00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 041 - PHƯƠNG PHÁP TÁC Ý ĐUỔI BỆNH - DÙNG Ý THỨC TẠO THÀNH Ý THỨC-LỰC - TẠI SAO ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA CHIA LÀM HAI PHÁI

CK 041 - PHƯƠNG PHÁP TÁC Ý ĐUỔI BỆNH - DÙNG Ý THỨC TẠO THÀNH Ý THỨC LỰC - TẠI SAO ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA CHIA LÀM HAI PHÁI

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 12/2005

Thời lượng: [35:01]

1- CÁCH TÁC Ý ĐUỔI BỆNH

(00:00) Phật tử: Qua sự thăm hỏi chúng con được biết Chư tôn đức là những bậc Thầy phạm hạnh đáng kính, là một bậc thật chân tu thiên kính. Qua sự tìm hiểu, chúng con được biết Thầy đã đang mở lớp Bát Chánh Đạo đầu tiên để đào tạo các bậc A-la-hán ra đời nhằm cứu độ chúng sanh và duy trì Chánh Pháp. Với tất cả tâm tình tha thiết gửi trọn niềm tôn kính với Chư tôn đức, cũng như để chia sẻ bớt phần nào khó khăn của Tu viện, hôm nay đầy đủ phước duyên lành, chúng con xin thành tâm đóng góp chút tịnh tài, tịnh vật, kính cúng dường hiện tiền Chư tôn đức.

Nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Chư tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mãi là bậc Thầy khả kính, luôn dìu dắt chúng con trên lộ trình giải thoát. Nguyện đem phước báu này hồi hướng cho cha mẹ, thân bằng quyến thuộc chúng con được thân tâm thường lạc, phước thọ tăng long, đồng cầu nguyện cho khắp Pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Ngưỡng mong trên Chư Tôn Thiền Đức từ bi ai mẫn nạp thọ cho chúng con được ân nhiên công đức. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

(01:45) Trưởng lão: một lần nữa Thầy xin biết ơn mấy con từ Thành Phố Hồ Chí Minh đã giúp cho cái lớp học của Thầy trọn vẹn. Đến đây thì Thầy mong rằng mấy con về thăm Thầy, có những gì mấy con cần hiểu biết, mấy con cứ hỏi Thầy, Thầy sẽ sẵn sàng giúp mấy con. Nhưng mà Thầy khuyên mấy con nhớ những gì Thầy dạy, mấy con về, mấy con cố gắng thực tập nha con, nó sẽ đem lại lợi ích cho bản thân mấy con nhiều lắm. Nhớ, con bệnh lao đó, con ráng tập những lời Thầy dạy, rồi bệnh lao của con sẽ hết đó con. Con cố gắng, nhất là con bị bệnh đó, con. Rồi mấy con có hỏi Thầy gì nữa không mấy con?

Phật tử: thưa Thầy, con biết có một số bạn cũng đang bệnh đó, Thầy. Tại vì hồi nãy Thầy dạy cái cách “tác ý” của bệnh nhưng bạn con chưa có vào kịp. Dạ xin Thầy dạy lại. Mô Phật.

(03:04) Trưởng lão: trước khi mà muốn trị bệnh đó mấy con, mình dùng cái phương pháp của Phật để nhiếp phục được những ưu phiền trên cái thân mình khi bệnh. Thì đầu tiên các con về, dù bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh ngặt nghèo gì cũng được hết, thì mấy con tập như thế này mấy con, mấy con tập nhiếp tâm cho được.

Về cái hơi thở thì mấy con không tập luyện được thì nó sẽ rối loạn hơi thở mấy con, thì mấy con tập trong cái tay của mấy con thôi. Mấy con ngồi xếp bằng, mấy con ngồi bán già cũng được, kiết già cũng được, tùy theo cái khả năng của mấy con. Mấy con ngồi xếp bằng như thế này, nghĩa là ngồi hai chân để chồng lên nhau như thế này.

Còn hai cái chân mà tréo nhau thì đó là kiết già, thì mấy con có nhiều người không có ngồi cái thế kiết già do không có quen do đó khó ngồi. Mấy con ngồi xếp bằng cho cái lưng thẳng, rồi mấy con để hai cái tay của mấy con, hoặc ở trong lòng, hoặc ở trên hai đầu gối của mấy con.

Thì mấy con để trong lòng như thế này, rồi mấy con nhắc. Trước tiên mấy con nhắc cái bệnh của mấy con, cái bệnh gì đó, mấy con nhớ mấy con nhắc. Thí dụ như cái đầu mấy con đau thì mấy con nói: “Cái thọ cái đầu đau này, hãy đi ra khỏi thân ta, không được đau nữa nghe không”. Con nói nó như vậy, rồi bắt đầu con nhắc: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra”, thì cái tay mặt con đưa ra trước, rồi cái tay trái con đưa ra sau cho nó thuận. Khi đó con nói: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra”. Con viết cái câu đó cho thuộc lòng đó con, để con nhớ con nhắc. Người nào bệnh cũng vậy.

Khi mình bảo cái cảm thọ đau của cái thân của mình, mình tác ý mình bảo: “Đi!”, lúc bấy giờ mình giữ thân mình ngồi thẳng rồi mình mới tác ý: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra”, thì mấy con đưa ra; “An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay vô”, thì mấy con đưa vô.

Rồi bắt đầu bây giờ mấy con đưa ra, mấy con không tác ý nữa; rồi đưa vô, mấy con không tác ý nữa. Mà hãy đưa ra thì mấy con dùng cái tưởng của mấy con như cái đầu đau của mấy con nó sẽ theo cánh tay này mà ra. Mà khi đưa vô thì Thầy thấy con cảm thấy như toàn thân con nó không có bệnh nó đi vô. Và cái đau ở trong thân của con, bất kỳ cái đau bệnh gì - con biết bác sĩ nói cái bệnh đó là bệnh gan, bệnh tim, bệnh phổi, hoặc là nhức đầu, nóng lạnh, tất cả những cái bệnh đó, hoặc nhức tay mỏi chân, thấp khớp - bệnh gì cũng được mà phải nói đúng cái tên bệnh đó.

Thì bắt đầu mấy con sẽ nói đúng cái tên bệnh đó thì, như Thầy nhức đầu, Thầy bảo: “Bệnh nhức đầu này hãy đi khỏi cái thân này không còn nhức đầu nữa”. Con nhắc vậy, rồi con sẽ nói: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra - An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay vô”. Con nhắc rồi con đưa ra đưa vô. Rồi bắt đầu con đưa ra thì con dùng cái tưởng cái đầu nhức theo cánh tay mà ra, và đồng thời con đưa ra đưa vô như vầy. Con tập mười phút thôi, đừng có tu tập nhiều. Rồi con nghỉ.

(05:59) Một lát nữa, chừng một, hai giờ sau đó con tập lại lần nữa. Một ngày con tập ba, bốn lần tuỳ theo lúc nào con thấy được yên tĩnh thì con tập. Con tập như vậy thì một thời gian sau, con đi khám bác sĩ con sẽ thấy cái bệnh con nó giảm xuống nếu là những cái bệnh ngặt nghèo; còn những bệnh bình thường như cảm này nọ, thì con tác ý đưa ra đưa vô vậy đó, thì trong vòng một tiếng, hai tiếng đồng hồ thì cái cảm đó nó sẽ mất đi, nó không còn nhức đầu nữa.

Cái bệnh thường thì nó mau hết lắm, còn cái bệnh ngặt nghèo thì các con cứ cố gắng tập trong năm ngày, mười ngày, một tháng, hai tháng, thì bắt đầu mấy con cứ đi khám lại đi, mấy con sẽ thấy nó giảm xuống. Nó, một cách kỳ lạ là mình không uống thuốc mà sao lại bệnh hết? Nhưng không ngờ là cái phương pháp nó sẽ giúp cho mình phục hồi cơ thể của mình.

Cái sức mà đề kháng của cơ thể của mình khi mà tu tập vậy đó, cái sức đề kháng của cơ thể mình rất mạnh, nó rất mạnh. Bởi vì thường thường là cái người đau thì là cái sức đề kháng nó yếu, cho nên vi trùng nó xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Còn sức đề kháng nó mạnh, nó diệt vi trùng nó không xâm nhập được vào cơ thể cho nên nó không đau, gọi là mình thích nghi được.

Cũng như bây giờ Thầy nói như thế này để mấy con thấy rõ ràng, khi chúng ta lên máy bay chúng ta đi, máy bay bay lên thì bắt đầu mình nghe lỗ tai lùng bùng tức là nó chưa thích nghi với khí hậu đó. Nhưng khi nó lên một hơi, cơ thể mình nó thích nghi tức là có cái sự phản kháng, có sự phản ứng của cơ thể của chúng ta để nó thích nghi với khí hậu để cho nó hoà được cái sự sống của nó.

Cho nên lên một lúc thì thấy nó bình yên, không có lùng bùng lỗ tai nữa. Mà khi máy bay sắp sửa xuống với cái khí hậu ở dưới mặt đất chúng ta thì cái lỗ tai chúng ta nó có lùng bùng, làm như nó ù ù. Do đó khi mà nó xuống đất xong rồi, thì nó lên nó xuống xong thì cái cơ thể nó có sự thích nghi, tức là nó có sự đề kháng nó chống lại.

Từ cái không khí, từ cái khí hậu này thì nó chuyển qua cái khí hậu khác, thì nó chống lại, thì nó thích nghi với cái đó nhất; đó là cơ thể mạnh. Còn nếu mà cái cơ thể mà bị bệnh thì nó không có đề kháng được, cho nên bây giờ nó đã bệnh, cái sức đề kháng của nó yếu, nó đang đề kháng đó mà nó yếu, do đó chúng ta trợ lực bằng cái phương pháp nữa thì nó mạnh lên.

(08:08) Chứ không có gì, nó rất là khoa học mấy con. Cái phương pháp đó nó rất khoa học, nó giúp chúng ta chứ không có Thần Thánh gì cứu giúp chúng ta được đâu, nhưng mà chính cái tinh thần chúng ta không dao động. Ví dụ như bây giờ mấy con đang bị một cơn đau nào đó, đau quá đau, mấy con nói: “Thọ là vô thường, cái tâm không có sợ hãi, đừng có dao động, chết thì thôi chứ! Sợ hãi gì cái đau!”.

Con cứ nhắc vậy cho cái nghị lực vững vàng thì nó không sợ. Mà nó không sợ tức là nó giảm xuống, thí dụ đau mười chứ nó giảm xuống còn năm. Rồi mấy con nương vào cánh tay mà mấy con làm như vậy đó thì mấy con lo, mấy con cứ ráng nhớ trong cái cánh tay đưa ra đưa vô như thế này. Một hơi tại sao nó quên mất cái đau mà nó còn biết cánh tay đưa ra vô, rồi mấy con dừng lại thì mấy con thấy cái đau nó mất.

Đó là cái phương pháp rất hay mấy con, cho nên mấy con cố gắng. Có cơn đau dù đau bệnh gì, Thầy nói mấy con bệnh ung thư, bệnh gì đi nữa, nó cũng trị hết à. Nhưng phải bền chí, mấy con. Càng cái bệnh ngặt nghèo, càng cái bệnh khó trị thì mấy con nên cố gắng tập luyện một thời gian dài thì nó sẽ hết. Mình tập luyện nó có tốn tiền tốn bạc gì đâu. Rảnh thì mình tập, chứ ở không mình làm gì? Mà mình rảnh, yên tịnh thì mình tập. Mình tập để tự cứu mình. Đó là “tự thắp đuốc lên mà đi” , đó mấy con.

2- DÙNG Ý THỨC TẠO THÀNH Ý THỨC LỰC

(09:24) Mấy con nghe lời đức Phật dạy, đó là cái phương pháp để cứu mình. Mấy con ráng cố gắng. Thầy không thể nào bệnh thay cho mấy con được, mà các con tự cứu mình bằng cái phương pháp đó thì mấy con sẽ hết bệnh mấy con. Cố gắng, mấy con hãy cố gắng! Thầy tin rằng mấy con tin những cái lời của đức Phật dạy thì mấy con sẽ hết bệnh. Đức Phật nói như thế nào mấy con biết không, trong Kinh Trung Bộ đức Phật dạy: “Tác ý một tướng khác của một tướng kia, thì cái tướng kia nó sẽ bị diệt”. Bây giờ mình đau bệnh là một cái tướng đau mấy con. Mình tác ý một cái tướng không đau thì cái tướng bệnh nó sẽ hết.

Đức Phật biết được cái ý của mình, nó mạnh như vậy đó mấy con biết, cho nên đức Phật nói trong Kinh Pháp Cú như thế nào, các con biết không: “Ý làm chủ, ý tạo tác”. Ý dẫn đầu, ý làm chủ, ý tạo tác” . Mấy con có nghe câu Kinh số 4 không? Cho nên cái ý nó dẫn chúng ta đi vào cái chỗ không đau khổ nữa. Các con hiểu chưa? Cho nên Thầy dạy các con dùng cái ý thức của chúng ta này mà tạo thành cái Ý thức Lực, nó sẽ cứu mấy con thoát khổ. Nó thực tế mà. Đức Phật dạy chúng ta bài pháp nào cũng có cái phương pháp thực hành để cứu mình chứ nó có gì đâu.

Cho nên mấy con thấy không, người ta dạy tu hơi thở thì người ta cứ biết hơi thở ra vô; đếm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, rồi nương hơi thở, tùy tức chứ gì. Mấy con có ngồi thiền thì mấy con có thấy nương hơi thở để cho hết vọng tưởng chứ gì, có lợi ích gì không? Nhưng mà pháp của Phật dạy hơi thở rất hay.

Bây giờ thân đau, bảo nó: “An tịnh Thân hành tôi biết tôi hít vô - An tịnh Thân hành tôi biết tôi thở ra” làm cho thân chúng ta an ổn. Bây giờ cái tâm chúng ta nó không yên nè, nó lo lắng, nó buồn phiền, nó sợ hãi nè, thì: “An tịnh Tâm hành tôi biết tôi hít vô - An tịnh Tâm hành tôi biết tôi thở ra”.

Bây giờ thí dụ như giờ này mấy đứa con đi học phải về mà giờ nó không về nè, mà tối rồi. Cứ càng tối, càng tối thì đâm lo, không biết xe đụng nó hay thế nào? Mấy con làm mẹ có phải mấy con khổ tâm không? Giờ này không thấy nó về tức là phải lo chứ gì? Mấy con thấy tâm đang lo như vậy thì mấy con nhắc liền tức khắc: “An tịnh Tâm hành tôi biết tôi hít vô - An tịnh Tâm hành tôi biết tôi thở ra”.

Các con cứ nhắc như vậy đi rồi các con xả ra sẽ thấy các con không còn lo nữa. Nó cứu mấy con liền đó. Thình lình đứa con mình nó về, nó chạy tới, trời đất ơi mừng muốn chết, hỏi chứ: “Mày đi đâu? Giờ về mà sao không về? Đi chơi đâu vậy? ”. Thấy mặt nó chứ hồi chưa thấy mặt nó cứ sợ xe đụng nó chứ gì. Các con hiểu không, mình cứ nghĩ cái gì ghê gớm chứ đâu có nghĩ ít được, cho nên cái tâm lo lắng lắm. Bây giờ muốn cho nó đừng có lo trong cái hoàn cảnh đó, bởi vì mình hiểu biết Nhân Quả mà.

(12:01) Nếu mà nhân quả đến rồi thì mình làm sao tránh khỏi đây? Cho nên vì vậy tâm mình an ổn được, bắt đầu muốn cho nó an nữa thì mấy con: “An tịnh Tâm hành tôi biết tôi hít vô - An tịnh Tâm hành tôi biết tôi thở ra”, rồi các con nương hơi thở ra vô ra vô. Tới chừng mấy con xả ra thì thấy nó êm re, không còn lo lắng nữa. Nó bớt cho con một cái thời gian khổ tâm. Đó là cái phương pháp của Phật để làm cho nó an tâm mà, cách thức an tâm.

Cho nên có người hỏi Thầy: “Bạch Thầy, làm sao có cái phương pháp nào làm cho tâm con được an? ”. Ngày xưa, mấy con biết Bồ Đề Đạt Ma dạy như thế nào? “Lấy tâm ta an cho” - bảo người đó “lấy cái tâm ra ta an cho”. Sự thật ở đây Phật cũng dạy cho chúng ta như vậy mấy con, dạy chúng ta cách thức phương pháp an tâm hẳn hòi đàng hoàng. Còn Thiền Tông nó dạy, như mấy con nghe Huệ Khả hỏi: “Bạch Hòa Thượng, tâm con không an”, thì Bồ Đề Đạt Ma bảo: “Lấy tâm ta an cho”. Thì khi lấy tâm thì Huệ Khả mới đi tìm cái tâm của mình ở đâu? Cho nên mình lắng để mình đi tìm nó, thì cái tâm mình nó an ổn chứ đâu có gì.

(13:00) Nhưng sự thật đó là thường tâm mấy con. Còn trái lại Phật dạy chúng ta bây giờ cái tâm đang bồn chồn lo lắng, thì chỉ có cái điều kiện chúng ta nhắc: “An tịnh Tâm hành tôi biết tôi hít vô - An tịnh Tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Mình chỉ nhắc cái tâm mình an ổn thôi, rồi mình nương vào hơi thở thì ngay đó cái tâm mình an liền. Các con thấy?

Như trong cơn giận của mình, mình đang tức giận, mình nhắc: “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô - Quán ly sân tôi biết tôi thở ra”. Đó thì mình nương vào hơi thở, mình cứ tác ý chừng vài ba lần rồi nhìn lại cái tâm sân của mình sao đâu mất rồi. Có phải không mấy con? Nó duyên vào cái hơi thở, nó quên cái tâm sân chứ gì.

Phương pháp rất là tâm lý, mấy con, mình đối trị được cái tâm của mình rất hay. Mấy con cứ thử coi, nó rất hay, nó làm chủ được cái tâm của mình rõ ràng mà. Cho nên cái pháp của Phật không có phải nói suông. Còn Thiền Tông nói suông mấy con “lấy tâm ra ta an cho”. Trời đất ơi tâm đâu mà lấy, con hiểu không? Nói cái kiểu này thì hết biết! Thọt cái tay vô đâu mà lấy nó ra, thấy không mấy con? Còn cái này dạy chúng ta thực tế, mấy con.

Đạo Phật dạy thực tế lắm mấy con. Tâm mình đang không an nè, thì bắt đầu có cái phương pháp làm nó cho an trở lại. Các con thấy chưa, nó thực tế, nó hay nó cụ thể lắm. Vậy mà cái thực tế cụ thể thì không học, mà đi học Thiền Tông nó bảo tâm con không an, thì bảo “con lấy tâm ra đây ta an dùm cho”. Trời Đất ơi, lấy để chỗ nào đây? Cứ nói cái chuyện mà con không biết làm sao con lấy. Không, mấy con thấy hay lắm mấy con. Rồi, con có hỏi gì đi con?

3- TẠI SAO ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA CHIA LÀM HAI PHÁI

(14:31) Phật tử: thưa Thầy, làm sao phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa trong Chánh đạo?

Trưởng lão: sự thật như thế này mấy con, muốn biết tại sao Tiểu thừa và Đại thừa chia làm hai phái mấy con. Trước khi mà đức Phật tịch rồi đó, thì đạo Phật chia làm hai phái, một phái gọi là Thượng Tọa Bộ và một phái gọi là Đại Chúng Bộ.

Đại Chúng Bộ là những người tu sĩ trẻ tuổi, còn Thượng Tọa Bộ là những người tu sĩ già. Họ già, cho nên đức Phật dạy cái gì họ giữ cái nấy, họ không dám thêm bớt. Bởi vì người già họ hay thủ cựu, họ hay giữ lắm. Còn người trẻ họ hăng hái lắm, đọc Kinh sách Phật vậy chứ mấy ông nghĩ tưởng ra cái này viết ra viết vô tùm lum, nghĩ dài ra đủ loại.

Đức Phật bảo “ngăn ác - diệt ác”, đức Phật dạy hơi thở, biết hơi thở ra vô thì mấy ông dạy nhiếp tâm, ức chế tâm. Mấy ông nghĩ tưởng đâu cho nên Kinh sách Đại thừa nó phát triển là do tuổi trẻ nó phát triển đó mấy con. Do đó mà khi mà nó phát triển ra, nó cấu thành như vậy thì nó khác, nó không có giống với Kinh sách nguyên thuỷ.

Cho nên cái Thượng Tọa Bộ thì ôm Kinh sách Nguyên Thuỷ tôi đi phương Nam, chơi chung với mấy ông không được. Cho nên mấy cái ông tuổi trẻ này cũng trong cái giáo đoàn chia làm hai, hai bộ phái đó mấy con, mới ôm cái bộ sách phát triển này gọi là Kinh sách Đại thừa mới đi về phương Bắc, nó mới truyền qua Trung Hoa rồi Việt Nam của mình.

Nó đi phương Bắc nó truyền ra hướng đó. Còn Kinh sách Nguyên Thuỷ nó đi qua phương Nam nó tìm qua Miến Điện, qua Thái Lan, qua Campuchia. Nó truyền qua đó cho nên mình thấy thường thường các sư mà ăn thịt, ăn thịt chúng sanh, đó là cái Thượng Toạ Bộ. Còn cái Đại Chúng Bộ là những người đi sang qua truyền qua Việt Nam mình gọi là Đại thừa.

(16:34) Cho nên khi nó chia ra như vậy đó, thì những cái tư tưởng mà nó phát triển ra, thấy nó hơn Phật, nó hơn Kinh sách Nguyên Thuỷ, cho nên nó tự xưng là Đại thừa. Bởi vì Tiểu thừa thì nó nghĩ rằng là cái xe nhỏ, mà Đại thừa cái xe lớn. Mấy ông tu mấy ông cứ lo tu cho chứng đạo, mấy ông không có độ chúng sanh; còn tụi tôi vừa tu mà vừa độ. Còn mấy ông tu rồi, mấy ông chứng cũng không độ được bao nhiêu đâu. Do đó mới có gọi là Tiểu thừa, Đại Thừa.

Tiểu thừa có nghĩa là cái xe nhỏ, mà Đại thừa có nghĩa là cái xe lớn vừa tu vừa độ. Cho nên bên Đại thừa nó xuất hiện ra là Bồ Tát Hạnh, rồi có Bồ Tát Giới để mấy con mà thọ Bồ Tát giới là mấy con phải cúng dường, phải lo chùa hư sập là mấy con phải hợp sức nhau mà xây dựng, gọi là thọ Bồ tát giới. Còn bên Tiểu thừa thì không có Bồ Tát giới.

Cho nên cái Bồ tát hạnh - cái hạnh để làm, cho nên vừa tu mà vừa độ người. Nhưng mà bên Nguyên Thuỷ - bên gốc Nam Tông đó thì đức Phật dạy khi tu xong mình mới có kinh nghiệm dạy người, mình tu chưa xong mà dạy người như một người mù dẫn một bầy mù đi cho nên nó sai lệch mất đi.

Do đó cái Kinh phát triển nó đưa ra, nó đến chỗ có phong tục tập quán nào đó, nó lấy những phong tục đó nó biến là Giáo pháp của Phật như cúng bái, mê tín, cầu siêu, cầu an, coi ngày giờ tốt xấu. Mà bây giờ mấy con thấy trong chùa Đại thừa, các con thấy hầu hết các điều kiện đó, mà thậm chí như xin xăm, bói quẻ bây giờ ở trong chùa có là tại vì nó tiếp thu. Nó đi đến đâu nó tiếp thu.

Nó tiếp thu để cho nó thu hút được những cái dân tộc ở tại cái địa phương đó, người ta mê tín cái gì đó, nó tiếp thu vô hết làm cho Phật giáo trở thành cái tôn giáo mê tín, mấy con, trở thành cái tôn giáo thần quyền rồi nó dìm. Coi như từ cái chỗ đó, nó vì cái chỗ đó mà nó làm mất cái nền đạo đức của Phật giáo.

(18:27) Còn ở bên Nam tông, thì họ cũng kiến giải chứ không phải các Thượng Toạ Bồ này ôm cái này giữ nguyên như vậy. Nhưng mà sau đó có một số người họ tu chưa chứng cho nên họ nói nhiều điều sai lắm. Kinh sách Nguyên Thuỷ thì những cái lời của Phật dạy còn đó, nhưng họ thêm thắt.

Thậm chí như họ muốn ăn thịt chúng sanh họ thêm như thế nào mấy con biết không, họ nói đức Phật còn ăn thịt heo rừng. Các con nhớ lúc đức Phật sắp chết rồi đó, trong Kinh nó có nặn một cái đoạn đức Phật thọ dụng thịt heo rừng rồi đức Phật mới chết đó. Nó nói đức Phật còn ăn thịt thì tụi tui cũng ăn thịt được chứ gì, miễn ăn không thấy, không nghe, không nghi mà thôi.

Nghĩa là không thấy người ta giết con vật đó để cúng dường cho tôi thì tôi cứ ăn, ai mần ở đâu mà đem tới cho tôi thì tôi cứ ăn thôi; tôi không nghi đó là thịt cho nên tôi ăn thôi; tôi không nghe tiếng kêu của con con vật đó do giết cho chúng tôi ăn thì chúng tôi ăn thôi. Cho nên bên Nam tông mấy con thấy họ ăn thịt chúng sanh ghê gớm lắm, mấy con; nó thiếu cái Tâm Từ Bi.

Nhưng mà trong Kinh Nguyên Thuỷ, đức Phật dạy như thế nào mấy con biết không: đức Phật dạy một người tu sĩ ăn mà thấy thịt chúng sanh thì nhất định không ăn. Nếu cái món chay mà làm ăn chay thấy giống như thịt cũng không ăn nữa. Mấy con thấy bây giờ người ta làm bột chiên giống con tôm vậy đó.

Người ta làm cái đùi gà bằng đậu hủ chứ gì, người ta làm cái miếng bột gì mà nó giống như thịt heo vậy. Rõ ràng là mấy người này thèm thịt heo mà bày đặt, làm thịt gà vì thích mà bày đặt đây. Sự thật đức Phật dạy thấy cái hình dáng đó là ta thấy chúng sanh rồi, không ăn. Nhất định không ăn.

(20:00) Nghe bây giờ trong cái món ăn này người ta bầm nát mình không thấy gì hết nhưng mà người ta nói trong này có mỡ heo trong này, thì cái người tu sĩ nghe rồi cũng không ăn. Không ăn món ăn đó nữa. Mà nghi tức là cái món ăn đó mà nghe cái mùi hôi mỡ, hoặc cái mùi tanh cá, hoặc cái mùi hôi thịt bởi vì thịt bò thịt heo có cái mùi hôi, mà khi nghe cái mùi đó thì tức là người đó không ăn, cái người tu sĩ đó không ăn.

Cho nên đức Phật nói ăn không thấy, không nghe, không nghi. Thấy là thấy cái món ăn, cho nên đức Phật nói khi một người tu sĩ ăn là phải Tâm Từ của họ phải phủ trùm trên cái đĩa đồ ăn, trên cái bát đồ ăn. Phủ trùm tức là người ta quán sát đó mấy con, quan sát thấy có miếng thịt là người ta không ăn; thấy có hình dáng của một con tôm người ta không ăn mấy con.

Thấy có hình dáng con cá người ta không ăn; thấy có mùi tanh tanh giống như cá hoặc như thịt là người ta không ăn. Nghĩa là người tu sĩ rất kỹ lưỡng, họ ăn rất kỹ lưỡng chứ không phải họ đụng đâu ăn đó đâu. Ăn rất kỹ. Cho nên đạo Phật dạy cái người tu sĩ chúng ta rất là kỹ lưỡng trên mọi cái. Cho nên, tại sao bây giờ quý thầy, quý sư mà ăn uống như vậy? Là sai.

Ăn phi thời, ăn ngày một bữa mà sáng họ uống, họ nói họ không có ăn. Như vậy là họ còn ăn uống chứ sao cho nên gọi là ăn uống phi thời. Khi mà đức Phật dạy không cho ăn uống phi thời thì họ bỏ chữ “uống” đi mấy con. Họ khôn lắm. Quý thầy bây giờ mà chạy theo dục họ khôn lắm, cho nên vì cái khôn đó đưa đến cái phá giới, phạm giới.

Cho nên hầu hết đều là phạm giới, mà Đại thừa là phạm giới hết. Nó không dám cho quý Phật tử đọc giới luật đâu, sợ quý Phật tử đọc Giới Luật thấy bây giờ quý thầy ăn ngày một bữa thì quý thầy bào chữa như thế nào? Ăn chứ đâu có uống. Sáng tôi uống bột, hoặc chiều tôi uống bột chứ tôi đâu có ăn. Họ tránh chữ “ăn” thôi mấy con, chứ uống cũng ăn thôi chứ đâu mà khỏi, phải không? Mấy con hiểu?

Cho nên tất cả những cái này là những cái lý luận của người khác, cũng như người ta dám thêm một câu “Đức Phật ăn thịt heo rừng”. Một cái người đưa ra Giáo pháp là Tâm Từ Bi Hỷ Xả, Tứ Vô Lượng Tâm (Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả) mà nỡ lòng nào ăn thịt heo rừng mấy con? Cái lòng từ của người ta ở đâu? Mà đức Phật dạy cái Đức Hiếu Sinh, cái Đức Hiếu sinh của chúng ta lòng thương yêu sự sống. Tại sao đức Phật dạy tâm từ, Tâm Bi, tâm hỷ, tâm xả, như vậy mà bây giờ còn nỡ ăn thịt chúng sanh được sao?

(22:13) Cái lối lý luận của người sau để phạm giới phá giới, để che mặt, để che bít người Phật tử mấy con. Cái lối khéo léo của họ. Rồi quý thầy bây giờ chỉ có tội là quý thầy đâu có hiểu, quý thầy chỉ biết dựa vào những Kinh sách đó thôi chứ thực sự quý thầy là những người tốt lắm mấy con.

Quý Hoà thượng là những người tốt lắm nhưng mà ảnh hưởng những Kinh sách này, quý Hoà thượng nói ờ của các Tổ để lại chứ quý Hoà thượng có làm sai đâu. Cho nên các con thấy bây giờ người ta cũng nói ăn một ngày một bữa, nhưng mà sáng thì người ta ăn tiểu thực. Người ta nói người ra ăn tiểu thực, chiều thì người ta uống bột, người ta đâu có ăn.

Kiểu đó người ta cũng ăn ngày một bữa nhưng sự thật ra họ vẫn ăn ba bữa như thường. Họ hiểu sai. Đối với đạo Phật ăn một viên kẹo vẫn là phạm giới, đối với đạo Phật uống một ly nước phi thời mà nước ngọt là phạm giới. Uống một ly nước lạc không có gì hết thì được, cứ khát là uống, uống giờ nào cũng được, mà uống phi thời thì không được. Cái giới luật của Phật như vậy.

Cho nên bây giờ các con nhìn thấy cái Đại thừa, các con thấy nó sai rất nhiều, nó dạy chúng ta mê tín, cúng bái, cầu siêu, cầu an, trong khi đức Phật bảo mình tự thắp đuốc lên đi. Có đúng không? Hai cái mâu thuẫn. Sai rất sai. Mà hầu hết Phật tử chúng ta đến thắp hương, đến chùa cúng bái tụng niệm, hoàn toàn tưởng như vậy là chúng ta tu hành, tưởng như vậy là chúng ta theo tôn giáo sao.

Tôn giáo như vậy là theo Bà La Môn rồi, cho nên vì vậy mà cái ảnh hưởng của các thầy mà chia ra, các sư mà chia ra trên cái nhóm mà Đại Chúng Bộ, họ ảnh hưởng Đại thừa, họ ảnh hưởng cái Bà La Môn, họ ghi chép những cái tư tưởng của Bà La Môn trong Kinh sách Đại thừa, toàn bộ Kinh sách Đại thừa đều là Kinh sách của Bà La Môn.

Cho nên ở đây bây giờ các con thấy như cái vấn đề Báo Hiếu đi nữa, các con thấy rất rõ ràng cái sự báo hiếu. Thầy nói để các con thấy tại sao mà Ngài Mục Kiền Liên tu chứng đạo rồi, dùng thần thông đi xuống Địa ngục mới thấy mẹ mình bị nhốt ở trong Địa ngục Ngạ Quỷ, không có cho ăn cho nên Ngài Mục Kiền Liên mới lấy cơm trong bát mình đưa cho mẹ.

(24:06) Nhưng bà mẹ đói rất đói, bốc cơm ra ăn thì lửa cháy ra, ăn không được. Cho nên Ngài Mục Kiền Liên dù tu như vậy mà cứu mẹ mình không được, cho nên mới trở về xin Phật bằng cái phương cách nào để cứu mẹ. Thì đức Phật nói phải xin của Đàn Na, tứ sự đem cúng dường trai Tăng với Phật; nhờ công đức ba tháng an cư kiết hạ, nhờ công đức đó mà sẽ cứu được mẹ.

Thì Ngài Mục Kiền Liên về thực hiện được điều đó cúng dường cho Chư Tăng; sau khi cúng dường cho Chư Tăng rồi thì bà mẹ thoát khỏi Địa ngục. Như vậy rõ ràng là Chư Tăng với Phật ăn lo hối lộ rồi. Có phải không? Tại vì cúng dường cho Phật như vậy thì rõ ràng là ăn lo hối lộ mới cứu bà Thanh Đề. Còn biết bao nhiêu bà Thanh Đề khác đang ở tù đó mà không có đứa con cúng dường thì bây giờ đang ngồi tù ở dưới đó hết. Tại sao mà công đức của người tu Phật thương bà Thanh Đề bằng cách thọ dụng đồ cúng dường rồi mới thương, như vậy có giống cái đời của chúng ta không?

(25:04) Các con thấy cái này có sai không? Còn những người khác người ta không có được đứa con như Mục Liên - Thanh Đề, như bà Mục Liên thì những người mẹ như bà Thanh Đề đang ở trong cái Địa ngục đó tại sao đức Phật không thương xót mà cứu khổ, mà chỉ nhờ cái bữa ăn, nhờ cái sự cúng dường mới cứu khổ sao?

Như vậy rõ ràng cái hình thức này là hình thức mê tín, hình thức ăn lo. Thầy lên án liền tức khắc, Kinh sách này không phải là Phật dạy. Phật dạy chúng ta “tự thắp đuốc lên đi”, thì tại sao chúng ta lại đi kêu cứu khổ một cách như thế này? Các con thấy có đúng không, Kinh sách Phật có đúng không? Sai rất sai, không đúng.

Còn bây giờ trong Kinh Pháp Hoa như thế nào: “Dù cho tạo tội hơn núi cả, Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng”. Chúng ta tụng mấy hàng là bao nhiêu tội tiêu hết. Trời mừng quá! Cho nên người nào cũng về nhà mình hay đến chùa đều tụng kinh Pháp Hoa hết.

Nhưng Thầy hỏi như thế này nó có được không mấy con: bây giờ Thầy đi ăn trộm nè, công an bắt Thầy bỏ tù nè. Rồi Thầy cần tụng vài câu Kinh Pháp Hoa thôi cũng được rồi cũng sẽ thoát tù. Các con thấy điều đó được không? Đâu có bao giờ có điều đó được! Ai dám thọt tay vô cứu chúng ta khi chúng ta làm điều ác?

Rồi nếu có một vị Thần, một vị Phật mà cứu khổ như vậy thì cái xã hội này sẽ ra sao mấy con? Cái xã hội mà tôi có ông thần ông Phật như vậy đó, tôi có Kinh Pháp Hoa tụng như vậy đó, tôi mặc sức mà tôi đi ăn trộm ăn cắp, làm chi cho cực! Ai lấy, coi chừng tôi giết người, tôi vô tôi lấy ra, tôi ăn cho sướng hơn.

Như vậy cái xã hội chúng ta ra sao mấy con? Như vậy là phi đạo đức đó mấy con! Kinh dạy cho chúng ta làm những điều như vậy là phi đạo đức. Mà vô đầu Kinh các con thấy câu kệ nói rất rõ ràng “dù cho tạo tội hơn núi cả”, tạo tội hơn núi cả là như thế nào, giết người chứ gì, các con thấy phải không? Lúc nào cũng đâm giết lấy của của người ta chứ gì. Đó là “tạo tội hơn núi cả” chứ gì, quá trời tội lỗi chứ gì, thế mà tụng Pháp Hoa “vài ba hàng” là hết tội. Trời đất ơi, Kinh dạy như vậy đó!

Cho nên các con tụng Kinh Phổ Môn, các con thấy Phẩm Phổ Môn chứ gì các con thấy đó chứ gì dù cho tù tội, già toả, kìm tả gì trong đó niệm bĩ Quan Thế Âm tức là Niệm Quan Thế Âm thì giải toả ra hết không còn tù tội gì nữa hết. Trời đất ơi như vậy thì Quan Âm cái ông này thiệt là cái đầu sắt mà! Cái đầu sắt chứ đâu có cái đầu thường được. Kinh mà dạy như vậy có đúng không mấy con? Kinh dạy chúng ta phi đạo đức, sống như vậy là như thế nào?

(27:24) Còn Kinh sách của Phật dạy chúng ta thế nào: “Ngăn ác, diệt ác - Sanh thiện, tăng trưởng thiện”, “ Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” - tất cả các pháp ác đừng, không nên làm, mà nên làm các pháp thiện. Thì mấy con thấy cái nào thật nè? Cái bên đây tạo tội cho lung/nhiều, tụng nó cũng hết tội; còn bên đây chúng ta hằng ngày không làm điều ác mà làm điều thiện.

Cái nào dạy đúng mấy con? Cái nào dạy chúng ta làm thiện thì xã hội chúng ta sẽ đẹp chứ, người nào cũng làm tốt. Người ta chửi mình không giận mà biết thương yêu người, thì các con thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người. Thấy lỗi người mình tức giận lắm, mà thấy lỗi mình mình có giận không? Mình sửa mình mà. Đó, các con thấy.

Nhiều khi chúng ta không thấy lỗi chúng ta đâu mà thấy lỗi người. Như vậy Kinh nào sai đúng, mấy con thấy không? Các con thấy rõ ràng chưa? Vậy mà chúng ta đến chùa mà chúng ta cứ cầu khẩn thì cầu khẩn làm sao, Kinh nói vậy đúng không? Làm cho chúng ta trở thành con người vô đạo đức.

Làm ác mà chỉ cần có Kinh, chỉ có bà Quan Âm phù hộ, cho nên Kinh cứu khổ cứu nạn chứ gì? Thậm chí nhưng có cái thần chú gọi là Bạch Y Thần Chú nữa! Mấy con gặp đau khổ thì niệm thần chú lên là hết đau khổ liền tức khắc, ma tà không bắt mấy con. Ghê gớm thật!

Sự thật đạo Phật không dạy chúng ta như vậy đâu, mà dạy chúng ta sống con người có đạo đức mấy con. Cho nên cái lớp học mà Thầy mở ra đây là dạy đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Bây giờ mấy con sắp sửa chết, mà mấy con không làm sao mấy con sống được, tức là mấy con thiếu đạo đức với nó đó. Mấy con đang muốn sống chứ mấy con đâu muốn chết đâu. Có bao giờ mấy con gần tới chết mà mấy con muốn chết không, đâu có! Mấy con muốn sống lắm chớ, mà sống không được chứ có phải không?

Nhưng đạo Phật dạy chúng ta có đạo đức với chúng ta. Bây giờ chúng ta chụp, bắt buộc. Nó muốn chết, chúng ta bảo “không được chết, phải sống” thì nó sống mấy con. Cái lệnh của chúng ta là cái ý thức, ý làm chủ, ý tạo tác. Mấy con nghe “Ý làm chủ, Ý tạo tác, Ý dẫn đầu các pháp”. Bây giờ nó muốn sống là cái ý bảo nó, nó phải sống. Mấy con bảo bằng cái ý của mấy chứ bằng cái gì, mấy con. Cái ý thức của mấy con mà. Bây giờ nó muốn chết, nó bệnh nó muốn chết, bảo: “Mạnh! Không được đau!” Là nó sẽ mạnh không được đau. Các con thấy cái lực của nó như thế nào!

Cho nên đức Phật nói cái thần lực đó như thế nào, con biết không: Dục Như Ý Túc. Muốn thì như ý mình muốn, nghĩa là muốn sao nó làm cái nấy. Cho nên nó có Tứ Thần Túc (Dục Như Ý Túc, Định Như Ý Túc, Tuệ Như Ý Túc, Tinh Tấn Như Ý Túc), các con thấy bốn cái thần lực của người ta. Người tu sĩ đạo Phật phải có chứ.

Như vậy người ta mới làm chủ được người ta, người ta như vậy mới sống đạo đức không làm khổ mình chứ. Còn bây giờ mấy con khổ đau, trời ơi, lăn lộn nằm trên giường, đi không được, ỉa đái một chỗ mà muốn nó chết nó còn không chết, muốn nó sống nó cũng không sống nữa, muốn đi nó nó không đi.

(30:01) Thì mấy con nghĩ sao, mấy con khổ không? Trái lại cái người tu theo đạo Phật: “Đi! Chứ không được nằm đây” thì nó đi à, nó không dám cải. Còn mấy con, mấy con thấy hai cái chân nó liệt rồi, mấy con phải giở cái chân mà người ta phải giở chứ con mấy con giở không được nữa. Không, cái người tu sĩ bảo “đi” là đi, nó phải đi.

Mấy con thấy khi mà cái người tu ở đây người ta bị hôn trầm thùy miên, đi nó loạng choạng qua loạng choạng lại, “đi” là phải đi; người ta ra lệnh như vậy, một hơi nó tỉnh liền. Người ta có lệnh, người ta tu tập người ta có cái lệnh gọi là Ý Thức Lực. Cái lực của ý thức, cho nên nó lợi ích rất thiết thực mấy con.

Đạo Phật đâu phải cái chuyện nói lờ mờ, làm được mới nói mà, chứ đâu có phải chuyện mù mờ. Còn mấy con nghe, vô trong chùa nghe thuyết pháp, sự thật mấy con vô nghe để mù mờ chứ để làm gì, nghe thì hay lắm mà có làm được không? Còn ở đây người ta làm được.

Đó thì vậy, những điều mà Thầy dạy ở đây thì mấy con nhớ, mấy con về mà thực hành lời của Thầy thì mấy con sẽ tự cứu lấy mấy con. Mấy con tiết kiệm được một số tiền rất lớn đi nhà thương, bệnh viện, đi bác sĩ. Số tiền đó mấy con sẽ giúp được người bất hạnh, người ta đang đau khổ mà mấy con lại không bệnh.

Cũng như bây giờ mấy con bệnh mấy con phải tốn bao nhiêu tiền, phải không, mà con hết bệnh rồi con thấy số tiền đó bác sĩ đâu có ăn, thuốc đâu có ăn con được. Nhưng mấy con thấy mấy con uống thuốc vô nó trị được cái bệnh này chứ nó sanh bệnh khác, mấy con. À mấy con dùng cái phương pháp đẩy lui cái bệnh thì mấy con không bệnh đâu. Nó có phá hoại đâu, bởi vì thuốc nó trị cái bệnh này chứ nó phá hoại cái cơ thể chúng ta ở phần khác. Nó nguy hiểm cho mấy con, phải không mấy con.

Bây giờ Thầy nói như vầy, nó giải phẫu nè, nó biết cái ruột thừa của mấy con nó mổ đi, nó giải phẫu nó cắt cho mấy con hết bệnh. Ruột thừa chứ gì. Nhưng cái vết mổ này nó còn mấy con. Mỗi khi trời nóng lạnh nó thay đổi, mấy con bị nhức chỗ đó. Có phải không?

Từ cái chỗ bệnh ruột thừa mấy con hết chứ sẽ thành cái vết mổ của mấy con. Da thịt mình chưa có rạch ra thì thôi, chứ đã rạch ra thì nó có cái vết chứ, các con hiểu không? Thầy nói nội cái vết đó thôi nó cũng đau, huống hồ là những điều kiện khác ở trong cơ thể chúng ta làm sao đây mấy con hiểu.

(32:06) Cho nên chỉ có phương pháp của Phật là nó không xảy ra những điều kiện gì khác hơn. Vậy thì mấy con phải siêng năng là mấy con có chút thôi chứ có gì, có chút mà mấy con được hết khổ, thoát khổ, nó đâu có tốn hao gì đâu nhiều. Chỉ mất công mấy con có chút. Mấy con tập luyện đi rồi mấy con sẽ thấy cái hiệu quả của nó, không phí cái thời gian của mấy con nhiều đâu. Mấy con cứ làm việc bình thường. Về nhà mình ngồi chơi một chút, cái mình nhắc nó. Được rồi, cuối cùng nó cứu khổ được mấy con. Bây giờ mấy con còn hỏi thêm Thầy gì nữa không? Nhớ, những lời Thầy dạy mấy con ghi khắc, là lợi ích thiết thực cho mấy con. Đạo Phật là thực tế. Còn con thấy tại sao mà cô Liên Châu hỏi về Đại thừa và Tiểu thừa, cái lợi ích của Đại thừa như thế nào và cái lợi ích của Tiểu thừa như thế nào?

Tiểu thừa nó thực tế, nó chỉ cho chúng ta biết cách ngăn chặn và làm cho chúng ta sống đạo đức; còn Đài thừa nó dạy cho chúng ta mơ hồ, trừu tượng, cầu khẩn, để mà tạo tội những tội ác, để làm những việc phi đạo đức, mấy con. Đó là có đúng không, mấy con cứ xét những lời Kinh đó có đúng không? Rõ ràng Kinh đó viết chứ đâu phải ai mà thêm bớt nó được, nhưng cái dạy đó không đúng đâu.

Hôm nay Thầy nói để cho mấy con nghe để biết được cái sai cái đúng; mà từ lâu nếu mà Thầy không nói ra, thì mấy con cứ nghĩ rằng Đại thừa đúng lời Phật dạy. Phật nào mà dạy cái điều đó mấy con. Cho nên đầu tiên là họ phát triển ra, họ kiến giải, họ viết ra chứ ông Phật ông có dạy cái điều đó không. Nhưng mà cái nào cũng để “Phật thuyết”, chứ còn họ có dám nói họ nói đâu.

Thầy nói như vậy thì mấy con thấy rõ ràng rồi, mấy con cố gắng mà thực hiện, mấy con. Đền đáp được ơn Thầy, Thầy nói mấy con rất là nhiều, nhưng đền đáp được ơn Thầy là mấy con phải thực hiện được là mấy con đền đáp được ơn Thầy, làm cho mấy con được hết khổ, đó là mấy con đền đáp ơn Thầy như hồi nãy Thầy đã nói.

(34:00) thôi bây giờ mấy con nghỉ. Chút ra ăn cơm, mấy con.

Phật tử: (không nghe rõ)

Trưởng lão: thôi mấy con, mấy con đừng có cúng dường Thầy hết. Cúng dường Thầy với chư Tăng đủ rồi, đừng có nhiều quá. Mấy con cứ yên ổn, lát rồi mấy con về. Rồi mai mốt có dịp, rồi mấy con lên. Cái gì mấy con cần thưa hỏi, cứ thưa hỏi Thầy thêm mấy con. Thầy sẽ dạy cho mấy con có lợi ích. Mấy con cất đi.

Con đứng từ từ con. Về, con tập luyện. Con nhớ Thầy dạy con sẽ hết bệnh.

Phật tử: con cám ơn Thầy!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy