CK 025A ( NỮ ) - ĐƯỜNG ĐI NHÂN QUẢ CON NGƯỜI - PHÁP TU CHO NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI BỆNH - CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 26/11/2005
Thời lượng: [46:48]
(00:00) Trưởng lão: Các con đem bài lên, nộp cho Thầy hết. Bây giờ, cái lớp học của chúng ta hôm nay, các con xếp lại. Tu sĩ ngồi theo tu sĩ. Nếu không, tu sĩ ngồi với cư sĩ nó lộn xộn, ngồi không ngăn nắp mấy con. Tu sĩ ngồi theo tu sĩ, người già ngồi lên trên, người trẻ ngồi phía dưới. Cư sĩ ngồi một bên, tu sĩ ngồi một bên. Vậy thì nó mới có ngăn nắp, thứ tự.
Bây giờ, các con tu sĩ thì qua bên đây hết, ngồi một bên theo Thầy, còn cư sĩ thì các con qua bên kia ngồi. Còn nếu hết chỗ thì tuổi trẻ ngồi sau, lớn tuổi ngồi trước. Mấy con qua bên đây đi, đổi đi con, tu sĩ thì ngồi bên đây (đi con). Đi bên này cho dễ mấy con. Tu sĩ mấy con đi lên đây, dồn lên đây hết đi mấy con. Người lớn tuổi thì lên trên này con. Mấy con lớn tuổi đi cô Huệ Ân lên trên này đi con. Con lên phía trên. Mấy cô lớn tuổi lên phía trên này hết. Dồn lên trên này sát bên, tu sĩ mấy con dồn lên hết đi. Đừng nhường nhau, mấy con lớn tuổi, mấy con cứ lên trên. Trẻ tuổi thì ngồi dưới.
Bên cư sĩ cũng vậy, mấy con cũng dồn lên trên này hết. Lớn tuổi ngồi trên, nhỏ tuổi ngồi dưới. Mấy con ngồi lên trên hết, để sau trống có cư sĩ người ta xin dự thính, người ta sẽ có ghế người ta ngồi mấy con. Mấy con lên sát trên này hết đi. Để lớp học của chúng ta có thứ lớp. Ở ngoài nhìn vào chúng ta, thấy lớp học nó hẳn hòi. Bây giờ Thầy đã phân cho các con thấy tu sĩ thì theo tu sĩ, cư sĩ thì theo cư sĩ xong rồi.
(02:11) Bây giờ, Thầy xin nhắc lại về vấn đề hôm nay lớp học của chúng ta sẽ tu tập, tới rốt ráo. Nghĩa là chúng ta triển khai tri kiến của chúng ta, không để cho nó thành cái liệt tuệ.
Thường thường danh từ trong kinh Phật nói Liệt Tuệ, mà trong khi chúng ta không chịu khó triển khai tri kiến của chúng ta thì không thể nào mà gọi là giải thoát.
Bởi vì cuộc đời tu theo Đạo Phật cái mục đích của nó là Tri Kiến, sự hiểu biết của chúng ta, mà nó giúp chúng ta giải thoát nên gọi là Định Vô Lậu. "Phương pháp mà tu Định Vô Lậu là cái phương pháp triển khai (cái) tri kiến của chúng ta. Nó gọi là Định Vô Lậu - tức là nó dùng tư duy quán xét, suy nghĩ làm cho cái sự hiểu biết của nó thấu suốt rõ ràng gọi là Thiền Quán. Nếu mà đứng trong góc độ thiền định thì gọi nó là Thiền Quán. Vì nó có sự Tư Duy Suy Nghĩ - cho nên nó rất quan trọng."
Nếu mà chúng ta không triển khai được tri kiến của chúng ta thì chúng ta không bao giờ có giải thoát. Chúng ta nhìn từ xưa tới giờ, hầu hết là người ta dạy chúng ta nhiếp tâm, an trú tâm nhưng người ta dạy chúng ta học để chúng ta hiểu biết lời của Phật dạy chứ chúng ta không có được triển khai tri kiến của chúng ta trở thành có sự hiểu biết của chính mình.
Cho nên tất cả các bài mà các con viết từ sự suy tư của các con, cho nên mỗi người viết đều khác nhau. Sự hiểu biết của các con không giống nhau nhưng điểm chính của nó là mấy con quay chung quanh một cái trục của nó mà gọi là đường đi của nhân quả. Đường đi của nhân quả thì đức Phật vạch ra cho chúng ta thấy rất rõ đó là: "Thập Thiện và Thập Ác."
(04:05) Chúng ta hiểu được như vậy chúng ta mới diễn tả được sự hiểu biết của chúng ta; làm chúng ta hiểu được đường đi của nhân quả, hiểu được những hành động của chúng ta thiện hay ác; để chúng ta chuyển biến mình trở thành những con người hoàn toàn giải thoát. "Sống bình thường như mọi người nhưng tâm chúng ta không còn phiền não đau khổ nữa."
"Mục đích của Đạo Phật là đem lại cho chúng ta một đời sống Đạo Đức bằng sự hiểu biết chứ không phải bằng thiền định gì cả". Do đó nếu chúng ta không học, không hiểu biết thì chúng ta không làm sao có sự giải thoát.
"Cho nên người mà không chịu triển khai sự hiểu biết của mình, làm cho lấy có, làm cho lấy lệ thì những người ấy là Liệt Tuệ. Đức Phật dùng Liệt Tuệ. Còn những người chịu khó học tập, tư duy, suy nghĩ để viết ra những sự hiểu biết của mình, để làm chúng ta hiểu các pháp như thật thì gọi là Thắng Tuệ. "
Danh từ của đức Phật gọi Thắng Tuệ. Trong Kinh Giới gọi là Tri Kiến Giải Thoát. Còn Liệt Tuệ là sự hiểu biết nó liệt bại, không có hiểu biết, nó làm cho cái người đó mù mờ.
Thậm chí như có người lí luận như ông Châu Lợi Bàn Đặc, ông học không thuộc kinh, không thuộc kệ; vậy sao ông ấy chứng quả A La Hán? Ông tu pháp gì chứng quả A La Hán?
Một người liệt tuệ là một người không chịu làm việc; còn ông Châu Lợi Bàn Đặc, ông không phải là người liệt tuệ mà ông là người không nhớ, nghĩa là ông đọc ông không nhớ. Ông đọc bốn câu kệ, hay một bài kinh ông không nhớ, không thuộc, nhưng ông rất là thông minh. Nếu ông không thông minh sao đức Phật dạy ông ngồi quét tâm mà ông biết. Quét tâm bằng gì? Bằng Trí Tuệ, bằng Kiến Giải của mình, bằng sự hiểu biết của mình mới quét được tâm; còn nếu mình không hiểu biết thì làm sao mình quét được tâm.
(06:35) Khi một niệm khởi ra trong đầu của chúng ta. Nếu chúng ta không thông suốt thì chúng ta biết đâu mà chúng ta quét. Cũng như trên thân của chúng ta có một cái bệnh mà chúng ta không thông suốt cái bệnh đó; cái trí tuệ chúng ta liệt tuệ, nó không hiểu thì biết đâu mà chúng ta đẩy lui được bệnh. Cho nên nói ông Châu Lợi Bàn Đặc ngồi quét tâm đâu có nghĩa là ngồi ức chế tâm, ngồi giữ Tâm Bất Động - tức là bị ức chế.
Còn đằng này tu Tứ Niệm Xứ, ai cho phép quý vị ngồi ức chế tâm? Không ai cho phép quý vị ngồi ức chế tâm. Ngồi chơi bình thường, quan sát 4 chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp có chướng ngại trên đó, mà thấy chướng ngại thì quét; mà quét bằng gì, quét bằng tri kiến giải thoát. Nếu không hiểu biết thì biết gì mà quét.
(07:30) Cho nên đòi hỏi chúng ta có cách thức tu tập hẳn hòi, đường lối triển khai tri kiến giải thoát. Trong bài học hôm nay, mấy con được học về đường đi của nhân quả và các con có người làm bài rất xuất sắc, rất hay, rất đúng và biết áp dụng. Qua sự diễn tả, biết áp dụng vào bản thân của mình. Cho nên các con có tiến bộ, Thầy thấy có tiến bộ.
Nhưng các con nhớ rằng mình học đây không phải học để hiểu biết chơi mà học để áp dụng vào đời sống của mình, hoàn toàn làm chủ. Vậy làm chủ mình phải làm chủ như thế nào? Khi mình nói chuyện, mình biết mình nói chuyện là gieo nhân gieo quả đó; thì có lợi ích gì cho mình? Mình đã chọn lấy con đường tu hành, đâu còn vui chơi; thì trong khi sống độc cư một mình mình, mình mới thấy được tâm niệm của mình, mình mới quan sát được cái lòng của mình; để rồi từ đó mình mới dùng tri kiến của mình học tập nhân quả mà mình xả nó.
(08:41) Nếu mình nói chuyện thì mình có thấy được nó không? Sự cô đơn mình mới thấy được tâm mình tuôn trào. Tâm tuôn trào, mình mới có đủ khả năng thấy được nó, mình mới có đủ khả năng mà quét nó; như vậy tâm mới thanh tịnh, mới ly dục ly ác pháp, mới lìa hết tham, sân, si. Còn nếu mình không học không hiểu thì mình biết gì mà mình ly; cứ ngồi ức chế cho hết vọng tưởng hoặc đi kinh hành cho hết hôn trầm thùy miên; chắc gì mà chúng ta hết hôn trầm thùy miên.
Cho nên những điều mà mấy con nghĩ tưởng, ở trong thất tu, không cần phải học, chỉ mình nhiếp tâm, mình xả tâm; nhưng mà không ngờ là mình có tri kiến hiểu biết gì mà xả tâm, mà không có tri kiến hiểu biết thì xả cái gì? Do đó ức chế tâm.
Tưởng là mình ngồi đó yên tịnh, thanh tịnh; nhưng mình xả đi mình ra đi, đụng duyên đi thì mình coi tâm của mình nó như thế nào, coi nó hết tham, sân, si chưa? Trái lại người ta sử dụng tri kiến, người ta xả từng tâm niệm, sống độc cư để phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Cuối cùng chúng ta có đủ tri kiến giải thoát hoàn toàn. Cho nên Định Vô Lậu rất là quan trọng.
Từ ngày mấy con được học lớp học này đến nay hơn nửa tháng. Gần 20 ngày rồi, mấy con thấy tri kiến hiểu biết của mấy con hiểu biết về nhân quả như thế nào chưa?
(10:17) Nếu các con cố gắng học tập thì chắc chắn trong khi mấy con đụng mọi ác pháp thì nội tri kiến nhân quả này cũng giúp mấy con được an ổn thân tâm rất nhiều. Và trên bước đường tu học về Định Vô Lậu nữa thì các con còn quán rất nhiều, còn tư duy rất nhiều, còn viết bài rất nhiều. Thậm chí như có người viết bài gần như một tập vở như thế này, mà Thầy phải đọc từ đầu chí cuối một tập vở như thế này thì mấy con thấy rất nhiều chứ đâu ít; nhưng mà Thầy cố gắng Thầy đọc hết để thấy mấy con viết như thế nào, làm bài như thế nào, để giúp cho mấy con có những tri kiến, khai mở những tri kiến để cho mấy con thực hiện được sự giải thoát chân thật.
Vì cá lớp của chúng ta là lớp đào tạo để rốt ráo, làm chủ sự sống chết. Nếu không có Định Vô Lậu thì làm sao chúng ta thanh tịnh được tâm? Mà không thanh tịnh được tâm thì làm sao chúng ta có Tứ Thần Túc? Mà không có Tứ Thần Túc thì làm sao làm chủ được bệnh - làm sao làm chủ được sự sống chết và chấm dứt luân hồi?
(11:43) Cho nên buộc lòng lớp này, bắt buộc mấy con phải học thật, tu thật. Nếu ai dự vào lớp học này, được Thầy hướng dẫn, được Thầy đào luyện, mà mấy con tu trong một tháng, nửa tháng rồi đi ra đi vào, thì đương nhiên buộc lòng Thầy chỉ cho mấy con tham dự chứ không được học lớp này.
Vì công sức của Thầy đọc từng trang chữ của mấy con, mà rốt cuộc rồi mấy con đi ra đi vô thì mấy con phá hạnh độc cư; mà phá hạnh độc cư thì ngàn đời mấy con tu cũng chẳng tới gì được cả. Học để xả tâm mà xả tâm bao nhiêu lại huân vô bấy nhiêu thì làm sao mà cho đạt được.
Cho nên ở đây quyết định là sống chết tận cùng để đạt được sự giải thoát hoàn toàn thì cái lớp học này nó mới có người chứng đạo. Nó mới có người làm chủ được sự sống chết của mình; mới nói lên được tiếng nói, mới thấy được nền đạo đức của đạo Phật, sống không làm khổ mình khổ người là chơn thật. Nếu lớp này Thầy đào tạo mấy con không được thì chắc chắn không bao giờ còn có duyên để đào tạo lớp khác vì lớp này không học được thì còn lớp nào học được nữa.
(13:08) Ở đây Thầy thấy có người có những đặc cách có thể đưa họ đi vào con đường giải thoát không khó khăn nhưng nếu mà không biết siêng năng học tập, tu tập, rèn luyện… Thầy rất thương mấy con là rất siêng năng, ngồi cặm cụi viết từng bài. Thỉnh thoảng Thầy đi ngang qua, Thầy quan sát, Thầy thấy mấy con nỗ lực, đem hết sức lực, Thầy tin rằng sự nỗ lực tu tập của mấy con sẽ đi đến nơi đến chốn.
Những bài viết của mấy con còn sơ suất nhiều chứ chưa phải là trọn vẹn nhưng cố gắng một ngày nào đó mấy con sẽ có sự tư duy rất trọn vẹn và sâu sắc thấy các pháp như thật không còn thấy mơ hồ nữa.
Hôm nay có điều là các con viết đưa ra nhiều mẩu truyện - nhiều khi lý luận quá dài dòng. Có đứa thì viết bài ngắn gọn, đọc lên thấy dễ hiểu, và gây một sự súc tích, cảm động khiến chúng ta không muốn làm điều ác nữa. Các con biết được những bài như vậy, vừa gây cho mình sự xúc động, vừa tạo cho mình đứng trong góc độ thiện pháp mà không tạo những điều ác nữa.
Còn viết những bài khô khan, năm ba chữ, một trang, hai trang mà trong khi đường đi nhân quả quá nhiều. Trong khi nhân quả thân hành không phải ít. Nhân quả khẩu hành không phải ít. Thế mà các con viết có mấy trang, mấy chữ thì các con quá liệt tuệ.
Vậy thì phải cố gắng, mỗi người chúng ta là con người, sinh ra không thua ai hết. Mặc dù, hiện giờ đây không phải là lớp học văn chương, kiến thức mà là lớp học để tu tập giải thoát, không cần các con phải viết văn chương hay; chỉ cần các con diễn tả được cái mắt thấy tai nghe của mấy con qua hình ảnh nhân quả mà thôi.
(15:14) Ở đây có một người viết bài rất đơn giản, chỉ những việc mắt thấy tai nghe của mình, trong hiện thực đời sống của mình, như những mẩu chuyện thực tế của cuộc đời của mình nói lên ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa của nó trong nhân quả thiện ác.
Đọc qua bài thì Thầy thấy cần phải viết được như vậy thì giúp cho chúng ta có hướng tu giải thoát, vừa ngắn gọn, không nói dài dòng, mà thực tế cuộc sống chúng ta đã tiếp cận những sự kiện đó xảy ra. Chúng ta thấy nghe và đã từng sống ở trong những mẩu chuyện đó. Đọc qua bài chúng ta thấy rất rõ ràng, cụ thể, đó là bài viết đơn giản, xoáy được nhân quả, không nói lòng vòng.
Hôm nay Thầy cũng khích lệ mấy con nên cố gắng viết xoáy vào, làm sao ngay trong đầu đề của chúng ta. Thân hành thì trong thân hành đó có sự việc xảy ra mà do thân hành đó tạo ra những nhân quả ác thiện mà chính bản thân mình thấy, tai mình nghe và cũng chính bản thân mình từng làm điều đó. Mình nói lên đơn giản để học tập, đơn giản để biết xả tâm. Đó là điều cần thiết của chúng ta trong Định Vô Lậu.
(16:36) Còn các cụ những người lớn tuổi Thầy cũng cho học về Định Vô Lậu, cũng quán xét tư duy nhưng khả năng của những người lớn tuổi được xếp vào hạng tu tập những pháp khác.
Như các cụ già lớn tuổi thì nên tu tập Tứ Niệm Xứ, tu tập theo sức của mình và dùng cánh tay hoặc là dùng hơi thở đẩy lui những bệnh tật trên thân của mình. Các cụ, người lớn tuổi sẽ được Thầy hướng dẫn riêng để triển khai tri kiến của mình nhưng làm ít, tùy theo như thời gian nào.
Trong giờ giấc các cụ lớn tuổi khi mà… Thay vì phải giữ gìn đúng giờ giấc nhưng lúc bấy giờ cơ thể nó muốn ngủ thì các cụ nên đi ngủ, rồi một lúc nó không ngủ nữa thì dậy tu giữ gìn tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Và cơ thể có đau nhức thì nhiếp tâm trong hơi thở hoặc là thân hành ở bàn tay của mình để rồi tác ý đuổi bệnh.
(17:55) Nếu trong thời gian thức một tiếng, hai tiếng mà mỏi mệt thì các bác, các cụ nên đi nghỉ, đi nằm nghỉ cho dưỡng sức trở lại. Khi mà nghỉ nó khỏe rồi mà thấy không ngủ thì ngồi dậy tu tập. Cho nên tu không có thời khóa. Còn tu theo thời khóa thì sức khỏe không đủ sức mà chịu nổi. Cho nên ở đây Thầy đặc cách cho những người lớn tuổi họ sẽ tu như vậy.
Còn tuổi trẻ thì giờ nào ra giờ nấy, coi giờ nào phải ra giờ nấy. Thí dụ như mười giờ đi ngủ thì đúng mười giờ mà chín giờ rưỡi đi ngủ thì không được. Đó là cái người tuổi trẻ phải chiến thắng giặc sinh tử của mình.
Còn người già sức yếu rồi không thể đủ sức chiến thắng với giặc sanh tử mà tu để giải thoát cho mình từng phút từng giây.
Thí dụ như giữ tâm mình thanh thản an lạc vô sự - từ bảy giờ đến tám giờ, mà bắt đầu tám giờ một phút, tám giờ hai phút bắt đầu buồn ngủ thì người già được ngủ, không sao hết tại vì cái sức khỏe nếu mà không nghỉ lại thì sức khỏe nó không đủ sức để mà tu tập tới nữa.
Sau khi tám giờ mà đi ngủ, mà tới chín giờ hoặc mười thức dậy thì người già họ thức dậy thì nên siêng năng liền, đừng nên nằm đó mà không chịu tu tập. Đừng có nằm đó mà nghĩ tôi sẽ tu cái này cái khác mà phải ngồi dậy hẳn hòi đàng hoàng rồi tập luyện đàng hoàng đúng cách.
(19:25) Ngồi lên bởi vì mình đã nằm nhiều, mình nghỉ rồi thì mình phải ngồi. Ngồi lên thì mình giữ tâm thanh thản an lạc vô sự và quan sát bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp của mình không chướng ngại, mà có chướng ngại thì sử dụng pháp Định Niệm Hơi Thở.
Như thân không an, có đau nhức chỗ nào đó thì nhắc "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra". Còn nếu tâm bị động, khởi niệm này niệm kia, lo lắng thì dùng trí tuệ của mình được học, quán xét xả niệm. Còn nếu mà không xả niệm được thì tác ý "An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra", rồi hít vào thở ra theo phương pháp giúp cho tâm mình an ổn. Đó là cách thức của người già.
Đồng thời Thầy sẽ kiểm tra lại người lớn tuổi để họ nhiếp tâm thanh thản an lạc vô sự, coi thử coi cách thức nhiếp tâm được hay không. Trong một hôm nào đó, Thầy cho biết những người lớn tuổi đến đây học riêng sẽ được Thầy kiểm tra người lớn tuổi giữ tâm thanh thản an lạc vô sự của mình. Trong đó tu sĩ có, cư sĩ có.
Còn những người có thân bệnh thì trong cái ngày mà Thầy kiểm tra cho những người lớn tuổi thì các con có thân bệnh dù là người trẻ mà có thân bệnh cũng nên vào cái ngày đó được gặp Thầy; để Thầy kiểm tra lại xem coi bệnh nặng bệnh nhẹ hoặc những loại bệnh mà khó trị hoặc những loại bệnh nào; để mà Thầy biết được Thầy giúp đỡ cho phương pháp để ôm một cái pháp để đẩy lui cái bệnh cho mình hết. Vì có thân bệnh rất là khó tu, có thân bệnh khó tu lắm.
Cho nên vì vậy cần phải đẩy lui được bệnh, khiến cho thân mình được mạnh khỏe để cho mình tu tập mới được. Do như vậy thì người bệnh, người già sẽ được Thầy cho một ngày nào đó. Lúc bấy giờ, những người lớn tuổi sẽ vào cái Tổ đường này, sẽ học riêng để Thầy dạy cho người lớn tuổi.
(21:43) Còn người trẻ tuổi thì giờ giấc nghiêm chỉnh sống độc cư trọn vẹn. Người lớn tuổi cũng vậy, cũng nên cố gắng sống độc cư để phòng hộ mắt, tai mũi miệng thân ý của mình để đi tới chỗ rốt ráo hoàn toàn. Nếu không sống độc cư thì không thể đi tới chỗ rốt ráo.
Ở đây, hôm nay lẽ ra Thầy muốn các con sẽ đọc lại những bài của những người làm đơn giản, nhưng Thầy thấy mất thì giờ. Bây giờ để chúng ta kiểm tra lại phần Chánh Niệm Tĩnh Giác. Đó là bắt đầu phần thứ hai.
Về nhân quả các con đã viết đến bài này, Thầy thấy bài đường đi của nhân quả và nhân quả thân hành, khẩu hành, ý hành đều là các con làm được cả. Nhưng có nhiều người lý luận dài dòng, nhưng có nhiều người thì rất đơn giản.
Do đó Thầy muốn đọc lại những bài; nhưng vì thời giờ chúng ta không có nhiều, nên về mấy con sẽ đọc lại bài của mình. Người nào khá, các con tiến tới, các con cố gắng làm. Còn những người nào, Thầy ghi nó chưa có đầy đủ thì các con làm thêm. Cho nên qua những bài này, Thầy xin trả cho các con những cuốn tập. Liễu Huệ phát giùm Thầy.
(23:23) Vừa rồi, Thầy có nhận được về Chánh Niệm Tĩnh Giác. Hai người gửi cho Thầy về Chánh Niệm Tĩnh Giác cho nên Thầy có ghi vào cuốn sổ. Cô Hạnh Từ nhiếp tâm trong 5 phút, còn Nguyên Thanh nhiếp tâm trong 45 phút. Cho nên sự kiểm tra lại thì Thầy sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn, giúp cho mấy con đạt chất lượng của sự nhiếp tâm và an trú.
Bây giờ Thầy phân biệt cho các con thấy, để vững vàng hơn. Nhiếp tâm như thế nào? An trú tâm như thế nào?
"Phần mà nhiếp tâm là khi mà chúng ta nhiếp tâm trong thân hành như chúng ta đi kinh hành. Chúng ta hít thở. Khi chúng ta đưa cánh tay ra vô như thế này. Đó là nhiếp tâm trong thân hành của chúng ta, nghĩa là chúng ta biết hành động đưa ra đưa vô như thế này mà trong đầu chúng ta nó có khởi ra một cái niệm; nhưng khởi ra một niệm mà cái cảm giác, nhận ra hành động hơi thở hoặc cánh tay chúng ta đưa ra đưa vô hoặc bước chúng ta đi tới đi lui; đó thì đó mới gọi là nhiếp tâm. Còn khi mà cái niệm nó khởi ra mà chúng ta quên cái hành động của chúng ta thì đương nhiên là chúng ta chưa nhiếp được. "
Cho nên chúng ta căn cứ vào thời gian mà nhiếp tâm được là mấy phút? Thí dụ như: "Bây giờ nó là năm phút, mà trong năm phút đó có một, hai niệm xen vào mà chúng ta không quên được cái thân hành của chúng ta, còn nhớ cái thân hành nhưng cái niệm nó vẫn xen vào; đó là người nhiếp tâm được năm phút. Còn nếu ngoài năm phút đó ra, chúng ta có ngủ gục, quên thì đó là chúng ta không nhiếp tâm được, quên mà làm sao nhiếp được. Do đó không nhiếp được. Hoặc là có một niệm khởi ra rồi chúng ta suy tư theo tư duy cái niệm đó mà chúng ta quên cái thân hành chúng ta đi thì đó là chúng ta nhiếp tâm chưa được. Còn trái lại vừa biết thân hành vừa có niệm khởi trong tâm chúng ta, thì lúc bấy giờ là đang nhiếp tâm được. Đó là cái giai đoạn thứ nhất nhiếp tâm được. "
(25:33) Cho nên có người nhiếp tâm được trong thời gian dài nhưng mà an trú tâm chưa được. "An trú tâm cho được là không có một cái niệm nào hết - không có hôn trầm thùy miên, không có một vọng tưởng nào xen vô trong đó hết, tức là nhiếp an trú. Còn chưa an trú được thì đương nhiên là chúng ta có tỉnh thức bấy nhiêu đi nữa thì nó cũng vẫn là mới nhiếp tâm mà thôi".
Phân biệt cho rõ sự nhiếp tâm và sự an trú thì chúng ta mới biết được con đường tu tập của chúng ta chứ nếu không thì chúng ta sai, không đúng.
Như vậy thì Thầy cũng sắp xếp lớp. Ví dụ như bây giờ, mọi người trong lớp học của chúng ta mà người nào năm phút thì Thầy sẽ sắp cái lớp 5 phút. Người nào mà tu 45 phút hoặc 30 phút, ahm… nhiếp tâm và an trú…
Cho nên ở đây, ở bên quý thầy, người ta ghi rất rõ là nhiếp tâm được mấy phút, rồi an trú tâm được mấy phút. Ví dụ như con nhiếp tâm được 5 phút, mà con an trú được 1 phút. "Nghĩa là an trú không có niệm gì hết, an hoàn toàn, chỉ còn biết có thân hành của mình, tức là an trú trên thân hành. Cho nên, không có niệm gì, không có cái gì xen vô trong đó, gọi là an trú."
Cho nên có người ghi cho Thầy mười phút nhiếp tâm được, mà chỉ có một phút an trú thôi. Mà phút đó là trong thời nào các con tu, các con cũng làm chủ được như vậy. Như vậy là an trú. Vì vậy cho nên các con ghi kĩ để Thầy phân lớp cho mấy con về Chánh Niệm Tĩnh Giác.
(27:12) Bởi vì cái lớp này rất quan trọng. "Nếu chúng ta không định tĩnh, không bình tĩnh trước một sự kiện, trước một cái hoàn cảnh, trước một ác pháp đến với chúng ta; mà nếu chúng ta không tập định tĩnh này thì cái tâm chúng ta không bình tĩnh; mà không bình tĩnh thì tri kiến chúng ta không có còn quá sát, sáng suốt mà nó quán xét được để mà xả tâm. "
Cho nên tu tập này, nó định tĩnh để làm cho tâm chúng ta bình tĩnh trước cái ác. Nó không bị rối, nó không có bị dao động. "Do đó khi mà nó không bị rối, không bị dao động thì lúc nào chúng ta cũng sống trong thiện pháp; còn nó bị dao động, nó bị rối thì lúc bấy giờ miệng chúng ta sẽ nói lời ác, thân chúng ta sẽ làm ác, ý chúng ta nghĩ điều ác, không thể nào mà chúng ta chạy khỏi".
Cho nên phương pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác rất cần thiết để giúp tâm chúng ta định tĩnh. Mà như các con thấy đức Phật nói “Tâm định tĩnh nhu nhuyến dễ sử dụng, khi mà nó định tĩnh rồi thì nó nhu nhuyến, cho nên vì vậy nó hoàn toàn nó ở trong thiện pháp chứ nó không ở ngoài pháp".
Còn tâm nó không định tĩnh, nó bị dao động, nó mất bình tĩnh thì lúc bấy giờ nó phải ở trong ác pháp, không cách nào khác hơn hết. Lúc bấy giờ tri kiến giải thoát của chúng ta, nó không còn là tri kiến giải thoát nữa, bởi vì nó mất bình tĩnh.
Cho nên bình tĩnh là cái gốc để chúng ta soi vào những ác pháp mà chúng ta hóa giải. Cho nên hai phương pháp này chúng ta phải tu song song, không thể tu pháp này trước rồi tu pháp kia sau.
Các con thấy như, như người ta hiểu lầm, như người ta hiểu lầm như Thiền Minh Sát Tuệ "Người ta nhiếp tâm trên cơ bụng phình xẹp để cho an trú, để nó nhiếp trên đó, đừng có niệm khởi, mà khi đừng niệm khỏi thì bắt đầu từ đó về sau họ minh sát ra”
Còn ở đây chúng ta khai triển tri kiến Định Vô Lậu - đồng thời chúng ta tu tập tới cái mức Định Tỉnh không được ức chế tâm. Còn kia nhiếp tâm trên cơ bụng phình xẹp để ức chế tâm. Cho nên cuối cùng, người ta thấy những định tướng của nó hiện ra nhưng mà không ngờ lạc vào trong những "định tưởng", cái sắc tưởng nó hiện ra thì họ ngỡ là cái "định tướng". Họ ôm cái định tướng đó. Không ngờ sau đó họ dùng Minh Sát, họ tuệ, họ quán ra. Không ngờ là họ quán ra trên cái tưởng chứ không phải là tri kiến giải thoát
(29:45) Còn chúng ta hiện giờ đâu có ức chế tâm chúng ta đâu. Chúng ta dùng cái tri kiến, cái ý thức của chúng ta hiểu biết, triển khai có sự hiểu biết như thật. Các con làm bài như thế này là dùng tri kiến. Đồng thời chúng ta tập nhiếp tâm và an trú tâm trên thân hành đến cái mức nó vừa đúng để Định Tỉnh được tâm chúng ta thôi; chúng ta không có đi xa hơn để cho nó rơi vào định tưởng, thì đó là chúng ta đã tu sai.
Cho nên ở đây được sự hướng dẫn của Thầy thì Thầy không để mấy con lọt vào định tưởng mà các con phải nhiếp cho được tâm mình. Trong thời gian nhất định, trong thời gian nhất định nhiếp cho được tâm bằng cách làm chủ - chứ không phải giờ này nhiếp được mà giờ kia nhiếp không được, không phải. Lúc nào chúng ta muốn nhiếp là chúng ta nhiếp được.
Vì vậy mà căn cứ vào thời gian ngắn nhất của khả năng mấy con nhiếp tâm. Thí dụ như mấy con nhiếp tâm được 3 phút hay 5 phút mà an trú được 1 phút hay nửa phút thì điều đó là điều cần kiểm tra lại kỹ lưỡng - để rồi hướng dẫn mấy con đi tới chỗ nhiếp tâm để mấy con được Định Tỉnh. Do sự Định Tỉnh đó mà “Tâm nhu nhuyến dễ sử dụng”. Cuối cùng nhu nhuyến dễ sử dụng thì mấy con sẽ nhập được các định và mấy con sẽ làm chủ được sự sống chết của mình.
Như vậy ở đây các con ghi phần nhiếp tâm, còn này là cái bài về Định Vô Lậu. Còn cá phần này là cái phần tu Định Tỉnh để nhiếp tâm, an trú tâm. Đây là phần để các con ghi. Mấy con ghi đúng, chứ mấy con ghi sai thì mấy con sẽ hổng chân.
Thí dụ như sức mấy con nhiếp tâm và an trú được năm phút, mà mấy con ghi ba mươi phút thì mấy con hổng chân, mấy con chịu đó. Nếu mà Thầy đưa đi đến nữa thì mấy con sẽ dậm chân tại chỗ, mấy con sẽ không tiến bộ.
Mà mấy con ghi với khả năng của mình nhiếp đúng thì Thầy sẽ hướng dẫn các con sẽ đi đến đúng. Vì Thầy biết đưa mấy con đi đến chỗ hoàn toàn Định Tỉnh cái tâm của mấy con - bình tĩnh trước các ác pháp cho nó vững vàng, nó không dao động tâm, do sức tu tập tỉnh thức này.
(32:07) Ở đây mấy con ghi cho Thầy với khả năng mấy con thử lại. Cái này là mấy con đã trắc nghiệm lại mình đúng hết rồi đó - nghĩa là từng phút, từng giây, mấy con đã suy nghiệm lại từng thời buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, buổi khuya.
Mấy con đã ghi đúng theo cái tiêu chuẩn của mình đã đạt được nhiếp tâm và an trú. An trú mấy phút và nhiếp tâm được mấy phút. Thầy căn cứ vào đây, Thầy lập lớp học cho mấy con. Lớp mà mấy con một phút thì Thầy sắp cho mấy con một phút với nhau - để sự điều hành hướng dẫn nó dễ dàng đối với Thầy. Còn mấy con mười lăm phút thì sắp cho con ở mức lớp mười lăm phút.
Còn mấy con như Nguyên Thanh nhiếp tâm được 45 phút thì nó là quá cái sức, kêu là quá thời gian định tĩnh. Quá cái thời gian định tỉnh thì như vậy nó lọt trong tưởng. Cho nên nó chỉ cần 30 phút an trú mà thôi. Còn nó quá thì nó có thể rơi vào tưởng mà rơi vào tưởng thì tâm nó không bình tĩnh. Nó bị, nó cũng dao động dễ dàng - nó sẽ dể dàng… Cho nên nhiếp được như vậy thì dừng lại, kêu là an trú lại. Nếu an trú được 45 phút thì dừng lại chỉ cần được 30 phút thôi, không nên tăng lên, mà tăng lên thì có thể bị tưởng.
(33:28) Do như vậy mấy con nhớ cứ đúng 30 phút, còn tăng lên thì mấy con không nên tăng lên. Chừng nào mà Thầy cho mấy con tăng lên thì mấy con tăng mà không có cho thì thôi. Vì Thầy xét qua tâm mấy con không bị tưởng thì Thầy sẽ cho lên, mà tâm có bị tưởng thì Thầy không cho lên. Nhưng mà nhiếp tâm được như Nguyên Thanh như này thì rất tốt, nhưng để kiểm tra lại rồi Thầy sẽ xác định lại sự nhiếp tâm đó không bị tưởng hay có bị tưởng.
Còn mấy con còn ở 15 phút thì mấy con còn phải nhiếp tâm, an trú tâm cho được 30 phút. Đó là tiêu chuẩn để đạt được. Mấy con ghi kĩ để rồi Thầy sẽ hướng dẫn phần tu tập tỉnh thức này cho nó cụ thể, rõ ràng hơn. Đó là phần tỉnh thức.
Còn hôm nay mấy con làm bài về Định Vô Lậu. Người nào mà đã làm về “Đường đi của nhân quả của con người”, đã làm bài đó rồi thì sẽ làm “Nhân quả thân hành” - nghĩa là nói về thân hành của chúng ta. Mà thân hành thì nó có ba điều ác và ba điều thiện. Từ ba điều ác, ba điều thiện gốc đó, suy ra vô cùng điều ác, điều thiện khác.
(34:47) Và nếu mà mấy con đã làm thân hành rồi thì các con làm khẩu hành, khẩu hành có bốn điều thiện gốc và nếu suy ra thì nó có rất nhiều điều thiện ở trong khẩu hành. "Mà quan trọng nhất là vấn đề các con viết làm sao để nói lên được ái ngữ, phá đi ác ngữ của nó". Bởi vì nói về khẩu hành thì nó có lời nói ôn tồn nhã nhặn, mà nó cũng có lời nói thô lỗ, hung dữ. Cho nên khéo mà viết về “Nhân quả khẩu hành”.
Mà nếu người nào đã viết được nhân quả khẩu hành xong rồi, đã có bài viết nhân quả khẩu hành thì viết về “Nhân quả ý hành” - nhân quả ý hành. Đồng thời nếu viết bài mà nó dài dòng, khi các con suy tư, cái lý luận của mình, nó dài dòng quá thì các con bớt, ngắt cho ngắn gọn lại, làm cho chúng ta có một bài luận rất là đơn giản, nhẹ nhàng, đưa ra một câu chuyện xảy ra cho bản thân trực tiếp trên câu chuyện đó. Hoặc là một câu chuyện mà mình nghe thấy, ngắn gọn đầy đủ, không được để dài dòng, không được kể lê thê lết thết, mà ngay xoáy vào sự việc của nhân quả. Chúng ta viết như vậy để làm cho chúng ta khi sự kiện nó xảy đến chúng ta áp và thân chúng ta một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Do như vậy chúng ta sẽ được hoàn toàn giải thoát qua tri kiến giải thoát của chúng ta.
(36:19) Nhớ làm bài kĩ lưỡng như vậy. Đồng thời người nào mà viết dài nhiều, thì phải cố gắng xem xét lại những bài viết của mình mà cô đọng lại. Còn những người viết cô đọng, đầy đủ ý nghĩa rồi, những người đó tiến tới làm bài khác nữa.
Thay vì Thầy sẽ cho các con học về “Nhân quả vũ trụ” thì Thầy thấy trình độ của mấy con chưa nắm, chưa hiểu biết được nhân quả vũ trụ, nhân quả thời tiết. Vì vậy mà “Nhân quả của con người”, nhân quả của con người các con thông suốt cũng là được giải thoát cho bản thân của mấy con rồi.
Chúng ta không học mênh mông mà chúng ta học vào sự giải thoát, gọi là tri kiến giải thoát. Bây giờ, những người đã làm xong thân hành, khẩu hành, ý hành rồi. Nếu mà chúng ta cần phải viết lại thì càng hay, làm cho bài của chúng ta càng lúc càng sâu sắc, ngắn gọn, đầy đủ.
Cho nên Thầy mong các con làm lại một lần nữa thân hành, rồi đến bài kế là khẩu hành, rồi ý hành, ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa chuyển biến những nhân quả, để nhắc nhở khuyên răng mình cần phải sống thiện, đúng đức hạnh. Còn nếu các con thấy bài mình đã làm đủ, không cần phải làm lại thì các con tiến tới làm bài Thân vô thường. Các con làm bài nói thân vô thường.
(37:59) Bây giờ qua bài khác, không còn nhân quả nữa mà nó Thân Vô Thường. Trước khi nói thân vô thường thì các con nên viết bài "Các pháp vô thường", nghĩa là mọi vật xung quanh chúng ta đều là vô thường, có sự thay đổi không thường hằng, không có pháp gì thường hằng hết. Pháp nào cũng chỉ có sự vô thường mà thôi. Do đó mấy con nên viết bài các pháp vô thường.
Người nào về thân hành, khẩu hành, ý hành, chưa xong thì nên viết bài thân hành, khẩu hành, ý hành; còn bài viết mà người nào đã làm xong thì hãy viết bài "Thân vô thường" - nói về thân chúng ta vô thường.
Thân vô thường Thầy xin gợi ý, sự thay đổi từ khi cha mẹ sanh ra cho đến khi già cho đến khi chết thì sự thay đổi trên thân chúng ta như thế nào thì mấy con viết ngắn gọn đầy đủ sự vô thường đó. Khéo léo để diễn tả làm sao cho người ta thấy sự thay đổi đó một cách cụ thể, rồi đến khi vô thường mà mỗi chặng vô thường nó mang đến sự đau khổ nào cho chúng ta.
Thí dụ như một đứa bé sanh ra khi nó sắp mọc răng hoặc là nó có sự như thế nào đó thì trải qua cái sự thay đổi của cơ thể đó để nó mọc được một cái răng hai cái răng thì nó lại bị nóng, bị ấm đầu bị sốt đó là trạng thái nó vô thường.
Mỗi khi mà chúng ta lớn lên một chút có những hiện tượng xảy ra trên thân chúng ta như cơ thể chúng ta phát triển theo sự vô thường thay đổi đó thì nó có những hiện tượng nó sinh ra ở nơi thân chúng ta, có những cảm giác đau nhức như mụn nổi, bạc đầu… Tất cả những cái đó đều là sự phát triển của cơ thể mà nó sanh ra những đau khổ đó, bệnh tật đó.
Trải qua một cuộc đời tới khi lớn tuổi các con cũng biết rằng sự vô thường nó xảy ra cho thân chúng ta thọ thấy những cảm thọ đau bệnh, bệnh tật này, bệnh tật kia đều là sự vô thường.
(40:24) Cho nên đến khi mà chúng ta sắp sửa già, sắp sửa đi xuống thì nó cũng thay… cơ thể nó già, nó đi xuống, nó lần lượt nó yếu đuối thì mỗi lần nó muốn suy sụp một chút gì đó để nó yếu hơn thì nó phải có một cơn đau, cái cơn bệnh nó làm chúng ta khổ sở, rồi cái sức của chúng ta kém dần xuống qua cái cơn đau đó.
Cho đến khi mà thân chúng ta bỏ chết đi thì cái sự thay đổi, sự tan rã cuối cùng thì chúng ta thấy cái sự vô thường đó đem đến sự khổ.
Cho nên chúng ta lúc mà sắp chết chúng ta trăn trở, cơ thể nó rã rời, nó không còn cái chỗ nào không đau nhức, không khổ sở. Đó là sự vô thường đem đến sự thọ khổ của chúng ta.
Cho nên chúng ta nói vô thường từ đứa bé mà lớn lên. Thấy chỉ gợi ý cho mấy con thôi. Khi nó mọc cái răng thôi, nghĩa là nó sanh ra thì nó chưa có răng cho nên nó lớn một chút xíu nó mọc được cái răng thì nó bị nóng đầu, nó bị sốt nó này kia. Đó là cái hiện tượng nó vô thường nó thay đổi.
"Mà vô thường là khổ, các pháp vô thường đều khổ, thân vô thường là khổ. Sự thay đổi đó mang đến cái khổ cho chúng ta, chứ không phải nó lớn là nó bình an nó đâu, nó muốn lớn lên một chút là nó có sự thay đổi của nó. Cơ thể chúng ta phát triển dậy thì thì nó có sự thay đổi mà sự thay đổi đó nó mang theo cái khổ, cảm thọ khổ của nó. "
(41:48) Cho nên chúng ta nhớ nhắc vô thường là nớ nhắc nó khổ. Để làm gì? Để chúng ta biết rằng tất cả các pháp vô thường thì tất cả các pháp đều khổ không có gì mà vui đâu.
Cho nên nhờ đó là chúng ta thấm nhuần, thấm nhuần để chúng ta không còn dính mắc ở trong các pháp nữa. Nhớ kỹ làm bài như vậy chúng ta mới thấy giá trị của sự giải thoát của nó.
Chớ nếu mà chúng ta làm sơ sơ thì chúng ta không thấy giá trị giải thoát. Cho nên ở đây Thầy muốn "Triển khai sự hiểu biết của mấy con tường tận như thật". Chính mấy con triển khai tri kiến mấy con hiểu biết nó như thật. Nó không thể nào mà sai đi sự thật, nó sai đi sự thật tức là chúng ta, niềm tin chúng ta chưa sâu và niềm tin chưa sâu thì chúng ta chưa chuyển hóa được nhân quả chúng ta; chưa chuyển hóa được tâm hiểu biết của chúng ta làm cho chúng ta còn đau khổ.
Bây giờ các con ghi những người nào đã làm xong được đường đi của nhân quả luân hồi, nhân quả của thân rồi thì mới làm. Còn người nào chưa thì chưa làm cái bài vô thường, các pháp bài pháp vô thường hay là thân vô thường. Các con nhớ kỹ điều đó. (Do cái người nào đã làm xong )
(42:55) Hầu hết là Thầy khuyên mấy con nên làm lại bài nhân quả của con người thân hành, khẩu hành, ý hành. Làm sao mà Thầy đọc những bài của mấy con, Thầy thấy à… như vậy là mấy con tiến bộ. Thầy sẽ… do bài luận của mấy con mà Thầy sắp xếp cho mấy con, Thầy đặc cách cho những người đã viết đúng, làm đúng ở trên lớp, và đồng thời đưa họ đi đến cuối cùng. Họ chứng đạt chân lý trong vòng thời gian ngắn nhất.
Còn mấy con liệt tuệ, mấy con không chịu làm việc, mấy con không chịu làm đúng thì mấy con được sắp xếp những lớp ở phía sau, không được nâng. Bây giờ ở trong mấy bài của các con, Thầy sắp xếp được một số người ở lớp của mấy con rồi đó, còn một số người các con sẽ được ở dạng trung bình, và cái số người lại ở hạng quá thấp. Ở đây, cái lớp mấy con, bên nam cũng vậy, mà bên nữ cũng vậy
Cho nên có một số người làm bài rất là xuất sắc, đầy đủ ý nghĩa; còn một số người được sắp xếp cái hạng mà gọi là Thầy nói liệt tuệ đó, nghĩa là trí tuệ không làm việc nói sơ sơ, coi như là liệt tuệ.
Những người đó sau cái thời gian tu Định Vô Lậu này mà tư duy như vậy thì Thầy sẽ cho họ vào một lớp riêng để giúp đỡ cho họ để tu để an ủi họ hơn là họ tu tới rốt ráo được. Nghĩa là làm sao giúp cho cái đặc tướng của họ tu cách gì cho đúng đặc tướng của họ, với cái khả năng của họ. Nếu là một người liệt tuệ phải cho tu cái pháp gì đúng với khả năng chứ bắt họ theo cái lớp này thì họ theo không kịp họ sẽ không đạt được.
Bởi vì bây giờ chúng ta thấy ở trong lớp chúng ta là 30 người hay là 40 người ở đây, mà cứ người nào cũng tu chứng hết thì chắc là không có đâu. Bởi vì qua những bài làm của mấy con rồi thì Thầy đã biết rằng số người mà để đạt được thì nó không nhiều đâu.
(45:00) Vì vậy mấy con cố gắng có gắng, mày mò triển khai tri kiến của mình; thì mà cái tri sự tiển khai tri kiến của mấy con được thì Thầy sẽ nâng lên cái trình độ của mấy con dần lên. Nếu mà mấy con không triển khai tri kiến của mấy con thì buộc lòng đặt cho mấy con vào một vị trí để hướng dẫn cho mấy con sống theo cái đặc tướng của mấy con. Nhưng mà cái sự rốt ráo để khi mấy con làm chủ được sự sống chết của mấy con thì chẳng được.
Nhưng mấy con sống được đạo đức không làm khổ mình khổ người, ở mức độ thôi cũng giúp cho mấy con được giải thoát. Nhưng mà đi tới nữa thì mấy con không đủ sức đi tới đâu. Bởi vì mấy con đã sanh ra một con người mà không chịu làm việc bằng tri kiến của mấy con thì vô lậu không có, mà vô lậu không có thì làm sao chứng được đạo quả của đạo Phật.
Bởi vì cái Định Vô Lậu từ tri kiến của chúng ta mà ra chứ không phải từ thiền định mà ra. Là do tri kiến chúng ta mà ra - Thiền định chẳng qua là Định Tỉnh mà thôi, để giúp chúng ta bình tĩnh trước các đối tượng, mà không có tri kiến thì nó Định Tỉnh như vậy nó chịu đựng tức là ức chế
Cho nên vì vậy mà nó Định Tỉnh được thì cái tri kiến mới hoạt động. Nó làm việc đem lại sự bình an cho chúng ta. Nó có hai phần nó rõ ràng. Vì vậy mà các con nghĩ rằng mình dốt thôi cứ ngồi im lặng giữ tâm mình bất động là đủ. Sự thật ra mấy con sẽ trở thành cây đá mất mà không phải là một con người. Con người phải có sự linh động của một sự hiểu biết.
Cho nên sự linh động hiểu biết đó, từ cái hiểu biết vô minh mà đi đến cái hiểu biết minh thì giúp cho mấy con được giải thoát. Các con nghe mười hai nhân duyên. Sau này, các con sẽ quán mười hai nhân duyên mấy con.
HẾT BĂNG