00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 035A - CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC - TRIỂN KHAI TRI KIẾN XẢ TÂM - NHÂN QUẢ - TỨ NIỆM XỨ

CK 035A - CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC - TRIỂN KHAI TRI KIẾN XẢ TÂM - NHÂN QUẢ - TỨ NIỆM XỨ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Ngày giảng: 12/2005

Thời lượng: [20:04]

1. CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

(00:00) Trưởng lão: Hôm nay Thầy triển khai cái lớp mà chúng ta tu về Chánh Niệm Tỉnh Giác, cái lớp mà tập tu định tĩnh mà Thầy từng nói nhắc nhở đó: tu trong 1 phút đừng có tu nhiều. Bởi vì tu 1 phút mà nếu chúng ta tăng lên 2 phút, 3 phút là chúng ta ức chế tâm. Cho nên chúng ta tu như vậy là chúng ta sai.

Mà khi cái Định Vô Lậu, cái tri kiến chúng ta được triển khai thì chúng ta xả cái tâm, ly dục ly ác pháp thì cái sức định tĩnh nó sẽ tăng lên. Từ 1 phút căn bản của chúng ta rồi bắt đầu bây giờ chúng ta nhiếp vô 2 phút mà chúng ta có xả tâm thì tự nó nó tăng lên.

Còn nếu bây giờ mà chúng cứ sử dụng cái hơi thở hoặc cái bước đi của chúng ta mà nhiếp phục cái tâm mình ở trong đó thì đương nhiên là mình bị ức chế tâm, cho nên lúc thì được lúc thì không.

Tại vì cái tâm của mình nó còn tham, sân, si, nó chưa ly, mà mình cố gắng mình tu tập để cho nó hết cái niệm khởi ở trong tâm của mình thì mình bị ức chế tâm. Và khi mình bị ức chế tâm thì mình sẽ rơi vào cái trạng thái của tưởng, nó đi trật con đường rồi, nó không có trúng.

Hầu hết là các thầy tổ chúng ta từ xưa đến giờ tu tập không có người biết cách, cho nên vì vậy mà không theo lời của đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện” hay hoặc là: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” mà cứ lo tập trung ức chế cái tâm của mình cho hết vọng tưởng. Do đó, đó là một cái điều sai.

Mà khi Thầy thấy quý thầy tu tập, thay vì mình tu tập thì từng cái niệm mà nó khởi ra thì mình lo mình dùng cái Định Vô Lậu mình xả, tức là tri kiến giải thoát mình xả, đằng này thì cái Định Vô Lậu của quý thầy là nó quá cạn. Sự tư duy, tri kiến của mình nó quá mỏng, quá cạn, cho nên mình không thể đủ sức quét tâm tham, sân, si cái niệm tham, sân, si của chúng ta.

Do đó chúng ta cứ sử dụng cái đối tượng để nhiếp tâm cho hết vọng tưởng, vì vậy mà chúng ta lọt vào trong cái định tưởng, nó sai đi, nó không có đúng.

2. TRIỂN KHAI TRI KIẾN XẢ TÂM

(02:13)Cho nên hôm nay Thầy muốn triển khai cái vấn đề tu tập sao cho nó đúng. Vì vậy mà bắt đầu chúng ta vào học là chúng ta học Định Vô Lậu, tập trung triển khai cái tri kiến của chúng ta hơn.

Và đồng thời sau hơn 1 tháng tu tập thì Thầy thấy quý thầy và quý cư sĩ đều có sự tiến bộ rõ rệt ở trên cái sức quán xét, tư duy: từ chỗ quán chung chung bây giờ đi sâu được, triển khai sâu được.

Là vì con đường quán về nhân quả: thì quý thầy cũng biết rằng đức Phật đã cho chúng ta một cái dàn bài rất là rõ ràng và cụ thể, đó là thập thiện, mười điều lành. Nhưng trước khi để mà nói đến cái nhân quả thì chúng ta đã học nhân quả thảo mộc, vì vậy mà từ cái chỗ nhân quả thảo mộc để chứng minh cho cái nhân quả của con người thì nó mới có cái sự cụ thể hơn.

Vì vậy mà hôm nay chúng ta biết được: một con người chúng ta không phải là sanh ra một người, mà một con người còn sống vẫn tiếp tục tái sanh ra nhiều người, chứ không phải là chỉ có một người để chết rồi mới sanh ra một người.

Do cái hiểu lầm lạc từ xưa đến giờ, hôm nay được triển khai chúng ta mới thấy sâu được, và chúng ta thật sự mới là sợ hãi.

Chính một cái hành động ác của mình mà tạo ra những cái người ác, tạo ra những con vật để chịu cái sự đau khổ đó. Chính mình đã làm ra, tạo nên cái môi trường sống để nó duyên hợp những cái ác pháp đó mà nó tạo ra những con vật như cá, tôm, gà, vịt, heo, dê, bò…​ Không ai ngoài chúng ta.

Vì chúng ta giết nó chúng ta ăn thịt, thì những cái hành động đó nó sẽ trở thành những cái loài vật đó để nó trả những cái nhân quả mà chúng ta đã làm.

Cho nên hôm nay nhìn qua cái nhân quả thảo mộc rồi đến cái nhân quả của con người thì hiện giờ quý thầy có tiến bộ. Nhiều cái câu chuyện quý thầy đã đưa ra một cách rất là thực tế, cụ thể cho những cái nhân quả.

Do như vậy, trên cái hiểu biết về nhân quả, thật sự ra thì chúng ta không có cái thì giờ mà đọc. Có nhiều người viết, như các con thấy như Kim Quang, viết một cái bài nhân quả mà 68 trang mà đánh vi tính như thế này thì mấy thầy nghĩ như thế nào?

Cái sức dồi dào của một…​ Toàn bộ, đọc ở trong này cứ mỗi một cái hành, mỗi cái nhân quả đều có cái pháp xả, để nhắc nhở mình xả tâm từng chút, từng chút, làm cho mình sống trong toàn bộ thiện pháp, không còn đau, không còn phiền não nữa.

(04:56) Kim Quang - chắc chắn mấy con ở đây cũng đều biết Kim Quang. Hôm nay thì không có mặt đây, nhưng mà tu rất là…​

Nhờ Thầy hướng dẫn cách thức xả tất cả các loại tưởng, vì Kim Quang tu bị lọt vào trong tưởng, nhiều cái loại tưởng chứ không phải là một cái thứ loại tưởng. Nào là sắc tưởng, hương tưởng, rồi hành tưởng.

Hành tưởng như ngồi như thế này nè, hai cái hàm răng tự động nó kéo qua, kéo lại, hoặc là cái miệng nó méo bên đây, nó giật, nó méo bên đây, đó là hành tưởng mấy con. Nó không có đơn…​ Ban đầu mấy con tu tập mấy con thấy, khi mà cái thân mấy con lúc lắc là bị hành tưởng rồi đó. Mình phải nhận xét được cái hành tưởng.

Và đồng thời khi một thời gian được Thầy hướng dẫn cách thức để xả tâm và dùng cái tri kiến của mình xả, cho nên từ khi mà được học cái lớp này, thì Kim Quang có dự trong cái lớp này, cho nên vì vậy từ cái chỗ kinh nghiệm qua bản thân của mình xả mà viết như thế này.

Thật sự ra đọc những cái bài này chúng ta thấy nó thực tế, nó cụ thể. Khi có một cái hành động gì, có một sự kiện gì xảy đến cho mình đều qua cái kinh nghiệm của nó nó xả, từ đó nó biến dần trở thành một con người rất điềm đạm, từ cái ăn, cái nói. Mấy con có tiếp với Kim Quang mấy con thấy cách thức của nó, nó điềm đạm lắm.

Một tuổi trẻ chứ không phải lớn lao gì lắm, nhưng mà rất ham tu, cho nên khi mà được đi nước này nước kia tu học, từ tất cả, nghe những tiếng tai của một vị sư thầy nào mà hay là cũng có đến tu học hết. Nhưng mà nhờ những cái sự tu học như vậy cho nên mới lạc vào những cái định tưởng, do đó nó nhiều cái trạng thái tưởng.

Đến cái ngày cuối cùng ở đây thì Thầy đã hướng dẫn cho cái hành tưởng nó dừng lại, nó không còn nữa, coi như là chấm dứt.

Và đồng thời thì còn có một mẹ một con, cho nên Thầy khuyên nên về để mà nuôi mẹ mình, sống gần bên mẹ an ủi. Còn có một mẹ một con, không nên bỏ. Và đồng thời tiếp tục xả tâm, rồi đủ duyên mình sẽ đi tới nữa.

Cho nên Kim Quang tu tập rất tốt. Có nhiều câu hỏi, có nhiều sự tìm hiểu rất hay, cho nên vì vậy mà khi viết bài thì rất đầy đủ, không có thiếu.

(07:09) Còn ở đây hầu hết là các thầy, từ cái chỗ mà quý thầy viết nó không được đầy đủ, cho đến hôm nay quý thầy viết một bài luận như thế này, như thầy Chơn Thành viết cái bài nhân quả ý hành, nói về cái ý mà viết cả một xấp như thế này, thì mấy con thấy, nó đầy đủ.

Rồi đưa ra những cái mẩu chuyện thực cuộc đời của mình để chứng minh cho cái ý hành của mình, cái ý mình suy nghĩ ra một điều gì, nó biến ra cái khẩu hành và cái thân hành của mình, thì thầy hôm nay cũng tiến bộ rất nhiều về phần này, cho nên Thầy thấy rằng thầy Chơn Thành cũng sẽ xả tâm rất nhiều.

Trước kia thầy tu rất tốt về cái phần nhiếp tâm và an trú tâm, như thầy phá hết hôn trầm, thùy miên của mình, thầy sống suốt đêm, thầy chỉ nghỉ buổi trưa có 30 phút mà thôi. Thế mà nó không đạt đâu, nó không đạt, cho nên Thầy thường nhắc thầy nên xả tâm, cố gắng mà xả tâm ở trên pháp Tứ Niệm Xứ mà quét tâm ra.

Nhưng vì không có đủ cái tri kiến giải thoát, cho nên không thể nào quét sạch được. Vì vậy hôm nay được triển khai cái tri kiến giải thoát làm cho nó có cái nhìn Chánh kiến, mỗi ác pháp tác động thầy đều quét ra.

Vừa rồi Thầy có đọc cái bài của Từ Quang ở trên cái ổ đĩa, Thầy không có mang ra đây, Thầy thấy tiến bộ rất nhiều. Dựa vào cái bài thập thiện mà viết, Thầy thấy sát nghĩa, đúng, ngắn gọn, đầy đủ, đưa ra mẩu chuyện, có những cái mẩu chuyện rất xúc động.

Thầy thấy tu tập như vậy làm cho chúng ta có cái nhìn và có cái tri kiến xả tâm. Cho nên Thầy nói rằng tiếp tục, chúng ta tiếp tục làm những cái bài. Khi nào mà quý thầy và quý cư sĩ mà thấy mình cần phải làm lại thì cứ làm lại, không sao hết.

Bởi vì thí dụ như hiện giờ là mình làm tới cái nhân quả của con người rồi nhưng mà mình thấy, bây giờ mình chợt nhớ một cái điều gì mà nhân quả thảo mộc chưa đủ, mình làm lại cái bài nhân quả thảo mộc.

3. TRIỂN KHAI TRI KIẾN NHÂN QUẢ

(09:27) Gần đây Thầy thấy cái bài nhân quả thảo mộc ngày hôm qua thì cô Diệu Vân, cô xin Thầy cô sẽ làm lại cái bài nhân quả thảo mộc, vì cô thấy những cái bài trước cô làm nó chưa được đầy đủ lắm. Nhưng mà khi cầm tới cái bài này Thầy đọc Thầy thấy bây giờ nó mới thấy được nhân quả thảo mộc cụ thể hơn.

Con thấy trải qua một thời gian, đầu tiên người ta viết theo cái kiểu nhìn thấy không sâu, kế đó làm lại, thì bây giờ cái bài này với cái bài trước, hai cái bài so sánh lại, thì cái bài này gấp 10 lần, bài kia chỉ có 5, 3 mà thôi, thì đủ biết được cái tri kiến chúng ta đã triển khai đến cái mức độ nào.

Cho nên ở đây, các thầy nên nhớ rằng khi mình viết rồi mình suy tư nó chưa sâu thì mình hãy làm lại. Cứ làm mãi, đầu óc chúng ta sẽ lần lượt triển khai. Có một nhà văn nói như thế này: “Cứ viết đi, rồi mấy người sẽ thành nhà văn!”

Nghĩa là chúng ta cứ tư duy, chúng ta cứ nghĩ như thế nào thì chúng ta viết như thế nấy đi. Rồi ở bên quý cư sĩ, quý thầy còn có Thầy, Thầy kiểm lại, cái gì không đúng Thầy sẽ gạch, Thầy nhắc nhở, chỗ đó sai, chỗ đó không đúng, hoặc là chỗ đó đúng.

Làm như vậy chúng ta triển khai cái tri kiến của chúng ta nó hiểu thâm sâu về một cái vấn đề, nó làm cho chúng ta có cái hiểu như vậy để chúng ta hóa giải, chuyển biến được những cái ác pháp nó đang tác động vào thân tâm của chúng ta.

Ở đây cái học này không phải là để trở thành một nhà văn, mà chúng ta trở thành một con người vô lậu, một con người không còn đau khổ nữa. Cái học của chúng ta hôm nay là cái học để chúng ta không còn đau khổ. Cái học của chúng ta hôm nay để học làm chủ được tâm mình, làm cho tâm bất động trước ác pháp và các cảm thọ.

Cho nên cái học chúng ta là cái học rất thực tế và cụ thể, vì vậy mới gọi là lớp đào tạo đạo đức nhân bản, nhân quả, sống không làm khổ mình. Cái lớp học của chúng ta như vậy.

Nhưng không triển khai cái tri kiến này thì làm sao? Nhưng mà không siêng năng làm…​? Thầy sẽ luôn luôn cấp giấy cho quý thầy, cho quý Phật tử, luôn luôn cấp giấy làm, để mà chúng ta trở thành những người thật sự giải thoát hoàn toàn.

(11:51) Các thầy nghe nói Định Vô Lậu, vô lậu là không còn đau khổ nữa. “Định” đây có nghĩa là cái phương pháp làm cho chúng ta không còn đau khổ nữa, thì cái phương pháp đó gọi là Định Vô Lậu, cái danh từ.

Bởi vì trong các tôn giáo thường hay nói đến, sự tu tập thường hay nói “thiền định”, vì vậy mà cái phương pháp triển khai cái tri kiến, chúng ta hiểu để mà chúng ta được vô lậu thì gọi là Định Vô Lậu, chứ nó không có gì khác.

Chứ không phải, thường thường người ta nghe nói “thiền định” hay hoặc là “định” thì người ta cứ nghĩ tưởng, người ta có một cái hiểu sai lệch trong đầu óc của người ta, là cái người đó phải khoanh chân ngồi, rồi nhiếp tâm, an trú, không có niệm khởi thì mới gọi là thiền định, không phải đâu. Người ta hiểu những cái danh từ đó bằng cách cạn cợt.

Đứng trong góc độ của Phật giáo, chúng ta hiểu chữ “thiền định” thí dụ chẳng hạn như Định Niệm Hơi Thở, đâu có nghĩa là ngồi làm thinh không niệm, không gì đâu? Đức Phật bảo mình luôn luôn tác ý mà: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, thì cái tác ý đó - làm sao mà cái tâm của chúng ta là bất động đâu, nó đang động kia mà? Có phải không?

Đó thì chúng ta thấy rõ ràng: thiền định của đạo Phật nó đang hoạt động cái ý thức của nó, nó đang hoạt động cái tri kiến của nó, chứ nó đâu có nằm yên đâu. Nhưng nó hoạt động để mà tâm nó bất động trước ác pháp, nó không đem đến sự đau khổ của chính nó.

Cho nên chúng ta tu đúng, chứ không khéo chúng ta tu sai. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình ngồi im lặng như thế này, an lạc đó là thiền định. Cái đó là thiền điên chứ thiền gì?

Sự thật ra nó có đưa đến giải thoát cho quý vị đâu, mà quý vị người nào cũng ngồi đó mà nhiếp tâm, mà an trú như vậy, có làm được gì đâu? Hạnh phúc lắm, nhưng mà xả ra có hạnh phúc gì đâu? Đói vẫn đói, sân vẫn sân, phiền não vẫn phiền não, có lợi ích gì?

Còn hôm nay chúng ta học, chúng ta triển khai làm cho chúng ta có một sự hiểu biết như thật để đối với các pháp mà từ xưa đến giờ chúng ta đã lầm lạc.

Như hồi nãy Thầy đã nói, chúng ta đã lầm lạc: một con người chết chỉ sanh ra một con người, hoặc chúng ta làm ác, chúng ta chết, chúng ta sanh ra con vật, một con vật, rồi con vật đó chết để sanh ra con vật nữa. Chúng ta đã lầm lạc, đã hiểu sai, hiểu không đúng.

Nếu nhìn qua cái nhân quả của thảo mộc thì chúng ta thấy giật mình liền tức khắc. Tại sao một quả mà có nhiều hạt ở trong đó? Mà một hạt lên một cây, mà một cây nó có cho mình một quả đâu? Nó rất nhiều quả. Mà mỗi quả đều có một hạt chứ, làm sao mà khỏi? Đó là ít. Còn không khéo một quả nó cho nhiều hạt, như đu đủ. Các con thấy chưa?

(14:32) Đó thì như vậy rõ ràng, chúng ta biết rằng nhân quả nó từ cái chỗ nhân quả sanh chứ không phải là có một con người đi tái sanh, có một cái người nào đó đưa đẩy chúng ta sanh, không phải, nhân quả sanh. Cho nên nó trùng trùng duyên khởi, trùng trùng duyên sanh.

Cho nên chúng ta thấy dường như là mọi người không có liên hệ với chúng ta, nhưng xét cho cùng nó liên hệ với nhân quả chứ, sao lại không?

Nghĩa là rất liên hệ: người này có sân thì người kia cũng có sân thì liên hệ chứ sao? Người này có tham thì người kia có tham thì liên hệ (chứ) sao? Chúng ta từ một cha nhân quả thiện ác mà sanh ra, từ một cha tham, sân, si mà sanh ra chứ đâu ở chỗ nào mà khác? Cho nên chúng ta có khác đâu?

Cũng như bây giờ ở trong nhà chúng ta có năm anh em, năm anh em này do một cha một mẹ sanh ra, thì bây giờ trên toàn cầu chúng ta bao nhiêu con người, dù là người da trắng, da vàng, da đen, da đỏ, đều là nhân quả sanh ra thì cũng một cha một mẹ nhân quả chứ có ai vô đây? Không phải là anh em ruột với nhau sao? Vậy mà người kia đau mà chúng ta cũng đành lòng sao?

Và chúng ta biết từ đâu mà sanh ra. Cái hành động của chúng ta cũng là nhân quả chứ gì, mà nhân quả thì sanh ra chứ làm sao mà chạy đâu khỏi? Vậy thì ai sanh ra người kia đang rên la? Ai sanh người kia đang bị tai nạn giao thông? Hành động nào của chúng ta mà người kia đã bị xe cán? Đó thì chúng ta cứ nghĩ đi.

“Người kia mặc họ, tui với người kia không liên hệ đâu. ” Có chứ! Liên hệ với nhân quả. Vừa rồi mấy người mở miệng chửi người ta đây mà, thì cái nhân quả đó làm sao không sanh những cái người hung dữ kia? Đó thì chúng ta thấy, ai đã làm ra những người hung dữ mà đứng đầu đường xó chợ chửi mắng thiên hạ vậy? Nếu không có chúng ta ở đây chửi mắng thì làm sao có những người kia?

Đó thì chúng ta hiểu cái nhân quả như vậy thì cố gắng mà chúng ta khắc phục thân hành, khẩu hành, ý hành chúng ta toàn là thiện. Cho nên đức Phật nói: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, mục đích của đạo Phật là như vậy.

Cho nên càng viết, từ cái chỗ mấy con viết 1 trang, 2 trang, 3 trang, cho đến bây giờ mấy con viết đầy đủ. Thầy đọc quá mệt, nói chung là Thầy đọc rất mệt, nhưng mà Thầy thấy Thầy rất mừng là đệ tử của Thầy có tiến bộ.

Và Thầy nghĩ rằng nếu sử dụng được cái tri kiến này áp dụng vào đời sống của quý vị, của quý thầy thì quả vô lậu tức là quả chứng quả A La Hán không xa nữa.

4. QUẢ A LA HÁN KHÔNG CÓ KHÓ KHĂN

(17:00) Thầy tin rằng: Các thầy cứ nghĩ rằng lời Thầy nói không có. Các thầy cứ đọc lại những kinh Pháp Cú, các thầy sẽ thấy rõ ràng đức Phật dạy: “Bờ bên đây”, “bờ bên kia”, “con đường thiện”, “con đường ác”, đức Phật đã xác định sự chứng quả A La Hán tại chỗ đó chứ không phải là chỗ khác. Cho nên chúng ta tin Phật hay là không tin Phật?

Điều đó quý thầy phải hiểu. Quý thầy cứ nghĩ rằng quả A La Hán nó còn mù mờ, xa xôi ở đâu, cho nên cái hiểu mù mờ, xa xôi đó quý thầy không bao giờ với tới quả A La Hán. Ở đây quả A La Hán nó rất dễ dàng, nó không có khó gì cả, theo Thầy thiết nghĩ như thế.

Khi một người biết cuộc đời này khổ, và tất cả các pháp đều do duyên hợp, không có gì là của chúng ta hết thì chúng ta hãy buông xuống đi. Rồi chúng ta sống trong toàn thiện pháp. Người ta chửi mình: thương người ta đi, đừng giận ai hết.

Cho nên chúng ta tu để mà được giải thoát. Tu để được giải thoát để làm gì? Chúng ta tập sống độc cư. Chúng ta làm sao sống cho một mình. Mình sống mà không độc cư được làm sao mà mình đi tới được? Tại sao? Tại vì tâm của chúng ta nó nhiều thứ nó huân vô lắm, mà giờ không sống độc cư thì nó không tuôn trào.

Bây giờ thì trong cái giai đoạn đầu, quý thầy còn tiếp duyên, còn nói chuyện. Đến cái giai đoạn thứ hai khi mà Định Vô Lậu mấy con đã hoàn tất xong, cái tri kiến giải thoát xong rồi, thì trong vòng một thời gian, 3 tháng, 2 tháng, 5 tháng, 6 tháng, quý thầy sống trọn vẹn độc cư, không đi tới, không đi lui, không đi qua đi lại, không nói chuyện với một người nào đó, hằng ngày sống một mình để lắng nghe tâm tư của mình nó nói gì. Và đồng thời lúc bây giờ cứ xả.

Cho nên cái phương pháp Tứ Niệm Xứ là ngồi quét tâm, quét chừng nào sạch là chúng ta xong chuyện, chứ không có khó khăn gì hết. Cho nên chúng ta tu tập không mệt nhọc, không có khó khăn.

Nhưng chúng ta phải có đủ tri kiến giải thoát. Không có đủ tri kiến giải thoát, quý vị không có biết cách thức nào mà quét nó hết. Rồi sống một thời gian, rồi tiếp duyên, rồi động tâm, rồi huân vô thêm, toàn bộ chúng ta xả ra thì ít mà huân vô thì mới nhiều.

Cho nên hôm nay thì tất cả những cái bài này lẽ ra Thầy sẽ cho quý thầy đọc, như bài của thầy Chơn Thành, bài của Thanh Quang, thậm chí như bài của sư Pháp Ngộ tuy ngắn nhưng mà vẫn có thể nói rằng cũng nói lên được những cái điều mà mình nêu. Nhiều bài mấy con viết ngắn gọn, đầy đủ.

Các con cứ theo những cái lời phê của Thầy trong này đây, thì hôm nay Thầy xin trả lại những cái bài này cho mấy con, và khi nào thấy còn khiếm khuyết gì, mấy con sẽ bổ sung thêm những cái bài kế tới của mấy con. Đây …​giữ giùm Thầy!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy