00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 033C - NHÂN QUẢ Ý HÀNH- CẢM NGHĨ PHÁP NGUYÊN THỦY DẠY NGƯỜI HIỆN ĐẠI

CK 033C - NHÂN QUẢ Ý HÀNH- CẢM NGHĨ PHÁP NGUYÊN THỦY DẠY NGƯỜI HIỆN ĐẠI

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 07/12/2005

Thời lượng: [58:24]

1- NHÂN QUẢ Ý HÀNH

(00:00) Tu sinh: Lòng Từ bi nhân quả ý hành của con người. Mọi hành động, lời nói trong cuộc sống làm tốt, làm xấu đều từ ý mà ra. Ý là nhân của mọi vấn đề, tất cả do ý tạo. Bởi ý tham lam, sân hận và si mê, nên con người mới sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác.

Nếu không quán xét kỹ lưỡng tầm quan trọng đường đi nhân quả ý hành của con người, ta không thể ngăn và diệt ác pháp len lỏi trong ý nghĩ hằng giờ, hằng phút, hằng giây, từ thô tới vi tế. Ý có được do mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, làm sao biết được ý tham lam của con người. Hãy nhìn vào họ và đây là những điều con quan sát được.

Họ thường hấp tấp, vội vã, thấy là chộp liền, thấy tiền là mắt sáng rỡ, nịnh hót, phục vụ tận tình khi để ý thấy được sự giàu sang, danh giá, làm gì cũng quan tâm tới số lượng hơn chất lượng, bề ngoài và hình thức trau chuốt kỹ lưỡng, ăn thì ngấu nghiến, nuốt trọng, uống thì ừng ực y như nuốt chạy, cái gì cũng muốn gom góp, tích luỹ cất giữ. Mở miệng thường hay khoe về thứ người khác có mà mình biết. Vì người có tính tham lam thì thích lòe, thích nói, thích ăn, thích ngủ, thích chơi, thích nhận hơn cho, thích gom góp, tích luỹ, cất giữ, thích số lượng nhiều, thích khoe khoang, thích người giàu sang, danh giá, thích tiền, thích tiện nghi vật chất, thích bề ngoài hình thức…​ v. v..

(02:16) Họ không bao giờ biết đủ, không lúc nào thỏa mãn, có một thì muốn hai. Bản thân con hồi nhỏ cũng ham làm, ham nói, ham ăn, ham ngủ, ham chơi đủ bề. Lớn lên có học thức một chút thì tham những thứ khác như tiện nghi vật chất chẳng hạn như chạy theo thời trang, điện thoại di động nào mới ra cũng đổi mới, rồi lại ham tích lũy gom góp kiến thức như sách vở nào hay tốt đều tha về đầy nhà chứ có đọc cuốn nào trọn vẹn, thấm nhuần đâu.

Hay chạy theo phong trào thời thượng đi du lịch, du học cho mở mang chỉ mất thời gian, phí sức mà lòng tham ngày một tăng thôi. Khổ nhất là những lúc xếp hành lý va li vì tánh tham chưa dứt nên gì cũng thấy cần cũng muốn mang đi. Lại còn ham làm người nghĩa hiệp nên ai gửi gì cũng nhận, không từ chối nổi. Cuối cùng khổ mình vì quá ký, khổ người thân phải xách về dùm. Bởi vì cái gì cũng muốn, cũng tham nên con phải dùng câu hát: “Muốn đi xa thì đừng mang vác nặng, muốn bay cao phải bỏ xuống rất nhiều" để đối trị với tâm ý ham muốn của mình như lấy độc trị độc lại .

Và con còn dùng câu chuyện “Ăn khế trả vàng” nhắc nhở răng đe tâm tham lam của mình, quả thật con chim ăn khế chở người anh đi lấy vàng ở đảo để trả ơn đàng hoàng nhưng vì người anh tham vàng quá đã chất cả bao tải lên lưng nó, nó nặng quá không đủ sức nên nó buộc phải nghiêng đôi cánh trút bớt xuống. Nếu người anh biết bỏ bao tải vàng thì đâu đến nổi phải rơi xuống chết mà con chim nó đã thông báo trước là nó chỉ có thể chở được túi ba gang vàng thôi, ai biểu tham mang chi bao tải cho chết.

(04:07) Tuy chuyện thần thoại như lúc nãy con áp dụng thực tế không sai gì mấy, máy bay người ta cũng cho nhiêu đó ký thôi, mình tham mình khổ vậy.

Không hiểu sao con lại thích hợp với việc áp dụng chuyện dân gian, ngụ ngôn, thần thoại để ngăn ngừa lòng tham không đáy của mình. Có một câu chuyện thần thoại khác cũng đã ngăn được lòng tham mua đất của con, khi phong trào mua đất sục sôi, rầm rộ trong thành phố.

Chuyện kể rằng có anh nông dân nghèo nhưng rất siêng năng, chăm chỉ, cày cấy mướn cho người khác, thức khuya dậy sớm, cần mẫn làm việc hết lòng. Bụt thương nên ban cho anh một lời ước, thế là anh chỉ ước có ruộng để cày bừa thôi.

Bụt thấy anh thật thà, chất phác nên Bụt ưng thuận nói: “Lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, tất cả những đoạn đường anh đi ngang qua đều trở thành ruộng đất của anh”. Thế là ngày hôm sau khi mặt trời mọc anh bắt đầu đi. Lúc đầu, anh còn đi thong dong, ngắm nhìn đồng ruộng hai bên sắp thành của mình thì anh vui sướng lắm.

Nhưng càng ngắm nghía những ruộng nương thẳng cánh cò bay trở thành của mình thì anh chợt nghĩ: “Cơ hội ngàn năm có một, nếu ta đi như vậy chậm quá, phải tranh thủ chạy thì sẽ có nhiều ruộng đất để dành dưỡng già rồi cho con cháu nữa” .

(05:46) Thế rồi anh co chân chạy, anh chạy suốt không nghỉ ngơi, ăn uống vì sợ mất cơ hội quý báu nhất đời đó. Hoàng hôn buông xuống, mặt trời sắp lặn nhưng anh chưa chịu dừng vì anh thấy vẫn còn vài mảnh đất màu mỡ trước mắt.

Anh cố hết sức bình sinh chạy đua với ông mặt trời trước khi quá muộn. Rồi mặt trời lặn hẳn, tắt lịm những tia nắng cuối cùng thì cũng là lúc anh gục xuống đứng tim và ngã quỵ ra đó chết. Người ta chôn anh trên một trong những mảnh đất mà anh giành được đó. Ruộng nương anh có được, giờ chỉ có nấm mồ anh thôi, hoang vắng không ai cày bừa. Anh nông dân tuy tham lam nhưng cũng may là anh có bản chất cần cù, chân chính nên mới có mảnh đất chôn thân. Chứ con không biết những người tham lam dùng mưu mô xảo quyệt, trộm cắp, cướp giật, v. v…​ Sau khi bị tù, tử hình thì có được mảnh đất chôn thân như anh không?

(06:55) Câu chuyện này chỉ nói lên phần thô của ý tham lam. Còn câu chuyện "Bồ tát và chúng sanh" sau mới nêu lên được cái vi tế của ý tham ngoài đời. Có một bà lão đi chợ sau khi tạnh cơn mưa tầm tã, đi rất lâu rồi mà khi về vẫn thấy một cậu bé ngụp lặn bơi trong một vũng nước bẩn bên đường.

Sợ cậu bé bệnh, bà lên tiếng “Thằng bé con nhà ai, lên mau!” . Đứa bé vẫn tiếp tục nghịch nước và nhanh nhảu đáp trả bà “Bà đi kiếm vũng nước khác đi, vũng này cháu đã xí trước từ khi trời chưa mưa lận” . Bà lão đành phải đi thôi khi thấy ý tốt của mình đã bị cậu bé hiểu lầm.

(07:42) Đức Phật cũng vậy, Ngài coi của cải, vật chất thế gian như vũng nước bẩn vậy. Ngài bảo chúng ta hãy bỏ hết đi, lên bờ đừng ở nước bẩn nữa vì sợ chúng ta nhiễm ô nhưng chúng ta nào có nghe thấu. Vẫn tiếp tục chơi nghịch nước bẩn mà lại còn hiểu sai ý Ngài như cậu bé nọ.

Ngài đã thấy trước, biết trước chúng ta sẽ phải bệnh, phải khổ nếu chơi nghịch nước bẩn. Còn chúng ta thì cứ như cậu bé con, chỉ thích ham chơi chưa biết sợ chi.

Còn lên kế hoạch tính trước để thoả mãn ý tham lam của mình như cậu bé "xí vũng nước trước khi trời mưa vậy". Đã xí rồi thì nó phải chơi cho đã thoả thích, nó đang sướng như vậy kêu nó dừng bỏ đi nó đâu có chịu. Cũng như chúng ta đã lên kế hoạch hưởng thụ, êm ấm, hạnh phúc tính trước cho việc dưỡng già đầy đủ.

Nhưng khi tuổi già đến, ta đang bắt đầu hưởng thụ, mà kêu ta bỏ hết đi tu, bớt ăn, bớt ngủ, bớt nói lại thì ta luôn bị vướng mắc, chi phối buộc ràng chằng chịt không dứt được. Bởi vì đâu? Xin thưa rằng vi tế của ý tham lam đó.

Câu chuyện trên không những cho ta thấy vi tế của ý tham lam mà còn đầy đủ vi tế của ý sân hận và si mê nữa. Phần thô của ba ý này có thể tách rời được nhưng phần vi tế thì chúng luôn đi với nhau. Nếu một trong ba ý vi tế được chuyển đổi thì các ý khác dần được chuyển đổi theo. Chẳng hạn như nếu cậu bé không si mê thì đã hiểu được ý bà lão và lên bờ ngay sau khi nghe nhắc nhở thì dừng được ý tham lam của mình. Nếu cậu bé không sân hận thì đã không đáp trả lại bà lão mà suy nghĩ xem tại sao bà nói mình như vậy thì sẽ chấm dứt si mê.

(09:41) Riêng bản thân con, từ khi tập buông xả con thấy xả được phần thô có cái lợi lạc của việc xả phần thô, xả được phần vi tế thì có niềm an vui của việc xả phần vi tế. Con nhớ lại cảm giác khi xả của cải vật chất để đối trị phần thô của ý tham lam thật là vui.

Những chuyến đi từ thiện, những chuyện bố thí từ lớn đến nhỏ, lúc thấy người khác vui khi nhận con cũng vui lây và thầm cảm ơn họ đã giúp con trừ được tính tham lam của cải, vật chất thế gian. Đến khi cho chiếc điện thoại di động thì con thấy khoẻ vô cùng, vì không còn bị ai làm phiền réo gọi nữa mà lúc xưa đã có thời nó là vật bất ly thân của con.

(10:32) Nhờ trừ được ý tham lam của cải vật chất mà sau này đồ vật mất cắp như xe gắn máy, máy ghi âm kỹ thuật số con đều nhận lại được từ người lấy cắp mà con đã kể trong phần nhân quả thân hành của con người.

Có lẽ vì nhân không tham tiền nên đã có lần con bị bạn lừa lấy cả trăm triệu thì người nhà bạn con cũng hoàn trả đủ khi người đó bỏ trốn khỏi nhà. Sau này đi tu con mới thấy câu nói “Cho tất cả, được tất cả” là không sai. Bây giờ đi tu con ý thức được mình không làm ra tiền nên chuyện chi con cũng tập giải quyết trong khả năng mà không phải đụng đến đồng tiền.

Khi mình không cần tiền thì tiền nó đến với mình nhiều hơn khi xưa mình cần nó. Nhưng con quyết không giữ một đồng mà dùng hết cho việc từ thiện. Bây giờ thì đồng tiền và của cải không cám dỗ con được nữa nhưng đó là phần thô, vào Tu viện thì phần thô ý hành không điều kiện thể hiện. Nhưng phần vi tế con phải chiến đấu hằng giờ. Và con biết chỉ cần thực tập để phá tan một ý vi tế thì hai ý kia cũng không hình thành.

Chẳng hạn như dậy sớm trước giờ cơm nửa tiếng nhưng ý ham ngủ nó thủ thỉ trong đầu còn nửa tiếng lận mới tới giờ, thôi ngủ thêm mười lăm phút nữa, nhưng nhờ không si mê nên con biết là hễ ngủ được là ngủ luôn nên con quyết không ngủ lại thì ý ham ngủ nó mới chịu thua nên con thắng được ham ngủ nướng.

Cũng như vậy chưa tới giờ ăn mà cái bụng nó sôi thì nhờ không si mê nên con biết cái tính thèm ăn, tham ăn là tính của con heo nên con nói thầm: “Lộ tướng con heo sớm vậy!” nên nó hết thèm. Có lẽ vì mắc cỡ đã bị con phát hiện nhờ vậy con đã thắng tính tham ăn. C

ó khi nó vi tế đến độ mà con mắt lớn hơn cái bụng. Bữa đó thấy đồ ăn đã nhiều còn thêm món mì hủ tiếu xào mà nó nỡ lòng nào múc ba bát cơm về ăn hai tiếng mới giải quyết xong mà cái bụng muốn bể không đi nghỉ được, phải đi kinh hành cho tiêu, vừa đi vừa nói " cho mày chết, một lần tởn tới già, lần sau phải cẩn thận nhìn kỹ rồi hãy múc cơm". Sau lần đó con rất chú ý, độ lượng đâu đó vừa đủ, ăn vừa khoẻ vừa vui vì đã chiến thắng mình. Nhiều khi con nghĩ ăn một bữa mà bao tử cũng đã mệt mỏi lắm rồi. Chứ nếu ăn ba bữa chắc bao tử khổ sở chết sớm quá.

(13:27) Cũng nhờ không si mê mà con tự thắng được vi tế sân hận khi con bị ngứa, giờ con ngứa thì con gãi mà không khó chịu tí nào. Vì con biết giận là ác pháp, khó chịu thì mặt cau, xấu xí và "Giận ai giận dữ làm chi. Ngẫm đi ngẫm lại giận mình ngu si" thế là con không giận hay khó chịu nữa vì con không muốn ngu si hay xấu xí.

Con muỗi, con kiến cắn nó làm con đau, con ngứa mà con không giận hay khó chịu thì con cũng sẽ không giận con người được. Chứ hồi nhỏ con biết mỗi lần giận nghe nói uống nước lạnh giận hết thế là con lấy nước uống ừng ực.

Trong lúc uống thì không giận, uống hết nước thì giận trào lên, nhờ có giận nên mới biết được tướng của người sân hận. Cộng với sự quan sát xung quanh cuộc sống, con thấy người sân hận thì thường mạnh bạo, thẳng thừng chẳng sợ gì, làm gì cũng lớn tiếng, mắt đỏ ngầu, mày chau trán nhăn, môi mím, thở mạnh và lớn tiếng, mắt liếc, la hét, chửi mắng quơ tay chân, khóc rống lên, quờ đầu, bức tóc, đập phá đồ đạc, chơi với lửa, bom đạn, súng ống, ăn ớt và tiêu nhiều, uống bia rượu, cà phê v. v.. Vì vậy người sân hận họ rất dữ, họ thích chơi với lửa, bơm, đạn, súng ống, thích phim ảnh đánh đập bạo lực, phim hành động xã hội đen, thích đọc thông tin giật gân, vụ án, thích ăn đồ cay và uống bia rượu, v. v…​

(15:10) Và ý sân hận thì không lộ liễu nó có từng cơn, nó không thường trực như ý tham lam và si mê. Khi nào chọc đúng thì nó mới lộ lên nhưng nó phải có người chọc gợi ý, châm mồi, chứ không như tham lam và si mê là độc ý, độc hành tự mình phát khởi. Cho nên mới có những người nhàn cư vi bất thiện, họ thị phi chọc tức nhau để coi ai mau sân hơn.

Khi họ cứ ngồi lê đôi mách để tưới tẩm hạt giống sân hận trong mỗi con người. Họ thích thú trong việc châm ngòi nổ quả bom của người khác mà không thèm nghĩ quả bom của mình gần bên cũng sẽ nổ luôn. Họ đâu biết khi chọc giận người khác, thì đồng thời họ tưới tẩm hạt giống giận trong người mình lớn lên nhanh hơn và khi gặp từ trường tương ưng thì quả bom của họ được châm ngòi nổ trước chứ ai.

Nhiều khi muốn người khác giận mà người ta chưa kịp giận vì chưa hiểu hết vấn đề, người ta còn bán tín bán nghi chưa giận hẳn, thì mình đã khùng lên mình giận rồi. Cứ phải lặp đi lặp lại vấn đề để người khác phải nghe, phải thấy để người khác đồng ý việc giận là đúng để cùng giận vậy, thật tội nghiệp!

(16:37) Giận quá mất khôn mà lại chọc người khác giận. Người ta không giận thì mình lãnh đủ như ném banh vào tường banh dội ngược ra vậy. Cơn giận nó kinh khủng lắm, đừng tưởng có hiểu biết, có đạo đức là cơn giận không tấn công. Nó tấn công theo kiểu vi tế của nó, mà chỉ có lương tâm mới biết thôi. Có một người được coi là đạo đức mà vẫn còn sân vi tế vì chưa hiểu hết vấn đề, trong câu chuyện "Thấy như vậy mà không phải như vậy" mà con rất tâm đắc.

(17:14) Chuyện kể hôm đó, Khổng Tử cùng với đồ đệ đi ngang qua một vùng bà con đang cấy lúa. Ông liền cho đệ tử xuống giúp bà con công việc đồng áng rồi nghỉ chân ở một ngôi nhà lá.

Ông giữ lại một đệ tử để nấu cơm cho mọi người về ăn, trời đã gần trưa nắng gắt lên. Ông không biết người đệ tử đã lo liệu cơm trưa xong chưa? Bèn vén màn nhìn vô bếp, thấy người đệ tử đang vớt cơm trên mặt ăn trước. Ông hơi giận cho rằng người này ăn hỗn, dám ăn trước Thầy. Vả lại mọi người còn đang vất vả ngoài đồng, trong khi giữ hắn ở nhà thì hắn ngồi mát ăn bát vàng thế này sao? Không còn coi ai ra gì nữa hết.

(18:04) Thật không thể nào tin được, vì người đệ tử này vốn rất hiền, ngoan, lễ phép. Giờ cơm đến người đệ tử vẫn dọn cơm ra thản nhiên bình thường vui vẻ với mọi người đi làm về, hỏi họ mệt không và chăm sóc khăn nước chu đáo.

Khổng Tử quan sát vậy chịu không nổi mới lên tiếng thử trò: “Hôm nay là ngày giỗ mẹ Thầy, Thầy muốn có một bát cơm tinh khiết chưa ai dùng để dâng cúng mẹ”. Người học trò thưa: “Bạch Thầy, hôm nay không thể có bát cơm tinh khiết vì con đã

dùng cơm trước rồi vì con không biết giỗ mẹ Thầy”. Ông đang nghe trò thản nhiên trả lời mà càng giận nhưng vì thể diện của người thầy, ông bèn phải bình tĩnh hỏi câu cuối để đuổi nó luôn vì ông nghĩ ông đã thấy rõ sự việc rồi.

Nó sẽ không thể chối cãi được.

Ông hỏi “Tại sao? ”.

Trò thưa: “ Bạch Thầy lúc nãy khi con giở nắp nồi cơm ra lấy cơm, một cơn gió thổi làm bồ hóng trên mái nhà rơi xuống đi trệt mặt nồi. Con nghĩ mấy huynh đệ đi làm về mệt mà ăn cơm đen sẽ không còn tinh thần lao động giúp dân buổi chiều. Còn con ở nhà sẽ không sao nên con đã ăn hết phần cơm đen đó. Coi như con đã ăn phần trưa của con rồi, để lại cơm trắng cho mọi người ăn nên không có bát cơm tinh khiết cho mẹ Thầy. Con xin lỗi Thầy để con đi nấu nồi khác”.

Ông nói: “Thôi khỏi, Thầy chỉ thử xem con trả lời thế nào? Giờ thì rõ rồi, con khá lắm” . Nói xong ông ra ngoài ngửa mặt lên trời mà thầm trách mình "than ôi! ngay cả những việc mà chính mắt ta thấy như vậy mà còn không phải là như vậy". Suýt chút nữa: “một câu sân làm cháy rừng công đức của ông rồi”.

(20:14) Riêng bản thân con cũng thường lấy câu này nhắc nhở mỗi khi phát hiện ý sân vi tế manh nha trong đầu vì công đức ít ỏi nên con rất sợ mất lắm, nên khi vừa khởi sân là con xác định ngay đối tượng làm mình sân vì con biết cơn giận là phải nhờ có đối tượng châm mồi, gợi ý, đâm thọt.

Chứ khi không bình yên thì không ai muốn giận ai cả. Sau khi xác định đối tượng, sự việc khiến mình sân thì con lập tức xa rời cách ly hoặc tránh ngay. Một là yên tĩnh ngồi quán sát, hai là đi tìm công việc có ích khác để làm kiếm chút phước Hữu Lậu như dọn dẹp, quét sân, v. v…​

Vậy mà con cũng thấy sự mạnh tay, mạnh chân trong lúc làm hơn ngày thường; nó vi tế đến độ ấy. Dẫu sao thì cũng còn đỡ hơn đối mặt với đối tượng, sự việc để tướng sân hận lộ ra thì mất hết phước. Nhờ tránh đối tượng sự việc là nguyên nhân gây nên cơn giận cùng với việc tập chấp nhận tùy thuận và bằng lòng con đã không còn giận nữa. Nhưng con biết cần phải đối mặt đối tượng sự việc mà nhẫn nhục được mới chấm dứt sân hận.

(21:34) Mà muốn nhẫn nhục phải tập nhiều Từ, Bi, Hỷ, Xả lắm mới nhẫn nhục nổi. Chẳng hạn như có lúc con tập đến gần hơn, thương yêu hơn, chăm sóc hơn người nào đã từng gây đau khổ cho con hoặc ghét con hoặc không có cảm tình với con để hiểu họ hơn, để hoà giải cơn sân ngầm trong mình, để tháo ngòi nổ quả bom của mình; những lúc đó con cảm nhận được cái lực của sự nhẫn nhục, năng lượng để mà chịu đựng nhiều lắm.

Đó là lần con luôn giúp đỡ một chị bạn, chị ấy luôn ghen tỵ với con nên thường nói sai sự thật về con với người khác, người ta tới nói lại cho con biết để con tránh. Nhưng con luôn nói lên lòng thương yêu của mình dành cho chị và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào trong mọi việc cho chị, những người nói lại họ bảo con ngu, người như thế cũng giao du; "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" cho mà coi.

(22:42) Lúc ấy con nghĩ sao ai cũng coi người khác là mực vậy? Sao người ta có cái nhìn tiêu cực thế, tại sao mình không là ánh đèn để người ta gần mình người ta sáng và con quyết định làm thử ánh đèn. Thật là khó vì rất nhiều người đến thú nhận, mới đầu họ nghe nói về con không tốt nên họ không gần nhưng nhìn hành động của con thì không phải vậy và khi đến gần thì hoàn toàn ngược lại.

Họ nói con thay đổi mau quá, thực ra thì con có biết gì đâu mà thay đổi. Chỉ là họ thay đổi cách nhìn, về ý nghĩ của mình thôi. Nhưng con cũng cười gật đầu, y như là mình có đổi mới vậy. Mà không hề giải thích hay hỏi lại là nghe ai nói về con. Hơn cả năm chịu đựng tai tiếng nhưng con vẫn sống vui tươi, nhiệt tình và hành động từ tâm, từ trái tim giúp đỡ chị và mọi người khác.

(23:46) Cuối cùng chị đã đến trước con chắp tay xin lỗi và xin tha thứ. Con vui vì đã trả được nhân quả tốt đẹp, vì con biết chị là nhân quả của con nên mới khiến chị khi không tỵ hiềm với con, sao không với người khác cùng trang lứa.

Con nói “ Chị đừng làm thế, em luôn coi chị như lúc đầu mới gặp không thay đổi, chỉ mong chị đừng ghét em thì em trả được nghiệp của mình. Dù chị có làm gì đi nữa, đối xử tệ với em bao nhiêu thì em cũng không ghét, không giận chị. Em sẽ vui vẻ trả hết nghiệp giữa em và chị”.

(24:22) Sau lời nói này, chị em chúng con thuận hoà và con biết mình đã trả xong nghiệp với chị, nhưng vất vả vì mất nhiều năng lượng lắm. Cứ phải im lặng như Thánh vậy trước những lời khiêu khích của chị và đem con ra làm trò đùa trước mặt mọi người.

Sau những lần ức chế tâm, im lặng trước mọi người cho chỉ được việc của chị, là để mọi người thấy chị đúng và con luôn là người ủng hộ chị thì con luôn căng thẳng. Có khi con thức cả đêm viết thư pháp để xả tâm.

Có lúc chị còn lấy thư pháp con ra trêu ghẹo, thế mới biết có nhẫn nhục thì nhân quả mới dứt khi đối mặt sự vật, đối tượng thì mới không nổi sân. Sau này con đã cảm ơn chị vì chị là bồ tát của con, nhờ có chị mà con đã bình thản được trước những sự việc có thể khiến con nổi giận. Con đã biết cách chế ngự các cơn sân khi nó vừa nhen nhúm.

Vì trong cái khó nó ló cái khôn, khi xưa chị luôn bỡn cợt, chọc giận con mà con thì không muốn giận chị. Nên con đã áp dụng hết những phương cách mà con biết được trong khả năng, phù hợp khéo léo theo chuyện của mình. Nếu không có chị thì con cũng không biết được mình luôn có một quả bom cài sẵn trong người.

Lúc nào cũng chực chờ nổ và con cũng không biết cách tháo quả bom đó ra. Giờ lấy bom ra khoẻ thật! giống như người nào cũng có ruột dư. Ai đã bị đau mổ rồi thì không lo đau ruột dư nữa vậy.

(26:10) Những người thân quen của con đều biết rõ con. Họ biết con lành tính và thường nhịn nhục chị. Nên họ vì thương con mà giận chị, nên con luôn nói với họ là nếu không có chị thì con không được tốt đẹp như ngày hôm nay đâu.

Nhưng vì tình thương con mà họ đã giận, rồi cũng vì tình thương con mà họ hết giận. Trong cuộc sống, con gặp rất nhiều chuyện "thấy như vậy mà không phải như vậy". Cũng vì si mê nên người ta chỉ thấy được một phần, một khía cạnh của vấn đề mà cứ nghĩ là mình thấy hết, biết hết. Cũng như hòn non bộ, mình đứng đây thì mình thấy dáng của nhà hiền triết, người ta đứng chỗ khác thì thấy con chó, còn người khác nữa thì thấy hòn vọng phu rồi đem ra lý luận mệt nhoài, ai cũng nghĩ rằng mình thấy rõ đúng như vậy. Trong khi hòn đá im lặng đứng đó chỉ là hòn đá. Tất cả chỉ từ trí tưởng tượng phong phú của con người mà ra. Mẫu chuyện "Hai người bạn" sau đây cũng minh hoạ đôi điều:

(27:24) Có hai người bạn thân, A rủ B đi chơi xa qua sa mạc, B hứng chí đồng ý, đi lúc lâu hết nước uống nóng nảy, mệt mỏi vì nắng gắt. B lên tiếng cằn nhằn: “Tưởng đi đâu cho vui, ai dè hành xác mệt chết đi được. Đầu óc mày có bị gì không mà chọn những chỗ này để đi, mày đi một mình không được mới rủ tao chứ gì? Tao biết mà mày đâu có tốt lành gì đâu, sướng mày không kêu tao, khổ thì mày rủ tao theo để …​ ”.

Đang lải nhải tới đây thì B bị A tán cho một cái bốp, nảy đom đóm luôn và cùng câu nói: “Im lặng, đường còn xa giữ hơi, không chết khát bây giờ” . B nín re tuy không nói nữa nhưng ấm ức lắm.

Nó loay hoay kiếm con dao viết lên cát dòng chữ: “Tại nơi đây người bạn thân nhất của tôi đã tán tôi một cái " rồi nó mới chịu đi .

Đi một hồi cả hai gặp một ốc đảo, B sung sướng nhảy tỏm xuống nước cho thoả thích bơi lội, không ngờ do đi nhiều nên chân nó bị chuột rút và nó chuẩn bị chìm.

A thấy vậy nhảy xuống cứu B, B thoát chết lại rút con dao ra đi loanh quanh tìm một tảng đá rồi ngồi xuống khắc cẩn thận và rất lâu dòng chữ: “Tại nơi đây người bạn thân nhất của tôi đã cứu sống tôi”.

Rồi họ tiếp tục hành trình du ngoạn tốt đẹp, suốt chặng đường A luôn giữ im lặng chỉ khi vừa về đến nhà an toàn A mới hỏi B“ Sao bạn không viết ra cát cho nhanh lúc ở ốc đảo mà tìm đá khắc làm chi cho mất thời gian quá vậy ? ” .

B đáp: “Vì viết lên cát thì gió sẽ xoá mất. Khắc lên đá thì tồn tại mãi, phàm làm người ai cũng có lỗi, nếu là bạn thân thì phải tha thứ cho nhau. Giữ mãi làm chi lỗi lầm đó, còn khi bạn cứu tôi, tôi phải khắc lên đá để ghi nhớ và biết ơn mãi những điều tốt bạn đã làm cho tôi”.

Vậy đó bỏ qua đi những tham lam, sân hận, si mê tôi sẽ có cuộc sống tốt đẹp với tình bạn, tình người nhân nghĩa đạo đức đúng mực.

(29:39) Như trong một cuộc đua giành cho người khuyết tật, khi tiếng còi vang lên tất cả cùng xuất phát nhưng bỗng có một em tâm lý căng thẳng quá không nhúc nhích nổi. Thế là tất cả đều quay lại cùng chung ý nghĩ không ai bảo ai cùng dìu nhau về mức.

Tất cả xảy ra chỉ trong chớp mắt đã thay đổi hết nên không có người đoạt giải, không ai nghĩ đến việc tranh giải nhất, nhì, ba. Vậy mà tất cả cùng cười sung sướng.

Tại sao? con xin dành câu trả lời cho mọi người. Vì con chỉ biết khóc khi vui sướng cảm động thôi, khi thấy an ủi và dẫu sao cuộc đời vẫn còn điều tốt đẹp đạo đức để cứu vãn.

(30:30) Nhờ biết nhân quả con cảm ơn vô cùng những nhân tố cuộc sống đã nuôi dưỡng cho con nhìn rõ, nhận rõ mọi ý hành trong con. Một gia đình đạo đức, như những chuyến đi từ thiện như môi trường nhà giáo, như môi trường Đại học xã hội học, như chuyến đi du học Pháp, v. v…​

Để giờ này con mới hiểu nhân quả chi phối cuộc sống của con người ghê gớm, khủng khiếp như thế nào? Để con muốn cuộc sống mình thế nào thì con làm chủ được. Con muốn cuộc sống hoà bình tốt đẹp thì con cứ tập trung những nhân tố hoà bình tốt đẹp tích cực cho mình để tạo ra một từ trường thiện pháp quanh mình mà ngăn ác diệt ác pháp.

Trước đây khi nghe nói về nhân quả một người còn sống mà sinh ra nhiều người. Con làm sao tin nổi. Con cứ tin là chết rồi mới sinh ra lại. Rồi lại tin linh hồn, đủ kiểu mê tín nên không có chỗ coi bói nào con nghe nói hay mà con không có mặt. Sau đó còn là thân chủ dẫn thêm nhiều người khác đến cho họ.

Giống như người ta đưa ly nước trà cho con và nói: “Trà này bổ lắm chữa hết bệnh của con, loại mới hảo hạn v. v ” . Thế là con hân hoan uống với niềm tin đó, thực ra đó chỉ là ly nước trà bình thường mà con có thể tự pha được cho mình tại nhà.

(32:05) Đâu đến nỗi con phải đi uống lời nói của họ. Thật quá si mê, từ khi biết nhân mình tạo ra từ trường đó thì mình sẽ bị quả là từ trường đó cuốn mình vào mê hồn trận của nó, làm mất tự chủ, sợ hãi và dễ tin người hơn tin chính mình ngày một tăng con chuyển đổi ngay nhân đó bằng cách không tiếp xúc với nó nữa.

Và bắt đầu tiếp cận với những nhân tố thiện pháp thì cuộc đời con thay đổi hẳn và trí tuệ con phát sáng ra như mây mù tan đi, ánh bình minh chiếu rạng. Trong những công việc rất bình dị mà con nhận ra được nhiều chân lý. Chuyện lớn và khó đến đâu con cũng thấy nó nhỏ và dễ hơn con tưởng. Chỉ cần thay đổi cái nhìn sai, bớt tham, sân, si đi thì như quay đầu là bờ vậy.

Nên con người con vào hàng thiện pháp một cách tự nhiên tự nguyện chứ không có si mê như con thiêu thân trước kia. Ai nghĩ được một người xông xáo, năng nổ, hoạt bát như con bây giờ lặng lẽ yên tĩnh quán chiếu. Vậy mà con không ai tin nổi chỉ vì con nhận ra một điều rất thật trong nhân quả và ý muốn gì con người đều làm chủ được.

(33:26) Ngày nay các nhà khoa học đã lần mò chứng minh tới cái điều mà đường đi nhân quả luôn thường hằng diễn biến như thế. Từ xưa tới nay, là từ trường thiện ác của một người sẽ sinh ra nhiều người ngay khi còn sống. Và con người là nhân quả hợp duyên với từ trường tương ưng mà ra.

Chúng ta không phải là nhà khoa học, chúng ta hãy nhìn vào nhân quả thảo mộc cũng thấy rõ từ một hạt mít đủ duyên cho ra cây mít với nhiều quả mít, một quả lại nhiều hạt bên trong.

Nếu như trồng sẽ cho ra cây mít con mà cây mít mẹ vẫn tồn tại không chết. Các nhà khoa học họ muốn tạo ra một con vật hay người hoàn hảo như ý họ, họ chỉ cần tích lũy gen tốt cho sinh sản vô tính, thì họ sẽ có một con vật hay con người như họ muốn. Những gen tốt mà họ tích luỹ cũng giống như từ tường tương ưng mà nhân quả thiện ác sinh ra thôi.

Khi sinh sản vô tính thì con mẹ và con con không hề biết nhau và liên hệ với nhau. Thì cũng giống như những nhân thiện ác của con người tạo ra những từ trường tương ưng xung quanh mình, mà mình cũng không hay biết như con ngồi trước mặt bạn đây, chứ bạn không hề biết con sanh ra bạn hay bạn sanh ra con. Bởi thực tế trong ý thức chúng ta chẳng thấy liên hệ gì với nhau nên mới có phân biệt của bạn, của con mới có tham lam, sân hận và si mê.

(35:08) Chứ nào biết chúng ta là nhân quả của nhau vì ý bạn quá tham lam, sân hận, si mê để rồi từ trường ác của bạn gặp môi trường tương ưng tạo ra con người con khổ đau thế này, nhiều khi bạn chỉ có ý thôi nhưng từ trường của bạn sanh ra con, gặp môi trường hợp duyên nó phát triển khiến con hành động như bạn nghĩ mà bạn chưa làm rồi con chịu quả hành động con làm, còn bạn chịu quả ý của bạn là con đang.

Cũng như con cừu sinh sản vô tính, người ta chỉ cấy ưu điểm vào nó. Nếu nó sống sót nó sẽ phát triển ưu điểm đó vượt trội, lớn lên cùng với cuộc sống của nó. Gen vượt trội là do nhà khoa học chọn lựa theo ý muốn, chứ nó không phải lo về di truyền từ bố mẹ nữa.

(36:04) Nói tới đây con và bạn đều cùng thấy phải cẩn thận dè dặt và cảnh giác trước ý hành của mình để đừng sanh ra những con người khổ sở thêm nữa, bởi vì nếu con chỉ biết không tham lam, không sân hận, không si mê với gia đình người thân của mình thôi là con chưa hiểu về nhân quả.

Thường thì ý tham lam là do con người so sánh, đòi hỏi, ích kỷ, bỏn xẻn mà sanh ra nhưng cũng một phần do xã hội phát triển, sáng tạo nhiều vật chất, tiện nghi quá, cũng do sống phải trong một môi trường điều kiện tự nhiên thất nghiệp thiếu thốn. Cũng có nơi do phong trào như phong trào đi ăn xin cả làng như một cái nghề, phong trào đi tu cả làng, nhà nào trong làng cũng tranh đua có một người đi tu để nở mặt nở mày với hàng xóm.

(37:07) Si mê cũng vậy do thiếu hiểu biết đầy đủ về thế giới xung quanh mình và cũng do không kiềm chế được trước sắc tướng. Xã hội, điều kiện tự nhiên, môi trường địa lý càng biến đổi nhanh bao nhiêu mà con người không theo kịp thì càng si mê bấy nhiêu. Riêng sân hận cũng do con người bất như ý, tỵ hiềm, ẩn ức mà ra do đó có thời gian con nghĩ rằng chỉ có cái chết thì con người mới hết tham lam, sân hận, si mê nhưng giờ con biết thêm là sự khổ đau nếm trải tù tội, lương tâm cắn rứt. Lớp đào tạo giáo dục đạo đức như lớp Bát Chánh Đạo này đây cũng là duyên diệt cho những ý tham lam, sân hận và si mê nữa.

(38:00) Con nhớ có lần con đọc được một câu chuyện vào thời đức Phật còn tại thế, có hai tên ăn trộm chuyên lấy dép của người đi nghe giảng pháp.

Một trong hai tên sau khi nghe Phật thuyết pháp bỗng nhiên ngộ Đạo, quyết đi tay không về, không lấy dép nữa. Còn người kia được cả bao tải dép nên anh tiếc cho bạn mình mà nói: “Sao mày ngu quá vậy? Bữa nay là bữa làm ăn lớn, sao mày không ráng tranh thủ vậy, bữa nay mà mày không lấy được gì thì mày sẽ đói”.

Con biết anh ta sẽ không đói mà còn no hơn bao tải dép trên vai bạn mình. Chỉ vì anh ta đổi ý không ăn trộm nữa, mới biết lời thuyết pháp của Phật đã trở thành duyên diệt cho ý tham lam trong con người anh ăn trộm đi về tay không đó.

(38:52) Có lần khi lấy nước vào bình, con phát hiện một con hai đuôi bị kẹt trong nhãn bình và vỏ bình con liền xé nhãn và giải thoát cho nó ra khỏi cái rãnh của vỏ bình với nhãn bình. Ai ngờ vừa thoát chỗ này nó loạng choạng bò vào trong góc thì va phải một mạng nhện lớn ở hốc đó. Con nhện đang từ từ tiến tới con mồi, sẵn có nước nên con tạt nhẹ một miếng nước phá tan màng nhện khiến hai con vật hoảng hồn chạy tản ra hai hướng để sống sót. Con nhện không còn nghĩ đến con mồi nữa, con thấy miếng nước của con giống như cơn sóng thần ập đến. Và con người trong cơn sóng thần thì cứ tứ tán chạy tìm sự sống mà đâu ai biết sóng thần cũng là nhân quả của mình tạo nên duyên diệt.

(39:52) Cuộc sống làm người ta đua chen tranh nhau nào cất nhà, nào hưởng thụ. Có người vì đất đai nhà cửa mà anh em mạt sát giết nhau. Thế rồi một cơn động đất tất cả sụp vụn xuống, lúc này còn ai tham lam tranh giành nữa không?

Con người cứ ngày một tham lam, sân hận, si mê vì danh vì lợi, nhắm mắt đưa chân mà hưởng thụ bỏ qua cả nhân nghĩa đạo đức. Cứ nóng giận, tham lam, sát hại nhau mãi thì trái đất nào chịu nổi sẽ nổ tung thôi. Đó là nhân quả của con người. Vì người nào cũng có một quả bom trong người nếu các quả bom cùng tương ưng thì trái đất sẽ nổ tung cùng một lúc.

Cộng với việc cẩu thả, vô trách nhiệm, huỷ hoại môi trường sống để phục vụ cho lòng tham không đáy của mình nên con người tự mình tạo nên duyên diệt chung cho chính mình.

(40:53) Điều này con được khẳng định khi con được nghe về vụ cháy ở Trung tâm Thương mại quốc tế ICC. Giờ nghỉ trưa ăn cơm, làm sếp cả trăm người chỉ vì sự bất cẩn của thợ hàn sửa chữa vũ trường.

Có nhiều người mới chân ướt chân ráo tới toà nhà thì cũng bị chết cháy. Nhưng cũng có vài người con biết là làm việc lâu năm gắn bó với toà nhà, nhưng tới giờ cháy họ lại có việc đi ra ngoài nên không bị chết.

Xét kỹ lại những người thoát chết cháy đó đều là những người lạc quan, vui vẻ, không luôn nóng giận nên không có từ trường tương ưng với sức nóng của trận hỏa hoạn. Con người trước duyên diệt như trận hỏa hoạn, sóng thần, lũ bão, động đất thì bé nhỏ quá hoàn toàn bất lực, chỉ còn trong chờ vào nhân quả của mình thôi.

Mỗi lần con thấy ai nóng giận, la lối, chửi mắng như người say rượu, người điên . .. v. v …​ con lại nghĩ đến trận hỏa hoạn mà sợ, mà thương cho họ. Con cầu mong sao con người có lương tâm, có đạo đức nhiều hơn để bớt tham hơn, bớt sân hơn, bớt si hơn để cuộc sống thanh bình, tốt đẹp hơn. Và con tự nhủ thầm là không bao giờ được giận ai nữa hết. Dù người đó có ghét có giận con mấy đi nữa thì con chỉ nên đảnh lễ họ thôi, để trả hết nhân quả.

(42:38) Điều này con đã làm được với nhà kế bên khi nhà con xây, họ nóng giận, làm dữ không cho vào và la mắng suốt nên con đã lạy sám hối họ ba lạy, rồi thì mọi việc êm đẹp hết không còn khó khăn nữa. Con làm được điều này khiến họ quá bất ngờ. Vì chưa có ai làm vậy khi bị la mắng hết. Bản thân con cũng ngạc nhiên không hiểu sao lúc đó thay mặt cha mẹ con sụp xuống lạy rất thành kính như lạy Phật để hoà giải hết mà không một lời nói và giải thích. Có lẽ hạt giống thiện trong con đã chín muồi, hay vì con thấy quá nhiều nên không lời nói nào hóa giải được khi người ta đang nóng giận.

(43:27) Hằng ngày trong nhà tang lễ đều có duyên diệt cá thể, có người vì tai nạn giao thông, có người bị điện giật, có người tự tử, có người già bệnh, có người dùng ma tuý quá liều…​ v. v. Đồng thời nhà bảo sanh cũng quá tải những trang trại trồng trọt chăn nuôi biết bao nhiêu chúng sinh được tụ thành mới thấy duyên sanh, duyên diệt trùng trùng điệp điệp.

Từ riêng cho tới chung, con kinh hãi quá trước nhân quả bao la mà cụ thể rõ ràng đến từng chi tiết. Mới thấy mình may mắn được làm người gặp Chánh Pháp, có Thầy tu chứng tận tình dạy dỗ, tạo đủ điều kiện môi trường thuận duyên cho việc tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Con vô cùng cảm ơn lớp Bát Chánh Đạo đã góp phần tạo nên duyên diệt cái bản tính tham lam, sân hận, si mê trong con người con.

Một duyên diệt mà không tạo thêm nghiệp mới nữa, chứ không phải như bên ngoài một đứa bé học sinh xách súng bắn đùng đùng vào bạn bè rồi tự sát. Cũng tạo nên duyên diệt nhưng rồi lại duyên sanh tiếp để trả quả làm chết người đó; cũng chỉ vì cơn giận do xích mích nhỏ với bạn mà khi xưa không có súng đạn người ta giải hoà dễ dàng. Cũng vì quá si mê nên đã tạo duyên diệt cho chính mình và hàng ngàn người như người ôm bom cảm tử, hay lái máy bay đâm vào tòa nhà cao tầng. Càng tham, càng sân, càng si, thế giới càng nảy sinh thêm nhiều duyên diệt mới như các nạn dịch, toà án pháp luật phải luôn bổ sung thêm nhiều tội danh mới.

(45:38) Nhìn đi, rồi nhìn lại con vẫn thấy làm chủ sanh, già, bệnh, chết là làm chủ ý hành của mình. Nếu ý mình luôn nghĩ tích cực, lạc quan yêu đời thì mình mới ngăn chặn được ý ác pháp. Phải luôn phòng hộ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân để ý không có cơ hội manh nha.

Cần yên tĩnh quán xét canh chừng ý ác, bảo vệ ý thiện. Luôn hướng tâm tác ý để dẫn tâm vào Đạo. Con phải quyết định từ nay mỗi khi con muốn là con lên ngay để trừ ý tham lam, mỗi khi con nóng giận là con phải xả ngay để trừ ý sân hận và con phải quán xét sự việc vấn đề nào cũng cho thấu đáo tới tận nguồn cơn chứ không để mập mờ, lưỡng lự trong đầu không rõ mà cho qua thì mới xóa được si mê và lời nguyện hằng ngày của con là chuyển hoá hết tâm tham, sân, si thành Từ, Bi, Hỷ, Xả cũng giúp con tan dần ý tham, sân, si trong đầu. Mô Phật!

2- CẢM NGHĨ PHÁP NGUYÊN THỦY DẠY NGƯỜI HIỆN ĐẠI

(47:06) Trưởng lão: Bây giờ tới cái bài cuối cùng là bài cảm nghĩ pháp Nguyên Thuỷ dạy người hiện đại. Cái bài này cũng là bài cuối cùng, bây giờ cũng hết giờ nhưng mà cái bài này chỉ có mấy trang à. Đây là cái cảm nghĩ mấy con. Cảm nghĩ về pháp Nguyên Thuỷ dạy người hiện đại. Vậy thì cái bài này Nguyệt cảo lên đọc dùm Thầy cái bài này.

Tu sinh: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Thầy cùng tất cả các đạo hữu có mặt hôm nay. Pháp Nguyên Thuỷ dạy người hiện đại

Nghe Thầy Thông Lạc chứng quả A La Hán theo Giáo pháp Nguyên Thuỷ, người ta nghĩ những gì Thầy dạy là lỗi thời chỉ phù hợp với những con người nguyên thuỷ. Họ quá sai lầm, ngày hôm nay lớp Bát Chánh Đạo mở ra tại Tu viện Chơn Như, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh thu hút hơn tám mươi Tu sinh không thiếu những người thuộc tầng lớp tri thức, một sự kiện diễn ra không phải ảo tưởng mà là hiện thực, pháp Nguyên Thuỷ dạy người hiện đại.

Tôi vừa đại diện cho tầng lớp tri thức, vừa là người đại diện cho những người có huyết thống dân tộc về đây tu học. Chỉ vì một phút khát khao được học đạo đức nhân bản, nhân quả mà tôi từ bỏ toàn cô giáo ngoài đời để làm học trò tham dự lớp Bát Chánh Đạo. Hơn nữa, tôi còn phải rời xa vòng tay yêu thương ấp ủ của cha mẹ để vào Chơn Như sống đời khất sĩ xin ăn ngày một bữa. Nếu những gì Thầy Thông Lạc dạy là lỗi thời là vô nghĩa lý, vô ích lợi với người thời đại ngày nay, thì tôi không bao giờ ngông cuồng đến nổi gạt bỏ lợi danh, quên đi thân mạng để học và hành những gì Thầy dạy.

(48:58) Trong khi ấy Giáo pháp Đại thừa mà hiện nay người ta đang sùng bái thì dạy nhiều điều mê tín dị đoan, xin xăm bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu, tụng kinh niệm Phật cầu an cầu siêu.

Nếu như các thầy Đại thừa cầu được thế giới hoà bình, không có chiến tranh, không có những nạn chết thiên tai dịch bệnh xảy ra đem đến an vui cho con người thì tôi mới tin pháp của Đại thừa có lợi ích thiết thực cho con người.

Nếu như những tu sĩ và cư sĩ tu theo Đại thừa không bị tai nạn, bệnh tật, khổ đau thì tôi mới tin nơi tha lực cầu an của Đại thừa, nếu như những người sắp chết nghe tiếng kinh, tiếng niệm Phật mà ra đi được thanh thản nhẹ nhàng không quằn quại, giãy giụa la hét trong cơn đau cận tử nghiệp thì tôi mới tin phần nào vào năng lực cầu siêu của Đại thừa.

Nếu như một tên phạm tội giết người chuyên tụng kinh Pháp Hoa mà sống ung dung ngoài vòng pháp luật thì tôi mới tin được lý của hai câu kinh “Dầu cho tạo tội hơn núi cả, chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng". Rõ ràng giáo pháp Đại thừa dạy toàn lý thuyết trên tận mây xanh mà thực hành thì dưới lòng đất. Thế mà nhiều người rất ca ngợi là tối thượng thừa, là vi diệu pháp rồi họ đua nhau khinh khi ném bỏ Pháp Tiểu thừa Nguyên Thuỷ vào sọt rác, họ bác bỏ Pháp Tiểu thừa chẳng khác nào bác bỏ Giáo pháp thực sự của Phật Thích Ca.

Bác bỏ cả bài học đạo đức nhân bản, chính vì thế ngày nay con người nhận lấy quả khổ đau.

(50:28) Cách đây năm hai ngàn năm trăm bốn mươi chín năm, trong Một Trăm Giới Chúng Học, đức Phật đã dạy con người cách ăn uống, sinh hoạt giữ vệ sinh môi trường. Nếu như con người chịu nghe và thực hành đúng như lời Phật dạy thì đến bây giờ các nhà khoa học đâu có báo động môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng. Nếu ai được học bài đường đi nhân quả của con người thì sẽ cảm thấy ghê sợ trước những cái nghiệp ác của thân hành, khẩu hành và ý hành.

Thầy Thông Lạc dạy những điều thực tế và khoa học, chứ Thầy không dạy những điều mê tín, ảo tưởng tụng kinh, gõ mõ, cầu nguyện. Người nào gieo nhân ác thì phải sanh chịu quả khổ. Còn gieo nhân thiện thì thọ hưởng quả vui.

Một chân lý tuyệt vời như vậy mà con người lại cho đó là lỗi thời. Không biết họ đứng ở góc độ nào mà nhận xét điều ấy. Lớp Bát Chánh Đạo mới mở ra chưa đầy hai tháng mà sự ngấm ngầm chống phá đập tan của Đại thừa đã dần dần lộ rõ.

Thầy nói: “Thầy đang đứng trên đầu ngọn sóng” . Quả thật không sai, có những người vào đây không phải học mà họ cố tình gây khó dễ cho Thầy. Tôi nhớ trong dân gian có câu nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" .

Tức là âm mưu ở nơi người, nhưng mà có làm được hay không thì ở nơi trời. Các Ngài Đại thừa, tôi nghĩ không bao giờ có đủ khả năng bản lĩnh để nhấn chìm Chánh Pháp, vì sao? Vì Thầy Thông Lạc làm chủ sự sống chết. Vì Thầy Thông Lạc không đơn độc hoằng đạo như trước mắt mọi người nhìn thấy mà thật ra bên cạnh Thầy luôn có sự bảo vệ của mười đại đệ tử.

Không nhất thiết phải xuất gia chỉ cần Thầy gặp nạn thì sẽ có đệ tử xuất hiện giúp Thầy.

(52:08) Nhưng nói mười đệ tử chứ trên thực tế nhiều lắm, các bạn có nhìn thấy không? Khi Thầy muốn mở lớp Bát Chánh Đạo thì đã có cô Liên Châu phát tâm cúng dường. Mỗi tháng mười lăm triệu đồng lo cơm nước cho Tu sinh, ngoài ra cô còn lo về tứ sự rất chu đáo.

Khi Thầy muốn mở Trung Tâm An Dưỡng Từ Thiện Chơn Lạc thì cả đoàn thành phố Hồ Chí Minh tình nguyện lo giấy tờ cho Thầy, bỏ mấy tỷ bạc xây cất tại Long Thành. Khi Thầy muốn những quyển sách Đạo Đức của mình viết ra được truyền đi rộng rãi thì có Nhà xuất bản Tôn Giáo, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin đứng ra giúp thầy thực hiện điều đó.

(52:47) Khi Thầy muốn có một vị A La Hán thì không khó đâu các bạn. Rồi đây các bạn sẽ thấy Chánh Pháp ngày dần mở ra, tà pháp ngày dần thu lại. Pháp Nguyên Thuỷ đã dạy người hiện đại người có trình độ tri thức và cả người dân tộc nữa.

Tôi sẽ nói với các bạn sinh viên và những người dân tộc Khơ-me biết khi quyển Văn Hóa Phật giáo Truyền Thống của Nhà xuất bản Tôn Giáo đến tay Phật tử thì những vị tu sĩ mặc áo Phật nhưng không sống theo hạnh của Phật sớm muộn gì cũng phơi bày chân tướng. Tôi tin rằng Thầy Thông Lạc đứng trên đầu ngọn sóng và sẽ lèo lái cơn sóng bằng cả sự tinh vi và kỹ nghệ.

Những đệ tử của Thầy luôn dõi mắt trông theo chiếc thuyền của Thầy không để ngọn sóng Đại thừa nào lọt vào trong ấy gây hại cho Thầy. Những đệ tử của Thầy sẽ âm thầm giúp Thầy dạy cho xong lớp Bát Chánh Đạo và đào tạo cho bằng được người tu chứng quả A La Hán để cùng Thầy nói lên tiếng nói mạnh rằng Pháp Nguyên Thuỷ đưa đến sự giải thoát, làm chủ sanh tử thật sự luôn phù hợp với mọi thời đại.

(53:56) Chơn Như ngày 10/12/2005, kính bạch Thầy khi chúng con theo Thầy về đây tu học, thì kể như chúng con đã chết một lần. Chết ở đây không phải rời bỏ thân tứ đại mà là chết con người đời để sống với con người đạo. Chúng con nguyện giúp Thầy xây dựng lại Phật giáo cho đến hơi thở cuối cùng. Chúng con sẽ không để Đại thừa làm khó Thầy, lấn át Thầy, bắt buộc Thầy phải bỏ hàng vạn chúng sanh đang khổ đau mà nhập diệt. Đủ phước duyên mở lớp Bát Chánh Đạo thì phải đủ phước duyên để A La Hán thứ hai ra đời làm cho sự mong đợi và mong cầu thiết tha của nhân loại.

Tu sinh: dạ! Bài con đến đây là hết Thầy.

(55:03) Trưởng lão: bây giờ sắp hết giờ rồi mấy con. Buổi chiều nay hai giờ, mấy con gặp Thầy sẽ trả lời những câu hỏi mà mấy con hỏi Thầy chưa có trả lời và đồng thời Thầy hướng dẫn cho mấy con tập tỉnh thức mấy con. Bây giờ đã hết giờ rồi chúng ta còn đi khất thực. Còn cái phần này bây giờ trước khi mà rời mấy con trả Thầy bớt chứ Thầy các tập

Tu sinh: thưa Thầy bức thư

Trưởng lão: cái gì con?

Tu sinh: bức thư nãy con đưa.

Trưởng lão: con phát dùm con, phát rồi về. Còn cái này để Thầy thu lại Thầy cất.

Giờ mấy cái bài này con Thầy sẽ cho đánh vào cái máy vi tính.

Tu sinh: cái bài nào của con, con đưa cho Thầy vào vi tính

Trưởng lão: giờ cái bài con…​

Tu sinh: con có gửi thư cho Thầy, chút nữa con đi còn đánh vào máy

Trưởng lão: vậy hả?

Tu sinh: cho con…​.

Trưởng lão: hết rồi con

(56:51) Trưởng lão: bài nào mà không có trao cho mấy con, Thầy gộp những cái bài lại con.

Tu sinh: con kính bạch Sư Ông! con xin Sư Ông cho con làm lại bài nhân quả thảo mộc với lại nhân quả thân hành, khẩu hành.

Trưởng lão: được. Buổi chiều Thầy sẽ tuyên bố cho mấy con biết, cái bài nào mấy con làm. Đúng hai giờ mấy con, cố gắng bởi vì giờ ít quá mà bây giờ đọc lại cho chúng ta nghe biết được cái nhân quả nên chúng ta cố gắng để xả cái tâm mình mấy con.

Bời vì cái sự học của chúng ta mục đích là vô lậu, nếu mà tu tập mà không hiểu, không có kiến giải hiểu biết nhân quả thì chúng ta xả tâm không được. Cho nên bây giờ mấy con đã hiểu cố gắng mà khắc phục để xả tâm. Cái quan trọng là áp dụng vào đời sống chúng ta trước để chúng ta sẽ có sự giải thoát.

Thôi đến đây Thầy sẽ chào mấy con. Để mấy con về còn đi khất thực nữa.

Tu sinh: con thưa Thầy

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy