thuyết giáo thì phải có thân giáo. Trong khi người dạy đạo đức là phải sống đạo đức chứ không thể nói được mà không làm được thì không đúng!

Đây là những điều áp dụng, bắt buộc các con khi mà thông suốt được nhân quả, khi thông suốt được các pháp vô thường, khi hiểu được đạo đức thì chúng ta phải áp dụng vào đời sống, chúng ta trở thành những người có đạo đức thực sự. Thì như vậy, sự học tu chúng ta mới có thấy kết quả của chúng ta, trong thời gian ngắn mà chúng ta đã đạt được kết quả đó!

Giờ trước tiên thì Thầy nhắc, nhưng ở đây thì qua cái bài của thầy Chơn Thành. Bây giờ có người nào đọc giùm cái bài thầy Chơn Thành để chúng ta đại khái được cái sự mà viết đạo đức, để chúng ta bắt đầu xây dựng cho mình 1 cái sự hiểu biết về đạo đức nhân bản. Vậy thì thầy Chơn Thành, con hãy đến đọc cái bài của con!

3- ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ (THẦY CHƠN THÀNH)

(18:20) Thầy Chơn Thành: Con xin đọc ạ!

ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN

Lời Giới Thiệu

Đạo Đức Nhân Bản là 1 bộ sách lớn, dạy về những hành động đạo đức nhân bản của thân - khẩu - ý. Thân không làm những điều ác, khẩu không nói những điều ác, ý không suy nghĩ những điều ác - không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ muôn loài chúng sinh. Không kể người có tôn giáo hay người không có tôn giáo, hễ bất kỳ ai sống trong cộng đồng xã hội cũng như mọi người sống trên hành tinh này, trên trái đất này đều phải học và cần phải hiểu biết.

Hầu hết con người sinh ra đều vô minh, không am hiểu về đạo đức nhân bản nên:

Thân hay làm 3 điều ác đó là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

Khẩu hay nói những điều ác đó là: nói dối, nói thêu dệt, nói lật lọng, nói lời hung ác.

Ý hay suy nghĩ 3 điều ác đó là: tham lam, sân hận, si mê.

Chính những hành động ác đó, lời nói ác, ý nghĩ ác đấy mà con người đã tạo cho mình, cho cảnh thế gian này thành địa ngục của sự đau khổ và chết chóc. Chiến tranh xảy ra khắp nơi, không nước này thì nước khác, không có lúc nào ngừng nghỉ - hàng ngày, hàng giờ cướp đi biết bao nhiêu mạng sống của những con người vô tội. Nạn khủng bố ngày một gia tăng, một kẻ mang kíp nổ trong người, khi nó được nổ thì hàng ngàn người vô tội bị thiệt mạng.

(20:21) Cho nên, bộ sách Đạo Đức Nhân Bản ra đời sẽ giúp cho mọi người thông hiểu thế nào là đạo đức nhân bản. Lợi ích to lớn của nó đối với tất cả mọi người đang sống trên hành tinh này và nó còn giúp ích cho các quốc gia trên toàn cầu dẹp đi những tệ nạn xã hội đang lan tràn ở khắp nơi, đang là nỗi lo lắng của các nhà lãnh đạo mỗi nước. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng tất cả các bạn đọc xa gần bộ sách Đạo Đức Nhân Bản. Trong quá trình biên soạn bộ sách, khó có thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong các bậc cao minh thạc đức và các bạn độc giả đóng góp cho những ý kiến để bộ sách được hoàn chỉnh hơn. Xin chân thành tri ân cùng quý vị!

Ngày 24 tháng 12 năm 2005

Kính ghi

Chơn Thành.

Trưởng lão: Đó là lời giới thiệu đó con!

Thầy Chơn Thành: Thầy vừa sửa thì con đem lên đọc lời sửa của Thầy. Tức là con nộp bài con đặt cái tựa đề là Vì Ham Ngủ Nghỉ. Thế nhưng mà ở đây Thầy sửa lại Đức Trách Nhiệm.

ĐỨC TRÁCH NHIỆM

(21:48) Câu chuyện mà chúng tôi kể với các bạn hôm nay đã được đi qua cách đây 26 năm. Hôm nay, ngồi ghi lại mà chúng tôi vẫn còn thấy kinh hoàng và sợ hãi về nỗi bất hạnh ấy. Ngày 21/02/1980 - hồi 1 giờ sáng, chúng tôi đưa vợ chúng tôi đến nhà hộ sinh quận Đống Đa - Hà Nội, ngõ Trại Khách, phố Khâm Thiên để sinh cháu thứ ba.

Sau khi làm xong thủ tục nhập viện, chúng tôi chần chừ không muốn ra về. Thấy thế, vợ tôi nhắc: “Anh về đi, không hai đứa nó thức dậy không thấy ai, nó kêu khóc tội nghiệp!”.

Lúc ấy nghe nhà tôi nhắc tôi như vậy, tôi mới chợt tỉnh nghĩ: “Ờ, mình đã khóa cửa trước khi đi, để hai đứa ngủ trong nhà”. Tôi vội hỏi nhà tôi: “Em thấy trong người thế nào? ” - nhà tôi trả lời: “Em thấy bình thường, chưa có vấn đề gì!”. Và tôi lấy xe ra về, chỉ mong cho trời mau sáng, không còn ngủ nghỉ gì nữa!

Trời vừa hừng sáng, chúng tôi đánh thức hai cháu dậy và đèo hai cháu vào viện để thăm mẹ cháu. Đến nơi, tôi thấy phòng nhà tôi nằm hôm qua cửa đã đóng kín, không vào được. Tôi đang loay hoay tìm cách vào thì một cô y tá chạy ra hỏi tôi rồi đưa cho tôi một chiếc nhẫn mà nhà tôi thường đeo. Tôi bàng hoàng nhảy bổ vào nhưng không được.

Linh tính báo cho tôi biết có việc chẳng lành! Tôi đèo hai cháu đến nhà ông bà ngoại ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên cùng phố, nói vắn tắt cho ông bà ngoại: “Nhà con đến nhà hộ sinh lúc 1 giờ đêm”, rồi tôi xách xe lao thẳng đến nhà hộ sinh. Đến nơi tôi thấy cửa phòng đã mở, tôi nhảy bổ vào nhưng không thấy nhà tôi ở trong đó. Tôi la lên, vẫn cô ý tá đưa tôi chiếc nhẫn khi nãy chạy ra và trả lời: “Chị ấy đã chuyển đến bệnh viện Bà Mẹ Và Trẻ Em ở phố Tràng Thi rồi!” - tôi hỏi cô ta: “Nhà tôi sinh cháu chưa? ” - cô ta không trả lời, tôi quát to giận dữ: “Đưa bệnh án đây!”.

(24:12) Thấy cung cách dữ tợn của tôi, buộc lòng cô ta phải vào lấy bệnh án đưa cho tôi xem. Bác sĩ trực hôm đó là Đặng Thị Phúc và y tá hộ lý là Nguyễn Thị Vân, bệnh án ghi vắn tắt: “Đứt động mạch tử cung, máu ra nhiều hồi 3 giờ”. Tôi ném tờ bệnh án vào mặt cô y tá rồi phóng xe lên thẳng bệnh viện Bà Mẹ Và Trẻ Em.

Đến nơi, tôi xông thẳng vào phòng cấp cứu, một bác sĩ mời tôi ngồi. một lúc lâu như để tôi kịp trấn tĩnh, ông ấy chậm rãi nói: “Chị ấy được chuyển đến đây lúc 6 giờ 30, chị ấy đã bị đứt động mạch tử cung và chết lúc 3 giờ sáng”.

Nghe ông nói đến đây, mắt tôi hoa lên, tai tôi ù đi, gần như muốn ngất xỉu, nhưng cố trấn tĩnh. Ông nói tiếp: “Chúng tôi đã mổ lấy cháu ra, một cháu trai hiện đang ở dưới nhà xác”. Chúng tôi theo ông xuống nhà xác, ông nhẹ nhàng mở cửa, vừa nhìn thấy vợ - con, tôi không còn biết gì nữa! Phải một lúc lâu, tôi cảm nhận được bàn tay ai đó đã dìu tôi ra ngồi trên ghế ngoài sân bệnh viện. Thì ra ông bác sĩ ấy đã đưa tôi ra.

Lúc ấy, mọi người: ông bà nội, ông bà ngoại, anh em họ hàng…​ đều có mặt lo mai táng cho 2 mẹ con cô ấy. Hôm sau, cô y tá ở nhà hộ sinh cũng có mặt, cô mang vòng hoa đến viếng. Lúc ấy tôi đã có phần bình tĩnh, bộ mặt không còn dữ tợn nữa!

(25:59) Tôi hỏi cô về sự việc cái chết của vợ - con tôi ra sao? Cô ta trả lời: “Lúc ấy em định trả lời nhưng thấy anh dữ tợn quá, em không nói gì được!”. Rồi cô cho biết: "Hôm đó là phiên trực của bác sĩ Đặng Thị Phúc và cô y tá hộ lý Nguyễn Thị Vân. Sau khi khám xong cho chị ấy, thấy chưa sinh được, 2 người về phòng mình rồi ngủ cho đến 4 giờ sáng. Thức dậy thì thấy máu chảy lênh láng, nghe tim đã ngừng đập, và gọi điện thoại đến bệnh viện phụ sản Bạch Mai cấp cứu. Bệnh viện phụ sản Bạch Mai hỏi lại: “Còn sống hay đã chết? ” - bác sĩ Phúc trả lời: “Tim đã ngừng đập!” - bệnh viện phụ sản Bạch Mai trả lời: “Tim đã ngừng đập thì còn cấp cứu gì nữa!”.

Bác sĩ Phúc lại gọi điện cho bệnh viện Bà Mẹ Và Trẻ Em. Ở đây cũng hỏi lại và bác sĩ Phúc cũng trả lời: “Tim đã ngừng đập” - và họ không xuống. Cho mãi tới sáng, điều đình thế nào đấy với bác sĩ Phúc, họ mới đưa xe đến, xe xuống chở về làm phẫu thuật. Đấy cũng là 1 thủ đoạn che dấu tội lỗi của mình mà kíp trực hôm đó là bác sĩ Phúc và y tá Vân.

Nếu bác sĩ Đặng Thị Phúc và cô y tá hộ lý Nguyễn Thị Vân không ham ngủ nghỉ mà có trách nhiệm với sản phụ thì đâu có dẫn đến cái chết của cả 2 người, thì đâu có để lại cho gia đình chúng tôi một sự mất mát, một nỗi đau thương quá lớn lao như vậy! Hơn nữa còn đưa gia đình tôi lâm vào cảnh chia ly: cha mẹ mất con cháu, chồng mất vợ, con cái mất mẹ, chị mất em, bản thân chúng tôi thì lâm vào cảnh “gà trống nuôi con” phải sống ở địa ngục trần gian suốt 20 năm qua. Nghĩ lại mà thấy kinh hoàng, sợ hãi. Thật là khủng khiếp!

(28:10) 1- Đặc tướng của đạo đức nhân bản của câu chuyện là gì?

Đặc tướng của đạo đức nhân bản của câu chuyện này là bác sĩ Phúc và hộ lý Nguyễn Thị Vân đều không có đạo đức nhân bản vì si mê.

2- Đặc tính của đạo đức nhân bản của câu chuyện này là gì?

Đặc tính của đạo đức nhân bản của câu chuyện này là lười biếng, vô trách nhiệm.

3- Đường đi của đạo đức nhân bản câu chuyện này là gì?

Đường đi của đạo đức nhân bản câu chuyện này là: Đạo đức ở đâu thì trí tuệ ở đó, trí tuệ ở đâu thì đạo đức ở đó. Đạo đức làm thanh tịnh trí tuệ, trí tuệ làm thanh tịnh đạo đức. Người có đạo đức nhất định là người có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định là người có đạo đức. Người có đạo đức là người không bao giờ làm khổ mình, khổ người và khổ cả 2. Người có đạo đức là người biết “thương người như thể thương thân” - coi sự đau khổ, mất mát của người như sự đau khổ, mất mát của chính mình mà ra tay cứu vớt.

Trong câu chuyện, chúng ta thấy bác sĩ Phúc là có học hành, có cấp bằng cao; song chúng ta thấy bà Đặng Thị Phúc vẫn là người vô đạo đức với mình, với người chỉ vì ham ngủ nghỉ là tướng trạng của si mê dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến cái chết oan uổng của 2 mẹ con và còn làm cho nhiều người khổ sở triền miên mấy chục năm phải gánh chịu.

(29:55) 4- Chuyển hoá của đạo đức nhân bản - nhân quả câu chuyện là gì?

Là con người sinh ra trên hành tinh này, dù là người có học hành được cấp bằng cao cho đến người bình dân ít được học hành đều phải có đạo đức; và cái gốc của sự sinh tồn là không làm khổ mình, không làm khổ người và muôn loài chúng sinh. Đạo đức nhân bản có sẵn trong mỗi một con người, không phân biệt già - trẻ, người nam - người nữ, không phân biệt là người có tôn giáo hay không có tôn giáo, vì chúng ta không quan tâm nên nó không hiển mình mà thôi.

Con người thường bị ô nhiễm trước pháp ác của thế gian; vì pháp ác thì dễ học, dễ làm, có pháp ác không học cũng làm được. Ví như ưa ngủ nghỉ là pháp ác, nó làm cho chúng ta trí tuệ không còn sáng suốt, người bần thần, rũ rượi, ngáp ngắn, ngáp dài, lười biếng, ăn bám vào xã hội và gia đình.

Còn pháp thiện thì khó học, khó làm. Cho nên tất cả các pháp thiện đều phải học; học để hiểu biết sự đúng - sai, phải - trái, hay thấy ác để mà sửa mình. Và tất cả đều phải tập những pháp thiện để thành 1 thói quen, để không bị ô nhiễm các thói hư, tật xấu. Ví như tính ham ngủ nghỉ là một ác pháp như đã nói ở trên.

Bây giờ, muốn trừ được tính ham ngủ nghỉ thì bản thân mình phải thường xuyên động thân, tức là pháp kinh hành Chánh Niệm Tĩnh Giác để trừ đi tính ham ngủ nghỉ. Phải thường xuyên tác ý tâm mình, Như Lý Tác Ý: “Các pháp là vô thường, ngủ nghỉ là vô thường, là si mê hãy đi đi, đi khỏi thân tâm ta ngay lập tức!”.

Ngoài ra, chúng ta còn phải học tập giáo lý của đức Thế Tôn cho thông suốt và chính giáo lý của Người mới mang lại cho chúng ta 1 đạo đức nhân bản thực sự. Còn ngoài giáo lý của đức Phật ra thì không có giáo pháp nào hay tôn giáo nào trên hành tinh này giúp chúng ta được. Từ đấy chúng ta đã chuyển hóa được đạo đức nhân bản rồi đó!

(32:35) 5- Duyên hợp của đạo đức nhân bản của câu chuyện là gì?

Tất cả vạn pháp trên thế gian này đều là do duyên hợp lại mà tạo thành, không có đấng vạn năng nào tạo ra cả! Hội đủ các điều kiện thì vạn hữu mới được thành hình, chỉ cần thiếu 1 nhân duyên thì cũng không sinh ra được.

Ví như trong câu chuyện - nếu không ưa ngủ nghỉ thì không vô trách nhiệm; không vô trách nhiệm nghề nghiệp của mình thì không vô đạo đức nhân bản; không vô đạo đức nhân bản của mình thì không làm khổ mình, không làm khổ người; không làm khổ người khác thì không có sự chết chóc đau thương!

Vì thế, sự đau khổ bệnh tật, tai nạn, chết chóc của chúng ta không do 1 đấng tác nhân bên ngoài nào gây ra mà chính chúng ta tự tạo cho nhau. Đó là duyên hợp, đó là vậy!

6- Duyên tan của đạo đức nhân bản là gì?

Nói đến đạo đức nhân bản là nói cái gốc của sự thiện, sự lành, sự tốt; nó không mất đi đâu và nó cũng không tan hoại hay hủy diệt mà nó chỉ tạm thời hết duyên, các pháp tự vắng bặt. Duyên tan khi mà không gian, thời gian không còn chi phối, không còn đủ yếu tố, không còn đủ điều kiện.

(34:07) 7- Áp dụng vào đời sống

Nếu không được học pháp của đức Thế Tôn, nếu không được Thầy tổ Thích Thông Lạc dạy đạo đức nhân bản - nhân quả thì câu chuyện mà chúng tôi kể với các bạn (mà bác sĩ Đặng Thị Phúc vì ham ngủ nghỉ đã gây cho gia đình chúng tôi mất mát quá to lớn, để lại một hậu quả đau khổ triền miên mà bản thân chúng tôi phải gánh chịu suốt hơn 20 năm qua). Đây là một mối thù truyền kiếp, chúng tôi nhắc nhở con cháu chúng tôi phải luôn luôn khắc sâu ở trong lòng!

Ước muốn của chúng tôi ngày hôm nay - pháp của đức Thế Tôn quá tuyệt vời, đạo đức nhân bản quá tuyệt vời! Bộ sách Đạo Đức Nhân Bản phải được ra đời, có như vậy mới giúp cho loài người trên hành tinh này sống có đạo đức với mình thì không có lòng hận thù truyền kiếp, những hành động đạo đức thương mình và vô đạo đức với mình đã làm khổ mình, khổ người.

Đức Thế Tôn Ngài dạy: “Hận thù diệt hận thù, đời này không thể có”. Muốn sống có đạo đức nhân bản thì phải biết thương mình, thì phải sống có lòng thương sự sống của mọi người và thương sự sống của muôn loài chúng sinh. Muốn sống có đạo đức nhân bản - hãy lấy lòng thương yêu, tha thứ, nhẫn nhục, buông xả, tùy thuận đối với những người gian ác làm khổ mình, làm hại mình, làm hại gia đình mình, gây chết chóc đau thương cho mình, cho gia đình mình.

Đức Thế Tôn Ngài dạy: “Từ bi diệt hận thù là định luật thiên thu!”. Cho nên mọi người trên hành tinh này được học đạo đức nhân bản, thấm nhuần đạo đức nhân bản thì chiến tranh sẽ chấm dứt, nạn khủng bố không còn, mọi tệ nạn xã hội trên mỗi quốc gia không còn thì thế gian này là Thiên Đàng, Cực Lạc, Hạnh phúc, An vui.

(36:27) 8- Kết luận

Đạo đức ở đâu thì trí tuệ ở đó, trí tuệ ở đâu thì đạo đức ở đó; đạo đức làm thanh tịnh trí tuệ, trí tuệ làm thanh tịnh đạo đức. Người có đạo đức nhất định là người có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định là người có đạo đức.

Người có đạo đức là người không bao giờ làm khổ mình, khổ người, khổ muôn loài chúng sinh. Có đạo đức là phải biết: “thương người như thể thương thân, coi sự đau khổ, mất mát của người như sự đau khổ, mất mát của chính bản thân mình mà hết lòng giúp đỡ".

Đạo đức nhân bản có ích lợi và thiết thực to lớn như vậy, lẽ nào mọi người không hết sức nỗ lực, siêng năng, tinh tấn ngày đêm để học, để tu, để giúp cho mình cho mọi người hết khổ, giải khổ và thoát khổ.

Ngày 25/12/2005

Tu sinh Thích Chơn Thành".

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy