CK 039A (NAM) - ĐỊNH VÔ LẬU - XẢ TÂM - NHIẾP TÂM ĐỊNH TĨNH - ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 12/2005
Thời lượng: [37:44]
(00:00) Trưởng lão: Trước tiên Thầy gửi bài học hôm nay - cái lớp tu học Chánh Kiến…
Hôm nay Thầy xin nhắc lại lớp học của chúng ta, tức là chúng ta học "Định Vô Lậu"; quán xét tư duy về nhân quả cho đến cái bài "Đạo Đức làm người".
Hôm nay thì chúng ta học đến "Tất cả các pháp đều vô thường"; do chúng ta học hiểu như vậy để áp dụng vào đời sống của chúng ta.
Hôm nay, theo Thầy đọc những bài viết của mấy con thì hầu như có những bài mấy con viết đi sâu vào sự áp dụng vào đời sống, để chúng ta xả tâm. Tức là mục đích học “Định Vô Lậu” là để xả tâm chúng ta hoàn toàn được thanh tịnh.
Mục đích chúng ta hôm nay tu học thì nó cụ thể, rõ ràng cho thấy được chúng ta có ba cái pháp để tu học.
1.1 - Định Vô Lậu (Giới sanh Định)
(01:02) Một là hiện giờ chúng ta đang tu tập là lớp "Chánh Kiến" đó là chúng ta học "Định Vô Lậu".
Cho nên từ cái sự tư duy quán xét, triển khai tri kiến chúng ta hiểu biết rất sâu; nếu mà chúng ta không hiểu biết sâu thì không thể nào mà xả được cái tâm. Mà không xả tâm, tu tập không khéo thì chúng ta bị ức chế. Do sự ức chế đó mà chúng ta lạc vào con đường thiền không làm chủ được sự sống chết mà (lại) nó có xảy ra nhiều cái trạng thái.
Do muốn đạt được Chánh Định thì chịu khó ly dục, ly ác pháp; mà ly dục, ly ác pháp thì chỉ có xả tâm mà thôi. Nếu mà xả tâm không đạt được thì không thể nào có kết quả trong sự tu tập.
Nếu mà không có "Định Vô Lậu" xả tâm thì chúng ta không còn cái pháp nào khác để mà xả tâm. Bởi vì từng tâm niệm mà khởi lên trong đầu của chúng ta là do tâm "tham, sân, si" của chúng ta mà có.
(02:07) Muốn xả được cái tâm tham, sân, si thì chỉ có Định Vô Lậu - chỉ có cái Tri Kiến của chúng ta. Cho nên hôm nay Thầy nhắc lại lời đức Phật dạy rất rõ ràng và cụ thể, nhưng chúng ta không lưu ý lời dạy đó, đức Phật nói: "Tri kiến ở đâu là giới luật ở đó, giới luật ở đâu là tri kiến ở đó".
Qua cái lời dạy này mà xét thấy quý thầy tu đúng hay là tu sai rất dễ dàng, bởi vì quý thầy đã học Định Vô Lậu tức là triển khai tri kiến của mình, sự hiểu biết của mình. Thế mà giới luật cứ phạm tức là quý thầy không có tri kiến. Còn nếu quý thầy có tri kiến thì giới luật quý thầy không phạm.
Cho nên trong vấn đề tu học theo Phật giáo thì chắc chắn là tất cả người tu đúng thì Giới Luật nghiêm chỉnh; người tu không đúng là Giới Luật không nghiêm chỉnh. Do đó chúng ta thấy giới luật học thì có giới luật phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, tức là Độc Cư.
Giới luật 01 có những cái giới không ăn uống phi thời, không ngủ nghỉ phi thời thì như vậy rõ ràng là chúng ta phạm vào cái đời sống ăn, ngủ và độc cư. Mà phạm vào cái đời sống giới luật như vậy là chúng ta tu không được.
Nhưng mà ở đây đức Phật đã bảo: "Tri kiến ở đâu là giới luật ở đó, giới luật ở đâu là tri kiến ở đó". Vậy thì giới luật - chúng ta nhìn vào giới luật thì thấy chúng ta phạm giới. Như vậy tri kiến của chúng ta có ở đó không? Nếu mà tri kiến giải thoát có thì giới luật phải nghiêm chỉnh.
Cho nên ở đây quý thầy tu như thế nào thì người ta sẽ căn cứ vào giới luật mà người ta biết quý thầy có xả tâm, có làm chủ được tâm mình hay không, mục đích của đạo Phật là làm chủ tâm. Vậy làm chủ tâm bằng cái gì? Bằng Tri Kiến của chúng ta chứ gì!
Mà nếu chúng ta làm chủ được tâm bằng tri kiến thì tâm chúng ta không có tham dục, không có sân hận, không có si mê - rõ ràng và cụ thể, mục đích của đạo Phật là làm chủ mà!
Cho nên mình làm chủ được cái ăn, cái sống, cái độc cư của mình không? Mình không làm chủ được thì mình làm chủ được cái gì?
(04:10) Cho nên chúng ta đừng hiểu lầm là chúng ta ngồi thiền nhiều, ức chế tâm không vọng tưởng thì nó sẽ đi vào Định. Không phải! Cái Định đó là Tà Định chứ không phải Định của đạo Phật.
Đạo Phật nói: "Giới luật, giới sanh định". Do chúng ta giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh bằng tri kiến của chúng ta thì do đó nó sẽ có Định chứ không phải Định do chúng ta ngồi ức chế hết vọng tưởng là Định. Cho nên từ xưa đến giờ người ta đã hiểu sai Phật pháp. Cho nên không ai tu tập làm chủ được sự sống chết.
Làm chủ - ở đây chúng ta tập làm chủ - là làm chủ từ cái ăn, cái ngủ, cái độc cư. Mà làm chủ được bằng cái pháp gì? Bằng Định Vô Lậu - bằng cái tri kiến của chúng ta.
Hôm nay chúng ta học đúng, chúng ta có pháp Tri Kiến để triển khai, để làm chủ được tâm của chúng ta. Mà làm chủ được cái tâm - cái Tâm Thanh Tịnh - thì nó có Tứ Thần Túc.
Nhưng bây giờ tri kiến của chúng ta hiểu biết như vậy nhưng khi chúng ta bị hôn trầm thùy miên thì chúng ta làm sao mà phá nó đây? Không lẽ chúng ta ngồi quán, hôn trầm thùy miên nó hết sao? Cho nên buộc lòng chúng ta phải có Chánh Niệm Tỉnh Thức.
1.2 - Chánh Niệm Tỉnh Giác
(05:20) Mà trong Chánh Niệm Tỉnh Thức, Thầy đâu có cho quý thầy tu năm, mười phút, một giờ, hai giờ mà chỉ có một phút, một phút mà thôi, nghĩa là "Nhiếp tâm và an trú tâm" cho được một phút chứ đâu cần nhiều.
Một phút ai cũng làm được, một phút hay dở gì Thầy nghĩ ai cũng làm được không có khó khăn! Nhưng mà phải cố gắng tu tập! Coi nó dễ vậy chứ không phải dễ đâu! Từ một phút này cho đến một phút kia nó phải làm sao mà nhiếp tâm và an trú tâm cho được - đó là một phút căn bản nhất!
Trên bước đường tu tập chúng ta thấy chúng ta có phương pháp để tập tỉnh thức, nhiếp tâm an trú. Như vậy chúng ta có pháp chứ đâu phải không và đồng thời chúng ta còn có một pháp để chúng ta xả tâm.
1.3 - Tứ Niệm Xứ
(06:07) Xả tâm, nghĩa là chúng ta có Tứ Niệm Xứ. Trên Tứ Niệm Xứ chúng ta nhận ra được trạng thái của Tứ Niệm Xứ tức là "thanh thản, an lạc, vô sự".
Vậy thì hiện giờ chúng ta biết tâm chúng ta có thanh thản, thân chúng ta có an lạc và chúng ta có phải là người vô sự hay không? Chúng ta nhận thấy, biết mình rất rõ ràng, trong những danh từ này.
Khi nhận biết thì chướng ngại hoặc là tâm không thanh thản, hoặc là thân không an lạc thì chúng ta biết ngay liền. Và biết ngay liền thì chúng ta có những phương pháp sử dụng đẩy lùi tất cả những chướng ngại đó ra.
Như vậy chúng ta thấy rõ ràng chúng ta có pháp tu để đem đến sự bình an, thanh thản an lạc vô sự cho chúng ta mà không bị chướng ngại.
Như vậy rõ ràng pháp chúng ta tu có thực, làm chủ thật, nhưng tại sao chúng ta không làm chủ? Tại vì chúng ta quá dễ dãi mà không chịu đem hết sức lực của mình để chiến thắng những tham vọng của mình, vì nghiệp lực của chúng ta quá nhiều!
Hôm nay được sự hướng dẫn của Thầy thì quý thầy đến hôm nay hơn một tháng mấy rồi; Thầy tin rằng hơn một tháng mấy, quý thầy đã nắm vững được cái đường lối tu tập cụ thể rõ ràng, không còn tu tập sai.
Hôm nay có nhiều người còn tu sai. Là tại sao quý vị tu sai? Là tại vì quý vị hiểu sai mà tu sai. Chứ sự thật Thầy đã dạy rất rõ ràng.
Trong đây có những bài viết mà Thầy thấy áp dụng vào đời sống chúng ta thấy rất là tuyệt vời như cái bài của sư Từ Quang, cái đoạn áp dụng vào đời sống thực tế rất hay mà cũng rất nhiều.
Các con thấy, quý thầy thấy ở đây bao nhiêu trang giấy mà sư đã nói đến áp dụng vào đời sống của chúng ta thì chúng ta thấy một cái bài rất hay biết cách áp dụng, biết cách sử dụng.
Và hầu hết số người ở đây, chúng ta phải phân biệt về cái lối văn: lối văn bác học, và cái lối văn đề mà cái lối tư duy bác học - cái lối tư duy để mà áp dụng vào Định Vô Lậu để xả tâm. Ở đây chúng ta nêu rất rõ để mà chúng ta thấy đọc một cuốn sách chúng ta biết đây là văn bác học, văn mà có học thức, tích tập để viết ra.
Nghĩa là như các nhà học giả nghiên cứu sách vở rồi họ viết ra, họ ghi chép lại, họ viết ra thành một cuốn sách, bằng cách họ tích tập những tư tưởng bằng cái sự hiểu biết, bằng cái sự thông tin khắp mọi người trên thế giới này. Để rồi họ ghi chép lại với một đề tài với cái đề mục mà họ muốn nói, cho nên họ viết thành cuốn sách.
(08:47) Thí dụ như về Thiền tông, có những nhà tiến sĩ học, có những nhà kỹ sư hay là bác sĩ họ đều là những người có học thức rồi họ đọc kinh sách thiền; rồi qua cái nghề nghiệp của họ, thí dụ họ là nhà khoa học, họ nghiên cứu về vấn đề gì đó rồi họ nghiên cứu sách thiền thì họ ảnh hưởng cái điều kiện đó mà họ ghi chép lại thành một bộ sách nói về khoa học hay vật lý học hoặc là Thiền tông đã ảnh hưởng trong vấn để mà họ nghiên cứu.
Mà những văn như vậy gọi là văn bác học, nghĩa là gom góp lại tất cả những sự học của con người trên hành tinh này, cái nào hay thì ghi chép lại để làm gọi là văn bác học.
Còn ở đây chúng ta không phải là văn bác học mà là cái sự tư duy; văn chúng ta viết ở đây nhằm thực hiện đạo đức và cái sự sống của chúng ta. Cho nên rất đơn giản người nào cũng có thể làm được, chúng ta không cần phải có sự học thức cao.
Nhưng với những người có trình độ kiến thức, học thức đều có thể áp dụng văn bác học mình vào trong cái sự tu tập của mình rất dễ dàng, không phải khó khăn. Bởi vì cái lối văn của nó để nói lên cái sự hiểu biết của mình, tức là tại vì mình có học, có nghiên cứu, có nghe được tin tức về chuyện xảy ra khắp nơi ở trên hành tinh sống của chúng ta, chúng ta được nghe được hiểu.
Còn một số người không được nghe, được hiểu; họ không có nghiên cứu, họ không có đọc kinh sách, họ không đọc sách báo nhiều, cho nên họ chỉ viết ngắn gọn với đời sống của họ qua các pháp vô thường, qua nhân quả họ nói ra vẫn tác động rõ ràng cụ thể vào đời sống tu tập của họ, để xả tâm.
Điều quan trọng nhất là chúng ta dù là văn bác học hay là văn bình dân - cái sự hiểu biết bình dân của chúng ta - đều là áp dụng vào đời sống của chúng ta được giải thoát, đều là hay hết. Nhưng chúng ta cũng phải biết phân biệt các loại văn bác học và các loại văn bình dân của chúng ta.
(10:50) Cho nên ở đây, chúng ta đọc để hiểu biết rõ; để khi đó chúng ta đi sâu vào cái Định Vô Lậu mà chúng ta tư duy. Tùy theo ở trình độ khả năng của mọi người mà người ta sẽ hiểu biết rõ ràng cụ thể. Chứ không khéo chúng ta bảo: "À, sao người này viết hay quá! "; sự thật hay mà không thể áp dụng vào thì cũng không hay. Mà người này viết sao nghe nó dở quá; nhưng mà cái dở của người ta lại là cái thực tế của người ta áp dụng vào đời sống giải thoát.
Cái mục đích chúng ta nhắm là làm chủ được cái tâm của chúng ta, không có cho nó tham, sân, si phiền não. Đó là cái mục đích chúng ta học bài Định Vô Lậu là như vậy.
Cho nên ở đây có một cái bài luận của Thanh Quang. Bài làm "Đạo đức Nhân bản - nhân quả” đầy đủ ý nghĩ nhưng đây chỉ là mới bước đầu, giới thiệu nền đạo đức nhân bản, theo sự tóm lược để tiện áp dụng vào đời sống. Đó là cái bài của Thanh Quang viết. Một số trang như thế này mà nói về đạo đức nhân bản thì mấy con viết như thế này, Thầy nói đây chỉ mới giới thiệu mà thôi. Giới thiệu nền đạo đức nhân bản mà thôi. Bởi vì nền đạo đức nhân bản nó rộng lắm, chứ không phải nó hẹp đâu!
Mà Thanh Quang viết, mấy con biết cây bút của Thanh Quang cũng không phải là cây bút bình dân đâu, có học thức đàng hoàng. Vì vậy mà Thầy mong rằng Thanh Quang hãy đọc cái bài này, để cho mọi người nhận xét qua cái hiểu biết và đồng thời cũng giúp cho mọi người tiến bước trên con đường tu về Định Vô Lậu.
Thanh Quang đọc, con!
Và kế tới là mấy con sẽ đọc cái bài của Từ Quang áp dụng vào đời sống. Cái bài của Từ Quang cũng dài lắm, nhưng ở đây chúng ta phải đọc để áp dụng.
(12:48) (Tu sinh Thanh Quang đọc bài làm của mình)
Đề bài: “Đạo đức nhân bản-nhân quả”.
Trong mọi hoạt động của đời sống con người, sinh hoạt hai mặt chủ yếu là vật chất và tinh thần. Trong hoạt động tinh thần, đạo đức có một phần quan trọng đặc biệt; bởi đạo đức có mặt và xuyên suốt trong mọi hoạt động con người. Nó là một trong những hình thái ý thức xã hội và được xếp vào kiến thức thượng tầng, vì nó tác động trực tiếp vào hạ tầng cơ sở. Nó có đặc thù riêng vừa là kiến trúc thượng tầng đồng thời nó cũng là hạ tầng.
Đạo đức là gì? Hai từ này là từ gốc hán đã được Việt hóa. Đạo đức chỉ con đường. "Đạo" dùng chỉ con đường; “đức” chỉ phẩm chất tốt đẹp của con người, ứng xử với con người trong cộng đồng xã hội cũng như môi trường sống. Cho nên Đạo đức là con đường tư tưởng, là hành động sống của con người được thể hiện hàng ngày trong cách đối xử giữa con người và con người, con người với xã hội và thiên nhiên, môi trường sống. Nó là những vấn đề rộng rãi, bao trùm khắp không thể nghĩ bày hết.
Con người từ khi còn sống thành bầy đàn, Đạo đức đã trở thành những điều cần thiết như đồ ăn, thức uống hàng ngày, đi kiếm ăn, hái lượm, săn bắt đã nảy sinh các nhu cầu phải nhường nhịn, chia sẻ miếng ăn cho nhau; phải biết thương yêu không cậy mạnh hiếp yếu, không đánh đập giết hại nhau, lớn phải nhường bé, trẻ phải nhường già và phải thân ái giúp đỡ đoàn kết, tạo nên mặt bảo vệ nhau. Đó là những điều thiết yếu để đảm bảo cho cuộc sống được yên vui, cộng đồng sinh sống có trật tự. Những điều đó không phải là lệnh của người cầm đầu, không phải quy định, không có tính chất bắt buộc, nó xuất phát từ nơi tâm, tình yêu của con người. Nó là cơ sở của nền đạo đức sau này.
(14:59) Xã hội loài người ngày càng phát triển vì của cải ngày càng gia tăng, nhu cầu cuộc sống càng phong phú, Đạo đức cũng ngày một phát triển, đáp ứng cuộc sống loài người. Đã trải qua các chế độ xã hội: Nguyên thuỷ, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản và vừa qua một số nước đã bước vào thời kỳ quá độ Xã hội & Xã Hội Chủ Nghĩa.
Mỗi chế độ xã hội, người ta thiết lập một nền đạo đức phù hợp con người và phương thức sản xuất phục vụ tư tưởng, chính trị xã hội và quyền lợi của tầng lớp cầm quyền.
Do vậy, các nền đạo đức đều chịu sự tác động của hệ thống chính trị tư tưởng chi phối. Nó luôn vận động, phát triển và vô thường. Nó xuất phát từ mục đích quyền lợi thống trị nên mang tính dục, tính ác dù nó được coi là tiến bộ đến đâu đi chăng nữa!
Đạo đức chế độ phong kiến nước ta là cốt lõi Tam Cương Ngũ Thường, nó ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Khổng Mạnh của Trung Quốc. Tam cương là quy định về ba quan hệ: Vua tôi, cha con, vợ chồng.
Quan hệ Vua tôi là “Quân xử Thần tử; Thần bất tử, bất trung”; quan hệ cha con là “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” hoặc muốn “nói ngoa, làm cha mẹ mà nói”; quan hệ vợ chồng là “phu xướng, phụ tòng”. Người phụ nữ phải tứ đức tam tòng: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử, tòng tử”.
Hôm nay nhìn lại ta còn thấy rõ cái vô đạo đức của một nền đạo đức đã kéo dài hàng ngàn năm với loài người. Vua Chúa là tầng lớp ăn trên ngồi trước, sống cuộc sống xa hoa, đài các, trên mồ hôi nước mắt của muôn dân. Quân là vương tử con của Trời, Trời là quyền lớn nhất sau rồi đến vua. ( nghe không rõ ) là cha mẹ của dân, sinh ra để chăm sóc cho dân, dân là quần chúng. Quần chúng có nghĩa là bầy đàn như đàn cừu, đàn ngựa chẳng hạn. Đó là quan điểm đạo đức, là sự nhìn nhận phân biệt đẳng cấp con người của chế độ phong kiến.
(17:20) Vua được gọi là bậc minh quân, đã là vua là minh quân nhưng thật ra triều đại nào cũng không ít hôn quân và “quân”. Trước nhất là một con người, một phàm nhân - cả ba nơi Thân, Khẩu, Ý của Vương tử là nơi tột đỉnh quyền lực, nơi cái ác phát ra tột đỉnh thế gian. Có chuyện năm thê, bảy thiếp đó là bất công, lạc hậu, tội ác; nhưng những Vương tử nào cũng hàng chục mỹ nữ cung tần ngày đêm đắm mình trong tửu sắc mà lại bảo là: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” thì thật là nực cười đâu còn là công lý, là đạo đức.
Người phụ nữ bị cột chặt vào cha, chồng, con "như xe theo trâu kéo". Họ chỉ còn là công cụ của gia đình và xã hội. Tư tưởng đó sao được gọi là đạo đức?
Đạo đức - chế độ Tư Bản đề ra cái tôi, hô hào giải phóng cái tôi, nên cái tôi mới nổi lên cán hết cả công lý. Xã hội tư bản tất cả là tiền, mọi giá trị đều có thể đo bằng tiền: “Có tiền mua tiên cũng được”. Con người đối mặt với tiền, tham đắm trong vật chất, ngày càng trở nên lạnh lùng, băng giá. Một xã hội mà cái tôi được kích động phát triển tự do đến tột bực: Tham, sân, si chất ngất; xung đột cá nhân, mâu thuẫn, đối kháng xã hội càng ngày càng nổ ra quyết liệt. Chiến tranh, xâm lược, xâm chiếm thị trường, bóc lột, khai thác thuộc địa đã là tất yếu.
Tất cả những vấn đề trên cho thấy dù bất cứ nền đạo đức nào - tuy xã hội sau tiếp thu, kế thừa và tiến bộ hơn xã hội trước - nhưng dù có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, nền đạo đức ấy cũng không thể coi được là chân thực, chân lý.
Không phải chân lý vì nó Vô Thường vì nó tuân theo tâm tham dục, và quay lại phục vụ tham dục. Nó không phải chân lý bởi nó không đủ mạnh, nó là “cần” đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện tại nhưng chưa “đủ”, chưa hoàn toàn mang đến sự an vui hạnh phúc cho con người.
(19:43) Vậy thì nền đạo đức, chân lý vững vàng ấy ở đâu? Và nó ra sao? Xin thưa, nó ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi lúc trong toàn bộ hoạt động đời sống hàng ngày của con người. Nó là "đạo đức nhân bản, nhân quả”; nó như vàng vốn nằm sẵn trong đất mà bấy lâu ta không biết đường để lấy.
Vậy: “Đạo đức Nhân bản, Nhân quả” là gì? Nhân là từ đã được Việt hoá, gốc của nó là chữ hán. Nhân chỉ con người, còn Bản là gốc. Có ba nơi xuất phát hành động tốt, xấu của con người là Thân, Khẩu, Ý. Ba nơi này đều từ con người nên được gọi là nhân. Nó từ chỗ ấy mà ra và lấy chỗ đó làm gốc nên được gọi là Bản, góp chung lại hai khái niệm thành cụm từ: “Nhân bản”.
Từ ba nơi Thân, khẩu, ý xuất phát muôn vàn hành động Thiện và Ác. Hành động ấy là Nhân, tiếp theo hậu quả của hành động ấy khổ hay vui thì gọi là Quả. Các từ này liên kết nhau thành cụm từ: “Nhân bản, Nhân quả”. Cái lối chính, cái bản chất và đặc trưng của đạo đức nhân bản - nhân quả là gì? Đó là: “Sống không làm khổ mình, khổ người”.
Nếu mọi người đều biết ý thức điều đó trước khi hành động thì toàn bộ hoạt động của con người trên hành tinh này đều là đạo đức. Mọi người được sống thanh thản an vui, xã hội phồn thịnh, thế gian thành Thiên Đường. Mọi người đều sống không làm khổ mình, khổ người thì đau khổ sẽ hết, chỉ còn lại là vui. Sống không làm khổ mình, khổ người chỉ có chữ “không” đó là “không, là không, không” là cốt lõi đạo đức nhân bản, nhân quả.
(21:32) Đơn giản như một bước đi, bước đi vội vàng không nhìn xuống giẫm càn làm chết con sâu, con kiến. Bước chân đã gây oằn oại khổ đau, thế là bước chân thiếu đạo đức nhân bản, nhân quả. Đi theo ý thức tỉnh giác, bản thân thanh thản, không gây xuất phát đau đớn cho côn trùng là đạo đức nhân bản, nhân quả. Một cái liếc mắt nhìn ngang hoặc nhìn chằm chằm gây cho người khác sự khó chịu, thế là thiếu đạo đức.
Hoặc dễ nhận ra việc làm có đạo đức hay không một khi ta biết tự hỏi mình: Đó là việc thiện hay ác. Nếu không làm khổ mình, khổ người đó là việc thiện của đạo đức. Nếu ta làm khổ người, hoặc cả hai cùng khổ là ác tức thiếu đạo đức hoặc không có đạo đức.
Sống giữa làng xóm, cuối phố anh A mở dàn loa hoặc thích nghe ca hát vặn âm lượng hết cỡ, khiến cho bao người sống xung quanh khổ sở vì không thích nghe mà vẫn phải nghe. Họ đang cần yên tĩnh mà không được yên tĩnh. Thậm chí ốm đau đang cần sự yên tĩnh, im lặng thì phải chịu đinh tai, nhức óc; thế là hành động mở đàn đã trở thành hành động vô đạo đức nhân bản, nhân quả.
Nhỏ như một túi nilon, bánh trái ăn xong vứt bừa bãi; làn khói thuốc lá nhả ra ở chỗ đông người; một cái hắt hơi thiếu kiềm chế khiến người ngồi gần giật mình. Những việc đó nếu đem đối chiếu không làm khổ mình, khổ người thì nó sẽ hiện ra ngay như người đặt trước gương có hay không có đạo đức nhân bản, nhân quả.
Cũng như thế, ta xem một người thầy thuốc. Ông ta được xã hội đào tạo để thành người có nghề nghiệp; tri thức mà ông có chính là trí tuệ của bao lớp người đi trước. Tay nghề ông giỏi, chính là kinh nghiệm máu xương của bao người để lại gửi gấm cho đời sau. Ông là bác sĩ có nhiệm vụ quay lại phục vụ cộng đồng xã hội. Bổn phận ấy ông làm chưa tốt hiệu quả chưa cao, bệnh nhân chậm khỏi chỉ thế thôi cũng đã là thiếu đạo đức nghề nghiệp & tinh thần phục vụ.
(23:48) Chưa nói chuyện đến khám - bác sĩ - trước bàn làm việc dán khẩu hiệu to tướng: "Lương y như từ mẫu" nhưng việc làm thì ngược lại. Bệnh nhân vào bệnh viện, họ cần đến mà không có phong bì kèm theo thì lạnh nhạt thờ ơ sống lãnh đạm, thản nhiên trước nỗi đau đớn trước nước mắt và tiếng kêu than, kêu rên thảm thiết của con bệnh.
Kẻ ốm đau là kẻ đang trong cơn hoạn nạn, thân xác đớn đau, tiền tài hao tổn, nhiều khi phải vay mượn nợ lãi trước cái chết rập rình, đe dọa trong lo âu, buồn khổ. Lúc ấy con người mới cần, mới thấm thía sự cảm thông, an ủi của đồng loại. Họ khát khao tình thương như đàn voi con khát nước nhưng chính lúc ấy họ lại là đối tượng, là lúc làm tiền cho kẻ bất lương được mệnh danh chữa bệnh cứu người. Đó là hành vi cực kỳ vô đạo đức!
(24:49) … nghề dạy học xưa nay là nghề cao quý, nghề được xã hội tôn vinh, mọi người gọi là thầy. Họ là người khai sáng, mở mang trí tuệ, được mở tri thức - là công việc giáo dục, đào tạo con người trở thành những thành viên hữu ích cho xã hội.
Nhưng hôm nay, không ít ông bà thầy trên lớp cốt dạy cho hết giờ; đầu óc tri thức, nhiệt tình thì dồn vào chỗ dạy thêm để kiếm tiền, hiển nhiên coi đó là cơ chế thị trường. Trong khi đó mức lương ngành giáo dục đã được xã hội ưu tiên dành cho cao hơn so với ngành nghề khác. Lại còn có những trường hợp thật xấu hổ, khi học trò không có điều kiện đóng góp tiền học thêm, thầy phản ứng tỏ luôn thái độ lạnh nhạt, dửng dưng hoặc không có tiền không cho học.
Đó là những hành động ác. Vì lợi mình làm khổ người nên không hề có “đạo đức nhân bản nhân quả”. Làm đúng bổn phận, làm nhiệt tình tức là đạo đức; thái độ sống chỉ biết mình, không cần biết đến người như kể trên, hôm nay phổ biến ở khắp chỗ này, chỗ kia trên mọi lĩnh vực cuộc sống.
Đạo đức cách mạng là người cán bộ phải là người đầy tớ trung thành của dân; nhưng dân có việc, đến chỗ nào cũng gặp phải cửa quyền, quan liêu, hách dịch, hống hách; có quyền nên mới cửa quyền. Họ không cần nguyên tắc, không cảm thông nỗi khổ của người đến xin phép. Quà cáp, đút lót, phong bì đã trùm lên công lý và đạo đức. Nếu biết bỏ bớt những thói xấu, không ăn đút lót, hết lòng phục vụ nhân dân thì như thế là sống có đạo đức.
Hôm nay, thói ác ấy cũng được thế tục hóa luôn cả nơi Tam Bảo; không cớ gì các Phật tử giàu có cúng dường nhiều tiền được thầy chùa săn sóc, mời mọc bưng ghế đon đả chào mời. Cùng lúc đó kẻ nghèo khổ đến Tam Bảo lễ vật đơn sơ được thầy chùa lặng lẽ nhìn xuống; ai đại phước duyên mới được Thầy ban cho câu: “Mô Phật ”.
Hành vi ứng xử ấy làm buồn, làm khổ lòng người, làm kẻ giàu có thêm cao ngạo, vênh vang, người nghèo khó tủi phận. Đó là những hành động ác, không có đạo đức nhân bản; không làm như vậy là bình đẳng, là đạo đức.
Tất cả các hành động trên đây đều vô (27:24) … vừa làm khổ mình, vừa làm khổ người hoặc làm khổ mình, làm khổ người đều là không có đạo đức nhân bản, nhân quả; không rơi vào đó là sống có đạo đức.
(27:35) "Đạo đức Nhân bản - nhân quả ” là đạo đức xuất phát từ chỗ: “Không làm khổ mình, không làm khổ người”. Nó cũng được kiểm nghiệm là xem đúng hay không đúng là chỗ ấy - chỉ một mục đích, một đẳng cấp duy nhất đó - nó không hề nhằm phục vụ cho một giai cấp, một chế độ hoặc một hệ tư tưởng nào; nhưng ngược lại bất cứ chế độ xã hội nào cũng cần nền đạo đức với những hành động mang bản chất tình thương chân thật đó.
Vì thế nó tồn tại và đi suốt thời gian đi với loài người qua mọi chế độ xã hội, qua bao thăng trầm mà không bị đổi thay. Nó chỉ một mực không làm khổ mình, khổ người, đấy là Đạo đức nhân bản - nhân quả, là chân lý, nó tồn tại vĩnh hằng. Mà cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ ra và đức Thầy Thích Thông Lạc bậc A la hán làm cho nó sống lại với loài người.
Mọi nền đạo đức được sinh ra phục vụ cho mọi chế độ xã hội bất kỳ, đều phải tốt đi theo chế độ xã hội đó khi kết thúc. Nếu còn lại thì là những tàn dư, những mảng rơi rớt, cũng giống như cây bị đánh bật gốc thì cành lá phải héo khô.
Chế độ Tư bản đã kết án chế độ Phong kiến. Tư bản hò hét giải phóng con người, giải phóng sức sản xuất, đề cao vai trò cá nhân thì tiếp đó chế độ Xã hội chủ nghĩa tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân khôi phục đạo đức mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người. Hôm nay dù Xã hội chủ nghĩa hoặc Tư bản cũng đều không thể chấp nhận đạo đức: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.
(29:26) Nhưng “đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, không làm khổ người" thì dù tư bản hay xã hội chủ nghĩa cũng không thể phủ nhận. Cho đến lúc loài người khi sinh lên hành tinh khác, vẫn phải mang theo vì tư tưởng đạo đức ấy là trí tuệ là chân lý. Nó thực sự mang đến cho con người cuộc sống an bình, hạnh phúc, xã hội trật tự văn minh, phồn vinh và thịnh trị.
Tư tưởng đạo đức đó muôn thuở không bao giờ trở thành lạc hậu. Nó mãi mãi là mặt trời với nguồn sáng vô tận là chân lý. “Đạo đức nhân bản - nhân quả” thể hiện bình đẳng giữa con người với con người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, không kể màu da, sắc tộc, tôn giáo, thước đo văn minh hay chậm tiến. Không chỉ thế đạo đức nhân bản - nhân quả với tinh thần không làm khổ mình, khổ người đã tạo nên tình thương yêu gắn bó, tôn trọng cuộc sống muôn loài, từ cỏ cây, chim muông, cầm thú.
Chỉ có đạo đức nhân bản - nhân quả mới coi trọng yêu thương và bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn vệ sinh môi trường sống như thật. Cũng từ những việc đó đạo đức nhân bản - nhân quả đã thực sự nâng con người trở nên cao thượng. Con người vốn từ động vật mà ra, vốn là động vật cao cấp nhất thì vẫn còn tính vật. Trong cụm từ “con người” vẫn có một từ chỉ “con”. Loài thú bản chất là độc ác, ngu si, hung dữ, chúng sống bằng sự săn cướp mồi, bằng sự sát hại nhau. Con người thoát ra từ chỗ thú nên trong nhiều hành động vẫn mang tính thú. Muốn làm người đúng nghĩa con người, tức là thoát khỏi bản chất thú, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ân tình chỉ cho con người những tiêu chuẩn để thực sự làm người, đó là Năm giới và Mười thiện.
Mười thiện là mười hành động xuất phát từ ba nơi thân, khẩu, ý trên cơ thể con người. Đó chính là nơi sinh ra toàn bộ mọi hành vi đạo đức và vô đạo đức.
(31:36) Con người biết sống sinh thiện, diệt ác, biết lấy phương châm "không làm khổ mình, khổ người " soi rọi mọi hành động thì mọi hành vi đều trở nên đạo đức nhân bản - nhân quả. Đó là con đường dẫn người ta vượt lên, từ bỏ, giũ sạch bản chất cầm thú và trở thành cao thượng. Ở đấy con người sống yêu thương, chia sẻ, đùm bọc, xót thương đồng loại, biết xấu hổ, biết sửa mình, sống có đạo lý, ngày càng triển khai trí tuệ thông minh, làm chủ bản thân, vượt lên mọi sự chi phối của luật nhân quả và làm chủ sinh già bệnh chết.
Đâu đó, có nơi, có lúc, có người cho rằng cuộc sống vật chất, phồn vinh thì mới có hạnh phúc. Quan niệm đó là sai, không ít người đã vươn lên vượt biển ra đi, một sống hai chết để mang những ngày giàu sang, đầy đủ tiện nghi. Nhưng rồi chính họ đến lúc có dư vật chất mới thấm thía hơn ai hết nỗi cô đơn, lạc lõng, buồn thương khao khát nghĩa tình. Đến lúc đó họ hiểu thấm những giá trị tinh thần, tình yêu quê hương Tổ quốc, mảnh đất chôn rau, cắt rốn, mảnh đất ông cha yên nghỉ. Phong tục tập quán truyền thống đấu tranh, lịch sử thấm đượm máu và nước mắt của dân tộc.
Vật chất và tinh thần là hai mặt của một hình thể thống nhất, chỉ một mặt phát triển không khác gì người có một chân còn một chân khuyết tật. Đời sống đạo đức và đời sống vật chất phải phát triển song song và tương đối, nếu không vậy chúng ngược chiều nhau là một thảm họa.
Gia đình, khi nghèo khó mới biết con cái có học hay hiếu học. Anh chị em trong một nhà, có đứa thân nhau đến mọi đường - chia nhau củ sắn củ khoai, tấm áo mặc chung, lớn lên mới thấy thấm đậm tình thương. Sống trong cảnh giàu có, nhung lụa, của ăn không hết, mọi cái đã có người phục vụ, lớn lên nghĩa tình không hề sâu nặng, ai cũng chỉ quen lo cho chính bản thân mình.
(33:50) Trong chiến tranh giải phóng dân tộc đề ra mọi người đứng tài sản đều như nhau, chỉ một chiếc ba lô, hai bộ quần áo, không dùng tiền, trước mặt một con đường Sống, Chết thất thường nhưng con người gắn bó nhau như ruột thịt. Hòa bình rồi người giàu lên, kẻ nghèo khổ, người quan tước, kẻ cùng đinh nhưng lại ngăn cách, lạnh lùng, tuổi hận, tình cảm tốt đẹp tắt liệm dần.
Trong xã hội phong kiến, một khi các triều đại suy vi dân tình đói khổ, con người tự liên kết lại với nhau chống áp bức bóc lột, họ sống chết quên mình vì nhau.
Ba từ chỉ hành động đạo đức sống cao thượng nảy sinh từ nguy nan, gian khó. Tình cảm đạo đức con người trở nên cao đẹp, trong sáng. Họ luôn là một khối thống nhất trong tư tưởng và hành động, nhưng khi cuộc sống đã an bình, xã hội phân hóa thành giàu nghèo, đẳng cấp trăm ngàn mâu thuẫn, xung đột lại nảy sinh, chia rẽ.
Cái bệnh muôn thuở của con người là ham muốn, ham muốn tột độ và cũng không bao giờ thỏa mãn tột độ. Có nhà tranh thì lại ước nhà ngói, có nhà ngói ước nhà tầng, có nhà một tầng lại muốn nhà năm, mười tầng. Khi đi xe đạp thì ước xe máy, có xe máy, ước ô tô, có ô tô rồi khốn khổ với chuyện mốt này mốt nọ, cuối cùng chẳng có lúc nào thoả mãn với bản chất tham dục, sống theo dục, sống theo lối sống vật chất.
(35:33) Nên cuộc sống hôm nay ở các nước phát triển, bãi rác trở thành núi rác, núi xe cộ; máy móc thậm chí còn mới tinh, sơn nhãn còn sáng bóng đã được thải bởi thị trường loại mới vừa ra đời. Cứ như thế đồ bãi rác được chuyển đến những nước nghèo, anh này nhả bã lại có anh khác lấy. Khi con người đã vào vòng xoáy sống hưởng thụ cá nhân, đắm say danh lợi, tiền tài thì đạo đức ngày càng mờ nhạt mất dần và cái còn lại sẽ là vô đạo đức.
Tư tưởng chém đoạt mạnh gấp trăm ngàn lần đức hy sinh cống hiến hoặc bổn phận, khi ấy con người biết đến chặn huỷ diệt - ngay như hòn đá từ đỉnh núi đất đồ long. Không thể có chuyện đời sống vật chất càng phồn thịnh, con người càng hạnh phúc. Tất nhiên hạnh phúc không đồng nghĩa với năng suất lao động thấp, nghèo đói, xác xơ. Nhưng một điều hiển nhiên, giàu có phồn vinh về vật chất mà không có đạo đức là phồn vinh trở nên vực thẳm. Thảm họa diệt chủng, từ hạt nhân nguyên tử, từ gốc tham, sân, si như thuốc độc, cực độc đã nằm trong khối óc của con người.
Nhưng nếu mức sống còn thấp, còn chậm tiến mà con người biết sống đạo đức, đề cao đạo đức thì cuộc sống mới an vui hạnh phúc, thanh thản, tốt lành. Và chắc chắn không có hận thù, chia ly, đổ máu.
Cho nên đạo đức luôn phải được đặt lên hàng đầu cuộc sống sống xã hội của mỗi công dân. Từ đó mới toả sáng điều chỉnh mọi hành vi và dẫn dắt con người trên đường tiến hóa nhưng đó phải là nền đạo đức nhân bản - nhân quả, chứ không phải thứ đạo đức chung chung hoặc đạo đức phục vụ cho một giai cấp hay một tập đoàn thống trị nào.
Đạo đức nhân bản - nhân quả mới chính là chiếc la bàn cho con người trong đêm tối, giữa cánh rừng mịt mừng và vô minh.
Dạ hết!
HẾT BĂNG